Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 02-7-2021

Post date: 02/07/2021

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

1.                Bộ Y tế sẽ xem xét cách ly F1 tại nhà trên toàn quốc. 1

2.                7 chuỗi lây COVID-19 qua lái xe đường dài, Bộ Y tế yêu cầu ghi lại hành trình vận chuyển  2

3.                Bắc Ninh, Bắc Giang sẽ quay lại trạng thái "bình thường mới" từ 10/7. 3

4.                Phuket đã mở cửa, Phú Quốc bao giờ đón khách?. 3

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ 4

5.                Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. 4

6.                Tất cả lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn tái cử. 6

CHÍNH SÁCH MỚI 6

7.                Chính sách mới về hộ khẩu, căn cước công dân gắn chíp, BHYT từ 1.7. 6

8.                Bỏ sổ hộ khẩu từ 1/7/2021 là thông tin không chính xác! 7

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP. 8

9.                PMI tháng 6 giảm mạnh xuống còn 44,1 điểm, mức nghiêm trọng nhất trong hơn 1 năm   8

10.             Reuters: PMI giảm nghiêm trọng ở Việt Nam, Malaysia đang cảnh báo rủi ro tụt hậu của châu Á trong cuộc đua phục hồi kinh tế. 10

11.             Ra quân Tổng điều tra kinh tế trong điều kiện đặc biệt 10

12.             Ứng phó với COVID-19, cần hỗ trợ để "doanh nghiệp li ti” lớn mạnh. 11

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH.. 12

13.             Giá phải trả cho vi phạm về đất đai cao quá?. 12

QUẢN LÝ.. 13

14.             Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng. 13

15.             Bộ Nội vụ thi tuyển để chọn người “có đức, có tài, có năng lực lãnh đạo”. 14

16.             Nhiều trụ sở huyện, xã bỏ hoang sau sáp nhập. 15

17.             Doanh nghiệp sẽ tăng mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động. 15

18.             Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nói gì về hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị bắt?  16

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 17

19.             Loại bỏ giấy tờ, các thủ tục rườm rà trong đăng ký tuyến vận tải khách. 17

20.             Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội với tâm thế tốt nhất 17

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 18

21.             Kiểm điểm trách nhiệm 173 cá nhân vụ sai phạm tiền tỷ ở Gia Lai 18

THẾ GIỚI 19

22.             Tổng thống Putin thực hiện "đường dây trực tiếp" với người dân Nga. 19

23.             Brazil sa thải quan chức đòi hoa hồng 400 triệu USD trong hợp đồng vắc xin. 20

 THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Bộ Y tế sẽ xem xét cách ly F1 tại nhà trên toàn quốc

Liên quan tới việc triển khai cách ly F1 tại nhà, ngày 30/6, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, sau khi thí điểm tại TP.HCM, Bộ Y tế sẽ đánh giá lại tính khả thi và xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng trên phạm vi toàn quốc. 

Theo bà Hương, việc cách ly F1 tại nhà sẽ mang lại một số thuận lợi cho địa phương cũng như cho chính người cách ly. Đây là giải pháp giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung. F1 có nhà ở đáp ứng điều kiện thì có thể cách ly tại nhà. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo so với việc ở trong các khu cách ly tập trung quá tải hoặc được cải tạo từ trường học, khu nhà văn phòng, phải sử dụng khu vệ sinh chung không đạt yêu cầu phòng chống dịch. “Ngoài ra, cách ly tại nhà còn tạo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho người cách ly”, bà Hương nói.

 Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cũng khẳng định, việc thực hiện cách ly F1 tại nhà cũng gặp một số khó khăn như sự xuất hiện biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nguy cơ lây nhiễm cao. Khi cách ly tại nhà,nếu F1 không tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch thì sẽ lây cho người ở cùng và lan ra cộng đồng.

 Bà Hương cũng khẳng định, việc cách ly F1 tại nhà cần sự giám sát rất chặt chẽ của chính quyền địa phương. Các trường hợp F1 không ở tập trung mà rải rác nhiều nơi ên cần phải bố trí nhiều cán bộ y tế, cán bộ chính quyền địa phương hơn để theo dõi, giám sát chặt chẽ, đảm bảo không lây lan ra cộng đồng.

 “Đặc biệt là ở khâu giám sát, nếu không đủ người và không giám sát chặt chẽ, trong trường hợp người cách ly không tuân thủ quy định, tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly thì nguy cơ lây nhiễm rất cao”, bà Hương nhấn mạnh.

 Trước thắc mắc về việc hướng dẫn cách ly F1 tại nhà của Bộ Y tế nêu điều kiện phải có nhà ở riêng biệt (biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập); có phòng riêng khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt gia đình, bà Hương cho biết, điều kiện để F1 được cách ly tại nhà theo hướng dẫn mới ban hành tương tự điều kiện cách ly đối với trẻ em đã được triển khai trước đó của Bộ Y tế.

 Mặt khác, qua thời gian, việc triển khai theo hướng dẫn này có kết quả tốt, các điều kiện đều khả thi, không có lây nhiễm và phản ánh khó khăn gì từ những địa phương từng thực hiện. “Ngoài ra, do biến chủng virus mới hiện nay lây lan nhanh, nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình rất lớn nên việc cách ly F1 tại nhà phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”, bà Hương nói. (VTC.vn 01/7, Phạm Quý) Về đầu trang

7 chuỗi lây COVID-19 qua lái xe đường dài, Bộ Y tế yêu cầu ghi lại hành trình vận chuyển

Tính đến ngày 30-6 đã ghi nhận 12 ca bệnh COVID-19 là lái xe, phụ xe đường dài, từ đó dẫn đến 7 chuỗi ca bệnh tại nhiều tỉnh thành. Bộ Y tế vừa có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh thành phòng chống lây nhiễm cho người lái xe, hành khách...

 Bộ Y tế cho biết 7 chuỗi lây nhiễm kể trên có 12 bệnh nhân COVID-19 và 240 người tiếp xúc, xuất hiện tại nhiều tỉnh thành.

 Từ 12 bệnh nhân và những người tiếp xúc này, chuỗi ca bệnh tại Thái Bình, Hải Phòng có thêm 16 ca bệnh; chuỗi ca bệnh tại Đà Nẵng ghi nhận 82 bệnh nhân; chuỗi ca bệnh Khánh Hòa, Phú Yên có 81 ca bệnh; chuỗi ca bệnh Long An có thêm 3 bệnh nhân; chuỗi ca Hưng Yên 7 bệnh nhân; chuỗi ca Lào Cai 4 bệnh nhân; chuỗi ca Quảng Ngãi 18 bệnh nhân.

 Bộ Y tế cũng cho biết hiện tại cả nước ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến các tài xế xe đường dài, tính chất các chuỗi lây nhiễm này thường trải dài ở các tỉnh thành, cần sự phối hợp phòng chống của các tỉnh thành.

 Để ngăn chặn dịch lây lan qua vận chuyển hành khách, lái xe và phụ xe, Bộ Y tế vừa có công điện yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang trên các xe vận chuyển hành khách. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách, ban quản lý bến xe, trạm dừng nghỉ cập nhật thường xuyên bản đồ "Sống chung với dịch".

 Lái xe, người lao động, nhân viên các đơn vị này thực hiện khai báo y tế điện tử, vận động hành khách thực hiện khai báo qua các ứng dụng, ghi chép và lưu trữ thông tin hành khách di chuyển liên tỉnh.

 Bộ Y tế cũng yêu cầu chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhân viên bến xe, lái xe, phụ xe, nhân viên bốc xếp...

 "Xe vận chuyển liên tỉnh hạn chế dừng đón khách tại điểm có dịch, đảm bảo khoảng cách an toàn trong xe bằng việc hạn chế số lượng khách mỗi chuyến, không dừng đỗ tại khu vực đã phong tỏa và thường xuyên bật camera hành trình" - Bộ Y tế yêu cầu. (Tuoitre.vn 01/7, Lan Anh)Về đầu trang

Bắc Ninh, Bắc Giang sẽ quay lại trạng thái "bình thường mới" từ 10/7

Chiều tối 30/6, tại cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cho biết, dự kiến từ ngày 10/7 tới, tình hình dịch được kiểm soát hoàn toàn, 2 tỉnh này sẽ quay lại trạng thái "bình thường mới" đến cấp quy mô xã, phường.

 Đến nay, ở 4 khu công nghiệp tại Bắc Giang, với hơn 220 doanh nghiệp và 55.400 lao động đã quay lại hoạt động an toàn. Các doanh nghiệp áp dụng phần mềm quản lý công nhân, sắp xếp lại khu nhà trọ như các "ký túc xá của doanh nghiệp". Trong tháng 7, các khu công nghiệp cơ bản quay lại hoạt động.

 Còn tại Bắc Ninh, cùng với việc giám sát hoạt động phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, tỉnh thành lập 40 tổ công tác rà soát điều kiện an toàn để các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; duy trì khu vực lưu trú tạm thời cho công nhân trong nhà máy, phân xưởng để phòng tình huống dịch bệnh quay trở lại.

 Bắc Ninh cũng sẽ tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; nâng cao các chỉ số năng lực điều hành của chính quyền địa phương, tích cực tổ chức xúc tiến đầu tư. (VTV.vn 01/7)Về đầu trang

Phuket đã mở cửa, Phú Quốc bao giờ đón khách?

Chống dịch cứ chống, nhưng làm ăn được ngay khi dịch giã mới cần tới sự năng động và thông minh. Thông tin từ Phuket Thái Lan làm cho chúng ta sốt ruột về Phú Quốc.

 Đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket ở miền Nam Thái Lan đã mở cửa trở lại cho du khách quốc tế vào ngày 1.7 sau khi đóng cửa hơn 1 năm do COVID-19. Đây là một phần của mô hình du lịch thử nghiệm mang tên Phuket Sandbox, được thiết kế để giúp nền kinh tế Thái Lan phục hồi sau đại dịch. Thái Lan là quốc gia mạnh về du lịch trong khu vực, luôn có sáng kiến, và cú hích từ Phuket chắc chắn sẽ đẩy du lịch của Thái Lan mạnh lên trong năm nay.

 Sáng kiến là ở chỗ, như lời Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket Bhummikitti Ruktaengam: "Họ có thể đi du lịch tự do nhưng phải ở trong phạm vi Phuket. Nếu họ muốn đến thăm các vùng khác của Thái Lan, trước tiên họ cần dành ít nhất 14 ngày ở Phuket".

 Có nghĩa là, có "hộ chiếu vaccine", sau khi du lịch khép kín ở Phuket 14 ngày, du khách có quyền được đi đến những nơi khác. Đã tiêm vaccine, còn "cách ly" 14 ngày tại đảo Phuket, quá đủ để chứng minh về sự an toàn, để cho du khách được tự do đi lại.

 Sáng kiến là ở chỗ, trẻ em dưới sáu tuổi đi cùng cha mẹ có thể đến Phuket mà không cần tiêm phòng COVID-19.

 Không chỉ Thái Lan, Indonesia cũng chuẩn bị cho "đảo thiên đường" Bali hoạt động trở lại. Tỉnh này nhận được 3 triệu liều vaccine và được tiêm chủng rộng rãi cho toàn dân. Dự kiến chính phủ sẽ mở cửa du lịch trở lại trong tháng 7 tới.

 Còn Phú Quốc của ta, đã rục rịch thí điểm đón khách du lịch quốc tế, nhưng cho đến nay vẫn chậm sau Phuket.

 Cũng cần phải tư duy lại một vấn đề, đó là khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine" theo dõi thông tin an toàn từ các nước, các điểm đến. Chúng ta không chỉ lo lắng về phía khách có đảm bảo an toàn hay không, mà họ cũng lo cho sự an toàn của chính họ khi đến Việt Nam. Ngoài ra, thủ tục cho khách "hộ chiếu vaccine" phải đơn giản, thuận lợi. Kiểm tra gắt gao về y tế, nhưng hỗ trợ tối đa về các điều kiện xuất nhập cảnh khác.

 Tại văn bản số 4159/VPCP-TKBT, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7.2021.

 Tháng 7 tới rồi, không thể để chậm cơ hội cạnh tranh hồi phục ngành du lịch. Phú Quốc là địa phương thí điểm, cần làm nhanh và hiệu quả, để còn nhân rộng mô hình ở các điểm đến khác của Việt Nam. (Laodong.vn 01/7, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6

Ngày 1/7 đã diễn ra phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

 Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về 4 nội dung: Bối cảnh, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, những kết quả đạt được, những hạn chế, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, mục tiêu, phương hướng, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm; các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.

 Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển, cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức phiên họp từ khâu tổ chức báo cáo tới khâu thảo luận, phát biểu. Những ngày qua, Thủ tướng đã chỉ đạo việc xây dựng các báo cáo theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ đánh giá, tập trung vào những công việc trọng tâm.

 Thủ tướng nhấn mạnh, tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, có nơi, có lúc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.

 Thủ tướng lấy ví dụ, Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian vừa qua đã ưu tiên cho nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, hiện nay đang ưu tiên cho nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương như Hà Nội cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai nhiệm vụ, mục tiêu. TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang phải tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Hơn nữa, ngay trong một địa phương như TP Hồ Chí Minh, có những quận, huyện tập trung phòng chống dịch, nhưng những quận, huyện khác tình hình dịch bệnh không căng thẳng, phải tập trung phát triển kinh tế.

 Thủ tướng cũng nhắc tới ví dụ về kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm để nghiên cứu, thảo luận, phân tích kỹ, làm rõ thêm về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, tập trung vào: Phòng chống dịch bệnh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn; hoạt động xuất nhập khẩu; phát triển công nghiệp và xây dựng; phát triển nông nghiệp; phát triển các ngành dịch vụ (như đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử); thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, huy động nguồn vốn xã hội; bảo đảm lao động, việc làm, an sinh xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới, cải cách, hoàn thiện thể chế; bảo đảm quốc phòng-an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, thúc đẩy hội nhập sâu rộng; theo dõi, đôn đốc kiểm tra, khen thưởng, xử lý kỷ luật; tuyên truyền và vận động nhân dân.

 Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi không đồng đều. Các quốc gia phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm. Các biến chủng mới COVID-19 như Delta và Delta plus đang lây lan nhanh như cháy rừng ở nhiều quốc gia, một số quốc gia phải tái lập các biện pháp phòng chống dịch bệnh; các ảnh hưởng làm hạn chế nguồn cung, khó khăn trong giao thương đã làm tăng giá cả hàng hóa và lạm phát, các quốc gia phải cân bằng giữa kiềm chế lạm phát, nợ công và duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng để phục hồi kinh tế. (VTV.vn 01/7)Về đầu trang

Tất cả lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn tái cử

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Bắc Kạn khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, thực hiện công tác cán bộ, bầu các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND tỉnh.

 Kỳ họp tiến hành bầu bà Phương Thị Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khóa IX, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh, tái cử chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

 Các ông, bà: Hoàng Thu Trang - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khóa IX, Nông Quang Nhất - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa IX, được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

 Kỳ họp cũng đã bầu ông Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khóa IX tái cử Chủ tịch UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ phiếu đạt 100%.

 Các ông, bà: Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khoá IX, Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khoá IX, Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khoá IX, tái cử chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

 Kỳ họp đã tiến hành bầu các Ủy viên UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026; bầu Hội thẩm Toà án nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026 và thực hiện một số công việc quan trọng khác. (Tienphong.vn 01/7, Nguyễn Duy Chiến)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Chính sách mới về hộ khẩu, căn cước công dân gắn chíp, BHYT từ 1.7

Dưới đây là những chính sách mới về đăng ký hộ khẩu (đăng ký thường trú), tạm trú, căn cước công dân gắn chíp, BHYT chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2021.

 Dừng cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 1.7.2021: Điểm nổi bật nhất của Luật Cư trú 2020 đó là quy định về việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng số hóa. Cụ thể:

 - Đối với đăng ký thường trú: Thay vì cấp sổ hộ khẩu, khi công dân đủ điều kiện để đăng ký thường trú thì cơ quan đăng ký cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

 - Đối với đăng ký tạm trú: Thay vì cấp sổ tạm trú, khi công dân đủ điều kiện để đăng ký tạm trú thì cơ quan đăng ký có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

 Như vậy, từ hôm nay sẽ dừng cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; đối với sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31.12.2022.

 Giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú: Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 Hiện hành, Khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2006 quy định thời gian đăng ký thường trú 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

 Diện tích nhà thuê tối thiểu 8m2 sàn/người mới được đăng ký thường trú: Điều kiện đăng ký thường trú: Trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 20, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

 Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó; Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

 Được làm căn cước công dân (CCCD) tại nơi tạm trú: Theo quy định mới công dân có thể làm CCCD tại nơi tạm trú.

 Thực hiện cấp giấy xác nhận số CCCD cũ: Trước đây, pháp luật không có quy định về cấp giấy xác nhận số CCCD cũ, tuy nhiên thì kể từ ngày 1.7, giấy xác nhận số CCCD cũ sẽ được cấp khi có yêu cầu với đối tượng là công dân. Như vậy đối với trường hợp 1 người đã được cấp CCCD mà sau đó được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh thì khi đó mã giới tính hoặc mã năm sinh sẽ thay đổi, người đó khi làm lại CCCD thì sẽ có số CCCD mới nên phát sinh trường hợp là có số CCCD cũ.

 Chỉ cấp giấy xác nhận số CMND trong 1 trường hợp: Giấy xác nhận số CMND, CCCD cũ chỉ được cấp cho công dân khi có yêu cầu trong 1 trường hợp là: Mã QR trên thẻ CCCD gắn chíp không có thông tin về số CMND, số CCCD cũ. Từ quy định này, các cơ quan tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số CCCD, số CMND của công dân thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp Giấy xác nhận số CMND, CCCD.

 Chính sách về bảo hiểm y tế (BHYT) kể từ ngày 1.7.2021 có các điểm mới như sau: Sửa khái niệm hộ gia đình tham gia BHYT; Thêm nhiều đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí; Thay đổi trong chính sách BHYT đối với người có công với cách mạng và thân nhân; Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất; Phải công khai giá thu dịch vụ KCB BHYT đối với người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh. (Laodong.vn 01/7, Minh Hương)Về đầu trang

Bỏ sổ hộ khẩu từ 1/7/2021 là thông tin không chính xác!

Từ ngày 1/7/2021, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật cư trú 2020 cho đến hết ngày 31/12/2022.

 Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, với nhiều nội dung mới quan trọng, trong đó đáng chú ý là thông tin liên quan đến Sổ hộ khẩu được đề cập tại khoản 3 Điều 38 của Luật này:

 “Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú”.

 Theo đó, từ ngày 1/7/2021, cơ quan chức năng sẽ thu hồi sổ hộ khẩu, nếu người dân đi làm các thủ tục dẫn đến thay đổi thông tin của sổ. Đồng thời sẽ không cấp mới sổ hộ khẩu trong trường hợp đi đăng ký thường trú hoặc tách hộ, cũng như không cấp lại sổ hộ khẩu trong trường hợp bị mất sổ, sổ bị hư hỏng, rách nát… 

Khi đó, những thông tin của người dân sau khi hoàn thành thủ tục liên quan đến đăng ký thường trú sẽ được cập nhật tại Cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì cầm sổ hộ khẩu như trước đây.

 Những sổ hộ khẩu nếu không thuộc trường hợp bị thu hồi, vẫn còn giá trị sử dụng bình thường như một loại giấy tờ, tài liệu để xác nhận về cư trú.

 Như vậy, thông tin “bỏ sổ hộ khẩu” từ 1/7/2021 là không chính xác. Luật Cư trú năm 2020 bỏ “sổ hộ khẩu” chứ hoàn toàn không bỏ khái niệm “hộ khẩu”, tức là chỉ thay đổi phương thức quản lý từ sổ hộ khẩu giấy sang phương thức điện tử. Người dân vẫn cần phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây.

 Đây không không phải là thời điểm bỏ sổ hộ khẩu, mà chỉ là thời điểm không còn cấp mới, cũng như thu hồi sổ này trong trường hợp làm các thủ tục về cư dẫn dẫn đến có thay đổi thông tin trong sổ.

 Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

 Chính thức từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu mới chính thức được xóa bỏ, những cuốn sổ đã được cấp không còn có giá trị sử dụng. Mọi giao dịch, thủ tục hành chính cũng không còn cần đến sổ hộ khẩu nữa. (Daidoanket.vn 01/7, Lê Việt)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

PMI tháng 6 giảm mạnh xuống còn 44,1 điểm, mức nghiêm trọng nhất trong hơn 1 năm

Theo số liệu mới công bố của IHS Markit, PMI tháng 6 của Việt Nam đạt 44,1 điểm, giảm mạnh so với mức 53,1 điểm hồi tháng 5, cho thấy các điều kiện kinh doanh đã suy giảm nghiêm trọng nhất trong hơn một năm.

 Theo báo cáo, làn sóng Covid-19 mới nhất tại Việt Nam đã khiến các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất suy giảm mạnh trong tháng 6. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch vào đầu năm 2020, trong khi các công ty đã giảm tương ứng số lượng việc làm và hoạt động mua hàng. Đại dịch cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, từ đó khiến thời gian giao hàng bị kéo dài ở mức gần kỷ lục.

 Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn còn đáng kể nhưng đã chậm lại nhiều so với tháng 5, và các công ty đã chỉ tăng nhẹ giá bán hàng trong tình trạng nhu cầu giảm. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm mạnh từ 53,1 của tháng 5 xuống còn 44,1 trong tháng 6. Như vậy, các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh nhất trong hơn một năm và từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 6 tháng.

 Đại dịch Covid-19, các biện pháp phong tỏa và tình trạng đóng cửa công ty tạm thời đều được nhắc đến như là những nhân tố làm giảm mạnh cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 6. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng giảm khi những khó khăn trong khâu vận tải và tình trạng khan hiếm container đã làm trầm trọng hơn ảnh hưởng của đợt bùng phát các ca nhiễm virus.

 Những khó khăn trong hoạt động vận tải, cộng với tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và những hạn chế liên quan đến đại dịch, đã làm kéo dài đáng kể thời gian giao hàng của nhà cung cấp. Trên thực tế, mức độ chậm trễ giao hàng là lớn thứ nhì trong lịch sử chỉ số, chỉ kém mức được ghi nhận vào tháng 4/2020. 

Các nhà sản xuất Việt Nam đã cắt giảm số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng trước tình trạng khối lượng công việc giảm vào cuối quý 2. Việc làm đã giảm lần đầu tiên trong năm tháng, và với mức giảm mạnh và là nhanh thứ nhì kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011.

 Tương tự, hoạt động mua hàng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi mức giảm tồi tệ nhất được ghi nhận vào tháng 4/2020 sau đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm đã khiến tồn kho hàng mua giảm mạnh. Tồn kho thành phẩm cũng giảm trong tháng 6, sau khi hầu như không thay đổi trong tháng 5.

 Tình trạng sản lượng giảm và mong muốn tích trữ ít hàng hơn khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm là nguyên nhân dẫn đến giảm tồn kho thành phẩm. Các công ty đã có thể giảm lượng công việc tồn đọng lần đầu tiên trong 3 tháng, tương ứng với số lượng đơn đặt hàng mới giảm, và tốc độ giảm là mạnh và chưa từng được chứng kiến trước đại dịch Covid-19.

 Bên cạnh đó, có những dấu hiệu giảm áp lực lạm phát trong tháng 6 khi tình trạng lực cầu yếu dẫn đến giảm năng lực định giá. Mặc dù chi phí đầu vào tăng với tốc độ chậm nhất trong 7 tháng, tốc độ lạm phát vẫn cao hơn mức trung bình của lịch sử chỉ số khi có các báo cáo cho thấy tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu dẫn đến giá tăng. 

Đặc biệt, tình trạng tăng giá kim loại được nhắc đến nhiều. Trong khi đó, giá cả đầu ra chỉ tăng nhẹ vì các công ty phải đối phó với tình trạng nhu cầu giảm. Niềm tin kinh doanh giảm thành mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, và điều này phản ánh những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của đại dịch. Tuy nhiên, các công ty nhìn chung vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới. (Cafef.vn 01/7)Về đầu trang

Reuters: PMI giảm nghiêm trọng ở Việt Nam, Malaysia đang cảnh báo rủi ro tụt hậu của châu Á trong cuộc đua phục hồi kinh tế

Hoạt động sản xuất của các nhà máy ở châu Á đã suy yếu trong tháng 6, do một số quốc gia đang chật vật với chi phí đầu vào tăng cao và chống chọi với làn sóng Covid-19 mới.

 Theo Reuters, Việt Nam và Malaysia bị ảnh hưởng rất nặng nề. Hoạt động sản xuất đã giảm ở trong tháng 6, do các hạn chế nghiêm ngặt hơn để phòng chống Covid-19. Điều này đang cho thấy rủi ro tụt hậu so với các nền kinh tế phương Tây trong việc phục hồi sau đại dịch.

 "Dữ liệu PMI tháng 6 cho thấy rõ tác động của đợt đại dịch Covid-19 mới nhất đối với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Các công ty đóng phải đóng cửa ở những khu vực giãn cách xã hội, dẫn đến giảm mạnh về sản lượng và đơn đặt hàng mới trong toàn bộ ngành". Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nhận định. 

"Mặc dù [mức giảm PMI - PV] ít nghiêm trọng hơn đợt dịch bùng phát vào đầu năm 2020, nhưng mức giảm sản lượng sản xuất trong tháng 6 này mạnh hơn tất cả những đợt giảm trước Covid-19".

 Hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc đang phục hồi với tốc độ chậm hơn trong tháng 6. Tăng trưởng sản lượng giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng. Chỉ số nhà quản lý mua hàng PMI của Caixin / Markit đã giảm xuống 51,3 vào tháng 6 từ mức 52 của tháng 5.

 Chi phí nguyên liệu thô tăng và tình trạng thiếu chip bán dẫn cũng làm ảnh hưởng đến các cường quốc xuất khẩu của châu Á, bao gồm cả Nhật Bản. Hàn Quốc khá hơn, khi hoạt động của các nhà máy tăng tháng thứ 9 liên tiếp tính đến tháng 6.

 Usamah Bhatti, một nhà kinh tế tại IHS Markit, cho biết: "Các nhà sản xuất ngày càng đồng tình rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng đang bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động của họ".

 Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm xuống 44,1 trong tháng 6 từ mức 53,1 của tháng 5, đánh dấu sự suy giảm mạnh nhất trong hơn một năm và trượt xuống dưới mốc 50. Chỉ số PMI của Malaysia cũng giảm xuống 39,9 trong tháng 6, từ mức 51,3 trong tháng 5, do các quy định mới về phòng chống Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài và trong nước. Chỉ số PMI của Đài Loan cũng giảm xuống 57,6 từ 62,0.

 "Từng được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến trong việc phục hồi sau cơn đại dịch, do sự chậm trễ trong việc triển khai vaccine làm ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước và ngành du lịch" - Reuters nhận định. (Cafef.vn 01/7)Về đầu trang

Ra quân Tổng điều tra kinh tế trong điều kiện đặc biệt

Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, bên cạnh việc đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, các điều tra viên phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn khi thực hiện nhiệm vụ.

 Thực hiện kế hoạch của trung ương, sáng 1/7, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ ra quân triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2021 giai đoạn 2 trên địa bàn thành phố, tại địa điểm quận Hai Bà Trưng.

 Cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 giai đoạn 2 được thực hiện từ ngày 1 - 30/7, trên phạm vi toàn bộ các xã/ phường/ thị trấn rộng khắp cả nước nhằm thu thập thông tin của trên 5 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và trên 45 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Nội dung thông tin thu thập trong Tổng điều tra giai đoạn 2 bao gồm: Kết quả sản xuất kinh doanh, số lượng, quy mô và lao động, mức động ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị điều tra…

 Phát biểu tại lễ ra quân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là cuộc Tổng điều tra lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, các thông tin thu thập được đầy đủ, chính xác là căn cứ để Trung ương cũng như thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và thành phố.

 Với yêu cầu đặc biệt quan trọng về nâng cao chất lượng thông tin điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương đã chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong Tổng điều tra giúp điều tra viên thống kê ghi chép và kiểm tra số liệu ngay trong quá trình thu thập thông tin. Tuy vậy, công nghệ và máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ, để đảm bảo chất lượng điều tra thì quan trọng nhất vẫn là kiến thức, kỹ năng và sự tuân thủ nghiêm túc quy trình điều tra của điều tra viên thống kê.

 Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cuộc Tổng điều tra kinh tế lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Để thực hiện nhiệm vụ đề ra theo đúng kế hoạch với chất lượng tốt, trước tiên các điều tra viên phải tuân thủ các quy định, quy trình tổng điều tra, lưu ý nâng cao chất lượng thông tin. Bên cạnh việc đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, các điều tra viên phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn khi thực hiện nhiệm vụ. (Baochinhphu.vn 01/7)Về đầu trang

Ứng phó với COVID-19, cần hỗ trợ để "doanh nghiệp li ti” lớn mạnh

Từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cơ cấu doanh nghiệp thay đổi, số doanh nghiệp nhỏ đang có dấu hiệu bị đào thải khỏi thị trường, thay bằng số doanh nghiệp có nguồn vốn lớn hơn.

 Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Tổng cục Thống kê), trong tháng 6.2021, cả nước có 11,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 164,3 nghìn tỉ đồng, giảm 2,5% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 9,1% về vốn đăng ký so với tháng 5.2021, giảm về số lượng nhưng tăng về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2020.

 Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6.2021 đạt 14,5 tỉ đồng, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỉ đồng, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 14,1 tỉ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước...

 Theo ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp gia nhập thị trường được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay, với 67.083 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp thành lập mới này vượt qua cột mốc 66.958 doanh nghiệp của giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019.

 Điều đáng nói là, các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch lần này vẫn có sự gia tăng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm 2020. Điển hình như Bắc Giang (tăng 11,82%), TPHCM (tăng 5,34%), Bắc Ninh (tăng 1,06%)...

 Phân tích số liệu của Tổng cục Thống kê, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp non trẻ, doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ… không đủ sức chống chịu với những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

 TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng: Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn và mạnh, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí nhiều doanh nghiệp “siêu nhỏ”. Vì vậy, trong bối cảnh mới để thích nghi và vượt lên tác động của dịch bệnh COVID-19, định hướng chính sách không phải là tăng số lượng mà nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp.

 Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và đất đai để đẩy nhanh và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác cùng phát triển.

 Tuy nhiên, trao đổi với PV Lao Động, ở góc nhìn của mình, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nêu quan điểm: Số liệu của một tháng hay một quý chưa thể nói lên một xu thế. Nhiều khi chỉ có một dự án lớn là nó thay đổi tình hình, nên chưa thể khẳng định là quý nào cũng có doanh nghiệp lớn được thành lập.

 Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – TS Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các “doanh nghiệp li ti” nâng quy mô, tầm vóc trên thị trường, vượt qua những khó khăn trong tình hình mới. Do đó, cần nhanh chóng số hóa, cải cách thể chế để giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phát triển. (Laodong.vn 01/7, Vũ Long)Về đầu trang

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH

Giá phải trả cho vi phạm về đất đai cao quá?

Liên tục nhiều vụ án được khởi tố, nhiều cán bộ lãnh đạo của các địa phương bị bắt liên quan đến đất đai.

 Mới nhất, 6 bị can gồm các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh, Tỉnh uỷ Bình Dương bị khởi tố, bắt giam, áp dụng biện pháp ngăn chặn vì liên quan đến sai phạm tại Tổng Công ty 3/2. Tính đến nay, tổng số bị can của vụ án này lên tới 17 người.

 Ông Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Dương là người từng giữ chức vụ cao nhất trong những người vừa bị bắt. Người đương chức to nhất là Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Liệu có còn ai nối tiếp danh sách trong nay mai?

 Trước đó, ngày 8.6 hai cựu Chủ tịch UBND Khánh Hòa là ông Nguyễn Chiến Thắng (66 tuổi, nhiệm kỳ 2011 - 2016) và ông Lê Đức Vinh (56 tuổi, nhiệm kỳ 2016 - 2021); ông Lê Mộng Điệp (66 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa) bị khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi sai phạm liên quan đến đất đai.

 Trước đó nữa, ngày 4.6, ông Nguyễn Chí Hiến - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

 Chỉ trong tháng 6.2021, có 3 nguyên Chủ tịch tỉnh, một nguyên Phó Chủ tịch tỉnh, một Phó Chủ tịch tỉnh bị bắt, chưa kể nhiều cán bộ khác.

 Động đến đất đai là dễ kiếm ra tiền nhất, làm giàu nhanh nhất cho nên đất đai có sức hấp dẫn ghê gớm. Người dân bình thường dùng tiền đi đầu tư hoặc đầu cơ đất đai, hoặc tranh thủ "lướt sóng" kiếm chênh lệch. Người có quyền sinh quyền sát trong tay không dùng tiền mà dùng quyền để "đầu tư". Chỉ cần một chữ ký, tiền bạc khó mà đếm hết.

 Các phiên tòa xét xử những nguyên bộ trưởng, rồi nguyên chủ tịch, phó chủ tịch các thành phố Đà Nẵng, TPHCM liên quan đến đất đai cho thấy rõ điều đó.

 Sai phạm liên quan đến đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước, chưa biết cá nhân ôm được bao nhiêu đất, bao nhiêu tiền, nhưng đến khi trả thì không phải là tiền, mà trả bằng chính sự tự do của mình.

 Những người có liên quan, tuy chưa bị bắt, nhưng không thể có giấc ngủ ngon, một tiếng còi hụ của ôtô ngoài đường phố cũng giật mình sợ hãi. Tiền nhiều mà sống trong bất an thấp thỏm thì đúng là "tiền nhiều để làm gì?".

 Giá đất tính bằng tiền trên mét vuông thì dù cao mấy cũng có giới hạn, nhưng giá đất đổi bằng bản án tù tội thì đúng là cao không thể tính hết.

 Từ những vụ án liên quan đến đất đai, cũng cần đặt ra vấn đề, đó là các quy định pháp luật về lĩnh vực này có đầy đủ, phù hợp và chặt chẽ hay không, tại sao lại có quá nhiều quan chức vào tù vì vi phạm? (Laodong.vn 01/7, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng

Ban Nội chính Trung ương vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021. Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương (T.Ư), trong sáu tháng đầu năm, Ban đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.

 Ban cũng đã tham mưu ban hành Thông báo Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo để chỉ đạo xử lý các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Đinh Ngọc Hệ; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với các vụ án, vụ việc ở cả 3 cấp độ…

 Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Nội chính T.Ư xác định các nhiệm vụ trọng tâm, là nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và hoàn thành 7 đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng. Trong đó, nổi bật là các đề án: Quy định khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc khối các cơ quan nội chính theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 7, khóa XII và đáp ứng tình hình mới; Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng.

 Cùng với đó, Ban Nội chính T.Ư sẽ tập trung vào công tác hướng dẫn, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp.

 Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư đề nghị, các đơn vị cần chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ tốt Phiên họp của Ban Chỉ đạo và các Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo; hoàn thành Kế hoạch tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

 Bên cạnh đó, bám sát vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo để theo dõi, chỉ đạo và kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. (Tienphong.vn 01/7, Văn Kiên)Về đầu trang

Bộ Nội vụ thi tuyển để chọn người “có đức, có tài, có năng lực lãnh đạo”

Ngày 1/7, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ Khai mạc kỳ thi tuyển chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ năm 2021.

 Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Ủy viên Ban Cán sự Đảng bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, công bố Quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ năm 2021.

 Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc thí điểm thi tuyển chức danh cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; đồng thời, thực hiện kế hoạch của bộ, kỳ thi tuyển chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp được tiến hành với chủ trương nghiêm túc, chặt chẽ theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng.

 Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng góp phần phát hiện kịp thời và chọn đúng người có đức, có tài, có năng lực lãnh đạo, quản lý; am hiểu sâu về chuyên môn, hi nghiệp vụ; có phẩm chất chính trị, tác phong, có uy tín, xứng đáng với vị trí lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm.

 Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị Hội đồng thi và các ứng viên dự thi nghiêm túc chấp hành các quy chế, quy định của kỳ thi để đạt được kết quả và chất lượng cao nhất, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của Bộ Nội vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đổi mới công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay. 

Kỳ thi tuyển chức danh Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ năm 2021 có 4 người đăng ký dự tuyển và đều đủ điều kiện dự thi, trong đó có 3 Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp là ông Trần Xuân Hiền, bà Võ Thị Tuyết Thu và ông Phạm Minh Triết. Ứng viên còn lại là ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ. (Tienphong.vn 01/7, Luân Dũng)Về đầu trang

Nhiều trụ sở huyện, xã bỏ hoang sau sáp nhập

Bộ Tài chính dẫn thông tin từ phản ánh của các cơ quan báo chí cho hay, hiện nhiều địa phương sau sáp nhập chỉ quan tâm đến sắp xếp nhân sự, việc xử lý tài sản sau sắp xếp lại còn buông lỏng. Do đó, nhiều trụ sở, công sản ở các đơn vị sáp nhập đang bị bỏ hoang, gây lãng phí.

 Do đó, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo quản lý, xử lý trụ sở làm việc, các tài sản khác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi sắp xếp, sáp nhập, đặc biệt trụ sở cấp huyện, xã. Đồng thời, các địa phương cần có phương án xử lý kịp thời trụ sở, tài sản dôi dư bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước.

 Theo Bộ Tài chính, việc sắp xếp, xử lý tài sản các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập đã được Chính phủ giao UBND cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, quy định xử lý tài sản sau khi thay đổi về tổ chức các cơ quan nhà nước đã quỵ rõ tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn luật. Đây là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương lập phương án và tổ chức xử lý tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi sắp xếp lại. (Tienphong.vn 30/6, Lê Hữu Việt)Về đầu trang

Doanh nghiệp sẽ tăng mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động

Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết vừa có cuộc khảo sát lấy ý kiến của doanh nghiệp (DN) về các mức hỗ trợ cho người lao động để đề xuất Chính phủ liên quan đến chính sách hỗ trợ DN.

 Đây là cuộc khảo sát lấy ý kiến của DN nhằm đề xuất với Chính phủ về chính sách hỗ trợ DN vượt qua khủng hoảng. Các DN tham gia khảo sát chủ yếu là những DN đang gặp khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh và buộc phải cắt giảm nhân sự trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.

 Theo ghi nhận của VCCI Cần Thơ, các DN đều đồng ý tăng mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng; hồ sơ được nộp trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022, thay vì dự kiến giảm còn 1 triệu đồng/người/tháng với các thủ tục xét đơn khó khăn hơn.

 Ngoài ra, các DN cho biết, trước đó cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục quá rườm rà, chưa được tạo điều kiện tiếp cận trong việc thực hiện các thủ tục xét nhận hỗ trợ.

 Các DN cũng đưa ra một số kiến nghị như: cần có nhiều hơn các buổi đối thoại với người lao động để lắng nghe chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của người lao động. Gói hỗ trợ trình độ nâng cao tay nghề cho người lao động cần thực tế hơn là lý thuyết.

 Hay việc thưởng cho người lao động cần có quy định rõ ràng hơn nhằm tránh việc quy đổi tiền thành hàng hóa vì điều này khiến người lao động chịu thiệt thòi…

 Số liệu của VCCI Cần Thơ cho biết, tháng 5/2021, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 1.001 DN gia nhập thị trường. Trong đó, có 839 DN thành lập mới và 162 DN quay lại hoạt động. Số lao động tăng thêm là 7.750 lao động.

 Cũng trong tháng 5/2021, vùng ĐBSCL có 476 DN rút khỏi thị trường, trong đó có 369 DN tạm ngừng hoạt động và 107 DN đã giải thể. (Tienphong.vn 01/7)Về đầu trang

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nói gì về hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị bắt?

Ngay sau khi nghe tin nhiều cán bộ nguyên lãnh đạo và đương nhiệm của tỉnh bị khởi tố, bắt giam liên quan đến việc chuyển nhượng khu đất công 188ha, người dân Bình Dương tỏ ra băn khoăn, lo lắng sẽ ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp ở địa phương.

 Để giải tỏa những vấn đề thắc mắc của người dân, PV báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương vào sáng 1/7.

 Theo ông Võ Văn Minh, việc các cán bộ bị khởi tố là chuyện buồn, không ai mong muốn. Qua đó, cán bộ trong toàn tỉnh Bình Dương sẽ rút ra được kinh nghiệm sâu sắc, để hoàn thiện bản thân, tránh xảy ra những sai phạm trong quá trình làm việc.

 “Tôi khẳng định chắc chắn rằng, việc cán bộ nguyên lãnh đạo và đương nhiệm vừa bị khởi tố không làm ảnh hưởng gì đến hoạt động bình thường của bộ máy điều hành hoạt động trong tỉnh. Tỉnh ủy đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị địa phương tập trung chống dịch với quyết tâm dập dịch nhanh, trở về trạng thái bình thường mới”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương nói.

 Ông Võ Văn Minh đồng thời cho biết thêm, đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam, địa phương đã xây dựng lực lượng chuyên trách với kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Do đó, khi dịch xuất hiện tại địa phương, các lực lượng sẵn sàng tác chiến mà không bị lúng túng.

 Cũng theo ông Minh, Bình Dương là địa bàn giáp ranh với nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có TP.HCM nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Do đó, Bình Dương khó tránh khỏi việc dịch bệnh xâm nhập. “Điều quan trọng là địa phương lường trước được tình hình để chọn cách tốt nhất vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo mục tiêu kép. Với sự nỗ lực của các lực lượng và sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân, tin chắc rằng Bình Dương sẽ sớm dập dịch, trở lại trạng thái bình thường mới”, ông Võ Văn Minh nói. (Tienphong.vn 01/7, Hương Chi)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Loại bỏ giấy tờ, các thủ tục rườm rà trong đăng ký tuyến vận tải khách

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chính thức đưa vào sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định kể từ ngày 1/7 tại địa chỉ https://tuyenvantai.mt.gov.vn.

 Theo đó, từ ngày 1/7, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định căn cứ vào danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định biểu đồ chạy xe theo tuyến đã công bố được toàn quyền lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại các thời điểm chưa có đơn vị khai thác trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến (không nhận hồ sơ gửi trực tiếp đến cơ quan quản lý tuyến hoặc hồ sơ gửi qua đường bưu điện).

 “Toàn bộ quá trình lựa chọn tuyến đăng ký khai thác, lựa chọn giờ biểu đồ, nộp hồ sơ đăng ký, theo dõi tiến trình của hồ sơ, nhận kết quả của đơn vị kinh doanh vận tải và quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ chuyên môn tại các Sở Giao thông Vận tải được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm theo đúng quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

 Để có thể đưa phần mềm vào áp dụng từ ngày 1/7 theo đúng tiến độ quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, trong hơn một năm qua, Tổng cục Đường bộ cùng với Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải) đã khẩn trương triển khai nhiều nội dung với một khối lượng công việc rất lớn, đã hoàn thành việc cập nhật và số hóa trên 10.000 tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc; chỉ đạo và hỗ trợ 63 Sở Giao thông Vận tải cập nhật biểu đồ chạy xe của toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. 

“Việc đưa vào sử dụngphần mềm đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định tiếp tục là bước chuyển đổi số mạnh mẽ, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc đổi mới toàn diện công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, phù hợp với thực tế; thực hiện công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí và tạo sự thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải tham gia khai thác tuyến vận tải hành khách cố định đồng thời phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh. (VietnamPlus.vn 01/7, Việt Hùng)Về đầu trang

Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội với tâm thế tốt nhất

Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1.7. Người dân Thủ đô kỳ vọng các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả và không còn phải chờ đợi như trước đây.

 Chia sẻ với Lao Động, bà Nguyễn Hải Yến (37A1, ngõ 20 Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy) tin tưởng, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, người dân đến cơ quan UBND các cấp sẽ được giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi. Đồng thời, khi bố trí sắp xếp bộ máy cán bộ, công chức theo đúng quy định và vị trí việc làm thì lãnh đạo UBND phường sẽ có thời gian tập trung làm những công việc khác sâu hơn, phân quyền phân cấp rõ ràng hơn, đồng thời người dân được giải quyết hồ sơ nhanh hơn.

 Theo bà Yến, mặc dù không còn HĐND phường như trước nhưng người dân cũng rất tin tưởng, những ý kiến, kiến nghị của người dân vẫn được chính quyền địa phương tiếp thu đầy đủ, giải quyết sớm nhất theo thẩm quyền. Trong đó, vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ được phát huy hơn nữa để giám sát, mang tiếng nói của người dân tới cơ quan chức năng.

 Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: "Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại các phường, tôi cho rằng thực tế không có gì thay đổi nhiều về công việc, bởi dù bỏ HĐND phường nhưng hoạt động của phường vẫn dưới sự giám sát của HĐND quận".

 Tuy nhiên, ông Khang tin tưởng, khi từ chính quyền 3 cấp thành chính quyền 2 cấp, nên sau này các khâu công việc giải quyết cho người dân sẽ triển khai nhanh hơn. Trong đó có việc lãnh đạo UBND phường ủy quyền cho cán bộ tư pháp được ký các hồ sơ chứng thực nên sẽ thường xuyên và trực tiếp luôn. Việc này không còn phải chờ lãnh đạo ký nữa mà cán bộ đó được ký ngay và trả hồ sơ cho dân nhanh hơn. (Laodong.vn 01/7, Hà Phương)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Kiểm điểm trách nhiệm 173 cá nhân vụ sai phạm tiền tỷ ở Gia Lai

UBND các huyện Ia Grai và Kbang (đều thuộc tỉnh Gia Lai) đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm 173 cá nhân liên quan đến sai phạm về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, đầu tư xây dựng.

 Tại huyện Ia Grai, trước đó qua thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí và đầu tư xây dựng giai đoạn 2017-2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện nhiều sai phạm; việc quản lý, đầu tư xây dựng có sai phạm trong khâu lập hồ sơ thiết kế, dự toán, hồ sơ hoàn công, thanh quyết toán và thi công thiếu khối lượng tại 12 đơn vị, tổng số tiền sai phạm hơn 436 triệu đồng. Đặc biệt, có 20 đơn vị đã thanh toán một số chế độ phụ cấp và các khoản chi thường xuyên không đúng quy định, tổng số tiền sai phạm hơn 1 tỷ đồng.

 Liên quan đến sai phạm này, ngày 1/7, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, UBND huyện Ia Grai đã thu hồi và nộp đủ số tiền sai phạm vào ngân sách. Về kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có sai phạm, UBND huyện Ia Grai đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với 1 tập thể và 113 cá nhân liên quan.

 Tại huyện Kbang, Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng đã chỉ rõ việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, đầu tư xây dựng từ năm 2017-2020 xảy ra nhiều sai phạm.

 Cụ thể, về quản lý thu, chi ngân sách, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện này cùng một số trường học đã chi thanh toán một số khoản sai quy định, không đúng định mức (chi phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi nghề, chi sai nguồn kinh phí không tự chủ) với số tiền hơn 106 triệu đồng. Riêng việc quản lý, đầu tư xây dựng công trình, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng huyện Kbang sai phạm hơn 344 triệu đồng, UBND 11 xã sai phạm hơn 554 triệu đồng.

 Liên quan đến sai phạm này, mới đây, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có công văn gửi UBND tỉnh Gia Lai việc báo cáo kết quả xử lý sau thanh tra tại huyện Kbang. Theo đó, về trách nhiệm liên quan đến sai phạm trên, UBND huyện Kbang đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với 23 tập thể và 60 cá nhân liên quan; Hiện các đơn vị liên quan đã nộp đủ số tiền sai phạm vào ngân sách nhà nước theo quy định.

 Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, để xử lý trách nhiệm những người liên quan, huyện đã giao về các đơn vị, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, gửi kết quả về Phòng Nội vụ huyện tổng hợp, tham mưu. "Quan điểm của huyện sẽ xử lý nghiêm cá nhân vi phạm, trường hợp nào nhẹ có thể rút kinh nghiệm, trường hợp nào cố tình sai phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Dũng nói. (Tienphong.vn 01/7, Tiền Lê)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tổng thống Putin thực hiện "đường dây trực tiếp" với người dân Nga

Đây là cuộc đối thoại lần thứ 18 của ông Putin trên cương vị người đứng đầu nước Nga với các công dân của mình.

 Đã có gần 2 triệu câu hỏi được người Nga gửi đến Tổng thống ngay trước thềm cuộc đối thoại. Một trong những vấn đề được người dân Nga quan tâm nhiều nhất là việc tiêm phòng vaccine.

 Tổng thống Putin kêu gọi người dân Nga tích cực đi tiêm phòng, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhằm tránh một cuộc phong tỏa trên toàn quốc. Ông không ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc trên toàn liên bang, nhưng cho biết, việc triển khai tiêm chủng bắt buộc với một số nhóm ngành nghề, tại một số khu vực tại Nga là có cơ sở.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Trong luật năm 1998 có đề cập đến vấn đề miễn dịch bảo vệ cộng đồng. Có 2 mục, một là lịch tiêm chủng - đó là các mũi tiêm phòng bắt buộc; mục thứ hai là trong trường hợp dịch bệnh, theo khuyến nghị của bác sĩ, lãnh đạo địa phương có thể đưa ra quyết định tiêm chủng bắt buộc cho các nhóm dân cư. Không có sự nhầm lẫn ở đây. Mọi thứ đều nằm trong luật".

 Ông Putin cũng tiết lộ đã tiêm Sputnik V ở thời điểm Nga mới chỉ có 2 loại vaccine ngừa COVID-19, mà hiện trong nước đang có 4 loại vaccine công nghệ cao, an toàn và hiệu quả. Ông cho biết, ở thời điểm này đã có hơn 23 triệu người Nga được tiêm ít nhất 1 mũi tiêm phòng, khoảng 10% trong số này có thể bị nhiễm bệnh, nhưng sẽ ở thể nhẹ.

 Cuộc đối thoại của Tổng thống Putin với người dân Nga diễn ra trong bối cảnh nước Nga đang phải đối mặt với làn sóng mới của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Nga lúc này đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. (VTV.vn 01/7)Về đầu trang

Brazil sa thải quan chức đòi hoa hồng 400 triệu USD trong hợp đồng vắc xin

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã sa thải một quan chức Bộ Y tế vì người này đòi tiền lót tay khi đàm phán một thỏa thuận vắc xin Covid-19.

 Văn phòng của Tổng thống Brazil Bolsonaro ngày 30.6 thông báo rằng trưởng công tác hậu cần của Bộ Y tế Roberto Ferreira Dias đã bị cách chức, theo tờ The Guardian.

 Báo Folha de S Paulo của Brazil dẫn lời đại diện của một công ty cung cấp y tế cho biết ông Dias đã đề nghị được hưởng 1 USD/liều vắc xin trong đơn đặt hàng 400 triệu liều vắc xin.

 Bộ Y tế Brazil cho biết việc sa thải ông Dias đã được quyết định vào sáng ngày 29.6 nhưng không nhắc đến cáo buộc đòi hoa hồng của ông này. Các nhà lãnh đạo trong cuộc điều tra của thượng viện về cách chống dịch Covid-19 của chính phủ Brazil cho biết họ sẽ triệu tập nhân chứng về cáo buộc này.

 Dư luận Brazil đang ngày càng giận dữ vì nước này bỏ lỡ cơ hội mua vắc xin ngừa Covid-19. Những cáo buộc tham nhũng trong việc đàm phán mua vắc xin đã đổ thêm dầu vào lửa, làm dấy lên làn sóng kêu gọi luận tội Tổng thống Bolsonaro.

 Brazil đang có hơn nửa triệu ca tử vong do Covid-19. Nước này cũng ghi nhận hơn 18,5 triệu ca nhiễm tính từ đầu đại dịch đến nay.

 Ngày 29.6, Brazil ngưng hợp đồng mua 20 triệu liều vắc xin trị giá 321 triệu USD với công ty Bharat Biotech của Ấn Độ sau những cáo buộc về những bất thường trong quá trình đàm phán. Hợp đồng này bị cho là đắt hơn nhiều so với đề nghị hồi năm ngoái của Pfizer (Mỹ).

 Cụ thể, một cựu nhân viên Bộ Y tế phụ trách hậu cần gần đây nói với cơ quan công tố rằng ông đã báo cáo lên tổng thống về việc bị trợ lý của đồng minh ông Bolsonaro gây áp lực. Cựu nhân viên này bị buộc phải ký một hợp đồng với giá trung bình của một liều vắc xin tăng lên 1.000%. Công ty Bharat và chính phủ Brazil đã phủ nhận mọi cáo buộc.

 Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Bolsonaro đã phủ nhận các hành vi sai trái. Nhà lãnh đạo này ngày 28.6 cũng nói ông không biết về bất kỳ điều bất thường nào trong thỏa thuận vắc xin đó. (Thanhnien.vn 01/7)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More