Bản tin ngày 17-9-2020

Post date: 18/09/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

tt

Tên bài/nội dung

Tên cơ quan báo chí và tác giả

Ghi chú

 
 

 

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

 

 

 

1.      

Quảng Bình sẵn sàng các công tác phòng chống, ứng phó với diễn biến của bão số 5. 3

Baotainguyenmoitruong.vn 16/9, Hồng Thiệu

 

 

2.      

Quảng Bình đã có quy chế an toàn thông tin mạng. 5

Ictnews.vietnamnet.vn 16/9

 

 

3.      

Quảng Bình cần phát huy hiệu quả các lợi thế để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020-2025. 5

Baoquangbinh.vn 17/9, Ngọc Mai

 

 

 

XÃ HỘI

 

 

 

4.      

Bão số 5 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km, hướng vào các tỉnh Quảng Bình – Quảng Nam.. 8

Baotainguyenmoitruong.vn 17/9; Vtv.vn 17/9; Plo.vn 17/9; Congly.vn 17/9; Baochinhphu.vn 17/9; Nongnghiep.vn 17/9; Plo.vn 17/9; Tienphong.vn  17/9; Giadinh.net.vn 17/9; Zingnews.vn 17/9; Bienphong.com.vn 17/9; Vnexpress.vn 17/9

 

 

5.      

Bão số 5 giật cấp 13 hướng thẳng vào miền Trung, lên kịch bản sơ tán nửa triệu người 9

Tienphong.vn 16/9; Congan.com.vn 16/9; Thoidai.com.vn 16/9; Vtc.cvn 16/9; Toquoc.vn 16/9; Baodasninh.vn 16/9; Nhandan.com.vn 16/9; Kinhtedothi.vn 16/9; Nld.com.vn 16/9; Vtc.vn 16/9; Giaoducthoidai.vn 16/9; Vietnamnet.vn 17/9; Anninhthudo.vn 17/9; Baogiaothong.vn 17/9; Zingnews.vn 17/9; Baotintuc,vn 17/9; Cand.com.vn 17/9; Haiquanonline.com.vn 17/9; Hà Nội Mới 17/9, tr2; An Ninh Thủ Đô 17/9, tr7; Tiền phong 17/9, tr4; Công an nhân dân 17/9, tr2; Nhân Dân 17/9, tr5; Đại Đoàn Kết 17/9, tr9; Pháp Luật Việt Nam 17/9, tr9

 

 

6.      

Bão số 5 tăng tốc, vùng ảnh hưởng rất rộng lớn. 11

Tienphong.vn  17/9, Nguyễn Hoài; Vietnmaplus.vn/TTXVN 17/9; Nhandan.com.vn 17/9; Zingnews.vn 17/9; Doisongvietnam.vn 17/9; Nld.com.vn 17/9; Baogiaothong.vn 17/9; Anninhthudo.vn 17/9; Hanoimoi.com.vn 17/9; Antt.nguoiduatin.vn 17/9; Nld.com.vn 17/9; Thoidai.com.vn 17/9; Petrotimes.vn  17/9; Congly.vn 17/9; Baodansinh.vn 17/9; Zingnews.vn 17/9; Daidoanket.vn 17/9; Qdnd.vn 17/9; Baogiaothong.vn 17/9

 

 

7.      

Quảng Bình: Ủy ban kiểm tra vào cuộc vụ Hiệu trưởng dọa mang xăng “xử” trưởng phòng. 11

Dantri.com.vn 17/9, Tiến Thành; Nld.com.vn 16/9, Hoàng Phúc; Vietnamnet.vn 16/9, Hải Sâm; Tienphong.vn  17/9

 

 

8.      

Quảng Bình: Bàn giao công trình nước sinh hoạt cho đồng bào Vân Kiều. 13

Daidoanket.vn 17/9, Quảng Nghĩa; Đại đoàn kết 17/9, tr5; Tiền phong 17/9, tr10

 

 

9.      

Quảng Bình: Cho học sinh nghỉ học để phòng chống bão số 5. 13

Baotainguyenmoitruong.vn 17/9, Hồng Thiệu; Giaoducthoidai.vn 17/9

 

 

10.  

Quảng Bình: Nâng cao nhận thức về chính sách BHXH cho người lao động. 15

Dangcongsan.vn 17/9, Huy Hương

 

 

11.  

Quảng Bình: Ngư dân vội vã đưa tàu thuyền vào bờ. 19

Danviet.vn 17/9, Trung Thuần

 

 

 

AN NINH – QUỐC PHÒNG

 

 

 

12.  

Quảng Bình: Chấn chỉnh và xử lý nghiêm vụ việc khai thác rừng trái phép trong Lâm trường Trường Sơn. 20

Baotainguyenmoitruong.vn 16/9, Hồng Thiệu

 

 

13.  

Quảng Bình tiêu hủy hàng hóa nhập lập, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 21

Vietnamplus.vn/TTXVN/Vnanet.vn 16/9, Võ Dung; Haiquanonline.com.vn 17/9, Quang Hùng; Phapluatplus.vn 17/9; Baotainguyenmoitruong.vn 16/9; Thuonghieucongluan.com.vn 16/9; Baotintuc.vn 16/9

 

 

 

TỔNG CỘNG: 86 tin/bài

 

 

 

I. Thời sự - Chính trị

1. Quảng Bình sẵn sàng các công tác phòng chống, ứng phó với diễn biến của bão số 5

(Baotainguyenmoitruong.vn 16/9, Hồng Thiệu) 

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ ngày 16/09/2020 Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã có Công điện số 117/CĐ-BCH yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5 và mưa lũ, kịp thời chỉ đạo triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

 Theo đó, đối với các khu vực trên sông, trên biển Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, Chủ tịch UBND các huyện ven biển thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn tập trung ra soát, kiểm đếm, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển di chuyển vào bờ hoặc hướng dẫn di chuyển thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, phương tiện; giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình hướng xấu xảy ra. Tổ chức hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giảm thiệt hại đối với lồng, bè nuôi trồng thủy, hải sản.

 Tính đến chiều ngày 16/9/2020, Quảng Bình có trên 5.600 phương tiện/17.000 lao động neo đậu tại bờ; 913 phương tiện/khoảng 5.900 lao động đang hoạt động trên biển, các lực lượng chức năng đang tiếp tục liên lạc, kêu gọi số tàu thuyền còn lại vào bờ, neo đậu an toàn. Diện tích lúa vụ Hè Thu đã thu hoạch xong 14.522 ha, đạt tỷ lệ 100%...

 Khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời cư dân, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm án tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, trong các nhà không đảm bảo an toàn, trong đó cần lưu ý công tác phòng , chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực sơ tán.

 Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn, sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước.

 Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi và UBND các huyện, thành phố, thị xã vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du trong tình diễn biến dịch bệnh phức tạp.

 Sở Giao thông vận tải chủ động bố trí lực lượng, vật tư thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ.

 Bộ Chỉ huy Quân sự, Côn an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến cảu bão và mưa lũ để chủ động, tổ chức lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra.

 Sở Y tế chủ động chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở, hướng dẫn các địa phương triển khai các phương án bảo đảm an toàn chống dịch Covid-19 tại nơi sơ tán.

 Sở Công thương chỉ đạo kiểm tra, có phương án vận hành an toàn hệ thống điện, các hồ thủy điện trên địa bàn; đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm dự trữ phục vụ nhân dân khi có yêu cầu, đặc biệt là những khu vực có khả năng bị chia cắt, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống. Về đầu trang

https://baotainguyenmoitruong.vn/quang-binh-san-sang-cac-cong-tac-phong-chong-ung-pho-voi-dien-bien-cua-bao-so-5-310765.html  

2. Quảng Bình đã có quy chế an toàn thông tin mạng

(Ictnews.vietnamnet.vn 16/9)

 UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Quy chế này nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và giảm các nguy cơ gây mất an toàn thông tin mạng và bảo đảm an ninh thông tin trong quá trình ứng dụng CNTT.

 Nguyên tắc cơ bản được Quảng Bình đưa ra, đó là hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan, tổ chức phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin mạng được quy định tại Điều 4 Luật An toàn thông tin mạng, cũng như Điều 41 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

 Theo quy chế, các hành vi bị cấm sẽ dựa theo các quy định trong Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng, Điều 8 Luật An ninh mạng, cũng như Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

 Bên cạnh đó, quy chế cấm việc tự ý lắp đặt các thiết bị phát sóng Wi-Fi vào mạng máy tính của cơ quan, tổ chức; cấm lắp đặt các thiết bị tiếp sóng Wi-Fi trên máy tính có kết nối mạng nội bộ để truy nhập mạng Wi-Fi ngoài khi chưa được phê duyệt của lãnh đạo cơ quan, tổ chức.

 Các cán bộ, công chức, viên chức… tỉnh Quảng Bình cũng không được tự ý đăng lên, tải về, chia sẻ dưới mọi hình thức các dữ liệu, tài liệu, số liệu nội bộ, những văn bản chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công khai lên mạng Internet và những phương tiện thông tin đại chúng khác.

 Quy chế của Quảng Bình cũng quy định cụ thể về quản lý đăng nhập, truy nhập hệ thống thông tin; quản lý vận hành hệ thống thông tin; phòng, chống phần mềm độc hại; sao lưu dữ liệu dự phòng; bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Về đầu trang

https://ictnews.vietnamnet.vn/bao-mat/quang-binh-da-co-quy-che-an-toan-thong-tin-mang-264267.html  

3. Quảng Bình cần phát huy hiệu quả các lợi thế để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020-2025

(Baoquangbinh.vn 17/9, Ngọc Mai)

 Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức vào ngày 16-9-2020, tại Thủ đô Hà Nội.

 Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Quảng Bình có các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Công Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

 Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật đã báo cáo tóm tắt kết quả sản xuất nông nghiệp, nông thôn năm 2019, 8 tháng đầu năm 2020, ước giai đoạn 2016-2020 và những mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 cùng một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh.

 Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự cố môi trường biển, thiên tai, dịch bệnh nhưng Quảng Bình đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả tích cực.

 Một số kết quả nổi bật tính đến hết năm 2020 có thể kể đến là: giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 4,1%; sản lượng lương thực bình quân 30,5 vạn tấn/năm; tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp 51,3%; tổng sản lượng thủy sản 88.000 tấn; độ che phủ rừng 68%; 79/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 61,7%, trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã NTM kiểu mẫu; toàn tỉnh có 25 sản phẩm OCOP.

 Nhìn chung, nông nghiệp tỉnh Quảng Bình phát triển theo hướng hàng hóa, chất lượng giá trị; cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng phát huy các lĩnh vực, sản phẩm lợi thế, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu...

 Trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn và kết quả đạt được, giai đoạn 2020-2025 Quảng Bình sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, cải thiện nhanh đời sống nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

 Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Quảng Bình đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Bộ NN và PTNT quan tâm hỗ trợ các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai; bố trí dân cư…

 Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chung vui với những thành tựu của Quảng Bình trong nhiệm kỳ qua đồng thời khẳng định, Bộ NN và PTNT đồng tình cao với những định hướng chung trong Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của tỉnh.

 Ngoài ra, thời gian tới, Quảng Bình cần tập trung một số nhiệm vụ sau: Với địa hình đa dạng, đặc trưng của một “Việt Nam thu nhỏ”, trong chiến lược phát triển, tỉnh cần xác định dịch vụ du lịch làm tâm điểm. Lĩnh vực lâm nghiệp, cần đầu tư phát triển kinh tế lâm sinh với đầy đủ các yếu tố độ che phủ, dân sinh và khai thác các lợi thế từ rừng; rà soát lại để định dạng cơ cấu phù hợp và thu hút đầu tư. Đối với vùng gò đồi cần tập trung phát triển chăn nuôi, đặc biệt là đại gia súc; trồng cây ăn quả, rau màu, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Các vùng đồng bằng phù hợp sản xuất lúa cần đầu tư phát triển lúa chất lượng cao. Vùng ven biển chăm lo phát triển nuôi trồng hải sản.

 Trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cần hết sức chú ý phát triển sản xuất nông nghiệp, OCOP, làng nghề với mục tiêu gắn nông nghiệp, nông thôn với phát triển du lịch…

 Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ cơ bản nhất trí và sẽ đồng hành cùng tỉnh để đẩy nhanh tiến độ triển khai, đồng thời tập trung hướng dẫn Quảng Bình giải quyết những nội dung vướng mắc về mặt chính sách. Đồng chí Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc phối hợp với tỉnh Quảng Bình để giải quyết hiệu quả các kiến nghị, đề xuất.

 Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu tỉnh Quảng Bình nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống cơn bão số 5. Trong đó cần chú ý, rà soát hạ tầng và hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch vùng núi, đề phòng lũ ống, lũ quét. Đối với một số dự án đang thi công dở dang, các khu nuôi trồng thủy sản, cần khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Thứ 5, ngày 17-9, thực hiện cấm biển, sẵn sàng xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Ngày 18-9, dự kiến thời điểm bão số 5 đổ bộ vào đất liền, xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần. Khu vực miền núi, các đập tràn cần phòng ngừa hậu quả của mưa hoàn lưu gây lũ, sạt lở, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của bão số 5.

 Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, sự chỉ đạo sát sao của Bộ NN và PTNT đối với Quảng Bình. Tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến và có sự điều chỉnh kịp thời trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 để duy trì ổn định kinh tế thông qua lĩnh vực nông nghiệp. Quảng Bình sẽ nỗ lực thực hiện hiệu quả các vấn đề về môi trường, giữ gìn và phát triển lâm nghiệp, tạo sinh kế bền vững để người dân có thể sống nhờ rừng, giàu lên từ rừng, góp phần cùng toàn tỉnh hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới. Về đầu trang

https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202009/quang-binh-can-phat-huy-hieu-qua-cac-loi-the-de-hoan-thanh-cac-muc-tieu-nhiem-vu-cua-nhiem-ky-2020-2025-2181053/

II. Xã hội    

1. Bão số 5 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km, hướng vào các tỉnh Quảng Bình – Quảng Nam

(Baotainguyenmoitruong.vn 17/9; Vtv.vn 17/9; Plo.vn 17/9; Congly.vn 17/9; Baochinhphu.vn 17/9; Nongnghiep.vn 17/9; Plo.vn 17/9; Tienphong.vn  17/9; Giadinh.net.vn 17/9; Zingnews.vn 17/9; Bienphong.com.vn 17/9; Vnexpress.vn 17/9)

 Dự báo, bão số 5 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km tiếp tục có xu hướng mạnh lên, sau đó đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam.

 Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hồi 4 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

 Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 18/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.

 Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.

 Do ảnh hưởng của bão nên khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3

 Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km tiếp tục có xu hướng mạnh lên, sau đó đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13 và suy yếu dần.

 Đến 16 giờ ngày 18/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

 Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. 

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3, riêng vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Nam cấp 4.

 Cảnh báo, do ảnh hưởng của bão số 5 nên từ chiều 17/9 đến đêm 18/9 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt. Từ 18-20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt.

 Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ 17-19/9 trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3,5m. Biển động mạnh. Về đầu trang

https://baotainguyenmoitruong.vn/bao-so-5-cach-quan-dao-hoang-sa-khoang-380km-huong-vao-cac-tinh-quang-binh-quang-nam-310770.html  

2. Bão số 5 giật cấp 13 hướng thẳng vào miền Trung, lên kịch bản sơ tán nửa triệu người

(Tienphong.vn 16/9; Congan.com.vn 16/9; Thoidai.com.vn 16/9; Vtc.cvn 16/9; Toquoc.vn 16/9; Baodasninh.vn 16/9; Nhandan.com.vn 16/9; Kinhtedothi.vn 16/9; Nld.com.vn 16/9; Vtc.vn 16/9; Giaoducthoidai.vn 16/9; Vietnamnet.vn 17/9; Anninhthudo.vn 17/9; Baogiaothong.vn 17/9; Zingnews.vn 17/9; Baotintuc,vn 17/9; Cand.com.vn 17/9; Haiquanonline.com.vn 17/9; Hà Nội Mới 17/9, tr2; An Ninh Thủ Đô 17/9, tr7; Tiền phong 17/9, tr4; Công an nhân dân 17/9, tr2; Nhân Dân 17/9, tr5; Đại Đoàn Kết 17/9, tr9; Pháp Luật Việt Nam 17/9, tr9)

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó với bão số 5 khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung vào trưa, chiều 18/9 với cường độ giật cấp 13. Dự kiến sẽ phải sơ tán khoảng hơn nửa triệu người trong vùng ảnh hưởng của bão.

 Ngày 16/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phóng chống thiên tai chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 5 (tên quốc tế là Noul).

 Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 15/9, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão, là cơn bão số 5 trên vùng biển này từ đầu năm đến nay.

  Theo ông Khiêm, bão số 5 đang có xu hướng di chuyển lệch về phía Tây, khi di chuyển vào gần bờ tâm bão tuy ở phía ngoài nhưng mưa, gió của bão đã ảnh hưởng vào phía trong.

 Dự kiến, trưa và chiều 18/9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền của khu vực Trung Trung Bộ (Hà Tĩnh – Quảng Ngãi), trọng tâm là khu vực từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Khi đổ bộ vào bờ bão số 5 có thể đạt cường độ cấp 11 – 12, giật cấp 13. Mức độ rủi ro do bão đạt cấp độ 4 (thuộc cấp độ rủi ro thiên tai Thủ tướng chỉ đạo công tác ứng phó)

  Bão sẽ gây mưa lớn, tập trung ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Bộ. Từ chiều 17/9 đến đêm 18/9, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to. Lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa 50-150mm/đợt.Nguy cơ lũ quét sạt lở đất và ngập úng đô thị rất cao.

 “Bão số 5 gây sóng to và nước dâng cao nhất đạt 5 - 7m. Triều cường trưa đến chiều, khi bão vào gây nguy cơ ngập rất cao”, ông Khiêm nhận định.

  Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết hiện khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng của bão còn lúa Mùa trên 98.500 ha lúa chưa thu hoạch, trong đó lớn nhất là Thanh Hóa 70.000 ha, Nghệ An 26.000 ha…

  Các hồ thủy điện từ Thanh Hóa đến Quảng Nam (37 hồ) đang vận hành bình thường, mực nước ở mức thấp, nhiều hồ xấp xỉ mực nước chết và không xả tràn.

  Về hồ chứa thủy lợi có 55 hồ hư hỏng cần lưu ý (Thanh Hóa 16, Nghệ An 10, Hà Tĩnh 8, Quảng Bình 12, Quảng Trị 6, Thừa Thiên- Huế 3) và 41 hồ đang thi công.

  Từ Thanh Hóa – Đà Nẵng có 99 vị trí xung yếu đê biểu cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ, 26 công trình đê điều đang thi công.

  Tại cuộc họp, đại diện các Bộ cho biết, công tác lên phương án ứng phó đang được khần trương thực hiện. Trong đó, các phương tiện hiện đại như máy bay, lực lượng quân sự cũng được huy động để sẵn sàng ứng phó với bão số 5. Về đầu trang

https://www.tienphong.vn/kinh-te/bao-so-5-giat-cap-13-huong-thang-vao-mien-trung-len-kich-ban-so-tan-nua-trieu-nguoi-1722158.tpo

3. Bão số 5 tăng tốc, vùng ảnh hưởng rất rộng lớn

(Tienphong.vn  17/9, Nguyễn Hoài; Vietnmaplus.vn/TTXVN 17/9; Nhandan.com.vn 17/9; Zingnews.vn 17/9; Doisongvietnam.vn 17/9; Nld.com.vn 17/9; Baogiaothong.vn 17/9; Anninhthudo.vn 17/9; Hanoimoi.com.vn 17/9; Antt.nguoiduatin.vn 17/9; Nld.com.vn 17/9; Thoidai.com.vn 17/9; Petrotimes.vn  17/9; Congly.vn 17/9; Baodansinh.vn 17/9; Zingnews.vn 17/9; Daidoanket.vn 17/9; Qdnd.vn 17/9; Baogiaothong.vn 17/9)

 Bão số 5 đang tăng tốc di chuyển về phía đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng, dự báo đổ bộ vào chiều mai với sức gió cấp 13, gây mưa lớn hầu khắp cả nước.

 Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 4 giờ sáng nay 17/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

 Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ sáng mai, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.

 Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km tiếp tục có xu hướng mạnh lên, sau đó đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13 và suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 18/9, tâm bão trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

 Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. 

Do ảnh hưởng của bão số 5 nên từ chiều nay (17/9) đến đêm 18/9 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm. Các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt. Về đầu trang

https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bao-so-5-tang-toc-vung-anh-huong-rat-rong-lon-1722465.tpo

4. Quảng Bình: Ủy ban kiểm tra vào cuộc vụ Hiệu trưởng dọa mang xăng “xử” trưởng phòng

(Dantri.com.vn 17/9, Tiến Thành; Nld.com.vn 16/9, Hoàng Phúc; Vietnamnet.vn 16/9, Hải Sâm; Tienphong.vn  17/9)

 Ngày 16/9, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Thị ủy Ba Đồn (Quảng Bình) cho biết, đơn vị đang vào cuộc xác minh thông tin vụ việc hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn nhắn tin dọa đem xăng "xử" trưởng phòng Giáo dục.

 Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cũng cho hay, Thường trực Thị ủy giao UBKT Thị ủy xử lý theo thẩm quyền vì các trường hợp này đều thuộc diện Ban Thường vụ Thị ủy quản lý.

 Ông Tình cũng khẳng định, dù bất kỳ lí do gì thì nội dung tin nhắn với lời lẽ nặng nề giữa những cán bộ đang hoạt động trong ngành Giáo dục như vậy là thiếu chuẩn mực, gây bức xúc trong dư luận và tạo hình ảnh không tốt đến ngành giáo dục của thị xã. Về mặt quản lý nhà nước, quan điểm của lãnh đạo thị xã là sẽ xử lý nghiêm, sai ở đâu xử lý ở đó.

 Như Dân trí đã thông tin, ông Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thị xã Ba Đồn bị một nữ hiệu trưởng nhắn tin đe dọa với những lời lẽ thiếu chuẩn mực.

 Tin nhắn này là của bà Đinh Thị P.N., hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, trong đó có nội dung “mang xăng sang xử anh để chết tôi vẫn chấp nhận". Sự việc sau đó đã gây nhiều dư luận trái chiều trong xã hội cũng như trên cộng đồng mạng.

 Theo tìm hiểu, việc bà N. bức xúc và có những tin nhắn gửi đến trưởng phòng GD&ĐT thị xã Ba Đồn là vì không đồng tình về công tác thi đua khen thưởng. Cụ thể, ngành Giáo dục thị xã Ba Đồn bình chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để đề nghị khen thưởng tại hội nghị điển hình tiên tiến thị xã Ba Đồn và ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2020.

 Việc này vấp phải sự phản đối của bà N., kết quả, nữ hiệu trưởng này đã viết đơn khiếu nại gửi UBND thị xã Ba Đồn trình bày sự việc. Bên cạnh đó, bà N. đã có những tin nhắn bức xúc gửi đến ông Phan Thanh Minh, trưởng phòng GD&ĐT thị xã Ba Đồn.

 Tuy nhiên, trong công văn trả lời đơn khiếu nại của bà N., UBND thị xã Ba Đồn nêu rõ, tập thể Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn được bình chọn để đề nghị biểu dương, khen thưởng tại hội nghị điển hình tiên tiến ngành GD&ĐT Quảng Bình giai đoạn 2015-2020 là phù hợp.

 Trong đơn giải trình các vụ việc liên quan vào ngày 11/9, bà N. cho biết bản thân luôn tôn trọng cấp trên. Phản ứng của cá nhân của bà với trưởng phòng GD&ĐT là khi cảm thấy không được đối xử công bằng trong thi đua.

 Bà N. giải thích, bản thân công tác ở trường có 100% phụ huynh công giáo, địa bàn khó khăn, nỗ lực không mệt mỏi nhưng lại không được ghi nhận. Do vậy bà N. đã có những phản ứng với trưởng phòng Giáo dục.

 Đứng trước sức ép quá lớn, thêm những ý kiến phản hồi từ một phía của trưởng phòng nên cá nhân bà N. đã có những tin nhắn qua lại.

 Trong đó có nội dung “mang xăng sang xử anh để chết tôi vẫn chấp nhận”. Cá nhân bà N. sau đó bình tĩnh suy nghĩ lại và thấy việc làm đó là không nên. Bà N. thừa nhận những dòng tin nhắn đó được nhắn trong trạng thái bức xúc, không kiểm soát được hành vi. Về đầu trang

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/uy-ban-kiem-tra-vao-cuoc-vu-hieu-truong-doa-mang-xang-xu-truong-phong-20200916160644230.htm    

5. Quảng Bình: Bàn giao công trình nước sinh hoạt cho đồng bào Vân Kiều

(Daidoanket.vn 17/9, Quảng Nghĩa; Đại đoàn kết 17/9, tr5; Tiền phong 17/9, tr10)

 Ngày 16/9, Tỉnh đoàn Quảng Bình tổ chức khánh thành công trình “Nước sạch phục vụ sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều tại bản Cây Sú, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh”.

 Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn. Địa bàn rộng, lại chia cắt bởi sông suối nên vào mùa nắng nóng khô hạn, bà con nơi đây thiếu nguồn nước sinh hoạt.

 Công trình nước sạch tại bản Cây Sú (xã Trường Sơn) gồm có 3 giếng khoan với độ sâu mỗi giếng là 55m và hệ thống đường ống nước từ giếng về các hộ gia đình. Bên cạnh đó, còn có 9 bồn inox, mỗi bồn chứa 1 mét khối nước được đặt ở các cụm dân cư để phục vụ nước sinh hoạt cho hộ dân ở bản. Sau 1 tuần triển khai, công trình đã hoàn thành với tổng mức đầu tư là 130 triệu đồng.

 Công trình nước sinh hoạt phục vụ đồng bào Vân Kiều thể hiện tinh thần đoàn kết, xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của tuổi trẻ tỉnh Quảng Bình; đồng thời, tạo không khí thi đua sôi nổi chào mừng Đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Về đầu trang

http://daidoanket.vn/quang-binh-ban-giao-cong-trinh-nuoc-sinh-hoat-cho-dong-bao-van-kieu-507557.html

6. Quảng Bình: Cho học sinh nghỉ học để phòng chống bão số 5

(Baotainguyenmoitruong.vn 17/9, Hồng Thiệu; Giaoducthoidai.vn 17/9)

 Ngày 17/9/2020, UBND tỉnh Quảng Bình có Công điện khẩn số 09/CĐ-UBND, điện Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh về khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó cơn bão số 5. Cấm việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện kể từ 12h trưa ngày 17/9, cho học sinh nghỉ học chiều ngày 17/9 để các trường tổ chức phòng chống bão số 5.

 Theo ghi nhận của PV, sáng ngày 17/9, tại Cửa biển Nhật Lệ, TP. Đồng Hới thời điểm này trời vẫn đang hửng nắng, chưa có mưa, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân đang khẩn trương di chuyển vào âu thuyền, khu neo đậu để tránh trú bão. Trên các tuyến đường người dân cùng cơ quan chức năng đang tích cực phát quang cây cối, gia cố nhà cửa để đảm bảo an toàn.

 Tính đến chiều ngày 16/9/2020, Quảng Bình có trên 5.600 phương tiện/17.000 lao động neo đậu tại bờ; 913 phương tiện/khoảng 5.900 lao động đang hoạt động trên biển, các lực lượng chức năng đang tiếp tục liên lạc, kêu gọi số tàu thuyền còn lại vào bờ, neo đậu an toàn. Diện tích lúa vụ Hè Thu đã thu hoạch xong 14.522 ha, đạt tỷ lệ 100%...

 Công điện của UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển kiên quyết kêu gọi tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển di chuyển vào bờ hoặc hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm, cấm việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện (kể cả vận tải và tàu du lịch) kể từ 12 giờ 00 ngày 17/9/2020 cho đến khi bão tan, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra. Tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ di dời, gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; tổ chức di dời người dân hoạt động trên biển vào đất liền trước khi bão đổ bộ.

 Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương rà soát, sơ tán, di dời dân cư, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và du khách tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trong các nhà không đảm bảo an toàn, trong đó cần lưu ý công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực sơ tán. Triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều theo cấp báo động, nhất là đối với các tuyến đê biển bị sự cố, đang thi công; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch, dịch vụ cửa sông, ven biển.

  Tại các khu vực miền núi, trung du Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung kiểm tra, giám sát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, hướng dẫn, kiểm soát giao thông tại khu vực nước ngập sâu để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và UBND các huyện, thành phố, thị xã vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du trong tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp; đảm bảo an toàn của các công trình đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp, các hồ chứa vừa, nhỏ và hồ chứa xung yếu, nhất là Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan.

 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa, lũ để chủ động, tổ chức lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

 Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho học sinh nghỉ học kể từ chiều ngày 17/9/2020 để các trường có thời gian triển khai phòng chống bão; chủ động quyết định thời gian đi học lại, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên trước, trong và sau mưa, bão.

 Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các phương án bảo vệ, đảm bảo môi trường trước, trong và sau bão. Về đầu trang

https://baotainguyenmoitruong.vn/quang-binh-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-de-phong-chong-bao-so-5-310796.html  

7. Quảng Bình: Nâng cao nhận thức về chính sách BHXH cho người lao động

(Dangcongsan.vn 17/9, Huy Hương)

 Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều công văn về nâng cao nhận thức BHXH cho người lao động trong toàn tỉnh, các chính sách mới về BHXH đã từng bước được đổi mới, gắn kết hơn với hệ thống an sinh xã hội, hướng vào phát triển con người, thực hiện công bằng xã hội.

 Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

 Quan điểm đó được Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và thể hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua, phù hợp với đường lối đổi mới, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hoạt động của chính sách BHXH có tính đặc thù riêng, mang bản chất nhân văn, nhân đạo cộng đồng sâu sắc, không vì mục đích lợi nhuận.

 Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều công văn về nâng cao nhận thức BHXH cho người lao động trong toàn tỉnh, các chính sách mới về BHXH đã từng bước được đổi mới, gắn kết hơn với hệ thống an sinh xã hội, hướng vào phát triển con người, thực hiện công bằng xã hội; tích cực phối với các Sở, Ban, ngành, tổ chức đoàn thể trong tỉnh để tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách BHXH cho người lao động, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

 Từ năm 2015 đến năm 2020, BHXH tỉnh Quảng Bình đã phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức được 25 cuộc tuyên truyền, đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH cho 6.750 công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp có số lao động lớn. Ngoài ra, BHXH huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện, thành phố, thị xã có nhiều hoạt động phối hợp trong việc tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH cho hàng trăm lao động tại một số đơn vị. Các cuộc đối thoại được diễn ra thuận tiện, số lượng công nhân lao động tham gia đạt tỷ lệ 100% so với số lượng theo kế hoạch. Nhiều câu hỏi về chế độ chính sách BHXH...đã được Lãnh đạo, đại diện các phòng của 02 đơn vị trả lời cụ thể, đúng quy định của pháp luật.

 Những thắc mắc, kiến nghị của người lao động, người sử dụng lao động đã được giải đáp, hướng dẫn và tiếp thu để kiến nghị đến những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH và trực tiếp trả lời, giải đáp các thắc mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHXH bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với BHXH các huyện, thị xã tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động trên địa bàn toàn tỉnh. 

Phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức 17 Hội nghị tập huấn tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH cho cán bộ của Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh và cán bộ Mặt trận cấp xã, thị trấn, Ban công tác Mặt trận khu dân cư của các huyện, thị xã, thành phố với số người tham gia 2.550 người; Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 19 Hội nghị tập huấn tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất giỏi tham gia chính sách BHXH tự nguyện, cho cán bộ, hội viên, nông dân, số người tham gia 2.160 người và tổ chức 02 Hội thi “Nông dân với chính sách BHXH, BHYT” năm 2016, 2019 tại Huyện Bố Trạch, Lệ Thủy để tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH tự nguyện đến với người nông dân bằng hình thức sân khấu hóa.

 Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 04 Hội nghị tập huấn tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH cho cán bộ Hội phụ nữ cơ sở trong tỉnh; Phối hợp với Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật BHXH, BHYT cho Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban thanh tra nhân dân của các tổ chức Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn viên chức tỉnh quản lý.

 Phối hợp với BHXH các huyện, thị xã, UBND cấp xã, phường tổ chức hơn 190 Hội nghị tuyên truyền và đối thoại trực tiếp với người lao động tự do và nhân dân trên địa bàn tỉnh về những điểm mới của Luật BHXH năm 2014 và chính sách BHXH tự nguyện, đến nay 100% các xã phường, thị trấn, trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức tuyên tuyền và đối thoại trực tiếp.

 Phối hợp thực hiện chuyên mục “chính sách BHXH, BHYT" với thời lượng từ 15 phút/1 chuyên mục, phát sóng đình kỳ hằng tháng trên Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh. Phối hợp với Báo Quảng Bình thực hiện chuyên mục “chính sách BHXH, BHYT", đăng tải định kỳ 02 kỳ/01 tháng. Phối hợp đăng tải các tin, bài tuyên truyền trên tạp chí sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Phát hành đĩa CD và Phối hợp UBND cấp xã phát sóng 03 lần/tuần trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn; Phối hợp với Bưu điện tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức 372 Hội nghị tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

 Với những kết quả trong công tác phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với công nhân, người lao động với các đơn vị đã góp phần nâng cao nhận thức cho người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHXH. Nhiều Giám đốc doanh nghiệp đã tuân thủ hơn trong việc thực hiện chính pháp luật về BHXH. Người lao động nhận thức được các quy định của pháp luật về BHXH để tự giám sát, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, từ đó xây dựng được mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

 Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc nâng cao nhận thức về BHXH cho người lao động vẫn còn tồn tại một số khó khăn thách thức sau:

 Chính sách BHXH là do Nhà nước tổ chức thực hiện nhưng nhiều người lao động chưa hiểu rõ, nhầm tưởng giống như các lại hình bảo hiểm thương mại khác. Ý thức trách nhiệm của một số người sử dụng lao động đối với người lao động chưa cao, việc chấp hành pháp luật về BHXH chưa nghiêm. Sự hiểu biết của người lao động về chính sách BHXH chưa cao; vai trò của tổ chức Công đoàn tại một số doanh nghiệp trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động chưa rõ nét.

 Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong nâng cao nhận thức về chính sách BHXH cho người lao động trên địa bàn tỉnh theo tinh thần của Nghị quyết 21-NQ/TW, thời gian tới Ngành BHXH tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

 Một là, đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền về BHXH theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

 Hai là, tuyên truyền, phổ biến một cách sâu rộng trong toàn xã hội để nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về BHXH cho người lao động và nhân dân. Để thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH, BHYT theo phương thức này cần phải tiến hành các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, phổ biến pháp luật BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, trên sóng phát thanh, truyền hình, các pano, áp phích, tranh cổ động... Đặc biệt chú trọng tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện để mọi người dân hiểu và tự nguyện tham gia nhằm đạt mục tiêu lực lượng tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đề ra. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT từ Trung ương đến địa phương để mọi người lao động biết, hiểu về quyền, lợi ích của BHXH và tự nguyện tham gia. Đẩy mạnh hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, pháp hành các loại tờ rơi, tờ gấp, sổ tay bỏ túi… đến người lao động. Đưa nội dung pháp luật về BHXH vào chương trình giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến tại các cơ sở đào tạo, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động mới.

 Ba là, phương thức tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan thực thi pháp luật về BHXH đối với những nhóm mục tiêu cụ thể, chủ yếu là hướng vào nhóm người sử dụng lao động và người lao động khác nhau. Chủ thể mà nhóm mục tiêu này hướng tới, bao gồm: Doanh nghiệp thuộc các khu vực, loại hình (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh…), người lao động theo hợp đồng lao động, người lao động tự tạo việc làm ở khu vực nông thôn, thành thị, lao động khu vực phi chính thức…Nội dung tuyên truyền, phổ biến theo hình thức này cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như việc tham gia BHXH, các quy trình thực hiện đăng ký tham gia, nộp BHXH, thủ tục đề nghị hưởng và chi trả các chế độ BHXH. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH cần được tiến hành thường xuyên, liên tục với việc đầu tư kinh phí thỏa đáng và sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp, các ngành nhằm tạo điều kiện để mọi người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật về BHXH đầy đủ, toàn diện.

 Bốn là, tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHXH trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở địa phương, phối hợp với cơ quan báo chí, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát thực hiện pháp luật về BHXH. Nêu gương những điển hình tốt và phê phán những hành vi, sai phạm trong thực hiện chính sách BHXH.

 Năm là, Đổi mới các nội dung, hình thức truyền thông để nâng cao tính hiệu quả trong tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền BHXH. Cụ thể: đề ra hình thức tuyên truyền về BHXH phù hợp với các tầng lớp nhân dân để người lao động và nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH; về chính sách, quy trình thực hiện BHXH; Xây dựng nội dung tuyên truyền, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên thực sự có chất lượng để nâng cao hiệu quả các cuộc tuyên truyền tại cơ sở, giúp người dân hiểu được tính ưu việt của chính sách BHXH từ đó tích cực tham gia.

 Sáu là, Triển khai có hiệu quả các hình thức tuyên truyền pháp luật về BHXH cho công nhân, lao động các doanh nghiệp, như: tổ chức các lớp tập huấn, tổ chức đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, các cuộc thi tìm hiểu, tọa đàm ở cơ sở về chính sách BHXH; thực hiện giải quyết đúng chính sách BHXH chính là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân là cách tuyên truyền hiệu quả. Về đầu trang

http://dangcongsan.vn/bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-vi-an-sinh-xa-hoi/quang-binh-nang-cao-nhan-thuc-ve-chinh-sach-bhxh-cho-nguoi-lao-dong-563700.html 

8. Quảng Bình: Ngư dân vội vã đưa tàu thuyền vào bờ

(Danviet.vn 17/9, Trung Thuần)

 Bão số 5 dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Bình. Ngay lúc này, các ngư dân ven biển của tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương di chuyển tàu đến nơi an toàn.

 Phóng viên Dân Việt đã có mặt tại cảng cá Nhật Lệ (TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) để ghi nhận không khí khẩn trương khi bà con nơi đây đang đưa tàu, thuyền vào bờ để tránh cơn bão số 5.

 Tại thời điểm PV ghi nhận, thời tiết ở tỉnh Quảng Bình đang hửng nắng, chưa mưa. Trên các tuyến đường nội thành Đồng Hới, người dân đang tích cực phát quang cây cối.

 Ngư dân Phạm Văn Lợi (50 tuổi, trú tại xã Quảng Phú, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết: "Sau khi nghe tin tức về cơn bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào tỉnh Quảng Bình, tôi lập tức huy động cả gia đình đưa tàu vào bờ để tránh bão".

 Còn ông Lê Hoài (trú tại TP.Đồng Hới, Quảng Bình) cho hay: "Nhà tôi gần cửa biển Nhật Lệ nên khi nghe tin về bão số 5, tôi đã phát quang cây cối và ra cửa biển giúp người thân đưa tàu vào bờ tránh bão". Về đầu trang

https://danviet.vn/quang-binh-ngu-dan-voi-va-dua-tau-thuyen-vao-bo-2020091713212175.htm

IV. Pháp luật - An ninh quốc phòng  

1. Quảng Bình: Chấn chỉnh và xử lý nghiêm vụ việc khai thác rừng trái phép trong Lâm trường Trường Sơn

(Baotainguyenmoitruong.vn 16/9, Hồng Thiệu)

 Ngày 16/9/2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 1667/UBND-KT về việc chấn chỉnh và xử lý vụ việc khai thác rừng trái phép trong lâm phần Lâm trường Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

 Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, ở tiểu khu 301 thuộc lâm phần Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn xảy ra tình trạng khai thác, cất giấu gỗ rừng tự nhiên trái pháp luật với khối lượng gỗ bị khai thác lớn.

 Do đó, để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng trên và xử lý nghiêm vụ việc khai thác rừng trái phép tại Lâm trường Trường Sơn, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm giao trách nhiệm cho Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh tham mưu UBND huyện Quảng Ninh thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, truy quét lâm sản, lâm tặc; xây dựng phương án kiểm tra, truy quét lâm sản, lâm tặc trong lâm phần của Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn quản lý trình UBND huyện phê duyệt để triển khai thực hiện; phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xác minh đối tượng vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, truy quét về UBND tỉnh trước ngày 30/10/2020.

 Đối với, UBND huyện Quảng Ninh chỉ đạo các ngành chức năng sớm thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, truy quét lâm sản, lâm tặc trong lâm phần Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn quản lý nằm trên địa giới hành chính của huyện và các khu vực rừng giáp ranh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định.

 Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng thực hiện nghiêm quy chế, kế hoạch phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực biên giới, đấu tranh chống vận chuyển trái phép lâm sản qua biên giới… kết hợp tuần tra, kiểm tra cột mốc biên giới với việc nắm tình hình diễn biến trong rừng; hỗ trợ đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương trong công tác truy quét lâm tặc, tạm giữ tang vật, phương tiện, công cụ vi phạm hành chính, điều tra, xử lý tội phạm trong khu vực biên giới.

 Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại phối hợp chặt chẽ với đoàn liên ngành trong kiểm tra, truy quét lâm sản, lâm tặc thuộc lâm phần Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn; xây dựng phương án, tổ chức bảo vệ nguyên hiện trường bị khai thác trái pháp luật tại khoảnh 58, tiểu khu 301; chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị tham gia phối hợp cùng lực lượng chức năng trên địa bàn điều tra, xác minh đối tượng vi phạm, cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến vụ việc; đặc biệt chấn chỉnh, bố trí lại lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang quản lý các diện tích rừng tự nhiên có nguy cơ xâm hại cao, nhất là công tác bảo vệ rừng tự nhiên giáp ranh với khu vực khai thác gỗ rừng trồng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng khai thác gỗ rừng trồng để khai thác, vận chuyển trái pháp luật gỗ rừng tự nhiên. Về đầu trang

https://baotainguyenmoitruong.vn/quang-binh-chan-chinh-va-xu-ly-nghiem-vu-viec-khai-thac-rung-trai-phep-trong-lam-truong-truong-son-310749.html  

2. Quảng Bình tiêu hủy hàng hóa nhập lập, không rõ nguồn gốc xuất xứ

(Vietnamplus.vn/TTXVN/Vnanet.vn 16/9, Võ Dung; Haiquanonline.com.vn 17/9, Quang Hùng; Phapluatplus.vn 17/9; Baotainguyenmoitruong.vn 16/9; Thuonghieucongluan.com.vn 16/9; Baotintuc.vn 16/9)

 Chiều 16/9, tại Bãi rác chung Đồng Hới-Bố Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu gồm các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu lưu thông trái phép trên thị trường.

 Theo đó, các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu lưu thông trái phép trên thị trường bị tịch thu và tiêu hủy gồm găng tay bảo hộ lao động, đồ chơi trẻ em, thực phẩm các loại…, với trị giá hàng hóa gần 300 triệu đồng.

 Sau khi thống nhất Hội đồng tiêu hủy, Cục Quản lý thị trường Quảng Bình và cá lực lượng chức năng đã tiến hành các bước tiêu hủy theo quy định.

 Cụ thể, đối với đồ chơi trẻ em và các loại thực phẩm đóng hộp dùng máy xúc bánh xích cán bể nát, làm mất công dụng của sản phẩm sau đó ủi xuống hố đã đào sẵn để tiêu hủy. Đối với găng tay bảo hộ lao động và thực phẩm đóng bao được đổ xuống hố và đốt cháy toàn bộ, sau đó lấp miệng hố bằng phẳng và tưới nước để chống cháy. Quá trình tiêu hủy hàng hóa bị tịch thu đã được cơ quan chức năng xử lý, thực hiện đúng quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường.

 Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình, trong thời gian tới, để quản lý, kiểm soát tốt thị trường hàng hóa và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng, đơn vị sẽ tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát thị trường, đấu tranh chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

 Cục cũng chú trọng khám phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.

 Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình chủ động và phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm. Về đầu trang

https://www.vietnamplus.vn/quang-binh-tieu-huy-hang-hoa-nhap-lap-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu/664390.vnp

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More