Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 22-7-2020

14:1, Thứ Tư, 22-7-2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Hình ảnh trên Facebook sẽ là nguồn để Cảnh sát giao thông xử phạt 1

CHỈ THỊ MỚI 2

2.                Thủ tướng ra chỉ thị phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế. 2

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 3

3.                Hơn 49% doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên. 3

4.                HSBC: Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến kinh doanh hấp dẫn. 4

5.                Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. 5

6.                Không để thủ tục rườm rà "ngáng chân" doanh nghiệp. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

7.                Ngẫm về con số 170 và 11.000. 8

QUẢN LÝ.. 9

8.                Phòng, chống nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. 9

9.                Thủ tướng: "Ai không làm thì đứng ra một bên để người khác làm". 11

10.             Thủ tướng muốn TP.HCM “làm mạnh dạn nhưng không gây thất thoát”. 12

11.             Hậu Giang công bố hotline phản ánh cán bộ sách nhiễu người dân. 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

12.             6 tháng đầu năm, Chính phủ đã cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh. 13

13.             TPHCM: Vừa tinh giản, vừa cải cách để phục vụ dân. 14

14.             Yên Bái ban hành mới mã định danh phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử. 15

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 16

15.             Điều chuyển vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% sang dự án giải ngân tốt hơn. 16

16.             Hai đơn vị xin trả lại 1.800 tỉ vốn đầu tư công vì không có nhu cầu sử dụng. 17

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 18

17.             Đề nghị truy tố vợ Đường 'Nhuệ' và 4 cán bộ Thái Bình. 18

18.             Bình Định: Để doanh nghiệp khai thác đất “nhầm” vị trí, chủ tịch xã bị yêu cầu kỷ luật 19

19.             Chủ tịch xã ở Nghệ An lộ clip nóng với Chủ tịch Hội Nông dân. 20

THẾ GIỚI 20

20.             Tổng thống Trump chi mạnh tay cho chiến dịch tranh cử. 20

21.             5 ngày, 5 thành viên nội các Thái Lan từ chức. 21

 CHÍNH SÁCH MỚI

Hình ảnh trên Facebook sẽ là nguồn để Cảnh sát giao thông xử phạt

Các hình ảnh đăng tải trên Facebook sẽ là một kênh thông tin để lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm.

 Thông tư 65/2020 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 5-8) quy định chi tiết việc xác minh, xử lý vi phạm giao thông của lực lượng CSGT thông qua các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, trong đó có Facebook.

 Theo đó, để có thể sử dụng làm cơ sở xử lý vi phạm, những hình ảnh này phải khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

 Đặc biệt, người cung cấp hình ảnh phải có họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp.

 Về phía CSGT, đơn vị có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hình ảnh do người dân cung cấp, đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân của họ.

 Tiếp đó, nếu hình ảnh đủ điều kiện, cán bộ CSGT báo cáo cấp trên để tổ chức xác minh, xử lý theo quy định.

 Cơ quan chức năng sẽ làm việc với người cung cấp hình ảnh, đồng thời gửi thông báo mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện tới trụ sở để làm rõ. Quá trình xác minh, công an cũng có thể trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và các tài liệu liên quan…

 Thực tế, trước khi Thông tư 65/2020 được ban hành, CSGT một số địa phương đã sử dụng hình thức xử phạt vi phạm từ hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội.

 Điển hình là Phòng CSGT Công an TP Hà Nội. Thông qua Fanpage của mình, thời gian qua, Công an TP Hà Nội liên tiếp nhận được hình ảnh do người dân cung cấp về các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong số này, nhiều trường hợp đã bị xử lý.

 Với việc quy định chi tiết như Thông tư 65/2020, đây sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để CSGT các đơn vị triển khai rộng rãi hơn hình thức xử phạt trên. (Plo.vn 21/7, T.Phan)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng ra chỉ thị phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế

Lần đầu tiên Thủ tướng ban hành một chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.

 Ký trong tháng 7-2020, Chỉ thị số 27/CT-TTg tập hợp các giải pháp theo hai nhóm nhiệm vụ, phân giao cho từng bộ ngành, và UBND cấp tỉnh thực hiện.

 Cụ thể, trong nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hàng năm rà soát, đánh giá việc đàm phán, ký và thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế của Việt Nam về đầu tư; chấm dứt hiệu lực những điều ước, thỏa thuận quốc tế không còn phù hợp.

 Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng rà soát, đánh giá nhưng với các điều ước, thỏa thuận quốc tế về thương mại, thuế, tài chính… thuộc chức năng quản lý của mình; phát hiện, đề xuất phương án xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn. 

Bộ Ngoại giao có việc phải làm ngay là xây dựng báo cáo kinh nghiệm quốc tế về thu hút, quản lý đầu tư, giải quyết khiếu tố và phòng ngừa phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế, báo cáo Thủ tướng trong năm 2021.

 UBND các tỉnh, thành là nơi tổ chức thực hiện các dự án thì phải tập trung giải quyết khiếu tố của nhà đầu tư theo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục; tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội trình bày ý kiến trước khi ra quyết định giải quyết khiếu tố. Trong quá trình giải quyết cần tham vấn ý kiến các bộ, ngành trung ương, đảm bảo tính chặt chẽ, hạn chế tối đa phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.

 Trong nhóm nhiệm vụ phòng ngừa, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá cơ chế lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài từ khi họ tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong rà soát, cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Nhà nước, báo cáo Thủ tướng vào tháng 12 tới.

 Bộ Tư pháp được giao xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp lý có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, kiến thức chuyên môn để tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Kế hoạch này cần báo cáo Thủ tướng trong năm nay.

 Bộ Tư pháp có trách nhiệm hỗ trợ pháp lý các bộ, ngành, địa phương đánh giá khả năng phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế.

 Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành chủ động thực hiện các biện lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài từ khi họ tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Cần rà soát, đánh giá đúng yếu tố pháp lý, kể cả các rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong đàm phán, ký và hực hiện các thỏa thuận, hợp đồng, cam kết với nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận hoặc văn bản cho nhà đầu tư, đảm bảo nội dung phù hợp pháp luật, các cam kết đầu tư của Việt Nam, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, hạn chế không để thành tranh chấp… (Plo.vn 21/7, Nghĩa Ngân)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Hơn 49% doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên

Tổng cục Thống kê vừa cho biết kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2020 cho thấy, dự kiến có 49,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 2/2020; có 19,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 31,5% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

 Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 82,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 2. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là gần 80% và gần 76%.

 Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 2, có 53,6% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hơn 50% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,5% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; trên 28% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp.

 Cùng với đó, hơn 27% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; gần 24% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; gần 20% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu; chỉ có 6,5% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay; trên 2% doanh nghiệp cho rằng thiếu năng lượng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Về khối lượng sản xuất, xu hướng quý 3 có gần 49% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; trên 18% số doanh nghiệp dự báo giảm và trên 33% số doanh nghiệp dự báo ổn định so với quý 2.

 Về đơn đặt hàng, hơn 45% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; hơn 18% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 36,6% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định so với quý 2.

 Về đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng quý 3 có hơn 34% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; gần 22% số doanh nghiệp dự kiến giảm và gần 44% số doanh nghiệp dự kiến ổn định so với quý 2.

 Để ngành sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng trong những tháng tới, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.

 Bên cạnh đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

 Bà Nguyễn Thị Hương cũng nhấn mạnh đến giải pháp chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; tập trung xử lý hàng công nghiệp tồn kho. (TTXVN/VietnamPlus.vn 21/7)Về đầu trang

HSBC: Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến kinh doanh hấp dẫn

Đây là thông tin rất đáng chú ý trong báo cáo "Hồi phục trở lại" được HSBC Navigator tiến hành khảo sát trên hơn 1.400 công ty.

 "Nhờ thực hiện những biện pháp kiểm soát dịch hiệu quả cho tới nay và việc dần mở cửa trở lại một cách thận trọng, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến kinh doanh hấp dẫn", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho biết. 

Cũng theo ông Tim Evans, đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp Việt nắm bắt tình hình, xử lý nhược điểm của mình và bắt đầu xem xét đến việc tổ chức doanh nghiệp làm sao để tận dụng mọi cơ hội có được.

 "Với năng lực kỹ thuật số phù hợp, các doanh nghiệp Việt có thể giúp đất nước tăng tốc trở lại, đạt mức tăng trưởng lịch sử", người đứng đầu HSBC Việt Nam cho biết.

 Theo HSBC, đại dịch COVID-19 đã buộc các doanh nghiệp phải xem lại làm sao có thể tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất của chuỗi cung ứng.

 Báo cho của ngân hàng này cho biết, COVID-19 đã phô bày những mắt xích yếu ớt trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, trong quản lý hàng hóa, các doanh nghiệp đang chuyển từ mô hình sản xuất tức thời (just-in-time) sang mô hình sản xuất đề phòng rủi ro (just-in-case).

 Cụ thể, theo kết quả khảo sát, 54% các doanh nghiệp châu Á nói rằng họ sẽ tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất trong chuỗi cung ứng của mình. Trong khi đó, hơn một phần ba các công ty châu Á sẽ đánh giá lại các đối tác cung ứng nhằm đảm bảo họ có đủ khả năng đương đầu những thách thức trong tương lai.

 Theo ông Tim Evans, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU vừa được phê chuẩn tháng 6/2020 đã nâng tầm quan trọng của việc Việt Nam phải thiết kế lại chuỗi cung ứng để thỏa mãn những quy định từ EU và tận dụng hết cơ hội mà Hiệp định thương mại này đem lại. Đồng thời, dịch COVID-19 là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp, buộc họ phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình để tránh rủi ro tập trung khi phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. 

"Chúng ta đang nhìn thấy xu hướng các công ty đang giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hoạt động của mình bền bỉ hơn và ít chịu ảnh hưởng từ những tác động bên ngoài", ông Tim Evans nhấn mạnh. (VTV.vn 21/7)Về đầu trang

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020

Sáng 21/7, Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II và 6 tháng đầu năm 2020, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

 Trình bày Báo cáo, Kinh tế trưởng VEPR PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong quý II/2020, đạt 0,36%. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 1,81%.

 Trong quý II/2020, khu vực dịch vụ giảm 1,76% nhưng tăng 9,59% so với quý I/2020. Ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, mặc dù còn một số hoạt động dịch vụ chưa được phép mở cửa trở lại nhưng ngành dịch vụ đã phục hồi tương đối và đạt được mức tăng trưởng tốt so với quý trước. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng 2,95%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,3%; thông tin và truyền thông tăng 7,5%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 10%. Số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh trong quý II với 57 nghìn lượt người, chỉ bằng 1,4% so với cùng kỳ.

 Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 7,3%, tổng vốn đăng ký mới giảm 19% và tổng số lao động đăng ký giảm 21,8% so với 6 tháng đầu năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 3,17%, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2020 ở mức 4,19% do giá lương thực, thực phẩm tăng. Tỷ giá trung tâm gần như đi ngang trong suốt Quý 2/2020. Trong khi đó, tại ngân hàng thương mại, tỷ giá có xu hướng giảm. Tỷ giá có thể giữ mức thấp đến hết năm do đồng USD có xu hướng suy yếu.

 Ngoài ra, giá vàng trong nước đang theo sát những bước tiến của giá vàng thế giới. Với triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, dự báo trong quý tới giá vàng trong nước vẫn ở mức cao.

 Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ-Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

 Tuy vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn và tương lai bất trắc. Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

 Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại; sức khỏe hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI và thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp; hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh chất lượng còn thấp.

 Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng và lạm phát theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống bệnh dịch. Theo đó, khả năng cao nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% trong cho cả năm 2020. Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2% do những diễn biến bất lợi của bệnh Covid-19.

 Cụ thể, với Kịch bản cơ sở (khả năng cao): Trong kịch bản này, bệnh dịch sẽ không tái phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Tuy nhiên dịch Covid-19 ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có một khả năng tái bùng phát hoặc chưa đủ tự tin khiến các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III/2020, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và nhu cầu du lịch, lưu trú tại Việt Nam.

 Theo đó, mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 3,8%. Nhìn chung, tăng trưởng trong các ngành nghề sẽ khiêm tốn, trong đó các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bao gồm dịch vụ lưu trú, ăn uống, ngành khai khoáng và ngành kinh doanh bất động sản.

 Kịch bản bất lợi (khả năng thấp): Ở kịch bản này, bệnh dịch trong nước dù vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Tuy nhiên nếu dịch Covid-19 ở các trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang quý IV/2020, dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp.

 Song song với đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,2%. (Baoquocte.vn 21/7)Về đầu trang

Không để thủ tục rườm rà "ngáng chân" doanh nghiệp

- Mặc dù thời gian qua tại TP.HCM đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, nhưng theo nhiều doanh nghiệp ở một số nơi vẫn còn hiện tượng tắc trách, vô cảm, thủ tục còn rườm rà...

 Phản ánh của nhiều doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, thời gian qua mặc dù các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… mặc dù đã có nhiều cải cách, song chưa được quy định thống nhất, đồng bộ, dẫn đến chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt.

 Trong số đó, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục được cho là khó khăn nhất đối với doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nút thắt cần phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. 

Từng bình luận về vấn đề này với báo giới, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, hiện nay khi xin chấp thuận đầu tư dự án, ở khâu thẩm định dự án, chủ đầu tư phải trải qua “thiên la địa võng” thủ tục và phải làm việc với rất nhiều “cửa”.

 Đơn cử, để xin thẩm định 1 dự án đầu tư xây dựng tại địa phương, doanh nghiệp phải làm việc đồng thời với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND tỉnh, thành phố… Như vậy, chủ đầu tư phải làm việc tổng cộng với 4, 5 cơ quan một cách độc lập mà không có một cửa thống nhất, một đầu mối giải quyết.

 Chính vì phải “chạy” lòng vòng qua nhiều cửa như hiện nay mà từ 1 thủ tục phải thành 5–6 thủ tục; thời gian thực hiện 1 thủ tục từ 15 ngày trên lý thuyết thành 5 – 6 tháng, thậm chí có thể lâu hơn. “Một dự án của doanh nghiệp chúng tôi chỉ xin một thủ tục là đóng bổ sung tiền sử dụng đất, đã làm việc với rất nhiều nơi (như UBND thành phố, Sở Tài nguyên môi trường…) mà đến 20 tháng nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết xong”, ông Đực nêu dẫn chứng.

 Theo ông Nguyễn Văn Đực, cách đây khoảng 15 năm, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng khá đơn giản, nhưng càng ngày thủ tục hành chính càng tăng lên, phình to ra, trong khi Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

 “Nếu như 15 năm trước, thời gian từ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ dự án đến khi được khởi công dự án trung bình chỉ mất khoảng từ 3 - 6 tháng, thì nay khoảng thời gian này đã lên đến từ 3 - 6 năm, tức tăng lên 10 - 12 lần, trong khi thời gian là tiền, là nguồn lực, thậm chí là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp xây dựng”, ông Đực cho biết.

 Theo nhiều doanh nghiệp, việc thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, một mặt nó tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh, thậm chí gây rủi ro cho doanh nghiệp.

 Từ những khó khăn đó, thời gian qua chính quyền TP.HCM đã liên tục trong việc cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch là rất quyết liệt, kiên trì, đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động doanh nghiệp.

 Và gần đây nhất, UBND TPHCM đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND 24 quận, huyện về việc đôn đốc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid - 19… (Doanhnghiepvn.vn 21/7)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Ngẫm về con số 170 và 11.000

Tháng 3/2020, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an đã triển khai thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia tại 5 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận. Công khai dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được coi là việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của lực lượng CSGT toàn quốc.

 Theo đó, sau 7 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt của CSGT, người dân truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia để nhập số biên bản vi phạm hành chính. Không cần đến Kho bạc, người vi phạm thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai. CSGT căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để trả giấy tờ cho người dân qua bưu điện. Một quy trình mới xem ra rất thuận lợi cho cả CSGT lẫn người dân, nhất là với các tình huống vi phạm giao thông xa nơi cư trú.

 Về lý thuyết, việc ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp cho người tham gia giao thông bớt đi lại, không tốn nhiều thời gian. Nên sau 3 tháng thử nghiệm từ ngày 1/7, việc nộp phạt trực tuyến vi phạm giao thông đường bộ đã được mở rộng ra 63 tỉnh, thành toàn quốc. Khi đấy, tất cả thông tin liên quan đến vi phạm của người điều khiển, đặc biệt là các hành vi vi phạm về dừng, đỗ, tốc độ chạy xe… đều được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ thay cho con người.

 Ở đầu và cuối các tuyến cao tốc, nơi có đặt trạm thu phí, CSGT sẽ thực hiện việc dừng xe, thông báo lỗi vi phạm, trích xuất dữ liệu, lập biên bản (điện tử) với các trường hợp vi phạm… Nhưng trong 500 trường hợp vi phạm giao thông do Đội 1 - CSGT Hà Nội thực hiện được đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) chỉ có 1 trường hợp nộp phạt qua mạng, lái xe này mới 40 tuổi, bị lỗi vượt đèn đỏ.

 Tính rộng ra trên toàn quốc sau 15 ngày thực hiện cũng chỉ có 170 quyết định xử phạt được thực hiện trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia trong 11.000 trường hợp vi phạm. Tỷ lệ chỉ đạt 0,015%, một con số quá khiêm tốn so với sự kỳ vọng của dự án. 

Hỏi chuyện ông Tuấn Anh, một lái xe chuyên nghiệp lý do vì sao vẫn giữ cách nộp phạt “truyền thống”, ông mới cho hay: “Phần thì tôi đã ngoài 50 tuổi, bấm điện thoại cũng ngại hơn việc phóng xe cái vèo ra Kho bạc, cầm biên lai về Đội CSGT. Phần nộp tiền phạt online có mục kê khai số điện thoại cá nhân, phiền toái quá chú ơi, lỡ rồi vô tình để vợ con bạn bè biết chuyện chả hay ho gì của mình”.

 Việc nộp phạt trực tuyến cũng gặp những khó khăn như ngân hàng thời gian đầu khi triển khai các dịch vụ online. Người dân cần phải có thời gian để bỏ đi những thói quen truyền thống, tiếp cận dần với công nghệ hiện đại. Nhưng rõ ràng là CSGT toàn quốc cần có thêm nhiều cách tuyên truyền về hình thức nộp phạt mới mẻ này. Cần hướng dẫn dễ hiểu các công đoạn để thực hiện việc nộp phạt trực tuyến như: Cách truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia; cách đăng nhập tài khoản; cách nộp tiền phạt online... bằng trực quan sinh động. (Kinh tế & Đô thị 21/7)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Phòng, chống nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Ngày 20/7, tại Ninh Thuận, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo với chủ đề “Phòng, chống tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cơ quan hành chính Nhà nước trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp”.

 Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá sâu sắc về cụm từ “tham nhũng, bao gồm tham nhũng lớn và tham nhũng vặt”, vì đó là một dạng đặc biệt của vi phạm pháp luật và tội phạm, phải kiên trì phòng chống theo hướng lâu dài.

 Nhiều ý kiến cho rằng, tham nhũng lớn hay tham nhũng vặt đều phát sinh trong thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật; trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành; trong tổ chức thực hiện pháp luật; trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thẩm quyền; trong kiểm soát quyền lực… Bất kỳ văn bản pháp luật nào, cơ chế, chính sách nào có sơ hở thì đều là "mảnh đất tốt" để phát sinh hành vi tham nhũng.

 Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua vào ngày 20/11/2018. Đến nay, việc phòng, chống tham nhũng trong khu vực công vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện cả về cơ chế, thể chế, chính sách, pháp luật nhưng yêu cầu khách quan cần phải điều chỉnh cả khu vực tư vì đã xuất hiện tham nhũng trong khu vực tư, đặc biệt có sự đan xen giữa khu vực công và khu vực tư. Biểu hiện rõ đó là tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, sâu sau, đấu thầu, vốn trái phiếu Chính phủ…

 Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ cho hay: Những năm qua, trong hoạt động của các cơ quan Thanh tra Nhà nước cũng đã xảy ra không ít những vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, thậm chí là cán bộ thanh tra làm công tác phòng, chống tham nhũng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. 

Giai đoạn từ tháng 7/2011 - 6/2019, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 61.800 cuộc thanh tra hành chính; hơn 1.668.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 312.800 tỷ đồng; hơn 357.400 ha đất. Trong công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2007 - 2016, đã phát hiện 670 vụ với hơn 1.800 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng cùng hơn 73 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ cùng 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

 Trong giai đoạn 2017 - 2019, ngành Thanh tra đã phát hiện 283 vụ, 358 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; trong đó, có một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như vụ mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự; đồng thời kiến nghị thu hồi trên 8.500 tỷ đồng. Từ năm 2013 - 3/2020, trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước đã xảy ra tổng cộng 71 vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó 3 vụ tại cấp bộ, 16 vụ tại thanh tra cấp tỉnh, 42 vụ tại thanh tra cấp huyện và 9 vụ tại thanh tra sở.

 Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng mặc dù có nhiều nỗ lực, hiệu quả nhất định, song ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp; lợi dụng kẽ hở từ cơ chế, chính sách để vụ lợi, sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy trình, không công bằng, khách quan khi giải quyết công việc.

 Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị là phải công khai, minh bạch về tổ chức hoạt động. Đây là vấn đề liên quan đến thiết chế dân chủ, đến quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận thông tin, bản chất mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần phải xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ rõ ràng bởi vấn đề này đều do con người hoạch định. Việc phát sinh lợi ích nhóm, lợi ích ngành và tham nhũng cũng phát sinh từ đó. Đây là vấn đề có liên quan đến cải cách hành chính, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên mọi lĩnh vực.

 Ngoài ra, cần thực hiên quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là những quy định mang tính chất kiểm soát xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn; đồng thời phải chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn mà trên thực tế có thể phát sinh quá nhiều lợi ích trong các mối quan hệ công tác.

 Ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cần phải khách quan, trung thực, công khai và trách nhiệm; đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt.  Đây là một chế định quan trọng nhất của phòng, chống tham nhũng.    

 Muốn phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, việc đề xuất các giải pháp để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới là rất quan trọng và thực sự cần thiết. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng để Luật được hoàn chỉnh hơn, có tính răn đe sâu sắc; giúp cơ quan thực thi pháp luật thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng. (TTXVN/Baotintuc.vn 20/7, Công Thử)Về đầu trang

Thủ tướng: "Ai không làm thì đứng ra một bên để người khác làm"

Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng trong buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về công tác giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không quốc Long Thành.

 Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị trí quan trọng của Đồng Nai, tỉnh có quy mô kinh tế hơn 17 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.300 USD. Do đó, việc xem xét, tháo gỡ các vấn đề đặt ra đối với địa phương trọng điểm như Đồng Nai là rất quan trọng.

 Cú hích cho Đồng Nai phát triển cho năm nay là gì, Thủ tướng cho rằng, trước hết là dự án Sân bay Long Thành với hạng mục giải phóng mặt bằng. Số vốn 23.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng của dự án là rất lớn, cần có biện pháp quyết liệt cho công tác này.  

"Ai không làm thì đứng ra một bên để người khác làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

 Nội dung nữa Thủ tướng đặt ra là "cao tốc Long Thành – Dầu Giây vướng mắc gì" cần xử lý, không để công trình dở dang kéo dài.

 Thứ ba, Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tỉnh báo cáo tình hình chung về giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, biện pháp nào để đạt tiến độ giải ngân đề ra cho năm 2020.

 Trước cuộc làm việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã trực tiếp thị sát, kiểm tra việc thi công khu dân cư tái định cư xã Lộc An-Bình Sơn. Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tiến độ, "làm ngày làm đêm", đồng thời phải lưu ý bảo đảm chất lượng, không để tình trạng "làm trước hỏng sau".

 Đối với dự án này, Đồng Nai đã thành bàn giao 100% diện tích 2 khu tái định cư cho Ban Quản lý dự án để triển khai xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Khu vực ưu tiên (1.810 ha) bao gồm 630 ha đất của 1.007 hộ gia đình, cá nhân sử dụng, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành đã hoàn thành công tác kiểm đếm, phần còn lại là 1.180 ha của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. 

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích 282,35 ha, được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật; xây dựng mới 11 công trình xã hội, bao gồm: 4 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 chợ, 1 trung tâm văn hóa và 1 trụ sở UBND xã. Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có 5.002 lô đất để giao cho các hộ gia đình, cá nhân, ngoài ra còn có quỹ đất để giao cho 3 cơ sở tôn giáo.

 Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 6/2020 là 1.836 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch; ước giải ngân trong năm 2020 đạt trên 95% kế hoạch. Đối với vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án Cảng HKQT Long Thành lũy kế đến nay giải ngân được 1.827,4 tỷ đồng, đạt 10,1%.

 Trong 6 tháng cuối năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tiếp tục tăng cường cán bộ biệt phái cho Long Thành để thực hiện hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ toàn bộ diện tích 5.000 ha trong năm 2020 nên nguồn vốn đã bố trí sẽ đồng loạt giải ngân trong năm 2020. Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai để bảo đảm bố trí nguồn vốn kịp thời chi trả cho hộ dân khi bị thiếu. (VTV.vn 21/7)Về đầu trang

Thủ tướng muốn TP.HCM “làm mạnh dạn nhưng không gây thất thoát”

Nhấn mạnh TP.HCM có vị thế lớn nhất nước, là bộ mặt quốc gia, Thủ tướng mong muốn địa phương làm việc với tinh thần mạnh dạn, nhưng không tiêu cực, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

 Kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc của Chính phủ với UBND TP.HCM về giải ngân đầu tư công và thực hiện các dự án trên địa bàn chiều 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với chủ trương của TP.HCM về bảo vệ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, không để hệ thống doanh nghiệp "đổ vỡ".

 Lãnh đạo Chính phủ cho rằng không giữ doanh nghiệp, không phát triển doanh nghiệp thì hậu quả từ thất nghiệp rất khó lường. Vì vậy, cần tiếp tục giãn thuế, tạo điều kiện vay ngân hàng để nâng cao khả năng tài chính của doanh nghiệp.

 Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu TP.HCM tập trung xử lý, giải quyết nhanh các dự án đang được Chính phủ thanh tra như khu Thủ Thiêm hay một số dự án khác.

 "Các đồng chí cần lưu ý một số dự án người ta kêu ca nhiều lắm, đơn thư nhiều lắm, cần giải quyết nhanh, dứt điểm. Còn vướng mắc thì báo cáo để Trung ương giải quyết. Đừng để trì trệ, mang tiếng thanh tra ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp", Thủ tướng giao nhiệm vụ.

 Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh chỉ còn 25 tuần nữa là kết thúc năm nhưng nhiều dự án còn chậm, đặc biệt về giao thông và các dự án bất động sản, phát triển đô thị.

 Là thành phố có vai trò, vị thế lớn nhất cả nước, bộ mặt quốc gia, Thủ tướng cho rằng TP.HCM không được chậm trễ, trì trệ mà phải năng động, sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt, huy động toàn hệ thống chính trị khắc phục khó khăn, nhất là trong giải phóng mặt bằng.

 "Thành phố cần làm mạnh dạn trên tinh thần không gây thất thoát tài sản Nhà nước và không để tham nhũng, tiêu cực xảy ra", người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng.

 Ông cũng đặt ra 6 vấn đề để thành phố phát triển tốt hơn từ nay đến cuối năm. Trong đó, việc quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng vì tiêu dùng chiếm tới 60% trong cơ cấu GDP cả nước. Trong khi đó, TP.HCM là trung tâm tiêu dùng của cả nước, nên giải pháp thúc đẩy tiêu dùng tại TP.HCM cũng là kích cầu cho cả nước. Phát triển dịch vụ cũng được Thủ tướng nhấn mạnh, đặc biệt là bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán, du lịch.

 Thêm vào đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng kinh tế ban đêm là thế mạnh của TP.HCM. Theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ mỗi đêm sẽ đóng góp 5-8% GDP cho thành phố. Do đó, Thủ tướng đặt ra yêu cầu phải vừa tăng trưởng, vừa đảm bảo an ninh - trật tự trong vận hành loại hình kinh tế này tại TP.HCM. (Zingnews.vn 20/7)Về đầu trang

Hậu Giang công bố hotline phản ánh cán bộ sách nhiễu người dân

Chiều 20-7, ông Võ Thành Chính, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang cho biết cơ quan này vừa triển khai đưa vào hoạt động tổng đài cải cách hành chính (CCHC).

 Theo đó, khi người dân gặp khó khăn trong tiếp cận, kê khai, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh thì gọi đến số tổng đài 0939015599. Từ đây, tùy theo nhu cầu, nội dung, người dân sẽ được hướng dẫn kết nối đến tám nhánh, do các Sở, ngành phụ trách.

 Mỗi nhánh là một nhóm nội dung để người dân, doanh nghiệp được tư vấn về các thủ tục hành chính phản ánh. Cạnh đó, bà con cũng có thể phản ánh về thái độ, việc chấp hành nội quy của cán bộ, công chức của tỉnh. 

Theo ông Chính, tổng đài CCHC tỉnh Hậu Giang ra đời nhằm tiếp nhận thông tin nhanh, hiệu quả, giúp người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, thông qua tổng đài, người dân có thể nhanh chóng phản ánh những hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức hay những người đang làm việc tại bộ phận một cửa cơ sở.

 “Việc xây dựng tổng đài CCHC tỉnh để hỗ trợ cho bà con trong việc tiếp cận, kê khai, giải quyết các thủ tục hành chính là việc làm ý nghĩa. Qua đó, chúng tôi kỳ vọng rằng đây cũng là một trong những nội dung góp phần phát triển, nâng cao bốn chỉ số của tỉnh đề ra”- ông Chính nói.

 Sau khi triển khai, tổ chuyên viên sẽ định kỳ khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả các cấp. (Plo.vn 20/7, Châu Anh)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

6 tháng đầu năm, Chính phủ đã cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh

Đó là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm góp phần giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 đã diễn ra tại Hà Nội ngày 17/7 vừa qua.

 Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam chỉ đạt mức 2,7%-4,9%.

 Trước những khóa khăn, thách thức đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm khôi phục kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội; kiên định với mục tiêu tăng trưởng 3-4%; lạm phát dưới 4%; Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác cải cách hành chính;

 Tính từ đầu năm đến nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV đến nay là 3.893 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

 Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện cho khởi nghiệp, đầu tư trong nước và đón nhận làn sóng FDI từ nước ngoài chảy về, trong thời gian tới đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

 Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia, sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động đã tích hợp, cung cấp 801 dịch vụ công trực tuyến; hơn 51 triệu lượt truy cập (tăng gấp đôi so với 3 tháng trước); có hơn 196.000 tài khoản đăng ký, gần 12 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái... Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm. (Tapchitaichinh.vn 21/7, Việt Hoàng)Về đầu trang

TPHCM: Vừa tinh giản, vừa cải cách để phục vụ dân

Tính đến tháng 12-2019, toàn TPHCM có 6.787 người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn. Thực hiện theo Nghị định 34/2019, TPHCM sẽ dôi dư 2.299 cán bộ không chuyên trách. Khi thực hiện Nghị định 34, TPHCM sẽ tính toán các chế độ chính sách theo quy định đối với những trường hợp dôi dư.

 Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để dung hòa giữa công việc thì nhiều mà người lại giảm? Nên sắp xếp, bố trí cáng đáng làm sao, thúc đẩy cải cách thế nào để tăng năng suất lao động, xử lý công việc trôi chảy?

 Dự báo, dân số tại các phường, xã, thị trấn của TPHCM sẽ tiếp tục tăng, đầu việc ngày càng nhiều mà người thì không tăng, còn phải giảm. Đây sẽ là áp lực rất lớn đến việc thực hiện quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

 Trong bối cảnh đó, để cắt giảm hợp lý, tôi cho rằng, việc đầu tiên cần phải xác định mục tiêu của việc tinh giản biên chế là để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cao, tận tình phục vụ nhân dân. Đồng thời, các quận, huyện cần xây dựng lộ trình tinh giản rõ ràng, kế hoạch cụ thể. Điều quan trọng nhất mà mọi người mong muốn, đó là đảm bảo sự công bằng, khách quan trong quá trình tinh giản. Song song với tinh giản, phải ban hành đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đề án vị trí việc làm chính là khâu mấu chốt để xác định được chính xác số lượng nhân sự cần có (lãnh đạo, nhân viên) cho các vị trí công việc cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

 Ngoài ra, TPHCM nên xem xét cho địa phương được thực hiện các cơ chế nhằm giúp địa phương thực hiện tinh giản biên chế nhưng đảm bảo hiệu quả công việc. Đó là, cơ chế cạnh tranh giữa các vị trí; cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả; cơ chế chủ động và chịu trách nhiệm của người thực thi công vụ; cơ chế để có thể cải thiện thu nhập cho công chức nhưng phải tách bạch giữa lợi ích và quyền hạn của công chức; cơ chế giao việc có tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho công chức thực thi. Những cơ chế này, sẽ góp phần thúc đẩy cải cách phương pháp làm việc ngày càng hiệu quả, để tăng năng suất lao động, xử lý công việc ngày càng trôi chảy hơn. 

Một trong những điều kiện giúp tinh giản biên chế nhưng vẫn bảo đảm các mặt hoạt động bình thường, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân là sự quyết liệt trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính của nhà nước. Công việc này đang được thành phố thực hiện khá hiệu quả, sẽ góp phần giảm bớt cán bộ, nhân viên ở các cơ quan hành chính, đơn vị dịch vụ công. Bằng việc rà soát, bãi bỏ khâu trung gian, bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ..., công việc hành chính sẽ có những chuyển biến tích cực. (Sài gòn giải phóng 21/7)Về đầu trang

Yên Bái ban hành mới mã định danh phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành mã định danh các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh này phục vụ kết nối, trao đổi văn bản điện tử qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

 Cụ thể, theo quyết định mới, UBND tỉnh Yên Bái ban hành danh sách 36 mã định danh của các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố và một số đơn vị khác thuộc, trực thuộc UBND tỉnh.

 Cùng với đó, UBND tỉnh Yên Bái ủy quyền cho Sở TT&TT ban hành mã định danh cấp 3, 4 cho các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh.

 Sở TT&TT tỉnh Yên Bái cũng được ủy quyền ban hành mã định danh cấp 2 tạm thời cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan khác khi có nhu cầu tham gia kết nối hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh. 

Các mã định danh quy định ở trên được dùng để xác định (phân biệt) các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Yên Bái tham gia trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng CNTT tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Thông tư 10 ngày 1/4/2016 của Bộ TT&TT.

 UBND tỉnh Yên Bái giao Sở TT&TT chủ động điều chỉnh, bổ sung mã định danh cấp 3, 4 và tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung mã định danh cấp 2 phù hợp với tình hình thực tế cũng như quy định của pháp luật. 

Sở TT&TT Yên Bái còn có trách nhiệm thường xuyên tổng hợp, cập nhật đầy đủ, báo cáo tình hình sử dụng mã định danh phục vụ kết nối, trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên địa bàn tỉnh Yên Bái với UBND tỉnh và Bộ TT&TT. 

Trước Yên Bái, một số địa phương như Đà Nẵng, Cao Bằng cũng đã ban hành mới Danh mục mã định danh các cơ quan, đơn vị phục vụ việc trao đổi văn bản điện tử, thay thế cho các Danh mục đã ban hành trước đó. (Ictnews.vietnamnet.vn 21/7, M.T)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Điều chuyển vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% sang dự án giải ngân tốt hơn

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện các giải pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương từ nay đến cuối năm 2020.

 Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; thực hiện theo dõi sát tiến độ triển khai và giải ngân các dự án đầu tư trên địa bàn; chủ động đề xuất cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn, nhằm sớm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng, kể cả việc điều chuyển vốn giữa các sở, ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 Trong văn bản gửi đi, Bộ Tài chính cũng đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở tài chính và cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của năm 2020, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020; chỉ đạo sở tài chính tham mưu, điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. 

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương và sử dụng nguồn ngân sách trung ương bổ sung (nếu có) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao thì phải chủ động xây dựng phương án sử dụng các nguồn lực để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

 Để đảm bảo thực hiện tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên…

 Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên. (VTV.vn 21/7)Về đầu trang

Hai đơn vị xin trả lại 1.800 tỉ vốn đầu tư công vì không có nhu cầu sử dụng

Trong văn bản vừa báo cáo Thủ tướng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã nêu rõ ước tính đến hết tháng 6, có tới 34 bộ ngành và 7 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp.

 Đặc biệt, 4 cơ quan trung ương có tỉ lệ thanh toán vốn đầu tư công 0% hay nói cách khác là chưa tiêu được đồng vốn đầu tư công nào, gồm: Văn phòng Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước. 

Ngoài ra, Văn phòng Trung ương Đảng được phân bổ 222,8 tỉ đồng nhưng trong 6 tháng qua mới thanh toán được hơn 1 tỉ đồng, chiếm 0,47% tổng vốn được giao; Bộ Ngoại giao mới thanh toán được 1,75%...

 Đáng lưu ý, có bộ được giao đi kiểm tra tình hình thực hiện vốn đầu tư công lại có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công không cao. Như Bộ Kế hoạch và đầu tư mới thanh toán được 74,8 tỉ đồng trong tổng số 1.108 tỉ đồng được giao, chiếm 6,75%. Bộ Tài chính cũng chỉ đạt 20,8%. 

Trong danh sách hàng loạt các bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân dưới 15% có Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước...

 Bất ngờ với nhiều người. đứng đầu trong 46 bộ ngành và địa phương có tỉ lệ thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm nay trên 30%, là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với tỉ lệ 100%, Hội Nhà văn 93,59%, tỉnh Hưng Yên 62%, Ngân hàng Phát triển 61%...

 Một trong số nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 thấp, theo Bộ Tài chính, là do phân bổ vốn chậm. Điển hình, đến nay dù đã hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch năm 2020.

 Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị hoàn trả ngân sách nhà nước 1,6 tỉ đồng vốn kế hoạch được giao.

 Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết đã có 2 văn bản xin được trả hơn 1.808 tỉ đồng vốn đầu tư công. Đây là số vốn vay nước ngoài mà Chính phủ đã giao và bộ không có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, việc trả này vẫn chưa được chấp nhận. (Tuoitre.vn 21/7, L.Thanh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Đề nghị truy tố vợ Đường 'Nhuệ' và 4 cán bộ Thái Bình

Sáng 21/7, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị đã có kết luận điều tra số 36 ngày 13/7/2020 về tội danh lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ quy định tại khoản 1 điều 356 Bộ Luật hình sự với 4 đối tượng là cán bộ Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thái Bình và Nguyễn Thị Dương (sinh năm 1980, TP.Thái Bình) xảy ra ngày 20/12/2019 tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình.

 Các đối tượng trong vụ án lần lượt bị truy tố là: Phạm Văn Hiệp (sinh năm 1984, trú tại phường Trần Lãm, TP.Thái Bình), là Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình; Vũ Gia Thành (sinh năm 1977, trú tại phường Hoàng Diệu, TP.Thái Bình), là Đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình; Trịnh Thị Minh Thúy (sinh năm 1970, trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP.Thái Bình), là Trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình và Hà Văn Dũng (sinh năm 1984, trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP.Thái Bình), là nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình.

 Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thị Dương là Giám đốc Công ty TNHH Đường Dương và tham gia nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

 Do quen biết từ trước nên tháng 12/2019, Dương được bà H. (54 tuổi, ở huyện Quỳnh Phụ) nhờ mua một lô đất tại TP Thái Bình. Sau khi tham khảo lô đất số 9 trong khu dân cư phường Bồ Xuyên, bà H. đã nhờ Dương làm các thủ tục đấu giá.

 Cuối tháng 12, khi Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thông báo tổ chức bán đấu giá lô đất trên, do điều kiện đấu giá là cần ít nhất 2 người tham gia nên Dương đã lấy tên bà H. và anh Dũng (người địa phương) tham gia đấu giá.

 Cơ quan điều tra kết luận quá trình đấu giá, Dương biết bà H. không trúng thầu do có nhiều người tham gia đấu giá. Nhưng sau đó, Dương đã gặp nhóm bị can còn lại đặt vấn đề thay đổi kết quả để cho bà H. trúng đấu giá.

 Theo cáo buộc, bị can Vũ Gia Thành đưa ra điều kiện là người đã được công bố trúng đấu giá phải đồng ý nhượng lại thì mới thay đổi được kết quả. Do đó, Dương cùng chồng là Đường "Nhuệ" tìm gặp anh Đạt (người trúng đấu giá lô đất số 9, trú TP Thái Bình) để ép nạn nhân phải từ bỏ kết quả trúng đấu giá lô đất này.

 Trong vụ án, Công an tỉnh Thái Bình xác định nhóm bị can là cựu cán bộ tỉnh tuy không được hưởng vụ lợi nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cố ý thay đổi kết quả trúng đấu giá từ anh Đạt sang cho bà H.

 "Hành vi này trái quy định của Luật Đấu giá tài sản, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của anh Đạt, ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan Nhà nước mà trực tiếp là cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình", kết luận điều tra nêu.

 Đối với Nguyễn Thị Dương, cơ quan điều tra kết luận người phụ nữ tuy không có chức vụ và quyền hạn, không quyết định được việc thay đổi người trúng đấu giá, nhưng với mục đích đấu bằng được lô đất số 9, Dương đã đặt vấn đề thay đổi kết quả trúng đấu giá, đồng thời là người trực tiếp đe doạ anh Đạt phải miễn cưỡng từ bỏ kết quả trúng đấu giá.

 "Dương còn giúp sức cho những người có chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ", Công an tỉnh Thái Bình kết luận. Còn với Nguyễn Xuân Đường, kết luận điều tra nêu ông ta không trực tiếp xâm hại sức khỏe anh Đạt nhưng đã dùng lời nói đe dọa, ép anh Đạt phải từ bỏ kết quả trúng đấu giá lô đất số 9.

 Ngoài ra, bản thân Đường chỉ làm theo ý muốn của vợ, không đồng phạm với những người có chức vụ và quyền hạn. Do đó, Công an Thái Bình không đủ căn cứ buộc tội Đường "Nhuệ" trong vụ án này. (Phapluatnet.nguoiduatin.vn 21/7, L.A)Về đầu trang

Bình Định: Để doanh nghiệp khai thác đất “nhầm” vị trí, chủ tịch xã bị yêu cầu kỷ luật

Ngày 21-7, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết chủ tịch UBND tỉnh này vừa có quyết định xử lý sai phạm đối với việc khai thác đất trái phép của Công ty TNHH Thanh Huy (trụ sở TP Quy Nhơn) tại khu vực núi Hòn Ách, thuộc địa bàn xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn.

Trước đó, tháng 4-2018, Công ty TNHH Thanh Huy được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp tại núi Hòn Ách với diện tích 2,5 ha, trữ lượng khai thác 88.128 m3 nguyên khai, công suất khai thác 36.000 m3 đất/năm, thời hạn 2 năm.

 Tuy nhiên, tổ công tác của Sở TN-MT Bình Định kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Thanh Huy khai thác đất ở núi Hòn Ách khi chưa thực hiện cắm mốc ranh giới khu vực khai thác, khai thác khoảng 4.800 m2 đất nằm ngoài diện tích khu vực được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác.

 Tổ công tác xác định công ty này khai thác đất khi chưa có hợp đồng thuê đất và nộp tiền thuê đất theo quy định, chưa hoạt động khai thác đất trên khu vực được cấp phép, khai thác đất tại khu vực chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nội dung báo cáo chưa đúng với thực tế khai thác…

 Trong khi đó, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Duy Tân (gọi tắt là Công ty Duy Tân) cũng có đơn kiến nghị về việc Công ty TNHH Thanh Huy khai thác đất tại núi Hòn Ách ngay vị trí công ty này được cấp giấy phép khai thác. 

Ngày 8-7, Thanh tra tỉnh Bình Định đã có báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại của Công ty Duy Tân. Kết quả kiểm tra xác định, Công ty TNHH Thanh Huy khai thác trái phép tại khu đất 2,5 ha mà UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cho Công ty Duy Tân. 

Từ kết trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đo đạc, xác định khối lượng đất Công ty TNHH Thanh Huy khai thác trái phép tại khu đất 2,5 ha (UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cho Công ty Duy Tân) để truy thu tiền theo đúng quy định của Nhà nước.

 Qua đó, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty Duy Tân khai thác đất làm vật liệu san lấp tại núi Hòn Ách; đồng thời yêu cầu hoàn trả lại tổng cộng hơn 725 triệu đồng mà Công ty Duy Tân đã nộp cho các cơ quan chức năng về các khoản: lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản; tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ đất san lấp… 

UBND tỉnh Bình Định giao UBND TP Quy Nhơn tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với ông Cao Minh Thi, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ và ông Đỗ Nguyên Đính, cán bộ địa chính xã Phước Mỹ vì đã để cho Công ty TNHH Thanh Huy khai thác đất trái phép tại khu đất 2,5ha ở núi Hòn Ách. (Người lao động 21/7, Đức Anh)Về đầu trang

Chủ tịch xã ở Nghệ An lộ clip nóng với Chủ tịch Hội Nông dân

Sáng 21/7, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thanh Chương (Nghệ An) Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết, vừa nhận được một lá đơn nặc danh, tố cáo mối quan hệ bất chính giữa hai cán bộ xã Thanh Chi.

 Người bị tố cáo là ông N.D.M. (Chủ tịch UBND xã) và bà N.T.Tr. (Chủ tịch Hội Nông dân xã).

 Ngoài đơn thư, bà Nga còn nhận được chiếc USB chứa một đoạn clip “nóng” ghi cảnh “ân ái” của 2 cán bộ nói trên.

 “Sau khi mở ra kiểm tra, chúng tôi đã mời cả 2 lên làm việc và cả 2 đều không chối bỏ, xin viết bản kiểm điểm, nhận hình thức kỷ luật”, bà Nga nói.

 Liên quan đến vấn đề này, ông Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Chương cho biết, qua xác minh ban đầu, việc quan hệ bất chính giữa ông M. và cấp dưới là có thật.

 “Quan điểm của Huyện ủy là chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc, trong một tuần sẽ cố gắng xử lý để làm rõ hơn. Sáng nay, ông M. gửi đơn xin thôi chức với lý do sức khỏe, uy tín thấp... nhưng có sai phạm là phải kỷ luật chứ không cho thôi việc theo kiểu đó được”, ông Nhã nhấn mạnh. 

Huyện ủy Thanh Chương đang giao Ủy ban Kiểm tra xác minh mức độ vi phạm để có hình thức kỷ luật phù hợp.

 Trước khi làm Chủ tịch xã, ông M. từng giữ chức Bí thư Đoàn Thanh niên, Bí thư Đảng ủy xã. Còn bà Tr. được đánh giá tốt trong vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã. (Vietnamnet.vn 21/7, Phạm Tâm)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tổng thống Trump chi mạnh tay cho chiến dịch tranh cử

Theo thống kê của Ủy ban Bầu cử liên bang, tính đến cuối tháng 6, tổng số tiền mà Tổng thống Trump đã chi cho các hoạt động quảng bá và vận động tranh cử là 113 triệu USD.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng chi mạnh tay cho các hoạt động tranh cử trong bối cảnh còn khoảng 100 ngày nữa là tới ngày bầu cử quyết định thành bại trong nỗ lực tái tranh cử của ông.

 Theo một báo cáo công bố ngày 20/7, ông chủ Nhà Trắng đã chi 50,3 triệu USD cho các cuộc vận động tranh cử trong tháng 6 vừa qua, gấp đôi so với số tiền mà ông đã bỏ ra vào tháng trước cho các hoạt động tương tự. Thống kê của Ủy ban Bầu cử liên bang cho thấy tính đến cuối tháng trước, tổng số tiền mà Tổng thống Trump đã bỏ ra cho các hoạt động quảng bá và vận động tranh cử là 113 triệu USD.

 Trong khi đó, 37 triệu USD là số tiền mà đối thủ của ông Trump là cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bỏ ra để phục vụ cho các cuộc vận động tranh cử trong tháng 6 và tính đến cuối tháng này, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ này đã chi tổng cộng 108,9 triệu USD.

 Trong bối cảnh đối thủ Biden đang tạm dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận, nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Trump đã triển khai chiến dịch quảng bá lớn trên truyền hình, mua lượng lớn thời lượng quảng cáo. Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Biden chỉ triển khai các cuộc vận động chớp nhoáng vào nửa cuối tháng 6, chủ yếu tại các bang chiến địa như Pennsylvania và Michigan.

 Một nghiên cứu khác của Dự án Truyền thông Wesleyan, cơ quan chuyên giám sát khoản tiền chi cho vận động tranh cử, cho thấy từ ngày11/5 đến cuối tháng 6, nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Trump đã chi tiền cho 50.000 quảng cáo trên khắp cả nước, trong khi con số mà nhóm vận động của ông Biden thực hiện là 3.100 quảng cáo.

 Dù có lợi thế về tài chính, nhưng Tổng thống Trump vẫn tạm thời đứng sau ông Biden trong các cuộc thăm dò ý kiến do người dân Mỹ không đồng tình với cách ứng phó với dịch COVID-19 của chính quyền. Kết quả khảo sát của Reuters/Ipsos thực hiện trung tuần tháng 7 này cho thấy, ông Biden đang tạm dẫn trước Tổng thống đương nhiệm Trump với cách biệt 10%. (VTV.vn 21/7)Về đầu trang

5 ngày, 5 thành viên nội các Thái Lan từ chức

Tewan Liptapanlop, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, từ chức hôm 20/7. Đây là thành viên thứ 5 trong nội các Thái Lan từ chức trong chưa đầy 5 ngày qua.

 Người phát ngôn của đảng Chart Pattana, Yaowapa Boorapolchai, nói với Reuters rằng lãnh đạo đảng đã quyết định để ông Liptapanlop rời khỏi nội các của mình để mở đường cho việc cải tổ nội các.

 Đảng Chart Pattana nằm trong số 20 đảng của chính phủ liên minh do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha lãnh đạo và chỉ chiếm một ghế trong nội các.

 Ông Suwat Liptapanlop, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn của đảng Chart Pattana, cho biết ông Liptapanlop đệ đơn từ chức tới ông Distat Hotrakitya, Tổng thư ký của thủ tướng Thái Lan, vào 13 giờ ngày 20/7. Đơn từ chức sẽ có hiệu lựa từ ngày 21/7.

 Ông Liptapanlop nói rằng ông không chịu áp lực phải từ chức và sẽ tuân thủ nghị quyết của ban chấp hành đảng.

 Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng bác tin phát ngôn viên chính phủ Narumon Pinyosinwat sẽ thay thế vị trí của ông.

 Trước đó, Phó thủ tướng Somkid Jatusripitak, Bộ trưởng Tài chính Uttama Savanayana, Bộ trưởng Năng lượng Sontirat Sontijirawong và Bộ trưởng Cao học, Khoa học, Nghiên cứu và Sáng tạo Suvit Maesincee cũng đã xin từ chức trong vài ngày qua.

 Cả 4 người này nằm trong nhóm do Phó thủ tướng Somkid lãnh đạo và gần đây đã rời khỏi đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (PPRP) cầm quyền.

 Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, một cựu tư lệnh quân đội, lần đầu lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ vào năm 2014. Ông tiếp tục giữ chức vụ thủ tướng vào năm 2019, sau một cuộc bầu cử được xem là tự do nhưng không công bằng.

 Dưới sự lãnh đạo bảo thủ của ông, quân đội và giới thượng lưu hoàng gia Thái Lan ngày càng có nhiều quyền lực. Điều này khiến các thành phần tiến bộ hơn trong xã hội Thái Lan tức giận. (Zingnews.vn 20/7, Hạnh Vũ)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Các tin khác