Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 10-8-2020

14:12, Thứ Hai, 10-8-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Tất cả các địa phương phải chuẩn bị phương án chống dịch ở mức độ xấu. 1

2.                Quyền Bộ trưởng Y tế: Phải giữ bằng được Thủ đô trước COVID-19. 3

3.                Lập 5 đoàn kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19. 5

4.                Thanh Hóa: Đình chỉ 1 trưởng trạm y tế thiếu trách nhiệm chống COVID-19. 6

5.                Bắc Giang: 1 Chủ tịch xã bị phê bình vì chưa quyết liệt chống COVID-19. 6

CHỈ THỊ MỚI 7

6.                Công điện bảo đảm an toàn giao thông trước diễn biến mới của dịch COVID-19. 7

TIN QUỐC HỘI 7

7.                Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào 10/8. 7

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

8.                Covid-19 quay trở lại: Doanh nghiệp mong muốn gì?. 8

9.                Dự báo lạm phát cả năm dưới 4%.. 10

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 11

10.             Ông Chinh trả "ghế", bà Mai trả nhà và chuyện lắng nghe lời thật 11

QUẢN LÝ.. 11

11.             Đề xuất mới liên quan đến Căn cước công dân. 11

12.             Cần Thơ: Cắt giảm gần 3.300 người trong đơn vị sự nghiệp. 12

13.             Hưng Yên cần chủ động tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công. 14

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 14

14.             TP.HCM triển khai làm thủ tục hành chính trên môi trường mạng. 14

15.             Sở TN&MT Cần Thơ lý giải hàng ngàn hồ sơ trễ hẹn. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 16

16.             Quyết liệt thúc đẩy giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020. 16

17.             Thu ngân sách 7 tháng đầu năm giảm 13,1% so với cùng kỳ. 17

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 18

18.             Thành ủy TP.HCM thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên. 18

THẾ GIỚI 21

19.             Công ty Nhật cho phép người lao động nghỉ hưu năm 80 tuổi 21

20.             Malaysia bắt giữ cựu Bộ trưởng Tài chính do các cáo buộc tham nhũng. 21

 TIÊU ĐIỂM

Tất cả các địa phương phải chuẩn bị phương án chống dịch ở mức độ xấu

Bộ Y tế yêu cầu tất cả các địa phương đều phải chuẩn bị phương án chống dịch ở mức độ xấu; đẩy nhanh tốc độ rà soát, xác minh, quản lý tất cả các trường hợp đến thành phố Đà Nẵng từ ngày 1/7 đã trở về địa phương; thực hiện kiên quyết việc cách ly tập trung các trường hợp F1.

 Cuối giờ chiều ngày 7/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao ban trực tuyến với "Bộ Chỉ huy tiền phương" thường trực đặc biệt chống COVID-19 tại tâm dịch Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phụ trách. 

Từ điểm cầu Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, một tuần qua, "Bộ Chỉ huy tiền phương" đã nỗ lực trên tất cả các "mặt trận" truy vết, giám sát, cách ly, điều tra dịch tễ, điều trị, phân luồng điều trị, hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới để giải tỏa bệnh nhân cho Đà Nẵng. Đặc biệt, trong vấn đề xét nghiệm, với sự tăng cường cả nhân lực và phương tiện, hiện nay công suất xét nghiệm tại Đà Nẵng đã tăng vượt bậc, hiện đã đạt trên 10.000 mẫu/ngày.

 Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, kết quả xét nghiệm của các nhân viên y tế và những người có liên quan tại Bệnh viện C Đà Nẵng đều âm tính, do đó đúng 0h ngày 8/8, Bệnh viện này sẽ được tháo gỡ phong toả để đón người bệnh từ mai đến khám chữa bệnh. 

Cùng với việc nỗ lực trong công tác phòng chống dịch của Đà Nẵng, "Bộ Chỉ huy tiền phương" đã làm việc với Quảng Nam, Quảng Ngãi triển khai công tác phòng chống dịch...

 Tại giao ban, các đồng chí đội trưởng của các đội điều trị, điều tra dịch tễ - giám sát, xét nghiệm và truyền thông cũng đã báo cáo về công việc theo lĩnh vực được phân công.

 Phát biểu tại buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ với những nỗ lực của "Bộ Chỉ huy tiền phương", đồng thời nhấn mạnh diễn biến dịch của đợt này khá nhanh, tốc độ lây nhiễm khá phức tạp, ngay từ đầu chúng ta đã nhận định như vậy nên phản ứng của Bộ Y tế rất mạnh mẽ ngay từ đầu.

 Một trong những quan điểm chỉ đạo của chúng ta từ đầu là quyết liệt, quyết tâm và làm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thần tốc để làm sao chúng ta sớm dập tắt được dịch bệnh này lây lan.

 “Công tác phòng chống dịch không chỉ của riêng Đà Nẵng mà Bộ Y tế đã giao ban liên tục với lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố và đã yêu cầu tất cả các địa phương đều phải chuẩn bị phương án chống dịch ở mức độ xấu. Theo đó, các địa phương phải rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, đặc biệt về nhân lực. Bài học của Đà Nẵng để chúng ta thấy điều phối về nhân lực đối với các địa phương khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 trên diện rộng”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

 Về đề xuất của Bộ Chỉ huy tiền phương liên quan đến việc Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương rà soát, giám sát, quản lý chặt người trở về từ Đà Nẵng, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, trước khi vào giao ban ông đã ký công văn thứ 3 gửi các địa phương đề nghị đẩy nhanh tốc độ rà soát, xác minh, quản lý tất cả các trường hợp đến thành phố Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 đã trở về địa phương.

 Đây là công điện khẩn thứ 3 liên tiếp, Bộ Y tế gửi các địa phương đề nghị rà soát, giám sát, quản lý và tăng tốc truy vết để tránh bỏ sót các trường hợp trở về từ Đà Nẵng.

 Liên quan đến việc đề xuất tăng cường thêm máy chạy thận nhân tạo của "Bộ Chỉ huy tiền phương" cho Trung tâm y tế Hòa Vang, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện K thuê hoặc mua máy chạy thận nhân tạo chậm, kể cả máy ECMO... trong trường hợp nếu thiếu bao nhiêu thì Bộ Y tế sẽ điều động tạo điều kiện tối đa để làm sao đảm bảo công suất, phục vụ bệnh nhân chạy thận, cũng như công tác điều trị.

 Đối với hoạt động của bệnh viện dã chiến, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Chỉ huy tiền phương lập tổ thẩm định tại chỗ, nếu công tác thẩm định hoàn thành, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn sắp xếp làm việc với địa phương để có thể sớm ra quyết định đưa bệnh viện vào hoạt động.

 Bộ Y tế cũng lên phương án giao một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất để có thể thành lập bệnh viện dã chiến sẵn sàng phục vụ chống dịch. Riêng tại Quảng Nam "Bộ Chỉ huy tiền phương" cần làm việc với tỉnh để đôn đốc việc sớm thành lập bệnh viện dã chiến.

 Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, đã yêu cầu Cục Y tế dự phòng khẩn trương hoàn thành hướng dẫn trộn mẫu để giải toả lượng mẫu cho các đơn vị xét nghiệm.

 Bày tỏ đồng ý với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn về việc chuẩn bị sẵn nhân lực lấy mẫu xét nghiệm, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Khoa học Công nghệ yêu cầu các trường y dược trên toàn quốc phải tập huấn về cách thức lấy mẫu và phương thức dự phòng lây nhiễm. Đồng thời, yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập huấn trực tuyến toàn quốc việc cách thức lấy mẫu xét nghiệm và cả phương thức dự phòng lây nhiễm và cả việc trộn mẫu đúng quy trình. Vì nếu không có lực lượng lấy mẫu thì sẽ không làm nhanh được.

 GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý, tất cả các ca xét nghiệm kháng thể dương tính dù không phải là ca bệnh nhưng phải ứng phó như với một ca bệnh dương tính, để truy vết, giám sát quá trình tiếp xúc. Đà Nẵng hiện đã làm thế và Bộ Y tế cũng yêu cầu với các địa phương phải vậy, nếu không sẽ bỏ sót một lượng người mang bệnh nhưng không có triệu chứng (đã khỏi).

 Về vấn đề cách ly, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Chúng ta thực hiện kiên quyết phải cách ly tập trung với các trường hợp F1. Càng để F1 sẽ đẻ ra nhiều F2. Khi F1 thành F0 thì sẽ càng vất vả, khó khăn hơn trong chống dịch...

 “Tôi chia sẻ với những khó khăn vất vả của các đồng chí ở trong đó, tôi mong các đồng chí cố gắng, đồng chí Nguyễn Trường Sơn động viên anh em làm việc và giữ sức khoẻ, chúng tôi ở ngoài này sẽ hỗ trợ tối đa khi tiền phương cần”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhắn nhủ. (Chinhphu.vn 08/8)Về đầu trang

Quyền Bộ trưởng Y tế: Phải giữ bằng được Thủ đô trước COVID-19

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh quan điểm của Trung ương là phải bảo vệ bằng được Thủ đô trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19…

 Sáng 8-8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Tại buổi làm việc, ông Long đặc biệt đề nghị Hà Nội tiến hành lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR cho các trường hợp trở về từ Đà Nẵng.

 “Như Thủ tướng chỉ đạo trong 5 vấn đề quan trọng phòng chống dịch thì việc tổ chức xét nghiệm là mấu chốt. Chỉ có xét nghiệm mới tìm được những ca ủ bệnh, khoanh vùng và kiểm soát được dịch lây lan. Lần nào họp Thủ tướng cũng nhắc việc này” - ông Long nói.

 Theo ông Long, Hà Nội là một trong những địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngay từ đầu, Ban chỉ đạo cũng như Bộ Y tế cũng coi đây là vùng có nguy cơ cao.

 “Bởi vì chúng ta có rất nhiều người đi từ Đà Nẵng về, gần 100.000 người. Nếu coi Đà Nẵng là vùng dịch, tâm dịch thì những người từ đây trở về sẽ có nguy cơ lây nhiễm nhất định” - ông Long nhấn mạnh.

 Theo đó, ông Long khẳng định Bộ Y tế sẽ “ủng hộ hết sức cho TP công tác xét nghiệm PCR. Hiện Bộ Y tế giao cho 4 đơn vị chính tiến hành hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm 70 nghìn mẫu PCR từ chiều 8-8. Trong đó, BV Bạch Mai thực hiện 40 nghìn mẫu, 3 bệnh viện còn lại (BV Nhiệt đới Trung ương; Nhi; Viện dịch tễ Trung ương) mỗi đơn vị thực hiện 10 nghìn mẫu.

 “Tốc độ xét nghiệm của các BV Trung ương sẽ làm rất nhanh. Do đó đề nghị TP Hà Nội giao Sở Y tế kết hợp chặt chẽ với các đơn vị trên để triển khai… Trước mắt xét nghiệm PCR phải làm thật nhanh, cố gắng trong 3 ngày phải hoàn thành theo chỉ đạo của Trung ương”  - ông Long nói.

 Bên cạnh đó, ông Long cho biết các cơ sở y tế của Bộ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để phát hiện trong cơ thể người đó có bị nhiễm dịch hay không. Do đó, TP cần lấy mẫu máu đối với những người đi Đà Nẵng về từ ngày 7 đến 15-7 (khoảng 22 nghìn mẫu theo báo cáo của Hà Nội). Đây là những người có nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao. Theo ông Long loại xét nghiệm này sẽ đảm bảo độ chính xác cao, nhiều nước đã thực hiện.

 Tại cuộc họp, ông Long cũng đề nghị Hà Nội chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… để tiến hành xét nghiệm tất cả trường hợp đến khám bệnh mà có dấu hiệu, biểu hiện như hướng dẫn của Bộ Y tế; xét nghiệm bệnh nhân và nhân viên y tế ở nơi có thể tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm.

 Ông Long cũng khẳng định Bộ Y tế sẵn sàng tiếp nhận điều trị toàn bộ bệnh nhân nhiễm dịch của Hà Nội. Riêng BV Bạch Mai giai đoạn trước của dịch đã chuẩn bị 1.000 giường bệnh cho HN rồi (500 giường ở cơ sở Giải Phóng, 500 giường ở Phủ Lý). Trước mắt, Bộ Y tế đã giao BV Bệnh Nhiệt đới TƯ tiếp nhận toàn bộ các trường hợp COVID-19 của Hà Nội. “Quan điểm của Trung ương là phải giữ bằng được cho Thủ đô. Bởi vì Thủ đô mà lây nhiễm mạnh thì các cơ quan Trung ương và Bộ Y tế cũng bị tác động. Do đó các bệnh viện trung ương sẽ hỗ trợ tối đa cho Hà Nội, đồng thời chúng tôi cũng điều một số chuyên gia giỏi về giúp cho TP” - ông Long nói.

 Về hậu cần, mua sắm, Bộ Y tế cũng mở rộng tất cả các phương thức thanh toán cho bệnh nhân qua bảo hiểm y tế. Yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng với bảo hiểm y tế đều phải thực hiện việc lấy mẫu, hoặc được xét nghiệm để được đảm bảo không để lây nhiễm trong cơ sở y tế. Cơ sở nào có khả năng tự làm xét nghiệm thì tự tiến hành, nếu không đủ khả năng thì lấy mẫu gửi cho cơ sở có năng lực làm. Kinh phí sẽ thanh toán qua bảo hiểm, đảm bảo tính đúng, tính đủ.

 “Riêng việc mua sắm sẽ có hướng dẫn, cụ thể sẽ căn cứ theo Luật đấu thầu, chỉ định thầu… việc này phải triển khai ngay vì rất gấp” - ông Long nói.

 Ông Long cũng đề nghị Hà Nội chuẩn bị các tình huống, kịch bản dự phòng để ứng phó tình hình dịch. Đặc biệt phải coi các cơ sở y tế là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhất là các khoa có bệnh lý nền nặng như thận, khoa chữa bệnh cho người già yếu… (Plo.vn 09/8, Trọng Phú)Về đầu trang

Lập 5 đoàn kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 8/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 3492/QĐ-BYT về việc thành lập 5 đoàn kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19.

 Theo quyết định, các đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương được quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phân công. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và trưởng đoàn có trách nhiệm xếp lịch kiểm tra, thông báo cho các bệnh viện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên.

 Đoàn kiểm tra số 1 do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm Trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra số 2 do TS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra số 3, do Chánh Thanh tra Bộ Y tế làm Trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra số 4 do Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế làm Trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra số 5 do lãnh đạo Vụ Bảo hiểm y tế làm Trưởng đoàn. 

Trước đó, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Công điện số 1212/CĐ-BYT ngày 3/8 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao.

 Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố thực hiện triệt để Công điện số 1158/CĐ-BCĐQG ngày 27/7/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các quy định về các biện pháp phòng, và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh đã ban hành. 

Khẩn trương rà soát, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở y tế theo các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất.

 Thực hiện giãn cách tại các khu vực tập trung đông người trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế tối đa người nhà chăm sóc người bệnh, tạo môi trường thoáng khí cho các buồng bệnh. Thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện tại các đơn vị cấp cứu và hồi sức tích cực.

 Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các địa phương tổ chức rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn tối đa, phòng chống lây nhiễm cho toàn bộ những người bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Sàng lọc kỹ lưỡng toàn bộ người bệnh đang điều trị tại các khoa lâm sàng, thực hiện cách ly tại khu vực riêng và chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 theo quy định.

 Thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn, tối đa không quá 3 tháng cho tất cả các đối tượng. Đồng thời đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn chi tiết cho các địa phương và điều chỉnh trên phần mềm thanh toán bảo hiểm y tế. (Thanhtra.com.vn 09/8, Phương Anh)Về đầu trang

Thanh Hóa: Đình chỉ 1 trưởng trạm y tế thiếu trách nhiệm chống COVID-19

Sáng ngày 9-8, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa cho biết đơn vị này đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ Trưởng Trạm Y tế xã Thọ Cường đối với ông Phạm Thanh Thư 1 tháng kể từ ngày 8-8.

 Ông Thư bị đình chỉ công tác do thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai việc giám sát, cách ly công dân từ vùng dịch Đà Nẵng về địa phương này nhưng vẫn đi lại.

 Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa qua hệ thống giám sát dịch trước đó đã ghi nhận thêm một trường hợp đi cùng chuyến xe Kim Chi với 2 bệnh nhân dương tính COVID-19 là bệnh nhân 620 tỉnh Hà Nam và bệnh nhân 748 của tỉnh Thanh Hóa. 

Đây là công dân nam (28 tuổi) xác định là F1, ngụ ở thôn 4 xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, trở về từ Đà Nẵng vào ngày 28-7, trên chuyến xe của nhà xe Kim Chi, BKS 43B-031.26, là chuyến xe có BN 620 và 748.

 Sau khi có thông báo bệnh nhân dương tính với COVID-19 bệnh nhân 748 là người ở phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn). Tiếp đó nam công dân (28 tuổi) này mới đi khai báo có đi cùng chuyến xe với BN 748 từ Đà Nẵng trở về sau đó di chuyển về huyện Triệu Sơn.

 Hiện nay trường hợp này đã được cách ly y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn và đượclấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trước đó, khi về địa phương, nam công dân này thuộc diện cách ly y tế tại nhà. Hiện, khu vực gia đình của nam công dân này đã được phun tiêu độc, khử trùng. (Plo.vn 09/8, Đặng Trung)Về đầu trang

Bắc Giang: 1 Chủ tịch xã bị phê bình vì chưa quyết liệt chống COVID-19

Ngày 7-8, một nguồn tin cho biết UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) vừa có văn bản phê bình Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái vì chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.

 Cụ thể, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái được xác định đã chậm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch liên quan đến các trường hợp F1 (của bệnh nhân số 673, 674); quản lý, giám sát đối tượng thuộc diện phải cách ly y tế tại gia đình không chặt chẽ; để cán bộ y tế xã cập nhật thông tin về các trường hợp đang được cách ly y tế tại nhà không chính xác.

 Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái còn thực hiện không nghiêm túc chế độ báo cáo công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu của Phòng Y tế và Chủ tịch UBND huyện; phải để đôn đốc nhiều lần, chất lượng báo cáo không bảo đảm.

 Do những thiếu sót nêu trên, UBND huyện Lạng Giang yêu cầu Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái nghiêm túc rút kinh nghiệm và tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới.

 Tính đến hiện tại, Bắc Giang ghi nhận ba ca nhiễm COVID-19. Cả ba là thành viên trong một gia đình, đi du lịch tại Đà Nẵng từ ngày 21-7 đến 24-7 vừa qua. Các bệnh nhân đều đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (TP Hà Nội). 

Cũng theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bắc Giang, trong số 246 người (F1, F2, F3) liên quan đến các ca bệnh, cơ quan y tế đã lấy mẫu xét nghiệm 187 người, kết quả âm tính 162 mẫu, còn 22 mẫu chờ kết quả xét nghiệm.

 Ngoài ra, kết quả rà soát cho thấy 4.590 người đến/về từ TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang được giám sát.

 Toàn tỉnh có 279 người nghi nhiễm COVID-19 được cách ly điều trị tại cơ sở y tế, trong đó 276 người đã loại trừ khi có xét nghiệm âm tính hoặc khỏi ra viện, ba người đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng chưa loại trừ. (Pháp luật TPHCM 08/8, Tuyến Phan)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Công điện bảo đảm an toàn giao thông trước diễn biến mới của dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong điều kiện diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

 Trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ Giao thông vận tải, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương và các cơ quan liên quan chỉ đạo và thực hiện tốt việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với thí sinh, người nhà đưa đón và các cán bộ tuyển sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 diễn ra vào ngày hôm nay và ngày mai; có phương án ứng trực, điều tiết giao thông tại các khu vực gần điểm thi và các tuyến đường chính dẫn đến điểm thi để bảo đảm an toàn tuyệt đối và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh đi thi, không để thí sinh đến điểm thi muộn do ùn tắc giao thông.

 Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành địa phương có phương án tổ chức vận tải phù hợp, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ Lễ 02/9 và khai giảng năm học mới; thực hiện nghiêm, hiệu quả nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 gắn với tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; triển khai "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9", các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông và các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông. (VTV.vn 09/8)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào 10/8

Theo thông cáo của Văn phòng Quốc hội, từ ngày 10-12/8 tới, Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc vào ngày 10/8 và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

 Theo chương trình dự kiến, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 04 dự án luật, gồm: Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh sau: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

 Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiến hành xem xét về việc ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội.

 Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về: Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030; Báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. (VTV.vn 08/8)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Covid-19 quay trở lại: Doanh nghiệp mong muốn gì?

Chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2020 đã chính thức có hiệu lực. Thuế là một trong những chính sách được cộng đồng DN mong chờ nhất, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 quay trở lại.

 “20 năm, chưa có năm nào khó khăn như năm nay” - đó là lời than của bà Lưu Thị Lan - Phó Tổng giám đốc Công ty Giống vật tư công nghệ cao Việt Nam. Bà Lan nói các DN nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. 

“Công ty chúng tôi hoạt động 20 năm nay chưa khi nào khó khăn như vậy. Toàn bộ hoạt động thử nghiệm giống tại 40 địa phương bị nhưng trệ do giai đoạn giãn cách nên ảnh hưởng năng suất, thiên tai mưa, giông lốc khiến 2/3 diện tích tại các điểm sản xuất ở Miền trung mất trắng”- bà Lan kể và thêm rằng, do dịch Covid-19 xác định còn ảnh hưởng dài nên công ty mong muốn các chính sách hỗ trợ cũng được kéo dài.

 Trong thời gian dịch Covid-19, DN bị ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng bị hủy, giảm...Vì vậy  với các DN, tích luỹ được gì hay được miễn giảm gì cũng là điều rất quý. Với DN nhỏ dù khoản thuế TNDN không nhiều, nhưng cùng với những khoản hỗ trợ thuế khác như miễn, giảm thuế đất; hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động… lại là vô cùng thiết thực.

 Giới chuyên gia phân tích, khi DN được giảm thuế họ sẽ có thêm cơ hội vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Từ đó tạo điều kiện cho các DN nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, là tiền đề giúp các DN nhỏ, siêu nhỏ phát triển, chuyển đổi thành DN có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho ngân sách nhà nước trong thời gian tiếp theo.

 Ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ cho biết thực tế: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 397 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch (42 khách sạn, 355 nhà nghỉ), 25 đơn vị kinh doanh lữ hành, 3 nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch,trong đó có 85 đơn vị là hội viên Hiệp hội Du lịch Phú Thọ. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh, trong quý I/2020, doanh thu của các đơn vị giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các khu, điểm du lịch, các đơn vị khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, các dịch vụ liên quan đến du lịch đều tạm ngừng hoạt động, một số đơn vị cho cán bộ nhân viên nghỉ luân phiên hoặc nghỉ không hưởng lương và chỉ bố trí một số nhân sự trực tại đơn vị. Về doanh thu của các đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch bệnh: Doanh thu của các đơn vị lữ hành và các đơn vị vận tải du lịch từ tháng 2/2020 đến hết tháng 4 không phát sinh; đơn vị lưu trú du lịch chỉ đạt khoảng 10-20% do còn lượng khách ở dài hạn và đã có hợp đồng từ trước ngày 28/3; các đơn vị nhà hàng chỉ đạt khoảng 10% doanh thu do có khách đặt mang đến phục vụ tại nhà.

 Từ đó ông Trần Thanh Sơn đề nghị các bộ, ngành đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ cho nhân dân và DN bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt là các chính sách thuế, lãi suất.

 Theo Nghị quyết số 116/2020 của Quốc hội về giảm 30% thuế TNDN năm 2020 chính thức có hiệu lực có hiệu lực từ ngày 3/8 vừa qua thì DN nào có thu nhập phát sinh trong năm 2020 không quá 200 tỷ đồng sẽ được giảm thuế. Vì đây được xem là đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của Covid-19...

 Trong trường hợp DN mới thành lập trong năm 2020 (kỳ tính thuế năm 2020 không đủ 12 tháng) thì cần quy định phân bổ doanh thu theo thời gian thực tế DN hoạt động trong năm 2020.

 Theo đó đối tượng được giảm thuế bao gồm: DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập.

 Ông Vũ Văn Sang - Giám đốc Công ty TNHH Quản trị doanh nghiệp BCM Việt Nam, chia sẻ khu vực DN nhỏ và siêu nhỏ đang bị tác động mạnh nhất. Hầu hết các DN có sự giảm sút trong doanh thu do nhu cầu tiêu dùng giảm và hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Tài chính DN nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng do mất cân đối dòng tiền, tăng công nợ tồn đọng từ khách hàng và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Do đó, cộng đồng DN này rất cần được hỗ trợ.

 Theo vị giám đốc này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DN, giúp giảm bớt khó khăn cho DN. Tuy nhiên, hiện nay dù dịch đã được khống chế nhưng DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới. “Vì vậy theo tôi thời gian gia hạn cần phải dài hơn nữa để các DN có thể ổn định kinh doanh sau dịch Covid-19”- ông Sang nói.

 Về đề xuất giảm 30% thuế TNDN, ông Sang cho rằng, chính sách miễn giảm thuế cần thực hiện ngay để DN chủ động hơn trong việc cân đối dòng tiền phục vụ hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh.

 Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, chủ trương giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp là tốt nhưng chưa đủ. Bởi doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện không chỉ gặp khó khăn về thuế mà còn gặp rất nhiều khó khăn khác như tiếp cận mặt bằng, tín dụng, tiếp cận với công nghệ, với chuỗi thị trường… Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp làm ăn cầm chừng, không có lãi nên không phải đối tượng nộp thuế. (Daidoanket.vn 09/8)Về đầu trang

Dự báo lạm phát cả năm dưới 4%

Tuy chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng qua tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng lạm phát năm nay sẽ chỉ dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đã đặt ra.

 Thông tin trên là nhận định của nhiều chuyên gia, dù những tháng đầu năm nay mặt bằng giá cả thị trường tăng, giảm bất thường hơn nhiều so với mọi năm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Sự lạc quan này là hoàn toàn có cơ sở, khi kinh tế vĩ mô ổn định, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt và Chính phủ có sự chỉ đạo quyết liệt trong kiểm soát lạm phát.

 Chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng qua tăng tới 4,07% chủ yếu là do giá xăng dầu và thịt lợn tăng mạnh. Đặc biệt trong tháng 7, do nhu cầu sử dụng điện, nước tăng đột biến do nắng nóng kéo dài khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,4% so với tháng trước.

 Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giá xăng dầu hồi phục chỉ mang tính kỹ thuật, còn giá thịt lợn trong nước và nhập khẩu cũng đã chạm trần nên khó tăng bất thường trong những tháng cuối năm.

 Tỷ lệ lạm phát của một nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào tổng sức mua của nền kinh tế và tỷ giá hối đoái. Nếu sức mua tăng mạnh dễ dẫn tới khan hiếm hàng và tăng giá. Khi đồng nội tệ mất giá sẽ làm cho hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn và gây lạm phát.

 Những tháng cuối năm sẽ có nhiều yếu tố làm tăng áp lực lạm phát như giá dịch vụ công và thiết bị giáo dục để thực hiện năm học mới. Thiên tai dịch bệnh cũng rất phức tạp, đặc biệt là sự tái phát của dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo điều hành chính sách giá sát sao của Chính phủ, dự báo tình huống xấu nhất lạm phát chỉ ở 3,95% .

 Để chủ động kiểm soát lạm phát, cùng với việc thúc đẩy sản xuất các mặt hàng thiết yếu, các Bộ ngành cần tăng cường kiểm soát và bình ổn giá thị trường. Không được để xảy ra đứt gãy nguồn cung lương thực, thực phẩm, đặc biệt phải nhanh chóng tái đàn lợn để chủ động nguồn cung thịt lợn trong nước. (VTV.vn 08/8)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Ông Chinh trả "ghế", bà Mai trả nhà và chuyện lắng nghe lời thật

Cha ông xưa nói "lời thật mất lòng", lời nói thật có thể mất lòng nhưng thực sự cần thiết để sửa đổi, thay đổi. Ngày nay, cũng tinh thần góp ý của cha ông, con cháu dùng cụm  từ "phản biện xã hội" để nói lên sự thật.

 Sau 13 ngày giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chinh lại được điều động, bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

 Dù không bằng một tuyên bố chính thức, nhưng chắc chắn, việc điều chuyển công tác của ông Nguyễn Nhân Chinh có liên quan đến những ý kiến phản biện trong dư luận về cái chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh của ông trước đó, trong đó, có những tiếng nói thẳng thắn, góp ý chân thành, thuyết phục.

 Nghe lời trái tai tuy không vui, nhưng thường thì có lợi hơn những lời đường mật. Nghe bọn "nịnh thần" xúi bậy coi chừng có ngày "mất hết cả chì lẫn chài".

 Một thông tin được dư luận chú ý khác, gia đình bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT đã liên hệ với Bộ Xây dựng để đề nghị kiểm kê, thực hiện thủ tục bàn giao lại căn hộ chung cư thuộc khu nhà công vụ Hoàng Cầu, Hà Nội.

 Khá bất ngờ, vì trước đó, bà Đặng Huỳnh Mai có đơn xin thuê căn nhà công vụ này, như bà chia sẻ: "Tôi chỉ xin ở thuê cho tới khi nào phải đi thôi. Tôi không đặt ra chuyện mua nhà. Tôi chỉ tâm sự thế thôi, sống 20 năm ở đó rồi, cũng muốn gắn bó, yêu nó một chút. Tôi xin thuê để danh chính ngôn thuận".

 Bà Đặng Huỳnh Mai không chiếm dụng, cố tình không trả nhà như một số trường hợp khác, bà chỉ xin được thuê. Có điều, quy định chung thì mọi người nên chấp hành, cán bộ chức vụ càng cao thì càng phải nêu gương. Không ở nhà này, bà Mai có nhiều nhà khác để ở, không nên để cho "quan trên trông xuống, người ta trông vào".

 Bà Đặng Huỳnh Mai không nói rút đơn vì dư luận lên tiếng phản đối, nhưng ai cũng hiểu rằng, những ý kiến đóng góp của báo chí, kể cả mạng xã hội cũng có tác động tích cực. Thêm một căn hộ lợi ích gì khi để lại nhiều lời dị nghị, đàm tiếu vào chính "căn nhà" của mình.

 Chuyện trả "ghế", trả nhà của hai vị trên là bài học quý. Ngay từ đầu, đưa ra quyết định dứt khoát "rút lui", để khỏi kéo dài những hệ lụy về sau.

 Cho nên, hãy nhìn phản biện xã hội ở một khía cạnh tích cực để điều chỉnh hành vi của mình, nhất là người "làm quan". (Laodong.vn 08/8, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề xuất mới liên quan đến Căn cước công dân

Bộ Công an đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 137/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

 Theo Bộ Công an, trong quá trình triển khai dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, Bộ thấy có một số khó khăn liên quan đến quy định của Nghị định số 137/2015.

 Cụ thể, Nghị định chưa có quy định về trách nhiệm cập nhật, khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư của Công an cấp xã để phục vụ công tác quản lý cư trú nói riêng và quản lý dân cư nói chung.

 Thứ 2, chưa có quy định về việc cấp số định danh cá nhân cho công dân đã đăng ký khai sinh (ngoài trường hợp đã đăng ký thường trú và cấp thẻ Căn cước công dân).

 Thứ 3, chưa có quy định cụ thể về hình thức khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư qua mạng internet và mạng viễn thông để công dân có thể tự khai thác một số trường thông tin cơ bản của cá nhân phục vụ cho thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… mà không phải thông qua cơ quan nhà nước.

 Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 137/2015 về thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư, cấp số định danh cá nhân cho công dân để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới là cần thiết.

 Dự thảo Nghị định bổ sung quy định việc xác lập số định danh cá nhân đối với toàn bộ công dân đã đăng ký khai sinh để đáp ứng yêu cầu quản lý dân cư nói chung và quản lý cư trú nói riêng thông qua CSDLQG về dân cư, tạo thuận lợi cho công dân trong việc sử dụng mã số định danh cá nhân để khai thác thông tin của mình trong CSDLQG về dân cư.

 Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về việc xác lập lại số định danh cho công dân đã xác định lại giới tính sau khi công dân đó đã thực hiện đăng ký lại hộ tịch theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch. Điều này là nhằm bảo đảm giải quyết cho những trường hợp công dân xác định lại giới tính.

 Nội dung dự thảo cũng bổ sung hình thức khai thác thông tin của công dân trong CSDLQG về dân cư qua Cổng thông tin điện tử do cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư quy định. Từ đó tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… mà không phải thông qua hình thức bằng văn bản qua cơ quan nhà nước. (Plo.vn 08/8, N.Thảo)Về đầu trang

Cần Thơ: Cắt giảm gần 3.300 người trong đơn vị sự nghiệp

Ngày 7-8, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030 và giải pháp cải thiện các chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS TP Cần Thơ.

 Báo cáo tổng kết CCHC TP giai đoạn 2011-2020, phương hướng giai đoạn 2021-2030, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Hoàng Ba cho biết, trong suốt giai đoạn 2011-2020, hàng năm TP đều tổ chức khảo sát để đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đố với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. 

Từ năm 2015 đến năm 2019, TP đã khảo sát 54.830 phiếu, tỉ lệ hài lòng của người dân tăng dần qua các năm, năm 2015 đạt 79,36%, năm 2017 đạt 79,88%, năm 2019 đạt 87,33%.

 Kết quả thực hiện các nội dung theo chương trình tổng thể, về cải cách TTHC, từ năm 2015 đến ngày 31-3-2020, TP đã tiến hành rà soát, đánh giá 203 TTHC thuộc 14 lĩnh vực.

 Trong đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung 28 văn bản quy pháp pháp luật và 78 TTHC có liên quan ở các lĩnh vực Công thương, GD&ĐT, LĐ-TB&XH, Nội vụ, TN&MT, Tư pháp, Y tế, VH-TT&DL, đạt tỉ lệ cắt giảm trung bình là 16,59%, và tổng số tiền tiết kiệm đucợ khoảng 3,5 tỉ đồng.

 Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, TP sắp xếp, kiện toàn giảm còn 32 phòng chuyên môn thuộc 17 sở, ngành, 5 phòng thuộc chi cục; giảm 53 đơn vị sự nghiệp, 33 điểm trường tiểu học và mầm non, 9 chi nhánh trung tâm phát triển quỹ đất quận, huyện; Hoàn thành sắp xếp, kiện toàn 138 ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành xuống còn 64 ban chỉ đạo và 29 hội đồng.

 Về biên chế công chức, tính đến tháng 5-2020 đã thực hiện tinh giản và cắt giảm biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính là 211/213 biên chế, giảm 9,9% so với biên chế giao năm 2015, đạt 99,06% kế hoạch của giai đoạn 2015-2021.

 Về số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, từ khi thực hiện đến tháng 5-2020, TP đã phê duyệt danh sách tinh giản biên chế 345 trường hợp viên chức, thực hiện cắt giảm 2.950 người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, lũy kế tỉ lệ (tổng của tỉnh giản và cắt giảm) theo lộ trình đề ra là 3.295/2.313 người, giảm 14,24% so với biên chế giao năm 2015, đạt 142,45% kế hoạch của giai đoạn 2015-2021.

 Theo ông Ba, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: chỉ số hài lòng về sự phục vụ của người dân TP tuy đạt theo yêu cầu Chương trình tổng thể (trên 80%) nhưng so với các tỉnh, thành khác thì Cần Thơ còn thuộc nhóm có chỉ số thấp.

 Chỉ số CCHC các năm trước đây của TP thường trong top 10 nhưng năm 2019 giảm sâu về thứ hạng (xếp thứ 29, giảm 13 bậc so với năm 2018), cho thấy các ngành các cấp có biểu hiện chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Điều này nếu diễn biến tiếp tục sẽ ảnh hưởng lớn đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn TP…

 Bộ máy hành chính các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP chưa thực Sự tinh gọn ở cấp sở, ngành, UBND cấp huyện.

 Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC) chưa đồng đều, một bộ phận CBCC-VC năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu, đề xuất các biện pháp giải quyết còn yếu, chưa xác định rõ trách nhiệm của từng CBCC-VC trong thực thi công vụ… (Plo.vn 08/8, Nhẫn Nam)Về đầu trang

Hưng Yên cần chủ động tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 8/8, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính.

 Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Hưng Yên gắn cải cách hành chính với việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

 Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hưng Yên tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, triển khai xây dựng Chính quyền điện tử gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, tổ chức liên thông các phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị trực thuộc, bảo đảm 100% kết nối, liên thông 4 cấp hành chính.

 Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu người đứng đầu chính quyền các cấp chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA.

 Nhân dịp này, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại Trung tâm phục vụ hành chính công và kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Hưng Yên. (VTV.vn 08/8)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TP.HCM triển khai làm thủ tục hành chính trên môi trường mạng

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận-huyện, phường-xã, thị trấn về việc tuyên truyền thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

 Cụ thể, TP giao các đơn vị kiểm tra, rà soát việc tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống một cửa điện tử tại đơn vị. Công tác này đảm bảo tuân thủ theo Nghị định 45/2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 22-5-2020).

 Văn phòng UBND TP sẽ phối hợp với các đơn vị đánh giá việc cung cấp thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời, các đơn vị cần công khai danh mục và tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tại cổng dịch vụ công tập trung của TP.

 UBND TP sẽ phê duyệt việc lựa chọn, lập danh mục nhóm thủ tục hành chính và thủ tục hành chính ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử trong thời gian tới. (Plo.vn 08/8, N.Châu)Về đầu trang

Sở TN&MT Cần Thơ lý giải hàng ngàn hồ sơ trễ hẹn

Ngày 7-8, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030 và giải pháp cải thiện các chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS TP Cần Thơ.

 Báo cáo kết quả chỉ số CCHC của TP Cần Thơ năm 2019, ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết chỉ số CCHC năm 2019 của TP đạt 81,25%, xếp vị trí thứ 29/63 tỉnh, thành, giảm 23 bậc so với năm 2018. Trong tám chỉ số thành phần thì chỉ số cải cách thủ tục hành chính của TP đạt 89,22%, xếp vị trí thứ 36 cả nước, giảm 31 bậc.

 Nguyên nhân chủ yếu là do tỉ lệ hồ sơ đúng hạn ở sở, ngành chỉ đạt khoảng 90% (ở các địa phương khác hầu hết đều đạt từ 95% trở lên).

 Theo ông Dự, hồ sơ trễ hẹn nhiều của Sở TN&MT là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số thành phần “thủ tục hành chính” sụt giảm đáng kể.

 Cụ thể, do tỉ lệ hồ sơ trễ hẹn cao nên tiêu chí về “tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tiếp nhận trong năm được giải quyết đúng hạn” mất 1,5 điểm. Để đạt điểm ở tiêu chí này thì tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn đạt từ 95% trở lên, trong khi TP chỉ đạt 90,19%.

 Trong số 29.236 hồ sơ trễ hẹn của toàn TP thì Sở TN&MT có 29.071 hồ sơ, chiếm tỉ lệ 99,44%. Các hồ sơ trễ hẹn còn lại thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (năm hồ sơ), Sở Công thương (năm hồ sơ), Sở KH&ĐT (22 hồ sơ), Sở LĐ-TB&XH (năm hồ sơ), Sở Tư pháp (131 hồ sơ).

 “Trong sáu tháng đầu năm 2020, tình trạng này chưa có dấu hiệu cải thiện, Sở TN&MT tiếp tục có lượng hồ sơ trễ hẹn tương đối lớn, với 9.396 hồ sơ” – ông Dự cho hay.

 Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết trong năm 2019, mỗi tháng Sở tiếp nhận 13.000 hồ sơ. Cán bộ giải quyết hồ sơ xong trả cho người dân, doanh nghiệp nhưng lại không cập nhật trên hệ thống. Do đó, trên hệ thống thể hiện hồ sơ trễ hẹn là 10% nhưng thống kê của Sở thì lượng trễ hẹn khoảng 1,8%.

 Cũng theo ông Kiên, 7 tháng đầu năm 2020, Sở tiếp nhận khoảng 10.000 hồ sơ/tháng. Trong đó, 80% hồ sơ phải đi bên ngoài, tức Sở không tự mình giải quyết được mà phải có sự phối hợp của nhiều sở, ngành liên quan và cả người dân.

 Ông Kiên đã dẫn ví dụ như đi đo đạc hồ sơ chuyển nhượng hết thửa mà không có người dân ở tứ cận chứng kiến thì hồ sơ sẽ bị trễ. Rồi trong khoảng thời gian giãn cách xã hội khoảng ba tháng có khoảng 24.000 hồ sơ bị ảnh hưởng. Hồ sơ trễ hẹn đến giờ còn khoảng 12.000 là vì những lý do khách quan như vậy.

 Về nguyên nhân chủ quan, ông Kiên cho biết cán bộ chuyên môn ở tất cả các khâu từ đầu vào đến trả kết quả vận hành phần mềm không thao tác luân chuyển hồ sơ trên phần mềm, việc luân chuyển hồ sơ trên hệ thống thực hiện chậm hơn so với giải quyết hồ sơ giấy. 

Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của công chức, viên chức không đồng đều, dẫn đến việc tham mưu giải quyết thủ tục hành chính đôi khi còn lúng túng…

 “Tuy nhiên, Sở xin nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa, phấn đấu hồ sơ trễ hẹn không quá 2%” – ông Kiên cho hay. (Pháp luật TPHCM 08/8, Nhẫn Nam)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Quyết liệt thúc đẩy giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, một trong những giải pháp được coi là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế là phải quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

 7 tháng năm nay, giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong giai đoạn 5 năm qua, hơn 200.000 tỷ đồng đã được đưa vào nền kinh tế, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2019. Sự quyết liệt của Chính phủ đã trở thành chương trình hành động tại nhiều Bộ ngành, địa phương.

 Theo chỉ đạo của Chính phủ, cứ 15 ngày, các Bộ ngành, địa phương sẽ phải họp giao ban kiểm điểm và báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh. So với 6 tháng đầu năm, chỉ trong tháng 7, kết quả giải ngân đầu tư công đã có những thay đổi đáng kể.

 Hết 6 tháng, vốn đầu tư công mới giải ngân được khoảng 35%. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng, đến cuối tháng 7 vừa qua, con số này đã tăng lên gần 43% kế hoạch năm, tương đương hơn 200 nghìn tỷ đồng đã được đưa ra nền kinh tế thông qua các dự án.

 So với cùng kỳ, kết quả giải ngân 7 tháng năm nay đã tăng lên đáng kể. Nguyên nhân được cho là do có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khiến tinh thần "rốt ráo" giải ngân vốn đầu tư công lan tỏa và trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các đơn vị phải thực hiện. Cùng với đó, việc gắn trách nhiệm cho người đứng đầu của các Bộ ngành, địa phương trong việc kiểm tra, cập nhật tiến độ giải ngân nửa tháng 1 lần, thậm chí đến từng dự án cũng mang lại cải thiện rõ nét ở nhiều địa phương.

 Cũng bắt đầu từ tháng 8 này, Chính phủ sẽ thực hiện việc điều chuyển vốn từ những bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân thấp sang các đơn vị làm tốt hơn. Từng Bộ ngành, địa phương cũng sẽ áp dụng phương án này cho các dự án mà mình đang quản lý nhằm đốc thúc giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả.

 Đứng đầu về số vốn đầu tư công phải giải ngân trong năm nay với hơn 39.000 tỷ đồng, Bộ GTVT cho biết, đến hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân đã đạt trên 40%. Đặc biệt, với dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam, mới đây Quốc hội đã cho phép chuyển đổi thêm 3 dự án thành phần từ đầu tư theo hình thứ PPP sang đầu tư công và phải phấn đầu khởi công vào cuối tháng 9 tới theo yêu cầu của Thủ tướng. Do đó, Bộ GTVT đang phải gấp rút cùng các địa phương giải ngân để có mặt bằng sạch cho các dự án.

 2 trong 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam chuyển sang đầu tư công do Ban Quản ly dự án Thăng Long làm chủ đầu tư. Đại diện Ban Thăng Long cho biết, đến thời điểm này đã giải ngân được trên 85% mặt bằng. Mặc dù phần mặt bằng còn lại không nhiều nhưng lại khá phức tạp và khó khăn, do đó Ban phải xắn tay cùng các địa phương để gấp rút thực hiện.

 Đại diện Bộ GTVT cho biết, đối với các dự án thành phần được chuyển sang đầu tư công, không chờ đến khi có toàn bộ mặt bằng mới khởi công, mà gói thầu nào có mặt bằng sẽ triển khai ngay. Việc sớm khởi công cũng sẽ tạo điều kiện để các đơn vị tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công cho công tác xây lắp trên hiện trường. 

Về phía các địa phương, 7 tháng năm nay, nhiều địa phương có số vốn giao lớn nhưng tỷ lệ thực hiện khá tích cực. Ngay sau khi 7 tổ công tác đặc biệt gỡ vướng cho công tác giải ngân vốn đầu tư công được thành lập, Thủ tướng, các phó Thủ tướng và Bộ trưởng các Bộ chuyên ngành cũng đã liên tục làm việc với các địa phương để đốc thúc nhiệm vụ này. Không ít các địa phương đã đưa ra cam kết sẽ giải ngân 100% vốn kế hoạch của năm nay. Dẫn đầu về số vốn giải ngân từ đầu năm đến nay là Hà Nội, TP.HCM, với mức tăng so với cùng kỳ năm 2019, lên tới 73%.

 Lũy kế 7 tháng, TP.HCM đã giải ngân hơn 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công bằng gần 36% kế hoạch năm và tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Theo thành phố, có được kết quả này nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương và việc khẩn trương triển khai áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

 Mới đây, làm việc với lãnh đạo Chính phủ và các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư về công tác giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo các tỉnh Tuyên Quang, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa đều nhấn mạnh giải pháp gắn trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác giải ngân đầu tư công là chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị… đã mang lại những cải thiện rõ nét trong việc giải ngân.

 Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân, công tác lựa chọn dự án cũng sẽ được thay đổi theo hướng ưu tiên các dự án đóng vai trò quan trọng, cấp bách cho phát triển chung của địa phương, của vùng để khi giao vốn sẽ được thực hiện ngay, tránh tình trạng cứ xin vốn rồi để đó. Đồng thời, công tác rà soát để điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang cho các dự án triển khai tốt cũng sẽ được tăng cường. 

Như vậy, 5 tháng cuối năm, cả nước sẽ phải thực hiện giải ngân 57% số vốn đầu tư công còn lại, tương đương hơn 360.000 tỷ đồng để đạt được mục tiêu Thủ tướng Chính phủ liên tục nhấn mạnh trong các hội nghị thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là phải giải ngân hết 100% vốn kế hoạch của năm nay và các năm trước chuyển sang. (VTV.vn 08/8)Về đầu trang

Thu ngân sách 7 tháng đầu năm giảm 13,1% so với cùng kỳ

Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện 7 tháng đầu năm 2020 đạt 779,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ngân sách Trung ương ước đạt 48,3% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 55,8% dự toán.

 Trong đó, thu nội địa, lũy kế 7 tháng ước đạt ước đạt 649,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán, giảm 10,6% so cùng kỳ năm 2019. Thu từ dầu thô, lũy kế 7 tháng thu ước đạt 23 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá dầu thô thanh toán bình quân đạt 48,3 USD/thùng, thấp hơn 11,7 USD/thùng so với giá dự toán, bằng khoảng 70,5% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng ước đạt 5,5 triệu tấn, bằng 61,8% kế hoạch, bằng 79,5% so với cùng kỳ năm 2019.

 Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7 tháng ước đạt 106,47 nghìn tỷ đồng, bằng 51,2% dự toán, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2019, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 175 nghìn tỷ đồng, bằng 51,8% dự toán, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2019; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 68,53 nghìn tỷ đồng.

 Đại dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế, cầu hàng hóa sụt giảm, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm ước đạt 285,1 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm, như: Xăng dầu các loại giảm 48,7%, ô tô nguyên chiếc giảm 47,6%, sắt thép giảm 14,1%, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 4,2%,... đã tác động làm giảm thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu.

 Tổng chi NSNN 7 tháng đạt 855,5 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt gần 192 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, vẫn ở mức thấp so với yêu cầu, chi trả nợ lãi đạt 68,27 nghìn tỷ đồng, bằng 57,8% dự toán, xấp xỉ cùng kỳ năm 2019; chi thường xuyên đạt 589,8 nghìn tỷ đồng, bằng 55,8% dự toán, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019.

 Nhìn chung, NSNN đã đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách trong 7 tháng đầu năm theo dự toán và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Đến nay, NSNN đã chi khoảng 17,67 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

 Trong đó, chi cho công tác phòng, chống dịch khoảng 5,37 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ cho 12,4 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp khoảng 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. (Thanhtra.com.vn 08/8)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thành ủy TP.HCM thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM thông tin về việc thi hành kỷ luật đối với một số tổ chức đảng, đảng viên có nhiều khuyết điểm, vi phạm liên quan nhiều vụ việc trong thời gian qua.

 Về kết quả xem xét, thi hành kỷ luật đối với vụ việc tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM cho biết, thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm của 66 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm.

 Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản báo cáo, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét theo thẩm quyền đối với một đồng chí.

 Đối với 3 đồng chí Thành ủy viên nhiệm kỳ 2015 – 2020: Phan Thị Thắng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP, nguyên Giám đốc Sở Tài chính; Bùi Xuân Cường, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải; đồng chí Tất Thành Cang, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công trình Lịch sử TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, nhưng do đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng nên Ban Chấp hành Đảng bộ TP thống nhất kết luận phê bình.

 Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với 5 đồng chí. Cụ thể là kỷ luật đồng chí Nguyễn Thị Hữu Hòa, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bằng hình thức cảnh cáo. Kỷ luật đồng chí Tạ Quang Vinh, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, bằng hình thức cảnh cáo. Kỷ luật đồng chí Nguyễn Quốc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Xổ số Kiến thiết TP, nguyên Trưởng Ban Vật giá, Sở Tài chính, bằng hình thức cảnh cáo. Kỷ luật đồng chí Nguyễn Thế Minh, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bằng hình thức khiển trách. Kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, bằng hình thức khiển trách.

 Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xem xét hình thức kỷ luật đối với 6 đồng chí. Cụ thể là đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Trưởng Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng chí Nguyễn Lê Dũng, nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng chí Quách Hồng Tuyến, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng. Đồng chí Nguyễn Văn Tám, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải. Đồng chí Đỗ Hữu Nam, Phó Trưởng Phòng Kinh tế ngành, nguyên Phó Trưởng Phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

 Các đồng chí trên có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, nhưng do đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng nên thống nhất kết luận phê bình.

 Liên quan đến vụ việc, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã phê bình đối với 38 đồng chí do cùng chịu trách nhiệm liên quan việc tham mưu, tổ chức thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng chưa đến mức thi hành kỷ luật; thống nhất chưa xem xét hoặc không xem xét 13 trường hợp có lý do cụ thể hoặc do đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc các trường hợp không phải là đảng viên.

 Ðối với vụ việc tại Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH Một thành viên, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nhận định, Ban Thường vụ Ðảng ủy Tổng công ty nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; buông lỏng vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến Tổng công ty có nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà, đất; làm ảnh hưởng đến uy tín của Ban Thường vụ Ðảng ủy Tổng công ty, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên. Do vậy, Ban Thường vụ Thành ủy thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban Thường vụ Ðảng ủy Tổng công ty nhiệm kỳ 2015 - 2020.

 UBKT Thành ủy thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Nguyễn Văn Khởi (nguyên Bí thư Ðảng ủy Tổng công ty, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty) và phê bình sáu đồng chí có liên quan. 

Tại Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH Một thành viên, Ban Thường vụ Thành ủy kết luận phê bình đối với Ban Thường vụ Ðảng ủy Tổng công ty nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm kỳ 2015 - 2020. UBKT Thành ủy thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Trần Hùng Việt, nguyên Phó Bí thư Ðảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty và phê bình năm đồng chí khác có liên quan. Lý do vì Ban Thường vụ Ðảng ủy Tổng Công ty và các đồng chí nêu trên đã thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước; chậm thực hiện khắc phục các kết luận của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và việc thực hiện, chuyển nhượng dự án Sài Gòn Gôn sai quy định.

 Ðối với Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn - TNHH Một thành viên, Ban Thường vụ Thành ủy phê bình Ban Thường vụ Ðảng ủy Tổng công ty nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phê bình đồng chí Chủ tịch Hội đồng thành viên và đồng chí Tổng Giám đốc.

 Ðối với Tổng công ty Ðịa ốc Sài Gòn - TNHH Một thành viên, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ba đồng chí là quản lý cấp cao tại đơn vị này do vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; việc quản lý công nợ; việc quản lý, sử dụng Quỹ Ðầu tư phát triển; chi hộ tiền trả tiền cho đối tác kinh doanh, chi hộ trả tiền thuê đất; quản lý chứng từ kế toán; hoạt động đầu tư, góp vốn; thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2013 - 2015; thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thực hiện dự án và thực hiện chức trách, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

 Ðối với Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với tám đồng chí; khiển trách hai đồng chí và phê bình ba đồng chí lãnh đạo đơn vị do có những khuyết điểm, vi phạm trong việc sử dụng quỹ tiền lương; nộp ngân sách khoản lợi nhuận sau phân phối; quản lý chi phí; trích nộp kinh phí công đoàn; huy động vốn; quản lý công nợ; công tác thiết kế - dự toán công trình Tòa nhà văn phòng và sử dụng Tòa nhà văn phòng IPC; quản lý cán bộ, đảng viên đi nước ngoài; thực hiện Dự án Khu dân cư Hiệp Phước; thoái vốn theo đề án tái cơ cấu (giai đoạn 2016 - 2017); việc cử người đại diện vốn; việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược; việc thẩm định giá và việc thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu, việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh.

 Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với đồng chí Trương Văn Thống, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HÐND huyện Củ Chi. Ðối với hai đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Thủ Ðức và đồng chí Nguyễn Văn Phụng, Thành ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HÐND huyện Bình Chánh có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và trách nhiệm đảng viên, Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố thống nhất không kỷ luật, phê bình. 

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy đã phê bình, rút kinh nghiệm đối với Ban Thường vụ Quận ủy Thủ Ðức và hai huyện Bình Chánh, Củ Chi nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với năm đảng viên tại quận Thủ Ðức và hai huyện Bình Chánh, Củ Chi; phê bình ba đảng viên tại quận Thủ Ðức và huyện Bình Chánh. Ðồng thời, các tổ chức đảng thuộc Ðảng bộ quận Thủ Ðức, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi đang tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với 21 tổ chức đảng và 155 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng. (VTV.vn 08/8)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Công ty Nhật cho phép người lao động nghỉ hưu năm 80 tuổi

Những năm gần đây, dưới sức ép của tình trạng già hóa dân số, Nhật Bản đang nỗ lực khuyến khích người dân kéo dài thời gian đi làm lâu nhất có thể.

 Nhiều công ty nước này đã có chính sách tiếp tục thuê lao động cho tới tận năm 70 tuổi và thậm chí có công ty đã nâng tuổi nghỉ hưu lên đến 80.

 Ông Sato là một nhân viên bán hàng tại chuỗi cửa hàng đồ điện tử Nojima.Công việc hàng ngày của ông là hỗ trợ tại các quầy hàng cũng như trò chuyện tư vấn với khách đến mua hàng. Không nhiều người biết rằng, năm nay ông đã 72 tuổi.

 "Bây giờ tôi vẫn cảm thấy như mới 50 tuổi thôi. Tôi thấy mình hoàn toàn có thể sử dụng những kinh nghiệm lâu năm để hỗ trợ các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn", ông Tadashi Sato - nhân viên bán hàng.

 Ông Sato là 1 trong khoảng hơn 100 nhân viên cao tuổi được hưởng lợi từ chính sách mới của Nojima. Trong đó, công ty cho phép những nhân viên trên 65 tuổi tiếp tục ở lại làm việc, với hợp đồng lao động được ký từng năm một. Họ có thể làm việc tới tối đa 80 tuổi.

 Ông Yoshiyuki Tanaka - Giám đốc Nhân sự, Hãng bán lẻ Nojima cho biết: "Chúng tôi có nhiều khách hàng cao tuổi và sẽ thoải mái hơn cho họ khi tiếp đón bằng những nhân viên khoảng tầm tuổi họ, thay vì những người trẻ tuổi. Chúng tôi cũng sẽ có thêm biện pháp để bảo vệ sức khỏe các nhân viên cao tuổi".

 Với dân số hiện ở mức già nhất thế giới, Nhật Bản đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Việc khuyến khích người cao tuổi đi làm như của Nojima có thể là một giải pháp hiệu quả.

 Hồi đầu năm, nước này đã nâng tuổi nghỉ hưu chính thức lên 70 và cho phép người cao tuổi nhận lương hưu muộn hơn, góp phần đưa "làm việc suốt đời" trở thành một xu hướng trên toàn nước Nhật. (VTV.vn 09/8, Việt Linh)Về đầu trang

Malaysia bắt giữ cựu Bộ trưởng Tài chính do các cáo buộc tham nhũng

Cựu Bộ trưởng Tài chính của Malaysia - ông Lim Guan Eng - đã bị bắt hôm thứ Năm do có liên quan đến các cáo buộc tham nhũng đối với dự án đường hầm xuyên biển trị giá 1,5 tỷ USD, Hãng Thông tấn Nhà nước Bernama đưa tin.

 Trong một tuyên bố mới đây, Ủy ban Chống Tham nhũng Malaysia cho biết ông Lim, một nhà lãnh đạo cấp cao của phe đối lập, sẽ bị xét xử vào ngày 07/08. Họ không bình luận thêm về vụ bắt giữ.

 Vụ bắt giữ ông Lim xảy ra sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng các cáo buộc tham nhũng và hối lộ với một dự án đường hầm xuyên biển ở bang Penang, nơi ông đã giữ chức Thị trưởng từ năm 2008 cho đến khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính vào năm 2018.

 Ông Lim là một phần của chính quyền do ông Mahathir Mohamad lãnh đạo. Chính quyền này đã sụp đổ vào tháng Hai vừa qua.

 Ông là một trong những lãnh đạo chủ chốt của chính quyền Mahathir, người đã đóng góp vào nỗ lực của Malaysia nhằm thu hồi hàng tỷ USD bị đánh cắp từ Quỹ Nhà nước 1 Malaysia Development Berhad (1MDB).

 Năm 2016, Lim bị buộc tội hai tội lạm dụng quyền lực để phê duyệt không hợp pháp một thỏa thuận đất đai và mua một căn nhà gỗ với giá thấp hơn giá thị trường, một nhà phê bình cho rằng động thái này là một phần của chiến dịch đàn áp những người phản đối chính quyền của Thủ tướng Najib Razak khi đó.

 Các cáo buộc đã được bác bỏ sau khi ông Najib đã không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018. (Thanh tra 08/8, Trần Minh Tuấn)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Các tin khác