Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 07-9-2020

Post date: 07/09/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHỈ THỊ MỚI 1

1.                Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 31/8-4/9. 1

TIN QUỐC HỘI 3

2.                Sẽ bỏ điều kiện đăng ký thường trú ở TP trực thuộc trung ương. 3

3.                Đề xuất tích hợp 7 loại giấy phép về môi trường. 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

4.                GDP năm 2020 dự kiến tăng trưởng 2 - 2,5%, năm 2021 là 6,7%.. 4

5.                10 nghìn doanh nghiệp giải thể, hàng vạn đơn vị gặp nguy cơ. 4

6.                Lao động thất nghiệp: Dự báo ở kịch bản xấu nhất 5

QUẢN LÝ.. 6

7.                Đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ còn quyết liệt hơn. 6

8.                Bộ Chính trị làm việc về đại hội 10 đảng bộ trực thuộc Trung ương. 6

9.                122 Bí thư được bầu trực tiếp tại đại hội 7

10.             Ninh Bình: Bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo chưa đáp ứng trình độ. 8

11.             Nên hay không bỏ điểm học bạ khi xét tốt nghiệp THPT?. 8

12.             Đắk Nông: Cán bộ thanh tra đột tử khi làm bài thi 9

13.             Đề nghị khảo sát, đánh giá lại việc gửi tro cốt, di ảnh trong chùa. 9

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 10

14.             Quảng Ninh đột phá cải cách thủ tục hành chính. 10

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 11

15.             Tăng tốc giải ngân đầu tư công. 11

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 12

16.             An Giang: Kỷ luật 6 cán bộ dính nhiều sai phạm.. 12

17.             Đà Nẵng khai trừ 5 đảng viên liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ. 12

18.             Phó chi cục trưởng Hải quan ở Bình Phước gây tai nạn rồi bỏ chạy: Vì sao chỉ xử phạt hành chính?. 13

19.             Gia Lai: Truy tố nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Nguyễn Hồng Lam.. 13

20.             Nam Định: Làm rõ vụ Phó công an xã bị tố nổ súng bắn nam sinh lớp 12 bị thương. 15

THẾ GIỚI 15

21.             Các nước trên thế giới trừ điểm bằng lái xe thế nào?. 15

22.             Mỹ đình chỉ 7 cảnh sát làm tử vong người da màu. 16

 CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 31/8-4/9

Chỉ thị triển khai biện pháp cấp bách chủ động ứng phó thiên tai; định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 31/8-4/9/2020.

 Thủ tướng chỉ thị triển khai biện pháp cấp bách chủ động ứng phó thiên tai: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "bốn tại chỗ"; rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão muộn, lũ quét, sạt lở đất…

 Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia: Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghệ chế tạo đạt trên 20%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%...

 Đối tượng, điều kiện mua hàng miễn thuế: Nghị định số 100/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh hàng miễn thuế đã quy định cụ thể về đối tượng và điều kiện mua hàng miễn thuế. Theo đó, người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế.

 Tiêu chí thành lập chi cục: Chính phủ ban hành Nghị định 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó, Nghị định bổ sung quy định tiêu chí thành lập chi cục và tương đương, số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục.

 Quy định quản lý gỗ nhập khẩu, xuất khẩu: Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Nghị định quy định, gỗ xuất - nhập khẩu phải đảm bảo hợp pháp, được làm thủ tục xuất - nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.

 Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm tổ chức, sắp xếp hợp lý mạng lưới các cơ quan báo chí, thông tin điện tử, xuất bản, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại chú trọng hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực.

 Sửa đổi tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư: Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

 Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu chung nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

 Dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh: Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 313/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều ngày 27/8/2020. Thông báo nêu rõ, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và sẽ tiếp tục có các ca mắc trong cộng đồng. Các ngành, các cấp phải tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, coi thường dịch bệnh, xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. (Baochinhphu.vn 05/9)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Sẽ bỏ điều kiện đăng ký thường trú ở TP trực thuộc trung ương

Ngày 4-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

 Trình bày báo cáo việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Hoàng Thanh Tùng cho biết qua thảo luận, UBTVQH nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các TP trực thuộc trung ương đã được khảo sát về việc không nên quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với TP trực thuộc trung ương như luật hiện hành.

 Lý do là việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các TP lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

 UBTVQH cho rằng việc giao HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là cần thiết và không thấp hơn 8 m2 sàn/người như dự thảo luật. (Nld.com.vn 05/9, T.Dũng)Về đầu trang

Đề xuất tích hợp 7 loại giấy phép về môi trường

Ngày 4/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách theo hình thức trực tuyến, thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Đây là các dự án luật sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

 Cho ý kiến vào dự Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), nhiều đại biểu ủng hộ phương án Chính phủ trình là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi, để thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường. Một số ý kiến nhấn mạnh, việc tích hợp này là điểm mới, tiến bộ và rất cần thiết trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm thực hiện cải cách hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm, tuân thủ những nguyên tắc về một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần phải làm rõ, cụ thể hơn chức năng các bộ liên quan để thực hiện.

 Còn trong chiều 4/9, Hội nghị đã cho ý kiến về dự Luật Cư trú (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các Ủy ban thẩm tra dự Luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ liên quan tiếp thu và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện hai dự thảo Luật. (VTV.vn 05/9)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

GDP năm 2020 dự kiến tăng trưởng 2 - 2,5%, năm 2021 là 6,7%

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra dự kiến tăng trưởng GDP năm 2021 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh rất khó khăn, nền kinh tế nước ta không rơi vào tình trạng suy thoái, vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng âm. 

Bộ trưởng dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Đại dịch COVID-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài cả năm 2021. Triển vọng kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, các nước đối tác lớn suy thoái, dự báo khó phục hồi trong ngắn hạn và khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra sẽ cần thời gian khoảng 2 - 4 năm tùy thuộc mức độ tác động.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu dự kiến tăng trưởng GDP năm 2021 đạt khoảng 6,7% với mục tiêu tổng quát là: "Tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế, tận dụng thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân..".

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất dự kiến xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng về số lượng chỉ tiêu so với các năm trước của giai đoạn 2016 - 2020 (khoảng 12 chỉ tiêu) để bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa Kế hoạch hàng năm và Kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025), tạo thuận lợi và gắn kết việc đánh giá kế hoạch hàng năm với đánh giá giữa kỳ và 5 năm.

 Đồng thời, dự kiến xây dựng 5 cân đối lớn để phù hợp với dự kiến định hướng xây dựng các cân đối lớn của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. (VTV.vn 05/9)Về đầu trang

10 nghìn doanh nghiệp giải thể, hàng vạn đơn vị gặp nguy cơ

Dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Sức chống chịu của phần lớn doanh nghiệp hiện rất yếu, đặc biệt là dòng tiền để duy trì hoạt động đang vô cùng khó khăn.

 Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2020 có 34.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 24.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và 30.600 doanh nghiệp không hoạt động, tất cả đều tăng cao so với cuối năm 2019.

 Trong số 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống,...

 Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy, chỉ có 3% số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tỷ lệ doanh nghiệp phải giải thể chiếm 2% tổng số tham gia khảo sát. Tỷ lệ doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh là 20%. Có tới 75% số doanh nghiệp vẫn hoạt động, nhưng không cân đối được thu - chi, tức là dòng tiền vào nhỏ hơn chi phí.

 Dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp. Cũng theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, có tới 81% số doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất là không có đơn đặt hàng trong vòng 6 tháng tới, 72% số doanh nghiệp đang thiếu tiền để trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn,... Ngoài ra, còn thiếu tiền để trả lãi vay ngân hàng, mua nguyên liệu, thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng,... Sức chống chịu của phần lớn doanh nghiệp hiện rất yếu, đặc biệt là dòng tiền để duy trì hoạt động đang vô cùng khó khăn.

 Bộ LĐ-TB&XH đã tính đến kịch bản xấu nhất, thời gian tới, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên đến 70%, số lao động mất việc làm có thể lên tới 60.000-70.000 người mỗi tháng, còn số lao động bị tạm ngừng việc, giãn việc, giảm việc là 3,5-5 triệu người.

 Dự báo của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương(CIEM) cho thấy, 6 tháng cuối năm 2020, Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của một số yếu tố cộng hưởng, đặc biệt từ sự bất định và suy giảm mạnh của kinh tế thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, theo các dự báo, sớm nhất cũng phải tới năm 2022 kinh tế thế giới mới trở lại bình thường như trước dịch. (Vietnamnet.vn 06/9, Trần Thủy)Về đầu trang

Lao động thất nghiệp: Dự báo ở kịch bản xấu nhất

Khảo sát của Cục Thống kê TP.HCM, dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ có 180.000 lao động của 5.000 doanh nghiệp bị ngừng việc.

 Theo đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, con số này nằm trong "kịch bản xấu nhất" về tình hình lao động của Thành phố trước sự ảnh hưởng của dịch COVID-19.

 Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất là doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú, vận tải, du lịch; tiếp đến là da giày, dệt may, sản xuất trang phục, chế biến lương thực, chế biến gỗ... Ngày càng nhiều lao động trong các ngành nghề này bị ảnh hưởng và họ đang phải tìm mọi cách để sinh tồn trong khi chờ các hỗ trợ về an sinh xã hội.

 Và đứng trước dự báo kịch bản lao động thất nghiệp xấu nhất có thể xảy ra, hiện TP.HCM cũng đang đề xuất nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động. (VTV.vn 06/9)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ còn quyết liệt hơn

"Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ" là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn sắp tới được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới". 

Thông điệp này được đông đảo dư luận hoan nghênh, ủng hộ cao. Nguyên nhân là do từ thực tiễn, kết quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong thời gian qua đã tạo sức cảnh tỉnh, răn đe rất lớn, giúp củng cố mạnh mẽ niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

 Sau những phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy mạnh trong cả nhiệm kỳ. Ngay cả khi diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, công tác này không những không "chùng xuống" mà còn quyết liệt hơn.

 Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.370 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; xử sơ thẩm hơn 5.600 vụ với gần 11.000 bị cáo về các tội tham nhũng, trật tự quản lý kinh tế và tội phạm khác về chức vụ.

 Trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt, tích cực. Tiếp tục tinh thần kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh chống "giặc nội xâm", người đứng đầu của Đảng và Nhà nước định hướng, đây sẽ là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của khóa XIII và giai đoạn sắp tới, theo đó đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn. (VTV.vn 05/9) Về đầu trang

Bộ Chính trị làm việc về đại hội 10 đảng bộ trực thuộc Trung ương

Thực hiện Kết luận số 79-KL/TW ngày 16/6/2020 của Bộ Chính trị, trong tuần thứ 3, đợt 2, từ ngày 31/8 - 5/9, Bộ Chính trị đã làm việc tập thể và tiếp tục làm việc theo nhóm với 10 đảng bộ trực thuộc Trung ương để cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy trước khi tiến hành đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị.

 Bộ Chính trị, Ban Bí thư ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Thái Bình. Các địa phương này đã tạo ra bước phát triển toàn diện hơn về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, Đảng bộ các địa phương này đã phân tích những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xây dựng và phát triển của mỗi địa phương trong nhiệm kỳ qua.

 Căn cứ vào ý kiến kết luận của đồng chí chủ trì hội nghị và ý kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các đảng bộ sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo các văn kiện và phương án công tác nhân sự đại hội để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 Tính đến ngày 5/9/2020, Bộ Chính trị đã làm việc với 37 trong tổng số 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương. Công tác tổ chức được các đảng bộ và các cơ quan liên quan chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, trách nhiệm cao, quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Các buổi làm việc của Bộ Chính trị với các đảng bộ trong tuần thứ 3, đợt 2 đã bảo đảm tốt các yêu cầu chung. (VTV.vn 05/9)Về đầu trang

122 Bí thư được bầu trực tiếp tại đại hội

Ban Tổ chức Trung ương vừa có báo cáo tổng hợp kết quả đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở (đảng bộ cấp huyện và tương đương) nhiệm kỳ 2020-2025.

 Diễn ra từ tháng 5, đến nay đã có 1.298/1.311 đảng bộ hoàn thành đại hội cấp trên cơ sở (chiếm 99%). Trong đó, công tác chuẩn bị nhân sự đại hội được xác định rõ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng cấp ủy viên phù hợp tình hình thực tế. 

Hầu hết các đại hội bầu một lần đủ số lượng cấp ủy và đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên. Các nhân sự trúng cử đều đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, hầu hết trong quy hoạch; trình độ lý luận chính trị, chuyên môn so với nhiệm kỳ trước được nâng lên. Các đại hội đều thực hiện việc lấy phiếu giới thiệu của đại hội về nhân sự bí thư cấp ủy trước khi bầu bí thư cấp ủy theo quy định. Việc thực hiện chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy được quan tâm chỉ đạo mở rộng so với nhiệm kỳ trước.

 Các bí thư cấp ủy được bầu trực tiếp tại đại hội đều trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao, nhiều trường hợp đạt 100% như: Móng Cái (Quảng Ninh), Can Lộc (Hà Tĩnh), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phong Điền (Cần Thơ), Hồng Dân (Bạc Liêu),… Việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không là người địa phương được quan tâm đẩy mạnh và đạt được kết quả tốt.

 Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy chưa thật tốt nên có trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được phê duyệt. Một số ít nơi, nhân sự được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, cá biệt có một số bí thư, phó bí thư các cấp ủy (Quốc Oai - Hà Nội, Tây Giang - Quảng Nam, Tân Hưng - Long An, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị - Quảng Trị, Tổng Công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng) tái cử không trúng cử cấp ủy hoặc bí thư, phó bí thư.

 Một số nơi có biểu hiện lạm dụng việc chỉ định bí thư tại đại hội hoặc ngay sau đại hội, gây nhiều ý kiến trái chiều và dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân như: Thành ủy Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; Huyện ủy Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

 Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do công tác nhân sự của một số cấp ủy chưa thật sự chặt chẽ, còn bị động, chưa gắn kết với tình hình thực tiễn; có nơi còn biểu hiện chủ quan, cục bộ, vận động, gượng ép, giới thiệu nhân sự chưa thực sự có tín nhiệm cao... (Vietnamnet.vn 06/9, Thu Hằng)Về đầu trang

Ninh Bình: Bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo chưa đáp ứng trình độ

Ngày 6/9, Bộ Nội vụ đã công bố kết luận việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, quản lý công chức của tỉnh Ninh Bình. Theo đó, nhiều tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng công chức của tỉnh này đã được chỉ ra qua công tác thanh tra.

 Về quản lý biên chế công chức, UBND tỉnh Ninh Bình và các cơ quan, tổ chức thực hiện cơ bản theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, UBND tỉnh còn giao biên chế sự nghiệp làm công việc của công chức trong cơ quan hành chính. Tại thời điểm thanh tra, 12 cơ quan, tổ chức còn sử dụng 39 viên chức để làm công việc của công chức và 4 cơ quan, tổ chức còn sử dụng 18 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước.

 Trong giai đoạn thanh tra, UBND tỉnh tổ chức 2 kỳ tuyển dụng công chức năm 2018 và năm 2019 bằng hình thức thi tuyển và xét tuyển, qua đó đã tuyển dụng được 77 công chức ngạch chuyên viên, kiểm lâm viên. Về cơ bản, 2 kỳ thi tuyển, xét tuyển công chức được UBND tỉnh thực hiện theo quy định.

 Tuy nhiên thông báo tuyển dụng công chức không được niêm yết tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng (UBND tỉnh). Trong kỳ thi tuyển công chức năm 2019, UBND tỉnh không thực hiện việc thông báo bổ sung khi có thay đổi chỉ tiêu tuyển dụng, vị trí việc làm theo quy định; Hội đồng tuyển dụng công chức không báo cáo UBND tỉnh về kết quả tuyển dụng vòng 2; đồng thời, ban hành thông báo kết quả tuyển dụng là không đúng thẩm quyền quy định.

 Đến thời điểm thanh tra, một số cơ quan, tổ chức chưa hướng dẫn công chức mới được tuyển dụng hoàn chỉnh đầy đủ thành phần hồ sơ công chức; còn 4 công chức đã được bổ nhiệm vào ngạch công chức nhưng chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên.

 Đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, qua kiểm tra 50 hồ sơ cho thấy, có 5 trường hợp trước đó được tuyển dụng vào viên chức theo chính sách thu hút của tỉnh; 2 trường hợp tốt nghiệp đại học loại giỏi ở nước ngoài nhưng không thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục tuyển dụng; 1 trường hợp chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên.

 Về bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, tại thời điểm thanh tra, 2 công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định pháp luật hoặc quy định của UBND tỉnh. 20 trường hợp được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhưng trước đó được tuyển dụng theo chính sách thu hút của UBND tỉnh hoặc được tiếp nhận từ doanh nghiệp, điều động từ đơn vị sự nghiệp,… không đảm bảo trình tự, thủ tục tuyển dụng… (Danviet.vn 06/9, Nguyễn Quỳnh)Về đầu trang

Nên hay không bỏ điểm học bạ khi xét tốt nghiệp THPT?

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã báo cáo kết quả đợt 1 thi tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 cả nước đạt 98,34%, tăng gần 4% so với năm 2019.

 Đây cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng việc đối sánh điểm trung bình của điểm thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh. Từ kết quả đối sánh lần này cho thấy điểm học bạ của tất cả tỉnh, thành đều cao hơn điểm thi. Trước kết quả này, nhiều chuyên gia giáo dục đang đặt ra vấn đề, có nên bỏ điểm học bạ khi xét tốt nghiệp hay không?

 Theo quy định hiện nay của Bộ GD&ĐT, để xét tốt nghiệp cần 2 điều kiện gồm 70% từ kết quả thi tốt nghiệp THPT và 30% từ kết quả học bạ lớp 12. Tuy nhiên, với mức độ đề như năm nay và đặc biệt nếu kỳ thi chỉ còn một mục đích là xét tốt nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc không cần sử dụng kết quả học bạ để tính điểm tốt nghiệp cho học sinh.

 Các chuyên gia cho biết, năm 2014, điểm trung bình lớp 12 được đưa vào công thức tính điểm xét tốt nghiệp với trọng số 50% (chưa tính điểm khuyến khích). Tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước lúc đó vượt 99,09%, trong đó, nhiều tỉnh, thành thậm chí ó tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Đến nay, điểm xét tuyển học bạ là 30% nhưng một số chuyên gia cho rằng đây được coi là tấm "phao cứu sinh" hơn là một tấm bằng đánh giá năng lực.

 Tại nhiều kỳ thi gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các địa phương vẫn giữ ở mức trên 90%. Trong khi đó, những năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nếu không dựa vào học bạ chỉ khoảng dưới 60%.

 Như vậy, các chuyên gia đều đề xuất đã đến lúc nên bỏ việc sử dụng kết quả học bạ để tính điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc cần làm lúc này là đánh giá đúng thực chất lực học của các thí sinh để nâng cao chất lượng giáo dục của nước nhà chứ không phải để có một tấm "phao cứu sinh" làm nên những giá trị ảo. (VTV.vn 06/9)Về đầu trang

Đắk Nông: Cán bộ thanh tra đột tử khi làm bài thi

Ngày 6/9, một lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Ngoại ngữ, Tin học tỉnh Đắk Nông cho biết một học viên của đơn vị bị đột quỵ khi làm bài thi. Nạn nhân là ông M.N.S. (42 tuổi, ngụ phường Nghĩa Tân, TP Gia Nghĩa), cán bộ Thanh tra tỉnh Đắk Nông.

 Sáng cùng ngày, ông S. cùng 14 học viên là cán bộ của các sở, ban, ngành ở tỉnh Đắk Nông tham gia thi chứng chỉ chuyên viên chính, lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý Nhà nước. Sau khi vào thi được khoảng 30 phút, ông S. ngã ngửa, có biểu hiện bị đột quỵ. 

Phát hiện sự việc, các học viên khác đưa ông S. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân được các bác sĩ xác định đã tử vong trước đó. (Danviet.vn 06/9) Về đầu trang

Đề nghị khảo sát, đánh giá lại việc gửi tro cốt, di ảnh trong chùa

Liên quan đến việc thất lạc tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) đang gây hoang mang cho nhiều gia đình tại TP.HCM, ngày 4/9, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành đề nghị khảo sát, thống kê, đánh giá về việc gửi và thờ phụng tro cốt tại cơ sở tự viện Phật giáo và báo cáo kết quả khảo sát trước 31/10/2020.

 Văn bản nêu, hiện nay, nhiều chùa ở các tỉnh, thành cho phép phật tử, nhân dân gửi tro cốt, di ảnh của người thân quá cố trong tháp cốt và khu vực thờ tự trong khuôn viên chùa, đặc biệt sau khi Chính phủ có chủ trương khuyến khích hỏa táng theo hướng văn minh, hiện đại. Vì vậy,  trên cơ sở báo cáo của các địa phương, "Giáo hội sẽ có định hướng quản lý về phật sự đặc thù này nhằm đảm bảo tốt nhất niềm tin, tín ngưỡng của nhân dân với người thân quá cố, đảm bảo phù hợp với truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt Nam".

 Trước việc dư luận xã hội phản ánh nhiều ý kiến lo lắng của các gia đình có tro cốt, di ảnh của người thân gửi tại chùa Kỳ Quang 2 đã không được thờ phụng chu đáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định khảo sát, thống kê, đánh giá việc gửi và thờ phụng tro cốt tại các cơ sở tự viện Phật giáo tại địa phương để có cơ sở cho công tác quản lý.

 Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, Giáo hội đã làm việc với sư trụ trì chùa Kỳ Quang 2 Thích Thiện Chiếu. Theo Thượng tọa, nội dung buổi làm việc nhằm làm rõ về các sự việc mà báo chí đã đăng. Sư trụ trì cũng đã gặp bà con thân nhân để giải thích. Thượng tọa Thích Thiện Chiếu đã xin lỗi về việc nhà chùa chưa chu đáo.

 Liên quan đến vụ việc hàng trăm hũ đựng hài cốt được thờ cúng tại chùa Kỳ Quang 2 bị xáo trộn, thất lạc thông tin và hình ảnh, gây bức xúc cho người dân, mới đây, đại diện nhà chùa đã đứng ra nhận trách nhiệm và phối hợp với nhiều cơ quan khác để xử lý. Trong những ngày qua, chính quyền địa phương luôn túc trực tại chùa để đảm bảo an ninh và giám sát quá trình giải quyết của chùa. (VTV.vn 05/9)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Quảng Ninh đột phá cải cách thủ tục hành chính

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, Quảng Ninh đã gặt hái nhiều thành công lớn từ thực hiện ba khâu đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, trong đó công tác cải cách hành chính (CCHC) là điểm sáng nổi bật xuyên suốt. Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác triển khai Chương trình CCHC trọng tâm là thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đột phá. 

Hiện nay, số TTHC đã đưa vào giải quyết tại Trung tâm HCC cấp tỉnh là 1.379 thủ tục đạt 91,9%, đối với cấp huyện là 285, đạt 100% các TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh đã tiếp nhận trên 300.000 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hạn và trước hạn đạt 99,9%. Đối với 14 Trung tâm HCC cấp huyện, đã tiếp nhận trên 1,4 triệu hồ sơ TTHC; 96,9% hồ sơ được giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn.

 Ngoài việc thực hiện các hình thức giải quyết hồ sơ TTHC vào giờ hành chính theo quy định, còn thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết TTHC ngoài giờ hành chính cho những đối tượng ở xa, đi lại khó khăn; giải quyết tại nhà cho những đối tượng chính sách, người mắc bệnh hiểm nghèo.

 Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết các TTHC, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung của tỉnh đã được xây dựng và cung cấp cho người dân, doanh nghiệp chính thức từ ngày 1/7/2016. Đến nay số TTHC cung cấp dịch công mức độ 3 và 4 đạt trên 80%. Qua đó giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết TTHC của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp.

 Việc triển khai cải cách TTHC công từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thực sự mang đến những đổi thay có tính bước ngoặt cho công tác CCHC của tỉnh. Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của tỉnh luôn tăng qua các năm. Từ vị trí thứ 23 năm 2013, Quảng Ninh vươn lên thứ 6 năm 2015, thứ 5 năm 2016. Đặc biệt, trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019, Quảng Ninh xuất sắc vươn lên giành vị trí quán quân. (Baoquangninh.com.vn 05/9, Ngọc Trâm)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Tăng tốc giải ngân đầu tư công

Theo Tổng cục Thống kê, trong bảy tháng đầu năm 2019 cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 32,3% kế hoạch Quốc hội giao; trong đó, 35 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%; 18 bộ, cơ quan ngang bộ đạt tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch (TP HCM giải ngân được 26% và Hà Nội cũng chỉ đạt gần 25% kế hoạch).

 Trong bảy tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch năm và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước; Vốn địa phương quản lý đạt 170,5 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch năm và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

 Đáng chú ý, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước bảy tháng năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội đạt 22.063 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; TP. Hồ Chí Minh 17.128 tỷ đồng, bằng 35,8% và tăng 73,2%; Quảng Ninh 8.465 tỷ đồng, bằng 60,9% và tăng 64,6%...

 Nghịch lý lớn đang xảy ra trên bình diện quốc gia, trong khi khu vực kinh tế tư nhân luôn “khát” vốn đầu tư; Nhiều doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo tìm cách có được vốn (kể cả với lãi suất cao) để triển khai dự án đầu tư mới hoặc mở rộng, thì ở khu vực công, các dòng vốn ngân sách, thực chất cũng là dòng vốn quý giá xã hội, cứ đủng đỉnh và vô tư chậm tiến độ và được biện minh với mọi lý do đa dạng và bất khả kháng…?!

 Đặc biệt, để thúc đẩy công tác đầu tư công trong các tháng còn lại của năm 2020, hiện Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội giao thẩm quyền điều chuyển vốn từ bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp sang bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn, mục đích là đốc thúc giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả. Từ tháng 8-2020, việc điều chuyển vốn của những bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm sang bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm 2020 theo kế hoạch để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

 Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công những dự án đủ điều kiện và có chất lượng cao là trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết. (Nhandan.com.vn 06/9, TS Nguyễn Minh Phong)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

An Giang: Kỷ luật 6 cán bộ dính nhiều sai phạm

Ngày 5-9, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy An Giang đã ra thông cáo báo chí về việc thi hành thi kỷ luật 6 cán bộ với hình thức từ khiển trách đến cảnh cáo.

 Theo đó, trong các ngày 15, 21, 25 và 26-8, UBKT Tỉnh ủy An Giang đã tiến hành các kỳ họp thứ: 34, 35 và 36. Tại các kỳ họp này, UBKT Tỉnh ủy xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy Trường Cao đẳng nghề An Giang và các cá nhân có liên quan nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

 Theo UBKT Tỉnh ủy An Giang, BTV Đảng ủy Trường Cao đẳng nghề An Giang đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban Giám hiệu trường trong thực hiện không đúng trình tự quy định về tinh giản biên chế, việc thực hiện đầu tư, mua sắm phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo; không xin chủ trương của UBND tỉnh khi hợp tác đầu tư sử dụng, cơ sở vật chất nhà trường; thực hiện các khoản chi chưa đúng quy định, vi phạm các quy định về tài chính kế toán giai đoạn 2014 – 2018.

 Vi phạm của BTV Đảng ủy Trường Cao đẳng nghề An Giang đến mức phải xem xét kỷ luật, UBKT Tỉnh ủy đề nghị BTV Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Cao đẳng nghề nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020 theo thẩm quyền.

 Trong đó, ông Huỳnh Thanh Quang (nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề An Giang) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của BTV Đảng ủy Trường Cao đẳng nghề. Vi phạm của ông Quang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của bản thân, tổ chức đảng và Trường Cao đẳng nghề, đến mức phải thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. (Congan.com.vn 05/9, Nguyễn Nhân)Về đầu trang

Đà Nẵng khai trừ 5 đảng viên liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ

Ngày 5/9, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng cho biết: tại Kỳ họp thứ 48, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã quyết định áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ đối với 5 đảng viên vi phạm kỷ luật.

 Cụ thể, cá nhân bị khai trừ đảng gồm: ông Trần Phi (đảng viên Chi bộ Văn phòng, Đảng bộ Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng thuộc Đảng bộ quận Hải Châu, nguyên Tổng Giám đốc Công ty), ông Nguyễn Đình Thống (đảng viên Chi bộ 23, Đảng bộ phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố), ông Nguyễn Công Lang (đảng viên Chi bộ 5, Đảng bộ phường Thanh Bình, quận Hải Châu, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng), ông Lê Anh Tuấn (đảng viên Chi bộ Công ty CP cung ứng tàu biển Đà Nẵng thuộc Đảng bộ Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty), ông Huỳnh Tấn Lộc (đảng viên Chi bộ Công ty TNHH MTV Phú Mỹ thuộc Đảng bộ phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, nguyên Giám đốc Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng).

 Đây là 5 trong số những người đã bị xét xử trong vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”; “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (còn được gọi là Vũ “nhôm”). (Tienphong.vn 05/9, Nguyễn Thành)Về đầu trang

Phó chi cục trưởng Hải quan ở Bình Phước gây tai nạn rồi bỏ chạy: Vì sao chỉ xử phạt hành chính?

Liên quan đến việc ông Mai Như Vệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoàng Diệu (Bình Phước) lái xe gây tai nạn giao thông, mới đây Công an huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) thông báo quyết định không khởi tố hình sự đối với ông này. 

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Tp Hà Nội cho biết, dưới góc độ pháp lý, việc khởi tố vụ án chỉ được cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.

 Đối chiếu với trường hợp này, mặc dù hành vi ông Mai Như Vệ vi phạm quy định về điều kiện phương tiện giao thông đường bộ nhưng về hậu quả hành vi gây tổn hại thương tích 27% thì chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Mai Như Vệ, do đó không có căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định pháp luật", ông Cường cho biết.

 Theo vị luật sư, trong trường hợp này, mặc dù ông Vệ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hành vi của ông là hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ nên vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

 "Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng theo quy định tại điểm đ, khoản 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. (Danviet.vn 05/9, Hiếu Đam) Về đầu trang

Gia Lai: Truy tố nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Nguyễn Hồng Lam

VKSND tỉnh Gia Lai đã ra cáo trạng truy tố trước tòa án để xét xử bị can Nguyễn Hồng Lam và cán bộ cấp dưới là Nguyễn Đông Dương (nguyên cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đức Cơ) về tội tham ô tài sản; bị can Nguyễn Xuân Tứ (nguyên Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Đức Cơ) về tội tham ô tài sản và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức do liên quan vụ án trên.

 Theo TTXVN, cáo trạng nêu rõ, năm 2004, huyện Đức Cơ thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng để giải phóng mặt bằng dự án xây dựng mở rộng nghĩa trang Liệt sỹ huyện Đức Cơ. Năm 2010, Hội đồng giải phóng mặt bằng ngừng hoạt động, giải thể.

 Đến năm 2012, UBND huyện Đức Cơ giao Phòng Tài chính - Kế hoạch mua sắm thiết bị cho Đài tưởng niệm nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có chuyến công tác đi đến Huế, Đà Nẵng để xem chuông đồng, hạc đồng… Chuyến đi có Nguyễn Xuân Tứ (thời điểm này là Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện) và một số lãnh đạo UBND huyện. Để có tiền phục vụ cho đoàn công tác, ông Nguyễn Hồng Lam (thời điểm này là Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch) và Nguyễn Xuân Tứ đã trao đổi, bàn bạc tạm ứng ngân sách huyện thông qua Hội đồng giải phóng mặt bằng (lúc này Hội đồng giải phóng mặt bằng đã giải thể).

 Nguyễn Xuân Tứ đã làm lệnh chi tiền số 02, ngày 11/1/2012, trình ông Lam ký với tư cách Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, giao cho Nguyễn Đông Dương (thời điểm này là Kế toán trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch) ký và đi rút số tiền 524 triệu đồng. 

Ngày 22/11/2012, UBND huyện Đức Cơ đã ra Quyết định 2844 xuất ngân sách cấp 1 tỷ 260 triệu đồng cho phòng Tài chính - Kế hoạch để thanh toán chi phí mua sắm thiết bị cho Đài tưởng niệm nghĩa trang liệt sỹ. Phòng Tài chính - Kế hoạch đã làm hồ sơ quyết toán theo quy định, trong đó, có số tiền 84,5 triệu đồng tiền chi phí đi công tác tại Huế, Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi nhận số tiền 524 triệu đòng, Tứ đã tiêu xài cá nhân.

 Từ năm 2012 - 2018, Nguyễn Đông Dương, kế toán trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu cho Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch làm tờ trình để Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ chuyển nguồn kinh phí tạm ứng ngân sách huyện từ năm trước sang năm sau, trong đó có số tiền 524 triệu đồng chiếm đoạt từ năm 2012. Do đó, hàng năm, số tiền chi trái quy định này vẫn được chuyển nguồn tạm ứng từ năm 2012 - 2018.

 Đến thời điểm 2018, tài khoản của Hội đồng giải phóng mặt bằng đã ngừng hoạt động nên các cán bộ này đã sử dụng tài khoản của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để làm thủ tục hoàn ứng. Ngày 9/8/2018, ông Nguyễn Hồng Lam (lúc này đã là Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ) đã đồng ý xuất ngân sách để hoàn ứng và ký Quyết định 1827, xuất ngân sách từ nguồn kết dư ngân sách năm 2017 chuyển sang, cấp số tiền 524 triệu đồng để bổ sung cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội lập thủ tục hoàn ứng.

 Năm 2019, đoàn thanh tra tỉnh đã ra quyết định thanh tra về việc quản lý, sử dụng ngân sách để chi trả thanh lý cây cao su, giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng xây dựng mở rộng nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Cơ. Dương đã cung cấp hồ sơ cho đoàn thanh tra nhưng chỉ có bản phô tô Quyết định số 42 ngày 9/1/2012 về xuất ứng ngân sách huyện cấp cho Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện số tiền 542 triệu đồng.

 Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra yêu cầu cung cấp bản gốc, ông Nguyễn Xuân Tứ (lúc này là Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Đức Cơ) đã chỉ đạo nhân viên văn phòng đánh máy lại bản photocopy Quyết định số 42 rồi mang đến nhà ông Huỳnh Cân, nguyên Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện nhờ ký nháy. Sau đó, nhân viên photo chữ ký của ông Võ Thanh Hùng (Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thời điểm 2012, nay đương chức Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai) dán vào và lấy dấu tròn của UBND huyện Đức Cơ đang sử dụng ở năm 2019 đóng dấu vào quyết định mới, làm giả Quyết định số 42 gốc thời điểm năm 2012. Sau đó, Tứ đã nộp bản Quyết định 42 giả này cho Thanh tra tỉnh Gia Lai.

 Ngày 19/6/2019, khi Thanh tra tỉnh ban hành Quyết định thanh tra về việc quản lý, sử dụng ngân sách để chi trả thanh lý cây cao su, giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng xây dựng mở rộng nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Cơ, thì cùng ngày 19/6 ông Nguyễn Xuân Tứ đem nộp số tiền 524 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh. Quyết định thanh tra và quyết định thu hồi số tiền sai phạm này được Thanh tra tỉnh ký trong cùng 1 ngày.

 Sau quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai có cơ sở xác định, ông Lam, Tứ, Dương làm thủ tục rút 524 triệu đồng từ ngân sách huyện Đức Cơ để sử dụng cho mục đích cá nhân. Do đó, buộc các ông Nguyễn Hồng Lam, Nguyễn Xuân Tứ, Nguyễn Đông Dương cùng phải chịu trách nhiệm với số tiền trên. (TTXVN 06/9)Về đầu trang

Nam Định: Làm rõ vụ Phó công an xã bị tố nổ súng bắn nam sinh lớp 12 bị thương

Ngày 5/9, thông tin từ Công an huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho biết, vào khoảng 20 giờ ngày 4/9, trên tuyến đường trục thuộc địa phận đội 11, xã Hoàng Nam (huyện Nghĩa Hưng) xảy ra vụ nổ súng bắn đạn cao su làm một nam thanh niên bị thương nhẹ ở vai.

 Trước đó, vào tối 4/9, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip về việc rất đông người dân kéo đến UBND xã Hoàng Nam (huyện Nghĩa Hưng) để yêu cầu làm rõ việc Phó Công an xã nổ súng khiến 1 nam sinh trúng đạn, bị thương. 

Theo thông tin ban đầu của cơ quan chức năng địa phương, vào thời điểm trên, ông Vũ Anh Đức, Phó Công an xã Hoàng Nam trong quá trình đi kiểm tra tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thấy một nhóm thanh niên tập trung ở khu vực đường trục xã nên đã dừng xe, yêu cầu nhóm này giải tán. 

Lúc đó, có hai thanh niên ra về, còn Ngô Thế Phòng (17 tuổi, trú tại xã Hoàng Nam) vẫn đứng lại. Giữa hai bên xảy ra lời qua tiếng lại nên ông Đức đã rút công cụ hỗ trợ là súng bắn đạn cao su ra để thị uy. Theo ông Đức tường trình, do súng cao su bị cướp cò, một viên đạn cao su sượt qua vai phải của Phòng.

 Ngay sau đó, ông Đức đã báo cáo toàn bộ sự việc với cơ quan có thẩm quyền. Lực lượng chức năng xã Hoàng Nam và gia đình đã đưa Phòng vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định để kiểm tra, rất may Phòng chỉ bị vết thương vào phần mềm, không nghiêm trọng. (VTV.vn 05/9)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Các nước trên thế giới trừ điểm bằng lái xe thế nào?

Để kiểm soát tình trạng vi phạm giao thông, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai hệ thống chấm điểm cho người lái xe và thực hiện trừ điểm nếu người lái xe vi phạm. Đây là một cách quản lý giao thông thông minh và đang dần trở nên phổ biến trên thế giới. Tuy vậy, không phải nước nào cũng có cách tính điểm như nhau.

 Trung Quốc áp dụng hệ thống 12 điểm. Nếu người lái bị trừ hết còn 0 điểm trong 1 năm thì bị treo bằng.

 Anh cũng sử dụng thang điểm 12. Ai bị trừ 12 điểm này trong vòng 3 năm thì sẽ bị cấm lái xe. Thời gian cấm do tòa án quy định. Nếu tài xế bị cấm 3 tháng, bằng lái sẽ mất giá trị và họ phải thi lại.

 Italy, mỗi người lái xe có sẵn 20 điểm, trong 2 năm liên tiếp, nếu không vi phạm gì, tài xế sẽ được cộng 2 điểm. Nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, nếu tài xế bị trừ hết điểm thì sẽ bị tước bằng lái.

 Một số nước khác như Ireland, Đức, Na Uy lại tính điểm theo cách cộng dồn. Với mỗi lỗi vi phạm, tài xế sẽ bị cộng thêm một số điểm phạt. Nếu số điểm phạt lên đến mức tối đa, tài xế sẽ bị tước bằng và cấm lái xe.

 Tại Mỹ, mỗi bang có một quy định tính điểm riêng. Một số bang còn áp dụng cách khác, như ở Massachusetts, ai có càng nhiều lỗi vi phạm luật giao thông sẽ chịu mức phí bảo hiểm càng cao. (VTV.vn 05/9)Về đầu trang

Mỹ đình chỉ 7 cảnh sát làm tử vong người da màu

7 sĩ quan cảnh sát thành phố Rochester, Mỹ đã bị đình chỉ sau vụ việc làm ngạt thở một người đàn ông da màu có tên là Daniel Prude. Người này nằm viện 1 tuần rồi chết.

 Vụ việc xảy ra vào tháng 3 năm nay nhưng đến nay mới khiến dư luận Mỹ quan tâm vì gia đình của Prude vừa công bố video gây sốc về quá trình anh bị cảnh sát khống chế.

 Cảnh sát đã ép Prude úp mặt xuống đất trong tình trạng đầu bị trùm kín. Cảnh sát cho biết, Prude lúc đó có dấu hiệu rối loạn tâm thần. Trước đó, Daniel Prude đã khỏa thân chạy ra đường giữa đêm lạnh.

 Tối 3/9, đám đông biểu tình đang tụ tập bên ngoài một tòa nhà công cộng trên đại lộ Exchange để ca hát, cầu nguyện và ăn pizza thì hàng chục cảnh sát chống bạo động bắn một loại đạn vào đám đông và xung đột nổ ra. 

Trong cuộc họp báo vào chiều 3/9, nữ Thị trưởng Rochester là Lovely Warren đã xin lỗi gia đình Prude và nói lỗi nằm ở sở cảnh sát, ở hệ thống chăm sóc sức khỏe và ở cả xã hội.

 Tổng chưởng lý bang Letitia James đã gửi lời chia buồn với gia đình Prude và hứa sẽ mở "cuộc điều tra công bằng và độc lập". (VTV.vn 05/9)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More