Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 29-11-2021

Post date: 29/11/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Thủ tướng yêu cầu trình Chiến lược tổng thể phòng chống COVID-19 trước 30/11. 1
  2. Thủ tướng: Sản xuất bằng được thuốc và vắc xin COVID-19. 3
  3. Địa phương lo ngại khi “đánh giá cấp độ dịch theo số ca nhập viện”. 4
  4. Ba quận tại TPHCM tăng cấp độ dịch COVID, 5 phường nguy cơ lây nhiễm cao. 6
  5. Hải Phòng, Hải Dương ghi nhận thêm hàng chục ca bệnh là công nhân. 7

CHÍNH SÁCH MỚI 8

  1. Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2021. 8
  2. Hạn chót đăng ký sang tên phương tiện không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu. 9

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 10

  1. Chuyên gia VNDIRECT: Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ 9% dân số sở hữu ô tô năm 2025, tương đương mức hiện tại của Ấn Độ và Phillipines 10
  2. Tổng vốn đăng ký của các dự án FDI tăng thêm hơn 8 tỷ USD.. 11
  3. Doanh nghiệp xây dựng mong muốn được gỡ vướng thủ tục hành chính. 11
  4. Bắc Ninh tạo niềm tin với nhà đầu tư bằng chính sách "5 sẵn sàng". 12

QUẢN LÝ.. 13

  1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Không ngừng chống tham nhũng, tiêu cực. 13
  2. Hàng loạt Bộ ngành phản đối đề xuất xin nhập khẩu 37 toa tàu hết hạn sử dụng của Nhật 14
  3. Quảng Ngãi: Đề xuất gói hỗ trợ 43 tỷ đồng "cản" cán bộ bỏ việc vì lương thấp. 15
  4. Hỗ trợ thiệt hại bão chỉ... 2.000 đồng ở Quảng Nam: Yêu cầu kiểm điểm từ xã đến huyện  16

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 16

  1. TP.HCM: Thí điểm cấp giấy phép lái xe ngay sau khi có kết quả sát hạch. 16
  2. Điện Biên sẽ áp dụng kỳ họp không giấy vào tháng 12/2021. 17

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 18

  1. Dự toán và phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2022. 18
  2. Ngân sách dự kiến “trợ lực” hơn 1.500 tỷ cho các hãng bay. 18

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 19

  1. Bình Định: Kỷ luật Đội trưởng quản lý thị trường có dấu hiệu “vòi vĩnh”. 19

THẾ GIỚI 20

  1. Nghiên cứu cảnh báo Trung Quốc đối mặt với sự “bùng nổ” COVID-19 nếu mở cửa như Mỹ, Pháp. 20

 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Thủ tướng yêu cầu trình Chiến lược tổng thể phòng chống COVID-19 trước 30/11

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 318/TB-VPCP ngày 27/11/2021 truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch.

Chỉ đạo về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế: Tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt dịch thứ 4 và tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30 tháng 11 năm 2021. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; có kế hoạch tiêm mũi 3 đối với các trường hợp đã tiêm 2 mũi đủ thời gian.

Bộ Y tế khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng virus; phân bổ thuốc điều trị đến các địa phương, bảo đảm đủ thuốc điều trị (tự nguyện) cho tất cả người bị nhiễm; rút gọn tối đa các thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp phép nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị, vaccine phòng COVID-19, đồng thời bảo đảm tính khoa học, an toàn, hiệu quả; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm các nước để có hướng dẫn việc cách ly phù hợp cho người tiêm vaccine đủ 2 mũi và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; khẩn trương hướng dẫn việc xã hội hóa xét nghiệm, giá kit xét nghiệm để phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay, xong trước ngày 5 tháng 12 năm 2021. Tăng cường cung cấp thông tin minh bạch, chính xác về phân bổ, tiêm chủng vaccine để địa phương, người dân được biết, theo dõi.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/11/2021.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo triển khai các kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội đang triển khai để kịp thời cập nhật, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế và đề xuất bổ sung các biện pháp mới cần thiết.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan để sớm quy định về xuất nhập cảnh liên quan đến "hộ chiếu vaccine" phù hợp với tình hình hiện nay, bảo đảm khoa học, hiệu quả và hợp lý.

Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp nhu cầu kinh phí mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch của các địa phương; nghiên cứu triển khai các giải pháp về nguồn kinh phí để hỗ trợ các địa phương mua sắm trong phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; trường hợp có khó khăn, vướng mắc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý. Tổng hợp nhu cầu, đề xuất cấp bổ sung kinh phí bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội phòng, chống dịch COVID-19 từ nguồn kinh phí bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương theo Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Các Bộ: Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải... phối hợp Bộ Công an để kết nối, sử dụng cơ sở dữ liệu sẵn có khi triển khai các ứng dụng công nghệ nhằm thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng công nghệ.

Các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh, hoàn thành trước ngày 30 tháng 11 năm 2021. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là khi dịch ở cấp độ 4, khi cần thiết các địa phương chủ động, kịp thời, nhanh chóng phối hợp đề xuất với cơ quan có thẩm quyền huy động sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, y tế từ Trung ương. Phối hợp chặt chẽ trong việc ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ khai báo y tế và kiểm soát đi lại giữa các địa phương để người dân di chuyển thuận lợi, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Các địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn, cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trong năm 2021; triển khai việc tiêm vaccine cho trẻ em khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả. Khẩn trương rà soát, báo cáo cụ thể nhu cầu vaccine về số lượng, chủng loại, thời gian… để Bộ Y tế tổng hợp, có kế hoạch phân bổ phù hợp và nếu có vướng mắc báo cao ngay Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chính phủ. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

Thủ tướng: Sản xuất bằng được thuốc và vắc xin COVID-19

Sáng 27/11, chủ trì cuộc họp về nhập khẩu và sản xuất vắc xin và thuốc điều trị COVID-19 trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau hai năm, chúng ta đã đúc rút được các nguyên lý trong phòng, chống dịch .Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược từ “không COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Để phòng, chống dịch hiệu quả, từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, Thủ tướng khẳng định, vắc xin có tính chất quyết định, cộng với ý thức người dân là rất quan trọng. Việc thúc đẩy sản xuất vắc xin và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là quyết tâm, phấn đấu sản xuất bằng được vắc xin, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm ngân sách và chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.

Chia sẻ với các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, Thủ tướng nêu rõ, đây là công việc rất quan trọng, rất cần thiết nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm do liên quan tới tính mạng, sức khỏe người dân. Vì thế, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết để nhận thức và hành động cho đúng. Cần hết sức tránh hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích.

Lãnh đạo Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến việc tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất bằng được vắc xin và thuốc trong nước, nhưng phải bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch, chống mọi tiêu cực, sách nhiễu, lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh trên cơ sở theo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chịu bất cứ một tác động, sức ép nào. Các cơ quan quản lý, chuyên môn cần làm việc công tâm, khách quan, trung thực, hiệu quả để đạt mục tiêu đề ra.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất cần kiên trì theo đuổi công việc này vì mục tiêu khoa học, tinh thần nhân đạo và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Tính mạng và sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất.

Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan cần khẩn trương rà soát lại, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất thuốc và vắc xin trong nước. Vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề xuất cấp đó tháo gỡ trên tinh thần tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo, tại Việt Nam, hiện có 9 loại vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp. Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vắc xin trong nước, hiện có các ứng viên như: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vắc xin do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển. Bộ Y tế cũng đang hướng dẫn các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất từ các quốc gia khác như Cuba, Ấn Độ…

Việt Nam đang sử dụng một số thuốc điều trị đặc hiệu như Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir,...; thuốc kháng thể kép cho bệnh nhân COVID-19 nặng và một số thuốc hỗ trợ khác, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền… Một số loại thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu… cũng đang được nghiên cứu. (Tienphong.vn 28/11, Văn Kiên)Về đầu trang

Địa phương lo ngại khi “đánh giá cấp độ dịch theo số ca nhập viện”

Đại diện ngành y tế một số địa phương chia sẻ băn khoăn trước dự kiến tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh sẽ chỉ chú trọng số ca nhập viện, bệnh nặng và tử vong.

Hiện nay các địa phương phân loại cấp độ nguy cơ dịch bệnh dựa trên ba tiêu chí: Ca nhiễm mới/100.000 dân/tuần; độ bao phủ vaccine; năng lực y tế.

Tại hội nghị hôm 25/11, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay khi Việt Nam đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với hơn 75% dân số trưởng thành được tiêm đủ hai mũi vaccine, "tiêu chí số ca nhiễm mới/100.000 dân/tuần không còn quá quan trọng". Các cơ quan sẽ tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của địa phương để phân loại.

Nhìn nhận đề xuất nêu trên là xu thế chung của nhiều nước, nhưng ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang bày tỏ băn khoăn. Khi đánh giá cấp độ dịch bệnh chỉ dựa trên hai tiêu chí "độ mở cửa sẽ thông thoáng hơn hiện nay". Việc giao lưu, đi lại, tham gia sinh hoạt, dịch vụ, lao động sản xuất của người dân cũng sẽ được nới lỏng hơn.

Khi không còn chú trọng tiêu chí số ca nhiễm mới, có thể số F0 trong cộng đồng tăng lên nhiều hơn so với hiện nay. "Chúng tôi chưa hình dung khi đó mức độ lây lan và ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ thế nào. Nhưng có thể ngành y tế thêm áp lực trong bối cảnh đã và đang phải căng thẳng chống dịch", ông Hiệu bày tỏ.

Hơn nữa, ông Hiệu cho rằng, việc thay đổi tiêu chí chỉ nên áp dụng khi đã phủ được vaccine mũi hai cho tất cả dân số trưởng thành. Trong khi đó, hiện nay nhiều địa phương có tỷ lệ tiêm chủng mũi hai còn thấp, độ bao phủ chưa rộng. "Có thể đến hết năm 2021, đầu năm 2022 Việt Nam mới bao phủ vaccine mũi hai cho tất cả dân số trưởng thành, sau đó cần có thời gian nửa tháng sau mới tạo được miễn dịch đầy đủ", ông Hiệu nói.

Mặt khác, ông Hiệu cũng lo lắng, khi không chú trọng tính số ca nhiễm, các địa phương sẽ chỉ tập trung điều trị ca nặng, khiến dịch bệnh lây lan rộng hơn. "Khi số ca nhiễm tăng nhanh, có thể thêm nhiều người già, người có bệnh nền bị nhiễm. Như vậy, hệ thống y tế vẫn bị quá tải", ông Hiệu phân tích.

Từ cách tiếp cận trên, ông Từ Quốc Hiệu đề nghị vẫn nên áp dụng bộ tiêu chí cũ để đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh; sau khi đã phủ được vaccine cho tất cả dân số, mới xem xét đưa ra tiêu chí mới. "Hơn một tháng thực hiện thích ứng an toàn, người dân và xã hội được tạo thuận lợi về mọi mặt. Nhưng chúng tôi thực sự rất lo lắng về nguy cơ dịch bệnh lây lan vào các khu công nghiệp. Công nhân đa số còn trẻ khỏe, lại được tiêm vaccine, nên không đáng lo. Nhưng họ sẽ mang mầm bệnh về nhà, lây cho trẻ nhỏ, người già...", ông Hiệu nói.

Ông Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng, cũng bày tỏ băn khoăn nếu thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh. Dịch vẫn diễn biến phức tại các tỉnh thành phía Nam, đang xâm nhập vào miền Trung, miền Bắc bằng nhiều con đường khiến Hải Phòng khó kiểm soát nguy cơ dịch bệnh lây lan vào thành phố.

Đến nay, Hải Phòng chưa có ca nguy kịch và tử vong do Covid-19, nhưng đang xuất hiện chùm ca bệnh tại huyện Tiên Lãng, Dương Kinh và Hải An với số người mắc cao.

Người dân vào thành phố khai báo y tế điện tử thuận tiện, nhưng về phía cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc theo dõi kiểm soát các trường hợp di chuyển từ vùng dịch, vì công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Trong thực tế, khi bỏ quy định xét nghiệm, vẫn còn không ít người dân chủ quan, coi thường dịch bệnh, bỏ qua nguyên tắc 5K. Một bộ phận nhỏ người dân thực hiện chưa nghiêm các khuyến cáo của thành phố về cách ly, khai báo y tế.

Lãnh đạo ngành Y tế Hải Phòng cũng nêu vấn đề, bên cạnh công tác điều tra, giám sát dịch tễ, xử lý ổ dịch..., nhân lực tại một số đơn vị trong ngành đang phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ mới phát sinh như đưa đón người đi cách ly tập trung, tham gia trực chốt kiểm soát, trực các điểm cách ly. "Đội ngũ nhân viên y tế phải làm việc rất vất vả để hoàn thành các nhiệm vụ phòng, chống dịch", ông Cường nói, cho rằng nếu áp dụng tiêu chí mới như đề xuất của Bộ Y tế sẽ "gây áp lực rất lớn cho các cơ sở".

Theo ông, hiện nay các địa phương ở cấp độ 1 và 2 "mọi hoạt động diễn ra bình thường, gần như rất ít sự hạn chế". Tỷ lệ tiêm vaccine ở nhiều tỉnh, thành đạt tỷ lệ cao, song vẫn còn số lượng người già, trẻ em, phụ nữ có thai chưa được tiêm; nếu số ca mắc tiếp tục tăng cao trong khi không có biện pháp hạn chế sự lây lan (áp dụng theo cấp độ dịch) sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng số ca nặng và tử vong.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần tính đến khả năng sẽ xuất hiện biến chủng mới đáng lo ngại. "Chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này", ông Cường nêu quan điểm.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng, nói trong quá trình thực hiện các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh hiện nay, "chúng tôi chưa thấy có vướng mắc gì lớn". Các bộ chỉ số trong hướng dẫn của Bộ Y tế đủ rõ ràng và địa phương dựa vào đó cụ thể hóa biện pháp hành chính phù hợp theo cấp độ dịch.

Về dự kiến thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, theo hướng chú trọng đánh giá số liệu ca nhập viện, ca bệnh nặng và tử vong, bà Thủy nói "quan điểm chống dịch hiện nay là thích ứng, linh hoạt, việc ứng phó với dịch bệnh nên có nhiều biện pháp hơn so với trước đây vì đã có vaccine và vai trò của thuốc điều trị". Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh quy định cần dựa trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và có hướng dẫn phù hợp.

"Sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về bộ tiêu chí mới, thành phố sẽ vận dụng phù hợp với tình hình thực tế", bà Thủy nói thêm. (Vnexpress.net 27/11, Nhóm PV)Về đầu trang

Ba quận tại TPHCM tăng cấp độ dịch COVID, 5 phường nguy cơ lây nhiễm cao

Theo thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch trên toàn địa bàn, TPHCM đang ở cấp độ nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng. Có 3 địa phương tăng cấp độ dịch, 5 phường xã trong vùng nguy cơ cao.

Báo cáo của Sở Y tế TPHCM ngày 28/11 cho thấy, trong tuần qua, tiêu chí tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/ tuần là 93,8 ca, nằm trong ngưỡng 50-150 ca, tương đương mức độ 3.

Tiêu chí độ bao phủ vắc xin (tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin) ở mức cao. Tính đến hết ngày 25/11, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin là 100%, tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin là 97,7%.

Về khả năng thu dung, điều trị ở các tuyến, sở Y tế cho biết, Thành phố đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.

Các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Dựa trên báo cáo của Sở Y tế, ngày 28/11, UBND TPHCM đã có thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 tính đến ngày 25/11. Theo đó toàn thành phố đang ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng trên bản đồ COVID-19.

Đối với cấp huyện, có 9 địa phương cấp độ 1 (nguy cơ thấp – màu xanh) gồm: Quận 1, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 11, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ). 13 địa phương cấp độ 2 gồm: Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, Quận 12, quận Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè.

So với tuần trước, có 3 quận tăng cấp độ dịch là: Quận 4, quận Bình Thạnh và Tân Phú (từ cấp độ 1 tăng lên cấp độ 2). Riêng huyện Cần Giờ giảm cấp độ dịch từ cấp độ 2 xuống cấp độ 1.

Ở cấp xã, phường có 123 địa phương cấp độ 1, 184 địa phương cấp độ 2 và 5 địa phương ở cấp độ 3 (nguy cơ cao – màu cam). Các địa phương nằm trong vùng nguy cơ cao gồm phường 4, phường 12 thuộc Quận 10 và phường 3, phường 13, phường 14 thuộc quận 4.

Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả ” trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách. (Tienphong.vn 28/11, Vân Sơn)Về đầu trang

Hải Phòng, Hải Dương ghi nhận thêm hàng chục ca bệnh là công nhân

Ngày 27/11, TP Hải Phòng ghi nhận thêm 103 trường hợp, tỉnh Hải Dương thêm 39 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, hàng chục ca bệnh là công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, xưởng may. Hai địa phương này đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Hải Dương xuất hiện ổ dịch mới, phức tạp: Tối 27/11, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương thông tin, trong ngày địa phương ghi nhận thêm 39 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 23 trường hợp ghi nhận ở huyện Tứ Kỳ, các trường hợp còn lại ghi nhận tại TP Hải Dương, huyện Bình Giang, Thanh Hà.

Tính từ 12/10 đến nay, toàn tỉnh Hải Dương ghi nhận tổng số 531 ca mắc COVID-19, trong đó 85 ca bệnh có yếu tố dịch tễ trở về từ vùng có dịch bệnh và 300 trường hợp là F1 trở thành F0.

Liên quan ổ dịch tại Công ty GFT, 23 ca bệnh mới đều là công nhân làm việc tại Công ty GFT, trụ sở ở xã Cộng Lạc (huyện Tứ Kỳ). Lực lượng chức năng địa phương này đã rà soát, truy vết và ghi nhận hơn 1.100 F1, 150 F2.

5 doanh nghiệp ở Hải Phòng xuất hiện ca dương tính: Tối cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP Hải Phòng thông tin, trong ngày địa phương ghi nhận thêm 103 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, huyện Tiên Lãng ghi nhận thêm 83 trường hợp tại xã Tiên Minh và Toàn Thắng. Ngoài ra, các quận huyện như: Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An, Đồ Sơn đều ghi nhận thêm nhiều ca bệnh.

Đáng chú ý, có 5 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tiên Lãng ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2. Ngay sau đó, huyện Tiên Lãng đã phong tỏa nơi ở và làm việc của các ca bệnh. Đồng thời, rà soát truy vết F1, F2 và triển khai các biện pháp khử khuẩn, xét nghiệm mở rộng cho người dân trên địa bàn. (Tienphong.vn 28/11, Nguyễn Hoàn)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2021

Từ tháng 12/2021, nhiều chính sách mới liên quan đến công chức, viên chức, thuế, bảo hiểm… có hiệu lực.

Ô tô sản xuất trong nước giảm 50% lệ phí trước bạ: Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Đơn cử, theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, nếu được giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ sẽ giảm còn 5%.

Bỏ bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học với công chức, viên chức: Nghị định 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 10/12/2021, sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, theo quy định mới, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: Lý luận chính trị; Kiến thức quốc phòng và an ninh; Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Như vậy, so với Nghị định 101/2017/NĐ-CP hiện hành sẽ không còn nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.

Người gửi tiền nhận bảo hiểm đến 125 triệu đồng: Từ ngày 12/12/2021, Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực, áp dụng cho đối tượng là người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Trong đó, tại Điều 3 quy định số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.

Trước đó, theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.

Thay đổi về cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: Từ ngày 23/12/2021, Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 23/2018/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thay đổi việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Theo đó, từ ngày 23/12/2021 tới đây, thay vì sử dụng mẫu cũ cố định tại Phụ lục I Nghị định 23/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Tuy nhiên, trên giấy chứng nhận vẫn phải đảm bảo có các nội dung nêu tại Điều 7a Nghị định 97/2021/NĐ-CP gồm: Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy);

Địa chỉ tài sản được bảo hiểm; Tài sản được bảo hiểm; Số tiền bảo hiểm; Mức khấu trừ bảo hiểm… (Tienphong.vn 28/11, Thanh Hà)Về đầu trang

Hạn chót đăng ký sang tên phương tiện không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu

Kể từ ngày 1/1/2022, người sử dụng xe không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ không được làm thủ tục đăng ký xe sang tên. Theo đó, hạn chót cho những trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên là ngày 31/12/2021.

Theo quy định tại Thông tư 58/2020 của Bộ Công An về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện cơ giới đường bộ, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021. Kể từ ngày 1/1/2022, người sử dụng xe không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ không được làm thủ tục đăng ký xe sang tên.

Để làm thủ tục sang tên phương tiện, người đang sử dụng xe đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 58, ghi rõ quá trình mua bán, giao nhận xe hợp pháp, cam kết về nguồn gốc xuất xứ của xe và nộp giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 58; Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có).

Thủ tục, hồ sơ đăng ký sang tên: Người đang sử dụng xe liên hệ với cơ quan đăng ký xe nơi cư trú: xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 58 và nộp giấy tờ sau: Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01); Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định; Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (đối với trường hợp khác tỉnh và mô tô khác điểm đăng ký xe).

Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan quản lý hồ sơ xe phải giải quyết đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.

Trách nhiệm của người đang sử dụng xe: Trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên; Kê khai cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của xe, quá trình mua bán, giao nhận xe; Khai và nộp lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật. (Tienphong.vn 28/11, Minh Đức)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chuyên gia VNDIRECT: Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ 9% dân số sở hữu ô tô năm 2025, tương đương mức hiện tại của Ấn Độ và Phillipines

Thời gian tới, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng trưởng ổn định, lạm phát và tỷ giá hối đoái được kiểm soát kịp thời, người tiêu dung có thể tiếp cận với tài sản cao cấp như ô tô cá nhân.

Theo VAMA, doanh số ô tô trong quý 3/2021 đạt 34.467 chiếc (-50,7% so với cùng kỳ) do các nhà phân phối/đại lý đã phải đóng cửa các cửa hàng để thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, doanh số bán ô tô trong tháng 8 năm nay chỉ đạt 8.884 chiếc, thấp nhất kể từ năm 2015.

Bên cạnh đó, ngày 15/10/21, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc giảm 50% thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước và lắp ráp từ ngày 15/11/21 đến hết ngày 30/05/22. Báo cáo của VNDIRECT mới công bố nhấn mạnh, nhu cầu bị dồn nén và chính sách ưu đãi từ Chính phủ sẽ hỗ trợ cho doanh số ô tô phục hồi trở lại kể từ quý 4/2021-2022.

Theo đó, báo cáo cũng chỉ ra 5 xu hướng thể hiện triển vọng của ngành ô tô Việt Nam, bao gồm: 1. Xe Hàn sẽ duy trì vị thế số 1 tại thị trường ô tô Việt Nam; 2 Sự lên ngôi của Crossover và SUV; 3. Chính sách ưu đãi của Chính phủ là động lực chính thúc đẩy sự phục hồi của ngành ô tô năm 2022; 4. Xe điện (EV) sẽ trở thành phương tiện phổ biến trong tương lai không xa; 5. "Make in Việt Nam": cơ hội cho VinFast và các doanh nghiệp phụ trợ.

Tăng trưởng kinh tế và gia tăng tầng lớp trung lưu thúc đẩy tăng trưởng doanh số ô tô. Lượng tiêu thụ ô tô đạt tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2012-16 ở mức 38%, đặc biệt trong năm 2015, lượng tiêu thụ ô tô tăng tới 55% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã giảm nhanh trong giai đoạn 2017-19 do chính sách thuế từ Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) trước khi chịu ảnh hưởng nặng nề vào năm 2020 do Covid-19. Theo Bộ Công Thương (MOIT), giá trị của ngành ô tô của Việt Nam đạt 12,2 tỷ USD năm 2020 và dự kiến sẽ đạt CAGR 12,9% giai đoạn 2021-30.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP điều chỉnh của Việt Nam đạt 343 tỷ USD và GPD bình quân đầu người đạt 3.521 USD (+2,91% so với cùng kỳ) năm 2020. Báo cáo VNDIRECT ước tính, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng trưởng ổn định, cũng như lạm phát và tỷ giá hối đoái được kiểm soát kịp thời, giúp người tiêu dung có thể tiếp cận với tài sản cao cấp như ô tô cá nhân.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD (CAGR 2020-25 đạt 5,8%), đưa Việt Nam vào nhóm các nước có thu nhập cao. Dân số tầng lớp trung lưu Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới, điều này sẽ thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu đối với tất cả các loại hàng hóa cao cấp. Nikkei dự báo tầng lớp trung lưu sẽ chiếm 30,6% dân số Việt Nam năm 2030.

Việt Nam là một trong những quốc gia có sức mua ô tô cá nhân tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 10 năm qua. Song, tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường khác ở châu Á.

Theo Statista, chỉ 5% dân số Việt Nam sở hữu ô tô vào năm 2020, trong khi con số này ở Thái Lan là 52%. Với dự báo lượng xe bán ra từ giai đoạn 2021-2030 là 14,9%, VNDIRECT dự báo Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ 9% dân số sở hữu ô tô vào năm 2025, tương đương với mức hiện tại của Ấn Độ và Phillipines và 30% vào năm 2030. (Cafef.vn 28/11, Hà Trần)Về đầu trang

Tổng vốn đăng ký của các dự án FDI tăng thêm hơn 8 tỷ USD

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến ngày 20/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

Cụ thể, có 1.577 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài, giảm 31,8%; tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỷ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ; có 877 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 16,6% ; có 3.466 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 40,4%; tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu. Ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất.

Đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 7,6 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 5,9% so với cùng kỳ 2020. Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư và tăng 54% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)…

Hiện, vốn đầu tư của Singapore gấp 1,74 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp 2,1 lần vốn đầu tư của Nhật Bản do Singapore có dự án lớn 3,1 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đầu tư của Singapore.

Hàn Quốc mặc dù chỉ xếp thứ hai về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như số lượt góp vốn mua cổ phần. Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất trong 11 tháng. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

Doanh nghiệp xây dựng mong muốn được gỡ vướng thủ tục hành chính

Theo các doanh nghiệp, việc gỡ vướng mắc các thủ tục hành chính được xem là giải pháp hỗ trợ có giá trị lớn nhất và là điều họ đang khao khát chờ đợi nhất.

Trước rất nhiều ý kiến đề xuất từ phía các doanh nghiệp, hiệp hội, sáng nay (26/11), Bộ Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, bất động sản về các khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

So với các gói hỗ trợ bằng tiền, hay ưu đãi lãi suất, việc gỡ vướng mắc các thủ tục hành chính được xem là giải pháp không tốn kém để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi hoạt động do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Trong hội nghị sáng 26/11, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây còn là giải pháp hỗ trợ có giá trị lớn nhất và là điều họ đang khao khát chờ đợi nhất.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trực tiếp điều hành hội nghị và đã có những phản hồi tới các doanh nghiệp.

"Bộ Xây dựng đang tiến hành rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành xây dựng và đang đề xuất sửa đổi bổ sung. Bộ Xây dựng đang rà soát Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, đồng thời rà soát tập trung sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Ý kiến của các đại biểu liên quan đến 2 luật này chúng tôi sẽ ghi nhận và xem xét, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi và đang xây dựng một nghị định để sửa. 10 nghị định bãi bỏ 1 nghị định, sẽ trình Chính phủ xem xét quyết định trong quý 4/2021", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh. (VTV.vn 27/11)Về đầu trang

Bắc Ninh tạo niềm tin với nhà đầu tư bằng chính sách "5 sẵn sàng"

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh luôn duy trì trong top 10 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Để đạt được kết quả này là do tỉnh đã thực hiện chính sách thu hút đầu tư kết hợp với tinh thần chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Để duy trì trong top 10 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, khi mà nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: Samsung, Canon (Nhật Bản), Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc)... đều lựa chọn Bắc Ninh đầu tư, tỉnh đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm giữ chân và tạo niềm tin với nhà đầu tư trên địa bàn, với tiêu chí "2 ít và 3 cao". Cụ thể, 2 ít là: ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất; 3 cao là: suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao.

Ông Nguyễn Quang Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, địa phương đã chủ động thực hiện "5 sẵn sàng": sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch. Cùng với đó là tích cực cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh tiến bộ xây dựng công trình dự án trọng điểm, có tính chất liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng khu, cụm công nghiệp tạo mặt bằng cho nhà đầu tư.

Tích cực sáng tạo linh hoạt trong xúc tiến đầu tư, chủ động từ mở cửa sang gõ đúng cửa, xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, thu hút dự án lớn có tính chất lan toả và linh hoạt phù hợp với tình hình Covid-19 hiện nay.

"Đối với Bắc Ninh hiện nay, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là mục tiêu hàng đầu. Tỉnh chủ trương giao Ban quản lý các khu công nghiệp chủ trì phối hợp hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện phòng, chống Covid-19. Cùng với đó, tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác hướng dẫn doanh nghiệp, tìm giải pháp phòng, chống Covid- 19, trong đó có các biện pháp về y tế, xét nghiệm, kiểm tra đối với doanh nghiệp, nhằm đảm bảo quá trình sản xuất của doanh nghiệp" - ông Nguyễn Quang Thành cho biết.

Đánh giá quá trình thu hút vốn FDI của Bắc Ninh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tiến trình công nghiệp hoá gắn với tiêu chí "2 ít, 3 cao, 3 sẵn sàng" hết sức đúng đắn, phù hợp. Chính những yếu tố thuận lợi này trong giai đoạn vừa qua giúp tỉnh nằm trong top thứ 7 trong 63 tỉnh thành phố thu hút FDI.

Theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bắc Ninh đứng thứ 10 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 4 trong tổng số 63. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra các hệ lụy sâu sắc về kinh tế, xã hội, chính trị trên quy mô toàn cầu, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, thì cơ hội thách thức với doanh nghiệp Việt Nam sẽ đan xen.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tỉnh Bắc Ninh nên bổ sung "1 không" nữa là không ô nhiễm môi trường, để việc phát triển được bền vững. Đồng thời hoàn thiện về thể chế chính sách, nâng cao hiệu quả công tác đầu tư nước ngoài là vấn đề rất cần thiết.

"Để vượt qua thách thức này, các địa phương gồm Bắc Ninh cần triển khai chính sách, định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế chính sách thu hút, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài. Tin rằng Bắc Ninh tiếp tục vượt qua khó khăn và con đường đi lên công nghiệp hoá chắc chắn sẽ đạt được" - ông Phan Hữu Thắng bày tỏ. (VOV.vn 28/11, Thúy Hằng)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Không ngừng chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 26/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Buổi tiếp xúc cử tri được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 56 điểm cầu trên địa bàn 3 quận để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và trả lời các ý kiến của cử tri.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, đề cập tới công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, điểm mới giờ không chỉ chống tham nhũng, lãng phí, mà còn chống cả tiêu cực. Theo Tổng Bí thư, tiêu cực có nhiều mặt nhưng trọng tâm chống tiêu cực là chống suy thoái về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. “Anh đứng đắn, có đạo đức tốt, có tư tưởng chính trị tốt, thực sự vì dân, vì Đảng, thì làm sao phải đi ăn cắp, tham nhũng? Tư tưởng anh xuống cấp, nói ngược, nói trái đường lối, đạo đức không tốt thì mới đi ăn cắp, tham nhũng chứ? Trị từ gốc là cái này, nên thêm chống tiêu cực có ý nghĩa như vậy”, Tổng Bí thư nói.

Tiếp tục khẳng định chống tham nhũng “không ngừng, không nghỉ”, Tổng Bí thư điểm lại việc kỷ luật các tướng lĩnh thuộc lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, hay mới đây là quyết liệt trong xử vụ án, vụ việc trong lĩnh vực y tế. “Đang dịch bệnh thế này mà xử lý cán bộ y tế thì có nên không? Nhưng việc nào đi việc ấy”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, không được chỉ tập trung chống dịch mà để kinh tế trì trệ, các mặt khác xuống cấp. “Vừa làm sao chống được dịch, nhưng phát triển được kinh tế, giữ được ổn định chính trị, xã hội, tất cả các mặt hoạt động bình thường thế mới là giỏi. Dồn sức đi chống dịch không thôi thì không đúng, nhưng chủ quan để rất nhiều người mất thì còn đau nữa”, Tổng Bí thư nói. (Tienphong.vn 27/11, Thành Nam)Về đầu trang

Hàng loạt Bộ ngành phản đối đề xuất xin nhập khẩu 37 toa tàu hết hạn sử dụng của Nhật

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản, trong đó nêu rõ ý kiến từ các Bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

"Ý kiến chung của các Bộ, ngành đưa ra đều cho rằng đề xuất của Tổng công ty ĐSVN về việc nhập khẩu và khai thác toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản là không đúng với quy định của Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/20218 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đường sắt.

Các Bộ, ngành đề nghị Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, báo cáo cũng nêu rõ việc Tổng Công ty ĐSVN chưa được đánh giá một cách cụ thể, chi tiết về các nội dung về tình trạng kỹ thuật an toàn, chi phí hoán cải, hiệu quả đầu tư, kế hoạch dự kiến vận hành, công tác vận hành, bảo trì, giải pháp xử lý nếu các toa xe không đáp ứng quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Việt Nam..." - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu những toa xe sản xuất từ năm 1979 - 1982 cũng sẽ có những ảnh hưởng, tác động đến môi trường nếu vận hành tại Việt Nam, việc nhập khẩu các phương tiện đã sử dụng quá lâu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nghề này trong nước.

Trước đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã cho ý kiến về vấn đề này.

"Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng nhận thức được vấn đề là việc nhập khẩu 37 toa xe nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam về niên hạn sử dụng được phép nhập khẩu đối với phương tiện đường sắt. Vì vậy, với mong muốn rằng dự án này là hoạt động tượng trưng cho mối quan hệ hữu nghị Nhật Bản và Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn Việt Nam chấp thuận cho phép Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhập khẩu 37 toa xe để khai thác vận hành" - Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Trên cơ sở đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tổng hợp ý kiến của các Bộ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ GTVT kết luận như sau: "37 toa xe nêu trên vừa không được phép nhập khẩu do có năm sản xuất quá 10 năm và vừa không được phép vận hành khai thác tại Việt Nam do đã có niên hạn sử dụng quá 40 năm" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Đề xuất việc cho phép nhập khẩu, khai thác sử dụng 37 toa xe tự hành diesel DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản, được sản xuất từ năm 1979-1982 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mặc dù trong báo cáo có nêu một số lợi ích nhất định, tuy nhiên quy định của pháp luật đã rõ ràng, do vậy Bộ GTVT không ủng hộ việc nhập khẩu và khai thác sử dụng 37 toa xe đã qua sử dụng (từ 39-42 năm) tại Việt Nam. (Cafef.vn 28/11, T.Hà)Về đầu trang

Quảng Ngãi: Đề xuất gói hỗ trợ 43 tỷ đồng "cản" cán bộ bỏ việc vì lương thấp

Mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách quá thấp khiến nhiều người bỏ việc. Trước khó khăn đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất dành 43,6 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ nhóm cán bộ này.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách tại Quảng Ngãi là mức tối đa quy định tại Nghị định 34. Tuy nhiên, mức phụ cấp này quá thấp, không đảm bảo cuộc sống cho người hoạt động không chuyên trách. 

Theo đó, tùy vào đặc thù nhiệm vụ, mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 1,15 hoặc 1,12 lần mức lương cơ sở. Đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố được hưởng mức bồi dưỡng tối đa 500 nghìn đồng/người/tháng.

Nghị định 34 cũng quy định, mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố từ nguồn đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và các nguồn quỹ khác.

Tuy nhiên trên thực tế, việc vận động người dân tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố rất khó khăn nên đoàn phí, hội phí rất hạn chế. Nguồn thu này một phần trích nộp cho cấp trên, một phần sử dụng cho các hoạt động của các hội, đoàn thể.

Do đó, các hội, đoàn thể ở thôn, tổ dân phố không còn kinh phí bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc. Phụ cấp cho cán bộ chuyên trách quá thấp nên nhiều người đã bỏ việc. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động của bộ máy hành chính ở cơ sở.

Trước những khó khăn này, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định triển khai chính sách hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách. Nội dung này vừa được UBND tỉnh kiến nghị HĐND cùng cấp xem xét, ban hành nghị quyết để thực hiện.

Theo đề xuất, ngoài mức phụ cấp hiện hưởng, cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ được hỗ trợ theo mức dự kiến từ 450.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng tùy trình độ chuyên môn, vị trí công tác. Tổng kinh phí dự kiến chi hỗ trợ một năm trên 43,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Thời gian qua, cán bộ không chuyên trách gặp rất nhiều khó khăn do mức phụ cấp thấp. Theo thống kê, toàn tỉnh có  khoảng 2.100 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; gần 2.900 người ở các thôn, tổ dân phố.

Tuy nhiên, mức phụ cấp quá thấp nên nhiều người xin nghỉ, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã cũng như thôn, tổ dân phố. Do đó, việc UBND tỉnh Quảng Ngãi triển khai chính sách hỗ trợ hàng tháng cho cán bộ không chuyên trách là việc làm cần thiết, ý nghĩa và cần được triển khai sớm. (Dantri.com.vn 27/11, Quốc Triều)Về đầu trang

Hỗ trợ thiệt hại bão chỉ... 2.000 đồng ở Quảng Nam: Yêu cầu kiểm điểm từ xã đến huyện

Liên quan đến việc người dân được nhận hỗ trợ thiệt hại bão lụt 2.000 đồng, Bí thư huyện ủy Phú Ninh (Quảng Nam) nhìn nhận, đó là cách làm máy móc, quan liêu, thiếu tính thực tiễn gây phản cảm, nên phải kiểm điểm từ UBND huyện, Phòng Nông nghiệp huyện đến xã.

Chiều 28/11, trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh (Quảng Nam) cho biết, đã chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm từ vụ việc người dân xã Tam Vinh nhận 2.000 đồng tiền hỗ trợ thiệt hại do bão.

Theo ông Thẩm, đây là sự việc đáng tiếc, gây phản cảm cho dư luận. Ông Thẩm đánh giá về thống kê thiệt hại, xã Tam Vinh đã làm rất tốt. Tuy nhiên thống kê và hỗ trợ thiệt hại là hai chuyện khác nhau hoàn toàn. Thống kê để biết tổng thiệt hại, còn hỗ trợ thì tùy thuộc vào nguồn lực, khả năng hiện có của mình.

“Xã đưa lên thì huyện nhập hết vào, không chú ý đến các yếu tố khác là cách làm cơ học hành chính, không có định hướng. Tiền nong tài chính như vậy là khách quan chính xác, nhưng phương pháp làm không đúng. Cái này phải kiểm điểm, chỉ ra ai đúng ai sai, chứ không chứ cũng không đổ lỗi hết cho xã”, ông Thẩm nói.

Bí thư huyện Phú Ninh cho rằng, lẽ ra sau khi thống kê, cán bộ phải lọc ra, chia các mức hỗ trợ, ví dụ lấy mức từ 50.000 đồng trở lên, còn mức hỗ trợ thấp hơn thông tin lại với bà con tại cuộc họp thôn, đề xuất mọi người cho ý kiến. Ai nhận thì nhận, hoặc có thể gom số tiền nhỏ đó lại để thực hiện nhiệm vụ gì đó ở địa phương hoặc xung công quỹ…

Việc người dân xã Tam Vinh nhận giấy mời rồi lên ngồi đợi cả buổi chỉ để nhận 2.000 đồng hỗ trợ làm mất thời gian của dân mà cũng không tương xứng với công lao động.

“Hỗ trợ như vậy là cách làm máy móc, quan liêu, thiếu tính thực tiễn tạo ra sự phản cảm cho nên phải kiểm điểm từ UBND huyện, Phòng Nông nghiệp huyện đến xã để rút kinh nghiệm. Từ đây trở đi tất cả những việc gì liên quan đến dân thì phải bàn bạc, xem xét cho thấu tình đạt lý, chỉ đạo định hướng chứ không đổ lỗi”, ông Thẩm nói. (Tienphong.vn 28/11, Hoài Văn)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TP.HCM: Thí điểm cấp giấy phép lái xe ngay sau khi có kết quả sát hạch

 Ngày 28-11, Sở Giao thông vận tải TP.HCM bắt đầu thí điểm cấp giấy phép lái xe ngay trong ngày với giấy phép quá thời hạn sử dụng. Thời gian cấp có thể được rút ngắn từ 10 ngày xuống 2 tiếng.

Sáng 28-11, tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã diễn ra chương trình thí điểm cấp giấy phép lái xe ngay sau khi có kết quả sát hạch. Đây là đơn vị đầu tiên tại TP.HCM thực hiện việc cấp giấy phép lái xe ngay sau khi có kết quả sát hạch.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã nghiên cứu và thực hiện thí điểm rút ngắn thời gian trả kết quả giấy phép lái xe, thay vì sau 10 ngày theo quy định, chuyển sang nhận giấy phép lái xe ngay trong ngày.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, đường truyền và thủ tục liên quan trong vòng 6 tháng qua để có thể làm thí điểm cấp bằng lái trong ngày cho người dân.

"Đây là một trong những hoạt động cải cách thủ tục hành chính của sở và thành phố trong năm 2021. Sau thí điểm này, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai đại trà để đáp ứng nhu cầu của người dân", ông An chia sẻ. (Tuoitre.vn 28/11, Châu Tuấn) Về đầu trang

Điện Biên sẽ áp dụng kỳ họp không giấy vào tháng 12/2021

Nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm các loại văn bản, giấy tờ hành chính, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên dự kiến triển khai phần mềm kỳ họp không giấy từ kỳ họp cuối năm nay, diễn ra vào tháng 12 tới.

Vừa qua, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên đã phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông địa phương tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm kỳ họp không giấy. Lớp tập huấn có sự tham gia của 50 đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

Các đại biểu được giới thiệu về tính năng, tiện ích của phần mềm ứng dụng; hướng dẫn cách khai thác văn kiện, tài liệu, cách sử dụng các tính năng biểu quyết tại các kỳ họp HĐND tỉnh.

Ông Lò Văn Phương, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên cho biết: Phần mềm sử dụng kỳ họp không giấy sẽ được áp dụng bắt đầu từ kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh, diễn ra vào tháng 12 tới.

Trên ứng dụng Kỳ họp không giấy sẽ có đầy đủ văn kiện tài liệu kỳ họp, chương trình kỳ họp, danh sách đại biểu, các thông báo, tổng hợp thông tin báo chí, ý kiến cử tri. Trong mỗi mục, tài liệu được sắp xếp khoa học để người dùng tiện theo dõi.

Các thao tác của đại biểu sẽ được thực hiện ngay trên ứng dụng của máy tính. Cùng với đó, đại biểu có thể tra cứu các thông tin khác để phục vụ cho quá trình phát biểu ý kiến hoặc tranh luận của mình tại kỳ họp.

“Việc triển khai hệ thống phần mềm Kỳ họp không giấy nhằm giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong phòng họp; đẩy nhanh hiệu quả làm việc, tiết kiệm thời gian, chi phí. Từ đó giúp lãnh đạo đưa ra quyết định kịp thời, nhanh chóng, chính xác, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương” – ông Phương cho hay. (Giaoducthoidai.vn 27/11, Hà Linh)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Dự toán và phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2022

Quốc hội vừa ban hành các Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 34/2021/QH15, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 như sau: Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.700 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.784.600 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 572.686 tỷ đồng.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.

Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ để phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, các luật thuế và các quy định liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử…

Tại Nghị quyết số 40/2021/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách trung ương là 739.132 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 672.568 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách trung ương là 1.087.032 tỷ đồng, trong đó dự toán 359.982 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

Ngân sách dự kiến “trợ lực” hơn 1.500 tỷ cho các hãng bay

Trong dự thảo Nghị quyết lần này, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay.

Nếu được thông qua, đây sẽ là động lực quan trọng nhằm tăng năng lực tài chính cho các hãng bay vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.585 tỷ đồng, gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng.

"Tính toán trên cơ sở sản lượng nhiên liệu bay tiêu thụ bình quân từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2021 trong cả giai đoạn từ khi xảy ra đại dịch đến nay khoảng 80 triệu lít/tháng", dự thảo nêu rõ.

Dù vậy nhưng theo Bộ Tài chính, chính sách này sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp hàng không vận hành hoạt động trong bối cảnh suy yếu về dòng tiền, âm về thanh khoản.

Không chỉ đóng vai trò huyết mạch trong hệ thống giao thông vận tải, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thúc đẩy phát triển một số ngành nghề khác như dịch vụ, thương mại, đặc biệt là du lịch.

Do đó, theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống còn 1.500 đồng/lít sẽ góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác.

Ngoài ra, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường do chính sách chỉ áp dụng trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19 nên Bộ này khẳng định sẽ không làm gia tăng mức tiêu thụ nhiên liệu bay.

Bên cạnh đó, thời gian qua do thực hiện chính sách giãn cách xã hội nên ngành hàng không phải hạn chế hoạt động, thậm chí có thời điểm gần như "đóng băng". Do đó, chính đến hết ngày 31/12/2022. (VTV.vn 28/11)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bình Định: Kỷ luật Đội trưởng quản lý thị trường có dấu hiệu “vòi vĩnh”

Ngày 28/11, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Định xác nhận, Tổng cục QLTT đã ban hành quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Danh, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Bình Định) vì có hành vi vi phạm đạo đức công vụ.

“Hiện ông Danh vẫn giữ chức đội trưởng và đang chờ quyết định xử lý tiếp theo của Tổng cục QLTT”, vị này cho biết.

Trước đó, vào cuối năm 2020, Đội QLTT số 1 do ông Nguyễn Văn Danh làm đội trưởng đã phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức bắt giữ một xe khách có dấu hiệu chở hàng lậu trên Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xe khách này chở 50 cây thuốc lá hiệu Jet không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhập khẩu theo quy định.

Vụ việc này, sau đó được bàn giao lại cho Đội QLTT số 1 xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, xuất hiện đơn thư tố cáo ông Nguyễn Văn Danh có hành vi “vòi vĩnh”, đòi “chung chi” để bỏ qua vi phạm cho chủ phương tiện chở 50 cây thuốc Jet trên.

Ngay khi có đơn tố cáo, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định và Tổng cục QLTT đã vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý. Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định xác định ông Danh có dấu hiệu "vòi vĩnh" trong vụ việc trên. Qua đó, đã đề nghị Tổng cục QLTT có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với ông Danh.

Được biết, vừa qua Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định đã thành lập tổ công tác để kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Danh. Ông Danh được Tổng cục QLTT bổ nhiệm giữ chức Đội trưởng Đội QLTT số 1 (địa bàn gồm TX Hoài Nhơn và 2 huyện Hoài Ân, An Lão), từ tháng 9/2020.

Ngoài ra, Tổng Cục QLTT cũng ra quyết định kỷ luật về mặt chính quyền bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Văn Hồng, Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Bình Định) và 1 kiểm soát viên dưới quyền.

Theo cơ quan chức năng, ông Hồng liên quan đến việc xác định sai đối tượng vi phạm, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định xử phạt nhầm doanh nghiệp. Việc này khiến Chủ tịch UBND tỉnh phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính trước đó. (Tienphong.vn 28/11, Trương Định)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nghiên cứu cảnh báo Trung Quốc đối mặt với sự “bùng nổ” COVID-19 nếu mở cửa như Mỹ, Pháp

Trung Quốc có thể ghi nhận 630.000 ca bệnh mỗi ngày nếu từ bỏ chính sách không COVID-19 để dỡ bỏ hạn chế đi lại, theo một nghiên cứu của các nhà toán học tại ĐH Bắc Kinh.

Theo một báo cáo do Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc đăng trên tuần san China CDC, các nhà toán học nói rằng Trung Quốc sẽ không thể đối phó nếu dỡ bỏ hạn chế trong khi chưa có các loại vắc xin hiệu quả hơn hoặc thuốc đặc trị.

Sử dụng dữ liệu từ tháng 8 của Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Israel, các nhà khoa học ước tính số ca mắc ở Trung Quốc nếu nước này áp dụng cách đối phó với đại dịch tương tự các quốc gia đó.

Báo cáo nói rằng số ca mắc mới mỗi ngày ở Trung Quốc sẽ tăng lên ít nhất 637.155 ca nếu làm giống Mỹ, 275,793 nếu làm giống Anh và 454.198 nếu làm như Pháp.

“Những con số ước tính này cho thấy khả năng xảy ra một đợt bùng phát khổng lồ, gần như chắc chắn sẽ tạo nên một gánh nặng không thể chịu được đối với hệ thống y tế”, báo cáo viết.

“Phát hiện của chúng tôi đưa ra một cảnh báo rõ ràng rằng đến giờ chúng ta vẫn chưa sẵn sàng mở cửa nếu chỉ dựa vào giả định về miễn dịch cộng đồng do vắc xin tạo ra như một số quốc gia phương Tây ủng hộ”, các nhà nghiên cứu nói.

Nhóm nghiên cứu cho biết những con số mà họ đưa ra dựa trên tính toán số học cơ bản và cần thêm mô hình phức tạp hơn để nghiên cứu sự tiến hoá của đại dịch nếu dỡ bỏ hạn chế đi lại.

Trung Quốc vẫn duy trì chính sách không COVID-19, cho rằng việc khống chế và kiểm soát các ca bệnh trong cộng đồng vẫn quan trọng hơn việc truy vết, cách ly và điều trị cho những người mắc.

Trung Quốc báo cáo 23 ca mắc mới trong ngày 27/11, giảm so với 25 ca của ngày trước đó. Ngày 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa biến thể Omicron mới phát hiện ở khu vực phía nam châu Phi vào nhóm “gây quan ngại”, khiến một số quốc gia quyết định tái áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại. (Tienphong.vn 28/11, Bình Giang)Về đầu trang ./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More