Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 30-7-2019

Post date: 30/07/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.Từ 1-8, cho mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch bị phạt đến 15 triệu. 1

2. Liên thông giữa dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. 2

CHỈ THỊ MỚI 3

3. Thủ tướng chỉ thị lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. 3

4.Thủ tướng phân công cơ quan soạn thảo văn bản thi hành 7 luật 4

5. Phân công chuẩn bị báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm.. 5

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 5

6.Cảnh sát giao thông TP.HCM xử phạt từ hình ảnh người dân cung cấp. 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

7.Doanh nghiệp lập mới có thể được miễn phí môn bài 6

8.Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp quy mô vừa tại ASEAN.. 7

9.Tổng vốn FDI thực hiện trong bảy tháng đạt 10,6 tỷ USD.. 7

10. CPI bình quân 7 tháng tăng thấp nhất 3 năm gần đây. 8

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

11.Không sợ thiếu cán bộ. 8

QUẢN LÝ.. 9

12.  Quy định về tặng quà và phòng chống tham nhũng. 9

13. Hà Nội: Tăng cường bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

14.Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp dân qua mạng internet 11

15.  Bộ Xây dựng: Bãi bỏ 56 văn bản quy phạm pháp luật từ ngày 15.8. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

16.Giải ngân vốn ODA: Không để tồn đọng hồ sơ ở kho bạc

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

17.  Thủ tướng kỷ luật cảnh cáo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải 14

18. Hà Nội: Sóc Sơn chây ì xử lý vi phạm trật tự xây dựng. 14

THẾ GIỚI 15

19.Bộ trưởng Du lịch Zimbabwe bị buộc tội tham nhũng Quỹ Hưu trí 15

20. Thống đốc Kenya bị bắt vì tham nhũng. 16

 CHÍNH SÁCH MỚI

Từ 1-8, cho mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch bị phạt đến 15 triệu

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định 45/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch.

 Theo khoản 6 Điều 9 của nghị định trên, hướng dẫn viên du lịch (gọi tắt HDV) có hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn thẻ HDV thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Mức phạt này còn áp dụng đối với hành vi không trung thực khi kê khai hồ sơ cấp, cấp lại, đổi thẻ HDV và hướng dẫn du lịch không đúng phạm vi hành nghề.

 Cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng thẻ HDV trong thời hạn từ một tháng đến sáu tháng.

 Trường hợp không có thẻ khi hành nghề, HDV sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng, mức phạt này áp dụng tương tự đối với hành vi dùng thẻ  HDV giả để hành nghề.

 Ngoài ra, HDV sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đeo thẻ HDV trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch.

 Với HDV có các hành vi không tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương, họ sẽ bị xử phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. (Pháp Luật TPHCM 29/7, Trúc Phương)Về đầu trang

Liên thông giữa dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và chữ ký số chuyên dùng Chính phủ

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư 04/2019/TT-BTTTT quy định về việc liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

  Thông tư nêu rõ, mô hình liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là mô hình công nhận chéo.

 Danh sách các chứng thư số gốc tin cậy bao gồm: Các chứng thư số gốc của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia; các chứng thư số gốc của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

 Thông tư cũng quy định đối với chức năng ký số, kiểm tra hiệu lực chứng thư số, chữ ký số của các ứng dụng sử dụng chữ ký số. Đối với chức năng ký số: Ứng dụng phải cho phép người ký là thuê bao của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và thuê bao của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thực hiện ký số.

 Đối với chức năng kiểm tra hiệu lực chứng thư số, chữ ký số: Ứng dụng phải cho phép người ký, người nhận kiểm tra hiệu lực chứng thư số công cộng, chữ ký số công cộng và hiệu lực chứng thư số chuyên dùng Chính phủ, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định tại các Điều 78 và 79 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

 Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia) có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện quy định về các trường thông tin trong chứng thư số của thuê bao; đảm bảo việc trao đổi các chứng thư số gốc tin cậy của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ chính xác và an toàn; công bố danh sách các chứng thư số gốc tin cậy của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia trên trang thông tin điện tử http://www.rootca.gov.vn;

 Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ có trách nhiệm: Thực hiện hướng dẫn về các trường thông tin trong chứng thư số chuyên dùng Chính phủ; công bố danh sách các chứng thư số gốc tin cậy của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên trang thông tin điện tử http://ca.gov.vn.

 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/ 2019. (Báo Chính Phủ Điện Tử 29/7, LP)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng chỉ thị lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.

 Thủ tướng yêu cầu việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, bám sát dự kiến trình Đại hội Đảng các cấp về các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 (trong đó có các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính, ngân sách, đầu tư); Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 63/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020.

 Cụ thể, mục tiêu đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 là thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025.

 Trong đó vốn đầu tư công tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.

 Quán triệt nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục…

 Về nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Chỉ thị nêu rõ: Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực được phê duyệt. Phù hợp với kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; bảo đảm các cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công.

 Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 do cấp có thẩm quyền quyết định. Không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công.

 Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của các bộ, ngành và địa phương để xác định nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với các mục tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên, các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành; hoàn trả các khoản vốn ngân sách nhà nước ứng trước kế hoạch; các khoản vốn vay của ngân sách địa phương.

 Bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư từ kế hoạch năm 2020 và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để tổ chức lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư khởi công mới giai đoạn 2021 - 2025, vốn để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

 Bố trí vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 1/1/2015.

 Chỉ thị nhấn mạnh, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 phải bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng trong lập kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành và nâng cao hiệu quả đầu tư. (Thanh Tra 29/7)Về đầu trang

Thủ tướng phân công cơ quan soạn thảo văn bản thi hành 7 luật

Thủ tướng vừa ký Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

 Theo đó, Thủ tướng đã phân công 8 Bộ chủ trì soạn thảo 43 văn bản quy định chi tiết thi hành 7 Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

 Cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo 6 nghị định và 9 thông tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 4 nghị định; Bộ Công an 7 nghị định và 4 thông tư; Bộ Quốc phòng 2 thông tư; Bộ Y tế 1 nghị định; Bộ Công Thương 1 nghị định và 1 thông tư; Bộ Xây dựng 1 nghị định và 2 thông tư; Bộ Giáo dục và Đào tạo 5 nghị định.

 Trong đó có một số văn bản như: Nghị định quy định chi tiết về tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Nghị định quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan...

 Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các nghị định quy định chi tiết các nội dung được luật giao, trình Chính phủ.

 Đồng thời, ban hành các thông tư quy định chi tiết các nội dung được luật giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công xây dựng, trình văn bản; công khai nội dung công việc, tiến độ, kết quả cụ thể từng giai đoạn trên Cổng Thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ... (Thanh Tra 29/7)Về đầu trang

Phân công chuẩn bị báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm

Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ chuẩn bị một số Báo cáo năm 2019 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

 Cụ thể, Thủ tướng phân công Bộ Công an chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019.

 Bộ Tư pháp chủ trì,  phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Công an chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2019.

 Thanh tra Chính phủ chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các Báo cáo nêu trên trước ngày 10/8/2019. (Thanh Tra 29/7, PV)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Cảnh sát giao thông TP.HCM xử phạt từ hình ảnh người dân cung cấp

Từ ngày 1/8, Cảnh sát giao thông TP.HCM sẽ sử dụng hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt.

 Nhờ hình ảnh về chiếc xe bus bất chấp nguy hiểm chạy lên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM do người dân quay lại vào ngày 1/6, ngay ngày hôm sau, Cảnh sát giao thông TP.HCM đã kịp thời vào cuộc, xử lý vi phạm của tài xế. Điều này cho thấy, nếu không có sự giúp sức của người dân, những vụ việc sai quy định khó lòng được phát hiện và giải quyết. Câu chuyện này càng cho thấy sự cần thiết của người dân trong việc cung cấp hình ảnh cho cơ quan chức năng.

 An toàn giao thông là một trong những mục tiêu Cảnh sát giao thông TP.HCM đang hướng tới. Năm 2018, tại TP.HCM có 16 điểm đen tai nạn, trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có thêm 5 điểm mới phát sinh. Trong 6 tháng đầu năm nay, Cảnh sát giao thông TP.HCM đã xử phạt nguội 26.000 trường hợp. Trong khi đó, hiện vẫn có một số tuyến đường chưa lắp đặt camera. Nếu được cung cấp, đây là sẽ nguồn dữ liệu quan trọng và đầy đủ hơn cho cảnh sát giao thông.

 Rõ ràng khi có sự chung tay của người dân và cơ quan chức năng, tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ có những chuyển biến tích cực. Về phía người dân, điều mà họ mong muốn là sự tạo điều kiện hơn nữa từ phía cảnh sát giao thông trong việc thu thập hình ảnh.

 Mời xem chi tiết trong video tại đường link dưới đây:

https://vtv.vn/vtv9/csgt-tphcm-xu-phat-tu-hinh-anh-nguoi-dan-cung-cap-20190728204136755.htm

(Kênh VTV9 – Toàn cảnh 24h lúc 18h21 ngày 28/7)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Doanh nghiệp lập mới có thể được miễn phí môn bài

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 về lệ phí môn bài. Theo đó, Bộ dự kiến miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên cho doanh nghiệp mới thành lập. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải nộp 2 triệu đồng nếu thành lập trong nửa đầu năm hoặc nộp 1 triệu đồng nếu thành lập trong nửa cuối năm.

 Bộ Tài chính cũng dự kiến miễn lệ phí môn bài cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Các trường phổ thông trung học, trung học cơ sở, tiểu học, mẫu giáo bao gồm cả công lập và ngoài công lập cũng nằm trong diện được miễn.

 Bộ Tài chính ước tính nếu số lượng tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khởi sự kinh doanh năm nay tương đương 2018 (khoảng 147.000 đơn vị) thì quy định này khiến thu ngân sách nhà nước từ lệ phí môn bài giảm khoảng 200 tỷ đồng.

 Theo báo cáo Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới, thủ tục khởi sự kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 104 trên tổng số 190 nền kinh tế với 8 thủ tục thực hiện trong vòng 17 ngày. Tổng chi phí khởi sự kinh doanh ở Việt Nam là 3,05 triệu đồng, trong đó lệ phí môn bài chiếm đến 2 triệu đồng.

 Bộ Tài chính cho rằng nếu bỏ quy định này, quy trình khởi sự kinh doanh sẽ giảm một bước và chi phí còn lại chỉ khoảng 1 triệu đồng. Vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng này sẽ được cải thiện đáng kể nhờ tiết kiệm được cả chi phí và thời gian thực hiện thủ tục.

 Hai năm gần nhất, tổng thu lệ phí môn bài đạt trên 4.300 tỷ đồng. Trong đó, lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp mới thành lập hơn 392 tỷ đồng. Số thu này không bao gồm 37.300 tổ chức chuyển từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp nhỏ và vừa (tương đương khoảng 28% số lượng tổ chức tham gia khởi sự năm 2018) do đối tượng này đang được miễn phí môn bài theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Vnexpress.net 29/7, Phương Đông)Về đầu trang

Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp quy mô vừa tại ASEAN

Từ các lĩnh vực tăng trưởng nhanh cho đến lợi thế về nhân khẩu học, nền kinh tế Việt Nam mang đến một môi trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp quy mô vừa có tham vọng mở rộng kinh doanh ra khu vực và kiến tạo một tương lai thịnh vượng cho ASEAN.

 Theo đánh giá của Standard Chartered, Việt Nam nằm trong "nhóm 7%", những quốc gia sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP hơn 7% trong những năm 2020, từ đó tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế sau mỗi thập niên. Một động lực cho sự thành công của Việt Nam sẽ đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở mức cao.

 Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã nhận ra tiềm năng của Việt Nam, minh chứng là vốn FDI trong năm 2018 đạt mức kỷ lục 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước và chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2019 đã ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ lên đến 69,1%.

 Standard Chartered đánh giá, có 3 lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam. Đầu tiên là bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng. Lĩnh vực này đóng vai trò là trụ cột kinh tế quan trọng, với doanh thu năm 2018 tăng 11,7% lên 191 tỷ USD. Lĩnh vực này đem lại rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp quy mô vừa tại ASEAN, khi thu hút vốn FDI của lĩnh vực bán sỉ và lẻ đạt 3,37 tỷ USD trong năm 2018, chiếm 10,3% tổng vốn FDI.

 Lĩnh vực quan trọng thứ hai đối với tương lai thịnh vượng của ASEAN là sản xuất. Với sự tăng trưởng của dòng vốn FDI ở mức 11% trong vòng 5 năm đến 2018, từ lâu đây đã là ngành công nghiệp quan trọng tại Việt Nam nhờ lợi thế về lực lượng lao động có mức chi phí cạnh tranh và sự quan tâm của Chính phủ dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Hơn một nửa trong tổng số 100 tỷ USD vốn FDI đã chảy vào lĩnh vực sản xuất từ năm 2013 và Standard Chartered kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong trung hạn.

 Một lĩnh vực quan trọng khác có nhiều tiềm năng tăng trưởng là cơ sở hạ tầng. Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ chi 920 triệu USD cho cơ sở hạ tầng đến năm 2020, trong khi đó năng lượng tái tạo dự kiến sẽ là một trọng tâm trong 5 năm tới. (Vneconomy.vn 29/7, Thanh Hải)Về đầu trang

Tổng vốn FDI thực hiện trong bảy tháng đạt 10,6 tỷ USD

Ngày 29.7, Tổng cục Thống kê công bố trong bảy tháng qua, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 11,698 tỷ USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ và tổng vốn thực hiện ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

 Trong đó, có 2.064 dự án được cấp phép mới, vốn đăng ký đạt 8,27 tỷ USD, tăng 24,6% về số dự án và giảm 37,4% về vốn so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 791 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn tăng thêm đạt hơn 3,42 tỷ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ.

 Vẫn như thường lệ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6,1 tỷ USD, chiếm 73,2% tổng vốn. Tiếp đến là ngành kinh doanh bất động sản đạt 842,7 triệu USD, chiếm 10,2%, các ngành còn lại đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 16,6%.

 Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã được cấp phép, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,1 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn và ngành kinh doanh bất động sản đạt 716,1 triệu USD, chiếm 6,1%, các ngành còn lại đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 16,3%.

 Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài tham gia 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ; trong đó vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 63,2% tổng giá trị góp vốn và ngành kinh doanh bất động sản đạt 754,8 triệu USD, chiếm 8,9%, các ngành còn lại đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 27,9%.

 Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,8 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới;  tiếp đến là Hàn Quốc 1,5 tỷ USD, chiếm 17,8% và Nhật Bản 1,1 tỷ USD, chiếm 13,6%. Ngoài ra, Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) là 991,6 triệu USD, chiếm 12%.

 Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong bảy tháng có 90 dự án được cấp mới giấy chứng nhận với tổng vốn là 180,1 triệu USD và 21 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm là 97,3 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đầu tư ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 277,4 triệu USD. (Đại Biểu Nhân Dân 29/7)Về đầu trang

CPI bình quân 7 tháng tăng thấp nhất 3 năm gần đây

CPI tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, đưa CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 2,61% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

 Cụ thể, tháng 7 này đã có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng cao nhất 0,94%, tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33%, giáo dục tăng 0,22%.

 Nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7 là do dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát, giá xăng dầu điều chỉnh tăng nhiều hơn giảm và nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và sự tăng giá của một số mặt hàng vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, do được kiểm soát tốt nên dự báo lạm phát bình quân cho cả năm nay chỉ nằm trong khoảng từ 3,17-3,41%, thấp hơn mục tiêu đặt ra và thấp hơn cả CPI của năm 2018.  (VTV.vn 29/7)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Không sợ thiếu cán bộ

Những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi kết luận Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng T.Ư ngày 26/7, đã làm nức lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước trước kỳ Đại hội Đảng sắp tới, khi mà công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

 Nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không chỉ là câu trả lời mà còn là sự khẳng định rõ ràng trước một số ý kiến cho rằng kỷ luật cán bộ rồi thì lấy ai làm việc, hay như thanh tra, khởi tố nhiều làm giảm sự năng động của công chức!? Bởi theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết. Bao che cho cán bộ mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng; còn xử lý cán bộ vi phạm chỉ làm cho Đảng mạnh thêm.

 Tính từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã có trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự; Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân. Song, niềm tin trong xã hội, niềm tin của Nhân dân với Đảng ngày càng tăng lên và những nơi có cán bộ vi phạm bị xử lý đều được kiện toàn, ổn định và phát triển.

 Điều này đã được chứng minh từ thực tế, khi GDP năm 2018 của cả nước đạt mức tăng trưởng 7,08%, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,7% và là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm gần đây. 6 tháng đầu năm 2019, trong bối cảnh có tới hơn 70% nền kinh tế đang phát triển có mức tăng trưởng chậm lại thì GDP của Việt Nam vẫn tăng 6,76%, cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011 -2017. Giải ngân của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018. Việc ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP, EVFTA và 3 năm liên tiếp (2016 - 2018) thiết lập kỷ lục mới về số vốn giải ngân FDI (hơn 50 tỷ USD), Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

 Sự tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội đã cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước đang tạo những chuyển biến rất tích cực trong xã hội. Chống tham nhũng, tiêu cực cũng là yêu cầu của cách mạng, là nhu cầu tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân, là mong muốn của Đảng nên “không có chuyện dừng lại hoặc ngập ngừng”.

 Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chúng ta không thể thất hứa với dân, làm Nhân dân thất vọng vì dân đang mong chờ. Và dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào Đại hội sắp tới. Nơi nào để xảy ra cái này thì phải kỷ luật. Có dấu hiệu vi phạm là phải kiểm tra. Kiểm tra có vấn đề thì không đưa vào cấp ủy. Đại hội là một dịp để sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không xứng đáng thì thôi, không sợ thiếu cán bộ. Bởi không thiếu người tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. (Kinh Tế & Đô Thị 29/7, Bảo Châu)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Quy định về tặng quà và phòng chống tham nhũng

Việc tặng quà và nhận quà là một hành vi ứng xử đẹp trong văn hóa giao tiếp. Tuy nhiên, việc tặng và nhận quà cũng có thể biến tướng, trở thành vỏ bọc cho hành vi tham nhũng, hối lộ.

 Vào năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 16-CT/TW với nội dung nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 48/CT-TT, yêu cầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không tổ chức du xuân, đi chúc Tết, không tặng quà lãnh đạo…

 Trước đó, ngày 10/5/2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg kèm theo quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức…

 Thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, trong đó quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn.

 Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. 

Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật. 

Về việc nhận quà tặng, Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.

 Nghị định quy định rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.

 Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.

 Nghị định quy định rõ cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

 Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

 Bên cạnh đó, người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.

 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ra đời với những quy định chi tiết, cụ thể về tặng quà và nhận quà tặng được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực trong việc phòng chống tham nhũng hiện nay. (Công Lý 29/7, Trung Nguyễn)Về đầu trang

Hà Nội: Tăng cường bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND, triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10-1-2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

 Theo đó, đảm bảo 100% cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp thuộc thành phố được quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị. Đảm bảo 100% các nguồn tin về tội phạm của tổ chức, cá nhân liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tiếp nhận, xử lý, giải quyết. Duy trì tỷ lệ giải quyết các nguồn tin về tội phạm nói chung, nguồn tin về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu nói riêng đạt trên 90%. Đảm bảo 100% người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được bảo vệ, không bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.

 Để làm tốt nhiệm vụ trên, thành phố chỉ đạo thực hiện các công tác trọng tâm. Cụ thể, tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 127 của Thành ủy Hà Nội và các văn bản quy định của pháp luật về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

 Nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường vận động Nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm. Khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên chủ động phản ánh các hành vi sai phạm, tố giác hành vi trả thù, trù dập người tố cáo... Đẩy mạnh hiệu quả việc thực hiện các Quy chế phối họp, kế hoạch liên ngành, giao ước thi đua... của các sở, ban, ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng nói riêng…

 Động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tố chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo. Kiên quyết xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo; chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao trong bảo vệ người tố cáo. Định kỳ (6 tháng, 1 năm) tổ chức sơ, tổng kết đánh giá kết quả công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; rút ra những bài học kinh nghiệm, kịp thời đề ra những giải pháp, biện pháp khắc phục. (Pháp Luật Xã Hội 29/7, TQ)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp dân qua mạng internet

 Chiều 29/7, Tổ công tác của Thủ tướng đã họp với các bộ, ngành để đôn đốc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

 Theo ông Trần Ngọc Liêm - Phó tổng thanh tra Chính phủ, cơ quan này được giao triển khai hệ thống thông tin một cửa điện tử, tiếp công dân, xử lý đơn thư qua mạng internet... Tuy nhiên, lĩnh vực thanh tra có đặc thù nên việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử của ngành gặp một số khó khăn.

 "Chúng tôi đang cố gắng nghiên cứu để đưa ra quy trình, nhưng đã tiếp dân là phải gặp trực tiếp, nghe dân nói, thậm chí nghe hết rồi vẫn còn khó khăn. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo có những vụ rất lâu dài, phức tạp nên tiếp dân qua mạng internet là vấn đề khó", ông Liêm nói.

 Mặc dù có những vướng mắc, song theo ông Trần Ngọc Liêm, Thanh tra Chính phủ vẫn cố gắng triển khai vì "nếu việc này thông suốt sẽ giúp người dân đỡ phải đi lại.

 "Vừa qua Thanh tra Chính phủ đã lấy ý kiến để xây dựng quy trình tiếp dân qua mạng. Chúng tôi sẽ vừa tiếp dân theo cách truyền thống, vừa tiếp dân qua mạng", ông Liêm cho hay.

  Tổng hợp tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục cho hay, đã 62/95 bộ, cơ quan, địa phương hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành. 

Đến nay, 85/95 cơ quan đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 68/95 bộ, ngành, địa phương đã sử dụng máy chủ bảo mật riêng; 27/95 đơn vị đang sử dụng máy chủ dùng chung do Văn phòng Chính phủ cung cấp.

 Giám đốc Trung tâm thông tin Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Quang bày tỏ mong muốn Chính phủ ban hành nghị định thay thế nghị định 102 về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoặc lồng ghép nội dung nói trên vào quyết định 80/2014 quy định về thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

 "Nhiều văn bản gần đây đều ghi ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhưng không có hướng dẫn, nếu làm là làm liều, rất sợ, nên có căn cứ pháp lý đủ mạnh để thực hiện thì đỡ phức tạp hơn", ông Quang nói. 

Ông cho biết, thực tế khi thuê một phần mềm, các đơn vị chào giá rất khác nhau, có nơi vài chục triệu đồng, nhưng cũng có doanh nghiệp chào vài trăm triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, nếu chọn nơi giá rẻ thì các đơn vị sợ không đảm bảo an toàn an ninh, chọn nơi có giá đắt thì yên tâm hơn nhưng "vấn đề kinh phí không biết xử lý như thế nào". (Vnexpress.net 29/7, Hoàng Thùy)Về đầu trang

Bộ Xây dựng: Bãi bỏ 56 văn bản quy phạm pháp luật từ ngày 15.8

Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BXD bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành hoặc liên tịch ban hành.

 Theo đó, bãi bỏ toàn bộ 56 VBQPPL do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành hoặc liên tịch ban hành. Đơn cử như: Thông tư số 08/2008/TT-BXD hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch các tỉnh, thành phố; Thông tư số 15/2008/TT-BXD hướng dẫn đánh giá, công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu; Thông tư số 26/2009/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Điều 6, 7, 8, 9, 11, 12, 14 Quy chế quản lý kiến trúc xây dựng Khu vực xung quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BXD ngày 23.3.2007; Thông tư số 34/2009/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị; Thông tư số 01/2011/TT-BXD hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; Thông tư số 05/2011/TT-BXD quy định việc kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công tác khảo sát lập bản đồ địa hình phục vụ quy hoạch và thiết kế xây dựng…

 Bên cạnh đó, Thông tư số 01/2019/TT-BXD còn bãi bỏ một phần 2 VBQPPL sau: Thông tư số 10/2018/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2015/TT-BXD quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư và Thông tư số 28/2016/TT-BXD; Thông tư số 28/2016/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2015/TT-BXD, Thông tư số 11/2015/TT-BXD quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

 Thông tư số 01/2019/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15.8. (Đại Biểu Nhân Dân 29/7)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Giải ngân vốn ODA: Không để tồn đọng hồ sơ ở kho bạc

Vì nhiều lý do, hiện vẫn còn gần một nửa số tỉnh, thành phố trong cả nước chưa giải ngân được dù chỉ một đồng vốn đầu tư nước ngoài (ODA). Để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này, với tư cách là cơ quan kiểm soát chi, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước đã yêu cầu hệ thống kho bạc phối hợp chặt với chủ đầu tư, ban quản lý dự án, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc giải ngân; bảo đảm quy định về thời hạn kiểm soát chi, thực hiện nghiêm kỷ cương kỷ luật trong quy trình công tác; không để xảy ra tình trạng tồn đọng hồ sơ ở kho bạc.

 Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước lũy kế giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài (ODA) nguồn cấp phát từ ngân sách trung ương 6 tháng đầu năm đạt 4.179 tỷ đồng, đạt 6,9% kế hoạch Quốc hội giao và 12,7% kế hoạch Thủ tướng giao -  thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 8/59 địa phương được giao kế hoạch vốn nước ngoài có tỷ lệ giải ngân trên 30%; 11 bộ ngành giải ngân dưới 30%; 28 địa phương giải ngân ODA bằng 0%.

 Để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA, ngay từ đầu năm nay Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 tại một số bộ, ngành, địa phương. Song, tình hình giải ngân ODA vẫn rất chậm.

 Lý giải điều này, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân trước tiên là do vướng mắc trong công tác kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài. Cụ thể, đến hết tháng 6.2019, Kế hoạch mới giao được 54,7% số vốn Quốc hội phân bổ do thiếu vốn đối ứng (chẳng hạn, Bộ Giao thông - Vận tải hiện chỉ đề xuất dự kiến giải ngân 9.313/14.480 tỷ đồng kế hoạch được Quốc hội phân bổ); hoặc do hết hạn mức kế hoạch trung hạn, phải chờ cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh, bổ sung; hoặc dự án mới ký kết hiệp định chưa được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa có cơ sở bố trí kế hoạch vốn hàng năm… Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong ký kết hợp đồng vay lại do thủ tục thẩm định tài chính, thẩm định tài sản bảo đảm kéo dài, đặc biệt đối với đơn vị sự nghiệp công lập, dự án có nhiều địa phương tham gia… cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. 

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên bổ sung, kết quả kiểm toán cho thấy, nguyên nhân khiến giải ngân ODA chậm còn là do nhà thầu lập và trình chủ đầu tư hồ sơ thanh toán phần khối lượng công việc đã thực hiện rất chậm; tiến độ thực hiện dự án chậm dẫn đến khối lượng nghiệm thu ít, giải ngân chậm là đương nhiên. Thứ nữa là sự thay đổi về cơ chế, chính sách, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương rất chậm. “Khi kiểm toán dự án đầu tư ODA, nguyên nhân đầu tiên khiến giải ngân chậm là do giải phóng mặt bằng chậm”, ông Tiên thông tin.

 Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc chia sẻ, đơn vị này luôn “ở tình trạng sẵn sàng giải ngân nhưng chưa có vốn ODA”. Cụ thể, trước đây đơn vị đã được phân bổ 2.000 tỷ đồng, hiện còn thiếu khoảng 1.000 tỷ đồng. Do vậy, ông Phúc kiến nghị nên cho phép giải ngân theo tiến độ chứ không phải theo kế hoạch. “Đây là cách tốt nhất để sử dụng vốn hiệu quả và không tranh chấp với nhà thầu”, ông nói. (Đại Biểu Nhân Dân 29/7)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thủ tướng kỷ luật cảnh cáo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải

 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 933/QĐ-TTg về việc thi hành kỷ luật đối với ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

 Cụ thể, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật tại Quyết định số 1190-QĐ/UBKTTW ngày 6/6/2019. Trước đó, tại Kỳ họp 36, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Huỳnh Quang Hải, Ủy viên ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

 Theo đó, đồng chí Huỳnh Quang Hải đã chấp hành không nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Tài chính. (VTV.vn 29/7)Về đầu trang

Hà Nội: Sóc Sơn chây ì xử lý vi phạm trật tự xây dựng

UBND xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội qua các thời kỳ đã buông lỏng quản lý để hàng chục công trình nhà ở và nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đất công.

 Hàng trăm triệu đồng tiền ngân sách đã được huyện Sóc Sơn sử dụng để cưỡng chế một số công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở xã Phù Lỗ. Tại xã này vẫn còn hàng chục công trình vi phạm khác chưa bị xử lý theo kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường. Chỉ đến khi có nguy cơ bị mất chức, Chủ tịch xã mới thừa nhận đã buông lỏng công tác quản lý Nhà nước.

 Tại khu Đường 2, xã Phù Lỗ, hàng loạt các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm đã mọc lên và ngang nhiên tồn tại. Trong đó có những công trình ngay sát cổng UBND xã nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.

 Cả huyện Sóc Sơn có 84 ha đất nông nghiệp bị xây dựng trái phép, nhưng hiện mới có 40% diện tích được xử lý. Trong đó, vi phạm nghiêm trọng nhất là xã Phù Lỗ. Lãnh đạo huyện cho biết, để xảy ra vi phạm như vậy là do chính quyền xã buông lỏng quản lý, thậm chí có tiếp tay, còn người dân thì e ngại đấu tranh vì nhiều lý do khác nhau.

 Cũng theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, nếu tiến hành rà soát chi tiết, diện tích đất nông nghiệp xây dựng trái phép sẽ lớn hơn nhiều chứ không dừng ở con số gần 84ha. Do chây ì xử lý vi phạm, đã có cán bộ 6 xã, thị trấn bị xử lý kỷ luật, huyện đang tập trung xử lý dứt điểm những vi phạm theo kết luận của Sở TN&MT thành phố. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 29/7) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Bộ trưởng Du lịch Zimbabwe bị buộc tội tham nhũng Quỹ Hưu trí

Bộ trưởng Du lịch Zimbabwe Prisca Mupfumira bị buộc tội tham nhũng liên quan đến 95 triệu USD từ Quỹ Hưu trí Nhà nước.

 Bà Mupfumira là quan chức Chính phủ cấp cao đầu tiên bị thẩm vấn bởi Ủy ban Chống tham nhũng Zimbabwe (ZACC) - cơ quan chống tham nhũng vừa được Tổng thống Emmerson Mnangagwa thành lập tuần trước, sau khi vị lãnh đạo nhà nước đưa ra cam kết sẽ hành động cứng rắn để bài trừ vấn nạn này.

 Tại phiên tòa xét xử cuối tuần qua, công tố viên đã đưa ra các cáo buộc khác nhau, từ cáo buộc lạm dụng tiền Quỹ Hưu trí Nhà nước để tài trợ cho chiến dịch chính trị của bà Mupfumira, cho tới việc chỉ đạo các khoản đầu tư lên tới 62 triệu USD vào một ngân hàng, bất chấp lời khuyên của Hội đồng Quản lý Rủi ro Quỹ Hưu trí.

 Theo công tố viên Michael Reza, trong khi một số khoản tiền đã được xác định điểm đến, vẫn còn những khoản khác mà cả lực lượng cảnh sát và ZACC đều không tìm thấy. Điều này cho thấy, bà Mupfumira đã quản lý, che giấu số tiền đó rất tốt.

 Ngoài ra, bà Mupfumira còn bị cáo buộc đã vin vào Quỹ Hưu trí để tham gia các giao dịch tài sản với cùng ngân hàng nêu trên, tổng trị giá tài sản là 15,7 triệu USD.

 Các cáo buộc diễn ra trong nhiệm kỳ của bà Mupfumira với tư cách là Bộ trưởng Lao động, từ năm 2014 - 2018, khi bà đảm nhiệm việc giám sát Quỹ Hưu trí Nhà nước.

 Tổ chức Minh bạch Quốc tế nói rằng, Zimbabwe mất 1 tỷ USD mỗi năm vì tham nhũng.

 Quỹ Hưu trí Nhà nước của Zimbabwe có tổng tài sản trên 1 tỷ USD, thường là “miếng bánh” ngon bị các chính trị gia và quan chức nhà nước nhòm ngó để xà xẻo. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, không ai trong số họ bị truy tố. (Thanh Tra 29/7, Ngọc Anh)Về đầu trang

Thống đốc Kenya bị bắt vì tham nhũng

Hãng AP đưa tin, Thống đốc Ferdinand Waititu phụ trách khu vực nhà ở của Tổng thống Uhuru Kenyatta vừa bị bắt giữ. Đây là trường hợp quan chức Chính phủ mới nhất bị bắt giữ trong chiến dịch trấn áp tham nhũng của Kenya.

 Theo luật sư Kipchumba Karori (người bào chữa cho ông Ferdinand Waititu), Thống đốc đã tự giác thú tội vào ngày 28/7 trước Ủy ban Đạo đức và Chống tham nhũng, sau khi Trưởng Công tố Noordin Haji ký quyết định truy tố ngày 26/7. 

Ông Waititu bị buộc tội trao thưởng bất thường cho một dự án trị giá 5,6 triệu USD để xây dựng một con đường trong quận Kiambu. Những cáo buộc mà vị Thống đốc này phải đối mặt bao gồm: Xung đột lợi ích, lạm dụng chức vụ, rửa tiền và tham gia vào các hành vi gian lận. Tuy nhiên, ông phủ nhận mọi hành vi sai trái. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Kenya và 14 quan chức cấp cao khác đã bị buộc tội liên quan đến tham nhũng. Ông Waititu là một người nổi tiếng ở Kenya và là đề tài trên nhiều phương tiện truyền thông xã hội, chế giễu về phong cách ăn mặc, việc ông ngủ gật trong cuộc họp và cách ông sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.

 Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã thừa nhận tham nhũng là một vấn nạn phổ biến ở trong nước và cam kết giải quyết tham nhũng. Kenya xếp thứ 144/180 quốc gia về Chỉ số Nhận thức tham nhũng năm 2018 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

 Nhiều người dân Kenya hiện đang tỏ ra thất vọng và nghi ngờ lời hứa của lãnh đạo đất nước, khi mà ông đã tuyên bố sẽ điều tra tất cả cán bộ nhân viên hải quan và thuế từ năm 2015, nhưng đến nay, việc kiểm tra vẫn chưa được diễn ra, rất ít trong số những người bị buộc tội tham nhũng phải chịu kết án.

 Vào tháng 3/2015, Kenya đã sa thải 5 bộ trưởng về các cáo buộc tham nhũng, nhưng chỉ 1 người trong số đó phải đối mặt với việc bị xét xử tại tòa án. 4 người còn lại, 1 người đã trở thành người đại diện của ông Kenyatta trong cuộc bầu cử năm 2017, 1 người trở thành thống đốc. Ông Kenyatta cũng đã bổ nhiệm 1 người làm lãnh đạo một bộ của Chính phủ, và người cuối cùng là ứng cử viên được ông Kenyatta đưa vào Ủy ban Dịch vụ Tư pháp. (Thanh Tra 29/7, Ngọc Anh)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ  TRUYỀN THÔNG

More