Phát triển hạ tầng viễn thông trong thực hiện chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình

17:52, Thứ Bảy, 31-8-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Thực hiện chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Bình quan tâm đặc biệt tới phát triển hạ tầng số nói chung và hạ tầng viễn thông nói riêng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp đang hoạt động cung cấp hạ tầng, dịch vụ viễn thông bao gồm: VNPT Quảng Bình, Viettel Quảng Bình, MobiFone Quảng Bình, Công ty Cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV).

Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư hạ tầng để cung cấp nhiều dịch vụ viễn thông đa dạng ở cả khu vực thành thị và vùng nông thôn, miền núi nhằm bảo đảm thông tin liên lạc và đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ viễn thông của nhân dân. Doanh nghiệp viễn thông tiếp tục tối ưu và phát triển hạ tầng mạng lưới, trạm thu phát sóng điện thoại di động (BTS), chỉnh trang và ngầm hóa cáp thông tin trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phát triển hạ tầng cáp quang, trạm BTS về các thôn, bản “trắng sóng”.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 926.677 thuê bao điện thoại di động, 180.968 thuê bao Internet hộ gia đình. Hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động toàn tỉnh có 1.491 cột ăng ten (3.560 trạm). 100% xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang, internet băng thông rộng.

Cán bộ kỹ thuật Viettel đang kiểm tra bảo dưỡng trạm BTS
  

 Theo lộ trình đến ngày 16/9/2024 sẽ hoàn thành việc tắt sóng 2G để sử dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển của quốc gia. Hiện tại Viettel Quảng Bình đã tiến hành thử nghiệm công nghệ mạng 5G tại 02 vị trí đó là Tòa nhà Viettel tại đường Trần Quang Khải và Đài Truyền hình Quảng Bình. 

Cán bộ kỹ thuật VNPT Quảng Bình đang kéo cáp ngầm
  

 Để tạo đà cho việc đáp ứng nhu cầu người dùng, đồng thời, làm nền tảng đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số được diễn ra thuận lợi, sự phát triển của mạng 5G và băng thông rộng là một yếu tố không thể thiếu. Hạ tầng 5G và băng thông rộng hứa hẹn về khả năng truy cập nhanh hơn và đem lại nhiều dịch vụ phong phú hơn như: Tốc độ dữ liệu nhanh hơn 4G gấp 10 lần, có thể lên 20 lần trong điều kiện lý tưởng; Độ trễ của mạng sẽ được giảm xuống từ 1 đến 4 mili giây so với 75 mili giây của mạng 4G; Số lượng thiết bị kết nối cùng lúc gấp 10 đến 100 lần so với mạng 4G….

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra cơ sở hạ tầng viễn thông 

Trên cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin được triển khai kết nối liên thông từ trung ương đến địa phương, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp giảm thời gian xử lý công việc và tiết kiệm chi phí.
Mục tiêu đến năm 2025: đường truyền cáp quang, internet băng rộng đến 100% xã phường, thị trấn, cơ sở y tế, giáo dục, các nhà văn hóa thôn. Hạ tầng cáp quang băng rộng phủ trên 80% hộ gia đình, 100% các KCN, khu chế xuất... Xây dựng, phát triển mạng di động 4G, 5G đến 100% khu vực đô thị, khu vực trung tâm các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; Tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone đạt 100%. Đến năm 2030, Thực hiện ngầm hóa 30 - 35% hạ tầng mạng cáp ngoại vi trên địa bàn tỉnh; ngầm hóa mạng cáp ngoại vi khu vực đô thị đạt 45 - 55%. Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đạt trên 70% (cống bể, cột treo cáp, trạm BTS...).
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng, phát triển, khai thác hạ tầng viễn thông và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động; đa dạng hóa các dịch vụ viễn thông. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, mở rộng hạ tầng, mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
                                      

 Mạnh Tuấn