Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 18-7-2019

Post date: 18/07/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.Sử dụng ô tô công vào mục đích cá nhân bị phạt tới 20 triệu đồng. 1

2.Vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước: Có thể bị phạt tới 50 triệu đồng  2

CHỈ THỊ MỚI 4

3.Dùng tiền mặt trên 300 triệu mua bán bất động sản phải báo cáo để chống rửa tiền. 4

4.Yêu cầu loạt doanh nghiệp ngành giao thông phải công bố thông tin. 5

5. Sẽ xử lý nghiêm dừng và đỗ xe sai quy định. 6

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 6

6.Quảng Ninh thí điểm kết nối với nhân dân qua phần mềm Ezlife. 6

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

7.IMF dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,5% năm nay. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

8.“Lưới” thanh tra “dày” mà vẫn “lọt”. 8

9.Sẽ giảm được lãng phí?. 9

QUẢN LÝ.. 11

10.Kiên quyết xử lý sai phạm trong thực thi công vụ. 11

11.Thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh. 11

12.Bộ TT&TT sẽ sớm ban hành hướng dẫn thực hiện sandbox. 12

13.Khó cho người dân và cơ quan quản lý. 13

14.Cần Thơ: Đề xuất làm rõ thêm về quy định quản lý công chức, viên chức. 13

15.Phú Thọ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo hướng hiệu quả, tinh gọn. 14

16.Tiền Giang: Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm khi chọn nhà thầu không đủ năng lực. 15

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 16

17. Kon Tum đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động. 16

THẾ GIỚI 16

18.Bộ trưởng Môi trường Pháp từ chức vì tổ chức tiệc xa xỉ bằng ngân sách. 16

19.Luật cấm bắt nạt nơi công sở có hiệu lực ở Hàn Quốc. 17

20.Singapore thắt chặt bảo vệ dữ liệu khu vực công. 17

 CHÍNH SÁCH MỚI

Sử dụng ô tô công vào mục đích cá nhân bị phạt tới 20 triệu đồng

Nghị định 63/2019/NĐ-CP nêu rõ: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với tổ chức giao, sử dụng ô tô công vào mục đích cá nhân.

 Quy định mức phạt đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, Nghị định 63/2019/NĐ-CP nêu rõ: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với tổ chức giao, sử dụng ô tô công vào mục đích cá nhân, đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn, phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 Mức phạt từ 10-20 triệu đồng cũng áp dụng đối với trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích.

 Ngoài ra, đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, Nghị định cũng quy định mức phạt từ 1-5 triệu đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 100 triệu đồng/1 đơn vị tài sản.

 Phạt từ 5-10 triệu đồng trong trường hợp tổ chức giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản.

 Đối với hành vi trao đổi tài sản công không đúng quy định (dùng tài sản công của tổ chức để đổi lấy tài sản của tổ chức, cá nhân khác mà không được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép) bị phạt theo các mức phạt: Phạt từ 1-5 triệu đồng trong trường hợp tài sản dùng để trao đổi có giá trị dưới 100 triệu đồng; từ 5-10 triệu đồng trong trường hợp tài sản dùng để trao đổi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; từ 10-20 triệu đồng trong trường hợp tài sản dùng để trao đổi là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

 Đối với hành vi tặng cho tài sản công không đúng quy định (sử dụng tài sản công để làm quà tặng vi phạm Quy chế tặng quà do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành) bị phạt tiền từ 20-50 triệu đồng.

 Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể các mức phạt đối với hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi không có quyết định phê duyệt Đề án của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại thời điểm thực hiện hành vi. Cụ thể, phạt từ 1-5 triệu đồng trong trường hợp sử dụng tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng; từ 5-10 triệu đồng trong trường hợp sử dụng tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; từ 15-20 triệu đồng trong trường hợp sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

 Phạt tiền đến 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về xác định giá trị tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

 Mức phạt tiền trên quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Mức phạt đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức. (TTXVN/Bnews.vn 17/7)Về đầu trang

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước: Có thể bị phạt tới 50 triệu đồng

Theo Nghị định số 63/2019/ NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành, từ ngày 1.9 tới, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước có thể bị phạt từ 1 - 50 triệu đồng. Trong đó, mức phạt cao nhất (30 - 50 triệu đồng) áp dụng cho hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Ngày 11.7, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước (KBNN). Nghị định 63 có hiệu lực thi hành từ 1.9.2019 và thay thế cho Nghị định 192/2013, Nghị định 58/2015.

 Các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực KBNN được quy định tại Chương V, từ Điều 54 đến Điều 64.

 Theo đó, phạt 1 - 2 triệu đồng với vi phạm lập hồ sơ, chứng từ gửi KBNN để: chi cho những nội dung, công việc không có trong dự toán được phê duyệt; chi các khoản chi vượt dự toán hoặc kế hoạch vốn năm hoặc vượt dự toán các khoản chi phí được phê duyệt (nếu là các công việc không thông qua hợp đồng); chi các khoản chi sai so với dự toán, chi sai nguồn vốn đầu tư, chi sai danh mục dự án được phê duyệt.

 Hành vi lập hồ sơ, chứng từ gửi KBNN để chi thanh toán cho khối lượng công việc chưa thực hiện; chi thanh toán cho khối lượng công việc đang thực hiện dở dang, chưa đủ điều kiện thanh toán; chi thanh toán vượt giá trị hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng bị phạt từ 3 - 6 triệu đồng và buộc phải thu hồi các khoản đã chi.

 Đối với hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định (ví dụ chi không đúng tiêu chuẩn về chức danh, chi vượt định mức…) và sai so với hồ sơ, chứng từ gốc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt dao động từ 1 - 6 triệu đồng và cũng buộc thu hồi các khoản đã chi.

 Mức phạt cao nhất, từ 30 - 50 triệu đồng, áp dụng cho hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo gửi KBNN để thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư trên 500 triệu đồng. Hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo gửi KBNN để thanh toán, chi trả các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên… bị phạt tiền 10 - 15 triệu đồng. Toàn bộ các khoản đã chi từ việc sử dụng hồ sơ, chứng từ giả mạo đều bị buộc thu hồi.

 Đối với hành vi vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước, sẽ phạt 1 - 2 triệu đồng nếu lập hồ sơ, chứng từ đề nghị KBNN chuyển tiền thanh toán không đúng tên hoặc số hiệu tài khoản đơn vị thụ hưởng đã được ghi trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng. Trường hợp lập hồ sơ, chứng từ đề nghị thanh toán chi ngân sách nhà nước sai về giá trị hợp đồng; thời hạn, phương thức, tỷ lệ thanh toán… bị phạt 2 - 4 triệu đồng. Nếu vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi và thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước bị phạt từ 1 - 4 triệu đồng. Hành vi lập hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản tại KBNN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt 10 - 15 triệu đồng.

 Cũng theo Nghị định 63, Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố có quyền phạt tiền đến 70 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; Tổng Giám đốc KBNN có quyền phạt tiền đến 100 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

 Như vậy, mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN quy định tại Nghị định 63 có cao hơn so với Nghị định 192/2013 và Nghị định 58/2015. (Đại Biểu Nhân Dân 17/7)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Dùng tiền mặt trên 300 triệu mua bán bất động sản phải báo cáo để chống rửa tiền

Bộ Xây dựng mới đây có công văn 1590 gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

 Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các Sở có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013, Thông tư 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014.

 Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương phải ban hành và thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.

 Thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, khách hàng, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao, phân công cán bộ thực hiện phòng, chống rửa tiền…

 Lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền.

 Thực hiện đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố tại chính tổ chức mình về các giao dịch bất động sản.

 Kết quả đánh giá rủi ro của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chông rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 01/9/2019 để thống kê, theo dõi phục vụ công tác thanh tra, giám sát.

 Liên hệ với Cục Phòng, chống rửa tiền để có thông tin và hướng dẫn về các danh sách đen, danh sách cảnh báo, danh sách cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) theo quy định của pháp luật.

 Đồng thời, truy cập cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tải xuống các báo cáo để có thông tin kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố nói chung và kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực bất động sản nói riêng.

 Hoặc liên hệ với Cục Phòng, chống rửa tiền để có các văn bản, thông tin hướng dẫn việc tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố.

 Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản cũng được yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương. (VnEconomy.vn 17/7)Về đầu trang

Yêu cầu loạt doanh nghiệp ngành giao thông phải công bố thông tin

Bộ Giao thông Vận tải mới đây có văn bản gửi các doanh nghiệp gồm: Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giao thông vận tải về việc công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước.

 Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các doanh nghiệp trên triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước quy định tại Nghị định 81/2015 của Chính phủ.

 Các doanh nghiệp rà soát các nội dung phải công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 81 giai đoạn từ năm 2016 đến thời điểm 30/6/2019 để công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp. Đồng thời, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải để công bố theo quy định.

 Trước đó, ngày 28/6, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước yêu cầu thực hiện công bố thông tin theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.

 Đồng thời, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế khẩn trương rà soát, danh sách các cơ quan chủ sở hữu có chuyên mục riêng về công bố thông tin; danh sách các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công bố thông tin năm 2018; danh sách các doanh nghiệp chưa thực hiện công bố thông tin trong 3 năm 2016 đến 2018 để thực hiện các nhiệm vụ.

 Xây dựng chuyên mục riêng và công bố thông tin của doanh nghiệp trên cổng hoặc trang thông tin điện tử do Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp quản lý và đăng tải thông tin theo quy định, gửi kết quả về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 Đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công bố thông tin trong năm 2018 hoặc trong cả 3 năm 2016 đến 2018 phải xử lý trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp theo hướng khiển trách hoặc cảnh cáo và xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp theo quy định; xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện việc công bố thông tin theo đúng quy định. (VnEconomy.vn 16/7)Về đầu trang

Sẽ xử lý nghiêm dừng và đỗ xe sai quy định

Trước thực trạng các chủ phương tiện đã sử dụng lòng, lề đường để dừng, đỗ xe sai quy định, thậm chí tổ chức ăn uống trên đường cao tốc, thành điểm trông giữ xe dưới lòng đường, gây cản trở giao thông, mất an toàn, nguy hiểm, những vụ tai nạn đáng tiếc. Do vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh thành phố, các doanh nghiệp BOT giao thông… xử lý nghiêm tình trạng dừng, đỗ xe không đúng quy định trên đường bộ.

 Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị: Rà soát kiểm tra các vị trí đường hẹp, mức độ lưu thông lớn để tiến hành cắm biển báo cấm đỗ xe, trường hợp cần thiết có thể cắm biển cấm dừng, cấm đỗ xe; các vị trí, đoạn đường có tình trạng xe đỗ thường xuyên, chủ xe để xe ngoài đường thay cho vào bãi gửi thì làm việc với chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở, cần thiết thì cắm biển cấm đỗ xe. Bên cạnh đó, phối hợp, làm việc với cơ quan công an, cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý các trường hợp không chấp hành các quy định tại Điều 18, Điều 19 - Luật Giao thông đường bộ về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ. (Đại Biểu Nhân Dân 17/7, Đức Huy)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Quảng Ninh thí điểm kết nối với nhân dân qua phần mềm Ezlife

Hai phường Bạch Đằng, Hòn Gai của thành phố Hạ Long là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh thí điểm triển khai kết nối với nhân dân bằng phần mềm công nghệ thông qua ứng dụng Ezlife.

 Ứng dụng Ezlife là giải pháp do Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (Học viện Bưu chính Viễn thông) phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Ninh phát triển, nhằm tạo ra tương tác giữa người dân và chính quyền thông qua môi trường mạng. Ứng dụng được cài đặt trên nền tảng số của điện thoại thông minh.

 Đối với chính quyền, đây sẽ là kênh thông tin chuyển tải các thông báo, tin tức, thủ tục hành chính, văn bản, chính sách… đến người dân một cách nhanh nhất và đúng đối tượng, thay thế cho cho loa phường và hình thức tuyên truyền thủ công, truyền thống.

 Đồng thời, qua ứng dụng Ezlife, người dân có thể phản ánh các vấn đề về giao thông, môi trường, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch vụ hành chính… với chính quyền một cách dễ dàng, thuận tiện hơn. Qua đó, chính quyền có thể chia sẻ thông tin và khảo sát ý kiến cư dân khi triển khai các chương trình, kế hoạch, các dự án đô thị; có thể xem thống kê phân bố việc đọc và phản hồi của cư dân trên một biểu đồ theo thời gian.

 Trong thời gian tới, hệ thống cho phép người dân đánh giá hay bình luận các thông báo từ chính quyền. Ứng dụng sẽ tự động phát hiện vị trí đứng của người dân, du khách để đưa ra các số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp (hotline), cung cấp các số điện thoại hỗ trợ tương ứng với các cơ quan chức năng tại vị trí mà người dân đang đứng.

 Một chức năng khác của hệ thống EzLife là tăng cường triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công online, cho phép người dân tra cứu hồ sơ trên website một cách nhanh chóng. Đồng thời, hệ thống cung cấp thông tin chính thống về các địa danh và sự kiện quan trọng… Nội dung thông tin được cung cấp dưới dạng đa phương tiện dùng hình ảnh, âm thanh AR/VR mang lại những trải nghiệm độc đáo và thú vị cho người dùng.

 Ngoài ra, người dân, du khách còn có thể đánh giá hay bình luận cho các địa danh hay sự kiện này. Với tính năng này, chính quyền biết được sự quan tâm của cư dân đến các địa danh, các vấn đề du khách gặp phải để cải tiến, hỗ trợ du khách ngày càng tốt hơn. Đồng thời, chia sẻ chức năng này cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, du lịch, thương mại.. để tiếp cận khách hàng, làm phong phú dịch vụ cho du khách, tạo nguồn thu cho doanh nghiệp.

 Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trung Tiến cho biết trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với đơn vị thực hiện bổ sung thêm một số nội dung như: đăng ký tạm trú; ứng dụng các tiện ích như điện, nước; thanh toán online… Đồng thời, Sở đánh giá, kiểm tra sát sao hiệu quả của ứng dụng để kịp thời nhân rộng tới các địa phương khác. Đây là bước tiến trong việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từ đó nâng cao vai trò của người dân, có sự tham gia trực tiếp và tích cực hơn với các vấn đề trong cuộc sống. (TTXVN/Bnews.vn 17/7, Văn Đức)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

IMF dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,5% năm nay

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng chậm lại, còn 6,5%, thấp hơn mục tiêu 6,8% Chính phủ đưa ra cuối năm ngoái. Tốc độ này sẽ duy trì sang năm tới và trong trung hạn, phản ánh điều kiện bên ngoài dần kém thuận lợi. Năm ngoái, Việt Nam tăng trưởng 7,1%, cao nhất 10 năm.

 IMF tính toán lạm phát Việt Nam đạt trung bình 3,5% năm 2018. Số liệu này có thể tăng tốc, lên 3,6% năm nay và 3,8% năm 2020.

 Tổ chức này đánh giá năm ngoái, Việt Nam chịu tác động từ căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, kinh tế vẫn vững vàng, nhờ thu nhập và tiêu dùng tăng ổn định, mùa màng tốt và sản xuất tăng vọt.

 "Đà tăng trưởng kinh tế mạnh được dự báo kéo dài sang năm 2019, nhờ chi phí lao động cạnh tranh và các yếu tố nền tảng vững chắc khác, trong đó có cấu trúc thương mại đa dạng và nhiều hiệp định thương mại tự do ký kết gần đây. Những điều này đều đang thúc đẩy quá trình cải tổ", IMF nhận định.

 IMF đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa các thể chế kinh tế và cải thiện khả năng quản trị. Tổ chức này cho rằng Việt Nam nên tập trung củng cố quy định chống tham nhũng và tăng giám sát doanh nghiệp nhà nước.

 IMF cho rằng kinh tế vững mạnh tạo cơ hội thực hiện nhiều biện pháp cải tổ tham vọng, nhằm cân bằng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân. Cải tổ cũng có thể thu hút đầu tư nhờ giảm thủ tục hành chính, quy trình cấp phép và rào cản thương mại. 

 Năm nay, nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam chậm lại. Hồi tháng 4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, đạt 6,8% năm nay và 6,7% năm 2020.

 Trong báo cáo Điểm lại công bố đầu tháng, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam tăng 6,6% năm nay do sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục thắt chặt. Hai năm tới, tốc độ này có thể về 6,5%. Lạm phát được dự báo vào khoảng 3,7% năm nay, thấp hơn mục tiêu lạm phát của Chính phủ là 4%. (VnEconomy.vn 17/7)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

“Lưới” thanh tra “dày” mà vẫn “lọt”

Không ít địa phương, doanh nghiệp vẫn kêu “khổ” vì việc bị thanh tra, kiểm tra. Thanh tra "dày" như thế nhưng vẫn "lọt" các vi phạm lớn.

 Trong kỳ thứ 7 Quốc hội khóa XIV vừa qua và tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, một lần nữa vấn đề thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng kéo, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp lại được nêu ra. Điều đáng nói là lực lượng thanh tra rất “dày”, nhiều cơ quan, nhiều cấp thanh tra, nhưng vẫn để “lọt” nhiều vụ việc, sai phạm thuộc phạm vi thanh tra, giám sát. 

 Về nguyên tắc quản lý Nhà nước, ở đâu có quyền lực, ở đó cần giám sát. Ở đâu dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu, ở đó cần có sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thế nhưng, cần bao nhiêu cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát; cần bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm toán mỗi năm đối với một đơn vị được giám sát; cần phân rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan thanh tra, kiểm toán các cấp ra sao để tránh chồng chéo... thực sự đang là vấn đề rất cần giải quyết.

 Bởi thực tế là không ít địa phương, doanh nghiệp vẫn kêu “khổ” vì bị thanh tra, kiểm tra. Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương cách đây ít hôm, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết, năm qua phải tiếp đến 14 cuộc thanh tra. Các doanh nghiệp dù hân hoan, nức lòng với Chỉ thị số 20 của Thủ tướng năm 2017 về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thì đến nay vẫn có doanh nghiệp than thanh tra “không có hồi kết”.

 Chỉ thị này yêu cầu khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp. Thế nhưng, cái khó là cơ quan nào “cầm trịch”, có chịu bỏ “quyền anh, quyền tôi” để phối hợp với các cơ quan khác, tránh tranh tra chồng chéo?!. Hay cùng một nội dung thanh tra, liệu cơ quan thanh tra sau có sự chấp thuận kết quả thanh tra, kế thừa kết quả của cơ quan thanh tra trước hay không?!. Và nếu có đoàn thanh tra thứ hai trong năm, doanh nghiệp có quyền từ chối không?!.

 Trong khi nguyên tắc của thanh tra, kiểm toán là không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp thì mới đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản “than khổ” vì thời gian thanh tra kéo dài đến 2,3 năm, thậm chí thanh tra “không có hồi kết”, khiến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

 Sự chồng chéo trong công tác thanh tra có lý do từ “lưới” thanh tra “dày”, nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra. Cấp Chính phủ có Thanh tra Chính phủ, cấp bộ có thanh tra bộ, cấp tỉnh có thanh tra tỉnh, cấp sở cũng có thanh tra sở; cấp quận, huyện cũng có cơ quan thanh tra. Bên cạnh đó còn có Kiểm toán Nhà nước...

 Bất cập ở chỗ, cơ quan chủ quản của các cấp thanh tra là khác nhau, nhưng nhiều cơ quan thanh tra lại có chức năng như nhau, ví dụ một dự án xây dựng trên địa bàn thì Thanh tra Bộ Xây dựng, thanh tra Sở Xây dựng, thanh tra quận, huyện, phường đều có thể thanh tra, giám sát.

Bất cập cũng ở chỗ, người ra quyết định thanh tra của các cơ quan thanh tra các cấp là khác nhau, nên việc xảy ra chồng chéo là khó tránh. Thanh tra Chính phủ thì chịu sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước thì chịu sự chỉ đạo của Quốc hội; thanh tra bộ, ngành thì chịu sự chỉ đạo của bộ trưởng các bộ; thanh tra các sở thì chịu sự chỉ đạo của lãnh đạo sở...

 Bất cập còn ở chỗ, “lưới” thanh tra tuy “dày” nhưng vẫn để lọt các vi phạm lớn. Dư luận mấy ngày nay hết sức quan tâm đến việc khởi tố ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, một tập đoàn lớn trong lĩnh vực xây dựng với hơn 20.000 lao động. Có sai phạm thì mới khởi tố, nhưng vấn đề là các công trình xây dựng không phải là “cái kim” hay “sợi chỉ” để nói rằng kiểm tra, thanh tra không phát hiện sai phạm. Ấy thế nhưng thực tế là một loạt các sai phạm của các tòa nhà hàng chục tầng của Tập đoàn này vẫn lọt lưới quản lý của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, thanh tra quận, phường...

 Điều này thật mâu thuẫn với hình ảnh một hộ dân chỉ cần đập tường, sửa nhà không đăng ký, thì ngay lập tức cán bộ phường sẽ có mặt xử lý ngay.

 Khi “lưới” thanh tra, quản lý nhiều như vậy mà để lọt sai phạm, thậm chí là khởi tố cá nhân vi phạm, thì câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cán bộ, cơ quan thanh tra sẽ ra sao?! Và rằng, nếu có quyền lực thì cần kiểm soát quyền lực nhưng ai sẽ là người kiểm soát quyền lực của cơ quan thanh tra, để không xảy ra vụ việc đáng tiếc như vụ việc gây chấn động của thanh tra Bộ Xây dựng vừa qua. Có giải quyết tốt những bất cập này thì “lưới” thanh tra “dày” mới không để lọt các sai phạm. (VOVNews 17/7, Vũ Dũng) Về đầu trang

Sẽ giảm được lãng phí?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước. Liệu đây có là giải pháp hữu hiệu để giảm được tình trạng lãng phí hay không?

 Nghị định quy định cụ thể những hình thức xử phạt chính bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mức phạt là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200  triệu đồng đối với tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Nghị định cũng quy định, đối với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng…

 Không phải cho đến thời điểm này, vấn đề lãng phí mới được nói đến. Ngay từ năm 2012, trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã từng thẳng thắn, tham nhũng bị coi là tội phạm trong khi lãng phí chỉ được xem là khuyết điểm. Lãng phí muôn hình vạn trạng ở khắp nơi: Lãng phí trong sử dụng ngân sách, trong quản lý đất đai, mua sắm tài sản, trong sử dụng đất đai, mua sắm tài nguyên, đó là lãng phí hữu hình. Cùng với đó là lãng phí vô hình trong khai thác nguồn nhân lực, lãng phí chất xám, lãng phí trong quy hoạch do thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính dự báo không nắm bắt được nhu cầu thị trường. Và kết lại vấn đề này, đại biểu Lê Như Tiến ví von, “tham nhũng lãng phí là anh em sinh đôi, hai kẻ đồng hành, đồng lõa cùng hội cùng thuyền”.

 Có lẽ, cũng chính vì sự nhận thức khi lãng phí xảy ra chỉ bị coi là “khuyết điểm” nên trên thực tế, dù lãng phí “nhìn đâu cũng thấy” nhưng không mấy người bận tâm, hay tìm cách để ngăn chặn. Đó cũng là lý do lãng phí gần như đang xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội mà chưa có phương án để ngăn chặn hiệu quả.

 Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ rõ, có tới 10 bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số cơ quan, đơn vị ban hành chương trình còn dàn trải, chưa xác định rõ nhiệm vụ cụ thể cần tập trung triển khai, chưa lượng hóa các chỉ tiêu để phấn đấu và làm căn cứ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Điều đáng nói là, tình trạng này mặc dù trong năm 2018 đã bị UBTVQH nhắc nhở, Chính phủ đã phê bình, nhắc nhở nhưng năm 2019 vẫn có 26 bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; còn 27/34 bộ, ngành và 34/63 địa phương chưa triển khai Thông tư số 129/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên. Qua giám sát cho thấy, việc xây dựng báo cáo của một số cơ quan, đơn vị còn sơ sài, thiếu số liệu, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định. 

Muốn thực hành tiết kiệm, chống được lãng phí hiệu quả, đầu tiên cần phải có sự nhận thức đúng đắn của người đứng đầu mỗi cơ quan đơn vị, bộ ngành, địa phương. Khi mà cơ quan đơn vị, bộ, ngành địa phương chưa bắt tay vào triển khai tiêu chí đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên thì có căn cứ nào để biết được thực hiện công tác này đến đâu? Điều này cho thấy, người đứng đầu vẫn còn thờ ơ với công tác chống lãng phí. Cử tri và dư luận rất muốn biết, sau khi điểm tên những địa phương, bộ ngành chậm chậm gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chưa triển khai Thông tư số 129/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên thì đến nay các chủ thể này đã bị xử lý như thế nào, hay chỉ “rút kinh nghiệm” rồi để đó? Nếu không xử lý nghiêm những trường hợp này, thì tin rằng, vi phạm này sẽ vẫn tiếp tục tái diễn.

 Nghị định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đã có quy định chế tài rất cụ thể đối với từng hành vi trong từng lĩnh vực. Mong rằng, với biện pháp mạnh, cùng với việc thực thi nghiêm quy định này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bởi, ngăn chặn lãng phí mà chỉ mãi áp dụng hình thức “phê bình”, hay “nhắc nhở” thì lãng phí sẽ tiếp diễn. (Đại Biểu Nhân Dân 17/7, Lê Hùng)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Kiên quyết xử lý sai phạm trong thực thi công vụ

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 ngành nội vụ do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 16.7.

 Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã chủ động, tập trung chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thực hiện bảo đảm đúng thời hạn, chất lượng. Công tác phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên, kịp thời; công tác thông tin, báo cáo phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền được chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự chuyển biển rõ nét; bộ phận “một cửa”, một cửa liên thông tiếp tục được duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính… Đáng chú ý, về tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến 30.6.2019, Bộ Nội vụ đã thẩm tra việc tinh giản biên chế với số lượng 41.515 người, giảm được 6,75% so với năm 2015; đến nay đã có 40 tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh…

 Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tham luận về 4 nhóm vấn đề: Tổ chức triển khai các văn bản pháp luật; sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; cơ chế bổ nhiệm, nâng ngạch, tinh giản biên chế; công tác quản lý nhà nước về hội, về thi đua, khen thưởng…

 Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá cao những kết quả mà ngành đạt được trong thời gian qua; đồng thời yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm, cần tập trung chỉ đạo các cấp sớm hoàn thành việc giao biên chế công chức năm 2020, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời để phát hiện và kiên quyết xử lý những sai phạm trong thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính các cấp. Tập trung tham mưu cho các cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại, tạo thuận tiện cho người dân và tổ chức. (Đại Biểu Nhân Dân 17/7, Bảo Hân)Về đầu trang

Thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

 Cơ cấu tổ chức của Hội đồng gồm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng và một số chuyên gia về quy hoạch. Ông Nguyễn Đức Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Cơ quan thường trực của Hội đồng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng.

 Cơ quan thường trực của Hội đồng có trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng, trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định ban hành.

 Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. (TTXVN/Bnews.vn 17/7)Về đầu trang

Bộ TT&TT sẽ sớm ban hành hướng dẫn thực hiện sandbox

Trong năm 2019, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện sandbox (dạng cơ chế thử nghiệm, thí điểm áp dụng trong phạm vi hạn chế) cho chuyển đổi số. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT trong buổi tiếp xúc với hơn 200 doanh nghiệp công nghệ thông tin tại khu vực phía Nam.

 Thiếu hành lang pháp lý cho cơ chế thử nghiệm sandbox khiến nhiều dự án công nghệ bị giậm chân tại chỗ là chia sẻ chung của nhiều doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ Bộ trưởng Bộ TT-TT.

 Như trường hợp bộ công cụ điều khiển giao thông với trí tuệ nhân tạo, dù sản phẩm đã bán được cho các đối tác nước ngoài như Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc nhưng cánh cửa để tiếp cận chính thị trường Việt Nam vẫn chưa được mở.

 Nhiều chuyên gia tại buổi tiếp xúc cũng cho rằng, vấn đề mấu chốt trong đề án chuyển đổi số là phải giải được bài toán sandbox.

 Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ TT-TT khẳng định, chính sách về sandbox sẽ sớm được đưa ra.

 Việt Nam đã có những bài học về các đề án được thực hiện rất công phu nhưng sau đó lại không khả thi như đề án "Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông" năm 2010. Do vậy, hướng dẫn thực hiện sandbox được cộng đồng doanh nghiệp CNTT và khởi nghiệp chờ đón bởi nếu chính sách sandbox không sớm được triển khai, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn về mặt pháp lý, đặc biệt là trong vấn đề hồi tố. (Kênh VTV1 – Bản tin Tài chính Kinh doanh lúc 7h sáng 16/7)Về đầu trang

Khó cho người dân và cơ quan quản lý

Khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp quy định, Phiếu lý lịch tư pháp gồm: Phiếu số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức (công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu của mình; Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã); Phiếu số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng khi có yêu cầu cấp Phiếu để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

 Như vậy, công dân được cấp 2 loại Phiếu lý lịch tư pháp nhằm phục vụ cho các mục tiêu khác nhau của công dân và cơ quan quản lý nhà nước. Quá trình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp cho thấy, quy định này gây khó cho người dân và ngay cả chính cơ quan quản lý. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp đã yêu cầu cấp Phiếu số 1 sau đó đổi lại Phiếu số 2 và ngược lại. Mặt khác, do từ ngữ giải thích về loại Phiếu là thuật ngữ chuyên ngành, công dân không thể hiểu (án tích, cấm đảm nhiệm) do đó, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải thích rõ cho từng trường hợp yêu cầu để người dân hiểu, dẫn đến việc bị động trong công tác tiếp nhận hồ sơ do lượng hồ sơ yêu cầu rất nhiều.

 Bên cạnh đó, quy định công dân có quyền yêu cầu cấp Phiếu số 2 để biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cá nhân. Tuy nhiên, do nội dung xác nhận tình trạng án tích ghi đầy đủ tình trạng án tích (bao gồm cả án tích đã được xóa) nên một số cơ quan đã lạm dụng quy định này, yêu cầu cá nhân phải nộp Phiếu số 2 khi làm các thủ tục (xin thị thực nhập cảnh, đăng ký kết hôn, bổ túc hồ sơ làm việc...) để nắm rõ thông tin nhân thân, tình trạng lý lịch; một số trường hợp bị từ chối cấp thị thực do từng bị kết án mặc dù án tích đã được xóa.

 Hơn nữa, nội dung Phiếu số 2 ghi thông tin về họ tên cha, mẹ, vợ hoặc chồng… lại gây khó khăn cho chính cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Bởi, nếu cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh để ghi quan hệ cha, mẹ, vợ/chồng thì làm phát sinh thủ tục, không đúng quy định; còn nếu chỉ căn cứ vào Tờ khai của công dân thì cơ quan cấp Phiếu mặc nhiên thừa nhận các mối quan hệ về nhân thân của người được cấp Phiếu.

 Trong khi, thông tin do người dân cung cấp không chính xác nhưng không có cơ sở kiểm chứng, nhiều trường hợp con ngoài giá thú nhưng khai thông tin về người cha hoặc chưa đăng ký kết hôn nhưng khai thông tin về người chồng/vợ… Chính vì thế, người dân sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp để thực hiện các thủ tục hành chính tiếp theo tại các cơ quan khác thì phát hiện sai thông tin. Do đó, lại đến Sở Tư pháp yêu cầu cấp lại theo giấy tờ thể hiện mối quan hệ. (Đại Biểu Nhân Dân 17/7, Đình Khoa)Về đầu trang

Cần Thơ: Đề xuất làm rõ thêm về quy định quản lý công chức, viên chức

Sáng 16/7, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của ngành Nội vụ, ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ đã đề xuất với Bộ Nội vụ nhiều nội dung quan trọng nhằm làm rõ thêm về công tác tuyển dụng và quản lý công chức, viên chức theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP và Thông tư số 03/2019/TT-BNV (về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, nâng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập).

 Về trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức hoặc xét chuyển công chức cấp xã trở thành cấp huyện trở lên, ông Hoàng Ba cho biết, quy định của Nghị định này nêu là “phải có đủ 5 năm làm viên chức, hoặc 5 năm làm công chức cấp xã thì được xét tuyển”.

 Nhưng ở Cần Thơ có trường hợp có đồng chí 3 năm làm việc ở xã và 2 năm làm viên chức, khi áp dụng thực tế thì gặp vướng mắc do quy định trong Nghị định nêu chưa rõ. Đối với việc xác định thời hạn đánh giá, phân loại viên chức trong việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (1 năm hay 3 năm) thì gặp vướng mắc do một số bộ, ngành quy định khác nhau.

 Ví dụ, Bộ Khoa học và Công nghệ quy định là “Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong 1 năm công tác liền kề với năm nộp hồ sơ dự thi”, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo lại quy định “Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi”. Do đó, đại diện Sở Nội vụ Cần Thơ đề nghị Bộ Nội vụ xem xét hướng dẫn để có sự thống nhất chung.

 Ngoài ra, ông Ba còn đề xuất Bộ cần sớm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ (hiện vẫn còn áp dụng Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ) trong khi một số quy định của Nghị định này đã không còn phù hợp so với các quy định hiện tại có liên quan. (Pháp Luật Việt Nam 17/7, Hải Âu) Về đầu trang

Phú Thọ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo hướng hiệu quả, tinh gọn

Đánh giá việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch xác định nội dung, lộ trình các bước thực hiện trong năm nay và những năm tiếp theo. Lộ trình triển khai thực hiện: Năm 2019, tổng hợp, xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh giai đoạn 2019 - 2021.

 Theo đó, tỉnh tiến hành sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 đơn vị cấp huyện. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 225 đơn vị, giảm 52 đơn vị so với trước khi sắp xếp. Quá trình thực hiện bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, theo đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

 Để triển khai đạt kết quả tốt, tỉnh yêu cầu MTTQ, các tổ chức đoàn thể tăng cường chỉ đạo hội viên, đoàn viên, đại diện khu dân cư tích cực tuyên truyền và vận động triển khai thực hiện tốt phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ phân công cán bộ phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án theo đúng lộ trình. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ bảo đảm chế độ, chính sách cho các đối tượng sau sáp nhập, nhất là những người không tiếp tục làm việc trong bộ máy, tổ chức; có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc giải quyết tồn đọng của chính quyền cũ.

 Ngoài ra, tỉnh quan tâm, tạo mọi điều kiện như bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đề án; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng các địa phương làm tốt, để việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đạt hiệu quả cao nhất. (Nhân Dân 17/7, PV) Về đầu trang

Tiền Giang: Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm khi chọn nhà thầu không đủ năng lực

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, làm chậm tiến độ thi công công trình.

 Ông Tuấn cũng cho biết để thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công theo nghị quyết đề ra, trong nửa cuối năm 2019, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt.

 Tỉnh tăng cường lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm hợp đồng đã ký kết cũng như không có năng lực thực hiện dự án.

 Từ nay đến cuối năm, tỉnh khẩn trương thi công các công trình trong kế hoạch, đặc biệt là các công trình khởi công mới; chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm đền bù, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ các công trình và giải ngân tốt các nguồn vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công năm 2019.

 Nhằm hỗ trợ cho việc lựa chọn các nhà thầu có năng lực, tỉnh sẽ tăng cường đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định và chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch và hiệu quả.

 Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của dự án, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi, điều chuyển chỉ tiêu kế hoạch vốn đối với các dự án đến nay chưa triển khai hoặc chưa giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 để chuyển sang cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tốt kế hoạch 2019.

 Đặc biệt, đối với các công trình trường học phải bảo đảm hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng trước năm học mới. Mặt khác, thực hiện ngay nghiệm thu, thanh toán vốn đối với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng, không để dồn thanh toán vào cuối năm.

 Đối với các công trình đã tạm ứng vốn phải hoàn ứng cho ngân sách nhà nước khi được bố trí vốn theo quy định. Các cơ quan chức năng hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thanh toán, thu hồi vốn ứng trước và xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi để thanh toán nhanh cho các dự án có đủ điều kiện giải ngân.

 Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, theo kế hoạch, năm 2019, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước là 3.846,3 tỷ đồng; trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là 2.660,3 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn Trung ương. Từ nguồn vốn trên, tỉnh triển khai thực hiện 462 công trình, dự án.

 Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị khối lượng của tỉnh thực hiện ước trên 1.646 tỷ đồng, giá trị giải ngân ước đạt 1.568 tỷ đồng, tương đương 40,79% kế hoạch năm. Theo Phó Chủ tịch tỉnh Phạm Anh Tuấn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm 2019 chưa cao, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn...

 Trước tình hình trên, Tiền Giang tích cực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đưa các công trình vào sử dụng kịp thời phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. (TTXVN/Vietnam+ 16/7)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Kon Tum đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động

UBND tỉnh Kom Tum cho biết, từ ngày mai (18/7/2019), tỉnh Kom Tum chấm dứt việc tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành đối với 1.170 thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, các thủ tục hành chính này sẽ được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum (số 70 – Lê Hồng phong, thành phố Kon Tum).

 Việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào haotj động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước; bảo đảm các thủ tục được giải quyết nhanh, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định; cải thiện chất lượng công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân. (Đầu Tư 17/7, tr2, Ngọc Tân) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Bộ trưởng Môi trường Pháp từ chức vì tổ chức tiệc xa xỉ bằng ngân sách

Ngày 16/7, Bộ trưởng Môi trường Pháp Francois de Rugy đã từ chức sau khi bị cáo buộc nhiều lần tổ chức tiệc xa xỉ bằng tiền ngân sách cho mục đích cá nhân khi còn là Chủ tịch Hạ viện.

 Đây được xem là một đòn dáng vào Chính phủ Pháp trong bối cảnh Tổng thống Macron đang nỗ lực vực lại uy tín và hàn gắn lại những rạn nứt xã hội sâu sắc sau 6 tháng biểu tình và bất ổn do phong trào "Áo vàng" phát động.

 Ông Francois de Rugy, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Môi  trường từ tháng 9/2018, cho biết quyết định trên được đưa ra sau một tuần xuất hiện những cáo buộc trên từ trang web cánh tả Mediapart.

 Ngoài những hình ảnh ông và gia đình tổ chức nhiều bữa tiệc xa xỉ, trang web trên còn báo buộc những sự kiện trên đều được trả bằng "tiền thuế của người dân" bất chấp việc ông này cho rằng việc này là một phần trong công việc của ông với cương vị Chủ tịch Quốc hội giai đoạn 2017-2018.

 Mediapart còn tiết lộ rằng ông Rugy đã được hưởng lợi từ một căn hộ gần Nantes (Năng), quê hương của ông ở miền Tây nước Pháp, đang được cho thuê với giá ưu đãi dành cho người lao động có thu nhập thấp.

 Cùng ngày, Điện Elysee thông báo Bộ trưởng Giao thông Elisabeth Borne đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Môi trường mới của Pháp. (TTXVN/Bnews.vn 17/7, Phương Hoa)Về đầu trang

Luật cấm bắt nạt nơi công sở có hiệu lực ở Hàn Quốc

Ngày 16/7, Luật chống bắt nạt, quấy rối nơi công sở bắt đầu có hiệu lực tại Hàn Quốc với khung hình phạt cao nhất là phạt tù đối với người vi phạm.

 Khảo sát của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy, hơn 60% công nhân, nhân viên thừa nhận mình từng bị bắt nạt ở nơi làm việc. Trong khi, 80% nhân viên cho biết từng tận mắt chứng kiến những hành động đó. Bắt nạt nơi công sở xảy ra khi người có chức vụ cao có thái độ hống hách, o ép nhân viên… Đây là tình trạng được coi là rất phổ biến tại Hàn Quốc. Để khắc phục tình trạng này, ngày 16/7, luật chống bắt nạt, quấy rối nơi công sở bắt đầu có hiệu lực tại Hàn Quốc.

 Luật mới diễn giải bắt nạt nơi công sở là hành vi mà chủ lao động hoặc những người có chức quyền lạm dụng quyền hạn, gây tổn hại tâm thần và sức khỏe hoặc bầu không khí làm việc của người lao động.

 Người lao động cũng có thể phản ánh tình trạng nói xấu nơi công sở hoặc bị ép tham dự các sự kiện ngoài giờ của công ty. Trường hợp nạn nhân bị ngược đãi hoặc phân biệt đối xử, chủ lao động có thể phải chịu mức án tối đa 3 năm tù giam và khoản tiền phạt 30 triệu Won, tương đương gần 600 triệu đồng. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cho biết, trước đây, người lao động e ngại trình báo các vụ việc bắt nạt vì không có khung pháp lý bảo vệ họ.

 Cuối năm 2014, dư luận Hàn Quốc phẫn nộ với vụ việc Phó Chủ tịch hãng Korean Air yêu cầu máy bay đang trên đường băng phải quay về cổng để đuổi tiếp viên trưởng khỏi máy bay. Lý do vì tiếp viên trưởng phục vụ hạt mắc ca trong gói chứ không bày ra đĩa sứ cho nhân vật này.

 Giới chức Hàn Quốc hy vọng, luật chống bắt nạt nơi công sở có thể ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng người có chức quyền lợi dụng vị trí của mình để bắt nạt cấp dưới. (VTV.vn 17/7)Về đầu trang

Singapore thắt chặt bảo vệ dữ liệu khu vực công

Tất cả cơ quan dịch vụ công của Singapore sẽ cùng triển khai một khuôn khổ chung với nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân.

 Đây là những khuyến nghị ban đầu vừa được Ủy ban đánh giá an ninh dữ liệu khu vực công đưa ra, sau một loạt các vụ đánh cắp và rò rỉ dữ liệu xảy ra vào năm 2018.

 Trong đợt đầu tiên này, 13 biện pháp sẽ được đưa ra triển khai, bao gồm các biện pháp kỹ thuật như tự động phát hiện email chứa thông tin nhạy cảm và mã khóa file tốt hơn. Một khi triển khai, các biện pháp số này đảm bảo dữ liệu sẽ không thể sử dụng được nếu bị khai thác trái phép, hay có thể phát hiện việc truyền dữ liệu bất thường, cũng như hạn chế quyền truy cập của người sử dụng.

 Cũng theo khuôn khổ chung này, các file nhạy cảm phải được mã hóa. Thông tin nhạy cảm của một số người dùng như tình trạng HIV hay thông tin cá nhân của các bộ trưởng và các nhân vật quan trọng sẽ được cất giữ ở các hệ thống riêng rẽ với cấp độ bảo mật cao hơn.

 Các biện pháp này sẽ bổ sung cho các chính sách được áp dụng hiện nay, bao gồm việc tách mạng Internet được triển khai từ 2016, hay khóa cổng USB để tránh bị xâm nhập bởi các thiết bị trái phép, được triển khai từ 2017.

 Ủy ban đánh giá an ninh dữ liệu khu vực công sẽ tiếp tục đưa ra nhiều khuyến nghị trong thời gian tới nhằm đảm bảo việc sử dụng dữ liệu công dân ở khu vực công là an toàn và có trách nhiệm, từ đó phục vụ đắc lực cho chiến lược quốc gia thông minh của Singapore. (VTV.vn 17/7)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More