Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 11-10-2019

Post date: 11/10/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.Nỗ lực bền bỉ của Chính phủ, nhìn từ bảng xếp hạng toàn cầu. 1

CHÍNH SÁCH MỚI 4

2.Trợ cấp lần đầu 10 tháng lương cơ sở cho người lao động công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. 4

CHỈ THỊ MỚI 5

3. Báo động vi phạm về đất đai, Bộ TNMT có chỉ đạo kiểm tra, xử lý. 5

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 6

4. Thừa Thiên – Huế: Chủ tịch tỉnh đến trường “làm học sinh”, nói chuyện về đạo đức. 6

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

5. Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài 7

6.Dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm nay sẽ đạt 7,05%.. 8

7.  Chuyên gia WB: "Đây là thời điểm Chính phủ Việt Nam cần tăng gấp đôi nỗ lực". 8

QUẢN LÝ.. 9

8.36 thủ tục hành chính được giải quyết theo ngành dọc tại cấp tỉnh, huyện, xã. 9

9.  Nhiều kiến nghị không tăng tuổi nghỉ hưu. 9

10.  Tiến sĩ lương không đủ sống, du học sinh chỉ là nhân viên hợp đồng. 10

11. Đề xuất Cảnh sát giao thông phải cám ơn người vi phạm giao thông. 11

12.Tuyên Quang: Nhiều trụ sở UBND xã tự ý đặt biển “Khu vực cấm”. 12

13. Đà Nẵng: 24 cán bộ xin thôi việc, nghỉ việc. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 14

14. Công khai số liệu giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

15. Đắk Lắk: Nguyên nhân nữ trưởng phòng “lọt cửa lý lịch”. 15

16. Bình Định: Cựu Bí thư xã được Chủ tịch nước tặng Huy chương… “lộ” hành vi gian dối! 16

17. Ninh Bình: Giáng cấp Trung tá Cảnh sát giao thông “đứng nhìn” nữ nhân viên ngân hàng bị bạn trai sát hại giữa đường. 16

THẾ GIỚI 17

18. Singapore soán ngôi Mỹ thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới 17

 TIÊU ĐIỂM

Nỗ lực bền bỉ của Chính phủ, nhìn từ bảng xếp hạng toàn cầu

Suốt từ năm 2014 tới nay, Chính phủ liên tiếp ban hành 6 Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng năm 2019 đã ghi những dấu ấn cả về quyết tâm mạnh mẽ hơn, giải pháp đột phá hơn, cả về kết quả đạt được.

 Đầu tháng trước, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt đề án xây dựng và triển khai bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn. Với việc Đắk Nông vốn 2 năm liền (2017 – 2018) đứng thứ hạng 63/63 cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đây là chỉ dấu cho thấy đã có những chuyển biến mới trong nhận thức và hành động của Đắk Nông nói riêng và các địa phương trên cả nước về công tác này.

 Nay, theo xếp hạng vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh, tăng tới 10 bậc so với năm trước.

 Năm 2019 là năm thứ sáu liên tiếp Chính phủ ban hành các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu các năm trước, Nghị quyết này được đánh số 19 thì năm nay, Nghị quyết được lấy số 02, ngay sau Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Một điểm đáng chú ý khác: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết này ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, cùng lúc với Nghị quyết 01.

 Cũng như các Nghị quyết 19 trước đây, Nghị quyết 02 sử dụng các xếp hạng của quốc tế về Việt Nam và lấy những thứ hạng đó làm thước đo, đồng thời cũng căn cứ vào nội dung các xếp hạng để tìm kiếm các giải pháp và mục tiêu tương ứng.

 Tuy nhiên, so với các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 có nhiều điểm mới căn bản về cách tiếp cận. Trước hết, Nghị quyết xác định cơ quan chịu trách nhiệm với từng chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Nếu các Nghị quyết 19 trước đây đưa ra hàng trăm giải pháp cụ thể, mỗi bộ có thể có hàng chục giải pháp do Chính phủ chỉ định thì năm nay, Chính phủ tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần. Nói cách khác, về cơ bản, Chính phủ đã trao quyền chủ động cho các Bộ trưởng, thay vì “cầm tay chỉ việc” giao giải pháp và nhiệm vụ cụ thể với từng chỉ số như trước đây.

 Mặc dù vậy, Nghị quyết cũng nêu rõ những nhóm nhiệm vụ mà Chính phủ lựa chọn để ưu tiên chỉ đạo quyết liệt. Đó là, tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh một cách thực chất; tiếp tục cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành; tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

 Mặt khác, ngoài các bảng xếp hạng đã được đề cập trong các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 sử dụng thêm một xếp hạng nữa về mức độ sẵn sàng của các quốc gia cho nền sản xuất tương lai, vừa được WEF thực hiện từ 2018; cùng hai xếp hạng chuyên ngành về dịch vụ hậu cần logistics và năng lực cạnh tranh du lịch.

 Như vậy, cho tới nay, thế giới có xếp hạng nào đo lường về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì chúng ta đều sử dụng và áp dụng vào Nghị quyết 02.

 Và thực tế đã cho thấy, các nhóm giải pháp trong Nghị quyết đều đã được triển khai khá đồng bộ và quyết liệt. Chẳng hạn, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một nội dung rất mới của Nghị quyết là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2019. Kế hoạch hành động của các địa phương đều chú trọng tới nội dung này. Theo khảo sát của Công ty kiểm toán PWC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.

 Cùng với đó, mặc dù còn phải tiếp tục cải cách, thời gian qua, trung bình trên 50% số điều kiện kinh doanh, 50% số dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt bỏ hoặc đơn giản hoá…

 Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hoạt động kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện Nghị quyết được coi trọng. Văn phòng Chính phủ thực hiện tích cực, quyết liệt và hiệu quả trong việc đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên, liên tục tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, qua đó thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành. Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh (do Tổng thư ký chủ trì) tổ chức các cuộc họp đánh giá độc lập về thực hiện Nghị quyết số 02…

 Ở địa phương, cũng có một số kết quả điển hình trong thực hiện cải cách. Chẳng hạn, về Khởi sự kinh doanh, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018, thủ tục này trải qua 8 bước và mất 17 ngày. Một số địa phương đẩy mạnh cải cách chỉ tiêu này theo hướng tích hợp các bước thủ tục và rút ngắn thời gian, theo đó số thủ tục và thời gian giảm đáng kể. Ví dụ như số thủ tục giảm còn 5 bước; thời gian còn 5 ngày (tại Đồng Tháp), 8 ngày (Quảng Ninh)…

 Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, trong năm qua, chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam tăng 3 bậc, từ 45 lên 42. Chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm vừa qua tăng 15 bậc lên thứ 59. Thanh toán điện tử tăng 19,6% số lượng giao dịch, 26,6% giá trị, đặc biệt thanh toán qua di động tăng 104% số giao dịch và 155% giá trị. Chỉ số an toàn an ninh thông tin của Việt Nam tăng 50 bậc từ 100 lên 50. Giáo dục phổ thông xếp thứ 38. Việt Nam có 2 trường đại học vào tốp 1000 trường đại học hàng đầu thế giới…

 Có một thực tế là hiếm có phiên họp Chính phủ nào mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không đề cập tới yêu cầu tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Liệu có bao nhiêu đồng chí đã nghiên cứu kỹ 12 nhóm trụ cột, 98 tiêu chí trong đánh giá năng lực cạnh tranh của WEF hay 10 nhóm chỉ tiêu trong đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới?”, Thủ tướng từng đặt câu hỏi với các thành viên Chính phủ.

 Mới nhất, tại phiên họp Chính phủ vừa diễn ra đầu tháng 10, trước mức độ vào cuộc khác nhau giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 02, Thủ tướng yêu cầu cần cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và cho biết, lần này đánh giá thi đua, phải xem xét môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương. (Baochinhphu.vn 10/10, Hà Chính)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Trợ cấp lần đầu 10 tháng lương cơ sở cho người lao động công tác ở vùng đặc biệt khó khăn

Đây là một trong những điểm nhấn tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vừa được Chính phủ ban hành.

 Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến xã, phường, thị trấn và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang đã được xếp lương theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định, đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 Tại nghị định mới được ban hành, các đối tượng nêu trên được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 5 năm (60 tháng).

 Nghị định cũng quy định phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 Cụ thể, các đối tượng được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 Trong đó, mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm. Mức 0,7 đối với người có thời gian từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm và mức 1,0 áp dụ từ đủ 15 năm trở lên.

 Đối tượng nêu trên khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng này.

 Trường hợp có gia đình cùng đến công tác thì còn được trợ cấp thêm các khoản như: Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi; trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.

 Các khoản trợ cấp trên do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nơi tiếp nhận, bố trí công tác chi trả ngay khi đối tượng được hưởng nhận công tác và chỉ thực hiện một lần trong tổng thời gian thực tế làm việc.

 Các đối tượng cũng được hưởng trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, trường hợp được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cử đi thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu học tập và hỗ trợ 100% tiền học phí, chi phí đi lại từ nơi làm việc đến nơi học tập.

 Với trường hợp công tác tại vùng dân tộc ít người tự học tiếng dân tộc để phục vụ nhiệm vụ được giao thì được hỗ trợ tiền mua tài liệu và tiền bồi dưỡng cho việc tự học bằng số tiền hỗ trợ cho việc học tập ở các trường, lớp chính quy.

 Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2019. (Vneconomy.vn 09/10, Dương Nhật)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Báo động vi phạm về đất đai, Bộ TNMT có chỉ đạo kiểm tra, xử lý

Bộ TNMT vừa có Công văn số 4944 gửi UBND các tỉnh, thành phố (TP) trực thuộc Trung ương về kiểm tra, xử lý việc chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định, các chủ đầu tư rao bán nhà đất trái phép.

 Thời gian vừa qua, một số địa phương có tình trạng nhiều chủ đầu tư rao bán nhà đất thuộc các dự án nhà ở không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất hoặc các dự án không đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất, bán nhà ở... Và tình trạng có nhiều người đã mua hoặc nộp tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng nhà, đất tại các dự án không phép, sai phép này.

 Theo đánh giá của Bộ TNMT, việc bán, mua nhà đất nêu trên đã vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, gây rủi ro cho người mua nhà đất, tác động xấu đến thị trường bất động sản, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

 Để ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nêu trên, Bộ TNMT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung như: Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công khai thông tin các dự án nhà ở đã được phê duyệt trên địa bàn tại trụ sở UBND cấp huyện, xã và tại khu đất thực hiện dự án và trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để cho mọi tổ chức, cá nhân dễ dàng nắm bắt thông tin trước khi thực hiện các giao dịch, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

 Bên cạnh đó, công khai các dự án nhà ở đã được phê duyệt nhưng có vi phạm pháp luật về đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở. Trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần kịp thời thông báo cho cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý theo quy định.

 Bộ TNMT cũng yêu cầu, Sở TNMT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các nội dung trên và tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện trên địa bàn về Bộ (thông qua Tổng cục Quản lý đất đai để tổng hợp) trước ngày 15.12.2019. (Lao Động 10/10, Châu An)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Thừa Thiên – Huế: Chủ tịch tỉnh đến trường “làm học sinh”, nói chuyện về đạo đức

Ngày 10/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ đã có chuyến kiểm tra đột xuất và dự tiết học đạo đức tại một số trường học trên địa bàn TP.Huế. Cùng đi với ông Thọ là ông Nguyễn Tân- Giám đốc Sở GDĐT tỉnh.

 Vào sáng 10/10, ông Thọ và ông Tân bất ngờ đến dự tiết học Giáo dục công dân của lớp 9/7 Trường THCS Trần Cao Vân mà không báo trước. Trước lúc vào phòng học, ông Thọ cho biết ông sẽ cùng ngồi học với các em học sinh để nắm được cách dạy cũng như cách truyền đạt về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống thông qua bài giảng trên lớp.

 “Thầy và trò cứ dạy và học bình thường như mọi ngày, như không có ai ngồi dự trong lớp”- ông Thọ nói với giáo viên và học sinh trong lớp. Sau đó, ông Thọ, ông Tân cùng cả lớp 9/7 bước vào bài học “Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

 Sau tiết học, ông Thọ đánh giá cao về cách truyền đạt của giáo viên, đồng thời có những chia sẻ về truyền thống thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là truyền thống văn hóa cũng như cốt cách của con người xứ Huế. “Khi truyền đạt cho học sinh về truyền thống của người Việt Nam, giáo viên cần đưa ra những câu chuyện nhỏ mang tính thực tiễn. Ví dụ như tên trường là Trần Cao Vân thì phải biết ông là ai, có lịch sử như thế nào”- ông Thọ nói với giáo viên đứng lớp.

 Sáng cùng ngày, ông Thọ cũng bất ngờ đến dự tiết học đạo đức cùng giáo viên và học sinh Trường tiểu học Vĩnh Ninh. Tại đây, ông Thọ đã cùng thảo luận và chia sẻ với các em học sinh về nội dung tiết kiệm, chống lãng phí.

 Ông Thọ nói với học sinh rằng, tiết kiệm là bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất như cẩn thận giữ gìn chính sách vở, dụng cụ học tập hàng ngày. “Đạo đức của mỗi người luôn rất quan trọng trong cuộc sống. Việc tiết kiệm, chống lãng phí là điều mà các cháu cần ghi nhớ. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ và các cháu phải tự rèn luyện đạo đức, bắt đầu từ những việc nhỏ, phù hợp với tuổi”- ông Thọ  chia sẻ.

 Trao đổi với ban giám hiệu các trường học trên, ông Thọ nhấn mạnh, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Theo ông, giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ bồi dưỡng nhận thức về các chuẩn mực xã hội mà còn góp phần định hình, phát huy những phẩm chất cần thiết của nhân cách con người.

 Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế giao trách nhiệm cho ngành giáo dục sớm tiến hành rà soát, đánh giá nghiêm túc, đề ra nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả, phù hợp cho học sinh. (Danviet.vn 10/10, Trần Hòe)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Việt Nam đang trở thành ngôi sao sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Đông Nam Á. Đây là nhận định Tổng Giám đốc quản lý và tư vấn đầu tư nước ngoài thuộc ngân hàng UOB (United Overseas Bank) Sam Cheong Chwee trong bài viết phân tích về tình hình kinh tế khu vực đăng trên báo "Liên hợp buổi sáng" (Singapore) ngày 9/10.    

 Số liệu thống kê của Hội nghị về thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, Việt Nam năm 2018 đã thu hút được lượng vốn FDI lên tới 16 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ KH&ĐT công bố các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ hơn 18,4 tỷ USD vào những dự án ở Việt Nam.

 Đạt được kết quả này là nhờ Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trọng tâm, nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 Đơn cử như việc quy hoạch và xây dựng thành phố cảng Hải Phòng thành một trung tâm kinh tế mới tại khu vực Đông Bắc đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Sự tăng trưởng về kinh tế và công nghiệp sẽ giúp Việt Nam trong khoảng một thập kỷ tới đây luôn là đối tác và thị trường quan trọng tại khu vực Đông Nam Á.

 Trong khi đó, Báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) về cập nhật kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương ấn bản tháng 10/2019, với tiêu đề: “Thích ứng rủi ro” đưa ra đánh giá triển vọng nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực trong trung hạn dù vẫn còn những rủi ro theo hướng suy giảm.

 Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút nhiều FDI hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, kết nối giữa FDI và khu vực tư nhân tại Việt Nam vẫn còn yếu. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này.

 Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng từ những thay đổi về tình trạng kinh tế trên toàn cầu, do chính sách mở cửa nền kinh tế mạnh mẽ, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ tương đối hạn chế. Căng thẳng thương mại leo thang và suy giảm toàn cầu mạnh hơn so với dự kiến có thể gây sức ép cho đà tăng trưởng của Việt Nam.

 Nếu những cải cách cơ cấu, tài khóa và khu vực ngân hàng được thực hiện mạnh mẽ hơn, thì sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro suy giảm và hỗ trợ tăng trưởng cao bền vững.

 Các chuyên gia của WB nhận định, tăng trưởng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ và năng lực cạnh tranh ngày càng cao là hai động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện tại. (Baochinhphu.vn 10/10, PN)Về đầu trang

Dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm nay sẽ đạt 7,05%

Sáng 10.10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức toạ đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III.2019. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo: tăng trưởng quý IV.2019 có thể đạt 7,26% và cả năm nay sẽ ở mức 7,05%.

 Theo báo cáo của VEPR, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong quý III.2019 ở mức 7,31%. FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính và tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm do nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện. Với mức tăng trưởng của quý III, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6% - 6,8% của năm 2019 do QH đề ra khả thi. Tuy nhiên, trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nhật Bản - Hàn Quốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá trị đồng tiền mạnh và tài sản.

 Dự báo tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong cuối năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới. Ngân hàng Nhà nước cần điều hành lãi suất và tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài, nhóm chuyên gia của VEPR khuyến nghị. Tỷ lệ lạm phát bình quân quý III.2019 đang ở mức vừa phải, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng gần đây. Ảnh hưởng từ dịch tả lợn và tăng giá xăng có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao. Trong bối cảnh đó, VEPR dự báo tăng trưởng năm 2019 đạt 7,05%. (VTV.vn 10/10)Về đầu trang

Chuyên gia WB: "Đây là thời điểm Chính phủ Việt Nam cần tăng gấp đôi nỗ lực"

Sáng ngày 10/10, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật kinh tế của Ngân hàng Thế giới tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) với tiêu đề "Thích ứng rủi ro".

 Về kinh tế Việt Nam, WB đánh giá triển vọng vẫn tích cực trong trung hạn dù vẫn còn những rủi ro theo hướng suy giảm. Tăng trưởng GDP theo giá so sánh dự báo sẽ giảm đà từ 7,1% năm 2018 xuống mức trên dưới 6,6% năm 2019, do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng sản xuất nông nghiệp yếu hơn. Tốc độ tăng trưởng dự kiến tiếp tục đà giảm trong các năm 2020 và 2021 xuống tốc độ bền vững hơn là 6,5%, phù hợp hơn với mức sản lượng tiềm năng.

 WB cảnh báo Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý kinh tế trên toàn cầu, do mở cửa thương mại mạnh mẽ và dư địa chính sách tài khoá và tiền tệ tương đối hạn chế. Căng thẳng thương mại leo thang và suy giảm toàn cầu mạnh hơn so với dự kiến có thể gây sức ép cho đà tăng trưởng của Việt Nam.

 WB cho rằng nếu những cải cách cơ cấu, tài khoá và khu vực ngân hàng được thực hiện mạnh mẽ hơn, thì sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro suy giảm và hỗ trợ tăng trưởng cao bền vững.

 "Đây là thời điểm Chính phủ cần tăng gấp đôi nỗ lực, nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Chính phủ cần tập trung vào các việc cần thiết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài", ông Mason khuyến nghị.

 Ông Mason nhận định tăng trưởng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ và năng lực cạnh tranh ngày càng cao là hai động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện tại.

 Về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại và thu hút nhiều FDI hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.

 Tuy nhiên, ông đánh giá rằng: "Kết nối giữa FDI và khu vực tư nhân tại Việt Nam vẫn còn yếu.Do đó, chính phủ cần có biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này". (Vneconomy.vn 10/10, Nguyễn Tuyến)Về đầu trang

QUẢN LÝ

36 thủ tục hành chính được giải quyết theo ngành dọc tại cấp tỉnh, huyện, xã

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Quyết định số 1291/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, xã.

 Theo đó, 36 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, xã thuộc các lĩnh vực như: Cấp, quản lý chứng minh nhân dân, căn cước công dân; đăng ký, quản lý con dấu; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện; nghĩa vụ quân sự; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội...

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngoài những thủ tục hành chính được phê duyệt trong Danh mục, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với bộ, cơ quan ngang bộ để đưa ra tiếp nhận tại bộ phận một cửa các cấp những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Trường hợp không thống nhất được với các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. (Đại biểu nhân dân 10/10)Về đầu trang

Nhiều kiến nghị không tăng tuổi nghỉ hưu

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội quy định tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam đang khiến nhiều người lao động không đồng tình.

 Theo đại diện các doanh nghiệp, người lao động ở một số ngành nghề không muốn tăng tuổi nghỉ hưu, thậm chí là muốn nghỉ hưu sớm hơn vì áp lực nghề nghiệp ngày càng lớn, sức khỏe không cho phép. Một số ngành phải kể đến như: y tá, điều dưỡng, công nhân ở các ngành nghề độc hại.

 Bên cạnh đó, người lao động càng cao tuổi năng suất càng thấp, nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương và không được phép sa thải. Việc tăng tuổi nghỉ hưu chắc chắn sẽ tác động đến số người nhận trợ cấp một lần. Nếu không có những bước đi thận trọng, quỹ bảo hiểm xã hội không những không bền vững mà còn có nguy cơ bị mất cân đối nhiều hơn. (VTV.vn 10/10)Về đầu trang

Tiến sĩ lương không đủ sống, du học sinh chỉ là nhân viên hợp đồng

Tiến sĩ lương không đủ sống, du học sinh chỉ là nhân viên hợp đồng, đó là thực tế mà các du học sinh tại Cà Mau phản ánh với đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri tại Cà Mau. Theo đoàn viên, thanh niên, tình trạng này dễ gây ra sự lãng phí trong đào tạo.

 Đoàn đại biểu Quốc hội do ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Bùi Ngọc Chương Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội có cuộc tiếp xúc cử tri với hơn 300 đoàn viên thanh niên tỉnh Cà Mau liên quan đến Luật Thanh niên và những vấn đề bức xúc của thanh niên.

 Buổi tiếp xúc nóng lên khi nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề bố trí việc làm, phát huy vai trò của lực lượng du học sinh tại Cà Mau. Thời gian qua, kinh phí đào tạo cho du học sinh của Cà Mau khá lớn, chỉ tính riêng năm 2018 trên 50 tỉ đồng. 

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Du học sinh Cà Mau, Tiến sĩ Lâm Thành Thép, trăn trở: “78 du học sinh vẫn là hợp đồng đối với các cơ quan Nhà nước, khi hết hợp đồng thì đơn vị bắt đầu ký lại, từ đó tâm lý của các du học sinh rất hoang mang”.

 Tiến sĩ Lâm Thành Thép nêu vấn đề: “Hiện nay các ứng viên hợp đồng chỉ có lương cơ bản nhân cho hệ số mà không có bất kỳ phụ cấp nào. Với mức lương này, phần lớn du học sinh (là những thạc sĩ, tiến sĩ) chúng tôi không đủ nuôi sống bản thân mà vẫn nhận sự trợ cấp từ phía gia đình”.

 Để tránh tình trạng lãng phí ngân sách, lãng phí chất xám, lãng phí cả tuổi thanh xuân, Tiến sĩ Lâm Thành Thép kiến nghị nên tăng biên chế, bố trí việc làm phù hợp, cần có cơ chế chính sách níu kéo, thu hút tiến sĩ, thạc sĩ và tạo cơ hội cho các du học sinh tham gia vào các dự án mang yếu tố nước ngoài.

 Trong khi đó, cử tri Trần Phước Duy (xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân) lo lắng: Không việc làm nên phần lớn thanh niên địa phương phải đi lao động ngoài tỉnh. Công tác hướng nghiệp cho thanh niên thời gian qua vẫn còn hạn chế đã dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

 Liên quan đến vấn đề việc làm cho đoàn viên thanh niên, Phó Bí thư đoàn thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) Lê Thị Tuyết Chi trăn trở: “Còn hơn 3 tháng nữa 80 tri thức trẻ khóa 3 sẽ kết thúc hợp đồng. Hiện nay vẫn chưa có phương án nào xác định chúng tôi có được ký hợp đồng lại với địa phương mình đang công tác hay không? Tâm trạng hiện nay của tri thức trẻ rất hoang mang, nếu không được nhận lại làm việc chúng tôi phải đi Bình Dương, Đồng Nai tìm kiếm công việc mới ở tuổi 31”.

 Được biết Cà Mau là một trong những tỉnh có lượng thanh niên rời quê đi lao động ở Bình Dương, Đồng Nai nhiều nhất ĐBSCL. (Lao Động 10/10, Nhật Hồ)Về đầu trang

Đề xuất Cảnh sát giao thông phải cám ơn người vi phạm giao thông

Bộ Công an đang tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.

 Theo dự thảo, CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện trong bốn trường hợp (quy định hiện hành là năm trường hợp).

 Thứ nhất, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

 Thứ hai, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

 Thứ ba, tin báo, phản ánh, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

 Thứ tư, có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

 Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định chi tiết về trình tự kiểm soát của lực lượng CSGT. Theo đó, khi phương tiện cần kiểm soát đã dừng đúng vị trí, CSGT phải thông báo người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống phương tiện và xuất trình các loại giấy tờ theo quy định.

 Tiếp đó, cán bộ CSGT phải thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân, trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã hoặc có hành vi thiếu văn hóa, sử dụng rượu bia, chất kích thích khác.

 CSGT sẽ nói lời: “Chào ông (bà, anh, chị…); yêu cầu ông (bà, anh, chị...) cho chúng tôi kiểm soát các loại giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện.

 Khi tiếp nhận được các loại giấy tờ, CSGT thông báo cho người điều khiển phương tiện và những người trên phương tiện biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát những nội dung theo quy định.

 Khi kiểm soát xong, CSGT thông báo cho người điều khiển phương tiện, những người trên phương tiện biết kết quả, hành vi vi phạm, biện pháp xử lý và nói lời: “Cám ơn ông (bà, anh, chị,…) đã hợp tác với lực lượng CSGT để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”. (Plo.vn 10/10, Tuyến Phan)Về đầu trang

Tuyên Quang: Nhiều trụ sở UBND xã tự ý đặt biển “Khu vực cấm”

Thời gian qua tại khu vực cổng hoặc khuôn viên trụ sở UBND các xã Tam Đình, Tam Thái, Tam Quang, Lượng Minh... của huyện Tương Dương có đặt biển rộng khoảng 1 m2 có nội dung giống nhau: Khu vực cấm xâm phạm, phá hoại, thu thập bí mật nhà nước, quay phim, ghi âm, chụp ảnh...

 Chiều 10/10, ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch xã Tam Đình cho biết, tấm biển "Khu vực cấm" được cấp dưới của mình đặt khoảng 7 tháng trước. "Anh em Văn phòng bảo thấy các xã khác đặt biển như vậy nên cũng làm theo. Giờ có người nói là sai thì mới biết", ông Thắng nói. 

Theo lãnh đạo xã Tam Đình, thực tế tình hình an ninh trật tự tại địa phương và ngay khuôn viên trụ sở nhiều năm qua rất tốt nên việc đặt biển hay không cũng không ảnh hưởng gì.

 Ông Vi Văn Phúc, Chủ tịch xã Lượng Minh cho rằng, việc đặt biển chỉ mang tính chất chủ động đề phòng người xấu tới trụ sở để ghi hình, thu thập bí mật nhà nước, hay mang vật liệu nổ... gây mất an ninh trật tự, đặc biệt là những người ở địa bàn khác đến. "Xã không vì bất cứ mục đích hay vụ lợi gì khác", ông Phúc nói và cho biết thêm từ trước tới nay ở địa phương chưa xảy ra trường hợp nào như vậy song việc đặt biển là cần thiết. Theo ông chủ tịch xã, chiều nay xã chưa nhận được yêu cầu của huyện Tương Dương về việc thu hồi biển cấm này, nếu thời gian tới nhận được thì sẽ thực hiện ngay.

 Theo luật sư Vũ Văn Đồng - Trưởng Văn phòng luật sư Miền Trung - Hà Nội (Đoàn luật sư Hà Nội), trụ sở UBND xã được hiểu là nơi tiếp dân nên không có quy định nào cấm công dân quay phim, chụp ảnh... "Công dân hoàn toàn có quyền công khai giám sát cán bộ. Vì vậy việc đặt biển đã hạn chế quyền tự do giám sát của công dân", ông Đồng phân tích.

 Ông Phan Đức Sơn, Chủ tịch huyện Tương Dương cho biết, hôm nay huyện đã có văn bản tới các xã yêu cầu chấn chỉnh việc tự ý đặt biển cấm. "Huyện không chỉ đạo hay ra một văn bản nào về việc cho phép đặt biển như vậy", ông Sơn khẳng định.

 Về tấm biển có nội dung tương tự đặt tại khuôn viên UBND huyện, ông Sơn cho biết "được phép đặt" vì căn cứ theo quy định có từ năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm trên địa bàn tỉnh. (Vnexpress.net 10/10, Nguyễn Hải)Về đầu trang

Đà Nẵng: 24 cán bộ xin thôi việc, nghỉ việc

Ngày 10-10, Sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay vừa có báo cáo về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ xin thôi làm nhiệm vụ và công chức, viên chức (CCVC) lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ. 

Theo đó, Đà Nẵng đã giải quyết cho 24 trường hợp cán bộ, CCVC thôi làm nhiệm vụ hoặc thôi việc. Trong đó có bốn trường hợp thuộc khối đảng, đoàn thể, 20 trường hợp thuộc khối chính quyền. Kinh phí chi trả trung bình cho mỗi trường hợp thôi làm nhiệm vụ hoặc thôi việc là 450 triệu đồng.

 Lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng cho rằng việc giải quyết chính sách thôi việc để bố trí cán bộ được thực hiện khách quan, công khai, minh bạch. Tổ thẩm định đã thảo luận tập thể, quyết định trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện và hiệu quả quản lý cụ thể, đạt được mục tiêu.

 Chính sách này của Đà Nẵng giúp bổ sung cán bộ có năng lực, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, động viên cán bộ chủ chốt lớn tuổi xin thôi làm nhiệm vụ để bố trí, sắp xếp công tác cán bộ, góp phần giải quyết sự thiếu hụt cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quản lý.

 Chính sách này đồng thời thực hiện hiệu quả việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, CCVC theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và nghị định mới của Chính phủ về tổ chức bộ máy.

 Tuy vậy, Sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay các trường hợp viên chức quản lý đủ điều kiện thực hiện chính sách đề nghị giải quyết chế độ thôi việc đa số chưa hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. 

Một số nơi không thực hiện đúng mục tiêu chính sách để nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cụ thể là bố trí cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý vào chức vụ, chức danh trong thời gian ngắn để được giải quyết chính sách.

 Đa số các cơ quan, đơn vị chỉ căn cứ nhu cầu thôi làm nhiệm vụ của cán bộ hoặc thôi việc CCVC mà chưa quan tâm đến công tác dự kiến bố trí nhân sự thay thế ngay.

 Có trường hợp đề nghị nhân sự thay thế không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm về độ tuổi bổ nhiệm (thời gian công tác còn lại chưa đủ nửa nhiệm kỳ), về trình độ lý luận chính trị.

 Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chưa làm rõ mức độ hiệu quả trong hoạt động của cơ quan, đơn vị khi bố trí nhân sự thay thế; bố trí người không đúng như đề xuất đã dự kiến.

 Cũng theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, quy định của pháp luật về chi trả cho đối tượng nghỉ, thôi việc từ nguồn kinh phí của đơn vị sự nghiệp công lập trong khi các đơn vị này khó khăn về nguồn kinh phí. Có nơi chi trả xong thì đơn vị không còn kinh phí hoạt động.

 “Dự thảo Luật Lao động năm 2019 đang được Quốc hội xem xét dự kiến lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến điều kiện để giải quyết chính sách” - Sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay. (Plo.vn 10/10, Tấn Việt)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Công khai số liệu giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ

Từ ngày 15/10, Bộ Tài chính sẽ công khai định kỳ số liệu các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

 Bộ Tài chính đã ban hành công văn gửi các Bộ, cơ quan Trung ương chủ quản chương trình, dự án và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ về việc công khai số liệu giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

 Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 tổ chức ngày 26/9/2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ số liệu giải ngân vốn nước ngoài của Chính phủ do Bộ Tài chính tổng hợp.

 Số liệu giải ngân này được Bộ Tài chính tổng hợp từ các đề nghị giải ngân của các chương trình, dự án đã được Bộ Tài chính chấp thuận gửi nhà tài trợ và công khai số liệu giải ngân này trên trang điện tử của Bộ. Sau đó, các bộ, ngành, địa phương phải kiểm tra số liệu này, trường hợp có sai khác cần có văn bản chính thức gửi Bộ Tài chính để xác minh, điều chỉnh trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày công bố.

 Quá thời hạn trên, nếu các bộ, ngành, địa phương không có ý kiến đề nghị điều chỉnh bằng văn bản kèm theo căn cứ xác thực được Bộ Tài chính chấp nhận, thì các số liệu đã công bố này được coi là căn cứ chính thức để tiếp tục công khai tiến độ giải ngân trong thời gian từ ngày 16/9/2019 đến hết năm 2019.

 Bên cạnh nội dung đề nghị Bộ, ngành, địa phương xác nhận số liệu giải ngân vốn nước ngoài của Chính phủ như trên, Công văn cũng cho biết, từ ngày 15/10/2019, Bộ Tài chính sẽ thực hiện chế độ báo cáo nhanh 15 ngày về giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ, chi tiết đến từng bộ, ngành chủ quản và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Cơ sở để lập các báo cáo nhanh này là số liệu giải ngân “nền” tại thời điểm ngày 15/9/2019, cộng số phát sinh giải ngân “thực” (số Bộ Tài chính đã chấp thuận ký đơn rút vốn gửi nhà tài trợ trong kỳ, riêng đối với phương thức giải ngân qua tài khoản đặc biệt chỉ tính các đơn rút vốn hoàn vốn đã chi tiêu từ tài khoản đặc biệt).

 Bộ Tài chính cũng yêu cầu 3 bộ, ngành chủ quản và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số giải ngân thấp nhất phải có giải trình lý do và đề xuất biện pháp thúc đẩy giải ngân.

 Các báo cáo giải ngân 15 ngày cuối tháng sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp kèm theo đánh giá và phân tích một số trường hợp điển hình giải ngân kém, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo. (Thời báo kinh doanh 10/10)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Đắk Lắk: Nguyên nhân nữ trưởng phòng “lọt cửa lý lịch”

Câu chuyện về lai lịch thực sự của trưởng phòng quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk khiến dư luận đặt ra nhiều mối nghi hoặc cũng như những đồn đoán nhiều chiều. Báo Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu về vấn đề này.

 “Trưởng phòng quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã thừa nhận mình tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo. Bà Thảo nói lúc nhỏ có tên cúng cơm là Trần Thị Ngọc Thêm” - ngày 9-10, nguồn tin của báo Pháp Luật TP.HCM cho biết như trên rồi khẳng định: “Tên Thảo hay tên Thêm cũng đều là một người”.

 Trước đó, liên quan đến việc bà trưởng phòng quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có tên “Trần Thị Ngọc Ái Sa” bị tố là mượn bằng của chị để xin việc làm và thăng tiến, phía Văn phòng Tỉnh ủy đã có thông tin đến báo chí. Cụ thể, bà này có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1975), chưa học hết cấp ba nhưng đã lấy bằng cấp ba của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (là chị ruột) để đi học trung cấp, học liên thông lên đại học và nay đã học đến thạc sĩ, đồng thời kê khai lý lịch cán bộ, công chức không trung thực...

 Tuy nhiên, sau đó có thông tin cho rằng bà Trần Thị Ngọc Ái Sa thật (hiện là nữ hộ sinh, làm việc tại BV đa khoa Lâm Đồng) không có người em nào tên Thảo, bản thân bà Sa sau đó cũng khẳng định chỉ có em gái sinh năm 1975 tên là Trần Thị Ngọc Thêm. Điều này dấy lên trong dư luận mối nghi hoặc về lai lịch thực sự của nữ trưởng phòng cũng như những đồn đoán nhiều chiều…

 Song với việc xác tín “Tên Thảo hay tên Thêm cũng đều là một người” như trên thì việc nữ hộ sinh Trần Thị Ngọc Ái Sa có em gái giữ chức trưởng phòng là đúng.

 Liên quan tới công tác xác minh lý lịch của bà Thảo (Thêm) trong quá trình thăng tiến lên vị trí trưởng phòng, có một thông tin đáng chú ý. Theo đó, trước khi bà này được kết nạp Đảng, phía Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có công văn đề nghị xác minh một số vấn đề.

 Cụ thể, theo ông Lâm Vũ Hùng, Bí thư Đảng ủy phường 4, TP Đà Lạt, khoảng năm 2012, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có công văn gửi đường bưu điện về việc xác minh Trần Thị Ngọc Ái Sa (thực tế là bà Thảo) có chị ruột là Trần Thị Ngọc Ánh đang là đảng viên. Bà Ánh là một trong số hơn 10 anh chị em với hai bà Ái Sa, Ngọc Thảo.

 “Thời điểm đó, bà Trần Thị Ngọc Ánh là đảng viên chi bộ Mầm non Anh Đào (Trường Mầm non Anh Đào), trực thuộc chi bộ Đảng bộ phường 4. Việc gửi công văn xác minh cũng là đúng theo quy định... Thực tế bà Ngọc Ánh lúc đó là đảng viên, phó bí thư chi bộ Trường Mầm non Anh Đào nên phường đã có xác nhận như vậy” - ông Hùng nói.

 Cũng theo ông Hùng, theo quy định, nếu trong gia đình có người đã vào Đảng thì coi như đã được làm kê khai, điều tra lý lịch…

 Được biết ngoài xử lý việc nữ trưởng phòng mang tên giả, khai báo lý lịch không trung thực thì cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang xem xét kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan. Việc làm rõ trách nhiệm bao gồm cả công tác xác minh lý lịch của bà trưởng phòng thời gian trước đó. (Plo.vn 10/10, Huy Trường)Về đầu trang

Bình Định: Cựu Bí thư xã được Chủ tịch nước tặng Huy chương… “lộ” hành vi gian dối!

Ngày 10/10, nguồn tin của Dân Việt cho biết, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) Nguyễn Văn Dũng vừa ký ban hành kết luận nội dung tố cáo ông Nguyễn Bổn - cựu Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thọ gian dối trong việc lập hồ sơ đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

 Theo kết luận, căn cứ lý lịch đảng viên của ông Nguyễn Bổn và Luật Thi đua khen thưởng, hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích của ông này không đúng quy định và không đúng thành tích tham gia cách mạng thực tế.

 Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ đã giao Phòng Nội vụ huyện hướng dẫn UBND xã Mỹ Thọ lập hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền hủy bỏ Quyết định số 2427/QĐ-CTN ngày 16/12/2011 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất đối với ông Nguyễn Bổn. Sau khi có quyết định hủy bỏ quyết định khen thưởng, UBND xã Mỹ Thọ thu hồi hiện vật, tiền thưởng mà ông Nguyễn Bổn đã nhận.

 Đặc biệt, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với Hội đồng Thi đua khen thưởng xã Mỹ Thọ vào các năm 2004 và 2010 (thời điểm xét thành tích đối với ông Bổn).

 Đề nghị Đảng ủy xã Mỹ Thọ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc về mặt Đảng đối với hành vi gian dối trong việc kê khai thành tích của ông Bổn.

 Cũng theo kết luận trên, năm 2005, Ban nhân dân thôn Tân Phụng 1 (xã Mỹ Thọ) tự ý cho con trai ông Bổn là Nguyễn Đăng Khoa mượn 300m2 đất để xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

 Trong khi đó, diện tích đất con trai ông Bổn “mượn” có 190m2 nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ và 110m2 thuộc quy hoạch hành lang đường quốc phòng Mỹ Thọ - Mỹ A. Đây là việc làm trái quy định pháp luật về đất đai. Trách nhiệm này thuộc về Ban nhân dân thôn Tân Phụng 1. (Danviet.vn 10/10, Dũ Tuấn)Về đầu trang

Ninh Bình: Giáng cấp Trung tá Cảnh sát giao thông “đứng nhìn” nữ nhân viên ngân hàng bị bạn trai sát hại giữa đường

Chiều 10/10, trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, Bộ trưởng Bộ Công an đã có quyết định kỷ luật đối với Trung tá Nguyễn Chí Kiều, cán bộ Đội tuần tra kiểm soát giao thông nội tỉnh, Phòng CSGT Công an Ninh Bình.

 Theo quyết định của Bộ Công an, Trung tá Nguyễn Chí Kiều bị kỷ luật giáng cấp bậc hàm từ Trung tá xuống Đại úy, hạ 2 bậc lương từ 7,4 xuống 6,2 vì đã vi phạm vào Điểm C, Khoản 5, Điều 9, Thông tư số 10/2010/TT-BCA ngày 25/2/2010 về Quy định xử lý vi phạm điều lệnh Công an nhân dân.

 Trưởng Phòng CSGT Công an Ninh Bình cho biết thêm, trước đó Đảng bộ Phòng CSGT đã tiến hành kỷ luật bằng hình thức "Cảnh cáo" đối với Trung tá Nguyễn Chí Kiều.

 Được biết, sau khi có quyết định kỷ luật giáng cấp bậc hàm của Bộ Công an, Đại úy Nguyễn Chí Kiều cũng đã có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi và đã được giải quyết.

 Trước đó, như Dân trí đưa tin, sáng 1/4/2019, Phạm Văn Nghị (SN 1988) điều khiển xe ô tô BKS 35A – 140.15 chở chị Trần Thị T.H. (SN 1994, cả hai cùng quê xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn) đi từ Chi nhánh BIDV thành phố Tam Điệp ra thành phố Ninh Bình.

 Khi đến bãi đất trống cạnh đường Tôn Đức Tháng, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, Nghị dừng xe nói chuyện với chị H., sau đó hai người xảy ra mâu thuẫn. Thấy Nghị đe dọa giết mình, chị H. hoảng sợ, mở cửa xe bỏ chạy.

 Lúc này, Nghị điều khiển xe ô tô đuổi theo, sau đó cầm kéo lao ra và đâm liên tiếp nhiều nhát vào cổ và ngực chị H. khiến nạn nhân tử vong. Gây án xong, Nghị cũng dùng kéo tự đâm vào cổ và bụng của mình để tự sát nhưng bất thành. 

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Văn Nghị về tội “Giết người” theo Khoản 1, Điều 123 Bộ Luật Hình sự.

 Thời điểm xảy ra vụ án mạng, người dân chứng kiến đã quay lại clip, ghi được hình ảnh có một chiến sĩ CSGT đứng gần hiện trường vụ án mạng nhưng không xông vào giải cứu nữ nhân viên ngân hàng.

 Chiến sĩ CSGT này sau đó được xác định là Trung tá Nguyễn Chí Kiều, Đội tuần tra kiểm soát giao thông nội tỉnh, Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình. Trung tá Kiều sau đó bị tạm dừng phân công chuyên môn để phục vụ công tác điều tra và làm bản tường trình về vụ việc.  (Dantri.com.vn 10/10, Thanh Bình)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Singapore soán ngôi Mỹ thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới

Singapore đã đánh bật Mỹ khỏi vị trí dẫn đầu trong Báo cáo cạnh tranh toàn cầu thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

 Singapore đã "hạ bệ" Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng năm nay nhờ ghi điểm mạnh trong các lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng, y tế, thị trường lao động và hệ thống tài chính. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, dù bị Singapore vượt mặt trên bảng xếp hạng chung nhưng Mỹ vẫn là một cường quốc trong lĩnh vực đổi mới.

 Theo WEF, Singapore và Việt Nam là hai quốc gia châu Á có màn bứt phá mạnh mẽ trong năm nay vì "dường như hai quốc gia này được hưởng lợi từ các căng thẳng thương mại toàn cầu thông qua chuyển hướng thương mại”. (VTV.vn 10/10)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More