Bản tin ngày 06-12-2021

Post date: 06/12/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Ngày 15.12, cơ bản phải tiêm xong vaccine mũi 2 cho người 18 tuổi trở lên. 1
  2. Bộ Y tế hỏa tốc "thúc" các tỉnh đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19. 2
  3. F0 tăng, nhiều địa phương vẫn có tỷ lệ tiêm vaccine thấp. 4
  4. Số ca F0 liên tục tăng cao, Hà Nội có nên siết chặt công tác phòng dịch?. 5

TƯ DUY HAY – CÁCH LÀM MỚI 6

  1. Đắk Lắk: Chính quyền trực tiếp đi... xin việc cho người dân. 6

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

  1. Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam: Kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi, bắt đầu từ quý IV/2021. 7
  2. Sẵn sàng kịch bản kiểm soát lạm phát 9
  3. Tăng cường quản lý, thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 10
  4. Ông Nguyễn Thành Phong: Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại 500.000 tỉ đồng. 11

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 12

  1. Đằng sau con số hơn 11.000 ôtô đăng ký trước bạ trong một ngày. 12

QUẢN LÝ.. 13

  1. Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Đảng viên không được thâu tóm quyền lực. 13
  2. Đề xuất tăng lương hưu 7,4% cho tất cả các đối tượng từ 1/1/2022. 15
  3. Khuyến khích doanh nghiệp cho nghỉ Tết như lịch của công chức, viên chức. 15
  4. Đề xuất bỏ quy hoạch với lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp Nhà nước. 16
  5. Đại biểu không đồng tình để địa phương làm chủ đầu tư cao tốc Bắc Nam.. 18
  6. Năm 2022 sẽ có nhiều cuộc thanh tra về đất đai, môi trường. 19
  7. TP HCM tiết kiệm 22 tỷ đồng từ sáp nhập quận, phường. 20
  8. Quảng Ninh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. 20

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 21

  1. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ở ĐBSCL. 21

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 21

  1. Cựu trưởng công an TP Thanh Hóa bị khai trừ Đảng. 21
  2. Để thất thoát tài nguyên khoáng sản, Gia Lai kiểm điểm 3 Trưởng phòng. 22

THẾ GIỚI 23

  1. Tổng thống Brazil bị điều tra vì tung tin thất thiệt về vaccine Covid-19. 23
  2. Trung Quốc trừng phạt nhiều quan chức ở Nội Mông. 24

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Ngày 15.12, cơ bản phải tiêm xong vaccine mũi 2 cho người 18 tuổi trở lên

Sáng 5.12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, đơn vị về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước và nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thế giới nói chung, ngay như các nước chung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... có biện pháp chống dịch rất quyết liệt, có nền y học tiên tiến, song cũng bị tác động bởi chủng virus mới Omicron. Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Trong những biện pháp phòng, chống dịch thì vaccine, thuốc điều trị và ý thức của người dân có tính chất rất cơ bản, quan trọng. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai chiến lược vaccine trong nhiều tháng nay, vừa qua bổ sung thêm vấn đề thuốc điều trị. Công việc này có khối lượng, quy mô lớn, lại tiến hành trong thời gian ngắn, chưa có tiền lệ nên có khó khăn, lúng túng.

Cuộc họp này nhằm đánh giá toàn diện về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước; đồng thời bàn giải pháp, nhiệm vụ tiếp tục triển khai bài bản, khoa học, kịp thời hơn nữa trong vấn đề chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chủ trương, chính sách của Chính phủ đều nhất quán, quyết liệt, tích cực; việc thực hiện phải đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tổ chức thực hiện phải đồng bộ, thông suốt, liên thông, mang lại hiệu quả.

“Chính phủ rất sốt ruột về vấn đề trên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chúng ta phải rút ngay kinh nghiệm trong đợt tiêm chủng vừa qua từ bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm, liên quan hạn sử dụng vaccine”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng yêu cầu, đến ngày 15.12 này phải kết thúc cơ bản tiêm xong mũi 2 cho người 18 tuổi trở lên; tính toán, xác định đối tượng cần phải tiêm mũi 3; tính toán khi nào hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, khi nào bắt đầu tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi vì không phải loại vaccine nào cũng tiêm được cho trẻ em như hiện nay...

Theo Bộ Y tế, tổng số vaccine đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng 211 triệu liều; số vaccine đã tiếp nhận đến hết ngày 3.12 là hơn 150 triệu liều. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine phòng COVID-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vaccine của Cuba, Ấn Độ...

Cùng với đó, việc nghiên cứu thuộc điều trị COVID-19 cũng đã được tiến hành từ năm 2020 cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng. Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép sẽ đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước. (Laodong.vn 05/12, Vương Trần)Về đầu trang

Bộ Y tế hỏa tốc "thúc" các tỉnh đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19

Trước thực tế còn một số địa phương có tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ và độ bao phủ vaccine còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã phân bổ kịp thời vaccine phòng COVID-19 đến các địa phương, đơn vị để triển khai tiêm chủng. Tổng hợp ghi nhận kết quả triển khai từ các địa phương, đơn vị, đến hết ngày 30/11/2021 đã tiêm được hơn 123 triệu liều vaccine.

Nhiều địa phương đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên cao (trên 90% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1) và đang triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi.

Tuy nhiên, còn một số địa phương tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine được phân bổ và độ bao phủ vaccine còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1662/CĐ-TTg ngày 2/12/2021, để tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.

Hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Đối với những địa phương đã đạt được độ bao phủ vaccine cao cần rà soát kĩ càng và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vaccine.

Các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung cho những người đã tiêm chủng đủ liều cơ bản theo hướng dẫn tại Công văn số 10225/BYT-DP ngày 1/12/2021 của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tỉnh hình triển khai tiêm chủng tại địa phương và rà soát số lượng vaccine đã được phân bổ để chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng kịp thời, không để xảy ra tình trạng thừa vaccine với hạn dùng ngắn hoặc quá hạn sử dụng phải huỷ bỏ gây lãng phí.

Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tăng cường thực hành an toàn tiêm chủng, theo dõi người được tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm; hướng dẫn người được tiêm theo dõi sức khoẻ sau khi tiêm và liên hệ với cơ quan y tế gần nhất khi cần thiết; xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.

Tăng cường công tác truyền thông về lợi ích, tính an toàn của vaccine và những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra sau khi tiêm để người dân hiểu rõ, hiểu đúng, tránh hoang mang và hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Bộ Y tế nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tiến độ sử dụng vaccine đã được phân bổ và tỷ lệ bao phủ vaccine tại địa phương. (VTV.vn 05/12)Về đầu trang

F0 tăng, nhiều địa phương vẫn có tỷ lệ tiêm vaccine thấp

Một số tỉnh, thành như Cần Thơ, Đồng Tháp, Thanh Hóa ghi nhận số lượng lớn ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Song, độ bao phủ vaccine của các địa phương này không được cao.

Tính từ 16h ngày 3/12 đến 16h ngày 4/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.998 ca nhiễm mới, trong đó có 5 ca nhập cảnh và 13.993 F0 ghi nhận trong nước (tăng 332 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố. Số F0 ghi nhận ngoài cộng đồng là 8.402 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.784 ca/ngày. Tại nhiều địa phương, số ca mắc cộng đồng tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine ở các tỉnh, thành chưa đồng đều.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam tiêm được tổng cộng 126.846.771 liều vaccine Covid-19 cho người dân. Trong đó, số lượng mũi một được tiêm là 73.155.299 liều. Con số này với mũi 2 là 53.691.472 liều.

Trong một tuần qua, tốc độ tiêm chủng trung bình của cả nước đạt khoảng 1,3 triệu liều vaccine/ngày. Tuy nhiên, 2 ngày gần đây, số liều vaccine được tiêm có xu hướng giảm dưới 1 triệu liều.

Cần Thơ là địa phương có số lượng bệnh nhân Covid-19 cao mỗi ngày. Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng vaccine của tỉnh lại không cao. Địa phương này thường xuyên nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm (tính theo số mũi tiêm/số vaccine được phân bổ) thấp nhất cả nước trong thời gian gần đây.

Đến nay, Cần Thơ đã tiêm 1.855.046 mũi vaccine trong tổng số 2.253.568 liều được Bộ Y tế phân bổ (82,32%). Hiện tỷ lệ người trên 18 tuổi tại thành phố này tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 là 89,87%.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế, các địa phương khác có tỷ lệ tiêm thấp nhất bao gồm: Quảng Nam (67,78%), Gia Lai (72,89%), Hà Giang (73,34%), Kiên Giang (73,75%), Đồng Tháp (74,59%), Sóc Trăng (77,31%), Thanh Hóa (79,18%), Bình Định (79,92%), Tuyên Quang (80,7%).

Ngoài ra, nhiều địa phương có độ bao phủ mũi 1 cho người dân trên 18 tuổi dưới 85%, bao gồm: Yên Bái (73,77%), Quảng Nam (81,15%), Hòa Bình (81,44%), Hà Giang (83,84%), Bình Định (84,38%), Thái Nguyên (84,6%).

Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ người dân tiêm đủ liều khá cao, trên 95%, bao gồm: Long An (104,01%), Điện Biên (100,09%), Hậu Giang (100,07%), Khánh Hòa (99,68%), Cà Mau (96,99%), Lâm Đồng (98,52%), Hải Phòng (95,42%).

Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn triển khai mũi 2 chậm, với tỷ không cao, dưới 50%, là Thanh Hóa (27,95%), Sơn La (34,47%), Quảng Nam (35,37%), Tuyên Quang (40,11%), Thái Bình (40,89%), Gia Lai (45,12%), Nam Định (45,2%), Hà Tĩnh (49,34%), Thái Nguyên (49,38%).

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số nước xuất hiện biến chủng Omicron mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1677 chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Để tiếp tục kiểm soát, phòng, chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine và các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, việc tiêm chủng được yêu cầu phải thực hiện an toàn, khoa học, hiệu quả. (Zingnews.vn 05/12, Phương Mai) Về đầu trang

Số ca F0 liên tục tăng cao, Hà Nội có nên siết chặt công tác phòng dịch?

Số ca mắc COVID-19 liên tục tăng mạnh trong nhiều ngày qua. Nhiều người lo ngại và đặt ra câu hỏi thành phố có nên siết chặt hàng quán, tạm dừng việc để học sinh trở lại trường?

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng nhanh, đặc biệt, số ca mắc trong cộng đồng trên địa bàn thành phố cao. Chỉ tính riêng ngày 4.12, thành phố ghi nhận 628 ca mắc mới, trong đó 190 ca cộng đồng.

Nhận định về tình hình dịch hiện tại của thành phố, GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cho rằng, dịch COVID-19 hiện tại ở Việt Nam những ngày vừa qua đang có xu hướng tăng với tốc độ rất mạnh, đặc biệt tại các thành phố lớn, vùng Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, biến chủng Delta tiếp tục phát huy tính nguy hại, nặng nề của nó. Ngoài ra, biến chủng mới Omicron đã xuất hiện tại một số nước có thể tràn vào Việt Nam. Chúng ta cần có thế trận sẵn sàng ứng phó nếu chủng Omicron xâm nhập.

Theo các chuyên gia, mọi người tuyệt đối không được chủ quan, cần nghiêm túc tuân thủ thực hiện chống dịch. Bên cạnh đó phải có thái độ hết sức bình tĩnh, chủ động, hiệu quả để chống dịch.

Đồng thời thực hiện theo Nghị quyết 128 để tiếp tục duy trì, đảm bảo sản xuất, an sinh xã hội... Một số loại hình hàng quán như quán cà phê, karaoke… có thể tạm ngừng trong giai đoạn này vì đó là môi trường tốt để lây lan dịch COVID-19. Nếu tập thể dục, mọi người nên thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo giãn cách.

Liên quan đến vấn đề đi học trở lại, ông Trí nêu quan điểm: "Hà Nội cần phải cho học sinh đi học càng sớm càng tốt nhưng phải thật an toàn. Nhu cầu đi học của học sinh rất chính đáng từ mẫu giáo cho đến sinh viên đại học. Học sinh các cấp không thể học trực tuyến mãi được. Học trực tuyến quá lâu sẽ rất ảnh hưởng và có hại cho học sinh".

GS.TS Nguyễn Anh Trí lưu ý, việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại sao cho an toàn cần phải chú ý cụ thể 3 điểm cơ bản. Thứ nhất, an toàn phải được thực hiện từ gia đình, trên đường đi và cả tại lớp học. Trong 3 giai đoạn an toàn đó thì cần thực hiện tốt nhất ngay tại từng gia đình, đây cũng là điều quan trọng bậc nhất.

Thứ 2, tại trường cần thực hiện 5K nghiêm, khoanh vùng nơi học sinh vui chơi để hạn chế tiếp xúc các lớp khác nhau. Nếu được, trường vẫn nên tổ chức 3 tại chỗ cho học sinh: Ăn, ngủ, học ngay tại lớp, đặc biệt cả các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo… nhà trường nên tổ chức.

Thứ 3, đề nghị tổ chức mạng lưới y tế ở các trường cho thật tốt để thường xuyên theo dõi sức khoẻ cho học sinh, không chỉ đo nhiệt độ mà xét nghiệm đúng, chuẩn.

Đồng quan điểm với GS.TS Anh Trí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc học sinh quay trở lại trường là cần thiết và nên mở sớm và mở rộng thêm các cấp học khác.

"Không thể đóng cửa trường học mãi được. Học sinh ở nhà cũng vẫn có thể bị lây COVID-19. Nếu cha mẹ tuân thủ tốt, nguy cơ lây nhiễm ở trẻ sẽ giảm đi và hầu như không mắc bệnh. Việc trẻ học tại trường chỉ mất thời gian đi ngoài đường đến trường. Trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm trên đường rất thấp.

Trong trường hợp có học sinh mắc COVID-19, nhà trường sẽ sàng lọc, cách ly lớp đó và tạm thời dừng học trực tiếp chuyển sang học online. Trong thời gian này, trường tuân thủ quy định không cho các lớp giao lưu, học sinh các lớp không vui chơi tiếp xúc với nhau.

Đối với trẻ em không thể có ngay vaccine để triển khai tiêm hết, đặc biệt là trẻ nhỏ. Những đối tượng này không đến trường sẽ không phát huy hết vào việc để hệ thống giáo dục tham gia phòng chống dịch. Lứa tuổi này nên đến trường, thành phố cũng nên mở rộng đối tượng đến trường như học sinh cấp 1, 2, sau đó đến cấp mầm non", ông Hùng nói thêm. (Laodong.vn 05/12, Hà Phương) Về đầu trang

TƯ DUY HAY – CÁCH LÀM MỚI

Đắk Lắk: Chính quyền trực tiếp đi... xin việc cho người dân

Trong 2 ngày 2-3/12, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đã dẫn Đoàn công tác, trực tiếp vào các tỉnh phía Nam và TP.HCM để tìm hiểu, kết nối, hỗ trợ cho người lao động Đắk Lắk được trở lại làm việc sau dịch COVID-19.

 

Thông thường, cuối năm, cận Tết âm lịch, cả chính quyền ở quê nhà lẫn công nhân lao động tha phương đều rộn ràng tâm thế chuẩn bị về quê.

Cái lo của chính quyền - nếu có, đó là hỗ trợ vé tàu xe, sắp xếp các chương trình Tết sum vầy để giúp thêm cho người lao động đủ đầy, yên vui ngày Tết khi về với quê nhà...

Nhưng năm nay thì ngược lại. Chưa ai nghĩ đến việc lo Tết, thậm chí như Đắk Lắk, UBND tỉnh cùng với các sở ngành đã thành lập đoàn công tác để trực tiếp vào làm việc với UBND các tỉnh phía Nam gồm TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương... để "xin việc" lại cho người dân mình.

Theo thống kê tại Đắk Lắk, trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 có hơn 150.000 người từ các tỉnh thành phía Nam đã trở về quê.

Trong đó, có hàng chục nghìn lao động làm việc ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Trong số này, chỉ rất ít người tìm được việc làm tạm tại quê hương. Phần lớn đều lâm cảnh thất nghiệp.

Khó khăn về kinh tế, sinh hoạt là điều tất nhiên, nhưng nan giải chuyện học hành của con cái và những hoạch định dở dang cho tương lai của họ ở các tỉnh phía Nam mới đáng kể.

Đa số vẫn trong tâm thế chờ hết dịch để trở lại làm việc và gắn bó với miền Nam. Nhưng họ thiếu thông tin, sợ vấp phải các khó khăn về chính sách phòng chống dịch... Đấy là lý do chính quyền phải "tiền trạm", giúp đỡ.

Dự kiến đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk sẽ trao đổi với các địa phương về nhu cầu tuyển dụng lao động các ngành nghề. Các chính sách ưu đãi của doanh nghiệp và địa phương khi người lao động trở lại làm việc. Thống nhất nội dung phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động của tỉnh Đắk Lắk đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài số lao động đã làm việc tại các tỉnh phía Nam, Đắk  Lắk đang có thêm khoảng 5.000 lao động mới cũng có nhu cầu đến khu vực phía Nam để tìm làm việc.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các tỉnh ngoài việc hỗ trợ tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện về việc làm cho người lao động trở lại nơi làm việc theo nguyện vọng cần hỗ trợ tăng mức lương cơ bản để người lao động có tích lũy, kèm theo chính sách hỗ trợ an sinh giáo dục để ổn định cuộc sống lâu dài gắn bó với địa phương.

Đắk Lắk cũng mang theo lời đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm các địa phương phía Nam và TP.HCM phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk, cung cấp đầy đủ các thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (số lượng, ngành nghề, mức lương, các chính sách ưu đãi, tổng thu nhập của người lao động…) để có được những thông tin hướng dẫn cụ thể, giúp dân.

Người dân Đắk Lắk trông chờ trong cảm kích, cộng đồng đánh giá rất cao những việc làm cụ thể, thiết thực của chính quyền. Và đây là cách làm, là điều mà nhiều người lao động hồi hương tránh dịch ở các tỉnh thành khác đang mong đợi ở chính quyền của mình. (Laodong.vn 04/12, Thanh Hải)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam: Kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi, bắt đầu từ quý IV/2021

Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường; tuy nhiên, nhìn chung tăng trưởng trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam.

Tiếp tục Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" sáng 5/12, tại phiên họp toàn thể với chủ đề "Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam", các đại biểu đã thẳng thắn phân tích những thách thức và cơ hội phục hồi, phát triển của nền kinh tế Việt Nam; đồng thời tin tưởng Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 2,5% năm 2021 và 6,6% năm 2022.

Chia sẻ tham luận "Kinh tế Việt Nam năm 2021 - Một số vấn đề đặt ra" tại phiên họp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra một số dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tăng trưởng; đồng thời nhấn mạnh tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay như tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh tháng 11 tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 13,8%...

Trước những thách thức rất lớn đặt ra, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp đang "thiếu máu" trầm trọng, đặc biệt nguồn lực về vốn hoặc khó khăn trong việc tiếp cận các tín dụng... Cho rằng Việt Nam đang ở vùng trũng của tăng trưởng, ông Bùi Quang Tuấn đề xuất phải có những gói hỗ trợ đủ quy mô và đủ tính cấp thiết, kịp thời, nhanh nhạy, "đi thẳng vào nền kinh tế".

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, chúng ta đã có những chính sách về chuyển đổi số, tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng "mới dừng lại ở chủ trương, chính sách"; cần phải có sự quyết liệt hơn về củng cố nền tảng tăng trưởng, đặc biệt nguồn lực như đầu tư cho khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo; giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực lao động có kỹ năng, đặc biệt thu hút tài năng, tinh hoa...

Nhấn mạnh yếu tố tăng trưởng xanh, ông Bùi Quang Tuấn cho rằng, tuy đã có chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 nhưng khi rà soát lại, về cơ bản mới chỉ thực hiện được về thể chế, chính sách nhưng chưa đạt được kết quả tích cực ở các tiêu chí "xanh hóa sản xuất", "xanh hóa tiêu dùng", tiêu dùng bền vững...; trong khi chúng ta phải bắt nhịp 2 xu hướng phục hồi quan trọng: Phục hồi số và phục hồi xanh. Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ năm 2012 đã dành 0,6% GDP cho các hoạt động nghiên cứu; tăng lên 0,8 % GPD vào năm 2017 nhưng đến năm 2021 lại quay về mức 0,64% GPD.

"Như vậy là không cải thiện, thậm chí gần như giữ nguyên. Chúng ta gặp nhiều thách thức nếu muốn đổi mới công nghệ và sáng tạo", ông Bùi Quang Tuấn nêu rõ.

Đánh giá về quy mô nền kinh tế số, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Việt Nam đang có cơ hội vàng. Chúng ta có thể thua các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh, nhưng về nền kinh tế số, Việt Nam có tiềm năng để có thể bứt phá. Theo số liệu, quy mô kinh tế số Việt Nam năm 2021 đạt 21 tỷ USD. Dự báo đến 2025, chúng ta đứng thứ hai Đông Nam Á với 54 tỷ USD, chỉ thua Indonesia (146 tỷ USD), đứng trên Thái Lan (56 tỷ USD)".

Đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn cho rằng, chính sách tiền tệ phải giảm mặt bằng lãi suất, chính sách tài khóa tập trung chi tiêu cho các mục tiêu về y tế; nhà ở xã hội; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giãn, hoãn thuế phí; đẩy mạnh đầu tư công; ưu tiên các dự án có thể hấp thụ vốn…; đặc biệt, cần tăng cường và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

"Đây là cơ hội vàng nên phải tăng cường đầu tư bằng vật chất, nguồn lực; cải thiện và hoàn thiện về thể chế, trong đó có thí điểm về thể chế đổi mới sáng tạo cho các nhà khoa học nghiên cứu. Chúng ta cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, nâng cao kỹ năng số để có các giải pháp, chính sách tạo ra Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đã đến giai đoạn phải thay đổi, bắt buộc thay đổi, thay đổi nhanh mới thích ứng được trong thời gian tới", Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh. (VTV.vn 05/12)Về đầu trang

Sẵn sàng kịch bản kiểm soát lạm phát

Lạm phát năm nay có thể được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%. Tuy nhiên rủi ro lạm phát vẫn còn áp lực rất lớn, vì vậy cần sẵn sàng kịch bản kiểm soát lạm phát.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua. Qua đó, lạm phát cơ bản 11 tháng tăng 0,82%. Đây là mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua.

Như vậy, dự báo lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức thấp khoảng 2%, đảm bảo chỉ tiêu lạm phát cả năm dưới 4%.

Có 3 yếu tố tác động đến lạm phát 11 tháng qua. Thứ nhất là giá các mặt hàng thực phẩm 11 tháng giảm 0,52% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,11 điểm phần trăm.

Thứ hai, giá điện cũng giảm do Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19. Giá điện sinh hoạt bình quân giảm hơn 1%.

Thứ ba, ảnh hưởng của dịch bệnh người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé máy bay giảm trên 21% so với cùng kỳ; giá du lịch trọn gói giảm trên 2,4%.

Lạm phát được kiểm soát tốt là nền tảng ổn định cho việc phục hồi của nền kinh tế. Việc giữ được mức độ ổn định này giúp cho chúng ta có nhiều dư địa hơn để thực hiện các chính sách điều hành kinh tế.

6 tháng qua, giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu cho vận chuyển của Tổng công ty may 10 tăng khiến giá thành sản xuất cao, gây nhiều áp lực đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc lo bữa ăn miễn phí cho 12.000 công nhân tại 7 tỉnh cũng tốn một khoản chi phí khá lớn của công ty.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay: "Chúng tôi mong muốn Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát và giá nguyên liệu đầu vào. Qua đó sẽ tạo ra sự phát triển bền vững để tăng xuất khẩu và tăng thêm nguồn cung ra thị trường để giảm bớt tăng giá cả của hàng hóa".

Trong những tháng qua, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn bởi COVID-19 như sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, giảm giá một số hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu như điện, dịch vụ chứng khoán, sách giáo khoa…

Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát nguồn cung tiền hợp lý vừa hỗ trợ được sản xuất kinh doanh nhưng cũng góp phần kiềm chế được lạm phát. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm thường giá cả tăng cao nên rất cũng cần có nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa để kiểm soát tăng giá.

Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng hơn 10% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm chưa đầy một tháng trước mới chỉ hơn 8,7%. Còn so với khoảng thời gian nền kinh tế ngưng trệ vì đại dịch hồi giữa năm, tăng trưởng tín dụng mới chỉ quanh 7%, tức nhu cầu và mức độ hấp thụ về vốn của nền kinh tế đã tăng cao đáng kể.

Tuy nhiên, dòng vốn này chảy vào đâu - vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi hay lại chảy sang những lĩnh vực đầu cơ, rủi ro cao, gây nguy cơ bong bóng đối với nền kinh tế như bất động sản, chứng khoán? Vì vậy việc nắn chỉnh dòng vốn đang là yêu cầu đặt ra.

Việc Ngân hàng Nhà nước mới đây ban hành Thông tư 16, quy định các ngân hàng không được tham gia mua, đầu tư trái phiếu nếu nợ xấu trên 3% được đánh giá là biện pháp cần thiết cả trước mắt cũng như lâu dài, nhằm nắn chỉnh dòng tiền chảy vào những lĩnh vực có nguy cơ tạo ra bong bóng tải sản, gây rủi ro cho nền kinh tế.

Khi dòng tiền đổ vào bất động sản đã được siết chặt hơn thì dòng vốn cho vay từ các ngân hàng thương mại cũng sẽ được điều chỉnh. Khi lằn ranh đỏ về vốn cho lĩnh vực bất động sản được thiết lập chắc chắn dòng vốn cho sản xuất kinh doanh chắc chắn sẽ được trú trọng hơn, thực chất hơn. Thị trường vốn cũng lành mạnh và an toàn hơn. (VTV.vn 04/12)Về đầu trang

Tăng cường quản lý, thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3.12.2021 về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

 

Công điện nêu rõ: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng...

Tuy nhiên thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới trên 436 nghìn tỉ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng trên 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu:

Bộ Tài chính: Khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15.12 .2021.

Khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. (Laodong.vn 04/12, Vương Trần) Về đầu trang  

Ông Nguyễn Thành Phong: Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại 500.000 tỉ đồng

Tại phiên thảo luận Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 5.12, ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, qua tính toán, ảnh hưởng từ đại dịch tới kinh tế là rất nặng nề.

Với giả thiết không xảy ra đại dịch, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 7%. Nhưng thực tế năm 2020 chỉ đạt 2,91%. Năm 2021 dự kiến tăng hơn 2%. Tổng 2 năm theo ông Phong, đại dịch đã "cuốn" đi hơn 500.000 tỉ đồng, thiệt hại vô cùng lớn.

ể giảm thiệt hại về kinh tế, ông Phong cho rằng phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp để nhanh chóng tạo động lực kinh tế, trong đó gói hỗ trợ kích thích là cần thiết.

Trong đó, ông Phong nhấn mạnh đến việc khơi thông tiêu dùng nội địa, xuất khẩu - 2 động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, gói kích thích cần hướng tới giảm chi phí sản xuất doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí phòng chữa bệnh, nhà ở cho công nhân, trợ cấp cho công nhân và gia đình họ có cuộc sống ổn định để khôi phục nhanh chóng nền kinh tế Việt Nam trong trạng thái bình thường mới.

Ở khía cạnh kích thích thị trường trong nước, ông Phong nhấn mạnh đến việc khai thác, đẩy mạnh hàng tiêu dùng thay thể hàng nhập khẩu hiện nay. Đồng thời không khuyến khích quá mức bởi vậy sẽ giảm tiết kiệm, giảm đầu tư. Ông Phong cũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện phục hồi, thì chuyển đổi số sẽ là điều quan trọng để tận dụng sức mạnh thời đại.

Tại diễn đàn, phân tích về tác động của COVID-19 tới tăng trưởng của các nền kinh tế Châu Á, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường cho biết, sự phục hồi kinh tế ở Châu Á là không đồng đều, khu vực Đông Á tiếp tục là điểm sáng, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng của Trung Quốc, dự báo gần đạt được sự tăng trưởng trước đại dịch vào năm sau.

"Năm 2020, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng dương cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhưng làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4 đã tác động mạnh tới tăng trưởng và dự báo kinh tế Việt Nam sẽ giảm sâu vào năm 2021. Tuy nhiên, triển vọng trung hạn và dài hạn vẫn tích cực", ông Nguyễn Minh Cường nhận định.

Song, khi phân tích về thách thức và rủi ro, Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết, COVID-19 vẫn là mối đe doạ với phục hồi kinh tế, đặc biệt là với chủng mới Omicron. Kinh tế khu vực phục hồi, nhưng không đồng đều. Các nền kinh tế khống chế thành công dịch bệnh và có độ phủ vaccine cao sẽ tận dụng được các cơ hội của phục hồi kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, biến động giá nhiên liệu, nguyên vật liệu thế giới và khả năng "siết" lại các chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế phát triển sẽ là những rủi ro cho phục hồi kinh tế của Châu Á.

Theo ông Cường, trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận chi ngân sách nhà nước cao hơn, nợ công tăng trong giai đoạn 2021 - 2023.

Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa giảm dần, Việt Nam cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu, siết chặt kỷ cương chính sách tài khóa.

Đối với các gói hỗ trợ phục hồi của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường đề nghị, cần ưu tiên các giải pháp ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tăng cường hợp tác quốc tế về y tế và phục hồi kinh tế.

"Điều quan trọng nhất là Việt Nam có dư địa áp dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ thì liệu Việt Nam có còn dư địa thời gian để thực hiện các biện pháp ngắn hạn", ông Nguyễn Minh Cường nêu câu hỏi. (Laodong.vn 05/12, Cường Ngô)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Đằng sau con số hơn 11.000 ôtô đăng ký trước bạ trong một ngày

Dân được giảm tiền, nhà nước thu được thuế phí, doanh nghiệp thì bán được hàng. Chúng ta đang nói đến chính sách giảm lệ phí trước bạ 50%.

 

Hơn 11.000, hay chính xác là 11.286 chiếc xe ôtô đã được đăng ký nộp lệ phí trước bạ trong chỉ một ngày 1.12. Một kỷ lục. Khi mà con số này gấp gần 10 lần so với những ngày cuối tháng 11 (Chỉ chưa tới 1.200 xe nộp lệ phí trước bạ).

Câu chuyện đơn giản: 1.12 là ngày đầu tiên nghị định 103 của Chính phủ với việc lệ phí trước bạ giảm tới 50% - bắt đầu có hiệu lực. (Quy định này sẽ kéo dài đến hết 31.5.2022). Kỷ lục trong ngày đầu tiên của tháng cuối cùng năm 2021 cho thấy có rất nhiều cái “được”.

Một chiếc Hyundai Santa Fe lắp ráp trong nước chẳng hạn, sau khi được giảm lệ phí trước bạ 50%, giá lăn bánh giảm từ 51 đến 80 triệu đồng tuỳ địa phương đăng ký.

51-80 triệu đồng, đó là một khoản tiền không hề nhỏ, thậm chí rất “đáng kể”, ngay đối với những người sở hữu ôtô. Điều đó cũng lý giải việc người dân “đổ xô”, “ùn ùn” đi đăng ký xe. Lý giải cho sự “quá tải” của các điểm đăng ký.

Một chính sách giảm thuế đúng và trúng thời điểm đang tạo ra một cách hữu hiệu nhu cầu tiêu dùng của người dân. Và dân mua một cái xe lắp ráp trong nước, có nghĩa là đã đóng tới 7 loại thuế, phí. Từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí kiểm định, phí bảo trì đường bộ, phí cấp biển số, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.

Chưa kể là nếu “lăn bánh”, chủ xe còn phải trả phí cầu đường. Chưa kể cái gánh 4 sắc thuế trong mỗi lít xăng dầu (thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, và 3.800 đến 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường). Tính ra, dân mua một cái xe, nhà nước “được” hơn một cái xe tiền thuế.

Tại buổi họp báo về Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, khi bàn về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam có nói 2 ý rất hay. Rằng “Gói hỗ trợ phải chú ý tính hiệu quả và tác dụng ngay. (Chứ) rót hỗ trợ mà 5 - 7 năm nữa mới có tác dụng thì quá lâu”.

Ông Tuấn cũng cho rằng, gói hỗ trợ cần tập trung vào việc hỗ trợ người lao động, cả điều kiện ăn ở, và các điều kiện khác". Nghị định về giảm lệ phí trước bạ đang kích cầu tiêu dùng rất hữu hiệu và rõ ràng, nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp, người dân cần nhiều những chính sách như thế. Nhưng không chỉ như thế, không chỉ là giảm thuế.

Bởi nói như TS Bùi Quang Tuấn, “nếu chỉ giảm thuế thì chưa đủ. Doanh nghiệp có làm ra doanh thu đâu mà giảm thuế"! (Laodong.vn 04/12, Đào Tuấn)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Đảng viên không được thâu tóm quyền lực

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành hướng dẫn số 02 thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Theo đó, hướng dẫn điều 2 nêu đảng viên không được tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử người khác vào các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ mà theo quy định phải do cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu.

Với điều 3, cơ quan kiểm tra hướng dẫn đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng.

Đảng viên cũng không được: Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, hoài nghi; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng", đòi "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang"...; giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".

Cùng với đó, đảng viên không được thâu tóm quyền lực, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân; cơ hội, vụ lợi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể; không được chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước...

Hướng dẫn điều 9 nêu đảng viên không được sử dụng hoặc có hành vi bao che, giúp đỡ cho người khác kê khai, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp để dự thi tuyển, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, thi hoặc xét nâng ngạch...

Đảng viên cũng không được nhập quốc tịch nước ngoài, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài không báo cáo, kê khai với tổ chức đảng quản lý trực tiếp, không đúng quy định của pháp luật.

Điều 13 trong Quy định về những điều đảng viên không được làm, nêu đảng viên không được "can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác".

Đây là nội dung mới của Quy định nêu trên so với trước đây. Cơ quan kiểm tra hướng dẫn điều này như sau: Đảng viên không được thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ các quy định (quy trình, thủ tục, phương pháp nghiệp vụ) để làm thay đổi, sai lệch kết luận, kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đảng viên không được tham mưu, đề xuất, quyết định giảm trách nhiệm, giảm án, giảm tội, bỏ lọt tội phạm, giảm hình phạt, mức phạt, mức bồi thường vật chất, thời gian thi hành, chấp hành án, xét ân xá... cho người khác không đúng quy định.

Ngoài ra, đảng viên không được có hành vi chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra...

Hướng dẫn điều 14 nêu đảng viên không được tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản khác có được từ hành vi vi phạm pháp luật trở thành tiền và các tài sản có nguồn gốc hợp pháp; tổ chức, tham gia việc huy động vốn, tài sản và cho vay trái quy định của pháp luật.

Cuối tháng 10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định 47 năm 2011. Quy định mới giữ nguyên 19 điều như trước, kế thừa cơ bản nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nội dung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

Trung ương bổ sung một số hành vi nghiêm cấm. Đó là "không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định"; không được "đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý"; không được "có hành vi chạy chức chạy quyền", "tham ô" hay "thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội"... (Vnexpress.net 04/12, Hoàng Thùy) Về đầu trang

Đề xuất tăng lương hưu 7,4% cho tất cả các đối tượng từ 1/1/2022

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh chung cho tất cả các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng với mức tăng 7,4%.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện Nghị định điều chỉnh lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, về phần căn cứ xây dựng dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung "Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022".

Đối tượng điều chỉnh bao gồm: những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/2022.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.

Về mức điều chỉnh, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh chung cho tất cả các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng với mức 7,4%.

Sau khi điều chỉnh theo mức chung, những người nghỉ hưu trước năm 1995 mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng điều chỉnh tiếp.

Cụ thể, tăng thêm 200.000 đồng/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.300.000 đồng/tháng trở xuống; Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.300.000 đồng/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/tháng. Thời gian áp dụng điều chỉnh từ ngày 1/1/2022. (VTV.vn 04/12)Về đầu trang

Khuyến khích doanh nghiệp cho nghỉ Tết như lịch của công chức, viên chức

Năm 2022 dự kiến có 22 ngày nghỉ lễ Tết và Bộ LĐ-TB&XH khuyến khích doanh nghiệp cho nghỉ Tết như lịch của công chức, viên chức.

Năm 2022 dự kiến có 22 ngày nghỉ lễ Tết: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa đề xuất Chính phủ phương án nghỉ lễ, Tết năm 2022 trên cơ sở lấy ý kiến đồng ý của 16 cơ quan, bộ ngành.

Cụ thể, theo phương án mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, dịp Tết Nhâm Dần, công chức, viên chức, người lao động sẽ có tới 9 ngày nghỉ, gồm 5 ngày chính thức và 4 ngày cuối tuần, từ 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến hết mùng 6 tháng Giêng năm Nhân Dần, tức 29/1/2022 đến 6/2/2022. Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc bố trí này đảm bảo việc hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết.

Trong khi đó, kỳ nghỉ dịp Quốc khánh dự kiến kéo dài 4 ngày, từ 1/9 đến 4/9/2022, tức từ thứ Năm đến hết Chủ nhật.

Cùng nghỉ 4 ngày, do dịp Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và ngày Quốc tế lao động (1/5) rơi vào cuối tuần, công chức, người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày chính thức và nghỉ bù vào thứ Hai và thứ Ba của tuần kế tiếp.

Ngoài ra, một số ngày nghỉ lễ hàng năm thực hiện theo quy định. Dịp Tết Dương lịch sắp tới, người lao động sẽ nghỉ 3 ngày liên tục từ 1/1 đến hết 3/1/2022, do rơi vào cuối tuần và được nghỉ bù thứ Hai của tuần kế tiếp.

Ngày Giỗ tổ 10/3 Âm lịch, tức ngày 10/4 Dương lịch rơi vào Chủ nhật, người lao động được nghỉ bù thứ Hai tuần kế tiếp.

Khuyến khích doanh nghiệp cho nghỉ Tết như lịch của công chức, viên chức: Trường hợp người lao động, căn cứ vào điều kiện thực tế, lịch nghỉ đối với công chức viên chức và quy định của Luật Lao động, người sử dụng lao động sẽ chủ động bố trí lịch nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9.

Đề xuất cũng khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.

Với dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, người sử dụng lao động lựa chọn 1 ngày trước Tết và 4 ngày đầu sau Tết hoặc 2 ngày trước Tết và 3 ngày đầu sau Tết. Việc thông báo phương án nghỉ Tết Nguyên đán cho người lao động phải trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.

Với dịp nghỉ lễ Quốc Khánh năm 2022, người sử dụng quyết định cho người lao động nghỉ 2 ngày, gồm: Ngày Quốc khánh 2/9 và 1 ngày liền trước hoặc sau.

Đề xuất cũng nêu rõ, nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán hoặc nghỉ lễ Quốc khánh thì người sử dụng lao động bố trí nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần cho người lao động vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.

Theo quy định, người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào kỳ nghỉ lễ, Tết hưởng lương ít nhất bằng 300%, chưa bao gồm tiền lương làm việc ngày này. (VTV.vn 05/12)Về đầu trang

Đề xuất bỏ quy hoạch với lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp Nhà nước

Sáng 4/12, phát biểu tại hội thảo Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nêu thực trạng nhiều lãnh đạo mong muốn đóng góp nhưng "cảm nhận sự rủi ro, nên lựa chọn không hành động", đảm bảo an toàn cho cá nhân.

"Như vậy làm sao mà kinh doanh, làm sao có đổi mới?", ông nói và cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu, học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật. "Tôi đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp nhà nước", ông Cung đề xuất.

Theo ông, quy hoạch cán bộ là chọn người thay thế trong tương lai nên sẽ không chọn được người tài, không chọn được những người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro, người giỏi mà chỉ chọn được người tuân thủ. Nếu lựa chọn như vậy thì mất đi cơ hội lựa chọn người tài trong xã hội, lãng phí nguồn lực.

Vì vậy, "thay vì quy hoạch, hãy làm chương trình, kế hoạch tìm kiếm tài năng, săn đầu người như các tập đoàn, công ty đa quốc gia để không bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc".

Nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, cần thực sự có thay đổi mang tính bước ngoặt, dứt khoát chuyển đổi sang cơ chế thị trường và công tác cán bộ, quản trị doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện đúng nguyên tắc theo thông lệ quốc tế. "Với hơn 100 tỷ tài sản của doanh nghiệp nhà nước hiện nay, nâng cao hiệu quả thì chắc chắn tăng thêm 2-3 điểm % tăng trưởng về kinh tế", ông Cung nói.

Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long đề nghị từng bước thí điểm chủ trương thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ quy hoạch để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ông cho rằng, cần giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm với cấp dưới trực tiếp; xây dựng quy định chế tài xử lý cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ; xây dựng cơ chế thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành...

Bên cạnh tiêu chuẩn chung, cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về lựa chọn người có năng lực, đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn đào tạo, kinh nghiệm, tầm nhìn chiến lược, năng lực quản trị và đạo đức... Phương thức lựa chọn người đại diện và điều hành doanh nghiệp nhà nước cũng cần đổi mới theo hướng tuyển người kèm theo phương án kinh doanh; bỏ phiếu kín, lựa chọn những người được điểm cao nhất để bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quản trị điều hành doanh nghiệp trong nhiệm kỳ ba năm.

"Phải giám sát và có cơ chế thưởng phạt hằng năm bằng chế độ lương, thưởng, kỷ luật, sa thải. Chế độ luân chuyển, đổi mới người đại diện trong từng doanh nghiệp theo nguyên tắc không được làm đại diện phần vốn nhà nước trong một doanh nghiệp quá hai nhiệm kỳ...", ông Long nói.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, báo cáo và tham luận từ bộ ngành, địa phương, chuyên gia... gửi về Ban Kinh tế Trung ương cho thấy hiện nay, có nhiều vướng mắc trong công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Phong, việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc tế. Điều này đúng như đánh giá tại Nghị quyết 26 ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là "thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực"; "chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách phù hợp".

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến của các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp nhà nước, từ đó kiến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp nhà nước đến năm 2030.

"Hội thảo cung cấp thêm luận cứ cho xây dựng Đề án Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trình Bộ Chính trị trong năm 2022", ông Phong cho hay. (Vnexpress.net 04/12, Hoàng Thùy)Về đầu trang

Đại biểu không đồng tình để địa phương làm chủ đầu tư cao tốc Bắc Nam

Chiều 3/12, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Thường trực Ủy ban Kinh tế và các đại biểu tán thành nguyên tắc đầu tư công toàn bộ dự án. Bộ Giao thông Vận tải là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư dự án.

Về đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải giao UBND các tỉnh, thành tổ chức đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam phía đông, một số đại biểu cho rằng đây là dự án lớn, đóng vai trò rất quan trọng đối với phát triển đất nước. Việc giao cho địa phương sẽ không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Có đại biểu chỉ ra cao tốc Bắc Nam là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực quản lý, trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất. Việc giao cho địa phương thực hiện khó đảm bảo được các yêu cầu trên.

Cũng cho rằng các địa phương chưa thể đảm bảo được chất lượng công trình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải còn chỉ ra với công trình giao thông cấp quốc gia cần đảm bảo tính liên thông các vùng, quản lý thống nhất ở mức độ cao. Bộ Giao thông Vận tải cần chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng đồng đều ở các địa phương tham gia dự án.

Ông Hải cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng, tính toán cụ thể công tác giải phóng mặt bằng vì ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; đảm bảo các yêu cầu cấp cao của công trình giao thông quan trọng, tránh việc chất lượng công trình không đạt yêu cầu, gây khó khăn trong khai thác sử dụng.

Trước đó, thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo về dự án, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông có quy mô cơ bản 6 làn xe, cửa ngõ các trung tâm kinh tế, chính trị lớn 8-10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau 4 làn xe.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn, Bộ kiến nghị phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường biên 17 m), giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt.

Rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020, Chính phủ dự kiến chuẩn bị dự án năm 2021-2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022-2023; khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tiếp thu các góp ý, tán thành tính cấp thiết của việc đầu tư dự án, đề nghị Chính phủ tiếp tục giải trình, làm rõ một số nội dung về phạm vi, quy mô, phương án thiết kế, hướng tuyến, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn... để đảm bảo tính thuyết phục cao.

Ông đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án; Ủy ban Kinh tế sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 12 và trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường cuối năm 2021. (Vnexpress.net 04/12, Hoàng Thùy)Về đầu trang

Năm 2022 sẽ có nhiều cuộc thanh tra về đất đai, môi trường

Theo thông tin từ Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2022 Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ căn cứ định hướng công tác thanh tra năm 2022 của Thanh tra Chính phủ và kết quả công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021 của Bộ này để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Trong đó, kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 xác định khoảng 60-70% nhiệm vụ dự phòng tương ứng với nguồn lực để bố trí phục vụ cho các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, tham gia phối hợp với các đơn vị khác trong công tác thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ phát sinh.

 Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực như: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, môi trường và khí tượng thủy văn đối với một số hồ thủy lợi lớn, cấp nước đa mục tiêu; thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước đối với các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh than; thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Lĩnh vực đất đai sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, để đất hoang hóa, có sai phạm trong quản lý sử dụng đất.

Trong lĩnh vực môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nhiệt điện, xi măng, sản xuất gang, thép; thanh tra trách nhiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguồn khí thải lưu lượng lớn.

Lĩnh vực khoáng sản sẽ thanh tra tình hình cấp phép đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có thu hồi khoáng sản đi kèm là đá vôi công nghiệp, vôi là nguyên liệu xi măng, đá đô-lô-mit, đá ốp lát trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thanh tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản.

Trong lĩnh vực tài nguyên nước sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, có hiệu quả. Đồng thời, tập trung xử lý, giải quyết đúng hạn các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng; kiểm tra việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị và thông tin qua đường dây nóng đã được Bộ chuyển về các địa phương; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trong lĩnh vực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. (Dantri.com.vn 05/12, Thế Kha)Về đầu trang

TP HCM tiết kiệm 22 tỷ đồng từ sáp nhập quận, phường

Thành phố tiết kiệm hơn 22 tỷ đồng ngân sách từ việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức và 19 phường trong 6 tháng đầu năm.

Thông tin được đề cập trong báo cáo về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở TP HCM giai đoạn 2019-2021 do UBND thành phố vừa gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Việc sáp nhập giúp TP HCM giảm chi tiền lương, phụ cấp gần 10 tỷ đồng, giảm chi hoạt động hơn 12 tỷ đồng.

Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 31/12/2020 cho phép TP HCM sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức; nhập 19 phường thuộc quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

Theo UBND thành phố, việc sắp xếp đơn vị hành chính làm tinh gọn bộ máy và biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Việc sáp nhập không ảnh hưởng và thay đổi các chính sách an ninh, xã hội... Tuy nhiên, TP Thủ Đức sau thành lập quy mô dân số rất lớn (hơn một triệu người), trong điều kiện diễn biến dịch phức tạp nên chưa đáp ứng nhu cầu người dân.

Chính quyền TP HCM cũng đề xuất Trung ương cho phép điều chỉnh, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp xã tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án trọng điểm, quy mô dân số đông. Hiện, thành phố có những xã, phường dân số rất đông, vượt 4-12 lần so với tiêu chuẩn quy định (32.000 đến hơn 100.000 dân). (Vnexpress.net 04/12, Hữu Công)Về đầu trang

Quảng Ninh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy

Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm đổi mới, hoàn thiện bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sáng 4/12, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế nhiệm kỳ 2021- 2026 do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng liên quan tới quản lý, sử dụng biên chế; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và trẻ tuổi vào làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, tỉnh cần sớm sơ kết đánh giá các mô hình đã thí điểm thực hiện, tăng cường tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện các chủ trương đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế và quan tâm hơn nữa tới công tác đánh giá cán bộ. (VTV.vn 05/12)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ở ĐBSCL

Tại khu vực ĐBSCL, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đang khá thấp, có nơi dưới 40%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều công trình thi công gián đoạn.

Còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, hiện các địa phương đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Tại tuyến đường giao thông kết nối 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, ngay sau khi địa phương nới lỏng giãn cách, chủ đầu tư đã khẩn trương thi công ngày - đêm.

Ông Giang Văn Khương, đội trưởng thi công Dự án đường tỉnh 945 An Giang, Kiên Giang cho biết: "Từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ cố gắng tập trung tất cả thiết bị, nhân lực để hoàn thành các hạng mục chính và thông xe vào cuối tháng 12 này".

Tại ĐBSCL, hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất là 35% và cao nhất khoảng 70%. Thời gian ngắn, khối lượng công trình nhiều, các tỉnh kiên quyết đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng các dự án.

Năm 2021, vốn đầu tư công phân bổ về mỗi địa phương từ 3.000 - 6.000 tỷ đồng. Dù dịch bệnh, khó khăn, nhưng các tỉnh quyết tâm sẽ giải ngân đạt khoảng 95%. Đồng nghĩa sẽ có nhiều công trình, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương. (VTV.vn 05/12)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Cựu trưởng công an TP Thanh Hóa bị khai trừ Đảng

Ngày 3/12, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa thông báo kết quả họp, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cụ thể, cơ quan này thống nhất khai trừ Đảng đối với hai ông Nguyễn Chí Phương và Hồ Đình Tùng do mắc sai phạm nghiêm trọng trong thời gian đương chức.

Ông Nguyễn Chí Phương nguyên là ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa, cựu đại tá, cựu Trưởng công an TP Thanh Hóa. Tháng 5/2020, ông này bị TAND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 2 năm tù về tội Nhận hối lộ của thuộc cấp để "chạy án".

Tòa xác định, ngày 18/7/2018, Đỗ Đức Hiếu (cán bộ Đội Cảnh sát trật tự Công an TP Thanh Hóa) lấy trộm xe máy Airblade của đồng nghiệp để tại cơ quan. Làm việc với ông Phương và Đội điều tra tổng hợp, Hiếu thừa nhận hành vi. Hiếu ba lần gặp gỡ tại nhà riêng và phòng làm việc cơ quan, đưa ông Phương 260 triệu đồng để bỏ qua các sai phạm và không bị xử lý hình sự.

Sau khi nhận tiền, ông Phương chỉ đạo cấp dưới hướng dẫn Hiếu làm thủ tục xin xuất ngũ; trao đổi với VKSND cùng cấp không xử lý hình sự nhưng không được chấp nhận. Ngày 22/11/2018, Hiếu bị TAND TP Thanh Hóa phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội Trộm cắp tài sản.

Hiếu sau đó đến nhà ông Phương đòi tiền song chỉ được trả 150 triệu đồng nên không nhận và làm đơn tố cáo hành vi nhận tiền "chạy án" của cấp trên. Từ đơn tố cáo và file ghi âm của Hiếu, ông Phương bị tước hiệu Công an nhân dân, bị Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố.

Ông Hồ Đình Tùng nguyên là ủy viên Ban thường vụ Thị ủy Nghi Sơn, nguyên Phó chủ tịch Thường trực HĐND thị xã. Ngày 4/10, ông này bị TAND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 30 tháng tù về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Cơ quan điều tra xác định, từ cuối năm 2020 đến giữa tháng 3/2021, nhiều cơ quan trên địa bàn thị xã Nghi Sơn nhận hàng loạt đơn thư nặc danh tố cáo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, có hành vi hách dịch, cửa quyền, chi tiêu ngân sách sai quy định, điều động bổ nhiệm cán bộ, giáo viên không đúng...

Đơn thư có nội dung tương tự cũng được gửi đến nhiều lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Cho rằng có người cố tình vu khống, bôi nhọ, ông Nguyễn Tiến Dũng đề nghị công an vào cuộc.

Ngày 12/4, ông Tùng bị bắt với cáo buộc làm đơn và tự mình phát tán đi nhiều nơi. Ông Hồ Đình Tùng từng giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn. Tháng 9/2020, ông được bầu giữ chức Phó chủ tịch HĐND thị xã. (Vnexpress.net 04/12, Lê Hoàng)Về đầu trang

Để thất thoát tài nguyên khoáng sản, Gia Lai kiểm điểm 3 Trưởng phòng

gày 4.12, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết, do để xảy ra tình trạng thất thoát khoáng sản trên địa hạt quản lý, 3 Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường vừa bị xử lý kỷ luật.

 

Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, đất đai, chuyển đổi đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Tại huyện Chư Sê, UBND huyện này đã kiểm điểm với hình thức, phê bình, nhắc nhở, tự kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Thanh Pháp - Trưởng phòng TNMT huyện vì buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép tại các xã: Hbông, Ia Pal và Kông Htok.

Tại huyện Đăk Pơ, như Báo Lao Động từng phản ánh hồi cuối tháng 9.2021, ước tính có gần 10 điểm mỏ khai thác đá trái phép ở thôn Tân Tụ. Tại hiện trường, chủ mỏ điều động nhân công, máy móc đào bới,  “đá tặc” để lại những hố khai thác sâu hoắm. Phía dưới mỏ phát lộ những tầng đá lớn lâu năm, nguyên khối và có giá trị cao trên thị trường.

Khi có người lạ mặt xuất hiện, chủ mỏ đá dẫn theo nhóm người đeo bám với những lời lẽ đầy dọa dẫm. Hoạt động khai thác đá gây bức xúc cho người dân, xe ben, xe tải vào ra làm hỏng đường và gây nguy hiểm đến tính mạng người dân địa phương.

Sau khi vụ việc bị phát giác, UBND huyện Đăk Pơ đã kiểm điểm với hình thức, phê bình, nhắc nhở, tự kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể UBND xã Tân An và cá nhân Chủ tịch UBND xã; phê bình, nhắc nhở, tự kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Phương Thành - Trưởng phòng TNMT huyện này. 

UBND huyện Krông Pa đã kiểm điểm với hình thức, phê bình, nhắc nhở, tự kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Trí Quang (Trưởng phòng TNMT huyện Krông Pa) vì không hợp tác với Sở TNMT trong kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát trái phép tại địa bàn xã Chư Gu.

Khi phát hiện việc khai thác cát trái phép tại xã Chư Gu, Sở TNMT Gia Lai kiểm tra đột xuất thì không nhận được sự hợp tác của lực lượng chức năng xã, huyện. Sau đó, Sở TNMT liên hệ với ông Nguyễn Trí Quang thì ông Quang cùng một chuyên viên đến hiện trường nhưng không hợp tác, không ký vào biên bản vụ việc và bỏ về.

Hoạt động khai thác đất đá trái phép gây bức xúc dư luận, thất thu thuế tài nguyên khoáng sản, nghi vấn có sự bao che, buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở. (Laodong.vn 04/12, Thanh Tuấn)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tổng thống Brazil bị điều tra vì tung tin thất thiệt về vaccine Covid-19

Reuters đưa tin, Tòa án Tối cao Brazil ngày 3/12 yêu cầu một cuộc điều tra về việc Tổng thống Brazil Bolsonaro từng phát biểu trực tiếp trên mạng xã hội hồi tháng 10 rằng vaccine Covid-19 có thể khiến người được tiêm chủng tăng nguy cơ mắc bệnh AIDS.

Các nền tảng mạng xã hội sau đó đã gỡ bỏ đoạn video này vi phạm quy tắc. Ông Bolsonaro, người hiện vẫn đang từ chối tiêm chủng, khi đó đã bị cả Facebook và Youtube tạm khóa tài khoản.

Hiệp hội các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Brazil cho biết, không có bằng chứng về bất kỳ mối quan hệ nào giữa vắc xin Covid-19 và bệnh AIDS.

Ngoài ra, theo Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS, vắc xin Covid-19 đã được các cơ quan quản lý y tế phê duyệt là an toàn cho hầu hết mọi người, bao gồm cả những người nhiễm HIV.

Quyết định điều tra của Thẩm phán Tòa án Tối cao Alexandre de Moraes được đưa ra sau khi một ủy ban điều tra của Thượng viện Brazil cáo buộc ông Bolsonaro vi phạm 9 điều liên quan tới cách ông phản ứng với đại dịch Covid-19.

Tổng thống Bolsonaro, người từng mắc rồi sau đó khỏi bệnh Covid-19 vào tháng 7 năm ngoái, cũng tuyên bố rằng: "Tôi có nhiều kháng thể hơn bất cứ người nào đã tiêm chủng".

Ông Bolsonaro là nhà lãnh đạo thường xuyên nêu quan điểm hoài nghi về vaccine Covid-19. Mặt khác, ông từng tuyên bố rằng, chính phủ của ông không bài xích vaccine, nhưng họ sẽ không đồng ý với việc sử dụng thẻ thông hành hay hộ chiếu vaccine và bất cứ các biện pháp bắt buộc nào liên quan tới vấn đề tiêm chủng.

Trước đó, ông Bolsonaro đã nhiều lần gây tranh cãi về các phát ngôn cũng như chiến lược ứng phó với Covid-19, bao gồm việc ông không khuyến khích mọi người tiêm chủng, mặc dù Brazil là một trong những vùng dịch lớn nhất thế giới.

Trong thời gian qua, ông Bolsonaro từng nhiều lần phớt lờ các quy tắc về y tế và than phiền rằng các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích. (Dantri.com.vn 05/12, Đức Hoàng)Về đầu trang

Trung Quốc trừng phạt nhiều quan chức ở Nội Mông

Theo SCMP, 4 quan chức của Mãn Châu Lí, Nội Mông, biên giới phía Bắc Trung Quốc bị kỷ luật vì không kiểm soát được sự lây lan của virus tại địa phương, trong đó một trường hợp được cho là đã làm "ảnh hưởng lớn" đến nỗ lực thực hiện chiến lược "không COVID" đang được Bắc Kinh theo đuổi.

Cơ quan chức năng Trung Quốc cho rằng ổ dịch ở Mãn Châu Lí bắt đầu bùng từ cuối tháng 11 và đã có 314 ca tính đến 4/12. Biến chủng SARS-CoV-2 chủ yếu gây ra ổ dịch này là Delta. Thành phố này đang cố gắng kiểm soát đợt bùng phát dịch mới, và đã cho xét nghiệm hàng loạt đến vòng thứ 7.

Ổ dịch này được cho là đã lây lan ra ít nhất 3 khu vực khác tại Trung Quốc, bao gồm Hắc Long Giang, Bắc Kinh và Hà Bắc.

Vừa nỗ lực kiểm soát các ổ dịch, Trung Quốc phải chuẩn bị cho Olympic mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022. Dù chưa phát hiện trường hợp nào liên quan đến biến thể mới Omicron đang gây lo ngại trên toàn thế giới, nước này dường như vẫn sẽ tiếp tục cảnh giác cao độ và duy trì các chính sách hạn chế nghiêm ngặt.

Theo chuyên gia dịch tễ Zhong Nanshan, biến thể mới có vẻ dễ lây nhiễm hơn nhưng phần lớn những người bị nhiễm đến nay đều chỉ có các triệu chứng nhẹ. Ông nói thêm 96,3 triệu người ở Trung Quốc đã được tiêm liều vaccine thứ 3. (VTC.vn 05/12, Phương Anh)Về đầu trang ./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More