Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 26-11-2021

Post date: 26/11/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Sẽ thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch không dựa vào số ca mắc mới 1
  2. Ðợt dịch thứ 5 rình rập. 2
  3. “Sốt ruột” với vaccine phòng COVID-19 sản xuất trong nước. 3
  4. Bình Dương: Tránh tình trạng để F0 về nhà tự lo. 5
  5. Trên 600 F0/ngày, Bạc Liêu khuyên thành viên gia đình sinh hoạt riêng. 5
  6. TP HCM siết kiểm soát đi lại, lưu trú người dân. 5

TIN QUỐC HỘI 6

  1. Chuẩn bị kỹ lưỡng, xem xét thấu đáo 5 nội dung tại kỳ họp bất thường của Quốc hội 6

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY.. 8

  1. Đà Nẵng: Ông Chủ tịch phường “lên phây” bán cá cho dân. 8

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP. 8

  1. World Bank: Kiều hối về Việt Nam năm nay có thể đạt 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và thứ ba khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. 8
  2. Đề xuất tiếp tục giảm phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19. 9
  3. Nhiều tập đoàn Nhật nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam.. 10
  4. Thủ tướng: “Sẽ mở lại đường bay quốc tế từ tháng 12”. 11

QUẢN LÝ.. 12

  1. Văn bản quy phạm chậm ban hành, trái luật: Công khai hết, chả có gì phải mật 12
  2. Phó Chủ tịch Đà Nẵng: Không giữ được nhân tài do cơ chế ràng buộc. 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 14

  1. Bộ Giao thông cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến mức độ 4. 14
  2. Vĩnh Phúc có sóng 5G, đẩy nhanh số hóa chính quyền điện tử. 15
  3. Hải Phòng ra mắt mô hình thử nghiệm giám sát, điều hành đô thị thông minh. 15

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 16

  1. TPHCM kiến nghị bổ sung hơn 2.000 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2022. 16

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 17

  1. Buộc thôi việc Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai sử dụng bằng không hợp pháp. 17

THẾ GIỚI 17

  1. Thủ tướng Thụy Điển từ chức vài giờ sau khi được bầu. 17

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Sẽ thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch không dựa vào số ca mắc mới

Số ca mắc mới ở cộng đồng/tuần/100.000 dân đang là 1 trong 3 yếu tố để đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương. Tuy nhiên tới đây, yếu tố này sẽ được thay đổi, không đặt nặng yếu tố số ca mắc mới hằng tuần.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, theo hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, số ca mắc mới ở cộng đồng/tuần/100.000 dân đang là 1 trong 3 yếu tố đánh giá cấp độ dịch, cùng tỉ lệ tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi và từ 65 tuổi (từ tháng 12 tính tỉ lệ tiêm vắc xin ở người từ 50 tuổi trở lên) so với khả năng đáp ứng của ngành y tế.

Đến chiều 25-11 cả nước đã tiêm được gần 115 triệu liều vắc xin, đến 30-11 này về cơ bản tỉ lệ bao phủ vắc xin đạt 100% người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, tỉ lệ được tiêm đủ 2 mũi đạt khoảng 70%.

Về xét nghiệm tìm ca mắc mới, hiện hướng dẫn chung là không xét nghiệm trên phạm vi rộng, xét nghiệm cộng đồng như trước đây. Chỉ xét nghiệm ca nghi ngờ và khi truy vết.

"Tiêu chí trụ cột đặt ra hiện nay là giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng, giảm bệnh nhân nhập viện và tử vong, tới đây có những thay đổi thì sẽ lấy đó làm tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, không dựa vào số ca mắc mới là 1 trong 3 yếu tố chính như hiện nay" - Bộ Y tế cho biết.

Bên cạnh đó, do mức độ bao phủ vắc xin đã tăng lên, yếu tố tỉ lệ tiêm vắc xin cũng được thay đổi. Có thể tới đây sẽ có tới 5 yếu tố để xác định cấp độ dịch.

Tính đến trưa 25-11, cập nhật của Bộ Y tế cho biết ở phạm vi tỉnh, hiện toàn quốc đều ở mức xanh (cấp 1, bình thường mới) và vàng (cấp độ 2, nguy cơ trung bình).

Nhưng ở phạm vi xã phường, ở trên 10.600 xã phường được xếp loại, có gần 65% là vùng xanh, trên 28% là vùng vàng. Có 7% số xã phường là vùng cam và đỏ. (Tuổi trẻ 25/11, Lan Anh)Về đầu trang

Ðợt dịch thứ 5 rình rập

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới. Các nhà chuyên môn, nhà khoa học nhận định Việt Nam phải hết sức cảnh giác, phải sẵn sàng ứng phó đợt dịch thứ 5 luôn rình rập. Thông tin trên được đưa ra ngày 25/11, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định: số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Lí do là mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan người trở về từ vùng dịch.

Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Vì thế, trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Hiện nay xu hướng là chúng ta không coi trọng con số mắc trên 100.000 dân/tuần, khuyến khích người dân tự phát hiện, nếu mắc thì báo cơ quan y tế để được quản lí, khi có triệu chứng thì vào viện. Chúng ta sẽ tập trung đánh giá tỉ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong nhiều với các địa phương, thay đổi tiêu chí đánh giá dịch bệnh tại địa phương”.

Theo quy định hiện hành, 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, là tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin; bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến. Tuy nhiên, cuối tháng 11 sẽ có một số điều chỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có những tiêu chí này. Cục Quản lí môi trường y tế phối hợp với một số cục, vụ của Bộ Y tế đang xây dựng chiến lược tổng thể phòng, chống COVID-19.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch tùy theo tình hình để chia nhỏ ( quy mô) đánh giá. Có thể chia nhỏ đến quy mô một khu phố, một cụm dân cư và có biện pháp ngăn chặn kiểm soát nhỏ, gọn nhưng hiệu quả; đảm bảo y tế đến được với mọi người dân khi nhiễm tại nhà, tại cộng đồng. Để làm được điều này cần nhiều nỗ lực trong cung ứng thuốc, đặc biệt là gói C.

Hiện nay có 3 trụ cột cần tập trung là cách li, xét nghiệm và thu dung điều trị (tại tuyến cơ sở, tầng 2, tầng 3), quan trọng nhất là sử dụng thuốc kháng virus đường uống để tăng cường mức kiểm soát dịch tại cộng đồng, hạn chế, giảm tình trạng bệnh nặng lên . Các địa phương phải đẩy nhanh tiêm chủng cho người dân, tiêm nhắc đúng lịch và tiêm ưu tiên cho người trên 50 tuổi.

Trước tình hình số ca mắc và số trường hợp tử vong do COVID-19 gia tăng trở lại, một số tỉnh thành phố thông báo đã hết giường điều trị F0. Một số địa phương có văn bản đề nghị Bộ Y tế chi viện lực lượng y, bác sĩ. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết đang cử đoàn công tác đến các địa phương có dịch phức tạp để nắm tình hình.

Ngày 24/11, cả nước ghi nhận gần 12.000 ca mắc mới COVID-19, cao nhất kể từ ngày 18/10 đến nay. Trong đó, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Thuận, Kiên Giang... tăng nhanh số ca F0. Hệ thống y tế gặp nhiều áp lực. Tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế chi viện 100 bác sĩ và 250 điều dưỡng, trong đó có 20 bác sĩ hồi sức cấp cứu. Nhiều địa phương cũng nghị được hỗ trợ thiết bị y tế và thuốc điều trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Tôi hoàn toàn thông cảm với diễn biến dịch tại các địa phương. Khi “cửa” mở ra nhiều thứ có thể “đi vào”, nhất là khi dịch bệnh này lây lan qua đường tiếp xúc. Nếu không cẩn thận, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng cao. Chúng tôi sẽ cử đoàn công tác của Cục Quản lí khám chữa bệnh làm đầu mối cùng các cục, vụ liên quan của Bộ đến các điểm có tình hình dịch diễn biến phức tạp. Trong tuần tới Bộ Y tế sẽ có những hỗ trợ các tỉnh tăng cường năng lực điều trị”.

Khi số ca mắc tăng, điều quan trọng là tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, sử dụng các loại thuốc đúng chỉ định một cách sớm nhất để giảm bệnh nhân nặng và tử vong. Bộ Y tế cho biết, đã thống nhất với một số địa phương như TPHCM huy động lực lượng quân đội tham gia theo dõi điều trị F0 tại nhà. Đồng thời đã có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin điều chỉnh điều 56 của Luật Dược để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho Bộ Y tế cấp phép nhanh cho các loại thuốc kháng virus đường uống phục vụ điều trị F0. (Tienphong.vn 26/11, Hà Minh) Về đầu trang

“Sốt ruột” với vaccine phòng COVID-19 sản xuất trong nước

Tính thời điểm hiện tại, số người mắc COVID-19 vẫn tăng lên, ở mức trên 10.000 ca mắc mỗi ngày. Bộ Y tế cũng đã có đề nghị các địa phương rà soát, thống kê trường hợp tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 để xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3. Nguy cơ thiếu vaccine đang hiển hiện. Trong khi đó, việc tiến hành thử nghiệm, sản xuất vaccine trong nước đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí vỡ tiến độ, kế hoạch.

Hồi cuối tháng 8.2021, tại buổi làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định việc Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm cho nhân dân. Việc này được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết liệt, sát sao, liên tục, nhất quán trong suốt thời gian vừa qua. Trong khi trên thế giới và trong khu vực, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và vaccine đang rất khan hiếm.

Thủ tướng nhấn mạnh “phải bàn và làm bằng được” việc sản xuất vaccine trong nước. “Trong cái khó ló cái khôn”, “trong nguy có cơ”, bối cảnh hiện nay là cơ hội để phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó có việc nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng COVID-19. Người đứng đầu Chính phủ đưa ra mục tiêu: “Cuối cùng là Việt Nam sớm có vaccine tự mình sản xuất. Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước”.

Những tưởng với quyết tâm cao của Chính phủ và các đơn vị liên quan, vaccine nội đã sẵn sàng đến với người dân. Tuy nhiên trong suốt hơn hai tháng, kể từ cuộc họp giữa Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia ngày 18.9 đánh giá kết qua giữa kỳ giai đoạn 3 vaccine Nanocovax thì những thông tin về loại vaccine này cũng như COVIVAC khá trầm lắng.

Mới đây, tại các cuộc thảo luận tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra rất “sốt ruột” về tiến độ triển khai vaccine nội. Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước. Đồng thời, chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến lược, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 để đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và phân bổ vaccine hợp lý.

Còn đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn  Đồng Nai) cũng nêu thực tế hiện nay, trong khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ phải đi vận động vaccine để đưa về nước thì vấn đề phát triển vaccine nội địa, trong đó có vaccine Nanocovax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức. “Chúng ta rất cần có vaccine made in Vietnam như nhiều đại biểu trăn trở. Tôi mong muốn Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển vaccine COVID-19 nội địa của chúng ta” - đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Không chỉ các đại biểu Quốc hội sốt ruột, mà người dân cũng đang chờ từng ngày để được tiếp cận vaccine nội. Còn đối với đơn vị sản xuất, họ đã bỏ ra tới 1.500 tỉ đầu tư cho dự án với trang thiết bị, sơ sở vật chất, nguyên vật liệu, lâm sàng và quan trọng nữa là tinh thần, động lực nghiên cứu xuống thấp khi sản phẩm của họ vẫn chưa biết ngày nào sẽ được cấp phép và đi vào cuộc sống trong bối cảnh nguồn vaccine đang thiếu và người dân đang cần.

Bao giờ có vaccine sản xuất trong nước? Đó là câu hỏi cần được Hội đồng cấp phép và Bộ Y tế phải sớm trả lời. (Laodong.vn 25/11, Linh Anh)Về đầu trang

Bình Dương: Tránh tình trạng để F0 về nhà tự lo

Ngày 24/11, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết, hiện số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh vượt 600 ca mỗi ngày, đa số là người đã tiêm vắc xin và có đến 45% là người lao động tại các doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã khuyến cáo các doanh nghiệp tuân thủ quy định phòng dịch, tránh tình trạng khi phát hiện có F0 thì không báo ngành chức năng mà để F0 về nhà tự lo”, ông Chương nói. Hiện có 95% người dân được tiêm 1 mũi và trên 80% đã tiêm 2 mũi. Thống kê cho thấy, trong số trường hợp mắc COVID-19 những ngày qua, số người chưa tiêm vắc xin trở thành F0 chiếm 5-10%, phần lớn bệnh diễn biến nặng, nguy kịch.

“Tới đây, Sở sẽ bố trí tất cả các trạm y tế phường, xã mở cửa tiêm vắc xin xuyên suốt 2 ngày/tuần với thủ tục đơn giản, người dân chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân là được tiêm. Đối với người già, sẽ bố trí y tế lưu động đến tiêm vắc xin tại nhà”, ông Chương cho hay.

Tính từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, Bình Dương ghi nhận 277.406 ca mắc COVID-19, trong đó có 267.007 bệnh nhân khỏi bệnh, 2.628 ca tử vong. Tỉnh hiện còn 10.858 bệnh nhân đang điều trị, chủ yếu tại nhà. Tỉnh đã tiêm được 4,23 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó có hơn 177.500 liều cho trẻ từ 12-17 tuổi. (Tienphong.vn 25/11)Về đầu trang

Trên 600 F0/ngày, Bạc Liêu khuyên thành viên gia đình sinh hoạt riêng

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tăng cao trong nhiều ngày qua, thành phố Bạc Liêu khuyên từng thành viên trong gia đình nên sinh hoạt riêng.

Sáng 25.11, trong 24 giờ qua, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận thêm 617 ca nhiễm mới, tăng 199 ca so với ngày trước (có 328 ca trong cộng đồng, tăng 155 ca). Đây được xem là số ca nhiễm tăng cao nhất từ trước tới nay tại tỉnh Bạc Liêu.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tăng cao, thành phố Bạc Liêu kêu gọi người dân chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19; tuyệt đối không ra đường khi chưa cần thiết. Đặc biệt, thành phố Bạc Liêu khuyến khích mỗi thành viên trong hộ gia đình sinh hoạt riêng, ăn, uống riêng; nhà ai ở yên nhà đó; nếu có tổ chức đám – tiệc thì chỉ trong nội bộ gia đình và phải luôn giữ khoảng cách an toàn.

Tại thành phố Bạc Liêu trong ngày 25.11 phát hiện 161 ca F0. Trong đó, Phường 1: 45 ca, Phường 2: 37 ca, Phường 3: 3 ca, Phường 5: 9 ca, Phường 7: 17 ca, Phường 8: 14 ca, xã Vĩnh Trạch: 4 ca, xã Vĩnh Trạch Đông.

Trước đó, tỉnh Bạc Liêu cũng quy định siết chặt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; hạn chế người dân ra đường từ 20h hôm trước đến 4h sáng hôm sau; người tiêm đủ hai liều vaccine chỉ được phép đi chợ 2 lần/tuần; không được tụ tập, đến những nơi quá 10 người... (Laodong.vn 25/11, Nhật Hồ)Về đầu trang

TP HCM siết kiểm soát đi lại, lưu trú người dân

Thành phố không lập chốt kiểm tra nhưng tăng cường rà soát người tạm trú, tạm vắng trên địa bàn để chủ động phòng chống Covid-19 trong bối cảnh ca nhiễm tăng.

Trước tình hình ca mắc Covid-19 và tử vong xu hướng tăng trong những ngày gần đây, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức hôm 23/11 chỉ đạo sở ngành và quận huyện tăng cường biện pháp phòng dịch. Các địa phương cần kiểm soát chặt "di biến động dân cư", trong đó nắm chắc người ra vào địa bàn, người có nguy cơ ở địa phương, doanh nghiệp như tài xế, phụ xe liên tỉnh, người về lưu trú... Điều này đảm bảo việc quản lý cũng như chủ động biện pháp phòng chống dịch.

Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP HCM, việc tăng cường kiểm soát "di biến động dân cư" không chỉ đơn thuần giám sát chặt đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác mà là xác minh người thường trú, tạm trú thực tế tại các quận, huyện trên địa bàn. Vì vậy, thành phố sẽ không lập các chốt kiểm soát cửa ngõ như trước.

Để tăng cường công tác kiểm tra, Công an thành phố sẽ đưa thêm lực lượng xuống các quận huyện nhằm nắm chắc số hộ, số người, phục vụ cho việc truy vết, điều trị, cấp cứu ca bệnh kịp thời hoặc hỗ trợ tiêm vaccine với người lao động trở lại TP HCM làm việc. "Điều này giúp các cơ quan y tế nắm thông tin cụ thể trong tình huống ca nhiễm tăng, từ đó có phương án phòng dịch phù hợp", ông Hà nói.

Tại nhiều quận huyện ở TP HCM, việc kiểm soát đi lại, lưu trú của người dân cũng được tăng cường. Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng cho hay thời gian qua, quận ghi nhận khoảng 90% số ca mắc Covid-19 phát sinh mới là người dân đi lại qua các quận, huyện. Do đó, công an thuộc 13 phường trên địa bàn đã yêu cầu khách sạn, nhà nghỉ, hàng quán... thực hiện khai báo y tế bằng mã QR để đồng bộ dữ liệu và kiểm soát di chuyển. Người lao động trở lại làm việc sẽ được hỗ trợ tiêm đủ liều vaccine sớm nhất.

Tương tự tại quận Bình Thạnh, Phó chủ tịch UBND quận Thái Thị Hồng Nga cho biết thời gian gần đây, người dân từ tỉnh thành trở lại làm việc và lưu trú trên địa bàn quận khá lớn. Việc kiểm soát "di biến động dân cư" đang được công an quận tổ chức cho cảnh sát khu vực rà soát người đến địa bàn, nhằm chủ động biện pháp phòng dịch khi có phát sinh. Việc kiểm tra này được tập trung ở các khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh... để nắm số người đến thường trú, tạm trú. (Vnexpress.net 26/11, Gia Minh - Đình Văn)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Chuẩn bị kỹ lưỡng, xem xét thấu đáo 5 nội dung tại kỳ họp bất thường của Quốc hội

Ngày 25/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc về chuẩn bị các nội dung trình tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV.

Trên tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương để xem xét về 5 vấn đề cấp bách, dự kiến được đưa ra thảo luận tại kỳ họp bất thường của Quốc hội gồm:

(1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật (Luật Đầu tư công, Luật đầu tư công theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự);

(2) Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ;

(3) Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội;

(4) Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025;

(5) Dự án Thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.

Mục đích của cuộc làm việc này nhằm định hướng việc nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các chính sách để tiếp tục hoàn thiện về từng nội dung; đồng thời, xác định rõ quy trình, thủ tục trình, thẩm tra, xem xét trên cơ sở đó, nếu đủ điều kiện và bảo đảm chất lượng sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là những nội dung có tính cấp bách, đột xuất, rất quan trọng cho quốc kế dân sinh, nhưng cũng là vấn đề khó, phức tạp, cần tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, xem xét thấu đáo, bảo đảm chất lượng nội dung 5 vấn đề nêu trên. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Quốc hội sẽ chỉ xem xét tối đa 5 vấn đề mà không nhất thiết phải làm cho đủ nếu các vấn đề này có chất lượng chuẩn bị không bảo đảm yêu cầu và không bổ sung thêm các nội dung khác.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc tổ chức kỳ họp bất thường dựa vào công tác chuẩn bị các nội dung trên, nếu không đảm bảo yêu cầu về chất lượng thì sẽ không trình Quốc hội, và nếu không có nội dung nào đủ điều kiện thì sẽ không có kỳ họp bất thường.

Trên tinh thần đó, lãnh đạo Quốc hội đã nghe, cho ý kiến cụ thể từng vấn đề để xem xét về quy trình, thủ tục; xem xét tác động từng chính sách để chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện, nếu đủ điều kiện sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường. Dự kiến kỳ họp bất thường của Quốc hội tổ chức cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022.

Trong phiên họp buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã xem xét về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 10 luật và Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. (VTV.vn 25/11)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Đà Nẵng: Ông Chủ tịch phường “lên phây” bán cá cho dân

Thực hiện chủ trương xoá lồng bè trái phép trên vịnh Mân Quang (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), thay vì cứng nhắc cưỡng chế thì “ông Chủ tịch phường” này có cách làm rất khác.

Bên cạnh việc vận động người dân nuôi cá lồng bè chuyển đổi ngành nghề, ông Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - đã sử dụng facebook cá nhân của mình “nhờ vả” cộng đồng mạng, rao bán cá giúp ngư dân sớm thu hồi vốn, bàn giao mặt bằng, đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Trên trang facebook cá nhân của mình, ông Hải viết: “GÓC NHỜ VẢ. Ngư dân nuôi cá lồng bè tại vịnh Mân Quang, phường Nại Hiên Đông đã đến thời hạn phải tháo dỡ lồng bè, nhưng vẫn còn hơn 6 tấn cá mú, sủ, mặc dù đã rất nỗ lực tiêu thụ để giao trả mặt bằng. Để giúp các hộ thu hồi vốn, giảm bớt gánh nặng khó khăn, rất mong anh/chị/em, bà con nhân dân mua giúp. Trân trọng cảm ơn!”.

Bên cạnh việc niêm yết giá bán các loại cá, số điện thoại của các chủ bè, ông Hải còn đăng tải số điện thoại của Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nại Hiên Đông để được trợ giúp.

Mặc dù đây là số hộ dân nuôi cá lồng bè trái phép, thuộc diện cưỡng chế, nhưng chính quyền địa phương vẫn nỗ lực hỗ trợ ngư dân trong việc bán cá để thu hồi vốn và chuyển đổi ngành nghề.

Ngay khi thông tin đăng tải, sự việc đã thu hút hơn 700 lượt like, hơn 200 lượt share và hàng trăm lượt comment quan tâm về thông tin hỗ trợ ngư dân. (Viettimes.vn 24/11, Hồ Xuân Mai)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

World Bank: Kiều hối về Việt Nam năm nay có thể đạt 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và thứ ba khu vực Đông Á – Thái Bình Dương

Theo báo cáo mới đây do Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD công bố, dự báo kiều hối về Việt Nam tăng mạnh, đạt mức 18,1 tỷ USD năm 2021, đứng thứ 8 thế giới. Theo đó, lượng kiều hối tăng trưởng tích cực bất chấp Covid-19 hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, nhất là giúp ổn định nguồn cung ngoại tệ.

Dự báo của Ngân hàng Thế giới World Bank (WB), phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD nhấn mạnh, Việt Nam sẽ đón lượng kiều hối dồi dào bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo nêu rõ, lượng kiều hối dự báo về Việt Nam năm nay có thể đạt khoảng 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và thứ ba ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Trong năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam cũng duy trì ở mức cao, đạt 17,2 tỷ USD, xếp hạng thứ 11 toàn cầu.

Theo nhiều chuyên gia, sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư cũng đang diễn ra trong lĩnh vực kiều hối. Năm 2020 báo cáo cập nhật dữ liệu đã được Ngân hàng Thế giới điều chỉnh tại Việt Nam từ mức 15,7 tỷ USD lên 17,2 tỷ USD.

Với lượng kiều hối chảy về tương đương 5% GDP năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia tại Đông Á - Thái Bình Dương có tỷ trọng kiều hối trên GDP cao nhất.

Số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong khoảng 5 năm gần đây, mỗi năm có khoảng 10.000 người lao động Việt Nam sang làm việc tại nước ngoài. Lực lượng lao động Việt Nam tăng thêm ở nhiều thị trường hứa hẹn sẽ gia tăng nguồn cung kiều hối về Việt Nam trong thời gian tới đây.

Cùng với đó, những năm qua, lượng kiều hối được gửi về đã tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chính điều này đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. (Cafef.vn 25/11) Về đầu trang

Đề xuất tiếp tục giảm phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được một số kiến nghị tiếp tục giảm phí, lệ phí trong năm 2022 do dự báo tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Để tiếp tục và kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, căn cứ quy định pháp luật phí và lệ phí, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã ban hành 5 thông tư quy định giảm mức thu 34 khoản phí, lệ phí.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được một số kiến nghị tiếp tục giảm phí, lệ phí trong năm 2022 do dự báo tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn.

Do đó, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép kéo dài thời gian giảm phí, lệ phí đến hết 30/6/2022 (đối với các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021).

Ngày 15/11/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8347/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái như sau: "Đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với việc xây dựng, ban hành các thông tư giảm phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (bao gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính để xem xét, ban hành theo thẩm quyền và quy định của pháp luật để tiếp tục hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ".

Để tiếp tục và kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, căn cứ quy định pháp luật phí và lệ phí, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nội dung dự thảo Thông tư trên cơ sở kế thừa mức thu các khoản phí, lệ phí đã được quy định giảm trong năm 2021 và bổ sung giảm 50% mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

Cụ thể, lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Thông tư 150/2016/TT-BTC. Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng bằng 50% mức thu quy định tại Thông tư 209/2016/TT-BTC. Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa bằng 50% mức thu quy định tại Thông tư 33/2018/TT-BTC…. (VTV.vn 25/11)Về đầu trang

Nhiều tập đoàn Nhật nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, ngày 24-11 Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ nhiều tập đoàn kinh tế lớn và nhiều trường đại học (ĐH) hàng đầu của Nhật muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Gặp gỡ Thủ tướng, các tập đoàn và trường học Nhật Bản mong muốn đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực như giao thông, bất động sản, năng lượng, y tế, giáo dục... Cùng ngày, Thủ tướng cũng làm việc với các quan chức cấp cao như lãnh đạo Đảng Cộng sản, Đảng Công minh trong liên minh cầm quyền, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản.

Tiếp tổng giám đốc Tập đoàn dược phẩm Shionogi - đơn vị chuyên sản xuất các loại thuốc chữa bệnh truyền nhiễm hàng đầu Nhật Bản, Thủ tướng cho biết một trong những ưu tiên của Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này là thúc đẩy hợp tác về y tế, sản xuất thuốc chữa bệnh, vắc xin phòng COVID-19 và các vắc xin phòng dịch bệnh khác.

Tổng giám đốc Shionogi cho biết tập đoàn này sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thử nghiệm sản xuất vắc xin và thuốc điều trị COVID-19. Họ cũng mong muốn đầu tư một cơ sở nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc trị bệnh tại Việt Nam và đó sẽ là cơ sở đầu tiên tại Đông Nam Á.

Thủ tướng đề nghị tập đoàn làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan của Việt Nam để nghiên cứu, triển khai trên tinh thần tuân thủ luật pháp hai bên và cùng có lợi. Ông hy vọng Shionogi sẽ thành công tại Việt Nam, góp phần phòng chống đại dịch COVID-19.

Gặp Thủ tướng, Tập đoàn Hitachi bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam như các dự án về môi trường, y tế, giảm thiệt hại thiên tai, đặc biệt mong muốn tham gia đầu tư trong lĩnh vực đường sắt. Trong khi đó, Tập đoàn Sumitomo - đối tác của Tập đoàn BRG Việt Nam - chủ trương đầu tư phát triển các khu đô thị Việt Nam.

Gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Chính phủ Việt Nam sẽ định hướng, dẫn dắt quá trình này để huy động hợp tác công - tư; lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển.

Về đầu tư nguồn nhân lực, Thủ tướng đã gặp lãnh đạo các trường hàng đầu của Nhật Bản như ĐH Waseda, Hiroshima, Ryukiu Okinawa, Jutendo, Hokkaido... Ông khẳng định việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển bền vững là chủ trương quan trọng, nhất quán của Việt Nam.

Thủ tướng đề xuất các trường ĐH Nhật Bản nên hợp tác với ĐH ở Việt Nam, nhất là trong đào tạo nhân lực, tuyển sinh. "Vạn sự khởi đầu nan, nhưng đây là thời điểm rất tốt, quan hệ hai nước vô cùng thuận lợi để nâng cao hợp tác chất lượng hơn nữa", ông nói.

Đối thoại với các nhà đầu tư lớn của Nhật, Thủ tướng khẳng định kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ gần 50 năm qua, mối quan hệ "chưa bao giờ tốt như bây giờ, nhưng trong tương lai còn tốt hơn". (Tuổi trẻ 25/11, Ngô Hạnh)Về đầu trang

Thủ tướng: “Sẽ mở lại đường bay quốc tế từ tháng 12”

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam dự kiến đầu tháng 12 mở lại các đường bay quốc tế, trong đó có chặng sang Nhật Bản.

Thông tin trên vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại cuộc gặp ông Nobuhiko Sasaki, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - Jetro, sáng 25/11. Ông Sasaki đã kiến nghị với Thủ tướng một số vấn đề, trong đó có việc mở lại đường bay từ Việt Nam đến Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong cuộc hội đàm trước đó, ông và người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, mở cửa lại đường bay thẳng giữa hai nước. Theo Thủ tướng, Việt Nam dự kiến đầu tháng 12 sẽ bắt đầu mở lại các đường bay quốc tế, trong đó có đường bay sang Nhật Bản.

Trước đó, theo phương án Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ hồi đầu tháng 11, các đường bay thường lệ quốc tế sẽ được mở lại theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, dự kiến từ quý I/2022 nối lại các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Australia.

Dự kiến tần suất 4 chuyến cho mỗi nước với tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 12.000 người mỗi tuần. Khách phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, cách ly 7 ngày tại các cơ sở cách ly có thu phí, còn khách chưa tiêm vaccine phải cách ly 14 ngày.

Giai đoạn 2, dự kiến từ quý II/2022, triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang hộ chiếu vaccine. Các thị trường triển khai theo nhu cầu của các hãng hàng không với tần suất dự kiến 7 chuyến mỗi tuần cho mỗi nước.

Hành khách có hộ chiếu vaccine sẽ tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 đến 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khách không có hộ chiếu vaccine phải cách ly tập trung 14 ngày, có thu phí.

Giai đoạn 3 từ quý III/2022 sẽ khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ với tần suất theo nhu cầu của hãng hàng không. (Vnexpress.net 25/11, Anh Tú) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Văn bản quy phạm chậm ban hành, trái luật: Công khai hết, chả có gì phải mật

Khi Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long đề nghị đưa tin chung chứ không đưa chi tiết con số (Văn bản quy phạm chậm ban hành, trái luật), Chủ tịch Quốc hội đã nói ngay là sẽ công khai hết, vì chả có gì phải mật hết cả.

2 năm, thậm chí “có những luật 3 - 4 năm sau thời điểm có hiệu lực vẫn chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết”- Khẳng định của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Chúng ta vẫn nghe tình trạng luật ống, luật khung, luật giấy... Nhưng mà 2, 3, thậm chí 4 năm sau thời điểm có hiệu lực mà vẫn chưa có hướng dẫn, vẫn chưa quy định chi tiết, vẫn nợ thì đúng là không tưởng tượng nổi.

Và sự “delay của luật” này đã sinh ra một thứ “luật giấy”, với đúng nghĩa đen là chỉ tồn tại trên giấy chứ không thể “vào cuộc sống” vì thiếu hướng dẫn, vì bị nợ.

Và trong bối cảnh, nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Hôm trước họp cán bộ chủ chốt các đồng chí nói, sai phạm bên ngoài giá trị tiền rất nhỏ thì phạt nọ kia. Bây giờ cơ quan nhà nước, tổ chức, cán bộ, đảng viên làm sai, ban hành văn bản trái luật, lại không chịu trách nhiệm gì thì làm sao được? Luật có rồi mà anh để hàng năm không ban hành quy định chi tiết thì trách nhiệm anh thế nào? Chẳng lẽ không chịu trách nhiệm gì?”.

Vào tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ khi đó là ông Mai Tiến Dũng đã yêu cầu phải xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng, và cải cách không để tình trạng “văn bản chồng chất lên văn bản”.

Chồng chất là thế nào? Là tình trạng một luật nhưng có tới 15 nghị định hướng dẫn. Nợ đọng là thế nào? Riêng quy định chi tiết luật, pháp luật đã có hiệu lực, các bộ, cơ quan đến thời điểm đó còn nợ 18/55 văn bản, chiếm đến 32,7%. Nợ tới 1/3 số lượng, đó là nợ chồng nợ chất. Nợ tới 2,3 thậm chí 4 năm, đó là “nợ xấu”, một món nợ trách nhiệm.

Và nếu nói trách nhiệm chính của các bộ ngành là ban hành văn bản mang tính chất tạo thể chế, hành lang cho xã hội, cho nền kinh tế vận hành thì rõ ràng, việc “nợ đọng” đồng nghĩa với việc chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Quốc hội sẽ giám sát chặt. “Không thể để tình trạng thế này được”. Và điều đáng ghi nhận nhất, nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là sẽ “không nể nang gì chuyện này”, sẽ công khai kết quả giám sát chứ “cứ nể nang là không có được”.

Chậm thì phải đẩy nhanh. Nợ thì phải trả. Chứ đề nghị “đưa chung chung” rồi đâu lại vào đó thì nói như Chủ tịch Quốc hội “nói chung thế là chẳng có tác dụng gì. Mà không có tác dụng gì thì tốt nhất không nên làm. Tốn kém tiền của ngân sách nhà nước”. (Laodong.vn 25/11, Anh Đào)Về đầu trang

Phó Chủ tịch Đà Nẵng: Không giữ được nhân tài do cơ chế ràng buộc

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng thành phố đang “chảy máu chất xám” vì không đủ điều kiện giữ chân nhân tài do cơ chế ràng buộc.

Ngày 25/11, tại Chương trình làm việc với Đoàn Giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, 15 năm qua, thành phố đã mở rộng gấp 4 lần diện tích đô thị, dân số cũng tăng gấp đôi nhưng số lượng biên chế không tăng mà còn giảm so với năm 2007, thậm chí giảm sâu.

Cụ thể, nếu so sánh số lượng biên chế và người lao động hợp đồng năm 2015 với năm 2022 thì giảm khoảng 1.000 người.

Ông Nam cho hay, đầu việc của các sở, ngành ngày càng tăng lên, tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Ông Nam lấy ví dụ Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Y tế có hơn 30.000 văn bản cần xử lý trong năm 2020. Sở Tài chính, Sở Xây dựng cũng có hơn 20.000 văn bản cần xử lý.

“Biên chế giảm sâu dẫn đến áp lực cho cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ thực trạng trên, cùng với mức thu nhập hạn chế đã dẫn tới câu chuyện chảy máu chất xám vì thành phố không đủ điều kiện giữ chân nhân tài do cơ chế ràng buộc. Thành phố rất trăn trở trước vấn đề này”, ông Nam cho biết.

Về người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường, ông Nam cho biết, theo quy định hiện hành thì thu nhập còn thấp hơn cả mức thu nhập chuẩn nghèo của thành phố.

“Thành phố đề xuất cho thực hiện cơ chế tự chủ về biên chế theo năng lực để chủ động trong bảo đảm quyền lợi cũng như tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ với đối tượng này”, ông Nam kiến nghị.

Theo báo cáo của ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng tại buổi làm việc, từ năm 2017 -2020, Đà Nẵng đã hoàn thành sắp xếp 71 đơn vị sự nghiệp công lập, vượt số lượng dự kiến 22 đơn vị.

Đà Nẵng đã thực hiện được “4 giảm”, gồm: Giảm đầu mối (giảm 37 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 124 đơn vị cấp phường); Giảm 178 vị trí lãnh đạo, quản lý; Giảm biên chế (đã thu hồi 93 chỉ tiêu số lượng người làm việc, giải quyết cho 43 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, chấm dứt hợp đồng lao động 23 người) và giảm kinh phí từ ngân sách.

Theo ông Nguyện, thực hiện cơ chế tự chủ, tinh giản biên chế, giai đoạn 2017-2019, Đà Nẵng đã giảm được 280 tỷ đồng ngân sách chi cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn trước đó. Giai đoạn 2015-2021, Đà Nẵng đã giảm 207 biên chế công chức (chiếm 10,4%), giảm 2.316 người làm việc trong đơn vị sự nghiệp (chiếm 11,7%).

Chủ trì và kết luận buổi làm việc, bà Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội ghi nhận và tiếp thu kiến nghị của Đà Nẵng. Bà Yên cho hay sẽ tổng hợp và trình Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét để có giải pháp phù hợp. (VTC.vn 25/11, Xuân Tiến)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ Giao thông cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến mức độ 4

Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải) đang phối hợp với các đơn vị cung cấp bổ sung 100 dịch vụ công mức cao.

Theo đó, đến hết tháng 11/2021, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến hoàn thành chỉ tiêu 100% dịch vụ đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Từ tháng 12 tới, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp 284 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đáp ứng chỉ tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Để đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã điều chỉnh danh sách thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021.

Cụ thể, theo quyết định điều chỉnh, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 đối với 6 thủ tục gồm: Thỏa thuận vị trí, thông số kỹ thuật chi tiết cảng biển, bến cảng, cầu cảng, luồng hàng hải; cấp giấy phép cho lái tàu trên các tuyến đường sắt đang khai thác.

Bên cạnh đó, các dịch vụ trong lĩnh vực hàng không như: cấp giấy phép khai thác cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; cấp giấy phép khai thác hệ thống kỹ thuật, thiết bị bảo đảm hoạt động bay; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng quyết định không triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đối với 18 thủ tục hành chính; trong đó, có 5 thủ tục do Cục Hàng hải Việt Nam cung cấp, 9 thủ tục do Cục Hàng không Việt Nam cung cấp, Cục Đường thủy nội địa và Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng có 2 thủ tục/đơn vị.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, việc điều chỉnh danh sách thủ tục hành chính nâng cấp đưa lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 nói trên nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam theo thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 29/9 vừa qua.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành không đưa vào xây dựng mới các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với các thủ tục hành chính từ năm 2018 đến nay không phát sinh hồ sơ; đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính từ năm 2018 đến nay không phát sinh hồ sơ.

Cũng theo địa diện Trung tâm Công nghệ thông tin, theo kế hoạch đến hết tháng 11/2021, Trung tâm sẽ phối hợp cùng các đơn vị trong ngành cung cấp bổ sung 100 dịch vụ công, nâng số dịch vụ công của Bộ Giao thông Vận tải lên 325 dịch vụ; trong đó, có 284 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 41 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

Với kế hoạch trên, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thành chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức độ 4, sớm hơn 1 tháng so với thời hạn Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thành. (TTXVN/Bnews.vn 24/11, Quang Toàn)Về đầu trang

Vĩnh Phúc có sóng 5G, đẩy nhanh số hóa chính quyền điện tử

Ngày 25/11, tại Vĩnh Phúc, Viettel công bố chính thức khai trương thử nghiệm 5G, trở thành nhà mạng đầu tiên triển khai công nghệ này tại đây và là địa phương thứ 9 trên cả nước có sóng 5G Viettel.

Người dân địa phương có thể sử dụng 5G miễn phí tại các khu vực xung quanh Đài Truyền hình tỉnh, Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và lân cận. Tốc độ mạng 5G Viettel đo được ở các khu vực thử nghiệm ổn định ở mức 500- 700Mbps, cao nhất có thể lên tới 1Gbps.

Sự kiện là bước đi quan trọng của Viettel trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kiến tạo môi trường sống, kinh doanh số cũng như góp phần đẩy nhanh công cuộc số hóa chính quyền điện tử, giúp Vĩnh Phúc đi nhanh hơn trên con đường kinh tế số.

Trước đó, nhằm thể hiện cam kết đồng hành cùng chính quyền địa phương tỉnh Vĩnh Phúc trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, Viettel Vĩnh Phúc đã triển khai hệ thống camera giám sát online và mạng internet đáp ứng yêu cầu liên lạc, làm việc, giải trí cho ban chỉ đạo và người dân dân tại 31 khu cách ly tập trung.

Đơn vị cũng đã chủ động triển khai 10 điểm cầu truyền hình chống dịch tại Sở Y tế và 9/9 Trung tâm Y tế huyện, thị; đồng hành hỗ trợ công nghệ thông tin cho chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, bố trí nguồn lực gần 200 cán bộ, nhân viên đồng hành cùng Ngành Y tế tỉnh trong công tác phòng chống dịch cũng như nhập liệu tiêm chủng, chứng nhận điện tử lên hệ thống PC- COVID và hệ thống tiêm chủng quốc gia, góp phần đưa Vĩnh Phúc duy trì Top 10 tỉnh cao nhất toàn quốc về nhập liệu hệ thống. (Tienphong.vn 25/11)Về đầu trang

Hải Phòng ra mắt mô hình thử nghiệm giám sát, điều hành đô thị thông minh

Sáng 25.11, Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hải Phòng ra mắt mô hình thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC Hải Phòng). Đây là một trong những nhiệm vụ cụ thể hoá chương trình chuyển đổi số TP.Hải Phòng.

 

 

Mô hình thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Hải Phòng được sự phối hợp hỗ trợ của Tập đoàn Viễn thông quân đội cùng Sở Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng. Sau một thời gian thực hiện, đến nay mô hình được Sở Thông tin và Truyền thông ra mắt đưa vào vận hành.

Mô hình được triển khai với kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố, các cấp, các ngành, cung cấp dịch vụ đa dạng phục vụ đời sống của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Qua đó, tạo bước khởi động cho việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành công chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số thành phố Hải Phòng trong thời gian tới. (Laodong.vn 25/11, Mai Dung)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

TPHCM kiến nghị bổ sung hơn 2.000 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2022

TPHCM cần hơn 5.100 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương để triển khai các dự án trong năm 2022 nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến chỉ phân bổ một nửa, không đáp ứng nhu cầu vốn của thành phố.

 

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án phân bổ vốn đầu tư công năm 2022 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Trước đó, UBND TPHCM đăng ký nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách Trung ương, trong đó nhu cầu vốn ngân sách Trung ương trong nước là hơn 1.900 tỉ đồng và nước ngoài là hơn 3.200 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phân bổ vốn ngân sách Trung ương trong nước là 1.768 tỉ đồng (thấp hơn đăng ký 180 tỉ đồng) và vốn ngân sách Trung ương nước ngoài 711 tỉ đồng (thấp hơn 2.489 tỉ đồng so với nhu cầu vốn của TPHCM).

Theo UBND TPHCM, đầu tư công là động lực rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế TPHCM sau dịch COVID-19, nhất là trong bối cảnh thành phố là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch vừa qua. Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét báo cáo Chính phủ chấp thuận bổ sung kế hoạch vốn để triển khai đầu tư các dự án.

Cụ thể, bổ sung 180 tỉ đồng từ vốn ngân sách Trung ương trong nước để TPHCM triển khai dự án mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

Đồng thời, bổ sung 1.870 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương nước ngoài để TPHCM bố trí đủ vốn cho các dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi -Tẻ; metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); Vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2; hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển giao thông xanh.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng kiến nghị ưu tiên, bố trí bổ sung 17.234 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư ba dự án trọng điểm cấp bách là cao tốc TPHCM – Mộc Bài, cải tạo rạch Xuyên Tâm và cải tạo kênh Hy Vọng. (Laodong.vn 25/11, Minh Quân)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Buộc thôi việc Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai sử dụng bằng không hợp pháp

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường vừa ký Quyết định số 4135/QĐ-UBND về việc kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Đàm Quang Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai.

Quyết định kỷ luật ông Đàm Quang Vinh được thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 13 - Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Đàm Quang Vinh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2021.

Trước đó, vào cuối tháng 10, ông Vinh bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày để xem xét kỷ luật cán bộ, công chức theo quy định.

Kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai khóa XVI cũng đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm đối với ông Vinh trong vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVI, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh tra tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, Bí thư Đảng ủy Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai do đã sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp. (VTV.vn 25/11)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thủ tướng Thụy Điển từ chức vài giờ sau khi được bầu

Nữ Thủ tướng đầu tiên của Chính phủ Thụy Điển Magdalena Andersson, người vừa được bầu trước đó vài giờ hôm 24/11, đã thông báo quyết định từ chức do không nhận được sự ủng hộ của đảng Xanh trong liên minh cầm quyền.          

Báo chí Đức dẫn lời bà Andersson phát biểu tại Stockholm ngày 24/11 cho biết, bà đã đề nghị Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlén bãi nhiệm chức vụ của bà, song bà vẫn mong muốn trở lại đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Chính phủ quốc gia Bắc Âu. Chủ tịch Quốc hội Norlén đã chấp thuận đề nghị từ chức của bà Andersson, đồng thời cho biết sẽ liên lạc với các nhà lãnh đạo đảng để thảo luận về vấn đề này và sẽ thông báo về bước đi tiếp theo trong ngày 25/11.

Theo bà Andersson, bà không muốn lãnh đạo một chính phủ bị hoài nghi về tính hợp pháp. Bà bày tỏ hy vọng sẽ trở lại với một chính phủ thiểu số của đảng Dân chủ Xã hội, đồng thời cho rằng đảng Xanh vẫn muốn ủng hộ bà trở thành thủ tướng.          

Trước đó, đảng Xanh đã quyết định rút khỏi liên minh sau khi Quốc hội ngày 24/11 thông qua một đề xuất ngân sách thay thế của phe đối lập. Đồng Chủ tịch đảng Xanh Per Bolund cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua một ngân sách được thương lượng "với một đảng cực hữu", ám chỉ đảng Dân chủ Thụy Điển theo chủ nghĩa dân túy.            

Sớm cùng ngày 24/11, bà Andersson đã được Quốc hội Thụy Điển bầu làm thủ tướng, kế nhiệm ông Stefan Lofven, người đã chính thức tuyên bố từ chức vào đầu tháng này sau 7 năm cầm quyền. Tại Thụy Điển, thông thường chính phủ liên minh sẽ từ chức khi một đảng rút khỏi liên minh cầm quyền. (VTV.vn 25/11)Về đầu trang ./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More