Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 31-3-2021

Post date: 31/03/2021

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.                Bỏ phiếu kín miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 1

2.                Quốc hội tiếp tục thảo luận các báo cáo nhiệm kỳ. 2

3.                Nghị trường Quốc hội nóng về chỉ tiêu "tỷ lệ oan sai" trong hoạt động tư pháp. 3

4.                Kỳ vọng Chính phủ mới làm cho cán bộ sống được bằng lương. 3

5.                Quốc hội thông qua Luật Phòng chống ma tuý sửa đổi 4

CHÍNH SÁCH MỚI 5

6.                Những khoản phụ cấp dự kiến áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức từ 1-7-2022. 5

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 6

7.                Việt Nam phát huy lợi thế của quốc gia ứng phó thành công với COVID-19. 6

8.                Cơ hội nào để kinh tế năm 2021 bứt phá?. 7

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 8

9.                Lương hưu: Người 100 triệu, người 350 ngàn đồng, tăng thế nào cho công bằng. 8

QUẢN LÝ.. 9

10.            Đề xuất mới về nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức. 9

11.            Chỉ áp dụng tăng lương hưu với người hưởng dưới 2,5 triệu/tháng. 9

12.            Bộ TN&MT ra văn bản thúc ghìm giá đất đang trong cơn sốt 11

13.            Thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM từ 1/7. 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 13

14.            Đến năm 2022, người dân chỉ cần chờ 30 phút tại bộ phận giao dịch 1 cửa. 13

15.            Giải quyết thủ tục theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính. 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 15

16.            Thu ngân sách tiếp tục tăng bất chấp COVID -19. 15

17.            Hà Nội chi 522 tỷ đồng ngân sách phục vụ bầu cử. 16

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 16

18.            Hai Chủ tịch phường ở Đà Lạt bị tạm đình chỉ vì sử dụng chất kích thích. 16

THẾ GIỚI 17

19.            Pakistan: Thu hồi 714 tỷ Rs bị mất do tham nhũng. 17

20.            Nam Phi yêu cầu các thành viên đảng ANC bị cáo buộc tham nhũng từ chức. 17

 TIN QUỐC HỘI

Bỏ phiếu kín miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Vào 11h ngày 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân.

 Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Từ hôm nay đến ngày 8/4, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian kiện toàn về nhân sự.

 Việc miễn nhiệm và bầu các chức danh Nhà nước theo quy định Hiến pháp, nội dung kỳ họp, trong đó bao gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, một số phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước…

 Kế đến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đọc tờ trình miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội khoá 14, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

 Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá 14, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 9, bà Ngân được bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

 "Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, bà Nguyễn Thị Kim Ngân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, bà Phóng cho hay.

 Việc kiện toàn sớm nhân sự, do yêu cầu bố trí nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước sau Đại hội Đảng XIII, nhằm sự đồng bộ trong công tác cán bộ.

 Sau khi thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm, chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín.

 Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố trước khi Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm. Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

 Sang ngày 31/3, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách và tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi được bầu, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ. (Tienphong.vn 30/3, Luân Dũng)Về đầu trang

Quốc hội tiếp tục thảo luận các báo cáo nhiệm kỳ

Sáng 30/3, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể thảo luận ở về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Toàn bộ phiên họp này của Quốc hội sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

 Buổi chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và họp về công tác nhân sự của Quốc hội.

 Trước đó, trong ngày 29/3, Quốc hội đã thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ.

 Tại phiên thảo luận, phần lớn các ý kiến bày tỏ sự đồng thuận cao với nội dung được đề cập trong các báo cáo, cho rằng Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ vừa qua, góp phần phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đưa đất nước vượt qua nhiều thử thách và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

 Các đại biểu cùng chung nhận định khi cho rằng, nhiệm kỳ 2016-2021 Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ đã có sự đồng lòng quyết tâm. Tinh thần ấy đã phát huy được sức mạnh nội sinh của dân tộc, góp phần biến những điều không thể thành có thể, đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. (VTV.vn 30/3)Về đầu trang

Nghị trường Quốc hội nóng về chỉ tiêu "tỷ lệ oan sai" trong hoạt động tư pháp

Trong phiên thảo luận báo cáo của TAND tối cao, Viện KSND tối cao của Quốc hội sáng 30/3, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ sự khó khăn, áp lực của các cơ quan tư pháp và nhất trí cao báo cáo của Ủy ban Tư pháp về công tác tư pháp, đồng thời nêu quan điểm về một số vấn đề.

 Đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về nhận thức và hành động trên tinh thần đảm bảo tính độc lập tư pháp: "Vẫn tồn tài khái niệm về ngành. Thực ra không có khái niệm ngành. Mỗi tòa án là một cơ quan hoàn toàn độc lập với nhau. Không có tòa án cấp trên, tòa án cấp dưới. Các thẩm phán, hội thẩm hoàn toàn độc lập với nhau và không được can thiệp những vấn đề có liên quan để ảnh hưởng đến công lý".

 Đại biểu Nhưỡng cũng chia sẻ quan điểm về câu chuyện "làm việc liên ngành" khi một đại diện kiểm sát nói về văn bản liên ngành: "Những việc sở hở trước xã hội như thế thì chúng ta cần có biện pháp suy nghĩ và khắc phục để đảm bảo tính độc lập".

 Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) tranh luận lại và cho biết đây là vụ việc cá biệt: "Phối hợp liên ngành là để chúng ta thống nhất về nhận thức pháp luật, đưa ra quan điểm để giải quyết làm sao cho hợp lý, đảm bảo yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật, yêu cầu thực tiễn trong việc xử lý một vụ việc. Không có nghĩa chúng ta đưa ra quy định làm giảm đi tính độc lập của việc xét xử".

 Liên quan đến việc tham gia liên ngành, Chánh án TAND Thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, những cuộc họp liên ngành là những vụ án khó, phức tạp, cần tìm ra những giải pháp như tình tiết buộc tội, nếu không đủ phải điều chỉnh, hoàn toàn không phải bàn nhau để thống nhất truy tố, xét xử.

 Vấn đề thứ 2 mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ra là vấn đề chỉ tiêu trong hoạt động tư pháp. Phó trưởng Ban Dân nguyện chia sẻ: "Chúng ta hãy đặt ra những vấn đề chỉ tiêu về kế hoạch xét xử… Kế hoạch làm việc thì có nhưng kế hoạch xét xử tôi nghĩ cần phải nghiên cứu lại. Những phiên tòa ở nước ngoài có thể kéo dài cả năm… Không có công lý giá rẻ. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả xương máu mới có thể tìm ra công lý".

 "Tỷ lệ oan sai là một tỷ lệ rất nguy hiểm. Hãy hình dung xem mình hoặc người thân của mình ở trong số 0,00001% oan sai thì mình sẽ nghĩ như này. Tỷ lệ này ảnh hưởng tới tâm lý. Nếu không khắc phục rất nguy hiểm. Tỷ lệ oan sai liên quan đến một tỷ lệ rất quan trọng là liệu có hay không có tỷ lệ công lý. Công lý vĩ đại, thiêng liêng, hoàn hảo, tròn trịa. Làm sao mà có tỷ lệ công lý" – đại biểu đoàn Bến Tre nhấn mạnh. (VTV.vn 30/3) Về đầu trang

Kỳ vọng Chính phủ mới làm cho cán bộ sống được bằng lương

Hơn 40 ý kiến phát biểu của đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 29-3 đã nêu bật những thành tựu của Chính phủ nhiệm kỳ qua, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và gửi gắm sự trông đợi vào những hành động mạnh mẽ, quyết liệt từ Chính phủ mới.

 Trăn trở với đồng lương ít ỏi của một bộ phận công chức, viên chức hiện nay, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) thẳng thắn chia sẻ, khi thực hiện tinh giản, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, chủ trương gắn với mục tiêu cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo đời sống người hưởng lương và gia đình người hưởng lương.

 Tuy nhiên cử tri đặt vấn đề cán bộ, công chức địa phương đã tinh giản, đã gọn rồi nhưng lương bao giờ mới được đủ sống như Chính phủ đã nói.

 Bà Dung chỉ rõ người hoạt động không chuyên trách  xã lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, nếu chỉ trông vào lương làm sao đủ sống, làm sao an tâm công tác cống hiến, lo cho bản thân mình còn không xong lấy gì lo cho gia đình.

 Chia sẻ với khó khăn của Chính phủ khi đất nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, bà Dung gửi gắm mong muốn của cử tri với Chính phủ mới làm sao tập trung quyết tâm thực hiện được mục tiêu để cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có được thu nhập từ lương và các chính sách, chế độ khác đủ để đảm bảo cuộc sống của bản thân và cho gia đình mình. 

Trong khi đó, nêu "570 cuộc lên rừng, xuống biển" nhiệm kỳ qua của lãnh đạo Chính phủ như minh chứng cho một chính phủ hành động quyết liệt phục vụ nhân dân nhưng đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng "có lẽ vẫn chưa đủ". 

Bà Hoa mong các thành viên Chính phủ mới cần tăng cường vi hành để gần gũi dân hơn, coi trọng ý kiến của dân, phải hiểu được điều dân muốn, phải làm điều dân cần và phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả cho hoạt động của chính quyền.

 Bà Hoa cũng gửi gắm Chính phủ mới cần quan tâm xây dựng một chính phủ mở và một nền hành chính nhà nước mở. Cụ thể, theo bà, phải xây dựng được một cơ chế thông tin công khai, minh bạch, một hệ thống dữ liệu cập nhật và được đưa vào hệ thống để có thể chia sẻ và khai thác chung, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thông tin một cách bình đẳng, thuận lợi và hạn chế tình trạng lợi ích nhóm. (Tuoitre.vn 30/3, Tiến Long – Ngọc Hiển)Về đầu trang

Quốc hội thông qua Luật Phòng chống ma tuý sửa đổi

Chiều 30/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

 Tại hội trường, với 455 đại biểu quốc hội tham gia có 454 đại biểu tán thành (94,58%), có 01 đại biểu quốc hội không biểu quyết (0,21%), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống ma tuý sửa đổi.

 Theo chương trình, chiều 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

 Tiếp đó, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín; thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

 Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và tiến hành thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. (PhapluatPlus.vn 30/3, Quang Vũ)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Những khoản phụ cấp dự kiến áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức từ 1-7-2022

Tại Hội nghị XIII, Ban chấp hành Trung ương Đảng tán thành lùi cải cách tiền lương từ năm 2021 sang 1-7-2022. Ngoài ra, tại Quyết định 01/QĐ-LĐTBXH, Bộ LĐ-TB-XH cũng yêu cầu tiếp tục triển khai các bước cải cách chính sách tiền lương để thực hiện trong năm 2022 theo lộ trình đã được Hội nghị Trung ương 13 kết luận.

 Như vậy, dự kiến từ 1-7-2022 thì theo như Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 , cán bộ, công chức, viên chức sẽ được áp dụng các loại phụ cấp sau đây:

 1. Phụ cấp kiêm nhiệm:

 Áp dụng đối với các đối tượng đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị, đồng thời được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.

 2. Phụ cấp thâm niên vượt khung

 3. Phụ cấp khu vực

 Áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu.

 4. Phụ cấp trách nhiệm công việc

 Những người làm việc trong tổ chức cơ yếu được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bảo vệ cơ mật mật mã. Những người làm những công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc.

 5. Phụ cấp lưu động 

Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.

 6. Phụ cấp theo nghề

 Được gộp từ phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...).

 7. Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn

 Được gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 Hiện nay, dưới tác động của đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách tiền lương có thể sẽ bị chậm lại thay vì áp dụng từ 01/7/2021 như dự kiến trước đó. Vì vậy, cho tới khi có thông báo mới thì các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức có thể yên tâm tiếp tục được hưởng các chế độ phụ cấp hiện hành. (Nld.com.vn 30/3, T.Ngôn)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam phát huy lợi thế của quốc gia ứng phó thành công với COVID-19

Báo cáo công bố sáng 29/3 của Tổng cục thống kê cho thấy nhiều tín hiệu đáng khích lệ trong bức tranh phục hồi kinh tế của Việt Nam, xuất phát từ công tác ứng phó với COVID-19 thành công trong cả năm qua.

 Trong hơn 10 tỷ USD là tổng vốn đầu tư nước ngoài quý 1, riêng tổng vốn đăng ký mới đã chiếm 7,2 tỷ USD, tăng tới hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sức hút mạnh mẽ của Việt Nam với dòng vốn ngoại.

 Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: "Chỉ những vùng căng thẳng dịch bệnh mới đóng băng, còn các địa phương khác vẫn sản xuất, thậm chí ngay trong các địa phương đóng băng vẫn có sản xuất".

 Dòng vốn ngoại được chọn lọc cũng chính là lực đẩy cho ngành công nghiệp. Đó là lý do mà ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với mức tăng tới 9,45%, đã đóng góp tới 47% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.

 Trong khi đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đảm bảo vai trò trụ đỡ của nền kinh tế với mức tăng 3,16% so với cùng kỳ năm ngoái - là mức tăng gần như cao nhất trong 10 năm qua.

 Nhiều tín hiệu đáng khích lệ xuất phát từ "mục tiêu kép" của Việt Nam trong cả năm qua, thế nhưng, áp lực vẫn là không nhỏ. Nếu nhìn vào kịch bản tăng trưởng đặt ra trong nghị quyết 01 của Chính phủ với mục tiêu cả năm đạt 6,5%, quý 1 như vậy là đã không đạt, thấp hơn 0,64 điểm % so với mục tiêu. Do đó, áp lực sẽ dồn lên các quý còn lại.

 Ông Jason Yek, chuyên gia Phân tích Rủi ro khu vực châu Á, Fitch Solutions, nhận định: "Có 2 rủi ro từ bên ngoài. Thứ nhất là du lịch quốc tế sẽ chưa thể phục hồi năm nay nên ngành này của Việt Nam vẫn sẽ khó khăn. Thứ hai, tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu và gián đoạn logistics sẽ tiếp tục gây áp lực lên sản xuât của Việt Nam những tháng tới".

 Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cho biết: "Kinh tế chưa thể phục hồi bởi doanh nghiệp chưa thể phục hồi và cần lưu ý rằng những tổn thương từ khu vực doanh nghiệp có thể lan sang khu vực tài chính ngân hàng. Việt Nam cần có chiến lược cụ thể để ứng xử với những rủi ro vĩ mô như vậy". (VTV.vn 30/3)Về đầu trang

Cơ hội nào để kinh tế năm 2021 bứt phá?

Dịch COVID-19 đầu năm 2021 đã khiến tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021, động lực tăng trưởng của nền kinh tế dựa vào ngành chế biến chế tạo. Các chuyên gia nói cần đẩy nhanh đầu tư công, tạo cơ hội cho doanh nghiệp bứt phá, kinh tế phát triển.

 Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 55,9%; khu vực dịch vụ đóng góp 35,7%.

 Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá. Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá. Đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 10 năm qua. Chỉ số công nghiệp quý I/2021 thấp hơn nhiều so với mức tăng các năm trước đó.

 Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực khi dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

 Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, điểm sáng lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nhiều địa phương như Bắc Giang, Hải Phòng với kết quả thu hút dòng vốn FDI từ năm 2020 đã giúp ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh. Nhiều ngành có tăng trưởng cao như thép cán, điện thoại…

 TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công nhìn nhận: Tăng trưởng kinh tế 4,48% trong quý I năm 2021 là khả quan khi mà dịch bệnh vẫn còn bùng phát ở một số địa phương. Để tạo động lực tăng trưởng GDP trong năm 2021, ông cho rằng, chính sách ưu tiên hàng đầu là giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động. 

“Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp”, TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

 “ Đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc. Đồng thời, việc cắt giảm ngân sách thường xuyên tối thiểu 10% nên được thực hiện cương quyết, nhằm dành nguồn lực khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra”, TS Phạm Thế Anh khuyến nghị. (Tienphong.vn 30/3)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Lương hưu: Người 100 triệu, người 350 ngàn đồng, tăng thế nào cho công bằng

Hàng ngàn người lương hưu đang ở mức “chết đói”: Chỉ 1,3 triệu đồng/tháng. Có người chỉ 350 ngàn đồng/tháng. Trong khi đó, có những “ông giám đốc” đang hưởng lương hưu 100 triệu đồng/tháng.

 Những dữ kiện trên có nguồn từ chính bảo hiểm xã hội. Và trong khi nguồn lực dành cho việc tăng lương có hạn, đã có không ít ý kiến rằng: hẵng tăng trước cho những người lương thấp. Chúng ta có thực tế là những người về hưu trước 1975, lương thấp đến đáy, tức là chỉ 3 triệu/tháng; không ít chỉ 1,3 triệu, thậm chí, thấp nhất chỉ 350 ngàn.

 1,3 triệu thì sống bằng gì? Khi thậm chí nó còn thấp hơn cả chuẩn nghèo mới ở nông thôn (1,5 triệu). 3 triệu thì sống bằng gì, khi giá cả như con tốt, chỉ tiến không lùi, khi ngoài chi phí tối thiểu cho một cuộc sống tối thiểu, những người hưu trí phải chi phí rất lớn cho sức khoẻ, cho y tế.

 Giữa 100 triệu và 350 ngàn là một khoản chênh lệch lớn về hưởng thụ. Nhưng, thưa các bạn, sự chênh lệch này có xuất phát điểm là một sự chênh lệch khác trong đóng góp.

 Chẳng hạn, những nông dân ở Nghệ An đang có mức lương 350 ngàn chỉ đóng góp vài năm, với mức đóng góp có khi chỉ 10 ngàn đồng mỗi tháng. Trong khi “ông giám đốc” chẳng hạn (xin nói rõ là giám đốc một doanh nghiệp FDI), mức lương hưu 100 triệu được hình thành trong 23 năm. Trước năm 2006, khi số tiền đóng bảo hiểm không bị giới hạn mức trần, “ông giám đốc” đã đóng trung bình 69 triệu/tháng trong suốt 15 năm. Ngay cả tháng trước khi về hưu, “ông giám đốc” đã đóng đến 23 triệu cho tháng cuối cùng ấy.

 Có thể hôm nay chúng ta nhìn thấy giữa mức lương hưu 100 triệu và 350 ngàn, hay 1,3 triệu, hay 3 triệu là một khoảng cách vời vợi. Nhưng khoảng cách ấy không hề là vô lý. Sự vô lý, nếu có, thậm chí thuộc về “ông giám đốc”, người bị khống chế chỉ được hưởng 62% mức đóng chứ không phải là 70%.

 Nếu đợt điều chỉnh lương tới chúng ta chỉ tăng lương cho những người lương thấp thì phải chăng chúng ta đã không công bằng với những “ông giám đốc”, những người đã cống hiến, đã đóng góp rất lớn, rất nhiều?

 Cái chúng ta lo lắng là lương hưu thấp đến không đủ sống. Và điều đó cần phải thay đổi. Nhưng thay đổi hoàn toàn không có nghĩa là phá vỡ sự công bằng, phá vỡ nguyên tắc đóng cao thì hưởng nhiều, đóng thấp thì hưởng ít. 

Vấn đề chính là ở chỗ với đồng lương “không đủ sống”, mà phải nói thẳng là “chết đói”, thì chúng ta sẽ được tăng bao nhiêu? Có bù đắp cho sự mất giá đồng tiền suốt nhiều năm qua vì lạm phát? Và sau khi “tăng lương” thì có để xảy ra tình trạng “tát nước theo lương”, thậm chí, lương chưa tăng gì giá đã tăng.

 Không thể có chuyện chỉ tăng cho những người lương thấp được đâu. Bởi suy cho cùng, công bằng thì phải là cho tất cả mọi người chứ không thể có ngoại trừ, nhất là đối với những người đã đóng góp rất lớn. (Laodong.vn 30/3, Anh Đào)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề xuất mới về nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

 Theo đó, dự thảo sửa đổi Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ công chức (tiêu chuẩn 1 điểm a Khoản 2 Điều 2) như sau: “Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên”.

 Hiện nay, theo quy định hiện hành tại Thông tư 08/2013/TT-BNV, tiêu chuẩn 1 này là: “Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên”.

 Như vậy, tiêu chuẩn này được đề xuất nâng cao hơn so với quy định hiện hành.

 Đồng thời dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ (điểm a Khoản 1 Điều 3) như sau: “Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này đạt đủ 02 tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh tính đến thời điểm xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư này”.

 Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của  nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ. (Baochinhphu.vn 29/3, Khánh Linh)Về đầu trang

Chỉ áp dụng tăng lương hưu với người hưởng dưới 2,5 triệu/tháng

Dự thảo Nghị định Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nhận được nhiều ý kiến. Vậy cần hiểu đúng về đối tượng được tăng như thế nào?

 Các đối tượng có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng trước ngày 1.1.2020 thuộc các trường hợp dưới đây thì được xem xét điều chỉnh tăng lương:

 1. Nhóm cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

 2. Nhóm cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại các nghị định: 92, 34, 121 và 09.

3. Nhóm người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91 về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; công nhân caosu đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

 4. Nhóm cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130.

 5. Nhóm quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.

 6. Nhóm công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53 quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.

 7. Nhóm quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30.4.1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

 8. Nhóm người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

 Đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo mức trợ cấp chung mà có mức lương hưu, trợ cấp thấp hơn 2.500.000 đồng/tháng thì mức hưởng được điều chỉnh cụ thể như sau: Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng. (Laodong.vn 30/3, Bằng Linh)Về đầu trang

Bộ TN&MT ra văn bản thúc ghìm giá đất đang trong cơn sốt

Ngày 30/3, Bộ TN&MT ban hành công văn số 1454/BTBMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

 Theo Bộ TN&MT, thời gian gần đây, giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến, gây nên hiện tượng sốt ảo, làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai các dự án đầu tư.

 Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, đảm bảo môi trường đầu tư, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở TN&MT và các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai.

 Trên cơ sở này, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

 Việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin; tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

 Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

 Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 31/5/2021. (Vietnamnet.vn 30/3, Kiên Trung)Về đầu trang

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM từ 1/7

Chính phủ vừa ban hành các nghị định quy định chi tiết việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh.

 Tại Hà Nội: Theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã.

 Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch phường; Phó Chủ tịch phường; Trưởng Công an phường; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Phường và các công chức khác: Văn phòng – Thống kế; Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường; Tài chính – Kế toán; Tư pháp – Hội tịch, Văn hóa – Xã hội.

 Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND phường.

 Chủ tịch phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở cùng một đơn vị hành chính. Thời hạn giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường cho mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực.

 Từ ngày 1/7/2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 1/7/2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm đó.

 Theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, hằng năm ít nhất hai lần, trước kỳ họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân quận, thị xã, Chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân ở địa phương.

 Với TPHCM: Theo Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, mỗi Ban thuộc HĐND thành phố sẽ có 1 ủy viên hoạt động chuyên trách do Thường trực HĐND thành phố xem xét, phê chuẩn theo đề nghị của Trưởng ban của HĐND, gồm các ủy viên chuyên trách Ban: Pháp chế; Kinh tế - ngân sách; Văn hóa - xã hội; Đô thị.

 Cơ cấu tổ chức của UBND quận gồm: Chủ tịch quận; Phó Chủ tịch quận; Trưởng Công an quận; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; các cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận.

 UBND TP Hồ Chí Minh quy định cụ thể tên gọi và số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận cho phù hợp. Riêng Văn phòng HĐND, UBND quận gọi là Văn phòng UBND quận.

 UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại quận và theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phải dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt.

 Nghị định nêu rõ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hồ Chí Minh bao gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Nội vụ; Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Phòng Văn hóa và thông tin; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Tài nguyên và môi trường; Phòng Giáo dục và đào tạo; Thanh tra quận; Phòng Kinh tế; Phòng Y tế; Phòng Khoa học và công nghệ.

 Số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố không quá 3 người.

 Còn tại Đà Nẵng: Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, TP Đà Nẵng có cơ cấu tổ chức của UBND quận gồm: Chủ tịch quận; Phó Chủ tịch quận; Trưởng Công an quận; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; các cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận.

 UBND TP Đà Nẵng quy định cụ thể tên gọi và số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận cho phù hợp. Riêng Văn phòng HĐND, UBND quận được gọi là Văn phòng UBND quận.

 UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại quận và theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động của phải dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt.

 Công chức làm việc tại UBND phường là người được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức danh thuộc cơ cấu tổ chức của UBND phường (trừ Trưởng Công an phường). UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. (Giao thông 30/3, Phùng Đô)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đến năm 2022, người dân chỉ cần chờ 30 phút tại bộ phận giao dịch 1 cửa

Theo mục tiêu đến năm 2022, thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa sẽ được giảm còn 30 phút mỗi lần giao dịch. Đây là một mục tiêu cụ thể của Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt.

 Đề án hướng tới đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC. Từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

 Cụ thể, tại Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đặt mục tiêu năm 2022: Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa xuống trung bình còn tối đa 30 phú/01 lần đến giao dịch.

 Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, tăng tối thiểu 20% đối với kết quả thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

 Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và đất đai với Công Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các cấp.

 Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 50% Bộ phận Một cửa cấp huyện và 30% Bộ phận Một cửa cấp xã.

 Hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

 Tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp nhỏ thực tế thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính (trước đó), mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu.

 Trong giai đoạn 2023 - 2025, sẽ hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% đối mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100%...  (Kinhtedothi.vn 30/3, Hà Thanh)Về đầu trang

Giải quyết thủ tục theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

 Mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. 

Đề án phấn đấu năm 2021, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các cấp.

 Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 40%, 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 100% Trung tâm phục vụ hành chính công. (Baochinhphu.vn 29/3, Vũ Phương Nhi)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thu ngân sách tiếp tục tăng bất chấp COVID -19

Tiếp nối thành công vượt thu ngân sách nhà nước của năm 2020, trong 3 tháng đầu năm nay các khoản thu ngân sách tiếp tục tăng bất chấp nền kinh tế ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Tài chính cho hay.

 Bộ Tài chính đánh giá, dù trong quý 1/2021, một số địa phương chịu ảnh hưởng của đợt tái bùng phát dịch bệnh COVID-19 phải giãn cách xã hội, song các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã cơ bản trở lại bình thường. Điều này đã tác động tích cực đến hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước.

 Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trong 3 tháng qua đạt 403,7 nghìn tỷ đồng (bằng 30,1% dự toán năm và tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước). Trong đó, thu nội địa đạt 30% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020; thu từ dầu thô đạt 34,6% dự toán, giảm gần 50%; cân đối từ hoạt động xuất/nhập khẩu đạt 30,8% dự toán, tăng 9,7%.

 Có 8/12 khoản thu và nhóm khoản thu đạt tiến độ tích cực (trên 25% dự toán), như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 28,2% dự toán, tăng 5%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,5% dự toán, tăng 8%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 35,2% dự toán, tăng 22,4%; các khoản thu về nhà, đất đạt 32,3% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020...

 Cả nước có 57/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 25%), trong đó 42 địa phương thu đạt trên 28% dự toán; 40/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ.

 Nhờ có sự phục hồi của nền kinh tế trong nước và các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu quý 1 ước đạt 151,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

 Trong cùng thời gian, chi ngân sách nhà nước đạt 341,9 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3% dự toán, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 3 mục chi chính, có 2 khoản chi giảm, trong khi chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, chi đầu tư phát triển đạt gần 60,8 nghìn tỷ đồng, giảm 1,4%; chi trả nợ/lãi đạt 31 nghìn tỷ đồng, giảm 5,2%; chi thường xuyên 249,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

 Bộ Tài chính lý giải, trong 3 tháng qua, cả ngân sách trung ương và địa phương đều tăng chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, biển đảo dịp tết Nguyên đán.

 Ngân sách trung ương đã trích dự phòng hơn 1.000 tỷ đồng để bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, ngân sách trung ương cũng tăng tiến độ bổ sung cân đối và thực hiện tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính trung ương cho một số địa phương đang có dịch COVID-19 gặp khó khăn về nguồn lực, để đáp ứng nhu cầu chi cấp thiết phát sinh trên địa bàn. (Tienphong.vn 30/3, Lê Hữu Việt)Về đầu trang

Hà Nội chi 522 tỷ đồng ngân sách phục vụ bầu cử

Chiều 29/3, tại kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua quyết nghị về nội dung, mức chi và thời gian hỗ trợ kinh phí phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Nguồn kinh phí thực hiện là ngân sách Nhà nước, với mức dự kiến là 522 tỷ đồng.

 Theo Thường trực HĐND thành phố, đây là nội dung quan trọng và cấp thiết, thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND để đảm bảo kịp thời phục vụ tốt nhất công tác bầu cử.

 Trình bày tóm tắt Tờ trình của UBND thành phố về quy định nội dung chi, mức chi và thời gian hỗ trợ kinh phí phục vụ bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 của thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, đối tượng áp dụng gồm: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan công tác bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 của thành phố.

 Nội dung chi, mức chi được xây dựng trên cơ sở nội dung chi, mức chi của Trung ương quy định tại Thông tư số 102 của Bộ Tài chính; đối với các nội dung chi đã được quy định mức chi tại các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương như tổ chức hội nghị, xây dựng văn bản thì thực hiện theo các thủ tục chi đã được quy định tại các văn bản của Trung ương và Nghị quyết của HĐND thành phố.

 Cùng đó, đối với các nội dung chi như chi đóng hòm phiếu, chi khắc dấu, chi bản niêm yết danh sách bầu cử được thực hiện thống nhất trên địa bàn thành phố và mức chi được đề xuất là mức chi tối đa do Trung ương quy định. Đối với các nội dung chi như bồi dưỡng các cuộc họp, công tác chỉ đạo kiểm tra giám sát bầu cử, bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử liên quan đến khối lượng, phạm vi, địa bàn thực hiện theo phân công nhiệm vụ cụ thể, đề xuất như sau: Đối với cấp thành phố, mức chi bằng mức chi tại Trung ương; đối với cấp huyện, mức chi bằng 70% mức chi tại cấp thành phố; đối với cấp xã, mức chi bằng 70% mức chi tại cấp huyện. (Tienphong.vn 29/3, Trần Hoàng)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Hai Chủ tịch phường ở Đà Lạt bị tạm đình chỉ vì sử dụng chất kích thích

Sáng 30/3, bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết ngày 29/3, UBND TP.Đà Lạt đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đình Khoa (42 tuổi, Chủ tịch UBND Phường 1) và ông Vũ Thành Sơn (41 tuổi, Chủ tịch UBND Phường 6).

 Thời gian tạm đình chỉ công tác là 15 ngày. Nguyên nhân, thành phố đang trong quá trình xem xét để xử lý các cán bộ, đảng viên này vì có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật.

 Cùng ngày, UBND TP.Đà Lạt đã có văn bản giao ông Phạm Trung Hà (Phó Chủ tịch UBND Phường 1) và ông Lê Văn Nguyên Vũ (Phó Chủ tịch UBND Phường 6) phụ trách các phường nói trên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND Phường trong thời gian ông Khoa và ông Sơn bị tạm đình chỉ công tác.

 Trước đó, vào ngày 25/3, hai cán bộ nói trên và một số người bị công an phát hiện tụ tập sử dụng chất kích thích. Cơ quan chức năng đã gửi mẫu chất kích thích nói trên đi giám định. (Tienphong.vn 30/3, Kim Anh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Pakistan: Thu hồi 714 tỷ Rs bị mất do tham nhũng

Chủ tịch Cục Trách nhiệm Giải trình Quốc gia Pakistan (NAB) Javed Iqbal cho biết, cơ quan này đã thu hồi 714 tỷ Rs bị mất trực tiếp hoặc gián tiếp do tham nhũng. Cùng với đó, NAB đã bàn giao hàng nghìn mẫu đất của nhà nước cho các chính quyền cấp tỉnh liên quan.

 Theo một tuyên bố ngày 29/3, ông Javed Iqbal khẳng định, NAB đang thực hiện các nhiệm vụ chống tham nhũng của quốc gia và quyết tâm đạt được mục tiêu Pakistan không có tham nhũng. Nhiệm vụ của NAB là thu hồi số tiền đã bị mất và đưa kẻ tham nhũng ra trước pháp luật. Theo lãnh đạo NAB, tỷ lệ kết án của NAB tại các Tòa án Trách nhiệm giải trình là khoảng 68,8%.

 Theo một cuộc khảo sát của Gillani and Gallup Pakistan, 59% người dân tin tưởng vào NAB. NAB đã được nhất trí bầu làm Chủ tịch Diễn đàn Chống tham nhũng của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC). Đây là thành công lớn của Pakistan, nhờ vào những nỗ lực của NAB. (Thanhtra.com.vn 30/3, Đức Anh)Về đầu trang

Nam Phi yêu cầu các thành viên đảng ANC bị cáo buộc tham nhũng từ chức

Ngày 29/3, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố tất cả các thành viên của đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền bị cáo buộc tham nhũng hoặc phạm những tội nghiêm trọng khác phải từ chức trong vòng 30 ngày, nếu không sẽ bị đình chỉ tư cách thành viên của đảng.

 Trong số những thành viên bị cáo buộc tham nhũng có Tổng Thư ký ANC Ace Magashule, 61 tuổi, một trong 6 nhân vật quyền lực nhất của đảng này. Tuy nhiên, ông Magashule đã bác bỏ mọi các buộc.

 Việc yêu cầu các thành viên bị cáo buộc tham nhũng từ chức là trọng tâm trong các cuộc thảo luận của Ban chấp hành toàn quốc ANC.

 Đây cũng được xem là thắng lợi của Tổng thống Ramaphosa, người đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với tham nhũng và từng cam kết làm trong sạch ANC kể từ khi trở thành lãnh đạo đảng vào tháng 12/2017. (TTXVN/VietnamPlus.vn 30/3, Đặng Ánh)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

More