Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 07-11-2019

Post date: 12/11/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1. Chính thức nâng hạn mức vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 8/11. 1

TIN QUỐC HỘI 2

2.Nông sản Việt mất mùa, mất giá: Bộ trưởng nói "không ai dự báo được ngày mai". 2

3.   Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Điện Mặt trời và điện gió sẽ bổ sung nhu cầu điện tại Việt Nam.. 3

4. Chính phủ đã họp về nhân sự quyền Bộ trưởng Y tế. 4

5.  Cán bộ quy hoạch Trung ương sẽ xem Quốc hội chất vấn. 5

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY.. 5

6. Học Cà Mau quản xe công: Không khó, sao chưa làm được?. 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

7. Tăng 7 bậc, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam lọt top 25 thế giới 7

8. GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 25,4% vì lý do này. 8

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 9

9. Xử lý nghiêm bổ nhiệm cán bộ thiếu chuẩn. 9

QUẢN LÝ.. 10

10. Chính phủ thống nhất bổ sung một ngày nghỉ lễ. 10

11.  Đề xuất bổ sung 3 gói bảo hiểm xã hội linh hoạt 11

12. Xe mất giấy đăng ký có thể được sang tên. 13

13.  Quảng Nam: Bí thư Thành ủy TP Tam Kỳ xin thôi chức. 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 14

14. Phấn đấu lọt vào tốp đầu ASEAN về chính phủ điện tử. 14

15.  Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư hơn 192 tỷ đồng xây trung tâm dịch vụ công. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

16.Sơn La:  45 phụ huynh bị kỷ luật Đảng. 15

17. Gia Lai: Cách chức vụ trong Đảng chủ tịch xã chở gỗ lậu đi đóng bàn ghế. 15

THẾ GIỚI 16

18. Ấn Độ áp dụng quy định xe biển số chẵn lẻ chạy trong thủ đô. 16

 CHÍNH SÁCH MỚI

Chính thức nâng hạn mức vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 8/11

Theo quy định mới, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ được vay mức tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.

 Nâng mức vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định mới về tổ hợp tác; hướng dẫn về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2019.

 Một trong những chính sách đáng chú ý và được mong đợi nhất trong tháng 11 là Nghị định số 74của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

 Theo đó, về mức vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, Nghị định số 74 đã nâng mức vay tối đa từ 1 tỷ đồng/dự án và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, lên mức 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm.

 Đối với người lao động, mức vay tối đa cũng được nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng.

 Nghị định mới cũng quy định rõ, đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

 Bên cạnh đó, thời hạn vay vốn cũng được tăng từ không quá 60 tháng lên tối đa 120 tháng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 8/11/2019. (Vneconomy.vn 06/11, Duyên Duyên)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Nông sản Việt mất mùa, mất giá: Bộ trưởng nói "không ai dự báo được ngày mai"

Đăng đàn phiên chất vấn sáng 6/11 kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội xung quanh vấn đề nông sản Việt Nam được mùa mất giá, mất mùa cũng mất luôn cả giá.

 Đại biểu Ngô Thanh Danh hỏi: Giải pháp nào phục hồi được cây trồng vật nuôi tránh tình trạng được mùa mất giá, mất mùa mất luôn cả giá?

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện rất lớn với 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, nhiều loại cây công nghiệp nhất thế giới về sản lượng. Sức sản xuất rất lớn nhưng bất cập nhất là chế biến, thương mại, nếu không giải quyết được vấn đề này thì không giải quyết được chuyện được mùa, mất giá.

 "Trong nền kinh tế thị trường rất khó, không ai dự báo được ngày mai, ngày kia giá sẽ như thế nào", vị tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định.

 Lấy ví dụ về việc thừa hạt tiêu, ông Cường cho hay, Việt Nam có khả năng cung cấp 350.000 tấn hạt tiêu, chiếm khoảng 60% thế giới. Nhiều thì thừa là tất yếu.

 Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tìm giải pháp, bàn với địa phương là tới đây tập trung chế biến, tổng rà soát để phát triển sản xuất ở mức độ nhất định.

 Như cây tiêu chỉ dừng đến mức nào thôi, không để vọt lên 150.000 ha trong khi quay hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Diện tích không hiệu quả, kém canh tác phải nhường chỗ cho cây khác.

 "Chúng tôi đã mời một số doanh nghiệp, đưa công nghệ mới nhất vào, riêng hạt tiêu sẽ có 10 chuỗi sản phẩm, gồm cả dầu hạt tiêu. Thị trường cần cái gì ta làm cái đó, lợi thế gì thì ta làm đó có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả sản xuất bền vững. Bây giờ bán hàng mới là quan trọng, tổ chức sản xuất không còn là số một", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

 Đối với vấn đề phát triển thương hiệu gạo Việt Nam và giải pháp cho người trồng lúa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh.

 Trên thế giới có 7 tỷ người thì chỉ 3,5 tỷ người ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hàng năm chỉ khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 3,2 tỷ USD. Điều kiện khách quan đó đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo.

 Ở trong nước, Quốc hội đã có nghị quyết về bảo vệ đất lúa và thời gian qua Chính phủ nghiêm túc thực hiện chủ trương này.

 Tuy nhiên hiện nay Việt Nam có 7,8 triệu ha đất canh tác, trong đó đất lúa chiếm tới 4,1 triệu ha. Tới đây Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng 0,5 triệu ha đất, tương đương giảm 5 - 6 triệu tấn thóc, 3 - 4 triệu tấn lúa.

 "Chúng ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa vẫn đảm bảo được. Nhưng thay vào đó sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn", ông Cường nhấn mạnh.

 Trước mắt Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên nhóm giống phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị hạt gạo. "Lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm", ông Cường nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chỉ đạo trước đó. (Vneconomy.vn 06/11)Về đầu trang

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Điện Mặt trời và điện gió sẽ bổ sung nhu cầu điện tại Việt Nam

Đây là một trong những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh trong phiên chất vấn trước Quốc hội.

 Chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ thứ hai đã bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của mình. Số đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là 76 người, nhiều hơn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường 9 người.

 Trong 5 phút báo cáo trước chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là lần thứ ba ông được trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Việc này cho thấy yêu cầu nhiệm vụ của ngành công thương cùng với các bộ, ngành thuộc Chính phủ là yêu cầu thường xuyên.

 Trong phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh không cho phép doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để thực hiện gian lận thương mại. Bộ Công Thương cũng đang tham mưu sửa Luật Đầu tư để cho phép tư nhân tham gia xây dựng, đa dạng nguồn đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện, tuy nhiên, xã hội hóa trong truyền tải điện không có nghĩa đánh mất vai trò độc quyền của Nhà nước.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện có các doanh nghiệp tư nhân như Tập đoàn Trung Nam có nghiên cứu báo cáo Bộ Công Thương và các bộ ngành, đề xuất xây đường dây 500 kV để đảm bảo công suất. Căn cứ quy định luật pháp, Bộ đã thẩm định báo cáo Chính phủ cho đường dây này như hợp phần trong đầu tư dự án điện mặt trời của Trung Nam. Có thể xem xét phê duyệt thực hiện đầu tư phát triển nguồn kết hợp với hệ thống lưới điện.

 Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần điều chỉnh luật hoặc văn bản hướng dẫn pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép vận dụng cơ chế trong luật đầu tư, luật Điện lực cho phép xã hội hóa về truyền tải điện.

 "Không có nghĩa đầu tư cho truyền tải điện mà đánh mất vai trò độc quyền của Nhà nước ở trong luật này, chúng ta có thể áp dụng hình thức BT", Bộ trưởng Công Thương nói.

 Sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ. (VTV.vn 6/11) Về đầu trang

Chính phủ đã họp về nhân sự quyền Bộ trưởng Y tế

Trả lời câu hỏi của báo chí về kế hoạch nhân sự Bộ trưởng Y tế mới sau khi Quốc hội miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Tiến tới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã phân công Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, chịu trách nhiệm toàn diện các hoạt động của Bộ Y tế trước Trung ương.

 Trao đổi với báo chí chiều 5/11, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, trong chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 8 có thực hiện quy trình miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để đảm nhiệm chức vụ mới là Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương.

 Theo người phát ngôn Chính phủ, với trách nhiệm của Chính phủ và theo Luật Tổ chức Chính phủ, khi chưa có kỳ họp Quốc hội, thẩm quyền của Thủ tướng sẽ giao quyền Bộ trưởng. Thủ tướng sẽ trình Quốc hội để Quốc hội giao chức danh Bộ trưởng.

 Vừa qua, Bộ Chính trị đã phân công Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, chịu trách nhiệm toàn diện các hoạt động của Bộ Y tế trước Trung ương. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã họp về việc bổ nhiệm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế trên cơ sở ý kiến của Bộ Nội vụ. Chính phủ đang thực hiện lựa chọn, trước mắt đợi Quốc hội miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng đã sau đó mới thực hiện các quy trình tiếp theo.

 Trước đó, trao đổi với báo chí trước khi Quốc hội tiến hành miễn nhiệm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, trong 8 năm qua, điều khiến bà vui nhất là nhiều chính sách đổi mới toàn diện, còn điều bà hài lòng nhất chính là tăng sự hài lòng của người dân và chất lượng dịch vụ tăng lên, bảo hiểm y tế lo cho cả người nghèo và người khó khăn.

 Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tiến, còn một số vấn đề về liên quan đến dược đang giải quyết, cá nhân bà cũng bị gọi là thị phi nhưng thực chất gọi là bị thông tin không trung thực, không chính xác qua những mạng trái lề. Bộ trưởng tin rằng các cơ quan chức năng sẽ làm một cách công minh, chính xác, đúng người đúng tội, đúng việc, không bỏ sót, oan sai để xây dựng y tế phục vụ dân tốt hơn. (Vneconomy.vn 05/11, Song Hà)Về đầu trang

Cán bộ quy hoạch Trung ương sẽ xem Quốc hội chất vấn

86 cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ dự thính phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

 Khóa thứ hai bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Trung ương khóa XIII đã khai giảng sáng 5-11 với sự có mặt của hai Ủy viên Bộ Chính trị là Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, cùng nhiều lãnh đạo ban đảng và bộ ngành ở trung ương, cũng như đại diện các địa phương “chủ quản” của các học viên.

 Cũng như khóa đầu tiên với 95 học viên bế giảng cách đây một tuần, khóa thứ hai này với 86 học viên, đều nằm trong danh sách được các bộ, ngành, địa phương giới thiệu lên và cuối cùng được Bộ Chính trị phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, hồi tháng 6.

 Đây cũng là các cán bộ được quy hoạch chức danh cấp trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương giai đoạn 2020-2025; quy hoạch chức danh bí thư các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2026. Các vị trí này đều được cơ cấu là Ủy viên Trung ương khóa XIII.

XPhát biểu khai giảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết mục tiêu của khóa học là cung cấp cho các học viên những kiến thức mới về lý luận, thực tiễn; về phương pháp tiếp cận và phương pháp công tác; về một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nhằm nhận thức rõ hơn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường mới nảy sinh; xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý.

 Đặc biệt khóa học rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức, tác phong, trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

 Là nơi chuyên tổ chức các chương trình bồi dưỡng quan trọng của Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết khóa thứ hai này sẽ kéo dài 2,5 tháng, bao gồm một tuần nghiên cứu thực tế tại địa phương. Khác với khóa đầu, lần này các học viên sẽ dự thính phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, bắt đầu từ ngày 6 đến 8-11. (Pháp Luật TPHCM 06/11, Nghĩa Nhân)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Học Cà Mau quản xe công: Không khó, sao chưa làm được?

Cách quản lý xe công của Cà Mau không có gì đặc biệt, nhưng tại sao các địa phương khác vẫn chưa làm được? Mô hình quản lý xe công của Cà Mau đang trở thành gương sáng để các địa phương học tập.

 Cách đây 1 năm, Cà Mau đã đưa ra đề án thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung của các đơn vị cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh, bước đầu ghi nhận hiệu quả rõ rệt, quản lý điều hành tốt, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, giảm chi phí lớn cho ngân sách tỉnh.

 Theo chia sẻ của đại diện Sở Tài chính Cà Mau với Đất Việt, đầu mối quản lý xe công được đưa về Trung tâm Dịch vụ tài chính công trực thuộc Sở Tài chính. Đặc biệt, Sở Tài chính Cà Mau còn đề xuất xây dựng phần mềm hệ thống liên kết từ tổ điều hành đến các đơn vị sử dụng xe để đăng ký sử dụng xe. Xây dựng lại đơn giá sử dụng xe và xây dựng thêm đơn giá hành trình có lưu trú cho phù hợp với tình hình thực tế. Các xe đặc thù đề xuất giao về cho đơn vị quản lý để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được phù hợp và hiệu quả hơn.

 Trong khi đó, theo báo cáo về việc sử dụng xe công trên cả nước trong năm 2019 được Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây, cả nước có gần 40.000 xe ô tô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm, ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm.

 Con số này hầu như không thay đổi sau nhiều năm thực hiện chính sách khoán xe công.

 Trước câu hỏi tại sao mô hình của Cà Mau chưa thể nhân rộng ra các địa phương khác, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ quản lý có quyết tâm và dứt khoát hay không. Cải cách hành chính luôn phải đi từ trên xuống dưới, phải nghiên cứu kỹ và mang tính chất bắt buộc thì mới có thể thành công.

 Đối với cách làm của Cà Mau và việc khoán xe công nói chung, theo ông Tri, không có gì đặc biệt, thậm chí khá giản đơn.

 "Chẳng qua tập trung tất cả xe công của tỉnh, thành phố đó lại, coi như một công ty, tất cả những người làm việc, điều hành ở đó đều thực hiện theo một cơ chế, ai sử dụng thì coi như thuê taxi.

 ATiền ấy ngân sách trả, cán bộ sử dụng tiết kiệm, tiết kiệm được bao nhiêu thì bản thân người đó được hưởng. Đặc biệt, nó giảm bớt gánh nặng nuôi đội ngũ tài xế, nuôi xe. Rất nhiều tài xế xe công sáng đưa thủ trưởng đến cơ quan rồi sau đó ngồi chơi cả ngày, hết giờ thì đưa thủ trưởng về, đó là do sử dụng nhân lực và xe công chưa hợp lý.

 Chủ trương xã hội hóa đã có từ lâu, nhưng tại sao chúng ta chưa làm được? Đó là vì chưa quyết tâm và chưa thống nhất quan điểm phải tiết kiệm. Thay vì cứ ì ạch, lợi dụng cái nọ cái kia, dĩ hòa vi quý thì phải quyết tâm chỉ đạo, nghiên cứu kỹ và thực hiện", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nói.

 Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính khẳng định, cả một trường học, một đơn vị còn chuyển sang xã hội hóa được, huống chi một đội xe. Điều đáng buồn là vẫn còn một bộ phận cán bộ, lãnh đạo quan cách, sĩ diện nên muốn sử dụng xe công giống như xe riêng của mình, có tài xế riêng để điều hành, sử dụng một cách vô lối.

 "Đơn giản là trên đã quyết thì phải làm đến nơi đến chốn, không thể ỉ lại, kéo dài thời gian", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nói.

 Vị chuyên gia về hành chính công bày tỏ quan điểm, không nên có kiểu làm nửa vời, đã bỏ bao cấp thì bỏ hẳn, chuyển sang quy luật giá trị theo cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường là phải theo cung-cầu, cạnh tranh, giá trị... Khi chuyển sang thì tính toán, với số tiền chi ra, người thực hiện vẫn lợi rất nhiều và sử dụng hợp lý xã hội hơn.

 "Hãy cứ đưa thẳng vào quy định của pháp luật, bỏ bao cấp đi và làm từ trên xuống, đàng hoàng, đến nơi đến chốn, trả thẳng vào lương. Thậm chí, Nhà nước có thể trả lương cho một giám đốc sở vài chục triệu đồng và ông ta xài gì thì trừ đấy theo cơ chế thị trường. Tại sao giám đốc một doanh nghiệp lớn lương 70-80 triệu/tháng, mà lại để lương một giám đốc sở chục triệu/tháng? Điều đó không hợp lý.

 Chính vì thế, việc này  cần làm đề án trình lên lãnh đạo, lãnh đạo rồi cứ theo luật mà làm. Cứ đưa về địa phương thích làm thế nào thì làm thì rất khó giải quyết", nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính nói. (Baodatviet.vn 06/11, Thành Luân)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Tăng 7 bậc, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam lọt top 25 thế giới

Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 mới được công bố, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã tăng 7 bậc so với năm trước và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại  Việt Nam.

 Kết quả này cũng là sự phản ánh khách quan về nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc quyết liệt, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng,tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.

 Hai lĩnh vực của Việt Nam được WB đánh giá có cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Vay vốn và Nộp thuế. Trong đó chỉ số tiếp cận tín dụng là một trong 5 chỉ số (trên 10 chỉ số đánh giá) được nâng hạng trong năm nay.

 Cụ thể, chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam ở mức 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 07 bậc so với năm 2019 và đứng thứ 02 trong ASEAN và thứ 02 trong khu vực Châu Á (chỉ sau Brunei – hạng 1/190), cao hơn khu vực châu Á Thái Bình Dương và các nước có thu nhập cao khu vực OECD.

 Chỉ số tiếp cận tín dụng bao gồm hai chỉ số thành phần là chỉ số quyền năng pháp lý và chỉ số chiều sâu và chiều rộng thông tin tín dụng. Chỉ số quyền năng pháp lý được đánh giá theo thang điểm từ 0-12, điểm càng cao phản ánh mức độ thuận lợi pháp lý để bảo vệ cho quyền của người vay và người cho vay có bảo đảm. Chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng được đánh giá theo thang điểm từ 0-8, phản ánh phạm vi và mức độ dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp.

 Bảng xếp hạng thường niên về môi trường kinh doanh lần thứ 17 của nhóm WB đã ghi nhận Việt Nam đạt điểm tối đa của tiêu chí Chiều sâu thông tin tín dụng (8/8 điểm) tại cấu phần phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ, góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 80 điểm trên thang điểm 100, tăng 5 điểm so với năm 2019.

 Cụ thể, Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận CIC đã tích hợp các thông tin từ các nhà bán lẻ vào báo cáo tín dụng của CIC, giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn thông tin để đánh giá khách hàng vay với lịch sử thanh toán ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống.

 Báo cáo cũng đưa ra đánh giá Việt Nam tiếp tục cải thiện độ phủ thông tin tín dụng công đạt 59,4%/dân số trưởng thành (tăng 4,6% so với năm 2019).

 Theo ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng nghiên cứu phát triển, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC): “Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là một điểm sáng trong nỗ lực triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2019 của Chính phủ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 Chỉ số này thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các Tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.

 Đồng thời thể hiện sự nỗ lực của Trung tâm Thông tín dụng Quốc gia Việt Nam trong việc mở rộng các nguồn dữ liệu thay thế, đáp ứng yêu cầu thông tin của các Tổ chức tín dụng, khẳng định là trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia”.

 Kết quả trên cũng phẩn nào phản ánh khá rõ nét về sự nỗ lực của ngành Ngân hàng trong hoạt động cải cách hành chính, trong đó 4 lần liên tiếp NHNN đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương về chỉ số cải cách hành chính.

 Để duy trì và tiếp tục cải thiện thứ bậc xếp hạng trong báo cáo đánh giá của WB thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cùng với sự nỗ lực của ngành ngân hàng, cần có sự nỗ lực, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các Bộ, ngành chức năng trong việc cải thiện chỉ số Quyền năng pháp lý, tức là bảo vệ quyền của người vay và người cho vay có bảo đảm và pháp luật về phá sản. (Tinnhanhchungkhoan.vn 06/11, Lam Sơn)Về đầu trang

GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 25,4% vì lý do này

Hãng tin Reuters vừa dẫn lời ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cuối tháng 11 Việt Nam sẽ chính thức công bố điều chỉnh quy mô GDP giai đoạn 2011-2017.

 Trước đó, vào tháng 8, Tổng cục Thống kê cho biết sẽ tăng kích cỡ quy mô GDP của Việt Nam lên 25,4% nhằm đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và phản ánh tốt hơn kích cỡ quy mô và cấu trúc nền kinh tế.

 "Chúng tôi đã đệ trình kết quả sửa đổi lên Thủ tướng và sẽ được công bố vào cuối tháng 11. Kết quả này là GDP sẽ tăng thêm 25,4% cho giai đoạn 2011-2017. Chúng tôi phải công bố muộn vì cần thời gian tính toán các tác động của việc sửa đổi chỉ số vĩ mô" - ông Lâm trả lời Reuters.

 Trong tuyên bố hồi tháng 8, Tổng cục Thống kê cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế tư nhân gần đây đã không được phản ánh đầy đủ trong dữ liệu thống kê. Vấn đề này cũng được các chuyên gia Mỹ và IMF giúp hỗ trợ tính toán lại.

 Theo IMF, như vậy GDP của Việt Nam giai đoạn từ năm 2016 đến 2020 sẽ dược định vị tăng trưởng 6,5%-7%, và năm 2018 sẽ là 7,08% khi giá trị GDP đã là 240 tỉ USD.

 Vào tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kỳ vọng GDP năm 2019 sẽ là 6,8% do được hỗ trợ bởi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài gia tăng mạnh mẽ. (Pháp Luật TPHCM 06/11, Phương Minh)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Xử lý nghiêm bổ nhiệm cán bộ thiếu chuẩn

Ngày 7.11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực nội vụ. Bên cạnh việc bổ nhiệm, tuyển dụng minh bạch để thu hút người tài, thì công tác này thời gian qua vẫn còn những góc khuất. Vì sao, đã có quy trình chặt chẽ nhưng vẫn để lọt tình trạng bổ nhiệm, “thần tốc”, tuyển dụng “nhầm” người? Do công tác tham mưu chưa thấu đáo, hay do người đứng đầu chưa làm tròn trách nhiệm?

 Trong báo cáo gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám về thực hiện các nghị quyết về tiếp tục thực hiện nghị quyết chất vấn và giám sát chuyên đề, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Để thiết lập kỷ cương trong công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ cũng như thực hiện yêu cầu tinh giản biên chế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý sai phạm, thu hồi, hủy bỏ các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức không đúng quy định tại một số bộ, ngành, địa phương. Cụ thể: 131 trường hợp bị miễn nhiệm, thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; 176 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận; 121 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp; 53 trường hợp bị xếp lại ngạch công chức, hạng viên chức…

 Để một bộ máy vận hành tốt, thì người trong bộ máy phải chuẩn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định. Có chuyên gia từng nói, nếu cứ để những người chuyên môn yếu kém đứng trong bộ máy, buộc họ phải gánh vác công việc, thậm chí để lọt cả “con sâu, con mọt” vào bộ máy, rồi bắt bộ máy ấy phải hoạt động hiệu quả, đó là điều không tưởng!

 Tình trạng bổ nhiệm cán bộ kiểu nóng vội, “chín ép”, tuyển dụng cán bộ, công chức thiếu điều kiện, tiêu chuẩn từng xảy ra, gây bất bình đẳng trong tuyển dụng, cũng như trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Thậm chí, có trường hợp bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý khi chưa thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức. Đó là thực trạng Thanh tra Bộ Nội vụ đã chỉ ra khi thanh tra tại một số địa phương về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

 Khi việc tuyển dụng, bổ nhiệm bất chấp quy định bị “lộ sáng”, cần thu hồi, hủy bỏ các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm. Tuy nhiên, đây chỉ là chạy theo để khắc phục việc buông lỏng công tác cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức. Việc bổ nhiệm, tuyển dụng “nhầm” người hoặc cố tình bổ nhiệm “thần tốc” cán bộ đã gây nên hậu quả khôn lường. Đó là những người xứng đáng bỗng nhiên bị loại khỏi cuộc đua, mất cơ hội phấn đấu, cống hiến. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến một bộ phận người tài có tâm lý thờ ơ với việc tuyển dụng biên chế vào cơ quan nhà nước. Sự thiếu minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, làm giảm niềm tin của người dân vào công tác cán bộ. Và đương nhiên, vận hành của bộ máy sẽ bị chậm lại bởi những cán bộ, công chức thiếu chuẩn.

 Tuyển dụng công chức, viên chức hay bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo phải theo quy trình chặt chẽ. Vậy tại sao vẫn lọt lưới cán bộ thiếu điều kiện theo quy định? Có hay không tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tuyển dụng, bổ nhiệm trái quy định? Với 131 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; 176 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận mà Bộ Nội vụ chỉ ra… thì bộ phận tham mưu, hội đồng tuyển dụng và người ký quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng này bị xử lý như thế nào? Bao nhiêu người đã bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm?

 Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã rất thẳng thắn thừa nhận, hiện tượng bổ nhiệm nhiều cán bộ trong cuối nhiệm kỳ là có. Đến Kỳ họp thứ Tám, với những con số được Bộ Nội vụ đưa ra cho thấy, không còn tình trạng bổ nhiệm “ồ ạt”, nhưng vẫn còn bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, tuyển dụng công chức, viên chức không đúng quy định.

 Cử tri mong rằng, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ đưa ra những giải pháp quyết liệt hơn. Muốn vậy, cần xử lý mạnh tay hơn với những cá nhân vi phạm. Chừng nào cơ chế xử lý trách nhiệm chưa nghiêm, thì bổ nhiệm “thần tốc”, tuyển dụng “nhầm” người sẽ còn tái diễn. (Daibieunhandan.vn 6/11, Hà An) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chính phủ thống nhất bổ sung một ngày nghỉ lễ

Đây là thông tin được nêu tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường ngày 23/10/2019 về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký gửi Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 6/11.

 Theo đó, sau khi nhận được đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại hội trường ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 23/10 về việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ, tết, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội xem xét bổ sung một ngày nghỉ lễ là ngày 28/6 – Ngày Gia đình Việt Nam.

 Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Chính phủ đã có Tờ trình số 208/TTr-CP ngày 17/5/2019 về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa thêm 100 giờ từ 300 giờ/năm lên 400 giờ năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Bộ luật Lao động (sửa đổi).

 Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định trần làm thêm giờ tối đa theo tháng là không quá 40 giờ. Đồng thời, quy định rõ trong luật các lĩnh vực, trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm, bao gồm: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử và trong những trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn theo quy định của Chính phủ.

 Về tuổi nghỉ hưu, Chính phủ thống nhất với Báo cáo giải trình và phương án đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14. Đồng thời, đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát bước đầu 1.810 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm căn cứ để xác định nhóm người lao động được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.

 Về thời giờ làm việc bình thường, theo quy định hiện hành, thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, trong luật cũng quy định khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

 Qua báo cáo đánh giá sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có 89,6% doanh nghiệp đang thực hiện tuần làm việc 48 giờ, 3,6% thực hiện 44 giờ, 6,8% thực hiện 40 giờ. Trong khu vực ASEAN, hầu hết các nước đều đang thực hiện tuần làm việc 48 giờ.

 Về góc độ kinh tế, nếu giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần thì tổng thời gian giảm là 208 giờ/năm (tương đương 8,4%); đánh giá sơ bộ cho thấy, tổng chi phí lao động tăng lên khoảng 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm đi khoảng 20 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

 Điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm đi khoảng gần 0,5%, ảnh hưởng đến nỗ lực của chúng ta đang phấn đấu để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Theo dự báo của các chuyên gia, nếu muốn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam phải phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm.

 Chính phủ cho rằng đây là vấn đề rất lớn, hệ trọng, liên quan đến nhiều chủ thể, bao gồm người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước và có tác động rất lớn đến năng suất, tăng trưởng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế, cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách rất kỹ lưỡng.

 Hiện, Chính phủ chưa có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và chưa trình việc giảm thời giờ làm việc bình thường tại thời điểm này.

 Do đó, Chính phủ thống nhất cao với tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14, trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành.

 Đồng thời, đề nghị bổ sung, quy định rõ trong luật là khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần. Tăng cường cơ chế thương lượng tập thể về việc giảm giờ làm việc bình thường tại doanh nghiệp;

 Bên cạnh đó, giao Chính phủ, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 của dự thảo Bộ luật. (Vneconomy.vn 06/11, Nhật Dương)Về đầu trang

Đề xuất bổ sung 3 gói bảo hiểm xã hội linh hoạt

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có tờ trình Chính phủ về Đề án thực hiện thí điểm gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn và linh hoạt.

 Tại đây, Bộ này đề xuất bổ sung thêm 3 gói mới gồm: bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ thai sản; bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau và bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em.

 trong đó, tại gói bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ thai sản, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất thiết kế trên cơ sở của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất), bổ sung thêm quyền lợi về thai sản khi người lao động sinh con.

 Người lao động khi tham gia sẽ được hưởng chế độ nếu đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 12 tháng trở lên và không được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

 Bộ cho rằng, gói bảo hiểm này có thể đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 Mặc dù vậy, gói này sẽ khó cân đối về tài chính nên cần đến sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và không đảm bảo sự tham gia lâu dài, bền vững do có thể phát sinh lựa chọn ngược.

 Tương tự, gói bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau, cũng được thiết kế trên cơ sở của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành, bổ sung thêm quyền lợi được hưởng khi người lao động gặp rủi ro ốm đau. Điều kiện là người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và không được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, gói này có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động có nhiều nguy cơ gặp rủi ro ốm đau.

 Tuy nhiên, gói này cũng cần đến sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Mức độ thu hút phụ thuộc rất lớn vào mức trợ cấp được hưởng và mức độ thuận tiện trong thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ.

 Đối với gói bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em, cũng như 2 gói trên, gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành, bổ sung thêm quyền lợi được hưởng khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có con dưới 6 tuổi (được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 350.000 đồng/con cho đến khi con đủ 6 tuổi).

 Ưu điểm của gói là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động có con dưới 6 tuổi, song cần sự đóng góp thêm của người lao động (1,5%) và vẫn cần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.

 Trong đó, với quy định tỷ lệ đóng 1,5% khó đảm bảo khả năng cân đối do tỷ lệ đóng này được Tổ chức Lao động quốc tế tính toán trên giả định tham gia của phần lớn những người thuộc đối tượng.

 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, đây là chính sách mới, phức tạp, quá trình nghiên cứu phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

 Do đó, Bộ cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ quan này tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá toàn diện các vấn đề nêu trên để hoàn thiện Đề án, báo cáo Thủ tướng khi đảm bảo đầy đủ căn cứ, cơ sở và tính khả thi trong việc thực hiện thí điểm trong thực tiễn. (Vneconomy.vn 06/11, Nhật Dương)Về đầu trang

Xe mất giấy đăng ký có thể được sang tên

Bộ Công an đề xuất từ năm 2020, trường hợp mua bán xe qua nhiều đời chủ nhưng không đủ giấy tờ, hồ sơ vẫn được xem xét làm thủ tục sang tên.

 Trường hợp mất giấy đăng ký khi đi sang tên, chủ xe mới phải nêu rõ lý do trong giấy khai, cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật và có xác nhận của công an cấp xã liên quan đến chiếc xe đi đăng ký.

 Bộ Công an đề xuất trường hợp hệ thống cơ sở dữ liệu về đăng ký xe được hoàn thiện, chủ xe khi đi sang tên chỉ cần đọc mã số định danh, không phải rút hồ sơ gốc, cán bộ phụ trách sẽ có trách nhiệm tra trên hệ thống rồi hoàn thiện thủ tục.

 Trả lời VnExpress về đề xuất nới lỏng, không quy định hạn chót phải sang tên với xe cũ thiếu hoặc mất giấy tờ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, việc này nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, khiến người dân không phải đi lại nhiều, đồng thời khuyến khích người dân sớm sang tên, đổi chủ xe.

 "Ngoài ra, việc người dân sử dụng những chiếc xe chính chủ sẽ giúp rất nhiều trong công tác quản lý và xử phạt bằng camera", vị này nhấn mạnh.

 Về nguy cơ xe trộm cắp được hợp thức hóa sang tên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết đã lường trước việc này nên quy định trách nhiệm của người đang sử dụng xe, như: phải có xác nhận của công an cấp xã về tính pháp lý của xe.

 Ngoài ra, công an xã cũng phải có trách nhiệm tiếp nhận giấy khai đăng ký sang tên để xác minh địa chỉ đăng ký thường trú của người đang sử dụng xe. Sau khi xác minh, nếu chính xác thì công an xã cấp giấy cho công dân trong 3 ngày để làm thủ tục sang tên, di chuyển xe.

 Trước đó, Bộ Công an hai lần quy định sang tên, đổi chủ với xe trải qua nhiều lần mua bán mà không có hồ sơ hoặc mất hồ sơ. Tuy nhiên, Bộ ràng buộc thời gian cụ thể để sang tên là một năm với ôtô (đã hết hạn năm 2014) và với xe máy trong 2 năm, từ đầu năm 2014 đến hết năm 2016 (hết hạn ngày 31/12/2016). (Vnexpress.net 06/11, Bá Đô)Về đầu trang

Quảng Nam: Bí thư Thành ủy TP Tam Kỳ xin thôi chức

Ngày 6-11, ông Nguyễn Chín (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam) xác nhận Tỉnh ủy Quảng Nam đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Lúa thôi giữ chức vụ ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và bí thư Thành ủy Tam Kỳ từ tháng 11-2019.

 Sau khi thôi hai chức vụ trên, ông Lúa vẫn giữ chức ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ và chủ tịch HĐND TP Tam Kỳ đến hết tháng 12-2019.

 Được biết, ông Lúa xin thôi giữ hai chức vụ trên vì lý do cá nhân.

 Ông Nguyễn Văn Lúa (SN 1959) từng giữ chức phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Năm 2011, ông Lúa được điều động về làm phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Tam Kỳ.

 Từ năm 2014, ông giữ chức ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015 và là bí thư Thành ủy Tam Kỳ. (Pháp Luật TPHCM 06/11, Thanh Nhân)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Phấn đấu lọt vào tốp đầu ASEAN về chính phủ điện tử

Một trong những mục tiêu chính trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam là đến hết năm 2020 đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch tổ chức triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử đến 2020.

 Một trong những mục tiêu chính trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đến hết năm 2020 đã được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 17 là bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025.

 Đưa tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng bộ, ngành, địa phương đạt 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp. (Cand.com.vn 6/11, HT) Về đầu trang

Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư hơn 192 tỷ đồng xây trung tâm dịch vụ công

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ công kết hợp trụ sở làm việc của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh.

 Trụ sở làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung của tỉnh hiện đang sử dụng một phần thư viện tỉnh để làm việc, cơ sở vật chất và không gian làm việc chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tổ chức. Còn Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh hiện nay đang sử dụng chung trụ sở với văn phòng UBND tỉnh, gây ảnh hưởng đến hoạt động mang tính độc lập, đặc thù của mỗi cơ quan; chưa thể hiện được vị thế xứng tầm lãnh đạo của cơ quan có nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng.

 Do đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định đầu tư xây dựng dự án trên khu đất hơn 7.300m2 nằm trong Trung tâm Hành chính - Chính trị tại TP Bà Rịa với quy mô 5 tầng và 1 tầng hầm với tổng vốn đầu tư dự án hơn 192 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 133 tỷ đồng, còn lại là chi phí dự phòng, chi phí thiết bị và các chi phí khác.

 Từ tháng 4-2012, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính - Chính trị được xây dựng trên khu đất khoảng 20ha tại TP Bà Rịa với tổng số vốn hơn 1.000 tỷ đồng. (Sggp.org.vn 6/11, Nông Ngân) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Sơn La:  45 phụ huynh bị kỷ luật Đảng

Ngày 5/11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thông báo kỷ luật 83 đảng viên, trong đó 45 người có con được nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018.

 Trong 45 phụ huynh có con được nâng điểm, ông Nguyễn Ngọc Hà, Bí thư Chi bộ 3 Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, vì "lợi dụng vị trí công tác nhờ xem điểm cho con và một số người khác trước khi có thông báo điểm công khai".

 12 người bị cảnh cáo vì "nhờ xem điểm cho con", trong đó có ông Phan Ngọc Sơn (Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh), Lê Trọng Bình (Phó chủ tịch thành phố Sơn La). 32 đảng viên còn lại bị khiển trách do vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên về tự phê bình, trách nhiệm tuyên truyền và nêu gương.

 Với hai đảng viên có con được nâng điểm thi, nhưng không thuộc Đảng bộ tỉnh và 40 phụ huynh không phải đảng viên, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy đã có văn bản trao đổi và đề nghị các cơ quan, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét xử lý.

 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng khiển trách 17 đảng viên, cảnh cáo một người và phê bình nghiêm khắc 6 người là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành viên Hội đồng thi, Ban thư ký hội đồng thi, giáo viên và thanh tra chấm thi...

 Trong 5 đảng viên liên quan đến công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh kỳ thi, ông Vì Quyền Chứ, Phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La, bị khiển trách. Hai người thuộc phòng PA03 bị khiển trách và cảnh cáo.

 Từ tháng 5, Sơn La khai trừ 8 đảng viên bị khởi tố trong vụ án liên quan đến gian lận thi cử gồm ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Nguyễn Thanh Nhàn, Đặng Hữu Thủy, Đỗ Khắc Hưng, Đinh Hải Sơn.

 Hồi tháng 6, ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh bị cảnh cáo. Ông Hoàng Tiến Đức bị cách chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và cách tất cả chức vụ trong Đảng. (Vnexpress.net 07/11, Dương Tâm)Về đầu trang

Gia Lai: Cách chức vụ trong Đảng chủ tịch xã chở gỗ lậu đi đóng bàn ghế

Ngày 6-11, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chư Pah (Gia Lai) cho biết vừa thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Thaoh, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, vì đã buông lỏng trong công tác chỉ đạo dẫn đến liên tục để mất rừng và vi phạm về nguyên tắc tài chính.

 Trước đó, vào tháng 8-2019, Thanh tra huyện Chư Pah phát hiện nhiều sai phạm trong công tác bảo vệ rừng tại xã Hà Tây.

 Theo kết luận thanh tra, UBND xã Hà Tây được giao quản lý năm tiểu khu thì có đến ba tiểu khu bị đốt phá, lấn chiếm. Xã còn tùy tiện lập khống chứng từ, hợp thức hóa chứng từ, trích lại phần trăm tiền giao khoán bảo vệ rừng trái Luật Ngân sách nhà nước. Tổng số tiền sai phạm cần phải thu hồi cho ngân sách là 917 triệu đồng.

 Đặc biệt, khi truy quét lâm tặc, phát hiện gỗ lậu, chủ tịch xã là ông Thaoh đã thuê xe và chỉ đạo cán bộ, công chức của xã tham gia bốc gỗ lên xe chở đi nơi khác cưa xẻ làm mặt bàn, ghế rồi đưa về nhà ông mà không đưa về trụ sở UBND theo quy định. (Pháp Luật TPHCM 06/11, Lữ Quỳnh Loan)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Ấn Độ áp dụng quy định xe biển số chẵn lẻ chạy trong thủ đô

Các ô tô có biển số lẻ tới đây sẽ không được lưu thông trên đường phố vào những ngày chẵn tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ và ngược lại.

 Đây là biện pháp mới nhất của chính quyền nước này trước tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng trong thời gian gần đây.

 Hãng thông tấn Reuter ghi nhận lệnh cấm trên đã có hiệu quả, khi trong ngày 4/11 mật độ giao thông đã được giảm đi đáng kể. Hệ thống này được áp dụng đối với các phương tiện cá nhân từ nay đến ít nhất là 15/11. Các loại hình xe dịch vụ như Uber và Ola được miễn quy định này.

 Thống kê cho thấy hơn 50% ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi xuất phát từ khí thải xe cộ và các ngành công nghiệp. (VTV.vn 06/11)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More