Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 20-11-2019

Post date: 20/11/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.96 đại biểu Quốc hội không đồng ý với đề xuất có thể gây thất thoát ngân sách 5.000 tỷ  1

2. Trình Quốc hội bổ sung 1 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh. 2

3. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. 3

4. Cần thiết ban hành dự thảo Luật Giám định Tư pháp. 5

CHÍNH SÁCH MỚI 5

5.  Nhà đầu tư ngoại nắm không quá 34% vốn điều lệ tại hãng hàng không Việt Nam.. 5

6.  Quyết định hạ lãi suất có hiệu lực. 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

7.   Chuyên gia: Sợ hãi khi lập doanh nghiệp phải xin 35 chữ ký và 30 con dấu. 6

8. Khó bỏ điều kiện kinh doanh?. 7

9.Kinh tế Việt Nam kém lạc quan hay quá thận trọng trong năm 2020?. 9

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 10

10.Bao giờ Nghị định thay thế Nghị định 86 mới được ban hành?. 10

QUẢN LÝ.. 11

11.Hơn 2.100 công chức hải quan sẽ tham gia đánh giá năng lực năm 2019. 11

12.Đà Nẵng đấu giá 3 xe sang do doanh nghiệp tặng: 1 xe bị “ế”. 12

13.Đà Nẵng cấm tự ký hợp đồng lao động, kế toán phải kiêm văn thư. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

14. Hà Nội sẽ tích hợp 7 dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia. 13

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

15.  Tăng tốc giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài tháng 10, đạt 175 triệu USD   13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

16. Sẽ xét xử hai nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vào ngày 16/12. 14

17.  Quảng Trị: Hạt trưởng kiểm lâm bị cảnh cáo vì để lâm tặc phá rừng. 15

THẾ GIỚI 15

18.  Tổng thống Donald Trump bị yêu cầu ra điều trần luận tội 15

 TIN QUỐC HỘI

96 đại biểu Quốc hội không đồng ý với đề xuất có thể gây thất thoát ngân sách 5.000 tỷ

Tổng thư ký Quốc hội vừa có báo cáo tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc đề nghị Quốc hội không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 1/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013 và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 1/1/2013 đến hết ngày 31/8/2017.

 Đât là nội dung đã được Chính phủ trình ngay từ đầu kỳ họp này, lý do chính là Chính phủ chậm ban hành các nghị định hướng dẫn đã làm cho các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp tiền, các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thu số tiền phải nộp (số tiền dự tính khoảng gần 5.000 tỷ đồng).

 Đến nay, Chính phủ cho rằng việc triển khai thu đối với số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước nêu trên là không khả thi, có nhiều khó khăn, vướng mắc, do đó kiến nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ thời điểm luật có hiệu lực đến thời điểm nghị định có hiệu lực.

 Theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thì việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

 Thảo luận ở tổ và hội trường quan điểm của đại biểu cũng rất trái chiều, việc ngân sách có thể thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng được đại biểu rất quan tâm, song nhận được sự quan tâm không kém là xử lý việc này thế nào để Quốc hội không "mang tiếng" và không tạo ra tiền lệ xấu.

 Sau đó, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 nội dung còn có ý kiến khác nhau.

 Về nội dung "không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 từ ngày 1/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013; không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 từ ngày 1/1/2013 đến hết ngày 31/8/2017" có 321/427 vị đại biểu (chiếm 75,18%) đồng ý. Không đồng ý là 96/427 (chiếm 22,48%).

 Về nội dung "Quốc hội xem xét, quyết định nội dung "không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước" tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 8)" đồngý 333/427 (chiếm 77,99%), không đồng ý là 70/427 (chiếm 16,39%), không có ý kiến: 20/427 (chiếm 4,68%)

 Tổng thư ký cũng phản ánh nhiều ý kiến đại biểu, bên cạnh quan điểm không thu là phù hợp thì có ý kiến cho rằng, việc đưa nội dung này vào ghị quyết của Quốc hội sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho những trường hợp tương tự sau này.

 Có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc chậm trễ ban hành các nghị định liên quan, gây thất thoát 5.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

 Thực chất đây là việc sửa đổi hiệu lực của luật, nhưng việc sửa đổi này lại thực hiện bằng một nghị quyết kỳ họp, không phải văn bản quy phạm pháp luật, vị khác nêu quan điểm.

 Theo chương trình kỳ họp, nội dung cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước sẽ nằm trong nghị quyết chung của kỳ họp, được thông qua tại phiên bế mạc, chiều 27/11 tới đây. (Vneconomy.vn 19/11, Hà Vũ)Về đầu trang

Trình Quốc hội bổ sung 1 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh

Thường vụ Quốc hội chọn bổ sung ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh để trình Quốc hội xem xét thông qua vào sáng 20/11.

 Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, Thường vụ Quốc hội đã chốt bổ sung một ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh (2/9) thay vì ngày gia đình Việt Nam (28/6) như các đề xuất của nhiều đại biểu trước đó.

 Lý giải về lý do bổ sung chọn bổ sung ngày nghỉ vào Tết độc lập 2/9, ông Lợi khẳng định ý nghĩa ngày Tết Độc lập cao hơn ý nghĩa Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là cũng dịp kề cận với ngày trẻ em, học sinh, sinh viên đến trường nên người lao động sẽ có thêm ngày nghỉ để chuẩn bị đưa trẻ đi học.

 Nếu vào dịp 2/9 thì có thể nghỉ mùng 1 - 2 hoặc mùng 2 - 3, như vậy người lao động có thời gian dài hơn, đi lại dễ hơn. Còn nếu nghỉ ngày 28/6 thì chỉ được 1 ngày, cũng rất khó khăn", ông cho hay.

 Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội cũng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị ngày Tết Độc lập được nghỉ 2 ngày thay vì 1 ngày như quy định hiện nay và giao Chính phủ lựa chọn nghỉ trước hay sau ngày 2/9.

 "Chính phủ sẽ công bố ngày nghỉ dịp Tết Độc lập như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch. Ví dụ, nếu ngày 3/9 vào thứ 7 thì có thể chọn nghỉ vào mùng 1/9, như vậy người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày từ 1-4/9. Còn nếu không có thể chọn nghỉ mùng 2-3 để tránh nghỉ dài", ông Lợi cho hay.

 Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ngày 6/11 thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung lớn của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

 Đại diện cơ quan soạn thảo dự luật này cho biết sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận vừa qua, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội xem xét bổ sung một ngày nghỉ lễ là 28/6 (ngày Gia đình Việt Nam).

 Trong chương trình làm việc vào sáng 20/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). (VTC.vn 19/11, Song Hy)Về đầu trang

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Chiều 19/11, tại hội trường của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

 Trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhiều năm qua hoạt động hòa giải, đối thoại trong tố tụng, ngoài tố tụng đã thu được kết quả đáng kể. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan, hòa giải trong tố tụng đạt trung bình hàng năm 50,6% tổng số các vụ việc. Hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng đạt 80,06%. Kết quả này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các xung đột trong nhân dân; chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước; xây dựng tình làng nghĩa xóm hòa thuận, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

 Tuy vậy, thực tiễn cũng chỉ ra những hạn chế của các phương thức hòa giải, đối thoại hiện hành như chứng cứ do các bên đương sự cung cấp trong tâm thế thắng thua thường không đầy đủ, còn che giấu, thậm chí ngụy tạo, hòa giải, đối thoại trong tố tụng không linh hoạt về thời gian, địa điểm, phương pháp tiến hành, thời gian, công sức dành cho hòa giải, đối thoại còn hạn chế…

Chính vì vậy, số lượng các vụ việc Tòa án các cấp phải thụ lý tăng lên rất nhanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Việc gia tăng như vậy là tất yếu, tỷ lệ thuận với tăng dân số và quy mô nền kinh tế. Trong 3 năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được Tòa án các cấp thụ lý là: năm 2016 thụ lý 360.456 vụ việc; năm 2017 thụ lý 403.468 vụ việc; năm 2018 thụ lý 458.728 vụ việc. Như vậy, tỷ lệ gia tăng trung bình hàng năm là 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, biên chế không thay đổi. Có những địa bàn (TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...) mỗi Thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng định biên, dẫn đến tồn đọng, chậm trễ. Tình hình đó bắt buộc phải có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc giải quyết đơn của nhân dân, giảm áp lực cho Tòa án. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chế định ưu việt đáp ứng được đòi hỏi trước nhất của tình hình và lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp.

 Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 9 Tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố (thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 8 năm 2018) và sau đó mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019).

 Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%. Như vậy, số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành của các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố đã giúp các Tòa án thực hiện thí điểm không phải thụ lý 36.985 vụ việc. Trong số các vụ việc hòa giải, đối thoại thành, có 32.994 vụ việc về hôn nhân và gia đình (đạt tỷ lệ 86%); 3.125 vụ án về dân sự (đạt tỷ lệ 47%), 459 vụ án về kinh doanh, thương mại (đạt tỷ lệ 39,43%), 300 khiếu kiện hành chính (đạt tỷ lệ 33,07%), 107 vụ án về lao động (đạt tỷ lệ 52,45%). Đối với những vụ việc hòa giải, đối thoại không thành (10.508 vụ việc), qua quá trình giải quyết tại Trung tâm, các Hòa giải viên đã giải thích các quy định của pháp luật, từ đó giúp họ có nhận thức đúng đắn hơn về vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết án sau này của Tòa án.

 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã triển khai thành công mô hình này, việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hết sức cần thiết". (VTV.vn 19/11)Về đầu trang

Cần thiết ban hành dự thảo Luật Giám định Tư pháp

Chiều 19/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Giám định tư pháp, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành dự Luật nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

 Tuy nhiên có ý kiến cũng cho rằng, cần rà soát bổ sung để bảo đảm tính bao quát, toàn diện, khắc phục những bất cập của pháp luật về giám định tư pháp trước những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan làm công tác và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ của đội ngũ thực thi để nâng cao chất lượng hoạt động này, tránh tình trạng kết luận giám định tư pháp chung chung, không rõ ràng.

 Cũng trong chiều 19/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết của dự Luật này nhằm giúp giải quyết hậu quả các tranh chấp khiếu kiện, qua đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra tòa án xét xử, cũng như tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hằng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử. (VTV.vn 19/11)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Nhà đầu tư ngoại nắm không quá 34% vốn điều lệ tại hãng hàng không Việt Nam

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đưa ra mức góp vốn không quá 34% vốn điều lệ để bảo đảm hài hòa giữa việc hút vốn đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp, vẫn đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư trong nước.

 Đây là nội dung đáng chú ý trong Nghị định 89 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và kinh doanh vận chuyển hàng không.

 Quy định mới này tăng thêm 4% so với mức trần trước đó.

 Ngoài ra, vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không cũng giảm đáng kể so với quy định trước đây. Nghị định 89 sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2020. (VTV.vn 18/11)Về đầu trang

Quyết định hạ lãi suất có hiệu lực

Từ ngày 19/11, quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực.

 Cụ thể, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 - 6 tháng được Ngân hàng Nhà nước quy định không vượt quá 5%/năm.

 Ngân hàng Nhà nước cũng công bố điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Tối đa không quá 6%/năm.

 Từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan, lạm phát được kiểm soát. Thanh khoản của Tổ chức tín dụng được đảm bảo và có dư thừa. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt là căn cứ để giảm lãi suất. (VTV.vn 19/11)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Chuyên gia: Sợ hãi khi lập doanh nghiệp phải xin 35 chữ ký và 30 con dấu

"Trước khi Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999, để doanh nghiệp được thành lập, phải có 35 chữ ký, 30 con dấu khác nhau...", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh kể.

 Tại Hội nghị đánh giá 20 năm thực hiện Luật đầu tư nước ngoài (1999) do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, khá nhiều chuyên gia thuộc thế hệ những người soạn thảo Luật này và những người tham gia Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp đã đánh giá lại thành tựu và đưa ra hướng mới cho bộ luật được giới doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá như sự mở đường cho kinh tế Việt Nam.

 Theo ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng, Viện CIEM: Trước khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, để doanh nghiệp được thành lập, phải có 35 chữ ký 30 con dấu khác nhau.

 "Tôi biết một ông Chủ tịch tỉnh, một ngày phải làm kịch liệt, ký nhiều nhưng cũng chỉ 30 doanh nghiệp mà thôi. Đấy là bản thân vị chủ tịch đó “tốt”. Còn nếu họ có vấn đề thì doanh nghiệp rất mệt. Doanh nghiệp muốn thành lập, phải có chữ ký, con dấu mà có con dấu, chữ ký phải xin xỏ, phải có gì bôi trơn… Chi phí thành lập doanh nghiệp tốn thời gian và số tiền vô cùng lớn", ông Doanh nói.

 Ông Doanh kể: Sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời 3 tháng, chưa thấy tỉnh nào động tĩnh gì, chúng tôi đi hỏi thì được biết, vướng mắc chính là ở các tỉnh, chưa hiểu, chưa biết Luật.

 Vị chuyên gia nhớ lại: Ngày ấy, có chị là lãnh đạo Bắc Giang nói tôi là Chủ tịch tỉnh nên biết doanh nghiệp nào tốt và cho họ thành lập, còn không tốt thì không cho thành lập. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi lại đạo luật nào cho chị quyền cấp phép như vậy, chị đó ngồi im.

 Cũng tương tự, ông Doanh kể chuyện, chủ tịch tỉnh Khánh Hoà thấy địa phương nhiều khách sạn quá nên cấm xây khách sạn. "Tôi bảo, ông căn cứ vào đâu để cấm, nếu cấm xây khách sạn, các khách sạn cũ giữ giá thì anh xử lý sao, có lợi ích nhóm không? Sau đó ông ấy bỏ quy định đó", ông Doanh nhớ lại.

 Hay việc “Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quy định, doanh nghiệp không được đóng xà lan 2.000 tấn, nhưng chúng tôi về Nam Định, thấy dân họ đóng 5.000 tấn... làm được vậy thì phải có rất nhiều phí bôi trơn”, TS Doanh nói. 

Ông Doanh nói: Sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời mà không có động tĩnh gì từ các địa phương, tôi cùng nhiều người đã báo cáo anh Trần Đức Nguyên, lúc đó là Thư ký của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, đề xuất thành lập Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp. Khi Tổ này được lập ra, những vấn đề mới được giải quyết.

 Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Muốn cải cách chúng ta cần có bàn tay sắt, sạch của Nhà nước để phá bỏ nhóm lợi ích đối với thi hành các Luật. Tóm lại, hiện nay chúng ta cần sức mạnh của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp để phá bỏ các chính sách lạc hậu, cũ kỹ.

 Ông Trần Hữu Huỳnh, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: “Đừng sợ dân giàu và đừng sợ sự tự do. Dân người ta không tin Nghị định bằng Luật đâu, bởi Nghị định có thể sửa, hồi tố".

 Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện CIEM: “Việc loại bỏ các điều kiện, giấy phép kinh doanh vẫn do các Bộ chủ quản làm, thấy không hợp lý thì bỏ. Sau này khi có Tổ công tác của Thủ tướng thì Tổ công tác rà soát các điều kiện, sau đó lại báo về Bộ xem cái này Bộ có thấy hợp lý không mới bỏ. Chính vì việc này chúng ta càng khó bỏ điều kiện kinh doanh, không Bộ nào muốn bỏ quyền lợi và lợi ích của mình cả”.

 Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng thừa nhận: “Mô hình các Tổ công tác về cắt giảm điều kiện kinh doanh hiện nay không thành công bởi quy định. Thủ tướng chỉ bổ nhiệm phải là Thứ trưởng trở nên. Còn các Tổ công tác trong Bộ hoặc giữa các Bộ với nhau là do Bộ trưởng bổ nhiệm".

 “Cái gì cũng qua Bộ trưởng cũng trở nên bị méo mó nhiều. Nếu không thoát được quan điểm và cách xử lý hành chính như này thì khó có thành công như tổ thi hành luật doanh nghiệp”, ông Cung nói.

 Vị chuyên gia lão làng nói: “Hiện nếu muốn sửa đổi Luật nào thì phải trông vào trí tuệ bên ngoài, chứ đừng trông vào các Bộ. Ngay bản thân tôi cũng không được trọng dụng để góp ý vào sửa đổi Luật dù rất gắn bó với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư”, ông Cung cho biết. (Petrotimes.vn 18/11) Về đầu trang

Khó bỏ điều kiện kinh doanh?

Tại Hội thảo 20 năm “Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 18/11, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, cho biết sau 20 năm từ khi Luật Doanh nghiệp (DN) ra đời, khu vực kinh tế tư nhân có nhiều thành tựu. Trong đó có 2 điểm mới: một là có những tập đoàn tư nhân xuất hiện và hai là nhiều doanh nhân tìm thẻ xanh ở nước ngoài. Đây là điều đáng suy nghĩ, cần khuyến khích họ, giữ họ lại và để họ lớn lên được.

 Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung phân tích Luật DN sau nhiều lần sửa đổi đã có những cải cách theo hướng tốt hơn, như: quy định cụ thể danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề có điều kiện; bỏ ghi ngành nghề kinh doanh; bỏ yêu cầu bắt buộc có con dấu…

 Tuy nhiên, một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như: dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng và một số dịch vụ khác. Quyền tự do kinh doanh mới chủ yếu trong phạm vi “kinh doanh cái gì”, còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu vẫn phải xem xét thêm.

 Bên cạnh đó, về chi phí tuân thủ có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao. Việc giảm chi phí tuân thủ chủ yếu thực hiện theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp để giảm một cách có hệ thống.

 Việc tăng an toàn và giảm rủi ro trong kinh doanh so với trước đây cũng có cải thiện, nhưng ghi nhận thực tế, ông Cung cho hay, đầu tư kinh doanh chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao, phức tạp. Các DN thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ lợi ích của mình.

 Đặc biệt, tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh đến “phí bôi trơn”. Hầu hết các DN phải sử dụng “phí bôi trơn” ngay từ những khâu đầu tiên thành lập DN như xin chữ ký, con dấu và kéo dài trong suốt quá trình hoạt động.

 Luật DN tư nhân và Luật công ty 1990 với tinh thần và triết lý bao trùm là “đã kinh doanh phải xin phép” và “có phép mới được quyền kinh doanh”. Theo lý giải của ông Cung, “phép” ở đây không chỉ là giấy phép, mà được sự đồng ý dưới nhiều hình thức của công chức nhà nước có thẩm quyền. Và sau sau khi thành lập, tất cả hoạt động của DN đều phải được phép của công chức và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 Sau rất nhiều lần cải cách, thay đổi, nhiều thủ tục rườm rà, “giấy phép con” đã được bãi bỏ, song trên thực tế hiện nay, một trong những điểm chưa thành công của Luật DN là khâu hậu kiểm.

 “Công tác thanh kiểm tra có thiên hướng phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp đỡ DN tuân thủ pháp luật. Đã thanh, kiểm tra là có vi phạm và kết luận các vụ việc của DN có thiên hướng buộc tội”, ông Cung cho hay.

 Theo nguyên Viện trưởng CIEM: “Kinh tế tư nhân hiện đang nổi lên như một đầu tàu, có nhiều tập đoàn tư nhân nhưng cũng có nhiều người tìm cách ra đi. Đó là nguồn lực của ta, trí tuệ của ta, ta phải giữ lại, khuyến khích họ và làm họ lớn lên”.

 Tuy nhiên, để làm được điều đó, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần tiếp tục chỉnh sửa Luật DN nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh tương thích với hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN và khuyến khích DN tư nhân ngày càng phát triển.

 Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực thi Luật không tốt sẽ làm giảm, mất hiệu lực luật pháp, khiến không thể đạt được những mục tiêu mong muốn, thậm chí còn làm môi trường xấu đi, gây méo mó, cản trở sự phát triển lành mạnh của DN và nền kinh tế – xã hội.

 Trên thực tế, nhóm có lợi ích trái ngược với lợi ích chung không dễ dàng chịu thua một luật tốt. Vì vậy, bà Lan cho rằng: “Muốn cải cách chúng ta cần có bàn tay sắt, sạch của Nhà nước để phá bỏ nhóm lợi ích đối với thi hành các Luật. Tóm lại, hiện nay, chúng ta cần sức mạnh của xã hội và cộng đồng DN để phá bỏ các chính sách lạc hậu, cũ kỹ”.

 Ông Trần Hữu Huỳnh, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: “Đừng sợ dân giàu và đừng sợ sự tự do. Dân người ta không tin Nghị định bằng Luật đâu, bởi Nghị định có thể sửa, hồi tố”.

 Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, việc loại bỏ các điều kiện, giấy phép kinh doanh vẫn do các Bộ chủ quản làm, thấy không hợp lý thì bỏ. Sau này khi có Tổ công tác của Thủ tướng thì Tổ công tác rà soát các điều kiện, sau đó lại báo về Bộ xem Bộ có thấy hợp lý không mới bỏ. Chính vì việc này nên càng khó bỏ điều kiện kinh doanh, không Bộ nào muốn bỏ quyền lợi và lợi ích của mình cả.

 Ts. Nguyễn Đình Cung thừa nhận mô hình các Tổ công tác về cắt giảm điều kiện kinh doanh hiện nay không thành công bởi quy định. Thủ tướng chỉ bổ nhiệm phải là Thứ trưởng trở nên; còn các Tổ công tác trong Bộ hoặc giữa các Bộ với nhau là do Bộ trưởng bổ nhiệm.

 “Cái gì cũng qua Bộ trưởng cũng trở nên bị méo mó nhiều. Nếu không thoát được quan điểm và cách xử lý hành chính như này thì khó có thành công như tổ thi hành Luật DN”, ông Cung nói.

 Nguyên Viện trưởng CIEM cho hay: “Hiện, nếu muốn sửa đổi Luật nào thì phải trông vào trí tuệ bên ngoài, chứ đừng trông vào các Bộ. Ngay bản thân tôi cũng không được trọng dụng để góp ý vào sửa đổi Luật dù rất gắn bó với Luật DN, Luật Đầu tư”. (Thời báo kinh doanh 19/11)Về đầu trang

Kinh tế Việt Nam kém lạc quan hay quá thận trọng trong năm 2020?

Tuần qua, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, phần lớn các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra không có thay đổi đáng kể so với kế hoạch năm 2019.

 Về mục tiêu tổng quát, Quốc hội thống nhất năm 2020 tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, khơithông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...

 Về các mục tiêu kinh tế cụ thể, Quốc hội đặt chỉ tiêu GDP năm 2020 tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

 Các mục tiêu cụ thể trên được chú ý, vì hầu hết đều thấp hơn thực tiễn đạt được những năm gần đây.

 Trong một báo cáo đầu tuần này, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB nêu một số câu hỏi từ so sánh trên, sau khi điểm lại ý kiến từ chính các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.

 Tại sao Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ ở mức 6,8%, sau khi đã tăng trưởng 7,08% trong năm 2018 và gần như chắc chắn sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn 6,8% trong năm 2019?

 Tại sao khi sau 4 năm liên tiếp cán cân thương mại xuất siêu, thậm chí dự kiến đạt kỷ lục lớn trong năm 2019, nhưng năm 2020 mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục được đặt ra?

 Tại sao mục tiêu kiểm soát lạm phát tiếp tục được quyết nghị ở mức dưới 4%, dù năm 2019, lạm phát có thể được kiềm giữ ở mức dưới 3%?

 Những câu hỏi trên cho thấy còn có ý kiến băn khoăn khi nhận định, Chính phủ chưa có quyết tâm cao hơn để nỗ lực lớn hơn trong phát triển kinh tế, vì thế chỉ xây dựng chỉ tiêu vừa phải để có điều kiện dễ hoàn thành trong năm 2020 (?). (Bizlive.vn 18/11)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Bao giờ Nghị định thay thế Nghị định 86 mới được ban hành?

Trải qua gần 4 năm với 12 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay, Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô vẫn chưa được ban hành, khiến công tác quản lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, và câu hỏi đặt ra, đến bao giờ nghị định mới được ban hành (!?).

 Sự phát triển mạnh mẽ của ngành vận tải bằng ôtô hiện nay, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực vận tải phải nhanh chóng thay đổi để có cơ sở pháp lý, quản lý một cách hiệu quả.

 Thực tế đã chứng minh, thời gian qua, do các văn bản pháp lý không theo kịp được sự phát triển của ngành vận tải, đã dẫn tới nhiều doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng những "lỗ hổng" đó "lách luật" hoạt động trá hình, gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng.

 Điển hình nhất là việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các xe khách chạy tuyến cố định và xe hợp đồng "trá hình" tuyến cố định, hay sự ra đời của taxi công nghệ tạo ra "cuộc chiến" sống còn giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, mà đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

 Trước những bất cập đó, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, nhằm ổn định thị trường kinh doanh vận tải, quản lý hiệu quả, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy thị trường vận tải từng bước đi lên, đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước.

 Thế nhưng, trải qua gần 4 năm với 12 lần trình Thủ tướng Chính phủ, đến nay Nghị định thay thế Nghị định 86 vẫn chưa được thông qua. Vậy đâu là nguyên nhân?

 Có thể thấy, Bộ Giao thông Vận tải đã rất tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định. Tuy nhiên, công tác tiếp thu, chỉnh sửa Nghị định còn nhiều hạn chế, nhất là các vấn đề cốt lõi, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý của ngành vận tải.

 Mặc dù, Bộ Giao thông Vận tải đã cử đoàn công tác đi học tập công tác quản lý vận tải của các nước phát triển hiện nay, nhưng việc cải tiến, áp dụng tính ưu việt trong quản lý vận tải của những nước đó đối với việc quản lý vận tải ở Việt Nam thì còn nhiều bất cập. Điều này có thể tiếp tục tạo ra những "lỗ hổng" pháp luật, giúp các doanh nghiệp kinh doanh vận tải không chân chính "lách luật", tạo lợi ích nhóm ngày càng lớn hơn trong xã hội.

 Gần đây nhất, Hiệp hội taxi Hà Nội đã phải gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ trình bày về những nội dung chưa phù hợp, còn tồn tại, chưa tiếp thu đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như sau: Bộ Giao thông Vận tải cắt bỏ các quy định về quản lý an toàn trong lĩnh vực vận tải là không phù hợp, ngành vận tải nên coi "Tính mạng con người là trên hết".

 Bên cạnh đó, kết nối - chia sẻ và liên thông dữ liệu trong quản lý vận tải cũng rất quan trọng. Ở các nước phát triển, chính việc kết nối chia sẻ và liên thông giữ liệu đã giúp công tác quản lý vận tải hiệu quả hơn, nhà nước giảm tối đa chi phí quản lý, nguồn nhân lực, tăng thu ngân sách, mà điển hình là việc các tuyến phố Cảnh sát giao thông rất ít phải đứng đường làm công tác xử lý, điều tiết giao thông.

 Triển khai quản lý vận tải bằng công nghệ, lắp đặt camera, kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu, những vấn đề cốt lõi, phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo quản lý hiệu quả, minh bạch, giảm tối đa thủ tục hành chính, một việc "ích nước, lợi nhà" như vậy sao không được triển khai thực hiện.

 Và câu hỏi đặt ra, đến bao giờ Nghị định thay thế Nghị định 86 mới được ban hành? (Tiến Nguyễn)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Hơn 2.100 công chức hải quan sẽ tham gia đánh giá năng lực năm 2019

Mới đây, Ban Cải cách hiện đại hóa (Tổng cục Hải quan) đã hoàn tất công tác tổ chức triển khai kiểm tra đánh giá năng lực cho hơn 2.100 công chức hải quan theo vị trí việc làm năm 2019.

 Theo đó, từ ngày 25/11/2019 đến ngày 8/1/2020, có 2.172 cán bộ, công chức đến từ 28 cục hải quan tỉnh, thành phố và Cục Kiểm định hải quan, Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Hải quan) tham gia thi đánh giá năng lực theo vị trí việc làm.

 Thi đánh giá công chức hải quan năm 2019 sẽ được chia thành 7 đợt, tổ chức ở 7 địa điểm thi: Bắc Ninh (199 công chức), Lạng Sơn (499 công chức), Cần Thơ (370 công chức), Bà Rịa - Vũng Tàu (242 công chức), Quảng Bình (437 công chức), Bình Định (345 công chức) và Tổng cục Hải quan (130 công chức).

 Được biết, năm 2018, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá năng lực công chức không giữ chức vụ lãnh đạo thuộc 6 lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ chính (giám sát quản lý, thuế xuất nhập khẩu, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro, điều tra chống buôn lậu, xử lý vi phạm), với 9 bộ đề đánh giá năng lực công chức; 1 phương pháp đánh giá năng lực chính xác, công khai, minh bạch; 1 hệ thống phần mềm hoạt động ổn định, mô hình tổ chức thi tương đối hoàn chỉnh, áp dụng với gần 3.000 công chức. (Daidoanket.vn 19/11, N. Linh) Về đầu trang

Đà Nẵng đấu giá 3 xe sang do doanh nghiệp tặng: 1 xe bị “ế”

Ngày 19-11, Sở Tài chính TP Đà Nẵng cho hay vừa tổ chức xong phiên đấu giá tài sản công đối với ba ô tô được thu hồi trước đó theo Quyết định 839/QĐ-UBND ngày 13-12-2018 của UBND TP Đà Nẵng. Công ty Đấu giá hợp danh Hoàng Gia chi nhánh Đà Nẵng là đơn vị được lựa chọn thực hiện việc bán đấu giá này.

 Theo kết quả tại buổi đấu giá, ô tô con Toyota Landcruiser VX  biển số 43A -001.89  có giá khởi điểm 1,465 tỉ đồng. Xe này có 18 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá. Qua 10 vòng đấu giá, một cá nhân đã trúng với mức giá 2,420 tỉ đồng.

 Chiếc thứ hai cũng hiệu Toyota Landcruiser VX biển số 43A-001.79 có giá khởi điểm 1,465 tỉ đồng. Đã có 15 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá chiếc xe này và Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco (Đà Nẵng) là đơn vị trúng đấu giá với mức giá 2,080 tỉ đồng.

 Riêng chiếc ô tô con hiệu Mercedes Benz E300 biển số 43A-003.04 có giá khởi điểm là 940 triệu đồng, đến hết thời gian nhận hồ sơ đăng ký đấu giá nhưng không có tổ chức, cá nhân nào nộp hồ sơ.

 Trước đó vào tháng 2-2017, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng xác nhận có doanh nghiệp tặng tám ô tô cho các cơ quan chính quyền sử dụng. Trong đó, bốn xe do Thành ủy Đà Nẵng sử dụng, bốn chiếc khác do UBND TP Đà Nẵng sử dụng.

 Đặc biệt trong số này có ô tô con Toyota Avalon Limited biển số 43A-299.99 được dùng để đưa đón cựu bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Sau những lùm xùm liên quan đến chiếc xe sang này, tháng 3-2017, Thành ủy Đà Nẵng đã tiến hành hoàn trả xe cho doanh nghiệp. (Pháp Luật TPHCM 19/11, Tấn Việt)Về đầu trang

Đà Nẵng cấm tự ký hợp đồng lao động, kế toán phải kiêm văn thư

Ngày 19/11, Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký ban hành Chỉ thị “Về thực hiện một số giải pháp cơ cấu lại biên chế, sử dụng hợp lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính thuộc TP.Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021”.

 Theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, các sở ban, ngành, UBND các quận huyện trên địa bàn thành phố đã cố gắng trong công tác tinh giản biên chế... Tuy nhiên, chính sách tinh giản biên chế cũng làm gia tăng áp lực về nhân lực đối với các ngành, địa phương trong tình hình khối lượng công việc và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn ngày càng tăng.

 Cũng theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, việc bố trí, sử dụng nhân lực trong một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự hợp lý, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế chưa gắn liền với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. 

Để thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã đề ra nhiều biện pháp và yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc chấp hành.

 Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo Đề án giai đoạn 2015-2021 của từng cơ quan đơn vị, địa phương đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, khuyến khích các sở ban ngành, địa phương  tổ chức lại (sáp nhập, hợp nhất, giải thể...) để giảm bộ máy và biên chế gián tiếp, tăng biên chế và nhân lực trực tiếp làm công tác chuyên môn.

 Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nghiêm cấm việc tự ký kết hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan hành chính. Đối với vị trí kế toán thuộc phòng chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện phải kiêm nhiệm các vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ khác như tổng hợp, hành chính, văn thư...

 Ngoài ra, trong chỉ thị mới được ban hành, người đứng đầu UBND TP.Đà Nẵng đã có chính sách cho học viên Đề án phát triển nguồn lực chất lượng cao (Đề án 922) của thành phố. Ở đây, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị khi tiếp nhận không qua thi tuyển công chức, phải ưu tiên đối tượng theo chính sách thu hút nguồn nhân lực và học viên Đề án 922... (Danviet.vn 19/11, Đình Thiên)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hà Nội sẽ tích hợp 7 dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia

Sáng 19-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc kết nối, tích hợp giữa Cổng dịch vụ công, hệ thống “một cửa điện tử” của Hà Nội với Cổng dịch vụ công quốc gia.

 Tiếp và làm việc với Đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo các sở, ban, ngành.

 Theo kế hoạch được duyệt, trong tháng 11-2019, UBND thành phố Hà Nội sẽ tích hợp 7 dịch vụ công trực tuyến của thành phố với Cổng dịch vụ công quốc gia.

 Đó là các thủ tục: Thông báo hoạt động khuyến mại; đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông Vận tải cấp; cấp chứng chỉ hành nghề y dược; cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; cấp bản sao trích lục hộ tịch; đăng ký khai sinh. (Hanoimoi.com.vn 19/11, Thế Đan) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Tăng tốc giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài tháng 10, đạt 175 triệu USD

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã thực hiện ký kết 5 hiệp định vay vốn nước ngoài, trong đó có 4 hiệp định với ADB và 1 hiệp định với OFID, tổng trị giá khoảng 463 triệu USD. 

Trong tháng 10 (tính đến 20/10/2019), giải ngân nguồn vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài khoảng 175 triệu USD, cao hơn gần gấp đôi so với tháng 9/2019.

 Lũy kế từ đầu năm đến ngày 20/10/2019, giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài khoảng 1.654 triệu USD, tương đương khoảng 38.283 tỷ đồng. Trong đó cấp phát khoảng 1.152 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 502 triệu USD, chiếm khoảng 35,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã duyệt.

 Về trả nợ của Chính phủ trong tháng 10/2019 khoảng 6.926 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức 19.600 tỷ đồng của tháng trước đó. Trong đó trả nợ trong nước khoảng 4.592 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 2.333 tỷ đồng.

 Lũy kế 10 tháng đầu năm, trả nợ của Chính phủ khoảng 246.496 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 202.862 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 43.634 tỷ đồng (trong đó nghĩa vụ trả nợ cấp phát khoảng 25.228 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 18.406 tỷ đồng).

 Trước đó, theo Báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 của Chính phủ trình Quốc hội, dự kiến dự toán chi ngân sách năm 2020 là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với dự toán chi năm 2019.

 Trong năm 2020, Bộ Tài chính dự kiến bội chi ngân sách là 234,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,44% GDP. Dự kiến đến hết năm 2020, dư nợ công bằng 54,3% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 48,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,5% GDP.

 Theo Bộ Tài chính, chi ngân sách năm 2020 sẽ được thực hiện trên nguyên tắc, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên gắn với mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công; bố trí chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn, quản lý chặt các khoản vay, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; tiếp tục cải cách tiền lương từ 1/7/2020 (tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng tương ứng); bố trí dự phòng, dự trữ quốc gia đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong năm. (Vneconomy.vn 19/11)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Sẽ xét xử hai nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vào ngày 16/12

Sáng nay (19/11), Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định, ngày 16/12 sẽ mở phiên toà sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu.

 Tòa án và Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội cũng bố trí thêm 6 thẩm phán dự khuyết, hai hội thẩm nhân dân dự khuyết và một kiểm sát viên dự khuyết tại phiên tòa.

 Trong số 14 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này, có 13 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".

 Các bị cáo gồm: Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông); Trương Minh Tuấn (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và 11 bị can khác là cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổng công ty viễn thông MobiFone

 Riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ (sinh năm 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

 Bốn bị cáo gồm Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 4-Bộ luật Hình sự. (VTV.vn 19/11) Về đầu trang

Quảng Trị: Hạt trưởng kiểm lâm bị cảnh cáo vì để lâm tặc phá rừng

Ngày 19-11, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết vừa có quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Ngô Kim Thái - hạt trưởng Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông - vì để mất rừng trong phạm vi quản lý.

 Ngoài ông Thái, một cán bộ khác của đơn vị này cũng bị kỷ luật khiển trách. Sắp tới, cả hai người này sẽ tiếp tục nhận những hình thức kỷ luật về mặt chính quyền.

 Theo quyết định của Sở Nông nghiệp Quảng Trị, ông Thái được xác định thiếu kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý hoặc phân công phụ trách.

 Việc kỷ luật ông Thái bắt nguồn từ việc rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông quản lý bị lâm tặc phá hoại khá nhiều ở tiểu khu 724, thuộc địa phận hai xã Tà Long và Húc Nghì (huyện Đakrông). Hiện cơ quan công an đã vào cuộc điều tra.

 Chi bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông cũng bị kỷ luật khiển trách vì "thiếu trách nhiệm trong việc ban hành hoặc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức Đảng dẫn đến vi phạm". (Tuoitre.vn 19/11, Quốc Nam)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tổng thống Donald Trump bị yêu cầu ra điều trần luận tội

Ngày 17/11, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ đã đề nghị Tổng thống Donald Trump ra điều trần trong khuôn khổ của cuộc điều tra luận tội.

 Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 17/11,  lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Dân chủ bang New York, ông Chuck Schumer đã đề nghị Tổng thống Donald Trump ra điều trần trong khuôn khổ của cuộc điều tra luận tội, sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đề nghị ông làm chứng tại Hạ viện.

 Phát biểu với báo giới, ông Schumer cho rằng nếu không đồng ý với nội dung điều trần, Tổng thống Trump nên tham gia các cuộc điều trần tại Hạ viện.

 Ông Schumer cũng cho rằng Tổng thống nên cho phép tất cả các quan chức dưới quyền ông ra điều trần, đồng thời đặt nghi vấn về việc Nhà Trắng ngăn các nhân chứng hợp tác với cuộc điều tra.

 Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã đề nghị Tổng thống Trump ra làm chứng trước Quốc hội. Trả lời phỏng vấn chương trình "Face the Nation" của đài CBS được phát sóng vào ngày 17/11, bà Pelosi cho rằng Tổng thống Trump có thể ngay lập tức tới các ủy ban của Hạ viện để nói về tất cả sự thật mà ông muốn, hoặc có thể làm điều này bằng văn bản. Bà cũng nhấn mạnh Tổng thống có mọi cơ hội để trình bày về trường hợp của mình. 

Thời gian qua, Hạ viện Mỹ đã mở điều tra xem liệu Tổng thống Trump có gây sức ép liên quan đến khoản viện trợ Ukraine để nước này mở cuộc điều tra về cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai của ông là Hunter Biden hay không.

 Tuần trước, Hạ viện đã tổ chức các phiên điều trần luận tội công khai đầu tiên và dự kiến sẽ tổ chức 3 ngày điều trần công khai trong tuần này.

 Các nhà lập pháp của phe Cộng hòa tại Quốc hội liên tục chỉ trích cuộc điều tra, bản thân ông Trump gọi đây là một "cuộc săn phù thủy". (Bnews.vn 19/11, Đại Thắng)Về đầu trang./. 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More