Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 23-9-2019

Post date: 23/09/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.Phương án thêm 3 ngày nghỉ: Cần tính toán kỹ lưỡng. 1

2.Nghèo không nên nghỉ nhiều. 2

CHÍNH SÁCH MỚI 3

3. Miễn lệ phí cấp, đổi thẻ căn cước công dân cho một số đối tượng. 3

CHỈ THỊ MỚI 4

4. Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 16-20/9. 4

TIN QUỐC HỘI 5

5.   Bế mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 5

6.  Triệu tập kỳ họp thứ 8: Lưu ý đại biểu thảo luận đúng tầm nghị sự Quốc hội 6

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 7

7. Bà Rịa - Vũng Tàu: Giải cứu gần 40 hành khách bị kẹt trong xe khách gặp nạn. 7

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

8. Bloomberg: Các công ty nước ngoài lao đao vì lao động và bất động sản công nghiệp Việt Nam tăng giá. 8

9.Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị cổ phần hóa, thoái vốn vào tháng 9 - 10. 9

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 9

10.Minh bạch tối đa! 9

QUẢN LÝ.. 11

11.44 tỉnh, thành phố đã có phương án sáp nhập huyện, xã. 11

12. Hải Phòng: Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

13. Đột phá cải cách hành chính ở Hà Giang. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 13

14. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa xin nghỉ hưu khi đang bị xem xét kỷ luật 13

15.  Phó giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang bị cảnh cáo. 14

16.  Hà Nội: Truy tố nữ cảnh sát nhận hối lộ 1 tỷ đồng. 15

THẾ GIỚI 15

17. Ấn Độ cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 30% xuống 22%.. 15

18.Thái Lan đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài 15

 TIÊU ĐIỂM

Phương án thêm 3 ngày nghỉ: Cần tính toán kỹ lưỡng

Nhiều người lao động đồng tình với đề xuất này nhưng phía đơn vị lao động cho rằng việc nghỉ thêm sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chi phí vận hành doanh nghiệp.

 Mỗi năm, người lao động được nghỉ 12 ngày phép. Ngoài ra, người lao động cũng được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương trong 10 ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất sẽ được nghỉ thêm 3 ngày lễ, Tết, hưởng nguyên lương.

 Theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam này, có 2 phương án đề xuất như sau:

 Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày (từ 2 đến 5/9).

 Phương án 2: Nghỉ 1 ngày vào 28/6 (Ngày Gia đình Việt Nam) + 2 ngày thêm vào dịp Tết Dương lịch.

 Theo nhiều doanh nghiệp, các ngành hàng chủ lực về xuất khẩu như dệt may, da giày, hải sản… cần tập trung chạy cho kịp tiến độ nên cần tính toán có lộ trình vì việc tăng ngày nghỉ cũng gây áp lực cho doanh nghiệp.

 Theo các đơn vị lao động, hiện số lượng ngày nghỉ lễ của Việt Nam thấp khá nhiều so với các nước phát triển và ngay một số nước trong khu vực như Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, khá tương đồng với các nước gần với Việt Nam như Thái Lan, Maylaysia… Do đó, cần có lộ trình qua từng năm và nên nghỉ vào đợt tết Dương lịch để phù hợp với các nước trên thế giới.

 Nhiều ý kiến cho rằng cần có đánh giá tác động xã hội khi tăng thêm 3 ngày nghỉ trong khi năng suất lao động của Việt Nam còn khá thấp so với ngay các nước trong khu vực nên việc quan trọng nhất là phải tăng năng suất lao động để nâng cao chất lượng lao động, giảm giá thành sản phẩm. (Kênh VTV1 – Bản tin Chuyển động 24h lúc 18h33 ngày 21/9)Về đầu trang

Nghèo không nên nghỉ nhiều

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tăng ngày nghỉ, người lao động không có tiền đi du lịch nên sẽ muốn đi làm khiến doanh nghiệp bị đội chi phí.

 "Chẳng doanh nghiệp nào thích nghỉ thêm 3 ngày cả", ông Đặng Văn Sơn - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy, Bột giấy Việt Nam nói với VnExpress.

  Khi năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực, kinh tế chưa phát triển, đề xuất tăng ngày nghỉ theo ông là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam ở giai đoạn này.

 Ông Sơn cũng cho rằng, trong đề xuất này người lao động có lẽ cũng rất tâm tư. Nếu nhiều tiền, thu nhập cao, có thêm ngày nghỉ là cơ hội để đi chơi, du lịch. Nhưng nếu tài chính không dư dả, tăng số ngày nghỉ sẽ không đạt được ý nghĩa ban đầu.

 Hơn nữa, điều này lại gây khó cho doanh nghiệp, trong trường hợp, vào những ngày nghỉ đó, người lao động không nghỉ lại vẫn muốn đi làm. Lúc này, chi phí của doanh nghiệp lại bị "đội" lên khi sử dụng lao động vào ngày nghỉ.

 Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đồng thời cũng là người đứng đầu một doanh nghiệp may mặc, nói: "Các ngày nghỉ hiện nay của Việt Nam cũng không còn là ít, với tổng số ngày nghỉ trong năm lên 22 ngày (12 ngày phép và 10 ngày nghỉ các loại). Thêm 3 ngày nghỉ này nếu trùng với những vụ mùa sản xuất sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp rất nhiều".

 Ông Dương lý giải thêm, hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam làm gia công tính thời vụ cao. Như ngành điện tử, cuối năm là cao điểm để tập trung sản xuất hoặc nghề cá, vào mùa cá về, ngư dân phải tranh thủ làm để tăng sản lượng, doanh thu. Còn nghề may, có 2 mùa vụ chính đó là mùa xuân và đông, khi vào chính vụ, doanh nghiệp phải tận dụng tối đa thời gian để hoàn thành đơn hàng theo thời hạn đã ký kết.

  Ngoài ra, ông cho rằng, trong điều kiện năng suất thấp mà ngày nghỉ lại nhiều sẽ ảnh hưởng đến GDP của nền kinh tế. Ông ước tính, hiện số ngày làm việc thực tế là 305 ngày, nghĩa là nếu mất 3 ngày là khoảng 1% thời gian lao động một năm.

 "Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trên 7% cho giai đoạn tiếp theo để đuổi kịp các nước trong khu vực, tuy nhiên nếu cứ nghỉ tiếp như vậy khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước sẽ xa hơn", ông nói.

  Ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch VCCI cho rằng, khi các đề xuất trước đây liên quan đến sửa đổi Bộ Luật Lao động như tăng số giờ làm thêm, giảm giờ làm thường xuyên... chưa được "ngã ngũ", đề xuất thêm 3 ngày nghỉ là không khả thi.

 Khi đưa ra đề xuất, Tổng liên đoàn Lao động cho rằng, nâng số ngày nghỉ của người lao động lên 13 ngày một năm thì vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Như Trung Quốc có 21 ngày nghỉ, Campuchia 28 ngày, Indonesia 16 ngày, Philippines 19 ngày, Malaysia 13 ngày, Nhật Bản và Thái Lan đều nghỉ 16 ngày một năm.

 Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, lập luận này không hợp lý, trong bối cảnh năng suất của Việt Nam thấp nhất khu vực, dân số xếp thứ 15 nhưng GDP bình quân xếp thứ 131. "Trong khi năng suất thấp, kinh tế còn nghèo mà nghỉ nhiều thì không nên", ông Dương nói.

 Ông dẫn chứng, GDP của Việt Nam chưa bằng ½ của Thái Lan, ¼ của Trung Quốc... Nên nhìn ở góc độ kinh tế để tính toán thay vì chỉ nhìn vào những con số ngày nghỉ đơn thuần.

 Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ một năm vào các dịp Tết dương lịch, Ngày gia đình Việt Nam (28/6) và dịp Quốc khánh 2/9. Ngay sau đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải có đánh giá tác động với lao động, sản xuất và cuộc sống của công nhân. (Vnexpress.net 22/9, Ngọc Hà)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Miễn lệ phí cấp, đổi thẻ căn cước công dân cho một số đối tượng

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 59/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân, trong đó nêu rõ các trường hợp được miễn, không phải nộp lệ phí căn cước công dân.

 Cụ thể, theo Thông tư 59/2019/TT-BTC quy định, các trường hợp được miễn lệ phí cấp căn cước công dân, bao gồm: Một là, đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.

 Hai là, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

 Ba là, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

 Theo Thông tư, các trường hợp không phải nộp lệ phí gồm: 1. Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu; 2. Đổi thẻ căn cước công dân theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật căn cước công dân; 3. Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.

 Thông tư cũng nêu rõ, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân phải nộp lệ phí thẻ căn cước công dân.

 Mức thu lệ phí nếu công dân chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số hoặc 12 số sang thẻ căn cước công dân là 30.000 đồng/thẻ.

 Trường hợp đổi thẻ căn cước công dân bị hư hỏng không sử dụng được, thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhận dạng, xác định lại giới tính, quê quán, có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu, mức lệ phí là 50.000 đồng/thẻ.

 Trường hợp cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất thẻ, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam, mức lệ phí là 70.000 đồng/thẻ.

 Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/10/2019. (Baochinhphu.vn 22/9, KL)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 16-20/9

Sửa đổi một số quy định về quy hoạch xây dựng; giảm thuế nhập khẩu dầu mỏ thô xuống còn 0%; 2 huyện của TP Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 16-20/9/2019.

 Sửa đổi một số quy định về quy hoạch xây dựng: Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.

 Giảm thuế nhập khẩu dầu mỏ thô xuống còn 0%: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg ngày 1/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo sửa đổi, mức thuế suất nhập khẩu thông thường đối với mặt hàng dầu mỏ thô (mã hàng 2709.00.10) sẽ giảm từ 5% xuống còn 0%.

 Lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng có nhiệm vụ xem xét, thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định để làm căn cứ quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch.

 Thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế: Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế (Hội đồng). Theo quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Y tế.

 Thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn: Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.

 2 huyện của TP Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký các quyết định công nhận 2 huyện Quốc Oai và Gia Lâm (thành phố Hà Nội) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. (Baochinhphu.vn 22/9)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Bế mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau 11 ngày làm việc, chiều 20-9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 37.

 Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là phiên họp dài nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 13 dự án luật cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

 Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị nội dung, tài liệu cho phiên họp có tiến bộ so với các phiên họp trước. Chính phủ đã có sự chuẩn bị, phối hợp và tham dự đầy đủ các nội dung phiên họp để tiếp thu, hoàn chỉnh một bước các nội dung trước khi trình Quốc hội.

 Cho biết phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kéo dài 3 ngày làm việc, sát với thời điểm khai mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, khối lượng công việc cần xem xét khá nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan hữu quan chuẩn bị các nội dung bảo đảm tiến độ.

 Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày tờ trình và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

 Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, xuất phát từ yêu cầu luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cũng như tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, dự luật đã luật hóa việc áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển.

 Ban soạn thảo đề xuất giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; có sân bay quốc tế; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

 Đáng lưu ý, dự luật cũng sửa đổi quy định về thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên đến 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên (theo quyết định của Chính phủ); phân loại các nhà đầu tư theo 4 mức khác nhau để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp.

 Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều đề xuất, nhất là bổ sung trường hợp được miễn thị thực; cấp thị thực điện tử. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh, việc ban hành luật này sẽ góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua.

 Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung dự luật. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2019) theo quy trình một kỳ họp. (Hà Nội Mới 21/9, Hà Phong)Về đầu trang

Triệu tập kỳ họp thứ 8: Lưu ý đại biểu thảo luận đúng tầm nghị sự Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, khai mạc vào ngày 21/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 21/11/2019.

 Gửi công văn mời các đại biểu về dự họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị các vị đại biểu cho phép bổ sung 2 nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 1 kỳ họp.

 Gồm dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

 Tổng thư ký Quốc hội cho biết, ở kỳ họp này các cơ quan hữu quan không gửi tài liệu bằng văn bản giấy, chỉ gửi tài liệu điện tử (trừ tài liệu mật) đến Văn phòng Quốc hội để gửi đến đại biểu Quốc hội. Tổng thư ký đề nghị các vị đại biểu Quốc hội lưu ý sử dụng tối đa các tiện ích của công nghệ thông tin để thuận tiện trong nghiên cứu, sử dụng tài liệu kỳ họp.

 Đáng chú ý, Uỷ ban Thường  vụ Quốc hội lưu ý các vị đại biểu là thời gian qua, cử tri của một số địa phương đề nghị bên cạnh sự cố gắng cải tiến, đổi mới công tác chuẩn bị, phục vụ kỳ họp của các cơ quan hữu quan, các vị đại biểu Quốc hội cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm để hoàn thành tốt chương trình kỳ họp và nâng cao chất lượng các nội dung Quốc hội xem xét, quyết định. Trong đó, việc thảo luận phải vừa bảo đảm phản ánh đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của cử tri vừa đưa ra được những vấn đề có tính chất vĩ mô, đúng tầm nghị sự Quốc hội.

 Đặc biệt, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội cần tập trung kiến nghị những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tránh tình trạng chỉ nêu tình hình, đánh giá chung chung.

 Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, kiến nghị nêu trên của cử tri để chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung phát biểu tại kỳ họp, văn bản của Tổng thư ký nêu rõ.

 Theo dự kiến nội dung kỳ họp thứ 8, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, trong đó có Bộ luật lao động (sửa đổi), Luật Chứng khoán (sửa đổi)... 8 dự án luật được cho ý kiến có Luật về PPP, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

 Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Hồ Văn Năm thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. (Vneconomy.vn 22/9, Nguyên Vũ)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giải cứu gần 40 hành khách bị kẹt trong xe khách gặp nạn

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, một mô hình gắn camera giám sát tại các nút giao thông đang cho thấy hiệu quả sau 1 năm thử nghiệm.

 Từ khi có gắn camera giám sát vào cuối năm 2018, những thay đổi về trật tự giao thông, giảm vi phạm, giảm sự có mặt của cảnh sát giao thông và ý thức người đi đường được nâng cao hơn là thấy rõ.

 Ông Đỗ Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Hệ thống camera ngoài xác định lỗi vi phạm, ghi nhận lại từng tính huống chuyển đến lực lượng chức năng còn có ứng dụng mở, cho phép người dân có thể cài đặt và truy cập trên máy tính bảng hay điện thoại thông minh cá nhân".

 Những tuyến đường, vị trí giao có sự cố, mật độ đông, di chuyển chậm cũng được cảnh báo để người dân có thể tìm lộ trình phù hợp. Đây là một giải pháp hữu hiệu cho mục tiêu giảm tai nạn và nâng cao ý thức giao thông nhờ vào tính tương tác và tận dụng tốt hạ tầng camera sẵn có.

 Mời xem chi tiết trong video tại đường link dưới đây:

https://vtv.vn/trong-nuoc/hieu-qua-ung-dung-cong-nghe-giam-sat-giao-thong-20190922081930758.htm

(Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 22h ngày 22/9) Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Bloomberg: Các công ty nước ngoài lao đao vì lao động và bất động sản công nghiệp Việt Nam tăng giá

Theo số liệu từ Phòng Dân số Liên Hợp Quốc, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 64 tuổi, của Việt Nam là cao hơn mức trung bình trên toàn châu Á và trên toàn thế giới đến năm 2025. Chính phủ Việt Nam cũng đang rất nỗ lực nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực của mình, với các chương trình đào tạo từ các trường học cho đến các nhà máy.

 Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn, ông Huang Yung Cheng, Chủ tịch Hội đồng Phòng Thương mại Đài Loan tại tỉnh Bắc Ninh cho biết, Việt Nam rất khó để cung cấp lao động có trình độ cao cho các công ty công nghệ.

 Các công ty Đài Loan cho biết họ cần thêm 20% đến 30% công nhân để đáp ứng mục tiêu sản xuất, theo biên bản cuộc họp ngày 21/8 giữa các công ty này và chính quyền tỉnh Bình Dương. Cuộc chiến để thu hút lao động sẽ khiến chi phí lao động bị đẩy lên cao hơn. Hiện nay, tiền lương cho các ứng cử viên có trình độ tiếng Trung Quốc phổ thông tăng khoảng 60% hàng năm tại Bình Dương.

 Nhìn rộng hơn, mức lương tối thiểu của Việt Nam năm 2018 ở mức 180 USD một tháng, rẻ hơn nhiều so với ở Thái Lan 274 USD/tháng và chỉ nhỉnh hơn một chút so với Campuchia 170 USD/tháng theo Suan Teck Kin và Manop Udomkerdmongkol, nhà phân tích tại United Overseas Bank. Mức lương tối thiểu của lao động Campuchia đã tăng lên 182 USD/tháng vào đầu năm 2019, và chính phủ Campuchia vẫn đang thảo luận về việc tăng lương tối thiểu trong thời gian tới.

 "Việt Nam có lẽ là điểm đến gần và phù hợp nhất với các công ty muốn vươn quá trình sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Nhưng hiện tại nguồn nhân lực, thị trường tiêu dùng và cơ sở hạ tầng vẫn chưa thể nói là đã theo kịp Trung Quốc", Sean King, phó chủ tịch cấp cao của Park Strategies LLC viết trong một email. "Hơn nữa, năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn 25% -30% so với Trung Quốc. Nói tóm lại, Trung Quốc chỉ có một, không quốc gia nào có thể thay thế".

 "Giá đất cũng là một hạn chế", Tsai Wen Jui, chủ tịch DDK Group (Đài Loan) nói. "Chi phí đất đai trong khu công nghiệp Bàu Bàng đã tăng gấp đôi lên 80 USD mỗi mét vuông so với ba năm trước. Giá tại một số khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương đã tăng lên 150 USD mỗi mét vuông từ mức 65 USD năm 2016".

 Giá cho thuê bất động sản công nghiệp tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ đối với một số tỉnh, trong đó 54,6% ở Bình Dương và 31,1% tại Tây Ninh. Tại Hải Dương, giá đã tăng 29,4%, theo dữ liệu được tổng hợp bởi nhà cung cấp dịch vụ bất động sản Savills Plc. Chi phí nhà ở đã tăng cao ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tăng 20% đối với nhà chung cư trong quý II so với cũng kỳ năm trước. (Trí Thức Trẻ 21/9, Hoàng An)Về đầu trang

Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị cổ phần hóa, thoái vốn vào tháng 9 - 10

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Thời gian tổ chức dự kiến vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 tới đây.

 Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có báo cáo đánh giá tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tài chính và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ trước ngày 25/9.

 Báo cáo cần tập trung vào các nội dung vào tình hình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ 2016 đến tháng 8/2019, trong đó có đánh giá cụ thể về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị, đề xuất.

 Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần báo cáo cụ thể thêm việc triển khai xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01 ngày 5/1/2019. 

Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị nêu trên, Bộ Tài chính trình bày báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

 Đối với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tình hình triển khai hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (dự thảo Luật Doanh nghiệp, dự thảo Nghị định tổ chức hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Quyết định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập; danh mục cổ phần hóa, thoái vốn).

 Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày thực trạng và kết quả giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai của các địa phương, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình bày tình hình triển khai hoạt động của Ủy ban.

 Các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, UBND các thành phố Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, các tập đoàn Viettel, PVN, VNPT, Công nghiệp cao su Việt Nam, Petrolimex, Agribank, SCIC chuẩn bị tham luận tại Hội nghị. (NDH.vn 21/9, Lê Xuân)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Minh bạch tối đa!

Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án được thực hiện theo phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) là một trong những nội dung trọng tâm của dự án Luật PPP sẽ được trình QH tại Kỳ họp thứ Tám tới.

 Quá trình chuẩn bị và triển khai dự án PPP vừa qua ở nước ta vừa qua cho thấy, có quá nhiều cơ quan được phân cấp thực hiện các nhiệm vụ liên quan như lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt tài liệu đấu thầu và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư... Tuy nhiên, công tác quản lý đối với các dự án PPP nhìn chung còn thiếu chặt chẽ, một số cơ quan có trach nhiệm còn buông lỏng chức năng, nhiệm vụ. Công tác thẩm định dự án PPP vẫn chỉ được coi là một thủ tục trong quy trình, không gắn với trách nhiệm phải bảo đảm tính hiệu quả đầu tư của dự án cũng như tính khả thi của phương thức PPP, đặc biệt là đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất.

 Không chỉ ở khâu thẩm định mà thực tế các giai đoạn đầu tư dự án PPP “đều có vấn đề”. Như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã tổng kết ngắn gọn tại Phiên họp thứ 37 của UBTVQH: Giai đoạn 1, chuẩn bị đầu tư không đến nơi đến chốn nên hệ lụy kéo theo sau. Giai đoạn 2, lựa chọn nhà đầu tư, không phải là dự án BOT hay dự án PPP mà dự án đầu tư công bình thường vẫn phải đấu thầu, hiện nay cơ bản thực hiện theo Luật Đấu thầu nhưng cũng làm không chặt chẽ. Giai đoạn 3, thành lập doanh nghiệp và ký hợp đồng PPP. Các giai đoạn này không chuẩn dẫn đến giai đoạn 4 là giai đoạn thực hiện dự án cũng không chuẩn và hệ lụy cứ kéo theo mãi, rồi bảo lãnh, rồi cấp trên phải can thiệp, đủ mọi thứ... Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước nhiều trường hợp lại “tiến thoái lưỡng nan”, “đá bóng trách nhiệm” cho nhau, kể cả khi nhà đầu tư không tuân thủ các cam kết trong hợp đồng dự án về tiến độ góp vốn, chuyển nhượng dự án giữa các nhà đầu tư ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án bị chậm trễ, tăng chi phí dự án... cũng lúng túng trong cách xử lý, giải quyết.

 Để khắc phục những bất cập hiện nay, hai chính sách cơ bản về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP đã được đưa ra trong dự luật PPP. Chính sách thứ nhất là xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của tất cả các bên trong quá trình thực hiện dự án, bao gồm cả các cơ quan hậu kiểm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan đến việc thực hiện dự án PPP. Trong đó, các bên liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện dự án được xác định bao gồm đơn vị chuẩn bị dự án; cơ quan thẩm định dự án; cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án; bên mời thầu; cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng; đơn vị giám sát, quản lý hợp đồng; cơ quan hậu kiểm.

 Bên cạnh đó, có một thực tế là phía Nhà nước, tuy là một bên ký kết hợp đồng, nhưng trong một số trường hợp lại sử dụng quyền lực nhà nước, bằng các quyết định hành chính để gây áp lực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Vì thế, dự luật cũng phân định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện cho Nhà nước ký kết hợp đồng để phân biệt với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước và vai trò là một bên trong hợp đồng PPP. Gắn liền với trách nhiệm của các bên, chính sách thứ hai được đưa ra là chế tài xử lý đối với các đối tượng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong dự án PPP, quy định một chương riêng về các hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP và chế tài tương ứng đối với từng hành vi.

  “Gia cố” trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các dự án PPP ở tất cả các khâu là một trong những vấn đề cốt lõi để khắc phục được những tồn tại vừa qua, bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án PPP. Dù vậy, thiết kế các điều khoản về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP cũng cần bảo đảm rằng, các quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý phải được minh bạch hóa tối đa, phải bình đẳng giữa các bên liên quan và phải đề cao nguyên tắc tuân thủ, tôn trọng hợp đồng PPP. (Đại Biểu Nhân Dân 22/9, Nguyễn Bình)Về đầu trang

QUẢN LÝ

 44 tỉnh, thành phố đã có phương án sáp nhập huyện, xã

Bộ Nội vụ đã nhận được 44/46 phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính, chỉ thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ chưa có báo cáo.

 Trả lời về tiến độ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 tại họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều 20/9, Phó vụ trưởng Chính quyền địa phương Nguyễn Hữu Thành cho biết, từ phương án tổng thể đã được Bộ cho có ý kiến, các địa phương xây dựng đề án chi tiết lấy ý kiến nhân dân.

 "Hiện Bộ đã nhận được 19 đề án và thẩm định 12, đã gửi 2 đề án của Bắc Giang và Thanh Hóa sang Chính phủ để trình thường vụ Quốc hội", ông Thành nói và cho biết 7 tỉnh còn lại Bộ sẽ tổ chức hội nghị thẩm định vào các ngày 21, 22/9.

 Vụ phó Chính quyền địa phương cho hay, đề án các địa phương tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các huyện, xã để giảm số lượng đơn vị hành chính, và tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của đơn vị hành chính mới.

 Bên cạnh đó, địa phương cũng xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

 "Phương án sắp xếp cán bộ dôi dư là một trong những nội dung các địa phương gặp khó khăn. Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương để có giải pháp tháo gỡ", ông Thành nói và cho biết, một trong số các giải pháp là giảm dần biên chế theo lộ trình 5 năm, thực hiện chính sách hỗ trợ cho những người thôi việc bằng tiền ngân sách địa phương.

 Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn xuất hiện tình trạng đơn vị hành chính "siêu nhỏ" sau khi đã sắp xếp. Ông Thành lấy ví dụ, tại đề án của TP Hải Phòng, phường Hoàng Văn Thụ sau khi sáp nhập có diện tích tự nhiên 0,45 km2 (đạt 8% so với tiêu chuẩn quy định), phường Phan Bội Châu có 0,29 km2 (đạt 5,27%), phường Cầu Đất có 0,43km2 (đạt 7,8%). Vì vậy Hội đồng thẩm định bỏ phiếu không thông qua và đề nghị UBND thành phố Hải Phòng nghiên cứu lại các phương án sắp xếp.

 Một số Bộ chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ mà Chính phủ giao dẫn đến vướng mắc trong quá trình sắp xếp các đơn vị cấp huyện, xã. Đơn cử như Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn chưa cung cấp số liệu về diện tích tự nhiên các địa phương dẫn đến sự lúng túng trong rà soát sắp xếp ở một số tỉnh, thành phố và việc thẩm định của Hội đồng thẩm định. Bộ Xây dựng chưa trả lời văn bản của tỉnh Hoà Bình về tiêu chuẩn của loại đô thị đối với TP Hoà Bình sau khi mở rộng (sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hoà Bình)... (Vnexpress.net 21/9, Hoàng Thùy)Về đầu trang

Hải Phòng: Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế

Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND thành phố Nguyễn Kim Pha cho biết, để triển khai Nghị quyết số 27/2019 của HĐND thành phố về cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc TP Hải Phòng chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, UBND thành phố yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện.

 Theo đó, cần quán triệt, tuyên truyền đầy đủ các nội dung về cơ chế, chính sách đối với các đối tượng quy định tại Nghị quyết số 27, cụ thể các trường hợp áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 6, Điều 2 Nghị định số 108/2014/NĐ - CP thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 108/2014 được cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt thực hiện tinh giản biên chế (bao gồm cả người chỉ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định về BHXH và không bị trừ tỷ lệ lương hưu, do ngoài độ tuổi quy định để được hưởng trợ cấp theo Nghị định số 108/2014/NĐ - CP, bao gồm các đối tượng: Cán bộ, công chức từ thành phố đến cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ - CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và theo các quy định của pháp luật; cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy quản lý tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi...

 Văn bản chỉ đạo của thành phố cũng nêu rõ, các trường hợp không áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quy định thuộc đối tượng tinh giản biên chế mà tại thời điểm sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc xét tinh giản biên chế mà tại thời điểm sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc xét tinh giản biên chế đã có thông báo hoặc quyết định nghỉ hưu của cấp có thẩm quyền; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế theo quy định; cán bộ quản lý khối doanh nghiệp; cán bộ, công chức được cử làm người đại diện tại doanh nghiệp có vốn góp nhà nước.

 Về cơ chế, chính sách đối với các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 27 sẽ được hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách thành phố quy định tại Khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số 27 (được hỗ trợ thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định; được hỗ trợ thêm 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH được hỗ trợ ½ tháng tiền lương hiện hưởng) bao gồm người đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi và hưởng chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Khoản 2, Điều 8, Nghị định số 108, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7, Điều 1, Nghị định số 113 của Chính phủ đối với nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi; đối với nữ đủ 50 tuổi đến 53 tuổi, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên...

 Đối tượng được hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách thành phố quy định tại Khoản 2, Điều 1, Nghị quyết số 27 được hỗ trợ thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; được hỗ trợ 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH. Đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy quản lý tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi, căn cứ vào độ tuổi và thời gian tham gia công tác tại cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể của thành phố có đóng BHXH theo quy định được hưởng hỗ trợ theo quy định này.

 Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nêu trên phải thực hiện đúng quy định về quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp đã thực hiện tinh giản. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương và Nghị quyết số 27 của HĐND thành phố; đây cũng là tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm của cơ quan, địa phương, đơn vị và kết quả đánh giá, phân loại hàng năm của người đứng đầu. (Đại Biểu Nhân Dân 22/9, Đông Bắc)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đột phá cải cách hành chính ở Hà Giang

Tỉnh Hà Giang đang vươn lên cải thiện đáng kể chỉ số hài lòng của người dân cũng như tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính.

 Đưa dịch vụ hành chính công đến với đồng bào các dân tộc, nhất là ở các khu vực miền núi xa xôi là thách thức rất lớn với các tỉnh vùng cao biên giới, tỉnh Hà Giang là một ví dụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính để phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân đang là mục tiêu mà tỉnh này đang nỗ lực thực hiện với sự đầu tư về công nghệ thông tin, đội ngũ cán bộ cũng như quyết tâm cải cách hành chính.

 Không để người dân phải đi lại nhiều lần, tất cả phải phối hợp giải quyết trong ngày cho người dân là yêu cầu mà UBND huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đặt ra với các xã thực hiện cải cách hành chính. Qua đó, gần 90% hồ sơ hành chính được trả trước thời hạn, trong đó số lượng hồ sơ giải quyết trên mạng Internet ngày càng tăng.

 Hiện tỉnh Hà Giang đã triển khai tích hợp chữ ký số điện tử để đảm bảo hoạt động điều hành cũng như hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính được thuận lợi nhất theo Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ. Hiệu quả cải cách hành chính ở tỉnh Hà Giang được thể hiện rõ ở việc chuyển dịch từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Cải cách hành chính không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân mà còn hướng đến mục tiêu "Vì Hà Giang phát triển". (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 22/9)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa xin nghỉ hưu khi đang bị xem xét kỷ luật

Ông Lê Thanh Quang, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Việc này xảy ra không lâu sau khi ông phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến những vi phạm của Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.

 Sáng 21-9, nguồn tin chức năng xác nhận ông Lê Thanh Quang đã có đơn gởi trung ương và các cơ quan tỉnh Khánh Hòa xin được nghỉ hưu trước tuổi. Lý do xin nghỉ là vì sức khỏe không đảm bảo cho việc đảm nhiệm chức vụ.

 Ông Quang sinh ngày 9-9-1960. Ông làm bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa 2 nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020. Ông cũng được bầu và tái cử chức ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng trong hai khóa 2010 - 2015 và 2015 - 2020. 

Trước khi có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, ông Quang từng mắc bệnh hiểm nghèo, phải đi điều trị ở nước ngoài.

 Cuối tháng 8-2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế…, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước.

 Thông báo kết luận cũng nêu ông Lê Thanh Quang - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy.

 Cùng với ông Quang, 4 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng bị kiểm điểm trách nhiệm vì để xảy ra các sai phạm nêu trên. (Tuoitre.vn 21/9)Về đầu trang

Phó giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang bị cảnh cáo

 Ngày 20/9, tại Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang, ông Nhơn nhận quyết định kỷ luật về mặt chính quyền sau khi từ chối nhận quyết định điều động và giới thiệu bầu làm Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của tỉnh hôm 30/5.

 Theo UBND tỉnh Hậu Giang, vấn đề công tác cán bộ liên quan đến ông Nhơn là đúng quy định, có căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương và phẩm chất, năng lực và điều kiện của cán bộ.

 Hành vi không nhận quyết định điều động của ông Nhơn đã vi phạm hàng loạt các quy định, nghị quyết và điều lệ đảng, nghị định của Chính phủ. Vi phạm của ông Nhơn ảnh hưởng xấu đến uy tín bản thân và tổ chức đảng, cơ quan nơi ông sinh hoạt, công tác và hình ảnh của đảng viên.

 Trước đó, hôm 22/8, ông Nhơn bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang khiển trách về mặt Đảng vì đã không chấp hành sự phân công điều động của tổ chức.

 Ông Nhơn cho VnExpress biết đã khiếu nại hai quyết định kỷ luật vì cảm thấy khá nặng. Theo ông, căn cứ theo luật cán bộ công chức, chỉ được luân chuyển cán bộ công chức, viên chức qua các hội đặc thù, chứ không được điều động. "Nếu luân chuyển sẽ có thời hạn. Còn điều động coi như đi luôn rồi và qua đó không còn công chức nữa", ông nói.

 Ông Nguyễn Thành Nhơn 52 tuổi, quê Cần Thơ, trình độ cử nhân Luật, cử nhân Chính trị, có 27 năm công tác trong ngành tư pháp. Ông giữ chức Phó giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang từ năm 2011. (Vnexpress.net 21/9, Cửu Long)Về đầu trang

Hà Nội: Truy tố nữ cảnh sát nhận hối lộ 1 tỷ đồng

Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố nữ cảnh sát nhận hối lộ 1 tỷ đồng.

 Theo đó, Nguyễn Thị Vân, 37 tuổi, ở quận Tây Hồ và Nguyễn Thị Vững, cựu Thượng úy thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, Bộ Công an đã bị truy tố về các tội vu khống và tàng trữ trái phép chất ma túy.

 Theo tài liệu tố tụng, Vân và anh Nguyễn Văn Thiện sống với nhau như vợ chồng. Do thường xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, Vân nảy ra ý định hãm hại bạn trai. Vân gặp Vững, lên kế hoạch bỏ ma túy vào ô tô của bạn trai. 

Vững báo công an để bắt anh Thiện. Vân trả công cho Vững 1 tỷ đồng. Sau một tuần bị tạm giữ, anh Thiện được thả vì công an không đủ căn cứ chứng minh người này tàng trữ ma túy. (VTV.vn 22/9)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Ấn Độ cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 30% xuống 22%

Ấn Độ mới đây đã quyết định cắt giảm thuế doanh nghiệp như một biện pháp nhằm khôi phục hoạt động đầu tư đang giảm sút.

 Cụ thể, mức thuế doanh nghiệp sẽ được giảm từ mức 30% xuống 22%. Trả lời báo giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ cho rằng mức thuế mới này "tương đương với mức thuế thấp nhất tại khu vực Nam Á và tại Đông Nam Á".

 Đây chỉ là một trong hàng loạt biện pháp chính quyền Ấn Độ mới đưa ra, bao gồm cả việc hạ lãi suất hay khởi động hoạt động cho vay của các ngân hàng. Hiện Ấn Độ đã để mất vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào tay Trung Quốc, khi trong quý II/2019 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ chỉ tăng khoảng 5%. (VTV.vn 21/9)Về đầu trang

Thái Lan đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài

Với mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy các dự án quy mô lớn trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, Ủy ban Đầu tư Thái Lan vừa thông qua các chính sách ưu đãi mới có tên gọi "Thailand Plus".

 Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Thái Lan sẽ được giảm thêm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm và miễn thuế doanh nghiệp trong 5 năm khi thành lập các cơ sở phát triển kỹ năng; tăng gấp đôi mức chiết khấu đối với các chi phí dành cho đào tạo.

 Đối với những doanh nghiệp đặt trụ sở bên ngoài Thủ đô Bangkok, ngoài việc được miễn thuế từ 5 - 8 năm, còn được giảm thêm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm. (VTV.vn 22/9)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More