Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 06-4-2020

Post date: 06/04/2020

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1.             Báo nước ngoài khen ngợi Việt Nam thành công khi kiềm chế Covid-19 lây lan. 1

2.             Báo chí châu Âu đánh giá cao các biện pháp phòng chống COVID-19 của Việt Nam.. 2

3.             Báo Đức viết về chiến lược chống COVID-19 hiệu quả của Việt Nam.. 3

4.             Chống “giặc” Covid -19: Vì sao dân tín nhiệm Chính phủ?. 4

CHÍNH SÁCH MỚI 6

5.             Bộ Tài chính đề nghị bổ sung thêm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất 6

CHÍNH SÁCH MỚI 6

6.             Mức xử phạt một số hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. 6

7.             Sản xuất ôtô dưới 9 chỗ được gia hạn thuế, tiền thuê đất 7

CHỈ THỊ MỚI 8

8.             Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/3-3/4/2020. 8

9.             Phải kiên quyết cho phá sản các dự án không thể phục hồi 11

10.          Yêu cầu tạm dừng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến hết tháng 4. 11

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 12

11.          Cứ 10 doanh nghiệp mới, có 6 doanh nghiệp “chết lâm sàng”. 12

QUẢN LÝ.. 12

12.          Đề xuất hộ nghèo được giảm 15% lãi vay. 12

13.          Gói hỗ trợ người lao động, an sinh xã hội phân bổ trong 3 tháng. 13

14.          TP.HCM chi gần 9 tỷ đồng hỗ trợ người bán vé số. 14

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 14

15.          Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng kêu gọi sử dụng Cổng dịch vụ công. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

16.          Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cần làm rõ vụ Giám đốc Sở ưu ái con trai 15

17.          Hải Dương: Chủ tịch phường bị chém khi đi nhắc người dân đeo khẩu trang. 16

THẾ GIỚI 17

18.          Bầu cử Mỹ: Tổng thống Trump phản đối việc bỏ phiếu qua thư điện tử. 17

19.          Nhật Bản sẽ tung ra chính sách kinh tế khẩn cấp lớn nhất từ trước đến nay. 17

 TIÊU ĐIỂM

Báo nước ngoài khen ngợi Việt Nam thành công khi kiềm chế Covid-19 lây lan

Trong mùa dịch Covid-19, tỷ lệ lây nhiễm ở Việt Nam thấp hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực ngoại trừ Myanmar và Lào. 

 Trang điện tử tiếng Ả-rập Al-Arabiya có trụ sở tại Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và trang điện tử “Hespress” của Ma-rốc vừa có bài viết khen ngợi Việt Nam thành công trong kiềm chế sự lây lan dịch Covid-19 thông qua các chính sách hiệu quả.

 Bài báo nói rằng Việt Nam áp dụng nghiêm biện pháp cách ly hàng chục ngàn người khi số công dân từ nước ngoài trở về tránh dịch Covid-19 đang lan rộng khắp ở châu Âu và Mỹ. Bài báo đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc phòng chống dịch Covid-19 và cho rằng các biện pháp của chính phủ Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh trong nước cùng sự hợp tác của người dân, đảm bảo số lượng lây nhiễm thấp, thấp hơn so với nhiều nước láng giềng ở Đông Nam Á.

 Đáng chú ý cho đến nay Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong do mắc Covid-19. Tỷ lệ lây nhiễm ở Việt Nam thấp hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực ngoại trừ Myanmar và Lào. Bài báo cũng đăng tải nhiều hình ảnh phòng chống dịch Covid-19 của người dân Việt Nam, ý thức phòng dịch của người dân.

 Trang điện tử “Hespress” của Ma-rốc cũng có bài viết đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam trong phòng dịch Covid-19. Bài báo cho rằng, Việt Nam đã sớm có các biện pháp phòng dịch, minh bạch thông tin nhất là việc thông báo tình hình dịch, các biện pháp phòng ngừa cho người dân.

 Các biện pháp phòng ngừa này đã góp phần hạn chế dịch lây lan. Bài báo cho rằng thành công của Việt Nam là sớm nhận ra khủng hoảng, thông báo hàng ngày với công chúng, đưa ra các mô hình thành công để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với cuộc khủng hoảng toàn cầu này. (VOV.vn 05/4, Ngọc Thạch)Về đầu trang

Báo chí châu Âu đánh giá cao các biện pháp phòng chống COVID-19 của Việt Nam

Báo chí châu Âu ngạc nhiên việc Việt Nam, quốc gia có 1.100 km đường biên với Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh, lại có thể "thắng được cuộc chiến chống COVID-19".

 Tờ Deutsche Welle của Đức, bản tiếng Anh, nhấn mạnh vào chi tiết "Chưa có ai tử vong ở Việt Nam kể từ khi dịch bùng phát vào tháng Giêng" năm nay. Tờ báo Đức viết: "Ngay cả khi xem xét những con số thống kê một cách thận trọng, cũng phải thừa nhận một điều rõ ràng là Việt Nam đã làm tốt công việc phòng chống virus Corona". Tác giả bài báo đã bỏ công tìm hiểu, và cho rằng mấu chốt có thể là "Việt Nam đã có chính sách cách ly nghiêm ngặt, đồng thời truy tìm tất cả những người có thể tiếp xúc với virus".

 Theo bài báo, "Các nước phương Tây như nước Đức chỉ quan tâm những người bị nhiễm virus và những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Còn Việt Nam thì điều tra cả lịch sử đi lại, tiếp xúc của những người có mức độ tiếp xúc thứ hai, thứ ba và thứ tư", ở Việt Nam vẫn gọi là F2, F3, F4.

 Việt Nam được đưa ra làm dẫn chứng trong một số bài báo chê trách châu Âu chậm trễ trong phòng dịch. Tờ Jyllands-Posten của Đan Mạch có bài của Tổng Giám đốc một công ty xây dựng. Ông này viết: "Ngày 31/1, tôi và vợ đi du lịch Việt Nam. Lúc đó, ở Copenhague không hề có biện pháp nào phòng ngừa virus cả. Tới Việt Nam, chúng tôi thấy một cộng đồng đã sẵn sàng. Nhiều người đeo khẩu trang và thông tin chi tiết về virus được công bố rộng khắp".

 "Khi chúng tôi trở lại Đan Mạch vào hôm 16/2, mọi chuyện vẫn bình thường và đến ngày 8/3 thì đường hàng không vẫn được duy trì bình thường giữa những vùng có dịch và Đan Mạch". Theo vị giám đốc này, có lẽ vì thế mà "Tới ngày 19/3, Việt Nam chỉ có 76 người nhiễm virus, cũng hôm đó, Đan Mạch đã có tới 1.225 người, trong khi dân số Việt Nam nhiều gấp 17 lần dân số Đan Mạch".

 Báo chí châu Âu ngạc nhiên còn vì hệ thống y tế của Việt Nam còn xa mới được hiện đại và rộng khắp như ở châu Âu, ngân sách y tế eo hẹp hơn, vậy mà lại đang chống dịch hiệu quả hơn hẳn. Vậy nên, từng biện pháp của Việt Nam đều được quan tâm. Tờ Hufvudstadsbladet của Phần Lan đưa tin: "Việt Nam áp dụng cách ly bắt buộc đối với những người Việt về nước từ những vùng có dịch", "Tất cả hành khách đều được xét nghiệm nhanh". Mẩu tin tuy ngắn nhưng không quên nhấn mạnh chi tiết quan trọng, 3 tháng đã trôi qua, ở Việt Nam "chưa có ai tử vong" vì virus Corona. (VTV.vn 05/4)Về đầu trang

Báo Đức viết về chiến lược chống COVID-19 hiệu quả của Việt Nam

Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức số ra ngày 1/4 đã có bài viết đáng chú ý về chiến lược chống virus SARS-CoV-2 hiệu quả của Việt Nam, đồng thời đặt câu hỏi mở về việc nên chăng các nước phương Tây có thể học hỏi từ công thức chống dịch của Việt Nam.

 Bài viết "Vietnams stiller Auftaktsieg über das Virus" (tạm dịch: Việt Nam yên lặng giành chiến thắng trước virus" của tác giả Till Fähnders đăng trong chuyên mục của FAZ về chiến lược chống dịch bệnh COVID-19.

 Tác giả bài viết nhắc lại bài hát đã trở thành hit trên Internet "Ghen Cô Vy", kêu gọi mọi người rửa tay thường xuyên ở gian đoạn đầu của dịch bệnh. Tuy nhiên, thời điểm đó Việt Nam lại ít nhận được sự chú ý khi  đã sớm có những biện pháp quản lý dịch bệnh tương đối tốt.Ngay phần mở đầu bài báo viết "không giống như một số nước công nghiệp giàu có, đến nay Việt Nam đã có thể kiềm chế được dịch COVID-19".

 Trong khi một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) được ca ngợi trong phòng chống dịch thì những phản ứng của Chính phủ Việt Nam trong công tác chống dịch lúc đó hầu như không được đánh giá đúng mức, dù đất nước này phải đối mặt với nhiều trở ngại như ngân sách ít hơn, mật độ dân số cao và hệ thống y tế còn những hạn chế.

 Bài báo cho biết ngay ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, Việt Nam đã thực hiện đóng cửa các trường học, siết chặt biện pháp kiểm soát biên biên giới với Trung Quốc, cách ly những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và tìm kiếm những người đã tiếp xúc trực tiếp (F1) với người bệnh cho đến những người tiếp xúc với F1 (F2) và những người tiếp xúc với F2 (F3)...

 Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên, sau Trung Quốc, cách ly toàn bộ một cộng đồng khoảng 10.000 người do có nhiều trường hợp nhiễm bệnh ở đây.

 Về những biện pháp phòng ngừa này của Việt Nam, ông Poll Pollack, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Harvard (Mỹ), cho rằng những ký ức về sự bùng nổ dịch hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS vẫn còn rất mới ở Việt Nam và đó là lý do Việt Nam ngay từ đầu đã rất quan tâm tới diễn biến dịch ở Trung Quốc.

 Nhờ những biện pháp kịp thời, Việt Nam ban đầu chỉ ghi nhận 16 trường hợp nhiễm bệnh và ngày 25/2, Việt Nam đã tuyên bố tất cả các bệnh nhân đều đã được chữa khỏi và không có thêm trường hợp nhiễm mới trong khoảng 3 tuần.

 Trong khi đó, chuyên gia Poll Pollack cho biết cuộc sống ở Hà Nội vẫn diễn ra bình thường ngoài một số hạn chế về tiếp xúc, mọi người được yêu cầu đeo khẩu trang, giữa khoảng cách với nhau; các nhà hàng, quán bar... mới chỉ đóng cửa gần đây, trong khi các siêu thị và hiệu thuốc vẫn mở cửa bình thường.

 Hiện con số trên 200 người dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là ít hơn đáng kể so với hầu hết các nước láng giềng và Việt Nam cũng chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.

 Giai đoạn bùng phát dịch lần thứ 2 bắt nguồn từ những người trở về từ châu Âu và những người này, trong đó có nhiều khách du lịch, lại mang virus tới nhiều vùng của đất nước. Trong khi đó, nhiều ca mới nhiễm cũng vừa được phát hiện ở một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước.

 Khi virus SARS-CoV-2 trở lại, Việt Nam tiếp tục đã thắt chặt các biện pháp phòng ngừa, như cách ly trong 14 ngày với tất cả khách du lịch nhập cảnh.

 Việt Nam cũng ngừng cấp thị thực, cấm nhập cảnh với du khách từ các nước châu Âu bị ảnh hưởng với dịch bệnh.

 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu cách ly toàn xã hội trong 15 ngày, chỉ ra khỏi nhà nếu có việc cần thiết, như mua sắm hoặc đi làm từ 0h ngày 1/4/2020.

 Một trong những lý do cho thành công đến nay của Việt Nam trong công tác chống dịch là huy động được sức mạnh của người dân thông qua các chiến dịch quần chúng, qua tin nhắn và tuyên truyền. Bên cạnh đó còn có một ứng dụng trên điện thoại thông minh để mọi người dân khai báo tình trạng sức khỏe của họ và việc khai báo không chính xác có thể bị phạt.

 Việt Nam cũng mạnh tay đối phó với nạn lan truyền của tin tức giả về virus SARS-CoV-2 và đến nay, khoảng  800 người vi phạm đã bị phạt theo quy định. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng cho phép huy động nhanh chóng lực lượng nhân viên y tế và quân đội tham gia chống dịch. Các y bác sĩ và y tá tận tình với công việc, trong khi những người lính nhường nơi sinh hoạt của họ để làm khu vực cách ly.

 Đặc biệt, khác với những nơi khác, hầu như không có sự nghi ngờ gì về số người nhiễm COVID-19 chính thức tại Việt Nam.

 Tuy nhiên theo bài báo, không phải vô cớ mà các nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố cuộc chiến thực sự chỉ mới bắt đầu. Chuyên gia Đại học Y Harvard Pollack nhận thấy những khó khăn phía trước mà Việt Nam sẽ phải đối mặt nếu số người nhiễm, người thuộc diện cách ly và cần được xét nghiệm tiếp tục tăng lên. (Baochinhphu.vn 04/4, BT)Về đầu trang

Chống “giặc” Covid -19: Vì sao dân tín nhiệm Chính phủ?

Một cuộc khảo sát có quy mô lớn nhất toàn cầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công bố ngày 30/3 cho biết: “so với các nơi trên thế giới, Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới”.

 Cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức), tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 32.000 người được hỏi. Theo đó, 62% người Việt Nam cho rằng, Chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phù hợp.

 Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam chưa từng có kinh  nghiệm trong xử lý một đại dịch nguy hiểm và diễn biến khó lường như Covid-19. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Còn nhớ thời điểm dịch mới bùng phát, khi Chính phủ sử dụng các biện kiên quyết như đóng cửa trường học, siết chặt quản lý biên giới trên bộ với Trung Quốc… đã từng xuất hiện những băn khoăn, nghi ngại, liệu có cần thiết phải sử dụng các biện pháp mạnh như vậy hay không?

 Nhưng có lẽ, chính vì không xa “điểm nóng” Vũ Hán, chính vì có 7 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc nên Chính phủ đã lựa chọn biện pháp mạnh ngay từ đầu. Nay, khi nhìn lại quãng thời gian khó khăn đó, ai cũng thấm thía, nếu không hành động sớm, không “phòng bệnh hơn chữa bệnh” thì không biết hậu quả sẽ khôn lường thế nào. Đó cũng là điểm cộng đầu tiên mà người dân ghi nhận, Chính phủ đã phản ứng mau lẹ, quyết đoán và hiệu quả.

 Dù không bất ngờ nhưng kết quả khảo sát trên vẫn khiến không ít người Việt Nam “xúc động và tự hào”. Nếu được hỏi, chắc chắn sẽ có nhiều người sẵn sàng dành cho Chính phủ một phiếu “tín nhiệm” khi nhìn lại chặng đường chống dịch đầy cam go, thử thách vừa qua. Dù “thời điểm quyết định” vẫn đang ở phía trước nhưng họ tin rằng, Chính phủ đã hành động đúng …

 Lắng nghe và đề cao ý kiến của các chuyên gia, tận dụng tối đa “thời điểm vàng” để khoanh vùng, dập dịch, kiên quyết cách ly và sàng lọc các đối tượng dù tốn kém biết bao công sức và tiền của… nhưng Chính phủ vẫn kiên quyết làm. Người dân được cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, minh bạch về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch, được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch. Cả hệ thống chính trị chuyển động, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Từ công an, quân đội, y tế cho đến dân phòng, thanh niên, phụ nữ… Đó chính là sức mạnh tập thể, là sự đồng lòng, nhất trí, muôn người như một, cùng hướng đến mục tiêu chung.

 Người dân có tin tưởng, có ủng hộ Chính phủ thì mới sẵn sàng góp công, góp của, không nề hà, không do dự. Có ở đâu mà người già góp gạo, góp rau, con trẻ góp tiền mừng tuổi, giới văn nghệ sĩ đi đầu trong quên góp chống dịch, người Việt ở hải ngoại cũng sẵn sàng chìa vai gánh vác cùng Chính phủ…

 Nếu không hành động vì dân, không đặt mục tiêu tối thượng là tính mạng con người, chắc chắn Chính phủ đã không nhận được sự ủng hộ như vậy. Tuyên bố “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe người dân, chăm lo người nghèo, người mất việc vì đại dịch, chuẩn bị phương án xấu nhất để có cách đối phó tốt nhất… Cách làm của Việt Nam không chỉ được người dân tin cậy mà còn được bạn bè quốc tế ngợi ca. Ngay ông Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng phải thừa nhận, Chính phủ Việt Nam đã rất giỏi khi đương đầu với đại dịch Covid-19.

 Kể từ ca bệnh đầu tiên ngày 23/1 cho đến nay, khi có gần 240 ca nhiễm, Việt Nam chưa ghi nhận một trường hợp nào tử vong. Những ca nhiễm mới dường như không tăng theo quy luật, không tăng theo cấp số nhân. Những ca nhiễm cũ lần lượt ra viện. Đó là kết quả lớn nhất, rõ ràng nhất, trả lời câu hỏi vì sao dân tín nhiệm Chính phủ.

 Trong lời kêu gọi toàn dân chống dịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Tôi cảm ơn đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã tin tưởng, ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng công tác phòng, chống dịch bệnh”.

 Trong lá thư gửi về từ châu Âu, một du học sinh chia sẻ:” Nếu không có đợt dịch này thì nhiều người, kể cả tôi không nhận ra Việt Nam mình đáng trở về như thế nào, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới…"

 Từng đi qua những năm tháng chiến tranh, từng đối mặt với sự thiên tai khắc nghiệt, nay trong trận chiến với “giặc” Covid-19, một loại giặc chưa từng có trong lịch sử, giữ được niềm tin và sự tín nhiệm trong dân, đó là sức mạnh để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách. (VOV.vn 04/4, Giang Hương)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Bộ Tài chính đề nghị bổ sung thêm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất

Ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền lên đến 180.000 tỷ đồng.

 Cụ thể, 4 nhóm đối tượng bao gồm:

 - Một số ngành sản xuất như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống…

 - Một số hoạt động kinh doanh như: Bất động sản; dịch vụ lao động và việc làm; vui chơi giải trí…

 - Bổ sung doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

 - Bổ sung tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. (VTV.vn 04/4)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Mức xử phạt một số hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19

Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa 300.000 đồng. Người nào vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 500.000-700.000 đồng.

 Đây là mức phạt vừa được Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn nhằm ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh.

 Ngoài ra còn một số mức phạt khác như sau:

 - Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc COVID-19 bị phạt tiền tối đa 2.000.000 đồng.

 - Các cơ sở, dịch vụ ăn uống công cộng vi phạm quy định bị phạt tối đa 10.000.000 đồng đối với cá nhân và 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

 - Người không thực hiện giám sát y tế trước khi ra vào vùng dịch bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng

 - Những người trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly hay cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế hay khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối có thể bị phạt hành chính 10.000.000 đồng hoặc nặng hơn thì xử lý hình sự theo Điều 240, 295 Bộ luật Hình sự.

 - Người có hành vi vũ lực cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch; chủ các cở sở kinh doanh dịch vụ như quán bar, karaoke vi phạm quy định và gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc người lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo khan hiếm giả đối với hàng hóa để thu lợi bất chính cũng đều bị xử lý hình sự. (VTV.vn 05/4)Về đầu trang

Sản xuất ôtô dưới 9 chỗ được gia hạn thuế, tiền thuê đất

Ngày 3/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký công văn số 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

 Theo Bộ Tài chính, so với dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ngày 26/3, sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung 4 nhóm đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất.

 Dự kiến với những bổ sung này, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng (tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ trước đó).

 Cụ thể, Bộ Tài chính bổ sung một số ngành sản xuất: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng;

 Đồng thời, bổ sung một số hoạt động kinh doanh vào đối tượng được gia hạn: Hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động vui chơi giải trí;

 Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng bổ sung doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm để xem xét gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất.

 Ngoài ra, tại công văn mới này, Bộ Tài chính cũng bổ sung các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bộ Tài chính giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng. (Tienphong.vn 04/4, Tuấn Nguyễn)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/3-3/4/2020

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc và ra Quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch COVID-19 toàn quốc.

 Cách ly toàn xã hội từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc: Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu…

 Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội: Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16/CT-TTg. Tuy nhiên, một số nội dung của Chỉ thị còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở  nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết: a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; b) Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…; c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này. Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m…

 Công bố dịch COVID-19 toàn quốc: Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Tên dịch bệnh: COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra). Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Toàn quốc.

 Chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng: Tại Thông báo 133/TB-VPCP ngày 29/3/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngành, các cấp trong cả nước nhất là 5 thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch đã đề ra; đồng thời tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng bảo đảm phương châm 4 tại chỗ.

 Một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19: Cũng trong ngày 29/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó quy định về tiền ăn của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế; chế độ phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch; chế độ đối với người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ; chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch COVID-19.

 Hỗ trợ ngân sách địa phương phòng, chống dịch COVID-19: Ngày 30/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 437/QĐ-TTg về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ cũng đã gửi thư khen, động viên các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế; cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân đội nhân dân; cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống dịch COVID-19.

 Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước: Trong Thông báo số 141/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất máy thở trong nước để chủ động trong nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở.

 Việc xuất khẩu gạo cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng: Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản 140/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn. Thông báo nêu rõ: Việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.

 Đẩy mạnh các giải pháp đưa giá lợn hơi về mức bình thường: Theo Thông báo 132/TB-VPCP ngày 29/3/2020 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 20/3/2020 về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan kiên quyết đẩy mạnh triển khai các giải pháp để ngay trong tháng 4 năm 2020 đưa giá lợn hơi về mức bình thường như trước khi có dịch bệnh tả lợn Châu Phi, khoảng 60 nghìn đồng/kg bằng các biện pháp phù hợp.

 Điều kiện cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó nêu rõ điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn: Vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

 Bổ sung ngành nghề ưu đãi đầu tư: Chính phủ ban hành Nghị định 37/2020/NĐ-CP bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Theo đó, bổ sung khoản 2 vào Mục V Phần B Phụ lục I về Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

 Thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Quyết định nêu rõ: Người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS),  phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động. Mức tiền ký quỹ là 100 triệu đồng.

 Quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: Tại Quyết định 431/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với mục tiêu xây dựng một hệ thống để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch, tăng tốc độ thông quan hàng hóa do có đầy đủ cơ sở dữ liệu. Một trong các giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là giải pháp về hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

 Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản: Tại Thông báo 134/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, thời gian tới cần phát triển và nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản như: thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở; xây dựng xã hội học tập…

 Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia giáo dục đại học: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 436/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học, giai đoạn 2020 - 2025. Kế hoạch nhằm mục đích triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học để xây dựng, phê duyệt chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực giáo dục đại học nhằm đổi mới hoạt động đào tạo gắn với bảo đảm, nâng cao chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam; thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước trong khu vực và trên thế giới; tạo ra cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

 Biểu dương tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp vào hoạt động thư viện cộng đồng: Hoạt động thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, tác động tích cực tới phát triển sự nghiệp thư viện, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa đọc trong nhân dân. Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động này, trong đó huy động sự tham gia rộng rãi hơn nữa của các tổ chức, cá nhân, tại văn bản 2462/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, đánh giá và có hình thức ghi nhận, biểu dương kịp thời, đầy đủ đối với các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp vào hoạt động thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của nhà nước đối với hoạt động này. (Baochinhphu.vn 04/4, Minh Hiển)Về đầu trang

Phải kiên quyết cho phá sản các dự án không thể phục hồi

Đây là nội dung được Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại phiên họp Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án kém hiệu quả ngày 3/4.

 Phó Thủ tướng đề nghị, trước mắt cần phân chia các dự án thành 3 nhóm cụ thể gồm: Nhóm các dự án đã phục hồi có lãi; Nhóm các dự án có thể phục hồi; Nhóm các dự án không thể phục hồi để cho giải thể, phá sản.

 Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan cần lấy ý kiến thẩm định của các nhà tư vấn để xem dự án nào có thể dừng. Bên cạnh đó tìm đối tác cùng ngành nghề với các dự án có thể phục hồi để có thể liên kết, hợp tác cho thuê tài sản hoặc là bán đứt để thu hồi vốn cho Nhà nước.

 Nhấn mạnh Nhà nước không đặt mục tiêu thu được bao nhiêu tiền từ xử lý dự án yếu kém mà quan trọng là trả được bao tiền để Nhà nước không còn gánh nợ, do vậy Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cần sớm đưa ra phương án khả thi trên tinh thần tự chủ tự chịu trách nhiệm để có thể xử lý dứt điểm vào cuối năm nay theo yêu cầu của Thủ tướng. (VTV.vn 04/4)Về đầu trang

Yêu cầu tạm dừng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến hết tháng 4

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có Công điện khẩn yêu cầu tạm dừng các hoạt động trực tiếp tập trung đông người như tuyển chọn, đào tạo cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết tháng 4/2020.

 Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30/4.

 Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo các Ban quản lý lao động ở nước ngoài thông tin tới người lao động đang làm việc ở nước ngoài bình tĩnh ở lại làm việc và tuân thủ qui định của nước sở tại về phòng chống dịch bệnh, không di chuyển, không đến địa bàn có dịch. Các Ban cần tăng cuờng công tác quản lý, nắm tình hình và đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị ảnh hưởng của dịch. (VTV.vn 05/4)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Cứ 10 doanh nghiệp mới, có 6 doanh nghiệp “chết lâm sàng”

Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn DN. Như vậy, cứ 10 DN mới “chào đời” thì có tới 6 DN “chết lâm sàng”. Vì sao xảy ra thực trạng này? 

Theo Tổng cục Thống kê, tổng số vốn đăng ký của các DN thành lập mới quý 1/2020 là 351,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 14,8 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý I/2019. Như vậy, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 lên 44,5 nghìn DN. Trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

 Quý 1/2020 cũng có tới 18,6 nghìn DN  tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 12,2 nghìn DN  ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 4,1 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể. Trong đó có gần 3,7 nghìn DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 1,3%; 62 DN có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 21,6%. Trung bình mỗi tháng có 11,6 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

 Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 cho thấy, 42% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 khó khăn hơn quý IV/2019. Có 25,9% số doanh nghiệp dự báo quý II/2020 khó khăn hơn so với quý I/2020.

 “Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2020, có 55,8% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 48% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,3% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 30,7% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 28,5% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 26,6% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 24,4% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 22,6% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 21,1% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu”, ông Lâm lý giải về nguyên nhân khiến số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao. (Tienphong.vn 05/4, Quỳnh Nga)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề xuất hộ nghèo được giảm 15% lãi vay

Ngân hàng Chính sách Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ giảm khó khăn cho các hộ nghèo trên cả nước.

 Theo đề xuất, từ 1/4/2020 đến hết năm 2020, hộ nghèo và các chương trình cho vay tín dụng có lãi suất tham chiếu theo mức cho vay hộ nghèo sẽ được giảm lãi vay 15% và các đối tượng chính sách ở các chương trình khác giảm 10%.

 Hiện Ngân hàng Chính sách Xã hội đang rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn để thực hiện các biện pháp như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất.

 Tính đến 30/3, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho hơn 40.000 khách hàng với dư nợ gần 1,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cũng được cho vay để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống với số tiền gần 12.000 tỷ đồng. (VTV.vn 05/4)Về đầu trang

Gói hỗ trợ người lao động, an sinh xã hội phân bổ trong 3 tháng

Theo công bố của Chính phủ về gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ước tính sẽ có gần 20 triệu đối tượng chính sách và người lao động được thụ hưởng từ gói hỗ trợ này.

 Dự kiến quy mô của gói hỗ trợ này sẽ vào khoảng 61.580 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng. Với gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất ưu tiên chăm lo cho người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, hộ kinh doanh cá thể nhỏ, lao động mất việc làm… với mức hỗ trợ bằng tiền mặt trong 3 tháng (tháng 4, 5,6).

 Theo đó, hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho người có công với cách mạng; Đối tượng bảo trợ xã hội nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm; Hỗ trợ doanh nghiệp vay lãi suất 0 %.

 “Được như thế dân cũng yên lòng để chống dịch. Bây giờ ở nhà 10 - 15 ngày không kinh doanh, không có nguồn thu nhập, trong khi đó kiếm tiền ngày nào tiêu ngày đó nếu không bán hàng sẽ không có tiền sinh hoạt. Không có tiền sẽ phải ra ngoài bán hàng nên Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ cho người dân như thế này là rất kịp thời”Trước thông tin này, nhiều người lao động, hộ kinh doanh nhỏ lẻ bày tỏ sự vui mừng trước sự quan tâm của Nhà nước tới từng người dân. Chị Nguyễn Thu Hương, kinh doanh quán ăn ở quận Thanh Xuân và chị Phạm Thị Thu, ở huyện Hoài Đức, đối tượng thuộc hộ nghèo chia sẻ:

 “Dịch thế này phải nghỉ ở nhà chẳng kiếm ra đồng nào. Tôi có 2 cháu đều đi làm nhưng nay cả hai đứa đều phải nghỉ làm. Cháu lớn làm ở khách sạn nhưng khách sạn cũng phải đóng cửa cả tháng phải nghỉ không lương, Công ty cháu làm cũng khả năng bị phá sản, sau chắc không có việc mà làm. Nếu Chính phủ hỗ trợ thế thì tốt quá, ít nhiều cũng đỡ được phần nào, ở nhà vẫn phải tiêu tiền nhưng kiếm ra”.

 Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để sử dụng gói hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng, hạn chế tối đa khả năng tiêu cực có thể xảy ra, cần phát huy trách nhiệm tối đa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp trong công tác rà soát đối tượng, các cơ quan chức năng sẽ theo dõi, giám sát quá trình thực hiện hỗ trợ.

 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ giao các cơ quan thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động.

 “Bộ đã có nhiều giải pháp thuộc thẩm quyền và đã hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị để triển khai, nhất là chính sách liên quan đến tạm đóng, tạm dừng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp…Đồng thời, Bộ đề xuất với Thủ tướng những giải pháp, làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng. Việc này cần phải xử lý rất khéo nhưng mà phải có chính sách hỗ trợ kịp thời”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

 Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã có tới 153.000 người mất việc hoặc xin nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Hàng triệu lao động ngừng việc trong các ngành như dệt may, da giày, du lịch vận tải, lưu trú, ăn uống…Dự kiến có thêm hàng trăm nghìn lao động mất việc làm làm tuỳ thuộc vào mức độ bùng phát của dịch bệnh. (VOV.vn 04/4, Kim Thanh)Về đầu trang

TP.HCM chi gần 9 tỷ đồng hỗ trợ người bán vé số

Mới đây, TP.HCM vừa thông qua đề xuất hỗ trợ gần 12.000 người bán vé số tại thành phố, mỗi người 50.000 đồng/ngày.

 Thời gian hỗ trợ là 15 ngày kể từ ngày 1/4 vừa qua. Tổng kinh phí là gần 9 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách, Quỹ Vì người nghèo thành phố và quận huyện; Quỹ phòng chống dịch COVID-19 thành phố.

 Phương thức hỗ trợ sẽ là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chuyển kinh phí cho UBND quận, huyện để tổ chức hỗ trợ thực tế theo danh sách tổng hợp. UBND quận, huyện cung cấp danh sách và chịu trách nhiệm hỗ trợ đúng đối tượng, thanh quyết toán theo quy định.

 Theo thống kê, Quận 8 hiện là nơi có số người bán vé số cao nhất tại TP.HCM với hơn 1.200 người. (VTV.vn 05/4)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng kêu gọi sử dụng Cổng dịch vụ công

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có Thư ngỏ gửi đến người dân và doanh nghiệp về việc sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia.

 Ngày 3/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có Thư ngỏ về việc sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước phòng chống dịch Covid-19:

 Kính gửi các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp

 Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và người dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

 Sau gần bốn tháng đi vào hoạt động (từ 9/12/2019) đến nay, trên Cổng DVC quốc gia đã có hơn 104.000 tài khoản đăng ký; 27,7 triệu lượt truy cập; trên 4,3 triệu lượt hồ sơ đồng bộ trạng thái phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt đã có trên 23.000 hồ sơ xử lý thành công trên Cổng DVC quốc gia. Từ tám nhóm dịch vụ công tại thời điểm khai trương, đến nay, Cổng DVC quốc gia đã cung cấp 228 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

 Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19” và Chỉ thị số 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trân trọng đề nghị các cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hãy truy cập vào Cổng DVC quốc gia để đăng ký tài khoản và thực hiện theo hướng dẫn tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn.

 Việc hưởng ứng của cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế từ các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử do VPCP và các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thời gian qua, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm do dịch Covid-19 gây ra". (Kênh VOV1 – Thời sự ngày 04/4, Văn Hiếu)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cần làm rõ vụ Giám đốc Sở ưu ái con trai

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông có thể kiểm tra được bằng của ông Hồ Thanh là bằng thật hay bằng giả, tốt nghiệp ngày nào, không có gì khó.

 Từ giữa tháng 3.2020, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết đang kiểm tra dấu hiệu vi phạm của Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông liên quan đến việc tuyển dụng con trai vào ngành.

 Tháng 5.2019, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông ký ban hành Kế hoạch tuyển dụng viên chức.

 Vụ tuyển dụng trở thành to chuyện khi con trai của bà Hương là ông Hồ Thanh (sinh năm 1994) tham gia đợt xét tuyển và cùng 383 người khác trúng tuyển, nhưng bị tố cáo, ở thời gian công bố trúng tuyển, ông Thanh chưa có bằng đại học.

 To chuyện nữa, ngày 3.9.2019, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông ký Quyết định tuyển dụng Hồ Thanh vào Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp. 2 ngày sau, bà Hương ký quyết định điều động ông Hồ Thanh công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. 

Theo hồ sơ của ông Hồ Thanh, bằng tốt nghiệp đại học của ông Hồ Thanh được cấp ngày 16.3.2019, trong khi Sở Y tế tổ chức tuyển dụng trong tháng 6, tháng 7 năm 2019, và ông Hồ Thanh đã nộp các loại văn bằng, chứng chỉ đúng thời gian (trước đó, lo ngại bằng chính từ Đại học Lincoln - Mỹ gửi về không kịp nên nộp chứng nhận tạm thời. Nhưng bằng gửi về kịp và đã nộp đúng thời gian quy định).

 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông có thể kiểm tra được bằng của ông Hồ Thanh là bằng thật hay bằng giả, tốt nghiệp ngày nào, không có gì khó.

 Về việc chuyển ông Hồ Thanh từ Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp sang Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, có vi phạm quy định về chuyển công tác đối với viên chức theo Luật Viên chức hay không? Đó là điều cần xác định và công bố công khai, vì vụ việc này được báo chí nêu và dư luận quan tâm.

 Con của ai không quan trọng, vấn đề là có xứng đáng hay không, tuyển dụng có công tâm, công bằng hay không, có vi phạm quy định của pháp luật hay không?

 Đã từng có dư luận, Nguyễn Đức Thiện, con trai Chủ tịch tỉnh Quảng Trị “thăng tiến thần tốc”. Nhưng theo hồ sơ, ông Thiện là học sinh xuất sắc của trường chuyên tỉnh, từng đạt giải học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học và tốt nghiệp bằng giỏi, có bằng thạc sĩ nước ngoài, 7.0 IELTS. Chẳng lẽ vì ông Thiện là con của ông chủ tịch nên bị định kiến "con cha cháu ông".

 Con của cán bộ không học hành tử tế, nhưng tìm cách nhét vào cơ quan nhà nước, thì cần phải phê phán. Nhưng nếu đủ năng lực, tiêu chuẩn, thì tuyển dụng công bằng như công dân khác.

 Trở lại vụ ông Hồ Thanh, nếu bằng giả, tuyển dụng có sai phạm thì cho ra khỏi cơ quan. Còn không thì trả lại công bằng cho người lao động. (Laodong.vn 04/4, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

Hải Dương: Chủ tịch phường bị chém khi đi nhắc người dân đeo khẩu trang

Trong quá trình cùng tổ công tác đi nhắc nhở người dân đeo khẩu trang phòng dịch, một Chủ tịch phường ở TP Hải Dương bị một đối tượng dùng dao bầu chém vào cổ. Sự việc trên xảy ra vào khoảng 8h30 ngày 5/4 tại khu dân cư số 3 phố Nhị Châu, phường Nhị Châu, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

 Tại thời điểm trên, ông Đoàn Văn Thuận - Chủ tịch UBND phường Nhị Châu, TP Hải Dương đang dẫn đoàn công tác đi kiểm tra và nhắc nhở người dân địa phương thực hiện nghiêm túc quy định đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Lúc này, một thanh niên ở trong nhà vác dao bầu lao ra chém thẳng vào phía cổ ông Thuận.

 Rất may một cán bộ Công an phường đi cùng đã nhanh tay ngăn cản kịp thời và dùng biện pháp nghiệp vụ khống chế tức thời đối tượng manh động trên đưa về trụ sở công an phường Nhị Châu để làm việc.

 Tại cơ quan Công an, đối tượng khai tên là Trần Văn Sơn (SN1981), là người dân địa phương. Sơn có mẹ ruột đang bán rau tại khu phố Nhị Châu. Đối tượng mới mãn hạn tù cách đây không lâu do liên quan đến ma túy. Sơn được xác định có 2 tiền án về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy ở các năm 2012 và 2018.

 Công an phường Nhị Châu đã báo cáo vụ việc với Công an TP Hải Dương và đang phối hợp lấy lời khai, hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. (Dantri.com.vn 05/4, Nguyễn Dương)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Bầu cử Mỹ: Tổng thống Trump phản đối việc bỏ phiếu qua thư điện tử

Tổng thống Mỹ Donald đã bác bỏ ý tưởng về việc tất cả các tiểu bang chuẩn bị tiến hành bỏ phiếu qua thư điện tử.

 Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày của Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định, ông không ủng hộ việc sử dụng phiếu bầu điện tử trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 khiến cử tri Mỹ không thể đi bầu cử. Tổng thống Trump nhấn mạnh, rất nhiều người gian lận với việc bỏ phiếu qua thư điện tử, đồng thời yêu cầu cử tri Mỹ nên bỏ phiếu với căn cước công dân ID và thẻ cử tri.

 Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới sẽ không bị trì hoãn do dịch COVID-19. Phe Dân chủ đang thúc đẩy gói tài chính bổ sung cho khả năng phải tiến hành bỏ phiếu qua thư điện tử và bỏ phiếu vắng mặt. Đồng thời, đảng Dân chủ Mỹ cho rằng, việc bỏ phiếu qua thư điện tử là cần thiết trong trường hợp virus vẫn lây lan. (VTV.vn 04/4)Về đầu trang

Nhật Bản sẽ tung ra chính sách kinh tế khẩn cấp lớn nhất từ trước đến nay

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã nhấn mạnh chính sách kinh tế khẩn cấp dự kiến đưa ra trong tháng 4 sẽ vượt trên cả chính sách kinh tế năm 2009 sau cú sốc Lehman.

 Theo tuyên bố của Thủ tướng Abe Shinzo, quy mô chính sách kinh tế khẩn cấp trong tháng 4 này sẽ vượt trên 56,8 nghìn tỷ Yen, tương đương 530 tỷ USD, bằng 10% GDP của Nhật Bản. Hiện tại Đảng cầm quyền LDP bắt đầu đưa ra quan điểm của mình.

 Theo báo Nikkei, ngày 30/3, đảng Dân chủ cầm quyền LDP đã tổng hợp các ý kiến để hiện thực hóa đối sách kinh tế khẩn cấp với quy mô 60.000 tỷ Yen, tương đương 555 tỷ USD, trong đó bao gồm chi tiêu công chiếm tới 1/3, nhằm đối phó với dịch COVID-19 đang lan rộng tại quốc gia này.

 Đối sách mà đảng LDP đề xuất là chia cuộc chiến chống dịch COVID 19 làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn kiềm chế dịch bệnh lây lan, sẽ áp dụng gói kinh tế trị giá 40.000 tỷ Yen (370 tỷ USD) hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì việc làm, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giai đoạn dịch bệnh được khống chế, xem xét kéo dài cơ chế hoàn tiền bằng điểm với giao dịch không dùng tiền mặt, hỗ trợ ngành du lịch, ăn uống bằng các loại phiếu giảm giá. Trong giai đoạn trung và dài hạn sẽ phát triển môi trường làm việc từ xa, điều chỉnh chuỗi cung ứng đang phụ thuộc vào Trung Quốc.

 Đối với yêu cầu giảm thuế tiêu dùng đang ở mức 10% như hiện nay từ dư luận, ông Kishida Fumio, Trưởng ban Chính sách của đảng LDP nhấn mạnh, thuế tiêu dùng là thuế cơ bản của quốc gia, rất khó để điều chỉnh.

 Theo báo Kyodo, Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định chính sách kinh tế khẩn cấp vào đầu tháng 4 này, trước hết hướng tới mục tiêu thiết lập ngân sách bổ sung đầu tiên cho năm tài khóa 2020 trước kỳ nghỉ dài của Nhật Bản.

 Chính phủ Nhật Bản hiện đang tiếp nhận các ý kiến để xây dựng dự luật hoàn chỉnh về các biện pháp kinh tế khẩn cấp nhằm đối phó với dịch COVID-19 để trình Quốc hội trong tháng 4 này. Mục tiêu là sẽ hoàn thành trước kỳ nghỉ lễ dài vào đầu tháng 5 tới đây. (VTV.vn 04/4)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More