Bản tin ngày 15/8/2014

8:29, Thứ Hai, 18-8-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Dowload file tại đây.

 I. Thời sự - Chính trị

1. Chỉ đạo quyết liệt để đưa các xã điểm của huyện Quảng Trạch hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo đúng tiến độ đề ra. 1

2. Ban Chỉ đạo "Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": Sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2014. 3

3. Trang Thông tin điện tử Quảng Bình xếp thứ 2 về cung cấp thông tin, chức năng hỗ trợ người sử dụng và công tác quản lý. 4

4. Giám sát cộng đồng đi đâu?. 5

5. Quảng Bình: Cơ quan chức năng cần giải quyết triệt để việc gây ô nhiễm... 6

II. Kinh tế. 7

1. Thú y viên cơ sở: Gánh nặng và trách nhiệm... 7

2. Minh Hóa: Nuôi ong cho thu nhập ổn định. 10

3. Thanh tra khoa học và công nghệ kiểm tra 30 cơ sở kinh doanh xăng dầu. 10

III. Xã hội 11

1. Triển lãm tranh cổ động về đoàn kết bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. 11

2. Quảng Bình: 3 tổ chức quốc tế bảo tồn rừng Động Châu. 12

3. Vườn rau “hướng về Biển Đông” - yêu nước theo cách của bạn! 12

IV. An ninh – Quốc phòng. 13

1. Chuyện lạ ở Quảng Bình: "Phá" đường nhỏ để làm quốc lộ. 13

2. Quản lý đường bộ “tố” cảnh sát giao thông không tích cực chống xe quá tải 15

3. Bộ GTVT yêu cầu chấn chỉnh thi công đường làm khổ dân. 16

4. Quảng Bình: "Phập phồng" nỗi lo sạt lở đất 16

 

I. Thời sự - Chính trị

1. Chỉ đạo quyết liệt để đưa các xã điểm của huyện Quảng Trạch hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo đúng tiến độ đề ra

(Quangbinh.gov.vn 14/8, tác giả Minh Huyền)

 

Sáng ngày 14/8/2014, đồng chí Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Thứ nhất Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đã có buổi làm việc với huyện Quảng Trạch về tình hình thực hiện Chương trình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2014. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương liên quan.

Thời gian qua, sau khi chia tách địa giới hành chính, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện nội dung, kế hoạch của Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2014. Các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã tích cực lồng ghép công tác tuyên truyền vào từng hoạt động của đơn vị, góp phần nâng cao nhận thức và vận động người dân tham gia, đóng góp các nguồn lực xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện tăng 06 tiêu chí so với năm 2013, cụ thể: Xã Quảng Tùng tăng 02 tiêu chí và Cảnh Dương, Quảng Lưu, Quảng Hưng, Quảng Tiến đều tăng 01 tiêu chí. Tính đến thời điểm hiện tại, xã Quảng Xuân đạt 15 tiêu chí; 04 xã Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Tùng, Quảng Thanh đạt 14 tiêu chí; xã Quảng Lưu đạt 13 tiêu chí; 11 xã đạt 5-9 tiêu chí và 01 xã đạt dưới 05 tiêu chí. 6 tháng đầu năm, địa phương đã trải nhựa 10 km đường xã, liên xã; bê tông hóa 4,6 km đường trục thôn; đổ đất biên hòa 3,5 km đường ngõ, xóm; cứng hóa 1,4 km đường nội đồng; nâng cấp, xây mới 25 phòng học; 03 trụ sở UBND xã, 02 chợ; 08 nhà văn hóa thôn và các công trình cơ sở hạ tầng khác…

Bên cạnh đó, các xã trên địa bàn cũng đã tăng cường vận động người dân tham gia xây dựng NTM với số tiền đóng góp quy đổi từ ngày công, hiến đất, tài sản và tiền mặt ước tính khoảng 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, BCĐ huyện cũng tập trung chỉ đạo, đôn đốc các xã đẩy nhanh công tác cắm mốc giới giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông nông thôn, nội đồng, chỉnh trang khu dân cư, vệ sinh môi trường nông thôn… Các hoạt động phát triển sản xuất, tăng cường áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật được từng xã thực hiện tích cực, hỗ trợ hiệu quả. Công tác đào tạo nghề nông thôn ngày càng được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động tại địa phương, tăng tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên, đẩy mạnh sản xuất với nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, đem lại thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 15,11% (2013) xuống 13,6%.

Trong các tháng cuối năm 2014, BCĐ huyện thống nhất triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đề ra, đó là: Tiếp tục cắm mốc chỉ giới, giải tỏa lòng, lề đường, xây dựng đường giao thông nông thôn, nội đồng và các cơ sở hạ tầng khác; đẩy mạnh việc chỉnh trang khu dân cư; quan tâm công tác phát triển sản xuất; thực hiện nghiêm chỉnh vệ sinh môi trường nông thôn… Trong năm 2015, BCĐ huyện quyết tâm phấn đấu sẽ có 05 xã đạt 19 tiêu chí, 02 xã đạt 15-18 tiêu chí, 06 xã đạt 10-14 tiêu chí.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Thứ nhất Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM yêu cầu BCĐ huyện tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện cụ thể các nội dung tiêu chí của Chương trình; chú trọng vai trò, trách nhiệm của người dân và sự tham gia cộng đồng trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động triển khai từng tiêu chí; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo thành phong trào thi đua, phấn đấu xây dựng NTM; phổ biến rộng rãi mô hình có hiệu quả, cách làm hay, kịp thời biểu dương và nhân rộng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Đồng chí nhấn mạnh: BCĐ huyện cần tập trung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí của những xã điểm nhằm có sự chỉ đạo quyết liệt để đưa các xã điểm hoàn thành mục tiêu được giao, nhất là xã Cảnh Dương về đích đúng tiến độ đề ra. Về đầu trang

http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?cmd=130&art=1408001216007&cat=1123266987223

2. Ban Chỉ đạo "Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": Sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2014

(Quangbinh.gov.vn 14/8, tác giả Minh Huyền)

 

Sáng ngày 14/8/2014, Ban Chỉ đạo (BCĐ) "Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2014. Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ tỉnh chủ trì hội nghị.

6 tháng đầu năm 2014, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã có những bước phát triển mới, chất lượng ngày càng được nâng cao, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và chuẩn mực đạo đức trong đời sống nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có gần 176.000 hộ gia đình đăng ký công nhận Gia đình văn hóa, đạt 80,6%. Phong trào xây dựng làng, thôn, bản, khu phố văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh. Đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh có gần 640 thôn, bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; trên 880 thôn, bản, khu phố đăng ký xét công nhận danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ gần 70%. Đặc biệt, Ban Thường vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án 05 về tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trong giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. Tính đến hết 6 tháng năm 2014, có 1.240/1.295 khu dân cư đăng ký danh hiệu thi đua tại "Ngày hội đại đoàn kết dân tộc" ở địa bàn theo quy định, trong đó có 945 đơn vị đăng ký "Khu dân cư văn hóa" và "Giữ vững khu dân cư văn hóa".

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác gia đình tỉnh Quảng Bình 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 và đóng góp một số ý kiến nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" cũng như công tác gia đình trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng BCĐ "Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh yêu cầu thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận từng người dân trên địa bàn nhận thức đúng ý nghĩa, mục tiêu, vị trí quan trọng của Cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước để nhân dân tự giác tham gia, thực hiện tốt các nội dung của phong trào. Đồng chí cũng lưu ý các đơn vị cần tổ chức triển khai công tác bình xét một số danh hiệu văn hóa khách quan, công tâm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm có những giải pháp chỉ đạo kịp thời, giải quyết khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, tạo điều kiện đưa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục phát triển bền vững. Về đầu trang

http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?cmd=130&art=1408001216006&cat=1123266987223

3. Trang Thông tin điện tử Quảng Bình xếp thứ 2 về cung cấp thông tin, chức năng hỗ trợ người sử dụng và công tác quản lý

(Quangbinh.gov.vn 14/8, tác giả Mai Anh)

 

Đó là kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan Nhà nước năm 2013 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố. Theo đó, Trang Thông tin điện tử Quảng Bình đạt 221/240 điểm, xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng từ vị trí thứ 3 (2012) lên vị trí thứ 2 (2013).

Theo kết quả đánh giá về website/portal của Bộ Thông tin và Truyền thông, Quảng Bình là một trong 14 tỉnh/thành ở nhóm đạt mức tốt như Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Hải Phòng, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Hậu Giang, Phú Thọ và Yên Bái.

Năm 2013, nhờ việc đẩy mạnh tất cả các tiêu chí về việc ứng dụng công nghệ thông tin như: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ, ứng dụng công nghệ thông tin  phục vụ người dân; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đã được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh vì vậy, mức độ ưng dụng công nghệ thông tin tổng thể của  tỉnh Quảng Bình xếp đứng thứ 12, tăng 28 bậc so với năm 2012 (xếp thứ 40) đây là một kết quả nỗ lực rất lớn của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, tỉnh luôn luôn duy trì tốt việc cung cấp thông tin lên Trang Thông tin điện tử của tỉnh nhanh, kịp thời; tiếp tục xây dựng và cung cấp thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để phục vụ người dân, du khách và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

So sánh với các tiêu chí đánh giá của năm 2012, tất cả các tiêu chí năm 2013 đều tăng vượt bậc. Ngoài ra, Quảng Bình cũng là tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá ở mức độ tốt về các tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp (đứng thứ 5); công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin (đứng thứ 12); nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin (đứng thứ 21).. Về đầu trang

http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?cmd=130&art=1407916013990&cat=1123266987223

4. Giám sát cộng đồng đi đâu?

(Baoquangbinh.vn 15/8, tác giả VH)

 

Trong bản tin “Tài chính kinh doanh” của Đài truyền hình Việt Nam trưa 7-8-2014,  BTV Ngọc Trinh nói khá riết róng về những sai phạm trong xây dựng các công trình giao thông nông thôn  ở Tân Thủy (Lệ Thủy).

Tôi nghe và ngờ ngợ, hình như ở đây (Tân Thủy) thiêu thiếu một cái gì đó trong quy trình xây dựng cơ bản khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) mới để xẩy ra những chuyện nhiễu nhương như bản tin vừa nêu. Và rồi tôi cũng nhớ ra, đó là vai trò của nhóm giám sát cộng đồng.

Chẳng là trong chuyến đi cơ sở về xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch) trong tháng bảy vừa qua, tại thôn 4 của xã này chúng tôi đã được ông Từ Ngọc Chung, Bí thư chi bộ thôn nói khá kỹ về quy trình xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn trong Chương trình xây dựng NTM. Có nhiều khâu, nhưng trong đó có khâu giám sát cộng đồng.

Cụ thể của hoạt động này là thôn cử từ 7-10 người có uy tín trong thôn nhưng không thuộc hàng “chức sắc” nằm trong tổ giám sát cộng đồng mà nhiệm vụ của họ là giám sát việc thi công các công trình xây dựng cơ bản, cụ thể là bê tông hóa các tuyến đường trong thôn. Họ có một dụng cụ khá đơn giản mà tạm gọi là cái ngàm, trên đó có các kích thước đo bề rộng, có một số chốt để đo bề dày bê tông. Khi đổ bê tông, người trong nhóm giám sát sẽ dùng ngàm để kiểm tra từng mét bê tông một. Chỗ nào đổ bê tông mỏng hơn dự toán là sẽ phải đổ thêm...

Ngoài việc kiểm tra về kích thước bê tông, họ luôn có mặt tại công trường để giám sát tỷ lệ bê tông bằng những biện pháp trực tiếp như đếm số bao xi măng cho từng mẻ bê tông... Trong biên bản nghiệm thu phải có ý kiến của tổ giám sát cộng đồng, bộ phận thanh toán mới được duyệt chi...

Với cách làm này trong suốt mấy năm qua, Trung Trạch đã không hề có tai tiếng gì, người dân hồ hởi tham gia, tự nguyện đóng góp nhiều tài sản, tiền bạc để xây dựng NTM. Thấy cách làm dù hơi “thủ công” nhưng hiệu quả thiết thực, chúng tôi hỏi ông Chung, đây là sáng kiến của địa phương? Ông Chung nói, cũng có thể nói như vậy nhưng bản chất của những việc làm này là cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, huyện trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mà thôi.

Ngẫm cũng đúng, chủ trương thì cô đọng, mang tính định hướng, thực hiện thì  phong phú, đa dạng nhưng phải có cơ chế giám sát, ràng buộc thích hợp mới hướng đúng đích là vì dân, vì sự phát triển của nông thôn. Còn nếu không tâm huyết, không sáng tạo lại cộng thêm một chút tư lợi, lợi ích nhóm nữa và được thả lỏng khỏi sự giám sát của dân thì lệch đích là điều dễ xảy ra.

Vậy chủ trương đúng đắn chưa đủ. Phải có những cách làm khoa học, phải có cơ chế giám sát thiết thực, hiệu quả mới hạn chế được tiêu cực. Xem ra không chỉ trong xây dựng NTM mà nhiều việc khác cũng cần như vậy! Về đầu trang

http://baoquangbinh.vn/kinh-te/201408/chuyen-quan-ly-giam-sat-cong-dong-di-dau-2117814/

5. Quảng Bình: Cơ quan chức năng cần giải quyết triệt để việc gây ô nhiễm

(Pháp Luật Xã Hội 14/8, tác giả Cảnh Hoa; Môi Trường và Sức Khỏe Online 14/8)

 

Gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân thôn Áng Sơn luôn sống trong cảnh bị “tra tấn” bởi tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm từ Nhà máy xi măng Áng Sơn II. Không được giải quyết triệt để, họ đã phản ứng dữ dội?!

Như báo PL&XH đã thông tin, Nhà máy xi măng Áng Sơn II của Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân, đóng trên địa bàn thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Hàng trăm hộ dân sống trong vùng bị ô nhiễm nặng đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị, đề xuất lên các ngành chức năng cũng như lãnh đạo nhà máy nhằm có phương án khắc phục để di dời dân vùng ô nhiễm đến nơi mới.

Tuy nhiên, sự việc đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn không được các đơn vị liên quan cũng như nhà máy giải quyết. Do bức xúc, sáng 1-7, hàng trăm hộ dân đã có hành động bột phát dùng cây cối, đá hộ0c và các vật cản… nhằm “phong tỏa” đường vào Nhà máy Áng Sơn II, khiến các hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu vào Nhà máy bị tê liệt hoàn toàn.

Thời gian vừa qua, đã có hàng chục đoàn kiểm tra từ huyện đến tỉnh đã trực tiếp xuống xã, về với người dân thôn Áng Sơn và chứng kiến tận mắt mức độ ô nhiễm “khủng khiếp” về bụi, khói, tiếng ồn đối với các hộ gia đình do Nhà máy xi măng Áng Sơn II của Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân gây nên, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để được đưa ra.

Để rộng đường dư luận cũng như tìm ra lời giải đáp có cơ sở pháp lý, PV báo PL&XH đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Thụ - Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Tại buổi làm việc ông Thụ khẳng định: “Có việc Nhà máy xi măng Áng Sơn II của Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân gây ô nhiễm cho người dân sống xung quanh từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm ở khu vực này không chỉ riêng Nhà máy xi măng gây ra mà do cả các mỏ đá quanh vùng…” .

“Mặt khác, tuy nhà máy là đơn vị trực tiếp gây ra tình trạng ô nhiễm nhưng theo thông tin của chúng tôi thì nhà máy chưa một lần bị xử phạt do tình trạng gây ô nhiễm…”, ông Thụ cho biết.

Khi PV đề cập đến biện pháp giải quyết vấn đề ông Thụ cho hay: “Hiện UBND tỉnh đang đề nghị phía nhà máy phải di dời một số hộ dân đi nơi ở mới (khu tái định cư ), thế nhưng để làm được điều đó thì nhà máy cần phải bỏ ra ít nhất từ 20 đến 25 tỷ đồng, hiện nguồn tiền chưa có”.

Thiết nghĩ, bài toán dù khó giải đến đâu thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Nhà máy và các cơ quan có liên quan ở tỉnh Quảng Bình. Người dân nơi đây đang ngày đêm tha thiết kêu cứu các cấp chính quyền xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm hoặc di dời các hộ dân đến nơi tái định cư mới nhằm ổn định cuộc sống cũng như bảo đảm về sức khỏe và tương lai của con em họ.

Đề nghị các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Bình nhanh chóng vào cuộc giải quyết dứt điểm vụ việc nhằm đem lại cuộc sống trong sạch, không bị ô nhiễm cho người dân. Về đầu trang

http://phapluatxahoi.vn/ban-doc/co-quan-chuc-nang-can-giai-quyet-triet-de-72431

II. Kinh tế

1. Thú y viên cơ sở: Gánh nặng và trách nhiệm

(Baoquangbinh.vn 15/8, tác giả Lê Mai)

 

Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khẳng định: “Cán bộ thú y cơ sở là “cánh tay nối dài” của chúng tôi, họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác tham mưu phòng chống, khống chế dịch bệnh... Không có họ, chúng tôi có giỏi đến mấy cũng khó hoàn thành nhiệm vụ”.

Công việc của cán bộ thú y cơ sở khá vất vả, thường xuyên rong ruổi vài chục cây số trên khắp đường làng, ngõ xóm, đến từng hộ để tiêm phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi, làm việc trong môi trường độc hại, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhất là cúm gia cầm. Bởi thế, yêu nghề đã khó, sống được với nghề còn khó hơn.

Bên cạnh đó, hiện nay công tác kiểm soát giết mổ tại hộ gia đình trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành Nông nghiệp, thì thú y cơ sở chính là cánh tay nối dài của ngành chuyên môn trong việc kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tất nhiên, trách nhiệm và nỗi vất vả của các thú y viên vì thế cũng tăng lên. Việc kiểm soát giết mổ tại hộ phân tán, quãng đường đi lại dài, lại phải đi làm vào 3-4h sáng, ngoài năng lực thì người làm nghề thú y phải có sức khỏe và đủ minh mẫn.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng ban Thú y xã Hồng Thủy (huyện Tuyên Hóa) tâm sự: “Làm nghề này là không kể ngày, đêm, xa, gần, ở đâu người dân báo có gia súc, gia cầm ốm là phải đến tận nơi kiểm tra, xác định nguyên nhân để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm. Vào những đợt tiêm phòng hay có dịch bệnh, nhiều đêm tôi không được ngủ, có khi còn bị đổ trách nhiệm vì gia súc, gia cầm đã tiêm phòng vẫn bỏ ăn, lây bệnh.

Thế nên, hễ chọc mũi tiêm vào những con vật là gia sản của nông dân thì áp lực lớn lắm!”. Một mình ông, vừa làm công tác phát triển chăn nuôi, tham mưu các chính sách cho xã, vừa thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm, kiểm soát giống, kiểm soát giết mổ, mỗi tháng, Nhà nước trả cho ông chỉ khoảng 2 triệu đồng; khi nghỉ hưu lại không có chế độ, lương bổng gì. Nếu không vì yêu nghề, liệu ông Nhàn có thể trụ được với nghề hay không?

Vào nghề từ năm 2006, chị Lê Thị Lý, Trưởng ban Thú y xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy) cũng trải qua biết bao cực khổ, khó khăn với nghề. Chị trăn trở: “Làm thú y viên cơ sở, chúng tôi không chỉ chịu sự vất vả của công việc mà còn phải đối mặt với nhiều tai nạn bất ngờ do vật nuôi gây ra. Năm 2008, tôi đã từng chứng kiến chị Đinh Thị Khê, cán bộ thú y thôn trong khi tiêm phòng đã bị trâu húc phải nhập viện. Thực sự tôi rất lo lắng bởi không biết nguy hiểm đến với mình lúc nào nhưng vì trách nhiệm nên tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Dẫu chế độ lương bổng ít, công việc lại vất vả nhưng đa số các thú y viên cơ sở đều có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Bởi họ hiểu vai trò quan trọng của mình trong phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, chỉ một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến thiệt hại khôn lường.

Trong những năm qua, mặc dù dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, bệnh lở mồm long móng... diễn ra khá phức tạp tại các tỉnh lân cận, tuy nhiên tại tỉnh ta tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định, từ năm 2013 đến nay chưa xảy ra đợt dịch nào. Để có được kết quả đó là nhờ một phần rất lớn công lao của các cán bộ thú y viên cơ sở. Họ là những người sống tại cơ sở, tiếp xúc hàng ngày với gia súc, gia cầm, nếu có dịch bệnh xảy ra, họ chính là người phát hiện sớm nhất, dập tắt dịch bệnh.

Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khẳng định: “Cán bộ thú y cơ sở là “cánh tay nối dài” của chúng tôi, họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác tham mưu phòng chống, khống chế dịch bệnh... Không có họ, chúng tôi có giỏi đến mấy cũng khó hoàn thành nhiệm vụ”. Minh chứng cụ thể là trong đợt dịch cúm gia cầm hồi tháng 7-2012 tại xã An Thủy (Lệ Thủy) và An Ninh (Quảng Ninh), nhờ sự phát hiện, xử lý và báo cáo kịp thời cho cấp trên của các cán bộ thú y xã nên trong vòng 21 ngày thì dịch được khống chế, bao vây kịp thời.

Tuy nhiên, ngoài những cán bộ thú y cơ sở tận tâm, trách nhiệm thì vẫn có một số ít không mấy mặn mà với nghề, nhất là số cán bộ thú y thôn bản. Chị Lê Thị Lý cho biết: “Công việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho thú y trong xã một mình tôi không thể làm hết, do đó phải nhờ vào sự hỗ trợ của cán bộ thú y thôn. Nhưng do họ không có ràng buộc về trách nhiệm, họ chỉ được trả tiền công cho mỗi lần đi tiêm, dập dịch... nên thích thì làm, không thì thôi, thành ra nhiều lúc tôi cũng gặp khó khăn do không có người hỗ trợ”.

Cũng cần nhìn nhận một cách khách quan khi cán bộ thú y cơ sở chưa thật sự tâm huyết với nghề bởi chế độ mà họ được hưởng còn quá ít ỏi. Mỗi tháng có người chỉ được nhận 500.000 - 1 triệu đồng, những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp chưa hề có sự hỗ trợ. Trong khi đó, họ phải quán xuyến khối lượng công việc khá nặng nề, đi lại thường xuyên...

Theo báo cáo của Chi cục Thú y, toàn tỉnh hiện có 158 trưởng ban thú y xã, phường, thị trấn, được hưởng chế độ 1,0 hệ số lương cơ bản và khoảng 600 cán bộ thú y thôn, bản... Vai trò lớn nhưng chế độ đãi ngộ ít do đó số người tâm huyết với nghề chưa nhiều.

Bên cạnh đó, đa phần số cán bộ thú y chủ yếu ở độ tuổi 45-50 (theo hợp đồng, khoảng 60 tuổi thì các cán bộ thú y sẽ nghỉ), trong khi lớp trẻ không mấy mặn mà với nghề này (tìm kiếm những công việc có thu nhập cao hơn), do đó nguy cơ về sự thiếu hụt cán bộ thú y cơ sở trong thời gian tới đang ở mức báo động. Cán bộ thú y một số địa phương có trình độ chuyên môn chưa cao, không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Phát triển mạng lưới thú y cơ sở là hết sức cần thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi. Bởi vậy, để cán bộ thú y cơ sở thật sự tận tâm với nghề, phát huy được vai trò trách nhiệm, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp.

Ông Phạm Hồng Sơn cho biết: Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp và PTNT đã đề cập đến vấn đề hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở bằng cách thu hút nhân tài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Trưởng ban chăn nuôi thú y phải có trình độ từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên và có tinh thần trách nhiệm cao.

Theo chính sách của đề án xây dựng, trưởng ban có trình độ từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên được hưởng phụ cấp bằng 1,0 hệ số lương cơ bản (theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ); thú y viên (trình độ từ sơ cấp chăn nuôi thú y trở lên) được hỗ trợ tiền công bằng 0,5 hệ số lương cơ bản. Bên cạnh đó, hàng năm đều có đợt bình xét, khen thưởng kịp thời để động viên tinh thần công việc cho các cán bộ thú y cơ sở.

Chính sách trên xem ra vẫn khó có thể làm cho bộ máy này hoạt động một cách trơn tru theo đúng yêu cầu. Bởi lẽ, cán bộ thú y cơ sở cấp xã, phường, thị trấn với khối lượng công việc khá nặng nề, thường xuyên tham mưu UBND xã về phát triển chăn nuôi, kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ và bổ sung; kiểm soát chặt chẽ con giống và vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trong khi, đồng phụ cấp không đủ đổ xăng đi lại...

“Nhiều cán bộ thú y cơ sở với mong muốn được hưởng một chính sách thỏa đáng, ít nhất cũng bằng lương cơ bản của một công chức nhà nước và được tham gia đóng bảo hiểm đầy đủ”, bà Phan Thị Minh, Trạm trưởng trạm Thú y huyện Lệ Thủy chia sẻ. Những tâm nguyện của họ chính là điều để các cấp, ngành liên quan phải suy nghĩ trong công tác thu hút nhân tài bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt, nâng cao chất lượng thú y viên cơ sở, bảo  đảm phòng, chống dịch bệnh “tận gốc” để chăn nuôi trên địa bàn phát triển bền vững. Về đầu trang

http://baoquangbinh.vn/xa-hoi-doi-song/201408/thu-y-vien-co-so-ganh-nang-va-trach-nhiem-2117801/

2. Minh Hóa: Nuôi ong cho thu nhập ổn định

(Quangbinh.gov.vn 15/8, tác giả Hà Vy)

 

Với hơn 140.000 ha rừng tự nhiên, Minh Hóa là huyện có nhiều lợi thế trong phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Trước đây, người dân Minh Hóa chủ yếu khai thác mật ong tự nhiên trong rừng theo hướng tự phát nên số lượng mật ong thu về ít, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Chính vì vậy, những năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân vay vốn xóa đói giảm nghèo để đầu tư mở rộng quy mô trang trại nuôi ong lấy mật theo hướng bên vững và lâu dài.

Sau nhiều năm áp dụng công nghệ nuôi ong hiện đại và sự trợ giúp của các chương trình dự án về vốn, người dân ở Minh Hóa đã nắm bắt được những kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm cơ bản về chăm sóc ong lấy mật. Nhiều người đã biết nhân rộng đàn ong như ông Đinh Giang Hồng ở xã Xuân Hóa, với 50 đàn ong đã thu 110 lít mật/năm. Đến nay, toàn huyện Minh Hóa có hàng chục hộ tham gia nuôi ong lấy mật đã có thu nhập ổn định từ đàn ong, đặc biệt có những mô hình, trang trại mỗi hộ thu từ 20 - 50 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập đáng kể giúp người dân tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo.

Hiện nay, huyện Minh Hóa đang tích cực tìm kiếm thị trường cho đầu ra của sản phẩm này theo hướng bền vững, hiệu quả để người nuôi ong yên tâm gắn bó lâu dài với nghề. Về đầu trang

http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?cmd=130&art=1408001216014&cat=1123266987223

3. Thanh tra khoa học và công nghệ kiểm tra 30 cơ sở kinh doanh xăng dầu

(Baoquangbinh.vn 15/8, tác giả PV)

 

Trong tháng 7-2014, Thanh tra khoa học và công nghệ đã tiến hành kiểm tra 30 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Về đo lường, 25/30 cửa hàng xăng dầu có các cột đo nhiên liệu có sai số nằm trong giới hạn cho phép theo quy định, 5 cơ sở không đạt yêu cầu cho phép theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam 10:2013 về quy trình kiểm định cột xăng dầu, 1 cơ sở sử dụng giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo đã hết thời hạn có hiệu lực.

Thanh tra Sở đã xử phạt 1 cơ sở bằng tiền, với số tiền 5 triệu đồng, xử phạt cảnh cáo 4 cơ sở, đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý về đo lường của các cửa hàng xăng dầu và yêu cầu tạm dừng sử dụng phương tiện đo vào mục đích kinh doanh để kiểm định lại theo quy định mới, khi có giấy chứng nhận kiểm định mới tiếp tục kinh doanh. Về chất lượng, tiến hành lấy 6 mẫu để thử nghiệm (3 mẫu xăng 92 và 3 mẫu dầu DO 0,05%S). Về đầu trang

http://baoquangbinh.vn/xa-hoi-doi-song/201408/thanh-tra-khoa-hoc-va-cong-nghe-kiem-tra-30-co-so-kinh-doanh-xang-dau-2117812/

III. Xã hội

1. Triển lãm tranh cổ động về đoàn kết bảo vệ và xây dựng Tổ quốc

(TTXVN/VietnamPlus 15/8, tác giả Nguyễn Đức Thọ; Đại Đoàn Kết 15/8, tr8, tác giả T. Minh)

 

Sáng 15/8, tại Bảo tàng tỉnh Quảng Bình, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình tổ chức triển lãm chuyên đề tranh cổ động “Đoàn kết bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.”

Đây là một trong những hoạt động hướng về biển đảo Tổ quốc và chào mừng kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Bình khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp (18/8/1954-18/8/2014).

Triển lãm trưng bày 45 tranh cổ động trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do nhiều thế hệ nghệ sỹ sáng tác trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước.

Với ngôn ngữ cô đọng, phong cách đa dạng, chuyển tải thông điệp nhanh, các tác phẩm đã truyền cho người xem vẻ đẹp và giá trị của Tổ quốc thống nhất như bức "Mùa Xuân vĩnh viễn" (Lê Đức Lai); "Chung một ngọn cờ" (Huỳnh Phương Đông); "Quê ta sạch bóng quân xâm lược" (Thế Hùng)...

Triển lãm tranh cổ động với tên gọi “Đoàn kết bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam” là một thông điệp nêu lên truyền thống bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam cũng như xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu, đẹp.

Triển lãm kéo dài đến 25/8. Về đầu trang

http://www.vietnamplus.vn/trien-lam-tranh-co-dong-ve-doan-ket-bao-ve-va-xay-dung-to-quoc/276308.vnp

2. Quảng Bình: 3 tổ chức quốc tế bảo tồn rừng Động Châu

(Sài Gòn Giải Phóng 14/8, tác giả Minh Phong)

 

Ngày 14-8 Chi cục kiểm lâm Quảng Bình cho biết, 3 tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới gồm BirdLife International, IUCN Hà Lan và World Land Trust (Anh) đã khởi động dự án Bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường các dịch vụ sinh thái của rừng Động Châu-Khe Nước Trong tại huyện Lệ Thủy.

Đây là dự án bảo vệ sự đa dạng sinh học kéo dài 30 năm. Trong đó 5 năm đầu tiên của dự án (2014-2019) được tài trợ 1,5 triệu USD.

Dự án này nhằm phát huy hệ sinh thái của khu vực rừng lá rộng thường xanh trên đất thấp độc đáo của khu vực tây nam tỉnh Quảng Bình và tây bắc tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích lõi rừng hơn 20.000ha.

Song song với việc hỗ trợ tăng cường thực thi pháp luật, dự án cũng huy động tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng người dân sống xung quanh khu vực, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu hiện tượng săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã trong khu vực.

Nghiên cứu bước đầu cho thấy, khu vực rừng phòng hộ Động Châu có giá trị nổi bật về đa dạng sinh học ở Việt Nam và trên thế giới với sự xuất hiện của cả bốn loài thú quý hiếm mới phát hiện gồm: Sao la, Mang lớn, Mang Trường Sơn và Thỏ vằn. Kết quả bẫy ảnh ghi nhận 57 loài động vật hoang dã, bao gồm 31 loài thú, 24 loài chim và 2 loài bò sát; trong đó có 8 loài bị đe dọa và gần bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Về đầu trang

http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2014/8/358131/

3. Vườn rau “hướng về Biển Đông” - yêu nước theo cách của bạn!

(Tiin.vn 15/8)

 

Các cán bộ ở Thượng Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) với sự khéo tay đã “tạo dáng” cho vườn rau hình bản đồ đất nước kèm dòng chữ ý nghĩa khiến nhiều người phấn khởi.

Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch nằm ở vùng núi, nơi giáp ranh biên giới Việt – Lào và được xem là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Ma Coong, định cư ở 18 bản. Ở đây, cán bộ chiến sĩ đã có cách tuyên truyền tình yêu nước, chủ quyền biển đảo rất độc đáo và sáng tạo. Không ai nghĩ, từ mô hình rau tươi, các cán bộ ở đây đã tạo hình thành bản đồ nước Việt Nam, Quốc kì và có cả khẩu hiệu hướng về biển Đông.

Hình ảnh các vườn rau được tạo dáng sau đó được đăng tải lên mạng khiến nhiều người thích thú. Họ cho rằng đây là cách làm đơn giản và thiết thực. Được biết, sáng kiến tạo dáng cho vườn rau là của anh Nguyễn Việt Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Trạch.

Xem những hình ảnh về vườn rau của cán bộ xã Thượng Trạch, một dân mạng cảm động viết: “Thượng Trạch ở xa tít miền biên viễn Việt-Lào. Nơi có đồng bào Ma Coong sinh sống. Nơi đây chỉ có núi, có rừng. Nhưng tinh thần biển Đông vẫn căng tràn trong mỗi suy nghĩ, hành động của cán bộ xã ở đây. Nhìn ảnh, thương vô cùng những con người nơi đây”. Về đầu trang

http://tiin.vn/chuyen-muc/song/vuon-rau-huong-ve-bien-dong-o-quang-binh-khien-dan-mang-thich-thu.html

IV. An ninh – Quốc phòng

1. Chuyện lạ ở Quảng Bình: "Phá" đường nhỏ để làm quốc lộ

(Pháp Luật Việt Nam 15/8, tr15, tác giả T.N.P)

 

Để phục vụ thi công nâng cấp, xây dựng Quốc lộ 1, hai tập đoàn xây dựng lớn ở Quảng Bình là Trường Thịnh và Sơn Hải ngày đêm vận chuyển vật liệu bằng xe “khủng” khiến các tuyến đường huyết mạch của tỉnh bị băm nát.

Có mặt trên QL 9B khoảng 15 h ngày 28/7, chúng tôi ngạc nhiên trước cảnh yên ắng. Xe quá tải không ồ ạt như thường lệ mà thay vào đó có khoảng 5 xe tải chở vật liệu xây dựng phục vụ thi công QL1 “án binh bất động” rải rác dọc tuyến. Lời giải có ngay sau đó khi gần cầu Trung Trinh (cầu Nạng Hai), một tổ kiểm soát của thanh tra giao thông, Sở GTVT đang chốt tại đây.

Theo mộ cán bộ thanh tra giao thông cứ khi họ lập chốt trên QL9B thì cánh tài xế gọi nhau báo dừng chạy ngay. Đó là chưa kể các đơn vị có xe quá tải chạy trên tuyến đường này còn cử cả người theo dõi thanh tra giao thông từ đầu đến cuối tuyến này.

10 phút sau, khi đang tiếp xúc với tổ thanh tra giao thông này, chúng tôi chứng kiến chiếc xe tải FAW chở đá của Tập đoàn Trường Thịnh (trụ sở thành phố Đồng Hới) đang lưu hành đến cách chốt khoảng 200m liền dừng xe. Tài xế mở cửa nhảy xuống, đứng “thám thính” một lúc rồi ung dung lùi xe, bỏ trốn. Nhìn vào chiếc xe này là biết đang chở quá tải rất nhiều.

Được biết tập đoàn Trường Thịnh đang thi công 33km QL1 đi qua Lệ Thủy và Quảng Ninh của tỉnh. Để phục vụ cho đại cồng trình này mỗi ngày có đến chục xe tải thay nhau quần thảo, cày nát con đường chiến lược của tỉnh.

Chiều 28/7, dọc theo QL9B lên đường Hồ Chí Minh chúng tôi bắt gặp nhiều xe tải khác của Trường Thịnh chở đầy đất đá phủ kín bạt nằm im lìm bên lề đường tránh thanh tra giao thông. Đến hơn 17h khi lực lượng thanh tra giao thông rút về các xe quá tải này bung ra rồng rắn nhau phóng như bay trên QL tới các công trình. Chưa đầy 10 phút có khoảng 14 xe chở đầy vật liệu chạy về mà trong số đó là xe của Trường Thịnh.

Sáng 29/7, chúng tôi tiếp tục có mặt trên đường Hồ Chí Minh, đường tránh thành phố Đồng Hới và đường Phan Đình Phùng nối dài và tiếp tục ghi nhận tình trạng xe “khủng”, xe quá tải ngang nhiên “đày ải” các tuyến đường huyết mạch này để chở vật liệu xây dựng nâng cấp xây dựng QL9B.

Riêng ở đoạn đường Phan Đình Phùng nối dài thuộc địa phận xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hối lực lượng cảnh sát giao thông – Công an thành phố Đồng Hói cho biết, trước đây đường này cắm biển quy định tải trọng gần cầu Trại Gà là 10 tấn. Nhưng thời gian gần đây không hiểu sao biến mất. Và ngày ngày hàng chục lượt xe tải chở vật liệu của Tập đoàn Hải Sơn (trụ sở đường Hữu Nghị, Đồng Hới) tải trọng trên 20 tấn vẫn tấp nập xuôi ngược qua tuyến này. Chỉ riêng trong sáng 29/7 chúng tôi đếm có hơn 10 chiếc xe tải của tập đoàn này “cày ải” đoạn đường.

Được biết, Sơn Hải đang thi công hai gói thầu số 10 và 14 trên QL1 đoạn qua Quảng Bình dài 15km. Để phục vụ công trình này cần có hàng chục nghìn khối đất đá, hỗn hợp thảm bê tông nhựa từ các vùng vật liệu phía Tây 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Hàng ngày xe của tập đoàn này rồng rắn qua đường Hồ Chí Minh, Phan Đình Phùng nối dài và đường tránh thành phố Đồng Hới. Theo người dân xe chở vật liệu của của Sơn Hải chạy với tốc độ nhanh, tung bụi mù mịt.

Cuối giờ sáng chúng tôi bám theo chiếc xe tải BKS 73L – 8175 trên hành trình từ khu mỏ vật liệu về công trình QL1. Đây là loại xe ba chân, trọng tải không dưới 20 tấn và chở tham bê tông nhựa vun cao hơn mặt trên thùng xe. Không những thế khi về đến đường tránh thành phố đồng Hới xe này còn nhấn ga tăng tốc vượt nhiều xe khác. Hình ảnh quay lạy bằng video đối chiếu từ công–tơ-mét của xe chúng tôi với hình ảnh xe này chạy trên đường có thể khẳng định hậu như cả đoạn đường này, x2 73L-8715 giữ tốc độ 80km/h. Trong khi đó theo cảnh sát giao thông quy định trên đường này xe tải loại này 3,5 tấn chỉ được lưu thông với tốc độ 60k/h.

Trên hành trình xe quá tải trọng từ các mỏ đá, vật liệu phía Tây 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy về  các công trình Quốc lộ 1, không chỉ có Quốc lộ 9B, đường Phan Đình Phùng, đường thành phố Đồng Hới là nạn nhân mà hàng chục km đường Hồ Chí Minh cũng trong cảnh bị hư hỏng tương tự. Ngay cả ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở GTVT khi tiếp xúc với Pháp Luật Việt Nam cũng từng thừa nhận, để xây dựng đường lớn Quốc lộ 1, tình trạng xe quá tải đi qua các tuyến đường nhỏ gây hư hỏng là có.

Khi dự án xây dựng và mở rộng Quốc lộ 1 bắt đầu đấu thầu, các đơn vị khi bỏ hồ sơ dự thầu chắc chắn phải có phương án thi công, vận chuyển vật liệu trên tuyến đường nào, bằng xe loại gì để đảm bào an toàn cho các tuyến đường đi qua. Trình dự thầu một đằng, khi thi công lại làm một nẻo vì các đơn vị thi công ưu tiên thu lại lợi nhuận cao nhất. Tình cảnh những đoàn xe “khủng”, xe quá tải của Tập đoàn Trường Thịnh, Sơn Hải và một số đơn vị thi công khác đã gây ra cho các tuyến đường nhỏ bây giờ ra sao, chắc hẳn lãnh đạo tỉnh, Sở GTVT, Ban an toàn giao thông, cùng các lực lượng liên quan không thể không biết, nhưng sao chưa  thấy ai có động tĩnh gì? Hay họ đang cố tình “nhắm mắt làm ngơ” để các tuyến đường huyết mạch của tình hàng ngày hàng giờ bị băm nát vì xe quá tải? Còn dư luận thì đặt câu hỏi rằng Quốc lộ 1 làm xong, nhà thầu còn thu được phí. Mấy tuyến đường nơi xe quá tải chạy qua làm từ tiền thuế của dân, là tài sản Quốc gia mà doanh nghiệp lại ngang nhiên cho xe “khủng” cày nát. Về đầu trang

2. Quản lý đường bộ “tố” cảnh sát giao thông không tích cực chống xe quá tải

(Tuổi Trẻ 15/8, tr2, tác giả Trường Giang)

 

Cảnh sát giao thông Quảng Bình hoạt động ở trạm cân lưu động nghỉ giải lao 6 giờ trong ngày, vi phạm quy định hoạt động liên tục 24/24, tạo điều kiện cho xe quá tải vượt trạm.

Ngày 14-8, Cục Quản lý đường bộ 2 cho biết qua thanh tra đột xuất ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế đã buộc 29 xe ô tô tải chở quá tải phải cắt bỏ phần thùng tự cơi nới. 

Cụ thể những chiếc xe tải này đã vi phạm về lỗi tự ý cơi nới tăng kích thước chiều cao thùng xe chở hàng từ 0,2-1,66m.

Theo ông Lê Ngọc Minh, cục trưởng Cục quản lý đường bộ 2, khó khăn lớn nhất trong công tác kiểm soát trọng tải xe hiện nay là lực lượng cảnh sát giao thông ở một số địa phương không tích cực vào cuộc.

Điển hình là lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình hoạt động ở trạm cân lưu động đã nghỉ giải lao với thời gian 6 giờ trong ngày (cụ thể nghỉ giao ca lúc 11g30 đến 13g30, 17g đến 19g và 21g đến 23g), vi phạm quy định hoạt động liên tục 24/24, tạo điều kiện cho nhiều xe quá tải vượt trạm.

Ngoài ra Công an tỉnh Quảng Bình còn gây khó khăn khi yêu cầu Công an huyện Quảng Ninh không được phối hợp với Chi cục quản lý đường bộ 4 (thuộc Cục Quản lý đường bộ 2) kiểm soát trọng tải xe trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Sự việc này đã được cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 2 báo cáo lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin ý kiến chỉ đạo. Về đầu trang

3. Bộ GTVT yêu cầu chấn chỉnh thi công đường làm khổ dân

(Tuổi Trẻ 15/8, tác giả Nguyên Linh)

 

Ngày 14-8, Bộ GTVT vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các chủ đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế chấn chỉnh ngay việc thi công làm khổ người dân.

Theo thông tin do ông Lê Ngọc Minh, cục trưởng Cục quản lý đường bộ 2, cho biết, công văn của Bộ GTVT nêu rõ việc thi công quá chậm, kéo dài đã gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và an toàn của người dân (như báo Tuổi Trẻ ngày 3-8 phản ánh qua phóng sự ảnh “Bộ trưởng Thăng ngó xuống mà xem”).

Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư khẩn trương kiểm tra, rà soát lại tình hình thi công; tập trung nhân lực máy móc để thi công dứt điểm các vị trí đào hào, đảm bảo việc đi lại của dân cư hai bên đường được thuận lợi.

Nghiêm cấm việc thi công đào nền đường mở rộng đồng thời cả hai bên tuyến gây ùn tắc, mất an toàn giao thông. Đối với các đoạn đã đào cả hai bên đường, phải khẩn trương thi công nền móng đạt độ cao như nền đường cũ.

Yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công phải đảm bảo đủ bề rộng cho hai làn xe ôtô qua lại an toàn; bố trí thêm biển báo, đèn báo hiệu, chiếu sáng vào ban đêm. 

Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT về việc nghiêm cấm sử dụng xe quá tải phục vụ công trình, nếu chủ đầu tư để tình trạng xe quá tải tái diễn trên công trường sẽ bị Bộ GTVT loại bỏ. Về đầu trang

http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/623377/bo-gtvt-yeu-cau-chan-chinh-thi-cong-duong-lam-kho-dan%C2%A0.html

4. Quảng Bình: "Phập phồng" nỗi lo sạt lở đất

 (Radiovietnam  14/8, tác giả Tuyết Lê)

 

Cứ đến mùa mưa bão, hàng ngàn gia đình sống dọc các sông, suối, miền núi ở tỉnh Quảng Bình lại thấp thỏm lo âu vì tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Thôn Tăng Hóa, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình hiện có 21 hộ dân sống trên một quả đồi ven con suối đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất. Mùa mưa lũ năm ngoái, trên quả đồi này xuất hiện một vết nứt rộng khoảng nửa mét, dài hơn 50 mét, khiến người dân hết sức lo lắng. Cứ sau mỗi mùa mưa bão, tình trạng sạt lở càng ăn sâu vào khu vực dân cư, đe doạ tính mạng của người dân nơi đây.

Ông Cao Văn Thành, thôn Tăng Hoá, xã Hoá Sơn, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình cho biết, nhà ông chỉ cách điểm sạt lở 5 mét: “Gia đình tôi muốn di dời mà chưa được vì điều kiện khó khăn. Lũ bão năm nay sợ là đất phía trên ụp xuống”.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương di dời 21 hộ dân và điểm trường mầm non ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở trước mùa mưa bão năm nay. Tuy nhiên, việc di dời gặp nhiều khó khăn vì vẫn chưa xây dựng được khu tái định cư mới.

Theo ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi hộ dân 20 triệu đồng để di dời đến nơi ở mới: “Toàn huyện có 70 hộ có nguy cơ sạt lở bờ sông, suối, kể cả sạt lở núi. Trước tình hình đó, huyện đã quy hoạch vùng khác di dời dân đến. Bên cạnh sự hỗ trợ về kinh phí thì huyện huy động các lực lượng giúp dân di dời nhà cửa đến nơi an toàn”.

Tỉnh Quảng Bình hiện còn khoảng 6.000 hộ dân với trên 20.000 nhân khẩu sống trong vùng có nguy cơ cao do sạt lở núi, bờ sông, bờ biển; 10 công trình đê, kè đang thi công dở dang, tập trung ở các huyện Lệ Thuỷ, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá và thành phố Đồng Hới. Tỉnh Quảng Bình đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình vượt lũ để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước mùa mưa bão năm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục Trưởng Chi cục thủy lợi Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều tỉnh Quảng Bình cho biết: “Công tác chỉ đạo di dời đã được các cấp các ngành đặc biệt quan tâm nhưng với nguồn lực kinh phí có hạn nên còn có những khó khăn. Các công trình đang triển khai thi công xây dựng, tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để vượt lũ, có phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn công trình”. Về đầu trang./.

http://radiovietnam.vn/ArticleMobile/tin-tuc-63-tinh-thanh/2014/08/quang-binh-nphap-phongn-noi-lo-sat-lo-dat/

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG