Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 09-11-2021

Post date: 09/11/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

  1. "Cần chuyển từ nhà nước chủ đạo sang nhân dân chủ động chống COVID-19". 1
  2. "Muốn người dân chấp hành chống dịch tốt, cán bộ phải nêu gương trước". 4
  3. Bộ trưởng Bộ Y tế: Triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối 2021, đầu 2022. 5
  4. “Không gì đau xót hơn khi phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước”. 7
  5. ĐBQH đề nghị tổ chức Quốc tang cho người tử vong vì COVID-19. 8
  6. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 3 gói hỗ trợ COVID-19 tuy còn hạn chế nhưng đạt nhiều kết quả. 9
  7. Đại biểu Quốc hội băn khoăn về khoảng cách giàu – nghèo. 10
  8. ĐBQH lo ngại khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 3-3,5%.. 11
  9. Không thể đi vay để thuê nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt riêng lẻ. 13

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 14

  1. 12 địa phương đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. 14
  2. Bộ GDĐT vẫn đang rà soát để mở cửa trường, học sinh đi học trở lại 15
  3. Nhiều địa phương "đổi màu" cấp độ dịch do ca mắc COVID-19 tăng nhanh. 16
  4. Hậu Giang chấn chỉnh biểu hiện lơ là phòng chống dịch của cán bộ. 17

CHỈ THỊ MỚI 18

  1. Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 18
  2. Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu kết hợp phòng chống rét với phòng chống dịch. 19

CHÍNH SÁCH MỚI 20

  1. Bộ Chính trị quy định việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. 20

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 22

  1. Standard Chartered: Việt Nam là điểm đến ưu tiên trong các nền kinh tế mới 22
  2. Hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi 23
  3. 96% doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh hoạt động lại 24

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 25

  1. Không để lỡ nhịp! 25

QUẢN LÝ.. 26

  1. Trên 22.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. 26

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 28

  1. TP Hồ Chí Minh: Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ngay trong ngày. 28

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 28

  1. Chánh Thanh tra Lào Cai bị đề nghị kỷ luật vì dùng bằng giả. 28

THẾ GIỚI 29

  1. Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chiến lược "Zero COVID" trong bao lâu?. 29

 

TIN QUỐC HỘI

"Cần chuyển từ nhà nước chủ đạo sang nhân dân chủ động chống COVID-19"

Tại phiên thảo luận sáng 8/11, các đại biểu Quốc hội đã nêu lên một số bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc chiến chống COVID-19, trong đó có vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân và cải thiện hệ thống y tế cơ sở.

Ông Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, nước ta đã đi qua chặng đường đầy cam go thử thách trong cuộc chiến sinh tử với đại dịch COVID-19 với những chiến thắng và cả những hy sinh to lớn cũng như thách thức đang hiện hữu. Bài học dân là gốc, sức mạnh ở nơi nhân dân chưa bao giờ xưa cũ và vô cùng sâu sắc trong cuộc chiến với đại dịch.

"Xã hội hóa công tác phòng chống dịch là biện pháp quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân cho cuộc chiến và phải được thực hiện một cách có tổ chức được chỉ huy chặt chẽ trong một hành lang pháp lý, cơ chế huy động, quản lý, kiểm soát rõ ràng, minh bạch và cần được tôn vinh xứng đáng. Đồng thời phòng ngừa ngăn chặn những tiêu cực lùm xùm như trong một số hoạt động thiện nguyện vừa qua" – đại biểu Thắng nói.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát điều chỉnh bổ sung kịp thời nhóm chính sách với các quy định mang tính quy phạm pháp luật. Hướng dẫn thống nhất và cần sớm luật hóa các hoạt động xã hội hóa cứu trợ xã hội.

Người dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ các biện pháp hết sức cụ thể có tính chuyên môn. Được cung cấp các điều kiện cần thiết để thực hiện và sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý.

Nhờ đó, người dân mới có thể tham gia thực hiện tốt những việc mà hiện nay nhà nước phải đảm nhận như: cách ly chữa trị tại gia đình, nơi có đủ điều kiện để cách ly, giảm áp lực lớn cho chính quyền các cấp phải tổ chức các khu cách ly tập trung quá tải ở các khu điều trị dã chiến.

"Nhất thiết phải có cơ chế, chính sách linh hoạt, tập trung đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động cho y tế cơ sở, cả về đội ngũ lẫn phương tiện cơ sở vật chất, đủ sức quản lý. Kiểm soát, hướng dẫn, giải quyết các vấn đề có tính chuyên môn ngay tại cơ sở" – ông Thắng cho biết.

Ngoài ra, cần xem việc đóng góp cho công tác phòng chống dịch là quyền lợi và nghĩa vụ thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân.

"Khi các cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà nghỉ phải đóng cửa, lao động không có việc làm, thu nhập thì nhà nước phải huy động cả doanh trại quân đội, trường học, nhà thi đấu thể thao xây dựng các khu cách ly tập trung dã chiến rất tốn kém. Điều kiện sinh hoạt ở các khu cách ly đó lại vô cùng khó khăn không bảo đảm an toàn. Một bộ phận nhân dân có nhu cầu và điều kiện để sẵn sàng trang trải chi phí dịch vụ để được chọn nơi cách ly chữa bệnh tốt hơn an toàn hơn lại chưa được đáp ứng sao. Một bộ phận người dân có điều kiện lại không có cơ hội để từ chối nhận gói hỗ trợ nhưng sẵn lòng để dành nguồn lực rất có hạn, thậm chí còn góp thêm cho những người nghèo người khó khăn khác. Các cơ sở y tế tư nhân dường như còn đứng ngoài cuộc khi mà đội ngũ y bác sĩ lại quá sức, quá mỏng trong cuộc chiến chống COVID-19. Vậy chúng ta đang thiếu nguồn lực hay còn thiếu cả cơ chế chính sách và giải pháp tạo ra nguồn sức mạnh nội sinh ở nơi nhân dân?" - ông Hoàng Đức Thắng đặt ra câu hỏi.

ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ cần tổng rà soát lại tất cả những cơ chế chính sách, đánh giá một cách đầy đủ việc cả được và chưa được để xây dựng và hoàn thiện nhóm chính sách mới về phát huy vai trò chủ động và huy động sức mạnh nhân dân trên một quan điểm: Chuyển từ nhà nước chủ đạo, chủ yếu sang nhân dân chủ động quyết định trong cuộc chiến còn lâu dài chống đại dịch COVID-19.

Nhắc lại phương châm chỉ đạo "chống dịch như chống giặc, mỗi xã phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ", ông Hoàng Đức Thắng cho rằng "phải trang bị cho người dân những gì họ phải biết, hành động ra sao thì mới trở chiến sĩ biết chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh".

"Thực tiễn chống dịch COVID-19 như là một cuộc thử lửa để chúng ta nhìn lại cả những chiến thắng vinh quang và những mất mát hy sinh phải trả bằng giá rất đắt.Sự quyết tâm chuyển hướng tư duy chiến lược và cách tiếp cận mới, cách làm mới Mà ở nơi đó, nhân dân phải được đặt vị trí trung tâm, nhân tố quyết định trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19" - ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.

Từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, trong đại dịch COVID-19, nước ta đã hy sinh, mất mát quá nhiều với gần 20.000 ca tử vong, chưa kể còn nhiều bệnh nhân không được chăm sóc y tế tốt trong cái giai đoạn COVID-19.

Từ kinh nghiệm thực tế tại TP Hồ Chí Minh, để thực sự sống chung với dịch, khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm được số ca nặng và tử vong, đại biểu Lan cho rằng cần xem lại hệ thống y tế cơ sở.

"Số địa phương thực hiện chỉ tiêu 30% ngân sách cho y tế dự phòng vẫn đếm trên đầu ngón tay. Số 30% đó chưa đáng kể gì so với nhu cầu của người dân. Phải phân bổ như thế nào để thực sự đáp ứng với quy mô dân cư, không chỉ phân chia về địa lý. Theo tôi, cần có chính sách xuyên suốt từ Chính phủ và chỉ đạo cho Bộ Y tế. Giai đoạn dịch bệnh vừa qua, Bộ Y tế rất cực khổ nhưng nếu như không giải quyết được những vấn đề căn cơ, chúng ta tiếp tục bị động không chỉ về tiền mà còn về nhân lực" – ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh nói.

Chủ tịch Hội Dược học Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chính sách về y tế cơ sở đang "chắp vá". Trước đây từ trung tâm y tế của các quận huyện lại chia ra 3 phần: bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế. Việc chia tách này gây khó khăn trong việc điều phối lực lượng. Người phụ trách y tế thực sự ở địa phương chỉ có phòng y tế nhưng lại chỉ làm chức năng quản lý nhà nước.

Về hệ thống điều trị, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan gọi dịch COVID-19 là "phép thử" để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị bởi "chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác".

Các bệnh viện chưa được chuẩn bị những cơ sở về mặt pháp lý, kiến thức cần thiết để bảo đảm cung ứng được trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đặc biệt là cơ chế tài chính. Việc phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng nên các bệnh viện rất khó khăn trong việc thanh toán.

"Trong vấn đề xét nghiệm, nếu chúng ta phân công rạch rời để cho bảo hiểm làm cùng với cơ chế đấu thầu chặt chẽ thì sẽ không có tình trạng loạn giá xét nghiệm xảy ra" – bà Lan nói.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế để tham gia vào phòng chống dịch hay vaccine. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, cán bộ quản lý có môi trường để phát triển về y đức, tránh phải sử dụng các biện pháp hành chính và các thủ tục tố tụng hình sự. (VTV.vn 08/11) Về đầu trang

"Muốn người dân chấp hành chống dịch tốt, cán bộ phải nêu gương trước"

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 8/11, nhiều đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về công tác phòng chống dịch COVID-19. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (ĐBQH đoàn Nam Định) nêu rõ, nước ta đã cơ bản soát đợt dịch COVID-19 - đại dịch chưa từng có trong lịch sử.

"Lần đầu tiên đồng chí Tổng Bí thư 2 lần có Lời kêu gọi gửi đồng bào đồng chí chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng chống dịch, tạo nên sức mạnh đoàn kết đại dân tộc toàn dân tộc. Lần đầu tiên biến chủng delta với tốc độ lây lan cực nhanh và phức tạp đã xuất hiện. Lần đầu tiên chiến dịch tiêm chủng toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay cũng được sự thực hiện. Và cũng lần đầu tiên quân đội có cuộc điều quân lớn nhất chưa từng có từ sau chiến tranh đến nay" – đại biểu Hoa cho biết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá cao tính chủ động, linh hoạt, lắng nghe và trên tinh thần vì lợi ích của người dân, quyết liệt, quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên vẫn một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải nhưng tại một số thời điểm, có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân và doanh nghiệp như đặt ra những giấy tờ không phù hợp để đi qua các chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các thành phố lớn, khu công nghiệp được về quê tránh dịch.

Thứ hai, trong khi Chính phủ sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng chống dịch.

"Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi, nhưng đến thời kì dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn" – đại biểu tỉnh Nam Định nói.

Bà Hoa cũng nêu một số ví dụ phản cảm, gây mất uy tín của chính quyền như: cán bộ địa phương đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực; xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm; cán bộ coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu; cán bộ địa phương vào nhà dân bắt ép làm xét nghiệm…

Đại biểu đoàn Nam Định nhấn mạnh, muốn người dân chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch, trước hết cán bộ phải nêu gương nghiêm túc chấp hành trước. Nếu có sai phạm thì bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa rút ra một số bài học như sau: Bất cứ việc gì thì cũng cần tạo sự đồng thuận của người dân. Chính quyền cơ sở cần tuyệt đối tránh hành xử theo cảm tính, bất chấp quy định của pháp luật. Việc đưa ra quyết sách, biện pháp phải cân nhắc trên cơ sở bảo đảm sức khỏe, tính mạng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Khi chính quyền đã đưa ra quyết sách đúng, lợi ích chung, hợp lòng dân thì người dân luôn ủng hộ và chấp hành, kể cả những việc khó khăn, gây bất tiện trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Thủ tướng về việc phải thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách 'không COVID': "Nhiều quốc gia trên thế giới xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với COVID-19. Vì vậy trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới".

Cũng về công tác phòng chống dịch, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đánh giá rất cao vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể nhân dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các tình nguyện viên đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm để chống dịch.

Nhiều kết quả nổi bật thời gian qua như: Thành lập quỹ vaccine, tích cực triển khai ngoại giao vaccine, tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam; ngành y tế không ngại khó khăn nguy hiểm luôn đi đầu trong phòng chống dịch; kịp thời điều động quân đội, chi viện giúp đỡ cho TP Hồ Chí Minh trong công tác chống dịch COVID-19… (VTV.vn 08/11) Về đầu trang

Bộ trưởng Bộ Y tế: Triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối 2021, đầu 2022

Tại phiên thảo luận chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có phát biểu làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trưởng ngành y tế nhấn mạnh, sự sẻ chia, ủng hộ của Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước là nguồn động viên to lớn đối với toàn thể ngành y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch để tiếp tục cuộc chiến đầy cam go và thử thách. Toàn ngành Y tế cùng người dân cả nước và cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực, quyết tâm, chủ động ứng phó để sớm khống chế và đẩy lùi dịch COVID-19, một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ.

Đến nay, các địa phương ở tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong; dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát và cả nước đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Với một số vấn đề Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trước hết đề cấp tới việc tiêm vaccine COVID-19 và khẳng định Chiến dịch tiêm chủng đang được triển khai rất thành công.

Nước ta đã triển khai chiến lược vaccine rất hiệu quả, trên tất cả lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng... Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều.

Bên cạnh đó, đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Tính đến hết ngày 7/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine.

"Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau" - Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần. Ngoài ra, chúng ta cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước với 2 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3; 1 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới để từng bước chủ động vaccine trong nước.

Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Chính phủ đã ban hành Quyết định 2348 ngày 05/12/2016 của TTCP xây dựng Y tế cơ sở trong tình hình mới; các đề án 47, 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011 và hiện nay đang huy động một số dự án ODA đầu tư các trạm y tế tuyến xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở.

Tuy nhiên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.

Trưởng ngành y tế nêu rõ, Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.

Liên quan việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và ban hành Quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

"Việc triển khai chủ trương này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân. Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới" - ông Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Quốc hội. (VTV.vn 08/11)Về đầu trang

“Không gì đau xót hơn khi phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước”

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) đặt dấu hỏi về sự phù hợp về cơ chế quản lý trước việc nhiều cán bộ ngành Y tế vi phạm pháp luật thời gian qua.

Phát biểu tại Quốc hội vào sáng 8/11, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) cho biết suốt 2 năm qua, chúng ta đã trải qua những thời gian khốc liệt do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Hàng vạn bác sĩ đã không quản khó khăn, gian khổ để hi sinh, cống hiến để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thời gian qua, có những cán bộ quản lý ngành Y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy tố hình sự.

“Tôi không có ý định bào chữa cho bất kỳ một ai, bởi dù là thầy thuốc, thầy giáo thì họ là những con người có chức vụ, quyền hạn, mọi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm đều bị xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, trong một xã hội mà nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý là những người thầy mà vi phạm pháp luật thì rõ ràng đó là một hiện tượng rất đáng lo ngại, xét ở mọi góc độ, cả về pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị nhà nước”, đại biểu Long nêu quan điểm.

Nhấn mạnh việc, qua các vụ án mà người bị truy tố trách nhiệm hình sự, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật.

Theo đại biểu Long, điểm chung của một số vụ án liên quan đến ngành  y tế gần đây đó là số cán bộ bị truy cứu trách nhiệm không chỉ vi phạm về chức vụ mà còn về đấu thầu, kế toán.

“Khi thông qua Bộ Luật Hình sự năm 2015, chắc chắn các nhà làm luật không thể hình dung được tội phạm kinh tế lại có sự chuyển hóa đến như vậy?”, đại biểu Long trăn trở.

Đặt vấn đề “Những vi phạm của bác sĩ trong điều hành ở cơ sở y tế công lập có phải từ bất cập trong hệ thống pháp luật hay không?” vị đại biểu Đoàn Đồng Nai cho rằng, ngoài vấn đề chịu trách nhiệm chuyên môn, giám đốc bệnh viện còn phải chịu nhiều trách nhiệm khác liên quan đến hoạt động từ các ca mổ, cấp cứu cho bệnh nhân, mua sắm sinh phẩm cho đến cả vấn đề gửi xe, túi rác…

“Để đáp ứng được những yêu cầu đó, chỉ có những bác sĩ có kỹ năng, trình độ đặc biệt thì mới thực hiện toàn mỹ”, đại biểu Long nói.

Viện dẫn một số mô hình ở các quốc gia phát triển, các bác sĩ giữ cương vị quản lý sẽ chỉ đạo chung dựa trên yêu cầu thực tiễn, còn nhiệm vụ cung ứng các vật tư y tế lại do một bộ phận khác đảm nhận, đại biểu Long nêu trăn trở: “Phải chăng cơ chế quản lý của chúng chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện, đòi hỏi quá cao về người giữ nhiệm vụ quản lý từ đó dễ dẫn đến những sai phạm?”

Từ đó, đại biểu này đề nghị, bên cạnh với việc cần xử lý nghiêm các hành vi sai phạm thì cần hoàn thiện hành lang pháp lý để chúng ta không còn thấy bác sĩ vướng vòng lao lý bởi những việc họ không phải làm, không được làm.

Cũng liên quan đến công tác quản lý trong ngành Y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng các bệnh viện từ khi thành các đơn vị sự nghiệp nhưng chưa được chuẩn bị những cơ sở về mặt pháp lý. Như những kiến thức cần thiết để có thể bảo đảm cung ứng được trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đặc biệt vấn đề cơ chế tài chính.

Chúng ta cho rằng COVID-19 thì Nhà nước, ngân sách lo, nhưng phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng. Cho nên các bệnh viện rất khó khăn trong việc thanh toán.

"Tôi nói thí dụ vấn đề xét nghiệm, nếu như chúng ta phân công rạch ròi, để cho bảo hiểm làm việc đó, cùng với cơ chế đấu thầu chặt chẽ từ trước tới giờ, lựa giá thấp nhất thì chắc chúng ta không có tình trạng loạn giá xét nghiệm xảy ra”, bà Lan nêu quan điểm.

Điều quan trọng nữa theo bà Lan là việc thay đổi về mặt quan điểm, khi tất cả những gì chúng ta phải trả giá trong thời gian vừa qua chính là hệ quả để lại khi mà hệ thống y tế chưa đủ mạnh.

“Chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, có môi trường để phát triển về y đức chứ không phải là sau đó, lúc xảy ra chuyện thì chúng ta sử dụng các biện pháp hành chính và các thủ tục tố tụng hình sự”, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh nói. (VTV.vn 08/11)Về đầu trang

ĐBQH đề nghị tổ chức Quốc tang cho người tử vong vì COVID-19

Tại phiên thảo luận của Quốc chiều 8/11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức ngày Quốc tang cho những nạn nhân đã mất vì dịch COVID-19.

"Cho đến nay, cả nước đã có hơn 22.000 người tử vong do dịch COVID-19. Mất mát này hết sức to lớn" – nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết.

Ông Trí nêu ra 3 lý do như sau:

Thứ nhất, con số hơn 22.000 người tử vong là rất lớn để đất nước dành cho họ một ngày quốc tang. Điều này cũng phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị ngày 22/4/2011 về việc tổ chức Quốc tang trong trường hợp thiên tai thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân

Thứ hai, hầu hết những người đã mất trong đại dịch này đã ra đi trong sự đau đớn, xa cách người thân và vì dịch bệnh nên đã không được tổ chức mai táng chu toàn. "Dành cho họ một ngày Quốc tang là rất nhân văn, nhân nghĩa và cũng rất nhân ái, đúng với đạo lý của con người Việt Nam" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Thứ ba, ĐBQH đoàn Hà Nội chia sẻ, tổ chức Quốc tang cho người đã mất qua là để nhắc nhở những người đang sống tuyệt đối không được lơ là việc phòng chống dịch. Qua đó, chúng ta sẽ đồng lòng hơn sẽ quyết tâm hơn trong công cuộc chống lại đại dịch COVID-19 cam go và ác liệt.

Ông Trí bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm lựa chọn thời điểm thích hợp để tổ chức một ngày Quốc tang cho những nạn nhân đã mất trong đại dịch COVID-19.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ lấy một ngày tưởng niệm đồng bào tử vong vì COVID-19. Ông đề xuất ngày 27/4 bởi đây là ngày bùng phát dịch gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và sinh mạng của người dân. (VTV.vn 08/11) Về đầu trang

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 3 gói hỗ trợ COVID-19 tuy còn hạn chế nhưng đạt nhiều kết quả

Chiều 8/11, sau khi các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số nội dung.

Về vấn đề an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: "Chúng ta luôn kiên định nguyên tắc phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không hy sinh công bằng xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần. Do đó, hệ thống an sinh xã hội của chúng ta thời gian qua cơ bản là đáp ứng được các yêu cầu và thực hiện một quyền an sinh của người dân, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế và chỉ số phát triển con người tăng trưởng nhanh theo đánh giá và xếp hạng của Liên hợp quốc".

Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam cũng đã từng bước hình thành ba chức năng cơ bản là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh, việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, đã tương đối chủ động và làm bài bản và thực hiện theo lộ trình, đi đôi với xử lý linh hoạt các phát sinh, các tình huống cụ thể.

Đối với người yếu thế, ngay từ đầu năm, đã chủ động ban hành Nghị định 20, thay thế nghị định 136, trong đó nâng mức hỗ trợ bình quân cho người yếu thế gấp 3 lần. Với người có công, chính phủ đã ban hành Nghị định 75 và đảm bảo 7/12 nhóm đối tượng được nâng mức hỗ trợ hàng tháng. Bộ trưởng cho biết, hiện tại các chính sách giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, đảm bảo đúng tiến độ Quốc hội quy định và hành điều chính chính sách tiền lương với hưu trí đang được triển khai.

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua, Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh, ban hành nhiều chủ trương, ngân sách với các gói ngân sách lớn và hàng triệu túi dân sinh để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo người dân an tâm ở nhà tham gia phòng chống dịch, cũng như thực hiện phương châm an sinh xã hội là trọng yếu, là nhiệm vụ thường xuyên.

"Trong bối cảnh đó, chúng ta ban hành 3 gói chính sách lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ và các chính sách tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách. Tuy còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, 3 gói đã cho nhiều kết quả" – trưởng ngành lao động, xã hội khẳng định.

Cụ thể, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42, có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng; gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, qua 4 tháng triển khai đã phê duyệt 25.900 tỷ đồng, hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng thụ hưởng. Gói hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã rà soát hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm cho trên 8 triệu người lao động (đạt 85%) với 20.644 tỷ đồng.

Về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tuy đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động nhưng sau hơn một tháng thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả, tình hình lao động đang có tiến triển rất khả quan.

Theo báo cáo tại các tỉnh phía Nam và kiểm tra thực tế, hiện nay phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp chế xuất từ 50 đến 80%; số lao động phục hồi hiện nay 70% đến 75%, cá biệt có địa phương tới 90%. So với nhu cầu và yêu cầu đáp ứng đơn hàng thì chúng ta còn thiếu lực lượng lao động nhưng không đến mức trầm trọng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, do chúng ta đã chủ động những giải pháp nhất định, các địa phương cũng từng bước phục hồi sản xuất, vừa đảm bảo sản xuất, vừa an toàn và chưa sử dụng hết công suất.

Theo dự báo, đến hết quý I và đầu quý II/2022, nếu không có diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi trở lại thị trường lao động như bình thường có thể đáp ứng được. (VTV.vn 08/11)Về đầu trang

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về khoảng cách giàu – nghèo

Phát biểu tại Quốc hội vào chiều 8/11, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề khoảng cách giàu - nghèo đang ngày càng gia tăng.

Theo đại biểu Mai, hơn 2 năm kể từ ngày dịch bệnh bùng phát khiến kế sinh nhai và việc làm của nhóm nghèo nhất trong xã hội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chính phủ, nhóm bị tổn thương nhiều nhất là nhóm nghèo nhất. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho biết, tình trạng kiệt quệ về tài chính và khoảng cách giàu nghèo sẽ còn gia tăng nếu không có giải pháp hữu hiệu.

Bà Mai trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tốc độ tăng trưởng về thu nhập của nhóm thu nhập thấp chậm hơn nhóm thu nhập cao làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Năm 2016 thu nhập của nhóm thu nhập cao nhất gấp 9,8 lần nhóm có thu nhập thấp nhất, năm 2019 gấp 10,2 lần.

Do đó, cần khảo sát thật chính xác thực trạng xã hội để nhìn thấy rõ nhất khó khăn mà người dân đang đối mặt. Các gói an sinh xã hội với với mức hỗ trợ vài triệu đồng một người mang ý nghĩa động viên rất lớn. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, không phải căn cơ lâu dài.

“Chỉ khi có giải pháp hữu hiệu phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động thì chúng ta mới có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo”, bà Mai nêu quan điểm.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết trong Báo cáo số 38 của Chính phủ có đề ra giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách - xã hội trong các chính sách thuế. Điều này đồng nghĩa với việc trong 3 năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn giảm thuế.

Theo quan điểm cá nhân, bà Mai cho rằng cần hết sức cân nhắc giải pháp trên thứ nhất việc bảo đảm tính trung lập của thuế là cần thiết tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay điều này là khó khả thi. Theo bà Mai, kể cả khi khống chế được dịch bệnh thì ảnh hưởng vẫn còn trong nhiều năm tiếp theo.

Bà Mai cũng cho biết căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua, trong chính sách tài khóa việc miễn giảm thuế được áp dụng liên tục như là một giải pháp hữu hiệu. Trong năm 2022, rất nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục áp dụng. Nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì dự kiến có thể có những chính sách miễn giảm thuế.

“Chính vì vậy cá nhân tôi cho rằng tại thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển kinh doanh. Điều này là cần thiết và hợp lý hơn”, bà Mai đề xuất.

Cũng liên quan đến vấn đề hỗ trợ và phát triển kinh doanh doanh doanh nghiệp, vào sáng nay, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) nhấn mạnh hiện chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật vẫn là vấn đề nghiêm trọng, tạo gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức năm 2020 theo khảo sát vẫn ở mức gần 45%.

“Theo diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật, một trong các chỉ số thuộc trụ cột thể chế, mặc dù đã được đánh giá đối với Việt Nam là có kết quả đáng mừng, tăng 17 bậc trong lần công bố gần nhất vào năm 2019. Các năm 2020 cho đến nay, tạm dừng công bố do đại dịch, tuy nhiên thứ hạng của chúng ta vẫn ở mức thấp 79/141 quốc gia và rất thấp trong ASEAN, đứng 7/9 nước, chỉ hơn Brunei và Philippines”, ông Ba nêu thực tế.

Ngoài ra, các báo cáo của Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số về chi phí tuân thủ pháp luật năm 2020 cũng như 6 tháng đầu năm 2021 đã chỉ ra nhiều hạn chế, vướng mắc cả về nhận thức và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

Từ thực tế trên, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng cần tăng cường việc ngăn chặn, xử lý nghiêm, chấn chỉnh việc các bộ, chính quyền địa phương trong một số trường hợp đã ban hành thủ tục, điều kiện kinh doanh trái pháp luật. Đặc biệt là ban hành văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh. (VTV.vn 08/11) Về đầu trang

ĐBQH lo ngại khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 3-3,5%

Phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần cần chia sẻ với Chính phủ bởi những khó khăn thách thức trong làn sóng Covid-19 thứ 4 ập tới khi Chính phủ vừa mới được kiện toàn.

Tuy nhiên, Đại biểu Vân cũng cho rằng rất khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng dự kiến 3-3,5% như Chính phủ đã nêu trong báo cáo. So sánh với năm trước, Đại biểu Vân nhấn mạnh vào những tác động nặng nề mà đại dịch đã gây ra cho Việt Nam trong đợt bùng phát mới nhất.

"3 tháng cuối năm phải nỗ lực rất cao, GDP phải đạt 8,6%, may ra mới đạt được 3,5%. Vấn đề này Chính phủ phải đánh giá thận trọng", ông Lê Thanh Vân nói.

Ngoài ra, đại dịch cũng bộc lộ ra chất lượng yếu kém của một bộ phận cán bộ chủ chốt ở một số nơi. Những vấn đề này bắt nguồn từ nhận thức đến hành vi không chuẩn về pháp luật dẫn đến ứng xử vừa không đúng về pháp luật, vừa không đúng về đạo lý với nhân dân.

"Tôi đề nghị Chính phủ, cấp ủy, chính quyền một số địa phương có cán bộ sai phạm phải xử lý nghiêm, xử lý cho dân biết chúng ta nghiêm", ông Vân chia sẻ.

Với mục tiêu GDP tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022, Đại biểu Vân cũng cho rằng nên đánh giá một cách cẩn trọng hơn. Theo ông Vân, từ nay đến tháng 6/2022 sẽ phải có một giai đoạn phục hồi từ đó mới phát triển được.

Vị Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng đề xuất 5 giải pháp trọng tâm để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, đó là sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo các cấp. Thứ hai, tập trung rà soát và sửa đổi thể chế. Thứ ba, đó là phải đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, vào sản xuất và lưu thông. Thứ tư, là cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công. Thứ năm, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương IV của Văn phòng Trung ương về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là Kết luận số 14 về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

"Có như vậy mới phát huy được tính năng động, sáng tạo của cán bộ", ông Vân nói.

Hoan nghênh báo cáo của Chính phủ, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) cho rằng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu chống dịch và từng bước mở cửa kinh tế nhưng trước hết công đầu là thuộc về các tầng lớp nhân dân.

"Tôi đề nghị Quốc hội ghi nhận, tri ân các tầng lớp nhân dân và quyết định viết hoa hai chữ "Đồng bào" như Quốc hội ta đã từng viết hoa hai chữ "Nhân dân" trong Hiến pháp năm 2013, để tôn vinh ý chí quật cường, tinh thần yêu nước, ý thức giống nòi, tình tương thân, tương ái của các tầng lớp nhân dân mỗi khi đất nước ta lâm vào cảnh hoạn nạn, khó khăn", ông Lộc nói.

Về sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương do dịch bệnh, ông Lộc cho rằng cần một cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nước nhà. Không phủ nhận vai trò của các siêu đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đại công trường miền Đông Nam Bộ trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng ông Lộc cho rằng nếu các siêu đô thị và các đại công trường vẫn ôm vào trong lòng mình các ngành công nghiệp mà chủ yếu là gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ như hiện nay thì một mặt sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này.

"Mặt khác lại chèn lấn thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. Mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó khả năng chống chịu trước những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai", ĐBQH Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Từ đó, ông Lộc cho rằng cần phải xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế để có thể chia lửa cho Thủ đô Hà Nội, cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ và để có thể lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác.

"Làm được điều đó, chúng ta có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả để con cháu chúng ta không phải ly hương mà có thể ly nông, để có việc làm và làm giàu trên quê hương mình mà không phải cuốn về các trung tâm đô thành chật chội", ông Lộc nói.

Để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, Đại biểu Lộc đề nghị bên cạnh các chính sách về tài khóa, về tiền tệ, về an sinh xã hội thì phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là các cơ chế về và các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư toàn xã hội.

Đại biểu Lộc cũng cho rằng biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.

"Tôi hoan nghênh chủ trương về việc hình thành quỹ hỗ trợ 2 đến 3% lãi suất cũng như là việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất, theo đề xuất của Bộ Tài chính", ông Lộc nói.

Về đầu tư công, vị ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại, đề nghị bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế, thúc đẩy hình thức đối tác công tư. (Cafef.vn 08/11) Về đầu trang

Không thể đi vay để thuê nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt riêng lẻ

Chiều 8.11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn cần vượt lên đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân phối lại chuỗi cung ứng.

Muốn vậy các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm nguồn lực đầu tư theo 2 hướng chính. Đó là chính sách cấp bù lãi suất để doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát. Thứ hai đó là phải tăng cường trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn, gia tăng.

Cũng theo đại biểu Cường, bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công thì cần có những giải pháp mới mang tính khác biệt là đặt hàng các doanh nghiệp trong nước đầu tư, phát triển các sản phẩm ưu tiên tạo nên những đột phá trong phát triển.

Theo ông Cường, có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng. Thứ nhất là đường sắt, những đô thị lớn ở nước ta đang rất cần phát triển những tuyến đường sắt đô thị. Với địa hình đất nước kéo dài chúng ta cũng cần phát triển tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Tuy nhiên, đại biểu Cường cho rằng, chúng ta không thể cứ đi vay tiền về để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt riêng lẻ. Hệ luỵ không chỉ là những vướng mắc nhãn tiền như vừa qua mà đang để lại hậu quả lâu dài do tính không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và phải phụ thuộc lâu dài vào những nhà cung cấp nước ngoài.

Do đó, ông cho rằng, nếu được Chính phủ đặt hàng và cam kết dành thị phần, các nhà đầu tư trong nước sẽ hợp tác hoặc mua lại công nghệ của nước ngoài. Kết hợp với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ có ngành công nghiệp đường sắt hiện đại cho riêng mình.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, kinh tế biển là động lực còn đầy tiềm năng chưa được khai thác. Chính phủ cần đặt hàng để hình thành nên các tổ hợp đầu tư phát triển công nghiệp hậu cần, vận tải biển. Bắt tay kết nối các các cảng quốc tế bên bờ Thái Bình Dương để biến Vân Phong thành trung tâm trung chuyển, vận tải biển quốc tế, có lợi thế không thua kém Singapore và lợi thế hơn nhiều càng biển khác ở khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương.

Một vấn đề nữa theo đại biểu Hoàng Văn Cường là để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia và bứt phá vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta cần có hạ tầng công nghệ số của riêng mình để đi trước trong chuyển đổi số và chủ động kiểm soát đảm bảo an toàn cho tài sản số quốc gia. (Laodong.vn 08/11, Vương Trần – Phạm Đông) Về đầu trang

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

12 địa phương đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ

Tính đến ngày 8/11 đã có 12 địa phương bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

12 địa phương gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lào Cai, Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Huế, Cà Mau. Hiện đã có khoảng hơn 900.000 liều vaccine Pfizer đã được tiêm cho trẻ và chưa có trường hợp nào gặp phải phản ứng bất lợi. Tại tất cả các điểm tiêm đều có đội cấp cứu lưu động để đáp ứng khi có tình trạng sốc phản vệ.

Quy trình tiêm vaccine cho trẻ em được tuân thủ giống như quy trình tiêm chủng cho người lớn, sẽ chống chỉ định duy nhất với các trường hợp phản ứng phản vệ ở mức độ 2, trẻ em có các bệnh nền, mãn tính được chỉ định tiêm ở bệnh viện. Các tỉnh đều thống nhất, ưu tiên tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi phù hợp tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Bộ Y tế cho biết, tất cả các địa phương đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi và dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho trẻ.

Được biết, hiện TP Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Đây là kết quả sau hơn 10 ngày tổ chức tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: sau rà soát, số trẻ cần tiêm vaccine ở thành phố là hơn 660.000 em. Tính đến ngày 5/11, đã có hơn 641.000 em được tiêm. Như vậy là chiếm tỷ lệ hơn 97%. Hiện một số Trung tâm y tế vẫn đang triển khai tiêm vét cho các trẻ hoãn tiêm.

Đồng Nai là một trong những địa phương đạt tiến độ tiêm cho trẻ nhanh. Ngoài lực lượng y tế, địa phương còn huy động nhiều lực lượng khác tham gia hỗ trợ, với tinh thần an toàn là quan trọng nhất. Tính đến 16h ngày 8/11, toàn tỉnh đã có hơn 33.000 trẻ được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. Trong đó, khối lớp 12 đã được tiêm xong từ ngày 7/11. Những em đang đi học sẽ được bố trí tiêm tại cơ sở giáo dục, những em khác sẽ tiêm tại các điểm tiêm cố định hoặc lưu động do địa phương chọn, với tinh thần đảm bảo an toàn tối đa cho các em và không để ai bị bỏ sót.

Còn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện tỷ lệ bao phủ vaccine là 80% với đối tượng trên 18 tuổi. Người đã tiêm đủ mũi 2 là trên 11%. Công tác đảm bảo an toàn tại các điểm tiêm chủng cũng được chú trọng. Tuy nhiên hiện lực lượng y tế tại các tuyến xã còn mỏng, chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế phòng, chống dịch tại địa phương. Do đó cần sớm hỗ trợ, đào tạo chuyên môn và tạo điều kiện cho người dân được tiêm phòng sớm nhất có thể. (VTV.vn 08/11)Về đầu trang

Bộ GDĐT vẫn đang rà soát để mở cửa trường, học sinh đi học trở lại

Chiều 8.11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong cơ sở giáo dục đào tạo khi mở cửa trường học, đón học sinh đến trường học trực tiếp.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ Trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành phố đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, an sinh xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp.

“Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27.4.2021 đến nay, tổng số ca F0 trong cán bộ, giáo viên, trẻ em, học sinh sinh viên là 47.497 trường hợp. Số ca F0 đang điều trị hiện nay là 14.745 người (cán bộ, giáo viên là 1.728; học sinh sinh viên là 13.017).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở hầu hết các tỉnh thành, ngành Giáo dục đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi trạng thái hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa thực hiện kế hoạch năm học, tiếp tục thực hiện đổi mới và kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo.

"Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học qua internet và trên truyền hình ứng phó với dịch COVID-19. Bộ cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học chủ động tổ chức hoạt động dạy và học, kết thúc năm học và chuẩn bị cho công tác tuyển sinh trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp" - Thứ Trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh nói.

Về công tác phối hợp, chỉ đạo đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GDĐT Nguyễn Nho Huy cho rằng, hiện nay, còn một số hạn chế, khó khăn.

Cụ thể, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương, trong đó có lan truyền nguyên nhân từ những người trở về từ vùng dịch. Đã xuất hiện một số ổ lây lan trong trường học trong khi đó, tỉ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều lượng vaccine thấp (trung bình khoảng 62%).

"Một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp bảo đảm giãn cách trong trường học; tổ chức các hoạt động tập thể trong trường nhà; tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc chuyển khẩu trang của giáo viên, trẻ mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Một số địa phương chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục" - ông Huy cho biết.

Để khắc phục những vấn đề khó khăn nêu trên, thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với Bộ Y tế cập nhật, bổ sung hướng dẫn tại Sổ tay phòng chống COVID-19 trong trường học, hướng dẫn cụ thể việc phối hợp triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi; lập danh sách, cơ sở dữ liệu tiêm chủng; phân loại, khám sàng lọc sức khỏe của học sinh và các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh có bệnh nền không thể tiêm vaccine khi đi học trở lại.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hướng dẫn tập huấn các điều kiện phân loại, kiểm tra sức khỏe của học sinh và các biện pháp bảo vệ an toàn cho học sinh có bệnh da liễu không thể tiêm vaccine khi đi học trở lại.

Đồng thời, bộ sẽ tiếp tục rà soát, hướng dẫn các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh khi tổ chức học trực tiếp, thống nhất với Bộ Y tế để đưa ra hướng dẫn về phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học; việc đeo khẩu trang trong trường học/lớp học và khi tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường đối với giáo viên/học sinh. (Laodong.vn 08/11, Tường Vân) Về đầu trang

Nhiều địa phương "đổi màu" cấp độ dịch do ca mắc COVID-19 tăng nhanh

Để thích ứng an toàn với dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay, các địa phương cần đánh giá đúng nguy cơ, khoanh vùng gọn và phong tỏa đúng trọng tâm.

Trong tuần qua, số ca F0 trong cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành phố tăng nhanh, đặc biệt là một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Tính theo cấp độ dịch theo quy mô xã/phường thì thời điểm này có 48,8% ở cấp độ 1 (vùng xanh); 24,2% cấp độ 2 (vùng vàng); 2,2% cấp độ 3 (vùng vàng) và có 1,3% cấp độ 4.

Trước đó, thời điểm mới xếp loại cấp độ dịch (giữa tháng 10), toàn quốc có 24 tỉnh/thành đủ điều kiện ở cấp độ 1, tương đương vùng xanh. Nhưng con số này hiện đã giảm, còn chưa đến 20 địa phương, thay vào đó là tăng số địa phương vùng vàng. Thậm chí từ vàng chuyển sang đỏ như Bạc Liêu - tỉnh đầu tiên trên cả nước nâng mức dịch lên mức cao nhất - cấp độ 4 (vùng đỏ) với nguy cơ rất cao.

Mới đây, cùng với Đắk Lắk, tỉnh An Giang cũng chuyển sang vùng cam, tương đương cấp độ 3. Tại đồng bằng sông Cửu Long, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, cấp độ dịch tại các địa phương trong vùng có xu hướng "đổi màu" ngày càng cao. Toàn tỉnh Cà Mau không còn vùng xanh, hiện đang ở cấp độ 2 tương đương vùng vàng. Cần Thơ vẫn ở cấp độ 2, tuy nhiên các quận, huyện đều đổi màu.

Ở khu vực phía Bắc, F0 trong cộng đồng cũng tăng mạnh. Các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh... đã phân lại cấp độ dịch nhiều nơi. Thành phố Hà Nội đang là vùng vàng. Trong đó, 57,3% số xã/phường đang là vùng xanh, vùng vàng là 42,3%. Chỉ có 2 xã vùng cam là thị trấn Quốc Oai và xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh.

Cả nước đã chuyển sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 do vậy, các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những người mắc mới trong cộng đồng, không để dịch bùng phát. (VTV.vn 08/11)Về đầu trang

Hậu Giang chấn chỉnh biểu hiện lơ là phòng chống dịch của cán bộ

Tối 8/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang có công văn gửi các giám đốc sở; thủ trưởng cơ quan, ban, ngành và đoàn thể tỉnh; các hội có tính chất đặc thù tỉnh; chủ tịch UBND huyện/thị xã/thành phố về việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động (NLĐ) không chủ quan, lơ là trước tình hình, diễn biến của dịch bệnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt thực hiện nghiêm quy định “5K” bởi ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác.

Thực hiện nghiêm việc đi làm từ nhà đến cơ quan và ngược lại (1 cung đường 2 điểm đến), trường hợp CBCCVC, NLĐ nhà xa cơ quan, hạn chế việc đi về hàng ngày; không tụ tập đông người ngoài cơ quan, công sở; hạn chế thấp nhất việc tham dự đám tiệc (liên hoan, sinh nhật, đám giỗ, đám tang, đám cưới…); thực hiện khai báo y tế bằng mã QR Code khi đến cơ quan công sở.

Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và đoàn thể tỉnh; hội có tính chất đặc thù; cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; chủ tịch UBND huyện/thị xã/thành phố tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, chủ động, sáng tạo, cảnh giác cao trong phòng, chống dịch COVID-19; chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng CBCCVC và NLĐ thuộc phạm vi quản lý làm lây lan dịch COVID-19.

Sở Nội vụ tăng cường tổ chức kiểm tra các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cơ quan, công sở. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý những cá nhân, tổ chức không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch và làm lây lan dịch COVID-19...

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất phê duyệt Kế hoạch của Sở Y tế về tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, các tổ chức hội, đoàn thể và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Kế hoạch thực hiện RT-PCR mẫu gộp tối đa 10 người/mẫu đối với 100% CCVC, NLĐ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Dự kiến tổng số mẫu xét nghiệm cần lấy là 2.642 mẫu (tương đương 265 mẫu gộp). Thời gian thực hiện ngày 8-9/11/2021. (Tienphong.vn 08/11) Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 8149/CĐ-VPCP ngày 7/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Công điện gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ:

Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vừa an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp chuẩn bị phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn linh hoạt, khoa học, hiệu quả; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả,... gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng thành lập ngay trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp; tổ chức tiêm chủng nhanh, kịp thời, hiệu quả ngay sau khi được phân bổ vaccine.

Bộ Y tế thực hiện phân bổ khẩn trương số vaccine đã tiếp nhận, chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm vaccine ngay khi nhận được, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tổ chức lực lượng hỗ trợ các địa phương tiêm vaccine nhanh nhất có thể.

3. Các Bộ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm antoancovid; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm chính sách hỗ trợ người dân, an sinh xã hội, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng theo quy định. (VTV.vn 08/11)Về đầu trang

Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu kết hợp phòng chống rét với phòng chống dịch

Ngày 8/11, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại mùa đông 2021-2022.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 8/11, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C, vùng núi 12-15 độ C, vùng núi cao dưới 8 độ C. Từ khoảng đêm 12/11, nhiệt độ thấp nhất có thể giảm thêm và trong mùa đông năm nay sẽ có các đợt rét đậm, rét hại có khả năng xảy ra sớm và kéo dài từ 5-7 ngày, khu vực vùng núi kéo dài hơn, đề phòng xảy ra băng giá, sương muối.

Để chủ động ứng phó với các đợt rét đậm, rét hại trong những ngày tới cũng như mùa đông năm 2021-2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, tập trung vào việc thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa biết để chủ động phòng chống.

Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh, hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh, không dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người như tại một số địa phương trong những năm gần đây.

Các địa phương căn cứ tình hình thời tiết cụ thể chủ động cho học sinh nghỉ học; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống đói, rét; sẵn sàng phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt.

Các tỉnh, thành phố hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; tham khảo tài liệu hướng dẫn, truyền thông trên trang thông tin điện tử của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (http://phongchongthientai.mard.gov.vn-/Pages/Ret-hai-suong-muoi.aspx); tổ chức các đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng; hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm của người dân địa phương; chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch; cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Các tỉnh, thành phố chủ động bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để thực hiện các hoạt động phòng, chống; triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí cho người dân, nhất là gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại như: gia cố, che chắn, vệ sinh chuồng trại; chuẩn bị, dự trữ thức ăn, vaccine phòng bệnh, khôi phục sản xuất…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức hướng dẫn các địa phương về việc thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện và diễn biến thời tiết.

Bộ Y tế hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét kết hợp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm khí độc khi sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo các lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo việc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tăng các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương tăng tần suất và thời lượng phát các bản tin dự báo thời tiết; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi đến các cấp chính quyền và người dân.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của các đợt rét đậm, rét hại trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh. (VTV.vn 08/11)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Bộ Chính trị quy định việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định số 41-QĐ/TW "về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ". Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW (ngày 2-10-2009) của Bộ Chính trị và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3-11.

Quy định 41 gồm 4 chương, 12 điều, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (gọi chung là cán bộ).

Theo đó, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.

Quy định nêu rõ việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong sáu trường hợp. Cụ thể, gồm:

Một là, bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao.

Hai là, bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.

Ba là, có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

Bốn là, có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Năm là, bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

Sáu là, bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Những trường hợp cán bộ xin từ chức

Còn việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các bốn trường hợp sau:

Một là, do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hai là, để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

Ba là, có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

Bốn là, vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Quy định 41 cũng quy định rõ, việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong 3 trường hợp.

Theo đó, việc miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong 10 ngày

Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.

Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, các cơ quan có liên quan thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, điều lệ, quy chế hoạt động của từng tổ chức.

Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định. (Cafef.vn 08/11, H.V)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Standard Chartered: Việt Nam là điểm đến ưu tiên trong các nền kinh tế mới

Việt Nam có cơ hội trở thành một trong những công xưởng quan trọng của thế giới và có thể tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là khẳng định của Chủ tịch ngân hàng Standard Chartered Jose Vinals tại cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo Bộ Công Thương.

Standard Chartered xác định Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên trong số các nền kinh tế mới nổi, nhờ vào tiềm năng phát triển và chính sách mở cửa hội nhập.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, Việt Nam sẽ xây dựng những thể chế cần thiết để nâng cao nội lực của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Những thể chế này sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong hoạt động xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, thương mại và theo đuổi mô hình phát triển bền vững. Định hướng chính sách công nghiệp của Việt Nam bao gồm sản xuất xanh hơn, sạch hơn; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn; phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp hỗ trợ hiện đại hơn dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0.

Ông Jose Vinals tự tin Standard Chartered Bank có khả năng đầu tư nhiều hơn, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đóng góp nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam. Việt Nam có cơ hội trở thành một trong những công xưởng quan trọng của thế giới và có thể tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Jose Vinals bày tỏ chiến lược đầu tư của Standard Chartered Bank tương thích với các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam. (VTV.vn 08/11) Về đầu trang

Hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi

Sau nới lỏng giãn cách, việc làm thế nào để phục hồi lại sản xuất kinh doanh được nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch. Do đó, vấn đề dòng tiền, vốn được quan tâm nhất lúc này.

Sức khỏe của nhiều doanh nghiệp cũng như khách hàng đã suy giảm đáng kể nên không thể cứng nhắc với những quy định về cho vay hoặc giải ngân đang là cách mà nhiều ngân hàng áp dụng.

Là một doanh nghiệp sản xuất bao bì tại Bình Dương, thời điểm giãn cách không có đơn hàng nhưng Công ty Vĩnh Hưng vẫn đồng thời vừa phải lo phòng chống dịch bệnh, vừa phải cáng đáng nhiều chi phí phát sinh như phí xét nghiệm, phí lo cho nhân viên 3 tại chỗ... Vì vậy, những hỗ trợ về vốn, dòng tiền đối với doanh nghiệp lúc này là hết sức quý báu.

Ông Đào Ngọc Kim - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hưng, Bình Dương cho hay: "Chúng tôi nhận được thông báo của ngân hàng về giảm lãi suất vay 1,5%/năm. Với số vay là khoảng gần 200 tỷ đồng, chúng tôi sẽ tiết kiệm được 100 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng”.

Cho vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm cũng được nhiều ngân hàng áp dụng trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, giữ nguyên khoản nợ cũ, thậm chí gia tăng hạn mức tín dụng cũng là một biện pháp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phục hồi lúc này.

Theo thống kê từ Hiệp hội ngân hàng, chỉ sau 1 tháng rưỡi thực thi cắt giảm lợi nhuận đã có gần 9.000 tỷ đồng được 16 ngân hàng thực hiện, tức là sẽ còn khoảng hơn 10.000 tỷ đồng nữa đang chờ các ngân hàng đã cam kết và thực thi nốt. Số tiền này và trong bối cảnh cần nguồn lực để phục hồi chắc chắn sẽ hữu ích cho nhiều doanh nghiệp, khách hàng.

Với những giải pháp nêu trên đã phần nào giúp doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn thuận lợn hơn, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tính đến cuối tháng 10, tín dụng tăng trên 14% so với cùng kỳ năm trước.

Với đà phục hồi sản xuất kinh doanh như hiện nay, một số ngân hàng đề xuất được nới hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay vốn dịp cuối năm - cũng là dịp sản xuất và tiêu dùng lớn nhất trong năm.

Với tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 nhiều khởi sắc sau giãn cách, sản xuất công nghiệp tăng gần 7% so với tháng trước, các nhà máy quay lại hoạt động, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu rõ ràng nhu cầu về vốn càng tăng cao.

Nếu năm 2020, chỉ 3 tháng cuối năm tín dụng đã tăng trên 6% thì với đà phục hồi như đang diễn ra của năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng nhu cầu vốn có thể sẽ còn cao hơn. Do đó cần nới hạn mức các ngân hàng đang cho vay hiệu quả.

"Trong bối cảnh chúng ta đang muốn thúc đẩy phục hồi kinh tế nên Ngân hàng Nhà nước cân nhắc nới room tín dụng cho cả ngân hàng thương mại lớn và nhỏ nhưng không tăng quá nhiều. Tôi nghĩ khoảng từ 12 -13 - 14% là phù hợp", ông Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho hay.

Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay cho toàn hệ thống là khoảng 12%. Giữa năm nay, đã có 13 ngân hàng thương mại được nới room tín dụng.

Linh hoạt điều hành theo diễn biến kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng là yêu cầu mà Chính phủ đặt ra với các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. (VTV.vn 08/11)Về đầu trang

96% doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh hoạt động lại

Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có gần 96% DN tại 17 khu chế xuất, KCN đã hoạt động trở lại sau hơn 1 tháng nới lỏng giãn cách.

Số người lao động đã quay lại làm việc đạt 80% với hơn 230.500 người; trong đó, có nhiều doanh nghiệp đạt từ 95 - 100% số lao động trở lại nhà máy, xí nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng đã ngưng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ" hay "1 cung đường 2 điểm đến", thay vào đó là phương thức sản xuất, kinh doanh linh hoạt, thích ứng, an toàn.

Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới; kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết các doanh nghiệp đang thực hiện bổ sung nguồn lao động để lấp đầy các dây chuyền sản xuất.

Nhiều nhà máy, xí nghiệp đang tăng tốc hoạt động nhằm đáp ứng nguồn cung hàng hóa, giải quyết các đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước còn tồn đọng, đồng thời nỗ lực hoàn thành các đơn hàng cuối năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh đạt tỷ lệ 94,4%. Điều này cho thấy, lực lượng lao động đã đủ điều kiện, đảm bảo nguồn nhân lực hiện hữu để đẩy mạnh hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của ngành y tế, có cam kết về phòng, chống dịch tại nơi làm việc như đăng ký và thực hiện quét mã QR (trên thiết bị di động thông minh hoặc in trên giấy) cho toàn bộ người lao động.

Người đến liên hệ công tác, làm việc, giao dịch, sử dụng ứng dụng của thành phố như Y tế HCM/Sổ sức khỏe điện tử (hoặc ứng dụng PC-COVID) để kiểm soát và tổ chức hoạt động; các doanh nghiệp cũng thiết lập khu vực cách ly tạm thời F0 để khi phát sinh ca nhiễm có thể xử lý kịp thời, hạn chế lây lan trong quá trình sản xuất.

Trước đó, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động Khu cách ly tập trung tạm thời chuyên tiếp nhận các bệnh nhân là người lao động có kết quả dương tính nhẹ hoặc không triệu chứng, không có bệnh nền và không đủ điều kiện tự cách ly tại nhà.

Khu cách ly này là cơ sở nghiên cứu của Viện Công nghệ cao HUTECH cho mượn và được cải tạo với quy mô 200 giường cùng với các trang thiết bị như quạt trần, máy chạy bộ, thảm Yoga, máy giặt và Wifi để tạo tâm lý thoải mái cho người lao động và có thể tiếp tục làm việc từ xa.

Ngoài Khu công nghệ cao, TP Hồ Chí Minh còn thành lập 2 khu cách ly tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (thành phố Thủ Đức) với quy mô 250 giường và Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) với quy mô 250 - 300 giường do lực lượng y tế địa phương đảm nhận hỗ trợ điều trị. (VTV.vn 08/11) Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Không để lỡ nhịp!

Tại Hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 được tổ chức hồi đầu tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính cả khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp; miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí... quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 của nước ta là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.

Con số này so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan có quy mô gói hỗ trợ dịch bệnh tương đương 11,4% GDP, Malaysia là khoảng 5,3% GDP thì mức hỗ trợ của nước ta còn thấp. Do đó, đã có nhiều khuyến nghị rằng cần phải xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp khi bước vào trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra và phải trả lời là liều lượng, quy mô, thời gian thực hiện gói hỗ trợ này như thế nào?

Thực tế, nền kinh tế nước ta đã phải chịu những ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi dịch Covid-19. Đó là tốc độ tăng trưởng chậm, trong đó GDP quý III âm 6,17%, tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ đạt 1,42%. Hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy; chi phí sản xuất tăng cao; năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút; nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng bị bào mòn; đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay... Tuy nhiên, các chính sách này chủ yếu nhằm giải quyết các khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân. Chủ yếu tác động đến phía cung của nền kinh tế, trong khi thiếu vắng các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.

Bởi vậy, điều cần thiết lúc này là cần có chương trình phục hồi và phát triển với những chính sách đúng đắn và mọi nguồn lực phải được tập trung kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trước nguy cơ lỡ nhịp phục hồi tăng trưởng, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có gói chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội với quy mô lớn hơn để cứu doanh nghiệp và kích thích, tạo động lực tăng trưởng. Quốc hội, Chính phủ phải đề ra được tái cấu trúc, phục hồi nền kinh tế 2 năm tới như thế nào.

Hiện nay, việc xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với các chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng là phù hợp và cấp thiết nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, nếu không sẽ có tác động rất lớn đến ngân sách nhà nước, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm, xã hội...

Quan trọng hơn là các cơ hội, thời cơ mới trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại toàn cầu và thích ứng, phát triển với tương lai sau dịch bệnh Covid-19 bị bỏ lỡ, từ đó, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu hàng năm cũng như cả giai đoạn. (Daibieunhandan.vn 08/11, Ninh Hà)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Trên 22.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 22.000 tỷ đồng đã được chi trả cho hơn 9,4 triệu lao động, đa số là qua tài khoản cá nhân.

Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay được thực hiện đến đâu? Việc tăng giá nguyên vật liệu như: than, xăng dầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lạm phát? Bao giờ thí điểm đón khách du lịch quốc tế?... Đây là những nội dung báo chí quan tâm và đặt câu hỏi đối với các bộ, ngành trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa diễn ra tại Hà Nội. Buổi họp báo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Liên quan đến việc hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 116, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến ngày 5/10, đã giải quyết hướng dẫn hỗ trợ cho trên 9.900.000 lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền đã chi trả là trên 22.000 tỷ đồng.

"Tổng số tiền đã chi trả là 22.582 tỷ đồng, tương đương vói 98% tổng kinh phí đã được giải quyết cho 9.448.915 người lao động, trong đó đại đa số chi trả qua tài khoản cá nhân", Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết.

Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn gặp một số vướng mắc nhỏ như có 2,7 triệu lao động bảo lưu hồ sơ về quê, nhưng đến nay mới chỉ có hơn 1 triệu người nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm.

"Hướng sắp tới đối với lao động bảo lưu về địa phương, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến từng tổ dân phố, phường, thị trấn để mời người lao động liên lạc với cơ quan bảo hiểm xã hội đến nhận hỗ trợ", Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho hay.

Liên quan đến câu hỏi về việc giá các nguyên vật liệu như xăng dầu, than tăng cao, ảnh hưởng đến lạm phát, đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, giá xăng tăng mạnh nhưng vẫn thấp hơn đà tăng của thế giới, do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sử dụng mạnh mẽ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tính chung 10 tháng 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ - đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tuy nhiên năm 2022, việc tăng giá các nguyên vật liệu sẽ làm chi phí sản xuất tăng lên, khiến giá hàng hóa tăng cao, gây áp lực lớn lên lạm phát. Do vậy, trong năm nay sẽ không tăng giá điện và theo dõi chặt chẽ giá cả, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.

"Cần nỗ lực đàm phán để đảm bảo được nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ các cấp cao nhất là Chính phủ đến các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, ổn định sản xuất", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại buổi họp báo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đang trong quá trình được xây dựng và chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chương trình có 5 nhóm giải pháp, có quy mô toàn diện, được kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng thông tin, từ ngày 20/11 tới đây, tỉnh Kiên Giang sẽ thử nghiệm quy trình đón khách du lịch quốc tế đầu tiên. (VTV.vn 08/11)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TP Hồ Chí Minh: Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ngay trong ngày

 Việc rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp và người dân thành phố.

Nộp hồ sơ về cấp phép lao động trực tuyến từ sáng nay, chị Nguyễn Thị Gấm từ Công ty Lexall, Khu chế xuất Tân Thuận, TP. Hồ Chí Minh bất ngờ khi được thông báo đến nhận kết quả hồ sơ vào buổi chiều cùng ngày, điều mà trước đây có thể mất từ 3 đến 5 ngày để xử lý. Nhờ hồ sơ được giải quyết trong ngày, tránh để tồn đọng mà phòng nhận và trả kết quả tại ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh không xảy ra tình trạng đông đúc, doanh nghiệp đến nhận kết quả chỉ trong 15 phút.

Tại khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc, những thủ tục như cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài trước đây mất 5 ngày xử lý thì nay có thể trả kết quả trong ngày. Việc ứng dụng công nghệ trong xử lý thủ tục tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giúp doanh nghiệp tiện lợi hơn trong xử lý hồ sơ khi hoạt động trong khu.

Với hoạt động kinh tế thích ứng trong bối cảnh có dịch COVID-19, chính nỗ lực cải cách mạnh mẽ về hành chính sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh nâng cao môi trường đầu tư, có được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả, hướng đến chủ đề năm của TP. Hồ Chí Minh: "Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư". (VTV.vn 08/11)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Chánh Thanh tra Lào Cai bị đề nghị kỷ luật vì dùng bằng giả

Kỳ họp thứ 11 (28.10) của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Lào Cai đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm kỷ luật đảng.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Đàm Quang Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Ủy viên UBKT Tỉnh ủy khóa XVI, Ủy viên BCH Đảng bộ Thanh tra tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, Bí thư Đảng ủy Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai do đã sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH không hợp pháp.

Trước đó, ngày 25.10, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định về việc tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Đàm Quang Vinh - Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai.

Lý do tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét kỷ luật cán bộ, công chức theo quy định.

Theo tìm hiểu, ông Đàm Quang Vinh mới được trao quyết định bổ nhiệm Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai vào ngày 20.4.2020. Trước lúc được bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra tỉnh, ông Đàm Quang Vinh giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai. (Laodong.vn 08/11, Minh Chuyên)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chiến lược "Zero COVID" trong bao lâu?

Là quốc gia cuối cùng theo đuổi mục tiêu "Zero COVID", Trung Quốc đang bắt đầu chứng kiến những biện pháp hạn chế xã hội gây tổn hại cho nền kinh tế.

Giới chức Trung Quốc hiện vẫn đang kiên quyết theo đuổi chiến lược "Zero COVID", tức "quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng", ngay cả khi biến thể Delta tiếp tục lây lan và tác động tiêu cực đến hệ thống y tế. Điều này có nghĩa là trong trường hợp Trung Quốc ghi nhận chỉ một hoặc vài ca nhiễm, quốc gia này vẫn có thể tiến hành phong tỏa toàn bộ một thành phố, sau đó truy vết F0 cho đến khi không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhiều biện pháp ứng phó như xét nghiệm diện rộng, phong tỏa vùng dịch hay hạn chế đi lại đã được áp dụng, song số ca mắc mới trong ngày tại Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều thành phố đang phải vật lộn đối phó với đợt bùng phát dịch mới đã lan rộng tại 20 trên tổng số 31 tỉnh của Trung Quốc với tốc độ mạnh nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán hồi năm 2019.

Là quốc gia cuối cùng theo đuổi mục tiêu "Zero COVID", Trung Quốc đang có nguy cơ chứng kiến những biện pháp hạn chế phòng, chống dịch kéo dài bắt đầu làm tổn hại đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Câu hỏi đặt ra lúc này là Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chiến lược này trong bao lâu khi mà các nước khác đều đang dần học cách sống chung với COVID-19?

Ông Chen Zhengming, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford, cho biết: "Theo tôi, Trung Quốc có thể sẽ không mở cửa trở lại trong vòng một năm tới đây". Ông cũng nhấn mạnh, nếu Trung Quốc không sớm triển khai các mũi tiêm tăng cường và tốc độ lây lan của đợt dịch mới không có dấu hiệu thuyên giảm, quốc gia này sẽ càng khó quay lưng với "Zero COVID".

Nếu Trung Quốc quyết định từ bỏ chiến lược này thì có thể sẽ chọn một vài thành phố để thử nghiệm, song vẫn kiên quyết đảm bảo kiểm soát tốt các rủi ro. Tuy nhiên, thời điểm đó được nhận định là khó đoán, bởi "ngay cả khi quyết định cô lập đất nước trong vòng 3 đến 4 năm tới, Trung Quốc vẫn có thể tự cung tự cấp nhờ quy mô ngành sản xuất khổng lồ".

Ông Gary Bowerman, giám đốc công ty du lịch lữ hành Check-in Asia, cho biết: "Chúng tôi thực sự không biết khi nào Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới. Chắc chắn là họ sẽ không mở cửa trước Thế vận hội Mùa đông đâu. Có thể là quý II năm sau hoặc năm sau nữa".

Nguyên nhân khiến Trung Quốc trì hoãn kế hoạch mở cửa một phần đến từ chính hệ thống y tế nước này. Theo ông Jason Wang, giáo sư tại Đại học Stanford, với quy mô dân số như hiện nay, khả năng Trung Quốc có thể kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh sau một đợt bùng phát là tương đối thấp. Ông Wang cho biết: "Chỉ một làn sóng dịch quy mô nhỏ cũng có thể khiến các bệnh viện quá tải và gây ra nhiều bất ổn cho xã hội. Vậy nên, rất khó để dự đoán Trung Quốc sẽ còn duy trì chính sách Zero Covid trong bao lâu. Có thể là trong một khoảng thời gian dài đấy".

Theo ông Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về sức khoẻ toàn cầu thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations), Trung Quốc gần như sẽ không thay đổi quyết định của mình, ít nhất cho tới khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 diễn ra. Ông nhận định: "Chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép và cũng không để bất kỳ rủi ro nào xảy ra trước thời điểm quan trọng đó".

Tuy nhiên, theo bác sĩ Peter Collignon thuộc Đại học Quốc gia Australia, sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới trong mùa đông này có thể buộc giới chức Trung Quốc cân nhắc lại chính sách của mình.

"Có thể là vào tháng Giêng, khi virus vẫn tiếp tục lây lan mạnh mẽ. Trung Quốc sẽ chợt nhận ra họ phải sống chung với COVID-19. Trước đây, New Zealand, Australia và Singapore cũng từng áp dụng những chính sách giống Trung Quốc, song các ổ dịch mới vẫn xuất hiện và tái bùng phát trong những tháng mùa đông".

Cách tiếp cận của Trung Quốc hiện nay được kỳ vọng có thể hạn chế phần nào những tác động tiêu cực từ các đợt bùng phát dịch quy mô lớn, song theo nhiều chuyên gia, chính sách "Zero COVID" sẽ hạn chế tiềm năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhất là khi nhiều quốc gia đã bắt đầu tái mở cửa.

Bà Jessica Tea, chuyên gia tư vấn tại tập đoàn BNP Paribas Asset Management Asia, nhận định: "Dù công nghệ và các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi năng lượng sẽ tăng trưởng trong năm 2022, song "Zero COVID" có thể làm chậm tốc độ phục hồi của ngành dịch vụ tiêu dùng".

Ông Jason Brady, Giám đốc điều hành của công ty quản lý đầu tư Thornburg Investment Management, cũng cho rằng sự khác biệt về chính sách của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới "sẽ ngày càng rõ rệt".

Ông Shuang Ding, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Standard Chartered - chi nhánh Hong Kong (Trung Quốc), cũng nhấn mạnh hướng đi của Trung Quốc "có thể hạn chế tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế". Chính vì vậy, ông cho rằng, Trung Quốc chỉ nên theo đuổi "Zero COVID" cho đến khi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc kết thúc. Khi đó, nước này có thể cân nhắc mở cửa trở lại dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia đã chấp nhận sống chung với COVID-19.

Không chỉ bắt đầu tác động tiêu cực đến nền kinh tế, chính sách "Zero COVID" còn ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của người dân Trung Quốc.

Thành phố Thụy Lệ ở tỉnh Vân Nam là minh chứng. Chỉ trong một năm, người dân thành phố đã phải trải qua 4 lần phong tỏa, mỗi đợt kéo dài tới gần 1 tháng. Nhiều người chọn cách rời khỏi thành phố trong khoảng thời gian giữa các đợt phong tỏa, song đều bị yêu cầu trả phí 21 ngày cách ly trước khi khởi hành.

Điều này khiến người dân thành phố Thụy Lệ cảm giác như mình bị xa lánh. Một cư dân chia sẻ: "Tôi cảm thấy cả thành phố đang bị kì thị, như thể chúng tôi không sống ở Trung Quốc vậy".

Nhiều người, trong đó có ông Liu Bin - 59 tuổi, đã sống hàng tháng trời mà không có thu nhập, bởi thành phố vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch và thương mại với nước láng giềng Myanmar. Ông Liu ước tính mình đã mất hơn 150.000 USD.

Công việc kinh doanh của ông Li, một thương gia buôn ngọc trong thành phố, cũng không khá hơn. Từ đầu năm nay, ông đã gom khoảng 3 triệu USD đầu tư vào thị trường ngọc bích với hy vọng thành phố này sẽ mở cửa trở lại vào tháng 5. Tuy nhiên, chính sách "Zero COVID" đã làm tiêu tan mọi nỗ lực trước đó. Ông Li cho biết: "Ban đầu, công ty tuyển dụng khoảng 50 người, nhưng bây giờ chúng tôi chỉ dám giữ lại một nhân viên bảo vệ. Công ty không thể trả tiền cho họ".

Trong khi đó, việc xét nghiệm lại diễn ra gần như mỗi ngày. Một tài xế xe ôm công nghệ cho biết anh đã phải xét nghiệm COVID-19 tới 90 lần trong 7 vòng tháng qua. Một người đàn ông khác cũng chia sẻ rằng con trai 1 tuổi của họ phải xét nghiệm tới 74 lần.

Trước tình trạng đó, ông Dai Rongli, cựu quan chức thành phố, đã đăng tải một bài blog với tựa đề "Thụy Lệ cần sự quan tâm của đất nước". Ông cho rằng, "mỗi lần thành phố bị phong tỏa là một lần người dân chịu tổn thất nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần".

Tuy nhiên, bất chấp mặt trái của "Zero COVID", Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ông Wu Liangyou vẫn khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ, xây dựng một rào chắn vững chắc chống lại những ca bệnh nhập cảnh và lây nhiễm trong nước. "Chiến lược ngăn chặn sự lây lan của các ca nhập cảnh và nội địa cũng đã được chứng minh là tuân thủ theo khoa học và phù hợp với điều kiện của đất nước".

Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách "Zero COVID" vẫn có thể tiếp tục được áp dụng lâu dài tại Trung Quốc, tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch trên toàn cầu. Chiến lược này, dù tốn kém, song nếu xét trên phương diện tích cực, sẽ hạn chế tối đa khả năng xuất hiện các ổ dịch lớn gây áp lực lên hệ thống y tế của nước này. (VTV.vn 08/11)Về đầu trang ./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More