Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 06-01-2020

Post date: 06/01/2020

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.Cấm uống rượu bia khi lái xe: Đã cầm ly thì không cầm lái! 1

2.Người dân bày tỏ ý kiến trái chiều xung quanh Luật phòng chống tác hại bia rượu. 2

3.Nhiều câu hỏi đặt ra về Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. 3

CHÍNH SÁCH MỚI 3

4. Phân lô bán nền trái phép bị phạt đến 1 tỷ đồng. 3

5.  Nghiêm cấm gian lận trong cấp phát sử dụng văn bằng, chứng chỉ 4

6. Năm 2020 người lao động cần lưu ý gì về mức đóng BHXH để không bị "thiệt thòi". 4

CHỈ THỊ MỚI 5

7. Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 30/12/2019-3/1/2020. 5

8.Thống đốc chỉ thị đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt 8

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 9

9. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng. 9

10. Cấm biếu xén lãnh đạo. 10

QUẢN LÝ.. 11

11.  Kiểm tra phòng, chống tham nhũng tại Thái Bình. 11

12. Đề xuất kinh phí chi hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa. 12

13. Hà Tĩnh: Bí thư Đảng ủy xã xin nghỉ việc sớm 11 năm, được hỗ trợ gần 800 triệu. 12

14.Thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cao nhất nước là gần 1 tỷ đồng. 14

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 15

15. TPHCM: “Không dám tin” 95% dân hài lòng về hành chính công. 15

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 16

16. Top 10 địa phương đứng đầu về thu ngân sách 2019. 16

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

17.  Khởi tố, bắt tạm giam 2 nguyên Chánh Văn phòng UBND TP.HCM.. 16

18. Hàng loạt Chủ tịch phường, quận của Hải Phòng bị phê bình vì vỉa hè bị lấn chiếm.. 16

THẾ GIỚI 17

19.Nhiều nước phạt nặng người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. 17

20. Chiến dịch không uống rượu bia khi lái xe tại Thái Lan. 17

 TIÊU ĐIỂM

Cấm uống rượu bia khi lái xe: Đã cầm ly thì không cầm lái!

Quy định cấm uống rượu bia khi lái xe trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ 1/1/2020 là vấn đề được dự luận đặc biệt quan tâm trong tuần qua.

 Đạo luật mới có hiệu lực này chính là liều thuốc để nhiều người ngộ ra rằng, đó là bất thường, đó là cực kỳ nghiêm trọng, và chính vì thế, phải thay đổi. Tuy nhiên, qua những ngày đầu tiên khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực thì vi phạm vẫn khá phổ biến.

 Quan sát của tờ Sài Gòn giải phóng cho thấy tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt, hay Cần Thơ, khách đi đến quán nhậu đều đi xe cá nhân, chỉ một số rất ít đi taxi. Báo Thanh niên cũng cho biết là nhiều quán nhậu tại TP.HCM vẫn đông khách, khách uống say mèm vẫn tự lái xe về.

 Cũng theo tờ Thanh niên, nhiều trường hợp điều khiển xe máy hoặc ô tô tại Hà Nội, TP.HCM đã bị phát hiện vi phạm về nồng độ cồn và bị phạt từ hàng triệu đến hàng chục triệu đồng, cùng với việc bị tước giấy phép lái xe 23 tháng. Các quyết định xử phạt đều được đưa ra rất nghiêm khắc dù lý do chỉ là một vài ly rượu, đôi ba lon bia với bạn bè.

 Có một số ý kiến cho rằng, Luật của Việt Nam là quá nghiêm. Tuy nhiên khi nhìn ra thế giới, rất nhiều quốc gia cũng cho thấy sự không nhượng bộ với tình trạng say xỉn khi lái xe.

 Như tại Nga, tài xế bị phát hiện say xỉn sẽ bị phạt gần 500 USD và tịch thu bằng 2 năm. Nếu gây tai nạn khi say xỉn, khiến người khác bị thương hoặc tử vong, án tù cao nhất là 15 năm.

 Tại Trung Quốc, tài xế bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80 mg/100 ml khí thở trở lên sẽ bị tạm giữ 15 ngày, tước bằng lái xe trong 5 năm. Nếu say rượu gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tước bằng vĩnh viễn.

 Hay là tại Hàn Quốc, nếu không có lý do chính đáng, tài xế chống đối yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn có thể bị bắt ngay lập tức hoặc truy nã nếu bỏ trốn.

 Tờ Pháp luật TP.HCM nêu nhiều ý kiến đồng tình, đồng thời khẳng định, một điều luật cấm cần điều chỉnh một thói quen đã ăn sâu vào văn hóa bia, rượu cần phải có thời gian dài để nhìn thấy tác dụng. Tuy nhiên chắc chắn việc người dân tự điều chỉnh, hạn chế bia rượu sẽ đem đến những trái ngọt không ngờ.

 Báo Lao động đánh giá cao đạo luật này, cùng với việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, và quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Tờ báo này gọi đó là 3 cuộc cách mạng rất cần sự ủng hộ của mỗi người dân bởi đó là những luật định nhân văn, cứu người. (Kênh VTV1 – Toàn cảnh 24h lúc 7h sáng 05/01)Về đầu trang

Người dân bày tỏ ý kiến trái chiều xung quanh Luật phòng chống tác hại bia rượu

Sự ra đời của Luật phòng chống tác hại bia rượu sẽ góp phần quan trọng giúp giảm thiểu tình trạng tùy tiện mua bán, sử dụng đồ uống có cồn.

 Việc dấy lên những tranh luận trái chiều xung quanh Luật phòng chống tác hại bia rượu cũng là điều dễ hiểu, khi việc uống bia rượu và điều khiển phương tiện giao thông ngay cả khi sử dụng đồ uống có cồn đã trở thành thói quen của không ít người Việt. Việt Nam hiện cũng là nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á và hàng đầu thế giới.

 Việc thi hành luật liệu tính khả thi cao hay không khi mà việc mua bán và uống bia, rượu hiện diễn ra ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải uống bia rượu mà nồng độ cồn có thể xuất hiện trong hơi thở ngay cả khi người đó chỉ ăn 1 số loại hoa quả. Vì vậy việc cấm hoàn toàn nồng độ cồn sẽ có thể gây khó cho cảnh sát khi xác định đúng nguyên nhân.

 Mọi biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng mới chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Phần gốc rễ nằm ở nhận thức của người dân. Mỗi khi nâng ly, bạn hãy nhớ rằng, bạn không chỉ đối mặt với các án phạt nếu có hành vi vi phạm mà còn đối mặt với những mối nguy nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng của chính mình cũng như của nhiều người khác nữa. Việc siết chặt quản lý đối với các hoạt động sản xuất, mua bán, quảng cáo - tiếp thị đồ uống có cồn, siết chặt thuế và giá; cũng là giải pháp cần đẩy mạnh để bia rượu không còn là thứ hàng hóa sẵn có và kích thích tiêu dùng ngay cả với những người còn rất trẻ. (VTV.vn 05/01)Về đầu trang

Nhiều câu hỏi đặt ra về Luật Phòng chống tác hại rượu, bia

Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã chính thức có hiệu lực. Một số lái xe vi phạm nồng độ cồn đã bị xử phạt nặng nhưng nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra về chủ đề này.

 Quy định cũ cho phép lái xe máy nếu nồng độ cồn dưới ngưỡng 50 miligam/100 ml máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí, còn quy định mới cấm hoàn toàn.

 Những ngày gần đây, không ít người đưa ra lo ngại rằng là không nhất thiết phải uống bia rượu mới có nồng độ cồn mà nếu họ ăn ăn hoa quả lên men hay uống một số loại thuốc cũng có thể có.

 Qua một vài thí nghiệm, một anh ăn 3 quả vải, nồng độ cồn là 0,19 miligram. Một cô uống 10ml siro ho, nồng độ cồn là 0,17 miligam, như vậy không uống rượu mà vẫn có nồng độ cồn.

 Vậy những nhà xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã tính đến những hiện tượng này hay chưa? Làm sao những người thực thi Luật là cảnh sát giao thông có thể phân biệt được?

 Câu hỏi tiếp theo mà cũng nhiều người băn khoăn là sau khi uống rượu bia bao lâu thì sẽ không còn nồng độ cồn trong máu?

 Một vấn đề khác trong luật có quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Vậy làm thế nào để quản lý và giám sát các cơ sở bán rượu? Với người dưới 18 tuổi khi uống rượu bia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

 Đúng như tên gọi của Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, mục đích là là góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân. (Kênh VTV1 – Việt Nam hôm nay lúc 17h ngày 05/01)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Phân lô bán nền trái phép bị phạt đến 1 tỷ đồng

Hàng loạt các vi phạm trong lĩnh vực đất đai sẽ bị xử phạt nặng lên đến 1 tỷ đồng, theo quy định của Nghị định 91 của Chính phủ, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 05/01.

 Nghị định 91 sẽ thay thế cho Nghị định 102 của Chính phủ đã ban hành năm 2014. Theo quy định mới. những trường hợp vi phạm như tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở; phân lô, bán nền sai; lấn, chiếm đất; chậm làm sổ đỏ cho cư dân… là những vi phạm bị phạt nặng. Cũng theo quy định, các chủ đầu tư vi phạm sau khi nộp phạt còn phải có biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất. (VTV.vn 05/01)Về đầu trang

Nghiêm cấm gian lận trong cấp phát sử dụng văn bằng, chứng chỉ

Đây là quy định tại Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành về Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

 Thông tư quy định việc phân cấp và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý văn bằng, chứng chỉ như sau: Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quản lý văn bằng, chứng chỉ; quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng giáo dục đại học; quy định mẫu bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân...; Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý việc sử dụng phôi, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đối với các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Theo thông tư, việc quản lý, sử dụng phôi văn bằng, chứng chỉ phải bảo đảm chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát. Phôi văn bằng, chứng chỉ phải có số hiệu để quản lý. số hiệu ghi trên phôi văn bằng, chứng chỉ được lập liên tục theo thứ tự số tự nhiên từ nhỏ đến lớn từ khi thực hiện việc in phôi văn bằng, chứng chỉ; đảm bảo phân biệt được số hiệu của từng loại văn bằng, chứng chỉ và xác định được nơi in phôi văn bằng, chứng chỉ. Mỗi số hiệu chi được ghi duy nhất trên một phôi văn bằng, chứng chỉ.

 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.1.2020. (Đại Biểu Nhân Dân 04/01, Đ. Khoa)Về đầu trang

Năm 2020 người lao động cần lưu ý gì về mức đóng BHXH để không bị "thiệt thòi"

Từ ngày 1/1/2020, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 150.000 đồng lên 240.000 đồng so với năm 2019 theo Nghị định 90. Vì vậy, mức đóng BHXH tối thiểu của người lao động và phía sử dụng lao động cũng có nhiều thay đổi. Theo đó, mức thay đổi mức đống BHXH tối thiểu thay đổi như sau:

 Với vùng 1, mức lương tối thiểu trong năm 2020 là 4.420.000 đồng/tháng, tăng 240.000 đồng. Số tiền đóng BHXH bắt buộc thấp nhất của người lao động sẽ là 353.600 đồng, của đơn vị sử dụng lao động là 751.400 đồng.

 Với vùng 2, mức lương tối thiểu trong năm 2020 là 3.920.000 đồng/tháng, tăng 210.000 đồng. Số tiền đóng BHXH bắt buộc thấp nhất của người lao động sẽ là 313.600 đồng, của đơn vị sử dụng lao động là 666.400 đồng.

 Với vùng 3, mức lương tối thiểu trong năm 2020 là 3.430.000 đồng/tháng, tăng 180.000 đồng. Số tiền đóng BHXH bắt buộc thấp nhất của người lao động sẽ là 274.400 đồng, của đơn vị sử dụng lao động là 583.100 đồng.

 Với vùng 4, mức lương tối thiểu trong năm 2020 là 3.070.000 đồng/tháng, tăng 150.000 đồng. Số tiền đóng BHXH bắt buộc thấp nhất của người lao động sẽ là 245.600 đồng, của đơn vị sử dụng lao động là 521.900 đồng.

 Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

 Còn với những doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

 Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới…

 Nghị định 90 cũng cho biết mức lương tối thiểu vùng quy định trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.

 Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc trong tháng và hoàn thành định mức lao động... bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.

 Doanh nghiệp cũng không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại… khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng mới.

 Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. (TTVN.vn 05/01, Minh Phú) Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 30/12/2019-3/1/2020

Trong tuần qua, Chính phủ đã ban hành hành 3 Nghị quyết nổi bật về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

 Nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020: Ngày đầu tiên của năm mới (01/01/2020), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Nghị quyết nêu rõ, đối với các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, mục tiêu phấn đấu năm 2020 của Chính phủ như sau: 1- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,8%; 2- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân < 4%; 3- Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; 4- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu < 2%; 5- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP từ 33 – 34%; 6- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 1 – 1,5%, trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo 4%; 7- Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị < 4%...

 Những giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020: Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Trong đó, năm 2020 phấn đấu môi trường kinh doanh theo xếp hạng EoDB (của Ngân hàng thế giới (WB)) lên 10 bậc; năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)) lên 5 bậc; đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII (của Tổ chức Sở  hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO)) - lên 3 - 4 bậc; Chính phủ điện tử (của Liên Hợp Quốc (UN)) lên 10 - 15 bậc...

 Tăng cường chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng quát nhằm ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc nếu có; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam; duy trì tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững; thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

 Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. Điểm đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.

 Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu phải đạt 6 tiêu chí: Chính phủ ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó quy định công nhận cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu. Cụ thể, cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học, đạt 6 tiêu chí.

 Sửa đổi quy định về quy hoạch cấp, thoát nước: Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Nghị định số 98/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, trong đó sửa đổi đối tượng lập quy hoạch cấp nước. Nội dung quy hoạch cấp nước được xác định trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng và quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn. Quy hoạch cấp nước đô thị được tổ chức lập như một đồ án quy hoạch riêng đối với các thành phố trực thuộc trung ương. Nghị định số 98/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm lập, thời gian và thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cấp nước đô thị tại Điều 26 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP. Theo đó, UBND thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cấp nước đô thị trong địa giới hành chính do mình quản lý.

 Sửa cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai. Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung cơ chế trung ương hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ về dân sinh và khôi phục cơ sở hạ tầng như sau: 1- Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên: Hỗ trợ tối đa 80% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; 2- Các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương: Hỗ trợ tối đa 70% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; 3- Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Hỗ trợ tối đa 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; 4- Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện; 5- Các trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 Phê duyệt Đề án "Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất": Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019”. Theo đề án, việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 nhằm đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong giai đoạn năm 2015 - 2019, đánh giá được sự biến động đất đai so với chu kỳ 5 năm, 10 năm trước và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

 Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành bảo hiểm và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các ngành liên quan". Mục tiêu cụ thể của Đề án là đẩy mạnh thanh toán điện tử (đặc biệt là phương thức thanh toán mà số đông người dân có thể tiếp cận sử dụng) và các điều kiện đảm bảo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phấn đấu đến hết năm 2020 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của ngành bảo hiểm đạt tối thiểu 70%; năm 2021 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt tối thiểu 85% và 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị; triển khai giao dịch điện tử đối với cá nhân, tổ chức trên các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

 Xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt: Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) đối với 7 di tích:

 1- Di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

2- Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

3- Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

4- Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

5- Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

6- Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.

7- Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

 Xuất gạo dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh 2 tỉnh Cao Bằng và Bình Định để hỗ trợ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và nhân dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 5, 6 và mưa lũ năm 2019. (Baochinhphu.vn 04/01, Minh Hiển)Về đầu trang

Thống đốc chỉ thị đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020. Một nội dung nổi bật là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

 Tại hội nghị ngành vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền Thông và đang chờ Bộ Tư pháp cho phép để triển khai Mobile Money trong năm 2020.

 Một lần nữa, tại Chỉ thị đầu tiên trong năm mới, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngành ngân hàng phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; đảm bảo các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn và hiệu quả.

 "Đổi mới và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số. tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng", Chỉ thị nêu rõ.

 Năm 2020, tiếp tục là năm ngành ngân hàng quyết liệt thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

 Theo đó, phấn đấu năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém).

 Ngoài ra, Thống đốc còn yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; đảm bảo hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ và ngân hàng trong giai đoạn sắp tới. Triển khai quyết liệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 Đồng thời, ngành ngân hàng phải đẩy mạnh cải cách hành chính đảm bảo hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và kế hoạch cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2016-2020 góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phấn đấu năm 2020 tiếp tục duy trì trong nhóm các Bộ, ngành dẫn đầu về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index); duy trì thứ hạng chỉ số tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 25 nước đứng đầu.

 Về định hướng chung, Chỉ thị 01 xác định, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

 Năm 2020, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. (Vneconomy.vn 04/01, Vũ Phong)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Quyết liệt phòng, chống tham nhũng

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ xác định rõ 6 trọng tâm chỉ đạo điều hành, trong đó có trọng tâm đáng chú ý là: “tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

 Được ví như “giặc nội xâm”, tham nhũng dường như xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực. Tham nhũng đã để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước, đến môi trường cạnh tranh bình đẳng, cũng như cơ hội kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp. Và đặc biệt, ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri, của nhân dân vào cán bộ, vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Đây cũng là lý do, nhiều năm trở lại đây, trong nghị quyết đầu tiên của năm mới về phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ luôn xác định phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trong chỉ đạo điều hành.

 Thực tế cho thấy, hành vi tham nhũng rất khó bị phát hiện, bởi đối tượng vi phạm đều là những người có chức vụ, quyền hạn và có hiểu biết pháp luật. Các chứng cứ trong các vụ án tham nhũng không dễ dàng để phát hiện, bởi các đối tượng đều có sự thỏa thuận ngầm và luôn tìm cách che dấu hành vi phạm tội. Tuy vậy, với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

 Có thể thấy, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp do tham nhũng, sai phạm trong quản lý kinh tế.

 Nhận định về kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ cho thấy, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, khắc phục khó khăn vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản nên việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Điểm đáng lưu ý, nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh, điển hình như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn.

 Việc xử lý nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng là cần thiết, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng. Tuy vậy, đó chỉ là giải quyết hậu quả khi “việc đã rồi”. Điều quan trọng là cần có giải pháp để ngăn chặn để các đối tượng “không muốn, không thể và không dám” tham nhũng. Muốn vậy, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiểm soát tài sản thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn.

 Năm 2020, Chính phủ xác định triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, chống trục lợi chính sách, lợi ích nhóm; đẩy nhanh tiến độ điều tra, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát. Giải pháp đã rõ, điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc, với sự quyết liệt và quyết tâm cao. Đặc biệt, cán bộ thực thi nhiệm vụ chống tham nhũng phải tuân thủ pháp luật, dũng cảm vượt qua những cám dỗ, như Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh: “phải đấu tranh với những cám dỗ đời thường, đó là thách thức không nhỏ”. (Đại Biểu Nhân Dân 05/01, Hà An)Về đầu trang

Cấm biếu xén lãnh đạo

Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết".

 Đó là nội dung trong Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, ban hành ngày 10-12-2019 về việc tổ chức Tết năm 2020. Một mệnh lệnh nghiêm khắc, rõ ràng, được người dân cả nước hoan nghênh. Sau chỉ thị này, nhiều địa phương trong cả nước, như Hà Tĩnh, Hà Nội, TP HCM, Quảng Bình... cụ thể hóa bằng các văn bản với nội dung "nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên".

 Từ nhiều năm trước, Ban Bí thư cũng đã chỉ thị về vấn đề này, như Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017 và trước đó, năm 2012, Ban Bí thư có Chỉ thị số 21. Cả hai chỉ thị đều nhấn mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống các biểu hiện phô trương, hình thức, lãng phí... Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc nhở trong các cuộc họp và trong các chỉ thị vào cuối năm, yêu cầu không chúc Tết lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành; yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết.

 Lý do Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không đi thăm và tặng quà dịp Tết là bởi có hiện tượng quà cáp không được bình thường. Nhiều món quà Tết không còn mang ý nghĩa văn hóa, tinh thần mà thiên về yếu tố vật chất và có động cơ vụ lợi cá nhân. Với cấp dưới là kẻ xu nịnh, thì quà biếu giá trị cao nhằm "chạy chức, chạy quyền", để được cất nhắc vào các vị trí cao hơn, nhiều bổng lộc hơn.

 Trong thực tế, dịp Tết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng tặng quà cho các đơn vị, cá nhân. Những món quà không quá đắt tiền, nhằm thể hiện tấm lòng, lời cảm ơn về sự quan tâm, hỗ trợ trong năm qua trong quan hệ công việc. Nhưng không ít người lợi dụng để "cài cắm" những khoản tiền lớn, những món quà giá trị vật chất cực lớn thì lại là chuyện khác, nói thẳng ra là hối lộ tinh vi nhằm trục lợi, là hành vi vi phạm pháp luật.

 Cái khó trong chuyện này là làm sao phân định giữa lòng thành và động cơ không trong sáng. Khi không thể định tính hay định lượng bằng cảm quan thì nên quy định, cụ thể hóa bằng luật pháp. Luật định dù khắt khe nhưng xã hội sẽ lành mạnh hơn, người trong cuộc cũng không phải bận lòng trong cách ứng xử, khỏi sợ được lòng - mất lòng qua quà cáp hay không quà cáp. Quy định càng rõ ràng thì hiệu lực càng cao. Về việc này, nhiều quốc gia đã làm và xử lý rất nghiêm. Chẳng hạn ở Nhật Bản, luật bầu cử của nước này cấm các chính trị gia trao tặng quà, tiền cho gia đình của cử tri trong khu vực bầu cử của họ. Nên khi truyền thông đưa tin văn phòng của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Isshu Sugawara đã gửi tiền chia buồn và quà cho người ủng hộ - hành động vi phạm luật bầu cử - ông Isshu Sugawara vào ngày 25-10-2019 đã phải làm đơn từ chức.

 Trong khi chưa được điều chỉnh bằng luật pháp thì người tặng quà và nhận quà phải thể hiện sự gương mẫu. Nhất là người lãnh đạo, phải nêu gương liêm chính, trong sạch thì cấp dưới không dám có hành vi biếu xén để chạy chọt, trục lợi. Làm được như vậy thì ai cũng được ăn Tết trong vui vẻ, nhẹ nhàng. (Người Lao Động 04/01, Hoàng Hoa)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Kiểm tra phòng, chống tham nhũng tại Thái Bình

Ngày 4/1, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tổ chức TƯ đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống nham nhũng tại tỉnh Thái Bình.

 Bên cạnh những kết quả phòng, chống tham nhũng mà tỉnh đã đạt được, đồng chí Phạm Minh Chính cũng đánh giá, cùng với công khai, minh bạch các hoạt động công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tỉnh coi trọng.

 Riêng trong 9 tháng của năm 2019, Cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện hơn 1.200 cuộc kiểm tra, giám sát đối với các Tổ chức đảng và Đảng viên.

 Trong lĩnh vực kinh tế, từ năm 2018 đến hết tháng 9/2019, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 8 vụ, 13 bị can về tội tham nhũng gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng.

 Đồng chí Phạm Minh Chính tin tưởng tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục đấu tranh hiệu quả với tham nhũng; nhất là trong các lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm như công tác cán bộ, đất đai, môi trường, tài chính, chế độ chính sách.

 Trước đó, nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, đồng chí Phạm Minh Chính đã đến thăm hỏi, trao tặng quà Tết cho các gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam dioxin và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thái Bình. (VTV.vn 04/01)Về đầu trang

Đề xuất kinh phí chi hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa.

 Dự thảo nêu rõ các nội dung chi từ nguồn ngân sách trung ương. Cụ thể, chi bảo đảm hoạt động của bộ máy cảng vụ đường thủy nội địa gồm: Chi thường xuyên của cảng vụ trong trường hợp nguồn thu phí thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí không đủ bù đắp chi thường xuyên của cảng vụ (nếu có); chi sửa chữa, bảo trì, cải tạo trụ sở làm việc của các cảng vụ...

 Chi thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, gồm: Chi lập, xây dựng, điều chỉnh quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý, khai thác và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được đầu tư bằng ngân sách nhà nước... Dự thảo cũng quy định việc chi thực hiện Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước về hoạt động giao thông đường thủy nội địa. 

Đối với nội dung chi từ nguồn ngân sách địa phương, căn cứ nội dung chi quy định nêu trên và quy định của địa phương (nếu có); tình hình tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa do địa phương quản lý, khả năng kinh phí và hiện trạng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa của địa phương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nội dung chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa do địa phương quản lý cho phù hợp, bảo đảm an toàn tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý. (Đại Biểu Nhân Dân 05/01, N. Minh)Về đầu trang

Hà Tĩnh: Bí thư Đảng ủy xã xin nghỉ việc sớm 11 năm, được hỗ trợ gần 800 triệu

Còn đến 11 năm công tác nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, vẫn trong diện cơ cấu lãnh đạo cao nhất của địa phương, nhận chế độ lương, phụ cấp hàng tháng hơn 11 triệu đồng, nhưng vì chủ trương tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước, vị Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch HĐND xã đã gương mẫu xin nghỉ việc.

 Nhắc đến ông Phạm Đức Trung, SN 1968, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Điền, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân (Hà Tĩnh) Phan Tấn Linh và Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) của tỉnh Hà Tĩnh Trần Huy Oánh đều dành những tình cảm, những đánh giá đầy thiện cảm.

 “Đồng chí Trung là một Đảng viên gương mẫu, là một cán bộ lãnh đạo đầy nhiệt huyết trong công việc ở địa phương. Cứ nhìn vào thành tích là xã đầu tiên của huyện Nghi Xuân chúng tôi về đích xã NTM, rồi là xã NTM  kiểu mẫu đầu tiên của huyện là biết dấu ấn của đồng chí Trung”- ông Phan Tấn Linh nói.

 Ông Trần Huy Oánh, người nhiều lần về kiểm tra tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao tại xã Tiên Điền cũng dành những thiện cảm tốt đẹp cho người Bí thư Đảng ủy xã đầy năng động, trách nhiệm. 

“Phải nói phong trào xây dựng NTM phát triển mạnh mẽ ở Tiên Điền có vai trò gương mẫu, bầu nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ ở đây, trong đó vai trò của đồng chí Bí thư Phạm Đức Trung là rất nổi bật. Có những điều đồng chí Bí thư hứa địa phương làm được, tôi vẫn đắn đo không tin. Vậy mà kỳ thực khi quay lại, tôi khá ngỡ ngàng. Có những cán bộ như thế chúng tôi rất vững tâm”- ông Oánh nói.

 Nhiều người dân kể về hình ảnh người Bí thư Đảng ủy xã chạy xe máy về các thôn xóm kiểm tra từng hạng mục, xuống tận người dân góp ý xây dựng vườn mẫu. "Sức dân là chủ đạo, nhưng thành quả xây dựng NTM của Tiên Điền có dấu ấn của những cán bộ như anh Trung. Ngay như khu vườn mẫu của tôi đây, ông ấy cũng đã nhiều lần ghé thăm, hết lòng động viên"- ông Phạm Đức Trung, chủ khu vườn mẫu ở thôn Thanh Chương chia sẻ.

 Kiểm chứng những gì diễn ra trong phong trào xây dựng NTM ở Tiên Điền, đây đúng là mảnh đất đổi thay từng ngày.

 Cách đây 8 năm, Tiên Điền còn là một xã thuộc dạng trung bình khá ở Nghi Xuân. Vậy mà năm 2016, xã Tiên Điền về đích NTM, trước thời hạn 2 năm so với kế hoạch. Từ nền móng đã đạt được, Tiên Điền được lựa chọn là địa phương hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao vào cuối năm 2019.

 Đối với tiêu chí hạ tầng, tỷ lệ đường trục thôn xóm, đường trục nội đồng cứng hóa, đường trục thôn trong khu dân cư có hệ thống đèn chiếu sáng đạt 100%. Trong số 3 trường học (mầm non, tiểu học, THCS) có 2 trường mầm non và tiểu học đạt chuẩn mức độ 2.

 Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 40,3 triệu đồng; chỉ còn lại 6 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,6%)...

 Những ngày qua, cán bộ, đảng viên tại huyện Nghi Xuân nói chung và xã Tiên Điền nói riêng dành sự quan tâm tới thông tin ông Trung chủ động xin nghỉ việc khi xã Tiên Điền và thị trấn Nghi Xuân sáp nhập, đổi tên thành thị trấn Tiên Điền theo chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Chính phủ.

 Dư luận quan tâm bởi ông Trung còn những 11 năm công tác nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, vẫn trong diện cơ cấu lãnh đạo cao nhất của địa phương, nhận chế độ lương, phụ cấp hàng tháng hơn 11 triệu đồng.

 Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Xuân Phan Văn Thư xác nhận: “Đồng chí Trung là người có năng lực, còn khoảng hơn 10 năm công tác với 2 nhiệm kỳ nữa. Nhưng vì cái chung trong sắp xếp tổ chức bộ máy, sau quá trình vận động nhận thấy việc nghỉ sẽ giúp huyện sắp xếp bộ máy gọn hơn, nên anh Trung đã gương mẫu xin nghỉ”.

 Ông Thư xác nhận, nghỉ hưu sớm ông Trung sẽ được nhận số tiền khoảng 760 triệu đồng. Số tiền trên căn cứ Nghị định 108, 113, theo nghị quyết HĐND tỉnh, nghị quyết HĐND huyện.

Bí thư Đảng ủy xã xin nghỉ việc sớm 11 năm, được hỗ trợ gần 800 triệu - 3

 Trò chuyện với chúng tôi, ông Trung xác nhận đã viết đơn xin nghỉ việc và cho biết, ông hành động vì nghĩ đến chính sách cơ cấu của Nhà nước, chủ trương tinh giản biên chế của Chính phủ.

 "Tôi năm nay 51 tuổi, đã cống hiến cho nhà nước 31 năm, trong đó có gần 3 năm công tác trong quân đội và 28 năm làm việc tại UBND xã, giữ đến chức vụ Bí thư Đảng ủy. Việc tôi chủ động rút lui sẽ giúp tổ chức dễ dàng hơn trong công tác bố trí cán bộ"- ông Trung nói.

 Vị Bí thư xã cũng bày tỏ việc ông nghỉ hưu sớm cũng là để nhường suất lại cho người trẻ hơn, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển.

 "Tôi có sự trưởng thành ngày hôm nay cũng nhờ sự giúp đỡ, dìu dắt của thế hệ cán bộ trước. Họ đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ tôi phát triển thì bây giờ tôi phải có trách nhiệm nhường vị trí cho lớp trẻ để các em cống hiến. Thế hệ 4.0 giỏi công nghệ hơn tôi nên để các em phát triển là hợp lý rồi", ông Trung nói thêm.

 Viết đơn xin nghỉ việc, nhưng ông Trung nói rằng ông sẽ vẫn là một công dân gương mẫu trong phong trào xây dựng, phát triển kinh tế hộ gia đình, góp sức làm giàu quê hương. Là đảng viên ông sẽ gương mẫu trong việc giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng khối đại đoàn kết, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền khi được yêu cầu. (Dantri.com.vn 04/01, Văn Dũng)Về đầu trang

Thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cao nhất nước là gần 1 tỷ đồng

Tổng hợp từ báo cáo lương, thưởng Tết của 40 tỉnh, thành phố với 24.907 doanh nghiệp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đến ngày 3/1 cho thấy, mức thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 cao nhất cả nước là 950 triệu đồng.

 Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, khoảng 85,6% doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch với mức thưởng bình quân 930.000 đồng/người, bằng 73,2% so với thưởng dịp Tết dương lịch 2019. 

Trong đó, loại hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước thưởng 2.140 ngàn đồng/người, tăng 36,3% so với 2019. Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước thưởng 1.360 ngàn đồng/người, bằng 95,8% so với 2019.

 Doanh nghiệp dân doanh thưởng 790 ngàn đồng/người, bằng 79,8% so với 2019. Doanh nghiệp FDI thưởng 800 ngàn đồng/người, bằng 56,7% so với 2019.

 Mức thưởng cao nhất cho một cá nhân dịp Tết Dương lịch năm 2020 là 3,5 tỷ đồng ở doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh.

 Về thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, khoảng 89,3% doanh nghiệp báo cáo dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 1 tháng lương (6,71 triệu đồng/người), tăng 7,1% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2019.

 Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước 6,12 triệu đồng/người, bằng năm 2019. Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước 7,53 triệu đồng/người, tăng 10,6% so với 2019. Doanh nghiệp dân doanh 6,27 triệu đồng/người, tăng 0,5% so với 2019. Doanh nghiệp FDI 6,91 triệu đồng/người, tăng 11,1% so với 2019.

 Mức thưởng cao nhất cho 1 cá nhân dịp Tết Nguyên đán là 950 triệu đồng/người tại doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa sinh học tại tỉnh Hải Dương.

 Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp có điều kiện chăm sóc tốt hơn đến đời sống của người lao động, trong đó tiền lương, tiền thưởng của người lao động đều tăng so với năm 2018 khoảng 90% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. (Infonet.vn 04/01, Minh Thư)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TPHCM: “Không dám tin” 95% dân hài lòng về hành chính công

Phó bí thư Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang nói "không dám tin" 95% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công, yêu cầu phải có cách khảo sát thực chất.

 "Nếu người dân hài lòng như các báo cáo mà chúng tôi được đọc, chắc cả ngày lãnh đạo không còn việc gì làm, chỉ có đi ăn giỗ", ông Trần Lưu Quang nói tại hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính, do Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức, ngày 3/1.

 Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Vũ Thanh Lưu cho biết, năm 2019 đã khảo sát tại 16 sở ngành, 24 quận huyện và 105 UBND phường, xã, thị trấn. Các điều tra viên thực hiện hơn 28.200 cuộc gọi, gặp trực tiếp 2.200 người dân. Kết quả cho thấy người dân, doanh nghiệp thể hiện mức độ hài lòng với cán bộ, công chức trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công đạt 80% trở lên, có nơi hơn 95%. 

Đa số người dân, doanh nghiệp phải đi lại tối thiểu 2 lần để hoàn thành thủ tục hành chính ở 16 sở và các quận huyện. Riêng ở cấp phường, xã có trường hợp dân phải đi lại 7 lần mới hoàn thành thủ tục. Trong quá trình giao dịch có nhiều trường hợp người dân tự ý chi tiền nhưng phần lớn là ngoài ý muốn.

 Trong gần 4.000 cuộc khảo sát có 25 trường hợp người dân nói nộp tiền cho công chức ở các sở mà không có phiếu thu, chiếm tỷ lệ 0,6%. Riêng ở cấp quận huyện, kết quả khảo sát cho thấy có 51 trường hợp tương tự.

 Theo Phó bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang, không có số liệu cụ thể để khẳng định tỷ lệ hơn 95% người dân hài lòng là chưa chính xác, song ông đặt câu hỏi "có ai dám tin con số này không?". "Bởi nhiều nơi, khi cán bộ xuống lấy ý kiến đã có danh sách người dân được chọn sẵn. Liệu những người có bức xúc, khiếu kiện, có nằm trong danh sách được chọn để khảo sát không", ông Quang nêu vấn đề.

 Lý do khác khiến Phó bí thư Thành ủy nghi ngờ kết quả khảo sát này là, khi thực hiện có thể chỉ đánh giá ở những việc dễ làm như công chứng. Ở đó người dân đóng tiền, cán bộ đóng dấu là xong việc, nên người dân sẽ nhấn nút xuất sắc cho vui vẻ...

 "Thực tế, vẫn còn nhiều việc người dân chưa hài lòng như thủ tục quá rắc rối, thái độ cán bộ chưa tốt, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Mặt khác, các doanh nghiệp thường có tâm lý 'thôi thì cứ đánh giá tốt, góp ý liệu có tác dụng gì?'", ông Quang nói. (Vnexpress.net 04/01, Trung Sơn)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Top 10 địa phương đứng đầu về thu ngân sách 2019

Năm 2019, tổng thu ngân sách địa phương vượt 16% dự toán Quốc hội giao, 63/63 tỉnh thành đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán. Trong đó, đứng đầu là TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu.

 Mời xem chi tiết hình ảnh tại đường link dưới đây:

http://cafef.vn/top-10-dia-phuong-dung-dau-ve-thu-ngan-sach-2019-2020010307244856.chn

(Cafef.vn 03/01)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Khởi tố, bắt tạm giam 2 nguyên Chánh Văn phòng UBND TP.HCM

Hai nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM và một nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố vừa bị khởi tố và bắt tạm giam.

 Các đối tượng trên bị khởi tố và bắt tạm giam do liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và các đơn vị liên quan tại TP.HCM.

 Ba đối tượng là Huỳnh Kim Phát, Lê Văn Thanh và Lê Tôn Thanh bị khởi tố vì tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí". (VTV.vn 05/01)Về đầu trang

Hàng loạt Chủ tịch phường, quận của Hải Phòng bị phê bình vì vỉa hè bị lấn chiếm

Ngày 25/12/2019, UBND TP. Hải Phòng đã phát đi công văn hỏa tốc về công tác bảo đảm mỹ quan đô thị, trật tự đường hè trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra thực tế, trên các tuyến đường Lê Lợi, Cầu Đất, Tô Hiệu, Lạch Tray, Trần Phú, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đức Cảnh, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng còn tồn tại nhiều điểm bán hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, để xe sai quy định và đặt biển quảng cáo sai vị trí gây mất mỹ quan.

 Văn bản nêu rõ: Phê bình Chủ tịch UBND các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng; Chủ tịch UBND các phường có các tuyến đường nêu trên đã không thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự đường hè gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng an toàn giao thông.

 UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận chỉ đạo các phường thuộc địa bàn tăng cường xử lý vi phạm việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trong tháng 12/2019; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu vẫn để xảy ra vi phạm.

 Nhưng trên thực tế, theo ghi nhận của Tiền Phong vào sáng ngày 4/1 (sau chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng), tại các tuyến phố lớn như Lạch Tray, Tô Hiệu, Cát Dài, Lê Lai,…tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra. Các hộ kinh doanh ngang nhiên bày bàn ghế, hàng hóa, biển hiệu quảng cáo trên vỉa hè, lòng đường cũng được tận dụng thành nơi để xe cho khách.

 UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận chỉ đạo các phường thuộc địa bàn tăng cường xử lý vi phạm việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trong tháng 12.2019; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu vẫn để xảy ra vi phạm. Nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè không những không thuyên giảm mà có chiều hướng gia tăng, Chủ tịch các quận, phường vẫn chưa ráo riết xử lý để diễn biến ngày càng phức tạp. (Tiền Phong 04/01, Hoàng Dương - Phương Linh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nhiều nước phạt nặng người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

Tài xế vi phạm khi điều khiển phương tiện không chỉ phạt tiền với mức cao, tước bằng lái xe mà thậm chí có trường hợp còn bị kết án chung thân.

 Tại Mỹ, tài xế vi phạm nồng độ cồn lần đầu bị tước bằng lái xe 3 tháng và phải đóng khoản tiền phạt có thể lên tới hơn 1.000 USD. Nếu tái phạm, mức phạt sẽ càng nặng. Thậm chí, tại bang Texas, 1 phụ nữ đã bị kết án chung thân do vi phạm 6 lần.

 Canada coi việc vi phạm nồng độ cồn khi lái xe là tội nghiêm trọng, với mức phạt cho việc tái phạm từ 3 lần trở lên là 4 tháng tù và cấm lái xe trong 3 năm. (VTV.vn 05/01)Về đầu trang

Chiến dịch không uống rượu bia khi lái xe tại Thái Lan

Thái Lan đã tổ chức một hình thức đặc biệt để tuyên truyền phản đối uống rượu bia khi lái xe.

Theo đó, hơn 150 cá nhân từng bị xử lý về hành vi này đứng cầm biểu ngữ tại các tuyến giao thông chính ở tỉnh Surin, Đông Bắc Thái Lan. Những trường hợp đang bị quản chế này là minh chứng rõ nét nhất để tuyên truyền đến người tham gia giao thông.

Theo thống kê, có khoảng 462 người đã bị bắt và quản chế vì vi phạm quy định không uống rượu bia khi lái xe trong dịp năm mới 2020 tại Thái Lan. (VTV.vn 04/01)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More