Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 31-10-2019

Post date: 04/11/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.  Tăng trưởng nóng mà không làm tốt an sinh xã hội thì sẽ phải trả giá. 1

2.  Có tình trạng bao thi, bao đỗ, đóng tiền trọn gói để mua bằng lái xe! 2

3. Kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng Việt Nam vẫn chưa “hóa rồng, hóa hổ”. 4

4.   Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Còn nhiều cán bộ xấu xa đang lẩn khuất 4

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

5.  Khả năng thay thế Trung Quốc thành trung tâm sản xuất toàn cầu của Việt Nam đến đâu?. 6

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 7

6.  Cơ hội xây dựng chính quyền đô thị đúng nghĩa! 7

QUẢN LÝ.. 8

7.  “Cán bộ luân chuyển chủ yếu lo an toàn” thì rất khó. 8

8.  Hàng loạt nhân viên Sở Y tế Đắk Lắk xài bằng không hợp lệ. 9

9. Ông Đoàn Ngọc Hải không đến công ty giải quyết thủ tục nghỉ việc. 10

10. Vụ 39 người chết ở Anh: Xác minh 2 trường hợp ở Huế, Quảng Bình. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

11. Bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính công ở Thái Bình. 12

12. Hải Phòng tập huấn tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính qua Zalo. 14

13. Từ 1/11, Bộ Công Thương triển khai dịch vụ công trực tuyến về xuất nhập khẩu. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

14. Nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công. 15

15.  Chính phủ đính chính báo cáo về tình hình nợ công. 15

16. Giải ngân vốn đầu tư cải thiện nhưng còn chậm.. 16

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 17

17. Lãnh đạo quận Thủ Đức từ chức vì xây dựng không phép. 17

18.    Khai trừ Đảng đối với cựu Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai 17

THẾ GIỚI 18

19.    Trung Quốc dỡ bỏ nhiều rào cản đầu tư nước ngoài 18

 TIN QUỐC HỘI

Tăng trưởng nóng mà không làm tốt an sinh xã hội thì sẽ phải trả giá

Chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với các báo cáo cũng như ý kiến của rất nhiều đại biểu đã phát biểu về tình hình kinh tế xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020.

 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định: "Thực sự có rất nhiều kết quả lớn ấn tượng đáng ghi nhận trong bức tranh kinh tế xã hội của năm 2019, ví dụ như tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, dự trữ tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, nợ công giảm mạnh, lạm phát được kiềm chế. Đặc biệt đây là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta đạt và vượt 12 chỉ tiêu. Đây là thành tựu từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của lòng dân và đặc biệt là công tác điều hành của chính phủ. Nhưng bên cạnh những thành tựu lớn ấy vẫn còn tồn tại một số những hạn chế mà trong nhiều năm qua chưa được khắc phục, trong đó có những vấn đề nóng về lĩnh vực văn hóa xã hội. Những hạn chế trên đã được phản ánh trong ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội".

 "Tôi rất ấn tượng với ý kiến của Thủ tướng trong phiên điều hành của Chính phủ tháng 3 năm 2019 đó là lo tăng trưởng nhưng không bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối. Đáng tiếc là trong báo cáo của Chính phủ lại chưa đề cập một cách thỏa đáng các vấn đề văn hóa xã hội đang đặt ra" – đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp nêu lên.

 Tổng hợp ý kiến của cử tri Đồng Tháp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ ra 3 vấn đề sau. Đầu tiên là vấn đề về môi trường xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân, đại biểu nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế mà không làm tốt an sinh xã hội thì sẽ phải trả giá: "Người dân vui mừng về kết quả phát triển kinh tế nhưng kinh tế cũng không phải là yếu tố duy nhất đem lại chất lượng cuộc sống của người dân. Thậm chí nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà chúng ta không làm tốt an sinh xã hội thì đến một lúc nào đó chúng ta phải trả giá vì hậu quả xã hội khôn lường. Thực tế, chúng ta càng nỗ lực bảo vệ môi trường sống thì môi trường sống càng bất an".

 Từ vấn đề thực phẩm bẩn tràn ngập, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước sinh hoạt, vấn đề tham nhũng vặt làm hình ảnh bộ máy công quyền bị xấu đi trong mắt của người dân. Nhiều hành vi thiếu chuẩn mực cho thấy có dấu hiệu sự xuống cấp vì nhân cách về đạo đức. Một số vụ án giết người mà quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân là anh em, là vợ chồng, là mẹ con đã làm chấn động dư luận. Đặc biệt là nạn xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp. Thủ phạm đa số là những người quen người thân, thậm chí là người ruột thịt.

 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: "Địa bàn có nguy cơ cao bị xâm hại trẻ em qua giám sát tối cao Quốc hội cho thấy rằng hiện đang tập trung nhiều ở nông thôn - nơi mà những người lao động nữ đã phải đi làm ăn xa và trách nhiệm của người mẹ, người vợ đã không thể hiện được, đẩy trẻ em vào cái nguy cơ cao có thể bị xâm hại. Từ thực trạng ấy, tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng cuộc sống của người dân, bao gồm cả cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần đối với một số hiện tượng xã hội cần phải được tập trung nghiên cứu phân tích để có giải pháp xử lý một cách thỏa đáng.

 Chẳng hạn như sự gia tăng nạn bạo lực trong giải quyết các quan hệ xã hội quan hệ gia đình vậy thì nguyên nhân từ đâu? Có phải là dấu hiệu của bệnh trầm cảm, của sự tổn thương uất ức trong mỗi con người mà nguyên nhân sâu xa là từ các vấn đề xã hội chưa được kịp thời xử lý hay là hiện tượng lệch lạc trong xu hướng thần tượng hóa giang hồ mạng của một bộ phận giới trẻ. Có lẽ các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu từ góc nhìn văn hóa để có giải pháp khắc phục kịp thời". (VTV.vn 30/10)Về đầu trang

Có tình trạng bao thi, bao đỗ, đóng tiền trọn gói để mua bằng lái xe!

Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 vào sáng 30/10, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đã làm "nóng" nghị trường khi đề cập đến các nguyên nhân liên quan đến các vụ TNGT nghiêm trọng diễn ra trong thời gian qua.

 Theo bà Thủy, tình hình tai nạn giao thông đã từng bước được kiềm chế, giảm trên cả ba tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương.

 Tuy nhiên theo đại biểu đoàn Bắc Kạn, dù tổng số vụ TNGT trên cả nước giảm nhưng lại xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết nhiều người trong một vụ. Xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp lái xe dương tính với ma túy đã khiến cho không ít người dân phải chịu cái chết thương tâm, để lại hậu quả lâu dài với gia đình họ.

 Tại đây bà Thủy đặc biệt nhấn mạnh nguyên nhân liên quan đến việc đào tạo và sát hạch lái xe. "Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế thì quy định của Việt Nam về đào tạo lái xe là khá chặt chẽ, thời gian thực hành lái xe khá dài, ví dụ cùng là ô tô hạng B1 thời gian thực hành của Việt Nam là 84 giờ, trong khi của Nhật Bản chỉ là 59 giờ. Như vậy, pháp luật cơ bản đã đầy đủ, vấn đề là phải học thật, thi thật", bà Thủy cho biết. 

Song theo bà Thủy, trên thực tế nắm bắt tâm lý của một bộ phận không muốn đi học nhưng muốn có bằng lái xe, thời gian qua công tác này phát sinh nhiều tiêu cực. Quá trình đào tạo không ít cơ sở đã cắt xén chương trình dạy, thay vì dạy bài bản để lái xe an toàn thì lại dạy mẹo, dạy các tiểu xảo để với mục đích cao nhất là thi đỗ.

 "Trước hiện tượng có nhiều người ở phía Nam nhưng lại đăng ký học lái xe tại một số cơ sở ở phía Bắc. Cử tri đặt câu hỏi, điều gì đã thu hút các học viên này đăng ký trong khi đường xa, đi lại vất vả, chi phí ăn ở tốn kém hơn nhiều lần so với học ở tỉnh nhà?

 Phải chăng có những cơ sở học dễ, thi dễ, nghiêm trọng hơn là có tình trạng bao thi, bao đỗ, đóng tiền trọn gói để mua bằng như phóng sự của VTV1 đưa tin ngày 11/3 vừa qua", đại biểu đoàn Bắc Kạn đặt câu hỏi. 

Bà Thủy nhấn mạnh với những tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe phải bằng chuyên án mới phát hiện được, còn nếu cứ thanh tra theo kế hoạch sẽ rất khó, bởi mọi hồ sơ đều đã được làm tròn.

 Cùng với đó, bà Thủy cũng nêu ra những bất cập trong việc khám sức khỏe cho lái xe. "Không ít doanh nghiệp đã khoán trắng việc khám sức khỏe cho lái xe, để lái xe tự đi khám sức khỏe, sau đó mang kết quả về lưu hồ sơ doanh nghiệp. Thậm chí, có những doanh nghiệp cũng không yêu cầu lái xe phải nộp giấy khám sức khỏe", bà Thủy cho biết.

 Chính điều này, theo bà Thủy đây là một trong những nguyên nhân cho những tai nạn nghiêm trọng do lái xe dương tính với ma túy khiến cho xã hội bàng hoàng, phẫn nộ.

 Ngoài ra, bà Thủy cũng cho biết hoạt động thanh tra, tuần tra, kiểm soát giao thông trong thời gian qua còn chưa nghiêm. Điều này dẫn tới tình trạng "nhờn" luật.

 "Theo Báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 5.600 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Như vậy, đã có hơn 5.600 người ra khỏi nhà đi làm, đi học và đã vĩnh viễn không bao giờ trở về. Mọi đối tượng tiêu cực, vi phạm phải bị phát hiện triệt để và xử lý nghiêm, không thể vô can đứng ngoài không phải chịu trách nhiệm. Có như vậy mọi người dân mới được bình an và không còn nước mắt rơi vì tai nạn giao thông", bà Thủy kết luận. (VTV.vn 30/10)Về đầu trang

Kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng Việt Nam vẫn chưa “hóa rồng, hóa hổ”

Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

 Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính & Ngân sách Quốc hội nêu vấn đề, thời gian qua kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa "hóa rồng, hóa hổ".

 Cho rằng để tìm được căn nguyên của vấn đề này thì cần nhìn lại cả quá trình phát triển, đại biểu Hoàng Quang Hàm dẫn chứng: Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người vào khoảng 100 USD thì bình quân thế giới đã là hơn 4.000 USD. Đến năm 2017, GDP bình quân đầu người Việt Nam tăng lên khoảng 2.385 USD thì thế giới đã là 10.700USD. Và thống kê cho thấy, năm 2018, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 2.590 thì thế giới đã khoảng 11.000.

 Đại biểu Hoàng Quang Hàm nhận định: "Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam".

 Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD, tức là gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm, như năm 2017 khoảng cách là chừng 8.300 USD; năm 2018 khoảng 8.400 USD.

 "Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù họ bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn", đại biểu Hàm ví von.

 Đại biểu tỉnh Phú Thọ cho rằng, nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo, thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do đó cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

 Vị đại biểu đang là Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính & Ngân sách Quốc hội "hiến kế", ba mũi nhọn để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu là nâng cao trình độ lao động, phát triển khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. 

"Muốn làm được cần đổi mới mạnh mẽ giáo dục, gắn với nhu cầu thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp, có giải pháp đổi mới khoa học công nghệ, chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu", đại biểu Hàm nhấn mạnh. (VTV.vn 30/10)Về đầu trang

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Còn nhiều cán bộ xấu xa đang lẩn khuất

Thảo luận tại Quốc hội ngày 30-10, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) sau khi tán thành nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, chia sẻ với những nạn nhân của nạn buôn người tại Anh, đã cho rằng: “Bên cạnh màu hồng của nền kinh tế-xã hội còn bao quầng đen nhuốm phủ”.

 ĐB Nhưỡng liệt kê: Tình trạng xâm hại tình dục không từ già, không từ trẻ; tình trạng ném lợn chết dịch xuống sông ở đầu nguồn, không cần biết đến người ở cuối nguồn; tình trạng đổ dầu thải đầu độc nguồn nước ảnh hưởng đến hàng vạn dân thủ đô; tình trạng rắp tâm giật dự án nước của công ty này cho công ty khác.

 Bên cạnh đó là: bảo kê cho DN của người khác vi phạm và ra văn bản của các cấp ủy, chính quyền để quyết triệt các DN khác; thu hồi đất của dân bất chấp biện pháp, dùng lực lượng mạnh khi chưa có sự phê duyệt quy hoạch, chưa tái định cư, chưa hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Thậm chí nhiều trường hợp để cỏ mọc hàng chục năm, để hàng trăm hộ dân bơ vơ.

 Ông Nhưỡng cũng đề cập đến việc rút ruột công trình, lập quỹ đen, sử dụng xe công bừa bãi; tình trạng hàng trăm cán bộ vướng vào gian lận điểm thi, chỉ muốn con em mình, gia đình mình ở “đẳng cấp trên”; tình trạng làm điêu, báo cáo hay, tô rồng, vẽ phượng còn rất nhiều. Rồi việc đẩy người khác vào tù vì dám nói lên sự thật, nhưng khi toà án xử những người tố cáo rồi thì không khôi phục quyền lợi cho người bị tố cáo.

 “Hàng ngàn kẻ giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt BHYT, BHXH; thực hiện chính sách người có công, liệt sĩ giả, thương binh giả, da cam giả, anh hùng giả, bằng cấp giả, thương hiệu giả, sư giả, thuốc giả… Rất nhiều thứ đều là giả”, ĐB Nhưỡng nói và nhận định đây là vấn đề liên quan tới đạo đức.

 Theo đại biểu (ĐB) Nhưỡng, đạo đức chính là cốt rễ của bách tính. Vô đạo, vô lương sẽ là nguồn gốc của lòng tham và đớn hèn. Thấy đúng không dám nói, không dám bảo vệ, thấy sai thì bao che, tìm cách diệt khẩu, thậm chí là ngăn lối dư luận.

 “Tôi không dám võ đoán nhưng tin rằng các ông tướng tá, cán bộ bị xử lý thời gian qua chắc đều có bản kiểm điểm rất sáng... Có lẽ còn rất nhiều loại cán bộ xấu xa đang lẩn khuất trong cơ quan, đơn vị, tạo ra quốc nạn tham nhũng và tạo ra tình trạng mất lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước”, ĐB Nhưỡng nhận định và cho rằng đây chính là căn bệnh ung thư về nhân cách.

 Để loại bỏ những căn bệnh này, ĐB Nhưỡng nói các giải pháp “phát huy, tăng cường, bảo đảm, kiên trì…” như hiện nay là không ăn thua.

 “Chúng ta cần thái độ quyết liệt và thực tế hơn, phải cương quyết cắt bỏ mọi hạch di căn đó ra khỏi cơ thể của Đảng, Nhà nước. Cử tri rất bức xúc vì có tình trạng đã khoan hồng, giơ cao đánh khẽ với cán bộ sai phạm nghiêm trọng đường lối, chính sách, pháp luật thời gian qua. Cách xử lý như kiểu “tặng quà cho cán bộ sai phạm” ấy đã tạo ra sự bất công và cũng chính vì thế mà không buộc người xấu phải sám hối, tu thân sửa mình, ngược lại họ sẵn sàng hy sinh đời bố, củng cố đời con”, ĐB Nhưỡng nói.

 Cuối cùng ĐB Nhưỡng đề nghị phải xây dựng một triết lý về nền kinh tế có đạo đức, phát huy vai trò giám sát quyền lực của Quốc hội. (Pháp Luật TPHCM 30/10, Thanh – Nguyệt - Phú)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Khả năng thay thế Trung Quốc thành trung tâm sản xuất toàn cầu của Việt Nam đến đâu?

Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng một số nút thắt nhất định đã xuất hiện ở Việt Nam và điều đó có thể hạn chế mức độ hấp thu vốn đầu tư nước khác trong thời điểm này.

 Là một thị trường cận biên (frontier market) tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam thường được nêu đích danh là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

 Trong hơn một năm qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lần lượt áp thuế quan trừng phạt lên hàng tỉ USD hàng hóa của nhau, khiến mối quan hệ thương mại song phương suy sụp.

 Do đó, Mỹ và Trung Quốc đều phải tìm nguồn cung hàng hóa thay thế từ các thị trường khác, trong khi nhiều nhà sản xuất từng "đóng đô" ở Trung Quốc phải chuyển hoạt động sang cơ sở mới để tránh thuế quan trừng phạt.

 Việt Nam là một địa điểm yêu thích để doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển dòng chảy thương mại và chuỗi sản xuất như vậy.

 Tuy nhiên, CNBC đã tổng hợp 4 tiêu chí cho thấy một số nút thắt nhất định hiện đã hình thành trong nền kinh tế và có thể hạn chế khả năng tiếp nhận nguồn vốn cũng như chuỗi sản xuất bổ sung từ Trung Quốc sang của Việt Nam, gồm: dòng đầu tư, sản lượng sản xuất, nút thắt vốn nhân lực và tăng trưởng GDP mạnh hơn.

 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khiến doanh nghiệp bắt đầu hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, đẩy nhanh một xu hướng đã hình thành từ nhiều năm trước khi mà chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng cao, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm các cơ sở sản xuất rẻ hơn.

 "Mặc dù không thể xảy ra trường hợp hàng loạt doanh nghiệp từ Trung Quốc ồ ạt di dời, các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sang các khu vực khác ở châu Á để giảm thiểu tác động của tranh chấp thương mại", Economist Intelligence Unit nêu ra trong một báo cáo tháng 10.

 Một lý do tại sao các nhà sản xuất khó có thể rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn là do quy mô lớn của ngành sản xuất và nền kinh tế Trung Quốc cho phép các công ty hoạt động hiệu quả hơn.

 Việt Nam được nhiều người coi là một trong những địa điểm thay thế tốt nhất cho Trung Quốc, đã thấy những nút thắt xuất hiện trong nền kinh tế của mình mặc dù mới chỉ hấp thụ một tỷ lệ nhỏ sản lượng sản xuất của Trung Quốc.

 Theo Fitch Solutions, một hạn chế lớn ở Việt Nam là thiếu vốn nhân lực (human capital), hay nói cách khác là giá trị kinh tế của lực lượng lao động gồm các yếu tố như trình độ học vấn, kĩ năng và sức khỏe.

 Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ và đang phát triển nhưng quy mô lại nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc. “Nếu chúng ta nhìn vào Việt Nam, quốc gia này có dân số nhỏ hơn Trung Quốc 14 lần, điều đó cũng có nghĩa là nguy cơ thiếu hụt lao động cao hơn nhiều khi chúng ta so sánh hai nước”, chuyên gia phân tích của Fitch Solutions cho biết.

 Tuy nhiên, sự gia tăng của dòng chảy thương mại và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế cao hơn, đi ngược với xu hướng tăng trưởng chững lại trên toàn cầu.

 Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, vốn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều đó tự đặt ra giới hạn cho khả năng của quốc gia này để nhân rộng quy mô sản xuất một cách thành công như Trung Quốc. (Diễn đàn doanh nghiệp 30/10)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Cơ hội xây dựng chính quyền đô thị đúng nghĩa!

Có khá nhiều lý do, cơ sở chính trị - pháp lý và thực tiễn đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội để khẳng định sự cần thiết của việc trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.

 Trong đó, lý do quan trọng nhất chính là tạo cơ sở pháp lý cho TP Hà Nội thí điểm xây dựng chính quyền đô thị - điều mà Hiến pháp năm 2013 đã “mở đường” khi quy định chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Nhìn từ thực tiễn phát triển một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì quả thực, “chiếc áo” - mô hình tổ chức chính quyền 3 cấp giống như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác đã thực sự quá “chật”. Việc thí điểm lần này cũng được cho là “khác về chất” so với thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trước đây. Vì thế, nhiều ĐBQH tại phiên thảo luận tổ sáng 29.10 đã bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương thí điểm xây dựng một mô hình tổ chức chính quyền đô thị trong phạm vi của Hà Nội để từ đó nghiên cứu, tổng kết và áp dụng ở diện rộng hơn.

 Nhưng băn khoăn về dự thảo Nghị quyết kể trên cũng không ít. Đầu tiên là tên gọi của dự thảo Nghị quyết. Băn khoăn không hẳn vì tên gọi gợi nhắc cuộc tranh luận kéo dài nhiều thập kỷ về việc giữ hay bỏ HĐND huyện, quận, phường - cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân ở các đơn vị hành chính này trước đây - mà còn bởi sự chưa thống nhất giữa Tờ trình và dự thảo Nghị quyết với cách thể hiện nội dung thí điểm.

 Tên gọi của dự thảo Nghị quyết là “thí điểm không tổ chức HĐND phường” chưa thể hiện được bản chất của việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị 2 cấp tại các quận, thị xã của TP Hà Nội. Trong khi đó, việc thí điểm không chỉ tác động trực tiếp đến không tổ chức HĐND phường mà còn liên quan đến điều chỉnh địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND quận, thị xã và nhiều vấn đề khác thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố.

 Có lẽ cũng từ sự chưa thống nhất kể trên nên khi đi vào các quy định cụ thể có thể cảm nhận được sự “dùng dằng” của cơ quan trình. Theo dự thảo Nghị quyết, tại các phường thí điểm, cơ quan hành chính vẫn được gọi là “UBND phường”, mặc dù “UBND phường” này có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, tính chất và cơ cấu tổ chức với UBND phường tại các địa phương không thí điểm. Điều này sẽ gây ra khó khăn, phức tạp trong cách hiểu và cách thức quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường tại các văn bản quy phạm pháp luật khác.

 Nhưng điều quan trọng hơn là, “UBND phường thí điểm” được xác định là cơ quan hành chính thuộc quận, thị xã đặt tại phường, do UBND quận, thị xã quản lý biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức để thực hiện vai trò của chính quyền địa phương ở phường - nhưng cơ cấu tổ chức và chế độ làm việc lại vẫn giữ như UBND phường không thí điểm, tức là, vẫn có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên (tối đa 5 người), vẫn làm việc theo chế độ tập thể. Một số vấn đề khác cũng chưa rõ như: hệ thống chính trị ở phường thí điểm được tổ chức thế nào? Mối quan hệ cấp trên cấp dưới giữa các tổ chức đảng, đoàn thể ra sao? Cán bộ công chức làm việc tại phường thí điểm thuộc hệ thống cán bộ công chức quận hay phường khi hiện nay việc liên thông giữa hai hệ thống này vẫn mới chỉ là đề xuất?...

 Ủy ban Pháp luật, dù đồng thuận với rất nhiều nội dung trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình nhưng cũng nhiều lần nhấn mạnh trong Báo cáo thẩm tra trình QH rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường là “một chủ trương lớn, quan trọng, mang tính chất chính trị - xã hội sâu sắc”, “là nội dung rất nhạy cảm, hệ trọng”. Nhiều nội dung cụ thể đã được cơ quan chủ trì thẩm tra phân tích và yêu cầu phải rà soát, giải trình để quy định chặt chẽ, thấu đáo hơn.

 Trong đó, quan điểm của một số thành viên Ủy ban Pháp luật cũng cần được QH cân nhắc thận trọng khi cho ý kiến về vấn đề này. Đó là, “vấn đề cốt lõi trong việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương là việc sắp xếp lại để tăng quy mô các đơn vị hành chính; phân định nhiệm vụ, quyền hạn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đổi mới cơ cấu bên trong, nâng cao chất lượng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và đổi mới phương thức hoạt động của HĐND và UBND ở từng loại đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chứ không chỉ là việc không tổ chức HĐND phường ở bất kỳ một đơn vị hành chính nào”.

 Với việc trình Quốc hội ban hành một Nghị quyết thí điểm về mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Hà Nội, chúng ta đang có một cơ hội rất lớn để xây dựng một “chính quyền đô thị” đúng nghĩa, thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển. Vì thế, bất kỳ băn khoăn nào cũng cần được bàn luận thấu đáo và thậm chí, cần có tư duy đột phá và sâu sắc hơn về chính quyền đô thị chứ không nên chỉ dừng lại ở việc “lấn cấn” giữa mô hình hiện tại và mô hình kỳ vọng! (Đại Biểu Nhân Dân 30/10, Lam Anh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

“Cán bộ luân chuyển chủ yếu lo an toàn” thì rất khó

Mới đây Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo về giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TƯ.

 Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá Nghị quyết 26 Ban Chấp hành Trung ương ban hành hồi tháng 5-2018 có nhiều nội dung mới, có tính đột phá. Quan điểm, tư tưởng, giải pháp mới không chỉ cho công tác cán bộ khóa XII này mà cả các khóa sau.

 Phó Giáo sư Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, hiện là phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương, cho rằng “phải suy nghĩ thực sự” về chất lượng cán bộ. Ông đánh giá thời chiến Đảng ra nghị quyết về cán bộ ít, cũng không nói lý luận nhiều nhưng cán bộ sao tốt thế. Còn giờ thì ra rất nhiều nghị quyết về cán bộ, rồi ba nhiệm kỳ trở lại đây “cao điểm học tập, làm theo Bác” mà vẫn có một bộ phận không nhỏ chưa tốt. Mà riêng khóa XII này, đến nay đã kỷ luật bảy cán bộ thuộc diện trung ương quản lý. Ấy là chưa kể nhiều việc gây bức xúc dư luận như trung ương vừa ra Chỉ thị 08 về nêu gương thì Bộ Công Thương lại điều ô tô vào tận cầu thang máy bay đón vợ bộ trưởng…

 Công tác cán bộ, từ giới thiệu, quy hoạch đến làm quy trình bầu, bổ nhiệm vào các chức danh hiện còn dựa nhiều vào lấy phiếu. Nhưng mặt trái của nó, như đánh giá của ông Phúc - từng trải qua chức ủy viên Trung ương Đảng, là khiến cán bộ không dám làm, sợ quyết liệt thì mất phiếu…

 Khắc phục những hạn chế ấy, ông Phúc cho rằng cần tăng cường công khai, minh bạch. Chứ như hiện nay, “tôi không biết ai được quy hoạch để sắp tới lãnh đạo mình” - ông nói.

 Về luân chuyển cán bộ, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, người chủ trì hội thảo, chia sẻ tâm sự của những người được luân chuyển: “Nhiều đồng chí bảo là làm nhiệt tình quá, hăng hái quá có khi người ta không thích, cho là mình thể hiện. Nhưng không làm gì thì lại đánh giá luân chuyển không phát huy được”. Ông Tuấn cũng cho rằng nên làm rõ mục tiêu của luân chuyển là để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nhưng có nhất thiết phải để phát triển cương vị cao hơn, hay trở về công tác cũ, làm việc tốt hơn là được.

 PGS Vũ Văn Phúc thừa nhận có thực tế như vậy, cán bộ đi luân chuyển chủ yếu lo an toàn, được địa phương nhận xét tốt rồi rút. Như vậy thì khó đạt được mục tiêu rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ.

 Góp ý tổng quát cho việc cụ thể hóa Nghị quyết 26, nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, cho rằng các quy định tới đây cần mô tả cán bộ cấp chiến lược là người có hành động mang tầm quốc gia, là hình ảnh của thể chế. Để được như vậy, trong lựa chọn cán bộ cần năm “hóa”: khoa học hóa, tiêu chuẩn hóa, dân chủ hóa, minh bạch hóa và trách nhiệm hóa. Ông nhấn mạnh trách nhiệm hóa với người làm quan phải như người xưa: Làm sai phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình chứ không chỉ cách chức, khai trừ, huề cả làng. (VTV.vn 30/10)Về đầu trang

Hàng loạt nhân viên Sở Y tế Đắk Lắk xài bằng không hợp lệ

Ngày 30-10, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk để xử lý sáu nhân viên ngành y tế Đắk Lắk sử dụng bằng cấp không hợp lệ.

 “Có nhiều trường hợp bị pht hiện nằm ở diện mới tuyển dụng đợt vừa rồi, rải rác ở nhiều đơn vị trực thuộc” – vị lãnh đạo thông tin.

 Về hướng xử lý các trường hợp nhân viên y tế sử dụng bằng cấp không hợp lệ, ông Nay Phi La (Giám đốc Sở Y tế) cho biết: Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk điều tra, làm rõ vi phạm cụ thể của từng cá nhân và các tổ chức liên quan trong việc tuyển dụng nhân viên sử dụng bằng cấp không hợp lệ vào làm việc để có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 "Các trường hợp sử dụng bằng cấp không hợp pháp để tham gia xét tuyển, thi tuyển vào ngành y tế sẽ bị buộc thôi việc. Ngoài ra, Sở sẽ chấn chỉnh khâu tổ chức thi tuyển, xét tuyển nhân viên vào làm việc trong ngành y tế, không để tình trạng trên lặp lại" - ông La nói.

 Nguồn tin từ Sở Nội Vụ Đắk Lắk cho hay vừa qua thực hiện thanh tra liên quan đến công tác cán bộ trên địa bàn, Thanh tra Sở Nội vụ phát hiện nhiều trường hợp công chức, viên chức trên địa bàn thiếu hồ sơ bằng cấp. Trong những trường hợp này có nhiều người công tác trong ngành y tế.

 “Chúng tôi phát hiện hàng chục trường hợp cán bộ, người lao động ở ngành y tế Đắk Lắk không có bằng cấp ba. Công an tỉnh Đắk Lắk sau đó đã đề nghị cung cấp hồ sơ một số trường hợp nghi vấn để xác minh” – nguồn tin cho biết. (Pháp Luật TPHCM 30/10, H.Trường – Đ.Thanh)Về đầu trang

Ông Đoàn Ngọc Hải không đến công ty giải quyết thủ tục nghỉ việc

Sở Nội vụ TP.HCM vừa có văn bản gửi Thường trực HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM về việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 15 HĐND TP HCM khóa IX.

 Sở Nội vụ cho biết ông Đoàn Ngọc Hải được điều động và bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV theo quyết định của UBND TP vào đầu tháng 6/2019.

 Một ngày sau khi nhận quyết định, ông Đoàn Ngọc Hải có đơn xin từ chức theo nguyện vọng.

 Sau khi xem xét nguyện vọng của ông Đoàn Ngọc Hải, đến ngày 4/9/2019, UBND TP đã ban hành quyết định về việc cho thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV đối với ông Hải.

 Đến ngày 9/9/2019, ông Đoàn Ngọc Hải có đơn xin nghỉ việc gửi Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV.

 Ngày 12/9/2019, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đã chủ trì cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ và UBND Quận 1 thảo luận, trao đổi hướng dẫn việc xử lý đơn xin thôi việc của ông Đoàn Ngọc Hải. 

Tại cuộc họp, các đơn vị đã hướng dẫn trình tự thực hiện để giải quyết đơn xin thôi việc và chế độ chính sách đối với ông Hải. Theo đó, các đơn vị đề nghị Tổng Công ty thực hiện các quy định về lao động để xác lập mối quan hệ lao động với ông Hải.

 Trong trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải không đến làm việc, Tổng Công ty cần phải chặt chẽ về thủ tục hành chính (bằng văn bản) khi trao đổi, liên hệ với ông Hải đảm bảo trình tự giải quyết theo quy định của Bộ luật lao động.

 Đối với nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Hải thì Tổng Công ty cùng UBND Quận 1 phối hợp thực hiện, do ông Đoàn Ngọc Hải có quá trình công tác là cán bộ, công chức tại UBND Quận 1.

 Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV, ông Đoàn Ngọc Hải không đến Tổng Công ty để phối hợp giải quyết đơn xin nghỉ việc.

 Vì vậy, để tránh phát sinh các khiếu nại về sau, Sở Nội vụ TP đã có tờ trình kiến nghị UBND TP chỉ đạo Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV phải trao đổi kỹ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP để được hướng dẫn trình tự, thủ tục về việc giải quyết đơn xin thôi việc của ông Đoàn Ngọc Hải (nhằm đảm bảo các thủ tục hành chính theo quy định).

 Tháng 9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký quyết định cho thôi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV của ông Đoàn Ngọc Hải.

 Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 4/9, đúng 3 tháng kể từ ngày ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn từ chức.

 Ông Đoàn Ngọc Hải phụ trách mảng đô thị Quận 1 từ tháng 3/2016 và ngay sau khi nhận nhiệm vụ đã tập trung xử lý mạnh vấn đề lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường và đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa khắp TP.HCM và trên phạm vi cả nước.

 Từ cuối năm 2017, công tác lập lại trật từ lòng lề đường khu vực trung tâm TPHCM này lắng xuống. Ông Đoàn Ngọc Hải không còn trực tiếp xuống đường. Đầu tháng 1/2018 ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn từ chức. (Ttvn.vn 30/10, Minh Mẫn)Về đầu trang

Vụ 39 người chết ở Anh: Xác minh 2 trường hợp ở Huế, Quảng Bình

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, đã nắm được thông tin trình báo của 1 hộ dân.

 Theo ông Thọ, hiện các đơn vị chức năng của tỉnh đang tiến hành xác minh, làm rõ. Đây cũng là trường hợp duy nhất trong tỉnh trình báo về việc mất tích ở nước ngoài. "Địa phương đang gửi ra Bộ Ngoại giao để kiểm tra, xác minh còn hiện tại chưa có thông tin cụ thể", ông Thọ nói.

 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho hay, cơ quan chức năng mới chỉ nghe gia đình trình báo về việc mất tích. Trường hợp này đang lao động ở nước ngoài, không phải đi từ Huế. Do đó, cơ quan ngoại giao phải kiểm tra cụ thể. Huế là một trong những địa phương có ít người đi xuất khẩu lao động.

 Một lãnh đạo đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình chia sẻ, có nghe thông tin trên báo chí phản ánh về 1 trường hợp ở tỉnh trình báo có người thân mất tích và nghi nằm trong số 39 nạn nhân chết tại Anh. Các cơ quan chức năng của địa phương đang xác minh.

 Vị này cũng cho hay, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan chức năng đang phối hợp chặt chẽ với phía Anh để làm rõ.

 Ông đề nghị người dân cần bình tĩnh, tránh hoang mang, chờ các thông tin chính thức từ cơ quan chức năng của cả 2 nước.

 Ngày 29/10, Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế thông tin đã nhận đơn trình báo của 1 hộ dân ở phường Vỹ Dạ (TP Huế) về việc có người thân nghi là nạn nhân trong vụ 39 người chết ở Anh. Người đó là Nguyễn Bá H. (từng tốt nghiệp 1 trường đại học ở Huế).

 Trước lúc mất tích, anh H. được cho là đang làm việc tại Hungary đã cùng 2 người bạn quê Nghệ An lên đường sang Anh. Thời điểm anh H. mất liên lạc với gia đình trùng với thời điểm xảy ra vụ việc 39 người chết ở Anh.

 Ngày 28/10, gia đình ông N.X.G (SN 1964, trú thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) trình báo việc con trai ông là anh N.N.H (SN 1987) mất liên lạc gần 10 ngày nay khi từ Pháp tìm cách nhập cảnh vào Anh. (Vietnamnet.vn 30/10, Thu Hằng)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính công ở Thái Bình

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình là mô hình đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính công của tỉnh, được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước về trao đổi, học tập kinh nghiệm.

 Từ ngày 1/10/2019 đến nay, Trung tâm đã thêm một tiến bước mới đó là triển khai giải quyết thủ tục hành chính công theo phương án “5 tại chỗ”, từ tiếp nhận hồ sơ đến thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại Trung tâm.

 Trung tâm được bố trí ở vị trí thuận lợi về giao thông, tại Quảng trường 14/10, thành phố Thái Bình. Toàn bộ tầng 1 của tòa nhà trụ sở Trung tâm được bố trí làm nơi giao dịch, giải quyết các thủ tục hành chính. Ngay ở sảnh chính lối ra, vào tầng 1 có sơ đồ chỉ dẫn từng lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính và nội quy làm việc, cùng số điện thoại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị trong quá trình triển khai thủ tục hành chính... Tại đây, người dân chọn lĩnh vực giao dịch trên máy điện tử, được thông báo số thứ tự giải quyết, hướng dẫn đến cửa cụ thể theo số thứ tự để làm thủ tục...

 Ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư phát triển doanh nghiệp Thái Bình đang thực hiện giao dịch tại Trung tâm cho biết, Công ty thường xuyên làm thủ tục đầu tư ở đây. So với trước đây, hiện Trung tâm thực hiện phương án "5 tại chỗ" đã rút ngắn từ 2 - 3 ngày cho một quy trình thủ tục và việc không trực tiếp vào phòng làm việc của chuyên viên các sở, ngành đã tránh được những phiền hà không đáng có.

 Ông Ngô Văn Dũng mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện "5 tại chỗ" tại Trung tâm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, lựa chọn cán bộ đủ năng lực chuyên môn, có tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục tại đây.

 Được biết, 100% sở, ban, ngành của tỉnh đã đăng ký thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm. Sau gần một tháng triển khai, đã có trên 1.200 trong tổng số hơn 1.450 bộ thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành đăng ký thực hiện quy trình này, đạt khoảng 83%. Đặc biệt, trong đó đã có một số đơn vị như Sở Xây dựng, Điện lực, Bảo hiểm xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Bình đã đăng ký 100% giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm.

 Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chánh văn phòng Sở Xây dựng Thái Bình được cử đến làm việc tại Trung tâm cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình, Sở Xây dựng đã nghiêm túc triển khai phương án "5 tại chỗ" như: Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng quy trình giải quyết thủ tục, cử công chức trực tiếp tới Trung tâm làm việc.

 Ông Bách cho rằng, trước đây việc vận chuyển hồ sơ từ Trung tâm về sở và ngược lại hay những hồ sơ liên thông, liên quan đến các sở, ban, ngành cần trao đổi phải gửi văn bản xin ý kiến qua lại rất tốn thời gian. Đến nay, những việc này được giải quyết tại trung tâm nên đã rút ngắn thời gian cho người dân, doanh nghiệp...

 Ông Nguyễn Viết Huy, chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, từ ngày 1/10, Trung tâm triển khai giải quyết ủ tục hành chính theo phương án "5 tại chỗ" đối với các thủ tục được thực hiện tại Trung tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

 Nếu như trước đây, Trung tâm là đơn vị chỉ nhận hồ sơ và trả kết quả, hiện nay toàn bộ quy trình từ khâu tiếp nhận đến thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính đều được thực hiện tại Trung tâm. Quá trình giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm được bộ phận kiểm tra, giám sát gồm các cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh giám sát từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả bằng biện pháp nghiệp vụ như chọn mẫu, qua hệ thống camera giám sát... 

 Hiện nay, diện tích mặt bằng của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế sử dụng cho bộ phận thẩm định của các sở, ban, ngành, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh chưa kết nối với phần mềm của các bộ, ngành nên còn khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính. Vì vậy, Trung tâm đề nghị các bộ, ngành sớm ban hành hướng dẫn để tỉnh có phương án kết nối dữ liệu của tỉnh với dữ liệu của bộ, ngành. UBND tỉnh có cơ chế, chính sách mới tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm đạt hiệu quả cao trong giải quyết công việc...

 Theo kế hoạch, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thủ tục, thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính, từ ngày 1/11/2019, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện của tỉnh Thái Bình cũng tổ chức giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tối thiểu 80% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. (Baotintuc.vn 30/10, Nguyễn Công Hải) Về đầu trang

Hải Phòng tập huấn tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính qua Zalo

Thông qua ứng dụng Zalo, chính quyền Hải Phòng mong muốn phục vụ được nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính trên điện thoại di động của người dân.

 Ngày 22/10, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) thành phố Hải Phòng đã tổ chức hội nghị “Tập huấn, hướng dẫn nộp hồ sơ và tra cứu tình trạng giải quyết thủ tục hành chính qua ứng dụng Zalo”. Tham dự có các cán bộ giải quyết thủ tục hành chính; cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện.

 Buổi tập huấn nhằm hướng dẫn các bước thao tác trên ứng dụng Zalo và giải đáp thắc mắc cho cán bộ chuyên trách về việc tiếp nhận thủ tục hành chính qua Zalo.

 Khi bấm nút “Nộp hồ sơ” trên Zalo Chính quyền điện tử TP Hải Phòng, ứng dụng sẽ kết nối và tải website dichvucong.haiphong.gov.vn. Việc ghi danh, địa chỉ, đính kèm hình ảnh giấy tờ… đều thực hiện trên website Dịch vụ công thành phố. Người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến bằng điện thoại di động qua Zalo “Chính quyền điện tử TP Hải Phòng”.

 Ngay sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính hoặc qua ứng dụng Zalo, người dân sẽ nhận được tin nhắn xác nhận qua ứng dụng Zalo, kèm theo mã số tiếp nhận hồ sơ.

 Người dân tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ bằng cách dùng ứng dụng Zalo quét mã QR trên giấy biên nhận. Bên cạnh đó, mọi thay đổi trạng thái hồ sơ đều được cập nhật và gửi tin nhắn thông báo tự động qua Zalo.

 Ông Vũ Đại Thắng, Phó giám đốc Sở TTTT, nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính là một trong những tiện ích giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng nộp hồ sơ trực tuyến.

 Việc thực hiện qua mạng góp phần minh bạch hóa công tác giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước, hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. (News.zing.vn 30/10) Về đầu trang

Từ 1/11, Bộ Công Thương triển khai dịch vụ công trực tuyến về xuất nhập khẩu

Nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã hoàn thành việc xây dựng và bắt đầu thực hiện cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương (tại địa chỉ http://online.moit.gov.vn) ở mức độ 3 đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu kể từ ngày 1/11 tới.

 Cụ thể, cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô; cấp đổi giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô; cấp lại giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô; cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam; cấp lại; sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam; gia hạn giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

 Theo đó, từ ngày 1/11, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đối với các thủ tục nói trên tại địa chỉ http://online.moit.gov.vn, không tiếp nhận hồ sơ giấy đối với các thủ tục hành chính nêu trên. (TTXVN/Bnews.vn 30/10, Uyên Hương)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm nay.

 Chính phủ yêu cầu cầu các Bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành coi việc thúc đẩy giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm nay, đồng thời thực hiện 6 giải pháp chủ yếu. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện các quy định về quản lý đầu tư công tại các Nghị định của Chính phủ. Trên cơ sở đó, khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công mới được sửa đổi. Trong tháng 11 tới, phải hoàn thành các thủ tục để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm nay.

 Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước để theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, cũng như lập, thẩm định, phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

 Chính phủ giao người đứng đầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo chuẩn bị, tổ chức lập kế hoạch đầu tư công năm 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hiệu quả, theo đúng quy định tại các Chỉ thị trước đây của Thủ tướng.

 Trước ngày 20 hằng tháng báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Bộ Tài chính trước ngày 25 hằng tháng báo cáo Thủ tướng, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đi cùng với công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan và địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 Đối với vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Chính phủ giao Bộ Tài chính công khai số liệu giải ngân chi tiết đến từng bộ, cơ quan và địa phương theo định kỳ 15 ngày vào ngày 20 và ngày 5 hằng tháng. Bắt đầu từ tháng này, công khai tên của 3 bộ và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong kỳ. (VTV.vn 30/10)Về đầu trang

Chính phủ đính chính báo cáo về tình hình nợ công

Việc sai sót số liệu tình hình nợ công đã được đại biểu Quốc hội phát hiện trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 22/10.

 Chính phủ vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội văn bản đính chính báo cáo về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020.

 Văn bản phát hành ngày 28/10, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng ký.

 Trước đó, báo cáo 512/BC-CP ngày 18/10/ 2019 về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 của Chính phủ đã được gửi đại biểu trước thềm kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

 Bộ trưởng Dũng cho biết, lý do đính chính là do phát hiện lỗi kỹ thuật tại báo cáo 512.

 Cụ thể, nội dung đính chính là bỏ chữ "nghìn" trong đơn vị tính khoản trả nợ ròng năm 2019 là "5.038,3 nghìn tỷ đồng", con số sau đính chính tại báo cáo mới là 5.038,3 tỷ đồng.

 Đính chính tiếp theo là bổ sung chữ "nghìn" trong đơn vị tính của số dự kiến huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương năm 2020 (từ 459,4 tỷ đồng thành 459,4 nghìn tỷ đồng).

 Số dự kiến năm 2020 vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương 26,5 nghìn tỷ đồng, cho vay lại đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập 16,9 nghìn tỷ đồng, huy động từ nguồn ngân quỹ nhà nước và các nguồn khác 95,4 nghìn tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi về cho vay lại (trả gốc 19,1 nghìn tỷ đồng, trả lãi 11,0 nghìn tỷ đồng).

 Chính phủ cũng đính chính số liệu vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là 232,5 nghìn tỷ đồng.

 Sau khi đính chính, báo cáo mới cho biết, năm 2020 nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 349 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 287,9 nghìn tỷ đồng và nước ngoài khoảng 61,1 nghìn tỷ đồng.

 Việc sai sót số liệu tình hình nợ công đã được đại biểu Quốc hội phát hiện trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 22/10.

 Tại đây, cũng có ý kiến cho rằng, kết quả nợ công giảm chưa thực chất, vì giảm là do giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản không đạt kế hoạch. (Vneconomy.vn 29/10)Về đầu trang

Giải ngân vốn đầu tư cải thiện nhưng còn chậm

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 10 và 10 tháng năm 2019 dù đã được đẩy mạnh nhưng gần cuối năm mới đạt 69,2% kế hoạch.

 Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 ước tính đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 10 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 260,4 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2% kế hoạch năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.

 Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/10, Bộ Tài chính định kỳ công khai số liệu các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. (VTV.vn 30/10)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Lãnh đạo quận Thủ Đức từ chức vì xây dựng không phép

 Ngày 30/10, Ban thường vụ Quận ủy Thủ Đức cho biết, tại cuộc họp kiểm điểm, ông Lê Hữu Thành nhận khuyết điểm đã thiếu gương mẫu, để bản thân và gia đình vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín tổ chức và cá nhân.

 Ông Thành xin nhận toàn bộ trách nhiệm và xin thôi chức Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ, Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy, Phó chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức. Ông cam kết tự tháo dỡ và vận động người thân tháo dỡ các công trình xây dựng không phép trong tháng 10.

  Ban thường vụ Quận ủy Thủ Đức đã thống nhất đề xuất kỷ luật ông Thành bằng hình thức khiển trách, và báo cáo sự việc với Ban chấp hành đảng bộ quận, đề xuất Ban thường vụ Thành ủy TP HCM xem xét, quyết định.

 Ngoài ra, quận ủy cũng đề nghị UBND quận Thủ Đức tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cán bộ, đơn vị liên quan trong việc chậm xử lý và cưỡng chế các công trình không phép.

 Ông Thành cùng người thân xây dãy nhà xưởng rộng khoảng 1.800 m2 tại phường Hiệp Bình Chánh từ năm 2012 nhưng không bị xử lý, gây bức xúc cho người dân. Hôm 22/10, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân xuống tận nơi kiểm tra, họp cùng địa phương và các sở ngành chỉ đạo xử lý vụ việc.

 Thủ Đức nằm trong số các quận, huyện xảy ra tình trạng xây dựng trái phép nghiêm trọng. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay toàn thành phố có hơn 2.000 trường hợp vi phạm bị phát hiện.

 Hồi cuối tháng 7, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã ký Chỉ thị 23 yêu cầu các địa phương xử nghiêm tình trạng này. Bí thư các quận huyện chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, còn chủ tịch quận huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND thành phố.

 TP HCM cũng xin Thủ tướng cho lập lại Đội trật tự xây dựng đô thị trực thuộc quận huyện như trước đây để tăng tính chủ động ở các địa phương. (Vnexpress.net 30/10, Trung Sơn)Về đầu trang

Khai trừ Đảng đối với cựu Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai

Chiều 30- 10, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 18, khóa X đã bỏ phiếu thống nhất kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Văn Sáng, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai.

 Theo đó, 38/39 phiếu thống nhất hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng, 1 phiếu chọn hình thức cách hết tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Phạm Văn Sáng.

 Trước đó, vào tháng 8 -2019, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã họp kỳ thứ 43 xem xét xử đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Văn Sáng, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh này.

 Ông Phạm Văn Sáng trong thời điểm giữ chức giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã lãnh đạo, điều hành công tác thẩm định, xét duyệt, triển khai, thực hiện dự án “Xây dựng trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, thực nghiệm và chuyển giao các loại giống rau, quả ứng dụng công nghệ cao”, dự án “Nhân rộng mô hình sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP”, dự án “Nhà màng nông nghiệp” sai quy định pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

 Ông Sáng cũng đã vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức đánh giá quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, chỉ đạo đầu tư, quản lý và sử dụng trang thiết bị máy móc, tài sản nhà nước. Ông cũng vi phạm khi tùy tiện ký một số quyết định thành lập đoàn kiểm tra; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

 Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai xác định sai phạm của ông Phạm Văn Sáng là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, để nhiều cán bộ đảng viên tại đơn vị bị xử lý kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Phạm Văn Sáng theo quy định.

 Những sai phạm liên quan đến ông Sáng, Báo Pháp luật TP.HCM từng có bài: "Biến dự án ở Đồng Nai từ công sang tư" với nội dung kết luận Thanh tra UBND tỉnh Đồng Nai nêu những sai phạm trong việc xây dựng dự án khoa học công nghệ của Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai.

 Trong vụ việc này,  UBND tỉnh Đồng Nai vừa chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai để làm rõ, xử lý theo quy định. (Pháp Luật TPHCM 30/10, Vũ Hội)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc dỡ bỏ nhiều rào cản đầu tư nước ngoài

Đây là tuyên bố đáng chú ý trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang nỗ lực hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

 Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết, Trung Quốc sẽ bỏ mọi giới hạn với các công ty trong những lĩnh vực nằm ngoài danh sách hạn chế, danh sách gồm những ngành nghề bị giới hạn hoặc cấm nhận đu tư nước ngoài.

 Việc nới lỏng sẽ bao gồm cả lĩnh vực tài chính, vốn đã được nước này đề xuất từ giữa tháng10/2019. Yêu cầu chuyển giao công nghệ bắt buộc, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa Trung Quốc với Mỹ và nhiều nước khác cũng sẽ được bãi bỏ.

 Tuy nhiên, phía Trung Quốc chưa đưa ra lộ trình cụ thể cho các cam kết này. (VTV.vn 30/10)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More