Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 08-5-2019

15:7, Thứ Tư, 8-5-2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.Kỷ luật Đảng không dung túng bất kỳ ai, bất kỳ sai phạm nào. 1

2. Lịch sử “điểm danh”. 3

CHÍNH SÁCH MỚI 4

3.Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ. 4

CHỈ THỊ MỚI 4

4. Yêu cầu tiếp tục theo dõi tác động của việc tăng giá điện. 4

TIN QUỐC HỘI 5

5.  Đơn giản hóa thủ tục xuất-nhập cảnh của công dân. 5

6. Gỡ nút thắt tuyển dụng người tài 6

7.UBTVQH xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh. 7

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

8.  Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về thanh toán qua thiết bị di động. 8

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 9

9.Hai vụ việc không được để "chìm xuống"! 9

QUẢN LÝ.. 10

10. Quyết liệt thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ tham nhũng. 10

11.Vì sao phải tăng độ tuổi nghỉ hưu thời điểm này?. 11

12 Kiểm tra việc thực hiện nghị quyết về sắp xếp bộ máy. 12

13. Năm 2018, Cục Hải quan Hà Nội chi hơn 53,5 tỷ đồng nuôi bộ máy 822 người 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

14.Quảng Ninh: Tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính. 13

15. Cán bộ Tây Ninh tập huấn tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính qua Zalo. 14

16. TP Hà Tĩnh thí điểm 2 tổ dân phố điện tử, tiến tới “chính quyền phục vụ”. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

17. Thu ngân sách 4 tháng đầu năm tăng gần 14%.. 15

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

18.Giám đốc Đài PT-TH bị kỷ luật vì mời thầy cúng làm lễ tại cơ quan. 16

THẾ GIỚI 16

19.Dính tham nhũng, em trai Tổng thống Iran vào tù. 16

20.   Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 4 "đặt chân" lên Mặt trăng. 17

 TIÊU ĐIỂM

Kỷ luật Đảng không dung túng bất kỳ ai, bất kỳ sai phạm nào

Chiều 5/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông cáo kỳ họp thứ 35 tại Hà Nội (từ ngày 24 - 26/4). Kết luận chỉ rõ, vi phạm của ông Vũ Văn Ninh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng; Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

 Theo dõi các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trên phương tiện thông tin đại chúng, ông Trần Viết Hoàn - nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh: “Đây cũng là minh chứng cho thấy kỷ luật Đảng không dung túng cho bất kỳ sai phạm nào. Như vậy, việc phòng, chống tham nhũng, phòng chống suy thoái trong công cuộc chỉnh đốn Đảng đang được toàn Đảng làm rất nghiêm túc, đúng ý Đảng, lòng dân.

 Qua những vụ cán bộ bị kỷ luật trước đây cũng như việc đề nghị xử lý một số cán bộ lần này, thiết nghĩ đây là bài học rất cần thiết cho Đảng ta để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XIII. Người dân mong Đảng tìm được những người đủ đức, đủ tài, không mang nặng chủ nghĩa cá nhân, những người thực sự được dân phục, dân tin để gánh vác việc nước, việc dân”- ông Trần Viết Hoàn cho biết.

 Dẫn lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được; không thể là một Đảng cách mạng chân chính, hết lòng vì nước, vì dân được, ông Trần Viết Hoàn cho rằng, đây cũng là mệnh lệnh, là công việc chúng ta đang làm để niềm tin của nhân dân với Đảng được bền vững.

 “Đời nào cũng vậy, xã hội nào cũng thế, nếu quan thanh liêm thì dân được hạnh phúc, nếu quan tham thì dân sẽ khổ, nước sẽ nguy. Đó là bài học lịch sử không bao giờ xưa cũ" – ông Trần Viết Hoàn nói và nhấn mạnh cần phải có những trừng phạt nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những vi phạm.

 Cùng với đó, bài học về sàng lọc cán bộ phải đặt ra thường xuyên, không phải cứ vào cương vị là mãi mãi ở đó, thậm chí đến hết nhiệm kỳ.

 Liên tiếp trong thời gian gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận nhiều cán bộ mắc sai phạm đều liên quan đến quản lý, sử dụng đất công. Trong kết luận phiên họp thứ 35, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy; chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Quân chủng và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.

 Mẫu số chung này có nguyên nhân từ đâu? Ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo tư duy bao cấp trước đây, đất đai không có giá trị nên khi “buông quăng, bỏ vãi” một ít đất thì dường như xem đó là chuyện bình thường.

 Cho đến hiện nay, chúng ta mới ý thức được đất công có giá trị cao, đặc biệt là những nơi có “vị trí vàng” mang lại giá trị rất lớn, cũng đồng nghĩa với việc một nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước đã bị bỏ lãng phí trong một thời gian khá dài.

 “Chúng ta đã nhận thức và thấy rõ giá trị quản lý đất công là rất quan trọng. Tôi cho rằng, nhận thức cũng cần một quá trình nhất định, nhất là khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường” – ông Đặng Hùng Võ nói và nhấn mạnh những trường hợp để thất thoát giá trị đất công, sử dụng đất công sai mục đích, hoặc sử dụng đất công với mục đích tư lợi... đã và đang bị xử lý kỷ luật là một tín hiệu rất tốt để củng cố niềm tin của người dân về quản lý tài sản của Nhà nước.

 “Chúng tôi rất hoan nghênh Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa các hình thức kỷ luật đối với cán bộ cao cấp liên quan đến vi phạm trong quản lý, sử dụng đất công, đây là dấu hiệu rất đáng mừng. Với quyết tâm chính trị không có vùng cấm, không khoan nhượng bất cứ ai, cán bộ Trung ương hay địa phương mắc những sai phạm về quản lý đất công, làm thất thoát giá trị tài sản của Nhà nước đều phải bị xử lý một cách nghiêm minh, xứng đáng” – ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.

 Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc kỷ luật cán bộ cao cấp lần này cũng là một minh chứng cho thấy việc cần thiết phải sửa Luật đất đai, phải đặt vấn đề quản lý đất công như một trọng tâm. Cùng với đó là tăng cường trách nhiệm quản lý đất công chặt chẽ hơn nữa, trách nhiệm cá nhân phải cụ thể hơn nữa thì mới tăng được nguồn thu Nhà nước từ giá trị đất công.

 “Người dân rất mừng trước việc Đảng, Nhà nước rà soát nội bộ, đưa ra kỷ luật thích đáng, không có vùng cấm đối với cán bộ mắc sai phạm, khuyết điểm. Công cuộc này được tiếp tục duy trì, chúng ta sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn nữa” – ông Đặng Hùng Võ cho biết. (VOV.vn 7/5, Kim Anh)Về đầu trang

Lịch sử “điểm danh”

Trong số hàng loạt cán bộ bị Ủy ban Kiểm tra  "điểm danh" kỳ này nổi lên hai cái tên: cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến.

 Ông Ninh nghỉ hưu năm 2016, ông Hiến thôi kiêm nhiệm Tư lệnh Hải quân năm 2015 và thôi chức thứ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2016.

 Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra , việc kiểm tra đối với Ban cán sự Đảng Bộ GTVT và Ban thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân là "kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm". "Khi có dấu hiệu vi phạm" ở đây có thể được hiểu là "khi có" các vụ án, vụ việc liên quan ông Đinh La Thăng, ông Út "trọc"... đã cho thấy "dấu hiệu vi phạm" của các nhân vật khác.

 Vi phạm của ông Vũ Văn Ninh, ông Nguyễn Văn Hiến và của những người mà Ủy ban Kiểm tra  đã "đọc tên" đều ở mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

 Nghĩa là từng cá nhân phải tự kiểm, tự nhận hình thức kỷ luật để chi bộ nơi họ đang sinh hoạt và các tổ chức Đảng cấp trên xem xét theo trình tự. Mức kỷ luật sẽ được quyết định và công bố trong thời gian tới.

 Điểm lại danh sách cựu lãnh đạo dính dáng tới "củi lửa" từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII cho đến nay, chỉ có ông Vũ Văn Ninh là cựu Phó Thủ tướng và ông Nguyễn Văn Hiến là đô đốc - cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

 Lịch sử hải quân mới có hai người được mang quân hàm đô đốc (người còn lại là huyền thoại Giáp Văn Cương). Quân hàm tương đương Thượng tướng này dành cho Tư lệnh Hải quân khi lên chức thứ trưởng hoặc phó tổng tham mưu trưởng hoặc phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm nhiệm (nếu chỉ Tư lệnh Hải quân thì "kịch trần" là Phó Đô đốc, tương đương Trung tướng).

 Giờ đây, đô đốc Nguyễn Văn Hiến lại ghi tên mình vào lịch sử nhưng theo một cách không mong muốn! (Tuổi Trẻ 6/5, Đài Trang)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 29/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 05/05/2019.

 Nghị định quy định cụ thể việc ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Theo đó, tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.

 Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

 Theo Bộ luật lao động, cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc theo quy định. (VOV.vn 6/5)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Yêu cầu tiếp tục theo dõi tác động của việc tăng giá điện

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa có ý kiến về đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện.

 Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện ngày 20/3/2019 đến sản xuất và đời sống nhân dân theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 364/TB-BCĐĐHG ngày 19/4/2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

 Đồng thời chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí để có thông tin chính thức, ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, không để các đối tượng xấu lợi dụng gây mất trật tự an ninh xã hội.

 Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để tiếp tục tổ chức triển khai tốt công tác tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin về công tác điều hành giá nhất là các mặt hàng có tính chất nhạy cảm đến người dân; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

 Cùng với đó tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 364/TB-BCĐĐHG ngày 19/4/2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá. (Vneconomy.vn 6/5)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Đơn giản hóa thủ tục xuất-nhập cảnh của công dân

Sáng 6/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bắt đầu Phiên họp toàn thể lần thứ 14, tiến hành thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với sự điều hành của Chủ nhiệm Võ Trọng Việt. Tham dự phiên họp có Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, cùng các ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện các bộ, ban, ngành.

 Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

 Theo tờ trình của Chính phủ, xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất-nhập cảnh và triển khai Đề án Sản xuất, phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc xây dựng dự luật là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất-nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là qua hệ thống kiểm soát xuất-nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.

 Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, dự luật không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu, mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet. Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn tiếp nhận tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu tại công an địa phương nơi thuận tiện nhất.

 Đối với hộ chiếu phổ thông, dự luật không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai. Người dân cũng được quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu. Dự luật quy định việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong việc kiểm soát nhập cảnh bằng hệ thống cổng kiểm soát tự động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi xuất-nhập cảnh.

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

 Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu về cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu cũng góp ý vào nhiều vấn đề cụ thể, như: Trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông; xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu xuất-nhập cảnh của công dân Việt Nam; hộ chiếu có gắn chíp điện tử; quyền và nghĩa vụ của công dân; cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ…

 Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu, bổ sung quy định mới nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý để nâng cao chất lượng quản lý hoạt động xuất-nhập cảnh.

 “Tôi đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến các quy định về quy trình, thủ tục gắn với cải cách hành chính, minh bạch và đơn giản các khâu đoạn. Về nguyên tắc cấp hộ chiếu, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân phải chặt chẽ, không để xảy ra thiếu sót nhưng thủ tục phải đơn giản, không gây phiền hà, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của nhân dân”, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói. (Tuyengiao.vn 6/5, Chiến Thắng)Về đầu trang

Gỡ nút thắt tuyển dụng người tài

Một trong những nội dung được quan tâm trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là chính sách đối với người có tài năng. Đây được xem là một trong những giải pháp tháo gỡ nút thắt về thu hút nhân tài vào bộ máy Nhà nước.

 Hiện các Luật hiện hành cũng đã có quy định về chính sách đối với người có tài năng. Thực tiễn thời gian qua, một số nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này đã phát huy những hiệu quả nhất định. Tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã triển khai thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân tài vẫn gặp khó do cơ chế chính sách chưa đủ sức hút đối với người tài. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Dự Luật lần này đã bổ sung quy định chính sách đối với người có tài năng theo hướng giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng. Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quy định cụ thể phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

 Đề xuất này nhận được sự đồng tình bởi các lĩnh vực, ngành nghề rất rộng, có những đặc thù riêng nên việc quy định cụ thể hết các nội dung trong Luật là không khả thi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất cần bổ sung khái niệm “người có tài năng” trong Luật để thống nhất cách hiểu.

Như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định, để có chính sách thỏa đáng đối với người có tài năng, Chính phủ phải căn cứ vào thực tiễn thi hành chính sách này thời gian qua, có định lượng để xác định được người có tài năng là thế nào, ít nhất cũng phải có khái niệm cơ bản, định nghĩa khái quát để tránh gây tranh cãi.

 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng, cần phân biệt người có tài năng, nhân tài, người giỏi. Bởi người có tài năng, người giỏi chưa chắc trở thành nhân tài. Luật này chỉ có chính sách với người có tài năng mà không có chính sách đối với nhân tài là thiếu, vì đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có cả người tài năng, người giỏi và cả nhân tài. Do đó, nên có chính sách bao hàm đầy đủ, đồng nhất với chính sách chung là trọng dụng nhân tài, bồi dưỡng nhân tài.

 Việc định ra cơ chế đặc biệt chọn người tài, nhất là công tác thi tuyển cũng là vấn đề được nhấn mạnh. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ ra thực trạng người có tài không muốn làm công chức, viên chức vì lương thấp. “Có trường hợp về làm để nuôi một hoài bão, ước mơ gì đó, còn để sống thì người ta lại làm việc khác. Do đó, rất cần có chính sách để thu hút nhân tài là công chức, viên chức” - Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất. Đồng thời cho rằng, trong đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều người tài thì chúng ta có thể phát hiện, đào tạo, nâng cao trình độ để những người này làm việc có chất lượng, hiệu quả hơn. 

Ở góc độ khác, một câu hỏi cũng được đặt ra là tại sao các cơ quan ngoài Nhà nước, các DN tư nhân có thể thu hút được nhiều người giỏi, nhiều nhân tài còn cơ quan Nhà nước lại ngày càng “chảy máu chất xám”? Lý giải điều này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ ra, bởi “cơ chế, chính sách của họ không bao giờ có chuyện người này làm kém mà lương lại cao, người kia làm giỏi mà lương lại thấp. Tất cả được đánh giá đúng trên vị trí, năng lực, sự đóng góp thực tế.

 Trên cơ sở đó, các ý kiến đề nghị, để cơ quan Nhà nước thu hút được người tài, Dự Luật phải “cởi trói” mạnh mẽ hơn nữa cho người đứng đầu trong công tác tuyển dụng, sử dụng và đánh giá cán bộ. Đặc biệt, không cào bằng trong chế độ, chính sách, để cán bộ giỏi, dành hết tâm sức cho công việc phải được hưởng chế độ chính sách khác so với một bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.

 Đồng thời, chính sách đối với người tài năng cần giải quyết theo định hướng cơ chế thị trường, đặc biệt với các đơn vị sự nghiệp công lập đã chuyển sang tự chủ tài chính, nhằm tạo điều kiện để các đơn vị được quyền quyết định cơ chế thu hút nhân tài dựa trên hoạt động của mình. (Kinh Tế & Đô Thị 7/5, Trần Hào)Về đầu trang

UBTVQH xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh

Tại Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai: thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, thị trấn Nhơn Trạch thuộc huyện Nhơn Trạch, 6 phường thuộc thành phố Biên Hòa.

 Từ ngày 8/5 đến ngày 10/5/2019, Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp và cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

 Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về những nội dung sau đây:

 Thứ nhất, về công tác xây dựng pháp luật:  Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); cho ý kiến về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

 Thứ hai, về công tác giám sát: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

 Thứ ba, về các vấn đề kinh tế - xã hội: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung sau: Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018;  đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017;

 Xem xét việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh; việc chuyển nguồn vốn Dự án đóng mới 6 tàu kiểm ngư và Dự án sửa chữa nâng cấp 3 tàu đã qua sử dụng của Nhật Bản viện trợ (thành tàu kiểm ngư) theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội;

 Xem xét việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung danh mục mới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội.

 Ngoài ra, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai: thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, thị trấn Nhơn Trạch thuộc huyện Nhơn Trạch, 6 phường thuộc thành phố Biên Hòa; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. (Báo Chính Phủ Điện Tử 7/5)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về thanh toán qua thiết bị di động

Theo Khảo sát Tiêu dùng Toàn cầu 2019, Việt Nam có số lượng người sử dụng phương thức thanh toán qua thiết bị di động tăng cao nhất ở Đông Nam Á, với mức tăng từ 37% năm 2018 lên 61% trong năm 2019.

 Thái Lan đã nổi lên thành nước có tốc độ tăng trưởng về thanh toán qua thiết bị di động nhanh thứ hai ở Đông Nam Á, sau Việt Nam - một trong những nước đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.

 Theo Khảo sát Tiêu dùng Toàn cầu 2019 của PwC, Đông Nam Á đang dẫn đầu trong sự thay đổi của khách hàng sang thanh toán qua thiết bị di động.

 Thanh toán qua thiết bị di động ở Thái Lan đã tăng từ mức 19% lên 67%, trong lúc Malaysia tăng từ 17% lên 40% và Philippines từ 14% lên 45%.

 Việt Nam có số lượng người sử dụng phương thức thanh toán qua thiết bị di động tăng cao nhất, với mức tăng từ 37% năm 2018 lên 61% trong năm 2019.

 Bà Vilaiporn Taweelappontong, đối tác tư vấn tại PwC Thái Lan, nhận xét việc Thái Lan là một trong những nước dẫn đầu về mức tăng trong thanh toán qua thiết bị di động ở Đông Nam Á là điều không ngạc nhiên, do người dân Thái Lan đang ngày càng tăng sử dụng thương mại điện tử để mua sắm.

 Đồng thời, Thái Lan còn có vị trí là một trong những thị trường truyền thông xã hội hàng đầu thế giới. Điều này đã khiến cho cả những nhà bán lẻ lớn lẫn những nhà bán lẻ nhỏ đều khai thác việc mua sắm trực tuyến, cạnh tranh thông qua khuyến mãi và giảm giá.

 Các ngân hàng ở Thái Lan cũng hủy bỏ phí giao dịch điện tử nhằm giúp kích thích tăng trưởng trong thanh toán trực tuyến.

 Tuy nhiên, theo bà Vilaiporn, an ninh thanh toán trực tuyến vẫn là một lo ngại lớn vì đó là chìa khóa để xây dựng niềm tin và sự tín nhiệm của khách hàng.

 Các nhà bán lẻ cũng nên nghiên cứu những nền tảng mua sắm trực tuyến mới thông qua những công nghệ như hỗ trợ giọng nói hoặc trí tuệ nhân tạo (AI) để mang lại trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt hơn cho khách hàng.

 Theo ông Shirish Jain, Giám đốc phụ trách thanh toán thuộc bộ phận chiến lược của PwC, châu Á vẫn sẽ là nơi dẫn đầu trong việc chuyển sang thanh toán di động.

 Tám nước châu Á nằm trong tốp 10 nước dẫn đầu thế giới, trong đó sáu nước thuộc vùng Đông Nam Á. Khảo sát của PwC được thực hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. (TTXVN/Vietnam+ 6/5)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Hai vụ việc không được để "chìm xuống"!

Những ngày qua, dư luận sôi sùng sục với nhiều sự kiện nóng bỏng. Đó là giá xăng, giá điện tăng khủng khiếp. Hàng loạt cán bộ cao cấp cả đương và nguyên chức bị đề nghị kỉ luật, trong đó có cả một vị từng làm Phó Thủ tướng Chính phủ. 

Rồi những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hay vụ giết hại trẻ em ở một trường Tiểu học của tỉnh Thanh Hóa… Và hình như vì thế, hai sự việc rất nghiêm trọng đang bị lãng quên, chìm xuồng?

 Việc thứ nhất là vụ ông Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Đà Nẵng trong nghi vấn dâm ô với cháu bé 7 tuổi tại thang máy. Việc này được biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng gần đây lại thấy có vẻ “im ắng”, không biết đến đâu rồi? Cho nên đã có ý kiến lo ngại vụ việc liệu có “để lâu… hóa bùn” không? Có nể nang hay pháp luật được “uốn cong mềm mại” hay không?

 Với vụ việc này, người viết vẫn giữ nguyên quan điểm, đó là cần làm rõ sự việc. Nếu có chuyện dâm ô, sẽ phải xử lý rất nghiêm khắc bởi đây là vụ việc nghiêm trọng, suy đồi về đạo đức và ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống xã hội.

 Vụ việc thứ hai cũng không được phép lãng quên. Đó là xử lý những phụ huynh liên quan đến việc “bốc điểm bỏ tay người” tại 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bởi đây là vụ án hình sự.

 Nếu sử dụng vật chất, họ sẽ can tội đưa hối lộ. Nếu sử dụng vị thế, họ sẽ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Đó là chưa kể họ đã vi phạm nghiêm trọng 19 điều cấm đảng viên không được làm. Nếu vụ việc này bị bỏ qua, pháp luật sẽ bị khinh nhờn, người dân thất vọng, mất niềm tin mà như tên một bài BLOG khi đó “Đừng để làm gì còn niềm tin mà mất”.

 Mới đây trả lời báo chí, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra những vi phạm của các cá nhân khác có liên quan.

 “Với sai phạm của cán bộ ngành, quan điểm của Bộ Công an là bất cứ cán bộ công an nào có vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của ngành mà xác định được đầy đủ cơ sở thì sẽ xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật, của ngành”, ông Nam nói.

 Mong rằng hai sự việc trên được cac cơ quan chức năng làm sáng tỏ, không có vùng cấm hay xử lý kiểu “đường cong mềm mại”. Còn chúng ta, nhiệm vụ là kiên quyết không để vụ việc này “hóa bùn” bởi đó chính là trách nhiệm bảo vệ sự nghiêm minh của luật pháp. (Dân Trí 7/5, Bùi Hoàng Tám)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Quyết liệt thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ tham nhũng

Ngày 6/5, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

 Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại buổi làm việc, về xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật về lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán từ năm 2013 đến tháng 9/2018, cho thấy, ngành thuế có 16 vụ việc tham nhũng, phải xử lý hình sự, tổng số tiền vi phạm là 15,39 tỷ đồng, trong đó số tiền tham nhũng đã thu hồi, khắc phục được là 4,56 tỷ đồng; cơ quan thuế đã kiến nghị khởi tố, chuyển cơ quan điều tra 551 vụ việc, cơ quan điều tra đã khởi tố 119 vụ án, số tiền cơ quan công an đã thu hồi là 348,6 tỷ đồng.

 Ngành hải quan đã trực tiếp ra quyết định khởi tố 248 vụ việc, giá trị tang vật vi phạm là 1.035 tỷ đồng, đã kiến nghị cơ quan chức năng khởi tố theo thẩm quyền 452 vụ việc; có 7 vụ việc cán bộ vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự, đã khởi tố 62 người.

 Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã thực hiện 35 đợt phong tỏa chứng khoán hoặc tạm dừng việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán theo đề nghị của Cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan Thi hành án và các cơ quan liên quan.

 Công tác tạm thu, tạm giữ, số nộp ngân sách Nhà nước về tiền án phí, phí thi hành án, thu hồi tàn sản từ các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan chức năng thụ lý nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước phát sinh tăng 50.233,1 tỷ đồng (đây là số tiền tổng hợp của tất cả các vụ án tham nhũng, kinh tế, dân sự, hình sự do các cơ quan thi hành án, thanh tra, công an, tòa án… ra quyết định xử lý); số tiền đã xử lý là 46.107,38 tỷ đồng.

 Các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện các biện pháp thu giữ tài sản, hàng hóa, tang vật vi phạm, phong tỏa tài khoản theo quy định của pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được giao.

 Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng Đại tướng Tô Lâm yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác phối hợp thực hiện thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong thời gian tới. Cùng với đó là tiếp tục rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực tài chính, tài sản công, thu chi ngân sách Nhà nước...

 Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, chuyển giá, rửa tiền... bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vụ án, vụ việc vi phạm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng. (Vneconomy.vn 7/5, Nguyên Hà)Về đầu trang

Vì sao phải tăng độ tuổi nghỉ hưu thời điểm này?

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng độ tuổi nghỉ hữu còn có vai trò giúp giảm bớt gánh nặng cho thế hệ tương lai trong việc duy trì quyền lợi hưu trí như hiện tại.

 Chương trình Vấn đề hôm nay ngày 6/5 đã đề cập tới chủ đề tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: Tại sao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại quyết định tăng tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này?, Nếu tăng thì lộ trình thực hiện ra sao?...

 Chia sẻ quan điểm về chủ đề này, khách mời - ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng trên thế giới. Hiện nay, theo thống kê, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu. Việt Nam không nằm trong ngoại lệ đó, bởi tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam khá cao.

 "Việc tăng tuổi nghỉ hưu bởi 3 lý do, một là đáp ứng thiếu hụt trong thị trường lao động trong tương lai... Rõ ràng, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Thứ 2 là việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu còn đúng với công ước quốc tế về bình đẳng giới trong độ tuổi nghị hưu. Lý do thứ 3 là bởi việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp tăng tính bền vững của xã hội", ông Phạm Trường Giang cho biết.

 Ông Phạm Trường Giang cho hay, theo thống kê của Tổ chức lao động thế giới, chưa quốc gia nào khi tăng độ tuổi nghỉ hưu lại nhận được sự đồng thuận của người dân. Cụ thể gần nhất là nước Nga, theo thống kê có tới 90% dân số không đồng ý. Nhưng vì lợi ích quốc gia, Quốc hội Nga đã phải đưa ra bỏ phiếu vấn đề này.

 "Nếu giữ quyền lợi hưu trí như hiện nay, thì chỉ có 2 phương án. Một là thế hệ con em của chúng ta phải đóng tăng gấp 3 lần, còn nếu có sự chia sẻ thì gánh nặng sẽ giảm bớt", ông Phạm Trường Giang khẳng định.

 Mời xem video chi tiết tại đường link dưới đây:

https://vtv.vn/van-de-hom-nay/vi-sao-phai-tang-do-tuoi-nghi-huu-thoi-diem-nay-20190506235248251.htm 

(Kênh VTV1 – Vấn đề hôm nay lúc 22h16 ngày 6/5)Về đầu trang

Kiểm tra việc thực hiện nghị quyết về sắp xếp bộ máy

Ngày 6/5, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư  Đảng, Trưởng Ban Dân vận  đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An triển khai kế hoạch kiểm tra của Bộ Chính trị về việc thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành  khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ và sắp xếp tinh gọn bộ máy ở địa phương này.

 Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, Bộ Chính trị vừa hành lập các đoàn kiểm tra về kết quả thực hiện các chủ trương trên tại các bộ, ban ngành, địa phương trong cả nước nhằm đánh giá những ưu điểm, hạn chế, đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương này.

 Để công tác kiểm tra đạt được kết quả, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu, việc kiểm tra phải đảm bảo đúng quy trình, quy định; tập trung nắm tình hình nhất là tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáp nhập bộ máy để báo cáo với Bộ Chính trị có biện pháp tháo gỡ, nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện nghị quyết của  trong thời gian tới. (VTV.vn 6/5)Về đầu trang

Năm 2018, Cục Hải quan Hà Nội chi hơn 53,5 tỷ đồng nuôi bộ máy 822 người

Theo báo cáo của Cục Hải quan Hà Nội, trong năm 2018, đơn vị này chi hơn 53,5 tỷ đồng chi thường xuyên, trong đó chi thanh toán cá nhân và quản lý hành chính hơn 51 tỷ đồng, chiếm trên 95% tổng chi thường xuyên. Được biết, số cán bộ công chức, viên chức hải quan Hà Nội hiện có hơn 822 người.

 Trong khi đó, tổng số thu của hải quan Hà Nội năm 2018 đạt hơn 22.200 tỷ đồng, thu từ thuế xuất khẩu là hơn 428 tỷ đồng, thuế nhập khẩu đạt gần 4.400 tỷ đồng và nhiều nhất là thuế giá trị gia tăng (VAT) là hơn 17.400 tỷ đồng.

 Theo Cục Hải quan Hà Nội với hơn 822 cán bộ công chức, viên chức, mỗi năm, cán bộ hải quan Hà Nội giải quyết được hơn 13.860 tờ khai, trung bình mỗi ngày giải quyết hơn 38 tờ khai.

 Năm 2018, theo báo cáo Cục Hải quan Hà Nội đưa khoảng 524.960 tờ khai vào kiểm tra luồng vàng (kiểm tra hồ sơ) và hơn 68.100 tờ khai vào luồng đỏ (kiểm tra hồ sơ và thực tế hàng). Như vậy, tổng số tờ khai phải kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng thực tế chiếm khoảng 5%.

 Đáng chú ý, năm 2018, đơn vị này cho biết xử lý kỷ luật 8 cán bộ hải quan, vì liên quan đến vụ tố làm luật hải quan ngay tại sân bay Nội Bài, trong đó có 1 lãnh đạo Chi cục phụ trách; 2 lãnh đạo Đội và 5 cán bộ thuộc Đội thủ tục hành lý nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài).

 Trước đó, Cục Hải quan Hải Phòng cũng có báo cáo lên Tổng cục Hải quan về kết quả hoạt động năm 2018, theo đó đơn vị này chi thường xuyên số tiền rất "khủng" hơn 257 tỷ đồng/năm.

 Theo báo cáo chính thức, đơn vị này có hơn 870 cán bộ công chức, viên chức, hưởng lương bình quân khoảng từ 180 triệu đến 270 triệu đồng/năm.

 Số thuế thu được của Cục Hải quan Hải Phòng là hơn 54.980 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với số thuế thu được của Cục Hải quan Hà Nội do đây là địa phương có cảng biển nước sâu và đầu mối nhập khẩu lớn của hàng hóa các tỉnh phía bắc. 

Trong khi đó Cục Hải quan Hà Nội chủ yếu thực hiện thông quan đường bộ, cửa khẩu hàng không. Dù có lực lượng cán bộ đông đảo song số thuế đơn vị này thu được không nhiều. (Dân Trí 7/5, Nguyễn Tuyền)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Quảng Ninh: Tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành xây dựng 186/186 bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã. Tỷ lệ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đúng và trước hạn cho doanh nghiệp, công dân đạt trên 98%.

Tỉnh cũng đã xây dựng được 15 trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Tất cả các trung tâm này đều được đầu tư đồng bộ, hiện đại, qua đó đã làm thay đổi cơ bản hình ảnh, môi trường, cách thức tương tác với người dân, doanh nghiệp.

 Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa TTHC thuộc thẩm quyền quản lý và đưa vào giải quyết tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp theo hướng “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” trực tiếp tại các trung tâm.

 Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong cả nước trong việc quy định áp dụng chữ ký số trong trả kết quả giải quyết TTHC dưới dạng văn bản điện tử tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã. 

Đây là cách làm mới về cải cách hành chính, góp phần cắt giảm thời gian giải quyết, bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

 Đồng thời, thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc kiến tạo một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, tỉnh cũng đã đưa đề án chính quyền điện tử vào triển khai.

 Sau hơn 6 năm thực hiện (từ 9/2012 - 3/2019), đề án đã trở thành một bước đột phá mạnh mẽ, quan trọng, có tác động sâu rộng; huy động được sự vào cuộc chủ động, tích cực, sâu sát của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn tỉnh với mục tiêu xuyên suốt là lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm... (Thanh Tra 7/5)Về đầu trang

Cán bộ Tây Ninh tập huấn tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính qua Zalo

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức tập huấn nhằm hướng dẫn cho cán bộ công chức, viên chức, nhất là những người đang trực tiếp xử lý thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị về chủ trương, các quy trình nghiệp vụ, quy trình thao tác trên các hệ thống thông tin liên quan đến việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ nộp qua Zalo.

 Theo đó, buổi tập huấn trực tuyến này gần 500 cán bộ, công chức, viên chức địa phương và các sở ngành đã được chuyên viên Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND hướng dẫn sử dụng Zalo trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. 305 cán bộ cấp huyện và xã tại 9 điểm cầu, 74 cán bộ các sở ngành và các thành viên trong UBND tỉnh Tây Ninh đã sử dụng nhiều tính năng liên quan đến dịch vụ hành chính công trên Zalo. Nhiều thắc mắc trong quá trình thao tác trên ứng dụng cũng được giải đáp kịp thời.

 Được biết từ tháng 11.2018, UBND tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Zalo trong công tác cải cách hành chính. Việc hợp tác này nhằm tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời hiện đại hóa nền hành chính công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người dân có thể nộp hồ sơ thủ tục hành chính mức độ 3 qua Zalo. Trung tâm hành chính công chấp nhận các giấy tờ được chụp hình bằng điện thoại. Khi trả kết quả, công dân trình bộ hồ sơ gốc để đối chiếu với những hình ảnh tự chụp. Nếu trùng khớp, kết quả thủ tục hành chính được trả ngay tức thì.

 “Người dân có thể làm giấy khai sinh, khai tử, đăng ký lập hộ kinh doanh,… mà không cần phải đi tới cơ quan nhà nước nhiều lần. Vậy tại sao chúng ta không làm như vậy để người dân có thể ở nhà và chụp hình giấy tờ gửi qua mạng. Sau một ngày rồi tới cơ quan hành chính nhận kết quả. Việc đó quá tốt cho người dân. Chúng ta chuyển qua nền hành chính phục vụ, do đó mình phải làm sao để thuận tiện nhất cho người dân”, ông Trương Văn Hùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh – Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Tây Ninh, cho biết. (Nguoidothi.net.vn 6/5)Về đầu trang

TP Hà Tĩnh thí điểm 2 tổ dân phố điện tử, tiến tới “chính quyền phục vụ”

2 tổ dân phố điện tử đầu tiên trên địa bàn TP Hà Tĩnh đã chính thức đi vào hoạt động sau một thời gian chuẩn bị kỹ càng, gấp rút. Việc thực hiện nhiệm vụ này góp phần giúp thành phố xây dựng hiệu quả “chính quyền phục vụ”.

 Tổ dân phố 12 – phường Tân Giang và tổ dân phố 2 – phường Trần Phú là 2 đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình thí điểm “tổ dân phố, khu dân cư điện tử”. Tại nhà văn hóa tổ của 2 đơn vị này được trang bị các máy móc cần thiết để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như: máy tính có kết nối internet, máy scan, máy in để công dân sao, in các giấy tờ cần thiết khi làm thủ tục.

 Tại đây, vấn đề tuyên truyền trực quan được đặc biệt chú trọng ở mô hình thí điểm tổ dân phố điện tử. Theo đó, các “tổ dân phố, khu dân cư điện tử” sẽ niêm yết quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cấp thành phố, cấp phường; trình bày rõ ràng để người dân dễ tra cứu và tìm hiểu về các danh mục thuộc phạm vi giải quyết của từng cấp để người dân tiếp cận, nắm bắt được các quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết trong từng lĩnh vực.

 Theo mô hình này, bộ phận “một cửa” của phường sẽ về tận khu dân cư. Ai có nhu cầu chỉ cần đến nhà văn hóa tổ dân phố làm thủ tục, tới ngày hẹn trả kết quả mới phải đến UBND phường để lấy thủ tục; hoặc qua việc tìm hiểu, hướng dẫn của các thành viên tổ xung kích xây dựng mô hình và tổ dịch vụ công trực tuyến thực hiện mô hình, người dân khi nắm bắt được các thao tác thực hiện các dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn có thể tự mình thực hiện ở nhà với máy tính có kết nối mạng.

 Đến thời điểm hiện tại, TP Hà Tĩnh đã khởi động 2 tổ dân phố điện tử và dự kiến ngày 10/5/2019 sẽ đưa tổ dân phố điện tử của phường Nam Hà vào hoạt động; thời gian thực hiện thí điểm trong vòng 6 tháng sau đó sẽ rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn. Được biết, hiện nay trên địa bàn toàn quốc mới chỉ có một vài “tổ dân phố điện tử”. Việc TP Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện thí điểm mô hình này được xem là một nỗ lực lớn của địa phương trong việc thực hiện cải cách hành chính. (Báo Hà Tĩnh 7/5, Thành Chung)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thu ngân sách 4 tháng đầu năm tăng gần 14%

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, thu cân ngân sách nhà nước trong tháng 4/2019 ước đạt 133,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 4 tháng đầu năm 2019 đạt 517,87 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2018. 

Trong đó, thu nội địa, tháng 4 ước đạt 111,6 nghìn tỷ đồng không kể khoản thu hồi vốn nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế, thì tăng gần 26 nghìn tỷ đồng so với tháng trước.

 Luỹ kế thu nội địa 4 tháng đạt 424,96 nghìn tỷ đồng, bằng 36,2% dự toán, tăng 14% so cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 đạt 33,9% dự toán, tăng 16%).

 Thu từ dầu thô, tháng 4 ước đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, luỹ kế 4 tháng thu ước đạt 18,29 nghìn tỷ đồng, bằng 41% dự toán, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2018.

 Giá dầu thô thanh toán bình quân đạt 65 USD/thùng (bằng giá dự toán), bằng 94,5% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng ước đạt 3,9 triệu tấn, bằng 37,3% kế hoạch, bằng 98,3% so với cùng kỳ năm 2018.

 Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 4 ước đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 4 tháng đạt ước đạt 73,9 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2018.

 Về chi ngân sách nhà nước, chi ngân sách tháng 4 ước đạt 114,2 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 429,8 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3% dự toán, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018.

 Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 68,5 nghìn tỷ đồng, bằng 16% dự toán, tăng 5,4%; chi trả nợ lãi đạt 39,69 nghìn tỷ đồng, bằng 31,8% dự toán, giảm 4,9%.

 Chi thường xuyên đạt 319,68 nghìn tỷ đồng, bằng 32% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018.

 Ngoài ra, trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính cũng phát hành được 82 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (chưa bao gồm 7 nghìn tỷ đồng phát hành nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội) với kỳ hạn bình quân là 12,51 năm, lãi suất bình quân là 4,92%/năm.

 Theo Bộ Tài chính, việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. (Vneconomy.vn 7/5, Duyên Duyên)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Giám đốc Đài PT-TH bị kỷ luật vì mời thầy cúng làm lễ tại cơ quan

Ngày 7/5, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị vừa quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Đức Hữu - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đài phát thanh-Truyền hình tỉnh.

 Thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị ngày 3/5 cho hay, tại kỳ họp lần thứ 20 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã xem xét đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thi hành kỷ luật Đảng đối với ông Trần Đức Hữu - Tỉnh ủy viên, Đảng ủy viên Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đài phát thanh-Truyền hình tỉnh.

 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị kết luận: Với trách nhiệm là Tỉnh ủy viên, Đảng ủy viên Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Quảng Trị, ông Trần Đức Hữu trong chỉ đạo, điều hành đơn vị còn chủ quan, thiếu thận trọng dẫn đến vi phạm Quyết định số 129/TTg, ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quy chế văn hóa nơi công sở và Quy định số 47 QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành TƯ Đảng về những điều đảng viên không được làm.

 Ông Trần Đức Hữu đã mắc nhiều sai phạm: Đồng ý chủ trương để Phòng Dịch vụ -Quảng cáo và Phòng Tổ chức-Hành chính của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tổ chức mời thầy cúng về cúng tại cơ quan với nghi thức lễ cúng mang tính chất mê tín, đồng thời trực tiếp tham gia lễ cúng này.

 Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Đức Hữu bằng hình thức khiển trách. (Dân Trí 7/5, P.V)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Dính tham nhũng, em trai Tổng thống Iran vào tù

Chính trị gia Hossein Fereidoun (62 tuổi), em trai và là người thân cận của Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa phải nhận án tù vì những hành vi sai phạm tài chính. Thời gian ông Hossein Fereidoun phải ngồi tù hiện chưa được công bố rõ.

 Theo Hãng thông tấn ISNA của Iran, ông Hossein Fereidoun bị kết tội tham nhũng, có một số sai phạm tài chính liên quan đến bê bối phóng đại tiền lương của Công ty Bảo hiểm Nhà nước Iran. Ông Fereidoun có quyền kháng cáo đối với bản án đã tuyên.

 Phiên tòa xét xử ông Fereidoun bắt đầu từ tháng 2 năm nay. Nhờ khoản tiền bảo lãnh 15,3 triệu USD, ông được tại ngoại sau khi chỉ phải ngồi trong buồng giam 1 đêm hồi năm 2017.

 Ông Fereidoun từng là đại sứ Iran ở Malaysia năm 1989 - 1997 và được bổ nhiệm là phụ tá đặc biệt cho Tổng thống năm 2013. Ông là thành viên trong phái đoàn đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới, gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ.

 Trước ông Fereidoun, nhiều đồng minh thân cận của các cựu tổng thống Iran cũng bị bỏ tù về tội danh tương tự. (Thanh Tra 7/5, Ngọc Anh)Về đầu trang

Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 4 "đặt chân" lên Mặt trăng

Ấn Độ cho biết, tàu vũ trụ Chandrayaan-2 sẽ được phóng lên Mặt trăng trong khoảng thời gian từ ngày 9 - 16/7/2019, dự kiến hạ cánh lên bề mặt Mặt trăng trong tháng 9.

 Sự kiện này sẽ giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 sau Trung Quốc, Mỹ và Nga thực hiện sứ mệnh trên Mặt trăng.

 Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 sẽ hạ cánh tại cực Nam của Mặt trăng vốn chưa từng được khám phá. Đá tại khu vực này được cho là đã gần 4 tỷ năm tuổi và là nguồn năng lượng hạt nhân quý giá. (VTV.vn 7/5)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Các tin khác