Một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023

14:32, Thứ Ba, 26-3-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 22/6/2023, gồm 8 chương, 53 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. So với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có một số điểm mới, như sau:

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 22/6/2023, gồm 8 chương, 53 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. So với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có một số điểm mới, như sau:

Thứ nhất, Luật quy định chuyển đổi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự từ trực tiếp sang phương tiện điện tử.

Lần đầu tiên Luật hóa việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại, việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại Luật. Giá trị pháp lý của văn bản được chuyển đổi theo quy định của pháp luật có liên quan

Luật cũng quy định việc cơ quan, tổ chức, cá nhân được lựa chọn lưu trữ thông tin dưới dạng văn bản giấy hoặc thông điệp dữ liệu khi đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nội dung, thời hạn lưu trữ đối với thông điệp dữ liệu được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quy định việc triển khai trả kết quả thủ tục hành chính bằng phương tiện điện tử, phù hợp với điều kiện thực tế. Cơ quan nhà nước phải bảo đảm kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc kết quả hoạt động công vụ khác không thuộc phạm vi bí mật nhà nước đều có văn bản điện tử.

Chứng thư điện tử lần đầu tiên được định nghĩa trong Luật và quy định các yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng để một chứng thư điện tử do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành có giá trị pháp lý.

Một số loại hình Dịch vụ tin cậy của bên thứ ba đã được bổ sung mới (dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính nguyên vẹn; gửi nhận bảo đảm thông điệp dữ liệu, cấp dấu thời gian, chứng thực chữ ký số), nhằm tạo niềm tin cho các bên tham gia giao dịch, góp phần thúc đẩy giao dịch điện tử.

Thứ hai, giao dịch điện tử tiến tới toàn trình của cơ quan nhà nước.

Hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử. Yêu cầu cơ quan nhà nước phải tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra,.. là các lĩnh vực hoạt động của cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử.

Một điểm được cho là tháo gỡ nút thắt trong triển khai chính phủ số là việc cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của pháp luật để tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu; thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.

 Quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung. Dữ liệu trong cơ quan nhà nước được tổ chức thống nhất, được phân cấp quản lý theo trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Cơ sở dữ liệu quốc gia: chứa dữ liệu chủ làm cơ sở tham chiếu, đồng bộ, chia sẻ với Bộ, ngành, địa phương; Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy được cơ quan có thẩm quyền cung cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia được chia sẻ với Bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia.

Cơ sở dữ liệu Bộ, ngành, địa phương: là tập hợp thông tin dùng chung của Bộ, ngành, địa phương; Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy do Bộ, ngành, địa phương cung cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định danh mục cơ sở dữ liệu; việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương mình.

Theo đó, nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, cơ quan khác của Nhà nước.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo đảm khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ giao dịch điện tử.

Cơ quan nhà nước phải áp dụng phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu trực tuyến trên môi trường mạng giữa các hệ thống thông tin của cơ quan cung cấp dữ liệu và cơ quan, tổ chức khai thác dữ liệu, trừ trường hợp thông tin liên quan đến bí mật nhà nước hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu được cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện: qua các hệ thống trung gian (Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, cấp tỉnh theo Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số); kết nối trực tiếp giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khi các hệ thống trung gian chưa sẵn sàng hoặc không đáp ứng được yêu cầu về kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ.

Dữ liệu mở phải toàn vẹn và phản ánh đầy đủ thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp, được cập nhật mới nhất, có khả năng truy cập và sử dụng trên mạng Internet, bảo đảm khả năng thiết bị số có thể gửi, nhận, lưu trữ và xử lý được, tuân thủ định dạng mở và miễn phí.

Thứ ba,  hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử đã được phân loại để từ đó quy định quyền và trách nhiệm tương ứng cho chủ quản hệ thống thông tin và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử là tập hợp phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu được thiết lập với chức năng, tính năng chính để phục vụ GDĐT, bảo đảm xác thực, tin cậy trong giao dịch điện tử. 

Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử được phân loại theo: Chủ quản Hệ thống thông tin; chức năng, tính năng; quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam.

Nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử là hệ thống thông tin tạo môi trường điện tử cho phép các bên thực hiện giao dịch hoặc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc sử dụng để phát triển sản phẩm, dịch vụ.

Nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử là nền tảng số mà chủ quản nền tảng số độc lập với các bên thực hiện giao dịch.

Tài khoản giao dịch điện tử do chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử cấp và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Giao dịch điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng tài khoản giao dịch điện tử phù hợp với nhu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tài khoản giao dịch điện tử được sử dụng để thực hiện giao dịch điện tử, nhằm lưu trữ lịch sử giao dịch và bảo đảm chính xác trình tự giao dịch của chủ tài khoản, có giá trị chứng minh lịch sử giao dịch của các bên tham gia. Lịch sử giao dịch có giá trị pháp lý khi: hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử bảo đảm an toàn thông tin; gắn duy nhất với một chủ tài khoản giao dịch; bảo đảm chính xác thời gian giao dịch từ nguồn thời gian theo quy định của pháp luật về nguồn thời gian chuẩn quốc gia.

Quy định trách nhiệm cụ thể đối với  chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch; tổ chức, doanh nghiệp viễn thông, Internet và tổ chức, doanh nghiệp chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử (lớn và rất lớn phụ thuộc vào số người sử dụng hoặc lượt truy cập trong một thời gian xác định)

Thứ tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và chuẩn bị điều kiện cần thiết để triển khai hợp đồng điện tử trong các giao dịch thuộc các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội.

Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử. Hợp đồng điện tử được giao kết hoặc thực hiện từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện hay vào hợp đồng.

                                                                                                T.N