Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 15-8-2019

Post date: 15/08/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.Cân nhắc tăng giờ làm thêm cho người lao động. 1

2. Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Không quy định cụ thể về xếp hạng thư viện. 2

3. Việc chẳng đặng đừng. 2

CHÍNH SÁCH MỚI 4

4. Tiếp tục cắt giảm thực chất ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. 4

5. Bộ Tài chính tiếp tục giảm một số lệ phí cho doanh nghiệp. 5

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 5

6. Đà Nẵng: Người dân ngồi nhà vẫn gặp chính quyền qua App đô thị thông minh. 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

7. Điều "kỳ lạ" về năng suất lao động Việt Nam: Khu vực Nhà nước đứng đầu, tiếp đến là FDI, còn tư nhân là bét bảng. 6

8.Reuters: Việt Nam có nhiều khả năng trở thành cơ sở sản xuất chính cho các sản phẩm của Apple trong tương lai 7

9.ANZ lạc quan về triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam.. 8

QUẢN LÝ.. 8

10.Không sử dụng mạng xã hội để phát tán thông tin chưa được kiểm chứng. 8

11. Cần hoàn thiện hệ thống chính sách về công tác dân tộc. 9

12. Bộ Nội vụ: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở. 9

13. Đề xuất quy chế sử dụng phần mềm có bản quyền khi mua sắm máy tính. 10

14.Sửa Luật Xây dựng: Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, chống xin-cho. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

15. Đẩy nhanh số hóa dữ liệu ngành bảo hiểm xã hội 12

16.TP Hà Nội hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ. 13

17.Bắc Giang đẩy mạnh cải cách hành chính. 13

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 14

18.Ngân sách bội thu - một điểm nhấn. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

19. Cán bộ Sóc Trăng dùng xe công đi đám cưới tự nhận hình thức kiểm điểm “rút kinh nghiệm”. 15

 TIN QUỐC HỘI

Cân nhắc tăng giờ làm thêm cho người lao động

Đó là quan điểm của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi trong phiên họp sáng 14/8.

 Dẫn chứng thực tế bối cảnh nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn 60% doanh nghiệp đang làm ăn không có lãi, tốc độ xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng tăng thời giờ làm thêm sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đông tình với phương án này.

 Theo một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần cân nhắc về phương án tăng thời gian làm thêm để bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên chứ không chỉ riêng cho giới chủ sử dụng lao động. (VTV.vn 14/8)Về đầu trang

Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Không quy định cụ thể về xếp hạng thư viện

Chiều 14.8, tiếp tục Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện.

 Trình bày Báo cáo một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo Luật quy định Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện trung tâm của cả nước (khoản 1 Điều 9). Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một thư viện cấp tỉnh đóng vai trò thư viện trung tâm trên địa bàn (khoản 2, Điều 10). Thư viện Quốc gia và thư viện cấp tỉnh sẽ do Nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư.

 Đối với thư viện cấp huyện, xã, chính quyền địa phương quyết định mô hình tổ chức và hoạt động, bảo đảm điều kiện hoạt động phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu người sử dụng thư viện ở địa phương, quán triệt theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.

 Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm Nhà nước trong việc đầu tư thư viện công cộng đến cấp nào còn có nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ  trình UBTVQH cho ý kiến thêm về nội dung này.

 Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện cấp tỉnh là hệ thống thư viện hoạt động hiệu quả, có vị trí, vai trò rất rõ, tương tự như kho lưu trữ của quốc gia. Do vậy, Nhà nước cần tập trung có chính sách đầu tư cho hệ thống thư viện này. Với thư viện cấp huyện, cấp xã, Phó Chủ tịch QH cho rằng, nên phân cấp cho địa phương quản lý, Nhà nước không nên đầu tư dàn trải. (Đại Biểu Nhân Dân 14/8, Phương Thủy)Về đầu trang

Việc chẳng đặng đừng

Kỳ họp thứ Tám tới, có lẽ, Quốc hội (QH) sẽ phải làm một việc “chẳng đặng đừng”, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (từ ngày 1.7.2011 - 31.12.2013) và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ ngày 1.1.2013 - 31.8.2017).

 Theo báo cáo tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế cuối tuần trước, số tiền miễn/không thu này tính sơ sơ cũng lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng. Nói là việc “chẳng đặng đừng” bởi nếu QH chấp thuận đề nghị của Chính phủ thì ngân sách nhà nước sẽ bị thất thu một khoản không nhỏ. Nhưng nếu QH không chấp thuận, buộc phải truy thu khoản tiền này để giữ nghiêm kỷ luật ngân sách, kỷ cương pháp luật thì hệ quả, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, “sẽ lớn hơn số tiền thu được”.

 Lý do là bởi, trong giai đoạn Chính phủ đề xuất, các doanh nghiệp đều đã quyết toán tài chính, đã nộp thuế, trả lương, chia tiền thưởng Tết cho người lao động, chia cổ tức, chưa kể đã có nhiều mỏ đóng cửa, nhiều công ty giải thể... Việc truy thu số tiền này vừa không khả thi vừa ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh của nước ta.

 Điều đáng nói là, nguyên nhân chính đẩy QH vào tình thế “lưỡng nan” này lại là do Chính phủ chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước. Cụ thể là, Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011 nhưng phải gần 3 năm sau, Chính phủ mới ban hành được Nghị định số 203 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Với Luật Tài nguyên nước thì tình trạng còn tệ hơn khi Luật có hiệu lực ngày 1.1.2013 nhưng phải sau gần 5 năm, Chính phủ mới ban hành được Nghị định số 82 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Nếu tính chi li, mỗi ngày chậm ban hành Nghị định 203, ngân sách nhà nước bị thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng, con số tương ứng với Nghị định số 82 là gần 1 tỷ đồng.

 Câu hỏi đặt ra là, nếu QH không truy thu số tiền kê trên thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Khâu nào, cơ quan nào đã khiến cho 2 Nghị định này lại bị “treo” đến mấy năm trời như vậy? Liệu có thể truy đến cùng trách nhiệm của các bên liên quan không hay sẽ lại “rút kinh nghiệm” rồi “hòa cả làng”?

 Ngay trong phiên họp sáng 12.8, Chính phủ báo cáo UBTVQH về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước cho Hà Tĩnh, Quảng Bình từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Kuwait với giá trị 250 nghìn USD. Điều đáng nói là, khoản viện trợ này đã được Chính phủ Kuwait chuyển vào ngân sách trung ương từ năm 2018 và “nằm ở đó” cho đến ít nhất là tháng 10 tới khi QH xem xét, quyết định dù khoản viện trợ là để dành cho mục đích rất cấp bách: Khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt. Còn tại Phiên họp thứ 35 (tháng 7.2019), UBTVQH cũng đã phải cho ý kiến về việc sử dụng kinh phí kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 với số tiền là 518.389 triệu đồng (518,389 tỷ đồng) mà nguyên nhân cũng là bởi khâu tổ chức thực hiện.

 Chính phủ nêu rõ, nếu QH không cho phép các địa phương kéo dài thời gian thanh toán, thực hiện thu hồi số kinh phí này về quỹ dự phòng chung theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế thì theo quy định tại các Điều 13, 360, 361 và 419 Bộ luật Dân sự, các địa phương sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho đơn vị cung cấp tài sản, bao gồm các chi phí theo giá trị tài sản nhập khẩu; chi phí bảo quản, vận chuyển, lắp đặt, bàn giao, chạy thử; chi phí lãi tiền vay trả cho ngân hàng và các khoản chi phí phát sinh khác có liên quan theo quy định của Tòa án… Các địa phương này cũng sẽ buộc phải điều chỉnh bố trí dự toán năm 2019 để có nguồn thanh toán, dẫn đến khó khăn, bị động. Dù ý thức rất rõ hậu quả như vậy nhưng trong năm 2017, 2018, Chính phủ cũng không báo cáo UBTVQH, QH về vấn đề này.

 Những ví dụ như vậy cho thấy, dù QH có quyết định thông qua đề xuất của Chính phủ hay sẽ truy thu số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hay không, thì một việc không thể không làm là phải truy trách nhiệm đến cùng. Tất nhiên, điều này không dễ bởi nếu soi vào quy trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật hay việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật hiện nay, thì tình trạng “đá bóng trách nhiệm” giữa các cơ quan là hoàn toàn có thể xảy ra.

 Vì thế, ở góc độ xây dựng quy trình lập pháp, lập quy, câu chuyện về việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước chính là ví dụ điển hình cho thấy phải xác lập trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan để nếu có xảy ra những tình huống tương tự sẽ truy được rõ ràng, minh bạch. Với các cơ quan của QH, cũng phải giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các điều khoản, nội dung được QH ủy quyền hướng dẫn, quy định chi tiết cho Chính phủ để kịp thời đôn đốc, xử lý. (Đại Biểu Nhân Dân 14/8, Nguyễn Bình)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Tiếp tục cắt giảm thực chất ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2019.

 Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình. Chủ động thực hiện kế hoạch xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là bảo đảm tiến độ và chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

 Theo nghị quyết, Chính phủ thống nhất chủ trương tách dự án Luật thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do nội dung sửa đổi nhiều, quy mô lớn, cần xác định rõ phạm vi sửa đổi và thuận lợi trong áp dụng pháp luật. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động chuẩn bị hồ sơ, tờ trình của Chính phủ theo hướng tách thành d2 dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

 Đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Chính phủ thống nhất theo hướng quy định đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhất là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, chủ động trong quản lý các nguồn lực đầu tư trong nước, bảo đảm an ninh tiền tệ, phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

 Hướng sửa luật còn là tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; có quy định chuyển tiếp áp dụng đối với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; quy định giao Chính phủ quy định quản lý ngành nghề, lĩnh vực, điều kiện đối với hình thức đầu tư mới có thể phát sinh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 Đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất theo hướng: quy định khung, nguyên tắc chung về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh; cơ chế tài chính, kế toán phù hợp đối với hộ kinh doanh; giao Chính phủ quy định về quyền và nghĩa vụ, chính sách phát triển hộ kinh doanh.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2019 để trình Quốc hội. (Vneconomy.vn 14/8, Nguyên Vũ)Về đầu trang

Bộ Tài chính tiếp tục giảm một số lệ phí cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp (DN), lệ phí đăng ký DN.

 Cụ thể, một số mức phí cung cấp thông tin DN, lệ phí đăng ký DN thực hiện theo quy định tại biểu phí, lệ phí ban hành kèm theo thông tư này đã được giảm so với quy định hiện nay.

 Lệ phí đăng ký DN (bao gồm cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký DN và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của DN) được quy định chung với mức thu là 50.000 đồng/lần. Quy định tại thông tư trước đó được tách riêng một số loại phí, với mức từ 100.000 - 200.000 đồng/lần...

 Thông tư cũng quy định cụ thể các đối tượng được miễn phí, lệ phí. Trong đó, có 5 đối tượng được miễn, gồm: Thứ nhất, DN bổ sung, thay đổi thông tin do thay đổi địa giới hành chính được miễn lệ phí đăng ký DN và phí công bố nội dung đăng ký DN. Thứ hai, DN đăng ký giải thể DN, tạm ngừng kinh doanh; chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký DN. Thứ ba, DN thực hiện đăng ký DN qua mạng điện tử được miễn lệ phí đăng ký DN. Thứ tư, cơ quan nhà nước đề nghị cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước được miễn phí cung cấp thông tin DN. Thứ năm, DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu…

 Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 20.9. (Đại Biểu Nhân Dân 14/8, MH)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Đà Nẵng: Người dân ngồi nhà vẫn gặp chính quyền qua App đô thị thông minh

UBND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) vừa triển khai thí điểm ứng dụng điện thoại "Đô thị thông minh quận Hải Châu" để người dân tương tác với chính quyền.

 Các vấn đề phát sinh trong đời sống người dân không cần mất thời gian lên phường, quận để trình bày, chỉ cần chụp hình, gửi thông tin lên app điện thoại này, lập tức cơ quan công quyền sẽ tiếp nhận.  Sau hơn 3 tháng, hàng ngàn phản ảnh của người dân đã được chính quyền tiếp nhận và xử lý.

 Mời xem chi tiết trong video tại đường link dưới đây:

http://cafef.vn/nguoi-dan-ngoi-nha-van-gap-chinh-quyen-qua-app-do-thi-thong-minh-20190814164356573.chn

(Cafef.vn 14/8)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Điều "kỳ lạ" về năng suất lao động Việt Nam: Khu vực Nhà nước đứng đầu, tiếp đến là FDI, còn tư nhân là bét bảng

Tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia 2019, Tổng cục Thống kê cho biết: năng suất lao động (NSLĐ) nói chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu VND/lao động.

 Trong đó, NSLĐ doanh nghiệp Nhà nước đạt 678,1 triệu VND/lao động, tuy nhiên NSLĐ của doanh nghiệp Nhà nước đạt mức cao chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 228,4 triệu VND/lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu VND/lao động.

 So với các loại hình doanh nghiệp khác, NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt thấp nhất; mặt khác, khoảng cách về năng suất lao động của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang ngày càng nới rộng.

 Chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp của cả nước nên NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở mức thấp đã ảnh hưởng nhiều đến NSLĐ chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

 Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt thấp so với các loại hình doanh nghiệp còn lại do các doanh nghiệp ngoài Nhà nước phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên gặp hạn chế trong việc nâng cao NSLĐ do khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia và học hỏi từ chuỗi giá trị do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt và không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…

 Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian qua luôn có tác động tích cực đến cải thiện NSLĐ thông qua việc các doanh nghiệp này mang công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến vào đầu tư trong nước.

 Tuy nhiên, theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nguyên vật liệu làm đầu vào trong nước ở Việt Nam đạt 67,6%, thấp hơn nhiều so với một số nước như Trung Quốc (97,2%); Ma-lai-xi-a (99,9%) hay Thái Lan (96,4%).

 Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp; là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vì tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.

 Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

 Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. (Báo điện tử Trí Thức Trẻ 13/8)Về đầu trang

Reuters: Việt Nam có nhiều khả năng trở thành cơ sở sản xuất chính cho các sản phẩm của Apple trong tương lai

70% các công ty Trung Quốc rời đi cho biết Việt Nam là điểm đến ưa thích của họ, 30% còn lại chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.

 "Để giảm bớt tác động của thuế quan bổ sung của Hoa Kỳ, Foxconn có thể xem xét chuyển một phần dây chuyền sản xuất của mình cho Apple sang Việt Nam và Ấn Độ", chuyên gia phân tích kinh tế Đài Loan Arthur Liao tại Fubon Research tại Đài Bắc nói. "Chúng tôi cho rằng Việt Nam có nhiều khả năng sẽ trở thành cơ sở sản xuất chính cho các sản phẩm của Apple trong tương lai, vì nhiều bộ phận có thể được vận chuyển trực tiếp bằng tàu hỏa từ Trung Quốc, tiết kiệm chi phí thông quan và vận chuyển hàng không".

 Foxconn (Đài Loan), công ty sản xuất điện thoại thông minh cho Apple và các thương hiệu khác, đã báo cáo lợi nhuận quý II/2019 giảm 2,5% vào ngày 13/8/2019. Tuy thế, mức giảm này vẫn khả quan hơn một chút so với dự đoán của các nhà phân tích.

 Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử hợp đồng lớn nhất thế giới - được biết đến với tên chính thức là Hon Hai Precision Industry Co Ltd, đã báo cáo lợi nhuận ròng là 17,05 tỷ TWD (542 triệu USD) trong quý 4 tháng 6, so với dự báo trung bình là 16,01 tỷ TWD mà 14 nhà phân tích của Refinitiv ước tính.

 Công ty đã không giải thích chi tiết về nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận từ 17,49 tỷ TWD một năm trước đó.

 Foxconn có trụ sở tại Đài Bắc, nơi sản xuất số lượng lớn iPhone của Apple tại Trung Quốc để bán sang thị trường Hoa Kỳ. Công ty này hiện phải đối mặt với nhiều quý khó khăn hơn trước khi Washington có kế hoạch áp thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại thông minh từ ngày 1/9.

 Foxconn đã trải qua một giai đoạn chật vật khi nhu cầu thị trường đối với các thiết bị điện tử sụt giảm. Điều này đã buộc hãng phải xem xét bán nhà máy sản xuất bảng hiển thị trị giá 8,8 tỷ USD tại Trung Quốc, Reuters đưa tin tuần trước.

 Không chỉ có Foxconn, nhiều nhà sản xuất khác, thậm chí là các nhà sản xuất Trung Quốc cũng chọn Việt Nam làm điểm đến mới.

 Kể từ tháng 6 năm ngoái, 33 công ty niêm yết đã thông báo cho hai sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc về kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng sản xuất ra nước ngoài, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Nikkei Asian Review. Cũng như các nhà sản xuất nước ngoài, nhiều đợt áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, kết hợp với tăng lương và các chi phí khác, đang khiến các công ty Trung Quốc rời khỏi đất nước.

 Gần 70% trong số 33 công ty nói Việt Nam là điểm đến ưa thích của họ, 30% còn lại chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.

 Trong số các công ty đó có Kim Hoa Chunguang, một nhà sản xuất sản phẩm cao su, đã công bố vào ngày 19/7 khoản đầu tư 4,35 triệu USD để thành lập một cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Công ty có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang gần Thượng Hải, cho biết khoản đầu tư này là một phản ứng đối với "những thay đổi trong môi trường quốc tế", cũng như một phần của kế hoạch mở rộng toàn cầu. (Báo điện tử Trí Thức Trẻ 14/8)Về đầu trang

ANZ lạc quan về triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam

Triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam được đánh giá tích cực và kỳ vọng gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập trung bình cao.

 Thông tin trên là nhận định của ông Khoon Goh - Trưởng phòng Nghiên cứu châu Á tại Công ty dịch vụ Tài chính và Ngân hàng Đa quốc gia ANZ (Australia).

 ANZ cho rằng, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng GDP mạnh trong năm nay và năm 2020 khi tiếp tục thu hút dòng vốn FDI mở rộng cơ sở sản xuất. Do đó, ANZ duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay là 6,7%. Con số này thấp hơn mức tăng trưởng 7,1% năm 2018, song vẫn giúp Việt Nam củng cố vị trí là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

 Ngoài ANZ, các tổ chức quốc tế khác như Fitch's Ratings hay Moody's cũng đã đưa ra những dự báo và nhận định khả quan về nền kinh tế  cũng như các tổ chức tín dụng Việt Nam. (VTV.vn 14/8)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Không sử dụng mạng xã hội để phát tán thông tin chưa được kiểm chứng

Bộ Nội vụ cho biết, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; bảo đảm tính liên tục, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc, trực thuộc Bộ; tạo môi trường làm việc văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì nhân dân phục vụ, Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào “cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025.

 Theo đó, Bộ Nội vụ yêu cầu phong trào thi đua phải được tổ chức sâu, rộng trong các đơn vị trực thuộc Bộ với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể phù hợp tình hình thực tiễn của từng đơn vị; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Phong trào thi đua; tổ chức thực hiện phong trào phải thường xuyên, liên tục, có đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, kịp thời; phát hiện nhân tố mới, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong phong trào thi đua.

 Nội dung thi đua, đối với tập thể là thi đua xây dựng và giữ gìn cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; xây dựng, ban hành các quy định, nội dung, quy chế của cơ quan, đơn vị về văn hóa công sở; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc tại cơ quan, đơn vị. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện và chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; cán bộ, công chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới, gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử. Cán bộ, công chức, viên chức phải nghiêm túc, trách nhiệm, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin mật… (Đại Biểu Nhân Dân 14/8, Trần Hải)Về đầu trang

Cần hoàn thiện hệ thống chính sách về công tác dân tộc

Đây là yêu cầu của Trưởng Ban Dân vận Trung ương tại Hội nghị góp ý kiến vào các dự thảo văn bản Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về công tác dân tộc.

 Ngày 14/8, tại Hội nghị góp ý kiến vào các dự thảo văn bản Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về công tác dân tộc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao kết quả đạt được, nhấn mạnh để phát triển vùng đồng bào dân tộc, cần chú trọng hơn vấn đề phát triển bền vững trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Đồng chí Trương Thị Mai cũng lưu ý cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; động viên, khuyến khích người dân tham gia vào quá trình phát triển, khắc phục tư tưởng ỷ lại.

 Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng đề nghị các cấp, ngành tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về công tác dân tộc theo hướng tích hợp, lồng ghép vào các nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. (VTV.vn 14/8)Về đầu trang

Bộ Nội vụ: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký ban hành Quyết định 642-QĐ/BNV ngày 13/8 về kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thi đua thực hiện văn hóa công sở” Bộ Nội vụ giai đoạn 2019-2025.

 Theo đó, mục đích đặt ra là tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của CBCCVC, NLĐ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng hình ảnh đội ngũ CCVC Bộ Nội vụ gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày và trên các lĩnh vực công tác. Đồng thời, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc, trực thuộc Bộ; tạo môi trường làm việc văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 Bộ trưởng yêu cầu, việc thực hiện phong trào này phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, liên tục trong các phong trào thi đua của Bộ Nội vụ từ nay đến năm 2025; tổ chức sâu, rộng trong các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể phù hợp thực tiễn từng đơn vị. Trong đó, đặc biệt đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua; tổ chức thực hiện phong trào thường xuyên, liên tục, có đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, kịp thời phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, nhân rộng các gương điển hình, người tốt việc tốt, sáng kiến, kinh nghiệm hay.

 Nội dung thi đua cụ thể được lãnh đạo Bộ đề ra với các tập thể gồm: Thi đua xây dựng, giữ gìn cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; xây dựng, ban hành các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị về văn hóa công sở; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch, đơn giản hóa các TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết công việc tại cơ quan, đơn vị; ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động. Bên cạnh đó, tổ chức các phong trào thi đua thiết thực với nội dung, hình thức đa dạng, bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị để thu hút CBCCVC, NLĐ tham gia.

 Để tổ chức thực hiện, lãnh đạo Bộ đề nghị thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc, trực thuộc Bộ phát huy trách nhiệm nêu gương người đứng đầu, tổ chức triển khai thực hiện và hàng năm đánh giá kết quả thực hiện; phát hiện, giới thiệu nhân rộng điển hình điển hình; chọn những tập thể, cá nhân thực sự tiêu biểu đề nghị khen thưởng dịp sơ kết, tổng kết phong trào. (Kinh Tế & Đô Thị 14/8, Linh Nguyễn)Về đầu trang

Đề xuất quy chế sử dụng phần mềm có bản quyền khi mua sắm máy tính

Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về sử dụng phần mềm có bản quyền khi mua sắm máy tính và hoạt động duy trì, cập nhật phần mềm, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin được đầu tư.

  Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay thực trạng sử dụng chương trình máy tính không có bản quyền hợp pháp còn diễn ra phổ biến, xâm hại tới quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo, sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của đất nước và tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

 Bên cạnh đó, việc bảo trì các hệ thống thông tin sau đầu tư là cần thiết nhằm duy trì, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn; tuy nhiên trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định nội dung công việc bảo trì; xác định dự toán đối với hoạt động bảo trì và xác định nguồn kinh phí để thực hiện bảo trì (nhiều hệ thống thông tin có yêu cầu kinh phí bảo trì tương đối lớn).

 Do vậy, việc ban hành quy định về việc sử dụng phần mềm có bản quyền và hoạt động bảo trì, duy trì, cập nhật phần mềm, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin sau đầu tư là cần thiết.

 Dự thảo Quy chế này quy định về việc sử dụng bản quyền phần mềm trong phạm vi mua sắm máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến (máy vi tính để bàn, máy vi tính xách tay hoặc thiết bị điện tương đương).

 Về cách thức mua sắm bản quyền phần mềm, dự thảo nêu rõ, việc mua sắm bản quyền phần mềm được thực hiện theo phương thức sau: 1. Tổ chức mua sắm tập trung trong phạm vi của bộ, cơ quan trung ương, địa phương đối với phần mềm mà nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc cùng có nhu cầu sử dụng; 2. Tổ chức mua sắm trong nội bộ của đơn vị dự toán các cấp để phục vụ công việc thường xuyên, công tác chỉ đạo, điều hành. 

Lý do đề xuất là quy định như trên nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động trong việc tổ chức mua sắm bản quyền phần mềm dựa trên khả năng và nhu cầu thực tế của từng cơ quan, đơn vị; không tạo sức ép đối với ngân sách nhà nước trong trường hợp tổ chức mua chung bản quyền trên toàn quốc; các cơ quan, đơn vị chủ động hơn và không phải chờ đợi mua sắm tập trung trên phạm vi toàn quốc trong khi hoạt động và công việc thường nhật đòi hỏi sử dụng phần mềm.

 Đối với quy định về hoạt động duy trì, cập nhật phần mềm, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin được đầu tư, dự thảo nêu rõ: Hoạt động bảo trì hệ thống thông tin bao gồm hoạt động bảo trì phần cứng; bảo trì, duy trì, cập nhật phần mềm. (Baochinhphu.vn 14/8)Về đầu trang

Sửa Luật Xây dựng: Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, chống xin-cho

Đây là một nội dung được Bộ Xây dựng nhấn mạnh trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

 Theo Bộ Xây dựng, việc cấp giấy phép xây dựng đối với một số trường hợp còn rườm rà, bất cập, không thực sự phù hợp với thực tiễn, thời gian cấp giấy phép xây dựng vẫn còn dài. Một số trường hợp, cơ quan chuyên môn phải hướng dẫn nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép xây dựng, tốn kém về thời gian và chi phí.

 Một trong những lý do được Bộ Xây dựng đưa ra là các quy định pháp luật về thẩm quyền, đối tượng, điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng chậm được hoàn thiện và chưa thực sự phù hợp với thực tế.

 Bộ này lấy ví dụ, quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng có thời hạn phải “phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt” là không khả thi; việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình đã có quy hoạch, đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế là không cần thiết…

 Cũng theo Bộ Xây dựng, các nội dung thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng có một số điểm trùng lặp như: xem xét phù hợp quy hoạch, đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, đánh giá về an toàn công trình, năng lực hoạt động xây dựng của đơn vị tư vấn thiết kế, sự tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy…

 Việc phân công, phân cấp trong hoạt động đầu tư xây dựng còn chưa phù hợp, chưa tương xứng với điều kiện, năng lực thực hiện của các chủ thể. Quy định về phân cấp thẩm quyền chưa gắn liền với quy định trách nhiệm và các chế tài xử lý.

 Do đó, trong dự thảo Luật đang được xây dựng, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo hướng làm rõ các bước thiết kế cần thẩm định, phê duyệt; giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn khác.

 Cụ thể, giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thông qua việc chỉ thẩm định đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công, công trình sử dụng vốn doanh nghiệp nhà nước, công trình thực hiện theo hình thức hợp đồng đối tác công tư có quy mô lớn hoặc ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng; đồng thời, để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, các công trình này không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng.

 Cùng với đó, thực hiện tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn khác có quy mô lớn hoặc ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng thuộc khu vực không yêu cầu lập quy hoạch xây dựng vào thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng vì: các công trình này thuộc khu vực không yêu cầu lập quy hoạch xây dựng mà chỉ yêu cầu lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành nên không có nhiều yếu tố để xem xét tại cơ quan cấp giấy phép xây dựng (Sở Xây dựng) song vẫn cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố về an toàn, môi trường,.... Do vậy, việc kiểm soát các công trình này thông qua thẩm định thiết kế xây dựng và không yêu cầu cấp giấy phép xây dựng là phù hợp.

 Đối với các dự án còn lại, Bộ đề xuất phân quyền cho chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng, đẩy mạnh vai trò chuyên môn của đơn vị tư vấn thẩm tra để phục vụ công tác thẩm định và phê duyệt của chủ đầu tư. (Đại Biểu Nhân Dân 13/8, Hà Chính)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đẩy nhanh số hóa dữ liệu ngành bảo hiểm xã hội

Số hóa dữ liệu ngành bảo hiểm xã hội giúp các địa phương có thể rút ngắn thời gian tra cứu thông tin và rút ngắn thời gian đóng nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp.

 Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trước đây khi hồ sơ chưa được số hóa, nếu địa phương cần sao lục hồ sơ từ Trung tâm lưu trữ của ngành, có thể mất vài tuần, nhưng nay có thể tra cứu với thời gian tính bằng phút. Đây được coi là kết quả ấn tượng của trung tâm lưu trữ thông tin sau 2 năm thực hiện số hóa hơn 4,7 triệu bộ hồ sơ thành 25 triệu trang tài liệu điện tử. Đây cũng được coi là điểm đối mới trong công tác lưu trữ, truy xuất thông tin của ngành, tạo ra sự hài lòng của người được thụ hưởng.

 Hai năm nay, song song với việc lưu trữ hồ sơ giấy của hàng triệu người thụ hưởng bảo hiểm xã hội trên cả nước, Trung tâm lưu trữ Bảo hiểm xã hội có thêm kho lưu trữ hồ sơ điện tử. Nhờ vậy, bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội cấp huyện được khai thác, sử dụng.

 Đáng chú ý, đến nay tất cả dữ liệu nghiệp vụ của ngành bảo hiểm đều được liên thông, kết nối và đồng bộ đảm bảo việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ trên các phần mềm công nghệ thông tin. Nhờ đó, không chỉ thời gian tra cứu thông tin được rút ngắn, mà thời gian đóng nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp cũng được rút gắn.

 Theo thống kê, tổng số đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH thực hiện giao dịch điện tử là trên 337.000 đơn vị, chiếm trên 50% tổng số đơn vị sử dụng lao động. Mục tiêu đến năm 2025, 100% hồ sơ, tài liệu của ngành sẽ được số hóa. (VTV.vn 14/8)Về đầu trang

TP Hà Nội hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ

Ðể góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, TP Hà Nội tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện tất cả các nội dung tại các cơ quan, đơn vị, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ. Chủ đề của từng năm được xác định là "Năm kỷ cương hành chính" và "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

 Thành phố đã ban hành nhiều quyết định cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), công bố TTHC đặc thù, TTHC liên thông thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố; chuẩn hóa 658 TTHC và được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Thực hiện ủy quyền cho một số sở, ban, ngành giải quyết một số TTHC trên các lĩnh vực quản lý khu công nghiệp và chế xuất, công thương, tài nguyên và môi trường, lao động - thương binh và xã hội, văn hóa và thể thao.

 Tỷ lệ TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đạt 97,33%. Quyết liệt triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 đối với nhiều TTHC; phổ biến hệ thống phần mềm dùng chung lĩnh vực tư pháp - hộ tịch tới 584 xã, phường, thị trấn, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến qua mạng đạt 93%.

 Từ nay đến năm 2020, TP Hà Nội tiếp tục cải thiện chỉ số PAPI; triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết TTHC tại các cơ quan. Tăng cường phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; xây dựng quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ người, rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, cá nhân. Thực hiện công khai, minh bạch quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm người đứng đầu. (Nhân Dân 14/8, PV) Về đầu trang

Bắc Giang đẩy mạnh cải cách hành chính

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính. Toàn tỉnh có 392 thủ tục hành chính liên thông giữa các sở, ban, ngành và 85 thủ tục hành chính liên thông giữa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

 Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh có hơn một nghìn thủ tục hành chính, áp dụng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Cuối tháng 7-2019, Trung tâm đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông kết nối phần mềm một cửa với ứng dụng Zalo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

 Thời gian tới, tỉnh tập trung nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giải quyết công việc. Tỉnh sẽ rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm việc tại bộ phận "một cửa" ở các cấp; kiên quyết xử lý công chức bộ phận "một cửa" thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu, có thái độ không đúng mực khi tiếp công dân. (Nhân Dân 15/8, PV)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Ngân sách bội thu - một điểm nhấn

Nếu GDP là hiệu quả, thì thu ngân sách là hiệu quả của hiệu quả. Không chỉ vậy, thu chi ngân sách còn liên quan trực tiếp đến bộ máy Nhà nước và liên quan đến nhiều cân đối vĩ mô khác. Với vai trò đó, thu chi ngân sách trong 7 tháng đầu năm nay đã có một điểm nhấn quan trọng so với nhiều thời kỳ trước đây, đó là ngân sách đã bội thu.

 Bội thu trong 7 tháng năm nay là một điểm nhấn, bởi mức bội thu đã cao gấp 3 lần mức bội thu 38.300 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, ngược chiều với mức bội chi theo dự toán cả năm (220.000 tỷ đồng, bằng 3,6% GDP).

 Trong nhiều năm trước, ngân sách Nhà nước liên tục bội chi,, trong đó năm 2015 lên tới 6,1%, năm 2016 là 3,7%, năm 2018 là 3,46%. Bội thu do tổng thu đạt lớn hơn tổng chi cả về quy mô tuyệt đối (811.700 tỷ so với 776.000 tỷ đồng), cả về tỷ lệ thực hiện so với dự toán năm (63,2% so với 47,6%), cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước (11,9% so với 2,3%).

 Kết quả của 7 tháng là tích cực và tín hiệu khả quan, thể hiện ở tỷ lệ thực hiện so với dự toán cả năm: Tỷ lệ của tổng thu cao hơn, trong khi tỷ lệ của tổng chi thấp hơn nhiều tỷ lệ về thời gian (7 tháng so với 12 tháng); tốc độ tăng của tổng thu cao hơn tốc độ tăng của GDP, còn của tổng chi lại thấp hơn nhiều, tạo tiền đề để cả năm thu vượt dự toán, chi thấp hơn dự toán và tổng thu tăng cao hơn GDP giá thực tế, tổng chi tăng thấp hơn GDP giá thực tế.

 Trong tổng thu, những khoản chủ yếu đều đạt tỷ lệ so với dự toán đều khá. Khoản thu lớn nhất là thu nội địa, đạt 61,8%, cao hơn tỷ lệ thực hiện 58,4% của cùng kỳ năm trước; khoản thu này so với cùng kỳ năm trước đã tăng tới 12,8%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng của tổng thu trong tổng thu nội địa, tỷ lệ thực hiện so với dự toán của các khoản như thu từ sử dụng đất, thu từ khu vực ngoài nhà nước đạt cao hơn tỷ lệ chung.

 Khoản thu lớn thứ 2 là thu từ xuất nhập khẩu so với dự toán năm đạt tới 68,2% và so với cùng kỳ năm trước tăng rất cao 17,9%, gần gấp rưỡi tốc độ tăng của tổng thu và cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu (7,5%) cũng như của nhập khẩu (8,3%). Điều này càng có ý nghĩa trong điều kiện thuế suất thuế xuất nhập khẩu giảm khi thực hiện Hiệp định CPTPP. Đạt được trong điều kiện đó, ngoài yếu tố giá xuất nhập khẩu tính bằng VND tăng, cơ cấu xuất nhập khẩu có thuế suất nhập khẩu khác nhau, còn do việc hành thu tích cực hơn, hạn chế việc trốn thuế, gian lận thương mại...

 Riêng thu từ dầu thô đạt tỷ lệ thực hiện so với dự toán năm khá cao (77%), do lượng dầu thô xuất khẩu tăng khá (8,7%), mặc dù so với cùng kỳ năm trước kim ngạch giảm 0,2%, do giá xuất khẩu giảm 9,1%, nên thu ngân sách từ dầu thô giảm 3,4%.

 Bội thu ngân sách Nhà nước có tác động về nhiều mặt. Vì thu chi ngân sách có liên quan trực tiếp đến hoạt động của bộ máy Nhà nước, nên bội thu ngân sách sẽ tạo điều kiện cho Nhà nước thuận lợi cho việc chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Bội thu ngân sách tạo điều kiện cho việc giảm nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài/GDP- một trong những quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô quan trọng, liên quan đến an toàn tài chính quốc gia của Việt Nam.

 Tuy bội thu ngân sách, nhưng chưa thật bền vững, bởi một số nguyên nhân. Cách tính bội chi từ vài năm nay có sự thay đổi: Không tính trả nợ gốc vào chi ngân sách; nếu tính khoản chi này vào chi ngân sách thì bội chi chứ không bội thu.

 Trong thu ngân sách nội địa, tỷ lệ thực hiện dự toán năm của khối doanh nghiệp Nhà nước đạt mức thấp nhất trong 3 khối, thấp hơn khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Khối doanh nghiệp FDI cũng còn thấp do xuất khẩu của khối này chậm lại. Tỷ lệ thực hiện dự toán năm của khoản thuế bảo vệ môi trường còn thấp. (Baochinhphu.vn 14/8, Minh Ngọc)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Cán bộ Sóc Trăng dùng xe công đi đám cưới tự nhận hình thức kiểm điểm “rút kinh nghiệm”

Sáng 13/8, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, các đơn vị có xe công đi đám cưới con trai bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng ban Dân vận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng vừa gửi báo cáo về việc kiểm điểm cán bộ.

 Theo đó, tất cả cán bộ dùng xe công đi đám cưới đều tự nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm, không đưa ra mức kỷ luật nào. Ủy ban Kiểm tra tỉnh đang tổng hợp các báo cáo để trình Tỉnh ủy Sóc Trăng xem xét xử lý. 

Trước đó, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tổ chức đến 4 tiệc rượu diễn ra trong 3 ngày mừng đám cưới cho con trai. Đặc biệt, nhiều xe công chở cán bộ đến dự đám cưới khiến dư luận bức xúc.

 Liên quan đến vụ việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Sóc Trăng kiểm tra thông tin và xử lý vi phạm (nếu có) đối với bà Đào. (VTC.vn 14/8, Thanh Tiến)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More