Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 07-8-2020

Post date: 07/08/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.                Chống COVID-19: Để xảy ra vi phạm, lãnh đạo địa phương, giám đốc bệnh viện,... chịu trách nhiệm.. 1

2.                Chủ tịch Hà Nội: “Test nhanh âm tính, vẫn có nguy cơ”. 4

3.                Thanh Hóa: Đình chỉ Phó Chủ tịch xã ngại đi chống dịch COVID-19 vì trời mưa. 4

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 5

4.                Quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả: Cách làm hay từ Bắc Kạn. 5

5.                Đấu thầu các dự án giao thông qua mạng ở Khánh Hòa: Hiệu quả nhiều mặt! 7

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 8

6.                Việt Nam lạc quan thứ 2 thế giới 8

7.                Thủ tướng: Tại sao tận dụng cơ hội từ các FTA chưa như mong đợi?. 9

8.                Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, đừng đổ cho “khách quan”. 10

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 11

9.                Còn nhiều khoảng trống. 11

QUẢN LÝ.. 13

10.             Quan chức Philippines xem Việt Nam là tấm gương hành xử ở Biển Đông. 13

11.             Nhiều người thích vào công chức vì có phần ngoài tiền lương. 14

12.             TPHCM: Cán bộ tiếp dân phải biết lắng nghe, am hiểu pháp luật 16

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 17

13.             Cấm xóa, hủy dữ liệu trái phép trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. 17

14.             Đẩy mạnh dịch vụ trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh. 18

15.             Khánh Hòa: Doanh nghiệp hài lòng với cải cách của cơ quan thuế. 19

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 20

16.             Đề xuất định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025. 20

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 21

17.             Hà Nội: Kỷ luật cảnh cáo Trung uý Công an mặc quần soóc, áo phông đi dẹp hàng rong  21

THẾ GIỚI 22

18.             1/3 số quan chức cấp cao Brazil mắc COVID-19. 22

19.             Singapore áp dụng bộ quy tắc ứng xử cho người đi bộ. 23

 TIÊU ĐIỂM

Chống COVID-19: Để xảy ra vi phạm, lãnh đạo địa phương, giám đốc bệnh viện,... chịu trách nhiệm

Ngày 6/8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

 Tại cuộc họp, các chuyên gia và lãnh đạo Bộ Y tế đã dự báo, đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng và cả nước; phân tích ca bệnh mới ở Hà Nội;… qua đó đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.

 Tại cuộc họp, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Đà Nẵng từ bệnh nhân đầu tiên, đến nay có 193 ca nhiễm COVID-19, đa số các bệnh nhân đều liên quan đến cụm 3 bệnh viện (Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình).

 Đáng chú ý, trong đợt dịch này đã xuất hiện những chùm ca bệnh (nhiều người trong một nhà mắc bệnh). Bên cạnh đó cũng đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng chưa xác định có mối liên quan đến cụm cơ sở điều trị nêu trên; một số địa phương đã ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 trở về từ Đà Nẵng (Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang,…).

 Tính từ ngày 7/7 (thời điểm dự đoán dịch xuất hiện) đến nay đã qua khoảng 5 chu kỳ lây nhiễm. Ngay sau khi phát hiện ca đầu tiên ở Đà Nẵng, bắt đầu từ những ngày 26 - 28/7, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương đã áp dụng đồng bộ các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch. Theo đó những địa phương đã áp dụng nghiêm việc kiểm soát, dự báo sau 14 ngày triển khai (khoảng 1 tuần nữa) số ca lây nhiễm sẽ giảm.

 Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, lần này áp lực chống dịch lớn hơn lần trước nhiều vì chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

 Theo ông, ngay từ ca nhiễm đầu tiên, Bộ Y tế đã ý thức được sự phức tạp ở Đà Nẵng nên đã chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó dịch bệnh. Bên cạnh việc tập trung dập dịch trong cụm 3 bệnh viện, Bộ Y tế cũng đặt trọng tâm trong việc phòng, chống các ca bệnh trong cộng đồng.

 Bộ Y tế sử dụng tất cả các phương án để nâng cao năng lực xét nghiệm. Tốc độ xét nghiệm cao gấp gần 3 lần so với thời kỳ cao điểm hồi tháng 4/2020. Đồng thời, Bộ điều động nhiều nhân lực giỏi vào hỗ trợ Đà Nẵng ứng phó dịch bệnh. Chưa bao giờ Bộ Y tế tung một lực lượng lớn như vậy vào Đà Nẵng.

 Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lớn nhất, hiện hữu nhất là nhóm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế ở cụm 3 bệnh viện. Do vậy cần tiếp tục quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ truy vết và cách ly tập trung các ca F1.

 Nhóm nguy cơ thứ 2 là những người đã đi đến từ Đà Nẵng (từ ngày 1/7 đến nay) nhưng không có mối liên hệ với cụm 3 bệnh viện như các ca bệnh tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội...

 GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, ngành y tế đang nỗ lực kiểm soát tình hình ở Đà Nẵng. Công tác phòng, chống dịch không phải là câu chuyện riêng ở Đà Nẵng mà tất cả các địa phương đều phải vào cuộc.

 Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cũng cho biết qua kiểm tra, rà soát tình hình chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương đã và đang chuẩn bị rất nghiêm túc, theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, hiệu quả.

 Về công tác quản lý biên giới, xuất nhập cảnh, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho biết, thời gian qua lực lượng Biên phòng tiếp tục duy trì nghiêm các các tổ chốt phòng, chống dịch tại các đường mòn lối mở trên biên giới; tăng cường tuần tra, kiểm soát; đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an phát hiện, đấu tranh với các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tiếp tay, đưa người xuất nhập cảnh trái phép. 

Sau khi nghe phát biểu của đại diện Bộ Y tế, các chuyên gia,… Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã thảo luận, thống nhất một số nội dung cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

 Cụ thể, qua phân tích dữ liệu, kết quả xét nghiệm, Ban Chỉ đạo cho rằng càng ngày càng đầy đủ cơ sở cho thấy thành phố Đà Nẵng là ổ dịch với tâm dịch là cụm 3 bệnh viện. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là việc giãn cách xã hội trên toàn thành phố Đà Nẵng và một số huyện, thị xã của tỉnh Quảng Nam, không để dịch lan ra bên ngoài.

 Ban Chỉ đạo cũng nhận định, trong những ngày tới đây, theo tiến độ xét nghiệm, hằng ngày có thể ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm bệnh mới liên quan tới cụm bệnh viện Đà Nẵng hoặc một số địa bàn ở thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới từng ngày không phản ánh xu thế tăng hay giảm của dịch bệnh.

 Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân nặng đang điều trị tại 3 khoa hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng, tính mạng vốn đã rất mong manh lại bị nhiễm thêm COVID-19 nên trong những ngày tới có thể có thêm một số bệnh nhân tử vong.

 Các chuyên gia, lãnh đạo Bộ Y tế và thành viên Ban Chỉ đạo cũng thống nhất nhận định: Nguy cơ dịch bệnh đang thường trực ở tất cả các tỉnh, thành phố. Nguy cơ này không chỉ đến từ những người ở Đà Nẵng về, nhưng trước hết là những người từ Đà Nẵng về địa phương.

 Do đó, các tỉnh, thành phố phải thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế về theo dõi, cách ly người về từ Đà Nẵng theo đúng quy định. Người đứng đầu các địa phương, Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra vi phạm. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm các địa phương xảy ra vi phạm.

 Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo quốc gia cho rằng, dù mầm bệnh xuất hiện ở cộng đồng hay ở trong bệnh viện thì cuối cùng người nhiễm COVID-19 vẫn phải tới bệnh viện, do vậy, các bệnh viện vẫn là nơi xung yếu.

 Để bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ trong các cơ sở khám chữa bệnh, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế  đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, chống nhiễm khuẩn, đảm bảo phân luồng, phân tuyến cho người đến khám, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng không có các biện pháp phòng hộ cho người đến khám và nhân viên y tế; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bệnh nhân đang điều trị, nhất là các khoa có nhiều ca bệnh nặng, bị lây nhiễm trong một thời gian mà không biết.

 Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn dịch tễ. Nơi nào vi phạm thì giám đốc bệnh viện, thủ trưởng cơ quan chủ quản của bệnh viện trực tiếp chịu trách nhiệm. (Baochinhphu.vn 06/8, Trần Mạnh – Đình Nam)Về đầu trang

Chủ tịch Hà Nội: “Test nhanh âm tính, vẫn có nguy cơ”

Chiều 5/8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 thành phố, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cho hay các quận, huyện, thị xã thống kê được trên 95.000 người từ Đà Nẵng về Hà Nội thời gian gần đây.

 Đến nay đã xét nghiệm nhanh hơn 72.000 người, chỉ ghi nhận 12 ca dương tính, nhưng xét nghiệm lại bằng kỹ thuật PCR thì các trường hợp này đều âm tính.

 Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng trong số 72.000 người được test nhanh và âm tính, "vẫn còn xác suất tồn tại người nhiễm bệnh chưa được phát hiện". Ông dẫn chứng, hiện trên địa bàn ghi nhận một ca nghi nhiễm ở quận Bắc Từ Liêm, từng đi du lịch ở Đà Nẵng, "ca này khi đi test nhanh ở trạm y tế phường thì âm tính, song sau đó đến khám ở Viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 nhận kết quả xét nghiệm dương tính lần một".

 Ngoài ra, theo ông Chung, con số thống kê trên 95.000 người về từ Đà Nẵng chưa phải đã hết, vì còn những người về từ Đà Nẵng nhưng đi đường bộ, đường sắt và cả những người ở các tỉnh về từ Đà Nẵng sau đó đến Hà Nội chưa thể thống kê. 

Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát toàn bộ số người về từ Đà Nẵng, Quảng Nam... để cách ly y tế tại nhà.

 "Tất cả các trường hợp về từ Đà Nẵng từ 15/7 đến nay, dù đã test nhanh cũng phải làm xét nghiệm PCR để khẳng định", Chủ tịch Hà Nội yêu cầu và cho rằng chỉ xét nghiệm PCR mới chính xác và "dù thành phố phải xét nghiệm cho hàng trăm nghìn người cũng phải làm".

 Bộ Y tế chiều 5/8 ghi nhận 41 ca nhiễm nCoV, trong đó 34 ca ở Đà Nẵng, bốn người Lạng Sơn, hai Bắc Giang đều liên quan Đà Nẵng và một ca nhập cảnh cách ly ngay. Như vậy, hôm nay ghi nhận tổng cộng 43 ca nhiễm mới.

 Tổng số ca nhiễm cả nước lên 713, trong đó 381 người đã khỏi, 8 người tử vong, 324 bệnh nhân đang điều trị. 11 bệnh nhân nguy kịch nguy cơ tử vong rất cao. (Vnexpress.net 06/8, Võ Hải)Về đầu trang

Thanh Hóa: Đình chỉ Phó Chủ tịch xã ngại đi chống dịch COVID-19 vì trời mưa

Ngày 6.8, thông tin từ UBND TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Viên Đình Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng, TP. Sầm Sơn, lý do là vì lơ là trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

 Trước đó, trong đêm 5.8, khi UBND TP. Sầm Sơn tiếp nhận thông tin bà Đ.T.H. (54 tuổi, trú tại khu phố Nam Bắc, phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn), đi từ Đà Nẵng về Thanh Hóa, trên chuyến xe của nhà xe Kim Chi (chuyến xe chở bệnh nhân số 620 ở Hà Nam nhiễm COVID-19). Ngay sau đó, UBND TP. Sầm Sơn đã chỉ đạo địa phương chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch.

 “Qua rà soát, chúng tôi xác định có 13 người tiếp xúc gần (F1) với trường hợp nghi nhiễm này. Trong đó, có 11 người ở khu phố Nam Bắc và 2 trường hợp ở xã Quảng Hùng nên đã chỉ đạo ngành y tế xuống địa phường thực hiện rà soát, cách ly những trường hợp này" - một lãnh đạo TP. Sầm Sơn nói.

 Cũng theo vị lãnh đạo này, trong khi các công tác phòng dịch đang được triển khai, thì điện cho Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng là ông Viên Đình Nam, ông này nêu lý do trời mưa nên không cùng đoàn tới gia đình có người tiếp xúc gần với trường hợp nghi nghiễm này. 

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Sầm Sơn đã báo cáo Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn. Đến sáng ngày 6.8, ông Viên Đình Nam bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày.

 Trước đó, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thanh Hóa, vào trưa ngày 27.7, bà Đ.T.H. (trú tại phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn), bắt xe khách từ Đà Nẵng về Thanh Hóa trên chuyến xe Kim Chi mang BKS 43B-031.26 (chuyến có chở bệnh số 620 ở Hà Nam dương tính với COVID-19).

 Đến khoảng 6h sáng ngày 28.7, bệnh nhân xuống xe tạị khu vực Lưu Vệ, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương và tự đi xe máy về nhà ở phường Quảng Vinh (Sầm Sơn).

 Sau khi bà H. về địa phương, ngày 3.8 và biết mình đi cùng chuyến xe với bệnh nhân số 620, bà H. đã đến trạm y tế xã để kiểm tra. Tại đây, bà H. có các biểu hiện ho sốt và ngay sau đó, bà được chuyển đến Bệnh viên Đa khoa TP. Sầm Sơn. Đến nay, bà H. đã được cách ly, theo dõi tại bệnh viện này 3 ngày. (Laodong.vn 06/8, Quách Du)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả: Cách làm hay từ Bắc Kạn

Trong chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tới một số tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua, câu chuyện tiết kiệm chi của tỉnh Bắc Kạn khiến Bộ trưởng hết sức tâm đắc. Bộ trưởng mong muốn nhiều địa phương học hỏi kinh nghiệm này, nhờ tiết kiệm có tiền chi cho đầu tư phát triển, chi cho an sinh xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

 Theo Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp khó khăn nên nguồn thu ngân sách sẽ tác động giảm. Để thực hiện dự toán pháp lệnh được giao là 670 tỷ đồng và dự toán phấn đấu là 720 tỷ đồng, những tháng cuối năm 2020, cơ quan thuế tỉnh sẽ tập trung cho công tác thu ngân sách nhà nước, tăng cường khai thác nguồn thu, chống thất thu.

 Là tỉnh có số thu gần như thấp nhất cả nước, bên cạnh việc phấn đấu thu đạt dự toán, tỉnh Bắc Kạn còn có nhiều sáng kiến trong tiết kiệm chi. Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Du, lãnh đạo tỉnh đã quán triệt các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách, “phải bám theo dự toán và triệt để tiết kiệm”. “Cắt giảm chi thường xuyên, chủ động sử dụng các nguồn lực để phòng chống dịch, bù đắp cân đối ngân sách. Là tỉnh khó khăn nhất nhưng không vì thế chúng tôi tự ti, cái gì làm được chúng tôi tự làm” - tại cuộc làm việc với Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Du nói như giãi bày.

 Ông Nguyễn Văn Du cho biết, ngoài tiết kiệm cắt giảm thêm 10% chi thường xuyên từ nay đến cuối năm, HĐND tỉnh đã biểu quyết nhất trí tiết kiệm thêm 2% chi thường xuyên; với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đấu thầu, trúng thầu, cắt giảm thêm 5%. “Tiền đó để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi tiết kiệm chi trên mọi lĩnh vực” - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn bộc bạch.

 Đánh giá cao tinh thần cũng như nỗ lực của một tỉnh dù còn nghèo nhưng có sự quyết tâm, không ỷ lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Đây là giải pháp khá tích cực, các địa phương hoàn toàn có thể học theo. Chúng tôi có cơ sở để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương quyết tâm như thế!”.

 Trước đó, trong điều kiện chi tiêu cho chống dịch tăng, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên. Trước hết là ngoài cắt giảm 10% chi thường xuyên theo dự toán đã được Quốc hội thông qua, tiếp tục cắt giảm thêm 10%; tiết kiệm thêm 50% công tác phí nước ngoài; 30% kinh phí hội nghị, hội thảo. Số tiền này, theo ước tính của Bộ Tài chính, riêng cơ quan trung ương đã tiết kiệm được khoảng 700 nghìn tỷ đồng. 

Song, sau khi tính toán lại, Bộ Tài chính, Chính phủ quyết tâm cao hơn. Trên cơ sở đó, nghị quyết của Quốc hội đã quyết định mức tiết kiệm cao hơn, đó là cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Quốc hội giao Chính phủ chủ động trong điều hành NSNN năm 2020 phù hợp thực tế, tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu, tiết giảm chi ngân sách.

 Trong điều hành chính sách chi NSNN, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo sở tài chính tham mưu, điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Trong đó, chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương và sử dụng nguồn ngân sách trung ương bổ sung (nếu có) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

 Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN đều cho rằng, khi các nguồn thu sụt giảm, thì không thể giữ nguyên các nhiệm vụ chi theo dự toán.

 Là chuyên gia tâm huyết trong ngành Tài chính, TS. Vũ Đình Ánh đã nhiều lần đề cập đến việc cơ cấu lại ngân sách, trong đó ông luôn nhấn mạnh đến cơ cấu chi NSNN. Theo ông, thu và chi tương tự như hai mặt của đồng xu. Nếu chi NSNN lãng phí, hiệu quả thấp thì không chỉ làm mất ý nghĩa của những nỗ lực thu NSNN mà còn tác động tới động lực thu và cơ sở tăng thu NSNN một cách bền vững và hợp lý. Chính vì vậy, cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới mục tiêu cân đối NSNN cần được thực hiện đồng bộ với cơ cấu lại thu NSNN; cũng như cơ cấu lại nợ công trong mối quan hệ biện chứng với cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

 Theo TS. Vũ Đình Ánh, cơ cấu lại chi tiêu công nói chung, chi NSNN nói riêng có rất nhiều nội dung, trong đó nên tập trung giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN gắn với cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách định mức chi thường xuyên và “thực hành tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để, phổ biến và không có ngoại lệ”. Từ đó, tăng dần tỷ lệ chi đầu tư phát triển từ NSNN, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí thông qua tăng cường công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn quyền với trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu trong các quyết định liên quan đến đầu tư công.

 Nghị quyết của Quốc hội đã rõ, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào. Các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội, rất cần những địa phương mạnh dạn như Bắc Kạn, đã tiết kiệm rồi, có thể tiết kiệm thêm nữa. Với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi tin rằng địa phương sẽ làm được. Thêm một đồng vốn chi cho xây dựng nông thôn mới, sẽ giúp kinh tế địa phương phát triển, đời sống của bà con được cải thiện. Làm được như vậy, câu chuyện tiết kiệm “túi tiền” quốc gia sẽ không còn xa vời, không còn là việc của riêng ai! (Thoibaotaichinhvietnam.vn 05/8, Minh Anh)Về đầu trang

Đấu thầu các dự án giao thông qua mạng ở Khánh Hòa: Hiệu quả nhiều mặt!

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa, từ nhiều năm nay, đơn vị đã áp dụng hình thức đấu thầu các gói xây lắp của dự án giao thông qua mạng. Hình thức này góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính...

 “Trước đây, thói quen lựa chọn nhà thầu trực tiếp tốn nhiều thời gian và thủ tục rườm rà, trong khi hiệu quả lại chưa cao. Từ năm 2016 đến nay, sở đã thay đổi thói quen và nhận thức của các bên liên quan, khuyến khích chọn nhà thầu qua mạng. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng góp phần cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các vấn đề tiêu cực trong đấu thầu, tạo nhiều thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu, rút ngắn thời gian đấu thầu... Sau khi có kết quả đấu thầu, sở tổ chức họp thẩm định năng lực của nhà thầu để bảo đảm giao thầu đúng, trúng. Các nhà thầu trúng thầu đều bảo đảm về chất lượng, năng lực tổ chức thi công”, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết.

 Thực tế, từ năm 2016 đến nay, thông qua đấu thầu công khai rộng rãi qua mạng đối với các gói thầu xây lắp, sở đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 50 tỷ đồng; đặc biệt, trong 3 năm 2018 - 2020, bình quân giảm thầu các gói xây lắp gần 20% so với giá trị dự toán. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng giảm bình quân khoảng 3 - 5 ngày, nhân sự tham gia tổ chức lựa chọn nhà thầu, thủ tục và chi phí hành chính, chi phí đi lại giảm… Vốn kết dư từ công tác đấu thầu đã giúp sở triển khai sửa chữa hàng chục tuyến đường bị hư hỏng nặng, xuống cấp trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất, có thể kể đến tuyến Tỉnh lộ 3 (qua TP. Nha Trang và huyện Cam Lâm), đây là tuyến hư hỏng nhiều năm qua nhưng do vướng dự án nâng cấp mở rộng nên không thể đưa vào sửa chữa lớn.

 Tuy nhiên, do tính cấp bách cần phải đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại nên sở đã dùng vốn dư từ đấu thầu qua mạng để sửa chữa tuyến đường này. Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Hoặc như cầu tràn Thác Ngựa trên tuyến Tỉnh lộ 8B (huyện Khánh Vĩnh), năm 2019, do mưa lũ, taluy tràn và đường dẫn cầu bị sạt lở, gây nguy hiểm, mất an toàn cho người tham gia giao thông. Sở đã dùng vốn kết dư để đầu tư sửa chữa công trình này. Tính riêng trong năm 2019, vốn kết dư từ đấu thầu công khai qua mạng được gần 3 tỷ đồng.

 Bên cạnh mặt tích cực, hình thức đấu thầu qua mạng cũng gặp một số khó khăn nhất định. Hiện nay, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, dung lượng hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu bị hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc đính kèm hồ sơ của các gói thầu xây lắp, gây trở ngại cho người sử dụng. Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận nhà thầu chưa thực sự quen với hình thức này. Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng việc đấu thầu các gói xây lắp qua mạng, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách. (Baokhanhhoa.vn 05/8, Thành Nam)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam lạc quan thứ 2 thế giới

Việt Nam trở thành quốc gia lạc quan thứ hai thế giới với chỉ số Niềm tin người tiêu dùng là 117 điểm.

 Hãng nghiên cứu Nielsen và công ty The Conference Board đã vừa công bố báo cáo Khảo sát Niềm tin người tiêu dùng toàn cầu trong quý II/2020. Khảo sát cho thấy chỉ số Niềm tin người tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh từ mức gần như cao nhất lịch sử từ 106 điểm vào quý I/2020 xuống còn 92.

 Điều này thể hiện rằng có nhiều người tiêu dùng bi quan hơn những người tiêu dùng lạc quan trên toàn cầu lần đầu tiên kể từ năm 2016 (mức dưới 100 được xem xét là tiêu cực). 14 điểm giảm cũng là số điểm giảm lớn nhất kể từ khi chỉ số này được đo lường kể từ Q1/2005, và gấp đôi số điểm giảm trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008/09.

 Chi tiết hơn, báo cáo cho thấy, trong quý II, 56/68 thị trường được thực hiện khảo sát có mức độ tự tin dưới 100 điểm, báo hiệu xu hướng thiên về sự bi quan của người tiêu dùng trên toàn cầu. 10 thị trường được báo cáo có chỉ số dưới 66 (mức độ rất tiêu cực).

 Bên cạnh sự sụt giảm niềm tin trên tất cả các thị trường, thì châu Á-Thái Bình Dương là khu vực cho thấy phân cực rõ ràng với việc có nhiều người tiêu dùng lạc quan nhất cũng như bi quan nhất trên thế giới.

 Trong khi Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng ở Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và Indonesia vẫn trên 100 thì chỉ số này ở Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ dưới 50, mức thấp nhất trên toàn cầu.

 Mặc dù có một sự suy giảm đáng kể từ 126 đến 117 điểm so với quý I, song Việt Nam vẫn nằm trong những quốc gia lạc quan nhất toàn cầu. Với 117 điểm, Việt Nam đã vượt qua Philippines và Indonesia để trở thành quốc gia có số người tiêu dùng lạc quan nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ (với số điểm 123).

 Nói thêm về sự sụt giảm chỉ số Niềm tin người tiêu dùng tại Việt Nam trong quý II, theo báo cáo sự kết hợp của các yếu tố: triển vọng công việc dần trở nên xấu đi, mối lo lắng gia tăng về tài chính cá nhân ngắn hạn và sự không sẵn sàng chi tiêu đã dẫn đến sự suy giảm nói trên.

 Việt Nam đã thành công vượt qua làn sóng thứ nhất của đại dịch COVID-19, và đang trong giai đoạn Phục hồi, tuy nhiên, nhìn chung niềm tin tiêu dùng trở nên suy yếu vì những tác động của đại dịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân cũng như triển vọng tương lai của nhiều người", bà Louise Hawley, Tổng Giám Đốc Nielsen Việt Nam chia sẻ. (VTV.vn 06/8)Về đầu trang

Thủ tướng: Tại sao tận dụng cơ hội từ các FTA chưa như mong đợi? 

Sáng 6/8, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch thực thi EVFTA". "Tại sao việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa được như mong đợi?", Thủ tướng đặt câu hỏi và nêu vấn đề có phải là do cơ chế chính sách của chúng ta còn chưa thông thoáng, còn tạo ra những rào cản vô hình đối với doanh nghiệp hay một phần do chính các doanh nghiệp đang còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh.

 Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhắc lại, cách đây hơn một năm, vào ngày 30/6/2019, cũng tại hội trường hôm nay, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) được ký kết, thể hiện tư duy chiến lược, mở ra không gian hợp tác rộng lớn giữa Việt Nam và EU, vì hòa bình, phồn thịnh của mỗi quốc gia.

 Để có được điều tuyệt vời đó, Thủ tướng bày tỏ trân trọng cảm ơn Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam ngay trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù có rất nhiều khó khăn, đã đặt ưu tiên cao và hoàn thành việc phê chuẩn 2 hiệp định quan trọng này.

 "Trong hội nghị hôm nay, chúng ta vui mừng về Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực với những ước tính lạc quan về tăng trưởng, xuất khẩu, nhưng tình hình kinh tế thế giới, cả EU và cả Việt Nam đang gặp khó khăn”, Thủ tướng nói. “Do vậy, ngay lúc này, câu hỏi lớn hơn, quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì, làm như thế nào, nỗ lực ra sao để đạt được ước tính, những kết quả tốt đẹp đó, nhất là để nâng mình lên trong hợp tác của các đối tác EU, khối kinh tế phát triển hùng mạnh hàng đầu của thế giới?”.

 Vì vậy, Thủ tướng đề nghị cấp bộ, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung thảo luận về một số nội dung.

 Theo đó, Thủ tướng đặt vấn đề: Tại sao hoạt động truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng chưa hiệu quả? Nhận thức, hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và ngay cả trong các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn hạn chế. Phải làm gì để khắc phục được tình trạng này?

 Tại sao việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa được như mong đợi? Có phải là do cơ chế chính sách của chúng ta còn chưa thông thoáng, còn tạo ra những rào cản vô hình đối với doanh nghiệp hay một phần do chính các doanh nghiệp của chúng ta đang còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh? Chính phủ, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, người dân cần làm gì để tận dụng cơ hội tốt hơn? Thủ tướng yêu cầu Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và các hiệp hội cần chủ động triển khai tốt đến mọi loại hình doanh nghiệp về EVFTA. Doanh nghiệp và người dân phải hiểu cặn kẽ hiệp định để triển khai có hiệu quả hơn.

 Thủ tướng nhấn mạnh: EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng, do đó EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu.

 Cùng với đó, làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các doanh nghiệp, đây là yếu tố sống còn trong kinh doanh. Doanh nghiệp cần làm gì? Chính phủ, chính quyền địa phương trong cả nước cần làm gì để hỗ trợ hiệu quả?. Thủ tướng lưu ý là ngay cả cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước cần phải học hỏi, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng doanh nghiệp để cam kết trong FTA và EVFTA đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân.

 Đồng thời, Việt Nam phải làm gì để phát triển kết cấu hạ tầng, vì đây là một yêu cầu hàng đầu để sản xuất kinh doanh có hiệu quả? Chính phủ tiếp tục nỗ lực ban hành nhiều quy định thuận lợi và tăng cường đầu tư ngân sách Trung ương, thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân FDI, nhu cầu lớn về đầu tư hạ tầng của Việt Nam, về giao thông, năng lượng, viễn thông, logistics… cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp của EU.

 Thủ tướng cũng yêu cầu về phát triển bền vững là nội dung quan trọng trong EVFTA có tiêu chuẩn cao, không chỉ về nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đi đôi với các yêu cầu khắt khe về làm tốt hơn nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội, lao động, việc làm và bảo vệ môi trường, “không thể bán hải sản tươi ngon, giá rẻ tại thị trường EU nếu là hải sản đánh bắt trái phép. Chúng ta phải làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp trong và cơ quan quản lý quan tâm cùng hành động?”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 Đặc biệt, khi EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU, không thể đóng cửa, dựng lên hàng rào bảo hộ, mà chúng ta phải thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh. Như vậy, Chính phủ và doanh nghiệp cần phải nâng cao sức cạnh tranh. (Thoibaokinhdoanh.vn 06/8)Về đầu trang

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, đừng đổ cho “khách quan”

Tiến độ cổ phần hóa vẫn rất chậm: Giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 127 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới đạt 28% kế hoạch.

 Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tiến độ cổ phần hóa (CPH) vẫn chậm so với tiến độ đề ra. Giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành CPH 127 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới chỉ đạt 28% kế hoạch. 

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo về tính hình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được tổ chức sáng 6/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Cổ phần hóa DN chậm, đừng đổ cho "khách quan", mà phải nhìn vào thực tế, tìm giải pháp hiệu quả để thực hiện đúng theo kế hoạch.

 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, cổ phần hóa còn vướng về phương án đất đai, nhưng "giờ cứ để đấy mà không cổ phần hóa là không được".

 Để tháo gỡ vấn đề vốn được cho là rất nan giải này, Phó Thủ tướng chỉ đạo: "Đất đai mà chưa có giấy tờ hoặc chưa có phương án sử dụng thì có thể áp dụng 2 phương án: Một là, giao cho địa phương. Hai là, giao cho đơn vị nào đó của nhà nước đứng ra đưa vào sử dụng. Túi này bỏ túi kia, cũng đều là của tiền của nhà nước".

 Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 6 đơn vị (1 DNNN, 5 đơn vị sự nghiệp công lập), công bố giá trị doanh nghiệp TCT Phát điện 2 thuộc EVN (giá trị là 46.012 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 26.605 tỷ đồng).

 Lũy kế giai đoạn 2016 - 6 tháng 2020, đã có 175 doanh nghiệp được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.537 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.145 tỷ đồng.

 Đến nay, 37/128 doanh nghiệp được cổ phần hóa, đạt 28% kế hoạch, số DN còn phải thực hiện công bố giá trị doanh nghiệp đến hết năm 2020 là 90.

 Về thoái vốn nhà nước, lũy kế từ 2016 - tháng 6/2020, số thoái vốn đạt 25.458 tỷ đồng, thu vè 172.434 tỷ đồng (gấp 6,8 lần). (VOV.vn 06/8)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Còn nhiều khoảng trống

đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nêu ý kiến về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) hiện đang được tiếp thu, chỉnh lý: “Theo tôi, có mấy vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện. Về mặt nguyên tắc để quản lý cư trú của người nước ngoài gần như bị bỏ trống. 

Tất nhiên phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật mới chỉ điều chỉnh về cư trú của công dân Việt Nam nhưng giả sử câu chuyện công dân Việt Nam mang hai quốc tịch, trong đó có một quốc tịch Việt Nam thì quản lý cư trú của đối tượng này như thế nào? - Cả dự thảo Luật này gần như bỏ trống. Cho nên vừa qua, báo chí phản ánh việc người nước ngoài nhờ người Việt Nam mua đất ở những khu trọng yếu về an ninh quốc phòng. Đây cũng là một câu chuyện cần nghiên cứu.

 Tiếp đó, Khoản 9 Điều 7 chỉ cấm hành vi thuê và cho thuê giấy tờ cư trú. Vậy bây giờ tôi cho mượn thì sao? Cho nên bản chất vấn đề ở đây là cấm việc sử dụng giấy tờ cư trú của người khác hoặc cho người khác sử dụng giấy tờ cư trú, dùng từ “thuê” và “cho thuê” là không bao hàm hết các trường hợp. Điều 8 quy định “Công dân có quyền được cấp giấy tờ xác nhận về cư trú theo yêu cầu chính đáng của mình”, kết hợp với câu chuyện bỏ sổ hộ khẩu.

 Tôi cũng tin tưởng Bộ Công an đánh giá kỹ chuyện này rồi nhưng ở đây có một câu chuyện khi đi xin học cho con đúng tuyến, trái tuyến hay nhiều giao dịch nữa mà yêu cầu công dân lấy xác nhận cư trú, trong khi nếu bỏ sổ hộ khẩu thì nguy cơ phát sinh ra một thủ tục hành chính mà dân sẽ thường xuyên phải đến cơ quan công quyền để xin xác nhận. Tôi đang rất e ngại câu chuyện này, đề nghị Bộ Công an phải tính tới. Hơn nữa để đồng bộ với hạ tầng cơ sở trong môi trường giáo dục, đặc biệt là các lớp đầu cấp đi xin học ồ ạt thì liệu cơ sở giáo dục của chúng ta có bảo đảm để theo dự thảo Luật Cư trú này không?

 Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu tiếp Điều 9 về các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú. Khoản 1 điều này quy định “người bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú” nhưng ở khoản 2 lại quy định “bị can, bị cáo đang tại ngoại”. Thực ra khoản 1 “nấp” trong khoản 2 rồi, trường hợp đang tại ngoại tức là không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam tạm giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú hay đặt tiền để bảo đảm… Quy định như vậy chưa ổn lắm.

 Điều 20 quy định về câu chuyện được cấp “Giấy xác nhận khai báo cư trú” theo quy định tại khoản 2 thì ở đây lật lại một điểm nữa để thấy rằng câu chuyện thủ tục hành chính phát sinh sẽ là rất nhiều và sẽ gây rất nhiều bất cập cho người dân khi chúng ta bỏ sổ hộ khẩu. Tôi nghĩ sổ hộ khẩu có giá trị của nó. Liệu khi chúng ta thay bằng thẻ Căn cước công dân thì có giải mã được toàn bộ như trong sổ hộ khẩu không? Sổ hộ khẩu ở đây không phải là chúng ta ngăn chặn không cho dân vào nội thành nội đô hay chuyển tỉnh, nhưng như trong câu chuyện Covid hiện nay thì rõ ràng để khoanh vùng dập dịch thì giá trị của hộ khẩu, đăng ký quản lý hộ khẩu là rất cao.

 Điều 21 điều kiện đăng ký thường trú, đề nghị nghiên cứu xem có mâu thuẫn với Khoản 3 Điều 10 và Khoản 11 Điều 12 không. Về nội hàm là mâu thuẫn và chưa giải quyết được câu chuyện hiện nay rất nhiều người đặc biệt ở khu vực Hà Nội hầu như có hai nhà, một nhà ở Hà Nội và một nhà ở địa phương khác; thậm chí ngay tại Hà Nội thì có nhà quận này, nhà quận kia. Như cạnh nhà tôi có một gia đình có một căn hộ ở đây nhưng đồng thời có nhà trên Thái Nguyên, họ là lao động tự do, nửa thời gian ở Hà Nội, nửa thời gian lại ở dưới địa phương thì câu chuyện quản lý cư trú như thế nào? Đăng ký một nơi nhưng ở một nơi thì câu chuyện thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm một công dân như thế nào?

 Một vấn đề nữa là điều kiện đăng ký cũng chưa đề cập tới câu chuyện phạm nhân khi kết thúc thời hạn thi hành án phạt tù ở Khoản 2 Điều 2. Chúng ta biết khi kết thúc thi hành án phạt tù thì bao giờ cũng được cấp giấy ra trại. Vậy giá trị của giấy ra trại này để làm hộ khẩu thường trú ở nơi nào đấy thì dự thảo Luật chưa lường tới. Bên cạnh đó, nếu khi người ra tù bị áp dụng biện pháp quản chế hoặc biện pháp cấm cư trú thì câu chuyện lồng ghép này dự thảo Luật chưa lường tới. Tôi đề nghị nghiên cứu tiếp và ở Điều 23 bổ sung câu chuyện của giấy ra tù cho đồng bộ.

 Điều 28 về điều kiện đăng ký tạm trú có hai khoản. Tôi không hiểu rằng quy định hai khoản thì đòi hỏi một người phải có đủ điều kiện của cả hai khoản hay chỉ cần một điều kiện?

 Rõ ràng quy định của dự thảo Luật về tính minh bạch của quy phạm là chưa rõ dẫn tới sau này chúng ta áp dụng sẽ tương đối khó. (Đại biểu nhân dân 06/8)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Quan chức Philippines xem Việt Nam là tấm gương hành xử ở Biển Đông

uan chức Philippines cho rằng Manila có nhiều cách để khẳng định chủ quyền, tương tự cách Việt Nam đã làm để đối phó với tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

 Chính quyền Manila thời gian qua đã có những khác biệt trong thể hiện quan điểm về vấn đề Biển Đông. Nếu như Tổng thống Philippines cho rằng sẽ vẫn phải bảo vệ chủ quyền trên biển và đối phó với Trung Quốc, nhưng ông sẽ không phải là người phát động.

 Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nhìn nhận việc bảo vệ lãnh thổ đất nước đồng nghĩa gây chiến với Trung Quốc là một quan điểm sai lầm. Đồng thời, họ dẫn chứng về các quốc gia có cách hành xử hợp lý trong các vấn đề Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

 Như Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, ông Antonio Carpio từng nói, có nhiều cách hợp pháp và hòa bình để Tổng thống có thể khẳng định quyền với lãnh thổ của mình, giống như cách Việt Nam, Malaysia và Indonesia đưa ra các tuyên bố chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. “Một quốc gia không cần phải tham chiến để khẳng định quyền chủ quyền của mình", ông Carpio nói.

 Việt Nam từ trước đến nay vẫn luôn nhất quán quan điểm về các xung đột gần đây trên Biển Đông. Gần đây nhất, trong Đối thoại Mỹ - ASEAN được tổ chức trực tuyến hôm 5/8, Việt Nam một lần nữa thể hiện quan điểm nhất quán này của mình.

 Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ quan điểm của các nước ASEAN cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia cần thúc đẩy đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, có trách nhiệm xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác.

 Thứ trưởng nhắc lại lập trường nguyên tắc của ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-36 vừa qua, cũng là nguyên tắc đối ngoại xuyên suốt của Việt Nam.

 Theo đó, trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, các bên cần kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Đồng thời, các quốc gia có cam kết cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và sớm nối lại đàm phán nhằm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông trong khu vực.

 Trước đó, trong nhiều phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam bình luận về động thái của các nước tại Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng luôn nhấn mạnh, việc thượng tôn pháp luật quốc tế, tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu nói trên.

 "Chúng tôi hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng phản ứng với tuyên bố của Mỹ về vấn đề Biển Đông hôm 16/7.

 Bà Hằng cho biết thêm: "Chúng tôi cũng mong rằng các nước sẽ cùng chúng tôi nỗ lực cao nhất để đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế". (VTC.vn 06/8, Song Hy)Về đầu trang

Nhiều người thích vào công chức vì có phần ngoài tiền lương

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, nhiều người thích vào cán bộ công chức vì có phần ngoài lương, còn nếu chỉ có lương thì không ai thích vào.

 Phát biểu tại hội thảo khoa học "Phát triển nhân lực hành chính nhà nước" ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, đây là một chủ đề thú vị nhưng rất khó khăn. Đặc biệt,  trong quá trình triển khai chủ trương, đường lối của Đảng trong hoạt động thực tiễn. "Làm gì làm, yếu tố con người vẫn có vai trò rất quan trọng và quyết định", Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

 Theo ông Tuấn, gần 20 năm cải cách hành chính nhà nước, chúng ta tập trung vào cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính mà quên mất yếu tố rất quan trọng, đó là con người.

 "Chúng ta nói cơ chế một cửa nhưng cuối cùng là liên quan đến con người sinh ra một cửa nhưng nhiều khóa, nhiều ngách. Yếu tố con người trong hoạt động của các cơ quan nhà nước luôn luôn quan trọng, nhất là khi xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin", Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhìn nhận.

 Ông Trần Anh Tuấn cũng lưu ý, thời gian qua, việc tinh giản biên chế chưa thực hiện triệt để, chỉ tinh giản số người nghỉ hưu, cắt biên chế trong kế hoạch hoặc số người chuyển công tác ra khỏi khu vực công.

 Việc đánh giá, phân loại, đưa những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đủ năng lực thực thi công vụ hoặc không đảm bảo sức khỏe vào diện tinh giản biên chế chưa được thực hiện đúng theo tinh thần tinh giản biên chế.

 Với thực tiễn như vậy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia phân tích và đưa ra những giải pháp để làm cơ sở cho Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

 Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Văn Tất Thu cho rằng mọi vấn đề nằm ở chính sách. Công chức là những người thực thi pháp luật, thực thi công quyền, dịch vụ công nhà nước giao.

 "Vì vậy, không thể có một nền công vụ mạnh khoẻ, không thể có một khát vọng vươn lên của đội ngũ công chức để thực thi công vụ, phụng sự Tổ quốc và nhân dân tốt khi chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu”, ông Thu lưu ý.

 Nguyên Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh, chừng nào đội ngũ cán bộ công chức có một chính sách lương ở mức trung bình khá trở lên, khi đó chúng ta mới kỳ vọng có được khát vọng vươn lên để đề cao trách nhiệm, văn hóa công vụ, đạo đức công chức… 

“Thậm chí có nước,  ngoài chế độ tiền lương còn có chế độ nhà ở và các phúc lợi khác khi yêu cầu họ thực thi công vụ và phục vụ người dân tốt hơn. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc đó mà loay hoay mãi trong cải cách tiền lương", ông Thu đặt vấn đề và cho rằng, cải cách tiền lương chưa giải quyết được bài toán đặt ra hiện nay.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhắc đến tình trạng đội ngũ cán bộ công chức đông mà không mạnh. Vì vậy, chỉ riêng tiền lương nuôi bộ máy đã là gánh nặng với dân.

 Ông dẫn chứng hiện nay ngân sách cho tiền lương chiếm hơn 60% chi thường xuyên. Đây là câu chuyện nhức nhối nhưng nhức nhối hơn là tình trạng phá hoại, gây bức xúc xã hội.

 “Tôi chưa nói đến cá nhân không được rèn luyện, chọn không đúng người nhưng theo tôi phải bắt đầu từ cơ chế. Nhiều người tốt vào cơ chế này không giữ được mình, ai muốn giữ mình thì bị văng ra. Nếu một tập thể mạnh thì giữ được mình; còn tập thể yếu, thủ trưởng không nghiêm túc, đứng đắn thì người nào không nhập cuộc sẽ bị văng ra”, ông Thạo nói.

 Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, giữa thể chế và phẩm chất đạo đức cán bộ, về lâu dài thể chế phải có trước. Thể chế tốt thì người tốt vào phát huy được, người xấu vào không thể làm bậy.  Nhưng thể chế hiện nay hoàn thiện quá chậm, chức năng nhiệm vụ không rõ trách nhiệm, làm cũng được, không làm cũng được.

 “Tiền lương không phải nguồn thu nhập chính của cán bộ công chức, bổng nhiều hơn lương. Bây giờ vì sao nhiều người thích vào  công chức nhà nước vì có phần ngoài lương; còn nếu chỉ có lương thì không ai thích vào cả”, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định.

 Theo ông Thạo, đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta hiện nay đông là vì có đến 3, 4 hệ thống. Bên Đảng cũng công chức, MTTQ và các đoàn thể cũng là công chức. Thêm vào đó là, một đất nước nhỏ nhưng có đến 63 tỉnh, hơn 500 huyện, trong khi Trung Quốc chỉ có 31 tỉnh.

 Vì vậy, ông đề nghị phải kiến nghị xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, ngoài việc phải phân biệt bộ máy hành chính nhà nước với tổ chức Đảng, tổ chức của hệ thống chính trị xã hội, phải xem lại quy mô tổ chức hành chính hiện nay. 

Ngoài ra, ông Thạo cho rằng, bộ máy nhà nước đông quá là bởi nhà nước làm thay thị trường và các tổ chức xã hội quá nhiều. Vì vậy, cần rà soát lại xem chức năng nào nhà nước có thể chuyển giao cho thị trường, cho các hiệp hội thì nên giao. (Vietnamnet.vn 05/8, Thu Hằng)Về đầu trang

TPHCM: Cán bộ tiếp dân phải biết lắng nghe, am hiểu pháp luật

Sáng 6-8, UBND quận Bình Tân, TP.HCM đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết bốn năm thực hiện Chỉ thị số 03 của UBND quận và sơ kết sáu tháng đầu năm 2020 về công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư trên địa bàn quận.

 Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Võ Văn An, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông, cho biết phường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với phương châm phải đặt mình vào vị trí của người dân.

 Theo ông An, phường đã niêm yết công khai lịch tiếp công dân của lãnh đạo UBND phường tại phường và văn phòng 18 khu phố. Các trường hợp người dân trực tiếp gặp lãnh đạo phường đột xuất đều được ghi nhận và chỉ đạo xử lý nhanh, giải thích rõ ràng, tạo sự đồng thuận trong dân.

Phường cũng bố trí phòng tiếp công dân riêng, đầy đủ cơ sở vật chất, gắn camera, ghi âm đảm bảo việc ghi nhận thông tin phản ánh được trung thực, khách quan, chính xác.

 Hiện nay, số lượng nhân khẩu trên địa bàn phường khá đông, đa số là dân nhập cư nên dễ nảy sinh các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân. Từ đó số lượng phản ánh, kiến nghị của người dân nhiều, đòi hỏi UBND phường phải tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

 Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng xử lý đơn thư Ban Tiếp công dân TP, nhìn nhận thời gian qua, quận Bình Tân thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý, giải quyết đơn thư trên địa bàn.

 Đặc biệt, quận có ít trường hợp khiếu nại vượt cấp và không có khiếu nại đông người trên địa bàn TP. Việc này đã góp phần giảm bớt sự phức tạp về an ninh chính trị trên địa bàn quận nói riêng và TP nói chung.

 Bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân đánh giá vai trò, trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân là rất quan trọng. Bởi người dân khi bước vào cơ quan, trụ sở của UBND quận, phường thì người đầu tiên tiếp xúc là cán bộ được phân công tiếp dân.

 “Do đó cán bộ được phân công tiếp dân phải am hiểu pháp luật để giải thích, hướng dẫn thấu đáo, hợp lý, hợp tình cho người dân. Cán bộ đó cũng phải có trái tim biết lắng nghe để chia sẻ với bức xúc, khó khăn của người dân” – bà Diệu nhấn mạnh.

 Bà Diệu cũng cho rằng có nhiều nội dung phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến các phòng ban, đơn vị, phường. Vì vậy cần phải có sự phối hợp, phân công hợp lý, theo dõi, đeo bám để đạt được kết quả xử lý đúng thời gian. 

Bà Diệu cũng đề nghị cán bộ, công chức được phân công phải thường xuyên theo dõi, cập nhật tiến độ giải quyết đơn thư, đảm bảo thời gian giải quyết theo đúng quy định.

 “Trong công tác hòa giải ở cơ sở, nếu các khu phố, phường làm tốt thì sẽ kịp thời làm giảm được bức xúc của người dân, hạn chế dân đi lên các cơ quan cao hơn để phản ánh. Hòa giải tốt cũng sẽ giữ được mối quan hệ tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư” – bà Diệu đề nghị.

 Thông qua Hội nghị, UBND quận Bình Tân cũng đã khen thưởng cho 13 tập thể và 11 cá nhân đạt thành tích tốt trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư trên địa bàn quận. (Plo.vn 06/8, Lê Thoa) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Cấm xóa, hủy dữ liệu trái phép trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

Chính phủ ban hành Nghị định 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

 Theo Nghị định, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác; duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được lưu trữ, bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin.

 Nghị định cũng quy định những hành vi không được làm: Cung cấp thông tin không đúng sự thật khi đăng ký hộ tịch trực tuyến. Truy cập trái phép vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; khai thác, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử không đúng quy định, xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

 Nghị định quy định, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng sách thức khác theo quy định pháp luật. 

Sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến được cấp 1 mã số hồ sơ thủ tục hành chính để theo dõi, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ hoặc truy cập để hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký hộ tịch. Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch có trách nhiệm lưu giữ, bảo đảm bí mật mã số hồ sơ thủ tục hành chính.

 Ngay trong ngày làm việc, khi nhận được hồ sơ yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, phù hợp quy định pháp luật của hồ sơ. Các cơ quan đăng lý, quản lý hộ tịch ở địa phương sử dụng thống nhất Phầm mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung kể từ ngày 15.9.2020.

 UBND các cấp có trách nhiệm triển khai việc số hóa, quản lý, khai thác dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy; chuyển đổi và chuẩn hóa dữ liệu từ các phầm mềm đăng ký hộ tịch điện tử của địa phương đã triển khai thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và cập nhật Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, bảo đảm hoàn thành trước ngày 1.1.2025.

 Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020. Bãi bỏ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15.11.2015 của Chính phủ. (Laodong.vn 06/8, Vương Trần)Về đầu trang

Đẩy mạnh dịch vụ trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh

Với đặc điểm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp nơi đông người, hệ thống dịch vụ công trực tuyến đang được xem là phương tiện hữu hiệu giúp người dân giảm bớt nỗi lo lây lan dịch bệnh Covid-19 khi cần giải quyết các thủ tục hành chính.

 Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), tính đến cuối tháng 7, đã có 875 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG); hơn 204 nghìn tài khoản đăng ký, tăng hơn 26 nghìn tài khoản so với tháng trước và hơn 53 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ. Đã có trên 12,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; trên 226 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng DVCQG… Đặc biệt, tính riêng trong tháng 7/2020, Cổng DVCQG đã xử lý 3.316 giao dịch thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế và thu phạt giao thông.

 Một thông tin được người dân và doanh nghiệp quan tâm trong tháng 8 này đó là dịch vụ công thứ 1.000 về đăng ký ô tô, xe máy trực tuyến và demo trải nghiệm dịch vụ này trên thực tiễn dự kiến sẽ được công bố vào ngày 15/8. Như vậy, người dân, doanh nghiệp có thể ngồi một chỗ đăng ký ô tô, xe máy, nộp thuế trước bạ... không phụ thuộc thời gian, không phụ thuộc địa giới hành chính. Không chỉ công bố dịch vụ đăng ký ô tô, xe máy qua mạng, các dịch vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp...cũng sẽ lên Cổng DVCQG và người dân có thể ở nhà làm một cú kích chuột có thể thực hiện thủ tục hành chính mà không cần mất công đến cơ quan công quyền. 

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành gây nhiều hệ lụy, việc vận hành Cổng DVCQG cho thấy tính ưu việt của giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực hành chính và dịch vụ công. Theo đó, người dân, doanh nghiệp không phải đến tận trụ sở cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công, tiếp xúc trực tiếp với cán bộ giải quyết; chỉ cần lập một tài khoản trên Cổng DVCQG là có thể giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), sử dụng dịch vụ công ở nhiều bộ, ngành, địa phương khác nhau. “Đây chính là giải pháp góp phần thực hiện giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

 Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, trong các cuộc họp gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhắc tới việc cần rà soát, cắt giảm hoặc đơn giản hóa TTHC nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp.

 Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay: Với mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, yêu cầu rà soát, cắt giảm hoặc đơn giản hóa TTHC là sợi chỉ đỏ xuyên suốt công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả sức khỏe cộng đồng lẫn phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, yêu cầu rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và đẩy mạnh thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến càng trở nên cấp thiết hơn. Bởi vậy, trong hầu hết các cuộc họp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh yêu cầu này.

 Đánh giá về kết quả vận hành Cổng DVCQG, Bộ trưởng nhận định có thể coi là đã đạt được kế hoạch đề ra, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan và của người dân, doanh nghiệp. 

 Cụ thể: Chưa thực hiện đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC; đôi khi việc gửi, nhận hồ sơ trực tuyến đến các bộ, địa phương còn chưa thông suốt do chậm xử lý kỹ thuật đường truyền; một số bộ, ngành còn chậm công bố, công khai TTHC, dẫn tới địa phương cũng phải chậm công bố, công khai TTHC trong lĩnh vực đó… Những vấn đề này cần nhanh chóng tháo gỡ để thu hút người dân ngày càng sử dụng nhiều hơn dịch vụ công trực tuyến. (Đại đoàn kết 06/8, Nguyên Khánh)Về đầu trang

Khánh Hòa: Doanh nghiệp hài lòng với cải cách của cơ quan thuế

Cục Thuế Khánh Hòa luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế. Đồng thời, Cục thuế cũng tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp và người nộp thuế; giải đáp kịp thời những kiến nghị của người nộp thuế trong quá trình thực thi pháp luật thuế.

 Trao đổi với phóng viên về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế trên địa bàn, ông Lương Văn Ngà – Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa cho biết, để công tác cải cách TTHC thuế đi vào trọng tâm, mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp (DN) và người nộp thuế (NNT), cục thuế đã phát động phong trào thi đua đến tất cả cán bộ, công chức trong toàn đơn vị; lấy kết quả, hiệu quả công tác cải cách TTHC là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đánh giá công chức, đảng viên hàng năm.

 “Cụ thể, chúng tôi đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% DN trên địa bàn thực hiện kê khai thuế điện tử; tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 95%; số tiền thuế được nộp bằng phương thức điện tử đạt tối thiểu 95%; tỷ lệ số hồ sơ đề nghị hoàn được giải quyết đúng hạn đạt tối thiểu 95%; tối thiểu 95% hồ sơ hoàn thuế GTGT được nộp và trả kết quả qua mạng...” - ông Ngà nói.

 Ông Ngà cho biết thêm, đơn vị cũng đặt mục tiêu đảm bảo 100% các văn bản, tài liệu chính thức của cơ quan thuế với các cơ quan hành chính trong tỉnh được trao đổi trên môi trường mạng và ứng dụng chữ ký số thực hiện dưới dạng văn bản điện tử trên phần mềm E-Office; 100% cán bộ, công chức sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm  E-Office; phần mềm quản lý thuế (TMS)..., trong công việc bảo đảm dữ liệu phục vụ hầu hết các hoạt động trong cơ quan.

 Đại diện Cục Thuế Khánh Hòa cho biết, đến nay hầu hết các mục tiêu đơn vị đặt ra trong công tác cải cách TTHC đều hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, 100% DN đang hoạt động trên địa bàn đã thực hiện kê khai thuế qua mạng; tỷ lệ DN nộp thuế điện tử hàng tháng đạt trên 96%; 100% số hồ sơ đề nghị hoàn thuế được giải quyết bằng phương thức điện tử…

 Cũng tính đến thời điểm hiện tại, 80% số TTHC thuế trên địa bàn được cung cấp dịch vụ trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4; 100% hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tiếp nhận giải quyết thành công; 100% yêu cầu hỗ trợ của NNT được thực hiện đúng pháp luật, đúng thời gian quy định… 

Ông Lương Xuân Thu - Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ NNT, Cục Thuế Khánh Hòa cho biết, việc phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm đã ảnh hưởng khá lớn đến công tác tuyên truyền pháp luật thuế. Tuy nhiên, bộ phận tuyên truyền khắc phục khó khăn, thực hiện tuyên truyền pháp luật thuế đến NNT dưới nhiều hình thức đa dạng như: gửi thư điện tử, nhắn tin sms, sử dụng mạng xã hội facebook, zalo, viber... ông Thu nhấn mạnh. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 05/8, Văn Tuấn)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Đề xuất định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

 Dự thảo nêu rõ quy định về tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương đối với vốn trong nước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

 Theo đó, vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bố trí cho nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư của ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và thuộc đối tượng đầu tư công quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công. 

Đối với vốn trong nước: Dành tối đa không quá 30% để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực, không bao gồm vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

 Mức vốn còn lại được phân bổ như sau: Phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương theo ngành, lĩnh vực. Các bộ, cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm phân bổ cụ thể cho các chương trình, dự án theo đúng quy định của pháp luật và theo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên quy định.

 Đồng thời, phân bổ cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân…

 Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: Phân bổ trên cơ sở định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đối với các dự án đang triển khai, các dự án chuyển tiếp, các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư.

 Dự thảo quy định thứ tự ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm theo từng ngành, lĩnh vực, chương trình của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong giai đoạn 2021-2025 như sau: 

Phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại Khoản 4 Điều 101 của Luật Đầu tư công (nếu có). (Baochinhphu.vn 06/8, LP)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hà Nội: Kỷ luật cảnh cáo Trung uý Công an mặc quần soóc, áo phông đi dẹp hàng rong

Trung uý Công an phường Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội) mặc áo phông, quần soóc đi dẹp hàng rong bị xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo.

 Tối 5.8, Công an thành phố Hà Nội vừa có thông tin về việc xử lý cán bộ Công an phường Phúc Lợi, quận Long Biên có vi phạm quy trình công tác.

 Theo Công an thành phố Hà Nội, ngày 1.8, trang facebook “Công an Thành phố” tiếp nhận thông tin từ người dân phản ánh sự việc: Một nam thanh niên mặc áo phông, quần soóc, điều khiển xe ôtô biển xanh (BKS 31A- 7141, loại xe trang bị cho công an phường) đi nhắc nhở, xử lý người bán hàng rong trên địa bàn phường Phúc Lợi, quận Long Biên.

 Ngay sau khi phát hiện sự việc, Giám đốc Công an Thành phố đã chỉ đạo Công an quận Long Biên khẩn trương kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm nêu trên và xử lý nghiêm theo quy định của ngành.

 Kết quả kiểm tra, xử lý cho biết, vào 9h30 ngày 1.8, khi chưa được sự phân công, điều động của Ban chỉ huy Công an phường Phúc Lợi, trung úy Nguyễn Đức Tùng Lâm (sinh năm 1996, là Cảnh sát trật tự Công an phường Phúc Lợi) mặc áo phông, quần soóc, đã tự ý lái xe ôtô của Công an phường (BKS 31A- 7141, xe dùng cho lực lượng cảnh sát trật tự) đến khu vực ngã tư Phúc Lợi - Vũ Xuân Thiều (thuộc địa bàn phường Phúc Lợi) để nhắc nhở, xử lý một số người bán hàng rong trên vỉa hè, dẫn đến bị người dân phản ứng, quay video ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội facebook.

 Ngay trong ngày 1.8, Công an Quận Long Biên đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với trung úy Nguyễn Đức Tùng Lâm và giao Ban chỉ huy Công an phường kiểm điểm, làm rõ sai phạm cá nhân trung uý Lâm và trách nhiệm của Ban Chỉ huy Công an phường.

 Ngày 3.8, Đảng ủy - Ban chỉ huy Công an Quận đã họp, báo cáo Giám đốc Công an Thành phố và ra Quyết định xử lý sai phạm đối với tập thể, cá nhân liên quan.

 Cụ thể: Đối với trung úy Nguyễn Đức Tùng Lâm: Kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển làm công tác khác không trực tiếp tiếp xúc với nhân dân do vi phạm quy trình, quy định, quy chế làm việc và quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân; đưa vào diện quản lý để phòng ngừa sai phạm theo quy định của Công an thành phố Hà Nội.

 Đối với Ban chỉ huy Công an phường Phúc Lợi: Nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm do thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện chức trách, nhiệm vụ và xem xét danh hiệu thi đua, phân loại cán bộ năm 2020.

 Công an thành phố Hà Nội đã thông báo vụ việc trên đến các đơn vị trong Công an thành phố để chỉ huy các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm chung; quán triệt cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc điều lệnh Công an nhân dân, quy định, quy trình công tác trong khi thi hành nhiệm vụ, không để xảy ra vụ việc tương tự làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an Thủ đô. (Laodong.vn 06/8, Phạm Đông – Ái Vân)Về đầu trang

THẾ GIỚI

1/3 số quan chức cấp cao Brazil mắc COVID-19

1/3 số quan chức cấp cao Brazil mắc COVID-19 trong bối cảnh quốc gia này chỉ xếp sau nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là Mỹ.

 Theo NHK, 8 quan chức cấp cao trong nội các Brazil đã dương tính với COVID-19 cho đến nay, trong đó có cả Tổng thống Bolsonaro.

 7 quan chức còn lại bao gồm Bộ trưởng Giáo dục Milton Ribeiro, Bộ trưởng Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Bento Albuquerque, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Marcos Pontes, Cố vấn An ninh Quốc gia Brazil Augusto Heleno, Bộ trưởng Bộ các vấn đề Công dân Onyx Lorenzoni, Bộ trưởng Bộ Minh bạch, Giám sát và Kiểm soát Wagner Rosario và Chánh văn phòng Nội các Brazil Walter Souza Braga Netto.

 Vào đầu tháng 7, Tổng thống Bolsonaro được xác nhận mắc COVID-19, tuy nhiên, trong lần xét nghiệm gần nhất đã xác định ông âm tính với COVID-19.

 Vào ngày 3.8, Tổng thống Bolsonaro cho biết ông khoẻ và đã được chữa khỏi bệnh dù mới tuần trước ông nói rằng ông bị “mốc phổi” và phải dùng thuốc kháng sinh. Tổng thống không nói thêm về tình trạng sức khỏe của mình.

 Tổng thống Bolsonaro đang lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế. Các nhà phân tích ước tính rằng 10 triệu người ở Brazil đã mất việc làm kể từ tháng 3.

 Số ca mắc COVID-19 ở Brazil là 2.862.761, với 97.418 ca tử vong, chỉ đứng sau Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. (Laodong.vn 06/8, Hồng Hạnh)Về đầu trang

Singapore áp dụng bộ quy tắc ứng xử cho người đi bộ

Singapore áp dụng bộ quy tắc ứng xử cho người đi bộTừ tháng 8/2020, Singapore đã chính thức áp dụng bộ quy tắc ứng xử đầu tiên dành cho người đi bộ.

 Bộ quy tắc mới yêu cầu người đi bộ nên tránh đi trên những tuyến đường chung xe cộ, cố gắng tối đa đi trên những phần đường dành cho đi bộ và không nên sử dụng điện thoại di động trong khi di chuyển.

 Bộ quy tắc mới cũng cấm những người dưới 16 tuổi sử dụng các xe scooter điện mà không có sự giám sát của người lớn. Bên cạnh đó, người tham gia giao thông bị cấm dùng điện thoại di động trong khi lái xe.

 Singapore hiện có bộ quy tắc ứng xử dành cho người sử dụng các tuyến đường công cộng, tập trung vào những người đi xe đạp hay xe scooter điện.

 Một loạt biện pháp khác đã được đề xuất và đưa ra sau khi gia tăng các vụ cháy nổ và tai nạn liên quan đến xe scooter điện hồi năm ngoái. Các vụ việc như vậy hiện đã giảm rõ rệt sau khi Singapore cấm sử dụng xe scooter điện trên các phần đường dành cho người đi bộ. (VTV.vn 06/8)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More