Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 18/8/2014

9:25, Thứ Hai, 18-8-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Dowload file tại đây. 

CHÍNH SÁCH MỚI

1. Quy định lại cách tính điểm xét tuyển mới 1

2. Chính sách mới về ưu đãi dịch vụ hàng không tại sân bay. 2

3. Nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam... 2

4. Điều kiện cấp Chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt 3

CHỈ THỊ MỚI. 3

1. Tăng cường giáo dục an toàn giao thông đầu năm học 2014-2015. 3

2. Thủ tướng chỉ đạo, tháng 9, Bộ TN&MT phải công bố thủ tục hành chính về đất đai 4

3. Yêu cầu ngân hàng chấn chỉnh hoạt động tại nước ngoài 5

TƯ DUY CÁCH LÀM MỚI. 5

1. Long An: Hiệu quả từ việc phối hợp lãnh đạo công tác biên phòng. 5

2. Thành phố Hồ Chí Minh: Những mô hình thiết thực vì người nghèo. 6

TIN QUỐC HỘI. 7

1. Từ 2015: Công chức, viên chức cũng phải đi nghĩa vụ quân sự. 7

PHÂN TÍCH BÌNH LUẬN.. 8

1. Dân có quyền biết tài sản của quan chức. 8

2. Chen nhau làm công chức. 9

QUẢN LÝ.. 10

1. Nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch khi chọn nhà thầu. 10

2. Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Còn nhiều hạn chế. 10

3. Cán bộ giàu bất thường: Được áp dụng các "biện pháp nghiệp vụ"?. 12

4. Nhiều bộ ngành lạm dụng thông tư để cài lợi ích riêng. 13

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

1. Ngân sách dành cho phổ biến giáo dục pháp luật quá ít ỏi 13

PHÁP LUẬT.. 14

1. Hữu Lũng, Lạng Sơn: Bắt quả tang 2 cán bộ công chức đánh bạc. 14

2. Đắk Lắk: Cấp đất trái thẩm quyền, lãnh đạo xã bị cảnh cáo. 14

 

CHÍNH SÁCH MỚI

Quy định lại cách tính điểm xét tuyển mới

Ngày 14/8, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã ký một công văn khác quy định lại điểm xét tuyển cho thí sinh mùa thi 2014. 

Theo đó, công văn mới công bố quy định mới, điều chỉnh lại cách tính điểm mới xét tuyển đối với các trường, ngành quy định môn thi chính.

 

Cụ thể, đối với các trường, ngành đã công bố môn thi chính, việc xác định điểm xét tuyển của thí sinh trên cơ sở đảm bảo chất lượng đầu vào và quyền lợi của thí sinh, có thể thực hiện cách tính như sau: A) xác định điểm xét tuyển của thí sinh có tính đến hệ số của môn thi chính (bằng tổng điểm của ba môn thi, trong đó môn thi chính được nhân hệ số 2) và làm tròn theo quy định hiện hành của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy; B) quy đổi điểm xét tuyển của thí sinh về hệ 30 điểm bằng cách lấy điểm xét tuyển của thí sinh được tính theo quy định tại điểm a khoản 1 điều này nhân với 3, chia cho 4 và làm tròn đến 02 chữ số thập phân; C) điểm xét tuyển của thí sinh là tổng điểm xét tuyển quy đổi về hệ 30 điểm (theo quy định tại điểm b khoản 1 điều này) và điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng nếu có) được quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.  Sau khi xác định điểm xét tuyển của thí sinh theo hướng dẫn tại điểm c khoản 1 điều này, tổ chức xét tuyển như đối với ngành không quy định môn thi chính. (Tiền Phong 15/8) Về đầu trang

Chính sách mới về ưu đãi dịch vụ hàng không tại sân bay

Bộ GTVT vừa ban hành một số chính sách giảm giá dịch vụ hàng không tại cảng hàng không nhằm khuyến khích phát triển vận tải hàng không.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh từng mức giá, khung giá dịch vụ hàng không theo hướng giảm giá đối với hãng hàng không sử dụng dịch vụ tại cảng hàng không và điều hành bay; điều chỉnh mức giá dịch vụ hạ cất cánh áp dụng cho chuyến bay quốc tế hạ cánh tại cảng hàng không nhóm A, điều chỉnh mức thu giá soi chiếu an ninh hàng hóa; điều chỉnh mức giảm giá dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; điều chỉnh khung giá dịch vụ phục vụ hành khách; điều chỉnh khung giá cung ứng, tra nạp xăng dầu hàng không đối với các chuyến bay nội địa. Đối với các sân bay Phú Bài, Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc sẽ áp dụng chính sách giảm giá nhằm thu hút hãng hàng không khai thác đường bay đến đây trong thời gian từ 1/1 đến 31/12/2015.

Cụ thể, giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh máy bay, điều hành bay đi đến, soi chiếu an ninh hàng không. Thời hạn áp dụng là 36 tháng kể từ ngày hãng hàng không khai thác chuyến bay đầu tiên. Ngoài ra, các hãng hàng không khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ đi và đến cảng hàng không nhóm B sẽ được áp dụng khung giá phục vụ mặt đất trọn gói tại cảng hàng không nhóm B trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày hãng hàng không khai thác chuyến bay đầu tiên. (Tuổi Trẻ 15/8) Về đầu trang

Nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam

Ngày 06/8, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 103 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Theo đó, đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng gồm dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam.

Trường hợp hàng hoá được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức: điểm giao nhận hàng hoá nằm trong lãnh thổ Việt Nam hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hoá (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí), kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì giá trị hàng hoá chỉ phải chịu thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu theo quy định, phần giá trị dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Trường hợp hợp đồng không tách riêng được giá trị hàng hoá và giá trị dịch vụ đi kèm (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí) thì thuế giá trị gia tăng được tính chung cho cả hợp đồng.

Về thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là thu nhập phát sinh từ hoạt động cung cấp, phân phối hàng hoá; cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hoá tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.

Trường hợp hàng hoá được cung cấp dưới hình thức điểm giao nhận hàng hoá nằm trong lãnh thổ Việt Nam hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo một số dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như dịch vụ quảng cáo tiếp thị (marketing), hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ sau bán hàng, dịch vụ lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế và các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hoá (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí), kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là toàn bộ giá trị hàng hoá, dịch vụ. (Tapchitaichinh.vn 14/8) Về đầu trang

Điều kiện cấp Chứng chỉ an toàn cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 30 quy định về cấp Chứng chỉ an toàn đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt.

Theo đó, Chứng chỉ an toàn là giấy chứng nhận do Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước cấp cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có đủ điều kiện an toàn theo quy định để được tham gia kinh doanh đường sắt.

Thông tư quy định, để được cấp Chứng chỉ an toàn, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt cần đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật; về nhân lực; về tổ chức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt như: kết cấu hạ tầng đường sắt phải được duy trì phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, bảo đảm chạy tàu an toàn, đúng công lệnh tốc độ và công lệnh tải trọng theo quy định; có phương án ứng phó sự cố thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và phương án tổ chức thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn, sự cố trên kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp...

Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt để được cấp Chứng chỉ an toàn cần đáp ứng các điều kiện sau: Phương tiện giao thông đường sắt thuộc quản lý của doanh nghiệp phải bảo đảm các điều kiện lưu hành theo quy định của pháp luật; có phương án sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp ban hành phù hợp với biểu đồ chạy tàu đã công bố; có ít nhất 1 cán bộ phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt. (Chinhphu.vn 15/8) Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Tăng cường giáo dục an toàn giao thông đầu năm học 2014-2015

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các trường học yêu cầu tăng cường triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông đầu năm học 2014-2015.

Các Sở giáo dục và đào tạo cần chỉ đạo các trường triển khai họp với phụ huynh học sinh để tuyên truyền và ký cam kết việc không giao xe máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy.

Các trường cần tổ chức cho học sinh ký cam kết nghiêm túc thực hiện việc điều khiển xe gắn máy và các phương tiện xe 2 bánh chạy bằng điện phải đội mũ bảo hiểm, không chở quá số người theo quy định và không dàn hàng hai, hàng ba khi tham gia giao thông. Đồng thời, lồng ghép nội dung giáo dục về văn hóa giao thông vào các môn học giáo dục công dân, đạo đức…Các cơ sở giáo dục và đào tạo đưa công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua trong năm học 2014-2015.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thí điểm dạy bơi cho học sinh tiểu học, giáo dục các phương pháp phòng, chống đuối nước và mặc áo phao khi đi các phương tiện giao thông đường thủy cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tạo điều kiện cho thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia để hỗ trợ về giao thông trong dịp đón tiếp học sinh, sinh viên mới nhập học để tránh gây ùn tắc tại các đầu mối giao thông trên địa bàn.

Toàn bộ nhà giáo và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm và tuân thủ quy tắc giao thông. (Chinhphu.vn 15/8) Về đầu trang

Thủ tướng chỉ đạo, tháng 9, Bộ TN&MT phải công bố thủ tục hành chính về đất đai  

Chiều 14/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với Bộ TN&MT về đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố công khai 214 thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó lĩnh vực đất đai là 74 thủ tục hành chính, môi trường là 42, địa chất và khoáng sản là 23, tài nguyên nước là 22, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu là 18…

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực và những kết quả đạt được trong cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhất là kể từ khi triển khai Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực.

 

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu của cải cách hành chính là khắc phục những hạn chế, yếu kém, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là ngăn ngừa kẽ hở, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất đai.

Chỉ rõ những hạn chế yếu kém trong quản lý đất đai thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch cụ thể từng thủ tục hành chính, trong đó phân công rõ trách nhiệm và lộ trình cụ thể.

Trước mắt, Bộ cần phối hợp chặt chẽ các Bộ, ngành chức năng xây dựng thể chế, đặc biệt là Nghị định và Thông tư liên bộ để triển khai có hiệu quả Luật đất đai năm 2013.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ngay trong tháng Chín, Bộ phải công bố các thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật để người dân biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tập trung hướng dẫn các địa phương sớm kiện toàn và tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai một cấp trên địa bàn cả nước nhằm giảm thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời xây dựng Tổ chức phát triển quỹ đất.

“Tổng số thủ tục hành chính về đất đai công bố là 41 thủ tục đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai 1 cấp, giảm 33 thủ tục so với bộ thủ tục đã công bố, mang lại hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa mục tiêu, tạo điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử và tin học hóa trong việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai nhằm đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục. (TTXVN 14/8) Về đầu trang

Yêu cầu ngân hàng chấn chỉnh hoạt động tại nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng rà soát, ban hành đầy đủ qui định, chính sách nội bộ về kiểm soát, kiểm toán, quản lí đối với các chi nhánh, công ty con ở nước ngoài.

Theo đó, NH Nhà nước yêu cầu các NH có tên nêu trên rà soát, ban hành đầy đủ các qui định, chính sách nội bộ về kiểm soát, kiểm toán, quản lí đối với các chi nhánh, công ty con ở nước ngoài và báo cáo về NH Nhà nước trước ngày 30-9.

Cũng theo yêu cầu của NH Nhà nước, các NH phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt tình hình hoạt động và chỉ đạo các chi nhánh, công ty con ở nước ngoài; chỉ đạo các chi nhánh, công ty con ở nước ngoài đánh giá toàn diện hoạt động và có phương án cơ cấu, chấn chỉnh lại, củng cố những tồn tại, yếu kém gắn với việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp cơ cấu lại NH mẹ. (Tuổi Trẻ 15/8)

TƯ DUY CÁCH LÀM MỚI

Long An: Hiệu quả từ việc phối hợp lãnh đạo công tác biên phòng

Chiều 13/8, Tỉnh ủy Long An và Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thực hiện quy chế phối hợp lãnh đạo công tác biên phòng và xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An giai đoạn 2007 - 2014.

Từ năm 2007, Tỉnh ủy Long An và Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp lãnh đạo công tác biên phòng. Từ đó tới nay, hai bên đã tích cực trao đổi thông tin, phối hợp và triển khai nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới và xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh ngày càng vững mạnh.

Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành địa phương triển khai mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; chủ trương kết nghĩa nhân dân các xã hai bên biên giới; tổ chức các mô hình phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp quân dân y trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tỉnh ủy tập trung quy hoạch, đào tạo và bố trí cán bộ các cấp ở địa bàn biên giới. Đảng viên các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt và trao đổi thông tin về tình hình biên giới tới các chi bộ Đảng địa phương, tạo sự gắn kết và thống nhất trong định hướng xây dựng, bảo vệ biên giới.

Trong thời gian tới, Tỉnh ủy Long An tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng trong việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Tỉnh phát triển và nhân rộng phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới”; đẩy nhanh tiến trình phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới của tỉnh; ưu tiên đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.

Trung tướng Phạm Huy Tập đánh giá cao kết quả phối hợp lãnh đạo công tác biên phòng và xây dựng Bộ đội Biên phòng của tỉnh Long An; đề nghị hai bên tăng cường công tác trao đổi thông tin qua nhiều kênh khác nhau; chủ động tiếp xúc để phối hợp lãnh đạo ngày càng tốt hơn. Trung tướng mong muốn Long An tích cực hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Mái ấm chiến sĩ”, dự án “Bò giống cho người nghèo vùng biên giới”; gắn công tác xây dựng các đồn biên phòng vững mạnh với việc phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng biên; đồng thời chú trọng công tác phổ biến kiến thức về biên giới, biển đảo tới quần chúng nhân dân nhằm tạo nên sức mạnh toàn dân trong việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. (TTXVN 14/8) Về đầu trang

Thành phố Hồ Chí Minh: Những mô hình thiết thực vì người nghèo

Thời gian qua, tại các địa phương của TP.Hồ Chí Minh đã dấy lên nhiều phong trào giúp đỡ người nghèo hiệu quả, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong đó, phải kể đến những hoạt động của Tổ bác sĩ khám bệnh tình nguyện phường 15, quận 5 và hoạt động Chi hội chữ thập đỏ khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9.

Tổ bác sĩ khám bệnh tình nguyện phường 15, quận 5 được thành lập năm 2011, với 4 bác sĩ và 1 cán bộ Mặt trận chuyên trách nhằm thực hiện công tác xã hội từ thiện, khám và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Bác sĩ Phan Thế Nghiệp (Tổ trưởng) tâm sự: "Ngay từ lúc còn là giảng viên Viện quân y 115, tôi đã rất trăn trở về cuộc sống của những người nghèo, bởi họ đã nghèo về vật chất và chỉ cần trở bệnh là khó khăn chồng chất khó khăn, có người bất lực chờ chết vì không có tiền chữa bệnh”.

 

Đến khi về hưu, ông Nghiệp lại chứng kiến nhiều người dân ở phường nơi ông sinh sống có hoàn cảnh éo le về kinh tế, điều kiện tiếp cận các biện pháp chăm sóc sức khỏe rất hạn chế, trong đó có một số cụ già neo đơn tàn tật không thể đến bệnh viện điều trị. Với sự đồng cảm đó, bác sĩ Nghiệp cùng nhóm bác sĩ có tâm huyết với người nghèo đã thành lập Tổ bác sĩ khám bệnh tình nguyện. Tổ hoạt động nhờ các thành viên trong tổ tự đóng góp và vận động các nhà hảo tâm về kinh phí. Thực hiện cơ chế hoạt động đó, trong những năm qua các bác sĩ đã tổ chức hàng chục đợt khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho gần 1.000 bệnh nhân nghèo. Những bệnh nhân nào do tuổi cao, sức yếu, hoặc bị tàn tật không thể đi lại được, Tổ đã cử người đến tận nhà khám, phát thuốc. Đồng thời, còn tổ chức tư vấn sức khỏe qua điện thoại và khám, chữa bệnh cho người nghèo khi có nhu cầu.

Nhằm thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa” nhân ngày 27/7, Tổ bác sĩ tình nguyện đã phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường đi thăm, tặng quà, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 50 gia đình chính sách khó khăn. Bên cạnh việc khám, phát thuốc, chữa bệnh miễn phí, Tổ bác sĩ tình nguyện còn vận động và tặng quà cho hơn 300 hộ nghèo tại 5 khu phố của phường.

Bà Trần Thị Phương Hồng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường 15 cho rằng, những việc làm trên của các bác sĩ đã giúp đỡ được rất nhiều người khỏi bệnh, đó là những hành động đầy tính nhân văn đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tôi mong mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước.

Cũng trong năm 2011, Chi hội chữ thập đỏ khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 được thành lập. Chi hội gồm 9 Tổ hội và 327 hội viên, với chức năng là vận động các cá nhân, tổ chức cùng tham gia phong trào tương thân, tương ái, phục vụ đời sống sức khỏe nhân dân.

Bằng sự tận tâm của bà Ngô Hồng Thắm (Chi Hội trưởng) và sự tham gia tích cực của các hội viên nên từ khi thành lập đến nay, Chi hội đã có nhiều hỗ trợ cho người nghèo. Cụ thể: Chi hội đã vận động hiến máu tình nguyện được 331 ca, đạt và vượt chỉ tiêu phường hội giao; vận động hỗ trợ 11 chiếc xe lăn cho người khuyết tật và những người gặp khó khăn trong việc đi lại; tổ chức thăm hỏi 92 hội viên ốm đau nằm viện mỗi lượt thăm hỏi trị giá 100.000 đồng. Thăm hỏi và trao quà Tết cho 24 cụ già yếu neo đơn có hoàn cảnh khó khăn và 56 suất quà cho cán bộ hội viên, mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng; trợ cấp khó khăn 16 phần quà cho người tàn tật, người không có khả năng lao động, người bệnh tâm thần với mỗi phần quà 400.000 đồng.

Để giúp hội viên nghèo của Chi hội được vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, Chi hội đã vận động mạnh thường quân trên địa bàn khu phố hỗ trợ 100 triệu đồng, giúp 7 hộ vay vốn không tính lãi, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chương trình giảm nghèo. Ngoài ra, từ tháng 5-2013, Chi hội còn vận động hội viên gửi tiền tiết kiệm tương trợ hoạt động, tính đến nay nguồn quỹ đã huy động được 20 triệu đồng với 32 thành viên tham gia, nhằm giúp đỡ cho các hội viên vay không tính lãi và được trả góp dần trong 1 năm khi gặp hoạn nạn hoặc khó khăn đột xuất.  (Đại Đoàn Kết 15/8) Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Từ 2015: Công chức, viên chức cũng phải đi nghĩa vụ quân sự

Đó là ý kiến được Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu ra trong phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (ngày 14/ 8) về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi.

Theo ông Thanh, quy định hiện nay chỉ miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ đối với một số đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong đã làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên. Những người đang làm công chức, viên chức còn lại không được miễn.

Tuy nhiên, thực tế theo ông Thanh, đi nghĩa vụ quân sự có tới 90% là con em nông dân, còn các cán bộ, công chức, viên chức đang làm trong đội ngũ chính trị, xã hội gần như không tuyển. “Tới đây chúng ta sẽ phải xem lại vấn đề này để đảm bảo sự công bằng. Và từ năm 2015 trở đi chúng ta sẽ tập trung gọi đối tượng này đi nghĩa vụ quân sự” – ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thanh, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình là quá rộng, gây khó khăn trong quá trình xét duyệt gọi công dân nhập ngũ đã được giải trình như trên. Vì thế, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những trường hợp không thuộc đối tượng trên sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để sau khi hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ sẽ được các nhà trường thuộc các cơ sở giáo dục tiếp nhận lại để tiếp tục học tập.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cần bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự: “Ngày trước thỉnh thoảng tôi còn thấy gọi công chức, viên chức đi nghĩa vụ quân sự, nhưng bây giờ thì lại không thấy còn nữa. Như thế là không bình đẳng. Ngay những người làm trong Văn phòng Quốc hội nếu đang ở độ tuổi cũng phải đi nghĩa vụ quân sự ” – bà Ngân nêu ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, không nên miễn, chỉ miễn khi không đủ sức khỏe. “Công an cũng phải làm nghĩa vụ quân sự, làm nghĩa vụ quân sự xong rồi về làm công an. Các đồng chí mà nói đến câu chuyện miễn, miễn nghĩa vụ quân sự là không được” – ông Hùng nhấn mạnh. (Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh 15/8) Về đầu trang

PHÂN TÍCH BÌNH LUẬN

Dân có quyền biết tài sản của quan chức

Liên quan đến sự vụ một số cán bộ lãnh đạo bị mất trộm tiền tỉ gây ra hồ nghi trong dư luận về nguồn gốc số tiền, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều lãnh đạo từng và đang làm công tác kiểm tra, phòng chống tham nhũng (PCTN) đề xuất cần phải công khai bản kê khai tài sản rộng rãi cho người dân biết để giải các mối nghi ngờ, nếu nhận thấy có dấu hiệu bất minh. Thậm chí, các lãnh đạo cấp cao phải công khai tài sản của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chia sẻ quan điểm cá nhân, một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho hay: “Do thực tế hiện nay, theo quy định thì việc công khai tài sản của cán bộ chủ chốt chỉ có hai hình thức công khai: dán thông báo tại cơ quan đó về tài sản của cán bộ hoặc họp thông báo toàn cơ quan đó biết. Tuy nhiên, việc công khai này không phải nơi nào cũng thực hiện đầy đủ. Như vậy cần phải có cơ chế yêu cầu việc kê khai tài sản phải đi kèm với việc công khai rộng rãi chứ không chỉ công khai nội bộ. Việc công khai cần đi kèm giải trình cụ thể nguồn gốc tài sản. Đồng thời, phải có một cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập tài sản của cán bộ thì mới kịp thời phát hiện những tài sản bất thường của cán bộ”.

Nói về việc kê khai tài sản, một lãnh đạo UBND TP.HCM cũng nhìn nhận: “Với cách kê khai hiện nay, thực sự mà nói rất khó để chứng minh cán bộ thu nhập nguồn tiền đó từ đâu. Vì cán bộ chỉ ghi vào bản kê khai, rồi họp thông báo nội bộ, thế là xong việc kê khai. Trong khi đó ai, cơ quan nào hậu kiểm việc kê khai đó có chính xác không? Biết đâu tài sản có 10 nhưng chỉ kê khai một thì cũng khó mà nói được. Vì không phải ai cũng kê khai đúng!”.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề trên, vị lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cũng cho biết cần điều chỉnh các quy định về kê khai, công khai tài sản một cách cụ thể. Chẳng hạn, có một cơ chế đặc biệt để nếu phát hiện cán bộ có dấu hiệu thu nhập bất thường thì cơ quan thẩm quyền nào được quyền kiểm tra đột xuất hoặc áp dụng biện pháp nghiệp vụ. “Việc phát hiện, ngăn chặn sớm hành vi tham nhũng trong công tác của cán bộ càng sớm càng hiệu quả, trong đó thông qua việc kê khai tài sản minh bạch sẽ sớm phát hiện những biểu hiện vi phạm” - vị này chia sẻ.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng: “Cần phải có một cơ chế đặc biệt để kiểm tra thường xuyên tài sản của cán bộ, nhất là cấp lãnh đạo cơ quan đó. Và khi có dư luận về cán bộ, về việc cán bộ kê khai tài sản gian dối, giàu bất minh thì cơ quan thanh, kiểm tra vào cuộc xử lý ngay”. (Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Online 15/8) Về đầu trang

Chen nhau làm công chức

Mấy ngày nay, lòng đường, vỉa hè con phố Giảng Võ - nơi trụ sở Cục thuế Hà Nội tọa lạc - bỗng chật cứng như nêm, giao thông tắc nghẽn. Té ra Cục thuế Hà Nội đang thi tuyển công chức, cả ngàn người đội mưa nắng xếp hàng từ sáng sớm để nộp hồ sơ đăng ký tham dự, hy vọng giành được một suất công chức tại cơ quan đầy sức hấp dẫn này.

Vừa qua có vụ cả 10 người trúng tuyển công chức ở Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) trong tổng số 299 người dự thi đều bị hủy kết quả, vì Hội đồng thi vi phạm quy chế, làm lộ đề, mấy cán bộ có trách nhiệm đều bị kỷ luật.

Làm công chức lương “ba cọc ba đồng”, lương cỡ chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng cũng chỉ khoảng chục triệu mỗi tháng. Ấy vậy mà sao ngày càng nhiều người muốn làm công chức đến thế, nhất là vào những ngành như thuế, hải quan, quản lý thị trường... lại càng “hot”.

Dân chúng xưa nay thường quan niệm rằng, làm công chức ở một số vị trí lương tuy có ít nhưng bổng lộc lại nhiều. Thành ra thu nhập cũng tốt mà lại ổn định, không như đi làm ở các công ty tư nhân nhiều áp lực mà cũng lắm rủi ro, dễ thất nghiệp. Thời kinh tế khó khăn, công ăn việc làm bấp bênh, làm nghề công chức lại càng đắc địa.

Sự kiện chen nhau nộp hồ sơ dự thi vào Cục thuế Hà Nội không chỉ chứng tỏ một xu thế chuộng nghề công chức có thực trong xã hội, mà còn phản ánh việc thi tuyển công chức cũng đang ngày càng công khai, minh bạch hơn.

Đó cũng là tín hiệu đáng mừng, bởi sẽ có thêm nhiều cơ hội để chọn được người tài đức vào bộ máy công quyền. Tuy nhiên một khi đã công khai thì phải minh bạch, phải được sự giám sát của các cơ quan chức năng, báo chí và công luận.

Thi tốt nghiệp THPT, thi vào ĐH-CĐ còn được báo chí đưa tin, giám sát chặt chẽ về công tác tổ chức, về đề thi, về chấm thi, về điểm chuẩn... nữa là thi làm công chức nhà nước. Được thế, hẳn sẽ bớt đi những vụ sai phạm phải hủy kết quả thi như ở Bộ Công Thương vừa qua.

Làm công chức theo đúng nghĩa là làm nghề phục vụ dân, là chí công vô tư, chứ không phải dễ làm giàu. Không hiểu có bao nhiêu thí sinh đang chen chân nộp hồ sơ dự thi công chức tâm niệm được như vậy ? Được thế, bộ máy nhà nước ắt sẽ mạnh hơn, ắt sẽ phục vụ dân được tốt hơn. (Tiền Phong 15/8) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch khi chọn nhà thầu

Từ ngày 15/8, nhiều chính sách ưu đãi trong đấu thầu theo Nghị định 63/2014/CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu chính thức có hiệu lực.

Ưu đãi nhà thầu sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước

Nghị định có một số quy định mới, nổi bật như việc ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước, lao động trong nước, ưu tiên cho doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ.

Cụ thể, khi tham dự thầu, không phân biệt nhà thầu Việt Nam hay nhà thầu nước ngoài, nếu nhà thầu cung cấp hàng hóa có tỉ lệ nội địa hóa từ 25% trở lên sẽ được hưởng ưu đãi.

Đặc biệt, các gói thầu xây lắp có giá không quá 5 tỷ đồng sẽ chỉ cho phép các nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ, siêu nhỏ tham gia đấu thầu.

Việc ưu đãi cho hàng hóa trong nước, lao động trong nước sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, thực hiện tốt cuộc vận động của Bộ Chính trị về người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng như thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Chinhphu.vn 15/8) Về đầu trang

Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Còn nhiều hạn chế

Bên cạnh việc khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh…, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục nhằm hài hòa giữa việc đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước với khuyến khích thúc đẩy sự phát triển của DN.

Theo Hội Tư vấn thuế Việt Nam, các biện pháp ưu đãi thuế TNDN thường được áp dụng hiện nay gồm: Hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp có thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là đối tượng không thuộc diện nộp thuế TNDN. Miễn thuế đối với một số khoản thu nhập; miễn, giảm thuế có thời hạn (tax holidays) cho một khoản thu nhập hoặc cho toàn bộ thu nhập của người nộp thuế. Ưu đãi, thu hút đầu tư bằng thuế suất theo hướng một số đối tượng hoặc khoản thu nhập được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế thông thường. Riêng đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm, mức thuế suất thuế TNDN cao hơn mức thuế thông thường là do tính đặc thù kinh tế và phù hợp với thông lệ quốc tế, các ưu đãi cho lĩnh vực này thường không phụ thuộc vào ưu đãi thuế.

Ưu đãi về thuế suất có thể được áp dụng cho toàn bộ cuộc đời của dự án, hoặc ưu đãi có thời hạn. Việc áp dụng hình thức ưu đãi nào tùy theo từng quốc gia và từng thời kỳ.

Ngoài ra, ưu đãi giảm trừ nghĩa vụ thuế có hai hình thức giảm trừ: Giảm trừ theo tỉ lệ và giảm trừ tuyệt đối. Biện pháp ưu đãi này thường được gắn với các khoản chi phí cụ thể của DN như: Chi phí nghiên cứu phát triển, chi phí đầu tư áp dụng công nghệ mới, đầu tư mở rộng, đầu tư xử lý chất thải ...

Chính sách ưu đãi thuế TNDN ngày càng thông thoáng hơn. Theo ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế), nếu như từ năm 2013 trở về trước, muốn được nhận ưu đãi thuế thì phải sinh ra bộ máy mới, nhưng đợt cải cách chính sách thuế lần này, DN chỉ cần có dự án đầu tư thỏa mãn tiêu chí về ngành nghề, lợi nhuận và hoạt động trong  khu công nghiệp. Các dự án đầu tư tại khu vực Hà Nội, do có điều kiện thuận lợi hơn các địa phương khác nên các dự án đầu tư vào đây sẽ không được ưu đãi. Mức ưu đãi cao nhất cho các DN là 10% và kéo dài trong 15 năm.

Tuy nhiên, “mặt trái” của chính sách ưu đãi thuế TNDN cũng xuất hiện kể từ khi chính sách này được thực thi. Thực tế, trong nhiều trường hợp các DN, mà đặc biệt là các tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn thường yêu cầu Chính phủ dành cho những ưu đãi thuế như là một điều kiện tiên quyết để họ quyết định đầu tư vào Việt Nam, quyết định đầu tư vào các địa bàn, lĩnh vực ngành nghề ... mà Nhà nước đang khuyến khích, thu hút đầu tư. Nhưng trong mức độ nào đó họ đã dựa vào các yếu tố ưu đãi, về biện pháp quản lý thuế chưa hiệu quả để tăng chi phí, giảm lợi nhuận, trốn tránh nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, một số mặt hạn chế trong thực thi thuế TNDN đã được khắc phục cũng như sửa đổi tích cực đã được thực hiện tại Luật sửa đổi bổ sung số 32/2013/QH13, Quốc hội thông qua ngày 19/6/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung Luật Thuế TNDN để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của chính sách thuế và các cơ chế ưu đãi thuế TNDN theo hướng: Ưu đãi cho DN nhỏ và vừa; nghiên cứu để cùng với Luật đầu tư, luật thuế TNDN chỉ ra cụ thể các danh mục thuộc công nghiệp hỗ trợ cần khuyến khích và thu hút, các cơ chế ưu đãi cụ thể về thuế suất, miễn giảm thuế có thời hạn, kể cả các khoản giảm trừ nghĩa vụ thuế (tax credits); Giảm dần các ưu đãi miễn giảm có thời hạn, thu hẹp dần các khoản chi phí không được trừ (từ thiện, chi cho người lao động, chi phí quảng cáo ...

Về phía các DN, họ cho rằng, chính sách thuế cần có tính lâu dài, hạn chế thay đổi, có tính thống nhất giữa các chính sách và thời gian áp dụng để người nộp thuế dễ áp dụng, văn bản hướng dẫn phải cụ thể, đầy đủ. Chính sách quản lý thuế và quản lý nhà nước phải đồng nhất; giảm thiểu chi phí cho công tác thuế tại DN. Hiện nay, một số chi phí thực tế phát sinh nhưng bị cơ quan thuế loại trừ làm lợi nhuận kế toán và tính thuế TNDN còn chênh lệch nhiều; cập nhật thông tin chính sách đến từng DN, tăng cường quan hệ giữa DN và cơ quan thuế… (Báo Công Thương điện tử 15/8) Về đầu trang

Cán bộ giàu bất thường: Được áp dụng các "biện pháp nghiệp vụ"?

Cần một cơ chế đặc biệt cho phép kiểm tra đột xuất nếu phát hiện cán bộ có dấu hiệu thu nhập bất thường.

Liên quan đến sự vụ một số cán bộ lãnh đạo bị mất trộm tiền tỉ gây ra hồ nghi trong dư luận về nguồn gốc số tiền, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều lãnh đạo từng và đang làm công tác kiểm tra, phòng chống tham nhũng (PCTN) đề xuất cần phải công khai bản kê khai tài sản rộng rãi cho người dân biết để giải các mối nghi ngờ, nếu nhận thấy có dấu hiệu bất minh. Thậm chí, các lãnh đạo cấp cao phải công khai tài sản của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chia sẻ quan điểm cá nhân, một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho hay: “Do thực tế hiện nay, theo quy định thì việc công khai tài sản của cán bộ chủ chốt chỉ có hai hình thức công khai: dán thông báo tại cơ quan đó về tài sản của cán bộ hoặc họp thông báo toàn cơ quan đó biết. Tuy nhiên, việc công khai này không phải nơi nào cũng thực hiện đầy đủ. Như vậy cần phải có cơ chế yêu cầu việc kê khai tài sản phải đi kèm với việc công khai rộng rãi chứ không chỉ công khai nội bộ. Việc công khai cần đi kèm giải trình cụ thể nguồn gốc tài sản. Đồng thời, phải có một cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập tài sản của cán bộ thì mới kịp thời phát hiện những tài sản bất thường của cán bộ”.

Nói về việc kê khai tài sản, một lãnh đạo UBND TP.HCM cũng nhìn nhận: “Với cách kê khai hiện nay, thực sự mà nói rất khó để chứng minh cán bộ thu nhập nguồn tiền đó từ đâu. Vì cán bộ chỉ ghi vào bản kê khai, rồi họp thông báo nội bộ, thế là xong việc kê khai. Trong khi đó ai, cơ quan nào hậu kiểm việc kê khai đó có chính xác không? Biết đâu tài sản có 10 nhưng chỉ kê khai một thì cũng khó mà nói được. Vì không phải ai cũng kê khai đúng!”.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề trên, vị lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cũng cho biết cần điều chỉnh các quy định về kê khai, công khai tài sản một cách cụ thể. Chẳng hạn, có một cơ chế đặc biệt để nếu phát hiện cán bộ có dấu hiệu thu nhập bất thường thì cơ quan thẩm quyền nào được quyền kiểm tra đột xuất hoặc áp dụng biện pháp nghiệp vụ. “Việc phát hiện, ngăn chặn sớm hành vi tham nhũng trong công tác của cán bộ càng sớm càng hiệu quả, trong đó thông qua việc kê khai tài sản minh bạch sẽ sớm phát hiện những biểu hiện vi phạm” - vị này chia sẻ.

 

Đồng quan điểm, một lãnh đạo Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng: “Cần phải có một cơ chế đặc biệt để kiểm tra thường xuyên tài sản của cán bộ, nhất là cấp lãnh đạo cơ quan đó. Và khi có dư luận về cán bộ, về việc cán bộ kê khai tài sản gian dối, giàu bất minh thì cơ quan thanh, kiểm tra vào cuộc xử lý ngay”.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng: “Lãnh đạo càng cao thì càng phải kê khai tài sản một cách minh bạch và công khai rộng rãi trên công luận. Ở các nước như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore… lãnh đạo đều phải công khai tài sản trên báo chí từ trước khi nhậm chức, trong lúc đương chức, mãn nhiệm”. Theo ông Hùng, việc công khai bản kê khai phải bắt đầu từ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước rồi tới lãnh đạo tỉnh, các sở ngành… và đã công khai thì phải công khai trên báo chí để nhân dân biết rộng rãi chứ như hiện nay chỉ công khai trong nội bộ cơ quan là chưa ổn, chưa đảm bảo tính minh bạch. Ông Hùng cho rằng người dân có quyền được biết tài sản của vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh, bộ, ngành, trung ương bao nhiêu, thu nhập từ đâu và cần công khai đến mức như vậy thì người dân mới giám sát được. (Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh 15/8) Về đầu trang

Nhiều bộ ngành lạm dụng thông tư để cài lợi ích riêng

Làm thế nào để hạn chế tình trạng thông tư đẻ ra thêm nhiều quy định ngoài luật có lợi cho các bộ ngành quản lý nhưng lại gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp?

Câu chuyện cài cắm lợi ích trong thông tư đã được nhiều đại biểu đặt ra tại hội thảo Vai trò của doanh nghiệp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức ngày 13/8.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng do luật của Việt Nam xây dựng theo nguyên tắc luật khung nên nhiều điều phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành dẫn đến tình trạng thông tư lại là văn bản có hiệu lực cao nhất. Điều đáng nói là trong quá trình lấy ý kiến góp ý dự thảo luật thì có tình trạng nội dung quan trọng lại bị loại bỏ. Nhiều văn bản không phù hợp với thực tế, nhiều quy định thiên về lợi ích cho cơ quan nhà nước gây khó cho người dân và doanh nghiệp nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý. “Vì vậy Luật Ban hành VBQPPL lần này phải ngăn chặn việc đưa lợi ích nhóm vào trong luật, nghị định, thông tư. Câu chuyện điển hình nhất là các điều kiện kinh doanh trước đây đã được loại bỏ thì nay lại được dịp tái xuất” - ông Tiền nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho biết nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng phàn nàn về tình trạng quá lạm dụng thông tư của các bộ, ngành. “Điều này đã làm triệt tiêu những tác động tích cực của các đạo luật hiện có. Đó cũng là cách thức mà các bộ, ngành thường lạm dụng để đưa vào những ý tưởng, lợi ích của ngành mình. Bởi vì quy trình ban hành thông tư hiện hành không được lấy ý kiến rộng rãi và cũng không được thẩm định chặt chẽ như ban hành luật nên nhiều vấn đề đụng chạm các bộ, ngành sợ đưa vào luật bị dư luận phản ứng nên đã đưa vào thông tư” - ông Tuấn nói.

 

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế, cho rằng hiện nay nhiều biểu hiện cho thấy các nhóm lợi ích vận động, tác động đến chính sách khá nhiều. Quá trình xây dựng và ban hành các VBQPPL minh bạch đến đâu, dân chủ đến đâu đang là một vấn đề cần đặt ra. “Nếu quá trình này được minh bạch thì không sợ nhóm lợi ích can thiệp. Nếu quá trình này dân chủ thì cũng không sợ chính sách thiếu hơi thở cuộc sống. Làm được hai điều ấy thì luật Việt Nam sẽ không còn phức tạp nhất thế giới như bộ trưởng Bộ Tư pháp nhận định” - ông Huỳnh nhấn mạnh. (Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh 15/8) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Ngân sách dành cho phổ biến giáo dục pháp luật quá ít ỏi

Ngày 15/8, tại Đồng Nai, Cục công tác phía Nam – Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm bàn về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (khu vực phía Nam).

Kết quả khảo sát hiệu quả khai thác 150 tủ sách pháp luật (TSPL) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cho thấy rất nhiều khó khăn. TSPL đặt tại phòng tiếp công dân và phòng thủ tục hành chính một cửa, chủ yếu phục vụ trong giờ hành chính trong khi nhu cầu của người dân cần tìm hiểu sách vào buổi tối, ngoài giờ làm việc.

Đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tủ sách đặt tại UBND xã mà điều kiện đi lại khó khăn nên người dân cũng khó tiếp cận. Nhiều nơi không bố trí được phòng đọc sách, nơi đặt tủ sách chật hẹp, không có không gian, chỗ ngồi cho người đọc, thậm chí 84/150 tủ sách được khóa và chỉ mở khóa khi có người mượn.

Đáng lo ngại là do kinh phí hàng năm không đủ kịp thời trang bị thêm sách luật mới nên hầu hết TSPL có phần lớn các đầu sách đã hết hiệu lực hoặc quá cũ không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Các đầu sách luật, tài liệu được đầu tư, trang bị vẫn còn ít nên chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Tại tọa đàm, câu chuyện kinh phí từ ngân sách dành cho phổ biến giáo dục pháp luật quá ít ỏi (tỉnh khá bố trí được 5-7 tỷ đồng, còn tỉnh nghèo thì chỉ có hơn 100 triệu đồng) cũng đặt ra bài toán tất yếu cần sớm xã hội hóa lĩnh vực này với nhiều mô hình: vận động doanh nghiệp tham gia phổ biến pháp luật trong nội bộ, tài trợ hoạt động phổ biến pháp luật, phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật có kèm logo quảng cáo…

Tuy nhiên, hiện quy định pháp luật về vấn đề này vẫn chỉ mới dừng lại ở mức quy định chung về chủ trương, chính sách mà chưa cụ thể nên các địa phương còn dè dặt, cho dù doanh nghiệp đồng ý tài trợ vẫn chưa có cơ chế và quy định để thực hiện. (Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh 15/8) Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Hữu Lũng, Lạng Sơn: Bắt quả tang 2 cán bộ công chức đánh bạc

Ngày 14/8, Công an huyện Hữu Lũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 9 đối tượng ở thị trấn Hữu Lũng về hành vi đánh bạc.

Trước đó, tối 12/8, tại nhà ông Nguyễn Trọng Quảng (ở khu Tân Lập), Công an huyện Hữu Lũng bắt quả tang 9 đối tượng đang có hành vi đánh bạc dưới hình thức chơi “liêng”, thu giữ toàn bộ dụng cụ đánh bạc, 8 điện thoại di động và hơn 5 triệu đồng.

Các đối tượng bị bắt đều trú ở địa bàn thị trấn Hữu Lũng, chủ yếu làm nghề lao động tự do và trong số này có 2 “con bạc” là giáo viên và cán bộ UBND xã.  (Công An Nhân Dân 15/8) Về đầu trang

Đắk Lắk: Cấp đất trái thẩm quyền, lãnh đạo xã bị cảnh cáo

Ngày 14/8, Huyện ủy huyện Ea Súp cho biết Ủy ban kiểm tra huyện ủy đã thi hành quyết định kỷ luật mức cảnh cáo đối với bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND xã Ia Lơi (Ea Súp, Đắk Lắk).

Các phó bí thư đảng ủy và phó chủ tịch UBND xã cũng bị kỷ luật cảnh cáo. Lý do lãnh đạo đảng ủy, UBND xã này bị kỷ luật là vì vi phạm các quy định về cấp đất và một số sai phạm khác. Trong đó ông Hà Văn Thanh (Bí thư đảng ủy) và ông Vi Văn Bính (Chủ tịch UBND xã) chịu trách nhiệm chính trong việc cấp sai thẩm quyền nhiều lô đất tại khu vực trung tâm xã cho cán bộ, giáo viên đang giảng dạy tại các trường học trên địa bàn xã. Ông Bính đã cho phép cán bộ xã cắt nhiều lô đất gần chợ Ia Lơi để cấp dù không có thẩm quyền về cấp đất. Ngoài việc thi hành kỷ luật, huyện ủy cũng yêu cầu phải thu hồi các lô đất cấp sai thẩm quyền.   (Tuổi Trẻ 15/8) Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG