Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 02-5-2019

Post date: 02/05/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1. Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) 1

2.   5 ngày nghỉ lễ: 96 người chết, 96 người bị thương trong 137 vụ tai nạn giao thông. 3

CHÍNH SÁCH MỚI 4

3.   Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2019. 4

4. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức cấp xã. 6

CHỈ THỊ MỚI 7

5. Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá tác động của việc tăng giá điện. 7

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

6.  Khối kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.. 8

7.  Chuyên gia: Doanh nghiệp không thể an toàn khi hệ thống pháp lý kém hiệu quả. 8

8.   Hơn 60 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động. 9

9.  Giá nhân công Việt Nam đang tăng cao. 10

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 11

10.   Vì sao nhân dân cả nước lo lắng nhiều ngày qua?. 11

11. Hành động hiệu quả. 12

QUẢN LÝ.. 13

12. Hai phương án tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia. 13

13.   5 lý do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất có thêm ngày nghỉ lễ 27-7. 15

14.  Hà Nội: Ngăn chặn hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. 16

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 17

15.  Việt Nam kết nối chứng nhận kiểm dịch thực vật qua Cơ chế một cửa ASEAN.. 17

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 17

16. 4 tháng đầu năm: Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 16,45%.. 17

THẾ GIỚI 19

17. Ông Trump có hơn 10.000 tuyên bố "sai hoặc gây hiểu lầm" từ khi tại vị 19

18.  Nga tuột khỏi top 5 nước chi tiêu quân sự nhiều nhất 19

 TIÊU ĐIỂM

Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung 01 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7.

 Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa: Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.  Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Ban soạn thảo thấy rằng việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định.

 Tại dự thảo, Ban soạn thảo đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Và để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo quy định: Trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ. Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác…

 Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu: Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và cụ thể hóa nội dung Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Ban cán sự Đảng Chính phủ, để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, đảm bảo góp phần ổn định chính trị - xã hội, dự thảo đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu như sau:

 Phương án 1: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến đề xuất chọn Phương án 1. Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm, tuy nhiên, phương án 01 là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

 Bổ sung 01 ngày nghỉ lễ: Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7: Dự thảo đề xuất bổ sung 01 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sỹ (ngày 27 tháng 7 dương lịch). Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng đề xuất này phù hợp với truyền thống, văn hóa và đạo lý dân tộc, nguyện vọng của nhân dân. Việc có một ngày nghỉ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bày tỏ sự tri ân đối với không chỉ những người có công đã hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc mà còn là một thông điệp để thể hiện sự tri ân đối với những người có công trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh kể từ nay về sau. Việc chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ sẽ nâng tầm của ngày Thương binh, liệt sỹ, với ý nghĩa tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam.

 Về thời gian nghỉ Tết Âm lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 đã được thực hiện từ 01/5/2013 và đã được đa số nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam là dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.

 Thực hiện Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 01/2019 của Chính phủ giao “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất cách thức nghỉ Tết Nguyên đán mới, bảo đảm vui tươi, đầm ấm, thiết thực và hiệu quả”, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch: Phương án 1 (giữ nguyên hiện hành): Người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp". Phương án 2: Người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù". Quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án 1. (Báo Chính Phủ Điện Tử 30/4, Thanh Quang)Về đầu trang

5 ngày nghỉ lễ: 96 người chết, 96 người bị thương trong 137 vụ tai nạn giao thông

Chiều 1-5, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, bình quân số người chết trong 5 ngày nghỉ lễ năm nay là 19,2 người/ngày, giảm nhẹ so với kỳ nghỉ lễ năm 2018 là 19,75 người chết/ngày.

 Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ Công an, Cục CSGT cùng với lực lượng CSGT công an các địa phương đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), hạn chế thấp nhất số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, giảm các vụ ùn tắc giao thông trong cả nước, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp tụ tập, đua xe trái phép...

 Cụ thể, trên đường bộ, các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, xử lý người điều khiển xe ô tô chở khách, ô tô tải, xe container, xe mô tô vi phạm; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT và ùn tắc giao thông. Trên đường sắt, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, đặc biệt là các đường ngang phức tạp về ATGT. Trên đường thủy, lực lượng chức năng tập trung vào các phương tiện chở khách tại các khu du lịch và các phương tiện vận tải hàng hóa trên sông; kiên quyết đình chỉ những phương tiện thủy không đảm bảo các điều kiện an toàn.

 Thông qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, lực lượng CSGT liên tiếp bắt giữ, xử lý nhiều xe khách nhồi nhét khách trên các tuyến đường như xe khách BKS 36B-002.22 tuyến Hà Nội - Nghi Sơn (Thanh Hóa) chở quá quy định 19 người, bị xử phạt 15 triệu đồng; xe khách 43 chỗ BKS 21B-006.43 tuyến Mỹ Đình - Nghĩa Lộ (Yên Bái) chở quá quy định 31 người, bị xử phạt 40 triệu đồng; xe khách 42 chỗ BKS 37B-005.35 chở quá quy định 15 người, bị xử phạt 20 triệu đồng...

 Trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27-4 đến 1-5), lực lượng CSGT đường bộ cả nước xử lý 11.968 trường hợp vi phạm, phạt tiền 15,262 tỷ đồng; tạm giữ 138 ô tô, 2.288 mô tô và 2.274 giấy tờ các loại.

 Trong lĩnh vực đường thủy, lực lượng chức năng đã xử lý 2.342 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 984 triệu đồng.

 Riêng ngày 1-5, lực lượng CSGT đường bộ cả nước xử lý 2.512 trường hợp vi phạm, phạt tiền 2,564 tỷ đồng; tạm giữ 27 ô tô, 442 mô tô và 423 giấy tờ các loại. Trong lĩnh vực đường thủy, lực lượng chức năng đã xử lý 247 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền 219 triệu đồng.

 Cũng trong ngày 1-5, cả nước xảy ra 26 vụ TNGT, làm chết 16 người, bị thương 17 người, đều là TNGT đường bộ.

 Đáng chú ý, tại Hà Nội xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng vào 0h10' giữa xe ô tô BKS 30F-154.78 đi qua hầm Kim Liên hướng Đại Cồ Việt, khi đến khu vực cột đèn KL3/2 xảy ra va chạm với xe máy không có BKS, trên xe có 2 người. Sau khi gây tai nạn, lái xe tiếp tục điều khiển ô tô bỏ chạy tới ngã 3 Đại Cồ Việt - Tạ Quang Bửu thì bị tổ Y4/141 giữ lại. Hậu quả, vụ tai nạn đã làm 2 người đi xe máy tử vong. Tại thời điểm kiểm tra, nồng độ cồn đo được của lái xe ô tô là 0,751mg/lít khí thở.

 Thống kê trong 5 ngày nghỉ lễ, cả nước xảy ra 137 vụ TNGT, làm chết 96 người, bị thương 96 người, trong đó, đường bộ xảy ra 135 vụ, làm chết 94 người, bị thương 96 người; đường sắt xảy ra 2 vụ, làm 2 người chết. 

So sánh với 4 ngày nghỉ lễ năm 2018, bình quân số người chết trong 5 ngày nghỉ lễ năm nay là 19,2 người/ngày, giảm nhẹ so với kỳ nghỉ lễ năm 2018 là 19,75 người chết/ngày.

 Bên cạnh đó, trong kỳ nghỉ lễ này, nhu cầu vận tải và mật độ phương tiện tăng rất cao, tăng nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ lễ, tại một số tuyến quốc lộ, cao tốc, tuyến đường vành đai, cửa ngõ ra vào thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra ùn tắc giao thông khá nghiêm trọng. (Hà Nội Mới 1/5, Chu Dũng)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2019

Tố cáo sai sự thật, công chức có thể bị xử lý hình sự; Hỗ trợ học phí khóa đào tạo quản trị kinh doanh; Ôtô dưới 20 năm được áp tiêu chuẩn khí thải mới; Đơn giản hóa điều kiện cấp giấy phép cho thuê lại lao động…là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2019.

 Công chức tố cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự: Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo có hiệu lực từ ngày 28/5, có nội dung đáng chú ý là quy định các biện pháp xử lý đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi sau:

 Biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; Cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật. Sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 Hỗ trợ đến 100% học phí khóa đào tạo quản trị kinh doanh: Theo Thông tư 05/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hiệu lực từ ngày 12/5 hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% học phí khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh đối với các đối tượng sau: Học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa có trụ sở tại địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

 Nếu không có điều kiện tham gia đào tạo trực tiếp, học viên có thể tham gia chương trình đào tạo trực tuyến, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Người lao động hoặc cán bộ quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được cung cấp tài khoản để tham gia học tập tại Hệ thống đào tạo trực tuyến trên nền tảng Web hoặc trên thiết bị di động thông minh.

 Tạm đình chỉ tư cách luật sư nếu "trốn" bồi dưỡng nghiệp vụ: Từ ngày 5/5, việc tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư được thực hiện theo Thông tư 02/2019/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Theo đó, thời gian tham gia bồi dưỡng tối thiểu là 8 giờ/năm. Luật sư được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng khi: Viết bài nghiên cứu pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong hoặc ngoài nước; viết sách được xuất bản về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp… Trong trường hợp, luật sư có hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư 6 - 12 tháng.

 Ôtô dưới 20 năm được áp tiêu chuẩn khí thải mới: Có hiệu lực từ ngày 15/5, Quyết định 16/2019 của Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với ôtô cũ đang tham gia giao thông và ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu. Theo đó, ôtô sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 2 từ ngày 1/1/2021. Ôtô sản xuất sau năm 2008 áp dụng mức 2 từ ngày 1/1/2020. Với ôtô cũ nhập khẩu, tiêu chuẩn khi thải được áp mức 4 từ tháng 5/2019. Các loại xe động cơ xăng, dầu diesel sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 1. Theo quy định hiện hành, chỉ có các loại ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mức 5; các phương tiện còn lại đang áp dụng mức 1 là mức thấp nhất.

 Chỉ được nhập khẩu ôtô dưới 16 chỗ chở người qua 5 cửa khẩu: Thông tư 06/2019/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 8/5 quy định ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển: Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Thông tư 06 không áp dụng đối với các trường hợp: - Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng. - Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thủ tướng phê duyệt; mục đích cá biệt theo quyết định của Thủ tướng. - Quá cảnh với các nước có chung đường biên giới và kinh doanh chuyển khẩu.

 Dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho lớp 1: Thông tư 05/2019 có hiệu lực từ ngày 21/5 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, trong đó có tài liệu dạy kỹ năng phòng chống xâm hại. Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 ban hành kèm theo Thông tư 05, Bộ Giáo dục yêu cầu phải có Bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại, giúp học sinh hình thành năng lực tìm tòi khám phá kiến thức thông qua quan sát, vận dụng vào thực tế cuộc sống; Bộ tranh gồm 2 tờ tranh minh họa về phòng tránh bị xâm hại. Một tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái có dòng chữ "Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào cơ thể được đồ lót che kín. Trừ khi học sinh cần được bác sĩ thăm khám"...

 Có bằng nghề được cộng 2 điểm tốt nghiệp THPT: Có hiệu lực từ 23/5, Thông tư 03/2019 của Bộ giáo dục Đào tạo sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia nêu rõ, học sinh THPT, học viên Giáo dục thường xuyên có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề thì được cộng điểm ưu tiên khi xét tốt nghiệp THPT. Cụ thể, thí sinh được cộng 2 điểm nếu xếp loại giỏi với Giấy chứng nhận nghề hoặc loại xuất sắc và giỏi với bằng trung cấp; cộng 1,5 điểm nếu xếp loại khá với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp; cộng 1 điểm nếu xếp loại trung bình.

 Quy định chặt về đạo đức học sinh: Thông tư 06/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 28/5, quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó, học sinh không sử dụng trang phục gây phản cảm; không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật. Quy tắc cũng yêu cầu học sinh không tham gia tệ nạn xã hội; không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục; không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.

 Đơn giản hóa điều kiện cấp giấy phép cho thuê lại lao động: Theo Nghị định 29/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/5, doanh nghiệp được cấp Giấy phép cho thuê lại lao động khi đáp ứng 2 điều kiện sau: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại lao động đảm bảo điều kiện: Là người quản lý doanh nghiệp; Không có án tích; Đã làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 3 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép. Ngoài ra, một số quy định như: Phải xuất trình chứng minh nhân dân khi yêu cầu cung cấp thông tin đo đạc; Cách xác định thời điểm sử dụng nhà ở cũ; về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết…cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2019. (Vneconomy.vn 1/5, Nguyên Hà)Về đầu trang

Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức cấp xã

Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về công chức cấp xã, phường, thị trấn, trong đó sửa đổi, bổ sung trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng.

 Cụ thể, căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức cấp xã và yêu cầu công việc, Chủ tịch UBND cấp huyện được tuyển dụng không qua thi tuyển, xét tuyển đối với các trường hợp đặc biệt sau:

 - Người tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi trở lên ở trong nước hoặc đạt loại khá trở lên ở nước ngoài có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng.

 - Người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và có ít nhất 5 năm công tác trong lĩnh vực cần tuyển dụng.

 Công chức cấp xã được bầu giữ chức vụ quy định là cán bộ cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ (không trong thời gian bị kỷ luật) thì được Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, tiếp nhận trở lại. Trường hợp không còn vị trí chức danh công chức cấp xã thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

 Trường hợp người được tuyển dụng vào công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định này được bố trí chức danh theo đúng chuyên ngành đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày được tuyển dụng, tiếp nhận vào công chức (nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) được tính để làm căn cứ xếp lương phù hợp vào chức danh công chức được tuyển dụng.

 Việc tuyển dụng công chức cấp xã đối với các trường hợp đặc biệt nêu trên, Chủ tịch UBND cấp huyện phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch. Cụ thể, Hội đồng kiểm tra, sát hạch có 5 hoặc 7 thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; 1 ủy viên là lãnh đạo phòng Nội vụ, kiêm Thư ký Hội đồng; 1 ủy viên là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã nơi dự kiến bố trí công chức sau khi được tiếp nhận; các ủy viên khác là đại diện một số bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan.

 Hội đồng kiểm tra, sát hạch có nhiệm vụ kiểm tra về các điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh công chức cần tuyển; sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận. Hình thức và nội dung sát hạch do Hội đồng kiểm tra, sát hạch căn cứ vào yêu cầu chức danh công chức cần tuyển, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch; Hội đồng kiểm tra, sát hạch làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. (Báo Chính Phủ Điện Tử 28/4, Chí Kiên)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá tác động của việc tăng giá điện

Theo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo giá tại cuộc họp ban chỉ đạo cuối tháng 3, ông yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện.

 Bộ này cũng được yêu cầu công khai, minh bạch chi phí đầu vào, kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định. Trước đó từ ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 8,36%, lên mức giá 1.864,44 đồng một kWh.

 Với giá xăng dầu, Phó thủ tướng yêu cầu liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với trích, lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo có dư địa cho bình ổn thị trường. Liên bộ cũng cần chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá mặt hàng này tăng cao, tránh ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát.

Trong diễn biến liên quan, số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê cho thấy, giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36% từ 20/3 và hai đợt tăng giá xăng dầu thêm gần 3.000 đồng trong tháng 4, đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,31%.

 9 tháng cuối năm 2019, theo dự báo của Ban chỉ đạo giá, các mặt hàng thiết yếu trong đó có xăng dầu biến động khó lường. Cùng đó, một số mặt hàng do Nhà nước định giá đang trong quá trình rà soát, xem xét điều chỉnh theo lộ trình thị trường... nên công tác điều hành giá gặp nhiều thách thức. Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, linh hoạt nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, CPI bình quân năm 2019 ở 3,3-3,9%. (VnExpress.net 1/5, Anh Minh)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Khối kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam

Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân đã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, mở lối khơi dậy nguồn lực của khu vực kinh tế vốn lâu nay ít được quan tâm. Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ giúp đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam.

 Ở nhiều ngành, kinh tế tư nhân đã thể hiện vai trò động lực quan trọng như ngành du lịch. Đây cũng là ngành được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam nên sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân trong lĩnh vực này đã cho thấy tính tiên phong của khối kinh tế tư nhân trong phát triển tương lai của đất nước.

 Trèo đèo, vượt suối, chui vào hang ngầm... những trải nghiệm một không hai trên thế giới - đó chính là những gì du khách có thể cảm nhận về chuyến thám hiểm hang Sơn Đoòng - một sản phẩm của công ty tư nhân. Trước đó, dù nổi tiếng với hàng trăm hang động độc đáo nhưng Quảng Bình cũng chỉ khai thác cầm chừng ở vài tour du lịch lẻ tẻ. Còn hiện nay, khi tư nhân tham gia khai thác, số lượng và chất lượng tour được nâng cấp lên tầm quốc tế.

 Sự thay đổi cũng diễn ra nhanh chóng với hạ tầng du lịch. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt các dự án được tư nhân đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng du lịch Việt Nam. Giờ đây, các hệ thống khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao với các thương hiệu hàng đầu thế giới đã hiện diện ở Việt Nam.

 Sự đóng góp của tư nhân không chỉ ở vốn đầu tư mà quan trọng hơn là sự linh hoạt và sáng tạo của khối kinh tế này nâng cao được năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. (VTV.vn 29/4)Về đầu trang

Chuyên gia: Doanh nghiệp không thể an toàn khi hệ thống pháp lý kém hiệu quả

"Chúng ta vẫn chưa đạt đến những chuẩn mực tiên tiến hàng đầu trong khu vực và thế giới. Có thể nói môi trường kinh doanh trong nước vẫn chưa thật sự thuận tiện, thiếu tính an toàn, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, chi phí chính thức và không chính thức vẫn còn rất lớn".

 Đây là khẳng định của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh chủ đề phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, cơ hội và thách thức dự kiến nằm trong chương trình thảo luận chuyên sâu của Diễn đàn Phát triển kinh tế tư nhân 2019 sẽ diễn ra ngày 2/5/2019 tại Hà Nội.

 Chia sẻ với báo chí, khá nhiều chuyên gia, doanh nghiệp thụ hưởng chính sách có những đánh giá toàn diện về kinh tế tư nhân, đưa ra lời khuyên về chính sách phát triển, hướng đi cho nền kinh tế.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết: Môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay là khá hấp dẫn và chuyển biến tích cực cho đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, về chủ quan, doanh nhân, doanh nghiệp nước ta còn non trẻ, mục tiêu kinh doanh của họ là tối đa hóa lợi nhuận. Vì vậy, thậm chí có người tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi cách như gian lận, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế...

 Ông Điều đề xuất, cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, rõ ràng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp.

 Ngoài ra, theo ông Điều, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Những việc gì mà doanh nghiệp tư nhân làm tốt nên để cho doanh nghiệp tư nhân được tham gia.

 "Nhà nước cần có chính sách công bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, tránh tình trạng ưu ái cho các doanh nghiệp FDI hơn các doanh nghiệp trong nước. Chỉ có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng và các doanh nghiệp tư nhân trong nước mới phát triển được", Chủ tịch hội doanh nhân tư nhân Việt Nam nói.

 Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đã có những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên trong tương quan so sánh với khu vực và thế giới thì môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn khá nhiều bất cập.

 "Chúng ta vẫn chưa đạt đến những chuẩn mực tiên tiến hàng đầu trong khu vực và thế giới. Có thể nói môi trường kinh doanh trong nước vẫn chưa thật sự thuận tiện, thiếu tính an toàn, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, chi phí chính thức và không chính thức vẫn còn rất lớn", ông Lộc nói.

 Theo ông này, doanh nghiệp không thể có những hoạt động đầu tư kinh doanh thuận lợi và an toàn khi mà hệ thống thiết chế pháp lý vẫn đang kém hiệu quả. Đây chính là những rào cản đối với hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu thời gian tới là khắc phục được điểm nghẽn trong vấn đề thể chế nêu trên nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh đủ minh bạch, thuận lợi và an toàn cho doanh nghiệp. (Dân Trí 1/5, Nguyễn Tuyền)Về đầu trang

Hơn 60 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 4/2019, cả nước có 14.854 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 167 nghìn tỷ đồng, tăng 19% về số doanh nghiệp và tăng 30,3% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 11,2 tỷ đồng, tăng 27,3%.

 Trong tháng, cả nước còn có 2.714 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 44,4% so với tháng trước; 2.495 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,7%; có 1.904 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 1,2%; 1.189 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,9%.

 Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 43.305 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 542,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 25%. Nếu tính cả 872 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2019 là 1.414,4 nghìn tỷ đồng.

 Bên cạnh đó, còn có 17.463 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng năm nay lên gần 60,8 nghìn doanh nghiệp.

 Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 4 tháng đầu năm nay là 16.984 doanh nghiệp, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

 Trong 4 tháng đầu năm nay còn có 17.265 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 4 tháng đầu năm 2019 là 5.305 doanh nghiệp, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 4.793 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 90,3% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 11,6%. (Báo Chính Phủ Điện Tử 29/4, MK)Về đầu trang

Giá nhân công Việt Nam đang tăng cao

Những năm qua, lực lượng lao động dồi dào đóng một vai trò quan trọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Tuy nhiên, năng suất lao động thấp và tiền lương tương đối cao so với một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á đang được xem là những hạn chế lớn của lao động Việt Nam.

 Với trình độ còn thấp, lao động nhiều nước trong Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, từ lâu lấy giá nhân công rẻ làm lợi thế cạnh tranh. Lợi thế này cũng đang giảm dần do giá nhân công trong khu vực đang ngày càng tăng để phù hợp chi phí sinh hoạt tăng và nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đáng chú ý, giá nhân công tại Việt Nam đang cao hơn so với một số quốc gia khác

 Tại ASEAN, Singapore và Brunei là hai nước không quy định lương tối thiểu. Trong số 8 nước có quy định lương tối thiểu, Việt Nam có mức lương tối thiểu không phải là thấp.

 Một báo cáo hồi cuối năm 2018 của WB nói rằng, chi phí nhân công ở Việt Nam vào hàng cao nhất trong các nước ở khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo này, tổng chi phí bình quân hàng năm mà mỗi doanh nghiệp ở Việt Nam phải trả cho lao động vào khoảng 2.739 USD/người. Con số này cao gấp đôi so với ở Lào, Myanmar và Malaysia, đồng thời cao hơn 30-45% so với ở Campuchia, Thái Lan và Philippines.

 Một điểm đáng mừng mà báo cáo trên chỉ ra là tính trung bình, mỗi lao động trong ngành chế biến - chế tạo ở Việt Nam sản xuất khoảng 10.500 USD giá trị gia tăng mỗi năm, cao hơn so với ở một số quốc gia khác trong Đông Nam Á như Malaysia (10.000 USD) hay Campuchia (5.000 USD).

 Một báo cáo từ Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) nói rằng, chi phí lao động tăng là một rủi ro lớn trong môi trường đầu tư ở Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Hơn 60% các công ty Nhật được JETRO khảo sát ý kiến nói rằng chi phí nhân công cao là một trở ngại ở Việt Nam. Bởi vậy, lợi thế của Việt Nam với tư cách một điểm đến có giá nhân công rẻ đối với các công ty Nhật Bản đang giảm dần.

 Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện của JETRO tại Tp.HCM cho biết, rủi ro chi phí nhân công tăng đã nhảy từ vị trí thứ 3 vào năm 2016 lên vị trí số 1 vào năm 2018 trong danh sách những mối lo của doanh nghiệp Nhật khi đầu tư vào Việt Nam.

 Do chi phí nhân công tăng mà năng suất lại thấp, người lao động tại nhiều nước ASEAN đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa. Một báo cáo năm 2018 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nói rằng, các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Campuchia có thể sẽ chứng kiến nhiều người lao động bị mất việc làm vì tự động hóa.

 Báo cáo ước tính, gần 3/5 số công việc tại các nước này đối mặt rủi ro cao vì sự xuất hiện của máy móc thay thế con người. Tỷ lệ này đối với Thái Lan là 44%, Philippines là 49%, Indonesia là 56%, và Việt Nam là 70%. (Vneconomy.vn 25/4, Kiều Oanh)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Vì sao nhân dân cả nước lo lắng nhiều ngày qua?

Người viết bài này mong rằng những người bạn yêu mến của tôi trong “ngôi nhà Blog Dân trí” hãy gửi đến ông lời chúc mừng và cầu mong ông mau lành bệnh để gánh vác trọng trách mà Đảng và Nhân dân đã gửi gắm vào ông.

 Những ngày qua, nhân dân cả nước hồi hộp và lo lắng, song một tin rất vui đến trước thềm các ngày nghỉ lễ, đó là sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang phục hồi và ông sẽ sớm trở lại làm việc.

 Trả lời câu hỏi của cử tri Nguyễn Học Sỹ “Hôm qua, tôi có nghe Chủ tịch Quốc hội trả lời cử tri ở quận Ninh Kiều, nhưng hôm nay tôi xin bà nói rõ về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước để cho nhân dân an tâm. Bởi vì, chúng ta không thông tin thì các thế lực thù địch sẽ xuyên tạc...”.

 Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa thông báo: "Tổng bí thư, Chủ tịch nước, trong chuyến đi công tác Kiên Giang do ngoài kia còn đang mát mẻ, thời gian đó còn hơi lành lạnh vào đây thì nóng khủng khiếp, di chuyển rất nhiều, đường xá chưa được tốt, cường độ làm việc cao có ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng chí đã được các bác sĩ chăm sóc kịp thời nên đã ổn định, đang phục hồi và sẽ sớm trở lại làm việc để nhân dân yên tâm".

 Bà Ngân còn cho biết thêm, khi vào Kiên Giang, ông Trọng làm việc ngay, lại đi ngoài nắng nóng, sau đó vào nhà máy đông lạnh nên sức khỏe bị ảnh hưởng.

 Với sự thay đổi đột ngột về thời tiết, giao thông không thuận tiện, cường độ làm việc cao… thì bất cứ ai cũng có thể ngã bệnh. Huống chi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tuổi đã cao, sức khỏe đã có phần suy giảm thì ốm đau cũng là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên cả. Và vì thế, những thông tin trên như cất đi một gánh nặng lo lắng của nhân dân những ngày qua.

 Người dân lo cho sức khỏe của ông không chỉ vì ông hiện đang là lãnh đạo cao cấp nhất của cả Đảng và Nhà nước mà còn bởi ông là linh hồn của công cuộc phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng.

 Người dân lo cho sức khỏe của ông bởi ông là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin cậy, là “người nhóm lò vĩ đại” trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Người dân lo cho ông còn bởi lòng yêu mến và sự kính trọng đối với cá nhân ông, một tấm gương mẫu mực về nhân cách và phong cách…

 Người viết bài này mong rằng những người bạn yêu mến của tôi trong “ngôi nhà Blog Dân trí” hãy gửi đến ông lời chúc mừng và cầu mong ông mau lành bệnh để gánh vác trọng trách mà Đảng và Nhân dân đã gửi gắm vào ông. (Dân Trí 28/4, Bùi Hoàng Tám)Về đầu trang

Hành động hiệu quả

Trong những tháng đầu năm nay, Hà Nội tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, kinh tế phát triển tương đối toàn diện. Có được kết quả đó là nhờ sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

 Cải cách hành chính được đẩy mạnh, nhiều thủ tục, giấy phép con được cắt giảm, dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh,... đã, đang được thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tất cả tạo ra sự công khai, minh bạch và đích đến không gì hơn là tạo thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều đó đã được ghi nhận khi Hà Nội vươn lên xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố về chỉ số PCI.

 Nhưng không thể sớm thỏa mãn với những kết quả đạt được. Bởi tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường, cộng với thiên tai, dịch bệnh phức tạp đã, đang ảnh hưởng tới nền kinh tế cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Dù vẫn giữ được nhịp độ phát triển, nhưng thành phố đã chỉ rõ ở một số lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Thủ đô như công nghiệp, xuất khẩu, du lịch đang có dấu hiệu chững lại trong những tháng đầu năm. Và để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 từ 7,4% đến 7,6%, ngay từ lúc này đòi hỏi các cấp, các ngành của thành phố phải nỗ lực hơn...

 Tại Chỉ thị số 07/CT-UBND vừa được ban hành hôm 16-4, bên cạnh yêu cầu tập trung chống dịch bệnh trên người và gia súc,... giải pháp quan trọng, xuyên suốt là các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã phải tiếp tục nỗ lực rà soát, tinh gọn các thủ tục hành chính; chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

 Song song với đó, các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

 Mục tiêu và yêu cầu đã rõ. Vấn đề đặt ra là triển khai thực hiện. Trên đã "nóng" và sức nóng đó phải được hấp thụ, lan tỏa. Sự vào cuộc, hưởng ứng tích cực của các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường và mỗi cán bộ, công chức, viên chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm hiện thực hóa các chỉ đạo, hoàn thành mục tiêu đề ra. Với các cơ quan chức năng, không gì hơn, phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục rườm rà, tăng ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 Muốn giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh, cần phải nắm chắc, hiểu rõ bản chất vấn đề để tránh quan liêu, duy ý chí. Để tạo thuận lợi thực sự cho người dân, doanh nghiệp, không gì hơn phải tổ chức gặp gỡ, đối thoại để trực tiếp lắng nghe phản ánh, có sự đồng cảm thực sự, từ đó tìm giải pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Chuyện tưởng như nhỏ nhưng nếu làm tốt sẽ tạo sự trơn tru, thông suốt trong vận hành bộ máy.

 Với mỗi cán bộ, công chức của Thủ đô, không gì hơn là nghiêm túc thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2019”, gắn với Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thành phố Hà Nội. Khi mỗi cá nhân, bộ phận ý thức và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì bộ máy sẽ hoạt động hiệu quả, củng cố niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng. (Hà Nội Mới 30/4, Tuấn Kiệt)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Hai phương án tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội.

 Đây là dự án luật đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, sau đó tiếp tục được xem xét tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 4 vừa qua.

 Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, B, C là vấn đề qua nhiều vòng thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau. Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C.

 Thảo luận tại Quốc hội, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định hiện hành. Một số ý kiến khác cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát.

 Có ý kiến đề nghị xem xét đối với các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư để phù hợp với thực tiễn.

 Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 4 vừa qua, phương án được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị là điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị ở mức gấp 2 lần so với quy định hiện hành.

 Dự thảo báo cáo giải trình xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội lần này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu hai phương án án.

 Phương án 1: tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu, xin giữ như quy định hiện hành vì: Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định tại điều 11 về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công…

 Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng như hiện nay là không phát sinh vướng mắc trong thực hiện, trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 và khóa 14 chỉ có 2 dự án trình Quốc hội.

 Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia như luật hiện hành.

 Phương án 2: tiếp thu ý kiến một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án cho phù hợp với thực tiễn biến động giá cả và quy mô dự án là cần thiết, tuy nhiên mức đề xuất của Chính phủ điều chỉnh tăng lên 3,5 lần so với mức hiện hành là quá cao.

 Thực tế, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 15%, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (GDP) bình quân của giai đoạn 2014-2018 tăng khoảng 6,55%/năm, so với thời điểm năm 2014, GDP năm 2018 tăng khoảng 37%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn. Tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%, theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5 lần mức quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành.

 Tuy nhiên, để bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ áp dụng phù hợp trong dài hạn, xin điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị ở mức gấp 2 lần so với quy định hiện hành và thể hiện tại các điều 7, 8, 9, 10 của dự thảo luật mới.

 Đối với các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa ra hai phương án.

 Phương án 1: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư... được quy định thống nhất trong Luật Đầu tư công hiện hành và Luật Đầu tư. Các tiêu chí dự án liên quan đến tác động môi trường, sử dụng đất rừng, đất lúa, tác động đến dân cư... nêu trên đều là những vấn đề quan trọng của quốc gia, cần phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời để bảo đảm tính thống nhất về chính sách được quy định ở các luật khác.

 Do đó, không điều chỉnh các tiêu chí liên quan đến môi trường, diện tích đất rừng, đất lúa, dân cư… đối với phân loại dự án quan trọng quốc gia trong dự thảo luật.

 Phương án 2: với tiêu chí quy định về dự án quan trọng quốc gia đối với dự án thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn và dự án nằm trong diện tích trồng lúa nước như luật hiện hành ở mức khá hẹp (diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn 50 héc ta, đất trồng lúa với quy mô 500 héc ta) sẽ dẫn tới số lượng dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương tăng lên, kéo dài thời gian, thủ tục khi địa phương phải trình Quốc hội xem xét, quyết định các dự án này.

 Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư... là cần thiết để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Do đó, đề nghị điều chỉnh quy định về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, đất dân cư quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 điều 7 của dự thảo luật cho phù hợp với thực tiễn. (Vneconomy.vn 1/5, Nguyễn Lê)Về đầu trang

5 lý do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất có thêm ngày nghỉ lễ 27-7

Theo Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra đề xuất có thêm ngày nghỉ lễ trong năm là Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7). Nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao ngày của người có công mà lại Bộ lại đề xuất cho người lao động cả nước được nghỉ? 

Trong tờ trình phủ về Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, Ban soạn thảo đã nêu ra 5 lý do đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ để tri ân người có công (vào ngày 27-7 dương lịch). Đó là:

 - Năm 1947, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chọn ngày kỷ niệm Thương binh, liệt sỹ và bảo vệ công tác thương binh liệt sỹ, ngày 27 tháng 7 hàng năm được Trung ương lựa chọn làm ngày Thương binh, liệt sỹ.

 Liên tục hơn 70 năm qua, thực tế là cứ vào ngày 27 tháng 7 hằng năm, từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành đều dành thời gian để tổ chức các hoạt động thiết thực và tình nghĩa để tri ân các anh hùng, liệt sỹ, động viên, thăm hỏi, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, những người có công trên cả nước. Ngày 27-7 hằng năm đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam, biểu thị lòng tri ân, bày tỏ nghĩa tình sâu nặng của con cháu đối với những Người có công với đất nước và thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam: "Uống nước nhớ nguồn". Thêm vào đó, truyền thống "Ăn quả nhớ Người trồng cây", "tôn sư trọng đạo", "Tri ân" những người giúp đời, giúp người luôn thấm đẫm trong suy nghĩ và hành động của nhân dân ta.

 - Số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm của người lao động (NLĐ) Việt Nam hiện nay là ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực (Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 12 ngày, Myanma là 14 ngày, Philippin là 12 ngày, Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày, trong khi tổng số ngày nghỉ lễ, Tết hiện tại của Việt Nam là 10 ngày). Việc tăng thêm 01 ngày nghỉ lễ cũng giúp cho NLĐ có thêm một ngày nghỉ trong năm để vừa tri ân người có công, vừa nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động, vừa có thêm thời gian dành chăm lo gia đình và để vừa góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.

 - Việc bổ sung ngày nghỉ lễ thực chất là việc điều chỉnh các ngày nghỉ lễ trong một năm cho hợp lý hơn, đặc biệt trong suốt khoảng thời gian 4 tháng, từ ngày 02 tháng 5 đến ngày 01 tháng 9 hiện đang không có một ngày nghỉ lễ nào. 

 - Tương đồng với phong tục, tập quán lựa chọn ngày nghỉ lễ của nhiều quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như: Canada, Pháp chọn ngày 11/11 hằng năm để tưởng niệm tất cả những người hy sinh vì tổ quốc, với phương châm tưởng nhớ, đoàn kết và khoan dung; nước Mỹ chọn ngày thứ hai cuối cùng của tháng 5 là ngày tưởng niệm liệt sỹ[1]; Nga chọn ngày 9/5 là ngày nghỉ lễ mừng Chiến thắng phát xít Đức, trong lễ mừng có tưởng nhớ đến những người hy sinh; Hàn Quốc, từ năm 1956 chọn ngày 6/6 là ngày tưởng niệm những người lính Hàn Quốc đã hy sinh; Indonexia chọn ngày 10/11 là Ngày anh hùng…

 - Phù hợp với truyền thống, văn hóa và đạo lý dân tộc, nguyện vọng của nhân dân: Việc có một ngày nghỉ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bày tỏ sự tri ân đối với không chỉ những người có công đã hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc mà còn là một thông điệp để thể hiện sự tri ân đối với những người có công trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh kể từ nay về sau. Việc chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ sẽ nâng tầm của ngày Thương binh, liệt sỹ, với ý nghĩa tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam.

 Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi đang được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến góp ý của toàn thể nhân dân. (Pháp Luật TPHCM 30/4, TM)Về đầu trang

Hà Nội: Ngăn chặn hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp

Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020" vừa quyết định thành lập đoàn công tác nhằm khảo sát, đánh giá tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố.

 Đoàn khảo sát gồm 7 thành viên do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU làm Trưởng đoàn. Dự kiến, đoàn sẽ tiến hành khảo sát trong 10 ngày (từ ngày 10 đến 20-5) tại 7 đơn vị, gồm: Quận ủy Hoàn Kiếm, Huyện ủy Quốc Oai và 5 sở: Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng.

 Ngoài ra, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo, các quận, huyện, thị ủy; đảng ủy trực thuộc Thành ủy; các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc thành phố còn lại tiến hành tự khảo sát, xây dựng báo cáo kết quả khảo sát gửi về Ban Chỉ đạo Chương trình trước ngày 5-5-2019.

 Đợt khảo sát nhằm cung cấp những tư liệu thực tiễn phục vụ việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố Hà Nội” theo chỉ đạo của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU. (Hà Nội Mới 30/4, Võ Lâm)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Việt Nam kết nối chứng nhận kiểm dịch thực vật qua Cơ chế một cửa ASEAN

Tổng cục Hải quan và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ phối hợp triển khai các công việc để bắt đầu trao đổi thí điểm kết nối chứng nhận kiểm dịch thực vật qua Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) giữa Việt Nam và Indonesia.

 Theo đó, phía Cục Bảo vệ thực vật sẽ phải chuẩn bị dữ liệu và hệ thống thử nghiệm sẵn sàng cho việc cấp chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu để kết nối với Cổng một cửa quốc gia trong quá trình trao đổi dữ liệu chứng nhận kiểm dịch thực vật với ASW.

 Dự kiến việc trao đổi thí điểm chứng nhận kiểm dịch thực vật sẽ được triển khai từ 01/7/2019.

 Theo Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa ASEAN là một môi trường trong đó các cơ chế một cửa quốc gia hoạt động và kết nối với nhau. Cơ chế một cửa là một hệ thống cho phép xuất trình dữ liệu và thông tin một lần; xử lý thông tin và dữ liệu một lần và đồng thời; và ra quyết định một lần cho việc giải phóng và thông quan hàng hoá.

 Việc ra quyết định một lần được hiểu rằng cơ quan hải quan là cơ quan ra quyết định duy nhất đối với việc giải phóng hàng hoá trên cơ sở quyết định của các bộ ngành chức năng được kịp thời gửi tới hải quan.

 Như vậy, cơ chế một cửa ASEAN sẽ là một môi trường kết nối bảo mật. Nhưng thay vì kết nối thương nhân, cộng đồng vận tải với các cơ quan chính phủ như cơ chế một cửa tại từng quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN sẽ kết nối tất cả các hệ thống cơ chế một cửa của các nước thành viên.

 Theo đó, thông tin về thương nhân, đơn vị vận tải, hàng hóa, tình trạng quản lý của các cơ quan Chính phủ sẽ dễ dàng được chia sẻ, tham khảo, đối chiếu tại tất cả các nước thành viên. (Vneconomy.vn 29/4, Duyên Duyên)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

4 tháng đầu năm: Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 16,45%

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân thanh toán vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2019. Theo đó, ước giải ngân thanh toán nguồn vốn đầu tư công là 68.548,497 tỷ đồng, đạt 16,45% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 18,67% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 67.361,932 tỷ đồng, đạt 18,24% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 19,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

 Theo đánh giá chung, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2019 các Bộ, ngành, địa phương cao hơn so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, số liệu giải ngân này vẫn chưa đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt giải ngân vốn ngoài nước chỉ là 1.186,565 tỷ đồng, đạt 2,5% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 4,14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

 Bên cạnh các Bộ, ngành có số giải ngân đạt trên 30% kế hoạch vốn được giao, vẫn còn có 33 Bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%; trong đó có 11 Bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn, đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.

 Theo Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm do một số nguyên nhân. Đối với nguồn vốn trong nước, kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao trong tháng 1, theo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phân bổ trước ngày 30/1/2019. Tuy nhiên đến hết tháng 2, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, đồng thời nhập dự toán trên hệ thống Tabmis nên việc triển khai thanh toán chậm...

 Đối với nguồn vốn nước ngoài, việc giải ngân thấp là do kế hoạch 2019 đến 31/1/2019 mới giao. Sau đó các Bộ, ngành, địa phương mới phân bổ cho từng dự án nên kế hoạch vốn 2019 chỉ thực sự được giải ngân từ tháng 3/2019. Phần lớn các dự án vẫn tiếp tục giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2018, đang hoàn thiện hồ sơ để được kiểm soát chi, rút vốn theo Kế hoạch 2019...

 Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, đối với số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, kế hoạch năm 2019 còn lại Thủ tướng Chính phủ chưa giao, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 4 mục II Chỉ thị số 09/CT-TTg.

 Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình cấp thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3-2-2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019.

 Đối với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị rà soát, thu hồi về trung ương số vốn còn lại của kế hoạch năm 2019 đến 31/3/2019 chưa phân bổ cho dự án cụ thể; thu hồi về ngân sách nhà nước số vốn 15,23 tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2019 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị do bố trí thừa, đơn vị không có nhu cầu sử dụng. (VOV.vn 30/4, PV)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Ông Trump có hơn 10.000 tuyên bố "sai hoặc gây hiểu lầm" từ khi tại vị

Báo Washington Post ngày 29/4 đưa tin, chỉ sau hơn 800 ngày tại vị, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra hơn 10.000 "tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm".

 Con số thống kê này, được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu "Công cụ kiểm tra thực tế" của báo Washington Post, đã bắt đầu được tiến hành thu thập từ khoảng thời gian 100 ngày đầu tiên tại nhiệm của ông Trump vào đầu năm 2017. 

Vào thời điểm đó, Tổng thống Trump bình quân chỉ có 5 tuyên bố sai mỗi ngày. Trong 7 tháng qua, con số đã tăng lên bình quân gần 23 lần mỗi ngày, những tuyên bố sai lầm này được đưa ra tại các cuộc họp, trên Twitter, trong các bài phát biểu hoặc trong các cuộc gặp gỡ với giới truyền thông.

 Theo báo trên, trong các cuộc vận động "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại," Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều bình luận sai lầm nhất (22%). Một yếu tố đáng chú ý khác trong những tuyên bố này là ông Trump - cựu ngôi sao truyền hình thực tế và là người thường xuyên chỉ trích các phương tiện truyền thông "đưa tin giả" - có xu hướng lặp đi lặp lại cùng một công thức sai.

 Washington Post cho biết Tổng thống Trump đã vượt qua mốc 10.000 tuyên bố không đúng sự thật vào ngày 26/4 vừa qua. (Thanh Tra 30/4)Về đầu trang

Nga tuột khỏi top 5 nước chi tiêu quân sự nhiều nhất

Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 29/4, tổng chi tiêu quân sự toàn cầu đạt 1,8 nghìn tỷ USD trong năm 2018, tăng 2,6% so với năm 2017 và là mức chi cao nhất kể từ năm 1988.

 Trong đó, top 5 nước chi tiêu quân sự nhiều nhất trong 2018 bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Ấn Độ và Pháp. Nhóm này chiếm 60% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.

 Năm ngoái là năm đầu tiên Mỹ tăng chi tiêu quân sự kể từ 2010 và là năm thứ 24 liên tiếp Trung Quốc tăng chi tiêu cho lĩnh vực này, SIPRI cho hay.

 Báo cáo nói rằng chi quân sự của Mỹ trong 2018 tăng 4,6%, đạt 649 tỷ USD. Chi quân sự của Trung Quốc tăng 5%, đạt 250 tỷ USD. Đứng ở vị trí thứ 6 về chi quân sự trong 2018, Nga rót 61,4 tỷ USD, giảm 3,5% so với 2017.

 Trước đó, từ năm 2010-2015, Nga tăng chi tiêu quân sự hàng năm từ 4,9-16%. Bắt đầu từ 2016, ngân sách quốc phòng của Nga bắt đầu chững lại. Tuy giảm trong 2018, chi tiêu quân sự của Nga trong năm 2018 đã tăng 27% so với năm 2009.

 Chi tiêu quân sự của nhiều nước Đông Âu và Trung Âu gia tăng khá mạnh, cho thấy các nước này thận trọng trước sự nổi lên của Nga. Chẳng hạn, chi quân sự của Ba Lan tăng 8,9% trong 2018, đạt 11,6 tỷ USD; của Ukraine tăng 21%, đạt 4,8 tỷ USD. Chi quân sự của các nước Bulgaria, Latvia, Lithuania và Romania đồng loạt tăng từ 18-24%. (Vneconomy.vn 30/4, An Huy)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More