Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 14-12-2020

Post date: 14/12/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM... 1

1.              Không có "vùng cấm", "ngoại lệ" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 1

CHÍNH SÁCH MỚI 3

2.              Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 7-11/12/2020. 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 5

3.              FDI chưa thể hồi phục nhanh. 5

4.              Cải cách thủ tục thuế, hải quan tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.. 5

5.              Bộ Tài chính cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong các FTA.. 6

6.              Hiệp định UKVFTA: Thêm sân chơi mới cho hàng xuất khẩu Việt Nam.. 8

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 9

7.              Công tác phòng chống tham nhũng: Trên “nóng”, dưới cũng “nóng”. 9

8.              Bi hài chuyện "xử lý mà dễ à"?! 10

QUẢN LÝ.. 12

9.              Chủ tịch Quảng Ngãi nói về việc điều động Giám đốc Sở GTVT từng bị kỷ luật 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 12

10.           Quảng Trị sẽ xin tạm dừng mô hình kiểm tra “một cửa một lần dừng". 12

11.           Hà Nội: Hiệu quả từ các giải pháp phòng, chống tham nhũng. 13

12.           Quảng Bình sẵn sàng giai đoạn 2 của dự án Cơ sở dữ liệu dân cư. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

13.           Nguồn thu ngân sách sụt giảm mạnh, khả năng bội chi sẽ tăng. 15

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

14.           Biên Hòa: Hơn 350 cán bộ, công chức, viên chức sai phạm trong tuyển dụng. 16

15.           Hà Nội: Hiệu trưởng bị tố lạm quyền, sử dụng tài sản công không minh bạch. 16

16.           Ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 5 năm tù. 18

17.           Nâng khống giá máy xét nghiệm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội nhận án 10 năm tù. 18

THẾ GIỚI 19

18.           Tổng thống Nga yêu quan chức phải công bố các tài sản số. 19

19.           Indonesia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá. 19

 TIÊU ĐIỂM

Không có "vùng cấm", "ngoại lệ" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Sáng 12/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020.

 Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng gần 700 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, thủ trưởng các ban, bộ, ngành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy; Giám đốc Công an; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... dự Hội nghị tập trung và gần 5.000 đại biểu tại hơn 80 điểm cầu trên cả nước dự Hội nghị trực tuyến.

 Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (năm 2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

 Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào". Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

 Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường chỉ đạo, chủ động; tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cả trong lực lượng vũ trang; làm một cách bài bản, nghiêm minh từ trên xuống dưới, có trọng tâm, trọng điểm; kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật.

 Trong giai đoạn 2013 đến 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

 Ngành Thanh tra, Kiểm toán có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; kiến nghị, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước; nhất là tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm. Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng, hơn 20.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

 Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. (Vtv.vn 12/12)

CHÍNH SÁCH MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 7-11/12/2020

Tăng cường quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết gắn với phòng, chống COVID-19; phê duyệt đề án giao quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không; hoàn thiện và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 7-11/12/2020.

 Tăng cường quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

 Để kịp thời ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai xâm hại; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao.

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi, trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp…

 Hoàn thiện và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu xây dựng, đề xuất chính sách và soạn thảo, trình văn bản quy phạm pháp luật. Khắc phục triệt để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chú trọng kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, trục lợi chính sách”.

 Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật; cơ chế giám sát của cơ quan nhà nước và xã hội; tăng cường thiết chế theo dõi và đánh giá tình hình thi hành pháp luật để đề xuất các giải pháp thực thi hiệu quả; phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; đối với các vụ việc vi phạm trong tổ chức thi hành pháp luật, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, kịp thời có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để, đúng pháp luật…

 Bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết gắn với phòng, chống COVID-19

Đó là nội dung trong Công điện 1711/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021.

 Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy; đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng dịch COVID-19 cho lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân. Chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử phạt các hành vi: điều khiển phương tiện vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn, ma túy; đi không đúng phần đường, làn đường; dừng, đỗ phương tiện trái phép; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không nhường đường cho xe ưu tiên; đi vào làn đường khẩn cấp; vi phạm khi qua đường ngang; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không có Giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm... Cương quyết ngăn chặn các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng, trấn áp mọi hành vi chống người thi hành công vụ. Tiến hành kiểm tra việc thưc hiện quy định pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, an toàn giao thông tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch, trên các tuyến, luồng đường thủy phức tạp…

 Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, trong đó, bổ sung quy định phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.

 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP nêu rõ, căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa bao gồm toàn bộ diện tích đất của doanh nghiệp cổ phần hóa và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tư 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (bao gồm cả phần diện tích đất không thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và diện tích đất không thuộc phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ - nếu có).

 Phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát một số bệnh sơ sinh

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

 Chương trình trên được thực hiện trên cả nước với mục tiêu chung nhằm phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. (Baochinhphu.vn 12/12) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

FDI chưa thể hồi phục nhanh

Dù Việt Nam đang là tâm điểm đầu tư của thế giới, song trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu suy giảm, thì FDI vào Việt Nam cũng chưa thể sớm hồi phục.

 Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để gia tăng đầu tư nước ngoài trước xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư và đa dạng thị trường đầu tư toàn cầu. Trong ảnh: Nhà máy của ABB tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

 Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dù vẫn khá tích cực, với 26,43 tỷ USD thu hút được trong 11 tháng qua, song xu hướng sụt giảm vẫn tiếp tục, chỉ bằng 83,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

 Trên thực tế, xu hướng sụt giảm đầu tư nước ngoài đang ngày càng rõ nét hơn. Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận định, dòng vốn đầu tư toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm tới hơn 40%, do tác động của đại dịch Covid-19. 

Câu chuyện nằm ở chỗ, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư, các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

 Trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các cơ quan xúc tiến đầu tư ở nước ngoài cũng đã chia sẻ những lo lắng về việc Việt Nam chưa thể sớm mở lại các đường bay quốc tế, các chuyến bay đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam còn hạn chế. Điều này khiến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhà đầu tư không thể tới Việt Nam khảo sát, ký kết thỏa thuận đầu tư hoặc đến chính dự án của mình để trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Đây cũng là nguyên nhân khiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chưa thể sớm bứt tốc trong thời gian tới.

 Hơn nữa, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt hơn. Chưa kể, dù luôn có nhận định rằng, Trung Quốc đã trở nên kém hấp dẫn hơn và vốn đầu tư đang dịch chuyển khỏi quốc gia này, song trên thực tế, FDI vào Trung Quốc vẫn đang ngược chiều xu hướng của thế giới.

 Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để gia tăng đầu tư nước ngoài trước xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư và đa dạng thị trường đầu tư toàn cầu, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc, dưới tác động của đại dịch Covid-19 và sự tiếp diễn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. (Baodautu.vn 13/12, Nguyên Đức) Về đầu trang

Cải cách thủ tục thuế, hải quan tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN

Thuế, hải quan là lĩnh vực tác động đến 100% doanh nghiệp, vì vậy việc cải cách, đơn giản hóa, minh bạch hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này là vô cùng cấp thiết. Trong những năm qua, những cải cách của ngành Tài chính, đặc biệt trong 2 lĩnh vực này đã có bước ngoặt lớn, qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Những nỗ lực này, trên thực tế, đã được “đong đếm” bằng những con số cụ thể, ý nghĩa.

 Đáng nói, 100% thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 là 585 thủ tục, đạt gần 60% tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đã tích hợp 294 thủ tục hành chính dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính thuế, hải quan đã giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp rất nhiều, cả về thời gian, nhân lực lẫn chi phí.

 Đối với việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ban hành 2 Luật, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định, theo đó đã cắt giảm và đơn giản hóa 163 điều kiện (cắt giảm 73 điều kiện, đơn giản hóa 90 điều kiện). Theo đó, tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực hiện nay là 290 điều kiện thuộc 20 ngành, nghề kinh doanh, giảm 80 điều kiện so với năm 2018.

 Mới đây nhất, Tổng cục Thuế đã ra mắt Hệ thống eTax, theo đó thiết lập 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế trong toàn ngành, đảm bảo tất cả doanh nghiệp, người nộp thuế đều được hỗ trợ qua kênh thông tin điện tử này…

 Trong lĩnh vực hải quan, năm 2014, lần đầu tiên Hải quan Việt Nam sử dụng hệ thống hải quan tự động (VNACCS/VCIS). Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua thông quan tự động tại tất cả các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc với hơn 99% doanh nghiệp tham gia. Hệ thống này cũng xử lý hơn 99,6% tờ khai và thời gian tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trong thời gian chỉ từ 1-3 giây. 

Với việc cắt giảm, đơn giản hóa, minh bạch hóa, điện tử hóa trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế, hải quan thời gian qua không chỉ tiết kiệm được rất nhiều về thời gian, chi phí nhân lực cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế, hải quan, mà còn hạn chế tối đa sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với doanh nghiệp, qua đó tránh phát sinh những vấn đề tiêu cực, những “chi phí gầm bàn”.(Laodong.vn 13/12, Khương Duy) Về đầu trang

Bộ Tài chính cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong các FTA

Việc mở cửa thị trường đối với hàng hóa nhập khẩu, mức độ cam kết thuế nhập khẩu trong các FTA được xây dựng và thực hiện theo lộ trình cam kết với các đối tác FTA. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết việc mở cửa thị trường đối với hàng hóa nhập khẩu, mức độ cam kết thuế nhập khẩu trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được xây dựng và thực hiện theo lộ trình cam kết với các đối tác FTA, thường là các đối tác có trao đổi thương mại lớn với Việt Nam và có đầu tư lớn.

 Hiện nay, Việt Nam là thành viên của 13 FTA, bao gồm: ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Australia - New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chile, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

 Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã kết thúc đàm phán và đang hoàn tất các thủ tục để ký kết; song song với đó là 3 FTA đang trong giai đoạn đàm phán (Việt Nam - Israel, Việt Nam - EFTA, và Việt Nam - Anh).

 Với nỗ lực hội nhập trên cả phương diện song phương và đa phương, mở cửa thị trường hàng hóa trong các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

 Trong năm 2020, mặc dù chịu các tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng xuất nhập khẩu vẫn ghi nhận những nét tích cực. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/11/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 463,11 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 241,26 tỷ USD, tăng 4,9% và nhập khẩu đạt 221,85 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5%.

 Việc tham gia hội nhập sâu rộng, bên cạnh những kết quả tích cực trong xuất nhập khẩu nêu trên, cũng đi kèm những thách thức không nhỏ, trong đó, một trong những vấn đề đặt ra là xu hướng giảm thu ngân sách do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan.

 Đơn cử như với 2 FTA “thế hệ mới” được ký trong năm 2019 là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là những FTA có mức độ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sâu rộng và lộ trình ngắn hơn so với đa số các FTA nước ta đã ký kết và tham gia trước đó.

 Đối với CPTPP, các nước tham gia cam kết xóa bỏ từ 97% - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam theo lộ trình 10 năm. Đáng chú ý, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm.

 Trong khi đó, với EVFTA, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

 Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

 Việt Nam cũng sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU vào Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực và sẽ tăng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm… 

Ở khía cạnh khác, về cân đối ngân sách nói chung, những năm gần đây, ngành Tài chính đã có những giải pháp tái cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, gia tăng nguồn thu nội địa một cách hợp lý, mở rộng cơ sở tính thuế để bù đắp vào thiếu hụt do giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu.

 Theo đó, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể, giai đoạn 2001 - 2010 bình quân đạt 55,2%, giai đoạn 2016 -2018 bình quân đạt 74,8%, dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 84%. (Vtc.vn 13/12) Về đầu trang

Hiệp định UKVFTA: Thêm sân chơi mới cho hàng xuất khẩu Việt Nam

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) được nhận định sẽ giúp giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ Anh vào Việt Nam. Về phía Việt Nam, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới.

 Về thúc đẩy xuất khẩu, đối với ngành dệt may, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030. Do đó, những lợi ích này cũng sẽ nhìn thấy được từ thị trường Anh thông qua Hiệp định UKVFTA.

 Hiện tại, xuất khẩu của ngành dệt may của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm 2,77% tổng lượng nhập khẩu vào thị trường Anh. Do đó ngành này vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển và gia tăng kim ngạch. Với những cam kết về cộng gộp đối với nguyên liệu vải từ Hàn Quốc và EU sẽ giúp các sản phẩm dệt may thúc đẩy mở rộng nguồn cung nguyên liệu trong ngành này để tận hưởng ưu đãi, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

 Trong UKVFTA, bên cạnh gạo, Anh còn cam kết bổ sung về lượng TRQ đối với hơn 10 mặt hàng khác như trứng, tỏi, ngô ngọt, tinh bột sắn, surimi... Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi Vương quốc Anh là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng ta được hưởng ưu đãi TRQ (ví dụ như gạo, tinh bột sắn, surimi).

 Nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sẽ có mức thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%).

 Mặt hàng rau quả, Hiệp định UKVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… Với nhu cầu nhập khẩu rau quả lớn cũng như thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh đối với các loại sản phẩm hoa quả nhiệt đới, trong thời gian tới, sản phẩm rau, củ, quả của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Anh thuận lợi hơn.

 Hiệp định UKVFTA bao gồm các cam kết “phi truyền thống” về lĩnh vực lao động, môi trường. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường… phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng trên thực tế có một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm. Điều này có thể dẫn tới rủi ro cả ngành sản xuất không được hưởng ưu đãi từ vi phạm của số ít doanh nghiệp.

 Chiều 11/12, lễ ký kết Biên bản Kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam - Vương quốc Anh chính thức diễn ra tại Hà Nội. Đây là bước quan trọng để 2 nước sớm đi đến ký kết Hiệp định này trong thời gian tới. (Baochinhphu.vn 12/12, Phan Trang) Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Công tác phòng chống tham nhũng: Trên “nóng”, dưới cũng “nóng”

Ngày 12.12 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng, việc tổng kết thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng; khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà ngày càng quyết liệt, bài bản, đồng bộ, hiệu quả hơn.

Tham nhũng đã trở thành vấn nạn lớn, gây nhức nhối dư luận xã hội. Không chỉ dừng lại ở những vụ việc mang tính chất “tham nhũng vặt”, nhiều vụ đại án gây thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng cũng đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội. Đáng nói là, trong đó, không ít người từng nắm trọng trách lớn, thậm chí có người từng là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị đều bị đưa ra xử lý hình sự. Việc xử lý tham nhũng được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

 Thực tế cho thấy, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm như: quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán… với các thủ đoạn như lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, còn có tình trạng thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

 Nhận định về tình hình xử lý tham nhũng trong năm 2020, Ủy ban Tư pháp cho rằng, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó như vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)…Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, bảo đảm tiến độ khởi tố, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án. Theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ tính năm 2020, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình 8 bị cáo; xử phạt tù từ trên 20 năm đến 30 năm đối với 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 44 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 86 bị cáo; tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 131 bị cáo.

 Không chỉ xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm minh, công tác thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua đã tăng lên đáng kể. Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, năm 2020, kết quả thi hành án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói chung tăng 9,42% về việc và 14,01% về tiền so với cùng kỳ năm 2019.

 Dù chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về phòng, chống tham nhũng nhưng với những kết quả đạt được trong phối hợp đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng, của những cá nhân tâm huyết, không ngại va chạm, dũng cảm đứng lên chống tham nhũng đã góp phần không nhỏ vào thành công bước đầu của công cuộc phòng, chống tham nhũng.

 Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề, “tại sao trước kia nhiều án treo, khó giám định, khó định giá, tắc khâu này, tắc khâu kia... mà bây giờ vụ nào đi vụ nấy và xử lý số lượng như thế, mấy trăm người, cả Ủy viên Bộ Chính trị, mười mấy Ủy viên Trung ương, bao nhiêu cán bộ cao cấp”. Trước đây, có ý kiến nói là “trên nóng, dưới lạnh”, thì bây giờ hình như dưới “bớt lạnh”, có chuyển rồi, ấm ấm rồi. Những khâu yếu trước đây, như thu hồi tài sản khó, thì nay đã thu hồi được rồi, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhận định.

 Tham nhũng thì phải xử lý nghiêm minh để răn đe, để thu hồi tài sản cho nhà nước. Tuy nhiên, để không phải thấy “anh em, đồng chí” của mình bị kỷ luật Đảng, bị xử lý hình sự vì có hành vi tham nhũng, để không có những đại án đau lòng xảy ra rất cần cơ chế tự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn từ đầu để không xảy ra hành vi vi phạm pháp luật.

 Đánh giá, nhận diện đúng về tình hình tham nhũng thời gian qua để thấy rõ đâu là kết quả đã đạt được cần phát huy, đâu vẫn còn là khâu yếu cần phải khắc phục trong thời gian tới là điều rất cần thiết. Từ đó, có những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn tiếp theo. Hơn bao giờ hết, nhân dân mong rằng, trong công cuộc đấu tranh với tham nhũng cam go này, trên “nóng”, dưới cũng phải “nóng”. (Daibieunhandan.vn 12/12, Hà An) Về đầu trang

Bi hài chuyện "xử lý mà dễ à"?!

"Quốc có quốc pháp, gia có gia quy". Luật từ trên xuống dưới chẳng thiếu gì, hệ thống ban bệ lại chẳng thiếu ai, vậy mà thật lắm ca… khó?!.

 Có hai chuyện gần đây tôi có theo dõi mà cảm xúc hiện tại khó diễn tả, tạm thời để "ba chấm".

 Chuyện thứ nhất là vụ 100% phiếu kiến nghị không xử lý cán bộ kiểm lâm để mất rừng ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

 Theo ghi nhận tại hiện trường, có rất nhiều cây rừng lớn đường kính đến 50-70 cm bị đốn hạ không thương tiếc. Xung quanh là một diện tích rừng khá lớn bị "cạo trọc", đốt dọn sạch sẽ chờ trồng keo, bạch đàn. Điều đáng nói, vụ việc phá rừng diễn ra nhiều tháng nhưng chính quyền địa phương "không hay biết".

 Ấy vậy mà lại không ai "hề hấn" gì, ngay cả với một nhân viên kiểm lâm hợp đồng phụ trách địa bàn là ông Huỳnh Văn Bang chứ chưa nói đến lãnh đạo địa phương và cán bộ hạt kiểm lâm. Vấn đề này đã được nhà báo Bùi Hoàng Tám đề cập ở BLOG ngày 8.12 nên người viết không bàn thêm nữa.

 Có điều là chiều 9/12, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định khẳng định: "Quan điểm của lãnh đạo Sở là xử lý nghiêm, vi phạm mức độ nào thì xử lý mức độ đó, không có chuyện nương tay một ai".

 Thế nhưng, ông này lại đánh giá: "Xét về mức độ thiệt hại chưa phải thiệt hại lớn, chủ yếu họ chặt một số cây nhỏ đốt làm than" đồng thời cho biết, vụ việc này cuối năm "tùy từng mức độ mà có hình thức xử lý kỷ luật, kiểm điểm". Riêng cá nhân ông Bang "là nhân viên hợp đồng thì có 3 hình thức kỷ luật, nặng nhất là sa thải nhưng cần phải xem xét".

 Chuyện thứ hai là vụ dự án 500 tỷ đồng không phép ồ ạt san ủi mặt bằng để xây dựng.

 Theo phản ánh, ngày 21/9, UBND thành phố Hòa Bình có công văn đồng ý cho Công ty CP Tây Phương Cực Lạc sửa chữa đường giao thông trên địa bàn xóm Ao Trạch (trong phạm vi dự án Viện dưỡng lão và Công viên tâm linh vĩnh hằng). Văn bản này không ghi rõ khối lượng cụ thể hạng mục cải tạo, sửa chữa đoạn đường này.

 Thế rồi, công ty này lại đang thực hiện san, múc đất với diện tích khoảng gần 3ha. Đường giao thông gì mà diện tích lắm thế?! Đến mức mà từ quốc lộ 6 nhìn lên phía đồi cao nơi thi công dự án thấy rõ những ngọn đồi dã bị phá hủy toàn bộ hệ thống cây xanh, thực bì… chỉ còn lại màu vàng, nâu, xám xịt, bụi mù mịt, đất bị múc nham nhở.

 Dân địa phương bức xúc. Chính quyền xã Mông Hóa khi phát hiện đã tiến hành kiểm tra, phát hiện chủ đầu tư dự án còn thiếu rất nhiều thủ tục pháp lý, sau đó yêu cầu dừng thi công, nhưng "bất lực" vì bị doanh nghiệp phớt lờ, nên phải báo cáo lên UBND thành phố Hòa Bình.

 Ông Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết, hiện đã yêu cầu Công ty CP Tây Phương Cực Lạc dừng thi công dự án, bộ phận tham mưu đang hoàn tất thủ tục để xử lý vi phạm.

 Thế nhưng dư luận vẫn hoài nghi có chuyện "bật đèn xanh" cho doanh nghiệp. Nếu không, công ty này là ai mà sao to gan đến thế?

 Có những chuyện quanh ta tưởng như chẳng liên quan gì nhau, nhưng lại na ná. Na ná chỗ: Cứ nói sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Ấy vậy mà có những vụ thấy sai lè lè ra đó mà vẫn… khó xử lý.

 Đấy, báo chí vào cuộc, các bên lên tiếng, chỉ đạo trên xuống cũng có! "Sẽ xử lý nghiêm", "không bao che", "đúng người đúng tội"…

 Cái vấn đề chính là thực tế diễn ra trước mắt, là kết quả như thế nào… lại chẳng ăn nhập gì với nỗ lực giải quyết vấn đề, tựa như một tấn hài kịch để "diễn cho vui" vậy? Vui cho ai xem? Còn những người cần bị xử lý có khi họ lại đang cười vào mũi cho cái gọi là quy định, quy trình: "Xử lý mà dễ à?!". Kiểu vậy!

 "Quốc có quốc pháp, gia có gia quy". Luật từ trên xuống dưới chẳng thiếu gì, hệ thống ban bệ lại chẳng thiếu ai, vậy mà thật lắm ca… khó?!.

 Coi thường luật, nhờn luật là một nhẽ, đùa giỡn với công luận như vậy cũng đã quá là lộ liễu rồi chăng?

 Một số vị tin chuyện "xử êm" để lâu "hóa bùn", đâu lại vào đó, chứ tôi thì không! (Dantri.com.vn 12/12, Bích Diệp) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chủ tịch Quảng Ngãi nói về việc điều động Giám đốc Sở GTVT từng bị kỷ luật

Ông Nguyễn Phong, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi vừa được điều động sang làm Giám đốc Sở GTVT sau hàng loạt sai phạm, bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo chỉ mới 4 tháng qua. Tuy nhiên, ngày 13.12, trả lời Báo Lao Động, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh - người ký quyết định điều động ông Phong, khẳng định việc điều động không sai. 

Ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc ông Nguyễn Phong được điều động từ Giám đốc Sở Xây dựng sang Sở GTVT là không trái các quy định của Đảng và chính quyền.

 “Công tác cán bộ là công tác của Đảng, việc điều động anh Nguyễn Phong sang Giám đốc Sở GTVT là bình thường, căn cứ điều động theo đúng quy định của Đảng, Pháp luật, Nhà nước”- ông Minh khẳng định. 

Trước đó, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký quyết định điều động ông Nguyễn Phong- Giám đốc Sở Xây dựng, đến nhận công tác tại Sở GTVT thời hạn 5 năm (kể từ ngày 15.12.2020 đến 15.12.2025).

 Việc điều động đối với Nguyễn Phong trong khi ông này vừa bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, trong thời gian giữ chức vụ tại Sở Xây dựng, ông Phong bị kỷ luật cảnh cáo. Lý ra, thời gian này, ông Phong cần xem xét lại bản thân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà tổ chức giao phó. Việc điều động ông Phong đến nhận nhiệm vụ tại Sở GTVT là có thể không sai quy định về công tác cán bộ, nhưng không thuyết phục người dân, và ảnh hưởng đến uy tín nhà nước. (Laodong.vn 13/12) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Quảng Trị sẽ xin tạm dừng mô hình kiểm tra “một cửa một lần dừng"

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị sẽ gửi tờ trình đến Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương tạm dừng thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo-Densavan.

 Ngày 13.12, nguồn tin của Lao Động cho biết, Tỉnh ủy Quảng Trị đã có văn bản về việc thống nhất chủ trương để Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa một lần dừng” tại cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) – Densavan (huyện Sepon, Savanakhet, Lào) cho đến hết thời gian dịch bệnh COVID-19.

 Trong văn bản đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ, sẽ làm rõ ưu điểm, nhược điểm của mô hình nói trên, nhất là các hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đó đề xuất, kiến nghị về tạm dừng mô hình nói trên. (Laodong.vn 13/12, Lam Chi) Về đầu trang

Hà Nội: Hiệu quả từ các giải pháp phòng, chống tham nhũng

Chú trọng các giải pháp phòng ngừa bằng việc công khai, minh bạch các cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm. Đó là những điểm nhấn trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của thành phố Hà Nội thời gian qua, cũng là kinh nghiệm quan trọng để thành phố làm tốt hơn nhiệm vụ này trong giai đoạn tới.

 Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, thời gian qua, Hà Nội xác định công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài và gắn bó chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

 Đặc biệt, ngay sau khi Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy đã ban hành tám chương trình công tác. Trong đó, có Chương trình số 07 về “Nâng cao hiệu quả về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 20216 - 2020”. Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác PCTN, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và bước đầu đạt một số kết quả.

 Cụ thể, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu trong công tác PCTN. Thành phố chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN.

 Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều sai phạm. Theo đó, đã kiểm tra có dấu hiệu vi phạm 903 tổ chức Đảng, 2.687 đảng viên và kết luận 617 tổ chức Đảng, 2.007 đảng viên có vi phạm; thi hành kỷ luật 32 tổ chức Đảng, 962 đảng viên. Triển khai 2.482 cuộc thanh tra và phát hiện xử lý vi phạm, kiến nghị thu hồi 2.450 tỷ đồng, 1,55 ha đất; xử lý trách nhiệm 417 tập thể và 622 cá nhân vi phạm; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 42 vụ việc.

 Ngoài ra, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được chỉ đạo quyết liệt. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vụ việc, vụ án để qua đó nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp do T.Ư uỷ quyền được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.

 Cùng với đó, thời gian qua, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

 Tính đến nay, thành phố đang có khoảng 1.500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 (riêng sáu tháng đầu năm nay, Cổng dịch vụ công thành phố đã tiếp nhận hơn 300.000 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 90% số đó). Qua đó giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ..., ngăn chặn biểu hiện “xin cho”, giảm tình trạng “tham nhũng vặt”.

 Hà Nội cũng chọn những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản của Nhà nước; quy hoạch, đất đai… để kiểm tra, giám sát thường xuyên. Kiên quyết xử lý các vi phạm, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng. (Nhandan.com.vn 12/12, Quốc Toản) Về đầu trang

Quảng Bình sẵn sàng giai đoạn 2 của dự án Cơ sở dữ liệu dân cư

Dự án cơ sở dữ liệu dân cư và căn cước công dân đang bước vào giai đoạn then chốt. Thông tin công dân đã được thu thập, chỉnh sửa trong thời gian qua sẽ được cập nhật hệ thống để trích xuất và sử dụng để thực hiện sản xuất căn cước công dân. Đây là bước cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân.

 Là địa phương đầu tiên của tỉnh, Công an thành phố Đồng Hới đã hoàn thành hơn 99% khối lượng công việc thu thập, kiểm tra, điều chỉnh thông tin dân cư và cập nhật vào hệ thống, sẵn sàng cho việc bước vào giai đoạn 2 của dự án. Để có được kết quả đó nhiều cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH của thành phố, cảnh sát khu vực, nhiều tháng không có ngày nghỉ, họ vừa đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân kê khai phiếu thông tin dân cư, vừa tìm từng hồ sơ trong tàng thư hộ khẩu để đối chiếu, kiểm tra, phúc tra thông tin dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sống, sạch”, với quyết tâm “không để công dân nào không được thu thập thông tin dân cư”.

 Trung tá Trần Thị Hoài Thanh, Đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Đồng Hới, Quảng Bình cho biết: "Thu thập, cập nhật đối chiêu thông tin cá nhân cũng như trong hồ sơ sổ sách, đồngt hời rà soát, lập danh sách các trường hợp công dân trên địa bàn đủ từ 14 tuổi trở lên chưa được cấp căn cước công dân để chuẩn bị bước vào giai đoạn chiến dịch cấp căn cước công dân trên địa bàn từ ngày 1/1/2021."

 Xác định đây là các dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thông tin cơ bản của tất cả công dân được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, giảm thủ tục giấy tờ, hành chính cho người dân khi thực hiện các giao dịch.

 Thượng tá Phạm Thanh Hoàng, trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: "Giai đoạn 2 là giai đoạn chiến dịch, chúng tôi bước vào giai đoạn đào tạo chuyển giao phần mềm, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiếp nhận các vật tư, phương tiện để phục vụ cho việc khai thác, vận hành, sửu dụng cơ sở dữ liệu quốc gia trong tương lai. Đồng thời tiếp tục công tác làm sạch dữ liệu, đảm bảo thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia là dữ liệu gốc."

 Có thể nói, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động sẽ thay thế sổ hộ khẩu truyền thống, thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu dân cư là cơ sở để thực hiện các loại thủ tục hành chính, thực hiện quyền công dân, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, người dân chỉ cần cung cấp hình ảnh, dấu vân tay có thể làm căn cước công dân mà không cần khai báo như hiện nay; đồng thời Cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng có thể kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. (Antv.gov.vn 13/12) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Nguồn thu ngân sách sụt giảm mạnh, khả năng bội chi sẽ tăng

Dù phải tăng chi hàng chục nghìn tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhưng tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2020 ước vẫn giảm hơn 60 nghìn tỷ đồng. Đây là thách thức, song cũng là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác giảm chi, nhất là giảm chi thường xuyên, tiết kiệm ngân sách nhằm tạo dư địa cho chính sách tài khóa.

 Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thông thường như hằng năm, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm, Bộ Tài chính đều xây dựng các kịch bản để điều hành. Năm nay, trước diễn biến của dịch COVID-19 diễn ra nhanh, phức tạp trên diện rộng, vì vậy từng thời điểm, Bộ Tài chính đã xây dựng “kịch bản” điều hành ngân sách phù hợp.

 Đến nay, dịch bệnh tuy đã cơ bản được khống chế tại Việt Nam nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến một nền kinh tế mở như nước ta, bài toán cân đối ngân sách lại một lần nữa phải tính toán lại. Trong đó, Bộ Tài chính dự kiến nguồn thu ngân sách Nhà nước năm nay sẽ sụt giảm mạnh, khoảng 189 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tương đương 12,5%.

 Tuy nhiên, chi tiêu cho chống dịch và an sinh xã hội lại tăng (đến hết tháng 10/2020, ngân sách Nhà nước đã chi 5.100 tỷ đồng thực hiện chính sách, chế độ cho công tác phòng, chống dịch; đồng thời đã chi 12.690 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19).

 Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, năm nay, công tác tinh giản biên chế đã đạt kết quả tốt với số công chức giảm gần 8%, viên chức giảm 7,56%. Đây là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm giảm các khoản chi thường xuyên.

 “Nhưng rõ ràng là cần phải giảm nữa và quyết liệt hơn thì gánh nặng nợ công mới bớt căng thẳng” - PGS.TS Thịnh nói và cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động cắt giảm hoặc thuyên chuyển công tác đối với bộ phận công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” để giảm bớt gánh nặng lương cho ngân sách.

 Ở khía cạnh cơ quan quản lý, Bộ Tài chính thừa nhận, những năm qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách Nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức…

 Do đó, theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện các giải pháp mạnh mẽ.

 Đặc biệt, đối với năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm mạnh chi thường xuyên. Trong đó, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (trừ một số đối tượng cụ thể) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên chưa cấp thiết còn lại năm 2020. (Ndh.vn 12/12) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Biên Hòa: Hơn 350 cán bộ, công chức, viên chức sai phạm trong tuyển dụng

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản chỉ đạo xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc UBND TP Biên Hòa.

 Theo đó, có 358 trường hợp có vi phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm như thiếu điều kiện, tiêu chuẩn và sai quy trình, thủ tục...

 Đáng chú ý, trong số 358 cán bộ, nhân viên có rất nhiều giáo viên, hiệu phó, hiệu trưởng đang công tác ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

 Chủ tịch tỉnh Đồng Nai yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung khắc phục sai phạm trong công tác tuyển dụng đối với 358 cán bộ, công chức, viên chức.

 Đồng thời, tiếp tục rà soát hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị, tổ chức, khắc phục các trường hợp sai phạm theo quy định.

 Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể lãnh đạo và cá nhân để xảy ra sai phạm trong công tác tuyển dụng thực hiện việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định.

 Thu hồi toàn bộ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp chưa thực hiện lại quy trình tuyển dụng và chưa hoàn thiện hồ sơ, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng sau ngày 31-12 và báo cáo lại UBND tỉnh.(Tuoitre.vn 12/12, A Lộc) Về đầu trang

Hà Nội: Hiệu trưởng bị tố lạm quyền, sử dụng tài sản công không minh bạch

Như Lao Động đã thông tin, nhiều tháng qua, cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo-Nhà trẻ Hà Nội phải sống trong tâm trạng bất an khi liên tục nhận được lời đề nghị “phải viết đơn xin chuyển công tác, nếu không sẽ bị chấm dứt hợp đồng làm việc khi trường giải thể” bởi hiệu trưởng nhà trường.

 Ngoài ra, theo phản ánh của giáo viên trong trường, Hiệu trường Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội là bà Giang Thị Thúy đã sử dụng tài sản công không đúng mục đích, không minh bạch. Cụ thể, Hiệu trưởng đã cho Công ty Cổ phần Quốc tế Trường Hải thuê cơ sở vật chất của trường làm Trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động.

 “Điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, làm việc của giáo viên và học sinh, sinh viên của trường”- giáo viên của trường cho biết.

 Cũng theo giáo viên, Hiệu trưởng chưa từng công khai kinh phí cho thuê và các khoản thu liên quan trong các cuộc họp cán bộ, giáo viên.

 Ngoài ra, hiệu trưởng còn bị “tố” sử dụng đất trống trong trường làm nơi trông giữ xe máy, xe ô tô ngày đêm cho người dân xung quanh; mở lớp liên kết ngoài trụ sở chính (như tại Lai Châu). 

Tương tự, bà Thúy phủ nhận việc nhà trường sử dụng sân trường làm bãi trông giữ xe trái quy định.

 Riêng thông tin liên kết mở lớp dạy tại Lai Châu, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo-Nhà trẻ Hà Nội xác nhận đây là chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu. Mỗi lớp bồi dưỡng này thực hiện từ 5 đến 7 ngày, trường đã duy trì hoạt động này từ nhiều năm.

 Vào thời điểm từ 21h đến 22h30 ngày 21.10.2020, theo ghi nhận của PV, có rất nhiều xe ôtô ra vào khuôn viên trường này.nTrao đổi với chúng tôi, chị Yến (người dân gửi xe tại trường) xác nhận đã gửi xe ở Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội hơn một năm nay. Khi được hỏi, nhân viên bảo vệ của trường này cũng khẳng định có hoạt động trông giữ xe của người dân trong sân trường. Việc này đã diễn ra từ lâu.

 “Phí đối với xe máy là 200.000 đồng/tháng; phí với xe ô tô là từ 1 triệu đồng trở lên/tháng, tùy theo loại xe (xe gia đình hoặc xe taxi). Ngoài ra, nếu gửi xe ô tô thì sẽ được miễn phí gửi xe máy”- nhân viên tự nhận là bảo vệ của trường giới thiệu mức phí và các ưu đãi cho người có nhu cầu gửi xe trong trường.

 Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, cho đến đầu tháng 12.2020, hoạt động nhận trông giữ xe của người dân ở trong sân trường vẫn diễn ra. Hằng ngày, nhất là về đêm và sáng sớm, có hàng trăm lượt xe ôtô tấp nập ra vào.

 Ngoài ra, hằng ngày nhân viên của Công ty Cổ phần Quốc tế Trường Hải cũng ra vào trường để phục vụ các hoạt động đào tạo, tập huấn cho học viên của Công ty có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

 Bảng, biển, băng rôn của Công ty này cũng xuất hiện ở nhiều khu vực trong khuôn viên Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo-Nhà trẻ Hà Nội.

 Giải thích về điều này, bà Giang Thị Thúy - Hiệu trưởng nhà trường - vòng vo rằng “đã chấm dứt hợp đồng thuê trụ sở với đơn vị này”, do nhà trường quên tháo dỡ nên gây hiểu nhầm. Tuy nhiên, bà Thúy chưa cung cấp được cho phóng viên biên bản thanh lý hợp đồng, để chứng minh việc đã chấm dứt việc cho đơn vị khác vào trường thuê làm trụ sở.

 Thời gian qua, Sở GDĐT Hà Nội liên tục có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải “siết” việc quản lý tài sản công, nghiêm cấm việc sử dụng không đúng mục đích.

 Mới đây nhất, ngày 7.7.2020, Sở GDĐT Hà Nội có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, nêu rõ: Chấm dứt ngay việc sử dụng tài sản công chưa đúng quy định, khi đề án của các trường chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các trường không được tự ý sử dụng đất và cơ sở vật chất, tài sản khác gắn liền với đất của nhà trường vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (đặc biệt với việc cho thuê căng tin trong trường học). Người đứng đầu đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra tình trạng sử dụng tài sản công không đúng quy định thuộc phạm vi quản lý.

 Trong khi Sở GDĐT có chỉ đạo làm nghiêm, xem ra, đơn vị trực thuộc vẫn "làm ngơ" trước quy định. (Laodong.vn 13/12, Bích Hà – Thiều Trang) Về đầu trang

Ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 5 năm tù

Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tuyên án 5 năm tù đối với ông Nguyễn Đức Chung về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

 Trưa 11/12, TAND TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án vụ Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung (SN 1967, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) được xác định có vai trò chủ mưu.

 3 bị cáo còn lại là Phạm Quang Dũng (SN 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, cựu cán bộ Công an thành phố Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký-Biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội); Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, cựu Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thư ký-Biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội).

 Các bị cáo đều bị truy tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, theo điều 337, Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là phiên xét xử kín, báo chí được dự phần nội dung tòa tuyên án.

 HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Hoàng Trung bị tuyên 24 tháng tù; bị cáo Nguyễn Anh Ngọc 18 tháng tù; bị cáo Phạm Quang Dũng bị tuyên 4 năm 6 tháng tù.  (Vietnamdaily.vn  12/12) Về đầu trang

Nâng khống giá máy xét nghiệm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội nhận án 10 năm tù

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm đã nhận mức án 10 năm tù vì tham gia nâng khống giá hệ thống máy xét nghiệm COVID-19.

 Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm chủ mưu nâng khống giá máy xét nghiệm

Sáng 11/12, phiên xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) và các đơn vị liên quan bước vào phần tranh luận. Chiều 12/12, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với 10 bị cáo trong vụ nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

 Theo đó, tòa phạt: Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh, Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu Trưởng Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội) và Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) 6 năm 6 tháng tù. Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech), Nguyễn Trần Duy (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Định giá và bán đấu giá Nhân Thành) và Nguyễn Thị Kim Dung (cựu Trưởng Phòng Tổ chức hành chính CDC Hà Nội) 6 năm tù. Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông) 5 năm tù.  Lê Xuân Tuấn (cựu cán bộ CDC Hà Nội) và Hoàng Kim Thư (cựu Kế toán trưởng CDC Hà Nội) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

 Hội đồng xét xử cũng ghi nhận, trong quá trình xét xử, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải. Nhiều bị cáo tại CDC Hà Nội được cơ quan này xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng đối với Nguyễn Nhật Cảm, Hội đồng xét xử cho biết, bị cáo mang học hàm Phó Giáo sư, Tiến sỹ, có nhiều đóng góp cho ngành y tế nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. (Vtv.vn 12/12) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Tổng thống Nga yêu quan chức phải công bố các tài sản số

Tổng thống Nga vừa ký ban hành sắc lệnh, quy định các quan chức công quyền của nước này phải công bố mọi khoản tiền điện tử và tài sản số, từ ngày 1/1/2021.

 Sắc lệnh quy định bất kỳ quan chức nhà nước hay người nào muốn nắm giữ chức vụ công, phải công bố các tài sản số của họ, cũng như của vợ hoặc chồng và con cái, trước ngày 30/6/2021.

 Theo dự thảo đề xuất thay đổi mã số thuế của Bộ Tài chính Nga, việc không khai báo các giao dịch tài sản số trên 60 nghìn ruble, tức khoảng gần 190 triệu đồng Việt Nam, trong một năm có thể bị phạt. Mức phạt tù có thể lên đến 3 năm cũng đang được xem xét.

 Trước đó, trong năm nay, các nghị sĩ Nga cũng thông qua dự luật quy định tình trạng pháp lý của tiền điện tử, nhưng cấm không sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán. (Vtv.vn 12/12) Về đầu trang

Indonesia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá

Indonesia đã quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, với mức tăng trung bình 12,5%, có hiệu lực từ 1/2 năm sau.

 Đây được xem là quyết định mạnh tay của chính phủ nước này nhằm hạn chế việc tiêu thụ thuốc lá của người dân.

 Quyết định được đưa ra dựa trên tính bền vững của lực lượng lao động trong các ngành liên quan, nông dân trồng thuốc lá và chính ngành công nghiệp này.

 Theo bà Sri Mulyani, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến sẽ làm giảm người tiêu dùng thuốc lá, tuy nhiên nguy cơ gia tăng số tội phạm buôn lậu thuốc lá sẽ xảy ra do thuốc lá bất hợp pháp được sản xuất và phân phối không phải trả thuế tiêu thụ đặc biệt.

 Bởi vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ chỉ thị cho các cấp của Tổng cục Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt (DJBC) phối hợp với các quan chức thực thi pháp luật tiếp tục hành động chống lại những hành vi buôn lậu loại thuốc lá bất hợp pháp.

 Bà Sri Mulyani cho biết, Chính phủ Indonesia sẽ dành 50% số tiền thuế này sẽ được dành cho Quỹ phúc lợi của cộng đồng và hỗ trợ các cơ quan trong phòng chống thuốc lá lậu. Trong đó, một nửa số tiền sẽ được phân bổ cho sức khỏe cộng đồng, mua sắm, bảo trì cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng cho các cơ sở và dịch vụ y tế. (Vtv.vn 13/12) Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More