Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 3-5-2019

Post date: 03/05/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1. Đề xuất thống nhất giờ làm việc trên toàn quốc từ 8h30. 1

2.  Đề xuất thống nhất giờ làm việc trên toàn quốc: Nên hay không?. 2

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 3

3.  Gia Lai: Phát huy hiệu quả hoạt động Tổ xe thồ tự quản phường An Bình. 3

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

4.  Thủ tướng: Việt Nam chỉ hùng mạnh khi doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh toàn cầu. 4

5.Thủ tướng yêu cầu bộ ngành sửa loạt chính sách ưu đãi cho sản xuất ôtô. 5

6.   Doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70% ngành dệt may Việt Nam.. 6

QUẢN LÝ.. 7

7. Chuyển giao một số dịch vụ hành chính công sang doanh nghiệp. 7

8. Bêu tên 3 Bộ không báo cáo giám sát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. 8

9. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy nói về bầu cán bộ ký biên bản họp ma làm Phó Chủ tịch huyện  9

10. Hiệu quả từ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở Quảng Trị 10

11.  Đô thị thông minh có giám sát Cảnh sát giao thông?. 10

12. Công tác thẩm định văn bản: Ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực. 12

13. Siết chặt kỷ luật đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

14.Thanh Hóa: Hạt phó Kiểm lâm lên tiếng vụ mở tiệc "nhận con riêng" linh đình ngay tại trụ sở. 14

15. Hàng loạt Chủ tịch xã ở TP Thanh Hóa bị kiểm điểm.. 15

16.  Nghệ An: Huyện vào cuộc vụ cán bộ lập danh sách khống rút tiền hỗ trợ nông dân. 16

THẾ GIỚI 17

17. UAE thành lập Bộ Không gì là không thể. 17

18. Tổng thống Nga ký ban hành luật Internet 18

 TIÊU ĐIỂM

Đề xuất thống nhất giờ làm việc trên toàn quốc từ 8h30

Theo Bộ LĐ-TB&XH, giờ làm việc như hiện nay chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương, cũng như chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

 Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được công bố, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút. Đề xuất này ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

 Theo Bộ LĐ-TB&XH, ở Việt Nam, hiện tại việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của doanh nghiệp thì do doanh nghiệp quyết định; của cơ quan hành chính thì do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 Việc áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước trên thực tế hiện nay đang xảy ra một số tồn tại. Trước hết là không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè hoặc 7 giờ 30 với mùa đông.

 Giờ làm việc như hiện nay cũng chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương, cũng như chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

 Không đồng tình với đề xuất thống nhất giờ làm việc, chị Nguyễn Ngọc Chi làm việc tại một cơ quan hành chính có trụ sở tại quận Ba Đình cho hay: "Nếu quy định làm từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 1 giờ sẽ rất khó khăn cho người lao động. Chẳng hạn ở Hà Nội, mùa hè trời rất nóng, nếu quy định 8 giờ 30 mới bắt đầu làm việc thì rất khó. Về quy định nghỉ trưa 1 giờ, đa số cán bộ công chức đi làm cách nhà khoảng 5-7 km, nếu chỉ có 1 giờ nghỉ trưa người lao động không đủ thời gian nghỉ ngơi. Nếu không được nghỉ ngơi đủ thì năng suất lao động cũng không cao.

 Bàn về xuất này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, chưa phù hợp với thực tế chung của từng địa phương, cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh việc bảo đảm sự liên kết, kết nối từ trung ương đến địa phương, cơ quan hành chính Nhà nước cũng phải bảo đảm sự hài hòa, hợp lý khi phục vụ người dân. Tại các tỉnh dân cư thưa, không có tình trạng tắc đường, có thể đẩy giờ làm việc chính lên sớm hơn để phù hợp với sinh hoạt của người dân.

 Theo ông Lê Đình Quảng, thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước nên giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định). (An Ninh Thủ Đô 2/5, An Nhiên)Về đầu trang

Đề xuất thống nhất giờ làm việc trên toàn quốc: Nên hay không?

Bộ LĐ-TB&XH vừa đề xuất thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước từ trung ương đến địa phương, dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều.

 Trao đổi với phóng viên, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đã đưa ra những nhận định riêng.

 Theo bà đề xuất thống nhất giờ làm việc của bộ LĐ-TB&XH có hợp lý hay không? Giờ làm việc như thế nào là phù hợp tại Việt Nam?

 Về khung làm việc một ngày 8 tiếng thì luật đã quy định, vấn đề ở đây là bắt đầu làm việc lúc nào và kết thúc vào mấy giờ là điều đáng bàn. Tôi cho rằng cần phải có quy định chung về vấn đề này, tuy nhiên cần có quy định tương đối.

 Thứ nhất, dựa vào thời tiết, khí hậu con người của từng nước. Các nước khác bắt đầu làm việc từ 9h nhưng riêng tại nước ta thì giờ bắt đầu làm việc của một ngày lại khác. 

 Bộ LĐ-TB&XH đưa ra phương án như vậy theo tôi ý đồ của Bộ rất tốt, nhằm tách ùn tắc giao thông giữa giờ học sinh đi học và giờ mọi người đi làm. Nhưng, phải tuỳ theo điều kiện của từng địa phương.

 Ví dụ ở Hà Nội vào mùa hè trời rất nóng mà bắt đầu vào lúc 8h30 thì rất khó. Vì thế, theo tôi cần nghiên cứu phương án thế nào cho phù hợp với khí hậu, thời tiết của từng địa phương, để làm thế nào vẫn tránh ùn tắc, tránh giờ cao điểm nhưng đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.

 Tôi cho rằng không nên quy định toàn bộ các nơi đều làm việc 8h hoặc 8h30, các địa phương có thể chọn một trong hai khung giờ này. Thậm chí, ngay trong một địa phương cũng có thể cho phép một số cơ quan bắt đầu từ 8h, một số cơ quan bắt đầu từ 8h30. Tất nhiên, đồng loạt thì dễ kiểm soát nhưng phải tuỳ vào các đặc thù. Tôi đặc biệt yêu cầu lưu tâm đến các vấn đề thời tiết, khí hậu. 

 Hiện nay, theo quy định cán bộ công nhân viên chức làm hành chính có chế độ nghỉ trưa là từ 1-2 tiếng. Vậy, việc quy định giờ bắt đầu làm và kết thúc ảnh hưởng thế nào đến khung giờ nghỉ trưa? 

 Việc quy định giờ bắt đầu làm việc cũng ảnh hưởng đến giờ nghỉ trưa. Nếu thời tiết mùa đông thì có thể nghỉ 1 tiếng, nhưng mùa hè thời tiết nắng nóng thì phải nghiên cứu lại. Bởi, quy định làm sao để người lao động có hiệu quả. Nếu không được nghỉ ngơi đủ thì sẽ không có năng suất lao động. Vì thế, tôi đề nghị quy định chung nhưng cũng cần có đặc thù riêng, đừng áp đặt một cách đồng loạt, đành rằng áp dụng đồng loạt thì dễ quản lý.

 Để quy định thống nhất giờ làm, giờ nghỉ trưa theo bà ai là người cần đưa ra ý kiến?

 Tôi cho rằng, ngay cả Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng nên bắt đầu làm từ 8h hay 8h30 cũng nên để cho các địa phương có ý kiến. Vì thường có nơi bắt đầu từ 7h30, mùa hè bắt đầu lúc 8h thì quá muộn. Nên tôi cũng đề nghị các địa phương có ý kiến xem phù hợp không. Với mục tiêu đảm bảo sức khoẻ, năng suất cho người lao động cho tỉnh táo… Nhưng, cần nghiên cứu kỹ chứ không nên quyết định rồi bắt đầu sửa không nên. (Nguoiduatin.vn 2/5, Thanh Lam)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Gia Lai: Phát huy hiệu quả hoạt động Tổ xe thồ tự quản phường An Bình

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Tổ xe thồ tự quản phường An Bình, thị xã An Khê không chỉ là địa chỉ tin cậy của khách hàng trong cung cách phục vụ mà còn giúp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ gây rối an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông.

 Tổ xe thồ tự quản phường An Bình, thị xã An Khê hiện có 10 thành viên tham gia hoạt động. Điều dễ dàng nhận ra các thành viên trong tổ đó là đồng phục chỉnh tề và bảng tên ghi rõ tên tuổi từng người để khách hàng nhận biết.

 Theo các khách hàng thường xuyên đi xe thồ tại đây cho biết: Cung cách phục vụ của anh em trong tổ rất tốt, giá thành phải chăng và khi lưu thông trên đường rất cẩn thận.

 Ông Nguyễn Khôi Trí – Tổ 8, phường An Bình, thị xã An Khê, Gia Lai nhận xét: “Là người thường xuyên đi xe ôm ở bến xe ôm này, thấy anh em ở đây phục vụ rất chu đáo, đàng hoàng, không có tình trạng giành giật khách gây mất an ninh. Anh em ở đây chạy theo thứ tự, đến phiên ai thì người đó đi, đưa khách đến nơi đến chốn rất đàng hoàng”.

 Ông Phó Khải Nghĩa – Tổ trưởng Tổ xe thồ tự quản phường An Bình, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Trong ý thức lao động của anh em ở đây thì đã có từ trước rồi chứ không phải sau này nữa. Tuy nhiên sau khi có mô hình ổn định rồi thì chúng tôi cố gắng nâng cao. Trong hoạt động thì mình cảm thấy có gì đó sai trái trong tổ, chiều tối về anh em cố gắng họp lại một chút, ngồi nói chuyện trao đổi để rút kinh nghiệm và xây dựng tổ tốt hơn”.

 Hơn 3 năm đi vào hoạt động, Tổ xe thồ tự quản phường An Bình đã cung cấp cho lực lượng công an địa phương hơn hàng chục tin báo có giá trị, qua đó giúp kịp thời ngăn ngừa nhiều vụ gây rối an ninh trật tự như: Tụ tập đua xe, cướp giật, trộm cắp tài sản. Đặc biệt khi tiếp nhận thông tin những vụ tai nạn giao thông xảy ra, anh em trong tổ đều kịp thời có mặt để cùng lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

 “Dẫu rằng không có ai giao nhưng mà mình cảm thấy sự việc nó sắp xảy ra hoặc là đã xảy ra thì kịp thời báo cáo các anh em công an của phường cũng như công an giao thông kịp thời xử lý tình trạng đua xe trái phép. Trong trường hợp tai nạn giao thông thì mình phải bảo vệ hiện trường, một số anh em cố gắng đưa người bị nạn đi cấp cứu kịp thời” ông Nghĩa nói.

 Trung tá Đậu Công Sơn – Trưởng Công an phường An Bình, thị xã An Khê, Gia Lai đánh giá: “Tôi thấy hiệu quả của mô hình này là rất lớn, góp phần ổn định trật tự xã hội trên địa bàn. Đề nghị các ban ngành chức năng cần quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí để tổ này hoạt động, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn thời gian tới”. (Truyền hình Gia Lai 2/5, Đoàn Bình)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Thủ tướng: Việt Nam chỉ hùng mạnh khi doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh toàn cầu

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 được tổ chức tại Hà Nội ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh toàn cầu.

 Người đứng đầu Chính phủ khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Mỗi một thành phần kinh tế đều đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế của nước ta.

 Thủ tướng cho biết, ba mươi năm đổi mới, chúng ta cùng nhau chứng kiến những thành quả phát triển kinh tế tích cực. Đặc biệt, 2018 là năm thứ 4 liên tiếp cả nước có số DN thành lập mới và số vốn đăng ký kỷ lục.

 "Trong thành công này kinh tế tư nhân nổi lên là lực lượng quan trọng phát triển kinh tế đất nước, chiếm hơn 40% GDP. Nhiều DN tư nhân khẳng định giá trị thương hiệu của mình và được người dân trong nước tin tưởng", Thủ tướng nhấn mạnh.

 Từ thực tiễn các nước, Thủ tướng cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, các ngành, các cấp cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa. "Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những DN tư nhân có thể cạnh tranh toàn cầu", Thủ tướng nói.

 Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá sự thật, làm thế nào để DN quy nhỏ cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu. Hàng triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển thành DN, đóng góp cho xã hội. "Khát vọng vươn ra biển lớn, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khoá thành công", Thủ tướng khẳng định.

 Theo người đứng đầu Chính phủ: Đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan tới công nghệ mà còn nhiều lĩnh vực khác. Nếu tính tổng các nguồn lực, Việt Nam đều thua các đối thủ nhưng chúng ta chiến thắng nhờ sử dụng tài tình nguồn lực, phát huy điểm mạnh của mình.

 "Cần có đột phá về môi trường kinh doanh, hiện nay còn nhiều rào cản, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp. Giải pháp đột phá sắp tới là gì. Nhà nước, DN cần làm gì với lộ trình ra sao? DN là người lăn lộn thực tế, thấy rõ nút thắt... Chúng tôi tới đây để lắng nghe ý kiến của doanh nhân", Thủ tướng kỳ vọng.

 Thủ tướng muốn đề cập tới tinh thần doanh nghiệp: Chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp không bằng lòng với hoàn cảnh đang có, nỗ lực tiềm kiếm công nghệ, thị trường mới và doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính.

 "Tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh. Các DN tạo ra sản phẩm có thương hiệu, cạnh tranh là góp phần làm hình ảnh Việt Nam sáng chói trên vũ đài quốc tế", Thủ tướng khẳng định.

 Dẫn chứng nhiều câu chuyện về kinh tế tư nhân, khởi nghiệp thành công, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Đây là động lực lớn nhằm khơi dậy mọi tiềm năng khởi nghiệp của kinh tế tư nhân.

 Thủ tướng kêu gọi củng cố niềm tin thông qua môi trường bình đẳng, minh bạch, vun đắp tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân. "Khu vực kinh tế tư nhân giàu tiềm lực, góp phần lan tỏa sức mạnh mềm. Thủ tướng muốn nghe những tham vấn có trách nhiệm từ khu vực tư nhân. Tiếp thu thoả đáng hoạch định nội dung chiến lược trong giai đoạn tới", Thủ tướng nói. (Dân Trí 2/5, Nguyễn Tuyền)Về đầu trang

Thủ tướng yêu cầu bộ ngành sửa loạt chính sách ưu đãi cho sản xuất ôtô

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng về tình hình phát triển ngành công nghiệp ôtô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. 

 Dựa trên đề xuất của tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu sửa đổi nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành ôtô và ngành hỗ trợ tại địa phương.

 Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các chính sách về ôtô để ngành công nghiệp ôtô phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là công nghiệp hỗ trợ, trong đó có sản xuất phụ tùng, động cơ mang lại giá trị gia tăng cao.

 Các bộ, ngành phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực nhân lực chất lượng cao để thu hút các tập đoàn ôtô lớn trên thế giới, nghiên cứu thị trường trong nước và xuất khẩu để sản xuất các mặt hàng phù hợp, trong đó có tính tới việc xuất khẩu ôtô nguyên chiếc và linh kiện ôtô. Đáng chú ý, một số kiến nghị của tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng cũng chỉ đạo giải quyết.

 Cụ thể, về kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và báo cáo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

 Về đề nghị mở rộng khu công nghiệp Gián Khẩu, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và báo cáo Chính phủ quyết định.

 Về đề nghị có chính sách ưu đãi đặc thù cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, chính sách thuế đối với ngành ôtô, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp ôtô, doanh nghiệp hỗ trợ, báo cáo Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

 Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sửa đổi quy định tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài trong các liên doanh ôtô không vượt quá 50%.

 Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ được yêu cầu xem xét điều chỉnh khái niệm "lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô và một số linh kiện ô tô" trở thành "ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao".

 Về kiến nghị bổ sung các đối tượng áp dụng chính sách ưu đãi tại Nghị định 125 là các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện hỗ trợ, doanh nghiệp 100% vốn tư nhân sản xuất các mặt hàng, phụ kiện cho ngành ôtô, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, cùng các bộ, ngành liên quan xem xét nghiên cứu, rà soát, báo cáo Thủ tướng giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền. (Cafef.vn 2/5)Về đầu trang

Doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70% ngành dệt may Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hiện các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70% ngành dệt may, do vậy các nhà đầu tư trong nước cần làm chủ tình hình, thúc đẩy đầu tư trong bối cảnh CPTPP vừa có hiệu lực.

 Chủ đề doanh nghiệp và CPTPP là một trong những nội dung quan trọng thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra sáng ngày 2/5.

 Theo đó, trước Việt Nam, CPTPP đã có hiệu lực với 6 nước từ ngày 30/12/2018, bao gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.

 Với quy mô 11 quốc gia, Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu.

 Theo tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2030.

 Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Hiệp định CPTPP có mức độ cam kết rộng, sâu hơn, không chỉ đề cập các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ... mà còn có những cái mới như lao động, doanh nghiệp...

 Đặc biệt, hiệp định đặt ra yêu cầu cao về quản trị minh bạch, được kỳ vọng là thúc đẩy tiến trình, sáng tạo, thương mại, đầu tư trên thế giới và các bên, giúp nâng cao mức sống cho người lao động, người dân.

 Giống như tham gia WTO, tham gia CPTPP là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế. CPTPP hỗ trợ tiến trình đổi mới, tăng trưởng, giúp Việt Nam hoàn thiện môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, liêm chính, khách quan của bộ máy nhà nước.

 Nếu các điều kiện khác đều thuận lợi, Hiệp định này giúp Việt Nam có thêm điều kiện thu hút mạnh đầu tư, để thực hiện tiềm năng xuất khẩu, gia tăng hàng xuất khẩu. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào Việt Nam, biến Việt Nam thành thị trường sản xuất mới của họ, thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức.

 Tuy nhiên, ông Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải thách thức lớn, lớn nhất là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường, sau đó, trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngự, kêu gọi hỗ trợ chuyển sang tích cực, chủ động.

 "Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP", ông Khánh nói. (Vneconomy.vn 2/5, Duyên Duyên)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chuyển giao một số dịch vụ hành chính công sang doanh nghiệp

Đây là nội dung được nêu tại Quyết định 75/QĐ-BCĐCCHC ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

 Theo đó, trong năm 2019, các bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính sau đây:

 Nghiên cứu, xây dựng Đề án chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà các cơ quan nhà nước không nhất thiết phải thực hiện; …

 Tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; không để phát sinh điều kiện kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành không cần thiết; không lồng ghép, bổ sung các điều kiện kinh doanh mới vào các văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

 Nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp.

 Nghiên cứu và xây dựng Đề án chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà các cơ quan hành chính nhà nước không nhất thiết phải thực hiện; đổi mới phương pháp, cách thức giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả, thuận tiện, phục vụ theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. 

Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; cho ý kiến về phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành đề xuất; khảo sát, đánh giá và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

 Tiếp tục triển khai vận hành và nâng cao hiệu quả cổng thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính; công khai kết quả tiếp nhận, xử lý kiến nghị. Người đứng đầu bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về giải trình và giải quyết các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. (Doanhnghiepvn.vn 2/5, Minh Thu)Về đầu trang

Bêu tên 3 Bộ không báo cáo giám sát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường là ba cơ quan, đơn vị không báo cáo về thực hiện giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2018.

 Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố về công khai giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào các doanh nghiệp và báo cáo của các cơ quan, đơn vị chủ quản, chủ sở hữu về việc đầu tư vốn Nhà nước vào các doanh nghiệp thuộc quyền.

 Theo đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát các trường hợp phát sinh hoạt động đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2018.

 Đáng chú ý tại danh mục các cơ quan đại diện, chủ sở hữu không thực hiện giám sát hoạt động đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp năm 2018 có 3 Bộ ngành được xem có nhiều doanh nghiệp trực thuộc nhất là: Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và Giáo dục và Đào tạo nhưng lại không có báo cáo đề nghị cùng Bộ Tài chính giám sát.

 Văn bản Bộ Tài chính khẳng định, lý do không thực hiện giám sát vốn Nhà nước vào các dự án mà các Bộ ngành nói trên đứng vai trò là chủ sở hữu vốn Nhà nước là: “Do Bộ Tài chính không nhận được báo cáo và các đơn vị tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện giám sát theo quy định”.

 Các Bộ, ban ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội không thực hiện giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp vì các đơn vị này không có phát sinh vốn Nhà nước đầu tư.

 Cũng theo Bộ Tài chính, 3 bộ, cơ quan ngang bộ là chủ sở hữu của doanh nghiệp có vốn Nhà nước phát sinh hoạt động đầu tư vào năm 2018 là Bộ Quốc phòng ở việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho 52 doanh nghiệp, trong đó có 17 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng.

 Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Tài chính sẽ thực hiện chức năng giám sát trực tiếp việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho 4 doanh nghiệp là Tổng Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Bắc, Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam, Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam.

 Hai cơ quan ngang bộ, thuộc Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với Bộ Tài chính thực hiện giám sát trực tiếp dự án đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nhà máy in tiền quốc gia. (Cafef.vn 2/5)Về đầu trang

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy nói về bầu cán bộ ký biên bản họp ma làm Phó Chủ tịch huyện

Trước những ý kiến trái chiều về việc giới thiệu bầu ông Võ Thanh Hùng - Chánh văn phòng HĐND & UBND huyện Đức Phổ, một trong những người ký vào biên bản cuộc họp ma, ghi khống đại diện chính quyền để hợp thức hóa chỉ định thầu thu gom rác và chăm sóc cây xanh vào chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện này, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Đức Huy đã bày tỏ quan điểm của mình.

 Trưa 2.5, PV Dân Việt đặt câu hỏi: "Sau khi hoàn tất quy trình giới thiệu bầu Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, mới phát hiện ông Hùng tham gia ký vào biên bản cuộc họp ma hợp thức hóa việc chỉ định thầu trái quy định cho công ty MD trước đó, sẽ xử lý thế nào?", nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Đức Huy bày tỏ quan điểm: "Vẫn phải tiến hành xử lý bình thường. Ngay cả khi đã bầu, hay được bổ nhiệm chức vụ cao hơn nhưng phát hiện trước đó có vi phạm, vẫn bị xử lý bình thường. Cụ thể vi phạm mức nào, sẽ xử lý theo mức đó".

 Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Đức Huy, trường hợp chưa (chuẩn bị giới thiệu) bầu nếu có kết luận của cơ quan chức năng thì có thể dừng việc giới thiệu bầu. Còn trường hợp chưa có kết luận, họ (cấp thẩm quyền) sẽ nghiên cứu, xem xét mức độ vi phạm của ông Hùng nghiêm trọng hay không, để đưa ra mức xử lý phù hợp và đúng quy định.

 Vào sáng cùng ngày, trả lời câu hỏi: "Sau khi phát hiện vi phạm trên, ông Hùng có tiếp tục được giới thiệu để bầu, và như vậy có đảm bảo quy trình?", ông Phạm Thanh Tùng - Phó trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho biết không nắm rõ vụ việc này và từ chối trả lời. Về phía Huyện ủy Đức Phổ, ông Huỳnh Quý - Bí thư Huyện ủy huyện không nghe máy.

 Được biết một trong những cơ sở để ông Trần Em - Chủ tịch huyện Đức Phổ (tại thời điểm trên, hiện là Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi) căn cứ ra quyết định chỉ định thầu trái thẩm quyền (Kết luận thanh tra số 02/KL-UBND, ngày 18.1.2019, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký), đó là Biên bản cuộc họp ma trên, do Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện này lập ra vào ngày 22.8.2017, với sự đồng tình ký tên của các ông Nguyễn Ất Tỵ - Trưởng phòng Tài chính & Kế hoạch (nay là Giám đốc BQL các dự án và phát triển quỹ đất); ông Võ Thanh Hùng - Chánh văn phòng HĐND & UBND huyện.

 Chưa hết, trong biên bản của cuộc họp ma ghi rõ thành phần tham dự có đại diện UBND huyện Đức Phổ là ông Lê Thanh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ (nay là Bí thư Đảng ủy xã Phổ Hòa, cùng huyện). Tuy nhiên sau đó, khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện việc chỉ định thầu trên là sai phạm, ông Tân bị đề nghị xem xét kỷ luật. Theo đó ông Tân đã chứng minh bản thân không tham gia cuộc họp trên. Và trong biên bản cuộc họp ma này, không có ghi bất kỳ đơn vị nào đứng ra chủ trì. (Danviet.vn 2/5, Công Xuân)Về đầu trang

Hiệu quả từ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở Quảng Trị

Không chỉ có Văn phòng, tất cả các Ban Xây dựng Đảng trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Trị đều kiên quyết sắp xếp lại tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

 Sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế đã và đang có nhiều chuyển động tích cực tại nhiều địa phương với những cách làm bài bản, khoa học nhưng không kém phần quyết liệt. Tại tỉnh Quảng Trị, để cán bộ và nhân dân hiểu và tự nguyện chấp hành, các cơ quan của Đảng là những đơn vị gương mẫu thực thực hiện trước.

 Ở Văn phòng Tỉnh ủy, sau sắp xếp đã giảm từ 7 phòng xuống 5 phòng. Ngay cả khi tiếp nhận thêm số lái xe và kế toán của các Ban xây dựng Đảng khi thực hiện mô hình một Văn phòng giúp việc chung, số biên chế của đơn vị này vẫn chưa đủ so với định biên được duyệt.

 Không chỉ có Văn phòng, tất cả các Ban xây dựng Đảng trực thuộc Tỉnh ủy đều quyết liệt sắp xếp lại tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Sau sắp xếp, các đơn vị này đã giảm được 10 phòng và 22 vị trí trưởng, phó phòng.

 Ở các cơ quan Khối Mặt trận, đoàn thể cũng được tinh gọn bài bản như Hội Nông dân, sau kiện toàn đã giảm 2 đơn vị trực thuộc, giảm một phó chủ tịch và hai phó trưởng ban. Kết quả thuyết phục trong tinh gọn bộ máy ở Quảng Trị đến từ cách làm bài bản và khoa học. (VTV.vn 1/5)Về đầu trang

Đô thị thông minh có giám sát Cảnh sát giao thông?

Thực tế là camera được trang bị cho Cảnh sát giao thông (CSGT) tại TP.HCM vẫn chưa đóng vai trò giám sát hoạt động của chính lực lượng này.

 Ngoài camera được trang bị cho CSGT, Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông TP.HCM, Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP.HCM có thể tích hợp với camera của CSGT để giám sát hoạt động của lực lượng này không? Thời gian qua, lực lượng CSGT TP.HCM cũng đã được trang bị camera giám sát có kích thước nhỏ.

 Theo ghi nhận PV Thanh Niên, sáng 24.4, trên xa lộ Hà Nội gần cầu Rạch Chiếc (Quận 2, TP.HCM), tổ CSGT Đội CSGT Cát Lái, thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), thực hiện chuyên đề kiểm tra xử phạt xe máy chạy vào làn ô tô. Có 5 chiến sĩ CSGT được trang bị camera gắn trên ngực, đứng chặn và lập biên bản người đi xe máy vi phạm. Khi CSGT chặn xe, lập biên bản, ống kính camera đều hướng về phía trước để ghi hình. Chính vì điều này, nhiều người đi xe máy chấp nhận lỗi vi phạm và không cự cãi.

 Trước đó, khi triển khai nhiều chuyên đề tuần tra xử lý vi phạm của các Đội CSGT thuộc PC08, các cán bộ, chiến sĩ cũng được trang bị camera đeo trước ngực hoặc trên nón bảo hiểm. Việc gắn camera khi CSGT làm nhiệm vụ được kỳ vọng giám sát quá trình làm việc của CSGT, hình ảnh khi CSGT tuần tra trên đường hoặc xử lý vi phạm, hạn chế tiêu cực.

 Mặt khác, hình ảnh từ camera cũng sẽ được sử dụng làm bằng chứng để xác định lỗi vi phạm trong trường hợp người vi phạm không chấp hành ký biên bản hoặc cự cãi về lỗi khi tham gia giao thông. Trong khi đó, theo ghi nhận của nhóm PV Thanh Niên, một số tổ tuần tra của CSGT không gắn camera giám sát khi làm nhiệm vụ. Liên quan đến vấn đề này, PC08 thừa nhận hiện không đủ số lượng camera cho tất cả các tổ tuần tra. 

Bên cạnh đó, trên thực tế, lực lượng CSGT phần lớn chỉ bật camera khi có sự việc cụ thể; chỉ bật khi CSGT thấy có sự việc cần ghi hình, sử dụng khi có kiện cáo, tranh cãi. Bên cạnh đó, vị trí camera được đặt trên ngực, nón bảo hiểm của CSGT chỉ mang tính chất giám sát hành vi người vi phạm. Hình ảnh từ camera sau khi kết thúc ca trực cũng không có quy định bắt buộc phải chép vào nơi cố định hoặc truyền về trung tâm quản lý. 

Ngoài ra, theo PC08, camera trang bị cho CSGT đến nay vẫn chưa thể kết nối về trung tâm để quản lý. Hình ảnh cần thiết sau mỗi ca trực được chép ra máy tính để lưu trữ. Do đó, thực tế là camera được trang bị cho CSGT tại TP.HCM vẫn chưa đóng vai trò giám sát hoạt động của chính lực lượng này - vốn mang nhiều “điều tiếng” trong quá trình xử lý nghiệp vụ - để đảm bảo sự minh bạch.

 Chính vì thế, chuyên gia giao thông Nguyễn Minh Đồng nhận xét: “Muốn chứng minh cho dân biết là CSGT làm nhiệm vụ trên đường minh bạch bằng cách trang bị camera, nhưng trang bị camera cho CSGT rồi mà thiếu công tác giám sát, giao toàn quyền cho CSGT muốn tắt mở camera khi nào tùy thích thì cũng chưa ổn. Chính vì vậy cần phải xem lại các quy định giám sát CSGT khi sử dụng camera lúc tuần tra”.

 Trong khi đó, đầu năm 2019, giai đoạn 1 của Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông TP.HCM (đặt tại Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, Sở GTVT TP.HCM) chính thức đi vào hoạt động.

 Với hệ thống camera đã có và lắp đặt thêm, trung tâm đã cập nhật và chia sẻ dữ liệu của 762 camera giám sát giao thông với các cơ quan chức năng. Đồng thời, lắp đặt thêm 136 camera đo đếm lưu lượng giao thông chuyên dụng. Trung tâm còn khai thác thông tin tình trạng giao thông từ dữ liệu giám sát hành trình các phương tiện kinh doanh vận tải được chia sẻ từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

 Thông qua hệ thống giám sát, nhân viên vận hành trung tâm sẽ ghi nhận các thông tin về tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM; thông báo kịp thời cho các đơn vị chức năng xử lý về các sự cố giao thông, kỹ thuật hạ tầng; thông tin các sự cố tai nạn; điều hòa giao thông trên các tuyến đường đông xe kéo dài, ùn tắc... (Thanh Niên 2/5)Về đầu trang

Công tác thẩm định văn bản: Ưu tiên bố trí cán bộ có năng lực

Công tác thẩm định văn bản thời gian qua có nhiều đổi mới, đạt kết quả tích cực, song quá trình thẩm định cũng còn nhiều khó khăn cả do nguyên nhân khách quan và chủ quan.

 Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (VBQPPL), Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định…

 Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản, thẩm định là một khâu rất quan trọng, bắt buộc phải đáp ứng 6 nội dung cơ bản theo tinh thần Luật Ban hành VBQPPL, đặc biệt là yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của các dự án, dự thảo và tính tương thích với các điều ước quốc tế, góp phần kiểm soát, nâng cao chất lượng văn bản.

 Báo cáo một số nội dung của công tác thẩm định và việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định tại phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ đã thẩm định 71 dự án, dự thảo. Theo đó, Bộ Tư pháp đánh giá các cơ quan chủ trì soạn thảo cơ bản đảm bảo hồ sơ đầy đủ, chất lượng của các tài liệu trong hồ sơ từng bước được nâng cao. 

Về thời hạn thẩm định, quy định là 20 ngày nhưng trung bình Bộ Tư pháp hoàn thành việc thẩm định là 15 ngày. Đặc biệt, một số trường hợp, Bộ đã tập trung nguồn lực, huy động nhiều chuyên gia, nhà khoa học để rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng (tổ chức thẩm định và có báo cáo sau 5 ngày).

 Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đánh giá cao, các ý kiến thẩm định đều được cơ quan chủ trì tiếp thu… Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thẩm định VBQPPL vẫn còn tồn tại nhất định. Đó là việc chuẩn bị và gửi hồ sơ thẩm định vẫn còn trường hợp chậm, hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đảm bảo chất lượng.

 Trong quá trình thẩm định một số dự án, dự thảo, sự phối hợp tham gia thẩm định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vẫn còn hạn chế, chưa bố trí được người tham gia hoặc cử cán bộ tham gia không đúng thành phần…

 Bên cạnh đó, phần lớn các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đều được gửi đến Bộ Tư pháp khi trình Chính phủ. Tuy nhiên, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với một số dự án, dự thảo chưa tiếp thu đầy đủ hoặc có giải trình nhưng chưa thuyết phục. Một số dự án, dự thảo chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ hoặc vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định vừa trình Chính phủ. (Kinh Tế & Đô Thị 2/5, Tuấn Phong)Về đầu trang

Siết chặt kỷ luật đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước

Đánh giá về thực trạng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nhiều năm qua, các chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành cho rằng xét về tổng thể, đây là khu vực kinh tế có hiệu quả sản xuất kinh doanh hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực được Nhà nước đầu tư; thậm chí còn nợ nần thua lỗ và thất thoát lớn.

 Nguyên do được đưa ra chủ yếu là cơ chế quản trị ở các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Do đó, để phù hợp với xu hướng toàn cầu, cần đổi mới tư duy quản lý theo hướng thay đổi mô hình từ phi tập trung sang thực hiện thống nhất các quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

 Các ý kiến cũng cho rằng cần nâng cao năng lực quản trị, tăng cường phân cấp, phân quyền và thực hiện công khai, minh bạch hóa thông tin nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản nhất là thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo hướng đi vào chiều sâu.

 Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết với khoảng 70 tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước đang nắm giữ vai trò quan trọng nhất của nền kinh tế với đóng góp khoảng 27-28% GDP và 24% tổng cân đối nguồn thu ngân sách. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng; trong đó có 91% ngành điện, 80% ngành thông tin truyền thông, 79% là ngành khai khoáng, 57% ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

 Hiện tại, ba tập đoàn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông quân đội đang cùng nhau tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% nguồn nộp ngân sách của khu vực doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước. Vì lẽ đó, ông Cung cho rằng cần phải thận trọng khi đưa các tập đoàn kinh tế Nhà nước trở thành công cụ dẫn dắt, chi phối và điều tiết nền kinh tế bởi nguy cơ rủi ro nếu thiếu cơ chế giám sát hiệu quả.

 Với bài học kinh nghiệm tốt của ngành viễn thông, ông Cung cho hay cạnh tranh và cơ chế thị trường là nền tảng cho các tập đoàn kinh tế phát triển. Theo đó, để phá vỡ thế độc quyền, các tập đoàn kinh tế Nhà nước đang hoạt động song song cùng với các doanh nghiệp đủ điều kiện của khu vực tư nhân. Điều này khiến cho cả người dân và nền kinh tế đều được hưởng lợi, trước hết là về chất lượng, dịch vụ và giá cả.

 Ông Cung khuyến nghị, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, tới đây cần áp dụng công cụ quản trị và giám sát các tập đoàn kinh tế theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đồng thời thiết lập và vận hành hệ thống theo dõi, cảnh báo rủi ro đối với từng ngành và lĩnh vực cụ thể; áp dụng cơ chế ràng buộc ngân sách cứng và thiết lập kỷ luật tài chính đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Đặc biệt, phải tái cơ cấu toàn diện và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành đi đôi đa dạng hóa sở hữu tập đoàn kinh tế Nhà nước.

 Cũng theo ông Cung, không nên ban hành chính sách riêng cho tập đoàn kinh tế hay nhóm các công ty mẹ-con như đấu thầu nội bộ, chỉ định thầu, vì điều này là không phù hợp với thông lệ và thực tế đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như từng có với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam hay các dự án “đắp chiếu," thất thoát, thua lỗ như trước kia.

 Đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho rằng, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

 Các doanh nghiệp không chỉ cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo và trình độ quản trị mà còn huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; bảo toàn, phát triển phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để đây thực sự là khu vực then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển và thực hiện tiến bộ, công bằng, xã hội như Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã đề ra. (Thanh Tra 2/5, Thạch Huê)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thanh Hóa: Hạt phó Kiểm lâm lên tiếng vụ mở tiệc "nhận con riêng" linh đình ngay tại trụ sở

Mới đây, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã lên tiếng về việc dựng rạp tổ chức tiệc linh đình "ngày đoàn tụ" ngay tại trụ sở.

 Theo một số người dân thị trấn Lang Chánh, trưa ngày 30/4, khuôn viên trụ sở rộng hàng trăm mét vuông của Hạt kiểm lâm Lang Chánh được cho dựng rạp, kê bàn ghế để tổ chức buổi tiệc với hàng chục mâm cỗ, liên hoan cho một phó Hạt kiểm lâm về hưu. Việc này khiến người dân nơi đây hết sức ngỡ ngàng.

 Báo Người Lao Động thông tin, bữa tiệc này do ông Lương Hồng Chiên, Hạt phó Hạt kiểm lâm Lang Chánh, đứng ra tổ chức. Trên giấy mời ghi rõ, đây là bữa cơm thân mật "ngày đoàn tụ" với nội dung: "Sau khi về nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, gia đình chúng tôi trân trọng kính mời… tới dự bữa cơm thân mật chung vui "ngày đoàn tụ" cùng gia đình. Địa điểm, tại tư gia ở khu phố Chí Linh, thị trấn Lang Chánh".Được biết một trong những cơ sở để ông Trần Em - Chủ tịch huyện Đức Phổ (tại thời điểm trên, hiện là Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi) căn cứ ra quyết định chỉ định thầu trái thẩm quyền (Kết luận thanh tra số 02/KL-UBND, ngày 18.1.2019, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký), đó là Biên bản cuộc họp ma trên, do Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện này lập ra vào ngày 22.8.2017, với sự đồng tình ký tên của các ông Nguyễn Ất Tỵ - Trưởng phòng Tài chính & Kế hoạch (nay là Giám đốc BQL các dự án và phát triển quỹ đất); ông Võ Thanh Hùng - Chánh văn phòng HĐND & UBND huyện.

 Chưa hết, trong biên bản của cuộc họp ma ghi rõ thành phần tham dự có đại diện UBND huyện Đức Phổ là ông Lê Thanh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ (nay là Bí thư Đảng ủy xã Phổ Hòa, cùng huyện). Tuy nhiên sau đó, khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện việc chỉ định thầu trên là sai phạm, ông Tân bị đề nghị xem xét kỷ luật. Theo đó ông Tân đã chứng minh bản thân không tham gia cuộc họp trên. Và trong biên bản cuộc họp ma này, không có ghi bất kỳ đơn vị nào đứng ra chủ trì.

 Vietnamnet dẫn phán ánh của người dân và khách dự tiệc cho hay, ông Lương Hồng Chiên mở tiệc vừa là để chia tay về hưu vừa là công bố đứa con riêng mà ông mới nhận về.

 Tuy nhiên, trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Chiên xác nhận có mở bữa tiệc và mượn không gian trụ sở Hạt kiểm lâm huyện Lang Chánh để tổ chức, vì nhà ông diện tích chật hẹp.

 "Tôi là người Thái. Theo phong tục, tập quán của dân tộc tôi ở đây, sau thời gian thoát ly địa phương đi công tác, nay nghỉ hưu trở về nên mở tiệc theo hình thức làm vía của dân tộc. Còn thông tin tôi nhận con riêng là không đúng, tôi con cháu rất nhiều, nhưng nói tôi nhận con riêng là bịa đặt", ông Chiên nói.

 Vietnamnet dẫn lời ông Trịnh Trung Nhật - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lang Chánh cho biết: “Việc cho mượn địa điểm tổ chức tại trụ sở làm việc của Hạt kiểm lâm là sai. Do ông Chiên là cán bộ của Hạt, nhà lại gần cơ quan nên chúng tôi nể nang cho mượn”.

 Một số người dân cho rằng, dù là việc cá nhân hay việc tập thể thì việc dựng rạp, tổ chức ăn uống linh đình ngay tại trụ sở làm việc cũng là việc làm rất phản cảm. (Đời Sống & Pháp Luật 2/5, Bạch Hiền)Về đầu trang

Hàng loạt Chủ tịch xã ở TP Thanh Hóa bị kiểm điểm

Hàng loạt Chủ tịch UBND các xã ở TP Thanh Hóa vừa bị Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì có những khuyết điểm, sai phạm liên quan đến các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn thuộc chương trình nông thôn mới.

 Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa vừa ban hành Kết luận thanh tra về Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Thanh Hóa.

 Các mô hình trồng trọt đã tạo được bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như mô hình trồng nấm, ổi tứ quý, dược liệu, trồng hoa… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

 Các mô hình nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã làm thay đổi tập quán, kỹ thuật chăn nuôi của người dân, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. 

Cơ quan thanh tra đã kiểm tra, xác minh xác suất 15 mô hình sản xuất nông nghiệp tại 8 xã Quảng Đông, Quảng Phú, Hoằng Cát, Hoằng Đại, Hoằng Quang, Hoằng Anh, Thiệu Vân, Thiệu Khánh. Qua kiểm tra và theo báo cáo của các hộ tham gia thực hiện dự án cơ bản được thụ hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ mô hình theo quy định.

 Tuy nhiên, các mô hình không được cơ quan chuyên môn của TP Thanh Hóa thẩm định bằng văn bản trước khi thực hiện. Việc UBND TP Thanh Hóa không giao cho cơ quan chuyên môn việc thẩm định các mô hình là chưa phù hợp quy định tại Văn bản hướng dẫn số 14887/HDLN-SNN&PTNN-TC ngày 13/8/2012.

 Mô hình trang trại tổng hợp tại xã Thiệu Vân thanh toán tiền mua thuốc thú y thức ăn gia súc vượt mức quy định.

 Một số xã khi lập hồ sơ thanh toán còn thiếu chặt chẽ, chưa đảm bảo thủ tục quy định, thiếu chỉ định thầu, báo giá, hợp đồng, biên bản thanh lý hợp đồng, việc mua con giống chỉ có giấy viết tay…

 Từ những sai phạm nói trên, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã quy trách nhiệm chưa thẩm định mô hình thuộc về Phòng Kinh tế trong công tác tham mưu triển khai thực hiện dự án; khuyết điểm tồn tại liên quan đến việc chi vượt định mức chế độ quy định, trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND xã Thiệu Vân; khuyết điểm liên quan đến việc lập hồ sơ thiếu chặt chẽ, chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định thuộc về Chủ tịch UBND và kế toán các xã Hoằng Đại, Đông Lĩnh, Quảng Phú, Hoằng Anh, Quảng Cát, Thiệu Khánh, Hoằng Quang.

 Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị lãnh đạo UBND TP Thanh Hóa tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các Chủ tịch, kế toán các xã có mô hình nói trên.

 Hiện nay, mặc dù đã quá thời điểm kiểm điểm nhưng UBND TP Thanh Hóa vẫn chưa có kết quả gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như thông báo. (Thanh Tra 2/5, Văn Thanh)Về đầu trang

Nghệ An: Huyện vào cuộc vụ cán bộ lập danh sách khống rút tiền hỗ trợ nông dân

Sau khi báo Dân Việt có bài phản ánh việc “Cán bộ xã ký, lập danh sách khống rút tiền hỗ trợ nông dân”, UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã vào cuộc kiểm tra và kết luận "những nội dung báo phản ánh là đúng, có cơ sở".

 Theo kết luận của UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An), trong quá trình kiểm tra, xác minh việc cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn đã lập khống danh sách hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn để trục lợi, qua đó làm thất thoát tiền ngân sách nhà nước hơn 100 triệu đồng.

 Qua kiểm tra, đoàn thanh tra huyện Nam Đàn khẳng định nội dung báo phản ánh là đúng cơ sở khi cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Lĩnh thống kê các hộ dân thiệt hại do mưa lũ nhưng “Hộ có hộ không, xóm có xóm không; người có diện tích ít lại được hỗ trợ lớn, người có diện tích lớn lại hỗ trợ ít; lập danh sách ảo, khống dựng lên, có 6 hộ ảo được hỗ trợ lớn; văn bản gửi lên huyện chữ ký xác nhận của người dân, xóm trưởng, mặt trận xóm đều là giả mạo” - kết luận nêu rõ.

 UBND huyện Nam Đàn, giao cho Chủ tịch UBND xã, các bộ nông nghiệp xã Nam Lĩnh chịu trách nhiệm thu hồi số tiền đã chi trả sai quy định của 35 hộ dân với số tiền gần 68 triệu đồng; 8 hộ trả sai quy định hơn 27 triệu đồng; 24 hộ không có kê khai ban đầu, chưa đúng quy định là hơn 38 triệu đồng...

 UBND huyện Nam Đàn yêu cầu UBND xã Nam Lĩnh kiểm điểm nghiêm túc và đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Lưu Đức Quang - công chức nông nghiệp xã do có nhiều sai phạm trong việc lập hồ sơ hỗ trợ thiệt hại bão lũ nuôi trồng thủy sản năm 2017 cho người dân. Tùy tiện trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ sai đối tượng, sai diện tích...

 Trước đó báo Dân Việt đã phản ánh việc vụ Đông năm 2017, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã lập khống danh sách hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn để trục lợi, qua đó làm thất thoát tiền ngân sách Nhà nước hơn 100 triệu đồng khiến nhiều hộ nông dân bức xúc. (Danviet.vn 2/5, Cảnh Thắng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

UAE thành lập Bộ Không gì là không thể

Bộ Không gì là không thể có nhiệm vụ giải quyết những khoảng trống trong quản lý nhà nước ngay từ khi nó chưa phát sinh.

 Đây là cơ quan chính phủ cấp bộ nhưng không cần bộ trưởng và cơ cấu đến tối giản. Bộ Không gì là không thể đang được gửi gắm tham vọng sẽ đưa xã hội Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tiến bộ hàng đầu thế giới thông qua việc xây dựng phương cách hoạt động hoàn toàn mới trong chính phủ.

 Lý giải cho sự ra đời của Bộ Không gì là không thể, Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất Sheik Mohammed bin Rashid cho rằng, thế giới đang biến chuyển quá nhanh, đòi hỏi chính phủ phải thường xuyên được tái cơ cấu. Vậy nhưng chính phủ không thể thụ động chờ vấn đề nảy sinh rồi mới tìm cách giải quyết.

 Theo Thời báo Khaleej (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), Bộ Không gì là không thể hướng tới lường trước những vấn đề sẽ phát sinh trong xã hội, từ đó cung cấp dịch vụ ngay từ trước khi người dân có nhu cầu.

 Phát biểu trong buổi lễ thành lập Bộ Không gì là không thể, Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất nhấn mạnh rằng "Không thể" là cụm từ không được phép xuất hiện trong từ điển của chính phủ nước này. Sự ra đời của Bộ Không gì là không thể để khắc phục triệt để những "khoảng mù" trong quản lý nhà nước.

 Để làm được điều đó, Bộ Không gì là không thể sẽ làm nhiệm vụ chủ động tìm đến người dân, nắm bắt các nhu cầu mới phát sinh của xã hội. Từ đó, phối hợp với các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương cải tiến chất lượng dịch vụ.

 Với mục tiêu hướng tới tương lai, Bộ Không gì là không thể cũng được giao nhiệm vụ phát hiện, vun đắp nhân tài. Xem đây chính là yếu tố then chốt cho sự chủ động trước các thách thức của tương lai.

 Báo Arabian Business cho biết, Bộ sẽ đảm nhiệm vài trò tạo ra các phương thức để phát hiện nhân tài ở mọi lứa tuổi và mọi thành phần xã hội. Đồng thời, tạo ra các kênh sáng tạo để người dân có điều kiện phát triển kỹ năng và tài năng, phục vụ cho xã hội.

 Thời báo Vùng Vịnh cho biết, sau khi thành lập, Bộ Không gì là không thể đã bắt tay ngay vào công việc. Mục tiêu đầu tiên được đặt ra là phải rút giảm thủ tục mua sắm tài sản công từ 60 ngày xuống còn 6 phút, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. (VTV.vn 2/5)Về đầu trang

Tổng thống Nga ký ban hành luật Internet

Tổng thống Nga đã ký ban hành một đạo luật nhằm đảm bảo hệ thống Internet quốc gia hoạt động ổn định trong trường hợp bị ngắt kết nối với cơ sở hạ tầng mạng toàn cầu.

 Theo đạo luật được đăng trên Công báo của Nga, cơ quan giám sát mạng viễn thông của Nga Roskomnadzor chịu trách nhiệm thực hiện "vận hành tập trung toàn bộ mạng viễn thông" nếu có các nguy cơ đối với hoạt động của mạng Internet của Nga. Các biện pháp này bao gồm việc thiết lập một hệ thống định tuyến Internet toàn quốc thông qua các máy chủ trong nước, và ngăn ngừa nguy cơ bị ngắt kết nối của Nga với mạng Internet toàn cầu. 

Các nhà hoạch định chính sách Nga đã nhấn mạnh sự cần thiết ban hành đạo luật trên nhằm đảm bảo an ninh của mạng lưới Internet của Nga. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định Moscow không có ý định tự cô lập kết nối Internet nhưng phải chuẩn bị cho khả năng có thể bị ngắt kết nối khỏi mạng toàn cầu cũng như bảo vệ lợi ích của người dùng Internet.

 Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Putin cũng đã ký ban hành luật cho phép các tòa án phạt và bắt giam những người thể hiện thái độ thiếu tôn trọng nhà chức trách, cũng như ngăn chặn các phương tiện truyền thông đăng "tin giả". (VTV.vn 2/5)Về đầu trang./. 

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More