Khám phá các thuật ngữ điện thoại di động

17:6, Thứ Sáu, 12-12-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Khi các doanh nghiệp cung cấp mạng thông tin di động nở rộ cũng là lúc người dùng ngày càng "hoa mắt" với hàng loạt các thuật ngữ đi kèm. Ý nghĩa của những thông tin đầy bí ẩn này là gì? Dưới đây ta cùng khám phá các thuật ngữ này để dễ dàng nắm bắt công nghệ và có thể tự mình quyết định chọn dịch vụ cho phù hợp nhu cầu sử dụng. 

GSM

Viết tắt của Global System for Mobile Communications - Hệ thống thông tin di động toàn cầu - là chuẩn công nghệ ứng dụng cho mạng thông tin di động thế hệ 2 (2G) và hiện nay đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

GSM hoạt động theo nguyên lý hệ thống tế bào (cellular network), vì thế điện thoại di động (mobile phone) trong tiếng Anh còn được gọi là cellphone. Theo nguyên lý này, tại bất kỳ thời điểm nào, một chiếc điện thoại di động sẽ kết nối với một trạm thu phát sóng có tầm hoạt động gần nhất bất kỳ. Và đương nhiên, khi người sử dụng di chuyển sang “vùng phủ sóng” của một trạm khác, chiếc điện thoại ấy sẽ ngay lập tức tự động chuyển sang kết nối với trạm mới này.

GSM hoạt động trên 4 băng tần, trong đó, phổ biến nhất là băng tần 900MHz và 1800MHz (1.8GHz). Tại châu Mỹ, do 2 băng tần này đã được sử dụng cho các mục đích khác trước khi điện thoại di động xuất hiện nên nhiều quốc gia (gồm cả Mỹ và Canada) thay thế bằng hai băng tần 850MHz và 1900MHz (1.9GHz).

3G

Là từ để chỉ thế hệ thứ 3 của công nghệ truyền dữ liệu của nhiều mạng di động trên thế giới. Dung lượng tải của mạng 3G cao hơn, tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn và cung cấp được nhiều ứng dụng hơn cho người dùng như xem phim, nghe nhạc trực tuyến, truy cập internet tốc độ cao.

Có nhiều chuẩn công nghệ 3G khác nhau như EV-DO là thế hệ 3 của CDMA, trong khi đó UMTS là công nghệ được các nhà cung cấp dịch vụ mạng GSM ưa chuộng.

CDMA

CDMA (Code Division Multiple Access – Truy cập thông tin mã hóa phân nhỏ đồng loạt) là phương pháp truyền tín hiệu đã được mã hóa qua từng phần được chia nhỏ của dải băng tần hoạt động. Tiền thân của phương pháp truyền dẫn dữ liệu này chính là công nghệ truyền tin kỹ thuật số qua điện thoại di động do Qualcomm phát triển, vận hành trên hai băng tần 800MHz và 1.9GHz.

CDMA cho phép nhiều người dùng truy cập cùng lúc và trên cùng tần số giới hạn cho phép. Như tên gọi của mình CDMA mã hóa mọi cuộc hội thoại từ các thuê bao thành từng “gói” và “kéo giãn” nó ra trên dải băng tần 1.25MHz của kênh CDMA. Cách mã hóa này cho phép mọi cuộc hội thoại đều có thể sử dụng cả dải băng tần trong cùng thời điểm mà không lẫn vào nhau. Cuối cùng, tại phía người nghe, những tín hiệu đã “đóng gói” sẽ được giải mã tự động, lọc lại các tần số nhiễu và cho kết quả hội thoại cuối cùng.

CDMA hiện đã phát triển đến thế hệ thứ 3 – 3G. Gần đây, người dùng điện thoại di động tại Việt Nam đã được làm quen với mạng 3G CDMA qua chuẩn 1xEV-DO.

EDGE

EDGE được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2003, là chuẩn nâng cao của hệ thống thông tin di động GSM. EGDE cho tốc độ truyền tải dữ liệu 384Kbps, tức khoảng gấp 3 lần tốc độ truyền tải của chuẩn GPRS.

EDGE được dùng trong công nghệ chuyển mạch dữ liệu như kết nối internet, xem truyền hình hay nghe nhạc, tùy thuộc vào khả năng của hệ thống mạng.

Do có tầm phủ sóng tốt, người dùng laptop cũng có thể dùng sóng EDGE để truy cập internet không dây thay cho sóng Wi-fi có tầm phủ hẹp hơn. Tuy nhiên, EDGE lại có nhược điểm là tốc độ thấp hơn Wi-fi và để sử dụng người dùng cần trang bị modem EDGE.

Với điện thoại di động, tốc độ truy cập từ EDGE được xem là khá ổn định, nhưng để sử dụng dịch vụ này người dùng cần đăng ký với nhà cung cấp. Hiện tại, Việt Nam chưa triển khai mạng EDGE. Tại Mỹ, nhà cung cấp dịch vụ EDGE tiêu biểu là Cingular Wireless.

VOD/MOD

Video on demand/ Music on demand – Dịch vụ xem phim (hoặc các chương trình truyền hình)/nghe nhạc theo yêu cầu. Dịch vụ này ban đầu được cung cấp chủ yếu cho người xem truyền hình cáp. Tùy thuộc vào sở thích, nhu cầu mà người dùng có thể chọn những chương trình hay bài nhạc ưa thích để theo dõi vào bất cứ thời điểm nào.

Hiện nay, nhiều mạng viễn thông di động đã dựa trên hệ thống mạng sẵn có của mình để cung cấp VOD/MOD đến người dùng như một dịch vụ gia tăng tiện ích.

WCDMA

WCDMA – Wideband Code Division Multiple Access hay hệ thống đa truy cập băng thông rộng – là chuẩn thông tin di động 3G sử dụng tần số 5MHz để truyền tải cả âm thanh và dữ liệu. Với chuẩn này, tốc độ truyền tải dữ liệu trên mạng có thể lên đến 384Kbps. WCDMA còn thường được biết đến với tên gọi UMTS và 2 thuật ngữ này hay được dùng thay thế cho nhau.

WCDMA là chuẩn nâng cao của mạng GSM và tương thích tốt với nhau. Hầu hết các điện thoại di động hoạt động trên mạng WCDMA đều hoạt động được trên mạng GSM.

Tuy mượn ý tưởng cách truyền dữ liệu theo gói dữ liệu chia nhỏ của CDMA nhưng trên thực tế WCDMA hoàn toàn không tương thích với hệ thống mạng CDMA như nhiều người lầm tưởng.

UMA

Unlicensed Mobile Access – là giải pháp kết nối cho điện thoại di động trên các hệ băng tần không cần đăng ký như Bluetooth hay Wi-Fi. UMA cung cấp kết nối đàm thoại lẫn truyền tải dữ liệu cho người dùng.

Chiếc điện thoại được hỗ trợ UMA vẫn hoạt động trên các băng tần di động bình thường như GSM, CDMA (hoặc các chuẩn mạng cao hơn như 3G) nhưng khi bắt được sóng Wi-Fi hoặc Bluetooth trong vùng hoạt động như tại văn phòng, các điểm kết nối hotspot sẽ tự động chuyển đổi sang hệ sóng này.

UMA có ưu điểm là giúp người dùng tiết kiệm được chi phí trong việc sử dụng điện thoại di động mà vẫn hưởng được lợi ích từ các kết nối băng thông rộng với chất lượng tốt. Việc có thể sử dụng các kết nối thay thế cũng giúp nhà cung cấp dịch vụ có thể giảm thiểu số trạm tiếp sóng BTS ở những khu vực dân cư chưa có nhu cầu lớn./.

 

Xuân Ngọc - st-

Các tin khác