10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2016

10:38, Chủ Nhật, 1-1-2017

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Cấp phép 4G, Ngành TT&TT đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, Luật An toàn thông tin mạng chính thức có hiệu lực là những sự kiện ICT tiêu biểu năm 2016 do ICTnews đã bình chọn.

Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh toàn ngành TT&TT ước đạt 1.337.857 tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với năm 2015, cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%).Tổng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) toàn ngành ước đạt 145.915 tỷ đồng (ước đạt 109,06% so với kế hoạch năm) và đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu cân đối ngân sách nhà nước

Hai lĩnh vực CNTT, viễn thông đóng góp phần lớn doanh thu toàn ngành. Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 939.400 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2015, đóng góp khoảng 70,22% vào tổng doanh thu toàn ngành. Nộp ngân sách của lĩnh vực CNTT ước đạt 93.940 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp khoảng 64,38% vào tổng nộp ngân sách nhà nước toàn ngành. Lĩnh vực viễn thông, tổng doanh thu phát sinh ước đạt 365.500 tỷ đồng, tổng nộp NSNN ước đạt 50.396 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn, ngành TT&TT tiếp tục khẳng định vai trò là ngành đa lĩnh vực, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Tổng cộng có hơn 15 triệu SIM kích hoạt sẵn được các nhà mạng khóa và thu hồi, sau khi Bộ TT &TT quyết liệt vào cuộc để kiểm tra và chấn chỉnh. Sau động thái mạnh mẽ của Bộ TT&TT, vấn nạn SIM rác và tin nhắn rác đã giảm hẳn. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2017, Bộ sẽ quản lý chặt hoạt động cạnh tranh, khuyến mại, giá cước, chất lượng dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông. Triển khai Đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao và kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Bộ TT&T tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định; xây dựng các chính sách thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau.

Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) được Bộ TT&TT khởi động xây dựng từ năm 2011. Sau gần 4 năm xây dựng và hoàn thiện, ngày 19/11/2015 Luật ATTTM đã được Quốc hội khóa XIII biểu quyết thông qua.

Chính thức có hiệu lực từ 1/7/2016, đây là bộ luật quan trọng để triển khai các hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam, là căn cứ pháp lý đầy đủ nhất từ trước đến nay tại Việt Nam để bảo vệ lợi ích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia trên không gian mạng. Gồm 8 Chương với 54 Điều, Luật ATTTM quy định về hoạt động ATTTM, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm ATTTM; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTTM; kinh doanh trong lĩnh vực ATTTM; phát triển nguồn nhân lực, quản lý nhà nước về ATTTM... Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động ATTTM tại Việt Nam.

Năm 2016, Bộ TT&TT đã cấp phép 4G cho VNPT, Viettel, MobiFone và Gtel trên băng tần 1800 MHz. Hiện chỉ còn Vietnamobile chưa có giấy phép 4G. Ngày 3/11/2016, VinaPhone đã chính thức tuyên bố cung cấp 4G tại Phú Quốc và là nhà mạng đầu tiên cung cấp 4G tại Việt Nam. Trước đó, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 4G cho 4 doanh nghiệp là VNPT, Viettel, MobiFone và FPT Telecom.

Các chuyên gia cho rằng, một đặc điểm của 4G rất quan trọng đối với các nhà mạng là có giá thành rẻ hơn 3G. Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG), tốc độ chuyển tải dữ liệu của 4G LTE so với 2G tăng 12.000 lần và giá thành giảm 99%. Như vậy, khi triển khai 4G có giá thành thấp khách hàng sử dụng dữ liệu nhiều hơn sẽ đem lại nguồn doanh thu tốt cho nhà mạng.

Kết thúc năm 2016, đã có 13 tỉnh, thành phố đã hoàn thành số hóa truyền hình, đánh dấu sự thành công của Bộ TT&TT trong triển khai Đề án Số hóa truyền hình. Kết thúc giai đoạn 1 và một phần của giai đoạn 2 Đề án số hóa truyền hình hiện đã có khoảng 50% dân số dân số cả nước nằm trong vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2. Người dân có thể thu xem được từ 30- 70 kênh truyền hình miễn phí, trong đó có nhiều kênh theo chuẩn HD. Việc ngắt sóng các kênh truyền hình analog sẽ ảnh hưởng tới những hộ đang thu xem truyền hình quảng bá (thu bằng anten), những hộ gia đình này phải chuyển đổi sang thu xem truyền hình kỹ thuật số bằng tivi số có tích hợp tính năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hoặc dùng đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 kết nối với các tivi đời cũ để thu xem truyền hình số quảng bá. Tính đến hết năm 2016, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đã triển khai hỗ trợ hơn 540.000 đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương.

Sau khi được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm 4G, lần đầu tiên Viettel đã đưa thiết bị 4G do tập đoàn này sản xuất vào lắp đặt. Trước khi được cấp giấy phép chính thức, Viettel đã đưa các trạm thu phát vô tuyến 4G vào thử nghiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các thiết bị do Viettel sản xuất cũng có những tính năng như của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới hiện nay. Trong chiến lược mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020, 70% hạ tầng viễn thông của Viettel sẽ do Viettel làm chủ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Việc Viettel tự sản xuất được thiết bị 4G sẽ là yếu tố đảm bảo an toàn thông tin, đồng thời chủ động được thiết bị trên mạng lưới của mình trong bối cảnh trên thế giới chỉ còn có 5 nhà cung cấp lớn.

Ngày 13/12/2016, Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) chính thức công bố “cán mốc” 10.000 nhân viên. Với quy mô nhân sự này, FPT Software đang tiến gần hơn danh sách TOP các công ty có quy mô nhân lực lớn trong khu vực châu Á và mục tiêu đạt 30.000 người và 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020. Sau 17 năm thành lập, FPT Software đang là công ty phần mềm lớn nhất của Việt Nam và đứng trong Top 100 Nhà cung cấp dịch vụ Outsourcing toàn cầu do International Association of Outsourcing Professionals (IAOP) đánh giá. Đến thời điểm hiện tại, FPT Software đã có 23 văn phòng tại 14 quốc gia trên toàn cầu. Tại Nhật Bản mới đây FPT cũng đã cán mốc doanh thu 100 triệu USD (tương đương hơn 2.200 tỷ đồng), trở thành công ty dịch vụ CNTT Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản, đồng thời tiệm cận TOP 50 công ty cung cấp dịch vụ CNTT lớn nhất tại Nhật gồm các công ty tên tuổi như Fujitsoft, DTS, Systena...Trong 5 năm từ 2011 - 2016, FPT Software đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 30,4%/năm và hiện là đơn vị chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu toàn cầu hóa của toàn FPT.

Tại Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam lần thứ 9 ngày 23-24/11/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng với sự ủng hộ của Thủ tướng Campuchia và Lào, đã giao cho Viettel trách nhiệm hiện đại hoá mạng viễn thông 3 nước bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử cho ba nước và triển khai mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại 3 nước tương đương với mức cước trong nước. Đáp lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Viettel đã công bố sẽ bỏ cước roaming từ ngày 1/1/2017 giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, điều này thể hiện tình cảm thân thiện của 3 nước láng giềng và thúc đẩy tam giác kinh tế Đông Dương phát triển.

Ngày 29/7, màn hình các quầy làm thủ tục của Vietjet ở sân bay Tân Sơn Nhất và Vietnam Airlines ở Nội Bài xuất hiện các dòng chữ xuyên tạc về chủ quyền biển Đông. Đồng thời, trang web vietnamairlines.com cũng bị tấn công và hơn 400.000 thông tin khách hàng thuộc chương trình Bông Sen Vàng của Vietnam Airlines bị hacker phát tán trên Internet. Trong tháng 5/2016, TPBank đã suýt bị hacker quốc tế lừa đảo, lấy 1,13 triệu USD. Rất may TPBank phát hiện kịp thời và lập tức liên lạc với các bên liên quan để ngăn chặn hành động trộm cắp tiền của tội phạm. Đến ngày 5/8. một khách hàng của Vietcombank phát hiện tài khoản của mình tự động có giao dịch chuyển đi 500 triệu đồng. Đại diện Vietcombank cho biết có thể khách hàng này đã bị hacker tấn công và lấy trộm mật khẩu Internet Banking để chuyển tiền…

Đây chỉ là những vụ việc điển hình trong khá nhiều vụ liên quan đến an toàn thông tin xảy ra trong năm 2016. Các vụ việc trên cho thấy giới tội phạm công nghệ cao đang hướng đến mục tiêu là các ngân hàng và hệ thống thông tin của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế.

Samsung Galaxy Note7 ra mắt ngày 2/8, được kỳ vọng là sản phẩm smartphone tạo nên thành công cho Samsung trong năm 2016. Tuy nhiên, chỉ 2 tuần sau ngày lên kệ, bắt đầu xuất hiện những báo cáo đầu tiên về việc bom tấn bị cháy nổ được gửi về Samsung. Tới ngày 2/9, Samsung công bố chiến dịch thu hồi toàn bộ 2,5 triệu máy trên toàn cầu, đồng thời đổi máy mới hoặc hoàn trả tiền cho khách hàng. Ngày 11/10, Samsung công bố ngừng sản xuất Galaxy Note 7. Note 7 trở thành smartphone “bom tấn” có vòng đời ngắn ngủi trong hơn 2 tháng (2/8 - 11/10/2016).

Do ảnh hưởng của Galaxy Note 7, theo báo cáo tài chính của Samsung Electronics, từ vị thế là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống trên toàn cầu, trong quý III/2016 Samsung Bắc Ninh tại Việt Nam ghi nhận lỗ tới hơn 146,5 tỷ won (xấp xỉ 3.000 tỷ đồng) trong 3 tháng và sụt giảm 30% doanh thu, tương ứng với mức giảm hơn 32.000 tỷ so với quý II/2016.

(Theo Nhóm Phóng viên ICTNews)

Các tin khác