Hội thảo về Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới

14:19, Thứ Sáu, 16-12-2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Với mục tiêu tận dụng, khai thác và phát huy được những tiềm năng, lợi thế về biển, đưa các tỉnh, thành phố miền Trung phát triển năng động, nhanh, mạnh, bền vững, trở thành các địa phương mạnh về biển, làm giàu từ biển, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Bình phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới” vào sáng 16/12 tại Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Tham dự có đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực miền Trung, các chuyên gia và nhà khoa học trong nước.

Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
phát biểu chào mừng Hội thảo.

Mở đầu Hội thảo, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết, phát triển kinh tế biển của Quảng Bình thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: Chất lượng xây dựng quy hoạch, kế hoạch chi tiết phát triển kinh tế biển và các vùng ven biển có mặt còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm tại vùng biển và ven biển còn thiếu; tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm còn thấp so với tiềm năng. Thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp chế biến thủy sản và người nuôi thủy sản còn ít; cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh, trước những thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, của quá trình hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các lợi thế dần bị thu hẹp, các thách thức về cạnh tranh, môi trường, các bất ổn do chính trị, dịch bệnh... đã và đang tạo ra áp lực lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các địa phương. Để phát huy mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh ven biển, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung đẩy manh phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, miền Trung có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, phát triển kinh tế biển mà không một vùng nào có được. Vùng có 14 tỉnh, thành phố thì tất cả đều có biển, trong đó có nhiều bãi biển, vùng biển, đảo rất đẹp, nhiều tài nguyên vào loại nhất cả nước. Những năm qua, các tỉnh, thành phố miền Trung đều đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế biển; nhờ đó, ngành kinh tế này ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp ngày càng lớn hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.  Một số địa phương trong vùng đã khai thác, tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển để vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng. Khoảng cách phát triển của vùng so với mức trung bình của cả nước đang dần được thu hẹp. Văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực ngày càng được nâng cao.

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Trong quá trình chuẩn bị, Ban tổ chức Hôị thảo đã nhận được 45 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý. Nội dung các bài tham luận tập trung về các chủ đề: Bối cảnh mới và những vấn đề chung về phát triển kinh tế biển hiện nay;phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung hiện nay; Thực tiễn phát triển kinh tế biển ở tỉnh Quảng Bình hiện nay. Tại Hội thảo, có 10 ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý tham luận trực tiếp tại Hội thảo, qua đó làm rõ các nội dung: Một là, yêu cầu, nhiệm vụ, bối cảnh mới đặt ra trong việc thực hiện chiến lược biển nói chung, phát triển kinh tế biển đối nói riêng đối với đất nước và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong tình hình hiện nay. Hai là, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế biển ở các tỉnh, thành phố miền Trung hiện nay. Ba là, những kết quả, thành tựu đạt được và hạn chế, yếu kém về phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong thời gian qua; khó khăn, thách thức đặt ra trong thời gian tới. Bốn là, một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế biển miền Trung nhanh, bền vững…

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, 
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản kết luận Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, trong bối cảnh thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của biển và đại dương, nhiều quốc gia và cường quốc trên thế giới đều coi biển, hướng ra biển và tập trung vào chiến lược biển để củng cố và tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, việc chúng ta quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện thành công mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, khu vực miền Trung với 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, có bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (3.260km). Do vậy, phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung có thể nói là giữ vai trò quan trọng quyết định đối với việc thực hiện chiến lược biển nói chung, Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển nói riêng.

Đồng thời, thực hiện mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của các tỉnh phải theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết vùng, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

                               Hữu Dũng
 

 

Các tin khác