Sở Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về vấn đề phát triển hạ tầng BTS

Post date: 16/12/2014

Font size : A- A A+
(Website Sở TT&TT Quảng Bình) - Trong phiên trả lời chất vấn ngày 17/7/2009 kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XV, Chủ tọa kỳ họp đã yêu cầu 12 sở, ban ngành liên quan trực tiếp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND, tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm. Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Đại biểu Phan Xuân Luật (tổ đại biểu Đồng Hới) đã đưa ra chất vấn về việc giải quyết tình trạng xây dựng, lắp đặt các cột thu phát sóng BTS không phép và gây mất mỹ quan tại các địa phương, đặc biệt là tại Thành phố Đồng Hới. 

Trả lời chất vấn của Đại biểu, ông Trương Tấn Minh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thẳng thắng thừa nhận thực trạng bất cập đã và đang xảy ra. Đồng thời tập trung giải trình trước Hội đồng 3 nội dung chính sau:

1. Theo xu thế phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực viễn thông, internet, đặc biệt là dịch vụ thông tin di động, những năm gần đây hạ tầng trạm BTS trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng: Cuối năm 2006 chỉ có 93 điểm phát sóng, cuối năm 2007 là 174 điểm, cuối năm 2008 là 379 điểm và đến hết 6 tháng đầu năm 2009 đã tăng lên thành 459 điểm, trong đó có gần 20% sử dụng chung hạ tầng do đó số lượng trạm BTS (có cột ăng ten) hiện có là 368 trạm (cột). Theo báo cáo từ các doanh nghiệp, có đến 70% (trước đây báo cáo là 80%) công trình BTS chưa hoàn thành thủ tục giấy phép xây dựng, trong đó ở thành phố Đồng Hới gần 85% chưa có giấy phép xây dựng.

So với một số địa phương khác, lượng cột BTS trên địa bàn tỉnh ta chưa phải là nhiều: TP. Hồ Chí Minh có gần 4.000 cột, Hà Nội gần 1.300 cột, Thanh Hóa là 1.150 cột, Nghệ An hơn 900 cột, Hà Tĩnh gần 600 cột, Thừa Thiên Huế có 691 cột và Đà Nẵng có 848 cột. Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng của các địa phương này là dưới 25% và tỷ lệ hoàn thành giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng, lắp đặt cũng chỉ dưới 50%. Đơn cử trường hợp TP. Hồ Chí Minhrất nhiều cột như vậy mà cũng chỉ có 60 cột có giấy phép xây dựng.

2. Thực tế xảy ra là các doanh nghiệp viễn thông và các hoạt động phát triển hạ tầng, cung ứng dịch vụ viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh ta diễn ra trong suốt một thời gian dài trước khi hình thành bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh. Vấn đề mà Đại biểu đã nêu là hoàn toàn thực tế và chính xác, không những đang diễn ra ở trên địa bàn thành phố Đồng Hới mà cả trên toàn tỉnh, rộng hơn là trên toàn quốc.

Trách nhiệm phối hợp quản lý và chấn chỉnh hoạt động xây dựng hạ tầng BTS trên địa bàn tỉnh thuộc về nhiều ngành: Sở TT&TT chịu trách nhiệm quy hoạch điểm phát sóng và quản lý chất lượng phát sóng; Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý xây dựng và chất lượng công trình xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý đất đai và bảo vệ môi trường... Đặc biệt là thẩm quyền xem xét thỏa thuận địa điểm xây dựng và cấp giấy phép xây dựng công trình BTS hầu hết được phân cấp cho chính quyền cấp huyện (trừ một số trường hợp thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng).

Về phía Sở nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc chưa làm được quy hoạch chi tiết điểm phát sóng kịp thời, mặc dù với trách nhiệm là cơ quan giúp cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, từ cuối năm 2007 Sở đã tham mưu xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2020 (quy hoạch tổng thể).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan thẩm quyền trong quản lý xây dựng chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc quy hoạch chi tiết điểm xây dựng trạm thu phát sóng BTS.

Trên toàn quốc cũng chưa có tỉnh, thành phố nào thực hiện quy hoạch chi tiết điểm xây dựng trạm thu phát sóng BTS, mà chỉ thực hiện việc quy hoạch điểm phát sóng mang tính định hướng, nhằm đảm bảo tính tự chủ của các doanh nghiệp và thực hiện chủ trương xã hội hóa và sử dụng chung hạ tầng của Nhà nước trong hoạt động xây dựng hạ tầng viễn thông.

3. Sau khi nắm bắt được những vấn đề bất cập trong công tác quản lý quy hoạch điểm phát sóng BTS, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 1504/UBND ngày 13/07/2009 về việc quản lý quy hoạch điểm phát sóng BTS trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch phát triển điểm phát sóng BTS là quy hoạch mở, không quy hoạch cụ thể vị trí xây dựng công trình BTS. Việc xác định địa điểm cụ thể và cấp giấy phép xây dựng công trình BTS thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương (UBND huyện, thành phố).

Tới đây, Sở TT&TT sẽ tập trung xây dựng Quy hoạch điểm phát sóng BTS trên địa bàn tỉnh ngay trong tháng 8/2009 và dự kiến đến đầu quý I/2010 sẽ hoàn thành. Nếu tổ chức thực hiện tốt sẽ từng bước chấn chỉnh tình trạng phát triển trạm BTS không tuân thủ các quy định của pháp luật như hiện nay.

Ngoài ra, khi trả lời câu hỏi bổ sung của Đại biểu Hồ An Phong, Đại diện Sở đã phân tích rõ thêm các nội dung liên quan khác như: vấn đề trách nhiệm đối với chất lượng và an toàn công trình xây dựng trạm BTS, vấn đề ảnh hưởng của sóng điện từ trạm BTS đối với sức khỏe con người, vấn đề xử lý các trường hợp xây dựng trạm BTS ảnh hưởng đến hoạt động bay của Sân bay Đồng Hới...

Các nội dung giải trình của Sở TT&TT được Chủ tọa kỳ họp đánh giá là ngắn gọn nhưng rõ ràng, đầy đủ và có chất lượng cao, đã thẳng thắn chỉ ra những việc làm được, chưa làm được, đồng thời nêu lên các giải pháp để giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đáp ứng sự mong đợi của các cử tri và đại biểu HĐND.

Thay mặt Sở TT&TT, ông Trương Tấn Minh chân thành cảm ơn sự quan tâm của Hội đồng nhân dân và cử tri về vấn đề phát triển hạ tầng viễn thông, và mong muốn thường xuyên nhận được các ý kiến đóng góp quý báu giúp cho hoạt động quản lý nhà nước của Sở ngày càng hoàn thiện hơn.

Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XV diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 15 đến 17/7/2009) tại Hội trường UBND tỉnh. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã tường thuật trực tiếp các phiên khai mạc, bế mạc và chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh./.

 

Xuân Ngọc

More