Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 04-5-2019

Post date: 04/05/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1. Đề xuất giờ làm việc từ 8h30: Có nên quy định cứng?. 1

2. Đề xuất giờ làm việc từ 8h30: Nhiều ý kiến đồng ý. 3

CHÍNH SÁCH MỚI 3

3.Công khai kết luận tố cáo trên báo điện tử phải ít nhất 15 ngày. 3

4.Được phép nhập máy móc, thiết bị đã qua sử dụng không quá 10 năm.. 4

5.Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính  4

CHỈ THỊ MỚI 5

6.Yêu cầu xác minh thông tin cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn "bất động". 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

7.Các Bộ trưởng, Thứ trưởng tháo gỡ khúc mắc để khối tư nhân yên tâm kinh doanh. 6

8.Doanh nghiệp Mỹ lo ngại về thuế, điện và ô nhiễm không khí tại Việt Nam.. 7

9.Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TPHCM sẽ thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân. 8

10.Nên sớm giảm thuế cho doanh nghiệp. 10

QUẢN LÝ.. 11

11.Sẽ tổng kiểm tra việc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ trên cả nước. 11

12. Bộ GTVT nghiên cứu tăng mức phạt đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn. 12

13.Chuyên gia nói về đề xuất thêm 1 ngày nghỉ lễ vào dịp 27/7. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

14. Kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2019 tại các bộ, ngành, địa phương. 13

15. Bộ, ngành nào cũng có dữ liệu nhưng không liên thông. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

16. Huyện An Phú (An Giang): Qua kiểm tra, giám sát kỷ luật 74 đảng viên vi phạm.. 16

17. Kiểm điểm vì để cán bộ, chiến sĩ sử dụng ma túy. 16

THẾ GIỚI 17

18.Trung Quốc sử dụng ứng dụng thu thập thông tin cá nhân của công dân. 17

19. Mỹ: New York cấm quảng cáo bia rượu trên tài sản thành phố. 18

 TIÊU ĐIỂM

Đề xuất giờ làm việc từ 8h30: Có nên quy định cứng?

Theo Bộ LĐTBXH, trên cơ sở tham vấn ý kiến, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đưa ra 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

 Theo đó, với phương án 1, dự thảo bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”.

 Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). 

Với phương án 2, dự thảo đề xuất giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định).

 Trao đổi với PV, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho rằng, hiện thời gian làm việc các cơ quan Nhà nước thuộc Trung ương và địa phương không có sự thống nhất, mỗi nơi một giờ.

 Tại các cơ quan trung ương, giờ làm việc bắt đầu lúc 8 - 12h, trong khi đa số các địa phương bắt đầu giờ làm việc buổi sáng từ 7h và nghỉ trưa lúc 11h (mùa hè) hoặc 7h30 - 11h30 (mùa đông). Chiều từ 13 - 17h hoặc từ 13h30 - 17h30. Ngay tại Hà Nội, giờ làm việc của các cơ quan Nhà nước cũng khác nhau.

 Đại diện Vụ Pháp chế cũng nói thêm, ở các quốc gia khác, giờ làm việc của cơ quan hành chính tùy thuộc vào điều kiện mỗi nước, nhưng đa số là thống nhất. Bộ máy hành chính Nhà nước phải chạy thông suốt từ trung ương đến địa phương, ít nhất là giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi.

 "Đối tượng của cơ quan hành chính là người dân nên cần công khai giờ làm việc thống nhất để người dân và doanh nghiệp biết, không thể để mỗi nơi một giờ như hiện nay”, vị này nói.

 Cũng trao đổi về đề xuất này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng không cần thiết phải thống nhất giờ làm việc chung trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Điều này không phù hợp với thực tế chung của từng địa phương.

 “Việc quy định giờ làm việc thống nhất là không nên, đưa ra dự thảo không hợp với thực tiễn thì không có khả thi. Nên giao quyền tự chủ cho các địa phương để các địa phương có quyết định phù hợp. Theo tôi, cứ nên giữ nguyên giờ làm việc như hiện hành vì cũng chưa có gì biến động”, ông Quảng nêu quan điểm.

 Theo ông Quảng, giờ doanh nghiệp do doanh nghiệp quy định, được doanh nghiệp công bố công khai, lấy ý kiến của lao động.

 Trước đề xuất cơ quan hành chính làm việc bắt đầu từ 8h30, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội - cho rằng: "Theo tôi không nên quy định cứng về thời gian bắt đầu làm việc. Như vậy, nó bộc lộ nhiều nhược điểm như tạo sức ép rất lớn về giao thông; hoặc các địa phương thường làm việc từ 7h30, nếu 8h30 mới bắt đầu thì quá muộn".

 Theo bà Hương, trong thời buổi kinh tế thị trường, kinh tế chia sẻ, con người có rất nhiều cách thức làm việc. Vì vậy, tư duy quản lý tập trung càng không hiệu quả. Hiện, nhiều quốc gia cho phép người lao động tự chọn giờ làm việc linh hoạt, miễn sao làm đủ 8 tiếng, đảm bảo năng suất.

 "Quy định này không cần thiết đưa vào luật. Việc quy định giờ làm việc nên giao cho UBND các tỉnh xem xét", bà Hương nhấn mạnh. (Báo điện tử Trí Thức Trẻ 3/5, Anh Thư)Về đầu trang

Đề xuất giờ làm việc từ 8h30: Nhiều ý kiến đồng ý

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vừa đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc lúc 17h30.

 Sự thay đổi trên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến giờ giấc, sinh hoạt của người dân. Trên trang Fanpage Trung tâm tin tức VTV24, phóng viên VTV đã tạo một cuộc khảo sát nhỏ để khán giả đưa ra những ý kiến của mình. Với gần 40.000 lượt bình chọn trong 1 tiếng đồng hồ, kết quả là có tới hơn 60% đồng ý với sự thay đổi này.

 Dưới đây là lý do mọi người đưa ra. Mời xem chi tiết tại đường link dưới đây:

https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/de-xuat-gio-lam-viec-tu-8h30-nhieu-y-kien-dong-y-20190503120057951.htm

(Kênh VTV1 – Chuyển động 24h lúc 11h44 ngày 3/5)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Công khai kết luận tố cáo trên báo điện tử phải ít nhất 15 ngày

Nghị định 31/2009/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo nêu rõ, việc thông báo kết luận nội dung tố cáo trên báo in, báo nói, báo hình phải được thực hiện ít nhất 02 lần liên tục; việc thông báo trên báo điện tử, cổng thông tin điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.

 Theo Nghị định 31, kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải được công khai, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và thông tin về người tố cáo.

 Căn cứ vào tình hình thực tế, tính chất vụ việc, yêu cầu của việc giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính quyết định việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo theo quy định bằng một hoặc một số hình thức sau đây:

 Công bố tại cuộc họp ở cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác hoặc ở cơ quan, tổ chức của người giải quyết tố cáo hoặc ở cơ quan, tổ chức của người được giao xác minh với thành phần gồm người giải quyết tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo, người bị tố cáo; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị tố cáo công tác, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan;

 Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Thời gian niêm yết ít nhất 15 ngày liên tục;

 Đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của cơ quan đã giải quyết tố cáo, cơ quan người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Thời gian đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trên mạng thông tin nội bộ của cơ quan giải quyết tố cáo ít nhất 15 ngày liên tục;

 Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, (bao gồm: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) và cổng thông tin điện tử. Việc thông báo trên báo in, báo nói, báo hình phải được thực hiện ít nhất 02 lần liên tục; việc thông báo trên báo điện tử, cổng thông tin điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.

 Nghị định 31 cũng quy định rõ biện pháp để bảo đảm thi hành Luật Tố cáo, trong đó có việc tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến.

 Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/5/2019. (Thanh Tra 3/5, Thảo Nguyên)Về đầu trang

Được phép nhập máy móc, thiết bị đã qua sử dụng không quá 10 năm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký ban hành Quyết định số 18/2019 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

 Quyết định có hiệu lực thi hành ngày 15.6 nêu rõ: Chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam. Không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong các trường hợp như: Máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng bị các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường; các máy móc, thiết bị, dây chuyền không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

 Đặc biệt, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu có độ tuổi không quá 10 năm và được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Công suất hoặc hiệu suất phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế. Trường hợp không có QCVN liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu, yêu cầu máy móc, thiết bị nhập khẩu phải được sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường… (Đại Biểu Nhân Dân 3/5)Về đầu trang

Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính

Ngày 16/4, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết thủ tục cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan.

 Thông tư gồm 3 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết thủ tục cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan.

 Một số điều được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 12/2015/TT-BTC gồm: Khoản 1, khoản 7 và khoản 9 Điều 3; Điều 4; Điều 5; Khoản 1 Điều 6; Điều 7; Điểm c, d, đ khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 9; Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và bổ sung khoản 3 Điều 10; Khoản 1 Điều 12; Khoản 1, khoản 3, khoản 5 và khoản 9 Điều 13; Bổ sung các khoản 5, khoản 6 và khoản 7 vào Điều 14; Khoản 4, khoản 9 và khoản 10 Điều 15.

 Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019. (Tapchitaichinh.vn 3/5)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Yêu cầu xác minh thông tin cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn "bất động"

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về chậm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

 Theo Văn phòng Chính phủ, vừa qua, báo chí có loạt bài viết về việc chậm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ ngành, trong đó có báo nêu: Cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp chưa có bước tiến mới so với cuối năm 2018, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành gần như chưa làm gì.

 Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP vẫn chú trọng thành tích hơn là tiếp tục nỗ lực thực hiện cắt giảm rào cản kinh doanh. Số ít bộ tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhưng chậm so với kế hoạch".

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý, đôn đốc.

 Trước đó, báo chí dẫn lời bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: "Cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp hiện chưa có bước tiến mới nào so với thời điểm cuối năm 2018. Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành gần như chưa làm gì, trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo rất quyết liệt".

 Đáng chú ý, nhìn vào chất lượng các báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của các đơn vị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, theo dõi, bà Thảo nhận xét: "Các báo cáo đều chú trọng báo cáo thành tích hơn là tiếp tục nỗ lực thực hiện cắt giảm các rào cản kinh doanh.

 Thậm chí, một số báo cáo nội dung có tính chất "báo cáo cho có". Một số ít bộ tiếp tục có phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa đăng ký kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Tuy nhiên, "việc triển khai nội dung này còn chậm so với kế hoạch đặt ra", bà Thảo đánh giá.

 Về tình hình và kết quả cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nhìn chung trong quý 1/2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể.

 Vấn đề đáng ngại khác cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là, trong khi một số điều kiện kinh doanh được gỡ bỏ chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì rào cản mới lại xuất hiện.

 Chẳng hạn như Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyde và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, sau đó lùi hiệu lực thi hành đến ngày 1/1/2019) đã và đang tiếp tục gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp… (Vneconomy.vn 2/5)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Các Bộ trưởng, Thứ trưởng tháo gỡ khúc mắc để khối tư nhân yên tâm kinh doanh

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, đại diện các bộ ban ngành đã cùng thảo luận, giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp và đưa ra những giải pháp để tăng cường sự đóng góp của khu vực tư nhân vào phát triển kinh tế Việt Nam.

 Nông nghiệp vẫn là nền tảng quan trọng của kinh tế Việt Nam. Trong đó, tư nhân chính là thành tố quan trọng thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước cùng các thành phần kinh tế khác để làm nên kỳ tích nông nghiệp Việt Nam. Chuyển từ một nền nông nghiệp thiếu ăn thành đủ ăn, chuyển từ bán chợ nhà sang bán thế giới. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá đây là điều đáng vinh danh.

 Trong lĩnh vực công nghiệp, đại diện Bộ Công thương chỉ ra những điểm cần khắc phục để tận dụng các hiệp định thương mại tự do.

 

Hiệp định CPTPP là thế hệ mới, đối với ngành dệt may bao gồm 3 công đoạn, thay vì 2 công đoạn như FTA với Nhật Bản và 1 công đoạn như FTA trong khối ASEAN. Do đó, vấn đề tiên quyết là phải hoàn chỉnh công đoạn và chủ động các ngành công nghiệp phụ trợ.

 Về dịch vụ và trọng tâm là ngành du lịch, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, hiện nay, hơn 10 triệu người Việt Nam ra nước ngoài mỗi năm vẫn phải xin thị thực rất khó khăn, ngay cả với những nước Việt Nam miễn thị thực cho công dân của họ.

 Đối với thủ tục đầu tư của các hãng hàng không, đây là ngành kinh doanh có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh rất lớn. Do vậy, đây là ngành kinh doanh có điều kiện và phải thực thi đồng bộ đồng thời hai quy trình: một là chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ, hai là phải xin cấp giấy phép kinh doanh của bộ quản lý ngành theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Đây là hai quy trình độc lập tách rời và phải thực hiện cùng lúc để thực hiện hai mục tiêu quản lý nhà nước khác nhau.

 Đối với lĩnh vực tài chính ngân sách, trong thời gian vừa qua, xu hướng trong những năm gần đây, tỷ trọng thu ngân sách của Doanh nghiệp tư nhân ngày càng cao và đóng vai trò quan trọng trong cân đối ngân sách. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà thừa nhận: "Cơ chế chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính hiện nay chưa đủ mạnh và đặc biệt là thiếu sự nhất quán".

 Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện thể chế tài chính doanh nghiệp, thuế quan, chính sách tài chính đất đai; tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển, chú trọng trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư hưu trí tự nguyện hoặc đầu tư bất động sản; hỗ trợ thuế và tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 Sắp tới các bộ ngành sẽ rà soát lại để thống nhất trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc "không hồi tố" nên doanh nghiệp có thể yên tâm hoạt động. Chính sách ra sau nếu có tác động đến hoạt động doanh nghiệp, cái nào có lợi thì doanh nghiệp được hưởng, bất lợi thì không phải áp dụng.

 Trong lĩnh vực giao thông hạ tầng, giao thông vốn là mạch máu của nền kinh tế, giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế phát triển theo đến đó. tuy nhiên giai đoạn vừa qua, đầu tư bằng ngân sách để hình thành hệ thống cả đường bộ, đường sắt đường hàng không là quá tốn kém. Vì vậy Bộ GTVT chủ trương huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đơn cử như SunGroup xây dựng Sân bay Quốc tế Vân Đồn. (Báo điện tử Trí Thức Trẻ 3/5, Hương Xuân - Thái Trang)Về đầu trang

Doanh nghiệp Mỹ lo ngại về thuế, điện và ô nhiễm không khí tại Việt Nam

Lãnh đạo Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng, những rào cản về thuế suất, nguy cơ thiếu hụt điện năng và ô nhiễm không khí cũng như môi trường ở Việt Nam đang là những vấn đề khiến các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại.

 Trong khuôn khổ của phiên toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đã có những chia sẻ, đóng góp về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.

 Theo bà Virginia Footer - Phó chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), các nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao không chỉ giúp phát triển nền kinh tế Việt Nam, mà còn giúp phát triển toàn bộ hệ sinh thái của các công ty và doanh nhân địa phương tại đây.

 Amcham nhìn thấy những cơ hội to lớn ở Việt Nam, cho cả khu vực doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo bà Virginia, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc leo thang đẩy nguy cơ tập trung các cơ sở sản xuất tại một quốc gia cũng như kích hoạt việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng.

 "Chúng tôi thấy các công ty chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang ở một ví trị sẵn sàng đón nhận những cơ hội như thế này", bà nhận định.

 Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng triệt để các cơ hội toàn cầu này để tiếp tục quỹ đạo đi lên nhanh chóng của nền kinh tế? Để làm được điều đó, bà Virginia Footer cho rằng cần phải quan tâm đến một số lĩnh vực ngay lúc này.

 Cụ thể, theo bà Virginia, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút thêm đầu tư trong tương lai, mà còn để duy trì sự đầu tư đã có ở đây.

 Tuy nhiên một số điều khoản của Luật và Nghị định dường như làm khó các công ty nước ngoài. "Tạo một môi trường chẳng mấy mặn mà hoặc coi nó như một dòng vốn hạng 2 sẽ làm vốn FDI mất đi nhanh nhất", bà khẳng định.

 Ngoài ra, theo Amcham thuế suất và chính sách cũng được xem là rào cản đáng kể cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

 Đặc biệt, đối với nhu cầu năng lượng điện, lãnh đạo Amcham cho biết, có một nhu cầu rõ ràng và cấp bách để giải quyết sự thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu về điện, đặc biệt ở khu vực phía Nam.

 Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam cũng lo ngại về mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí và sự xuống cấp của môi trường.

 Cũng lo ngại về vấn đề thuế, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) cho biết, nhiều công ty Hàn Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc liên quan đến những lời hứa được đưa ra tại thời điểm đầu tư ban đầu vẫn chưa được thực hiện. Cụ thể, họ chỉ ra sự không nhất quán trong ưu đãi thuế.

 Ông lấy ví dụ, việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho công nhân tại các khu kinh tế (bao gồm Khu công nghiệp Tràng Duệ ở Hải Phòng) đã bất ngờ bị chấm dứt bởi một Nghị định mới được thông qua năm 2018. (Vneconomy.vn 2/5)Về đầu trang

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TPHCM sẽ thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, chiều 2-5, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã có phát biểu về những hạn chế cần khắc phục để phát triển doanh nghiệp (DN) tư nhân.

 Năm 1991, tại TPHCM cứ 3 DN thì có 1 của Nhà nước, 1 của tư nhân và 1 đầu tư nước ngoài. Đến năm 2006, cứ 1.000 DN mới thành lập thì chỉ có 1 của Nhà nước, 11 DN đầu tư nước ngoài. Năm 2018, trong 1.000 DN mới thành lập, chỉ có 1 DN nhà nước, 30 của nước ngoài, còn hơn 969 là tư nhân. Như vậy, trong những năm qua, DN của TPHCM thì tư nhân là chiếm chủ yếu về quy mô và cả về vốn.

 Năm 1991, DN nhà  nước chiếm 57% vốn của tất cả DN, nhưng năm 2018 chỉ còn chiếm 4%, còn DN tư nhân chiếm 85%. Trong 3 năm qua, TPHCM có 121.000 DN thành lập mới với số vốn 1 triệu 467 ngàn tỷ đồng. Nếu so với số DN đang hoạt động là 372.000 của TPHCM thì số DN thành lập 3 năm qua  bằng 1/3 và vốn cũng bằng 1/3. Điều đó nói lên vai trò to lớn của DN tư nhân TPHCM, hiện nay đang đóng góp 63% tổng sản phẩm nội địa và hơn 41% thu ngân sách.

 Trong 3 năm vừa qua, DN đang hoạt động tại TPHCM (chủ yếu là tư nhân) chiếm trên 50% tổng số DN cả nước. Cơ cấu đầu tư của các DN 3 năm gần đây về tổng thể thì hợp lý nhưng cũng có nhiều chỗ bất cập. Ví dụ số DN trong lĩnh vực bất động sản, các DN đầu tư chiếm 43% tổng vốn của các DN đầu tư, trong khi số DN bất động sản chỉ chiếm 6,1%; DN lĩnh vực chế biến chế tạo chỉ chiếm 6% tổng vốn và 10% DN; hai lĩnh vực công nghệ truyền thông và dịch vụ khoa học công nghệ có vai trò rất lớn đối với cách mạng 4.0 thì đầu tư tổng cộng chiếm 8% vốn, 13% về DN. Đây là những yếu kém và mất cân đối trong cơ cấu đầu tư và DN của TPHCM.

 Hiện nay, TPHCM đang triển khai 5 giải pháp chủ yếu để hỗ trợ DN tư nhân. Đơn cử như trong 3 năm qua, TPHCM đầu tư 315 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học; đang duy trì sàn giao dịch công nghệ với 4.700 công nghệ được chào bán cho 800 nhà cung cấp và 100 tổ chức và chuyên gia tư vấn, 200 dự án đang tìm đối tác. Hàng năm, TPHCM tổ chức trao giải thưởng 100 DN tiêu biểu và 100 doanh nhân tiêu biểu..

 Có 7 khó khăn mà doanh nhân TPHCM đang phải đối đầu, cần tìm giải pháp nhanh. Một là, thủ tục hành chính và quản lý nhà nước với DN còn rườm rà, lạc hậu so với nhiều nước. Thứ hai, luật pháp còn chồng chéo, chưa đồng bộ, mâu thuẫn, thời gian khắc phục quá dài. Thứ ba, thiếu vốn - nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng năng suất lao động thấp. TPHCM chiếm 52% DN cả nước nhưng các DN này chỉ chiếm 15% tổng vốn của các DN Việt Nam, như vậy nhu cầu vốn rất lớn.

 Trong thời gian qua, năng suất lao động của ta thua kém các nước khá nhiều. Một nguyên nhân quan trọng là mức đầu tư cho một lao động của Việt Nam rất thấp: năm 2013 thua Nhật Bản 20 lần, thua Malaysia 6,5 lần tương đương mức tụt hậu về năng suất lao động. Thứ tư, tình trạng thiếu đất và nhà, cơ sở kinh doanh hoạt động không hiệu quả. Hàng chục ngàn DN ra đời ở TPHCM nhưng chưa có quy hoạch hạ tầng, phát triển dịch vụ, vì vậy cần có kinh phí quy hoạch hạ tầng, phát triển dịch vụ ở các TP lớn.

 Thứ năm, Việt Nam chưa có chính sách tác động mạnh mẽ để khuyến khích phát triển DN công nghệ thông tin, khoa học công nghệ được thành lập nhanh chóng với số lượng lớn làm nòng cốt cho kinh tế tri thức và sản xuất dịch vụ. Thứ sáu, DN chưa có tập quán phối hợp và đặt hàng các cơ sở đào tạo để đào tạo nhân sự cho mình. Thứ bảy, sự hài lòng của DN chưa  thực sự được chính quyền các cấp xem là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá việc cải cách hành chính đối với DN.

 TPHCM tin rằng sau diễn đàn này, Chính phủ sẽ đổi mới chính sách và đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn các nhu cầu của DN. Các địa phương cũng phải tự khắc phục yếu kém của mình, cùng với nỗ lực của DN, trong đó có TPHCM, để đưa đất nước ngày càng phát triển. TPHCM phấn đấu giữ sự vượt trội về năng suất lao động gấp 2,9 lần bình quân năng suất cả nước; thu ngân sách trên đầu 1 lao động bằng 3 tổng bình quân cả nước.

  TPHCM sẽ thu hút mạnh mẽ DN tư nhân để triển khai đô thị thông minh, hợp tác với Bộ TT-TT triển khai công nghiệp và dịch vụ 4.0; đi đầu về dịch vụ viễn thông thế hệ 5. TPHCM cũng khẩn trương triển khai khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố, trở thành hệ sinh thái sáng tạo với quy mô lớn, góp phần lan tỏa khu vực phía Nam.

 “Hy vọng tại diễn đàn lần tới, hầu hết các khó khăn của DN tư nhân được giải quyết, đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, DN hài lòng nhiều hơn để chúng ta hướng tới khát vọng Việt Nam 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Mỗi người chúng ta phấn đấu để tự hào Việt Nam là một quốc gia mạnh về kinh tế tri thức và kinh tế số, là một đất nước dân chủ rộng rãi và sâu sắc, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, là quốc gia hạnh phúc, công dân hạnh phúc và gia đình hạnh phúc”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ. (Sài Gòn Giải Phóng 3/5, Phan Thảo)Về đầu trang

Nên sớm giảm thuế cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính mới đây đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) cho DN nhỏ và vừa xuống còn 15-17%, thay vì mức 20% như hiện nay. Cụ thể, DN nhỏ sẽ được áp dụng thuế suất 17%, còn DN siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%. Điều này được giới chuyên gia cũng như DN kỳ vọng.

 Ông Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính bình luận, đề xuất giảm thuế phù hợp và cần thiết. “Trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 có ghi quy định: DN nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức phổ thông. Điều này có nghĩa để Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thực sự có hiệu lực, đi vào cuộc sống thì phải sửa Luật Thuế. Nếu không thì điều khoản trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa là vô nghĩa” – ông Trường nói.

 Cũng theo quan điểm của ông Trường, trong thực tiễn, DN nhỏ và vừa có nhiều bất lợi so với các DN lớn. Họ có quy mô nhỏ nên bất lợi trong kinh doanh. Trong khi đó, DN nhỏ và vừa chiếm số lượng rất lớn, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Việc thúc đẩy đối tượng DN này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế. Bởi vậy, việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa bằng cách áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức phổ thông là phù hợp.

 Điều này cũng là thông lệ của một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính sách này đã giúp các DN nhỏ và vừa ở các nước trên trong thời gian qua phát triển tốt, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế.

 Theo thống kê, DN nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, chiếm tỷ lệ cao. Việt Nam hiện có hơn 600.000 DN, trong đó khối kinh tế tư nhân chiếm gần 500.000 DN và trong số này có tới hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn. Khối kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% GDP mỗi năm và được xác định là động lực tăng trưởng, là xương sống của nền kinh tế.

 Giới chuyên gia cho rằng để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy DN nhỏ và vừa phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh thì đề xuất giảm thuế thu nhập DN là phù hợp và cần thiết. Cơ quan quản lý tăng thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện cho DN sống khỏe, sống tốt thì sẽ không trốn thuế, chạy thuế.

  “Người kinh doanh, mục tiêu tối thượng của họ là lợi nhuận. Không phải vì được ưu đãi thuế bé mãi” – ông Lê Xuân Trường bình luận.

 Hiện nay khó khăn vẫn bủa vây đối với khu vực kinh tế tư nhân. Nền kinh tế Việt Nam vẫn đan xen nhiều mảng sáng tối và dẫn chứng cho thấy quý I năm 2019, có tới 14.761 DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn, cao hơn 20,8% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, 58,4% trong số 15.331 DN cũng đang chờ hoàn thành thủ tục giải thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN theo chương trình rà soát năm 2018.

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nền kinh tế ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, trong niềm vui đó vẫn còn những “mảng tối”, đó là số lượng DN ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng cao. Điều này chứng tỏ, số doanh nghiệp đã hình thành và hoạt động trong một vài năm vẫn không chịu nổi sức ép mà phải rút ra khỏi thị trường.

 “Nếu tình hình này còn tiếp diễn thì chúng ta sẽ lấy đâu ra lực lượng để đóng góp vào tăng trưởng mới cho đất nước?” – bà Lan băn khoăn.

 Các số liệu đang chứng minh thực tế, DN có quy mô nhỏ cần được hỗ trợ. Cụ thể, DN nhỏ và vừa đang mong muốn được hỗ trợ về pháp lý, môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn vay và vay vốn, mặt bằng sản xuất, tư vấn phương án kinh doanh, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, bên cạnh mức thuế hợp lý.

 Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, nhận định giảm thuế thu nhập DN sẽ “khoan sức” cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng DN. Một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư… (Đại Đoàn Kết 3/5, H.H.)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Sẽ tổng kiểm tra việc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ trên cả nước

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa ký ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2019 tại các bộ, ngành và địa phương.

 Theo đó, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, tình hình triển khai và kết quả thực hiện của bộ, ngành và địa phương.

 Đồng thời kiểm tra việc thực hiện các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; việc triển khai, kết quả thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban Chỉ đạo.

 Kế hoạch cũng đề cập đến kiểm tra việc triển khai và kết quả đạt được của các bộ, ngành và địa phương về tháo gỡ các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch....

 Kiểm tra việc cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chi phí cho doanh nghiệp; tình hình giải quyết cải cách hành chính…

 Ban chỉ đạo cũng sẽ tiến hành rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có; đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của bộ máy. Trong đó, trọng tâm là kiểm tra việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

 Kiểm tra tình hình triển khai đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; trách nhiệm và đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức với trọng tâm là việc tuyển dụng; quản lý cán bộ, công chức, viên chức, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

 Về công tác cải cách tài chính công, kiểm tra việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý đối với cơ quan nhà nước về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; việc ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công.

 Ngoài ra, kiểm tra việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các danh mục đã được phê duyệt; việc triển khai gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. (Vneconomy.vn 3/5, Bảo Quyên)Về đầu trang

Bộ GTVT nghiên cứu tăng mức phạt đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện uống rượu bia, Bộ GTVT cho biết sẽ nghiên cứu tăng mức xử phạt.

 Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ An toàn giao thông và các đơn vị có liên quan xây dựng Dự thảo bổ sung Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

 Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát giao thông xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. (VTV.vn 3/5)Về đầu trang

Chuyên gia nói về đề xuất thêm 1 ngày nghỉ lễ vào dịp 27/7

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội số ngày nghỉ lễ, Tết trong một năm của người lao động Việt Nam hiện còn thấp, do đó có thể bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ vào dịp 27/7.

 Với đề xuất bổ sung nghỉ lễ Ngày Thương binh, Liệt sĩ trong Dự thảo luật Lao Động sửa đổi, Bộ LĐTBXH cho rằng điều này phù hợp với truyền thống, văn hóa và đạo lý dân tộc, nguyện vọng của nhân dân.

 Việc có 1 ngày nghỉ để bày tỏ sự tri ân đối với không chỉ những người có công hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, mà còn là một thông điệp để thể hiện sự tri ân đối với những người có công trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh kể từ nay về sau.

 Cũng theo Bộ LĐTBXH, việc chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ sẽ nâng tầm của ngày Thương binh, liệt sĩ, với ý nghĩa tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam.

 Trao đổi với PV chiều 2/5, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đồng tình với phương án bổ sung 1 ngày nghỉ lễ Tri ân trong năm.

 Ông Quảng cho rằng: “Nước ta có 2 kỳ nghỉ dài, thực tế mình chỉ có 10 ngày nghỉ  lễ Tết (Tết và 30/4, 1/5 và 10/3 (âm lịch) ngày 2/9) thấp hơn rất nhiều so với các nước trong Khu vực. Cụ thể: ở Campuchia nghỉ 28 ngày/năm; Brunei 15 ngày/năm; Indonesia 16 ngày; Malaysia 12 ngày, Myanmar 14 ngày, Philippine 12 ngày, Singapore 11 ngày; Thái Lan 16 ngày… Trong khi hiện Việt Nam chỉ 10 ngày/năm".

 Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động cho biết thêm, hiện thời giờ làm việc bình thường của người lao động nước ta cũng đang ở mức cao với 48h/tuần. Việc tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ, người lao động có thêm một ngày tri ân người có công với đất nước. Bên cạnh đó, họ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

 "Việc bổ sung ngày nghỉ với ý nghĩa tri ân những người có công với đất nước cũng phù hợp với truyền thống, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta và tương đồng với phong tục tập quán của nhiều quốc gia trên thế giới", ông Quảng nói thêm.

 Về đề xuất bổ sung thêm ngày nghỉ lễ dịp 27/7, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: "Tôi đồng tình việc bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ trong năm. Như các quốc gia khác, cũng có những ngày tri ân với những người có công với đất nước. Bên cạnh đó,  đây là cơ hội để lao động được tái tạo sức lao động, chia đều ngày nghỉ trong năm". (Lao Động 3/5, Anh Thư)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2019 tại các bộ, ngành, địa phương

Để có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2019 của Ban Chỉ đạo này tại các bộ, ngành và địa phương.

 Theo đó, kiểm tra việc triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC, tập trung vào những nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch công tác của bộ, ngành, địa phương năm 2019 (tính đến thời điểm kiểm tra).

 Cụ thể, kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành CCHC gắn với tình hình triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của bộ, ngành và địa phương trên tất cả các nội dung của Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ; các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ về CCHC, cải cách thủ tục hành chính; việc triển khai, kết quả thực hiện Kế hoạch  hoạt động năm 2019 của Ban Chỉ đạo.

 Về công tác thể chế, kiểm tra công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

 Kiểm tra việc triển khai và kết quả đạt được của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ các cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch...; việc cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chi phí cho doanh nghiệp; tình hình giải quyết TTHC;...

 Về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có; đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của bộ máy. Trọng tâm chuyên đề: Kiểm tra việc triển khai các Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII.

 Kiểm tra tình hình triển khai đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; trách nhiệm và đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Trọng tâm về tuyển dụng; quản lý cán bộ, công chức, viên chức, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

 Về công tác cải cách tài chính công, kiểm tra việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý đối với cơ quan nhà nước về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; việc ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công.

 Ngoài ra, kiểm tra việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các danh mục đã được phê duyệt; việc triển khai gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. (Báo Chính Phủ Điện Tử 2/5, Chí Kiên)Về đầu trang

Bộ, ngành nào cũng có dữ liệu nhưng không liên thông

Ngay trong chính từng bộ, ngành mỗi hệ thống cơ sở dữ liệu về từng lĩnh vực quản lý lại do một đơn vị 'quản', chưa kết nối nhau. Thực tế này được các diễn giả nêu tại phiên hiến kế về phát triển kinh tế số sáng 2/5.

 Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, ngay ở Bộ cũng đang sở hữu nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau về đăng ký doanh nghiệp, đấu thầu, doanh nghiệp nước ngoài... Nhưng quan trọng theo ông là, hệ thống dữ liệu này chưa kết nối, liên thông với nhau.

 Ở góc độ quốc gia, hiện mỗi bộ có hệ thống thông tin khác nhau, không liên thông với các bộ ngành mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan. "Cần hướng tới tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia, để dùng chung", Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nêu quan điểm.

 Chia sẻ, ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Thông tin & Truyền thông nhìn nhận, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển kinh tế số, nên kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành chưa liên thông. "Khi chưa liên thông, kết nối thì khó nói chuyện xa xôi, cạnh tranh với thế giới", ông Hưng lưu ý.

 Trong khi đó, bà Trần Thị Lan Hương - chuyên gia quản trị công Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dẫn kết quả đánh giá của WB cho biết, Việt Nam ghi điểm ở chính sách liên quan tới hạ tầng công nghệ, khả năng tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào dữ liệu mở, cũng như cam kết của lãnh đạo cấp cao về phát triển kinh tế số. Ngược lại, khía cạnh chưa được đánh giá cao, theo bà Hương, là cơ sở hạ tầng dùng chung, chính sách pháp lý về dữ liệu mở, Chính phủ số...

 "Thực tế thực thi chính sách liên quan tới dữ liệu mở, cơ sở hạ tầng dùng chung... đang có khoảng cách lớn", bà Hương nói.

 Nhấn mạnh dữ liệu là "nhiên liệu của kinh tế", ông Hưng nói, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử và Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì. Theo dự thảo Nghị định chia sẻ, kết nối dữ liệu đang xây dựng, bộ này đưa ra khái niệm "open data" (dữ liệu mở), giúp doanh nghiệp có thêm thông tin hoạt động, sản xuất.

 Nêu vướng mắc trong kết nối dữ liệu, ông Hưng cho rằng, kỹ thuật không phải là vấn đề, mà là ở chính sách. Ông ví dụ với thu phí không dừng trong BOT giao thông tới giờ vẫn chưa triển khai được. "Ở góc độ kỹ thuật không khó, doanh nghiệp hoàn toàn làm được, nhưng vướng mắc ở chính sách", ông một lần nữa nhấn mạnh.

 Nói rõ hơn về "open data", ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Tin học hoá (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, nguyên tắc khi cơ quan này xây dựng dự thảo Nghị định chia sẻ, kết nối dữ liệu là tạo cơ chế, thu thập cơ sở dữ liệu minh bạch, rõ ràng và phù hợp thông lệ quốc tế. Nghị định này cũng nhằm mục tiêu hạn chế thu thập lại cùng một dữ liệu, khắc phục thực trạng hiện nay. Cùng đó, tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; bảo vệ quyền riêng tư, thông tin cá nhân. Nghị định này cũng nêu rõ khái niệm về dữ liệu mở, người dân doanh nghiệp có thể được sử dụng miễn phí. 

Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cho rằng, việc xây dựng và sử dụng dữ liệu mở sẽ là chìa khóa cho nhiều vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân.

 Trước hết, theo ông Bảo, cần phải khẳng định dữ liệu là tài sản. "Đã là dữ liệu và tài sản thì phải có người chủ sở hữu, và từ đó hình thành vấn đề quan trọng là việc trao quyền sử dụng từ người sở hữu cho người sử dụng", ông nói.

 Với bộ phận kinh tế tư nhân, dữ liệu mở là tài nguyên quan trọng, góp phần định hình giá trị, xác định mô hình kinh doanh. Dữ liệu mở sẽ là phương tiện giúp doanh nghiệp hiểu môi trường kinh doanh, việc khai thác văn bản pháp luật trên cơ sở dữ liệu mở, những cổng thông tin giúp doanh nghiệp biết những phạm vi hoạt động. Những dữ liệu này cũng giúp doanh nghiệp hiểu thị trường và tham gia vào thị trường hiệu quả hơn.

 Vì thế, việc xây dựng những giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và khai thác dữ liệu mở sẽ thúc đẩy sự phát triển của bộ phận này. Doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tham gia vào những câu chuyện lớn hơn nhờ vào dữ liệu mở. (VnExpress.net 2/5, Anh Minh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Huyện An Phú (An Giang): Qua kiểm tra, giám sát kỷ luật 74 đảng viên vi phạm

Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, cấp ủy các cấp huyện An Phú đã kiểm tra 121 tổ chức đảng, 288 đảng viên là cán bộ chủ chốt các cấp. Giám sát 18 tổ chức đảng, 30 đảng viên là cán bộ chủ chốt về thực hiện quy chế làm việc; nguyên tắc tập trung dân chủ; đoàn kết nội bộ; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống...

 UBKT các cấp kiểm tra 20 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kết luận vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật 20 đảng viên. Giải quyết tố cáo 1 tổ chức đảng, 16 đảng viên. Kiểm tra 12 tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và thu, nộp, sử dụng đảng phí...

 Qua kiểm tra, giám sát, cấp ủy và UBKT các cấp đã xem xét, thi hành kỷ luật 74 đảng viên bằng các hình thức. Nội dung vi phạm chủ yếu: Chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; phẩm chất đạo đức, lối sống; thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Ngoài ra, UBKT Huyện ủy đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật nhiều đảng viên theo kết luận của thanh tra, bản án của tòa án. (Cổng thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 3/5)Về đầu trang

Kiểm điểm vì để cán bộ, chiến sĩ sử dụng ma túy

Ngày 3-5, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau vừa có văn bản chỉ đạo kiểm điểm nghiêm khắc các tập thể, cá nhân thuộc Công an huyện Thới Bình vì có liên đới trách nhiệm trong công tác quản lý để cán bộ, chiến sĩ vi phạm.

 Ngoài ra, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo cấp ủy, Ban chỉ huy PC04, PC06 kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác chỉ đạo nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng ma túy để xảy ra các vi phạm tại bar Gossip và karaoke Gossip (phường 5, TP Cà Mau, cả hai do ông Trần Văn Đải làm chủ) nhưng không kịp thời phát hiện.

 Như đã thông tin, vào lúc 20h45 ngày 28-2, Công an TP Cà Mau tiến hành kiểm tra hành chính tại Công ty TNHH MTV cà phê Thiên Văn (Gossip Bar). Qua kiểm tra phát hiện 94 người dương tính với chất ma túy (trong đó, có thiếu úy Phan Dương Cảnh, thuộc Công an huyện Thới Bình). Sau đó, ông Phan Dương Cảnh đã bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an Nhân dân.

 Tiếp đến, ngày 7-4, Công an TP Cà Mau tiến hành kiểm tra hành chính tại cơ sở karaoke Thiên Văn Gossip. Qua kiểm tra phát hiện 96 người dương tính với chất ma túy (trong đó, có Từ Thế Duy, nguyên cán bộ Đội xay dựng phong trào bảo vệ ANTQ, Công an huyện Thới Bình). Duy xuất ngũ ngày 5-4.

 Trong một diễn biến khác có liên quan, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có công văn chỉ đạo Công an tỉnh và UBND TP Cà Mau xử lý sai phạm xảy ra tại cơ sở bar Gossip và cơ sở karaoke Gosip; rà soát, chấn chỉnh, kiến nghị xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng ma túy (nếu có).

 Đồng thời, củng cố hồ sơ, thủ tục, làm rõ tính chất, mức độ, quy mô vi phạm của ông Trần Văn Đải (chủ bar Gossip và karaoke Gossip). Đặc biệt, mở rộng điều tra, truy xét số người sử dụng má túy để tìm ra nguồn gốc, xử lý nghiêm theo quy định. (Tuổi Trẻ 3/5, Nguyễn Hùng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc sử dụng ứng dụng thu thập thông tin cá nhân của công dân

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết "Trung Quốc đã biến khu vực xa xôi phía tây Tân Cương thành một khu vực bị giám sát hàng loạt", theo một báo cáo mới được công bố bởi HRW, họ phát hiện những người sống ở tỉnh Tân Cương, chủ yếu là người Hồi giáo, đang bị theo dõi liên tục.

 Trong báo cáo, HRW đã điều tra một ứng dụng di động được chính quyền tại Tân cương sử dụng để kết nối với Chính phủ Trung Quốc. Dựa trên nền tảng ứng dụng tích hợp (IJOP), cơ quan hệ thống tình báo đã sử dụng chúng để lưu trữ thông tin cá nhân của người dân và báo cáo lại các hoạt động của họ.

 Tài liệu này cũng báo cáo về cách chính phủ Trung Quốc thu thập dữ liệu về dân số Hồi giáo ở phía tây Tân Cương, thông qua các chuyến thăm nhà đột xuất, trạm kiểm soát an ninh phân bố chặt chẽ, và thành lập các "trại giáo dục chính trị" để áp chế người dân.

 Vào tháng 3, hãng tin ABC đã gặp ông Baimurat Zhumgay, 39 tuổi, (một người Hồi giáo dân tộc, đồng thời là người tuần tra khu vực Tân Cương) cho biết mình nhận công việc này vì được trả lương cao và bảo hiểm y tế miễn phí.

 Ông được giao nhiệm vụ "Chặn những người đi bộ dọc theo đường phố và thu thập thông tin cá nhân của họ. Dữ liệu sẽ được gửi đến các quan chức cảnh sát Trung Quốc, sau đó họ sử dụng dữ liệu mà tôi thu thập."

 "Ứng dụng IJOP" (ứng dụng thu thập thông tin) có khả năng sở hữu nhiều thông tin cá nhân của công dân, bao gồm các liên kết tôn giáo, số tài khoản ngân hàng và nhóm máu. Ngoài việc lưu trữ thông tin cá nhân, các cơ quan chức năng phân loại công dân thành 36 "loại người" đáng ngờ .

 "Loại người" mà báo cáo đề cập được đánh giá dựa vào "các hoạt động đáng ngờ" như: xuất cảnh ra khỏi Trung Quốc, sử dụng các lối đi riêng trong nhà, lượng điện tiêu thụ cao bất thường... Theo báo cáo, một số tính năng bổ sung của ứng dụng cho phép các cơ quan chức năng theo dõi những người "có tính tôn giáo mạnh mẽ". (Pháp Luật Việt Nam 3/5)Về đầu trang

Mỹ: New York cấm quảng cáo bia rượu trên tài sản thành phố

Thị trưởng New York Bill de Blasio hôm 30/4 đã ban hành lệnh cấm quảng cáo đồ uống có cồn trên mọi tài sản của TP với lý do lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Lệnh cấm sẽ bao gồm các nhà chờ xe buýt, quầy bán báo và điểm phát wi-fi và sẽ có hiệu lực ngay lập tức với các quảng cáo mới, trong khi những quảng cáo hiện tại sẽ được phép duy trì cho đến khi hết hợp đồng.

 "Có quá nhiều người New York đang phải đấu tranh với các vấn đề lạm dụng chất kích thích nghiêm trọng, trong đó có việc uống rượu bia quá mức", ông Blasio cho biết trong một tuyên bố, "lệnh này cấm này tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với y tế và quan điểm bảo vệ hạnh phúc của tất cả người dân New York".

 Cũng theo tuyên bố, đã có gần 2.000 trường hợp tử vong liên quan đến rượu ở TP New York năm 2016 và 110.000 ca cấp cứu liên quan đến rượu, với một số khu vực có tình trạng nặng nề hơn so với những nơi khác. Chẳng hạn, khu Đông Harlem có tỷ lệ nhập viện liên quan đến rượu cao gấp 5 lần so với phần còn lại thuộc vùng Thượng Manhattan.

 Trích dẫn một nghiên cứu của Học viện Y khoa New York năm 2017, văn phòng thị trưởng cho biết quảng cáo đồ uống có cồn có thể làm tăng khả năng người xem uống chúng hay ảnh hưởng đến số lượng mà họ uống.

 Trước đó, hoạt động tiếp thị bia rượt đã bị cấm trên xe buýt và tàu điện ngầm của TP New York vào tháng 1/2018, vấp phải những chỉ trích từ các doanh nghiệp thương mại liên quan. Nhiều TP lớn khác của Mỹ cũng đã ban hành những lệnh cấm tương tự nhưng sau đó bị hủy bỏ dưới nhiều sức ép, chẳng hạn Baltimore và Chicago.

 Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ về việc quảng cáo đồ uống có cồn, cơ quan này vẫn phụ thuộc vào ngành để tự điều chỉnh các hoạt động tiếp thị của mình. (Kinh Tế & Đô Thị 3/5, Hương Thủy)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More