Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 10-12-2020

Post date: 10/12/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Từ 2021, thay đổi quy định thanh toán bằng tiền cho lao động chưa nghỉ hết phép năm.. 1

TIN QUỐC HỘI 2

2.                Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. 2

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 3

3.                Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về chỉ số dòng chảy thương mại 3

4.                PVN “ném” hơn nửa tỉ USD vào mỏ dầu thô Junin 2, Venezuela thế nào?. 4

5.                Bất chấp COVID-19, hàng trăm dự án FDI vẫn được ký kết 5

QUẢN LÝ.. 6

6.                Chủ tịch UBND TPHCM: Xử nghiêm cán bộ nhũng nhiễu. 6

7.                Trước khi rời “ghế nóng” Chủ tịch TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ nói gì?. 7

8.                Hà Nội: Giảm 1,43% biên chế công chức và 4,33% biên chế viên chức. 9

9.                Hà Nội: Hơn 10,1 tỷ đồng hỗ trợ công chức chuyên trách về công nghệ thông tin. 10

10.            Đà Nẵng: Chứng minh có chỗ đỗ xe mới được mua xe là quá phi lý. 11

11.            Bắc Giang: Công tác quản lý sử dụng đất đai có tự ý "xé rào". 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

12.            Sẽ thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất và thuế. 13

13.            Đăng ký thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH: Sẽ đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. 14

14.            Đồng Nai: 95% người dân, doanh nghiệp hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

15.            Bội chi ngân sách 109.000 tỉ đồng. 15

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

16.            Cán bộ Mặt trận xã bị tố quan hệ bất chính với phụ nữ đã có gia đình. 15

17.            Bắt tạm giam cựu giám đốc, phó giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Vĩnh Long. 16

THẾ GIỚI 16

18.            Nông dân Ấn Độ đình công toàn quốc vì luật nông nghiệp mới 16

19.            Malaysia đã bắt giữ hơn 2.600 công chức vì tham nhũng. 17

 CHÍNH SÁCH MỚI

Từ 2021, thay đổi quy định thanh toán bằng tiền cho lao động chưa nghỉ hết phép năm

Năm nay, lao động chưa nghỉ hết phép năm vẫn được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ. Tuy nhiên, quy định này sẽ có sự thay đổi vào ngày 1/1/2021 khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành.

 Điều 114 Bộ luật Lao động 2012 quy định việc thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ của người lao động như sau:

 Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.

 Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.

 Song, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có điều chỉnh. Khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp người lao động do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

 Như vậy, từ năm 2021, chỉ khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm mới được người sử dụng lao động thanh toán bằng tiền những ngày nghỉ phép hằng năm chưa nghỉ hết. Còn những trường hợp vì các lý do khác ngoài lý do thôi việc, mất việc mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì không được thanh toán bằng tiền.

 Bên cạnh đó, Điều 114 của Bộ luật mới quy định ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc chỉ rõ, cứ đủ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 1 ngày. Quy định tăng ngày nghỉ thì không có thay đổi so với luật cũ. (Cafef.vn 09/12, Nhã Mi) Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) trong phiên làm việc sáng nay (9.12).

 Pháp lệnh gồm 7 chương, 58 điều quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

 Cụ thể, đối với trường hợp “Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm trong đấu tranh phòng chống tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự”, Dự thảo Pháp lệnh đã bỏ “phòng” trong “phòng, chống tội phạm” và chỉnh lý thành hai điểm để phân biệt đấu tranh chống tội phạm của người được giao nhiệm vụ và người không được giao nhiệm vụ.

 Đối với người được giao nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm, Dự thảo bỏ quy định điều kiện “dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm” với các lý do sau: Kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành (chỉ quy định “đấu tranh chống tội phạm”, không quy định điều kiện “dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm” trong đấu tranh chống tội phạm) và nếu quy định phải có các yếu tố “dũng cảm”, “cấp bách, nguy hiểm” thì chưa phù hợp với thực tiễn công tác của lực lượng công an trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm, có các trường hợp không có các yếu tố này nhưng có tính chất bất ngờ dẫn đến nguy hiểm tính mạng của cán bộ, chiến sĩ công an.

 Đồng thời, dự thảo đã bổ sung điều kiện “Trực tiếp làm nhiệm vụ”, cùng với việc bổ sung các trường hợp không được xem xét công nhận người có công (tại Điều 53) bảo đảm chặt chẽ hơn so với quy định hiện hành, phù hợp với thực tiễn đấu tranh chống tội phạm của lực lượng chuyên trách.

 Đối với các trường hợp “Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện hoặc diễn tập chiến đấu phục vụ quốc phòng an ninh có tính chất nguy hiểm”; “Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao”, Dự thảo Pháp lệnh đã được chỉnh lý như sau: “Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm”.

 Đối với trường hợp “Do vết thương tái phát dẫn đến tử vong” đối với thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, Dự thảo đã được chỉnh lý bảo đảm chặt chẽ hơn, bổ sung cụm từ “là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong” sau cụm từ “Do vết thương tái phát”.

 Dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung để giữ lại quy định hiện hành trường hợp công nhận liệt sĩ khi làm nghĩa vụ quốc tế.

 Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2021, thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13. (Laodong.vn 09/12, Vương Trần) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về chỉ số dòng chảy thương mại

Dẫn báo cáo phân tích DHL Global Connectedness Index 2020 – GCI 2020 (Chỉ số kết nối toàn cầu năm 2020) do công ty dịch vụ vận tải quốc tế của Đức DHL và Trường Kinh doanh Stern Đại học New York (Mỹ) thực hiện, trang mạng Sino-Sphere ngày 8/12 cho biết Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới trong bảng xếp hạng chỉ số kết nối thương mại.

 Đây là phiên bản thứ 7 của báo cáo này, song nó là bản đánh giá đầu tiên mang tính toàn diện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới. Bản phân tích dựa trên số liệu tổng quát về dòng chảy thương mại quốc tế, thông tin và năng lực của 169 quốc gia/vùng lãnh thổ.

 Theo như báo cáo phân tích, nói đến mức độ dòng chảy quốc tế tương ứng với qui mô nền kinh tế nội địa, Việt Nam đã nhận được những phân tích tích cực và lời khen ngợi khi xét đến các chỉ số trong khu vực thương mại. Việt Nam xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng, chỉ sau Singapore, Hà Lan, Bỉ và Malaysia. Báo cáo cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam phát triển mạnh mẽ về ngành công nghiệp may mặc và công nghệ kỹ thuật cao.

 Dự báo mới nhất cho thấy sau quá trình chuyển đổi ổn định năm 2019, chỉ số thương mại trên toàn cầu sẽ giảm mạnh vào năm 2020 do tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các mối quan hệ toàn cầu dự kiến không giảm xuống mức như trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới giai đoạn 2008-2009. Dòng chảy thương mại và vốn đã bắt đầu phục hồi, với dòng dữ liệu quốc tế tăng vọt khi các mối liên hệ trực tiếp chuyển sang trực tuyến trong thời kỳ đại dịch bùng phát và hoạt động mua sắm trực tuyến cũng gia tăng. (TTXVN/Baotintuc.vn 09/12)Về đầu trang

PVN “ném” hơn nửa tỉ USD vào mỏ dầu thô Junin 2, Venezuela thế nào?

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) đã đầu tư hơn 528 triệu USD vào dự án khai thác mỏ dầu thô Junin 2, nhưng việc dừng đầu tư vào năm 2013 khiến PVN có nguy cơ mất trắng số tiền đã 'ném' vào dự án.

 Hơn 10 năm trước, với kỳ vọng khai thác hàng chục tỉ thùng dầu thô mỏ Junin 2 (Venezuela), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã đề xuất Chính phủ cho góp hơn nửa tỉ USD vào liên doanh khai thác dầu khí hai nước - Công ty liên doanh PetroMacareo.

 Theo đề xuất của PVN, tháng 10-2010, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 38 cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí - PVEP (PVN) thực hiện thăm dò, khai thác dầu thô tại mỏ Junin 2, Venezuela. 

Hình thức đầu tư - thành lập Công ty liên doanh PetroMacareo để khai thác dầu thô mỏ Junin2, các bên tham gia liên doanh gồm PVEP/PVN góp 40% vốn, Tổng công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) góp 60% vốn.

 Trữ lượng khai thác dầu thô tại chỗ mỏ Junin 2 khi đó được xác định khoảng 34,45 tỉ thùng, tổng vốn đầu tư dự án lên tới 12,34 tỉ USD, tương đương 211,37 ngàn tỉ đồng.

 Riêng giai đoạn 1 của dự án, vốn đầu tư khoảng 8,3 tỉ USD. Để thực hiện 'siêu dự án' khai thác dầu khí này, từ năm 2011 - 2013, PVEP cam kết góp vốn đầu tư dự án khoảng 1,8 tỉ USD.

 Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, đến nay PVEP đã góp vào Công ty liên doanh PetroMacareo hơn 528 triệu USD, trong đó góp 76 triệu USD vào Công ty liên doanh PetroMacareo, thanh toán phí tham gia hợp đồng (phí bonus) cho phía Venezuela 442 triệu USD.

 Số vốn góp này được huy động từ nguồn vốn kinh doanh của PVEP và vốn vay từ Standard Charterd Bank.

 Nhưng đến tháng 12-2013, Thủ tướng đã quyết định PVEP/PVN dừng đầu tư khai thác dầu thô tại dự án Junin 2.

 Số tiền hơn 528 triệu USD mà PVEP/PVN đã đầu tư vào mỏ dầu thô Junin 2 Venezuela có nguy cơ mất trắng, hiện Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đang làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

 Trước đó, tháng 12-2008, căn cứ văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, giai đoạn 1 của Thủ tướng, hội đồng quản trị PVN đã quyết định phê duyệt báo cáo đầu tư dự án phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2, Venezuela.

 Để cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho PVN, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thẩm quyền xem xét, quyết định đầu tư dự án.

 Tháng 3-2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản số 203 gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư nêu rõ trường hợp dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư.

 Tháng 5-2009, Chính phủ có báo cáo số 83 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ trong tổng chi phí vốn PVN đầu tư vào dự án là 1,825 tỉ USD, có 547 triệu USD (chiếm 29,9%) vốn nhà nước, phần còn lại PVN đi vay. Mặt khác, số vốn góp 1,825 tỉ USD của PVN so với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 8,8 tỉ USD, chỉ chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư.

 Theo tính toán của Chính phủ, thời điểm đó cả 2 phương án vốn góp của PVEP/PVN vào dự án thấp hơn 30% tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn 1. Vì vậy, dự án khai thác dầu thô Junin 2, Venezuela không thuộc diện phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư. (Tuoitre.vn 09/12, Bảo Ngọc) Về đầu trang

Bất chấp COVID-19, hàng trăm dự án FDI vẫn được ký kết

Mặc dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt, nhưng không ít địa phương vẫn thu hút được nhiều dự án FDI lớn.

 Theo báo cáo kết quả xúc tiến đầu tư và phát triển kinh tế đối ngoại năm 2020, tính đến giữa tháng11, tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 72 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 7.700 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là hơn 15.110 tỷ đồng, trong đó đã cấp mới 10 dự án FDI với tổng mức đầu tư 164,7 triệu USD, chiếm 13,89% về số lượng dự án và 49,15% về tổng mức đầu tư.

 Ngoài ra, tỉnh đã điều chỉnh 89 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 25 dự án (tăng hơn 7.400 tỷ đồng).

 Không những thế, các khu công nghiệp trên địa bàn Nghệ An cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Dẫn đầu trong danh sách này là Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đã thu hút được 22 dự án (10 dự án FDI, 12 dự án trong nước) vốn đầu tư đăng ký hơn 6.440 tỷ đồng. Trong số đó, đã có 14 dự án đã đi vào hoạt động, 5 dự án đang triển khai xây dựng. Hiện đang có một số nhà đầu tư đang nghiên cứu và triển khai các thủ tục đăng ký đầu tư.

 Tiếp đến là Khu công nghiệp WHA đã thu hút được 6 dự án, trong đó có 3 dự án FDI, 3 dự án trong nước, vốn đầu tư đăng ký gần 530 tỷ đồng. Theo báo cáo của WHA, hiện đã có một số nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ và thỏa thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký dự kiến khoảng 285 triệu USD, diện tích thuê đất dự kiến khoảng 49 ha.

 Trong 11 tháng của năm nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 27 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư 277,3 triệu USD và 61 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 9.369 tỷ đồng.

 Tỉnh cũng đã đăng ký cho 1.671 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 17,18% so cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 19.999 tỷ đồng, tăng 28,36% so cùng kỳ; đăng ký hoạt động cho 233 chi nhánh, văn phòng đại diện. 

Năm nay, tỉnh Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 64 dự án, tăng 28% so với cùng kỳ.

 Các dự án tập trung vào các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, du lịch, nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, chế biến… Tổng số vốn đăng ký là gần 4.500 tỷ đồng và hơn 2 triệu USD.

 Ngoài cấp quyết định chủ trương đầu tư, tỉnh Yên Bái cũng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về môi trường và tiềm năng đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, tiếp cận thông tin, nghiên cứu, khảo sát để làm cơ sở đề xuất đầu tư trên địa bàn trong thời gian tới.

 Lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị chủ đầu tư cần phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng các công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công, tổ chức nghiệm thu và giải ngân. Riêng đối với công tác giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xử lý các khó khăn vướng mắc, để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các công trình, đặc biệt là với các công trình trọng điểm.

 Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án, tăng hơn 60% so cùng kỳ năm ngoái.

 Trong số 26 dự án này có 25 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 17.711 tỷ đồng và 1 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4 tỷ USD.

 Tính đến nay, Bạc Liêu có 155 dự án, trong đó có 140 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 46.106 tỷ đồng và 15 dự án nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,491 tỷ USD.

 Trong số này có nhiều dự án được đánh giá có tính chất động lực, thúc đẩy sự phát triển của Bạc Liêu để trở thành trung tâm kinh tế của tiểu vùng bán đảo Cà Mau, như dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… Nổi bật trong số các dự án chính là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, với công suất 3.200MW, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD. Đây là dự án FDI lớn nhất ĐBSCL tính đến thời điểm này. (Vtv.vn 09/12) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chủ tịch UBND TPHCM: Xử nghiêm cán bộ nhũng nhiễu

Ngày 8/12, kỳ họp thứ 23 HÐND TPHCM diễn ra phiên chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong với hàng loạt vấn đề nóng liên quan đến tội phạm, kẹt xe, ngập nước, hỗ trợ doanh nghiệp…

 Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm “truy”: Lãnh đạo TPHCM từng khẳng định, nếu xảy ra tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm thì sẽ làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Thực tế, vỉa hè ở nhiều nơi vẫn bị tái chiếm. Vậy đã có lãnh đạo quận, huyện nào bị xử lý vì vỉa hè bị lấn chiếm hay chưa? 

Đại biểu Trâm cũng chỉ ra hàng loạt dự án chống ùn tắc giao thông chậm tiến độ, có dự án chậm đến 20 năm như cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) do vướng bồi thường giải tỏa, trong khi Chính phủ đã cho phép TPHCM có cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng. 

Đối với các công trình giao thông chậm tiến độ, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư và trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến một số dự án chậm trễ.

 “Thời gian tới, TPHCM thực hiện các giải pháp: chỉ đạo sở, ngành đẩy nhanh tiến độ các công trình, tránh đội vốn do triển khai chậm; yêu cầu chủ đầu tư, lãnh đạo quận huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án… Cùng với đó, TPHCM xây dựng tiêu chí đánh giá ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, không đầu tư dàn trải”, ông Phong cam kết và cho biết, TPHCM sẽ tập trung đầu tư các dự án khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3, các dự án Metro, kết nối cảng Cát Lái…

 Về phòng chống tội phạm, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thừa nhận tình hình trật tự an toàn xã hội đang có nhiều chuyển biến phức tạp, đặc biệt là lợi dụng dịch bệnh, các loại tội phạm về ma túy, tín dụng đen, xâm phạm sở hữu gia tăng. Riêng về tội phạm ma túy, tang vật các vụ án cơ quan chức năng thu giữ ngày càng lớn. Có vụ lên tới hơn 1 tấn ma túy. Từ chỗ là địa bàn trung chuyển, TPHCM đã trở thành nơi sản xuất, tiêu thụ ma túy lớn. 

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2021, TPHCM xác định chủ đề là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. TPHCM sẽ nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu nơi nào có doanh nghiệp phản ánh còn phiền hà, thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. TPHCM xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong giải quyết hồ sơ, có sự giám sát, có chế tài xử lý nghiêm nếu cán bộ gây chậm trễ, nhũng nhiễu… (Tienphong.vn 08/12, Huy Thịnh)Về đầu trang

Trước khi rời “ghế nóng” Chủ tịch TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ nói gì?

Sáng ngày 9/12, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có phát biểu, chia sẻ tâm tư tình cảm của mình tại kỳ họp thứ 16, HĐND TP Đà Nẵng trước khi HĐND tiến hành công tác nhân sự, bầu Chủ tịch UBND TP mới.

 Phát biểu tại kỳ họp, ông Thơ cho biết: 5 năm qua là thời kỳ diễn ra nhiều biến động và thay đổi sâu sắc: Giai đoạn đầu của thời kỳ chúng ta kiên quyết điều chỉnh các hoạt động quản lý điều hành của chính quyền phải bảo đảm tuân thủ pháp luật, đặc biệt là trên các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng. Đây là việc làm bình thường của chính quyền, nhưng đã vấp phải lực cản và chống đối của một số đối tượng, hòng ép buộc chính quyền làm sai để trục lợi. “Chúng tôi đã đấu tranh mạnh mẽ, chấp nhận va chạm và đương đầu không cho phép điều đó xảy ra”, ông Thơ nói.

 Giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, thành phố phải đối diện và giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, với hàng trăm các hồ sơ dự án có nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Để tháo gỡ khơi thông nguồn lực đất đai và nguồn vốn xã hội này, theo ông Thơ, không thể không cần đến bản lĩnh, sự vận dụng và sáng tạo trong cách làm, cách tháo gỡ.

 “Nếu chỉ biết làm đúng theo qui định pháp luật thì đồng nghĩa với việc đóng băng các các dự án. Sự vận dụng luôn nằm trong ranh giới giữa cái đúng và cái chưa đúng, rất mong manh. Có nhiều cán bộ và lãnh đạo rất tâm huyết, luôn sẵn sàng tháo gỡ, nhưng cũng có nhiều cán bộ rất lo lắng sợ vi phạm không dám đề xuất tháo gỡ, nhiều cuộc họp và các đề xuất lòng vòng không giải quyết được vấn đề”, ông Thơ chia sẻ 

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nửa đầu nhiệm kỳ còn có nhiều biến động cán bộ chủ chốt, nhiều vụ án xảy ra đã có tác động ít nhiều đến thái độ công việc của cán bộ công chức. Bên cạnh đó, các chủ trương điều chỉnh hoặc dừng hoạt động một số cơ sở sản xuất, dự án đầu tư do ảnh hưởng môi trường, rà soát, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch phát triển…là những thay đổi đáng kể chi phối tư duy phát triển trong nhiệm kỳ. 

Theo chương trình, chiều nay (9/12), HĐND TP Đà Nẵng sẽ tiến hành công tác nhân sự, bầu Chủ tịch UBND TP và các phó chủ tịch UBND TP theo thẩm quyền. Ông Thơ sẽ được HĐND TP miễn nhiễm chức danh Chủ tịch UBND TP và HĐND TP cũng bầu người thay thế. 

Ông Thơ chia sẻ, chặng đường trải qua có nhiều biến động, khó khăn và thử thách, nhiều lúc không ít rủi ro và nguy hiểm đến bản thân. Ông và cộng sự của mình cảm nhận được niềm vui lớn động viên chính mình vì đã giữ mình, sẵn sàng tranh đấu và nỗ lực cao nhất để làm tốt nhiệm vụ được giao.

 “Chúng tôi ghi nhận trách nhiệm của mình và tin tưởng rằng sẽ được các lãnh đạo kế nhiệm giải quyết tốt trong thời gian đến”, ông Thơ nói.

 Ông Thơ cũng dành lời tri ân đến cử tri, nhân dân thành phố và toàn thể cán bộ, công chức thành phố đã đồng hành cùng UBND TP trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời, cũng bày tỏ lòng tri ân đến với các thế hệ lãnh đạo đi trước. 

“Chúng ta, ai cũng rất buồn về những sai phạm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc này. Tuy vậy, chúng tôi cũng không thể làm được điều gì khác hơn trong hoàn cảnh này, ngoài việc lấy đó làm bài học kinh nghiệm. Chúng ta cũng được học hỏi từ những cái chưa đúng rất nhiều. Trong công việc, chúng tôi luôn nêu những gương tốt và nhắc đến những truyền thống và giá trị tốt đẹp của Đà Nẵng mà nhiều thế hệ lãnh đạo đóng góp xây dựng. Đó là tinh thần của một Đà Nẵng luôn mạnh mẽ. Sức sáng tạo và đổi mới của Đà Nẵng luôn vượt trội.  Phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, gần dân”, ông Thơ nói. 

Đồng thời ông cũng mong muốn các thế hệ tiếp theo, các cán bộ công chức luôn học hỏi từ các giá trị tích cực. “Vừa sáng tạo đổi mới vừa làm đúng, vừa làm đúng vừa nhanh là điều rất khó và đầy rủi ro. Vì khó và rủi ro nên rất cần đến những lãnh đạo và công chức giỏi giang, luôn biết cách làm hiệu quả để hoàn thành tốt công việc của mình”.

 Kết thúc phần trình bày của mình, ông Thơ cho biết thêm: Đà Nẵng đã vượt qua một giai đoạn đầy biến động về nội bộ và khủng hoảng đại dịch nghiêm trọng. Một giai đoạn oằn mình, vừa đấu tranh, vừa sửa sai, vừa tập trung tháo gỡ bộn bề những khó khăn vướng mắc chưa hề có tiền lệ. Và đến nay đã có nhiều kết quả, mọi việc đi dần vào ổn định hơn. Bộ máy tổ chức, cơ chế vận hành, cách thức điều hành, ý thức và nền nếp của cán bộ công chức đã được định hình rõ nét. Thành phố đã tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc về đất đai, nguồn lực đầu tư bắt đầu giải phóng. Thành phố cũng biết cách giải quyết nhiều vấn đề do lịch sử để lại, biết cách đi nhanh hơn nhưng hạn chế vướng váo các sai phạm.

 “Kết quả này cũng được xem là thành tích lớn của chúng ta trong nhiệm kỳ này”, ông Thơ nói. (Tienphong.vn 09/12, Nguyễn Thành) Về đầu trang

Hà Nội: Giảm 1,43% biên chế công chức và 4,33% biên chế viên chức

Tại Kỳ họp thứ 18 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV, sáng nay (9/12), với 93/93 đại biểu có mặt tán thành, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp Thành phố Hà Nội năm 2021. Theo đó, biên chế hành chính sẽ có 9.003 biên chế, biên chế sự nghiệp có 135.383 biên chế.

 Sáng nay (9/12) tại Kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội khóa XV, với 93/93 đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2021.

 Theo đó, quyết nghị thông qua tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2021 và quyết định giao biên chế cho các cơ quan của TP, quận, huyện, thị xã như sau: Biên chế hành chính có 9.003 biên chế; biên chế sự nghiệp có 135.383 biên chế. Để tổ chức thực hiện Nghị quyết này, HĐND TP giao Thường trực HĐND TP, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

 Trước đó, trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2021, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho hay: Thực hiện Nghị quyết 28/NQ-HĐND ngày 4/12/2019 của HĐND TP, Hà Nội đã đạt kết quả khả quan trên các mặt: Tổ chức triển khai giao biên chế hành chính, sự nghiệp; công tác tuyên tuyền thực hiện các Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII, Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Chính phủ; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sang cơ chế tự chủ, sang công ty cổ phần; công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW và Chương trình hành động số 23-CTr/TƯ ngày 1/11/2018 của Thành uỷ; công tác cải cách hành chính; thực hiện đề án vị trí việc làm (VTVL) và tuyển dụng gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; rà soát hệ thống văn bản QPPL của TP liên quan đến lĩnh vực tổ chức, bộ máy, biên chế…

 Về kế hoạch sử dụng biên chế năm 2021, Giám đốc Sở cho biết năm 2021 là năm cuối thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021, giảm tối thiểu 10% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức so với năm 2015. Hằng năm Bộ Nội vụ đều có văn bản giao biên chế giảm tỷ lệ theo lộ trình, UBND TP thực hiện tinh giản theo đúng số biên chế Bộ giao, đến nay đã giảm biên chế công chức đạt tỷ lệ 8,57% và giảm biên chế viên chức đạt 5,67%. Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định và văn bản về giao biên chế hành chính sự nghiệp cho TP năm 2021.

 Thực hiện đúng số biên chế được giao, về biên chế công chức năm 2021, TP giảm 115 biên chế công chức, tỷ lệ 1,43% (nguyên tắc phân bổ: Thực hiện giảm đều tỷ lệ % tinh giản theo số giao của Bộ Nội vụ năm 2021, có điều chỉnh ở một số sở ngành, quận, huyện, thị xã trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, đề án VTVL và khối lượng công việc được giao).

 Về biên chế viên chức năm 2021, giảm 6.385 biên chế viên chức, tương ứng tỷ lệ 4,33% (nguyên tắc phân bổ: Giảm trừ từ nguồn biên chế dự phòng còn chưa sử dụng, giảm do chuyển các ĐVSN sang tự chủ để giảm biên chế hưởng lương ngân sách, giảm biên chế viên chức giáo dục khối mầm non và khối trường cao đẳng do giảm sĩ số học sinh, giảm theo tỷ lệ hằng năm biên chế viên chức ngoài giáo dục, y tế, giảm biên chế viên chức đối với ĐVSN y tế đã tự chủ một phần chi thường xuyên, thực hiện ký hợp đồng đối với số thiếu từ nguồn thu của ĐVSN theo Nghị quyết 102/NQ-CP).

 Về chỉ tiêu lao động hợp đồng định mức, giảm 391 chỉ tiêu định mức trong ĐVSN. Về chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP, giảm 361 chỉ tiêu hợp đồng 68 trong cơ quan hành chính và giảm 405 chỉ tiêu hợp đồng 68 trong ĐVSN.

 Nhấn mạnh về kế hoạch sử dụng biên chế năm 2021, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho hay, về biên chế hành chính là 9.003 biên chế, trong đó biên chế công chức có 7.927 biên chế, lao động hợp đồng 68 có 1.076 chỉ tiêu. Về biên chế sự nghiệp là 135.383 biên chế, trong đó biên chế viên chức có 116.380 biên chế, lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP có 10.464 chỉ tiêu, lao động họp đồng theo định mức có 8.539 chỉ tiêu. 

Thay mặt Ban Pháp chế HĐND TP trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Pháp chế HĐND TP Duy Hoàng Dương khẳng định, Ban Pháp chế HĐND TP cơ bản đồng ý với Tờ trình của UBND TP với các nội dung và giải pháp nêu ra, song cũng đề nghị UBND TP thực hiện 9 giải pháp cụ thể mà Ban đề xuất, trong đó lưu ý: Tổ chức thực hiện tổng biên chế hành chính sự nghiệp đúng số giao theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Nghị quyết của HĐND TP; đồng thời thực hiện tốt các nội dung theo Thông báo số 45 ngày 1/12/2020 về Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về Kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp của TP năm 2021.

 Thảo luận nội dung này, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ Thạch Thất) góp ý về báo cáo giải trình của UBND TP cho rằng, khi Hà Nội tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tới đây sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống cán bộ cơ sở ở phường trong đó có cả các lãnh đạo HĐND, UBND phường, nên TP cần hết sức thận trọng trong cách đặt vấn đề công chức UBND phường thuộc biên chế công chức TP và quận. Để thực hiện tổ chức thí điểm chính quyền đô thị gắn với thực hiện Nghị quyết này, cần tập trung thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền ở cấp phường, rà soát đội ngũ, hồ sơ cán bộ để giải quyết tốt chế độ cho họ… 

Tiếp thu ý kiến này, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho hay trong Nghị quyết 97 của Quốc hội về thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội có giao Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn TP thực hiện, đến nay Nghị định vẫn đang trong quá trình xây dựng dự thảo để trình Chính phủ. Ban soạn thảo Nghị định đã khẳng định tiếp thu là sẽ có điều chỉnh nội dung làm rõ về đảm bảo biên chế cho TP nếu có điều chỉnh thay đổi các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện Nghị định. (Kinhtedothi.vn 09/12) Về đầu trang

Hà Nội: Hơn 10,1 tỷ đồng hỗ trợ công chức chuyên trách về công nghệ thông tin

Chiều 8-12, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua quy định về mức hỗ trợ hằng tháng đối với công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin tại các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố Hà Nội.

 Đối tượng áp dụng của quy định này là công chức, viên chức có bằng chuyên môn về công nghệ thông tin, được giao nhiệm vụ chuyên trách về công nghệ thông tin theo đề án vị trí việc làm đã được cấp thẩm quyền phê duyệt tại các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc của thành phố Hà Nội.

 Mức hỗ trợ gồm: 2 lần mức lương cơ sở/người/tháng đối với người có trình độ đại học hoặc trên đại học; 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng đối với người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp. Mức lương cơ sở được áp dụng thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

 Dự kiến kinh phí thực hiện 1 năm là hơn 10,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp thành phố là hơn 7,5 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là hơn 2,6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ ngày 1-1-2021 đến khi Chính phủ triển khai áp dụng chế độ tiền lương mới. (Hanoimoi.com.vn 09/12, Mai Hữu) Về đầu trang

Đà Nẵng: Chứng minh có chỗ đỗ xe mới được mua xe là quá phi lý

“Đường để lưu thông, nên cần phải tính tới phương án lâu dài là buộc người mua xe phải chứng minh có bãi đỗ xe”, đại biểu Trần Văn Trường đề xuất tại ngày làm việc thứ hai của kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng diễn ra sáng 8.12.

 Đại biểu Trần Văn Trường đề xuất như vậy là do Thành phố Đà Nẵng thiếu chỗ đỗ ôtô, nhiều người đỗ xe tràn lan dưới lòng đường, biến lòng đường thành bãi đỗ xe.

 Tình trạng đỗ xe dưới lòng đường ở Thành phố Đà Nẵng là đúng, cần phải có biện pháp giải quyết để không gây ra kẹt xe, thông thoáng đường phố và đảm bảo mỹ quan đô thị. Nhưng để giải quyết tình trạng thiếu chỗ đỗ xe bằng đề xuất người mua xe phải chứng minh có bãi đỗ xe là quá phi lý.

 Người mua ôtô đương nhiên phải tính tới chỗ cất xe cho mình thì họ mới mua xe, khỏi cần ai lo cho họ. Hoặc họ cất xe trong nhà, hoặc họ thuê nơi giữ xe trả phí, hoặc họ nhờ nơi nào đó quen biết để cất xe. Không mấy ai mua ôtô khi không có chỗ cất xe, cứ đỗ bừa ngoài đường. Xe sang nhiều tiền, họ càng tính đến chỗ cất xe an toàn.

 Còn đỗ xe là sinh hoạt hằng ngày, theo nhu cầu riêng của từng người. Có khi chủ động, nhưng đa số là bị động. Đường phố có nhiều ôtô đỗ với nhiều lý do khác nhau, người vào công ty làm việc, người vào quán ăn sáng, ăn trưa, uống cà phê, người đi mua sắm... Vậy thì họ chứng minh chỗ đỗ xe như thế nào mới được mua xe?

 Hay người mua chứng minh chỗ đỗ xe với chính quyền, có giấy xác nhận có chỗ đỗ xe của chính quyền cấp rồi mới được mua xe? Chính quyền xác minh chỗ đỗ xe của người dân như thế nào?

 Vị đại biểu này còn quên một việc, đó là ôtô lưu thông hoặc đỗ trên đường phố Đà Nẵng không chỉ là của người dân Đà Nẵng, mà từ nhiều nơi khác đến. Vậy thì khách du lịch hay khách đến Đà Nẵng có cần chứng minh có chỗ đỗ xe mới được cho vào Đà Nẵng?

 Xin thưa với ông nghị Trường, việc tính toán xây dựng các bãi đỗ xe, quy định nơi nào được đỗ xe, nơi nào không, đó là việc của chính quyền. Quản lý đô thị, trong đó có giao thông, làm sao cho đường thông hè thoáng là của chính quyền. Không phải việc của dân.

 Lý luận theo cách của đại biểu Trần Văn Trường, thì khi Đà Nẵng xảy ra kẹt xe, chắc phải đề xuất người dân chứng minh có đường đi thông thoáng rồi mới được mua xe! (Laodong.vn 09/12, Lê Thanh Phong) Về đầu trang

Bắc Giang: Công tác quản lý sử dụng đất đai có tự ý "xé rào"

Thanh tra Chính phủ vừa có Kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2006 - 2017. Kết quả thanh tra cho thấy, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn này đã xảy ra vi phạm quy định trong công tác quản lý, sử dụng đất của một số dự án.

 Cụ thể, từ năm 2002 - 2007 có 43 doanh nghiệp được chấp thuận và cấp phép đầu tư vào Khu công nghiệp Đình Trám, tổng diện tích đất cho thuê hơn 662.068m2, theo đơn giá thời điểm cho thuê là hơn 7 tỷ đồng nhưng UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản cho phép không thu tiền, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

 Theo quy định tại Khoản 3, Điều 107, Luật Đất đai năm 2003: Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất là thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Như vậy, dù đã có quy định của Luật, nhưng UBND tỉnh đã tự ý “xé rào”, không thu tiền thuê đất đối với 43 doanh nghiệp là trái với quy định của Luật. “Trách nhiệm này thuộc UBND tỉnh và các sở, ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh” - Kết luận thanh tra nêu rõ.

 Câu hỏi đặt ra, vì sao pháp luật quy định người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính mà UBND tỉnh Bắc Giang lại cho phép không thu tiền thuê đất của doanh nghiệp? Có hay không việc “bắt tay” của chính quyền với doanh nghiệp? Có lợi ích nhóm không? Bởi chính sách ưu ái đặc biệt này vô hình trung tạo sự mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư. Để xảy ra tình trạng này, cơ quan, cá nhân vi phạm phải bị xử lý như thế nào?

 Không chỉ dừng lại ở đó, theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2013: Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 hécta đất trồng lúa trở lên; từ 20 hécta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên. Thế nhưng, UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa tại các dự án: Khu đô thị phía Tây thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang; Khu đô thị An Huy, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

 Những vi phạm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra không còn là câu chuyện riêng xảy ra ở Bắc Giang, ở nhiều tỉnh thành khác cũng đã từng xảy ra tình trạng tương tự. Trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2017 cũng chỉ rõ, UBND tỉnh Kiên Giang xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp được ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn chưa đúng quy định của pháp luật. Cục Thuế của tỉnh đã giảm 50% tiền sử dụng đất đối với các một số dự án đầu tư trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc chưa phù hợp với quy định của pháp luật, cần phải thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền gần 257 tỷ đồng… Đây chỉ là một trong những trường hợp mà các địa phương đã “xé rào” để tạo cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, bất chấp các quy định pháp luật.

 Việc thu hút đầu tư nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Người đứng đầu, địa phương nên quan tâm đến việc xóa bỏ các rào cản thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì tạo ra những ưu đãi trái pháp luật.

 Để không còn tình trạng quy định một đằng, làm một nẻo, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát đối với quản lý đất đai. Cùng với đó, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể đã để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai. Đây cũng cách tạo sân chơi, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Chỉ khi trách nhiệm cá nhân, tập thể bị xử lý nghiêm mới tránh tạo sự ưu ái cho doanh nghiệp chỉ vì lợi ích thiếu minh bạch. (Daibieunhandan.vn 09/12, Lê Hùng) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Sẽ thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất và thuế

Ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. Bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp đồng chủ trì.

 Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu rõ: Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ đã xác định rõ các mục tiêu tổng quát, đưa ra 4 định hướng lớn cùng các nhóm giải pháp, nhiệm vụ đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam trong việc phát triển nghề công chứng tại nước ta.

 Ông Tuấn Đạo Thanh, Chủ tịch Hiệp hội công chứng viên Việt Nam cho rằng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng sẽ giúp đẩy lùi vấn nạn giấy tờ giả, giao dịch giả hiện nay đồng thời góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức.

 Là một trong 3 địa phương sẽ tiến hành thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất và thuế, Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương Ngô Quang Giáp cho rằng đây là việc hết sức cần thiết để minh bạch hóa, chống nạn giấy tờ giả và hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá mới nên đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp các Bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình thí điểm. (Baophapluat.vn 09/12, Kim Quy)Về đầu trang

Đăng ký thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH: Sẽ đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia

Sáng 8/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn, làm việc với Bộ GD&ĐT nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính…

 Về việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ GD&ĐT mới đồng bộ được hơn 2.000 hồ sơ, vì vậy, cần triển khai mạnh mẽ hơn… Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD&ĐT, cho biết, từ năm 2021, Bộ sẽ đưa đăng ký thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học  chính quy lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

 Về việc thực hiện chủ trương chính phủ điện tử, ông Hải cho biết, đã gắn mã định danh hầu hết đối tượng thuộc diện quản lý với gần 53.000 trường, 24 triệu hồ sơ học sinh, 1,4 triệu hồ sơ giáo viên. Trong đó, 24 triệu hồ sơ của học sinh trên cả nước đã có thể đưa lên mạng quản lý.

 Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, cho biết, năm 2020, Bộ GD&ĐT đã đơn giản hóa đối với thủ tục xét, cấp học bổng chính sách cho học sinh, sinh viên, tiết kiệm được hơn 745 triệu đồng (tương đương 15,7%) chi phí tuân thủ thủ tục hành chính so với trước khi đơn giản hóa. Ngoài ra, Bộ giảm tổng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được gần 26 tỷ đồng (tương đương gần 28,9%).

 Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng đánh giá cao những thành tựu mà Bộ GD&ĐT đạt được trong thời gian chống dịch COVID-19, trong công tác tự chủ đại học..., đồng thời đề nghị Bộ không để nợ đọng, quá hạn các nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho. Bộ GD&ĐT cần quan tâm hơn đến đội ngũ nhà giáo còn nhiều khó khăn, vấn đề bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi… (Tienphong.vn 09/12, Nghiêm Huê)Về đầu trang

Đồng Nai: 95% người dân, doanh nghiệp hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, kết quả khảo sát ý kiến của 11 ngàn người dân, doanh nghiệp cho biết, mức độ hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính năm 2020 trung bình tại cấp sở đạt 95%, cấp huyện đạt 92% và cấp xã đạt 97%; không có tình trạng người dân phản ánh công chức có biển hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh.

 Trên cơ sở ý kiến đánh giá của người dân, doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của công chức, tỉnh kịp thời có các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh khắc phục các tình trạng người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng như: thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài, trễ hạn; công chức hướng dẫn không rõ ràng, không thân thiện với người dân.

 Trước đó, ngay từ đầu năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch 1036/KH-UBND về khảo sát sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020. Kế hoạch được triển khai thực hiện tại 17 sở, ngành, 11 huyện, thành phố, 170 xã, phường thị trấn và các cơ quan ngành dọc (bảo hiểm xã hội, thuế, công an).

 Việc khảo sát tiếp tục được hiện qua phần mềm phân tích thời gian thực hiện nhằm ghi nhận kịp thời, khách quan kết quả khảo sát. Từ đó, thông báo đến các đơn vị, địa phương để chẩn chỉnh hoạt động giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. (Baodongnai.com.vn 08/12, Hồ Thảo)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Bội chi ngân sách 109.000 tỉ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính ngày 8.12, sau 11 tháng, ngân sách nhà nước (NSNN) đang bị bội chi khoảng 109.000 tỉ đồng.

 Cụ thể, tổng thu cân đối lũy kế thu 11 tháng năm 2020 ước đạt hơn 1,260 triệu tỉ đồng, bằng 83,4% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2019.

 Trong khi đó, lũy kế chi là 1,369 triệu tỉ đồng, bằng 78,4% dự toán, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đến nay, NSNN đã chi khoảng 17.900 tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Về ký kết và huy động vốn vay nước ngoài của Chính phủ, tính chung từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ký kết 12 hiệp định vay vốn nước ngoài trị giá gần 1,22 tỉ USD. Về trả nợ, 11 tháng đầu năm, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 317.633 tỉ đồng (tương đương 86,6% kế hoạch cả năm), trong đó trả nợ trong nước khoảng 250.305 tỉ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 67.328 tỉ đồng. (Thanhnien.vn 09/12, Anh Vũ) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Cán bộ Mặt trận xã bị tố quan hệ bất chính với phụ nữ đã có gia đình

Sau khi bắt quả tang một người đàn ông được cho là cán bộ mặt trận xã có quan hệ bất chính với vợ mình trong nhà nghỉ, anh H. đã viết đơn tố cáo gửi lãnh đạo huyện này vào cuộc làm rõ, xử lý.

 Ngày 9/12, trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Đình Đạt - Bí thư huyện ủy huyện Quỳ Hợp, (Nghệ An) cho biết, Thường trực Huyện ủy đã nhận được đơn thư tố cáo của công dân đối với ông Vi Văn T. (Cán bộ mặt trận xã Châu Hồng) và chỉ đạo Đảng ủy xã Châu Hồng xác minh các bên liên quan rồi báo cáo, sau đó huyện căn cứ để có hướng xử lý.

 Tuy nhiên, khi trao đổi với ông Lương Văn Long - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng thì vị chủ tịch này cho hay: “Tôi chưa nhận được báo cáo hay chỉ đạo về việc tố cáo anh Vi Văn T...”. Còn liên hệ qua điện thoại với ông T. thì ông T. không bắt máy. 

Trước đó, anh L.Đ.H. (trú tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) gửi đơn tố cáo lên Huyện ủy, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳ Hợp, tố cáo ông Vi Văn T., (cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Châu Hồng) về việc, ông T. có quan hệ bất chính với vợ mình. 

Theo đơn của H., vào lúc 13h35p (ngày 6/11), anh đã bắt quả tang vợ và ông T. trong phòng nghỉ số 203 tại Nhà nghỉ H.L, địa chỉ tại thị trấn Quỳ Hợp. “Tôi theo dõi và phát hiện mối quan hệ bất chính này từ tháng 9/2020 qua các tin nhắn trên điện thoại”, trong đơn anh H. nêu rõ.

 “Khi chúng tôi vào trong phòng, hai người định nhảy cửa số tầng 3 để thoát ra nhưng tôi đã giữ được. Sau khi bị bắt quả tang ông T. thừa nhận có quan hệ bất chính với vợ tôi, lợi dụng lúc sơ hở ông T. đã bỏ chạy. Tôi bức xúc gửi một số hình và đoạn video bắt quả tang cho vợ ông T.”, anh H. thông tin trong đơn. (Tienphong.vn 09/12, Cảnh Huệ) Về đầu trang

Bắt tạm giam cựu giám đốc, phó giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Vĩnh Long

Cựu giám đốc và phó giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Vĩnh Long, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 Ngày 8/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Phạm Thanh Hải (45 tuổi), Đỗ Trạng (39 tuổi) cùng ngụ TP. Vĩnh Long và Võ Thị Kim Loan (29 tuổi), ngụ xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 Theo điều tra, từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2018, với vai trò là Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Vĩnh Long, Hải không thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm. Hải đã phê duyệt hồ sơ cấp tín dụng, phê duyệt giải ngân cho 10 hồ sơ tín dụng không có khả năng trả nợ, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền gần 1,8 tỷ đồng.

 Cũng trong thời gian trên, Đỗ Trạng giữ chức vụ Phó Giám đốc, chịu trách nhiệm kiểm soát, phê duyệt hồ sơ cấp tín dụng, đã thiếu trách nhiệm phê duyệt giải ngân liên quan đến 18 hồ sơ tín dụng không có khả năng trả nợ, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.

 Loan là cán bộ chịu trách nhiệm chuyên viên khách hàng, cấp kiểm soát đề nghị cấp tín dụng, đã thiếu trách nhiệm đề nghị giải ngân, thủ tục cấp tín dụng, thủ tục giải ngân liên quan đến 13 hồ sơ tín dụng không có khả năng trả nợ, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. (Tienphong.vn 08/12, Nhật Huy) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nông dân Ấn Độ đình công toàn quốc vì luật nông nghiệp mới

Các cuộc biểu tình của nông dân Ấn Độ nhằm phản đối luật nông nghiệp mới đã làm tê liệt các hoạt động giao thông, buộc các cửa hàng, siêu thị trên khắp cả nước phải đóng cửa.

Hàng trăm nghìn nông dân ở Ấn Độ đã phát động một cuộc đình công toàn quốc. Họ tràn xuống các tuyến đường sắt, đường bộ và đường cao tốc, làm tê liệt tất cả con đường dẫn vào thủ đô Delhi, kêu gọi đóng cửa các cửa hàng, siêu thị.

 Đây là một phần các nỗ lực nhằm gây sức ép để chính phủ hủy bỏ các luật nông nghiệp mới mà các nông dân nói rằng sẽ khiến họ rơi vào nghèo đói và bị các doanh nghiệp tư nhân ép giá, theo Guardian.

 Trong hơn một tuần, hàng nghìn nông dân, chủ yếu từ Punjab và Haryana, cắm chốt xung quanh vùng lân cận của thủ đô. Họ vây cứng các rào chắn của cảnh sát trên ba con đường chính dẫn vào Delhi và cho biết họ sẽ không di chuyển cho đến khi 3 luật nông nghiệp mới được bãi bỏ. Họ yêu cầu đảm bảo mức giá tối thiểu cho cây trồng của mình.

 Cuối tuần trước, các lãnh đạo nông dân và chính quyền Ấn Độ đã ngồi lại trao đổi suốt 7 tiếng nhưng không tháo gỡ được bế tắc.

 Thủ tướng Narendra Modi đã thông qua các điều luật vào tháng 9. Ông cho biết chính quyền muốn cải cách hệ thống nông nghiệp cổ hủ và lỗi thời, cho phép nông dân kiểm soát nhiều hơn mức giá các cây trồng của họ. Tuy nhiên, điều này vấp phải phản đối dữ dội vì các nông dân cho rằng sinh kế của họ sẽ bị tổn hại.

 Nông nghiệp sử dụng hơn 40% lực lượng lao động của Ấn Độ. Nông dân ở đây vẫn nghèo đói và lạc hậu. Đây cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ nông dân tự tử cao nhất thế giới.

 Kuldip Malana, 41 tuổi, nông dân từ quận Bant ở Haryana, nói: “25 năm qua, nông dân đã phải chịu đựng nhiều thiệt hại nhưng chính phủ không hề bận tâm đến chúng tôi, ngay cả khi rất nhiều người đang tự tử. Họ không cung cấp kho lạnh cho cây trồng của chúng tôi để giữ chúng tươi tốt, vì vậy, đôi khi chúng tôi phải bán rau với giá 1 rupee (0,014 USD). Họ cũng không cung cấp đủ nước cho cây trồng của chúng tôi”.

 Ông nói thêm: “Họ đã không nghĩ đến chúng tôi trong nhiều năm và đột nhiên đưa ra cải cách không liên quan gì đến việc giúp đỡ nông dân và chỉ có lợi cho các tập đoàn lớn. Những luật này là sự tự sát đối với tất cả chúng tôi”.

 Hơn 450 liên đoàn và tổ chức của nông dân đã ủng hộ cuộc đình công toàn quốc hôm 8/12. Cảnh sát đã được triển khai ở mọi nơi để kiểm soát bạo động.

 Malana và nhiều nông dân đã tuyên bố cuộc đình công thành công. Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah đồng ý gặp các lãnh đạo nông dân tại nơi ở của ông lúc 19h cùng ngày. “Không có chuyện lấp lửng. Chúng tôi sẽ yêu cầu bộ trưởng nội vụ chỉ nói có hoặc không”, Malana nói. (Zingnews.vn 09/12, Hà Lan) Về đầu trang

Malaysia đã bắt giữ hơn 2.600 công chức vì tham nhũng

Phó Giám đốc Ủy ban Phòng chống tham nhũng Malaysia (MACC) Shamshun Baharin Mohd Jamil cho biết từ năm 2015 tới tháng 10/2020, tổng cộng 2.607 công chức đã bị bắt vì các hành vi tham nhũng. 

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho hãng thông tấn Bernama nhân Ngày Quốc tế chống tham nhũng (9/12), Phó Giám đốc Ủy ban Phòng chống tham nhũng Malaysia (MACC) Shamshun Baharin Mohd Jamil cho biết từ năm 2015 tới tháng 10/2020, tổng cộng 2.607 công chức đã bị bắt vì các hành vi tham nhũng.

 Theo ông Shamshun Baharin, trong số bị bắt có 1.884 cá nhân thuộc nhóm trực tiếp thực thi công quyền; 658 cá nhân thuộc nhóm quản lý và nghiệp vụ cùng 65 cá nhân thuộc nhóm quản lý cao nhất. Những cá nhân này cản trở sự phát triển suôn sẻ của đất nước và làm mất uy tín của cán bộ công chức. Do đó, những nỗ lực nhằm giải quyết và bảo vệ đất nước thoát khỏi tham nhũng, đặc biệt là nền công vụ, là trách nhiệm cần được chia sẻ chứ không nên chỉ đặt lên vai của Ủy ban Phòng chống tham nhũng Malaysia. (VietnamPlus.vn 09/12, Hoàng Hà) Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More