Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 17-9-2020

8:53, Thứ Sáu, 18-9-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Nhân sự chủ chốt- nhìn từ Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở. 1

2.                Hai cán bộ tỉnh uỷ Gia Lai bị kỷ luật: Đã tự kiểm điểm, mong được tái cử. 3

3.                Hà Nam: Kinh nghiệm tổ chức đại hội cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020-2025  4

CHÍNH SÁCH MỚI 5

4.                Hà Nội và TP.HCM được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc sở. 5

TIN QUỐC HỘI 6

5.                Hoàn thiện pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. 6

6.                Cần cân nhắc rất kỹ việc tách thành 2 luật từ Luật Giao thông đường bộ. 6

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 7

7.                Quảng Ninh: Phó Chủ tịch tỉnh trực tiếp giải quyết thủ tục đầu tư cho Vingroup. 7

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

8.                Có nên giảm thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp?. 7

9.                Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tiếp tục tăng. 8

10.             Bộ trưởng NN&PTNT: “Soi kính hiển vi” cũng không thấy sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu  9

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 10

11.             Tham nhũng vặt, tác hại lớn! 10

QUẢN LÝ.. 12

12.             Đề xuất nghỉ 4 ngày dịp Quốc khánh năm 2021. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

13.             Cán bộ thuế sẽ làm việc từ xa qua hệ thống xử lý tập trung. 12

14.             Bổ sung 44 thủ tục thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. 13

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

15.             Quy định thi hành phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

16.             Khánh Hòa kỷ luật 6 lãnh đạo Sở, ngành. 14

17.             Lâm Đồng: Kỷ luật 3 cán bộ lãnh đạo Sở TN&MT vì sai phạm đất đai 14

THẾ GIỚI 15

18.             Nhật Bản chính thức có tân Thủ tướng. 15

19.             Chọn người tài làm việc nước, Hàn Quốc phát triển bứt phá. 16

 TIÊU ĐIỂM

Nhân sự chủ chốt- nhìn từ Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở

Cùng với những kết quả nổi bật, Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở còn nhiều vấn đề cần nhìn lại, trong đó có công tác nhân sự.. .

 Đến nay, hơn 1300 Đảng bộ cấp trên cơ sở đã hoàn thành Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Tại các đại hội, nhìn chung các đại biểu trúng cử vào cấp ủy đều nằm trong quy hoạch và đạt số phiếu tín nhiệm cao, đặc biệt, các chức danh chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư.

Tuy nhiên, cũng có tình trạng một số nhân sự trong quá trình chuẩn bị và khi đưa ra bầu cử tại Đại hội đã không trúng cử. Thực tế này, là bài học cần được khắc phục cho công tác chuẩn bị nhân sự tại Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.Đến ngày 12/8 vừa qua, tất cả 13 Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công Đại hội, hoàn thành sớm hơn 20 ngày so với quy định. Công tác chuẩn bị nhân sự tại các Đại hội được thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn, đảm bảo về cơ cấu, số lượng, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ và tỷ lệ đổi mới cơ cấu ba độ tuổi. Danh sách bầu cử đều đảm bảo các tỷ lệ và có số dư từ 10 đến 15 %.

 ết quả bầu cử 13 đơn vị đúng như Đề án nhân sự đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Tỷ lệ bầu cử các chức danh chủ chốt Bí thư, Phó Bí thư của cấp ủy khóa mới đạt kết quả cao, đạt hơn 97 %. Các đại hội bầu một lần đủ số lượng Ban chấp hành.

 Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Văn Toàn cho biết, 13 đảng bộ đã bầu được 441 ủy viên Ban Chấp hành, tỷ lệ đổi mới so với đầu nhiệm kỳ đạt hơn 46 %.

 Theo chia sẻ của ông Toàn, cơ bản các ứng cử viên là Ủy viên Ban chấp hành cũ tái cử đều trúng cử. Các Ủy viên Ban Thường vụ, đặc biệt là dự kiến nhân sự chủ chốt tham gia cấp ủy cấp huyện đều trúng cử: "Cùng với đó, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với các ứng cử viên nhiệm kỳ này rất ít. Đặc biệt, sau Đại hội dư luận của cán bộ đảng viên và nhân dân về Đại hội được đánh giá rất cao".

 Tính chung trên cả nước đến thời điểm này, đã có hơn 1300 đảng bộ cấp trên cơ sở hoàn thành Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, đảm bảo đúng yêu cầu, chất lượng, nội dung của Chỉ thị 35. Công tác nhân sự đã được chỉ đạo chặt chẽ thực hiện nghiêm túc đúng quy trình gồm 5 bước dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch.

 Việc bầu cử tại Đại hội bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục theo quy định của Điều lệ Đảng và quy chế bầu cử. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ dưới 40 tuổi vượt yêu cầu Chỉ thị 35 đề ra. Hầu hết các Đại hội bầu một lần đủ số lượng cấp ủy và đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ cấp trên. Cán bộ trúng cử đều đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Hầu hết các cán bộ trong quy hoạch, trình độ lý luận chính trị chuyên môn so với nhiệm kỳ trước được nâng lên. 

Các đại hội đều thực hiện việc lấy phiếu giới thiệu của Đại hội về nhân sự, Bí thư cấp ủy trước khi bầu theo quy định. Việc thực hiện chủ trương Đại hội trực tiếp bầu Bí thư cấp ủy được quan tâm chỉ đạo, mở rộng so với nhiệm kỳ trước. Các nhân sự, Bí thư cấp ủy được bầu trực tiếp tại Đại hội đều trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao, nhiều người đạt 100 %.

 Từ thực tiễn quá trình chuẩn bị nhân sự để Đại hội bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy, Phó trưởng Ban, Ban tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên Phạm Văn Khuê lấy ví dụ từ Đảng bộ Công an tỉnh.

 Theo đó, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên chọn là Đảng bộ Bộ Công an tỉnh làm điểm trong việc bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội. Việc bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội được tiến hành đúng hướng dẫn của Trung ương. Từ việc lấy phiếu tín nhiệm thì đã khẳng định được tín nhiệm của cán bộ dự kiến bầu.

 “Khi tiến hành bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội, 100% đại biểu dự Đại hội bỏ phiếu tán thành., khẳng định được sự chu đáo, kỹ lưỡng và phát huy được tính chủ động. Qua đó thấy rằng, quá trình chuẩn bị nhân sự của Ban chấp hành khóa cũ sát với tình hình thực tiễn”- ông Phạm Văn Khuê nói.

 Tuy vậy, công tác chuẩn bị nhân sự đại hội cấp trên cơ sở ở một số địa phương vẫn còn những trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được phê duyệt. Ở một số nơi nhân sự được giới thiệu, tái cử nhưng không trúng cử. Cá biệt có cán bộ chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy tái cử không trúng cử cấp ủy hoặc Bí thư, Phó Bí thư.

 Một số nơi có biểu hiện lạm dụng việc chỉ định bí thư tại Đại hội hoặc ngay sau Đại hội gây nhiều ý kiến trái chiều và dư luận không tốt trong cán bộ đảng viên và nhân dân. (VOV.vn 16/9)Về đầu trang

Hai cán bộ tỉnh uỷ Gia Lai bị kỷ luật: Đã tự kiểm điểm, mong được tái cử

Hai cán bộ Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật không từ chức mà đề đạt nguyện vọng xin tái cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

 Ngày 15/9, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Gia Lai tổ chức họp báo tuyên truyền Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 -2025.

 Đại hội đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI sẽ diễn ra trong 3,5 ngày, bắt đầu từ chiều 27/9 đến 30/9. Số lượng Uỷ viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI nhiệm kỳ 2020-2025 là 53 người (giảm 2 người so với nhiệm kỳ trước). Trong đó, 36 người tái cử; giới thiệu mới 17 người. Danh sách nhân sự có số dư đưa ra Đại hội bầu Ban chấp hành đảng bộ tỉnh là 59 người (số dư 6 người).

 Thời gian này, dư luận địa phương đang quan tâm thông tin liên quan việc ông Đặng Phan Chung, uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai và ông Nguyễn Văn Quân, UV Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Gia Lai bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật "cảnh cáo" nhưng vẫn được giới thiệu vào danh sách nhân sự để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Đại hội đảng bộ tỉnh Gia Lai.

 Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Quang Thái, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi cũng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cho đại hội và cũng căn cứ vào tình hình địa phương. Ngoài ra, chúng tôi cũng căn cứ vào nhiều mặt khác như đạo đức, lối sống, năng lực… của các đồng chí này để cơ cấu tham gia vào Ban chấp hành".

 Về 2 trường hợp cụ thể trên, ông Thái cho biết: “Hiện nay, phương án nhân sự đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét. Kết quả cụ thể sẽ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đại hội quyết định và đại hội có tín nhiệm hay không”.

 Cũng theo ông Thái, sau khi bị kỷ luật, hai ông Chung và Quân đã làm bản kiểm điểm tự đánh giá xác định mức độ vi phạm, nhận hình thức xử phạt và có đề đạt nguyện vọng cá nhân đều muốn xin được tái cử ở chức Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, không tham gia Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

 Trước đó, ông Đặng Phan Chung bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật với hình thức cảnh cáo do ông này “đã can thiệp không đúng quy định vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

 Còn ông Nguyễn Văn Quân cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Nguyên nhân là do trong thời gian giữ cương vị Tỉnh uỷ viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Gia Lai, ông Quân đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo giải quyết vụ án hình sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. (Baogiaothong.vn 15/9; Giao thông 16/9, tr11)Về đầu trang

Hà Nam: Kinh nghiệm tổ chức đại hội cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020-2025

Từ ngày 20/9 đến ngày 22/9, Đảng bộ tỉnh Hà Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025). Đây sẽ là đại hội Đảng bộ cấp tỉnh diễn ra đầu tiên trên cả nước. Một trong những điều kiện quan trọng để Đảng bộ Hà Nam chuẩn bị tốt công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh đó là đã tổ chức thành công và kịp thời rút kinh nghiệm đại hội cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 BTV Tỉnh uỷ Hà Nam đã chọn và chỉ đạo Đảng bộ thị xã Duy Tiên tổ chức đại hội điểm cấp trên cơ sở từ ngày 24 đến 26-6-2020 để rút kinh nghiệm trong toàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thị, thành, đảng uỷ trực thuộc tập trung xây dựng dự thảo văn kiện đại hội bảo đảm công phu, quy trình chặt chẽ, nội dung theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và hướng dẫn của cấp uỷ tỉnh.  

 Với sự chuẩn bị chu đáo và tích cực, chủ động và quyết tâm, các đảng bộ đã tiến hành đại hội xong trước 1 tháng so với kế hoạch. Đại hội đảng bộ huyện, thành phố, thị xã tổ chức trong thời gian 3 ngày; các đảng bộ trực thuộc khác tổ chức trong 2 ngày. Các đại hội đều tổ chức phiên trù bị và phiên chính thức, các bước tiến hành bám sát Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên về tổ chức đại hội. Nội dung điều hành của đoàn chủ tịch đại hội bám sát vào chương trình chi tiết được xây dựng, đồng thời, có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với diễn biến của đại hội.      

 Thảo luận văn kiện trình đại hội: Việc tham gia ý kiến vào báo cáo chính trị được các đại biểu dự đại hội thảo luận sôi nổi, có trung bình 10-12 ý kiến phát biểu trực tiếp. Nhiều tham luận tập trung làm sáng tỏ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Mỗi đại hội đều có 3-5 tham luận tham gia vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các ý kiến tham gia cơ bản đều thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với văn kiện của cấp trên. Về góp ý vào dự thảo chương trình hành động, mỗi đại hội đều có 3-5 ý kiến tham gia trực tiếp tại đại hội, nhấn mạnh và cụ thể hoá những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ tới để thực hiện thắng lợi những mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra.

 Công tác nhân sự tại đại hội: Được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Phương án và danh sách nhân sự dự kiến do BCH khoá cũ chuẩn bị được báo cáo tại đại hội để các đại biểu thảo luận dân chủ, cho ý kiến trước khi chốt danh sách tiến hành bầu cử. 10/10 đại hội cấp huyện và tương đương đều thống nhất cao với danh sách do BCH nhiệm kỳ 2015-2020 chuẩn bị, không có đại biểu nào đề cử ngoài danh sách chuẩn bị của cấp uỷ; không có đồng chí nào xin rút khỏi danh sách bầu cử.   

 Việc bầu cử tại đại hội được thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy định. Các đảng bộ đều thực hiện kiểm phiếu bằng máy nên đã rút ngắn được thời gian bầu cử, kết quả kiểm phiếu nhanh, chính xác. Các đại hội bầu cấp uỷ một lần đủ số lượng, đúng cơ cấu, tỷ lệ phiếu bầu tập trung. Tổng số cấp uỷ do các đại hội bầu là 294 đồng chí. Trong đó: tham gia lần đầu 84 đồng chí (28,57%); tái cử 210 (70,43%); không có cấp uỷ viên tái cử nhưng không trúng cử; nữ 57 (19,39%), tăng 2,25% so với nhiệm kỳ 2015-2020; 41 trẻ tuổi dưới 40 tuổi (13,95%).

 Về trình độ học vấn, chuyên môn: 100% cấp uỷ viên được bầu có trình độ học vấn THPT, trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.

 Về trình độ lý luận chính trị: 100% cấp uỷ viên được bầu có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên (trong đó, 92,17% cao cấp lý luận chính trị). Về quy định số dư: 100% đại hội bầu BCH, BTV có số dư; trong đó, tỷ lệ số dư trung bình lần lượt là 10,59% và 11,63%. Bầu phó bí thư, bí thư được thực hiện bầu tròn, không có trường hợp ứng cử, đề cử và kết quả bầu cử đạt số phiếu cao, đúng với phương án nhân sự do cấp uỷ khoá cũ chuẩn bị. Về đại hội bầu trực tiếp bí thư: Có 1/10 đảng bộ (Đảng bộ huyện Bình Lục) thực hiện bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội với kết quả tỷ lệ phiếu bầu đạt 100%.

 Về bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên: được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng nguyên tắc. Tổng số đại biểu được bầu chính thức là 297 đại biểu, đại biểu dự khuyết là 25. Đa số đại biểu chính thức bầu 1 lần đủ số lượng, đại biểu trúng cử đều tập trung, có số phiếu cao. (Tạp chí Xây dựng Đảng 15/9)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Hà Nội và TP.HCM được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc sở

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Nghị định quy định bình quân mỗi Sở có 3 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng Sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và TP.HCM, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.

 Nghị định cũng bổ sung quy định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở. Cụ thể, phòng thuộc Sở của thành phố Hà Nội và TP.HCM có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trường phòng.

 Phòng thuộc Sở của thành phố Hà Nội và TP.HCM có từ 10-14 biên chế công chức, phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại I có từ 9-14 biên chế công chức và phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 8-14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng. Phòng thuộc Sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 Phó Trưởng phòng.

 Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020. (VTV.vn 16/9)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Hoàn thiện pháp luật về an toàn giao thông đường bộ

Sáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 48 để cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

 Cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải có các quy định mang tính tổng thể và chặt chẽ, để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. 

Theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, trong lĩnh vực này đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, nhất là việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chồng chéo.

 Để bảo đảm tính thống nhất trong phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật so với Dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của cả 2 dự thảo luật để phân định rành mạch các vấn đề, tránh trùng lắp.

 Cho rằng Dự án Luật có nhiều điểm mới như phân hạng giấy phép lái xe, đấu giá biển số xe, tính điểm bằng lái, phạt nguội… liên quan trực tiếp đến người dân, được dư luận quan tâm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tính khả thi, thống nhất. Đồng thời rà soát các quy định về thủ tục hành chính để bảo đảm đơn giản, giảm phiền hà cho nhân dân. (VTV.vn 16/9)Về đầu trang

Cần cân nhắc rất kỹ việc tách thành 2 luật từ Luật Giao thông đường bộ

Chiều 15/9, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số các ý kiến nhất trí với tính cấp thiết của việc sửa đổi lần này sau khi đã đi vào thực thi được 12 năm.

 Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau liên quan đến 2 dự thảo luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, bởi hiện tại có nhiều nội dung giữa 2 luật khi tách vẫn còn chồng chéo.

 Do đó, các đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc và đánh giá thêm kinh nghiệm quốc tế trong việc tách thành 2 dự án luật, đảm bảo được sự an toàn cho người tham gia giao thông, giảm tai nạn.

 Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá về nhưng nội dung khác trong dự thảo luật như quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị nhằm giảm ùn tắc, xem xét quy định thêm một chương về đường cao tốc, cân nhắc việc đầu tư hạ tầng giao thông thuộc điều chỉnh luật đầu tư công thay vì luật giao thông đường bộ hay cân nhắc về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện tham gia giao thông đường bộ. (VTV.vn 15/9)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Quảng Ninh: Phó Chủ tịch tỉnh trực tiếp giải quyết thủ tục đầu tư cho Vingroup

Theo quyết định của tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch tỉnh Cao Tường Huy sẽ là Trưởng Ban chỉ đạo việc triển khai các dự án do Tập đoàn Vingroup thực hiện trên địa bàn TP Móng Cái.

 Giúp việc trực tiếp cho Phó Chủ tịch Cao Tường Huy trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư của Tập đoàn Vingroup tại TP Móng Cái là lãnh đạo các sở Tài nguyên – Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư, Tài Chính, Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Công thương, Ban quản lý KKT tỉnh và Phó Chỉ huy trưởng quận sự tỉnh.

 Theo chủ trương đầu tư của tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Vingroup đang triển khai một loạt dự án tại TP Móng Cái. Đó là các dự án Tổ hợp trung tâm Thương mại liền kề (Shophouse) tại khu 3, phường Trần Phú và Dự án khu phức hợp đô thị công nghiệp dịch vụ và logistic với trọng tâm xây dựng Tổ hợp công nghiệp sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ với diện tích chiếm đất của hai dự án lên đến hơn 350 ha, với tổng vốn đầu tư gần chục nghìn tỷ đồng.

 Tuy nhiên, theo đánh giá của Quảng Ninh, quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án này cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đến đền bù, giải phóng mặt bằng. Do vậy, Quảng Ninh quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vướng mắc cho các dự án này để có thể giải quyết vướng mắc, khó khăn, xử lý kịp thời ngay tại địa bàn Móng Cái. (Nhandaovadoisong.vn 16/9, Nam Khánh - Minh Hưng)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Có nên giảm thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp?

Vì tác động của Covid-19, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gần đây đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho mọi doanh nghiệp trong năm 2020. Đề xuất này nhằm mở rộng hơn các đối tượng thụ hưởng thay vì chỉ các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, được Quốc hội thông qua giảm thuế tháng 6.

 Tuy nhiên, TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng "giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp" không hiệu quả và thiếu công bằng". Ông cho biết, từ trước đã không ủng hộ các biện pháp hỗ trợ như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp vì không thực chất, chỉ tập trung vào doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi. Doanh nghiệp gặp khó khăn lại không được cứu.

 Với đề xuất lần này, ông nhận định chỉ 2% doanh nghiệp được hưởng lợi, thay vì 76% doanh nghiệp khó khăn không cân đối được thu chi. Số liệu được ông Thế Anh trích dẫn từ báo cáo mới nhất của Ban IV, vốn là cơ sở để đơn vị này đưa ra kiến nghị.

 Theo ông, nếu đề xuất này được thông qua, các doanh nghiệp gặp khó, đứng trước nguy cơ phá sản sẽ cảm thấy bị phân biệt khi Chính phủ chỉ ưu đãi những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có lãi.

 Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, về nguyên tắc, việc giảm thuế thu nhập có tác động nhất định với doanh nghiệp, nhưng phải đặt chính sách vào từng bối cảnh.

 "Nếu doanh nghiệp không còn thu nhập, họ không có nhu cầu được giảm thuế nữa", ông nói. Dù vậy, ông Cường cho rằng giảm, giãn thuế vẫn là chính sách hỗ trợ về lâu dài cho doanh nghiệp. Còn trước mắt, biện pháp hữu hiệu nhất với doanh nghiệp, nền kinh tế là chính sách y tế, đảm bảo khống chế, không để Covid-19 tái bùng phát.

 Trả lời báo chí, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Phó giám đốc thường trực văn phòng Ban IV, phụ trách chính về báo cáo khẳng định đề xuất không liên quan đến quy mô doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, vì hầu hết họ đang chịu lỗ, thiệt hại nặng, không phải đối tượng hưởng lợi trực tiếp bây giờ.

 Theo bà, Ban IV hướng đến yếu tố tạo động lực với hy vọng mang đến tác động gián tiếp. Từ đầu dịch, Ban IV đã tiến hành ba cuộc khảo sát trên diện rộng. Ở lần khảo sát thứ ba, cơ sở cho đề xuất, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn trực tiếp 15 đại diện hiệp hội doanh nghiệp và trực tuyến với 349 doanh nghiệp (quy mô dưới 11 lao động là 39%; 11-100 lao động là 46%; 101-200 lao động là 5%; trên 200 lao động là 10%).

 Vấn đề giảm Thuế thu nhập được doanh nghiệp đề cập xuyên suốt đến nay, ngay cả khi Quốc Hội đã đồng ý giảm thuế hồi tháng 6. Các doanh nghiệp qua khảo sát cũng cho thấy sự sụt giảm niềm tin khiến động lực kinh doanh bị ảnh hưởng.

 "Kiến nghị không chỉ là sự tiếp nối phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp mà còn kỳ vọng là chính sách tạo động lực nếu được xem xét", bà nói. Các doanh nghiệp được thúc đẩy để phát triển kinh doanh, tái cấu trúc hệ thống nhằm dịch chuyển sang nhóm được hưởng ưu đãi, tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung. Do vậy, đối tượng thụ hưởng lần này được xem xét trên diện rộng, đặc biệt các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tìm cách phục hồi sau đại dịch. (Vnexpress.net 16/9)Về đầu trang

Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tiếp tục tăng

Nền kinh tế Việt Nam được dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch do vi-rút corona gây ra (COVID-19) và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021, theo nhận định trong một báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 15-9.

 Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, nhận định: “Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

 Cụ thể, tăng trưởng chậm lại được phản ánh qua mức thu nhập và chi tiêu thấp hơn. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân giảm từ 7,2% trong sáu tháng đầu năm 2019 xuống chỉ còn 0,2% trong sáu tháng đầu năm 2020. Doanh số bán lẻ trong tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước và giảm 0,02% trong tám tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, tiêu dùng công cộng tăng lên do chi tiêu của chính phủ, nâng mức tăng trưởng từ 5,6% trong sáu tháng đầu năm 2019 lên 6,1% trong cùng kỳ năm nay.

 Tăng trưởng suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp đóng cửa và nhiều người lao động mất việc làm. Trong 8 tháng đầu năm 2020, gần 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng thời kỳ, 7,8 triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu nhập cá nhân bình quân giảm 5,1% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

 Do nền kinh tế tăng trưởng yếu, lạm phát bình quân giữ ở mức 4,2% trong sáu tháng đầu năm, mức bình quân thấp nhất được ghi nhận kể từ đầu năm. Tính từ đầu năm cho đến tháng 8, lạm phát bình quân tiếp tục giảm xuống 4,0%.

 Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020, ấn bản kinh tế thường niên hàng đầu của ADB, cho biết nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu. Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.

 Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

 Tuy nhiên, những nguy cơ lớn vẫn còn. Đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau. Báo cáo cũng nhận định những mối đe dọa khác là căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.

 Lạm phát có thể bị đẩy lên do giá hàng hóa cơ bản tăng và thanh khoản tăng do đẩy nhanh đầu tư công. Tuy nhiên, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2020, thấp hơn so với mục tiêu 4,0% của ngân hàng trung ương, do tình trạng tăng trưởng và chi tiêu thấp vẫn kéo dài.

 “Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tiếp tục tăng. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á dự đoán rằng 548.000 người lao động trẻ của Việt Nam sẽ mất việc làm nếu đại dịch kéo dài và con số này là 370.000 ngay cả khi đại dịch được kiềm chế hiệu quả”, Báo cáo cho biết. (Phapluatxahoi.vn 16/9)Về đầu trang

Bộ trưởng NN&PTNT: “Soi kính hiển vi” cũng không thấy sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu

Ngày 15/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị bàn về Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040.

 Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chăn nuôi Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, là tốc độ phát triển nhanh nhưng mất cân đối. “Một cái rổ thực phẩm, mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) suốt ngày lại lo giá thịt lợn lên giá. Bởi, với cơ cấu bữa ăn thịt lợn chiếm 70% không còn hợp lý nữa. Mức thu nhập bình quân người dân từ chỗ chỉ 400USD/người/năm nay đã lên 3.000 USD/người/năm, đòi hỏi thực phẩm phải khác trước, cần tính toán lại”, ông Cường nói.

 Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, định hướng trong phát triển chăn nuôi là phải lấy ba trục kinh tế, môi trường, an sinh làm hiệu quả bền vững.

 Cùng đó, 3 khâu quan trọng nhất, đó là sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nay chỉ mới làm được khâu sản xuất, còn chế biến “lõm bõm lắm”. “Hiện Việt Nam có 40% dân số đô thị, 30 triệu công nhân trong bức tranh 65 triệu lao động, mà vẫn giết mổ thủ công thì làm sao phù hợp được. Các nhà máy giết mổ hiện đại có nhưng rất ít, kể cả chuỗi gà, chuỗi lợn”, ông Cường phân tích.

 Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho rằng, khâu tổ chức thị trường còn kém, khi tiêu thụ qua khâu chợ vẫn là chính, các điểm phân phối, thiết chế thương mại lớn… còn hạn chế.

  “Trên thực tiễn, có tăng trưởng nhưng cứ nhèo lên lại phải đi giải cứu, vì không liên hoàn chuỗi”, Bộ trưởng Cường nói và cho biết: “Một ngành nông nghiệp xuất khẩu trên 40 tỷ USD đi trên 120 nước, nhưng “soi kính hiển vi” không thấy sản phẩm chăn nuôi đâu, được mỗi tí mật ong, trứng muối, lợn sữa…”.

 Trong Chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2040, Bộ trưởng Cường cho rằng, ngành chăn nuôi tới đây cần xác định những định hướng lớn trong phát triển, lấy ba trục là kinh tế, môi trường, an sinh làm hiệu quả bền vững.

 “Xác định lại cơ cấu, nhìn ra điểm yếu rồi thì sẽ không còn chuyện 70% thịt lợn trong cơ cấu rổ thực phẩm nữa mà phải tăng thịt gia cầm, thịt bò, thay đổi kết cấu ngành hàng phù hợp nhu cầu thị trường”, Bộ trưởng Cường nói.

 Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, chăn nuôi phải trở thành ngành kinh tế hiện đại, đồng bộ tất cả các khâu, ngành chăn nuôi phải đi đầu trong kinh tế tuần hoàn, trong đó 100 triệu tấn chất thải trong chăn nuôi phải đẻ ra tiền chứ không phải là vấn đề ô nhiễm bây giờ… Cùng đó, ngành tận dụng công nghệ 4.0, kết hợp với truyền thống, văn hoá Việt Nam, đa dạng sinh thái…với sự vào cuộc của khu vực Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để làm nên kết quả đó. (Tienphong.vn 16/9)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Tham nhũng vặt, tác hại lớn!

Tham nhũng vặt sẽ ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Đây là dự báo của Chính phủ trong Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

 Cụ thể, Báo cáo đánh giá: “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”.

 Từ “vặt” ở đây là “vặt vãnh”, “lặt vặt”. Về mặt ý nghĩa từ ngữ, “vặt” diễn tả sự nhỏ nhặt, linh tinh, không đáng kể. Có thể giá trị của khoản tham nhũng vặt không lớn, nhưng so với những “đại án” tham nhũng thì chưa biết cái nào hại hơn cái nào.

 Tham nhũng dù nhỏ hay lớn đều là kẻ thù của tăng trưởng. Những khoản chi phí “bôi trơn” một phần từ tiền túi của doanh nghiệp, một phần sẽ tính vào giá thành sản phẩm vật chất và dịch vụ. Như vậy, cuối cùng thiệt hại vẫn do người dân và Nhà nước phải chịu, bởi giá cao và thất thu thuế. Trường hợp doanh nghiệp dùng lợi nhuận sau thuế để “bôi trơn” sẽ khiến nguồn lực để tái đầu tư ở chu kỳ sản xuất sau sụt giảm. Nếu doanh nghiệp không đưa khoản lót tay vào giá thành thì lợi nhuận trước thuế sẽ giảm khiến tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế giảm và kéo GDP giảm theo.

 Không chỉ vậy, tham nhũng vặt còn làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào bộ máy Nhà nước, vào hệ thống pháp luật và thể chế, thậm chí làm xấu hình ảnh quốc gia.

 Tham nhũng vặt liên quan đến câu chuyện xung đột lợi ích, hay còn gọi là “lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ”. Đây là vấn đề lớn trong bất kỳ bộ máy nhà nước nào.

 Trong Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Chính phủ lần đầu tiên dành riêng một phần nói về kết quả kiểm soát xung đột lợi ích.

 Chính phủ nhận định, các tình huống “xung đột lợi ích” là một thực tế luôn tồn tại trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tiềm ẩn hành vi tham nhũng. Kiểm soát tốt những tình huống này sẽ góp phần quan trọng phòng ngừa, giảm thiểu các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi cá nhân.

 Cũng theo báo cáo, công tác kiểm soát xung đột lợi ích đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Việc giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ không để xảy ra việc xung đột lợi ích. Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ khi biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích đã chủ động báo cáo để người có thẩm quyền kịp thời có biện pháp xử lý. Trong kỳ báo cáo, 2 người bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao và 1 người bị đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích.

 Kết quả kiểm soát xung đột lợi ích như vậy liệu có “xung đột” với dự báo tình hình tham nhũng ở trên không? Hay phải chăng, xử lý xung đột lợi ích khó hơn cả những vụ tham nhũng lớn, bởi đây nó “vặt vãnh” nên cả người dân và chính quyền đều dễ bỏ qua? (Đại biểu nhân dân 16/9, Hà Lan)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề xuất nghỉ 4 ngày dịp Quốc khánh năm 2021

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý về quy định nghỉ 1 ngày trước hay sau ngày Quốc khánh 2/9 năm 2021.

 Theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 112, Luật Lao động 2019, dịp nghỉ lễ Ngày Quốc khánh 2/9 nghỉ 2 ngày (ngày 2/9 và 1 ngày liền kề trước hoặc sau). Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự thảo 2 phương án xin ý kiến các bộ, ban, ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt chính thức.

 Với phương án thứ nhất, nghỉ ngày liền kề sau ngày 2/9: Công chức, viên chức sẽ được nghỉ 4 ngày: Từ ngày thứ Năm (ngày 2/9) đến ngày Chủ Nhật (ngày 5/9). Trong đó 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh và 2 ngày là ngày nghỉ hằng tuần.

 Với phương án 2, nghỉ ngày liền kề trước ngày 2/9: Công chức, viên chức được nghỉ 2 ngày từ ngày thứ Tư (ngày 1/9) đến ngày thứ Năm (ngày 2/9), đi làm vào ngày thứ Sáu 3/9 và tiếp tục nghỉ 2 ngày là ngày nghỉ hằng tuần 4 - 5/9.

 Cũng trong dự thảo Tờ trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chọn phương án 1 là nghỉ ngày liền kề sau ngày 2/9. Với phương án này, công chức, viên chức được nghỉ liên tục 4 ngày, thuận tiện cho việc kỷ niệm, chào mừng ngày Quốc khánh, chuẩn bị vào năm học mới, đi du lịch… và một số hoạt động khác.

 Với các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần, dự thảo Tờ trình cũng nêu rõ: Cần căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

 Dự thảo Tờ trình cũng nêu rõ trường hợp ngày nghỉ đối với người lao động không phải là công chức, viên chức (gọi tắt là người lao động) thì căn cứ vào điều kiện thực tế và lịch nghỉ đối với công chức, viên chức, người sử dụng lao động sẽ quyết định cho người lao động nghỉ 2 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch và 1 ngày liền trước hoặc sau). (VTV.vn 16/9)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Cán bộ thuế sẽ làm việc từ xa qua hệ thống xử lý tập trung

Mới đây, Tổng cục Thuế đề xuất triển khai hệ thống xử lý tập trung cho nhu cầu làm việc từ xa của cán bộ thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế, của cán bộ thuế tại bộ phận một cửa chi cục thuế làm việc tại trụ sở thuế cũ sau khi sáp nhập… 

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, năm 2015, Tổng cục Thuế đã thí điểm triển khai hệ thống truy cập từ xa cho các cán bộ thanh tra, kiểm tra ở ngoài trụ sở và các cán bộ tại bộ phận một cửa của các huyện không đặt trụ sở chi cục thuế.

 Từ kết quả thí điểm triển khai, năm 2020, căn cứ vào nhu cầu của các đơn vị, cục thuế và trước xu thế ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách, hiện đại hóa môi trường làm việc của ngành, Tổng cục Thuế đề xuất triển khai hệ thống xử lý tập trung cho nhu cầu làm việc từ xa nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa của cán bộ thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế (NNT), của cán bộ thuế làm việc tại bộ phận một cửa của UBND các cấp, của cán bộ thuế tại bộ phận một cửa chi cục thuế làm việc tại trụ sở thuế cũ sau khi sáp nhập. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 15/9, Khánh Huyền)Về đầu trang

Bổ sung 44 thủ tục thực hiện cơ chế một cửa quốc gia

44 thủ tục hành chính vừa được bổ sung vào danh mục thực hiện cơ chế một cửa quốc gia.

 Bộ Y tế có số lượng nhiều nhất với 15 thủ tục. Tiếp theo là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 12 thủ tục; Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng cùng có 6 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường 3 thủ tục. Riêng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ có 1 thủ tục.

 Các thủ tục được bổ sung vào danh mục thực hiện cơ chế một cửa quốc gia của Bộ Y tế như: Cấp mới số lưu hành đối với trang thiết bị y tế là phương tiện đo nhưng không phải phê duyệt mẫu theo quy định của pháp luật về đo lường; cấp nhanh số lưu hành đối với trang thiết bị y tế; cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế; cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế có chứa chất ma túy và tiền chất; cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế có chứa chất ma túy và tiền chất… 

Bộ Quốc phòng bổ sung các thủ tục như: thủ tục cấp, tạm dừng và hủy tài khoản truy cập cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử cảng biển đối với người làm thủ tục; thủ tục biên phòng điện tử đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa đến cửa khẩu cảng; thủ tục biên phòng điện tử đối với công dân Việt Nam, Trung Quốc nhập cảnh, xuất cảnh tại các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc…

 Đa số các thủ tục được bổ sung có thời hạn hoàn thành trong năm nay. Ngoài ra, 38 thủ tục hành chính của 8 Bộ, ngành cũng đã được đưa ra khỏi danh mục trong đợt này. (VTV.vn 16/9)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Quy định thi hành phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg quy định chi tiết thi hành một số điều trong Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

 Đối tượng áp dụng gồm bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư công; tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025. 

Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 và Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 của cả nước, các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

 Đây cũng là căn cứ để quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

 Các cấp, các ngành thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, tính toán hợp lý cơ cấu nguồn lực ngân sách trung ương và địa phương, bảo đảm ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo. (TTXVN 15/9)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Khánh Hòa kỷ luật 6 lãnh đạo Sở, ngành

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa kỷ luật 6 lãnh đạo Sở, ngành vì các sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng, đầu tư.

 Cả 3 Giám đốc Sở đều là Tỉnh ủy viên bị kỷ luật cảnh cáo gồm: ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng; ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

 UBND tỉnh Khánh Hòa cũng kỷ luật cảnh cáo ông Trần Sỹ Quân, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh; 2 Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa bị kỷ luật với mức khiển trách là ông Trần Minh Hải và ông Nguyễn Văn Nhựt. 

Việc xử lý kỷ luật này tương ứng với các hình thức kỷ luật Đảng mà Tỉnh ủy Khánh Hòa và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định, thi hành vào tháng 8 vừa qua.

 Ông Lê Văn Dẽ còn vi phạm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Nha Trang đến năm 2025; vi phạm Luật Xây dựng 2014. Riêng ông Võ Tấn Thái, trước khi Tỉnh ủy Khánh Hòa họp xem xét, thi hành kỷ luật, đã có đơn xin thôi giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Đơn của ông Thái được chấp nhận, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho ông Võ Tấn Thái thôi giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kể từ ngày 15/9. (Thanhtra.com.vn 16/9)Về đầu trang

Lâm Đồng: Kỷ luật 3 cán bộ lãnh đạo Sở TN&MT vì sai phạm đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cho biết, đơn vị vừa tổ chức cuộc họp kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại, hạn chế theo Kết luận số 929/KL-TTCP, ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ.

 Kết quả, đơn vị đã thống nhất đề nghị kỷ luật 3 cá nhân và phê bình nghiêm khắc 2 tập thể vì để xảy ra hàng loạt sai phạm liên quan đến công tác theo dõi, quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn.

 Theo Báo cáo số 526/BC-STNMT ngày 14/9/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND tỉnh Lâm Đồng: Sau khi thảo luận, phân tích và giải trình các nội dung liên quan, tập thể tham dự cuộc họp đã thống nhất đề nghị kỷ luật với hình thức khiển trách 3 cá nhân gồm: ông Nguyễn Sô - Phó Giám đốc Sở, ông Trần Viết Dũng - Trưởng phòng Quản lý đất đai và ông Nguyễn Hữu Hồng - Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai.

 Đồng thời, tại cuộc họp, 2 tập thể là Phòng Quản lý đất đai các thời kỳ và Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cũng đã bị phê bình nghiêm khắc. Nhiều cá nhân khác có liên quan tới các sai phạm tại Sở Tài Nguyên và Môi trường Lâm Đồng cũng nhận hình thức "sâu sắc rút kinh nghiệm".

 Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác theo dõi, quản lý việc sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; phát hiện nhiều trường hợp chưa hoàn thành thủ tục về đất đai; hình thức sử dụng đất chưa phù hợp; để đất bị lấn chiếm, sử dụng trái mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.

 Kết luận số 929/KL-TTCP, ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại 22 dự án của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, vi phạm nhiều nhất là dự án chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; giao đất không thông qua hình thức đấu giá; vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng.

 Ngày 11/9/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 7525/UBND-ĐC về việc tiếp tục tổ chức kiểm điểm những thiếu sót, tồn tại và vi phạm được nêu trong Kết luận Thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong công tác theo dõi, quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng... (VTV.vn 16/9, PV)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nhật Bản chính thức có tân Thủ tướng

Trong phiên họp bất thường vào ngày 16/9, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Yoshihide Suga, làm Thủ tướng thứ 99 ở nước này.

 Trước đó, vào sáng 16/9, ông Abe Shinzo và toàn bộ nội các cũ đã từ chức để mở đường cho chính phủ mới của tân Thủ tướng Yoshihide Suga.

 Theo dự kiến, tân Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga sẽ sớm công bố thành phần nội các mới và chính thức tuyên thệ nhậm chức tại một buổi lễ được tổ chức ở Hoàng cung. Sau đó, ông sẽ tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên trên cương vị mới.

 Trong nội các mới, nhiều khả năng ông Suga sẽ giữ nguyên ít nhất 7 vị trí trong nội các của người tiền nhiệm gồm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Taro Aso; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Toshimitsu Motegi; Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hiroshi Kajiyama; Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Kazuyoshi Akaba; Bộ trưởng Bộ Môi trường Shinjiro Koizumi; Bộ trưởng Bộ Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Olympic và Paralympic Seiko Hashimoto.

Trong số này, ông Akaba là người của đảng Công minh, đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền hiện nay.

 Bên cạnh đó, ông Suga có thể sẽ bổ nhiệm ông Nobuo Kishi, em trai của Thủ tướng Abe Shinzo  và từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay cho ông Taro Kono. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Taro Kono sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính và Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Katsunobu Kato làm Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản. (VTV.vn 16/9)Về đầu trang

Chọn người tài làm việc nước, Hàn Quốc phát triển bứt phá

Hàn Quốc tạo nên "Kỳ tích sông Hàn" trở thành nước phát triển chỉ sau một thế hệ. Quá trình phát triển bứt phá thần tốc của Hàn Quốc khởi đầu khi chính quyền quân sự của cố Tổng thống Park lên cầm quyền từ cuộc đảo chính quân sự năm 1961.

 Với quyết tâm phát triển đất nước, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển, chính quyền của cố Tổng thống Park đã đặt mục tiêu ưu tiên lớn nhất cho phát triển kinh tế, theo đó, Nhà nước phát triển ra đời để hiện thực hóa mục tiêu đó.

 Nhằm làm trong sạch, tươi mới hình ảnh đội ngũ công chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, chính quyền của cố Tổng thống Park đã nhanh chóng thanh lọc cán bộ tham nhũng, cán bộ không đủ năng lực, thay thế họ bằng những nhân sự mới có tài thông qua cơ chế thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, cạnh tranh, công khai và cơ chế tuyển dụng đặc biệt, không qua thi tuyển.

 Hàn Quốc thực hiện một loạt cơ chế, chính sách đột phá tạo động lực to lớn cả về vật chất và tinh thần, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi để thu hút người tài vào bộ máy hành chính và động viên họ làm việc, cống hiến vì sự phát triển của đất nước.

 Kết quả là Hàn Quốc nhanh chóng có được đội ngũ công chức tài năng, chuyên nghiệp để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Nhà nước phát triển, tạo nên sự phát triển bứt phá thần tốc, giúp Hàn Quốc nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển. Học giả Evans (1995), chuyên gia nghiên cứu về Hàn Quốc, cho rằng Hàn Quốc có được sự phát triển bứt phá thần tốc là do nhà nước tuyển chọn được người tài ra làm việc nước từ những người giỏi nhất ở các đại học danh tiếng nhất. 

Ngày nay, Hàn Quốc có đội ngũ công chức tinh nhuệ và bộ máy hành chính với hệ thống thông tin hiện đại bậc nhất thế giới. Tại thời điểm 31/3/2018, nước này có 1.057.223 công chức, trong đó có 1.030.645 công chức hành pháp, chiếm tới 96,12%,  4.064 người thuộc ngành lập pháp, 19.357 thuộc ngành tư pháp, 306 người thuộc Tòa án Hiến pháp, 2.851 người thuộc ủy ban bầu cử quốc gia.

 Trong số hơn 1 triệu người thuộc ngành hành pháp như trên, có 646.443 người thuộc cơ quan Trung ương (chiếm 63,4%), gồm công chức hành chính 99.918 người, giáo viên 335.375 người... Cảnh sát, giáo viên cũng là công chức. Tính cả các đối tượng này thì tỷ lệ công chức trên dân số là khoảng 1/50. 

Bộ máy hành chính của Hàn Quốc có mạng lưới hạ tầng thông tin thuộc loại tốt nhất thế giới, với hệ thống điện tử xử lý công việc hành chính nội bộ kết nối các cơ quan hành chính, các dịch vụ công, kể cả dịch vụ hành chính được cung cấp thông qua mạng Internet và điện thoại di động, việc xử lý, giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp được công khai trên mạng Internet… (Vietnamnet.vn 16/9)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác