Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 21-4-2020

Post date: 21/04/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.             Thủ tướng: Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội 1

2.             Báo Nga khen ngợi Việt Nam là một trong những nước chống COVID-19 "thành công nhất thế giới". 2

3.             Forbes: Việt Nam là quốc gia có người dân cảnh giác với Covid-19 nhất và tin vào chính phủ nhất 4

CHÍNH SÁCH MỚI 5

4.             Quyết định miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025. 5

5.             Từ 1/5 những trường hợp không được bảo lãnh xe vi phạm đang bị tạm giữ. 5

TIN QUỐC HỘI 6

6.             Khai mạc phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 6

7.             “Giãn cách xã hội không có nghĩa là không làm việc”. 7

8.             Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) 8

9.             Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) 9

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 10

10.          Có hay không “bảo kê” cho sai phạm?. 10

QUẢN LÝ.. 11

11.          Công chức thuế phải cam kết không tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức. 11

12.          Bãi bỏ một số văn bản do bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành. 12

13.          Bộ Xây dựng yêu cầu 12 nguyên cán bộ cao cấp trả lại nhà công vụ. 13

14.          Covid-19: Ngân sách hụt thu, TT-Huế siết chặt xe công, cán bộ đi công tác. 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 15

15.          Luật hóa kết quả thủ tục hành chính trực tuyến. 15

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

16.          Hà Tĩnh: Chủ tịch UBND xã say sưa đánh bạc giữa đại dịch Covid-19. 16

17.          Vĩnh Long: Bị tố tiêu cực trong khu cách ly, hai cán bộ cấp tá bị đình chỉ công tác. 16

18.          Quảng Ninh: Xin lỗi dân vì ứng xử thiếu chuẩn mực. 17

19.          Kiên Giang: Đình chỉ công tác quân nhân phản đối việc cách ly ở Phú Quốc. 18

THẾ GIỚI 19

20.          Slovakia: Chống Covid-19 không cản trở mục tiêu chống tham nhũng. 19

 TIÊU ĐIỂM

Thủ tướng: Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội

Sau 2 ngày nữa, Thủ tướng sẽ có quyết định từng bước nới lỏng giãn cách xã hội. Theo đó, đa số các tỉnh, thành sẽ khôi phục cơ bản các hoạt động kinh tế - xã hội.

 Thông tin trên là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp hàng tuần của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.

 Sau hơn 20 ngày thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, liên tiếp 4 ngày qua, cả nước không ghi nhận người mắc mới COVID-19. Ở hai ổ dịch lớn nhất cả nước, 6 ngày qua, Hà Nội không ghi nhận người mắc mới; còn TP.HCM là 17 ngày. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch đánh giá, dịch COVID-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt và cho thấy hiệu quả của việc thực hiện giãn cách xã hội trong hơn 3 tuần qua.

 Tuy nhiên, do dịch đã lây lan ra cộng đồng như ở thôn Hạ Lôi, Hà Nội, nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào. Do đó, mỗi người dân và chính quyền các địa phương không được chủ quan, lơ là dù so với cách đây gần 3 tháng, hiện đại bộ phận người dân đã có ý thức phòng dịch hơn, còn năng lực ứng phó của ngành y tế cũng như như máy thở, đồ bảo hộ y tế và thuốc điều trị đã có thể đáp ứng được trong tình huống xấu nhất.

 Hiện chỉ còn 28 tỉnh, thành thuộc nhóm có nguy cơ cao và có nguy cơ thực hiện giãn cách xã hội đến hết ngày 22/4. Mặc dù từ giữa tuần này, Việt Nam có thể bước sang giai đoạn chung sống an toàn với dịch COVID-19 và phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó nhóm tỉnh, thành có nguy cơ cao và nguy cơ sẽ giảm thấp hơn nữa và phần lớn sẽ trở lại hoạt động bình thường, tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn nhấn mạnh tới yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, cũng như không ra nơi công cộng, không tập trung đông người nếu không cần thiết.

 Các lễ hội, sự kiện thể thao chưa được tổ chức. Các vũ trường, quán karaoke, massage làm đẹp hoặc cửa hàng, siêu thị tập trung quá đông người cũng chưa được phép hoạt động trở lại. Để từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường nhưng vẫn đảm bảo phòng chống được COVID-19, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch nghiên cứu quy định hoạt động của các xe vận tải hành khánh liên tỉnh, cũng như quy định giới hạn số người trong mỗi chiếc xe khách công cộng. Sau đó, cần nghiên cứu chặt chẽ nước nào Việt Nam sẽ nối lại giao lưu, đi lại trước, nước nào cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý sửa đổi Nghị quyết của Chính phủ về việc cho phép xuất khẩu trang y tế nhiều hơn sau khi Việt Nam đã mua đủ số dự trữ. Đồng thời, Thủ tướng tiếp tục giao các Bộ có liên quan, phối hợp quyết định cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón người Việt Nam về nước theo các tiêu chí ưu tiên, phù hợp với khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly và tổ chức các chuyến bay. (VTV.vn 20/4)Về đầu trang

Báo Nga khen ngợi Việt Nam là một trong những nước chống COVID-19 "thành công nhất thế giới"

Trang tin Rusvesna (Nga) hôm 19/4 vừa qua đã đăng tải một bài viết khen ngợi các biện pháp chống dịch COVID-19 hiệu quả của Việt Nam.

 Trong bài viết vừa được đăng tải hôm 19/4 vừa qua có tiêu đề "Việt Nam nhiệm màu - Cách một dân tộc dũng cảm đánh bại một đại dịch khủng khiếp dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước", trang tin Rusvesna (Mùa xuân nước Nga ) đã viết về thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19).

 Ngay từ phần mở đầu bài báo, tác giả bài viết đã khẳng định rằng Việt Nam là "một trong những ví dụ thành công nhất thế giới" trong cuộc chiến chống COVID-19. Cụ thể, mặc dù Việt Nam có gần 100 triệu dân; mật độ dân số dày đặc; có vị trí địa lý ngay sát Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh; nhưng đến nay tổng số ca nhiễm COVID-19 mới chỉ dừng lại ở ngưỡng hơn 260 trường hợp, trong đó đã có hơn 200 người được chữa khỏi bệnh.

 Bên cạnh đó, Rusvesna cũng đã đề cập tới tỉ lệ lây nhiễm thấp và số ca tử vong do COVID-19 bằng 0 như những minh chứng rõ ràng cho thấy thành công của Việt Nam so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tính đến ngày 20/4, Việt Nam đã trải qua tròn 4 ngày không có ca nhiễm mới.

 Theo Ruvesna, Việt Nam có được thành công ngày hôm nay là nhờ Đảng và Chính phủ Việt Nam đã vào cuộc từ rất sớm. Trang tin này đã trích dẫn lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh".

 "Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức cho công việc hệ trọng này" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

 Trang tin của Nga khẳng định rằng tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã được "kiểm soát tốt": Người dân tại các vùng dịch được xét nghiệm nhanh chóng sau khi phát hiện ca bệnh, các phương án kiểm dịch được tổ chức kịp thời, các ca nhiễm được phát hiện từ sớm, và rất nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi.

 Một yếu tố khác đã đem lại thành công cho Việt Nam trong cuộc chiến này là những kinh nghiệm quý báu chúng ta đã có được từ những đợt bùng phát dịch trước đây như đại dịch SARS năm 2003 hay dịch cúm gia cầm H5N1 năm 2004. Việt Nam đã nhanh chóng khoanh vùng, triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ngay sau khi phát hiện các ca dương tính đầu tiên.

 Chiều ngày 27/1, chủ trì cuộc họp về dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh khẩu hiệu: "Chống dịch như chống giặc. Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc".

 Báo Ruvesna bình luận rằng chính sự minh bạch và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giúp giảm thiểu đáng kể số ca nhiễm bệnh. Ngay cả khi có làn sóng ca nhiễm "nhập khẩu" trở về từ nước ngoài, Việt Nam đã xử lý tốt nguy cơ và tránh được nguy cơ trở thành "điểm nóng" dịch COVID-19. Điều quan trọng là "người dân Việt Nam ủng hộ các biện pháp chống dịch COVID-19 của chính phủ".

 Khác với Hàn Quốc - đất nước có nguồn lực kinh tế lớn và có thể tiến hành xét nghiệm đại trà trên diện rộng khi dịch bùng phát mạnh, Việt Nam đã lựa chọn phương án xét nghiệm có chọn lọc, khoanh vùng, cách ly các ổ dịch và theo dõi các trường hợp người tiếp xúc được phân loại thành các cấp độ từ F1 (gần nhất) tới F4.

 Tính đến thời điểm bài viết được đăng tải, Việt Nam đã tiến hành hơn 120.000 xét nghiệm COVID-19 - đây là một con số không hề nhỏ. Báo Ruvesna cho biết Việt Nam có thể làm được điều này là nhờ các nhà khoa học trong nước đã phát triển và sản xuất được bộ kit xét nghiệm có giá thành hợp lý (khoảng 15 USD). Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng có nhu cầu sử dụng bộ kit xét nghiệm của Việt Nam.

 Bên cạnh đó, cũng phải kể đến việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với những người đến/trở về từ vùng dịch; cùng với đó là chiến lược huy động nguồn lực của Việt Nam - từ các sinh viên ngành y tới các bác sĩ đã nghỉ hưu, từ quân đội tới những người dân bình thường cũng tham gia vào cuộc chiến với COVID-19 với ý thức trách nhiệm cao. Việt Nam cũng đã quyết định không mở cửa lại trường học sau kì nghỉ tết Nguyên đán để ngăn virus lây lan.

 Tất cả các biện pháp nói trên đều được thực hiện sớm hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, và gần như cùng thời điểm với Trung Quốc, theo Ruvesna. Đầu tháng 4, chính phủ Việt Nam đã quyết định ban bố chỉ thị cách ly toàn xã hội với các quy định chặt chẽ - một biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

 Các chuyên gia nước ngoài cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng "hệ thống y tế của Việt Nam hoạt động rất hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh", theo Ruvesna.

 Ngoài ra, bài báo của Nga cũng đã đề cập tới các biện pháp hỗ trợ kinh tế của chính phủ Việt Nam được công bố ngay từ đầu tháng 3, và kết luận rằng những biện pháp này sẽ giúp Việt Nam giữ vững vị trí là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, dù phải chịu ít nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh. (Toquoc.vn 20/4, Hồng Anh)Về đầu trang

Forbes: Việt Nam là quốc gia có người dân cảnh giác với Covid-19 nhất và tin vào chính phủ nhất

Điều này được Forbes đánh giá là rất thú vị vì cho đến nay Việt Nam chỉ có 268 trường hợp được xác nhận dương tính và không có trường hợp tử vong nào, nhưng người Việt Nam lại rất cảnh giác với dịch bệnh.

 Trong tháng qua, Công ty khảo sát YouGov đã khảo sát mức độ cảnh giác với Covid-19 tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Dữ liệu gần đây nhất cho thấy Việt Nam là quốc gia quan tâm nhất về Covid-19; 89% người dân Việt Nam tham gia khảo sát trả lời rằng họ lo ngại về Covid-19.

 Điều này được Forbes đánh giá là rất thú vị vì cho đến nay Việt Nam chỉ có 268 trường hợp được xác nhận dương tính và không có trường hợp tử vong nào.

 Thông kê YouGov cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có người dân tin vào chính quyền nhất với 95% những người tham gia khảo sát nói rằng Chính phủ Việt Nam đang làm tốt việc phòng chống đại dịch.

 Dữ liệu của YouGov cũng cho thấy Phần Lan hiện là quốc gia có ít nỗi sợ Covid-19 nhất. Chỉ có 38% người Phần Lan là những người rất quan ngại hoặc có một chút sợ hãi rằng sẽ mắc phải căn bệnh này.

 Theo một cuộc thăm dò gần đây do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện, 65% người Mỹ tin rằng Tổng thống Trump quá chậm chạp trong việc thực hiện các bước chính để giải quyết mối đe dọa của Covid-19.

 Điều thú vị hơn là cách các câu trả lời thay đổi theo từng Đảng. Trong khi Đảng Dân chủ thống nhất rằng phản ứng của ông Trump quá chậm, thì mức độ chỉ trích của Đảng Cộng hòa phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự bùng phát trong cộng đồng địa phương của họ. Hơn 40% những người theo Đảng Cộng hòa sống ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề đồng ý rằng ông Trump làm quá chậm.

 Khi nghĩ về những vấn đề mà đất nước phải đối mặt do hậu quả của Covid-19, 73% người Mỹ tin rằng điều tồi tệ nhất vẫn sẽ đến. Câu trả lời cho câu hỏi này cũng khác biệt ở hai đảng. Chỉ 56% Đảng Cộng hòa nghĩ rằng điều tồi tệ nhất vẫn sẽ đến so với 87% của Đảng Dân chủ. (Cafef.vn 20/4, Hoàng An)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Quyết định miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội dự án Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm từ 2021 đến 2025.

 Theo Chính phủ, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách Nhà nước, do đây là chính sách đã được thực hiện từ 2001.

 Với số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. (VTV.vn 20/4)Về đầu trang

Từ 1/5 những trường hợp không được bảo lãnh xe vi phạm đang bị tạm giữ

Nghị định mới quy định 4 trường hợp không được xem xét đặt tiền bảo lãnh để giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

 Nghị định 31/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/5/2020.

 So với các quy định trước đây, Nghị định số 31 có điểm mới nổi bật là việc sửa đổi quy định giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

 Theo đó, quy định 04 trưng hợp không được xem xét đặt tiền bảo lãnh để giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản:

 + Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự;

 + Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông;

 + Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa;

 + Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.

 Hiện hành quy định bao gồm cả trường hợp phương tiện giao thông đang được đăng ký giao dịch bảo đảm.

 Ngoài ra, Nghị định còn quy định về khấu trừ tiền đặt bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính:

 Trong thời hạn 10 ngày, từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh. (Toquoc.vn 20/4, Y Vân)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Khai mạc phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 20.4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 44.

 Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, căn cứ tình hình thực tế trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh Phiên họp thứ 44 lùi một tuần so với kế hoạch ban đầu.

 Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án luật: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (cho ý kiến lần 2) và Luật Thanh niên (sửa đổi). Đồng thời xem xét, cho ý kiến để xem xét trình Quốc hội lần đầu đối với 4 dự án luật, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thỏa thuận quốc tế và Luật Cư trú (sửa đổi).

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội và việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Cho ý kiến việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín và 2 nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

 Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định hoặc cho ý kiến: Việc phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019. Việc thành lập 3 thị xã thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định. Việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện một số hạng mục bổ sung một số dự án. Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng. Việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí, điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang một số đơn vị liên quan và cho ý kiến về Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

 Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành của Chính phủ đã nỗ lực, tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chủ động điều chỉnh linh hoạt cách thức làm việc phù hợp (trong đó có một số Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức họp trực tuyến để tiến hành thẩm tra bảo đảm nội dung trình tại phiên họp này). Một khối lượng lớn các nội dung đã được chuẩn bị để trình ra phiên họp, bảo đảm cho việc chuẩn bị được chu đáo các nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín. Tuy nhiên, với việc chuẩn bị tài liệu còn thiếu nhiều khi đã khai mạc Phiên họp thứ 44, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị tài liệu cho phiên họp 45 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và kỳ họp thứ Chín của Quốc hội sắp tới.

 Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần khẩn trương của Chính phủ trong việc tiếp thu các ý kiến tại phiên họp bất thường sáng 8.4.2020 và kịp thời ban hành Nghị quyết, nhanh chóng chỉ đạo triển khai gói an sinh xã hội này đến những người dân đang gặp khó khăn do dịch COVID-19. (Daibieunhandan.vn 20/4, Trung Thành)Về đầu trang

“Giãn cách xã hội không có nghĩa là không làm việc”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh điều này khi phát biểu khai mạc phiên họp 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 20/4.

 Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan Quốc hội và Chính phủ trong việc phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh chương trình làm việc linh hoạt, phù hợp.

 Trong đó, các Uỷ ban của Quốc hội đã họp trực tuyến để thẩm tra, đảm bảo nội dung trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều nội dung lớn cũng được chuẩn bị theo cách thức làm việc mới, trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

 Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dù Phiên họp lùi hơn một tuần do ảnh hưởng của dịch bệnh, trước đó Tổng Thư ký Quốc hội cũng có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan bằng hình thức làm việc phù hợp chuẩn bị kịp thời các nội dung nhưng đến hôm nay vẫn còn thiếu một số tài liệu.

 “Điều này cần chú ý. Trong thời gian giãn cách không có nghĩa là không làm việc, để công việc ách tắc. Phải thay đổi phương thức làm việc” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

 Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao tinh thần khẩn trương của Chính phủ trong tiếp thu ý kiến tại phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sớm triển khai gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

 Theo chương trình phiên họp, từ ngày 20-23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 5 dự án luật, gồm: Dự án luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (cho ý kiến lần 2); Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

 Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội; Phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

 Đặc biệt là cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức và Báo cáo chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 14.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự phòng thời gian để xem xét các nội dung nếu đủ điều kiện. (VOV.vn 20/4, Ngọc Thành)Về đầu trang

Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Sáng 20.4, ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành Phiên họp.

 Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về áp dụng luật và điều ước quốc tế (Điều 3), sau phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách đề xuất 2 phương án. Theo đó, phương án 1: Quy định nội dung Khoản 2 Điều 3 tại dự thảo Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.

 Với phương án 2, dự thảo Luật không quy định nội dung Khoản 2, Điều 3 vì không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư theo phương thức PPP tương đối cụ thể, không bị chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của các luật khác nên không cần thiết có quy định về ưu tiên áp dụng pháp luật. Trường hợp cần ưu tiên áp dụng Luật Đầu tư theo phương thức PPP so với các luật khác tại các nội dung cụ thể của Luật Đầu tư theo phương thức PPP thì cần chỉ rõ tại điều khoản quy định về nội dung đó.

 Theo báo cáo tổng hợp ý kiến các ĐBQH hoạt động chuyên trách cho thấy, có 8 ý kiến nhất trí phương án 1 và 7 ý kiến nhất trí phương án 2.

 Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, nếu giữ quy định Khoản 2, Điều 3: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này” sẽ dẫn đến việc không thống nhất với nguyên tắc áp dụng pháp luật được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kinh nghiệm cho thấy, trong một số trường hợp sẽ dẫn đến vướng mắc khi pháp luật không quyết định được luật nào là luật áp dụng nếu có Khoản 2, Điều 3. Như vậy, có thể xảy ra tranh chấp, nhất là tranh chấp liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, sẽ rất khó giải quyết. Chỉ ra điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đền nghị cân nhắc không quy định Khoản 2, Điều 3 trong dự thảo Luật.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, cần rà soát các luật có liên quan đến dự thảo Luật này. Nếu những nội dung có đặc thù riêng, thì quy định cụ thể ngay trong Luật, hoặc những quy định các luật trước đã ban hành có quy định thống nhất rồi, thì cũng chỉ rõ ngay trong dự thảo Luật này để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh xảy ra tình trạng không quyết định được áp dụng luật nào khi điều luật được thông qua.

 Cũng trong phiên họp sáng 20/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). (Daibieunhandan.vn 20/4, Trung Thành)Về đầu trang

Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 20.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

 Trình bày Tờ trình dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế. Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; đồng thời, điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

 Theo đó, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 chương và 79 Điều, giảm 1 điều so với Luật hiện hành; bãi bỏ 7 Điều, bổ sung mới 8 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều trong tất cả các chương.

 Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo quan tâm thêm 3 vấn đề. Một là, tiếp tục rà soát thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đối với doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động trong lĩnh vực này trên cơ sở nguyên tắc của thị trường.

 Hai là, dự án Luật chưa bảo đảm sự thống nhất giữa Tờ trình, mục đích, mục tiêu, sự cần thiết sửa đổi Luật, Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách với các nội dung của dự án Luật; một số nội dung lý giải chưa thể hiện bản chất của việc sửa đổi căn cơ, toàn diện và chưa bám sát các mục tiêu chính sách. Ba là, dự thảo Luật chưa làm rõ được yêu cầu tạo thuận lợi, hỗ trợ, bảo vệ đối với người lao động mà thiên về việc “bảo vệ” đối với cơ quan quản lý nhà nước.

 Về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, về cơ bản, dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, điều ước và cam kết quốc tế, Thường trực Ủy ban đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát mối quan hệ giữa dự thảo Luật với quy định của các luật hiện hành và các dự án Luật mà Quốc hội đang cho ý kiến. Tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có kế hoạch phê chuẩn, chuẩn bị gia nhập trong thời gian tới. Đặc biệt, cần quan tâm, nghiên cứu các ý kiến góp ý sơ bộ của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam về vấn đề này. Bên cạnh đó, đề nghị quan tâm thêm việc hài hòa hóa với pháp luật của các nước tiếp nhận lao động.

 Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). (Daibieunhandan.vn 20/4, Trung Thành)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Có hay không “bảo kê” cho sai phạm?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Dương và Nguyễn Xuân Đường (vợ chồng "đại gia" Đường Nhuệ) ở Thái Bình để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Cố ý gây thương tích”. Quá trình mở rộng điều tra, một số cán bộ sở của tỉnh này cũng đã bị bắt tạm giam. Câu hỏi đặt ra là, có hay không tình trạng “bảo kê”, tiếp tay cho hành vi phạm tội của các đối tượng này?

 Vụ án Đường Nhuệ đang giành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đối tượng không chỉ có thái độ côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác mà trước đó, dù có hành vi vi phạm pháp luật nhưng “vô can”. Trước khi bị bắt ở thời điểm này, đối tượng Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn bị tố cáo đã có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tật 15%.

 Điều đáng nói, nạn nhân bị đánh tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình khi đó đã khởi tố hình sự để điều tra về hành vi "cố ý gây thương tích", nhưng chính cơ quan này sau đó đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vì lý do "chưa xác định được bị can trong vụ án; đã hết thời hạn điều tra". Câu hỏi đặt ra là, vì sao trong vụ án này lại không xác định được bị can? Lý do tạm đình chỉ điều tra có thực sự thuyết phục? Có hay không sự can thiệp trái pháp luật trong trường hợp này?

 Không chỉ dừng lại ở đó, quá trình mở rộng điều tra vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với 4 đối tượng có liên quan của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự. Những người này bị điều tra để làm rõ có liên quan đến việc giúp Đường Nhuệ trúng đấu giá một số dự án trên địa bàn tỉnh hay không.

 Tình trạng tiêu cực trong đấu giá đất đai đã được nói nhiều trong thời gian qua. Với thủ đoạn “quân xanh, quân đỏ”,  hay các đối tượng nhiều tiền “móc nối” với một số cán bộ, công chức nhà nước để thao túng phiên đấu giá đất. Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) từng thẳng thắn, nhiều cuộc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bất động sản hiện nay đang bị chi phối bởi một nhóm đối tượng, chúng ta quen gọi là “cò”, thậm chí có cả “xã hội đen”. Mặc dù, các đối tượng này không tham gia trực tiếp nhưng vẫn bằng mọi cách uy hiếp những người tham gia đấu giá để chi phối làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá, thu lời bất chính, đồng thời vô hiệu hóa các quy định pháp luật của nhà nước, gây hoang mang cho người dân.

 Rõ ràng sự “bắt tay” giữa cán bộ, công chức, viên chức với những đối tượng này đã ảnh hưởng đến tính minh bạch trong các cuộc đấu giá đất, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Việc 4 cán bộ của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình có hay không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình đấu giá đất để có lợi cho Đường Nhuệ, gây thất thoát tài sản nhà nước sẽ được cơ quan điều tra làm rõ.

 Nhận định về vụ án này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ nêu rõ, đây là vụ án được dư luận xã hội rất quan tâm. Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội “cố ý gây thương tích” của các đối tượng. Bên cạnh đó, cần mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất “xã hội đen” của nhóm đối tượng này, đã được các cơ quan báo chí thông tin trong những ngày qua, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Đồng thời, báo cáo kết quả điều tra bước đầu lên Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ trước ngày 30.4.2020 để tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 Việc mở rộng điều tra vụ án là rất cần thiết để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, không để lọt tội phạm. Điều mà cử tri và dư luận quan tâm là cơ quan điều tra cần làm rõ, có hay không tình trạng “bảo kê” cho sai phạm chồng sai phạm của Nguyễn Xuân Đường. Nếu có thì ai là người đã “bảo kê”? Mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai! (Daibieunhandan.vn 20/4, Hà An)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Công chức thuế phải cam kết không tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức

Thủ trưởng các đơn vị triển khai ký bản cam kết đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động của đơn vị theo 6 điều cam kết, trong đó phải cam kết không tham nhũng, hối lộ. Nếu vi phạm một trong các điều này thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.

 Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân trong công việc và tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản, chỉ đạo về vấn đề này.

 Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động công vụ, vẫn còn hiện tượng vi phạm pháp luật của công chức, do đó Tổng cục Thuế yêu cầu cục trưởng các cục thuế, tỉnh, thành phố, thủ trưởng các vụ/đơn vị tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu quả phòng ngừa hoạt động công vụ và uy tín của công chức ngành Thuế theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

 Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của công chức, viên chức trong đơn vị, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ cương của ngành, gây phiền hà, nhũng nhiễu, vụ lợi trong khi thi hành công vụ.

 Thủ trưởng các đơn vị triển khai ký bản cam kết đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động của đơn vị. Thực hiện phổ biến quán triệt đối với các công chức, viên chức làm nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp với người nộp thuế, khi tiếp xúc phải từ hai người trở lên tại địa điểm cơ quan thuế hoặc trụ sở người nộp thuế.

 Trường hợp tiếp xúc tại trụ sở người nộp thuế phải nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra và thủ trương đơn vị phải thông báo rõ quy định này khi ban hành quyết định thanh, kiểm tra.

 Trường hợp vi phạm các quy định trên và các điều đã ký tại bản cam kết, thủ trưởng cơ quan thuế các cấp tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm theo tính chất, mức độ vi phạm và quy định pháp luật. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm tại đơn vị do mình quản lý, phụ trách./. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 19/4, VD – NM) Về đầu trang

Bãi bỏ một số văn bản do bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 1/2020 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-6 tới.

 Theo đó, một số văn bản quy phạm pháp luật do bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành sẽ bị bãi bỏ.

 Cụ thể là Thông tư số 01/2011 hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, Thông tư số 07/2012 hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan.

 Thông tư số 01/2019 quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức cũng nằm trong danh sách văn bản bị bãi bỏ.

 Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành thông tư này. (PLo.vn 19/4, Dương Dung) Về đầu trang

Bộ Xây dựng yêu cầu 12 nguyên cán bộ cao cấp trả lại nhà công vụ

Bộ Xây dựng cho biết vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu cán bộ yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ.

 Chiều 20.4, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này vừa có thông báo gửi 12 cựu cán bộ yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. 

Các cựu quan chức cấp cao này được Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức. Theo quy định, sau khi nghỉ hưu phải trả lại nhà công vụ cho nhà nước.

 Được biết thông báo yêu cầu trả nhà công vụ đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 vị cựu quan chức này nhiều lần nhưng đến nay việc trả nhà vẫn chưa được thực hiện. "Chúng tôi công khai vấn đề này và thực hiện theo quy định", ông Sinh khẳng định.

 Tại quyết định 27 năm 2015 của Thủ tướng về tiêu chuẩn nhà công vụ, hầu hết các cựu quan chức nêu trên đều có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác từ 1,3 trở lên, đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc chức danh tương đương hàm thứ trưởng, có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị là căn hộ loại 2, diện tích sử dụng từ 100 - 115m2.

 Các căn hộ công vụ này được Nhà nước trang bị nội thất như: bàn ghế, kệ tivi phòng khách, máy điều hòa nhiệt độ các phòng, bộ bàn ghế phòng ăn, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, đệm, máy giặt, bình nóng lạnh và một bộ bàn ghế làm việc… (Laodong.vn 20/4, Cường Ngô)Về đầu trang

Covid-19: Ngân sách hụt thu, TT-Huế siết chặt xe công, cán bộ đi công tác

Trước tình trạng khả năng ngân sách hụt thu lớn do dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo triệt để tiết kiệm khi sử dụng ngân sách, trong đó có các khoản chi phí xe công, cán bộ đi công tác…

 Ngày 20/4, theo tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa ban hành Chỉ thị số 9/CT-UBND về việc tăng cường các giải pháp điều hành chi chặt chẽ nhằm đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước trước khó khăn do dịch Covid-19. 

 Theo chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp ở tỉnh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Hoạt động du lịch ở tỉnh gặp khó khăn do tình trạng hủy tour, hủy phòng, các dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận chuyển giảm sút; sức mua tại các siêu thị và chợ trung tâm cũng bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến khả năng ngân sách địa phương sẽ hụt thu lớn, gây nguy cơ mất cân đối ngân sách nhà nước tỉnh nói chung và các huyện, thị xã và thành phố ở tỉnh nói riêng.

 Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát nguồn thu ngân sách, xây dựng phương án điều hành chi ngân sách theo phương châm “thu giảm, chi giảm”. Các địa phương xây dựng chi tiết kịch bản điều hành thu, chi ngân sách trong trường hợp dịch Covid-19 kết thúc trong tháng 6/2020 hoặc muộn hơn trong tháng 9/2020, xác định cụ thể các nhiệm vụ cần ưu tiên đảm bảo kinh phí theo dự toán đầu năm, các nhiệm vụ cần sắp xếp cắt giảm để phù hợp với khả năng thu ngân sách.

 Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao UBND các cấp thực hiện quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao, không bổ sung ngoài dự toán đầu năm, trừ một số trường hợp đặc biệt cấp bách. Trước mắt, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh điều hành, sử dụng dự phòng ngân sách trong phạm vi 50%, tạm giữ lại 50%; UBND cấp huyện điều hành, sử dụng 40% dự phòng ngân sách và tạm giữ lại 60% để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách giảm lớn hoặc chi phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai.

 Trên cơ sở ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh, thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2020 của các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ ngành y tế) cấp tỉnh và các huyện, không bao gồm các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, chi cho con người theo chế độ, chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các khoản chi đặc thù khác. UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo UBND tỉnh quyết định mức tiết kiệm cụ thể cho từng đơn vị dự toán cấp I và UBND huyện. Đối với chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân để có phương án cắt giảm các công trình, dự án chưa thực sự cấp bách với tổng mức tối thiểu là 120 tỷ đồng.

 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách phải triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Từ nay đến cuối năm không đề xuất bổ sung kinh phí các đề án, chương trình, dự án hoặc chế độ, chính sách mới, nâng định mức làm tăng chi ngân sách; hạn chế việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước, giảm chi chuyển nguồn sang năm sau.

 Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, đối với hoạt động đi công tác nước ngoài, thực hiện rà soát để dừng các đoàn đi công tác nước ngoài không thực sự cần thiết; tạm hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài trong thời điểm hiện nay. Rà soát việc tổ chức các đoàn công tác trong nước theo tinh thần triệt để tiết kiệm, không kết hợp đi công tác với tham quan, du lịch.

 Đối với chi phí xăng, dầu, xây dựng quy chế sử dụng xe chặt chẽ, có sự kiểm tra, giám sát của các bộ phận có liên quan. Không sử dụng xe ô tô công đưa đón cán bộ không có tiêu chuẩn từ nơi ở tới nơi làm việc và ngược lại, không sử dụng xe ô tô công vào việc riêng; đẩy nhanh việc thực hiện khoán xe ô tô công phục vụ công tác. 

 Chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, lễ kỷ niệm, động thổ, khởi công, khánh thành công trình, dự án phải hạn chế tình trạng phô trương, hình thức, tiếp khách gây lãng phí; hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung, tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến… (Danviet.vn 20/4, Trần Hòe)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Luật hóa kết quả thủ tục hành chính trực tuyến

Nghị định 45/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sẽ có hiệu lực từ ngày 22.5.2020. Đây là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; cấp song song kết quả giải quyết thủ tục hành chính dưới dạng điện tử với kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; công nhận giá trị pháp lý của kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử.

 Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến đã triển khai được một thời gian tương đối dài, nhằm hướng tới nền hành chính hiện đại, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và chính cơ quan quản lý. Tuy nhiên, các quy định thủ tục hành chính thực hiện theo hình thức trực tuyến mới chỉ được quy định ở một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, y tế, lao động… Do thiếu một quy định khung về việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường điện tử, nên trong cách tiến hành đã bộc lộ không ít những điểm chưa hợp lý. Từ việc chứng minh tính chính danh của người thực hiện; tính chính xác, hợp pháp của tài liệu; việc công nhận và sử dụng lại kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử… đến hỗ trợ lưu trữ thông tin trên hệ thống Cổng dịch vụ công. Điều này, dẫn đến tâm lý không tin tưởng, yên tâm khi thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến của người dân, tổ chức.

 Nghị định 45/2020 đã giải quyết được thực tế trên. Bởi, nó đã hình thành khung pháp lý cho việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Bao gồm, việc đăng nhập và công nhận tính pháp lý của chủ thể trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; các hình thức của hồ sơ trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; kho lưu trữ điện tử của cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến... Trên cơ sở các nguyên tắc chung đó, Nghị định giao các bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện giải pháp bảo đảm phương thức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

 Đặc biệt, Nghị định 45/2020 đã quy định về quy trình và cơ chế kiểm soát chất lượng cung cấp phương thức thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến cho tổ chức, cá nhân. Hiện nay, mỗi bộ, ngành, địa phương tự xây dựng các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết, không có cơ chế kiểm soát chất lượng dẫn đến tình trạng cùng một thủ tục hành chính song việc cung cấp thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến có sự khác biệt giữa các địa phương... Khi có quy trình chung sẽ giúp cho việc lựa chọn đúng các thủ tục hành chính phù hợp, từ đó góp phần giảm lãng phí về thời gian, công sức của các cơ quan nhà nước trong quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

 Như vậy, với việc quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc số hóa hồ sơ, tài liệu và cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải thay đổi cách quản lý dữ liệu từ thủ công truyền thống sang quản lý điện tử, số hóa các dữ liệu quản lý. Đây là tiền đề cho sự thay đổi về phương thức phục vụ, hướng đến phương thức phục vụ tại nhà, qua các thiết bị điện tử thông minh để đáp ứng các giao dịch giữa người dân và cơ quan nhà nước.

 Để góp phần xây dựng niềm tin cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, Nghị định cũng quy định rõ các hành vi không được làm của cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử như cản trở việc lựa chọn phương thức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của tổ chức, cá nhân; yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp giấy tờ, tài liệu bằng văn bản giấy để xác minh, kiểm tra đối với các thành phần hồ sơ đã được ký số và ghi nhận tính pháp lý trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính… (Daibieunhandan.vn 20/4, Đình Khoa)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hà Tĩnh: Chủ tịch UBND xã say sưa đánh bạc giữa đại dịch Covid-19

Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông Phạm Đại Dũng, Chủ tịch UBND xã Hương Lâm, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) lại thản nhiên tụ tập các chiến hữu sát phạt nhau trên chiếu bạc.

 Hình ảnh mà người dân cung cấp cho thấy, ông Phạm Đại Dũng- Chủ tịch xã Hương Lâm tham gia đánh bài với gần chục con bạc khác.

 Các đối tượng tham gia sát phạt nhau bằng hình thức “giật liêng”. Mỗi ván các con bạc “dâm tẩy” (xuống tiền) mức thấp nhất là 50.000 đồng, số tiền giật liêng có thể lên đến hàng trăm ngàn, thậm chí có hàng triệu đồng. Trong hình ảnh, ông Dũng tham gia phát bài, đếm tiền, thậm chí buồn rầu khi thua ván.

 Theo người dân cung cấp thông tin, "sòng bạc" có sự tham gia của ông Dũng mà họ ghi lại là nhà của một hộ dân trên địa bàn xã Hương Lâm. Thời điểm bị ghi hình là vào trung tuần tháng 4/2020.

 Theo phản ánh của người dân, nhà ông Dũng ở xã Phúc Trạch, cách xã Hương Lâm khoảng 8km. Thời điểm bị ghi hình, ông Dũng không về nhà, mà ở lại nơi công tác để trực phòng chống dịch Covid-19.

 Được biết, trước khi được Ban thường vụ Huyện ủy Hương Khê điều chuyển giữ chức Chủ tịch UBND xã Hương Lâm, ông Phạm Đại Dũng là Phó Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Hương Khê; trước đó ông là Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch.

 Hiện người dân đã gửi nhiều hình ảnh ông Dũng tham gia đánh bạc tại địa phương tới lãnh đạo Huyện ủy Hương Khê.

 "Ông Dũng là một lãnh đạo của địa phương, nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chúng tôi mong muốn Huyện ủy Hương Khê và Cơ quan điều tra vào cuộc xử lý nghiêm minh..."- người dân cung cấp thông tin cho hay. (Dantri.com.vn 20/4, Nhóm PV)Về đầu trang

Vĩnh Long: Bị tố tiêu cực trong khu cách ly, hai cán bộ cấp tá bị đình chỉ công tác

Sau khi bị tố có tình trạng tiêu cực tại khu cách ly phòng, chống Covid-19, hai cán bộ cấp tá của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long bị tạm đình chỉ công tác.

 Ngày 20/4, trao đổi với báo chí, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Long - cho biết, đã đình chỉ công tác 2 cán bộ là Thượng tá Nguyễn Hoàng Minh - Phó chủ nhiệm Hậu cần và Trung tá Đặng Văn Ngoan - Trưởng ban Quân y (thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Long) để điều tra làm rõ thông tin tố cáo có nhiều tiêu cực trong quản lý, điều hành tại khu cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long (xã Mỹ Loan, huyện Tam Bình).

 “Sau khi điều tra làm rõ sẽ xử lý nghiêm và thông tin với báo chí những việc làm cụ thể của 2 cán bộ này và những người có liên quan”, ông Ngời thông tin.

 Hai cán bộ trên được cho là có liên quan đến tình trạng ăn nhậu của một số thanh niên trong khu cách ly và tự tiện thông báo vận động tiếp nhận tiền, vật chất của người đang cách ly tập trung.

 Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long có báo cáo và khẳng định đây là cách làm tự tiện của ông Minh và ông Ngoan, không có sự chỉ đạo nào từ Ban chỉ đạo phòng chống tịch Covid-19 cũng như của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.

 Trước đó, ngày 23/3, chuyến bay từ Australia về Việt Nam chở hơn 240 người đã hạ cánh tại sân bay Cần Thơ. Sau đó, 231/240 hành khách đã được đưa về cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long để phòng dịch Covid-19.

 Trong thời gian cách ly tại đây, một số người có đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo việc cán bộ tại khu cách ly buông lỏng để xảy ra tình trạng nhậu nhẹt của một số thanh niên. Sự việc sau đó được báo lãnh đạo khu cách ly nhưng không được giải quyết.

 Đáng nói, cán bộ tại đây còn tự tiện ra thông báo vận động tiếp nhận tiền, vật chất của người bị cách ly và cử một người người đứng ra gom tiền. (Dantri.com.vn 20/4, Lan Anh)Về đầu trang

Quảng Ninh: Xin lỗi dân vì ứng xử thiếu chuẩn mực

Ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, cho biết chiều 19/4 đã đến gia đình chị Chinh, trú phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, xin lỗi. "Chị Chinh đã chấp nhận và thừa nhận sai phạm của mình khi bán hàng rong, vi phạm quy định về trật tự đô thị", ông Nam nói.

 Ông Nam đã hướng dẫn chị Chinh nếu muốn bán hàng ổn định thì làm đơn có xác nhận của chính quyền. Phường sẽ làm việc với ban quản lý chợ bố trí cho chị vào bán hàng, không được bán hàng rong và vi phạm nhiều lần như thời gian qua. Chị Chinh có trách nhiệm đến phường để tiến hành thủ tục xử lý hành chính.

 Về phía UBND phường Bãi Cháy, ông Nam cho hay đã họp, chấn chỉnh tác phong, cách ứng xử của lực lượng đi làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đô thị. Việc xử lý cụ thể sẽ thuộc thẩm quyền của thành phố.

 Theo lãnh đạo phường Bãi Cháy, nhiều lần phát hiện chị Chinh bán hàng rong, tổ công tác của phường đã nhắc nhở. Chiều 16/4, tổ công tác phát hiện chị này đang bán hàng rong tại tổ 2, khu 7 nên lập biên bản tạm giữ xe và hàng hóa 7 ngày. Tại phường, chị Chinh không ký vào biên bản vi phạm hành chính. 

Đến chiều 18/4, tại tổ 3, khu 7, tổ công tác lại phát hiện chị Chinh chạy chiếc xe khác không biển số, không giấy tờ để bán rau. Tổ này tiếp tục tạm giữ phương tiện và hàng hóa. Lần này chị Chinh không ký vào biên bản vi phạm.

 Bà Lê Thị Hiền, Phó chủ tịch phường Bãi Cháy, đã dùng điện thoại quay lại cảnh tổ công tác xử lý chị Chinh. Video sau đó xuất hiện trên mạng xã hội, cho thấy chị Chinh gào khóc, van xin không thu giữ xe chở rau. Còn bà Hiền vừa quay video, vừa chỉ đạo tổ công tác thu giữ xe, hàng hóa, xưng hô "mày tao" với chị Chinh, nói chị "có bị điên không".

 Bà Vũ Thị Mai Anh, Phó bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết đã giao Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra thành phố kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của Đảng đối với đảng viên và đề xuất hình thức xử lý, báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 25/4. (Giaoducthoidai.vn 20/4) Về đầu trang

Kiên Giang: Đình chỉ công tác quân nhân phản đối việc cách ly ở Phú Quốc

Ngày 19/4, đại tá Võ Văn Nam, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 950 (đóng tại Phú Quốc, Kiên Giang), cho biết đã tạm đình chỉ công tác trung úy Trần Văn Chung (30 tuổi, Trưởng đài 15W thuộc Đại đội Thông tin) để làm quy trình kỷ luật Đảng và chính quyền. Theo ông Nam, trung úy Chung nhận thức sai khi đăng bài trên mạng xã hội bày tỏ quan điểm không đúng về về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

 "Lữ đoàn thống nhất kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền rồi cho ra quân. Chúng tôi đang xin ý kiến của Quân khu 9 là có làm tiếp thêm nữa không”, đại tá Nam nói với Zing.

 Sáng 14/4, trung úy Chung sử dụng Facebook có tên Tran Chung bày tỏ quan điểm liên quan đến việc cách ly xã hội trong nhóm Cộng đồng Phú Quốc. Anh Chung viết: “Tôi không thống nhất và không đồng ý với kiểu cách ly ở huyện Phú Quốc. Phú Quốc không phải là vùng dịch nên cho cách ly 1 chiều là hợp lý, tức chỉ cấm người qua, còn những người từ Phú Quốc về có việc cần thiết thì nên cho họ về… Việc hỗ trợ từ ngân sách không rải rác mà phải tập trung vì Phú Quốc này không có ai đến nổi chết đói. Phú Quốc cần phát triển cần phải có 1 lãnh đạo xứng tầm”.

 Theo lãnh đạo Lữ đoàn 950, trung úy Chung nhận thức chưa đầy đủ về nội dung Chỉ thị 16, làm ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ chiến sĩ và nhân dân về việc thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong đó trực tiếp là Chỉ thị 16. Việc làm này cũng gây ảnh hưởng đến danh dự của cán bộ lãnh đạo huyện Phú Quốc.

 Khi họp kiểm điểm tại đơn vị, trung úy Chung tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Theo quân nhân này, hình thức kỷ luật cảnh cáo là nặng.

 “Khi mời lên gặp gỡ thì Chung nhận thức được việc sai trái và nhận lỗi. Sai phạm này là nặng”, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 950 nêu quan điểm. (Danviet.vn 20/4, Việt Tường)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Slovakia: Chống Covid-19 không cản trở mục tiêu chống tham nhũng

Hãng Reuters đưa tin, Chính phủ mới của Slovakia ngày 19/4 đã thông qua Tuyên bố Cương lĩnh, theo đó sẽ tập trung vào việc chống tham nhũng, cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế và khôi phục niềm tin của người dân vào Nhà nước.

 Văn bản này là cơ sở cho một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ban đầu đối với Quốc hội - một yêu cầu Hiến pháp trong vòng 30 ngày kể từ khi Chính phủ nắm quyền. 

 "Mặc dù trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus corona hiện nay, việc làm trong sạch Slovakia và thực hiện lời hứa cải cách là không thể chờ đợi… Đó là kế hoạch đầy tham vọng để Slovakia trở nên tốt hơn”, Thủ tướng Igor Matovic phát biểu.

 Chính phủ Liên minh cầm quyền 4 đảng do ông Igor Matovic, 46 tuổi, nhậm chức Thủ tướng vào ngày 21/3 vừa qua - giữa bối cảnh đất nước trong tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh Covid-19.

 Đảng Phong trào Những người bình dân và tính cách độc lập (OLaNO) của ông Matovic đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 2 với 1/4 số phiếu của những người ủng hộ chống tham nhũng, kết thúc 14 năm cầm quyền của Đảng Smer. 

Tuyên bố cho biết, Quốc hội sẽ đặt mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2024 khi nền kinh tế phục hồi sau cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra. (Thanhtra.com.vn 20/4, Đức Anh)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More