Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 09-12-2020

15:57, Thứ Tư, 9-12-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Công ty TNHH Tenma: 5 tỉ đồng chi khống vào túi ai?. 1

CHÍNH SÁCH MỚI 3

2.                Tài khoản ngân hàng mở từ xa giao dịch không quá 100 triệu đồng/tháng. 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

3.                IMF: Việt Nam cần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và nhà đầu tư. 4

4.                Nền kinh tế số Việt Nam thuộc nhóm “bứt phá” trên toàn cầu. 4

5.                Doanh nghiệp “khóc ròng” vì tiền thuê đất tăng phi mã. 5

6.                Thành phố Hồ Chí Minh tập trung cải thiện môi trường đầu tư. 5

QUẢN LÝ.. 6

7.                Mua bán xe máy cũ phải có… xác nhận độc thân: Người dân than ‘bị hành’ 6

8.                Luân chuyển công chức sang tư nhân, tìm người tài cho bộ máy. 8

9.                Các cơ quan, địa phương tại Quảng Trị chưa tự phát hiện hành vi tham nhũng. 8

10.            Hà Nội sẽ giảm hàng nghìn biên chế trong năm 2021. 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 9

11.            Bộ GD&ĐT đơn giản hóa và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính. 9

12.            Thí điểm không sử dụng thẻ BHYT giấy tại 10 tỉnh, thành. 10

13.            2,5 triệu người Hà Nội sẽ được cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip. 10

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 11

14.            Thu ngân sách 11 tháng đầu năm giảm gần 8%.. 11

15.            Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 80% kế hoạch năm.. 12

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 12

16.            12 năm tù cho nguyên cán bộ công an dùng thẻ ngành giả để lừa đảo. 12

17.            25 cảnh sát ở TP HCM bị đình chỉ công tác. 13

18.            Cần Thơ: Nguyên Phó Chủ tịch UBND quận bị khởi tố. 14

19.            Bạc Liêu sẽ xử lý hàng loạt người đứng đầu để xảy ra các khu dân cư tự phát 15

THẾ GIỚI 16

20.            Thủ tướng Rumania từ chức vì "hết cơ hội". 16

 TIÊU ĐIỂM

Công ty TNHH Tenma: 5 tỉ đồng chi khống vào túi ai?

Theo kết luận Thanh tra Bộ Tài chính chưa đủ căn cứ để khẳng định công chức thuế và hải quan tỉnh Bắc Ninh nhận hối lộ 5 tỉ đồng từ Công ty TNHH Tenma Việt Nam.

 Thanh tra Bộ Tài chính kết luận chưa đủ căn cứ để khẳng định công chức thuế và hải quan tỉnh Bắc Ninh nhận hối lộ 5 tỉ đồng từ Công ty TNHH Tenma Việt Nam (Tenma VN) khi tổng giám đốc và giám đốc nhân sự của công ty này đã về Nhật Bản.

 Số tiền này mới chỉ được xác định là các khoản chi khống trong nội bộ công ty... không có hóa đơn, hợp đồng mua bán.

 Đó là nội dung chính trong kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, đầu tháng 5.2020, một loạt hãng thông tấn của Nhật Bản đã đăng tin Công ty sản xuất nhựa Tenma (công ty mẹ của Tenma VN) có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) đã tự nguyện báo với công tố viên quận Tokyo về việc đã hối lộ 2 lần với tổng số tiền khoảng 25 triệu yen (hơn 5 tỉ đồng) cho một số quan chức hải quan và ngành thuế tại Bắc Ninh để được giảm thuế.

 Toàn bộ kết luận đã được báo cáo Thủ tướng và gửi cho Bộ Công an. Chúng tôi chưa đủ căn cứ để kết luận có hối lộ hay không. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tiếp tục phối hợp phía cảnh sát điều tra để làm rõ sự việc.

 Liên quan vụ việc, Tổng cục Hải quan đã quyết định tạm đình chỉ công tác 6 công chức, trong đó có ông Trần Thành Tô, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh (người ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra sau thông quan đối với Tenma VN). Tổng cục Thuế cũng đình chỉ 5 công chức, trong đó có ông Phạm Đức Thường, Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế, nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh.

 Theo Thanh tra Bộ Tài chính, trong thời kỳ kiểm tra sau thông quan từ tháng 2.2012 - 6.2017, Tenma VN đã nhập khẩu khuôn đúc tại 211 tờ khai với trị giá trên 18,6 triệu USD (khoảng 404 tỉ đồng) và đã xuất khẩu số hàng trị giá trên 22,76 triệu USD (hơn 493 tỉ đồng)… Việc kiểm tra của hải quan tỉnh Bắc Ninh chưa tổng hợp đầy đủ nội dung kiểm tra, có ngày làm việc nhưng không ghi nội dung làm việc cụ thể, không tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm của cuộc kiểm tra.

 Đáng chú ý, Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng Tenma VN là doanh nghiệp (DN) chế xuất nên không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu và việc khai báo của công ty này phù hợp với quy định của pháp luật. Tenma VN không trốn thuế trong quá trình nhập khẩu linh kiện để sản xuất, xuất khẩu khuôn đúc.

 Về chính sách thuế, từ tháng 8.2019, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra tại Tenma VN và đã truy thu số thuế thu nhập DN đối với dịch vụ sửa chữa khuôn không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thuế trên 387,7 tỉ đồng. Kết quả thanh tra chỉ rõ, đoàn kiểm tra còn một số tồn tại như ghi sai tên thành viên đoàn; ghi nhật ký đoàn kiểm tra không đúng với thực tế thực hiện; chưa phát hiện được chi phí bất hợp lý DN đã hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 là hơn 2 tỉ đồng. Đặc biệt, Trưởng đoàn kiểm tra (ông Nguyễn Đức Tuấn, Cục Thuế Bắc Ninh) đã chuyển cho công ty nhiều bản dự thảo biên bản kiểm tra thuế xác định không đúng số thuế mà công ty này phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế...

 Khoản thứ nhất 10 triệu yen (khoảng 2,1 tỉ đồng): năm 2017, kế toán trưởng của Tenma VN đã rút tiền từ ngân hàng về sau đó lập phiếu kế toán chi tạm ứng cho bà Lê Thị Chinh (bộ phận hành chính của công ty) ghi để mua vật tư và dụng cụ sửa chữa; lập các phiếu kế toán hoàn ứng và hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh nhưng không có chứng từ gốc (hóa đơn, hợp đồng mua bán).

 Danh sách những người ký tên trên phiếu chi tạm ứng gồm Tổng giám đốc Yoshida Haruhiko, kế toán, thủ quỹ… Ngày 30.3.2020, Tenma VN đã nộp tờ khai quyết toán thu nhập DN năm 2017 (bổ sung lần 2) loại trừ các khoản chi phí 2,1 tỉ đồng ra khỏi thu nhập chịu thuế năm 2017 và nộp bổ sung thuế gần 200 triệu đồng, tiền chậm nộp gần 35 triệu đồng.

 Khoản thứ 2 là 15 triệu yen (3 tỉ đồng), số tiền này được Tenma VN ghi chi cho Tổng giám đốc Yoshida để tạm ứng mua đồ. Công ty đã thực hiện tất toán số nợ bằng cách hạch toán vào chi phí khác để xác định kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019. Các chứng từ, phiếu kế toán đều không có hóa đơn, hợp đồng kèm theo. Đến tháng 3.2020, Tenma VN nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập DN năm 2019, cũng đã loại trừ 3 tỉ đồng này ra khỏi chi phí khi tính thu nhập chịu thuế.

 Thanh tra Bộ Tài chính khẳng định Cục Hải quan và Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh đã xử lý về thuế đảm bảo theo quy định của pháp luật, không làm thất thu tiền ngân sách nhà nước. Việc tạm ứng, thanh toán tạm ứng trong nội bộ của Tenma VN liên quan trực tiếp đến người của công ty.

 Tổng giám đốc Yoshida Haruhiko về Nhật từ năm 2019 đến thời điểm kết thúc thanh tra chưa sang Việt Nam. Ông Amano Kan, Giám đốc bộ phận hành chính hết nhiệm kỳ vào tháng 10.2019 và cũng đã rời Việt Nam. Do vậy, việc hối lộ chưa thể kết luận.

 Như vậy có thể thấy kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính chỉ rõ 5 tỉ đồng được chi khống (không chứng từ gốc), tuy nhiên phía Tenma VN cũng đã kê khai, loại bỏ ra khỏi chi phí và nộp bổ sung ngân sách, nộp phạt. Điều đó cũng đặt ra nghi vấn số tiền này được chi khống, rút ra để hối lộ hay phía ông tổng giám đốc, người của Tenma VN biển thủ rồi bỏ về Nhật Bản? (Thanhnien.vn 08/12, Anh Vũ) Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Tài khoản ngân hàng mở từ xa giao dịch không quá 100 triệu đồng/tháng

Việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử không áp dụng đối với tài khoản thanh toán chung, khách hàng cá nhân là người nước ngoài…

 Đây là một trong những nội dung tại Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, vừa được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh ký.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng đang chờ đợi thông tư về eKYC được ban hành để có hành lang pháp lý, quy định cụ thể, sau thời gian tiến hành thử nghiệm cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa, thay vì phải tới tận quầy giao dịch.

 Theo đó, thông tư 16 quy định rõ các ngân hàng triển khai mở tài khoản thanh toán cho khách hàng bằng phương thức điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phù hợp các quy định của pháp luật. Cảnh báo khách hàng về những hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử…

 "Ngân hàng thương mại căn cứ điều kiện công nghệ để đánh giá rủi ro, xác định phạm vi sử dụng và quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán mở bằng eKYC nhưng phải bảo đảm tổng hạn mức giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng" – Thông tư 16 nêu rõ.  Thông tư này có hiệu lực từ 5-3-2021. (Nld.com.vn 08/12)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

IMF: Việt Nam cần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và nhà đầu tư

Theo các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mục tiêu và nguyên tắc của quan hệ nhà đầu tư là sự minh bạch các thông tin dữ liệu và quyết định, khả năng tiếp cận với Chính phủ cũng như khả năng dự đoán được mức độ công khai thông tin và hành vi nhất quán của Chính phủ cũng như tính chính xác của dữ liệu. Tiếp đến là các hình thức của quan hệ nhà đầu tư, bao gồm trang web quản lý nợ, bài thuyết trình với nhà đầu tư, tham vấn thị trường…

 Trong bối cảnh đó, đại diện IMF cho rằng Việt Nam cần xây dựng được một đội ngũ cán bộ nắm vững về nghiệp vụ và thông lệ của thị trường vốn quốc tế, chủ động trong việc tiếp cận thị trường và có thể tiến hành các giao dịch ngay vào các thời điểm thuận lợi nhất. 

Bên cạnh đó, ông Long cũng thừa nhận kinh nghiệm của Việt Nam tiếp xúc với các nhà đầu tư hiện nay còn khá hạn chế, chủ yếu thông qua các đoàn quảng bá không kèm phát hành hoặc các hội nghị xúc tiến đầu tư. Mặt khác, các hoạt động này chưa được duy trì thường xuyên và hình thức tiếp cận với nhà đầu tư chưa đa dạng. Chưa kể, các cán bộ thuộc cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi về cân đối kinh tế vĩ mô chưa được đào tạo về phương pháp, cách thức tiếp cận với nhà đầu tư cũng như việc phối hợp với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong quá trình đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia.

 Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia đến từ IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cho cán bộ từ các cơ quan Chính phủ có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, tổng hợp báo cáo, công khai các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, chỉ tiêu giám sát vĩ mô... để cải thiện việc tiếp cận cũng như quan hệ với nhà đầu tư. Các hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ khung tổng thể cải cách công tác quản lý nợ của Bộ Tài chính.

 Cũng tại hội thảo, đại diện các cơ quan, bộ, ngành đã thảo luận về thực tiễn triển khai mối quan hệ với nhà đầu tư hiện nay, quy trình phối hợp giữa các cơ quan và các quy định về công khai báo cáo, số liệu... (VietnamPlus.vn 07/12)Về đầu trang

Nền kinh tế số Việt Nam thuộc nhóm “bứt phá” trên toàn cầu

Mới đây, trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) đã hợp tác cùng Mastercard công bố Chỉ số Thông minh Kỹ thuật số (Digital Intelligence Index – DII). Đây là chỉ số ghi nhận những tiến bộ mà các quốc gia đã đạt được trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số. 

Theo đó, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia và vùng lãnh thổ: Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông là những khu vực được đánh giá có nền kinh tế số năng động nhất. Báo cáo nhấn mạnh, những quốc gia và vùng lãnh thổ này có nguồn nhân lực lớn, hợp tác R&D tích cực giữa ngành công nghiệp và giới học viện, cũng như thành tích mạnh mẽ trong việc tạo ra và đưa các sản phẩm kỹ thuật số trở thành xu hướng.

 Ngoài ra, Hoa Kỳ, Đức, Israel và một số các quốc gia khác có nền kỹ thuật số tiên tiến, đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới. Nhóm quốc gia Australia, New Zealand và Nhật Bản được ghi nhận có nền tảng kinh tế số vững chắc, có tính thích nghi cao với kỹ thuật số. Song, động lực phát triển số tại các quốc gia này đang chậm lại. Nhìn chung, các nước này có xu hướng đánh đổi tốc độ lấy tính bền vững và thường đầu tư vào việc hợp tác kỹ thuật số và xây dựng thể chế mạnh mẽ.

 Nhóm nền kinh tế bứt phá tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Báo cáo nhận định, đây là nhóm quốc gia đang phát triển nhanh chóng, có động lực tăng trưởng lớn, là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc được ghi nhận có thái độ ủng hộ mạnh mẽ đối với triển vọng nền kinh tế số, mở rộng áp dụng kỹ thuật số. 

Trưởng bộ phận Kinh doanh Toàn cầu tại Fletcher, ông Bhaskar Chakravorti kết luận: "Đại dịch chính là phép thử thuần túy nhất về sự tiến bộ của toàn cầu trong công cuộc số hóa. Từ đó có thể thấy rõ hơn về vai trò của nền kinh tế số trong quá trình phục hồi kinh tế với bối cảnh đầy biến động trên toàn cầu". (Cafef.vn 08/12, Hà Trần) Về đầu trang

Doanh nghiệp “khóc ròng” vì tiền thuê đất tăng phi mã

Chỉ trong vòng mấy năm, tiền thuê đất của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp đã tăng đến gấp 3 - 4 lần, thậm chí có tỉnh thành tăng tới cả chục lần.

 Cùng với khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng từ COVID-19, tiền thuê đất tăng nhanh đã khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn.

 Tuy nhiên, từ năm 2005, khi Nghị định 142 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước ra đời đã quy định tiền thuê đất chỉ ổn định trong 5 năm, sau đó phải tính lại "trên cơ sở tham chiếu giá thị trường của đất ở khu vực tiếp giáp". Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp không chủ động tính toán được chi phí sản xuất.

 Theo quy định, cho phép doanh nghiệp được chọn 2 phương án đóng tiền thuê đất, có thể đóng một lần cho 50 năm và đóng tiền thuê từng năm. Tuy nhiên, lại không có quy định cụ thể doanh nghiệp nào được chọn hình thức nào, mà tuỳ vào từng địa phương, tuỳ dự án. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng, không tính toán được trước số tiền phải nộp.

 Ngoài việc giá cho thuê đất liên tục "nhảy múa", một số địa phương chỉ cho phép doanh nghiệp nộp tiền thuê đất hàng năm, không phải nộp luôn trong 50 năm. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nộp tiền thuê đất hàng năm sẽ không được cấp sổ hồng, dẫn tới việc không có tài sản để có thể thế chấp vay vốn từ ngân hàng. (Vtv.vn 08/12, Thu Hương – Hoàng Nga – Ngọc Minh) Về đầu trang

Thành phố Hồ Chí Minh tập trung cải thiện môi trường đầu tư

Ngày 8/12, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp lần thứ 23, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu đã tiến hành chất vấn Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố về những vấn đề cử tri quan tâm. 

Thành phố có 40.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 1 triệu tỷ đồng; thu hút 4 tỷ USD đầu tư nước ngoài; 1.300 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có tổng vốn đăng ký 700 triệu USD…

 Cũng trong năm 2020, Thành phố phát huy tốt sự năng động, sáng tạo, đi đầu trong các chủ trương lớn được Trung ương chấp thuận như Đề án tổ chức chính quyền đô thị; Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Đề án thành lập thành phố Thủ Đức, Đề án thành lập trung tâm tài chính được Chính phủ ủng hộ đưa vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 tầm nhìn năm 2045. 

Mục tiêu tổng quát của năm 2021 là tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ đề ra, tập trung kiểm soát tốt lây nhiễm COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế trên các ngành, lĩnh vực; huy động hiệu quả các nguồn lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

 Thành phố sẽ tập trung quán triệt thực hiện nhiệm vụ này với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân, kiên quyết không để dịch, bệnh bùng phát trở lại nhất là tại trường học, khu y tế, dân cư.

 Nhằm làm tốt vai trò điều hành, ổn định phát triển kinh tế, trong năm 2021, Thành phố sẽ tập trung phát huy có hiệu quả các ngành kinh tế chủ lực có hàm lượng giá trị gia tăng cao; tổ chức Diễn đàn kinh tế năm 2021 phù hợp với tình hình dịch COVID-19; triển khai chương trình chuyển đổi số, kinh tế số; thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới khởi nghiệp.

 Thành phố cũng đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn; thúc đẩy phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh dịch COVID-19; phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp…

 Phát huy hiệu quả gói hỗ trợ lần một (có tổng giá trị 661 tỷ đồng), trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lần 2, trong đó dự kiến hỗ trợ tín dụng lãi suất bằng 0 cho các nhóm ngành du lịch, dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp may mặc, doanh thu có mức doanh thu sụt giảm cao…

 Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới năng lực làm việc của chính quyền; nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người có quyền sử dụng đất; xây dựng và công bố danh mục dự án mời gọi đầu tư theo từng giai đoạn… (VietnamPlus.vn 08/12) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Mua bán xe máy cũ phải có… xác nhận độc thân: Người dân than ‘bị hành’

Người dân TP.HCM than ‘bị hành’ khi làm thủ tục mua bán xe máy cũ tại các phòng công chứng yêu cầu phải có xác nhận độc thân hoặc cả vợ chồng cùng ký tên, dù giá trị chiếc xe cũ chỉ vài ba triệu đồng.

 Trong vai người cần làm thủ tục mua bán xe máy cũ, PV liên hệ đến Văn phòng công chứng N.T (Q.1) thì được hướng dẫn: Để công chứng mua bán xe máy sang tên, bắt buộc bên bán phải có xác nhận độc thân.

 Công chứng viên giải thích: “Từ tháng 4.2019, trường hợp người đi bán xe máy có gia đình thì phải có hai vợ chồng cùng ký và có giấy đăng ký kết hôn. Chưa kết hôn thì buộc phải có xác nhận độc thân xin ở UBND phường, xã nơi họ thường trú. Đây là quy định của Sở Tư pháp, trước tháng 4.2019 thì ai đứng tên trên cà vẹt xe đều có thể thực hiện giao dịch”.

 PV tiếp tục đặt câu hỏi: “Nếu xe mua từ khi chưa kết hôn, giờ kết hôn rồi muốn bán lại thì phải làm sao?”. Công chứng viên hướng dẫn: “Nếu bên bán kết hôn lần đầu thì phải chứng minh được tài sản đó tạo lập trước hôn nhân. Hoặc phải xin được tờ giấy xác nhận độc thân tại thời điểm sở hữu xe kia thì mới được đứng tên một mình ký bán. Hoặc người bán có thể sử dụng giấy tờ cũ, giao dịch mua bán liên quan đến tình trạng độc thân trước đó”.

 Nghe có vẻ “quy trình”, PV ngao ngán nói: “Rắc rối chị nhỉ?” thì công chứng viên đáp: “Cũng không rắc rối gì, đúng thủ tục phải vậy, sau này không tranh chấp gì. Nếu không thì có cách thứ hai là liên hệ phòng công chứng khác vì quy định hai vợ chồng cùng ký tên mua bán xe cũng có văn phòng công chứng không áp dụng”.

 Ngạc nhiên, PV tiếp tục hỏi: “Sao Sở Tư pháp gửi xuống mà nơi áp dụng nơi không được”. Công chứng viên cho hay: “Sở đưa văn bản nhưng việc áp dụng theo Sở hay không tùy nơi, không có chế tài”.

 Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, ngày 28.2.2019, Sở có gửi bảng tổng hợp các vấn đề lưu ý trong hoạt động công chứng, đính kèm công văn 1618 của Sở gửi các tổ chức hành nghề công chứng/ công chứng viên.

 Theo đó, Sở giải thích, nhiều hợp đồng mua bán xe máy chỉ có bên bán (người đứng tên trên Giấy đăng ký xe) ký giao dịch và không có giấy tờ chứng mình quyền sở hữu riêng đối với tài sản của bên bán. (Các trường hợp này đều bị Đoàn thanh tra của Bộ Tư pháp lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định của NĐ110/2013 ngày 24.9.2013 của Chính phủ, được sửa đổi bổ sung bởi NĐ67/2015 ngày 14.8.2015 của Chính phủ).

 Sở Tư pháp cũng dẫn quy định: “Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật” (Khoản 2 Điều 34).

 Bên cạnh đó, Sở viện dẫn tiếp theo Điều 35 của luật này: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây…”. Khoản 3 Điều 213 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định: “Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”.

 “Quy định này phát sinh vấn đề độc thân thì phải về nơi đăng ký thường trú xin giấy, không thì hai vợ chồng phải cùng ra phòng công chứng ký tên trong khi giá trị giao dịch không lớn. Do đó, không nên làm khó người dân bằng những quy định mà biết chắc sẽ tốn nhiều thời gian của người dân như thế này mà cần có cách giải quyết hợp lý hơn để vẫn đáp ứng quy định pháp luật, vừa tạo điều kiện thuận tiện cho người dân”, LS Phát nhận xét. (Thanhnien.vn 08/12, Vũ Phượng) Về đầu trang

Luân chuyển công chức sang tư nhân, tìm người tài cho bộ máy

Việc luân chuyển cán bộ qua các vị trí việc làm khác nhau đang diễn ra chủ yếu từ TƯ về địa phương và ngược lại trong lĩnh vực công. Có thể thấy chưa bao giờ công tác cán bộ được Đảng đặt lên vị trí hết sức quan trọng, cấp bách như thời gian qua. 

Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành TƯ khóa 12 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã chỉ rõ những mặt được và những hạn chế của công tác cán bộ cùng mục tiêu và các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng.

 Trong đội ngũ nhân lực có 3 nhóm cần có sự ưu tiên chiến lược để phát triển: doanh nhân, nhà giáo và cán bộ, công chức. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức là những người tham mưu, phân tích, xây dựng chính sách, cơ chế và quản lý giúp cho toàn hệ thống vận hành hiệu quả cao vì một nhà nước kiến tạo.

 Chúng ta chứng kiến hàng chục dự án hàng nghìn tỷ bỏ hoang, thua lỗ lãng phí do các công chức của bộ ngành xây dựng, nhiều văn bản thiếu bao quát nội dung, những tác động ở nhiều khía cạnh khác nhau. Kết quả là tính khả thi kém, chồng lấn các qui định, làm rồi lại sửa đi sửa lại.

 Hiện nay, theo mẫu đánh giá cán bộ công chức cuối năm, các tiêu chí còn khá chung chung, không thật cụ thể. Cuối năm đánh giá công chức thì hầu hết là lao động tiên tiến, nhưng chất lượng và hiệu quả công việc thì kém phần "tiên tiến". 

Kinh nghiệm các quốc gia OECD, công chức cần có gần 30 năng lực gồm: Đạo đức và giá trị, lãnh đạo, tư duy chiến lược, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, tính chuyên nghiệp, quan hệ công chúng, tự phát triển, điều phối, trung thành và trung thực, cam kết phục vụ, thông tin, năng lực số, năng lực chính trị...

 Những hạn chế của đội ngũ công chức chủ yếu do chúng ta thiếu kế hoạch quản lý chiến lược nguồn nhân lực. Những vấn đề liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, đào tạo huấn luyện, đãi ngộ, bổ nhiệm còn rất nhiều hạn chế như Nghị quyết 26-NQ/TW đã chỉ ra. (Vietnamnet.vn 08/12, TS. Hoàng Ngọc Vinh)Về đầu trang

Các cơ quan, địa phương tại Quảng Trị chưa tự phát hiện hành vi tham nhũng

Tại Kỳ họp thứ 19 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VII diễn ra từ ngày 7.12 đến 9.12, UBND tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

 Theo báo cáo, trong năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thường xuyên tự kiểm tra trong nội bộ thông qua Ban Thanh tra nhân dân, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, các cơ quan, địa phương, đơn vị chưa tự phát hiện hành vi tham nhũng.

 Tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu của công tác phòng chống tham nhũng, UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng công tác phòng về cơ bản đã thực hiện và đạt hiệu quả tốt. Công tác chống thì đã có nhiều biện pháp cụ thể, kịp thời giải quyết các vụ việc tố cáo, tin báo tội phạm về tham nhũng; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả tốt, song các hành vi tham nhũng vẫn tiềm ẩn phức tạp, việc truy tố xét xử các vụ án còn kéo dài thời gian. (Laodong.vn 08/12, Hưng Thơ) Về đầu trang

Hà Nội sẽ giảm hàng nghìn biên chế trong năm 2021

UBND TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục giảm hàng nghìn biên chế công chức, viên chức. Về biên chế công chức, Hà Nội sẽ thực hiện giảm đúng theo số biên chế Bộ Nội vụ giao tại Quyết định số 796/QĐ-BNV ngày 13/10/2020 về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của TP (giảm 115 biên chế công chức, tỷ lệ 1,43% so với năm 2020 và 1,3% so với năm 2015).

 Cụ thể, trong năm 2020, UBND TP Hà Nội báo cáo HĐND TP Hà Nội xem xét về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp như sau: Biên chế hành chính là 9.003 biên chế, trong đó, biên chế công chức: 7.927 biên chế, giảm 115 biên chế so với năm 2020. Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 1.076 chỉ tiêu, giảm 361 chỉ tiêu so với năm 2020. Biên chế sự nghiệp là 135.383 biên chế, trong đó, biên chế viên chức: 116.380 biên chế, giảm 6.385 biên chế so với năm 2020, gồm giảm trừ từ nguồn biên chế dự phòng còn chưa sử dụng: 2.585 biên chế.

 Tính đến năm 2020, biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm được 334.548 người; so với yêu cầu của Bộ Chính trị, trong năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người. (Vtv.vn 07/12, Minh Đức) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ GD&ĐT đơn giản hóa và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính

Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính được Bộ GD&ĐT báo cáo tại buổi làm việc sáng 8/12 với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT.

 Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã đơn giản hóa đối với thủ tục xét, cấp học bổng chính sách cho học sinh sinh viên, tiết kiệm được hơn 745 triệu đồng (tương đương 15,7%) chi phí tuân thủ thủ tục hành chính so với trước khi đơn giản hóa. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT còn đơn giản hóa và cắt giảm 3 thủ tục hành chính tại 2 Nghị định và 4 Thông tư.

 Như vậy, đến thời điểm hiện nay, Bộ GD&ĐT cắt giảm tổng số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được gần 26 tỷ đồng (tương đương khoảng 28,89%).

 Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 19/2020/TT- BGD&ĐT quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Bộ đã đơn giản hóa và cắt giảm được từ 85 chế độ báo cáo định kỳ xuống còn 20 chế độ báo cáo. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiến hành việc số hóa 20 chế độ báo cáo định kỳ này. 

Chỉ sau 2 tuần Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 1400 về Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục. Bộ cũng đã thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Bước đầu, Bộ GD&ĐT đã rà soát, lập danh mục các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, gồm: 214 thủ tục hành chính; 9 nhóm quy định; 1 nhóm ngành nghề đầu tư kinh doanh khác; 1 nhóm quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc và 20 chế độ báo cáo định kỳ.

 Bộ GD&ĐT đồng thời đã thống kê, cập nhật trên phần mềm do Văn phòng Chính phủ cung cấp đồng thời xây dựng phương án đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trước 25/12/2020. (Giaoducthoidai.vn 08/12, Hải Bình)Về đầu trang

Thí điểm không sử dụng thẻ BHYT giấy tại 10 tỉnh, thành

Người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT - Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có thể sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID.

 Như đã đưa tin trước đó, từ 1/4/2021, người dân sẽ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế mới. Mẫu thẻ mới vừa được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành.

 Ứng dụng bảo hiểm xã hội số có tên gọi VssID được cung cấp trên 2 kho ứng dụng App Store - hệ điều hành IOS và Google Play - hệ điều hành Android. Với ứng dụng này, người sử dụng có thể theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đồng thời tra cứu các thông tin về mã số bảo hiểm xã hội, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và các điểm thu, đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình.

 Qua ứng dụng VssID, người dùng còn có thể giám sát người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, góp phần hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp. (Vtv.vn 07/12) Về đầu trang

2,5 triệu người Hà Nội sẽ được cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip

Theo dự kiến, Bộ Công An sẽ cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip từ ngày 1/1/2021. Hiện nay, Công an thành phố Hà Nội và một số đơn vị khác đã bắt đầu lập danh sách những người đủ điều kiện được cấp CCCD gắn chip, chuẩn bị triển khai làm thẻ. 

Tại Hà Nội, người dân có thể làm thẻ CCCD gắn chip theo cấp phường thay vì cấp quận như trước đây. Cơ quan công an lập danh sách theo từng tổ dân phố, cơ quan, trường học..., đồng thời lịch cấp cũng linh động và vật tư được dự trù để đủ cấp cho khoảng 2,5 triệu người. Các phường dự kiến sẽ cấp thẻ CCCD gắn chip cho người dân có nhu cầu phục vụ liên tiếp các ngày trong tuần, thời gian tiếp nhận hồ sơ tăng lên 10 giờ thay vì chỉ 8 giờ hành chính. Trường hợp cấp thẻ căn cước tại chỗ ở vì lí do đặc biệt như người già, gia đình chính sách, người ốm đau, bệnh tật..., chính quyền địa phương sẽ tổng hợp và lên danh sách đề xuất với công an cấp quận.

 Thẻ CCCD gắn chip sẽ được bắt đầu triển khai trên toàn quốc từ ngày 1/1/2021 theo kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7/2021. Quy trình làm thẻ CCCD gắn chip tổng cộng gồm 7 bước. 

Công dân đem theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND), thẻ CCCD hoặc giấy tờ chứng minh thông tin của bản thân. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành đối chiếu, xác minh thông tin trên giấy giờ đã xuất trình. Nếu công dân chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số, thẻ CCCD gắn mã vạch sang thẻ CCCD gắn chíp, cán bộ sẽ thu hồi thẻ cũ và xử lý theo quy định chi tiết của Bộ Công an.

 Sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu CMND 9 số còn rõ nét thì cán bộ công an trả lại CMND chưa cắt góc cho công dân để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ CCCD, đồng thời đưa giấy hẹn cấp thẻ CCCD mới. Khi tiến hành trả thẻ, công dân trình giấy hẹn trả thẻ CCCD cùng với CMND, cán bộ sẽ cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND cũ, mỗi cạnh góc vuông là 2cm. Tiếp đó, cán bộ ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ CCCD. Trường hợp CMND 9 số không rõ nét, cán bộ công an thực hiện thu, hủy, ghi vào hồ sơ và cấp giấy xác nhận số CMND cho công dân.

 Với thẻ CMND 12 số và CCCD có gắn mã vạch, quy trình thu, nộp cũng tương tự. Điểm khác duy nhất là khi cắt góc, mỗi cạnh góc vuông là 1.5cm. Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD qua đường chuyển phát, cơ quan quản lý, tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả CMND hoặc thẻ CCCD gắn mã vạch đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ.

 Tiếp sau đó, cán bộ nhập thông tin về loại cấp thẻ CCCD và đặc điểm nhận dạng của công dân, tiến hành lấy vân tay bằng dụng cụ chuyên dùng. Ảnh chân dung cho thẻ CCCD gắn chip là ảnh màu, phông trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục lịch sự, không được sử dụng trang phục đặc thù cho nghề nghiệp, có thể mặc lễ phục tôn giáo. Công dân nhận phiếu thu nhận thông tin, đối chiếu trước khi lấy giấy hẹn cấp thẻ. (Cafef.vn 08/12, Huy Hoàng) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thu ngân sách 11 tháng đầu năm giảm gần 8%

Ngày 8/12, Bộ Tài chính cho biết, số thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2020 ước đạt 1.260,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2019.

 Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên thu ngân sách giảm so với cùng kỳ những năm gần đây. Tuy nhiên, nhờ chủ động trong điều hành nên cân đối ngân sách trung ương và ngân sách của các địa phương vẫn được đảm bảo. Theo đó, thu ngân sách trung ương đạt 77,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 91,1% dự toán.

 Cụ thể, thu nội địa đạt 1.067 nghìn tỷ đồng, bằng 84,4% dự toán, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019; thu từ dầu thô đạt 31,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,5% dự toán, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2019; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 161,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2019.

 Tổng chi ngân sách nhà nước 11 tháng đạt 1.369,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019.

 Theo Bộ Tài chính, đến nay, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 17,9 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; ngân sách trung ương đã sử dụng hơn 4,54 nghìn tỷ đồng dự phòng để chi khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và dịch tả lợn châu Phi (trong đó: hỗ trợ 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả bão, lũ và 11 tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả mưa đá, lũ quét, sạt lở đất... tổng số tiền 1,63 nghìn tỷ đồng).

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thuế, phí và lệ phí đã ban hành nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc thủ tục hành chính thuế cho người dân và doanh nghiệp.... (Vtv.vn 08/12) Về đầu trang

Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 80% kế hoạch năm

Chưa bao giờ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công lại tăng mạnh như hiện nay, khi 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đã đạt 79,3% kế hoạch năm, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

 Những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng khi 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406.800 tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 79,2% và tăng 7%). Có 15 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/11/2020 đạt trên 75%, trong đó 9 bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%.

 Một số dự án đạt kết quả tốt như: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, tổng số vốn đã giải ngân đạt trên 77%. Ba dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công là Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu giải ngân cũng đạt trên 75%... 

Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ qua (2011- 2020), song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, con số này vẫn chưa đạt như kỳ vọng, mới chỉ có hơn 400.000 tỷ đồng được giải ngân sau 11 tháng, vẫn còn 200.000 tỷ đồng nữa đang đợi được đưa vào nền kinh tế. Đặc biệt là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn lại tương đối lớn. (Congthuong.vn 08/12)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

12 năm tù cho nguyên cán bộ công an dùng thẻ ngành giả để lừa đảo

Ngày 7/12, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1990, nguyên cán bộ Công an phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

 Cáo trạng cũng như diễn biến phiên tòa cho thấy, năm 2015, Nguyễn Đức Nghĩa là cán bộ Công an phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm nhưng chưa được cấp Giấy chứng minh Công an nhân dân (CAND). Do cần tiền chi tiêu, Nghĩa đã hỏi vay tiền một người bạn quen biết qua các mối quan hệ xã hội tên là Phương.

 Phương nói có một người bạn tên là Hằng sẽ cho Nghĩa vay tiền nhưng phải đặt Giấy chứng minh CAND. Thấy Nghĩa chưa được cấp Giấy chứng minh CAND, Phương nói có thể giúp Nghĩa làm thẻ ngành với giá 2 triệu đồng. Nghĩa đồng ý và đưa ảnh thẻ cùng các thông tin cá nhân cho Phương.

 Khi có được thẻ ngành giả, Nghĩa mang cầm cố với người tên Hằng để vay 40 triệu đồng. Đến đầu năm 2016, Nghĩa đã trả Hằng số tiền trên. Sau đó, Phương vẫn giữ thẻ ngành giả của Nghĩa. Về phía cá nhân Nghĩa thì cũng không lấy lại chiếc thẻ ngành giả này.

 Tháng 8/2016, Phương điện thoại nhờ Nguyễn Đức Nghĩa đứng tên thuê hộ Phương một xe ô tô tự lái tại Công ty TNHH Ngô Minh (trụ sở tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) để mang đi cầm cố lấy tiền trả nợ.

 Nghĩa đồng ý, sau đó cùng Phương dùng thẻ ngành giả đã làm trước đó để thuê xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry. Sau khi nhận xe, Nghĩa giao xe cho Phương để mang đi cầm cố lấy tiền chi tiêu vào mục đích cá nhân.

 Hết hạn thuê xe, Phương và Nghĩa thỏa thuận với Công ty Ngô Minh trả tiền thuê và xin gia hạn thuê xe để che giấu việc đã cầm cố xe ô tô. Đến giữa tháng 10/2016, Phương và Nghĩa không trả tiền nữa nên Công ty Ngô Minh đã làm đơn tố giác Nghĩa chiếm đoạt chiếc xe trên.

 Quá trình điều tra, Công an quận Cầu Giấy xác định, Nghĩa sử dụng Giấy chứng minh CAND giả để thuê xe ô tô của Công ty Ngô Minh, sau đó cầm cố, không trả lại xe và bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

 Ngày 28/6/2019, Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố vụ án và ra quyết định truy nã Nguyễn Đức Nghĩa. Đến ngày 9/1/2020, Nghĩa đến Công an quận Cầu Giấy đầu thú. Vụ án được chuyển lên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền. 

Quá trình điều tra, cảnh sát đã đến nơi được xác định là chỗ ở của Phương nhưng qua xác minh cho thấy người phụ nữ tên Phương dùng một chứng minh thư không có thực để thuê nhà. Chủ căn chung cư cũng không biết lai lịch của Phương. Cảnh sát cũng chưa xác định được Phương đã cầm cố chiếc Toyota Camry cho ai nên tách hồ sơ để điều tra xử lý Phương sau.

 Sau khi xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa 9 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 3 năm tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", tổng hợp hình phạt là 12 năm tù. (Thanhtra.com.vn 07/12) Về đầu trang

25 cảnh sát ở TP HCM bị đình chỉ công tác

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP HCM, cho biết đã đình chỉ 25 cán bộ Công an phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú, trong đó khởi tố 8 người.

 "Những người bị khởi tố vì xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Hành vi đó phải được xử lý nghiêm khắc bằng pháp luật", thiếu tướng Lê Hồng Nam cho biết tại buổi họp báo về Kết quả công tác nổi bật của lực lượng công an trong năm 2020 do Bộ Công an tổ chức, chiều 7/12.

 Gần hết cán bộ Công an phường Phú Thọ Hoà bị cho là có liên quan đến việc nhận tiền để thả người vi phạm. Trong 8 người bị bắt về hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ có ông Phạm Thanh Tuấn (nguyên thiếu tá, Trưởng Công an phường); Lê Văn Quý và Lê Văn Hoà (cùng nguyên trung tá, Phó Công an phường).

 Đối với chỉ huy các cấp của Công an quận Tân Phú, Công an TP HCM đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm quản lý về mặt hành chính, sau đó sẽ làm rõ có hay không sai phạm. "Vụ án mới được phát hiện, quá trình điều tra thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ mới xem xét, xử lý", tướng Nam nói.

 Cũng tại buổi họp báo, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết công an nhân dân đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ, vượt các chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra trong công tác phòng chống tội phạm. Lực lượng công an đã mở 4 đợt cao điểm tấn công "đánh đúng, đánh trúng" vào các đường dây tội phạm; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ.

 Trong năm qua 14 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh; 181 người khác bị thương trong khi làm nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự và giúp người dân vượt qua khó khăn. (Vnexpress.net 07/12, Quốc Thắng) Về đầu trang

Cần Thơ: Nguyên Phó Chủ tịch UBND quận bị khởi tố

Ông Nguyễn Văn Tuấn bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

 Ngày 7/12, Công an thành phố Cần Thơ cho biết cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Việt Hòa (SN 1976), nguyên Tổ trưởng Tổ đo đạc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Thủy do cùng vi phạm trên.

 Theo TTXVN, kết quả điều tra cho thấy, trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, ông Nguyễn Văn Tuấn đã ký các quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng 33 thửa đất không phù hợp quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015 - 2020, kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015-2017 của quận, với diện tích hơn 10.800 m2, trị giá hơn 5,1 tỷ đồng.

 Ông Tuấn cũng ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với Nghị quyết HĐND đối với 6 thửa đất, diện tích gần 4.000 m2, trị giá hơn 4,8 tỷ đồng, đủ định lượng về diện tích, giá trị quyền sử dụng đất để xử lý hình sự.

 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ nhận định, ông Tuấn ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó ký cấp giấy phép xây dựng là chưa đúng về căn cứ, chưa làm hết trách nhiệm, dẫn đến phá vỡ quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, gây thiệt hại cho Nhà nước.

 Quận Bình Thủy đã buông lỏng quản lý, để một số cá nhân san lấp rạch, hình thành khu dân cư tự phát.

 Năm 2019, ông Nguyễn Văn Tuấn và ông Lê Tâm Niệm (nguyên Chủ tịch UBND quận Bình Thủy) đã bị UBND thành phố Cần Thơ kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Ông Tuấn cùng ông Niệm sau đó bị điều chuyển sang các công tác khác. 

Liên quan đến sai phạm đất đai tại quận Bình Thủy, trước đó, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ đề nghị truy tố bị can đối với:

 - Lê Văn Vũ (SN 1976, Trưởng phòng, sau đó là Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường).

 - Huỳnh Trung Thanh (sinh năm 1967, Quyền Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, sau này là Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Thủy).

 - Lê Văn Trứ (SN 1984, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận Bình Thủy).

 - Lê Hồng Khánh (SN 1982, chuyên viên).

 - Trần Tuấn Anh (SN 1986, nhân viên hợp đồng Phòng Tài nguyên và Môi trường).

 Những người này được xác định không thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ đúng quy định, tham mưu để lãnh đạo UBND quận Bình Thủy ra quyết định chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trái quy định. (Vtv.vn 07/12) Về đầu trang

Bạc Liêu sẽ xử lý hàng loạt người đứng đầu để xảy ra các khu dân cư tự phát

Bị truy trách nhiệm để 16 khu dân cư tự phát và trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu Huỳnh Quốc Ca cho rằng đây là trách nhiệm của người dân và chính quyền địa phương. Chủ tọa cho rằng cách trả lời này chưa thật sự ổn vì trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng là của ngành chuyên môn.

 Tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, trong phần chấn vấn sáng ngày 8.12, vấn đề khu dân cư tự phát, trật tự xây dựng mà trước đó Lao Động đã thông tin được các đại biểu hết sức chú ý.

 Về nguyên nhân, ông Ca cho rằng việc tách thửa phần lớn được thực hiện trước khi có quyết định diện tích tối thiểu; nhận thức của cán bộ, công chức phụ trách quản lý của địa phương hiểu sai về quy định công trình được miễn phép xây dựng dẫn đến thiếu kiếm tra, xử lý các công trình xây dựng tại các khu dân cư tự phát ở nông thôn.

 Theo Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu, các sở, ngành chức năng chưa thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong lĩnh vực quản ly nhà nước của ngành… 

Không đồng tình với cách trở lời chung chung, đại biểu Hồ Thị Tuyết Nhung đề nghị nói rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề quản lý quy hoạch.

 Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều thông tin: “UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra, giao cho Thanh tra tỉnh thanh tra. Dự thảo kết luận đã có, trong đó đề nghị xử lý rất nhiều người đứng đầu. UBND tỉnh sẽ cương quyết xử lý, lập lại trật tự trong xây dựng, nhất là các khu dân cư tự phát”.

 Phát biểu kết thúc phần chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu bà Lê Thị Ái Nam khẳng định: “Để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, các khu dân cư tự phát, trách nhiệm trước hết là của Sở Xây dựng. Khu dân cư tự phát không thể một hai ngày là hình thành mà có khi cả năm, nhiều năm, nên để ra tình trạng này là khó chấp nhận”. (Laodong.vn 08/12, Nhật Hồ) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thủ tướng Rumania từ chức vì "hết cơ hội"

Euronews ngày 8/12 đưa tin, Thủ tướng Rumania Ludovic Orban đã quyết định từ chức sau khi Đảng Tự do Dân tộc (PNL) thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội.

 Thủ tướng Rumania Ludovic Orban - người đứng đầu đảng PNL, đã nhanh chóng tuyên bố từ chức khi cho rằng ông đã hết cơ hội cho một nhiệm kỳ mới, sau khi đảng PNL không thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 7/12. 

Theo đó, đảng PNL chỉ đứng thứ 2 với 26% số phiếu, ít hơn phe đối lập là Đảng Dân chủ Xã hội (PSD) gần 4% phiếu bầu.

 Ông Orban nêu rõ, việc từ chức là nhằm thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán về việc thành lập chính phủ tiếp theo và ông sẽ vẫn tham gia vào việc thành lập liên minh cầm quyền trong tương lai bao gồm cả Đảng trung hữu.

 Giới chuyên gia bình luận, việc Thủ tướng Orban từ chức có thể sẽ giúp tiến trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh trở nên dễ dàng hơn, bởi trước đó, một trong những đảng mà PNL có thể bắt tay là Liên minh những người Rumania tiến bộ (USR-Plus) đã tuyên bố muốn tìm ra một nhân vật đáng tin cậy và có thể thổi một luồng gió mới cho Rumani giữ cương vị thủ tướng.

 Được biết, sau khi ông Orban từ chức, Tổng thống Klaus Iohannis đã bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Nicolae Ciuca làm Thủ tướng lâm thời cho đến khi chính phủ mới được thành lập. (Cand.com.vn 08/12) Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Các tin khác