Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 24-10-2019

15:23, Thứ Năm, 24-10-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tải file tại đây

CHỈ THỊ MỚI 1

1. Đẩy nhanh kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đai năm 2019. 1

2.Tổng cục Thuế: Xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây phiền hà sách nhiễu. 2

TIN QUỐC HỘI 2

3.Quốc hội thảo luận Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2

4.  “Làm việc 9 tiếng một ngày thì không thể có gia đình hạnh phúc”. 3

5. Đề xuất nghỉ lễ vào ngày gia đình Việt Nam.. 4

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

6. Việt Nam tăng 27 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh công nghiệp toàn cầu  5

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 6

7.Phép nước phải nghiêm! 6

QUẢN LÝ.. 7

8. Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù". 7

9.   Thí điểm bỏ Hội đồng Nhân dân phường ở Hà Nội 9

10.  Đà Nẵng đầu tư 2.200 tỷ đồng xây dựng Thành phố thông minh. 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 10

11. “Đừng để về hưu, tự đi làm giấy tờ mới thấy dân khổ thế nào”. 10

12.Chỉ số cải cách hành chính Tây Ninh thấp nhất các tỉnh miền Đông. 11

13. Hà Nội thuê chuyên gia giám sát an toàn thông tin với dịch vụ công cấp độ 3 trở lên. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

14. Vụ Phó Chủ tịch HĐND xây trái phép: “Phải xử lý, không có ngoại lệ”. 14

15. Cách chức nữ phó phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk dùng bằng giả. 15

16.Đồng Nai: Truy tố cựu cảnh sát giao thông bắn chết người 15

THẾ GIỚI 16

17.Trung Quốc tiếp tục mở cửa kinh tế cho các nhà đầu tư nước ngoài 16

18.Hệ thống hưu trí Singapore đứng đầu châu Á.. 16

 CHỈ THỊ MỚI

Đẩy nhanh kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đai năm 2019

Mới đây, Bộ TN&MT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương thực hiện công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.

 Hiện tại, tiến độ thực hiện của nhiều nơi còn chậm, nhiều tỉnh chưa triển khai thực hiện ở cấp xã; thậm chí có tỉnh chưa hoàn thành công tác chuẩn bị.

 Để đảm bảo đúng tiến độ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các địa phương khẩn trương xây dựng phương án kế hoạch thực hiện; chuẩn bị tài liệu bản đồ sử dụng trong điều tra; chỉ đạo triển khai thực hiện ngay ở cấp xã; đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đồng thời phải hoàn thành và báo cáo kết quả của cả nước, các vùng kinh tế - xã hội trước ngày 16/6/2020. (VTV.vn 23/10)Về đầu trang

Tổng cục Thuế: Xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây phiền hà sách nhiễu

Nhằm triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, mới đây Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1310/QĐ-TCT về Kế hoạch thực hiện, quán triệt trong toàn ngành Thuế.

 Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuế thực hiện xử lý hoặc đề xuất xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ thuế có hành vi tham nhũng, bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng.

 Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ thuế thoái hóa, biến chất, cố tình gây phiền hà, sách nhiễu tổ chức và cá nhân nộp thuế dưới các hình thức như đình chỉ công việc, đưa vào diện tinh giản biên chế...

 Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế phải tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được phân công, theo Kế hoạch kèm theo Quyết định số 1310/QĐ-TCT, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; bị xử lý theo quy định của pháp luật nếu thiếu trách nhiệm, để cán bộ công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, doanh nghiệp.

 Để thực hiện Kế hoạch, Tổng cục Thuế đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện như: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đề cao trách nhiệm nêu gương, đi đầu của Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế; thực hiện nghiêm quy chế văn hóa công sở, giờ giấc làm việc; kỷ cương, kỷ luật hành chính đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân và doanh nghiệp, nghiêm cấm tình trạng giải thích không rõ ràng thay vì giải quyết...

 Thực hiện nghiêm túc quy định của Luật tiếp công dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền, trình tự… (Tapchitaichinh.vn 23/10, Việt Dũng)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Quốc hội thảo luận Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

 Đây là một dự án luật lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, có nhiều nội dung mới để phù hợp với chủ trương của Đảng và bối cảnh hội nhập hiện nay của đất nước.

 Tại phiên thảo luận, đề xuất tăng thời gian làm thêm, thời gian làm việc cũng như tăng tuổi nghỉ hưu tiếp tục là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

 Theo dự thảo luật, hiện có 2 phương án quy định về thời gian làm thêm, một là giữ nguyên như hiện nay, làm thêm không tối đa 300 giờ/năm và nâng quy định khống chế thời gian làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng. Còn theo phương án 2 là nâng số giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm. Tại phiên thảo luận sáng 23/10, các đại biểu dường như vẫn chưa có tiếng nói chung về vấn đề này.

 Liên quan tới tuổi nghỉ hưu, đồng tình với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu như dự thảo tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị phải xem xét đến đặc thù của một số ngành nghề để đảm bảo phù hợp với điều kiện sức khỏe của người lao động.

 Chiều 23/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Và theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ báo cáo giải trình trên tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. (VTV.vn 23/10)Về đầu trang

“Làm việc 9 tiếng một ngày thì không thể có gia đình hạnh phúc”

Giơ cuốn sách Hạnh phúc của người Việt Nam, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh "làm việc cứ 9-10 tiếng một ngày thì không có gia đình hạnh phúc đâu ạ".

 Đó là hình ảnh tại phiên thảo luận chiều 23/10 của Quốc hội, về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

 Trước đó, tại phiên thảo luận sáng cùng ngày, quan điểm khác nhau về giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ (như hiện nay) hay giảm xuống 44 giờ như ý kiến nhiều đại biểu từ kỳ họp trước, có nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ hay không đã gây ra những tranh luận nảy lửa.

 Phát biểu đầu giờ chiều, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói, giai đoạn của Karl Marx, người lao động làm việc 10-16h/ngày, 100h/tuần nên dẫn đến cuộc đấu tranh đòi giảm giờ làm.

 Tiêu biểu là 1/5/1886, biểu tình ở Chicago, đòi ngày làm việc 8 tiếng, 8 tiếng làm, 8 tiếng ngủ. Khẩu hiệu thứ 2 là ngày làm 8 tiếng nhưng không giảm tiền lương. Tức là lúc đó vẫn làm 10 giờ/ngày. Sau đó 3 năm, Hội nghị Quốc tế Cộng sản Paris do Mác-Anghen chủ trì chọn ngày 1/5/1890 trở đi là ngày Quốc tế lao động, đấu tranh làm việc 8 giờ/ngày.

 Ông Nhân nói tiếp, cách đây 130 năm, một doanh nghiệp nổi tiếng là Herry Ford, làm xe hơi của Mỹ, cũng thực hiện chế độ 1 ngày làm việc 8 tiếng, nhưng 6 ngày/tuần. Sau đó, ông ấy làm thí nghiệm, ngày 8 tiếng nhưng tuần 5 ngày thì năng suất không giảm mà vẫn tăng. Cho nên ông Henry Ford chuyển từ 6 ngày sang 5 ngày/tuần. Sau đó nhiều nước làm theo.

 Tới 1940, Mỹ có luật của Quốc hội 1 tuần làm việc 40 giờ. Đó là thời điểm trước chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc 5 năm. Những năm sau đó người ta đã chứng minh tuần làm việc từ 40 giờ trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất không tăng

 Tại Việt Nam, theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, công chức từ năm 1999 làm 40 giờ theo xu hướng thế giới. Nhưng 2 nhóm người làm cho nhà nước và doanh nghiệp khác nhau, dẫn tới không bình đẳng. Thế giới cũng không có nước nào có giờ làm việc tách riêng như vậy và nhiều nước trên thế giới thì thay đổi theo hướng không còn làm việc 40 giờ nữa, hiện chỉ còn 2 nước Mehico 48 giờ, Hàn quốc 43 giờ còn Đức chỉ còn 26 giờ/tuần mà họ có năng suất lao động cao nhất thế giới, là nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới.

 Như vậy ta cần có lộ trình giảm chế độ 48 giờ xuống 40 giờ, trong vòng 10 năm nữa giảm được thì cũng chậm so với thế giới 80 năm, ông Nhân so sánh.

 Về nâng số giờ làm thêm, ông Nhân phân tích, về ngắn hạn thì người chủ có thêm lợi ích, người lao động có thêm tiền nhưng về lâu dài, năng suất lao động không tăng.

 Hạnh phúc của người Việt Nam thì lâu nay chúng ta nêu nhiều giá trị. Nhưng vừa rồi có cuốn sách nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam, điều tra người Việt Nam mong muốn gì thì về kinh tế, mong muốn là có thu nhập, có việc làm, có nhà. Nhưng về gia đình thì những giá trị lớn nhất, 95,4% mong muốn có gia đình hoà thuận, 73% con cháu ngoan và tiến bộ, 60% là sức khoẻ tốt...

 Như vậy "làm việc cứ 9-10 tiếng một ngày thì không có gia đình hạnh phúc đâu ạ", ông Nhân nhấn mạnh.

 Làm thêm giờ, theo Bí thư Nhân tuy nói là làm thêm tự nguyện nhưng thực tế thì không có tự nguyện thực sự, 1 dây chuyền mà nghỉ 1 nửa thì không làm được đôi giày đâu.

 Tăng năng suất thì phải đầu tư công nghệ, máy móc và hướng tới giảm giờ làm chứ không phải ngược lại. Nếu làm thêm 300h mỗi năm, một năm có 52 tuần, trừ những ngày nghỉ lễ thì còn 50 tuần, mỗi tuần làm thêm 6h, mỗi ngày làm thêm 1h, làm suốt cả năm. Một ngày 9 tiếng mà làm quanh năm 12 tháng thì người lao động có khoẻ được không?  ông Nhân phát biểu đến đây thì đã hết 7 phút, dù nội dung ông muốn nói vẫn còn. (Vneconomy.vn 23/10, Nguyễn Lê)Về đầu trang

Đề xuất nghỉ lễ vào ngày gia đình Việt Nam

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 23/10, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, một số đại biểu Quốc hội và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương nhưng không tán thành lựa chọn ngày 27/7 mà đề xuất chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hoặc một ngày khác.

 Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hai phương án "không bổ sung ngày nghỉ lễ" hoặc "bổ sung một ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và chọn ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28/6 dương lịch)".

 Đại biểu Trần Văn Tiến (Phó đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc) đồng tình phải có thêm ngày nghỉ cho người lao động. Ông nói, nên nghỉ thêm 2 ngày gồm ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9 và ngày 28/6.

 Theo vị đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 5/9 có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh. "Nhiều cháu thiệt thòi và tủi thân vì không được bố mẹ đưa đi khai giảng. Nếu không được nghỉ hai ngày mà phải lựa chọn một thì tôi chọn nghỉ ngày toàn dân đưa trẻ đến trường", ông nói.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cũng đồng ý bổ sung thêm một ngày nghỉ, nhưng cho rằng nên nghỉ ngày 28/6, ngày Gia đình Việt Nam để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái.

 Đồng tình tăng thêm một ngày nghỉ nhưng đại biểu Mai Sỹ Diến (Phó đoàn Thanh Hoá) cho rằng nên nghỉ vào dịp Tết dương lịch để kỳ nghỉ này có 2 ngày, thay vì 1 ngày như hiện nay.

 "Tết dương lịch là thời gian kết thúc một năm làm việc mệt nhọc, tăng thêm 1 ngày là hợp xu thế và là điểm ưu việt để người lao động có thể thăm hỏi người thân, đi du lịch", ông nói.

 Trước ý kiến khác nhau về lựa chọn thời điểm nghỉ, ông Diến đề nghị để hai phương án, có thể nghỉ vào dịp Tết dương lịch hoặc ngày Gia đình Việt Nam để Quốc hội lựa chọn.

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương) mong Quốc hội thông qua ngày nghỉ Gia đình Việt Nam. Ông phân tích, gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm hạnh phúc, bình yên, là nơi trở về của mỗi người những lúc buồn vui, thành công hay thất bại. Gia đình hạnh phúc thì đất nước mới hạnh phúc. Hơn nữa, sống trong xã hội hiện đại, cuộc sống đầy đủ tiện nghi hơn nhưng cũng đầy cạm bẫy. Tổ ấm gia đình đang bị lung lay bởi những tác động trực tiếp, gián tiếp. Vì vậy, có thêm ngày nghỉ để các thành viên trở về, sum họp là rất cần thiết.

 "Chúng ta đã có ngày nghỉ 10/3 là giỗ tổ - dành cho tổ tiên, nghỉ ngày quốc khánh 2/9 - dành cho đất nước, nếu có ngày nghỉ 28/6 - dành cho gia đình, cho tổ ấm thì rất hợp lý và tiến bộ", vị đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nói.

 Dự thảo Bộ Luật Lao động trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đề xuất có thêm một ngày nghỉ có hưởng lương là ngày 27/7 hằng năm. Tuy nhiên, đề xuất này không được đại biểu đồng tình khi thảo luận tại Hội trường. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban Soạn thảo dự án Bộ luật đã xin rút đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ và đề nghị "Giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ".

 Mặc dù vậy, quá trình lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Bộ luật và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6). (Vnexpress.net 23/10, Hoàng Thùy)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam tăng 27 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh công nghiệp toàn cầu

Việt Nam đã thăng hạng 27 bậc, từ vị trí 69 lên vị trí thứ 42 thế giới và thứ 5 trong ASEAN trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP) toàn cầu.

 Đây là sự thăng hạng dài nhất trong số các quốc gia ASEAN trong giai đoạn 2006 - 2016. Thông tin được đưa ra trong Sách trắng công nghiệp Việt Nam 2019. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Công Thương giới thiệu Sách trắng về công nghiệp nhằm phân tích và đánh giá hiện trạng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam.

 Nhìn vào các chỉ số của CIP có thể thấy, xuất khẩu đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam có bước nhảy vọt trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh công nghiệp toàn cầu. Xuất khẩu bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 6 lần.

 Đặc biệt, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam vượt qua Indonesia, Ấn Độ và đang trên đà bắt kịp Trung Quốc. Tuy nhiên, hàm lượng nội địa trong xuất khẩu của Việt Nam lại giảm, từ 56% xuống còn 52%.

 Một chỉ số quan trọng để phản ảnh năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của một quốc gia là giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (MVA). MVA của Việt Nam đã tăng từ mức 15,15 tỷ USD năm 2006, lên 26.61 tỷ năm 2016. Tuy nhiên so với các quốc gia trong khu vực, MVA của Việt Nam ở mức thấp, chỉ bằng khoảng 1/3 Malaysia, 1/4 Thái Lan và 1/8 Indonesia.

 Trong báo cáo Năng lực của cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới cách đây 2 tuần, tuy có sự tiến bộ vượt bậc, xếp thứ 67 trên thế giới, Việt Nam vẫn đang xếp sau 6 quốc gia trong ASEAN. Mục tiêu của Việt Nam là nằm trong top 3 quốc gia cạnh tranh trong khu vực 2030. Để đạt được điều này, theo các chuyên gia, Việt Nam cần nâng cao năng lực nội địa, tăng cường liên kết khu vực FDI với hệ thống sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy năng suất và trình độ lao động, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. (VTV.vn 23/10)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Phép nước phải nghiêm!

Điều hành kinh tế - xã hội một quốc gia đi vào hội nhập thì kỷ cương phép nước dứt khoát phải đi đúng “đường ray”. Trong bức tranh kinh tế tăng trưởng ngày càng sáng, trong niềm vui về sức cạnh tranh quốc gia tăng thêm 10 bậc, càng đòi hỏi cả nước phải bứt phá mạnh mẽ hơn.

 Nhìn thẳng và tự soi chính là tư duy của một đất nước với quyết tâm không chịu thua bạn kém bè. Nhìn thẳng mới thấy còn nhiều bất cập và lỗ hổng ở nhiều lĩnh vực. Tự soi mới thấy không chỉ phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng và thao túng quyền lực, mà còn phải gióng lên tiếng chuông về bệnh thành tích, bệnh khoe công “đánh bóng” tên tuổi và cả bệnh công thần đã xuất hiện trong lời nói, việc làm của một số cán bộ, đảng viên. Đã có chuyện “lệnh ông không bằng cồng bà” với đủ khóc, cười. Đã phơi ra cả những chuyện không đáng có về một số cán bộ sau khi về hưu sa vào bệnh công thần. Có người được dân nuôi, dân rèn dạy từng ghi dấu ấn trong lòng dân, nhưng khi nghỉ hưu đã bị các thế lực xấu lôi kéo quay ra nói ngược, làm ngược, chống lại đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân nguyện báo cáo trước QH và cử tri cả nước tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám cho thấy, cử tri đã chỉ thẳng thực trạng có những người khoác áo “công bộc” nhưng cố tình làm trái, làm sai, cố tình đi ngược dòng chảy của thực tiễn, né luật, lách luật, lạm quyền, vượt quyền và lộng quyền... Vì sao có những công bộc, những ĐBQH cứ nói đến tên, nhìn hình ảnh trên báo và truyền hình là người dân đã thấy quý trọng, gửi gắm niềm tin? Vì sao một số công bộc phát biểu rất hay nhưng người dân nghe đến tên đã thấy phản cảm? Càng thấy nhân dân thật tinh tường. Buồn nỗi, một số cán bộ quyền uy, cán bộ thực thi làm trái, làm ngược lại cứ bao biện lấy được.

 Rõ ràng kỷ cương phép nước chưa nghiêm! Một bộ phận cán bộ thực thi đã tự cho mình cái quyền “trên trời” để “ban” để “phát”! Dư luận càng bất bình trước những biện minh coi thường người dân, như vụ việc gây xôn xao tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh vài ngày qua. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức cậy uy, cậy quyền, tự tung, tự tác xây dựng không phép 7 công trình riêng trên diện tích tới 1.800m2. Không chỉ Phó Chủ tịch UBND quận mà em ruột ông giữ ghế Chánh Thanh tra quận cũng sai phạm về xây dựng. Dân lên tiếng, phường, quận cũng nói sẽ đến cưỡng chế, nhưng thời gian “nước chảy bèo trôi”, những công trình của vị “quan quận” này vẫn cứ như thách đố dư luận. Thậm chí, em ruột Phó Chủ tịch quận sau khi tự tháo dỡ căn nhà cấp 4 đã nhẹ nhàng rời ghế Chánh Thanh tra quận sang làm Trưởng phòng Tư pháp quận (?)

 Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh dù bận nhiều việc hay đang phải lo xử lý những hệ lụy ở Khu đô thị Thủ Thiêm mà các nhiệm kỳ trước để lại thì cũng đừng nên coi việc ông Phó Chủ tịch quận Thủ Đức xây dựng cả loạt công trình không phép này là việc nhỏ. Thủ Đức đang nổi lên là quận rất “nóng” trong buông lỏng quản lý xây dựng phải chăng cũng từ những vụ việc “quan quận” tự cho mình được đứng ngoài vòng của kỷ cương phép nước? Cần thanh tra, kiểm tra cả các quận, huyện khác để khắc phục ngay lỗ hổng về trật tự xây dựng. Tình trạng bán đất nền, biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư đang diễn ra rất phức tạp. Nếu không quyết liệt xử lý, sẽ có nguy cơ phát sinh thêm nhiều “Thủ Thiêm” mới.

 Tuân thủ phép nước phải từ chính những cán bộ lãnh đạo. Cán bộ có gương mẫu thì dân mới tin, học tập và làm theo. (Đại biểu nhân dân 23/10, Đăng Quang)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù"

Bên lề kỳ họp Quốc hội, chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, sự cố xảy ra đối với nước sạch sông Đà vừa qua hết sức hy hữu khi các đối tượng đã mang chất thải, cụ thể là dầu thải đổ vào nguồn nước.

 "Đây là vi phạm hết sức nghiêm trọng và đây là hành vi đổ chất thải vào môi trường nước sinh hoạt", Bộ trưởng Hà nói.

 Người đứng đầu ngành Tài nguyên - Môi trường cho rằng, qua vụ việc xảy ra ô nhiễm nước sông Đà cho thấy một điển hình về "cảnh báo đỏ cho việc quản lý an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước dùng cấp cho sinh hoạt".

 "Tôi cho rằng phải xem lại hai khía cạnh, thứ nhất là thiếu chủ động ban hành những cơ chế chính sách, quy phạm liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước. Thứ hai, việc thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp.

 Thứ ba, đó là chuyển từ việc Nhà nước đảm bảo nguồn nước sạch sang tư nhân có những mặt tích cực nhưng bên cạnh đó sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong vấn đề bảo vệ an toàn nguồn nước chưa có quy định và quy trách nhiệm cho ai", ông Hà nói.

 Trước một số ý kiến cho rằng, giờ các đối tượng xả trộm dầu thải vào đầu nguồn nhưng sau này, nếu không có biện pháp họ có thể đổ các chất độc hơn rất nhiều xuống nguồn nước, Bộ trưởng Hà cho rằng, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.

 "Nếu chúng ta đã để tình trạng quản lý lỏng lẻo và trách nhiệm của nhà cung cấp nước kém ý thức như thế này thì hoàn toàn có nhiều kịch bản có thể xảy ra.

 Chúng ta không loại trừ một kịch bản nào cả và từ sự cố này chúng ta có thể thấy, công tác kiểm soát an ninh nguồn nước là vấn đề lớn", ông Hà nêu rõ.

 Về trách nhiệm của chủ đầu tư, cung cấp nước là Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ, thái độ, suy nghĩ của người dân đối với đơn vị này trong những ngày qua cũng là suy nghĩ của ông.

 "Tôi cũng sử dụng nước này đến 3 ngày và rõ ràng, không phải bàn gì nhiều. Họ thực tế đã thiếu việc đưa ra giải pháp đúng đắn, kịp thời và không chú ý đến sức khỏe, không lường được hết các tác hại có thể gây cho mọi người. Đối với đơn vị này có thể dùng từ hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết", ông Hà nhấn mạnh.

 Trước câu hỏi, chúng ta có những chế tài gì trong trường hợp này khi lời xin lỗi đối với đại diện Công ty nước sạch sông Đà cũng được coi là "tiết kiệm"? Bộ trưởng Hà trả lời, việc này, cứ để các cơ quan thi hành pháp luật thực hiện.

 Ông nêu rõ, hiện nay chúng ta có đầy đủ quy định pháp luật để xử lý. Đối với một doanh nghiệp đưa các sản phẩm bẩn mà ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, cụ thể trong trường hợp này là thương mại về nước, kinh doanh nước, cung cấp dịch vụ sản phẩm nước mà biết nước ô nhiễm vẫn cung cấp, đối với các hộ sử dụng nước là một bên hợp đồng, có những thỏa thuận và họ có thể kiện.

 "Về góc độ sức khỏe của người dân, khi cung cấp sản phẩm ra thị trường mà sản phẩm đó bẩn thì rõ ràng quy định của pháp luật đều có thể xem xét xử lý. Chẳng hạn thuốc giả thì đi tù và với cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù. Tuy nhiên, việc này phải chờ cơ quan pháp luật xem xét cụ thể.

 Trước mắt, tôi cho rằng, những người tham gia vào việc đổ trộm dầu, cung cấp nước bẩn là người theo pháp luật chúng ta sẽ xử lý hết sức nghiêm khắc", ông Hà khẳng định. (Trí Thức Trẻ 23/10, Hoàng Đan)Về đầu trang

Thí điểm bỏ Hội đồng Nhân dân phường ở Hà Nội

Chiều 23/10, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.

 Theo dự thảo Nghị quyết, 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội sẽ thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường bắt đầu từ 1/6/2021. Tại những nơi thí điểm, Ủy ban Nhân dân quận, thị xã sẽ được bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn để quản lý, điều hành công việc trên địa bàn. Cũng theo dự thảo Nghị quyết, việc tiếp tục duy trì Hội đồng Nhân dân ở phường là không còn phù hợp, mà chỉ nên còn Ủy ban Nhân dân phường để quản lý hành chính, cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của cấp trên.

 Tại phiên thẩm tra, nhiều đại biểu tán thành với việc không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại Hà Nội, tuy nhiên cũng đề nghị làm rõ thêm vai trò, nhiệm vụ của cơ quan Ủy ban Nhân dân phường khi thực hiện thí điểm. 

Hiện số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi phường, xã, thị trấn tại Hà Nội là gần 30 đại biểu, trong đó cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu chiếm tương đối. Nếu không còn Hội đồng nhân dân cấp phường thì Hà Nội sẽ giảm được từ 2900 - 3500 cán bộ Hội đồng nhân dân phường. (VTV.vn 23/10)Về đầu trang

Đà Nẵng đầu tư 2.200 tỷ đồng xây dựng Thành phố thông minh

Thông tin được ông Huỳnh Đức Thơ-Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố thông minh (Smart City Summit) do với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23/10.

 Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Đức Thơ- Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, việc triển khai xây dựng Thành phố thông minh là xu hướng chung của thế giới, cũng là mục tiêu, giải pháp thành phố Đà Nẵng đang mạnh mẽ hướng đến.

 Từ năm 2014, Đà Nẵng đã ban hành đề án xây dựng Thành phố thông minh. Và bắt đầu triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh như trong lĩnh vực giám sát giao thông thông minh, kiểm soát nguồn nước, cấp nước, an toàn thực phẩm, giám sát an ninh trật tự, y tế, giáo dục, chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở đã đem lại tác động tích cực trong quản lý, điều hành đô thị. Năm 2019, Đà Nẵng đã được Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á – Châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng Thành phố thông minh.

 “Cuối năm 2018, Đà Nẵng đã ban hành Thành phố thông minh qua việc ban hành kiến trúc tổng thể về Thành phố thông minh, và phê duyệt xây dựng đề án Thành phố thông minh giai đoạn 2018- 2025 và định hướng đến năm 2030. Chúng tôi xác định đây là Thành phố Thông minh không chỉ chuyển quản lý điều hành từ phương thức truyền thống qua dựa trên dữ liệu và những giải pháp công nghệ mà còn là một trong những động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

 Trong đề án, UBND thành phố đã xác định mục tiêu, lộ trình, các công nghệ ứng dụng, và 53 chương trình, đề án trọng điểm với kinh phí 2.200 tỷ đồng để xây dựng Thành phố thông minh. Chúng tôi đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng như hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn có uy tín. Và đến nay, UBND thành phố đã ký với 6 đối tác. Tiếp đó là giải pháp tiếp cận công nghệ, tiếp cận tư vấn các chuyên gia, ban hành cơ chế chính sách về đầu tư, bố trí ngân sách…trong quá trình triển khai. Đây là dịp quan trọng để cơ quan, tổ chức thành phố tiếp cận, thảo luận các giải pháp với các đối tác, chuyên gia trong nước, ngoài nước về mô hình, giải pháp công nghệ để triển khai các hệ thống ứng dụng thông minh”, ông Thơ cho biết thêm.

 Ông Phan Tâm- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên xây dựng Thành phố Thông minh sớm nhất trong cả nước và kết quả triển khai đề án cho đến nay rất đáng khích lệ, rất đáng cho các thành phố trong cả nước đến học tập.

 Ông Tâm cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai xây dựng Thành phố thông minh cũng cần lưu ý các vấn đề như sự quản lý và điều hành chung, đảm bảo gắn kết giữa dịch vụ đô thị thông minh với xây dựng chính quyền điện tử, lấy người dân là trung tâm…

 Tại Smart City Summit 2019, các giải pháp cho việc xây dựng những thành phố thông minh được tập trung thảo luận quanh các nội dung chính như: Quy hoạch đô thị thông minh - Xây dựng và quản lý đô thị thông minh, Các Dịch vụ, tiện ích thông minh và Hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa.

 Hội nghị là dịp kết nối, chia sẻ, thảo luận giữa các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia hàng đầu để các tỉnh, thành của Việt Nam áp dụng xây dựng Thành phố thông minh hiệu quả. (Danviet.vn 23/10, Kim Oanh)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

“Đừng để về hưu, tự đi làm giấy tờ mới thấy dân khổ thế nào”

Sáng 22/10, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Quý IV năm 2019.

 Tại cuộc họp, ông Phong đã đề nghị các đơn vị liên quan báo cáo về tình hình thực hiện Chỉ thị 23/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy (về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng) và các quyết định của UBND TP về việc triển khai chỉ thị này.

 Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, sau khi toàn TP tập trung triển khai Chỉ thị 23 và kế hoạch của UBND TP thì vi phạm xây dựng trên địa bàn đã được kéo giảm nhưng vẫn còn một số vụ việc phức tạp. Sắp tới, Sở xây dựng sẽ tập trung một số giải pháp, như ký kết kế hoạch liên tịch với các địa phương và đưa các Đội Thanh tra xây dựng địa bàn về các địa phương. 

 Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9 cho biết, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở đang gặp vướng mắc. Vì vậy, người dân trên địa bàn rất bức xúc, dẫn đến vi phạm xây dựng. Nếu vướng mắc này không được tháo gỡ, tình trạng xây dựng không phép vẫn tiếp tục diễn ra.

 Ông Phong cho biết, quan điểm của TP là xử lý nghiêm nếu phát hiện các sai phạm. “Thành ủy đã có chỉ đạo, chúng ta đã có cuộc họp triển khai nhưng sai phạm vẫn diễn ra”, ông Phong không hài lòng và yêu cầu cần phải xử lý nghiêm khắc để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật.

 Ông Phong cũng thông tin thêm việc xử lý 111 căn biệt thự ở quận 7 xây dựng không phép, UBND TP đã thành lập đoàn kiểm tra, báo cáo kết quả, rất nhiều vấn đề cần xem xét nghiêm túc. TP đang giao các đơn vị liên quan phối hợp xử lý.

 Liên quan đến vụ xây dựng không phép ở quận Thủ Đức, thông tin phản ánh ban đầu cho biết, gia đình ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức cùng người thân xây dựng không phép 7 công trình gồm nhà xe, xưởng gỗ, xưởng cơ khí… hơn 1.800m2 nhưng không bị xử lý, ông Phong nói: “Quan điểm của tôi là không nhân nhượng, xử lý nghiêm khắc, có kỷ cương. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan sẽ xuống làm việc trực tiếp với UBND quận Thủ Đức và kiểm tra thực tế tại địa phương và chỉ đạo xử lý”.

 “Để xảy ra tình trạng xây dựng không phép như vừa rồi, trách nhiệm của Phó Chủ tịch phụ trách đô thị, Chủ tịch UBND cấp huyện như thế nào? Phải thẳng thắn với nhau, bao nhiêu trách nhiệm dồn hết cho cấp dưới là chưa rõ ràng, minh bạch”, ông Phong nhấn mạnh.

 Ngoài ra, theo ông Phong, có tình trạng cơ quan chức năng quá thận trọng, quá sợ trong quản lý trật tự xây dựng dẫn tới một số trì trệ. Dẫn chứng một ví dụ, ông Phong cho biết, chỉ kết luận cuộc họp chưa đầy một trang A4, nhưng mất từ 7 - 10 ngày, Văn phòng UBND TP HCM mới trình Chủ tịch UBND TP duyệt. Lý do sự chậm trễ được giải thích là “theo quy trình”.

 “Quy trình gì ở đây? Riêng chuyện nhỏ này mà mất gần 10 ngày. Sở nói trình rồi nhưng tới Văn phòng UBND TP thì chưa thấy trả lời. Nên cải cách hành chính, trước hết cần củng cố ngay từ Văn phòng UBND TP”, ông Phong yêu cầu.

 Ông Phong cũng yêu cầu cơ quan chức năng rà soát lại công việc, bám sát kế hoạch theo chủ đề của năm (đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54). Ông cảnh báo lãnh đạo các sở ngành, quận huyện phải xem lại, chấn chỉnh kịp thời chất lượng phục vụ các giao dịch thông thường giữa người dân với chính quyền, “đừng để cảnh mai mốt về hưu, tự đi làm giấy tờ mới thấy dân khổ thế nào”. (Baophapluat.vn 23/10, Cao Phong – Giang Nguyễn) Về đầu trang

Chỉ số cải cách hành chính Tây Ninh thấp nhất các tỉnh miền Đông

Dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục được cải thiện nhưng chỉ số cải cách hành chính, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh của Tây Ninh lại có xu hướng giảm và đang đứng thứ hạng thấp.

   Báo cáo thực trạng công tác cải cách hành chính (CCHC) của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Tây Ninh cho thấy giai đoạn 2015 – 2020 đạt được thành tựu.

 Trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), Tây Ninh đã giảm thời gian thành lập mới doanh nghiệp xuống 3 ngày, giải thể doanh nghiệp còn 5 ngày và bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh còn 1 ngày. Tính đến nay đã có 123 cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế một cửa. Tất cả TTHC đều được số hóa, xây dựng quy trình điện tử trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh...

 Tuy nhiên, công tác thực hiện nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế.

 Dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục được cải thiện (năm 2018 xếp thứ 14/63 tỉnh, thành), tuy nhiên chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) có xu hướng giảm và đang đứng thứ hạng thấp.

 Đối với chỉ số PAPI, dù điểm số có tăng nhưng thứ hạng xếp hạng của Tây Ninh thấp. Năm 2018 của tỉnh Tây Ninh có một số tiêu chí được đánh giá thuộc nhóm có điểm số cao như kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công.

 Tuy nhiên, cũng có nhiều tiêu chí thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất so với cả nước, như tham gia của người dân tại cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân, cung ứng dịch vụ công... 

Với Chỉ số PAR INDEX, so với 7 tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ thì Tây Ninh ở vị trí thấp nhất. Năm 2018, TP.HCM xếp thứ 10, Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 12, Bình Dương xếp thứ 15, Đồng Nai xếp thứ 20, Bình Phước xếp thứ 39, Bình Thuận xếp thứ 42 còn Tây Ninh xếp thứ 48.

 Năm 2018, Tây Ninh không đạt điểm về mức độ thu hút đầu tư và tổng số doanh nghiệp được thành lập mới không đủ số lượng.

 Bà Huỳnh Thị Hồng Nhung - Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, về bản chất việc tụt hạng chỉ số PAPI và PAR INDEX của tỉnh năm 2018 là do nhiều yếu tố tổng hợp tác động gây ra chứ không phải là do chính quyền chỉ lo cho doanh nghiệp nhiều hơn là tập trung giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

 Điều này được chứng minh rõ nét là trong năm 2018, tỉnh không đạt điểm về mức độ thu hút đầu tư và tổng số doanh nghiệp được thành lập mới không đủ số lượng nên đã bị trừ điểm chỉ số CCHC.

 Hạn chế tiếp theo là kết quả giải quyết các TTHC theo cơ chế một cửa liên thông thời gian qua còn trễ hạn nhiều, nhất là ở lĩnh vực đất đai và liên thông với lĩnh vực thuế; những hồ sơ giải quyết trễ hạn, các cơ quan, đơn vị còn đùn đẩy trách nhiệm, chưa thực sự kiểm soát được trách nhiệm cá nhân trong hạn chế này.

 Ngoài ra, người dân ít tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích dù đã được tuyên truyền sâu rộng nhưng người dân vẫn còn ngại tham gia; quy trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn rườm rà nên hồ sơ phát sinh không nhiều.

 Bà Nhung cho biết thời gian tới, Ban chỉ đạo CCHC tỉnh sẽ tập trung cải cách TTHC về đất đai và nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai (thuế), để thúc đẩy thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh còn không đáng kể. (Danviet.vn 22/10, Nguyễn Vỹ) Về đầu trang

Hà Nội thuê chuyên gia giám sát an toàn thông tin với dịch vụ công cấp độ 3 trở lên

Hà Nội sẽ bố trí nhân sự, thuê chuyên gia an toàn thông tin mạng để đảm bảo tính liên tục các hoạt động giám sát an toàn mạng 24 giờ/7 ngày đối với các hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin đạt cấp độ 3 trở lên.

 UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 14/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chính quyền điện tử đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

 Theo đó, UBND TP chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn, xây dựng, triển khai các quy định trong việc giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính quyền điện tử theo hướng dẫn và các quy định của các Bộ, ngành: Cập nhật, bổ sung quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị TP triển khai, áp dụng các tiêu chuẩn, giải pháp kỹ thuật giám sát an toàn thông tin mạng; các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giám sát an toàn thông tin mạng.

 Đáng chú ý, Hà Nội sẽ thiết lập, nâng cao hiệu quả hoạt động các hệ thống quan trắc và giám sát an toàn thông tin mạng. Theo đó, thành phố sẽ tổ chức thực hiện các phương thức giám sát trực tiếp và gián tiếp an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính quyền điện tử thành phố theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Cơ quan điều phối Quốc gia.

 Cụ thể, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ hệ thống quan trắc và giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin của Thành phố đảm bảo kết nối, đáp ứng các yêu cầu từ Trung tâm Giám sát an ninh thông tin Thành phố; kết nối với hệ thống giám sát an toàn thông minh mạng Quốc gia;

 Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong giám sát, đánh giá, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin của Thành phố; Tổ chức thu thập, lưu trữ, phân tích, xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống chia sẻ, cảnh báo nguy cơ, sự cố tình hình an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính quyền điện tử Thành phố.

 Để phòng bị tấn công mạng, Hà Nội sẽ bố trí nhân sự, thuê chuyên gia an toàn thông tin mạng để đảm bảo tính liên tục các hoạt động giám sát an toàn mạng 24 giờ/7 ngày đối với các hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin đạt cấp độ 3 trở lên; theo dõi, phân tích, xác minh và kịp thời cảnh báo dấu hiệu tấn công, sự cố an toàn thông tin mạng liên quan đến các hệ thống thông tin của Chính phủ điện tử Thành phố; phối hợp cơ quan điều phối Quốc gia để ứng cứu, xử lý sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng trong trường hợp vượt khả năng tự ứng cứu, bảo vệ hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin của Thành phố.

 Hà Nội cũng sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá, giám sát mức độ an toàn thông tin đối với các hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội: Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của hệ thống quan trắc, giám sát an toàn thông tin mạng và việc kết nối, phối hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu giám sát, cảnh báo sự cố an toàn thông tin mạng.. (Baotintuc.vn 23/10, XC) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Vụ Phó Chủ tịch HĐND xây trái phép: “Phải xử lý, không có ngoại lệ”

Sau khi biết thông tin ông Lê Hữu Thành - Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, TP.HCM, cùng người thân trong gia tộc xây dựng 7 công trình trái phép đang gây xôn xao dư luận, chiều 22/10, đích thân Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đã xuống hiện trường thị sát và chỉ đạo.

 Sau khi thị sát tại các công trình xây dựng trái phép của cá nhân ông Lê Hữu Thành và người thân của ông Thành, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu chỉ đạo ngay tại Quận uỷ Thủ Đức.

 Ông Nhân đã đặt câu hỏi: “Tại sao tình hình vi phạm xây dựng không phép, sai phép trong 9 tháng đầu năm 2019 ở phường Hiệp Bình Chánh và quận Thủ Đức, lại gia tăng kỷ lục như vậy ? Nhưng số liệu đánh giá tháng 8, tháng 9 lại giảm (?)”.

 Ông Nhân nói: “Xuất phát từ phản ánh của báo chí. Và, sự việc báo chí nêu là đúng. Qua đó thấy rằng việc xử lý quá chậm trễ. Xử lý này có e ngại gì không? Nếu báo chí không nêu, chắc chưa biết đến bao giờ khắc phục. Như vậy về mặt tổng thể là sai phạm chưa chuyển biến”.

 Ông Nhân nhắc nhở các cấp lãnh đạo của quận Thủ Đức “phải quyết liệt, phải thay đổi” trong quản lý điều hành.

 “Không thay đổi thì không thể phát triển. Sai phạm của ông Thành từ năm 2012, thời gian kéo dài 7 năm và công trình nhà ông Dương (em ông Thành) kéo dài 4 năm, vậy mà vẫn để sai phạm tồn tại” – ông Nhân nói. 

Ông Nhân cũng cho rằng, là đảng viên thì phải gương mẫu. Là cán bộ lãnh đạo trong Ban chấp hành, Ban thường vụ càng phải là gương tốt, càng không thể sai phạm…

 "Mình giữ chức phó Chủ tịch HĐND mà làm sai, 7 công trình của anh em trong gia đình cũng đều sai phạm hết. Nếu không gương mẫu, thì không nên giữ chức vụ…Phó Chủ tịch HĐND lại trực tiếp sai phạm, nên xem lại mình có còn xứng đáng giữ chức phó Chủ tịch HĐND nữa hay không. Mình là cán bộ lãnh đạo mà làm sai, thì còn giám sát được ai ? Sai phạm là phải xử lý nghiêm túc, không có ngoại lệ”, ông Nhân nhấn mạnh.

 Bí thư TP.HCM cũng chỉ đạo lãnh đạo Đảng và chính quyền quận Thủ Đức “phải nhìn nhận thiếu sót của anh Thành. Ban Thường vụ Quận uỷ Thủ Đức cũng phải nhìn lại mình. Vụ việc kéo dài gần chục năm rồi, cần phải xử lý dứt điểm”. Theo ông Nhân, việc xử lý vụ việc, khắc phục mọi thiếu sót là “được cho TP, được cho cán bộ, được cho người dân” và “không mất cán bộ thêm nữa”. (Danviet.vn 23/10, Hoàng Hưng)Về đầu trang  

Cách chức nữ phó phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk dùng bằng giả

Chiều 23/10, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Bùi Thị Thân, Phó phòng Hành chính (Văn phòng Tỉnh ủy).

 Cùng ngày, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã ra quyết định cách chức Phó phòng Hành chính đối với bà Thân.

 Trước đó, qua công tác rà soát, bà Thân thừa nhận chỉ mới học hết lớp 11. Nữ phó phòng này cũng thừa nhận đã nhờ người thân mua bằng cấp 3 để được đi học và làm hồ sơ thăng tiến.

 Theo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, trước đó bà Thân xin vào làm việc tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Sau đó, nữ cán bộ này được chuyển về Phòng Hành chính (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy) công tác. (Danviet.vn 23/10, Duy Hậu)Về đầu trang

Đồng Nai: Truy tố cựu cảnh sát giao thông bắn chết người

Nguyễn Tấn Phước, cựu trung úy Cảnh sát giao thông Đồng Nai, bị truy tố tội Giết người và Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

 Theo cáo trạng được VKS tỉnh Đồng Nai ban hành ngày 23/10, Nguyễn Tấn Phước (41 tuổi) có quan hệ tình cảm với một phụ nữ 44 tuổi ở TP Biên Hòa. Con gái 20 tuổi của bà này bỏ nhà đi chơi với Bùi Viết Hải (31 tuổi, quê Hải Phòng). Phước được người tình nhờ đi tìm kiếm, khuyên con gái về.

 Tối 6/1/2018, trung úy Phước lấy khẩu súng rulo ở cơ quan bỏ vào túi xách rồi chạy xe máy về nhà. Trên đường đi, anh ta nhớ lại chuyện người yêu nhờ nên đến nhà trọ ở Cổng 1 khu vực sân bay Biên Hòa tìm Hải.

 Thấy anh Hải đang đứng giữa phòng và một nam thanh niên nằm bấm điện thoại, Phước hỏi: "Mày có phải thằng Hải không?". Hải trả lời: "Đúng, mày là ai?". Phước hỏi tiếp: "Con... đâu?". Hải trả lời: "Tao không biết". 

Nghe xong, Phước rút súng bắn một phát vào đầu anh Hải khiến nạn nhân gục tại chỗ, rồi ra xe tẩu thoát. Hải được người dân đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Tối cùng ngày, Phước nhờ bạn cất giấu súng rồi ra đầu thú.

 Viện kiểm sát cũng đã làm rõ nguồn gốc khẩu súng gây án. Theo đó, năm 2004, Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Đồng Nai cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng cho Phòng Hậu cần sử dụng khẩu súng rulo nhãn hiệu P38, thời hạn đến hết năm 2007.

 Năm 2010, Phước là lái xe cho thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - nguyên Giám đốc Công an Đồng Nai. Năm đó, ông Lê Hùng Hà, nguyên Trưởng phòng Hậu cần, phê duyệt đơn xin cấp súng cùng 50 viên đạn cho Phước nhằm mục đích bảo vệ Giám đốc Công an tỉnh.

 Hai năm sau, Công an Đồng Nai điều động Phước qua công tác tại Phòng Cảnh sát giao thông. Thiếu tướng Khánh cũng đồng ý điều chuyển khẩu súng này từ Phòng Hậu cần sang Phòng Cảnh sát giao thông quản lý. 

Dù súng rulo không có giấy phép sử dụng, thiếu tướng Khánh đã về hưu, Phước không giao nộp cho đơn vị mà tiếp tục giữ. (Danviet.vn 23/10, Phước Tuấn)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc tiếp tục mở cửa kinh tế cho các nhà đầu tư nước ngoài

Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, song sẽ không đóng cửa nền kinh tế trong nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài và ngành công nghiệp thế giới.

 Người phát ngôn Huang Libin của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) ngày 22/10 cho hay Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ những lợi ích quốc gia, song sẽ không đóng cửa nền kinh tế trong nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài và ngành công nghiệp thế giới bất chấp những xung đột thương mại với Mỹ.

 Đầu tháng 10/2019, trước khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra, Washington quyết định mở rộng danh sách “các thực thể” khi bổ sung một số doanh nghiệp khởi nghiệp hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) như Megvii Technology và SenseTime Group.

 Các công ty Trung Quốc có tên trong danh sách “các thực thể” mà Mỹ đưa ra bị cấm mua các phụ tùng, linh kiện nếu không có sự thông qua của Chính phủ Mỹ do những quan ngại về an ninh quốc gia.

 Trong những tháng gần đây, các công ty công nghệ Trung Quốc, nhất là những doanh nghiệp trong “tầm ngắm” của Mỹ, đã cam kết ứng phó với những biện pháp trừng phạt của Mỹ bằng cách dựa vào các giải pháp tự phát triển và tăng cường mua phụ tùng và linh kiện của các nhà cung cấp trong nước.

 Theo người phát ngôn Huang Libin của MIIT, Trung Quốc sẽ nhìn nhận và đánh giá tình trạng xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ với quan điểm cởi mở và thiện chí cho dù nước này cũng sẽ theo dõi chặt chẽ danh sách “thực thể” nói trên của Mỹ.

 Người phát ngôn Huang Libin của MIIT cho hay Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa các lĩnh vực trong nước bao gồm viễn thông, mạng Internet và ô tô cho đầu tư nước ngoài, song Mỹ cũng cần tôn trọng các quy định thương mại và hành động với sự thận trọng. (TTXVN/Bnews.vn Anh Quân)Về đầu trang

Hệ thống hưu trí Singapore đứng đầu châu Á

Theo báo cáo Chỉ số Lương hưu toàn cầu năm 2019 của Melbourne Mercer, Singapore có hệ thống hưu trí đứng đầu khu vực châu Á.

 Đồng thời, Singapore xếp thứ 7 trong tổng số 37 hệ thống hưu trí được xếp hạng trên toàn cầu. Singapore cũng đứng đầu châu Á và thứ 6 toàn cầu tính trên chỉ số sự đầy đủ (chỉ số đánh giá lợi ích thu được, việc tiết kiệm, hỗ trợ chi phí chi trả thuế và các yếu tố khác).

 Ở khu vực châu Á, xếp sau Singapore là Hong Kong, Trung Quốc với vị trí thứ 14 và Malaysia với vị trí thứ 16 toàn cầu. Trên quy mô toàn cầu, Hà Lan đứng thứ nhất trên tất cả các chỉ số nói chung. (VTV.vn 23/10)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Các tin khác