Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 21-7-2020

Post date: 21/07/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

CHÍNH SÁCH MỚI 1

1.                Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức có hiệu lực có hiệu lực từ 20/7. 1

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 2

2.                Thu nhập 90% người tiêu dùng Việt bị ảnh hưởng bởi COVID-19. 2

QUẢN LÝ.. 3

3.                Đảng viên cần có tiêu chí nào để được đề cử làm Chủ tịch nước?. 3

4.                Sàng lọc nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới 4

5.                Giảm cấp trung gian và trên 334.000 biên chế do Chính phủ quản lý. 5

6.                Hà Nội nhất trí bỏ điều kiện đặc thù trong đăng ký hộ khẩu. 6

7.                TPHCM: Giảm người nhưng không giảm chất lượng công việc. 7

8.                Kiến nghị giảm 50% phí đổi biển số màu vàng. 8

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 9

9.                Đơn giản hóa thủ tục đăng ký hộ khẩu Hà Nội 9

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 9

10.             “TP.HCM không được trì trệ, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công”. 9

11.             Hà Nội kiểm tra các dự án trọng điểm giải ngân chậm.. 11

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 11

12.             Đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Hữu Tín. 11

13.             Đề nghị khai trừ Đảng đối với Trưởng Ban Nội chính tỉnh Thái Bình. 12

14.             Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh bị thi hành kỷ luật Đảng. 13

15.             Kỷ luật cảnh cáo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai 13

16.             Đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Trung tướng Dương Đức Hòa. 14

17.             Giữ nguyên quyết định khai trừ Đảng với Thượng tá Bùi Tiến Lợi 15

18.             Truy tố 4 thanh tra Bộ Xây dựng “vòi vĩnh” hơn 2 tỷ đồng của doanh nghiệp. 15

THẾ GIỚI 17

19.             Cuba dỡ bỏ mức thuế 10% với đồng USD.. 17

 CHÍNH SÁCH MỚI

Nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức có hiệu lực có hiệu lực từ 20/7

Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức được Chính phủ ban hành ngày 01/6/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/7/2020.

 Theo đó, quy định về biên chế công chức như sau:

 - Căn cứ xác định biên chế công chức:

 + Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm;

 + Mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;

 + Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao;

 + Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương, ngoài các căn cứ nêu trên còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. 

(Hiện hành theo Nghị định 21/2010/NĐ-CP còn căn cứ vào: Tính chất, đặc điểm, mức độ phức tạp và quy mô, phạm vi, đối tượng quản lý của ngành, lĩnh vực; Quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của luật chuyên ngành). 

- Thời hạn gửi kế hoạch biên chế công chức hàng năm:

 + Chậm nhất là ngày 15/6 hằng năm, các bộ, ngành, địa phương gửi hồ sơ kế hoạch biên chế công chức về Bộ Nội vụ để thẩm định.

 + Chậm nhất là ngày 20/7 hằng năm, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức của các bộ, ngành, địa phương.

 + Trường hợp các bộ, ngành, địa phương không gửi kế hoạch biên chế công chức đúng thời hạn quy định Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định biên chế công chức của bộ, ngành, địa phương đó với tỷ lệ tinh giản biên chế cao hơn 1% so với tỷ lệ tinh giản biên chế theo lộ trình hằng năm.

 Hiện hành, chậm nhất là ngày 20/7 năm trước liền kề, các cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi Bộ Nội vụ kế hoạch biên chế công chức hàng năm để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ. Sau ngày 20/7 năm trước liền kề, nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị không gửi kế hoạch biên chế công chức hàng năm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì giữ ổn định số biên chế công chức đã được giao.

 Chậm nhất đến hết ngày 31/10/2020, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn cụ thể việc xác định cơ cấu ngạch công chức. (Cafef.vn 20/7, H.Vân)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Thu nhập 90% người tiêu dùng Việt bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Khảo sát do Ipsos vừa công bố cho biết, 90% người Việt Nam đều bị COVID-19 gây ảnh hưởng đến thu nhập gia đình.

 Trong đó, có đến 41% người tiêu dùng bị giảm hơn 20% thu nhập. Có 17% trong số những hộ gia đình trong nhóm thu nhập thấp bị cắt giảm đến hơn 50% thu nhập bởi COVID-19.

 Mặc dù dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát nhưng người Việt tin rằng vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước. Có đến 30% người tiêu dùng không tin là thu nhập sẽ được cải thiện trong thời gian tới, vì vậy vẫn chưa thể quay trở lại với các thói quen chi tiêu như trước COVID-19.

 Kết quả khảo sát cũng cho thấy, cho đến cuối năm nay, ước tính 23% người Việt vẫn chưa có dự định tham gia trở lại các hoạt động tại nơi công cộng, nơi đông người. Du lịch nước ngoài sẽ là ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có đến 68% người Việt sẽ không du lịch ra nước ngoài trong năm nay.

 Đa số người tiêu dùng sẽ tìm kiếm và lựa chọn các nhãn hiệu mang đến cho họ cảm giác được quan tâm, được đồng cảm và đồng hành với họ. Những nhãn hiệu được chọn phải là những nhãn hiệu đáp ứng tốt nhu cầu của họ và còn phải luôn có sẵn để họ có thể mua dễ dàng. (VTV.vn 20/7)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đảng viên cần có tiêu chí nào để được đề cử làm Chủ tịch nước?

Chủ tịch nước phải là người có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước.

Theo Quy định hiện hành về Khung Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quản lý, đảng viên được đề cử vào vị trí Chủ tịch nước cần có các phẩm chất, năng lực sau đây: 

Trước tiên là phải có đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một ủy viên trung ương Đảng. Là đảng viên tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách. Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập. Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.

 Thứ hai là đáp ứng mọi tiêu chuẩn của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm. Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội. Có ý thức, trách nhiệm cao, có khả năng đóng góp ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định. Là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu.

 Cuối cùng, đảng viên được đề cử cần có những phẩm chất, năng lực của vị trí Chủ tịch nước: Đó là có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định. (VTV.vn 20/7)Về đầu trang

Sàng lọc nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới

Qua nhiều khâu, nhiều bước càng giúp việc sàng lọc nhân sự kỹ càng hơn, chất lượng hơn, góp phần tạo nên thành công của Đại hội.

 Một trong những công việc hệ trọng của Đại hội Đảng bộ các cấp, đó là lựa chọn được Ban chấp hành cấp ủy khóa mới là những người tiêu biểu nhất về phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhiều lần nhấn mạnh: công tác lựa chọn nhân sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của cấp ủy là phải rà soát, sàng lọc thật kỹ nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới, đồng thời, cần làm thật tốt công tác thẩm tra, xác minh nhân sự trước khi đưa ra Đại hội. Tránh tình trạng, để cho cán bộ tiêu cực, sai phạm lại lọt vào cấp ủy khóa mới.

 Một trong những công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc là xây dựng, xem xét và hoàn thiện Đề án nhân sự. Trước đó, chuẩn bị cho Đại hội Đảng cấp xã, phường và cấp quận, huyện, đã có hơn 28.000 trường hợp cán bộ và thân nhân cán bộ dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới đã được rà soát.

 Qua xem xét, thẩm tra, xác minh, công an Vĩnh Phúc đã phát hiện hàng trăm trường hợp có dấu hiệu liên quan đến an ninh trật tự và có dấu hiệu phức tạp về lịch sử chính trị. Những số liệu này được chuyển tới Ban Tổ chức tỉnh ủy, huyện ủy và các cấp ủy cơ sở, qua đó, đã loại ra khỏi đề án nhân sự một số trường hợp.

 Với tinh thần không để lọt cán bộ tiêu cực vào cấp ủy khóa mới, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ này đã được các ủy, các ngành chức năng có trách nhiệm và có liên quan thực hiện một cách chặt chẽ, cẩn trọng.

 Với nhiều văn bản quy định của Đảng được ban hành, quy trình chuẩn bị nhân sự Đại hội được thực hiện theo hướng chặt chẽ hơn. Mới đây, Ban Nội chính được bổ sung thêm thẩm quyền tham gia công tác cán bộ, trong đó có cả nhân sự Đại hội Đảng các cấp.

 Cùng với tiếp tục đề cao trách nhiệm và phát huy vai trò của cơ quan chuyên trách tham mưu về công tác cán bộ, chủ trương bổ sung các cơ quan khối bảo vệ chính trị nội bộ tham gia vào quá trình rà soát, chuẩn bị công tác nhân sự có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây sẽ là điều kiện để các cấp ủy có thể sàng lọc lựa chọn giới thiệu cho Đại hội những cán bộ tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất ra Đại hội. (VTV.vn 20/7)Về đầu trang

Giảm cấp trung gian và trên 334.000 biên chế do Chính phủ quản lý

Bộ Nội vụ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, đánh giá mô hình tổ chức các tổng cục thuộc bộ và đã hoàn thiện việc đánh giá lại mô hình tổ chức cấp tổng cục, đề xuất phương án sắp xếp lại cho phù hợp theo hướng giảm cấp trung gian, trình Chính phủ theo quy định.

 Đối với bộ, cơ quan ngang bộ, đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương (còn 249 tổ chức); tăng 7 cục (lên 126 cục); giảm 10 tổ chức đơn vịsự nghiệp công lập (còn 100 tổ chức). Cơ cấu tổ chức cơ quan thuộc Chính phủ giảm 1 ban và tương đương (còn 52 ban); giảm 24 đơn vịsự nghiệp công lập (còn 142 đơn vị).

 Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở cấp tỉnh, khối cơ quan hành chính giảm 5 tổ chức (còn 1.180 cơ quan chuyên môn); cấp phòng giảm 973 tổ chức (còn 7.681 phòng); chi cục giảm 127 tổ chức (còn 950 chi cục); giảm 12 tổ chức hành chính khác thuộc UBND (còn 130 tổ chức). Ở cấp huyện giảm 294 tổ chức (còn 8.526 cơ quan chuyên môn, trong đó có 278 Phòng Dân tộc).

 Đã có 48.306 đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, giảm 3.819 đơn vị (tương ứng 7,33%). Trong đó, giảm 1.203 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở và tương đương (còn 9.034 tổ chức); giảm 54 đơn vị thuộc các tổ chức hành chính khác ở cấp tỉnh (còn 480 tổ chức); giảm 348 đơn vị thuộc chi cục và tương đương thuộc sở (còn 515 tổ chức); giảm 2.281 đơn vị thuộc UBND cấp huyện (còn 37.607 tổ chức).

 Về quản lý biên chế, tinh giản biên chế và vị trí việc làm, Bộ Nôi vụ cho biết, trên cơ sở danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức đã được Ban Cán sự đảng Chính phủ thông qua, Bộ đang tổng hợp kết quả xây dựng bản mô tả và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức; xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm đối với viên chức (thuộc khối Chính phủ quản lý) và cán bộ, công chức cấp xã.

 Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của các bộ, ngành và địa phương (từ cấp huyện trở lên) năm 2020 là 251.135 biên chế, giảm 23.896 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 8,68%). Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 1.834.724 người, giảm 150.040 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 7,56%). Số người hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 70.755 người, giảm 13.322 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 15,84%).

 Trong số này, các bộ, ngành Trung ương biên chế công chức là 108.368 người, giảm 10.284 người so với năm 2015 (giảm 8,68%); người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 131.344 người, giảm 27.347 người so với năm 2015 (giảm 17,23%); người hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 8.914 người, giảm 2.483 ngườiso với năm 2015 (giảm 21,79%).

 Các địa phương có số biên chế công chức 142.767 người, giảm 13.612 người (giảm 8,7%) so với số giao năm 2015; số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập 1.703.380 người, giảm 122.693 người so với năm 2015 (giảm 6,72%); người hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 61.841 người, giảm 10.839 người so với năm 2015, giảm 14,91%.

 Cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố hiện là 1.031.851 người, giảm 147.290 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 12,49%). Trong số đó, riêng số cán bộ, công chức cấp xã giảm do hợp nhất các đơn vị hành chính cấp xã là 9.534 người, giảm do thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố) là 20.864 người. 

Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP từ năm 2015 đến ngày 20-6-2020 là 57.815 người; trong đó ở Trung ương là 4.546 người, địa phương là 53.269 người. Như vậy, biên chế do Chính phủ quản lý tính đến tháng 6-2020 đã giảm được 334.548 người, tương ứng giảm 94,34%. So với yêu cầu tại Kết luận số 17-KL/TW từ năm 2015 đến năm 2021 phải giảm 354.624 người thì năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người. (An ninh Thủ đô 20/7, Minh Hiển)Về đầu trang

Hà Nội nhất trí bỏ điều kiện đặc thù trong đăng ký hộ khẩu

Quy định người ngoại tỉnh phải sống ở Hà Nội liên tục 3 năm mới được đăng ký thường trú có thể được loại bỏ. Cả nước sẽ chỉ có 1 quy chuẩn chung duy nhất về đăng ký thường trú.

 Đây là nội dung được UBND Hà Nội đưa ra tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội về tình hình thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn TP. Theo đó, Hà Nội nhất trí bỏ quy định công dân tỉnh ngoài phải có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục tại Hà Nội từ 3 năm trở lên thì mới được nhập khẩu Hà Nội.

 Việc bỏ các quy định đặc thù về đăng ký thường trú (ĐKTT) ở các TP trực thuộc trung ương là bước quan trọng tiến tới bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư bằng mã định danh cá nhân.

 Theo đánh giá của UBND Hà Nội, đăng ký thường trú theo luật hiện hành đang gây khó khăn cho người dân, trong đó có các điều kiện về thời gian thường trú, diện tích bình quân nhà ở. Bên cạnh đó, các quy định này cũng không có hiệu quả do lượng người ĐKTT ít, chủ yếu là người trong gia đình đăng ký theo chủ hộ.

 Báo cáo lý giải công dân các tỉnh không đủ điều kiện ĐKTT vẫn sinh sống, vẫn sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục trên địa bàn bình thường. Đây cũng là lý do việc thực hiện giảm dân số cơ học mà Hà Nội thực hiện trong 6 năm qua không hiệu quả.

 "Quy định này chỉ hạn chế công dân không được đăng ký thường trú chứ không hạn chế được công dân đến nhập cư", báo cáo của UBND Hà Nội nêu.

 UBND Hà Nội cho rằng điều kiện ĐKTT khiến người lao động mất nhiều thời gian làm thủ tục hành chính, việc xin học, ứng tuyển vào cơ quan Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Việc bỏ điều kiện ĐKTT thành phố trực thuộc trung ương sẽ tạo thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho người dân, giúp tăng số lượng người được đăng ký thường trú và giảm các thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu.

 Phân tích về những khó khăn nếu chính sách có hiệu lực, Hà Nội cho rằng TP có thể phải chịu áp lực dân số do di dân tự do. Trong đó, 4 quận nội thành đang bị quá tải về hạ tầng giáo dục, y tế, nếu bỏ quy định hiện hành có thể dẫn đến nhiều vấn đề xã hội. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu của người dân; vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, điều kiện y tế, giáo dục, quản lý dân số sẽ bị ảnh hưởng lớn.

 Song, Hà Nội vẫn nhất trí với việc bỏ quy định riêng về điều kiện ĐKTT. Trong đó có bỏ thời hạn tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên và quy định về diện tích bình quân. Các quy định về đăng ký thường trú vào địa bàn Hà Nội được áp dụng như các tỉnh thành phố khác trong cả nước.

 Để làm được điều này, Hà Nội cho rằng các cấp chính quyền cần phải có chính sách đầu tư phát triển về y tế, giáo dục, giao thông, nhà ở… và đưa các cơ sở sản xuất; giáo dục, dạy nghề ra các khu công nghiệp, ngoại thành, đầu tư xây dựng các khu đô thị ở ngoại thành để dãn dân nội đô.

 Trả lời báo chí cuối tháng 6, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp của Bộ Công an, cho rằng quy định đặc thù ĐKTT ở các TP trực thuộc trung ương là sự bất bình đẳng và xâm phạm đến quyền tự do cư trú và đi lại của người dân.

 Ông cũng thông tin quan điểm của bộ là không có đặc thù về đăng ký cư trú để đảm bảo quyền con người, quyền công dân và phù hợp với xu thế chung của thời đại, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. (Zingnews.vn 20/7, Sơn Hà)Về đầu trang

TPHCM: Giảm người nhưng không giảm chất lượng công việc

Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm 2020, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm 2.299 cán bộ hoạt động không chuyên trách. Đây là một áp lực lớn đối với thành phố khi yêu cầu về chất lượng công việc vẫn phải bảo đảm như trước khi cắt giảm.

 Thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Nghị định 34), thành phố Hồ Chí Minh sẽ có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn dôi dư sau sắp xếp là 2.299 người. Lường trước được những khó khăn sau khi thực hiện cắt giảm cán bộ không chuyên trách, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp như tăng cường dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính, sắp xếp lại cán bộ.

 Phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) có 64 cán bộ, công chức nhưng phải phục vụ hơn 126.000 dân. Chỉ riêng lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, mỗi ngày UBND phường tiếp nhận trên 200 hồ sơ, có lúc cao điểm lên đến trên 500 hồ sơ. Lĩnh vực này hiện do 4 cán bộ phụ trách giải quyết (2 cán bộ chuyên môn và 2 cán bộ không chuyên trách).

 Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A cho biết, theo lộ trình, phường phải giảm hơn 20 cán bộ không chuyên trách. Điều này sẽ tăng thêm khối lượng công việc cho những cán bộ, công chức còn lại. Để công việc thông suốt, đặc biệt là thủ tục hành chính, phường đã tăng cường dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đồng thời bố trí lại nhiệm vụ cán bộ một cách hợp lý hơn. Đơn cử, lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, phường đã bố trí 2 cán bộ không chuyên trách phụ trách ở bộ phận “một cửa”, có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét hồ sơ, hướng dẫn người dân. Nếu hợp lệ, hồ sơ sẽ được chuyển vào cho 2 cán bộ chuyên môn xác nhận. 

Tương tự, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có khoảng 170.000 dân. Hiện cán bộ không chuyên trách của xã là 57 người. Khi thực hiện Nghị định 34, xã chỉ còn 14 cán bộ không chuyên trách. Ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, để giải quyết hiệu quả công việc khi giảm cán bộ không chuyên trách, cách duy nhất là xã phải đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

 Vấn đề được các địa phương quan tâm trong thời điểm này là chế độ chính sách đối với những cán bộ phải cắt giảm. Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Nghị định 34 của Chính phủ không quy định việc thực hiện giải quyết chế độ, chính sách đối với trường hợp người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi, ổn định tinh thần và tạo điều kiện cho cán bộ hoạt động không chuyên trách sau khi cắt giảm ổn định cuộc sống, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mức chi trả chế độ cho 2.299 người, với thời gian công tác là 10 năm/người, mỗi năm được hỗ trợ 1 tháng lương, thì kinh phí dự kiến để chi trả trợ cấp là trên 120 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được trích từ ngân sách thành phố. (Hà Nội mới 20/7, Trọng Ngôn)Về đầu trang

Kiến nghị giảm 50% phí đổi biển số màu vàng

Mới đây, Hiệp hội Vận tải kiến nghị Thủ tướng giảm 50% chi phí đổi biển số màu vàng để hỗ trợ doanh nghiệp.

 Trong văn bản gửi Thủ tướng, Hiệp hội Vận tải cho biết, thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an có quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (có hiệu lực từ 1/8). Theo đó, một trong những điểm mới được quy định tại Khoản 2 Điều 11 là đối tượng hiện có xe hoạt động kinh doanh vận tải đã đăng ký, cấp biển số nền trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen. 

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ủng hộ chủ trương đổi nền biển số xe ô tô kinh doanh vận tải từ màu trắng sang màu vàng để phân biệt với xe ô tô không kinh doanh vận tải, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

 Tuy nhiên, Hiệp hội kiến nghị chỉ đổi số đăng ký và giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp chủ phương tiện có yêu cầu; giữ nguyên số đăng ký trên biển số mới (có nền màu vàng) nếu chủ xe không có nhu cầu và trong trường hợp này không cần đổi lại giấy chứng nhận đăng ký.

 Hiệp hội cho rằng nếu đổi cả số đăng ký và giấy chứng nhận đăng ký xe thì sẽ có tác động rất lớn đến các lĩnh vực như: ngân hàng (lưu giữ hồ sơ thế chấp của các xe đang thế chấp để vay vốn); bảo hiểm; kiểm định xe cơ giới; thu phí giao thông; dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình…

 Đối với xe không đổi số đăng ký, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị quy định quy trình đổi biển số đơn giản hơn so với quy trình chung. Theo đó, chủ xe khai báo qua mạng, không cần phải cấp biển số tạm trong thời gian chủ xe khai báo đổi biển số, xe vẫn hoạt động bình thường.

 Nếu những đề xuất như trên được chấp thuận, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ước sẽ giảm chi phí cấp giấy chứng nhận đăng ký 30.000 đồng, chi phí cấp biển số tạm 50.000 đồng, đây là khoản phí đáng kể trong điều kiện hiện nay.

 Về chi phí để đổi biển số 150.000 đồng/xe, nếu tính trên cả nước hiện có 1,6 triệu xe kinh doanh vận tải thì tổng chi phí cho việc đổi biển số là 240 tỷ đồng. Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn, việc gia tăng chi phí sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công an giảm 50% tiền chi phí đổi biển số. (VTV.vn 20/7)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đơn giản hóa thủ tục đăng ký hộ khẩu Hà Nội

Hà Nội nhất trí bỏ quy định công dân các địa phương khác phải có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục tại Hà Nội từ 3 năm trở lên mới được nhập khẩu Hà Nội. Đây được cho là bước quan trọng tiến tới bỏ sổ hộ khẩu, tiến tới quản lý dân cư bằng mã định danh cá nhân.

 Theo UBND TP. Hà Nội, đăng ký thường trú theo luật hiện hành đang gây khó khăn cho người dân, trong đó có các điều kiện về thời gian thường trú, diện tích bình quân nhà ở. Bên cạnh đó, các quy định này cũng không có hiệu quả do lượng người đăng ký thường trú ít, chủ yếu là người trong gia đình đăng ký theo chủ hộ.

 Hà Nội cũng kiến nghị những người địa phương khác làm hợp đồng không xác định thời hạn trong các Công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân nên quy định: phải có thời gian cư trú từ một 1 năm trở lên mới giải quyết đăng ký thường trú để tránh việc một số người lợi dụng cơ cấu tổ chức đơn giản của doanh nghiệp tư nhân làm Hợp đồng lao động không đúng người, đúng việc gây ra bất bình đẳng trong đăng ký thường trú. (VTV.vn 20/7)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

“TP.HCM không được trì trệ, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công”

Chiều 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.

 Phát biểu kết luận cuộc làm việc vào chiều tối nay, Thủ tướng đã yêu cầu đầu tầu kinh tế này không được chậm trễ, trì trệ và phải với tinh thần tiến công để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân.

 Sau cuộc kiểm tra ở tỉnh Ninh Bình và 12 tỉnh miền Trung, Tây nguyên trong hơn 1 tuần qua, đây là cuộc làm việc thứ 3 của Thủ tướng với các địa phương về vấn đề này, góp phần để cỗ xe tam mã là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đưa nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

 Năm nay, tổng vốn đầu tư công TP.HCM được giao và phân bổ là gần 42.000 tỷ đồng, trong đó gần 8.000 tỷ là vốn ngân sách Trung ương. Đến trung tuần tháng này, khối lượng giải ngân đã đạt khoảng 48%, gấp 3 lần so với năm năm 2019.

 Thành phố đặt mục tiêu cả năm nay sẽ giải ngân đạt trên 95%. Cách làm của thành phố là cứ 2 tuần Ủy ban nhân dân thành phố họp giao ban về tiến độ giải ngân một lần và các quận, huyện cũng phải làm như vậy.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương lãnh đạo thành phố vừa thực hiện tốt phòng chống dịch COVID-19 vừa dồn sức để xây dựng thể chế và có nhiều cố gắng trong chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư. Việc lãnh đạo thành phố quyết tâm giải ngân gần 100% vốn đầu tư công trong năm nay là nỗ lực rất lớn và là tấm gương đối với nhiều địa phương khác.

 Mặc dù, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM cao hơn tỷ lệ chung của cả nước, nhưng có khoảng 10 dự án sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi, cùng với các dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thành phố kiến nghị với Chính phủ giải quyết cụ thể do vướng mắc về cơ chế, pháp luật.

 Nhất trí với ý kiến với các bộ ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý với hầu hết các kiến nghị của thành phố trong đó có dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2, cùng với dự án cao tốc TP.HCM - Tây Ninh, đồng thời đồng ý Chính phủ sẽ bổ sung ngay vào quy hoạch 1 khu công nghiệp mới cho thành phố.

 Tuy nhiên, Thủ tướng cùng bày tỏ sự lo lắng và yêu cầu thành phố phải hết sức quan tâm tới việc khơi thông dòng vốn đầu tư nhân, nhất là vào thị trường bất động sản, vì cả năm 2019 thành phố chỉ khởi công được duy nhất 1 dự án và hiện nay thị trường đang khan hàng, trong khi bất động sản đô thị, công nghiệp là một động lực tăng trưởng kinh tế.

 Đồng tình với phương châm của Bí thư Thành ủy TP.HCM, đó là năm nay diễn ra Đại hội Đảng nhưng thành phố không quên phát triển kinh tế và phát triển kinh tế để tạo điều kiện cho Đại hội Đảng thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ với khó khăn của thành phố do tác động của dịch COVID-19 nên 6 tháng qua chỉ đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn 1,02% do ngành dịch vụ chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề. Mức tăng trưởng thấp này làm cho kinh tế cả nước chỉ tăng trưởng được 1,81%, bởi từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng của thành phố cao hơn 1,3 - 1,5 lần cả nước.

 Để đảm bảo động lực cho tăng trưởng kinh tế của đầu tầu kinh tế này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần phải kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn nữa, vì tiêu dùng chiếm tới 60% Tổng sản phẩm trên địa bàn và thành phố là trung tâm tiêu dùng lớn nhất cả nước. Do đó tăng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, bất động sản và du lịch ở đây sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa ra khắp cả nước.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một vấn đề dù khó đến đâu nhưng nếu chỉ theo cách "biết thì làm bí thì bỏ" sẽ khiến mọi việc bị chậm trễ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển. Trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố chiếm tới 1/5 cả nước nên nếu không thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và của cả tư nhân cũng như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thì nền kinh tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

 Với tinh thần cuộc tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cách đây 45 năm, Thủ tướng tin tưởng sâu sắc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố mang tên Bác sẽ thực hiện được lời hứa giải ngân được 100% vốn đầu tư công của năm nay và đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn gấp từ 1,3 lần mức tăng trưởng trung bình của cả nước. (VTV.vn 20/7)Về đầu trang

Hà Nội kiểm tra các dự án trọng điểm giải ngân chậm

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư dự án đầu tư công chủ động rút ngắn thời gian, tiến độ thực hiện; hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán.

 Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu hoàn thành thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ xây dựng cơ bản các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020 trong tháng 7/2020; đến hết tháng 8/2020 giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020, giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2020 từ ngân sách trung ương... Thành phố yêu cầu thực hiện thủ tục thanh toán trong vòng 4 ngày kể từ ngày có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu. 

Thành phố giao Sở TN&MT tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cho các chủ đầu tư; từng dự án nêu rõ vướng mắc, cơ quan giải quyết, tiến độ giải quyết, báo cáo UBND thành phố Hà Nội trước ngày 25/7. UBND các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố trước ngày 25/7. Các sở chuyên ngành tháo gỡ vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, báo cáo UBND thành phố trước ngày 25/7.

 UBND thành phố giao Sở Nội vụ chủ trì cùng Thanh tra thành phố, kiểm tra công vụ đối với chủ đầu tư có tiến độ giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp trong 2 tháng liên tiếp. Các trường hợp không hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo tiến độ kế hoạch, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu và các cá nhân liên quan.

 Thành phố Hà Nội cũng giao Sở KH&ĐT giám sát việc thực hiện kế hoạch giải ngân của các đơn vị; tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các dự án chậm tiến độ sang dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư; chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố tổng hợp kết quả giải ngân và công khai tình hình giải ngân của từng chủ đầu tư. (Tienphong.vn 20/7, Hoàng Phong)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Hữu Tín

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

 Ngày 20/7, Ủy ban Kiểm tra Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông cáo họp Kỳ 46. Theo đó, từ 15 đến 17/7, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ họp 46 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

 Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung. Theo đó,  UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM và ông Đào Anh Kiệt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở TN&MT TPHCM do vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

 Ông Nguyễn Văn Điều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình do đã vi phạm nghiêm trọng quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương và Luật giao thông đường bộ. 

Cũng tại kỳ họp này, UBKT trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, sau khi xem xét các báo cáo kết quả kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy Quảng Bình về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; kết quả giám sát Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai và Đắk Lắk về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; công tác cán bộ; lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một số vụ án, vụ việc nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm và thực hiện trách nhiệm nêu gương, UBKT trung ương yêu cầu các tổ chức Đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát phát huy ưu điểm, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sớm có biện pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra.

 UBKT trung ương yêu cầu UBKT Tỉnh ủy Gia Lai tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Gia Lai trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc và tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm trên địa bàn tỉnh. (Cafef.vn 20/7, PV)Về đầu trang

Đề nghị khai trừ Đảng đối với Trưởng Ban Nội chính tỉnh Thái Bình

Ngày 20/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông cáo báo chí kỳ họp thứ 46, diễn ra từ 15/7 đến 17/7 do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì.

 Tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Điều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình do đã vi phạm nghiêm trọng quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương và Luật giao thông đường bộ.

 Trước đó, ngày 3/6, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Nguyễn Văn Điều để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". 

Ngày 2/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình và BCH Đảng bộ Thái Bình thảo luận, bỏ phiếu biểu quyết thống nhất cao đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Điều với hình thức là cách tất cả các chức vụ hiện tại trong Đảng. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình thống nhất đánh giá hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Văn Điều là nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, làm giảm sút uy tín của các tổ chức Đảng và cá nhân.

 Sau khi xảy ra vụ tai nạn, ông Nguyễn Văn Điều nhận thức rõ sai phạm, chủ động báo cáo về vi phạm của mình với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đồng thời chủ động khắc phục hậu quả, tự giác bồi thường thiệt hại và nghiêm túc kiểm điểm, nhận hình thức kỷ luật của Đảng. 

Trước đó, ngày 12/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã tạm đình chỉ mọi chức vụ, dừng thực hiện nhiệm vụ ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đối với ông Điều để điều tra liên quan vụ việc này. (VTV.vn 20/7)Về đầu trang

Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh bị thi hành kỷ luật Đảng

Liên quan đến sai phạm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh bị thi hành kỷ luật Đảng.

 Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, tại phiên họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã xem xét, quyết định kỷ luật Đảng đối với một số cán bộ.

 Trong đó, xem xét thi hành kỷ luật Đảng đối với ông Phạm Ngọc Vinh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Tài chính. Trong thời gian từ ngày 3/11/2017 - 11/5/2018, với cương vị Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, ông Vinh đã ký 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại phường Quang Hanh không đúng quy định dẫn đến làm tăng tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

 Sau khi phân tích nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và việc đã khắc phục hậu quả, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật ông Phạm Ngọc Vinh bằng hình thức “Khiển trách”.

 Cũng trong phiên họp này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật Đảng đối với ông Tạ Hữu Dũng, Thành uỷ viên, cán bộ Đảng uỷ cơ quan Khối Doanh nghiệp TP Hạ Long. Trong thời gian từ 5/2019 - 3/2020, với cương vị Thành uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Quảng La, ông Dũng đã chỉ đạo thực hiện trái quy định trong đầu tư xây dựng 6 công trình trên địa bàn xã Quảng La gây thất thoát, lãng phí thu hồi về ngân sách Nhà nước.

 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật ông Dũng bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. (Baogiaothong.vn 20/7, Đông Bắc) Về đầu trang

Kỷ luật cảnh cáo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo với ông Đặng Phan Chung - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai.

 Từ ngày 15 đến 17.7.2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ 46 dưới sự chủ trì của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

 Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét một số nội dung: 

Cụ thể, qua kiểm tra giải quyết tố cáo và thi hành kỷ luật đảng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đối với ông Đặng Phan Chung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai, UBKT Trung ương nhận thấy:

 Ông Đặng Phan Chung đã can thiệp không đúng quy định vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Đặng Phan Chung.

 Cũng tại kỳ họp 46, xét đơn khiếu nại kỷ luật đảng của đảng viên, UBKT Trung ương quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Bùi Tiến Lợi, do trong thời gian giữ cương vị Thượng tá, Chủ nhiệm Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Trường Sĩ quan Công binh, đã có những bài viết, phát ngôn trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.

 Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với một số trường hợp và quyết định một số nội dung quan trọng khác. (Laodong.vn 20/7, Vương Trần)Về đầu trang

Đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Trung tướng Dương Đức Hòa

Ủy ban Kiểm (UBKT) Trung ương nhận thấy, Trung tướng Dương Đức Hòa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

 Tại kỳ họp thứ 46 diễn ra từ ngày 15 đến 17/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng.

 Xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, UBKT Trung ương nhận thấy:

 Trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy, các đồng chí: Trung tướng Dương Đức Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân khu 2; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4; Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân khu, nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2 và Đại tá Nguyễn Trọng Lương, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tham mưu, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. 

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hoàng và Đại tá Nguyễn Trọng Lương; khiển trách Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng. 

UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trung tướng Dương Đức Hòa. (VTV.vn 20/7)Về đầu trang

Giữ nguyên quyết định khai trừ Đảng với Thượng tá Bùi Tiến Lợi

Thượng tá Bùi Tiến Lợi đã phát tán trên mạng xã hội nhiều tài liệu của Đảng, Nhà nước, đưa nhiều tin bài với ngôn từ kích động, lời lẽ thô tục coi thường kỷ cường phép nước.

 Tại kỳ họp 46 diễn ra từ ngày 15 đến 17/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xét đơn khiếu nại kỷ luật Đảng của đảng viên và quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Bùi Tiến Lợi, do trong thời gian giữ cương vị Thượng tá, Chủ nhiệm Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Trường Sĩ quan Công binh, đã có những bài viết, phát ngôn trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.

 Trước đó, Thượng tá Bùi Tiến Lợi đã phát tán trên mạng xã hội nhiều tài liệu của Đảng, Nhà nước, đưa nhiều tin bài với ngôn từ kích động, lời lẽ thô tục coi thường kỷ cường phép nước. Những thông tin tạo sự hoài nghi trong dư luận hiểu sai về nội bộ của Binh chủng Công binh, xúc phạm tới danh dự, uy tín cá nhân của một số lãnh đạo.

 Nghiêm trọng hơn, trong trang phục quân nhân, vị thượng tá này còn đăng tải clip với nội dung hoàn toàn sai trái như sau: "Ai đó nói rằng, Biển Đông là của Việt Nam, Trường Sa là của Việt Nam thì đó là những tuyên truyền trái với luật pháp quốc tế, không đúng với Công ước về Luật Biển năm 1982". (VTV.vn 20/7)Về đầu trang

Truy tố 4 thanh tra Bộ Xây dựng “vòi vĩnh” hơn 2 tỷ đồng của doanh nghiệp

Ngày 20/7, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành cáo trạng vụ án "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", truy tố một số thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng có hành vi "vòi tiền" khi thanh tra tại Vĩnh Phúc tháng 6/2019. 

4 bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Thị Kim Anh (phó trưởng phòng phòng chống tham nhũng thanh tra Bộ Xây dựng); Nguyễn Thị Kim Liên (cán bộ phòng thanh tra xây dựng 3); Đặng Hải Anh (chuyên viên phòng thanh tra xây dựng 2) và Nguyễn Thị Thùy Linh (thành viên đoàn thanh tra).

 Theo cáo trạng, tháng 3/2019, Nguyễn Thị Kim Anh được điều động, luân chuyển làm Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng- Thanh tra Bộ Xây dựng và được giao làm Trưởng đoàn thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

 Trong quá trình thanh tra, mặc dù Kim Anh biết rõ đối tượng thanh tra của Bộ Xây dựng là UBND huyện Vĩnh Tường, UBND các xã, thị trấn không phải là đối tượng thanh tra và không được thanh tra đối với các dự án công trình do UBND cấp xã làm chủ đầu tư. Nhưng với mục đích trục lợi, trước khi về thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tháng 3/2019 Kim Anh đã điện thoại cho một số cán bộ Phòng kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Tường yêu cầu tổng hợp, báo cáo về toàn bộ các dự án công trình xây dựng do UBND 29 xã, thị trấn làm chủ đầu tư từ năm 2013 đến 2018.

 Kết luận điều tra xác định, với vai trò chủ mưu, Nguyễn Thị Kim Anh đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, cùng bàn bạc, tham gia thực hiện, yêu cầu 29/29 xã, thị trấn, cung cấp hồ sơ dự án, để kiểm tra tràn lan, trong đó có nhiều công trình đã được thanh tra, kiểm toán trước đó. Để thực hiện công việc, đoàn thanh tra chia làm hai tổ: Kim Anh, Kim Liên, Thùy Minh làm việc tại tầng 3 tòa nhà trụ sở UBND huyện; Hải Anh, Vân Oanh, Phương Hiền làm việc tại tầng 2 tòa nhà Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Tường.

 Quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra đã yêu cầu các chủ đầu tư cung cấp hồ sơ phục vụ thanh tra gồm: 16 đồ án quy hoạch, 31 hồ sơ cấp phép xây dựng trên địa bàn huyện; 167 dự án công trình (tương ứng với 619 lượt đơn vị; doanh nghiệp thi công, tư vấn giám sát, quản lý dự án, khảo sát thiết kế). Trong đó, 34 dự án công trình xây dựng do UBND H.Vĩnh Tường và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư; 133 công trình do UBND 29 xã, thị trấn làm chủ đầu tư. Trong 167 dự án công trình xây dựng, có 75 dự án đã được thanh tra, kiểm toán trước đó.

 Khi tiến hành thanh tra, Đoàn Thanh tra đến UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường làm việc. Nội dung chủ yếu là đôn đốc hồ sơ, tài liệu; có đến hiện trường một số công trình thi công nhưng chỉ quan sát bằng mắt thường, không đo đếm, kiểm tra thực tế; kết thúc buổi làm việc không lập biên bản làm việc, không biên bản xác minh. Khoảng cuối tháng 5/2019, Đoàn thanh tra đã có kết quả điều tra về điều kiện năng lực của các đơn vị trong việc thực hiện các hợp đồng tư vấn, thi công trên địa bàn các xã, thị trấn và kết quả kiểm tra về khối lượng, hồ sơ thanh quyết toán của một số đơn vị thi công xây lắp.

 Sau khi nhận được Dự thảo biên bản làm việc kết quả kiểm tra, các chủ đầu tư (UBND các xã, thị trấn) đã thông báo cho các nhà thầu (doanh nghiệp) biết về các lỗi vi phạm và việc kiến nghị, yêu cầu xử lý vi phạm của Đoàn thanh tra đối với doanh nghiệp. Do không hiểu biết pháp luật và lo sợ bị xử lý nặng như đã nêu trong Dự thảo biên bản, nên có nhiều nhà thầu đã trực tiếp hoặc thông qua chủ đầu tư đến gặp Đoàn Thanh tra (chủ yếu gặp Kim Anh và Hải Anh) để bổ sung hồ sơ, giải trình về các lỗi vi phạm nhưng không được chấp nhận, thậm chí Kim Anh, Hải Anh còn đưa ra các lý do để gây khó khăn cho doanh nghiệp, dọa nếu không thừa nhận vi phạm sẽ yêu cầu nhà thầu về Hà Nội (ý nói Thanh tra Bộ Xây dựng) để giải trình.

 Do đó một số nhà thầu, chủ đầu tư đã đề nghị trưởng đoàn thanh tra tạo điều kiện bỏ qua hoặc giảm nhẹ các lỗi vi phạm. Bị can Kim Anh và Hải Anh đã “lật bài ngửa” yêu cầu những nhà thầu này phải đưa tiền cho đoàn thanh tra để bỏ qua lỗi vi phạm. 

Khi trao đổi, yêu cầu về số tiền phải đưa Kim Anh và Hải Anh đều viết ra giấy hoặc đánh số trên máy tính đưa cho họ xem rồi xóa, rất ít khi nói bằng lời để tránh việc bị ghi âm.

 Cũng theo cáo trạng, bị can Kim Anh đã gặp, bàn bạc riêng với một số thành viên trong đoàn thanh tra, thống nhất việc thu tiền và ăn chia số tiền thu được của các đơn vị bị kiểm tra. Theo đó, đối với những nhà thầu do Hải Anh phụ trách kiểm tra thì bị can này sẽ tự quyết định số tiền họ phải nộp theo tỉ lệ % số tiền trên hợp đồng. Hải Anh được chia 1/3 tổng số tiền thu được, còn lại bà Kim Anh được hưởng một nửa và một nửa để chi phí chung cho đoàn thanh tra. 

Còn những dự án do bị can Thùy Linh phụ trách, bà Kim Anh bàn bạc thống nhất sẽ yêu cầu phải nộp 5% trên giá trị hợp đồng đối với nhà thầu tư vấn và 0,15% giá trị hợp đồng đối với nhà thầu thi công kiểm tra về điều kiện năng lực. Tổng số tiền chia được sẽ chia cho Thùy Linh 1/3, số còn lại Kim Anh được hưởng một nửa và một nửa dùng làm chi phí cho đoàn. Cơ quan điều tra đã làm rõ, lần chia tiền đầu tiên diễn ra ngay tại trụ sở Bộ Xây dựng vào tháng 5/2019, bà Kim Anh chia cho Thùy Linh 15 triệu đồng.

 Tương tự, những dự án do bị can Kim Anh trực tiếp phụ trách sẽ yêu cầu phải nộp 5% trên giá trị hợp đồng đối với nhà thầu tư vấn và 0,15% giá trị hợp đồng đối với nhà thầu thi công kiểm tra về điều kiện năng lực.

 Sau khi thu tiền từ các đơn vị, bị can Kim Anh và đồng phạm cùng bóc phong bì, kiểm đếm rồi chia nhau theo tỉ lệ đã thỏa thuận. Số tiền còn lại Kim Anh mang gửi ngân hàng hoặc cất giấu tại tủ gỗ trong phòng làm việc.

 Với thủ đoạn như trên, từ cuối tháng 5/2019 đến ngày 12/6/2019 Kim Anh, Hải Anh đã thu tiền của rất nhiều cá nhân, đơn vị liên quan đến hoạt động thanh tra. Bức xúc trước những việc làm của Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng, một số chủ doanh nghiệp, kế toán xã, cá nhân đã làm đơn tố cáo hành vi sai trái của cán bộ Đoàn thanh tra, cung cấp thông tin cho cơ quan công an để bắt giữ.

 Qua quá trình điều tra, các bị can đã khai nhận tổng số tiền thu được của những người đại diện doanh nghiệp, chủ đầu tư từ hoạt động thanh tra trên địa bàn huyện Vĩnh Tường là trên 2 tỷ đồng, trong đó đối tượng Kim Anh chiếm giữ hơn 1,3 tỷ đồng.

 Cáo trạng xác định, bị can Nguyễn Thị Kim Anh bị xác định là người chủ mưu chỉ đạo điều hành, vừa là người thực hiện tội phạm xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác và tính đúng đắn của hoạt động công vụ gây bức xúc dư luận làm giảm lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp đối với cơ quan thanh tra.

 Viện Kiểm sát nhận định các bị can đã sử dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện ép buộc để chiểm đoạt tài sản của nhiều đơn vị, tổ chức với số tiền đặc biệt lớn. Hành vi phạm tội của các bị can là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. (Vov.vn 20/7, Nguyễn Hiền)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Cuba dỡ bỏ mức thuế 10% với đồng USD

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Cuba Alejandro Gil cho biết, nước này dỡ bỏ mức thuế nói trên bất chấp sự phản đối và biện pháp cấm vận ngày một khắc nghiệt của Mỹ.

 Bắt đầu từ ngày 20/7, Cuba dỡ bỏ thuế 10% đối với việc sử dụng đồng USD, đồng thời mở rộng số mặt hàng có thể được chi trả bằng đồng tiền này, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 và lệnh cấm vận của Mỹ.

 Việc sử dụng đồng USD đã bị đánh thuế từ năm 2004 vì những khó khăn của Chính phủ Cuba trong việc lưu thông đồng tiền này trước các lệnh trừng phạt.

 Cụ thể, người tiêu dùng phải gửi tiền vào một ngân hàng trước khi có thể sử dụng chúng. Theo đó, với 1 USD đặt cọc, khách hàng sẽ chỉ nhận về 90 cent vào thẻ của mình.

 Với việc mức thuế trên được dỡ bỏ từ ngày 20/7, nhu cầu tiêu thụ đồng USD có thể sẽ còn tăng mạnh hơn. Các quy định mới sẽ cho phép các mặt hàng vệ sinh và hàng bách hóa đắt tiền được mua bằng đồng USD ở một số cửa hàng.

 Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Cuba Alejandro Gil cho biết, nước này dỡ bỏ mức thuế nói trên bất chấp sự phản đối và biện pháp cấm vận ngày một khắc nghiệt của Mỹ.

 Theo ông, ngành du lịch, vốn được xem trụ cột chính của nền kinh tế Cuba, đã bị tê liệt trong 4 tháng qua do các biện pháp hạn chế đi lại nhằm khống chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2, và nước này cần đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp để ứng phó với tình huống "ngoài ý muốn". (VTV.vn 20/7)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More