Những lợi ích đến từ game

Post date: 10/12/2014

Font size : A- A A+
Trải qua nhiều thập kỷ, trò chơi điện tử luôn là đối tượng bị chỉ trích rất nhiều do những yếu tố bạo lực, sex và ảnh hưởng đến giới trẻ. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới nhất cho thấy ngành giải trí tương tác này đã đem lại những lợi ích quan trọng cho con người về mặt tâm lý, giáo dục và y học.

VietGames Tournament 2008 đua tài 5 game trực tuyến

Nhà tâm lý học Douglas Gentile thuộc đại học bang Iowa phát biểu tại hội thảo hiệp hội các nhà tâm lý Mỹ năm 2008 rằng có khá nhiều yếu tố trong game cần được nghiên cứu như thời lượng chơi, nội dung trò chơi, những gì người chơi chú ý trên màn hình và cách thức người chơi điều khiển nhân vật. Ông cho rằng bản thân những trò chơi không "tốt" hay "xấu", mà có thể xem chúng là những công cụ nghiên cứu và có thể có nhiều tác dụng mà chúng ta không thể lường hết được.

Công cụ giao tiếp

Bổ sung ý kiến này, giáo sư Korosh Dini, một chuyên gia tâm lý đến từ Chicago, cho biết trẻ em có thể học được sự đồng cảm từ trò chơi. Thường thì sự đồng cảm được truyền từ người này sang người khác thông qua các giao tiếp xã hội, nhưng chính những tính năng đa người chơi trong game cho phép mọi người giao tiếp với nhau theo nhiều cách khác nhau, từ kiểu đối kháng cho đến phối hợp. Sự giao tiếp này buộc người chơi phải suy nghĩ một cách chủ động về việc đối phương đang và sẽ làm gì tiếp theo trong trò chơi.

Công cụ giảm stress

Một nghiên cứu của đại học Oxford (Anh) cho thấy tựa game giải đố Testris có tác dụng đối phó với những căng thẳng do rối loạn tâm lý gây ra. Trò chơi giúp sử dụng những tài nguyên của não bộ cho việc cảm nhận thông tin, từ đó ngăn chặn những kí ức tiêu cực trước đây xuất hiện lại gây đau đớn cho các bệnh nhân. Ngoài ra, game còn có tác dụng giảm stress hiệu quả và cải thiện tâm trạng cho người chơi, theo nghiên cứu mới nhất của khoa nghiên cứu thư giãn và giải trí thuộc đại học Đông Carolina.

Phương pháp xoa dịu nỗi đau

Sự nhẹ nhàng đồng thời đánh lạc hướng những cảm giác của game có thể ứng dụng một cách tích cực cho những bệnh nhân chịu những cơn đau nhất thời hoặc kéo dài. Bản báo cáo năm 2007 của bệnh viện trung tâm về phỏng trẻ em quốc gia của Mỹ cho biết đã bắt đầu sử dụng trò chơi như một phương pháp giảm đau cho những bệnh nhân bên cạnh những biện pháp truyền thống như đọc sách và nghe nhạc. Về việc vật lý trị liệu, trò chơi cũng đóng vai trò tích cực giúp bệnh nhân tăng tốc độ phục hồi và cải thiện chức năng cơ thể. Sự xuất hiện của hệ máy Wii với hàng loạt những trò chơi, bài tập thể dục đa dạng, vừa có tính thi đấu vừa có tính giải trí như Wii Sports đem lại cho những bệnh nhân vật lý trị liệu một cách mới để luyện tập. Mới đây, ở thành phố Leeds (Anh), bệnh viện Seacroft tuyên bố đã dùng tấm cảm ứng Wii Balance Board để đo đạc sự phân phối trọng lượng cơ thể để giúp những người tàn tật làm quen với những bộ phận cơ thể giả. Đây là một điều cực kì ý nghĩa đối với một hệ máy chơi game vì thay vì đo đạc tính toán bằng máy móc chuyên dụng, các nhà vật lý trị liệu có thể ứng dụng ngay những sản phẩm giải trí quen thuộc bày bán trên thị trường.

Cải thiện phản xạ tay- mắt và mô phỏng đời thật

Vấn đề cải thiện phối hợp giữa tay và mắt bằng trò chơi điện tử là đề tài được tranh cãi khá nhiều giữa những nhà khoa học. Tuy nhiên, một nghiên cứu nhỏ của Trung tâm y tế Beth Israel ở New York cho thấy mối quan hệ giữa chơi game và sự cải thiện trong việc phẫu thuật nội soi của những bác sĩ tại bệnh viện này. Việc chơi game, điều khiển nhân vật giúp các bác sĩ trở nên nhạy cảm và chính xác hơn khi nội soi cơ thể bệnh nhân để phẫu thuật.

Về các ứng dụng mô phỏng, những tựa game đặc thù như Americas Army, Flight Simulator hay thậm chí SimCity cũng giúp người chơi có cái nhìn sâu sắc hơn đối với những sự vật, sự việc ngoài đời được mô phỏng trong game. Ngoài ra, những trò như Americas Army được xem là tài liệu luyện tập thực sự của quân đội Mỹ, được thiết kế từ những tình huống chiến đấu thực sự đã diễn ra. Những trải nghiệm từ game mô phỏng đem lại khó có thể so sánh với kinh nghiệm thực sự từ đời thực, nhưng việc luyện tập và làm quen trước với các thao tác mô phỏng sẽ tạo tâm lý tự tin hơn đối với những người luyện tập trước khi gặp những thử thách thật sự.

Kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo

Trong năm 2007, tổ chức quỹ MacArthur đã tuyên bố sẽ tặng 1,1 triệu USD để tài trợ cho những trường cấp hai và cấp ba ở New York có chương trình giảng dạy được lấy cảm hứng và liên quan đến trò chơi điện tử. Những ngôi trường dạng này sẽ đưa vào môn "ngữ văn game", vốn khuyến khích người chơi giải quyết các vấn đề bằng phương pháp nhân - quả bằng cách sử dụng sự tương tác game thay vì học theo kiểu ghi nhớ. Ngoài ra, sự xuất hiện của những tính năng game mới như cho phép người chơi thiết kế bản mod hoặc các nội dung tải về mới cũng giúp kích thích sự sáng tạo và chia sẻ những sản phẩm của mình đến những người chơi khác. Tựa game Spore và Little Big Planet là hai đại diện điển hình của sự sáng tạo và chia sẻ của game thủ với nhau.

Tạo lập tính xã hội và công nghệ từ game

Từ khi có những dịch vụ mạng tích hợp với những chiếc console như Xbox 360, PS3…, những cộng đồng sử dụng Xbox Live hay PlayStation Network cũng xuất hiện. Chỉ việc thông qua những trò chơi hay friend-list trên dịch vụ, tính xã hội của cộng đồng này dần phát triển: những hoạt động, sự kiện thi đấu hoặc đơn thuần là xã giao qua những trò chơi. PlayStation Home, một trong những dịch vụ cộng đồng ảo tích hợp trong PlayStation Network, là minh chứng rõ ràng nhất cho việc phát triển một cộng đồng từ game.

Về công nghệ, sự phát triển của phần cứng chơi game cũng đóng góp không ít trong các thành tựu của khoa học tính toán. Năm 2003, trung tâm quốc gia về ứng dụng tính toán và khoa học máy tính thuộc đại học Illinois đã tạo bước đột phá với việc thiết kế một siêu máy tính từ 70 chiếc PS2 nối lại với nhau. Về sau, đại học Stanford và Sony đã phối hợp với nhau trong dự án Folding@home, vốn ứng dụng sức mạnh của những chiếc PS3 kết nối với nhau để tính toán, nghiên cứu về protein để chống lại các dịch bệnh. Bộ xử lý Cell của PS3 cũng được ứng dụng thêm trong lĩnh vực y tế và quân sự, trong khi đó đại học Rice (Mỹ) đã sử dụng chiếc tay cầm Wii Remote để lập trình các thiết bị robot giúp con người thực hiện nhanh hơn các công việc nặng nhọc. So với các thiết bị nghiên cứu chuyên dụng, các máy chơi game tỏ ra phổ biến và ít tốn kém hơn nhiều cho những nhà nghiên cứu khoa học.

Lời kết

Những lợi ích mà game đem lại cho cuộc sống là khá to lớn, cho dù việc tiếp xúc của người chơi đến với game chỉ thông qua đĩa game, máy game và chiếc TV. Những lợi ích về y học, tâm lý, nghiên cứu, công nghệ tất nhiên có thể được thu thập từ đời thực, nhưng thông qua game thì đó sẽ là những trải nghiệm mới mẻ và có phần ưu việt hơn một chút. Bản thân trò chơi không tốt hay xấu, mọi việc đều tùy thuộc cách chúng ta nhìn nhận, ứng dụng để đem lại những lợi ích tốt nhất và tích cực nhất cho cuộc sống./.

Xuân Ngọc (Theo Tạp chí PCworld) 

More