Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 09-10-2019

Post date: 09/10/2019

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1. Vụ mượn bằng thăng tiến: Nữ trưởng phòng chưa được xác minh hồ sơ kết nạp Đảng! 1

2.  Xác minh người “nâng đỡ” bà Thị Ngọc Ái Sa vào văn phòng tỉnh ủy Đắk Lắk. 2

3. Bà Ái Sa không có em gái trùng tên với trưởng phòng mượn bằng?. 4

CHỈ THỊ MỚI 5

4.Thủ tướng yêu cầu xử lý các vấn đề đầu tư hạ tầng và thuế. 5

5.   Tăng cường xử lý vi phạm về đê điều. 5

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 6

6. Gia Lai: Hiệu quả mô hình “3 trong 1” tham gia cải cách hành chính. 6

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 7

7.  Làm thế nào để năng suất lao động Việt Nam theo kịp các nước trong khu vực?. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 7

8.  Cấp dưới phải được quyền kiểm tra cấp trên. 7

QUẢN LÝ.. 8

9.   Ngày làm việc thứ hai Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII 8

10.  Cử tri bức xúc vì nhiều đại biểu dân cử bị kỷ luật 8

11.  Thủ tướng phê duyệt lịch nghỉ Tết Canh Tý 2020 kéo dài 7 ngày. 9

12.  Đề xuất cho người lao động nghỉ ngày thứ Bảy, Chủ nhật 10

13.  Cắt giảm 128 phòng tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh. 11

14. Đề xuất Cảnh sát giao thông không được lập chốt trên cao tốc. 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

15. Bình Dương: Ðổi mới lề lối làm việc gắn với cải cách hành chính. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

16. Cử tri đề nghị ông Tất Thành Cang thôi làm đại biểu. 14

17.  Quảng Ngãi: Kỷ luật lãnh đạo UBND huyện về sai phạm trong kỳ thi từ năm 2017. 15

THẾ GIỚI 16

18. Người dân Indonesia ủng hộ rút luật chống tham nhũng mới 16

19.Malaysia nỗ lực thu hồi tài sản tham nhũng. 16

 TIÊU ĐIỂM

Vụ mượn bằng thăng tiến: Nữ trưởng phòng chưa được xác minh hồ sơ kết nạp Đảng!

Ngày 8/10, bà Nguyễn Thị Minh Hiếu – Bí thư Đảng ủy phường 6 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, nơi gia đình bà Ái Sa sinh sống) cho biết, trong hồ sơ xác minh của đơn vị không có tên bà Trần Thị Ngọc Ái Sa.

 Theo bà Hiếu, sau khi tiếp nhận thông tin vụ mượn bằng thăng tiến, đơn vị đã tiến hành xác minh. Thông tin từ ông Đoàn Ngọc Yên – Bí thư Chi bộ tổ dân phố 17 (nơi bà Ái Sa sinh sống) cho biết, Chi bộ này chưa từng xác minh lý lịch vào Đảng cho ai tên Trần Thị Ngọc Ái Sa. Ông Yên làm Bí thư chi bộ tổ dân phố 17 từ năm 2004”.

 “Để hoàn thiện thủ tục kết nạp Đảng viên thì việc xác minh lý lịch hết sức chặt chẽ. Cụ thể, sau khi Đảng ủy nhận được giấy yêu cầu xác minh lý lịch, đơn vị sẽ vào sổ rồi chuyển xuống Chi bộ nơi có gia đình hoặc chính người cần được kiểm tra lý lịch sinh sống để xác minh. Tiếp đó, Đảng ủy ký và gửi lại cho đơn vị yêu cầu xác nhận lý lịch”, bà Hiếu thông tin.

 Xác minh tại nơi làm việc nơi làm việc của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, ông Lê Văn Tiến – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị có nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng về việc xác minh lý lịch bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, nhân viên hộ sinh). Đây là chị ruột của nữ Trưởng phòng Hành chính - Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, người vừa bị phát hiện có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, nhưng đã sử dụng bằng cấp mang tên Trần Thị Ngọc Ái Sa.

 Cũng theo ông Tiến, trước khi xảy ra sự việc, nhân viên hộ sinh Trần Thị Ngọc Ái Sa có xin nghỉ phép, đến nay vẫn chưa đi làm. Trong tờ trình, bà Sa cho biết, không có người em nào tên Thảo. Người em gái của bà làm việc ở Tỉnh ủy Đắk Lắk tên là Trần Thị Ngọc Thêm (SN 1975). Ngoài ra, bà Sa khẳng định không cho em gái mình mượn bằng cấp 3, giấy tờ quan trọng, bằng cấp của bà đều để ở nhà mẹ đẻ.

 “Đối với đơn vị, nếu cơ quan chức năng xác minh bà Ái Sa không liên quan đến việc cho em gái mượn bằng cấp thì vẫn tạo điều kiện cho làm việc bình thường. Tuy nhiên, nếu bà Sa khai không đúng sự thật, đơn vị sẽ họp Hội đồng để thống nhất phương án xử lý”, ông Tiến chia sẻ thêm.

 Như đã đưa tin, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa - Trưởng phòng Quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã bị tố cáo gian dối khi kê khai lý lịch. Cụ thể, bà Sa có tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Thảo (SN 1975). Bà Thảo mới chỉ học hết cấp 2, nhưng đã mượn bằng cấp 3 của chị gái mình (hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để xin đi làm rồi học lên trung cấp, đại học.

 Năm 2002, bà Thảo làm kế toán tại một khách sạn rồi chuyển qua làm kế toán tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đến tháng 10/2009, bà Thảo được điều động về làm Kế toán trưởng tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Năm 2015, bà Thảo làm Phó Trưởng phòng Quản trị. Tới năm 2016 bà Thảo được bổ nhiệm lên làm Trưởng phòng này.

 Qua xác minh, Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận đơn tố cáo là đúng sự thật. Sau đó, bà Thảo đã chủ động làm tờ trình xin nghỉ việc và thừa nhận “do điều kiện khó khăn, tuổi đời còn trẻ nên nhận thức chưa đầy đủ. Việc dùng bằng cấp của chị chỉ nhằm mục đích kiếm một công việc để sinh sống chứ hoàn toàn không có một mục đích nào khác”. (Dantri.com.vn 8/10, Trung Kiên – Xuân Hinh)Về đầu trang

Xác minh người “nâng đỡ” bà Thị Ngọc Ái Sa vào văn phòng tỉnh ủy Đắk Lắk

Ngày 8/10, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, cơ quan chức năng của Tỉnh ủy đang tiến hành các bước để xem xét kỷ luật đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) về việc bà này dùng bằng cấp 3 của chị gái để vào làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy.

 Theo ông Hải, sau khi có kết quả kiểm tra, xác minh cụ thể, hình thức kỷ luật bà Thảo phải nhận có thể sẽ bị cách hết chức vụ, xóa tên Đảng viên hoặc khai trừ Đảng.

 Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng sẽ thành lập tổ công tác để thẩm tra, xác minh về quá trình tiếp nhận, giới thiệu, kết nạp Đảng đối với bà Ngọc Thảo. Sau khi có kết quả, tùy lý do chủ quan hay khách quan, tổ chức sẽ tiến hành kỷ luật những cá nhân, tổ chức liên quan.

 Cũng theo ông Hải, quan điểm của tỉnh là sai đến đâu, xử lý đến đó không bao che.

 Trước đó, tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 4/10, ông Nguyễn Thượng Hải thừa nhận, có sai sót của các cán bộ từ cấp cơ sở đến Văn phòng Tỉnh ủy, Ban tổ chức Tỉnh ủy trong việc tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm bà Ái Sa (tức bà Thảo).

 Ông Hải cho biết, thời điểm ông còn làm ở Ban tổ chức Tỉnh ủy (ông Hải mới chuyển sang làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy từ đầu tháng 10/2019) thì có nhận được đơn tố cáo bà Ngọc Thảo dùng tên, bằng cấp của chị gái để làm việc, đi học.

 Theo ông Hải, thực tế nếu không bị tố cáo, bà Thảo cũng thuộc diện phải rà soát về tiêu chuẩn cán bộ theo hướng dẫn của trung ương.

 Quá trình kiểm tra, xác minh, bà Thảo đã thừa nhận việc dùng tên, bằng cấp của chị gái để đi học, làm việc.

 Bà Thảo sau đó xin nghỉ phép, đồng thời làm đơn xin thôi việc tại Văn phòng Tỉnh ủy.

 Tuy nhiên, theo ông Hải, tổ chức chưa chấp nhận cho bà Thảo nghỉ việc vì còn phải xử lý triệt để các sai phạm của bà Thảo và những người liên quan.

 Về việc tiếp nhận bà Thảo vào làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy, dư luận cho rằng, có sự “nâng đỡ” của lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, cụ thể là ông Bạch Văn Mạnh (nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, vừa được điều động giữ chức Giám đốc Sở Nội vụ từ ngày 1/10).

 Ông Nguyễn Thượng Hải thông tin, thời kỳ bà Ái Sa được kết nạp Đảng là vào năm 2013, ông Bạch Văn Mạnh đang làm ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

 Đến năm 2016, ông Mạnh được điều động về giữ chức vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy thì bà Ái Sa đã được kết nạp Đảng trước đó. Do đó, ông Mạnh không thể là người giới thiệu bà Sa kết nạp Đảng vào thời điểm nói trên. 

Trao đổi với báo chí, ông Bạch Văn Mạnh cho biết, không có việc ông nâng đỡ cho bà Ngọc Thảo.

 Theo ông Mạnh, bà Ngọc Thảo được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Phòng Hành chính quản trị vào năm 2013. Lúc này, bà Ngọc Thảo đã là Đảng viên kiêm phó phòng nên không có việc ông giới thiệu bà Ngọc Thảo vào Đảng. (Vietnamnet.vn 8/10, Trùng Dương)Về đầu trang

Bà Ái Sa không có em gái trùng tên với trưởng phòng mượn bằng?

Liên quan đến việc bà trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có tên “Trần Thị Ngọc Ái Sa’ bị tố là mượn bằng của chị gái để xin việc làm và thăng tiến, phía Văn phòng Tỉnh ủy đã có thông tin đến báo chí về vụ việc.

 Theo thông tin được đưa ra, bà trưởng phòng có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1975); chưa học hết cấp 3 nhưng đã lấy bằng cấp 3 của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (là chị ruột) để đi học trung cấp, học liên thông lên đại học ở một trường tại Đà Nẵng và hiện nay đã học đến thạc sĩ; đồng thời kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực...

 Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLO thì trong hồ sơ của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa không có anh em nào tên Trần Thị Ngọc Thảo. Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (hiện là nữ hộ sinh, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng) có 12 anh chị em, trongđó, người em liền kề của bà Ái Sa tên là Trần Thị Ngọc Thêm (SN 1975, ngụ tại phường 2 (TP Đà Lạt, Lâm Đồng).

 Làm việc với PLO, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho hay tại bệnh viện có nữ hộ sinh tên Trần Thị Ngọc Ái Sa, người này đang xin nghỉ và vẫn chưa đi làm trở lại. “Bà Ái Sa có người em gái kề tên là Trần Thị Ngọc Thêm chứ không có em gái nào tên Thảo trong hồ sơ. Bà Thêm sinh năm 1975, ở phường 2, TP Đà Lạt, người này làm tự do. Bà Ái Sa có 12 anh chị em, kể cả bà Sa” ông Tiến thông tin. 

Trong văn bản trả lời cơ quan chức năng của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa cũng thể hiện rõ bà không có người anh chị nào tên Trần Thị Ngọc Thảo. “Tên thật của em tôi là Trần Thị Ngọc Thêm, sinh năm 1975. Tôi không cho em tôi mượn bằng tốt nghiệp. Việc em gái tôi lấy sử dụng bằng cấp ba của tôi không biết. Về phần xác minh lý lịch vào Đảng của em tôi, bản thân tôi cũng không hay biết” trong bản tường trình của của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa nêu rõ. 

Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng khẳng định “Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa đang làm nữ hộ sinh tại bệnh viện, trình độ chuyên môn cao nhất trung cấp nữ hộ sinh. Hiện bà Ái Sa đang xin nghỉ phép và vẫn chưa đi làm trở lại. Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa chưa được kết nạp Đảng và không giữ chức vụ gì tại Bệnh viện” ông Tiến nói.

 Đồng thời, liên quan đến việc em của bà Ái Sa đã mượn bằng để xin việc làm, vị Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng xác nhận người nữ hộ sinh này cũng đã có bản tường trình gửi cho ban lãnh đạo. Nội dung bản tường trình cho thấy, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa đang công tác tại khoa Sản của bệnh viện, bà Ái Sa không cho em mình mượn bằng tốt nghiệp cấp III.

 Trao đổi thông tin liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Bí thư Đảng uỷ phường 6, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xác nhận ở tổ 17 có trường hợp Trần Thị Ngọc Ái Sa đang cư trú tại đây. Bà Hiếu đồng thời khẳng định, bản thân bà Sa chưa phải là Đảng viên.

 Trước đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kết luận nội dung đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, chức vụ: trưởng Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo như là đúng.

 Bà trưởng phòng cũng đã thừa nhận đơn tố cáo đúng sự thật và tự giác, thành khẩn nhận khuyết điểm, đề nghị được giải quyết cho thôi việc. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã không đồng ý và thống nhất triển khai quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với bà này.

 Về xử lý kỷ luật cá nhân và tổ chức liên quan, nhận được kết quả thẩm tra của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc xem xét, kỷ luật vị trưởng phòng về mặt Đảng và chính quyền theo thẩm quyền…

 Bà trưởng phòng được kết nạp Đảng ngày 10-3-2013; Vào Đảng chính thức ngày 10-3-2014 tại Chi bộ Quản trị, Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy. (Plo.vn 8/10, H.Trường)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng yêu cầu xử lý các vấn đề đầu tư hạ tầng và thuế

Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nội dung báo chí phản ánh liên quan các vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông và thuế.

 Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xử lý vấn đề lựa chọn nhà đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam; giao các bộ Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng các vấn đề về Nghị định số 69/2019.

 Liên quan đến chính sách ưu đãi thuế phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thủ tướng giao các bộ Công Thương, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính xem xét phản ánh của báo chí về việc sau 4 năm thực hiện Nghị định số 111/2015/NÐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ chỉ có 55 hồ sơ doanh nghiệp xin xác nhận được hưởng ưu đãi, trong đó có 37 hồ sơ được xác nhận đủ điều kiện và chỉ có 3-5 doanh nghiệp trong nước.

 Về tình trạng gần đây nông sản Việt Nam xuất khẩu bị trả về do mắc lỗi ở khâu sơ chế, chế biến, sản xuất không tuân thủ quy định của nhà nhập khẩu, Thủ tướng yêu cầu các bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Tài chính nghiên cứu và xử lý thông tin báo chí phản ánh. (VTV.vn 8/10)Về đầu trang

Tăng cường xử lý vi phạm về đê điều

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Trong đó nêu rõ tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, tập kết vật liệu quy mô lớn trên bãi sông và lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ.

 Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra, phát hiện vi phạm, trường hợp đủ điều kiện cấu thành hành vi vi phạm cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. 

Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương để di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê.

 Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công an tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cân đối ngân sách ưu tiên bố trí kinh phí để nâng cấp, duy tu hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê từ cấp 3 trở lên và xử lý các trọng điểm đê điều xung yếu để đảm bảo an toàn chống lũ cho các tuyến đê. (VTV.vn 8/10)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Gia Lai: Hiệu quả mô hình “3 trong 1” tham gia cải cách hành chính

Giấy khai sinh là bằng chứng pháp lý đầu tiên chứng minh sự tồn tại của một công dân, cũng là cơ sở để công dân hưởng quyền, lợi ích hợp pháp được nhà nước bảo hộ. Vì thế, để mỗi trẻ em khi sinh ra đều được chào đón, hưởng những quyền công dân đúng nghĩa, UBND thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ thực hiện mô hình “3 trong một” và trao tận tay những giấy tờ pháp lý đầu đời cho từng gia đình mới sinh em bé.

 Sau khi nộp đầy đủ những giấy tờ theo quy định, sau 10 ngày theo như giấy hẹn, hôm nay, 4 trường hợp có con mới sinh ở thị trấn Chư Ty rất vui mừng được đón nhận kết quả hành chính ngay tại nhà. Chính lãnh đạo UBND thị trấn, cán bộ tư pháp- hộ tịch cùng với cán bộ hội phụ nữ, đại diện tổ dân phố đã trao tận tay cho các gia đình 3 giấy tờ quan trọng, gồm: giấy khai sinh, sổ hộ khẩu (có thay đổi), bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Đây chính là điều chưa từng có từ trước đến nay ở khu dân cư này.

 Bà Phạm Thị Nhu – Tổ 6, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Người dân chúng tôi trước giờ đều phải đi lại nhiều lần mới có được kết quả. Người dân lo làm ăn, điều kiện đi lại không có. Nay cán bộ quan tâm, đem đến tận nhà như thế này cảm thấy rất là cảm ơn”.

 Chị Nguyễn Thị Thu Hương – Cán bộ tư pháp, hộ tịch thị trấn Chư Ty, Đức Cơ, Gia Lai Khi tham gia mô hình trả kết quả tại nhà như thế này, còn có cán bộ văn hóa, lãnh đạo xã. Tôi cảm thấy rất vui, vì đã làm được việc có ích cho dân, cũng tạo điều kiện để tôi gần dân hơn”.

 Mô hình “3 trong 1” là cách gọi tắt cho việc người dân khi đi làm thủ tục một lần, nhưng sẽ được trao 3 kết quả, thông qua quy chế liên thông nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng kí, quản lý cư trú của công dân đang được thực hiện ở UBND thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ. Cùng với giải quyết một lần các thủ tục này đúng quy định, thị trấn Chư Ty tổ chức cho cán bộ đến trao tận tay kết quả và thư chúc mừng gia đình có thêm thành viên mới của chủ tịch UBND thị trấn. Mọi việc sẽ được thực hiện ngoài giờ hành chính để đảm bảo việc tiếp nhận thủ tục hành chính ở Bộ phận một cửa không bị gián đoạn. Đây là cách làm mới, được UBND thị trấn Chư Ty thí điểm trong 3 tháng đầu năm và thực hiện thường xuyên trong 6 tháng gần đây.Tổng số đã có 46 trường hợp được trao tận tay các thủ tục này.

 Ông Vũ Văn Toàn – Quyền Chủ tịch UBND thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Qua tìm hiểu nhân dân thì cũng muốn được đưa dịch vụ công đến tận nhà. Qua tham quan một số mô hình ở nhiều nơi thì UBND thị trấn cũng xin ý kiến Đảng ủy, thực hiện mô hình 3 trong 1. Chúng tôi thấy cũng vui vì khi thực hiện dân rất mừng, qua đó khuyến khích cho cán bộ một cửa ý thức phục vụ nhân dân. Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào là tạo cho dân được hài lòng”.

 Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, mô hình được thực hiện đã thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của chính quyền địa phương khi chào đón công dân mới ra đời. Đây cũng là mô hình thể hiện quyết tâm, nỗ lực của chính quyền nhằm nâng cao chất lượng hành chính công theo hướng phục vụ. (Gialaitv.vn 7/10, Minh Lý, Viễn Khánh) Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Làm thế nào để năng suất lao động Việt Nam theo kịp các nước trong khu vực?

Năng suất lao động phổ thông Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực. Trong giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động Việt Nam chỉ tăng bình quân 4.88%/năm.

 Có nhiều nguyên nhân, nhiều rào cản đến từ chính sách, từ nhận thức của người lao động. Vậy phải làm thế nào để năng suất lao động Việt Nam theo kịp Singapore, Malaysia, Thái Lan….? Phóng viên VTV24 đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Đại học Anh Quốc Việt Nam về vấn đề này.

 Theo bà nguyên nhân nào dẫn đến năng suất lao động Việt Nam hiện nay còn thấp?

 - Có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đến từ năng lực trình độ của người thực hiện, năng lực ứng dụng ông nghệ cao vào công việc. Chúng ta phải có sự áp dụng thông minh, áp dụng công nghệ nào, vào thời điểm nào để cho phù hợp với trình độ của người lao động. Nó còn liên quan đến vấn đề chính sách, liên quan đến vấn đề nhận thức của mỗi người dân và nỗ lực của mỗi một cơ sở đào tạo, mỗi một công ty đóng góp vào vận hành của hệ thống.

 Theo báo cáo mới được đưa ra, Lao động phổ thông chiếm 76,3% nhu cầu tuyển dụng. Vậy làm thế nào để nâng cao năng suất lao động khu vực lao động phổ thông khi họ không có khả năng đi học đại học?

 - Theo luật giáo dục mới chúng ta có hệ thống giáo dục thường xuyên đồng hành với hệ thống giáo dục chính quy tạo nên một hệ thống hợp nhất. Hệ thống giáo dục tại các huyện, xã đặc biệt là các xã có các trung tâm giáo dục thường xuyên. Họ cần phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương và căn cứ vào môi trường của địa phương đang tập trung lĩnh vực vào để có thể xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, nâng cao hiểu biết kỹ năng cho người dân trong khu vực xã, huyện đó. Chúng ta có máy móc hiện đại thì cần thêm những người vận hành thông minh. (VTV.vn 8/10)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Cấp dưới phải được quyền kiểm tra cấp trên

Hoạt động quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực gần đây còn nhiều bất cập, yếu kém. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực diễn biến phức tạp, tinh vi, một số vụ việc có dấu hiệu của nhóm lợi ích.

 Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý tuy nhiên vẫn chưa nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là công tác kiểm tra, giám sát chưa đạt kết quả như mong muốn.

 Theo quy định hiện hành, người dân, cấp dưới có quyền chất vấn, giám sát cơ quan nhà nước, cán bộ cấp trên, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế còn nhiều khó khăn, bất cập, một số nơi thậm chí còn hình thức. Bởi chưa có quy định cấp dưới được quyền ra quyết định kiểm tra cấp trên mà chủ yếu là giám sát, phản ánh, kiến nghị.

 Mặt khác, pháp luật chỉ quy định cấp trên có quyền quản lý, kiểm tra, thanh tra cấp dưới mà chưa có quy định ngược lại trong một số trường hợp, cấp dưới cũng được quyền kiểm tra cấp trên. Thực tế dù biết nhiều trường hợp cơ quan cấp trên vi phạm pháp luật nhưng cấp dưới chỉ biết… chịu trận. Trường hợp bị chèn ép quá mới "liều mạng" đứng đơn tố cáo và đa số là… thua thiệt.

 Ngoài ra, theo chức trách, nhiệm vụ được giao, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra cơ quan, đơn vị khác về vấn đề được giao quản lý nhà nước nhưng thực tế ngay tại cơ quan, đơn vị mình thì chưa làm tốt. Minh chứng là nhiều cơ quan có chức năng kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra công vụ, chấp hành pháp luật… nhưng chính các cơ quan đó để xảy ra sai phạm về vấn đề mà họ đi kiểm tra, thanh tra cơ quan khác.

 Do đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nghiên cứu, mạnh dạn quy định trong một số trường hợp cấp dưới có quyền được kiểm tra cấp trên, cơ quan bị kiểm tra có quyền kiểm tra chéo, kiểm tra ngược lại đối với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Có như vậy mới bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát đi vào thực chất; góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp. (Người Lao Động 8/10, Vĩnh Linh) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Ngày làm việc thứ hai Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Ngày 8/10/2019, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bước sang ngày làm việc thứ hai.

 Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

 Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

 Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các đại biểu làm việc tại tổ, thảo luận về dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. (VTV.vn 8/10)Về đầu trang

Cử tri bức xúc vì nhiều đại biểu dân cử bị kỷ luật

Cử tri đặt vấn đề ông Tất Thành Cang bị Trung ương kỷ luật cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực nhưng vẫn còn là đại biểu HĐND TP.HCM.

 Ngày 8-10, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TP đã tiếp xúc với cử tri quận 9.

 Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Quang Nghĩa (phường Hiệp Phú) đặt câu hỏi tham nhũng còn nhức nhối, nguyên nhân tại đâu?

 Ông Nghĩa cho rằng muốn hạn chế được tham nhũng, cần phải củng cố đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên như lời Bác Hồ mong muốn.

 Các cử tri cũng đề cập đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng; hình phạt nghiêm khắc với người phạm loại tội này…

 Cử tri Vũ Xuân Hồng (phường Tân Phú) thì bày tỏ bức xúc với hiện tượng mua điểm, nâng điểm xảy ra ở các tỉnh phía Bắc trong kỳ thi PTTH Quốc gia vừa qua. Từ đó ông đề nghị các đại biểu Quốc hội giám sát chặt để chấn chỉnh trên phạm vi toàn quốc.

 Tại cuộc tiếp xúc này, nhiều cử tri tỏ ra bức xúc với việc có nhiều đại biểu dân cử bị kỷ luật, cho thôi nhiệm vụ.

 “Bầu lên làm đại biểu Quốc hội là cử tri đã chọn mặt gửi vàng, thế nhưng có những đại biểu bị kỷ luật khiến chúng tôi rất bức xúc”. Cử tri Trương Thế Cần (phường Phước Long B) nói và dẫn chứng hai đại biểu Hồ Văn Năm và Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai) cùng bị cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV.

 Ông Cần cũng đặt vấn đề ông Tất Thành Cang bị Trung ương kỷ luật cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng nhưng vẫn còn là đại biểu HĐND TP.HCM.

 Chia sẻ với cử tri, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho hay sẽ ghi nhận toàn bộ các ý kiến của cử tri và hứa sẽ chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

 Ông cũng thông tin về trường hợp của ông Tất Thành Cang. Theo đó, ông Cang bị kỷ luật nhưng vẫn còn là Thành ủy viên và là đại biểu HĐND TP.HCM ứng cử ở đơn vị quận 10. Hiện ông Cang vẫn đang là đại biểu dân cử, đại diện cử tri TP. (Plo.vn 8/10, Tá Lâm)Về đầu trang

Thủ tướng phê duyệt lịch nghỉ Tết Canh Tý 2020 kéo dài 7 ngày

Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày theo quy định và 2 ngày nghỉ bù (tổng cộng 7 ngày, từ 23/1/2020 đến 29/1/2020).

 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt với phương án nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 do Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất. Theo đó, kỳ nghỉ Tết 2020 sẽ kéo dài 7 ngày, gồm 5 ngày theo quy định và 2 ngày nghỉ bù.

 Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ từ thứ Năm ngày 23/1/2020 đến hết thứ Tư ngày 29/1/2020 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý). Trong đó, ngày 28/1/2020 và 29/1/2020 là ngày nghỉ bù do ngày mùng 1 Tết và 2 Tết trùng với thứ Bảy, Chủ Nhật.

 Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ Tết Nguyên đán này cần lưu ý bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, cá nhân.

 Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

 Thủ tướng ủy quyền cho bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội thông báo việc thực hiện nghỉ lễ, tết. (VTV.vn 8/10)Về đầu trang

Đề xuất cho người lao động nghỉ ngày thứ Bảy, Chủ nhật

Sau khi thực hiện các cuộc khảo sát và nhận được sự ủng hộ của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về giờ làm việc trong tuần và tăng ba ngày nghỉ lễ trong năm.

 Ngày 7-10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) tiếp tục gửi văn bản đến Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan về đề xuất đưa quy định giảm thời gian làm việc trong tuần từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và tăng ba ngày lễ trong năm vào Bộ luật Lao động để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (diễn ra vào cuối tháng 10 này).

 Theo TLĐ, kết quả khảo sát 154 nước và vùng lãnh thổ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường trong tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên), cùng với khoảng hơn 40 nước khác nhưng thu nhập đứng cuối bảng các nước được khảo sát.

 Bên cạnh đó, qua điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (TLĐ) và của các tổ chức khác, cho thấy làm việc kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động (NLĐ). Cụ thể, mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái…

 “Trong khi đó, qua khảo sát tại bảy doanh nghiệp ở Việt Nam đang duy trì chế độ làm việc 40-44 giờ/tuần, chúng tôi thấy rằng năng suất và hiệu quả lao động không bị ảnh hưởng, có ba doanh nghiệp năng suất còn cao hơn, NLĐ gắn bó và tin tưởng hơn với doanh nghiệp…” - đại diện TLĐ nhận định.

 Giảm giờ làm theo TLĐ sẽ đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, xã hội, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho NLĐ, tạo điều kiện để họ có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững.

 “Nếu tiếp tục duy trì cạnh tranh bằng khai thác nguồn nhân công giá rẻ và kéo dài thời gian làm việc, NLĐ sẽ tiếp tục bị vắt kiệt sức lực với mức lương không đủ sống. Không chỉ dừng ở thế hệ họ mà còn ảnh hưởng đến hàng chục triệu thế hệ con cháu họ sau này khi lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn về dinh dưỡng và giáo dục…” - TLĐ nêu quan điểm.

 Từ đó đơn vị này đề xuất thời giờ làm việc bình thường của NLĐ phải giảm từ “48 giờ/tuần” xuống “44 giờ/tuần”. Với đề xuất này, NLĐ sẽ có thêm ngày nghỉ thứ Bảy.

 TLĐ cũng tiếp tục đề xuất tăng thêm ba ngày nghỉ trong năm. Cụ thể, phương án một nghỉ Quốc khánh bốn ngày từ ngày 2 đến 5-9 hằng năm (tăng thêm ba ngày so với quy định hiện hành). Phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học.

 Phương án hai, nghỉ một ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và hai ngày thêm vào ngày nghỉ tết dương lịch.

 Nguyên nhân, hiện nay số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 13 ngày; Myanmar là 21 ngày…).

 Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Việc tăng thêm ba ngày nghỉ lễ giúp cho NLĐ có thêm một số ngày nghỉ trong năm để NLĐ được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển…”. (Nld.com.vn 8/10)Về đầu trang

Cắt giảm 128 phòng tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh

Theo tin từ Kho bạc Nhà nước (KBNN), từ ngày 1.10.2019, triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới, hệ thống KBNN sẽ thực hiện cắt giảm 128 phòng tại KBNN cấp tỉnh; sáp nhập, cắt giảm 15 KBNN cấp huyện…

 Đây là nội dung được quy định trong Quyết định số 1618/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được ban hành ngày 22.8.2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Thực hiện Quyết định này là bước tiến mới của hệ thống KBNN trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

 Cụ thể, theo Quyết định 1618/QĐ-BTC, các phòng chức năng tham mưu, giúp việc Giám đốc KBNN cấp tỉnh gồm có: Phòng Kế toán nhà nước; Phòng Kiểm soát chi; Phòng Thanh tra - Kiểm tra; Phòng Tài vụ - Quản trị; Văn phòng. Riêng KBNN Hà Nội được tổ chức 03 Phòng Kiểm soát chi, KBNN TP. Hồ Chí Minh được tổ chức 02 Phòng Kiểm soát chi.

 Trên cơ sở đó, hệ thống KBNN tiếp tục cắt giảm 128 phòng tại KBNN cấp tỉnh; sáp nhập, cắt giảm 15 KBNN cấp huyện và xóa bỏ 48 cấp tổ đội tại KBNN Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 Quyết định cũng nêu rõ, KBNN cấp tỉnh có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án, đề án thuộc phạm vi quản lý của KBNN cấp tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt và hướng dẫn của KBNN.

 KBNN cấp tỉnh tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý của KBNN trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra các KBNN ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là KBNN cấp huyện) thực hiện các hoạt động nghiệp vụ theo chế độ quy định; quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, KBNN cấp tỉnh cũng thực hiện giao dịch thu, chi tiền mặt; tổ chức thực hiện công tác kế toán ngân sách nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tổng kế toán nhà nước theo quy định của pháp luật.

 Bên cạnh các nhiệm vụ, quyền hạn trên, KBNN cấp tỉnh thực hiện công tác thống kê về thu, chi ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính do KBNN cấp tỉnh quản lý, các khoản vay nợ, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương theo quy định; xác nhận số liệu thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN cấp tỉnh; quản lý ngân quỹ nhà nước tại KBNN cấp tỉnh theo chế độ quy định… (Đại Biểu Nhân Dân 8/10, Hà Lan)Về đầu trang 

Đề xuất Cảnh sát giao thông không được lập chốt trên cao tốc

Bộ Công an đề xuất Cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ được lập chốt ở trạm thu phí hoặc điểm đầu, cuối, lối ra ngoài cao tốc, đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ và phương tiện giao thông.

 Nội dung này được nêu tại Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra của cảnh sát giao thông đang được Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp.

 Theo đó, khi cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc, chỉ được dừng phương tiện vào làn dừng khẩn cấp khi phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời hoặc phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm.

 Sau khi dừng phương tiện, cảnh sát giao thông phải đặt rào chắn bằng cọc tiêu hình chóp nón, biển báo "đi chậm", bố trí người hướng dẫn, điều hòa giao thông. Khi giải quyết xong vụ việc, đơn vị phải thu dọn rào chắn, biển báo và di chuyển ngay.

 Theo quy định hiện hành, cảnh sát giao thông được kiểm soát lưu động, kết hợp kiểm soát một điểm (lập chốt) công khai trên đường cao tốc.

 Thượng tá Vũ Quang Thái, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT - Bộ Công an cho biết, việc đề xuất không lập chốt trên đường cao tốc để đảm bảo an toàn cho người thực thi công vụ và các phương tiện tham gia giao thông. "Trên cao tốc, tốc độ lưu thông lên tới hơn 100 km/h nên việc lập chốt sẽ không hợp lý vì cảnh sát ra dừng xe rất nguy hiểm", thượng tá Thái nói.

 Theo đại diện Cục CSGT, khi tuần tra lưu động nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng nên chỉ dẫn phương tiện về trạm kiểm soát, lối ra hoặc trạm thu phí để tiến hành xử lý. Trong trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, cần trấn áp ngay sẽ có biện pháp dừng xe vào làn khẩn cấp.

 Ngoài ra, cũng theo lãnh đạo Cục CSGT, hiện nay trên các tuyến cao tốc đã lắp đặt hệ thống camera giám sát, hình ảnh các phương tiện vi phạm sẽ được phát hiện kịp thời để xử lý ngay sau khi đến trạm thu phí hoặc xử phạt nguội. (Vnexpress.net 8/10, Bá Đô)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bình Dương: Ðổi mới lề lối làm việc gắn với cải cách hành chính

Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần đạt hiệu quả rõ nét về đổi mới lề lối làm việc gắn với cải cách hành chính (CCHC). Qua đó, hoạt động của nền hành chính đã có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân và xã hội.

 Cuối tháng 9-2019, ông Phạm Kim Quang, cán bộ Công ty Forever (thị xã Dĩ An) đến Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương, để tìm hiểu về việc điều chỉnh vốn trên giấy phép đầu tư và thay đổi người đứng tên chủ sở hữu vốn trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tại quầy tiếp nhận hồ sơ của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, không phải đợi chờ lâu, ông Quang được cán bộ hướng dẫn tận tình các bước thủ tục cần thiết để điều chỉnh trên hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật. Ông ra về và tỏ ra rất hài lòng với cung cách phục vụ của người cán bộ hướng dẫn cho mình.

 Tại bộ phận "một cửa" của UBND phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, cách làm việc được đổi mới thông qua sự kết hợp giữa thái độ tận tình, trách nhiệm và gần gũi với nhân dân của cán bộ, công chức cùng hệ thống trang, thiết bị đầu tư hiện đại, ứng dụng công nghệ điện tử, giúp xử lý công việc nhanh gọn, hiệu quả. Nhờ vậy, trong quý III-2019, gần 5.000 bộ hồ sơ ở tất cả các lĩnh vực đã được phường giải quyết đúng hẹn. Tại bộ phận "một cửa", UBND phường lắp đặt các bảng thông tin để niêm yết những thủ tục hành chính, thời gian giải quyết từng loại hồ sơ theo quy định, cùng với đó là các máy tính, máy in, mạng in-tơ-nét miễn phí đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong quá trình làm thủ tục cũng như khi ngồi đợi kết quả.

 Mới đây, chị Nguyễn Thị Hòa, là công nhân KCN, đang tạm trú trên địa bàn, đến UBND phường xin xác nhận để bổ sung hồ sơ chuyển việc, chị đã được cán bộ phường giải quyết nhanh để còn kịp về đi làm, không bị nhỡ giờ giao ca lao động. Anh Nguyễn Thanh Tùng, hộ khẩu thường trú trên địa bàn phường Vĩnh Phú, đưa chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đến UBND phường đăng ký kết hôn. Chưa đầy 30 phút, anh chị đã được nhận Giấy đăng ký kết hôn và Thư chúc mừng từ tay Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Ngọc Châu. Cả hai đều bất ngờ và cảm kích trước sự chu đáo của lãnh đạo phường.

Về đổi mới lề lối làm việc gắn với cải cách hành chính, thị xã Thuận An là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh Bình Dương. Với diện tích chỉ gần 84 km2 nhưng số dân lên tới 594.230 người, trong đó hai phần ba là người dân tạm trú, cho nên số lượng hồ sơ UBND thị xã phải giải quyết ngày càng nhiều. Năm 2018, bộ phận "một cửa" của UBND thị xã giải quyết 65.959 hồ sơ, bình quân một ngày khoảng 260 hồ sơ; bộ phận "một cửa" của UBND các xã, phường tiếp nhận và giải quyết 329.588 hồ sơ trong năm.

 Ðể kịp thời giải quyết hồ sơ cho người dân, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện đồng bộ công tác liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính từ thị xã đến xã, phường; các xã, phường còn chủ động cử cán bộ đến tận nhà người dân để giải quyết những hồ sơ như khai sinh, chứng thực cho người già, người có hoàn cảnh khó khăn không thể đi lại hoặc giải quyết hồ sơ vào sáng thứ 7, sáng chủ nhật cho những người lao động trong KCN.

 Thị xã Thuận An là đơn vị đứng thứ hai trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2018. Phó Chủ tịch UBND thị xã Ðỗ Thanh Sử cho biết: Ðể có được kết quả như vậy, thị xã đã nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm để có giải pháp khắc phục; kịp thời xây dựng các kế hoạch về CCHC, nhất là việc rà soát thủ tục hành chính, cũng như công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức; phối hợp tốt với tỉnh trong việc lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân.

 Thông qua đó, UBND thị xã sớm phát hiện những dịch vụ mà người dân chưa hài lòng để điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; triển khai, thực hiện tốt mô hình "Chính quyền thân thiện, công sở thân thiện"; thực hiện tốt công tác rà soát để tinh giản biên chế, giúp cán bộ, công chức thể hiện rõ năng lực của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ.

 Ðồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá: Công tác CCHC đã góp phần nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền các cấp trong tỉnh, tăng năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. (Nhân Dân 8/10, Trịnh Bình) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Cử tri đề nghị ông Tất Thành Cang thôi làm đại biểu

Tổ đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp xúc cử tri quận 9 ngày 8/10 gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê (Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND thành phố) và bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó Chánh án TAND thành phố). Khá nhiều cử tri bày tỏ mối quan tâm về công tác quản lý cán bộ trên cả nước và tại TP HCM.

 Ông Trương Thế Cần (ngụ phường Phước Long B, quận 9) nói rằng, ông Tất Thành Cang bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Nhưng hiện nay ông Cang vẫn ngồi ghế đại biểu HĐND thành phố.

 "Ông ấy vẫn làm lãnh đạo một cơ quan, họp hành, phát biểu dõng dạc. Sao không cho ông ấy nghỉ mà vẫn để ngồi ghế đại biểu của dân. Làm như vậy là coi thường cử tri, sẽ khiến người dân rất mất niềm tin", ông Cần nói.

 Ông Cần cũng đề cập nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV "trải qua nhiều sóng gió" vì có nhiều đại biểu bị kỷ luật. Riêng Đồng Nai có 2 hai người bị cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội là ông Hồ Văn Năm và bà Phan Thị Mỹ Thanh. "Được bầu làm đại biểu Quốc hội là đã được cử tri chọn mặt gửi vàng, nhưng có nhiều người chỉ vào Quốc hội cho đủ ghế đủ mâm chứ không đưa lại lợi ích gì cho dân khiến chúng tôi rất bức xúc", ông Cần nói.

 Cử tri Vũ Xuân Hồng (ngụ phường Tân Phú) nêu tình trạng nhiều cán bộ đạo đức xuống cấp và dẫn chứng vụ Phó Chánh án tòa quận 4 Nguyễn Hải Nam và ông Lâm Hoàng Tùng - giảng viên trường kiểm sát, vừa bị bắt tạm giam liên quan đến tranh chấp nhà cửa, đều là những người thực thi pháp luật.

 Còn trong ngành giáo dục thì có trường hợp mua điểm, nâng điểm, như con gái ông Triệu Tài Vinh (Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang) nhưng cơ quan chức năng chỉ phê bình vợ, khiển trách em gái ông Vinh. "Xử lý như thế có hợp lý, hợp tình không? Những hành vi đó khiến người dân khó có thể chấp nhận được. Các đại biểu Quốc hội phải giám sát chặt chẽ các vấn đề này để chấn chỉnh nghiêm trên phạm vi toàn quốc", ông Hồng đề nghị.

 Quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Quang Nghĩa (ngụ phường Hiệp Phú) nói rằng, chỉ những người có chức quyền mới có điều kiện để tham nhũng. Để hạn chế tình trạng này Quốc hội cần xem xét ban hành đạo luật "quản lý quyền lực".

 "Đơn cử như Khu Công nghệ cao ở quận 9 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, những cán bộ có chức có quyền trong quá trình triển khai, đất nhà của dân không nằm trong quy hoạch mà vẫn giải tỏa, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì vụ việc mới được làm sáng tỏ", ông Nghĩa nói và đề nghị các đại biểu Quốc hội truyền đạt ý kiến của ông đến nghị trường.

 Chia sẻ với cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê ghi nhận các ý kiến và hứa chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Liên quan phản ánh về ông Tất Thành Cang, ông Khuê cho biết ông Cang bị Ban chấp hành Trung ương Đảng xem xét kỷ luật trong phạm vi cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Tuy nhiên với Đảng bộ TP HCM, ông này vẫn còn vai trò Thành ủy viên, và là đại biểu HĐND TP HCM ứng cử ở đơn vị quận 10. "Vị trí Thành ủy viên và đại biểu HĐND TP HCM của ông Tất Thành Cang như thế nào thuộc thẩm quyền của Đảng bộ TP HCM", ông Khuê nói. (Vnexpress.net 8/10, Trung Sơn)Về đầu trang

Quảng Ngãi: Kỷ luật lãnh đạo UBND huyện về sai phạm trong kỳ thi từ năm 2017

Những sai phạm tại kỳ thi tuyển giáo viên năm 2017 vẫn còn âm ỉ khi UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định kỷ luật Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng.

 Liên quan đến kỳ thi nhiều tai tiếng này, UBND tỉnh đã kỷ luật hàng loạt lãnh đạo các huyện Bình Sơn, Đức Phổ, Lý Sơn... vì để xảy ra sai phạm trong quá trình tổ chức thi tuyển.

 Riêng tại Hội đồng thi huyện Trà Bồng đã có các sai phạm trong quá trình làm, in sao, niêm phong, giao nhận đề thi và đáp án; giám thị không giao lại đề thi cho Hội đồng thi tuyển sau khi phát đề cho thí sinh; không lưu giữ đề thi gốc và đáp án gốc; Trưởng ban đề thi không ký duyệt đề thi và đáp án gốc...

 Để xảy ra hàng loạt sai phạm nói trên, ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng và ông Hồ Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

 Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng thành lập đoàn kiểm tra xác minh tố cáo của ông Trần Minh Điệp - nguyên Trưởng phòng GD - ĐT huyện khi cho rằng ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi có hành vi trù dập mình vì không giúp đỡ thí sinh do ông Đoàn Dụng "gửi gắm".

 Kết quả xác minh của đoàn kiểm tra cho thấy, ông Đoàn Dụng có gửi gắm 1 thí sinh tại Hội đồng thi huyện Trà Bồng. Tuy nhiên, đoàn thanh tra kết luận việc gửi gắm của ông Đoàn Dụng không vi phạm pháp luật, song với tư cách là người đứng đầu Sở Nội vụ, việc làm của ông Đoàn Dụng đã ảnh hưởng đến mục tiêu, yêu cầu của kỳ thi, ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân ông và gây dư luận không tốt, hoài nghi tính khách quan trong việc tổ chức thi tuyển viên chức trên địa bàn tỉnh. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với ông Đoàn Dụng. (Dantri.com.vn 8/10, Quốc Triều)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Người dân Indonesia ủng hộ rút luật chống tham nhũng mới

Đa số người dân Indonesia ủng hộ rút lại điều luật chống tham nhũng mới vốn bị chỉ trích có thể làm suy yếu cơ quan chống tham nhũng của nước này. Đây là đánh giá dựa trên kết quả một cuộc thăm dò dư luận tại Indonesia được công bố vào ngày 7/10.

 Cuộc khảo sát do Viện Thăm dò dư luận Indonesia thực hiện với trên 1.000 người dân, trong đó hơn 76% số người được hỏi mong muốn Tổng thống Joko Widodo bãi bỏ điều luật chống tham nhũng mới, cho rằng đây là một trong những nguyên nhân làm bùng phát các cuộc biểu tình quy mô lớn trên khắp cả nước trong hai tuần qua. Hơn 70% số người được hỏi cũng cho rằng việc sửa đổi luật làm suy giảm hiệu quả hoạt động của Cơ quan chống tham nhũng.

 Làn sóng biểu tình tại Indonesia bùng phát từ cuối tháng 9/2019 sau khi hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình trên cả nước để phản đối sửa đổi luật liên quan tới Cơ quan chống tham nhũng cũng như các dự luật gây tranh cãi và bị cáo buộc gia tăng lợi ích cho các giới tài phiệt. (VTV.vn 8/10)Về đầu trang

Malaysia nỗ lực thu hồi tài sản tham nhũng

Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia vừa yêu cầu em trai cựu Thủ tướng Najib Razak hoàn trả số tiền 25,7 triệu Ringgit biển thủ từ Quỹ Đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB.

Ông Nazir Razak, em trai của ông Najib Razak và là một cựu giám đốc ngân hàng, nằm trong danh sách 80 cá nhân và thực thể bị Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia gửi thông báo hoàn trả số tiền biển thủ từ quỹ 1MDB thông qua các tài khoản rửa tiền. Đồng thời, ủy ban này cũng yêu cầu các cá nhân và thực thể nếu không nộp phạt sẽ phải nộp gấp 2,5 lần số tiền đã nhận. 

 Hiện Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia đang tập trung thu hồi 420 triệu Ringgit (khoảng 100 triệu USD) từ các cá nhân và thực thể bị cáo buộc nhận tiền của quỹ 1MDB, quỹ do cựu Thủ tướng Najib Razak sáng lập vào năm 2009 nhằm phát triển kinh tế - xã hội. (VTV.vn 8/10)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More