Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 18-10-2019

Post date: 18/10/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.Công an tỉnh Cao Bằng có văn bản “xin” ô tô từ doanh nghiệp?. 1

CHỈ THỊ MỚI 2

2.Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp. 2

TIN QUỐC HỘI 2

3.  Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê. 2

4. Chính phủ xin rút báo cáo kết quả thanh tra đất doanh nghiệp sau cổ phần hoá. 3

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 4

5. Tuyên Quang: Dùng Zalo nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy. 4

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

6.Doanh nghiệp kỳ vọng giảm chi phí thủ tục. 4

7.Doanh nghiệp nhà nước đồng loạt "than khó" với "siêu Ủy ban". 6

8. "Việt Nam coi khó khăn của doanh nghiệp FDI là khó khăn của mình". 8

QUẢN LÝ.. 9

9.  Nhiều doanh nghiệp không dám cổ phần hoá vì sợ sai 9

10.Cân đối, điều hòa biên chế cơ quan nhà nước. 10

11. Đề nghị miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030. 12

12. Người đi xe đạp có nồng độ cồn sẽ bị phạt tới 600.000 đồng. 12

13.  Thí điểm cho vay tiêu dùng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách. 12

14.  Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An đột ngột qua đời vì ngã từ tầng cao. 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 14

15.Biên khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến. 14

16. Quảng Ninh: “Ngôi sao sáng” về cải cách hành chính. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

17. Hai lãnh đạo quận ở Cần Thơ bị cảnh cáo. 16

18.  Nghệ An: Để "khoáng tặc" lộng hành, chủ tịch 2 huyện bị phê bình. 16

19. Bộ GTVT: Đình chỉ 165 đăng kiểm viên, 17 dây chuyền kiểm định. 17

THẾ GIỚI 18

20.   Italy sẽ đánh thuế các công ty công nghệ. 18

 TIÊU ĐIỂM

Công an tỉnh Cao Bằng có văn bản “xin” ô tô từ doanh nghiệp?

Với lý do địa phương còn khó khăn, phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, Công an tỉnh Cao Bằng đã chủ động “xin” xe ô tô từ doanh nghiệp?.

 Ngày 17/10, nguồn tin riêng của PV Báo Giao thông cho biết, năm 2016, với lý do địa phương còn khó khăn, trong khi cần thêm phương tiện phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, Công an tỉnh Cao Bằng đã có văn bản đề nghị Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Tây Giang (TG Group) vận động xã hội hóa.

 Trước đề nghị trên, Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Tây Giang (TG Group) đã hỗ trợ Công an tỉnh Cao Bằng mua xe ô tô Toyota Land Cruiser 7 chỗ, trị giá 3,72 tỷ đồng. Hợp đồng mua bán được ký kết 3 bên tại Đại lý Toyota Hoàn Kiếm (Hà Nội).

 Theo đó, bên bán là Toyota Hoàn Kiếm; bên mua, thanh toán hóa đơn là Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Tây Giang (TG Group), Công an tỉnh Cao Bằng nhận xe và thực hiện các thủ tục đăng ký xe biển xanh mang tên Công an tỉnh Cao Bằng.

 Xác nhận thông tin trên, đại diện Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Tây Giang (TG Group) cho biết, những năm qua Công ty luôn đồng hành cùng tỉnh trong công tác an sinh, xã hội.

 Ngoài chiếc xe trên, đơn vị còn chi tiền tỷ tặng xe cứu thương cho một số bệnh viện tuyến huyện; xây nhà văn hóa thôn, xã, tặng quà Tết cho người nghèo, gia đình chính sách…

 Như Báo Giao thông đã đưa tin, đến năm 2018, sự việc bị phát giác, Bộ Công an đã vào cuộc kiểm tra, kết luận rõ vi phạm.

 Sau đó, các Đại tá Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng thời điểm này đều bị kỷ luật cảnh cáo, cho nghỉ hưu trước tuổi. Chiếc xe cũng bị Bộ Công an thu giữ theo quy định. (Baogiaothong.vn 17/10)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

 Văn bản nêu rõ: Ngày 17/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2019. (Baochinhphu.vn 17/10, Minh Hiển)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê

 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự luật đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm, cho rằng, không nên cấm dịch vụ này.

 Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 16/10, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã thay mặt Chính phủ trình bày Dự luật Đầu tư (sửa đổi) với nội dung đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm.

 Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với các quy định pháp luật. Dịch vụ đòi nợ thuê có những biến tướng, lạm dụng là do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về điều kiện hoạt động. Vì vậy, không nên cấm mà cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý Nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này. 

Dự luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày 21/10 tới. (VTV.vn 17/10)Về đầu trang

Chính phủ xin rút báo cáo kết quả thanh tra đất doanh nghiệp sau cổ phần hoá

Tiếp tục phiên họp thứ 38, sáng 17/10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, sẽ khai mạc ngày 21/10 tới.

 So với dự kiến gần nhất thì kỳ họp đã kéo dài thêm một tuần, dự kiến bế mạc vào ngày 27/11.

 Trong số nội dung dự kiến được bổ sung vào chương trình kỳ họp có Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.

 Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định nhân sự cơ quan của Quốc hội và thành viên Chính phủ.

 Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng là nội dung mới được bổ sung để đại biểu tự nghiên cứu.

 Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Chính phủ đề nghị rút do không kịp chuẩn bị báo cáo về kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017.

 Đối với dự thảo nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia, Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, ông Phúc cho biết nội dung này chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến do Chính phủ chưa kịp chuẩn bị. Tuy nhiên, đây là nội dung quan trọng nên đã dự kiến bố trí vào cuối kỳ họp.

 Nêu rõ kỳ họp này tiến hành trong thời gian khá dài và vào dịp cuối năm, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị có văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đại biểu Quốc hội sắp xếp công việc để tham dự đầy đủ các phiên họp, nhất là các phiên biểu quyết thông qua. Đồng thời, tại phiên họp trù bị và các cuộc họp liên quan, cần quán triệt đến đại biểu để nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước nhân dân.

 Về chuẩn bị tài liệu, Tổng thư kýNguyễn Hạnh Phúc cho biết một số nội dung được bổ sung vào sát thời điểm khai mạc kỳ họp, trong đó có những nội dung cần nhiều thời gian để nghiên cứu, phân tích, đánh giá, khảo sát (như báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1), nên công tác chuẩn bị tài liệu kỳ họp có gặp khó khăn, nhất là việc bảo đảm chất lượng nội dung trình Quốc hội.

 Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn khá nhiều nội dung kỳ họp chưa đủ tài liệu gửi đến đại biểu, trong đó, có một phần lớn tài liệu của các cơ quan của Quốc hội, đó là do Chính phủ chậm gửi dẫn đến việc chậm thẩm tra hoặc chậm hoàn thiện hồ sơ tài liệu, ông Phúc nêu rõ. (Vneconomy.vn 17/10, Hà Vũ)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Tuyên Quang: Dùng Zalo nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy

Nhiều địa phương đang sử dụng Zalo để tương tác với người dân, giúp phối hợp, giải quyết kịp thời sự vụ liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy.

 7 biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy được Công an phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) gửi đến điện thoại của người dân vào ngày 9/10/2019. Tiêu đề của tin nhắn là: “Nâng cao ý thức về Công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố Tuyên Quang”.

 Thực tế, đây không phải cơ quan duy nhất sử dụng Zalo để tương tác trực tiếp với người dân về việc phòng cháy chữa cháy.

 Tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhóm Zalo được lập ra để người dân chủ động phản ánh trong công tác phòng cháy chữa cháy, giúp đỡ cơ quan chức năng có thể phối hợp, giải quyết kịp thời sự vụ.

 Phường 8 (quận Tân Bình, TP.HCM) đã thông tin qua Zalo: “Cẩm nang phòng cháy chữa cháy – cứu nạn cứu hộ”, “Cẩm nang phòng cháy chữa cháy đối với hộ gia đình”, “Cẩm nang phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở sản xuất”.

 Đối với UBND xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP.HCM), cơ quan này chọn cách chụp lại nội dung về PCCC và gửi toàn văn đến người dân. Những nội dung này tập trung hướng dẫn an toàn sử dụng điện, sử dụng gas, PCCC đối với chợ và trung tâm thương mại, PCCC đối với nhà cao tầng, hộ gia đình.

 Theo lực lượng chức năng, tinh thần cảnh giác của mỗi người có vai trò rất quan trọng trong phòng cháy. Chính vì vậy, truyền thông và hướng dẫn các biện pháp an toàn là cần thiết. Sự chủ động của mỗi người trong công tác chữa cháy ban đầu cũng góp phần hạn chế các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra.

 Trên cơ sở đó, UBND phường, xã, quận huyện, Công an phường… đã lựa chọn Zalo để truyền thông về PCCC đến người dân. Các biện pháp PCCC chia sẻ qua Zalo là chính xác, được cơ quan chức năng trực tiếp soạn thảo và gửi đến người dân. (News.zing.vn 17/10, Yên Vũ)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Doanh nghiệp kỳ vọng giảm chi phí thủ tục

Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá chỉ số B1 (chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) của Việt Nam đã đạt 3,4 điểm trên thang điểm 7 (tăng 0,3 điểm so với năm 2018), xếp thứ 79/141 nước (năm 2018 xếp thứ 96/140 nước).

 Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), trong năm nay, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP là năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc đối với chỉ số này.

 Chỉ số B1 là một trong 10 chỉ số mà Chính phủ đưa ra mục tiêu nâng xếp hạng nhằm góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0 (năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0). Chính phủ đặt ra mục tiêu từ năm 2019 – 2021 nâng xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam lên từ 5-10 bậc.

 Bà Phương cho biết chỉ số B1 là một trong các chỉ số góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0.

 Năm ngoái, chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.1 trên thang điểm 7, tương ứng với 34.6 trên thang điểm 100, đứng thứ 96/140 nước. Đây được cho là điểm số và thứ hạng thấp so với 140 nước và là quốc gia có điểm số, thứ hạng về chỉ số B1 thấp nhất trong khu vực ASEAN.

 Có thể thấy, việc cải thiện chỉ số B1 là điều đáng khích lệ và rất cần tiếp tục tạo đà đẩy mạnh trong thời gian tới từ phía các các bộ ngành nhằm giảm chi phí thủ tục cho doanh nghiệp (DN).

 Chẳng hạn như với Luật DN sửa đổi mà Bộ KH&ĐT mới đệ trình lên Quốc hội, đã cân nhắc đến việc giảm chi phí thủ tục hành chính (TTHC) cho DN.

 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ một số TTHC để đăng ký DN không còn phù hợp, không còn cần thiết, tạo ra gánh nặng chi phí và làm chậm quá trình gia nhập thị trường. Đơn cử như: Thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44), thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN (Điều 12)…

 Do đó, một trong những mục tiêu của Bộ KH&ĐT trong Luật DN sửa đổi là cần tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại DN trong việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình DN. Hoặc như mục tiêu cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh nhằm góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).

 Cần nhìn nhận một thực tế là dù Việt Nam đã được ghi nhận cải thiện chỉ số B1, nhưng gánh nặng chi phí, “điểm nghẽn” thủ tục đối với DN vẫn còn.

 Trong đánh giá về môi trường kinh doanh đối với các DN vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam từ điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát gần đây cho thấy khâu TTHC và chi phí không chính thức là rào cản đối với sự phát triển của các DNVVN.

 Trong các khó khăn khi khởi nghiệp, hơn 40% DN được khảo sát cho biết gặp khó khăn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật và hành chính (như đăng ký kinh doanh, thuế).

 Thậm chí, 56% DN siêu nhỏ, 52% DN nhỏ và 45% DN quy mô vừa cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, con số này ở các DN quy mô lớn là 44%.

 Ngoài ra, các DNNVV cũng phản ánh là khó dự đoán khả năng thực thi chính sách hơn. Chỉ 11% DN siêu nhỏ, 12% DN nhỏ và 16% DN quy mô vừa cho biết có thể dự đoán được những thay đổi trong các quy định pháp luật của Trung ương ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.

 Hoặc như vấn đề về giá kinh tế của giấy phép kinh doanh. Giới chuyên gia cho rằng mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng xét riêng về chỉ số gia nhập thị trường thì Việt Nam vẫn có thứ hạng thấp. Điều này cho thấy ở các quốc gia khác, cải cách các thủ tục gia nhập thị trường còn nhanh hơn Việt Nam.

 TTHC về gia nhập thị trường của Việt Nam còn nhiều phiền hà là “điểm nghẽn” mà các DN lâu nay than phiền. Đặc biệt là số ngày nhận giấy phép hoạt động, giấy phép xây dựng, giấy phép nhập khẩu… vẫn còn chênh lệch nhiều so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

 Mặc dù có cải thiện nhưng so với các quốc gia khác, các điều kiện gia nhập thị trường của Việt Nam hiện vẫn còn khó khăn và là rào cản với sự phát triển của DN. Trong khi đó, nếu để ý sẽ thấy ở những ngành nghề mà giấy phép kinh doanh bị bãi bỏ, không chỉ số DN thành lập tăng lên mà còn phát triển nhanh hơn.

 Vì vậy, từ việc chỉ số B1 của Việt Nam được WEF ghi nhận có sự cải thiện rất cần phát huy trong thời gian tới, nhất là mạnh tay “cắt gọt thủ tục” nhiều hơn nữa và giảm thời gian cấp phép liên quan đến giấy phép kinh doanh, đặc biệt là khởi sự kinh doanh. (Thời báo kinh doanh 17/10)Về đầu trang

Doanh nghiệp nhà nước đồng loạt "than khó" với "siêu Ủy ban"

Rất nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bày tỏ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 Theo tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tại cuộc họp giao ban 9 tháng giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc mới đây, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, ACV hiện gặp khó trong công tác đầu tư sửa chữa, khắc phục hư hỏng hệ thống đường băng.

 Theo ông Phiệt, sau khi ACV cổ phần hoá, từ năm 2016, do liên quan đến vấn đề an ninh sân bay nên các khu bay, các đường bay, đường lăn thuộc Nhà nước quản lý. Như vậy, Nhà nước chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp chứ không phải doanh nghiệp.

 Liên quan đến dự án xây dựng sân bay Long Thành, lãnh đạo ACV kêu gọi các doanh nghiệp của Ủy ban cùng tham gia ở các hạng mục khác nhau, khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước ở các dự án trọng điểm của quốc gia.

 Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết, chi phí duy tu sửa chữa hàng năm của ngành đường sắt chỉ được bố trí khoảng 30% so với nhu cầu, do đó các hạng mục sửa chữa liên tục bị dồn lại, càng ngày càng xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn chạy tàu và ngành đường sắt chỉ có thể lựa chọn những dự án cấp thiết nâng cấp, sửa chữa.

 Theo ông Minh, khó khăn nhất hiện nay của VNR là phải thực hiện trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác. Việc thi công chỉ có thể làm tranh thủ trong thời gian ngắn giãn cách giữa hai chuyến tàu.

 Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc, cho biết công tác đầu tư xây dựng các dự án điện thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhiều dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021. 

Trong khi nhiều dự án nguồn chậm tiến độ, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện trong giai đoạn tới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình cung cấp than cho các nhà máy điện chưa đáp ứng được yêu cầu cả về khối lượng, chất lượng và chủng loại than. Lãnh đạo EVN đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có những hỗ trợ đặc biệt về nguồn nguyên liệu đầu vào.

 Trước đề nghị trên của lãnh đạo EVN, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định sẽ nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN. Về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Minh Chuẩn chia sẻ còn tồn đọng nhiều vướng mắc trong quy hoạch phát triển kinh tế địa phương và quy hoạch phát triển ngành. Bên cạnh đó, cạnh tranh trong thị trường ngành than giữa doanh nghiệp nhà nước và khối tư nhân chưa minh bạch và hài hòa.

 Lãnh đạo TKV cho biết, thủ tục đầu tư, nhất là trong công tác thăm dò, cấp phép còn diễn ra khá lâu, thậm chí những hoạt động đầu tư ở một số địa phương còn mang tính nhiệm kỳ của lãnh đạo, gây ra không ít khó khăn cho TKV. 

Khó khăn tại doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đề cập, rằng trong thời gian gần đây, ngành sản xuất cao su của Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi tuy sản lượng vẫn đảm bảo nhưng giá cao su trên thị trường thế giới nói chung, giá cao su Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nói riêng liên tục giảm khi các nhà đầu tư thực sự lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.

 "Cảm thông" về tình trạng "được mùa, mất giá" với VRG, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh hàng không gay gắt hiện nay, doanh nghiệp đang phải tính toán từng mùa cao điểm, từng chuyến bay cao điểm, từng chỗ bán với mức giá đảm bảo tối ưu hoá doanh thu.

 Doanh nghiệp "đầu tàu" là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó tổng giám đốc, cũng cho biết, hành lang pháp lý, bao gồm quy chế tài chính và Luật Dầu khí hiện hành đang tạo ra những bất cập trong công tác gia tăng trữ lượng. Doanh nghiệp đang gặp khó trong việc bảo toàn vốn nhà nước bởi nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò giếng dầu mới khó có thể đảm bảo 100% thành công.

 Trước những khó khăn được lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nêu trên, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu các doanh nghiệp cần có lộ trình, phối hợp với Ủy ban, từng bước tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật; đồng thời, yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty sớm kiện toàn đội ngũ kiểm soát viên tại doanh nghiệp.

 Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng lưu ý lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty cần chỉ đạo quyết liệt để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phát triển vốn và nguồn lực của nhà nước. (Vneconomy.vn 16/10)Về đầu trang

"Việt Nam coi khó khăn của doanh nghiệp FDI là khó khăn của mình"

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam luôn là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng Việt Nam không chỉ muốn là một đối tác, mà còn muốn là một "người bạn chân thành".

 Mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS 2019), Phó thủ tướng dẫn câu ca dao "Sống trong bể ngọc kim cương, không bằng sống giữa tình thương bạn bè" để nói về sự coi trọng đối với các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, sáng kiến được đề xuất bởi cộng đồng doanh nghiệp.

 Đề cập đến tình hình thế giới còn nhiều biến động, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, ngoài những biến động có thể mang lại tác động tiêu cực, vẫn còn những biến động mang lại "niềm tin", đó chính là khoa học công nghệ.

 "Với sự hợp tác của tất cả các nước trên thế giới, dù còn nhiều vấn đề nhưng hoà bình và hợp tác chắc chắn vẫn là xu thế. Không ai có thể khép riêng lại được", ông nhấn mạnh.

 Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng cũng khẳng định những thành tựu toàn diện mà Việt Nam đã đạt được những năm qua. Từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình và duy trì tốc độ tăng trưởng suốt 30 năm qua. Năm ngoái, Việt Nam đạt được GDP 7,08% và với sự đồng hành của doanh nghiệp, Chính phủ phấn đấu để năm nay không kém năm qua.

 Ông cho biết Việt Nam đang rất nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, và thành quả thể hiện ở việc tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh. Trong các chỉ số năng lực cạnh tranh, những chỉ số liên quan tới xu thế phát triển công nghệ mới và công nghiệp 4.0, Việt Nam đều có bước tăng mạnh.

 "Việt Nam bây giờ hết sức mở, không chỉ mở về kim ngạch xuất nhập khẩu, chúng tôi khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ tất cả các sáng kiến để sao cho thị trường thế giới được cởi mở, tạo thuận lợi cho mọi đối tác cùng cạnh tranh bình đẳng", Phó thủ tướng khẳng định.

 Việt Nam hiện là điểm đến của các nhà đầu tư từ 130 nền kinh tế trên thế giới và đã có trên 30.000 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư trên 300 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt hiện đang từng bước cùng các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào quá trình sáng chế công nghệ mới. Phó thủ tướng cũng cho biết tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và mong muốn có sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp.

 Dẫn câu ca dao "Bạn bè là nghĩa tương thân, khó khăn thuận lợi ân cần bên nhau", ông khẳng định: "Chính phủ Việt Nam mong muốn và luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp FDI. Chúng tôi xác định rằng thành công của các bạn là thành công của Việt Nam. Chính phủ cũng luôn xác định khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài là khó khăn của mình, để từ đó tháo gỡ". (Vneconomy.vn 17/10)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Nhiều doanh nghiệp không dám cổ phần hoá vì sợ sai

Sáng 16/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng chủ trì Hội nghị đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đã phát hiện những trường hợp thoái vốn cố ý làm trái pháp luật, trái ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý trách nhiệm. Cùng với đó, ông phê bình một số bộ ngành và địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, thoái vốn rất chậm và đề nghị xem xét nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác sắp xếp doanh nghiệp nhà nước còn chậm, một phần do tư tưởng ngại thay đổi, đặt lợi ích cục bộ, che giấu sai phạm, không thúc đẩy việc triển khai.... Có tình trạng tham nhũng, sân trước, sân sau, thậm chí là cả "vườn sau", tức là rất nhiều sân.

 Việc xác định dữ liệu đất đai là một trong những vấn đề vướng mắc nhất mà nhiều doanh nghiệp nêu ra tại hội nghị. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VinaFood1) cho biết, rất nhiều lô đất đơn vị này và các công ty trực thuộc quản lý nằm tại nhiều tỉnh, thành, song bị lấn chiếm, đang xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, trong quy định, hiện không hướng dẫn phương án xử lý.

 "Nhiều loại đất, chúng tôi không biết nên xếp vào loại nào. Ví dụ, đất tranh chấp, hiện VinaFood1 có khoảng 300 mảnh đất, trong đó một số mảnh được giao từ vài chục năm trước nhưng bị lấn chiếm và đang xảy ra tranh chấp. Doanh nghiệp làm việc với người tranh chấp và địa phương đều không ai giải quyết", bà Tâm nói.

 Theo bà, hầu như tuần nào doanh nghiệp cũng phải họp về các vấn đề này nhưng vẫn chưa có phương án. Thực trạng đó khiến lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng thời hạn năm 2020 phải cổ phần hoá thì sẽ khó thực hiện.

 Tại hội nghị, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường nêu một số kết quả trong hướng dẫn doanh nghiệp đánh giá, xác định giá đất. Nhưng sau đó bộ này bị Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình vì chậm ban hành thông tư hướng dẫn. Đây là nhiệm vụ được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên & Môi trường từ 2 năm trước, trải qua 5 kỳ họp giao ban nhưng tới gần đây bộ mới trả lời không ban hành thông tư.

 Các địa phương cũng nêu không ít vướng mắc liên quan đến công tác này. Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng không có thông tư hướng dẫn việc xử lý đất đai nên chính quyền cũng rất e ngại triển khai.

 Theo ông, Bộ Tài nguyên Môi trường có hướng dẫn nhưng chỉ đề cập đến phần nông, lâm nghiệp. Trong khi đó, thuộc phạm vi quản lý của Hà Nội thì có hàng nghìn m2 đất nội đô, mà những nơi này được coi là đất vàng, vốn rất nhạy cảm.

 Bởi vậy, ông Sửu cho rằng, bộ phải ra thông tư, nếu không chẳng ai dám làm vì rất e ngại có thể xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, mất cán bộ hoặc vướng tù tội, "kể cả khi muốn làm hết sức khách quan cũng không được".

 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn như Agribank, VNPT, Vinaphone... đang vướng, đặc biệt khi các đơn vị này có hoạt động rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Chỉ cần một trong 63 tỉnh, thành không phê duyệt phương án cổ phần hóa là dẫn tới ách tắc.

 Bên cạnh đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa, trong đó xác định giá trị lịch sử, văn hóa là những giá trị vô hình hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. (Vnexpress.net 16/10)Về đầu trang

Cân đối, điều hòa biên chế cơ quan nhà nước

Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, thời gian qua các cấp, các ngành cả nước đã và đang có những bước đi khá quyết liệt nhằm đạt mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm được 10% tổng biên chế. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều khó khăn.

 Thực tế phân bổ biên chế chưa hợp lý, thường có tình trạng biên chế giao cho các cơ quan, đơn vị chỉ tăng thêm, chứ không giảm đi. Nhiều cơ quan tranh thủ xin thêm biên chế, cơ quan nào nhanh chân thì được nhiều biên chế, cơ quan nào chậm chân thì biên chế ít. Từ đó, dẫn đến nghịch lý là nhiều cơ quan được giao thêm các nhiệm vụ mới nhưng biên chế, bộ máy vẫn không tăng, như các ngành tài nguyên - môi trường, tư pháp, ngoại vụ...

 Ngược lại, một số cơ quan, đơn vị do thực hiện phân cấp hoặc xã hội hóa mà không còn đảm đương nhiều nhiệm vụ trước đây, như nội vụ, văn hóa xã hội, thi hành án dân sự, kế hoạch hóa gia đình, bưu chính, viễn thông, tuyên truyền lưu động..., nhưng vẫn được giữ nguyên biên chế, bộ máy.

 Hệ thống cơ quan nhà nước ở nước ta được tổ chức theo cấp hành chính và biên chế được bố trí định mức theo cấp hành chính. Do vậy, có tình trạng nhiều nơi không có việc làm nhưng vẫn được bố trí biên chế đầy đủ theo khung đã ấn định, trong khi những nơi khác khối lượng công việc nhiều nhưng biên chế cũng tương đương, nếu có bổ sung theo tỷ lệ vụ việc, dân số thì cũng không đáng kể. Minh chứng dễ thấy nhất là ở hệ thống cơ quan tổ chức theo ngành dọc như tòa án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thuế, kho bạc...

 Có chi cục thi hành án dân sự cấp huyện mỗi năm chỉ thụ lý, giải quyết khoảng 10 vụ việc, thậm chí cả tháng không phát sinh vụ việc nào, số tiền thi hành án cũng chỉ vài chục triệu đồng (chủ yếu là cấp dưỡng nuôi con) nhưng định mức cứng vẫn gồm: 1 chi cục trưởng, 1 chi cục phó, đội ngũ chấp hành viên, thư ký, chuyên viên, kế toán, văn thư... đầy đủ cả. Thậm chí, theo Nghị định 68, các cơ quan này còn được giao 1 tạp vụ và 2 bảo vệ hợp đồng (1 bảo vệ cơ quan và 1 bảo vệ kho tang vật).

 Nhìn chung, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, tổ chức còn quá cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, do vậy, việc sắp xếp, tinh giản là cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là giảm mạnh các đầu mối, đồng thời điều chuyển, cân đối lại biên chế giữa các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị, hơn là thực hiện tinh giản một cách cơ học.

 Theo khoa học quản lý, khi đối tượng quản lý và phục vụ tăng lên, thì nguồn lực, nhân sự của các cơ quan quản lý, phục vụ phải tăng theo để đáp ứng yêu cầu của công dân, tổ chức. Vì vậy, việc áp dụng quy định tinh giản đồng loạt 10% biên chế sẽ gây khó khăn, tạo áp lực rất lớn cho các cơ quan trực tiếp thụ lý, giải quyết công việc hàng ngày cho người dân.

 Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi công cuộc cải cách hành chính đang được Đảng và Nhà nước ta coi là khâu trọng điểm, đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân, tổ chức và góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Mục tiêu đặt ra trong cải cách hành chính là rút ngắn tối đa thời gian giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức. Do đó, nếu máy móc tinh giản biên chế ở những bộ phận trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, sẽ rất khó đáp ứng các mục tiêu đặt ra trong cải cách hành chính.

 Từ thực tế đó, biện pháp cấp bách, hiệu quả để thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị mà không ảnh hưởng đến yêu cầu nhiệm vụ được giao của các cơ quan nhà nước, là phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cân đối, điều hòa, điều chỉnh lại biên chế giữa các các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị.

 Theo đó, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc của các cơ quan, đơn vị để bố trí, sắp xếp biên chế hợp lý, đặc biệt là linh hoạt trong việc điều chuyển biên chế từ cơ quan này sang cơ quan khác để đảm bảo sử dụng biên chế hợp lý. Tránh tình trạng rập khuôn, máy móc, cào bằng trong việc tinh giản biên chế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ công dân, tổ chức. 

Hạn chế tối đa tình trạng các cơ quan thực hiện khối lượng công việc lớn, phức tạp cũng bị cắt giảm biên chế đồng đều như các cơ quan khối lượng công việc ít, dẫn đến bất hợp lý, lãng phí trong bố trí, sử dụng biên chế hành chính. (Sggp.org.vn 17/10, Phạm Văn Chung) Về đầu trang

Đề nghị miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030. Đề xuất này được đưa ra nhằm hỗ trợ người nông dân giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống.

 Theo Bộ Tài chính, hơn 15 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích hình thức kinh tế trang trại, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030.

 Theo ước tính, với đề xuất miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021 - 2030 như quy định hiện hành, số thuế được miễn là khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. (VTV.vn 17/10)Về đầu trang

Người đi xe đạp có nồng độ cồn sẽ bị phạt tới 600.000 đồng

Từ năm 2020, những người điều khiển xe đạp và xe thô sơ sẽ bị phạt tiền tới 600.000 đồng nếu hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn.

 Đây là nội dung được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt. Theo đó, người điều khiển phương tiện chỉ cần có nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 80.000 - 100.000 đồng. Nếu trong máu có nồng độ cồn tối đa là 80 mg/100ml máu, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.

 Bên cạnh đó, mức phạt đối với người điều khiển xe chuyên dụng (xe lu, ủi, cẩu...) trước đây rất thấp, nay có thể bị phạt tối đa 18 triệu đồng. (VTV.vn 17/10)Về đầu trang

Thí điểm cho vay tiêu dùng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách

Đây là yêu cầu của Thống đốc Lê Minh Hưng trong cuộc họp Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội phiên thường kỳ quý 3/2019.

 Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp, ông Hưng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo của ban điều hành; sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động toàn hệ thống; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và cấp ủy, chính quyền các địa phương đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong 9 tháng đầu năm 2019.

 Đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 210.201 tỷ đồng, tăng 15.780 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng dư nợ đến 30/9/2019 đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

 Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 175.308 tỷ đồng, tăng 10.166 tỷ đồng, tương đương tăng 6,2% so với cuối năm 2018, hoàn thành 76,9% kế hoạch.

 Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở các chương trình phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm (chiếm 73,6%). Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,74% tổng dư nợ.

 Riêng trong tháng 9 vừa qua, doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 54.983 tỷ đồng, tăng 6.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với hơn 1.620 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

 Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2019, Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị, những tháng cuối năm, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội phải chủ động huy động vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao.

 Tập trung chỉ đạo các chi nhánh giải ngân kịp thời, sớm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng, cân đối nguồn lực để bố trí, điều chuyển nguồn vốn ưu tiên các địa phương bị thiệt hại do thiên tai có nhu cầu cấp bách để chuyển đổi sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ.

 "Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị, trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới", Thống đốc lưu ý.

 Đặc biệt, về định hướng thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, thí điểm cho vay tiêu dùng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. "Đây là hướng phát triển tiếp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội", vị lãnh đạo trên nhấn mạnh. (Vneconomy.vn 17/10, Đào Vũ) Về đầu trang

Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An đột ngột qua đời vì ngã từ tầng cao

Sáng 17/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Lê Hải An vừa tử vong do ngã từ tầng 8 tại trụ sở Bộ Giáo dục - Đào tạo (tại Đại Cồ Việt, Hà Nội). Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ có thông tin chính thức về vụ việc trong sáng nay. Được biết, cơ quan chức năng cũng đang có mặt và tiến hành khám nghiệm hiện trường.

 Ông Lê Hải An sinh năm 1971 tại Hà Nội, nguyên quán tại Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là kỹ sư địa vật lý tại ĐH Thăm dò Địa chất Matxcơva, CHLB Nga; thạc sĩ dầu khí tại ĐH Tổng hợp Brunei; tiến sĩ dầu khí tại ĐH Heriot - Watt, Vương quốc Anh.

 Trước đó, ngày 16/10, Thứ trưởng chủ trì hội thảo Triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với đào tạo khối ngành sức khỏe ở các trình độ của giáo dục đại học cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại Đà Nẵng. 

Ông là con trai út của Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu, tác giả sách giáo khoa môn Toán trước đây, chuyên viên chỉ đạo môn Toán của Bộ GD&ĐT, nhiều năm là Trưởng đoàn thi Olympic toán quốc tế IMO của Việt Nam những năm đầu tiên.

 Tháng 11/2018, ông Lê Hải An đang là hiệu trưởng Trường đại học Mỏ - Địa chất được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách bậc Giáo dục Đại học. Tháng 2/2019, ông Lê Hải An giữ chức Bí thư Đảng bộ Bộ GD-ĐT. (Danviet.vn 17/10, Nhóm PV)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Điện Biên khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến

Mới đây, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ Khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến và ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần VNG.

 Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh Điện Biên được cài đặt, vận hành tại địa chỉ https://dichvucong.dienbien.gov.vn.

 Theo đó, cổng DVCTT tỉnh Điện Biên tích hợp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của các Sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn gồm: 1.824 dịch vụ công mức độ 2; 208 dịch vụ công mức độ 3 và 84 dịch vụ công mức độ 4, đảm bảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục DVCTT mức độ 3, 4; đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và sẵn sàng kết nối với Cổng DVCTT Quốc gia.

 Sau hơn một tháng hoạt động, Cổng DVCTT tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận và xử lý 2.090 hồ sơ. Trong đó, cấp tỉnh là 322 hồ sơ (chiếm 15,4%), cấp huyện là 1.399 hồ sơ (chiếm 66,9%) và cấp xã là 369 hồ sơ (chiếm 17,65%).

 Cũng tại buổi Lễ Khai trương, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông và Công ty Cổ phần VNG (đơn vị cung ứng Zalo) đã ký kết biên bản hợp tác về việc triển khai ứng dụng Zalo nâng cao chất lượng cung cấp hành chính công trực tuyến của tỉnh. (Antoanthongtin.vn 16/10, Nguyệt Thu) Về đầu trang

Quảng Ninh: “Ngôi sao sáng” về cải cách hành chính

Quảng Ninh đã và đang trở thành 'ngôi sao sáng' trong cải cách hành chính (CCHC) của cả nước, khi liên tiếp dẫn đầu cuộc đua về chỉ số cải cách hành chính (Par Index), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhiều chỉ số khác.

 Hơn chục năm trước, nhắc tới Quảng Ninh, người ta chỉ nghĩ tới vùng than lớn nhất cả nước, chưa có nhiều phát triển nổi bật.

 Nhưng vài ba năm trở lại đây, Quảng Ninh đã thực sự gây ấn tượng mạnh khi tỉnh đã có những thay đổi "thần kỳ" trong phát triển kinh tế và đặc biệt là trong xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch, đem lại niềm tin, sự hài lòng cho doanh nghiệp và người dân.

 "Trước đây, việc xin chủ trương đầu tư, thành lập doanh nghiệp hoặc thực hiện được các thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi phải nhờ vả khắp nơi. Nhưng vài năm gần đây, với nhiều chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản và nhanh gọn, chúng tôi có thể giải quyết công việc thuận lợi, nhanh chóng, nhờ đó có thêm lợi thế phát triển. Doanh nghiệp khó khăn cũng được tỉnh kịp thời đối thoại, tháo gỡ ngay những vướng mắc" - ông Bùi Văn Luân, giám đốc một công ty lữ hành, chủ một khách sạn khá lớn ở Hạ Long thừa nhận.

 Không dừng ở đó, hiệu quả CCHC và xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh đã được ghi nhận ở tầm khu vực khi Quảng Ninh đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á-Thái Bình Dương vinh danh ở hạng mục chính quyền số vào cuối năm 2018.

 Ông Vũ Văn Hợp - Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND và UBND tỉnh, người phát ngôn của tỉnh chia sẻ: "Để có được kết quả tích cực trên nhiều bảng xếp hạng ấy, hệ thống chính quyền Quảng Ninh đã dám nhìn thẳng sự thật, tập trung CCHC toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm chưa có tiền lệ. Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá PCI các sở, ban, ngành và địa phương một cách chuyên nghiệp, bài bản".

 "Không như các địa phương khác chỉ có thể dồn lực cho một vài chỉ số nhất định, ở Quảng Ninh, tất cả được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt là trong xây dựng mô hình trung tâm hành chính công, cải cách thể chế, sắp xếp tổ chức, bộ máy, xây dựng chính quyền điện tử. Quảng Ninh cũng đã và đang quyết tâm hướng tới sự khách quan, minh bạch, nhất là đánh giá đúng về mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính" - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm.

 Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, những kết quả CCHC của Quảng Ninh đã là "chìa khóa" mở cánh cửa thu hút đầu tư vào tỉnh. Thủ tục hành chính được cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và đổi mới, đã tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư.

 "Quảng Ninh không thể tự hài lòng với những gì đã đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực toàn hệ thống, từ chính quyền đến người dân để cán những đích mới, trong đó phục vụ người dân, doanh nghiệp và du khách ngày một tốt hơn là cái đích chính mà Quảng Ninh nhắm tới" - Ông Thắng nhấn mạnh.

 Có một điều chắc chắn là bất cứ một du khách nào hôm nay khi đến Quảng Ninh đều ngỡ ngàng, bất ngờ trước sự thay đổi hạ tầng đến cung cách phục vụ. Hàng loạt các công trình, dự án lớn từ các công trình giao thông rất quy mô cả trên bộ, trên biển, trên không cho đến các dự án phát triển dịch vụ du lịch, xây dựng cơ bản đã, đang và sẽ được đầu tư, như đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, cao tốc vân Đồn-Móng Cái, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng biển nước sâu Cái Lân, cảng tàu khách quốc tế, khu công viên giải trí Hạ Long, chuỗi các khách sạn 5 sao đẳng cấp...

 Theo Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Thắng, "Quảng Ninh vẫn còn rất nhiều dư địa để cải cách để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và cũng là kỳ vọng của tỉnh".

 Với tâm thế đó, sau khi đạt được những bước tiến mới, Quảng Ninh lại nhanh chóng nhìn nhận, phân tích những kết quả đạt được và đưa ra những mục tiêu mới cao hơn, lập ra kế hoạch triển khai kĩ lưỡng, bài bản và quyết liệt thực hiện để vượt qua những thử thách mới. (Tuoitre.vn 17/10, Đức Bình - Đặng Tuân) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hai lãnh đạo quận ở Cần Thơ bị cảnh cáo

Ngày 17/10, UBND TP Cần Thơ đã triển khai quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lê Tâm Niệm - Chủ tịch UBND quận Bình Thủy và ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận.

  Trước đó, Thanh tra TP Cần Thơ kết luận hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về đất đai tại quận Bình Thủy. Quận đã không tuân thủ các quy định, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến điều chỉnh loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa sai quy định; để xảy ra việc chia lô, bán nền, xây dựng nhà không phép, sai phép, san lấp kênh rạch, lấn chiếm đất công, hình thành nhiều khu dân cư tự phát có hạ tầng thấp kém. 

Cơ quan thanh tra nhận định có dấu hiệu hình thành đường dây thực hiện các thủ tục đất đai với diện tích lớn, trái quy hoạch và quy định của pháp luật.

 Thanh tra TP Cần Thơ nêu rõ, các sai phạm trên thuộc trách nhiệm của Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND quận Bình Thủy. Những người này trực tiếp ký văn bản có liên quan đến các sai phạm trong thời gian dài...

 Liên quan đến sự việc, UBND quận Bình Thủy cũng đã xử lý 13 cán bộ. Trong đó, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường Lê Văn Vũ bị giáng chức; bốn cán bộ bị cảnh cáo; một trường hợp bị khiển trách và bảy người bị hạ bậc lương. Hiện các trường hợp bị xử lý, kỷ luật đều chấp hành, không có khiếu nại.

 Công an TP Cần Thơ đã khởi tố vụ án để điều tra sai phạm đất đai tại quận Bình Thủy. (Vnexpress.net 17/10, Cửu Long)Về đầu trang

Nghệ An: Để "khoáng tặc" lộng hành, chủ tịch 2 huyện bị phê bình

UBND tỉnh Nghệ An vừa ra quyết định phê bình đối với ông ‎Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn và ông Ngô Phú Hàn - Chủ tịch UBND Hưng Nguyên, cùng 33 chủ tịch UBND xã liên quan đến trách nhiệm trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

 Theo đó, trong 2 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn nói riêng, tình hình khai thác khoáng sản, đặc biệt là “cát tặc”, “đất tặc” diễn ra manh động, công khai và liều lĩnh.  

Ngày 2/7 vừa qua, sau khi tuần tra trên lưu vực sông Lam thuộc xóm 5, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, Đoàn liên ngành đã phát hiện thuyền máy vỏ sắt, số đăng ký NA-6109 do Ngô Văn Thiện (trú tại xóm 16, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên) làm chủ đã có hành vi sử dụng thuyền khai thác cát không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

 Tiếp đến, ngày 9/7, Đoàn liên ngành đã kiểm tra bến cát tại xóm 7, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên (thuộc Công ty CP Hùng Hưng) và lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi tàng trữ, mua bán 2.384m3 cát không rõ nguồn gốc.

 Mới đây, vào ngày 3/10, Đoàn liên ngành kiểm tra trên sông Lam, đoạn giáp ranh giữa huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tình) thì phát hiện 5 thuyền đang hút cát trái phép. Đoàn đã tiến hành bắt giữ và lập biên bản. Tuy nhiên, qua kiểm tra định vị thì khu vực khai thác nói trên thuộc phần quản lý của tỉnh Hà Tĩnh nên đoàn đã bàn giao vụ việc cho lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh xử lý theo quy định của pháp luật.

 Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 117 bến cát, sỏi hoạt động, trong đó có 54 bến đã được cấp phép, 53 bãi tập kết hoạt động trái phép, 10 bãi tập kết bị đình chỉ và dừng hoạt động; 50 mỏ được cấp phép, 2 giấy phép thăm dò, 3 giấy phép nạo vét lòng hồ thủy điện; hơn 400 phương tiện đường thủy hoạt động khai thác cát, sỏi. (Danviet.vn 17/10)Về đầu trang

Bộ GTVT: Đình chỉ 165 đăng kiểm viên, 17 dây chuyền kiểm định

Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, từ 16/12/2018 đến 10/9/2019, cơ quan này đã kiểm tra 45 lượt, đình chỉ 165 đăng kiểm viên, đình chỉ 17 dây chuyền kiểm định.

  Mới đây, theo yêu cầu của Thanh tra Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm đã đình chỉ 12 đăng kiểm viên của một số trung tâm đăng kiểm, đình chỉ 1 dây chuyền kiểm định của Trung tâm Đăng kiểm 72-01S Bà Rịa-Vũng Tàu và Trung tâm Đăng kiểm 79-01S Khánh Hòa.

 Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng năm 2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, việc hậu kiểm các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc được Cục Đăng kiểm Việt Nam và Thanh tra Bộ GTVT thực hiện thường xuyên, liên tục.

 “Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các đăng kiểm viên không tuân thủ quy định và các trung tâm đăng kiểm vi phạm. Áp dụng cả hình thức tước giấy phép trung tâm đăng kiểm để công tác kiểm định phương tiện thực hiện tốt nhất”, Bộ trưởng khẳng định.

 Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Minh Cương cho biết, công tác kiểm tra chuyên ngành của Cục Đăng kiểm Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc bí mật, khách quan và công bằng đối với các trung tâm đăng kiểm. Công tác hậu kiểm, phúc tra phương tiện không chỉ nhằm phát hiện, xử lý các cấp chứng nhận cho xe không đạt chuẩn mà còn xử lý các trường hợp đánh giá, kết luận sai tình trạng kỹ thuật phương tiện, gây khó dễ cho chủ xe.

 Theo quy định tại Nghị định 139/2018 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, đăng kiểm viên bị đình chỉ hoạt động 1-3 tháng trong trường hợp: làm sai lệch kết quả kiểm định; không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.

 Về các tình huống có thể khiến trung tâm đăng kiểm xe cơ giới bị cơ quan quản lý rút giấy phép, Nghị định 139/2018 quy định rõ các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.

 Bao gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm được cấp do gian lận, làm giả các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu; bị cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. Trung tâm đăng kiểm ngừng hoạt động kiểm định quá 12 tháng liên tục; bị tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới quá 2 lần trong thời gian 12 tháng liên tục; có từ 5 lượt đăng kiểm viên trở lên bị tạm đình chỉ hoặc từ 3 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục; đơn vị đăng kiểm bị giải thể. (Baochinhphu.vn 17/10)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Italy sẽ đánh thuế các công ty công nghệ

 Italy sẽ đánh thuế các công ty công nghệ lớn như Amazon, Google… Quyết định này đã có trong dự thảo ngân sách năm 2020, vừa được gửi tới Ủy ban châu Âu xem xét, phê chuẩn.

 Mức thuế 3% sẽ được áp đặt với các công ty có doanh số hàng năm trên 750 triệu Euro, trong đó ít nhất 5,5 triệu Euro đến từ các dịch vụ được cung cấp tại Italy.

 Theo tính toán của Bộ Tài chính Italy, quy định mới này sẽ mang về cho ngân sách nhà nước khoảng 600 triệu Euro mỗi năm tính từ năm 2020.

 Trước đó, ngày 11/7, Pháp trở thành quốc gia tiên phong trên thế iới áp thuế đối với các "đại gia" công nghệ, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu mở cuộc điều tra về kế hoạch này của Paris. (VTV.vn 17/10)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More