Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 20-12-2019

Post date: 20/12/2019

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

TIÊU ĐIỂM.. 1

1. Con lãnh đạo du học không về địa phương: Không thể đền tiền là xong! 1

CHÍNH SÁCH MỚI 2

2. Quy định về giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. 2

CHỈ THỊ MỚI 3

3.Không dùng ngân sách bắn pháo hoa dịp Tết 3

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 4

4. Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 11 tháng đầu năm 2019 chiếm 49,4%   4

5.Nâng cao vai trò doanh nghiệp tư nhân. 4

6.Sẽ cho doanh nghiệp ngoại kinh doanh xăng dầu. 5

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 6

7. Kỷ cương và trách nhiệm của Bộ trưởng. 6

QUẢN LÝ.. 7

8.  Công tác điều động, luân chuyển cán bộ đảm bảo dân chủ, khách quan. 7

9.    Kết quả tổng điều tra dân số - những con số "biết nói". 7

10.Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn bị phê bình vì giá thịt lợn. 8

11.  Hậu Giang, Trà Vinh thi hành kỷ luật hàng trăm đảng viên. 8

12.    Ủy viên Thường vụ Thành ủy xin thôi việc được hỗ trợ 200 triệu. 9

13. Bình Thuận: Cán bộ nhớ lương của mình, quên chính sách cho dân. 10

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

14.  Đăng ký kinh doanh qua mạng ở TPHCM: 15 phút là xong. 11

15.  Hà Nội triển khai tự đánh giá, chấm điểm xác định Chỉ số CCHC năm 2019. 13

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 14

16.  Bị cáo Nguyễn Bắc Son lại đổi lời khai: Thừa nhận đã cầm 3 triệu USD.. 14

17. Hà Tĩnh: Xã lấy tiền hỗ trợ môi trường để trả cước điện thoại cho cán bộ. 15

18. Thái Bình: Khởi tố 5 cán bộ chính sách nhận hối lộ để "chạy chế độ". 15

THẾ GIỚI 16

19. Nhật Bản đưa ra chương trình cải cách thuế nhằm thúc đẩy 5G.. 16

20.Người Hàn Quốc giảm số giờ làm việc để cân bằng cuộc sống. 16

 TIÊU ĐIỂM

Con lãnh đạo du học không về địa phương: Không thể đền tiền là xong!

Ở đây không còn là chuyện tiền nong mà vấn đề lớn hơn, đó là sự bất công mà chỉ dùng tiền thôi chưa đủ.

 Thời gian qua, việc cán bộ du học bằng tiền ngân sách rồi không trở về địa phương đã không còn là chuyện lạ. Câu chuyện mới nhất tại tỉnh Quảng Ngãi- một tỉnh nghèo ở miền Trung lại có thêm “nhân tố mới” khi cả 4 cán bộ không trở về đều là con lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Sở, ngành. Họ bị buộc bồi hoàn gấp đôi kinh phí đã chi với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Nhưng có lẽ, ở đây không còn là chuyện tiền nong mà vấn đề lớn hơn, đó là sự bất công mà chỉ dùng tiền thôi chưa đủ.

 Chính sách đãi ngộ người tài là một chủ trương đúng. Nhiều địa phương đã không tiếc tiền, tiếc của, chi ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để bồi dưỡng những hạt giống quý với mong muốn, sau khi được đào tạo ở các nước phát triển, họ sẽ quay về phục vụ quê hương. Nhưng đáng tiếc thay, chủ trương đúng đắn ấy đã và đang bị lợi dụng, bị làm méo mó khi rất nhiều “người tài” đi du học bằng ngân sách lại có mẫu số chung: Họ là “con lãnh đạo”.

 “Con lãnh đạo”, kế tục sự nghiệp của cha, của mẹ, họ được tuyển chọn vào các cơ quan, sở, ngành ở địa phương. Rồi, họ lại tiếp tục được chọn lựa để vào danh sách đi du học bằng tiền ngân sách. Dù địa phương đã giải thích rằng, cơ quan chức năng “tiếp nhận hồ sơ rộng rãi, xét duyệt công bằng, minh bạch” nhưng dư luận vẫn chẳng thấy thuyết phục.

 “Con lãnh đạo”- dù không muốn nhắc lại nhưng chắc ai cũng hiểu, họ được đầu tư ăn học từ tấm bé và ngay cả khi, cha mẹ không cậy nhờ thì họ cũng bỗng dưng bị “gắp điểm bỏ tay người” để vào được những trường danh giá. Câu chuyện ở Hà Giang là một ví dụ điển hình.

 “Con lãnh đạo” hư hỏng, bổ nhiệm thần tốc, chưa kịp “nở” đã sớm “lụi tàn” là thực tế đáng xấu hổ trong thời gian qua. Trước khi “lụi tàn”, không ít người trong số đó cũng đã từng du học ở nước này, nước kia. Sau khi về địa phương, với chính sách “trọng dụng nhân tài”, họ được bố trí và thăng tiến một cách chóng mặt. Không kinh qua gian khó, không thấu hiểu những nỗi vất vả của nhân dân, họ tự cho mình quyền được hưởng thụ và đòi hỏi.

 Đi du học bằng tiền ngân sách, “con lãnh đạo” có nhiều lý do để không trở về địa phương theo cam kết (phục vụ đủ 5 năm). Đành rằng “nước chảy chỗ trũng”, đành rằng, gia đình họ có thừa điều kiện để bồi hoàn chi phí nhưng rõ ràng, chính sách bồi dưỡng nhân tài ở địa phương đã thất bại. Những lãnh đạo có con em đi du học bằng tiền ngân sách rồi không trở về địa phương, họ cũng có phần trách nhiệm và những người giới thiệu, tiến cử “người tài” cũng không thể vô can.

 Vài năm trước, thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI, Thái Bình trở thành điểm sáng khi tổ chức công khai, minh bạch các kỳ thi tuyển viên chức. Có người mẹ đã ôm lấy con nghẹn ngào khi nghe tin con mình trúng tuyển viên chức ở Sở Nông nghiệp. Chị khóc vì con chị thi bằng thực tài, không hậu duệ, không tiền tệ.

 Đặt giả thiết, những trường hợp như vậy, nếu được lựa chọn đi du học bằng tiền ngân sách thì chắc chắn, họ sẽ không “tìm cơ hội tốt hơn” ở nơi khác. Thứ nhất, họ là con công nhân, không có điều kiện để bồi hoàn chi phí. Thứ hai, họ biết trân trọng giá trị của sự ưu đãi! (Vov.vn 19/12, Giáng Hương) Về đầu trang./.

CHÍNH SÁCH MỚI

Quy định về giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư

Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-12-2019.

 Điều 14 của Thông tư quy định, giải quyết chính sách đối với số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do đã bố trí vượt quá quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và số lượng người hoạt động chuyên trách dôi dư do đã bố trí vượt quá quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP; công chức cấp xã dôi dư do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 1 Thông tư này, Chủ tịch UBND cấp huyện tổng hợp và đề xuất với Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện như sau:

 1. Tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

 2. Giải quyết chế độ thôi việc theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; nghỉ hưu trước tuổi; nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9-3-2015 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

 3. Điều chuyển, bổ sung cho các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn cấp huyện hoặc ở địa bàn cấp huyện khác thuộc tỉnh; hoặc chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

 4. Căn cứ quy định tại Điều 21 Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21-12-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và khả năng ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định chi hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư. (Cand.com.vn 19/12, Nguyễn Hương) Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Không dùng ngân sách bắn pháo hoa dịp Tết

Các địa phương bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Canh Tý phải tiết kiệm và không  dùng ngân sách, theo chỉ thị của Thủ tướng ngày 19/12.

 Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương không tổ chức sự kiện, lễ hội xa hoa, lãng phí dịp trước và sau Tết.

 Các cơ quan nhà nước không dùng ngân sách đi thăm, chúc Tết, tặng quà lãnh đạo; không dùng tài sản công vào hoạt động cá nhân dịp Tết.

 Ngay sau kỳ nghỉ, các cơ quan tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

 Thủ tướng đề nghị các cơ quan dành thời gian để thăm hỏi các gia đình chính sách, hộ nghèo, bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Bộ Văn hoá, Thể tthao và Du lịch giám sát việc tổ chức hoạt động vui chơi, lễ hội trong và sau Tết Nguyên đán đảm bảo lành mạnh, phù hợp với tập quán từng địa phương.

 Năm 2016, Ban bí thư yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết, để dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách. Sau một năm dừng, các năm sau đó, nhiều địa phương đã tổ chức bắn pháo hoa trở lại trong dịp Tết. (Vnexpress.net 19/12, Viết Tuân)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 11 tháng đầu năm 2019 chiếm 49,4%

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019 diễn ra vào ngày 23/12 tới đây sẽ là dịp để doanh nghiệp trình bày những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập, trong bối cảnh tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong năm nay, tính đến thời điểm này đã hơn 49%.

 Với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - hội nhập, hiệu quả, bền vững", hội nghị sẽ tập trung lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, để đưa ra các giải pháp, thậm chí là cam kết về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong năm tới, để biến khu vực tư nhân trở thành một động lực chủ chốt của nền kinh tế.

 Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Vũ Đại Thắng, những quy định, thể chế để phát triển doanh nghiệp thay đổi theo từng thời kỳ, tuỳ từng bối cảnh cụ thể nên thời điểm cuối năm 2019 là thời điểm thích hợp để Chính phủ nhìn lại những chính sách hiện nay. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, để phát triển doanh nghiệp thì phần lớn phụ thuộc vào nội lực và sự cố gắng của doanh nghiệp, Chính phủ kiến tạo sẽ tạo môi trường thúc đẩy cả ba khu vực kinh tế cùng phát triển.

 Theo Bộ kế hoạch Đầu tư, năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới dự kiến đạt 136 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp. Tỷ trọng các doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm.

 Tuy nhiên bên cạnh tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng thì tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh trong 11 tháng đầu năm 2019 vẫn còn cao chiếm 49,4%, Bên cạnh đó, khả năng liên kết của doanh nghiệp còn yếu, năng lực cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài còn nhiều hạn chế. Thông qua hội nghị, Chính phủ truyền tải thông điệp: thách thức về môi trường, các vấn đề xã hội ngày một phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh để phát triển lớn mạnh, đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. (VTV.vn 19/12)Về đầu trang

Nâng cao vai trò doanh nghiệp tư nhân

Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vẫn mong muốn được trở thành một trụ cột chứ không chỉ là một động lực quan trọng của nền kinh tế như trong Nghị quyết hiện nay.

 Sau 3 tháng phát động, hơn 100 tham luận gồm nhiều đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước đã được gửi về cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì.

 Trong khuôn khổ cuộc vận động, sáng 19/12 đã diễn ra Diễn đàn"Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế". Diễn đàn thu hút hơn 300 đại diện doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân trong và ngoài nước.

 Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam thẳng thắn cho rằng cơ chế chính sách đã cởi mở và công bằng hơn với khối doanh nghiệp này. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vẫn mong muốn được trở thành một trụ cột của nền kinh tế. (VTV.vn 19/12)Về đầu trang

Sẽ cho doanh nghiệp ngoại kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Điểm mới đáng chú ý trong bản dự thảo là sẽ tạo thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu.

 Nhiều chuyên gia đánh giá cao đề xuất này vì sẽ giúp thị trường xăng dầu thay đổi tốt hơn về chất lượng lẫn dịch vụ.

 Đại diện Bộ Công Thương lý giải thực tế nhiều năm qua đã có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, góp vốn vào công ty xăng dầu của Việt Nam. Thế nhưng quy định hiện nay chưa đầy đủ, không tạo thuận lợi cho quản lý cũng như hoạt động này diễn ra hiệu quả. Do vậy, trong nội dung sửa đổi Nghị định số 83/2014 có những quy định cụ thể để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu, đặc biệt ở khâu phân phối bán lẻ. 

Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ Công Thương, việc sửa đổi Nghị định 83/2014 sẽ bám sát mục tiêu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân... Từ đó sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa công ty nhà nước và tư nhân. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết theo biểu cam kết WTO, có bốn lĩnh vực Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường liên quan đến phân phối, trong đó có xăng dầu. Tuy nhiên, lĩnh vực không cam kết không có nghĩa là không mở cửa. “Đối với kinh doanh xăng dầu cần phải mở cửa thu hút càng nhiều nhà đầu tư càng tốt” - ông Hiếu nhấn mạnh.

 Dẫn chứng câu chuyện đại gia Nhật Bản mở trạm bán xăng tại Việt Nam, ông Hiếu đánh giá các công ty nước ngoài với cách bán hàng mới mẻ, thân thiện sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ của thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam. Ví dụ hình ảnh vị tổng giám đốc người Nhật cúi chào khách đến đổ xăng trong ngày khai trương cây xăng Idemitsu Q8 tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) đã làm nhiều người tiêu dùng trong nước ngạc nhiên, thích thú. Sau hai năm hoạt động, sự thân thiện, cúi chào cám ơn khách hàng của nhân viên cây xăng Nhật vẫn duy trì.

 “Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tác động tốt đến các nhà kinh doanh Việt Nam về cách làm dịch vụ và thái độ phục vụ, văn hóa phục vụ khách hàng” - ông Hiếu nhấn mạnh.

 Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực nhiên liệu cũng cho rằng thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường đồng nghĩa thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ có sự góp mặt của nhiều đại gia ngoại. Việc mở cửa cho DN ngoại tham gia bán xăng dầu sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt là chất lượng sản phẩm, tính chính xác về đo lường (không ăn gian, bơm thiếu xăng - PV) và dịch vụ thay đổi theo hướng tích cực hơn.

 “Các trạm xăng phải thay đổi cách bán hàng “không cảm xúc” bằng thái độ niềm nở, vui vẻ. Các trạm xăng phải đảm bảo uy tín, giá bán cạnh tranh” - ông Quỳnh chia sẻ.

 Ông Quỳnh cũng cho hay ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, mỗi trạm xăng mỗi giá khác nhau chứ không có một giá như Việt Nam. Do chất lượng phục vụ khác nhau, trạm xăng dịch vụ tốt thì giá có thể cao hơn. (Pháp luật TPHCM 19/12)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Kỷ cương và trách nhiệm của Bộ trưởng

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải hoàn thành và ban hành Nghị định kinh doanh vận tải bằng ô tô trước 30.12.2019. Nghị định này đã liên tục bị trì hoãn trong thời gian dài vừa qua - cũng là một trong những ví dụ điển hình minh chứng cho “căn bệnh nguy hiểm”, đó là “chậm”, “nợ” văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành hiện nay.

 Thiệt hại trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân, cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế đất nước khi các văn bản pháp quy bị “treo” là vô cùng lớn. Một ví dụ để dễ hình dung: Ủy ban Kinh tế đã tính toán sơ bộ việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản (2010) làm thiệt hại ngân sách 5.000 tỷ đồng. Với văn bản có tác động tới hàng triệu người kinh doanh và hàng chục triệu người sử dụng dịch vụ như Nghị định 86 sửa đổi, tác động của việc chậm trễ chắc chắn còn lớn hơn.

 Thiệt hại vô hình - không tính được bằng tiền - nhưng còn nghiêm trọng hơn nhiều lần, đó là niềm tin của người dân, của doanh nghiệp vào năng lực của Nhà nước. Bởi vì ban hành pháp luật là chức năng cốt lõi nhất và không thể thay thế của chính quyền - nếu như một văn bản kéo dài tình trạng chậm qua nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời, Quốc hội ra nghị quyết, Thủ tướng chỉ đạo bằng văn bản mà vẫn chậm, trễ - thì niềm tin vào hiệu quả làm việc; vào kỷ cương hành chính của bộ máy nhà nước rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng.

 Câu chuyện này không mới và đã kéo dài nhiều năm. Với các Nghị định hướng dẫn luật - một trong những giải pháp được đưa ra là văn bản hướng dẫn thi hành phải được trình cùng với luật. Trường hợp các nghị định hướng dẫn cho luật mới mà không có văn bản đi kèm vẫn được thông qua, thì đương nhiên trách nhiệm thuộc về Quốc hội. Tuy nhiên, số lượng văn bản nợ dạng này không nhiều - và sự cứng rắn làm gương của Quốc hội có thể giúp giải quyết vấn đề này một cách không mấy khó khăn.

 Bài toán khó hơn nằm ở các nghị định cần sửa đổi - như Nghị định 86 nêu trên. Trên thực tế, các văn bản hướng dẫn ở cấp dưới luật như nghị định, thông tư - trách nhiệm soạn thảo trực tiếp thuộc về từng bộ chuyên ngành được Chính phủ phân công. Do đó, cần tính toán các cơ chế ràng buộc trách nhiệm của Bộ trưởng - tức là người đứng đầu cơ quan chuyên môn, được Chính phủ ủy nhiệm - khi xảy ra tình trạng nợ văn bản. Một “cây gậy” mạnh nằm trong tay Quốc hội chính là bỏ phiếu tín nhiệm. Số lượng văn bản nợ phải được coi là một tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá năng lực lãnh đạo và điều hành của Bộ trưởng. Khi văn bản được giao soạn thảo mà bị chậm kế hoạch - Bộ trưởng phụ trách không nên được “xếp” tín nhiệm đạt yêu cầu.

 Bản thân Bộ Tư pháp - cơ quan “gác cổng” về xây dựng pháp lý cho Chính phủ cũng cần định kỳ 6 tháng, hàng năm công bố danh sách các bộ kém nhất - tốt nhất về công tác xây dựng văn bản pháp quy. Minh bạch, công khai thông tin cũng là cách để người dân, doanh nghiệp hiểu được bộ nào, ngành nào làm tốt, làm kém, và từng bước khôi phục lại niềm tin.

 Động thái quyết liệt của Chính phủ với Nghị định 86 sửa đổi - do đó, cần được coi là “phép thử”, “pháo lệnh” tấn công vào vấn đề không thể xem nhẹ nói trên. (Đại Biểu Nhân Dân 19/12, Hà Lan)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ đảm bảo dân chủ, khách quan

Đây là khẳng định của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tại Hội nghị gặp mặt cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển sáng 19/12.

 Tại Hội nghị gặp mặt cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển sáng nay, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh vai trò của công tác điều động, luân chuyển cán bộ. Công tác luân chuyển đã giúp cho đội ngũ cán bộ rèn luyện, thử thách, nâng cao bản lĩnh chính trị, bổ sung kinh nghiệm thực tiễn.

 Đồng chí Phạm Minh Chính cũng cho biết, đến nay công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã có nhiều đổi mới, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn. Đặc biệt, với việc thực hiện Quy định 98 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, các cán bộ được điều động, luân chuyển vẫn giữ chức vụ tương đương nên đã khắc phục được tình trạng "chạy luân chuyển", cũng như hạn chế được những tiêu cực trong công tác cán bộ.

 Thông tin từ hội nghị cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, trung ương đã điều động, luân chuyển 29 cán bộ và đến nay hầu hết những cán bộ này đều đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, khẳng định năng lực lãnh đạo, quản lý bằng những kết quả cụ thể. (VTV.vn 19/12)Về đầu trang

Kết quả tổng điều tra dân số - những con số "biết nói"

Dân số Việt Nam đã đạt trên 96 triệu người. Đây là một trong rất nhiều con số "biết nói" trong kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 chính thức được công bố ngày.

 Tổng số dân là 96.208.984 người, trong đó nữ chiếm 50,2%. Như vậy, sau 10 năm, quy mô dân số tăng thêm 10,4 triệu người, đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.

 Kết quả cho thấy tỷ suất sinh của Việt Nam ổn định ở dưới mức sinh thay thế, hiện tại là 2,09 con/phụ nữ. Thể hiện sự kịp thời của Việt Nam trong việc chuyển từ công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình sang chiến lược dân số và phát triển.

 Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba ở Đông Nam Á với 290 người/km2. Tổng số 26.870.079 hộ dân cư.

 Việc chuyển đổi nhân khẩu học, đặc biệt mức sinh giảm, cho thấy dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có. Từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019. Tuổi thọ bình quân là 73,6 tuổi. Vì thế, cùng lợi thế của thời kỳ dân số vàng, thách thức phải đối mặt là già hóa dân số và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, với tỷ lệ 111,5 bé trai/100 bé gái.

 Kết quả thể hiện rõ nhà ở và điều kiện sống của các hộ dân cư được cải thiện. Trình độ dân trí cũng như sức khỏe được tăng cường. Tỷ lệ người khuyết tật giảm; tỷ số tử vong mẹ và trẻ giảm mạnh. Rất nhiều con số "biết nói", góp phần quan trọng hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững. (VTV.vn 19/12)Về đầu trang

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn bị phê bình vì giá thịt lợn

Ngày 18/12, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẩn trương báo cáo Thủ tướng về tình hình giá thịt lợn, bình ổn giá cuối năm.

 Ông Huệ phê bình và yêu cầu cơ quan này "nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong chậm báo cáo, thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao". Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao.

 Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tính toán, cả nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn cho nhu cầu dịp cuối năm. Song gần đây, Bộ Công Thương lại cho rằng, có thể thiếu tới 300.000 tấn thịt.

 Trước đó, Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thông cùng các bộ, ngành khẩn trương đánh giá cung - cầu, có kịch bản nhập khẩu thịt lợn từ 24 thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam. Đến hết tháng 10, Việt Nam đã nhập khoảng 96.000 tấn thịt heo, tăng 102% về lượng, chủ yếu từ Ba Lan, Pháp, Mỹ...

 Hiện mỗi kg thịt hơi đã cán mốc 90.000 đồng một kg, có nơi hơn 95.000 đồng, khiến giá thịt thành phẩm tại các chợ dân sinh cao kỷ lục, bình quân 160.000 - 200.000 đồng một kg, có thời điểm mỗi kg sườn non loại ngon là 280.000 đồng một kg. Cá biệt mỗi kg thịt nạc nọng heo của MeatDeli giá lên tới gần 294.000 đồng một kg.  (Vnexpress.net 18/12, Anh Minh)Về đầu trang

Hậu Giang, Trà Vinh thi hành kỷ luật hàng trăm đảng viên

Ngày 19-12, thông tin từ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương cho biết trong năm 2019 cấp ủy, UBKT các cấp và chi bộ ở Hậu Giang đã thi hành kỷ luật 111 Đảng viên (giảm bảy đảng viên so với năm 2018).

 Cụ thể, cấp ủy các cấp ở Hậu Giang đã kiểm tra 3.725 đảng viên và 214 tổ chức, giám sát chuyên đề 319 đảng viên và 169 tổ chức đảng. UBKT các cấp cũng đã kiểm tra 48 đảng viên và 14 tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra tài chính đảng đối với 153 tổ chức đảng và 3.741 lượt đảng viên.

 Qua đó, khiển trách 71 đảng viên, cảnh cáo 27 đảng viên, cách chức bốn và khai trừ ra khỏi Đảng chín trường hợp đảng viên vi phạm.

 Nội dung vi phạm chủ yếu của đảng viên là thiếu chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, những điều đảng viên không được làm, chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; tham nhũng, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý.

 Còn tại Trà Vinh, qua kiểm tra, giải quyết tố cáo và công tác quản lý đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 104 đảng viên (giảm 18 đảng viên so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, kỷ luật với hình thức khiển trách là 59 trường hợp, cảnh cáo 28 trường hợp, cách chức bảy trường hợp và khai trừ ra khỏi Đảng 10 trường hợp.

 Cạnh đó, có 11 đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, sáu đảng viên bị xử lý pháp luật và năm đảng viên bị xử lý kỷ luật hành chính. (Pháp Luật TPHCM 19/12, Châu Anh)Về đầu trang

Ủy viên Thường vụ Thành ủy xin thôi việc được hỗ trợ 200 triệu

Nghị quyết số 159 được HĐND TP Đà Nẵng thông qua ngày 12-7-2018 về “quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ xin thôi làm nhiệm vụ và công chức, viên chức lãnh đạo tự nguyện thôi việc” đã phát sinh một số vấn đề khi thực hiện chính sách.

 Theo đó, nghị quyết mới đã sửa đổi, bổ sung tên gọi của nghị quyết cũ cũng như khu biệt từng đối tượng áp dụng.

 Cụ thể, đối tượng được áp dụng chính sách trên phải là cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan thuộc khối đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội (không tính đơn vị sự nghiệp).

 Các chức danh được xin thôi việc để hưởng chính sách phải là cán bộ chủ chốt cấp trưởng, cấp phó Thành ủy, HĐND, UBND TP; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan thuộc khối đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp TP, quận, huyện thuộc diện Ban Thường vụ quản lý; các trưởng phòng và tương đương công tác tại các cơ quan… đang hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 0,5 trở lên so với mức lương cơ sở.

 Trưởng các cơ quan tham mưu giúp việc quận, huyện ủy; trưởng phòng và tương đương thuộc UBND quận, huyện; trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp quận, huyện đang hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 0,3 trở lên.

 Ngoài ra, các đối tượng trên phải giữ chức vụ đủ ba năm trở lên và thời gian công tác phải đủ từ một năm đến dưới năm năm công tác tính đến thời điểm nghỉ hưu.

 Bên cạnh đó, phải đảm bảo điều kiện là đang giữ chức vụ mà có cán bộ trẻ được quy hoạch và có đủ điều kiện bổ nhiệm vào vị trí dự kiến thay thế, có nguyện vọng thôi việc, được cơ quan quản lý và cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý cho phép thôi việc.

 Theo đó, ngoài các mức hỗ trợ chế độ thôi làm nhiệm vụ hoặc thôi việc và hỗ trợ chế độ, chính sách theo thời gian công tác thì đối tượng theo quy định được hỗ trợ thêm như sau:

 Cán bộ là ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trở lên và các chức danh tương đương khác được hỗ trợ thêm 200 triệu đồng.

 Cán bộ là thành ủy viên, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy và tương đương, các sở, ban, ngành tương đương, bí thư các quận/huyện, các đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy và các chức danh tương đương khác được hỗ trợ thêm 180 triệu đồng.

 Cấp phó của người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy và tương đương, các sở, ban, ngành, phó bí thư và chủ tịch quận/huyện… được hỗ trợ thêm 160 triệu đồng.

 Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ủy ban Thường vụ các quận, huyện ủy, phó chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện và các chức danh tương đương được hỗ trợ thêm 140 triệu đồng.

 Trưởng phòng và tương đương công tác tại các cơ quan đơn vị thuộc khối đảng, chính quyền, mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội cấp TP, ủy viên Ban Thường vụ các đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy và các chức danh tương đương được hỗ trợ thêm 120 triệu đômhf.

 Trưởng các cơ quan tham mưu giúp việc quận, huyện ủy; trưởng phòng và tương đương thuộc UBND quận, huyện; trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp quận, huyện được hỗ trợ thêm 100 triệu đồng. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh thì được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.

 Trước đó, sau khi nghị quyết cũ được thông qua thì rất nhiều cán bộ tại Đà Nẵng đã xin thôi việc, nghỉ hưu sớm trước tuổi. (Pháp Luật TPHCM 19/12, Lê Phi)Về đầu trang

Bình Thuận: Cán bộ nhớ lương của mình, quên chính sách cho dân

Ngày 18-12, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

 Phiên chất vấn đã nóng lên khi hai giám đốc Sở Tài chính và Sở NN&PTNT trả lời việc thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ (giai đoạn 2015-2020, theo Quyết định 50/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

 Quyết định này hỗ trợ bằng tiền dưới 10 triệu đồng cho các hộ nuôi gà, vịt giống, từ dưới 20 triệu đến 25 triệu đồng đối với hộ nuôi bò, trâu giống và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường... Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2020.

 Tuy nhiên, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết từ tháng 12-2017, sở đã có công văn đề nghị địa phương xây dựng kế hoạch và gửi danh sách. Sau đó xác định các hộ chăn nuôi ở tỉnh được hỗ trợ hơn 21 tỉ đồng, trong đó 50% là ngân sách trung ương.

 Tháng 1-2018, do khó khăn về kinh phí, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ 100%. “Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có trả lời. Trách nhiệm thuộc về Sở NN&PTNT do thiếu đeo bám” - ông Kiều thừa nhận. 

Đồng tình với trả lời chất vấn này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hữu Ba cho biết ngoài việc thiếu đeo bám thì cả hai sở không có báo cáo cho UBND tỉnh biết để xử lý. “Ngoài trách nhiệm của Sở Tài chính, Sở NN&PTNT thì cũng có trách nhiệm của các huyện, thị, thành phố” - ông Ba nói.

 Lập tức đại biểu Nguyễn Toàn Thiện chất vấn rằng quyết định của Thủ tướng áp dụng từ ngày 1-1-2015, thế nhưng đến năm 2018 UBND tỉnh mới có công văn đề nghị hỗ trợ. “Từ thời điểm đó các nông hộ đã chăn nuôi biết bao lứa và thậm chí trong khi chờ hỗ trợ họ phải vay mượn trả lãi cao nhưng đến nay vẫn không thấy gì. Trách nhiệm này có phần lớn thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận” - ông Thiện truy vấn.

 Trả lời, cả hai giám đốc Sở NN&PTNT, Sở Tài chính đều cho rằng do các bộ, ngành trung ương hướng dẫn chậm và đều hứa sẽ đeo bám, tạm ứng trước, cân đối ngay dự toán trong năm 2020.

 Chưa đồng tình với trả lời này, đại biểu Phạm Sơn nói thẳng: “Tôi đề nghị nói là phải thực hiện, phải chắc chắn để chúng tôi còn biết trả lời bức xúc của cử tri. Ngoài việc chậm hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, các chính sách khác cũng triển khai rất chậm và chính điều này đã làm cho người dân của tỉnh bị thiệt thòi”.

 Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, lập tức đứng lên khẳng định trách nhiệm này thuộc về giám đốc ba sở NN&PTNT, Tài chính, KH&ĐT và cả chủ tịch UBND tỉnh.

 “Giám đốc các sở tôi vừa đề cập phải xin lỗi dân chứ đừng nói trách nhiệm chung chung. Không phải thiếu kinh phí mà các sở quá thiếu trách nhiệm trong khi Tỉnh ủy, UBND rất nhiều lần nhắc nhở. Tiền lương của mình thì nhớ, còn chính sách của dân lại không nhớ” - ông Hai nói.

 Kết luận về phần chất vấn này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, mong muốn tại cuộc họp của lãnh đạo UBND tỉnh với Chính phủ vào ngày 30 và 31-12 tới, tỉnh phải có ý kiến với Chính phủ việc này. Theo ông Hùng, quyết định của Thủ tướng đã sắp hết hiệu lực trong khi người dân chưa được hỗ trợ. Do đó tỉnh cần phải khẩn trương triển khai để người dân không chịu thiệt thòi. (Pháp Luật TPHCM 19/12, Phương Nam)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đăng ký kinh doanh qua mạng ở TPHCM: 15 phút là xong

Hiện nay người dân ở TP.HCM có thể đăng ký kinh doanh doanh nghiệp qua mạng mà không cần phải trực tiếp đến Sở KH&ĐT.

 Hai năm qua, những ai đến phòng đăng ký kinh doanh online của Sở KH&ĐT TP.HCM đều đã quen thuộc với hình ảnh một nhân viên của phòng cầm tay chỉ từng cú click chuột cho người dân khi đến đây để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh online. Căn phòng nhỏ chỉ với sáu chiếc máy tính nhưng đã hỗ trợ cho hàng ngàn lượt người dân, doanh nghiệp (DN) đến để đăng ký.

 Một buổi sáng đầu tháng 10-2019, phòng đăng ký kinh doanh online của Sở KH&ĐT tấp nập người ra vào. Vừa hướng dẫn cho người này làm xong, anh Bùi Ngọc Trung Kiên, nhân viên phòng đăng ký kinh doanh, lại chạy qua chỗ khác để hướng dẫn cho một người dân khác.

 Hôm đó, ông Nguyễn Trí Hùng (người dân ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đến để đăng ký mở công ty bảo vệ. ông Hùng cho biết ông có nghe về việc đăng ký online tại nhà nhưng vì không rành máy tính nên ông đến thẳng phòng kinh doanh online của sở để được hướng dẫn.

 “Tuổi già như tôi giờ tự làm cũng lâu nên tôi đến đây để nhân viên hướng dẫn làm cho nhanh. Mà nhanh thật, mấy nhân viên chỉ cho vài cú click chuột rồi điền thông tin cần thiết là xong luôn. Thấy cũng đơn giản mà nhanh nữa” - ông Hùng thích thú cho hay.

 Ông Hùng nói tiếp: “Đây là một cách làm hay, rất thuận tiện và phù hợp với bất kỳ đối tượng người dân nào. Người lớn tuổi như tôi còn làm được thì ai cũng làm được hết đó. Tôi không nghĩ mọi thứ làm nhanh đến như vậy, có khi chưa tới 15 phút đã xong rồi”.

 Việc đến văn phòng để được hướng dẫn đăng ký chỉ dành cho những người không biết rõ về thao tác trên máy. Còn với những người đã hiểu và quen thuộc với máy tính thì mọi việc đều được giải quyết ngay cả khi ngồi ở nhà. 

Chị Đặng Thị Hải Hà, nhân viên thuộc đơn vị tư vấn về thuế, kế toán, kể rằng lĩnh vực của chị đòi hỏi phải dùng đến giấy tờ, thủ tục đăng ký rất nhiều. Chị đã từng nhẵn mặt ở các văn phòng đăng ký và các phòng ban khác của sở. Thời gian gần đây chị không phải mất thời gian đến đây nữa.

 “Kể từ khi sở triển khai việc đăng ký kinh doanh online, tôi chỉ cần ngồi ở công ty hoàn tất thủ tục trên máy tính là xong. Rất nhanh, chỉ chừng 15 phút thôi, không còn phải mất thời gian di chuyển, chờ đợi. Hiện tại tôi chỉ đăng ký online rồi nhờ dịch vụ bưu điện gửi về công ty luôn chứ cũng không phải đến lấy, trừ khi có việc cần hỏi thì tôi mới đến sở”.

 Theo chị Phạm Thị Lệ Trinh, một nhân viên làm trong lĩnh vực kinh doanh, cảm nhận đầu tiên mà chị tiếp cận với cách làm này là sự chuyên nghiệp và tiện lợi. Chị cho hay mọi thủ tục đăng ký kinh doanh của công ty hiện nay đều được thực hiện online, sau ba ngày thì đến nhận giấy phép kinh doanh.

 “Ban đầu tôi cũng tưởng phải đến đăng ký trực tiếp nhưng sếp bảo không cần. Anh nói chỉ cần mở máy lên làm là xong. Anh chỉ cho tôi đúng một lần, những lần sau tôi đều tự đăng ký hết. Kết quả ngoài mong đợi, mọi thứ đều được xử lý nhanh và rất chuyên nghiệp” - chị Trinh cho hay.

 Từ đầu năm 2018, Sở KH&ĐT TP.HCM đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đăng ký kinh doanh DN online cho người dân, doanh nghiệp. Bằng hình thức này, người dân, DN có thể ngồi nhà vẫn đăng ký được thủ tục kinh doanh trong khoảng 15 phút. 

Trên thực tế, việc đăng ký kinh doanh DN online này đã được sở thực hiện nhiều năm trước. Do người dân chưa quen với cách làm mới nên chưa thật sự thu hút. Từ hai năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh, sở tiếp tục tuyên truyền để người dân, DN nắm và thực hiện.

 Đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết nhiều năm qua sở đã triển khai thực hiện nhiều đổi mới trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Việc thực hiện đăng ký kinh doanh online cho người dân, DN là một trong những điểm nhấn cải cách hành chính của sở.

 Cũng theo đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM, việc thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng đã giúp tăng cường tính minh bạch trong quá trình giải quyết hồ sơ, rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi làm thủ tục cho người dân, DN.

 Trong thời gian tới, sở sẽ nỗ lực để tiếp tục duy trì, đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình nhằm hỗ trợ DN. Trong đó có việc soạn hồ sơ cho DN, thực hiện kết hợp các thủ tục để giảm thời gian giải quyết, hướng dẫn DN, nhà đầu tư đăng ký qua mạng, phản hồi hồ sơ đăng ký qua mạng kịp thời. (Pháp Luật TPHCM 19/12, Thanh Phong)Về đầu trang

Hà Nội triển khai tự đánh giá, chấm điểm xác định Chỉ số CCHC năm 2019

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 255/KH-UBND, triển khai tự đánh giá, chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của thành phố.

 Theo đó, về việc tổ chức tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần Chỉ số CCHC, Văn phòng UBND thành phố và các sở: Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm vào các biểu phụ lục đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc các lĩnh vực do cơ quan phụ trách.

 Liên quan đến phối hợp điều tra xã hội học, UBND thành phố đề nghị Văn phòng HĐND thành phố phối hợp với Sở Nội vụ giúp Bộ Nội vụ (qua Bưu điện thành phố) tổ chức lấy phiếu điều tra xã hội học đối với 50 đại biểu là HĐND thành phố. Các sở, cơ quan ngang sở và UBND các quận, huyện: Hà Đông, Hoài Đức, Mê Linh, Đống Đa, Đống Anh, Quốc Oai cùng Sở Nội vụ giúp Bộ Nội vụ (qua Bưu Điện thành phố) tổ chức lấy phiếu điều tra xã hội học đối với lãnh đạo của 19 sở (3 lãnh đạo/sở); lãnh đạo UBND cấp huyện (3 lãnh đạo/huyện gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch UBND) và lãnh đạo cấp phòng thuộc 19 sở (4 lãnh đạo phòng/sở).

 Bưu điện thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện: Hà Đông, Hoài Đức, Mê Linh, Đống Đa, Đông Anh, Quốc Oai tổ chức lấy phiếu điều tra xã hội học theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

 UBND thành phố yêu cầu việc đánh giá, chấm điểm đảm bảo chính xác, trung thực, khách quan và theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Có tài liệu kiểm chứng, số liệu dẫn chứng gửi kèm theo; trường hợp đánh giá, chấm điểm không có tài liệu kiểm chứng thì phải diễn giải đầy đủ, cụ thể cách đánh giá, tính điểm. Đảm bảo thời gian hoàn thành việc tự đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2019 của thành phố và gửi báo cáo kết quả kèm theo tài liệu kiểm chứng về Bộ Nội vụ trước ngày 20-1-2020. Đồng thời, phải phối hợp Bộ Nội vụ trong việc tổ chức triển khai, thực hiện công tác giám sát điều tra xã hội học đảm bảo khách quan, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. (Phapluatxahoi.vn 19/12, Hải Phòng) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bị cáo Nguyễn Bắc Son lại đổi lời khai: Thừa nhận đã cầm 3 triệu USD

Chiều 17.12, tiếp tục phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xin Hội đồng xét xử cho được khai lại về việc nhận tiền từ Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) sau khi kết thúc thương vụ MobiFone mua cổ phần của AVG.

 Trước đó, trong phiên thẩm vấn sáng 17.12, bị cáo Nguyễn Bắc Son phủ nhận cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc bị cáo Son nhận hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ.

 Trong số 4 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc tội “Nhận hối lộ,” bị cáo Son là người duy nhất phủ nhận hành vi này.

 Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 giờ nghỉ buổi trưa, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã quyết định thay đổi lời khai.

 Bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết, trong những ngày này sức khỏe của bị cáo yếu và tâm trạng căng thẳng, thần kinh có phần hoảng loạn, nên nội dung khai sáng nay chưa chính xác.

 Giờ, bị cáo Nguyễn Bắc Son xin Hội đồng xét xử cho bị cáo được giữ nguyên lời khai trước đây tại Cơ quan điều tra về việc đã nhận 3 triệu USD từ bị cáo Phạm Nhật Vũ.

 Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Bắc Son khai không đưa số tiền này cho con gái mà dùng để chi tiêu cá nhân hết, nhưng không nhớ là đã chi tiêu gì. “Tôi sẽ hoàn trả trong khả năng nhiều nhất,” bị cáo Nguyễn Bắc Son nói.

 Hội đồng xét xử đặt câu hỏi: Tại sao bị cáo xin khai lại? Bị cáo Nguyễn Bắc Son giải thích, bị cáo khai lại là vì muốn phản ánh đúng những gì đã diễn ra, đồng thời khẳng định tinh thần và sức khỏe của bị cáo hiện ổn định.

 Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố bị cáo nhận hối lộ 3 triệu USD là đúng. Do trước đó không quen biết Phạm Nhật Vũ nên bản thân cho rằng có thể 3 triệu USD mà Vũ đưa là tiền cảm ơn do bị cáo đã giúp Vũ bán được AVG.

 Bị cáo Nguyễn Bắc Son cũng xin giữ nguyên lời khai tại Cơ quan điều tra là đã nhận 200.000 USD của Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone) và 200 triệu đồng của Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone).

 Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận mình đã chỉ đạo trái pháp luật, giao cho cấp phó Trương Minh Tuấn ký Quyết định 236 ngày 21.12.2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, vi phạm quy định của pháp luật.

 Lúc đầu, bị cáo Nguyễn Bắc Son không biết việc chỉ đạo và ban hành Quyết định 236 là sai. Về sau, khi làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo mới biết là mình đã vi phạm pháp luật. (TTXVN 19/12)Về đầu trang

Hà Tĩnh: Xã lấy tiền hỗ trợ môi trường để trả cước điện thoại cho cán bộ

Ngày 19/12, UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết đã yêu cầu xã Cẩm Nhượng làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến sai sót trong sử dụng kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước.

  Năm 2017, xã Cẩm Nhượng được UBND huyện Cẩm Xuyên cấp hơn 1,7 tỷ đồng để thống kê, thẩm định, chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.

 Thanh tra huyện Cẩm Xuyên kết luận, xã Cẩm Nhượng đã chi 28 triệu đồng cho cán bộ thanh toán tiền cước điện thoại; trả một phần kinh phí sửa chữa máy tính, máy photocopby phục vụ cho quản lý hành chính. Các khoản trên trích từ tiền hỗ trợ của nhà nước là trái quy định của Bộ Tài Chính.

 Nhà chức trách đã thu hồi số tiền chi không đúng mục đích trên nộp vào ngân sách xã. (Vnexpress.net 19/12, Đức Hùng)Về đầu trang

Thái Bình: Khởi tố 5 cán bộ chính sách nhận hối lộ để "chạy chế độ"

Chiều ngày 19/12, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thái Bình cho biết đơn vị này đã ra Quyết định khởi tố 5 cán bộ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) thuộc cấp xã và cấp Sở của tỉnh Thái Bình về tội môi giới hối lộ, nhận hối lộ.

 Cụ thể, căn cứ tài liệu điều tra và cứ các quy định của pháp luật, ngày 18/12, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội môi giới hối lộ được quy định tại Điều 365, Bộ luật hình sự; lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với: Phạm Thị Thúy (1970, là cán bộ LĐ,TB&XH xã Đông Cường, huyện Đông Hưng); Phạm Thị Tâm (1974, là cán bộ LĐ,TB&XH Hồng Việt, huyện Đông Hưng); Mai Thị Nghi (1981, là cán bộ LĐTB&XH xã Thăng Long, huyện Đông Hưng); Nguyễn Thị Thu Trang (1991, hiện là cán bộ phòng Việc làm và An toàn lao động, thuộc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thái Bình và Bùi Văn Phiêu (SN 1954, trú tại thôn Tân Hải, xã Đông Hải, huyện Tiền Hải, lao động tự do).

 Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thái Bình cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354, Bộ luật hình sự; lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Hùng Cường (SN 1976). Khi bị bắt, ông Cường đang là cán bộ phòng Dạy nghề, thuộc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thái Bình.

 Theo cơ quan chức năng, các đối tượng này đã nhận tiền của nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh Thái Bình để "chạy chế độ"... nhưng không làm được và cũng không trả lại tiền.

 Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Thái Bình chỉ đạo cơ quan An ninh điều tra phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương mở rộng điều tra làm rõ. (Dantri.com.vn 19/12, Đức Văn)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nhật Bản đưa ra chương trình cải cách thuế nhằm thúc đẩy 5G

Chương trình Đại cương sửa đổi thuế đã được Chính phủ Nhật Bản chính thức công bố vào ngày 12/12, dự kiến đưa ra Quốc hội nước này thông qua vào tháng 1/2020.

 Một trong những nội dung mà dư luận Nhật Bản quan tâm là ngành công nghiệp 5G Nhật Bản sẽ được hưởng những thuận lợi lớn từ chương trình cải cách thuế này.

 Đại cương sửa đổi chế độ thuế của liên minh cầm quyền sẽ định hướng cho dự luật sửa đổi chế độ thuế của Nhật Bản dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2020. Trong hoạt động kinh doanh, Đại cương sẽ thúc đẩy phát triển đối với các doanh nghiệp ứng dụng, phát triển dịch vụ 5G, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.

 Theo phản ánh của báo Nikkei, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp 5G, Đại cương sửa đổi chế độ thuế đề xuất miễn giảm thuế pháp nhân tới 15% tổng giá trị đầu tư vào ngành công nghiệp 5G như xây dựng các trạm phát sóng. Biện pháp thúc đẩy công nghiệp 5G chỉ giới hạn trong 2 năm kể từ năm tài khóa 2020. Ngoài ra, Đề cương đề xuất ưu tiên thuế đối với những doanh nghiệp lớn đầu tư vào các doanh nghiệp mới dưới dạng đầu tư mạo hiểm với quy mô vốn trên 100 triệu Yen (trên 20 tỷ đồng).

 Báo Kyodo tập hợp đánh giá liên quan đến Đại cương sửa đổi chế độ thuế. Ông Hiroaki Nakanishi, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản Keidanren nhận định, việc ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm sở hữu công nghệ tiên tiến là hình thức rất táo bạo. Ông Akio Mimura, Chủ tịch Phòng Thương mại Nhật Bản đánh giá, biện pháp thúc đẩy 5G bao gồm cả hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông kỳ vọng biện pháp này sẽ thúc đẩy triển khai các hình thức vạn vật hấp dẫn (IoT). Tuy nhiên, ông Kengo Sakurada, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Keizai Doyu, nhận xét, cần thiết phải xem xét lại lợi ích và gánh nặng của thế hệ tương lai, sớm thúc đẩy các cuộc thảo luận, bao gồm cả việc tăng thuế tiêu dùng lên 10%. (VTV.vn 19/12)Về đầu trang

Người Hàn Quốc giảm số giờ làm việc để cân bằng cuộc sống

Người dân Hàn Quốc đang ngày càng tìm đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống khi giới chức nước này ghi nhận gần một nửa người lao động đã giảm giờ làm việc.

 Cụ thể, 44% người dân Hàn Quốc cho rằng chuyện cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều quan trọng, nên họ quyết định giảm giờ làm. Đàn ông Hàn Quốc cũng dành nhiều thời gian cho gia đình, kéo dài thời gian nghỉ để chăm sóc con nhỏ hơn.

 Số liệu từ cơ quan thống kê Hàn Quốc cho thấy, người lao động đã giảm 10 tiếng làm ngoài giờ mỗi tuần trong năm nay. Nhiều doanh nghiệp cũng cắt giảm giờ làm chính, trung bình duy trì 54 tiếng mỗi tuần để người lao động có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình và các hoạt động giải trí. (VTV.vn 19/12)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More