Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 12-8-2019

Post date: 12/08/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.  Cán bộ cưỡng chế thi hành án tại Cà Mau bị thương: Bài học đắt giá cho các địa phương  1

CHỈ THỊ MỚI 2

2.Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 5-9/8. 2

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 3

3.  Việt Nam tăng năng suất lao động nhằm đẩy lùi tụt hậu. 3

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 3

4. Cần đánh giá việc hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng. 3

QUẢN LÝ.. 5

5. Gần 1.800 dự án đầu tư công chậm tiến độ năm 2018. 5

6.Đề xuất phạt tới 40 triệu đồng đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn. 6

7. Bộ Công an không tiếp khách, nhận hoa dịp 74 năm ngày truyền thống ngành. 7

8.TP.HCM sẽ giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên cho các trường. 7

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 8

9.Xây dựng trục liên thông văn bản điện tử với doanh nghiệp. 8

10. Lào Cai: Cung cấp thông tin homestay Sa Pa, Bắc Hà trên Zalo. 8

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 9

11.  Nợ nước ngoài quốc gia trong tầm kiểm soát 9

12. Gánh nặng bảo lãnh nợ vay. 10

13.56/63 địa phương thu ngân sách cao hơn cùng kỳ. 11

14.Doanh nghiệp tích cực nộp thuế, thu ngân sách tăng gần 12%.. 12

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 12

15.  Nhóm cán bộ nhận hàng tỷ đồng để bảo kê xe vi phạm ở Hà Nội 12

16. “Lộ” 10 cán bộ, công chức ở Bình Định liên quan đến tham nhũng. 13

THẾ GIỚI 15

17.Thủ tướng Anh ủng hộ tăng quyền hạn cho cảnh sát chống tội phạm.. 15

18. Singapore: Người dân có thể thanh toán điện tử mọi dịch vụ công. 15

 TIÊU ĐIỂM

Cán bộ cưỡng chế thi hành án tại Cà Mau bị thương: Bài học đắt giá cho các địa phương

Vụ việc 10 cán bộ trong đoàn cưỡng chế thi hành án tại Cà Mau bị thương là bài học đắt giá trong công tác thi hành án tại các địa phương.

 Mới đây, tại Cà Mau, 10 cán bộ trong đoàn cưỡng chế thi hành án tại huyện Cái Nước đã bị thương và bỏng nặng. Tham gia sơ cứu những cán bộ bị thương, người đàn ông xã Thạnh Phú, Cái Nước cho biết gia đình (nhà ông Kiếm và bà Hiến) bị thi hành án đã mua xăng dự trữ sẵn trong nhà. Vụ việc diễn ra rất nhanh, khiến nhiều người bất ngờ.

 Thông tin từ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Nước, lực lượng chấp pháp biết trước gia đình ông Kiếm, bà Hiến sẽ chống cự. Các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cũng đã được bàn tính. Tuy nhiên, do các đối tượng quá manh động nên lực lượng thi hành án trở tay không kịp.

 Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau cho biết công tác cưỡng chế diễn ra đúng quy trình. Lực lượng chức năng đã nhiều lần vận động nhưng gia đình bị cưỡng chế không hợp tác.

 Các đối tượng chống đối sẽ bị trả giá bằng những bản án thích đáng. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng là bài học đắt giá trong công tác thi hành án tại các địa phương. Đó là cần phải có những giải pháp chủ động đảm bảo an toàn cho các thành viên khi tham gia cưỡng chế thi hành án.

 Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau, đến thời điểm này chỉ còn một cán bộ bị bỏng nặng đang nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các nạn nhân còn lại đều đã về nhà hoặc nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

 Mời xem chi tiết trong video tại đường link dưới đây:

https://vtv.vn/trong-nuoc/can-bo-cuong-che-thi-hanh-an-tai-ca-mau-bi-thuong-bai-hoc-dat-gia-cho-cac-dia-phuong-20190811175614171.htm

(Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 16h ngày 11/8) Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 5-9/8

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai 8 nhiệm vụ cấp bách ứng phó thiên tai; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài; tạo chuyển biến trong phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 5-9/8.

 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai 8 nhiệm vụ cấp bách ứng phó thiên tai: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ, đồng thời triển khai 8 nhiệm vụ cấp bách để ứng phó mưa lũ sau Bão số 3.

 Thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú": Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ IV (Hội đồng), để giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2019. 

Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân ngay từ khi mới phát sinh ngay tại cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân...

 Tạo chuyển biến trong phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có bước chuyển biến căn bản.

 Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 995/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Theo quyết định, Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan điều chỉnh mật độ xây dựng gộp tối đa từ 35% lên 50%. (Baochinhphu.vn 10/8, Phương Nhi)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam tăng năng suất lao động nhằm đẩy lùi tụt hậu

Năng suất lao động có ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới.

 Nhận thức rõ về ý nghĩa cực kỳ quan trọng của năng suất lao động nên trong tuần qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị để tìm ra những phương hướng gỡ được nút thắt này. Và đây cũng là chủ đề được nhiều tờ báo quan tâm đăng tải.

 Tờ Đầu tư cho biết, lao động phi chính thức của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số lao động toàn nền kinh tế. Theo Tổ chức Lao động thế giới, người lao động dù chỉ làm việc 1-2 giờ/tuần vẫn được tính là có việc làm.

 Năng suất lao động của Việt Nam thấp không phải do người Việt Nam làm kém, làm chậm hơn so với các nước, mà do Việt Nam hiện nay có tới 37% dân số làm việc trong khu vực nông nghiệp. Trong khi đó, nông sản có giá trị không thể cao. Bên cạnh đó, có những ngành như điện tử, da giầy, may mặc, Việt Nam chỉ đảm nhiệm phần gia công có giá trị thấp nhất.

 Như vậy là lời giải cho điểm nghẽn về năng suất lao động của Việt Nam không chỉ là nâng cao năng suất lao động một cách đơn thuần mà phải là chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ mô hình nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển từ gia công sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin và các mô hình kinh tế mới... (Kênh VTV1 – Báo chí toàn cảnh lúc 7h sáng 11/8)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Cần đánh giá việc hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng

Đó là đề nghị của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội tại báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 thuộc lĩnh vực Ủy ban này phụ trách.

 Một trong những nội dung được thẩm tra là kết quả thực hiện yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản, ngăn chặn không để các đối tượng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng, bỏ trốn ra nước ngoài.

 Cơ quan thẩm tra đánh giá, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng tiếp tục được tăng cường, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, khám phá thành công nhiều chuyên án lớn, triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại đặc biệt nghiêm trọng; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

 Theo đó, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo phương châm "làm rõ đến đâu, xử lý đến đó", kể cả những vụ, việc tồn tại từ nhiều năm trước. Khởi tố, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi phạm tội tham nhũng, kinh tế đối với nhiều vụ án như: Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm"), Mobifone mua 95% cổ phần của AVG...

 Theo báo cáo của Chính phủ, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 11.559 vụ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, 224 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ, 1.515 vụ buôn lậu, đã khởi tố 1.786 vụ/2.679 bị can phạm tội về kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Qua đó đã kịp thời kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan nhiều giải pháp khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế- xã hội, góp phần phòng ngừa tội phạm. 

Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được quan tâm và có nhiều chuyển biến, một số vụ án tỷ lệ thu hồi đạt cao, có vụ án thu hồi tài sản đạt 100% (vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng Hồng Việt, Tp.HCM).

 Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra nêu rõ, qua giám sát của Uỷ ban Tư pháp cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng các vụ án tham nhũng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, vẫn còn đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

 Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tư pháp dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết còn nhiều.

 Uỷ ban Tư pháp đánh giá, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án còn thấp...

 Những hạn chế nêu trên chưa được báo cáo của Chính phủ đánh giá và để ra các giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng chưa đánh giá về thực trạng việc hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng; tình trạng đối tượng có hành vi tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài... để có giải pháp ngăn chặn kịp thời, cơ quan thẩm tra nhận xét.

 Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đã được giao tại các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề. (Vneconomy.vn 10/8, Hà Vũ)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Gần 1.800 dự án đầu tư công chậm tiến độ năm 2018

Năm 2018 cả nước có 56.567 dự án đầu tư công được thực hiện, trong đó có 1.778 dự án chậm tiến độ, 422 dự án thất thoát, lãng phí…, con số được đưa ra tại báo cáo tổng hợp công tác giám sát đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Thủ tướng Chính phủ.

 Kết quả tổng hợp giám sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ 105 bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực về hiệu quả đầu tư công. Đây cũng là năm thứ 4 các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy định gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư về Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

 Theo báo cáo, năm 2018, tổng số vốn được bố trí theo kế hoạch Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư công là 631.695 tỷ đồng, đạt 79,78% so với kế hoạch năm, tuy nhiên chỉ giải ngân được 463.717 tỷ đồng (đạt 73,41% so với kế hoạch). 

Một số cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch vốn đã được bố trí như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn; Đài truyền hình Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam…

 Trong tổng số 56.567 dự án thực hiện đầu tư năm 2018 có tới 23.618 dự án chuyển tiếp từ các năm trước, chiếm 41,8%; 32.949 dự án khởi công mới, chiếm 58,2%. Trong số các dự án khởi công mới có 16 dự án nhóm A (vốn đầu tư từ 10.000 tỉ đồng trở lên), 601 dự án nhóm B, dự án nhóm C là 32.332 dự án.

 Năm 2018 có 30.521 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng, chiếm 54% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ (trong đó có 15 dự án nhóm A, 553 dự án nhóm B, 29.953 dự án nghóm C). Tuy nhiên, theo báo cáo, trong số các dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng có 245 dự án không hiệu quả.

 Kết quả tổng hợp cho biết, một số cơ quan có số dự án khởi công lớn là Lào Cai có 1.219 dự án khởi công mới, Phú Thọ 830 dự án mới, Bắc Giang 1.244 dự án, Hà Nội 1.430 dự án, Thanh Hóa 1.495 dự án, Khánh Hòa 1.114 dự án, Tp.HCM 1.605 dự án, Long An 1.065 dự án khởi công mới… Cùng đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (3.281 dự án khởi công mới, chiếm 67,3% so với số dự án thực hiện), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VIệt Nam (VNPT) là 3.577 dự án khởi công mới, chiếm 84,3% so với số dự án thực hiện).

 Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2018 có 1.778 dự án chậm tiến độ, trong đó dự án nhóm A là 32 dự án, nhóm B là 382 dự án và nhóm C là 1.364 dự án. Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng, vướng thủ tục đầu tư, do bố trí vốn không kịp thời; do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu và các nguyên nhân khác.

 Trong năm 2018 có tới 2.434 dự án thực hiện đầu tư trong năm phải điều chỉnh, trong đó điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (1.147 dự án), điều chỉnh tiến độ đầu tư (881 dự án), điều chỉnh vốn (798 dự án) và điều chỉnh do các nguyên nhân khác (790 dự án). Có 43.344 dự án trên tổng số 56.567 dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước thực hiện đầu tư trong kỳ là thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư.

 Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, năm 2018 khi tiến hành kiểm tra 15.620 dự án (chiếm 27,8% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ) cơ quan thanh kiểm tra đã phát hiện 25 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 54 dự án vi phạm về quản lý chất lượng, 422 dự án thất thoát, lãng phí và 450 dự án phải ngừng thực hiện.

 Trong đó, các địa phương có thất thoát, lãng phí nhiều nhất là Bắc Giang với 196 dự án, Phú Thọ có 111 dự án, Quảng Ngãi có 58 dự án. Các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.

 Vấn đề nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng được đưa ra trong báo cáo. Theo đó, tổng số vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2018 là 12.050 tỷ đồng, số nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại là 12.554 tỷ đồng. Một số đơn vị còn nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lớn gồm Hà Giang (709 tỷ đồng), Thái Nguyên (2.035 tỷ đồng), Phú Thọ (1.463 tỷ đồng), Ninh Bình (4.480 tỷ đồng), Bình Định (825 tỷ đồng)… 

Đánh giá về những hạn chế, tồn tại về các dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư còn dài, một số quy định còn bất cập; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, nhiều dự án còn chậm tiến độ, phải điều chỉnh; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; việc thực hiện quyết toán các dự án hoàn thành ở một số cơ quan còn thấp.

 Cơ quan này kiến nghị Chính phủ, các cơ quan các cấp bố trí đủ vốn theo kế hoạch cho các chương trình, dự án đầu tư, xem xét việc phân cấp cho các cơ quan cấp dưới được điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư trong cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân cấp quản lý; xem xét phân cấp trong việc thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán… (Vneconomy.vn 11/8, Lan Ca)Về đầu trang

Đề xuất phạt tới 40 triệu đồng đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn

Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 46 theo hướng chỉ cần người lái xe có nồng độ cồn trong máu dưới 50 mg/lít khí thở sẽ bị xử phạt nặng.

 Có 3 phương án được đề xuất, tuy nhiên Bộ GTVT đề xuất chọn phương án 3 sửa đổi mức xử phạt đối với vi phạm về nồng độ cồn, theo đó mức 1 đối với người điều khiển ô tô là 6 - 8 triệu đồng và mức phạt cao nhất đối với vi phạm của hành vi này là 30 - 40 triệu đồng.

 Người vi phạm còn bị tước bằng lái xe 22 - 24 tháng thay vì 4 - 6 tháng hiện nay. Đây cũng là mức phạt được áp dụng với người điều khiển xe dương tính với ma túy. Với xe máy, mức 1 sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng và mức phạt cao nhất là 6 - 8 triệu đồng. (VTV.vn 11/8)Về đầu trang

Bộ Công an không tiếp khách, nhận hoa dịp 74 năm ngày truyền thống ngành

Bộ Công an vừa phát đi thông báo không chủ trương tiếp khách nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống Công an nhân dân.

 Cụ thể, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2019) và 14 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2019), Bộ Công an chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan Bộ và Công an các đơn vị, địa phương.

 Bộ Công an Bộ Công an mong nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đối với chủ trương trên.

 Chủ trương này được Bộ Công an thực hiện theo Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị về việc "Đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao"; Nghị định số 111/NĐ-CP, ngày 31/8/2018 của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương; Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 Theo Chỉ thị 30, để tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ,... kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi: mua xe công; tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, ký kết thi đua, tiếp khách. (Vneconomy.vn 10/8, Bạch Huệ)Về đầu trang

TP.HCM sẽ giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên cho các trường

Trước thực trạng khó tuyển giáo viên, TP.HCM đang tính đến cho phép các trường từng bước tự chủ trong tuyển dụng giáo viên, nhằm giải quyết việc thiếu giáo viên cục bộ.

 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 12 thiếu hàng chục giáo viên các bộ môn như: tiếng Anh, năng khiếu, âm nhạc, mỹ thuật… Không thể chờ tuyển biên chế theo kế hoạch, trường phải xoay sở bằng cách ký hợp đồng thỉnh giảng, dù không ít băn khoăn về chất lượng.

 Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện cho rằng, việc các trường không được ký hợp đồng tuyển dụng giáo viên là chủ trương đúng. Tuy nhiên, với đặc thù thiếu giáo viên cục bộ tại TP.HCM như hiện nay, TP.HCM cần sớm mở rộng mô hình tự chủ, giao cho hiệu trưởng các trường được chủ động tuyển dụng giáo viên. Hiện tại, TP.HCM đang có 2 trường được thí điểm chủ động tuyển giáo viên là THPT Chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa. Sắp tới, TP.HCM sẽ mở rộng thêm tại mộ số trường.

 Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM khẳng định, giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên nhưng không "buông' mà vẫn siết chặt giám sát chất lượng nhân sự và nội dung đổi mới trong giảng dạy.

 Việc được giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên sẽ giúp các trường chủ động trả lương giáo viên theo năng lực thực tế. (Kênh VTV1 – Chuyển động 24h lúc 11h26 ngày 11/8)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Xây dựng trục liên thông văn bản điện tử với doanh nghiệp

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp trực thuộc sẽ cùng nhau xây dựng trục liên thông văn bản điện tử. Qua đó, tích hợp dữ liệu và số hóa các hoạt động quản lý điều hành của ủy ban với doanh nghiệp, theo đúng yêu cầu, chỉ đạo và định hướng của Chính phủ.

 Ông Trần Công Hòa, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Thông tin (Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết, 19 doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban đã tham gia khảo sát về các vấn đề liên quan tới xây dựng trục liên thông văn bản điện tử của ủy ban.

 Mỗi doanh nghiệp sử dụng nền tảng công nghệ khác nhau, nên rất cần thiết phải xây dựng trục tích hợp dữ liệu để đảm bảo sự đồng bộ nhằm chia sẻ thông tin, báo cáo phục vụ công việc. Các doanh nghiệp sẽ liên thông qua trục với Uỷ ban để kết nối các bộ, ngành, địa phương thông qua trục liên thông văn bản quốc gia. Do đó, doanh nghiệp cần khẩn trương đầu tư nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản, đáp ứng yêu cầu chuẩn dữ liệu theo quy định.

 “Nếu xây dựng thành công mô hình Chính phủ điện tử, cả ủy ban và doanh nghiệp sẽ cùng đạt được mục tiêu nâng cao năng lực quản trị; đổi mới công nghệ, tiết kiệm và gia tăng lợi nhuận; kết nối chặt chẽ, từ đó nâng cao hiệu quả vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ trong ủy ban cùng cần tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và triển khai với các doanh nghiệp khác”, ông Hòa nhấn mạnh.

 Đại diện các doanh nghiệp trực thuộc, ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cho biết, VNPT đang triển khai hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia cho Chính phủ. 

Tới đây, VNPT sẽ cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc với nhau và có thể kết nối vào trục liên thông văn bản quốc gia. (Xây Dựng 11/8)Về đầu trang

Lào Cai: Cung cấp thông tin homestay Sa Pa, Bắc Hà trên Zalo

Ngày 9/8, Chính quyền tỉnh Lào Cai chính thức ký kết hợp tác triển khai ứng dụng Zalo trong xây dựng chính quyền điện tử. Từ nay, người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tra cứu thông tin về tình trạng hồ sơ, liên lạc với cơ quan chức năng… qua ứng dụng Zalo trên địện thoại di động.

 Việc tra cứu tình trạng cũng được thực hiện dễ dàng bằng thao tác quét mã QR hoặc nhắn tin mã số hồ sơ.

 Khách du lịch Sa Pa, Y Tý, Bắc Hà có thể tìm thấy thông tin homestay, địa điểm du lịch tại “Cổng hành chính công Lào Cai” trên Zalo. Đây đều là những cơ sở đã đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương và công khai số giường/phòng.

 Để phục vụ nhu cầu di chuyển từ ga Lào Cai và bến xe trung tâm đến Thị trấn Sa Pa, huyện Bát Xát… “Cổng hành chính công Lào Cai” trên Zalo cũng có danh mục cung cấp thông tin các tuyến xe buýt.

  Phát biểu tại lễ ký kết, ông Vương Trinh Quốc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, cho biết việc kết nối kỹ thuật giữa phần mềm một cửa điện tử của tỉnh với Zalo đã hoàn thành và hệ thống hoạt động ổn định. Kết quả tra cứu được trả về máy điện thoại rất nhanh, ngay khi người dân thực hiện yêu cầu trên ứng dụng Zalo.

 Các sở ngành đang xây dựng mẫu câu hỏi và trả lời, tiến tới hình thành bộ dữ liệu chuẩn để ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chatbot nhằm trả lời nhanh thắc mắc của người dân một cách tự động.

 Ông Nguyễn Duy Hòa, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai, đề nghị Zalo tiếp tục phối hợp với chính quyền tỉnh để tích hợp tính năng tra cứu kiến nghị của cử tri đối với HĐND.

 Theo ông, HĐND có các hoạt động tham vấn nhân dân về chính sách, các dự án lớn. Vấn đề trả lời kiến nghị cử tri cũng là điều mà lâu nay địa phương loay hoay. Người dân thì hỏi, câu hỏi này đã được các cơ quan trả lời. Nhưng để thông tin này đến được với người dân rất khó, chủ yếu là thông qua chính quyền cấp xã, thôn, không đến trực tiếp được với người dân.

 "Rất mong với giải pháp của Zalo, bằng điện thoại di động, người dân có thể tra cứu được kiến nghị, tình trạng giải quyết, câu trả lời”, ông Nguyễn Duy Hòa bày tỏ. (Xây Dựng 11/8)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Nợ nước ngoài quốc gia trong tầm kiểm soát

Chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia dưới mức trần được Quốc hội cho phép là không quá 50% và đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

 Phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành và Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 - 2018 và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia dưới mức trần được Quốc hội cho phép là không quá 50% và đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Đặc biệt, nợ nước ngoài của Chính phủ giảm rất mạnh, nợ nước ngoài Chính phủ bảo lãnh chiếm tỷ trọng nhỏ và cũng có xu hướng giảm. Quy mô nợ nước ngoài quốc gia tăng chủ yếu là nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng theo hình thức tự vay tự trả.

 Để bảo đảm an toàn nợ công nói chung và nợ nước ngoài của quốc gia nói riêng, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tăng cường điều hành, quản lý nợ theo quy định của pháp luật như Luật quản lý nợ công, các Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, Chính phủ về nợ công, nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nói chung chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn tự thân của doanh nghiệp. (VTV.vn 10/8)Về đầu trang

Gánh nặng bảo lãnh nợ vay

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, lũy kế đến hết năm 2018, Chính phủ đã bảo lãnh vay vốn cho các dự án đầu tư quan trọng khoảng 27,7 tỷ USD, trong đó có 23,6 tỷ USD vốn vay nước ngoài, còn lại là vay trong nước. Riêng năm 2018, Chính phủ chỉ cấp mới bảo lãnh cho 2 dự án điện vay vốn nước ngoài với tổng trị giá 1,6 triệu USD và bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu. Như vậy có thể thấy, bảo lãnh Chính phủ dù được nối lại sau một năm tạm dừng (2017) vì nợ công tăng cao nhưng vẫn được kiểm soát chặt chẽ, thận trọng.

 Tuy nhiên, an ninh tài chính quốc gia đang chịu sức ép đáng kể từ khả năng trả nợ của các dự án được Chính phủ bảo lãnh trong quá khứ. Năm ngoái, Quỹ Tích lũy trả nợ phải ứng 8,13 triệu USD cho Tổng công ty Giấy Việt Nam để trả nợ cho Nhà máy bột giấy Phương Nam, nâng tổng trị giá ứng trả cho dự án này lên… 97 triệu USD. Một loạt dự án đầu tư dây chuyền sản xuất ximăng được Chính phủ bảo lãnh nợ vay cũng đang gặp khó khăn. Cụ thể, dự án ximăng Thái Nguyên mất khả năng trả nợ từ năm 2011, đến nay Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam đã phải tạm ứng từ Quỹ tích lũy trả nợ 30,79 triệu EUR. Dự án ximăng Hạ Long cũng thua lỗ và không trả được nợ từ 2012 - 2015, vì thế Tổng công ty Sông Đà phải vay Quỹ Tích lũy trả nợ 52,21 triệu USD để trả nợ vay nước ngoài.

 Khá khẩm hơn chút là dự án ximăng Đồng Bành, dù gần đây đã sản xuất ổn định nhưng vẫn phải vay 16,55 triệu USD để có tiền trả nợ.

 Không rõ đến nay Quỹ Tích lũy trả nợ đã phải ứng ra bao nhiêu tiền. Chỉ biết rằng, khoản nợ của doanh nghiệp khi được Chính phủ cấp bão lãnh thì đến hạn nhất định phải trả đủ, và trường hợp doanh nghiệp không có khả năng chi trả, Chính phủ sẽ phải đứng ra trả thay. Nếu không, uy tín tín dụng của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng và điều này tác động ngay lên chi phí vay vốn của cả nền kinh tế.

 Một điều nữa cũng không ai biết đó là khi nào Quỹ Tích lũy trả nợ mới được các dự án này... trả nợ! Như Nhà máy bột giấy Phương Nam, từ năm 2014, Chính phủ đã yêu cầu xây dựng phương án xử lý theo hình thức thanh lý hoặc nhượng bán lại. Nhưng đến nay Bộ Công thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết xong tài sản và hàng tồn kho của dự án để trả cho Quỹ Tích lũy trả nợ. Vài ba lần dự án được mang ra đấu giá mà không có nhà đầu tư nào quan tâm vì… giá quá cao. Tháng 6.2019, Bộ Công thương báo cáo Quốc hội rằng, việc định giá lại dự án đã hoàn tất và trình Bộ Công thương phê duyệt để tiếp tục triển khai bán đấu giá. Nghĩa là sau 5 năm, dự án gần 1.500 tỷ đồng này vẫn dậm chân tại chỗ ở khâu xử lý, chỉ có số tiền tạm ứng trả nợ là tăng dần đều.

 Từ thực tế này, có lẽ đã tới lúc Chính phủ cần phải dũng cảm để những doanh nghiệp nhà nước phá sản và bán một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thậm chí với giá 0 đồng. Phá sản doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm, nghìn công nhân viên, nhưng nếu cứ trì hoãn “mua thời gian” cho các doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” thì cũng có hàng triệu người dân bị ảnh hưởng vì ngân sách vẫn phải trực tiếp hoặc gián tiếp nuôi và trả nợ thay cho các doanh nghiệp.  Chính phủ càng không phải lo chuyện bán vội thì giá sẽ rẻ, gây thất thoát tài sản nhà nước. Bởi một khi doanh nghiệp công nợ ngập đầu thì có ai đó mua với giá 0 đồng cũng đã quá tốt, còn hơn là Nhà nước phải tiếp tục đứng ra è cổ trả nợ thay không biết bao giờ mới thôi như trường hợp dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.

 Lâu nay báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội chỉ cho biết về số doanh nghiệp được bảo lãnh vay nợ, thay vì cho biết chi tiết hiệu quả sử dụng vốn vay được bảo lãnh ở từng dự án và khả năng trả nợ của từng dự án đến nay ra sao. Đây cũng là điều cần được thay đổi trong những kỳ họp tới. (Đại biểu nhân dân 10/8, Hà Lan)Về đầu trang

56/63 địa phương thu ngân sách cao hơn cùng kỳ

Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 7.2019 ước đạt 144,45 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu ngân sách 7 tháng ước đạt 891,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán, tăng 11,9% so cùng kỳ năm 2018.

 Trong đó, thu nội địa tháng 7 ước đạt 124,27 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 34,5 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Lũy kế thu 7 tháng ước đạt 724,68 nghìn tỷ đồng, bằng 61,8% dự toán, tăng 12,8% so cùng kỳ năm 2018. Kết quả kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp trong 7 tháng năm 2019 tương đối tích cực và đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế lớn. Ước tính cả nước có 53/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 58%), trong đó 42 địa phương thu đạt trên 61% dự toán; 56/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ.

 Thu từ dầu thô tháng 7 ước đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở giá dầu thanh toán bình quân đạt khoảng 65 USD/thùng, sản lượng thanh toán ước đạt 1,03 triệu tấn. Lũy kế 7 tháng thu 34,35 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán, giảm 3,4% so cùng kỳ năm 2018. 

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 7 ước đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 13,5 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 7 tháng đạt ước đạt 205 nghìn tỷ đồng, bằng 68,2% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018.

 Theo đánh giá của Bộ Tài chính, cơ quan hải quan đã đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa, kết nối thông tin nộp thuế điện tử giữa cơ quan thuế - hải quan - kho bạc - các ngân hàng thương mại, mở rộng kết nối thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp, đồng thời, tác động tích cực đến số thu của khu vực này.

 Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi tháng 7 ước đạt 110,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 776,86 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2018. Với cân đối ngân sách tháng 7 và 7 tháng tiếp tục có thặng dư, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho phù hợp với tình hình. Tổng số đã phát hành được gần 137,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân 13,62 năm, lãi suất bình quân 4,93%/năm. 

Cũng theo Bộ Tài chính, 7 tháng năm 2019, Việt Nam ký kết 3 hiệp định vay vốn nước ngoài với ADB, trị giá khoảng 333,4 triệu USD. Tính đến ngày 20.7, giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài khoảng 55 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 20.7, giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài khoảng 1.226,5 triệu USD, tương đương 28.282 tỷ đồng. (Đại Biểu Nhân Dân 10/8, H. Loan)Về đầu trang

Doanh nghiệp tích cực nộp thuế, thu ngân sách tăng gần 12%

Bộ Tài chính cho biết, kết quả kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2019 tương đối tích cực và đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế lớn, giúp ngân sách nhà nước tiếp tục đạt thặng dư.

 Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách thực hiện tháng 7 ước đạt 144,45 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu ngân sách 7 tháng đầu năm ước đạt 891,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán năm và tăng 11,9% so cùng kỳ năm 2018.

 Trong đó, thu nội địa tháng 7 ước đạt 124,27 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 34,5 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Luỹ kế thu nội địa 7 tháng ước đạt 724,68 nghìn tỷ đồng, bằng 61,8% dự toán năm, tăng 12,8% so cùng kỳ năm ngoái. 

Bộ Tài chính cũng cho biết, kết quả kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2019 tương đối tích cực và đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế lớn.

 Ước tính cả nước có 53/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 58%), trong đó 42 địa phương thu đạt trên 61% dự toán; 56/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ. Thu từ dầu thô trong tháng 7 ước đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở giá dầu thanh toán bình quân đạt khoảng 65 USD/thùng, sản lượng thanh toán ước đạt 1,03 triệu tấn.

 Lũy kế 7 tháng thu từ dầu thô đạt 34,35 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán, giảm 3,4% so cùng kỳ năm 2018. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 7 ước đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng so với tháng trước.

 "Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 13,5 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 7 tháng đạt ước đạt 205 nghìn tỷ đồng, bằng 68,2% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018", báo cáo của Bộ Tài chính cho biết.

 Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách tháng 7 ước đạt 110,7 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 7 tháng đạt 776,86 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2018. (Xây Dựng 11/8)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Nhóm cán bộ nhận hàng tỷ đồng để bảo kê xe vi phạm ở Hà Nội

Cuối tháng 7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố Nguyễn Ánh Hào (38 tuổi, quận Nam Từ Liêm), Lê Văn Cường (39 tuổi, cựu cán bộ Cục quản lý đường bộ I, Tổng Cục đường bộ Việt Nam) và Phạm Văn Vinh (26 tuổi, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại và vận tải Tuấn Vinh) cùng về tội Đưa hối lộ, theo khoản 4, Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

 Liên quan đến vụ án, ba người gồm  Lê Bá Dũng (45 tuổi, cựu cán bộ Đội thanh tra giao thông quận Hoàng Mai), Nguyễn Quốc Cương (46 tuổi, cựu cán bộ thanh tra giao thông quận Hai Bà Trưng), Trần Sỹ Cương (35 tuổi, cựu cán bộ Đội thanh tra cơ động - Sở giao thông vận tải Hà Nội) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ, theo khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

 Theo kết luận, tháng 3/2016, Hào, Cường và Vinh bàn nhau in logo Cty Tuấn Vinh và tìm kiếm, mời các chủ ôtô tải hàng tháng nộp tiền để không bị kiểm tra hoặc được bỏ qua lỗi vi phạm.

 Vinh là người đi in logo trên, sau đổi thành An toàn là bạn, tai nạn là thù. Cường có nhiệm vụ, khi đi làm thanh tra giao thông có các chốt nào sẽ báo cho Vinh hoặc Hào biết để hai người này thông báo cho lái xe tránh khu vực, tuyến đường đó.

 Thời gian đầu do chưa mời được nhiều chủ xe nộp tiền, Cường phải góp 100 triệu đồng, Hào 50 triệu đồng để đi quan hệ. Riêng Vinh hàng tháng vẫn phải nộp 35 triệu đồng để bảo kê 10 xe tải của công ty hoạt động. 

Từ tháng 6/2016 đến tháng 1/2018, hàng tháng sau khi tính toán số tiền đã thu được từ các chủ xe và tiền để chi quan hệ, Vinh nhận 10 triệu đồng, còn lại Cường và Hào chia nhau. Sau đó, trong cả ba thống nhất Vinh sẽ không phải nộp tiền nhưng cuối tháng sẽ không nhận 10 triệu đồng ăn chia được.

 Giai đoạn tháng 1 đến 10/2018, thấy hiệu quả của việc dán logo tránh bị xử phạt, nhiều chủ xe đã nộp tiền cho Vinh và Hào. Theo cáo buộc, Hào nhận tiền bảo kê cho 80-90 ôtô tải, thu tổng cộng 300 triệu/tháng; Vinh bảo kê 40-50 xe, thu 200 triệu đồng/tháng.

 Hào và Vinh khai, các bị can thu được từ các nhà xe là gần 14 tỷ đồng, đi quan hệ các cán bộ giao thông từ quận, huyện đến thành phố số tiền hơn 12 tỷ. Các bị can hưởng lợi hơn một tỷ đồng. Mỗi tháng, Vinh và Hảo dùng 440 triệu đồng thu được để hối lộ cho nhóm cán bộ giao thông tại quán cà phê hoặc ở cơ quan.

 Tuy nhiên, căn cứ tài liệu điều tra, cơ quan chức năng xác định các bị can đã đưa và nhận hối lộ tổng số tiền là gần 900 triệu đồng. Trong đó, ông Nguyễn Quốc Cương nhận hối lộ 63 triệu đồng, Trần Sỹ Cương 136 triệu, Lê Bá Dũng 96 triệu, Hào hưởng lợi khoảng 250 triệu đồng, Vinh 140 triệu, Cường 180 triệu. (Vnexpress.net 11/8, Việt Dũng)Về đầu trang

“Lộ” 10 cán bộ, công chức ở Bình Định liên quan đến tham nhũng

Ngày 11/8, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Định trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng (giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2017).

 Theo Thanh tra Chính phủ, thông qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, liên quan đến hành vi tham nhũng với số tiền gần 4 tỷ đồng, đã chuyển Cơ quan điều tra điều tra làm rõ để xử lý theo quy định.

 Cơ quan điều tra chuyển lại để xử lý hành chính đối với 6 vụ việc. Hiện cơ quan điều tra đã thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý đối với 4 vụ việc liên quan đến 10 cán bộ, công chức, xử lý hơn 2,5 tỷ đồng.

 Còn 2 vụ đang tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật là vụ chiếm đoạt tiền của kế toán UBND xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh và vụ lập quỹ trái phép của cựu hiệu trưởng Trường Trung cấp thủ công mỹ nghệ thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bình Định.

 Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, một số địa phương ở Bình Định như: UBND TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn; UBND các huyện Tuy phước, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn; Sở Tài Chính, có năm không xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phòng, chống tham nhũng. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trực thuộc thiếu kiểm tra, đôn đốc dẫn đến kém hiệu quả.

 Việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng còn mang tính hình thức, thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên. Trong khi đó, việc xử lý các vụ việc, người có hành vi tham nhũng còn ít, một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo về phòng chống tham nhũng theo quy định.

 Thanh tra Chính phủ dẫn kết quả kiểm tra của Bộ Nội vụ cho thấy, trong kỳ kiểm tra, tỉnh Bình Định có 55 trường hợp bổ nhiệm còn thiếu tiêu chuẩn quy định về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học (đến nay, đa số đã được cử đi đào tạo bổ sung hoặc có kế hoạch đào tạo).

 Về chuyển đổi vị trí công tác, tính đến ngày 31/12/2017, đã có 153 cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi.

 Đối với công tác tuyển dụng công chức, viên chức, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, UBND tỉnh Bình Định chưa kịp thời tuyển dụng công chức qua hình thức thi tuyển, mà chỉ xét tuyển một số ít công chức (không đủ chỉ tiêu biên chế đã được xét duyệt), nhất là tại UBND các huyện, dẫn đến việc các cơ quan, đơn vị thiếu hụt nhân lực, phải ký hợp đồng lao động làm công việc thường xuyên.

 Việc công khai, minh bạch trong tuyển dụng công chức, viên chức đối với một số đơn vị thực hiện công khai không đầy đủ các hình thức bắt buộc phải công khai (UBND huyện Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh); không có hồ sơ ghi nhận việc niêm yết công khai (UBND huyện Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn).

 Về việc chuyển đổi vị trí công tác, Sở Nội vụ chưa tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy định về thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của các cơ quan, đơn vị và xây dựng kế hoạch, kiểm tra việc thực hiện theo quy định.

 Năm 2016, UBND tỉnh có ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, nhưng nhiều ngành, địa phương không xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, hoặc có xây dựng nhưng không phê duyệt danh sách, vị trí chuyển đổi; không tổ chức thực hiện theo kế hoạch đã phê duyệt hoặc có thực hiện nhưng chưa đảm bảo thủ tục.

 Sở Nội vụ tỉnh Bình Định chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác; chưa thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp số liệu của các cơ quan, đơn vị về việc chuyển đổi vị trí công tác; không có báo cáo kết quả về việc chuyển đổi vị trí công tác trên địa bàn toàn tỉnh.

 Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng lưu ý vụ việc tố cáo tại Sở Nội vụ liên quan đến việc ông Phạm Văn Nam - nguyên Chánh văn phòng Sở Nội vụ khai man thành tích để nhận bằng khen. Mặc dù đã được Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết nhưng chưa triệt để.

 Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Ban Thi đua khen thưởng, Sở Nội vụ xử lý dứt điểm vụ việc theo đúng quy định.

 Tổng Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền được phân cấp. Đồng thời, chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cá nhân có liên quan nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan đến thiếu sót, sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra. (Dân Trí 11/8, Doãn Công)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thủ tướng Anh ủng hộ tăng quyền hạn cho cảnh sát chống tội phạm

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố ủng hộ việc tăng quyền hạn cho cảnh sát chống tội phạm.

 Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh gia tăng các loại tội phạm, đặc biệt như tấn công bằng dao tại Anh trong thời gian gần đây.

 Theo ông Boris Johnson, cảnh sát Anh nên được trao "quyền chặn và khám xét" đối với những đối tượng khả nghi.

 Ngoài ra, ông Boris cũng nhấn mạnh luật pháp Anh cần xử cứng rắn hơn đối với "các hành động bạo lực và xâm hại tình dục nghiêm trọng", cũng như các đối tượng tấn công bằng dao. Mức phạt tù đối với những tội phạm đặc biệt nguy hiểm cũng cần được tăng lên.

 Người đứng đầu Chính phủ Anh cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Sajid Javid đã nhất trí chi tới 2,5 tỷ Bảng để mở rộng khả năng giam giữ tại các nhà tù. Cụ thể, các nhà tù ở Anh sẽ có thêm 10.000 chỗ mới. (VTV.vn 11/8)Về đầu trang

Singapore: Người dân có thể thanh toán điện tử mọi dịch vụ công

Việc sử dụng ứng dụng PayNow trong lĩnh vực công cũng sẽ giúp người dân Singapore thực hiện được 90 đến 95% giao dịch của mình với chính phủ mà không phải ra khỏi nhà.

 Dịch vụ thanh toán điện tử PayNow lần đầu tiên sẽ được áp dụng tại tất cả các cơ quan chính phủ Singapore, cho phép người dân thanh toán mọi dịch vụ từ học phí đến tiền phạt.

 Việc sử dụng ứng dụng PayNow trong lĩnh vực công cũng sẽ giúp người dân thực hiện được 90 đến 95% giao dịch của mình với chính phủ mà không phải ra khỏi nhà.

 Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, dịch vụ này được cho là sẽ giải quyết nhiều thiếu sót trong hệ thống thanh toán điện tử Giro hiện nay bằng việc thực hiện thanh toán ngay lập tức mà không cần truy cập vào những chi tiết rắc rối về tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng.

 PayNow, kết nối số điện thoại di động hoặc số FIN (số định danh) của người dân với tài khoản ngân hàng của họ, được cho là khép lại lỗ hổng cuối cùng trong giao dịch điện tử và tiến tới số hóa hoàn toàn.

 Theo người phát ngôn Cơ quan Quốc gia thông minh và Chính phủ số (SNDGO) Singapore, điều này phù hợp với mục tiêu chính phủ điện tử của Singapore nhằm đưa việc thanh toán điện tử vào tất cả các dịch vụ của chính phủ đến năm 2023.

 Theo Hiệp hội Các ngân hàng Singapore, PayNow hiện đã nhận được hơn 2,8 triệu đăng ký số điện thoại di động và số FIN và thực hiện giao dịch với tổng trị giá hơn 4,6 tỷ SGD (3,3 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay.

 Việc thanh toán qua PayNow, triển khai lần đầu tiên vào năm 2017, được thực hiện qua việc sử dụng ứng dụng ngân hàng. Hiện có 9 ngân hàng tham gia phương thức này là DBS/POSB, UOB, OCBC, Citibank, HSBC, Maybank, Standard Chartered Bank, Bank of China và ICBC.

 Phương thức thanh toán điện tử phổ biến nhất hiện nay ở Singapore là Giro. Hệ thống này đòi hỏi người dân phải cung cấp chi tiết tài khoản ngân hàng vào các mẫu và thanh toán qua Giro cũng phải mất 2 ngày.

 Trong khi đó, người dân thanh toán trực tuyến sử dụng eNets cũng cần ghi các chi tiết về thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của mình.

 Bên cạnh đó, không phải tất cả các thẻ tín dụng do ngân hàng phát hành đều được chấp nhận. Đây là những hạn chế mà Chính phủ Singapore muốn khắc phục qua việc sử dụng phương thức thanh toán PayNow. (Thanh Tra 11/8, Nguyễn Thúy)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG 

More