Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 18-8-2020

Post date: 18/08/2020

Font size : A- A A+

CHÍNH SÁCH MỚI 1

  1. Quy định mới về thời điểm đánh giá chất lượng công chức hàng năm.. 1

CHỈ THỊ MỚI 2

  1. Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 10-14/8. 2

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 3

  1. Có thể kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sang năm 2021. 3
  2. Hàng loạt “ông lớn” chây ỳ chưa cổ phần hóa. 3
  3. Doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu để mở rộng hoạt động trong 3 năm tới, Thái Lan đứng thứ hai 3
  4. Đón nhà máy rời Trung Quốc: Ấn Độ tăng tốc trong cuộc đua với Việt Nam và Đông Nam Á.. 3

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 3

  1. Loại bỏ công chức, viên chức “cắp ô”?. 3
  2. Bao giờ hết kiêm nhiệm?. 3

QUẢN LÝ.. 3

  1. Ngăn chặn quan chức sai phạm bỏ trốn ra nước ngoài bằng cách nào?. 3
  2. HCM giảm 2.300 cán bộ không chuyên trách: Trách nhiệm tăng, công việc nhiều hơn 3

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 3

  1. Quảng Ninh: Xây dựng đô thị thông minh trong cách mạng công nghệ 4.0. 3
  2. Hà Tĩnh đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở để nâng hạng chỉ số PCI 3
  3. Kho bạc Lai Châu đứng trong top đầu về triển khai dịch vụ công trực tuyến. 3

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 3

  1. Giảm chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước gắn với mức giảm biên chế. 3
  2. 7 tháng, ngành Thuế thu mới đạt 53% dự toán. 3
  3. Bình Định: Gần 98% đơn vị sử dụng ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến. 3

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 3

  1. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật 2 Trung tướng và 6 Đại tá quân đội 3
  2. Cảnh cáo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Nguyễn Văn Quân. 3

THẾ GIỚI 3

  1. Quan tham Trung Quốc có hơn trăm người tình. 3
  2. Cơ quan thuế Canada tạm dừng dịch vụ trực tuyến sau vụ tấn công mạng. 3

CHÍNH SÁCH MỚI

Quy định mới về thời điểm đánh giá chất lượng công chức hàng năm

Theo Nghị định số 90 ngày 13/8/2020 của Chính phủ ban hành, việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có một số điểm mới. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/08/2020.

Theo đó, một trong số đó phải kể đến quy định mới về thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với công chức được thực hiện:

Đánh giá công chức chuyển công tác mà có thời gian làm ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên thì kết hợp với ý kiến nhận xét của cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ trừ trường hợp không còn cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ (hiện nay không đề cập đến không còn cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ);

Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng công chức được tiến hành trước ngày 15/12 hàng năm (hiện nay chỉ quy định tiến hành trong tháng 12 hàng năm);

Thực hiện đánh giá, xếp loại trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị (hiện nay đang quy định là trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm).

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung trường hợp nếu vắng mặt có lý do chính đáng hoặc nghỉ ốm, nghỉ chế độ thai sản tại thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng.

Khi đó, công chức có trách nhiệm làm báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại kết quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao, gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tấc để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng theo Nghị định này. (Baodansinh.vn 16/8, PV)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 10-14/8

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế; giảm tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi… là thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 10-14/8/2020.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế: Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 12/8/2020 nêu rõ: Bộ Y tế, UBND các tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế; phải trang bị đầy đủ, kịp thời phương tiện bảo hộ cho các lực lượng chống dịch, không để lây nhiễm chéo; không được phép vì lơ là chủ quan mà để dịch bệnh bùng phát, lây lan từ cơ sở y tế. Ngành y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn trực tuyến cho nhân viên y tế ở tất cả các cơ sở y tế, có quy trình chuẩn xử lý những ca nghi ngờ nhiễm COVID-19...

Giảm tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2020/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. Theo đó, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản suất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (người thuê đất).

Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ trong năm 2020 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam… Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 7 giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng Kế hoạch thực hiện EVFTA nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này.

Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi, nhất là đối với các hồ đập xung yếu trong khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất Mộc Châu, Sơn La vừa qua.

Giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo đông người: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ tăng cường theo dõi, đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc công dân tập trung khiếu kiện ở Trung ương. (Baochinhphu.vn 17/8)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Có thể kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sang năm 2021

Theo Bộ KH&ĐT, nếu dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách hỗ trợ kinh tế, doanh nghiệp sang năm 2021.

Đây là một trong những phương án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra tại cuộc họp thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát với diễn biến phức tạp .

Theo báo cáo của Bộ này, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Kéo theo là nhiều doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô… trong khi thu nhập, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, có tới 17,6 triệu người đã bị giảm thu nhập do dịch bệnh này. Thu nhập thấp kéo theo khó khăn trong việc kích thích tiêu dùng trong nước. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt thất nghiệp ở nhóm lao động từ 15-54 tuổi chiếm tới 30,7% tổng số thất nghiệp.

Theo Bộ KH&ĐT, các biện pháp phải hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa lao động. Đồng thời, cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ đề xuất nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021.

Trong đó, tiếp tục gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và tiền thuê đất đến hết năm 2020.

Bộ này cũng cho rằng cần gia hạn thời gian thực hiện các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước. Biện pháp này bao gồm cả kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi trong khoảng thời gian từ 23/1 đến hết năm 2020.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ hơn về các chính sách đã ban hành, kết quả đạt được, hạn chế và đánh giá hiệu quả từng gói hỗ trợ. Cùng với báo cáo này, Bộ sẽ đề xuất những chính sách mới, quy định cụ thể nguồn lực từ đâu, thời gian áp dụng, phương thức thực hiện…

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng cho rằng các bộ ngành cần có thống kê, đánh giá tình hình doanh nghiệp toàn để dựng bức tranh tổng thể thì mới đưa ra được các chính sách phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, cần xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh chính sách lần 2 này phải bao quát toàn diện đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, chính sách phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. “Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng khẳng định. (Zingnews.vn 17/8)Về đầu trang

Hàng loạt “ông lớn” chây ỳ chưa cổ phần hóa

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, đến hết tháng 7 năm nay, mới tiến hành cổ phần hóa được 37 doanh nghiệp, bằng 28% kế hoạch.  Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 5 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp.

Một trong số các nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa diễn ra chậm chạp là do các doanh nghiệp cần thời gian để kiểm kê tài sản, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý đất đai.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, MobiFone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 bùng phát cũng đã ảnh hưởng đến việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán. Đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân dẫn đến thoái vốn chậm là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. (VTV.vn 17/8)Về đầu trang

Doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu để mở rộng hoạt động trong 3 năm tới, Thái Lan đứng thứ hai

Theo một cuộc khảo sát của JETRO được trích dẫn trong báo cáo công bố ngày 30/7/2020, 41% công ty Nhật Bản đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong ba năm tới.

Báo cáo cho biết 36,3% người được hỏi đưa ra câu trả lời tương tự cho Thái Lan. 48,1% cho biết họ sẽ tiếp tục thúc đẩy kinh doanh tại Trung Quốc.

Báo cáo đánh giá: "Kể từ năm 2018, sự đối đầu gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thúc đẩy đầu tư của các công ty Nhật Bản vào ASEAN. Khoảng cách giữa lượng đầu tư vào ASEAN của Nhật Bản và Trung Quốc đã tăng lên 20,4 tỷ yên (191 triệu đô la) vào năm 2019 từ 10,2 tỷ yên vào năm 2017".

Báo hiệu về những động thái hướng tới việc tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu, một nhà sản xuất thép, kim loại màu và các bộ phận kim loại ở khu vực Tokyo cho biết họ đã chuyển một phần sản xuất ở Trung Quốc sang Thái Lan để xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Một nhà sản xuất thép và kim loại màu ở vùng Shikoku, miền tây Nhật Bản, lại thông báo họ đang có kế hoạch chuyển các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11 và tháng 12 năm 2019 với 9.975 công ty Nhật Bản, trong đó 3.562, tương đương 35,7%, đã trả lời là họ có quan tâm nhiều đến hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Trong khi đó, khoảng 80% các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài dự báo rằng doanh số bán hàng sẽ giảm vào năm 2020 so với năm trước do nhu cầu thu hẹp sau đại dịch coronavirus mới, theo báo cáo hàng năm. Tại châu Á, có 91,4% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Ấn Độ, 89,4% ở Malaysia, 88,4% ở Thái Lan, 85,3% ở Philippines và 84,4% ở Indonesia đã đưa ra dự báo như vậy.

Song, đại dịch cũng đã làm giảm đáng kể đầu tư của Nhật Bản vào thị trường châu Á. Trong 5 tháng đầu năm 2020, đầu tư của Nhật Bản vào Indonesia đã giảm 75% so với cùng kỳ năm trước, giảm 35,5% đối với toàn ASEAN. (Cafef.vn 17/8, H.S)Về đầu trang

Đón nhà máy rời Trung Quốc: Ấn Độ tăng tốc trong cuộc đua với Việt Nam và Đông Nam Á

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 3 đã công bố các biện pháp khuyến khích khiến khoảng hai chục công ty đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD để thành lập các nhà máy sản xuất điện thoại di động tại nước này.

Bên cạnh Samsung, những công ty thể hiện sự quan tâm là Foxconn, Wistron và Pegatron. Ấn Độ cũng đã mở rộng các ưu đãi tương tự cho các doanh nghiệp dược phẩm và có kế hoạch mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn, có thể bao gồm ô tô, dệt may, và chế biến thực phẩm.

Mặc dù các công ty đang tích cực tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và sự bùng phát virus coronavirus, Ấn Độ vẫn chưa đón được phần lớn lợi ích, mặc dù quốc gia này đã nới lỏng rất nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh. Việt Nam vẫn là điểm đến được ưa chuộng nhất, tiếp theo là Campuchia, Myanmar, Bangladesh và Thái Lan, theo khảo sát gần đây của Standard Chartered Plc.

Kaushik Das, Kinh tế trưởng khu vực Ấn Độ tại Deutsche Bank AG ở Mumbai cho biết: "Có cơ hội để Ấn Độ thu hút đầu tư vào chuỗi cung ứng trong nước trong trung hạn".

Chính phủ kỳ vọng chỉ riêng chương trình dành cho lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử có thể tạo ra lượng hàng hóa sản xuất trị giá 153 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và tạo ra khoảng một triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Theo các nhà phân tích dẫn đầu bởi Neelkanth Mishra tại Credit Suisse Group AG, điều này sẽ mang lại khoản đầu tư bổ sung 55 tỷ USD trong 5 năm, thêm 0,5% vào sản lượng kinh tế của Ấn Độ. Điều này có thể chuyển thêm 10% sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu sang Ấn Độ trong 5 năm, phần lớn từ Trung Quốc.

Điều đó sẽ hỗ trợ cho mục tiêu của Thủ tướng Modi là tăng tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế lên 25% từ khoảng 15% hiện tại như một phần của chương trình 'Make in India' của ông. Chính phủ Ấn Độ đã hạ thuế đối với các công ty xuống mức thấp nhất ở châu Á, tìm cách thu hút các khoản đầu tư mới.

Amish Shah, một nhà phân tích tại BofA Securities, cho biết trong một báo cáo cho khách hàng, kế hoạch khuyến khích liên kết đầu ra mới nhất là một "chiến thắng lớn cho Make in India". Ông nhận thấy tiềm năng từ công nghiệp, xi măng, dược phẩm, kim loại và hậu cần, với lợi ích gián tiếp dài hạn trên nhiều lĩnh vực. (Toquoc.vn 17/8, H.A)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Loại bỏ công chức, viên chức “cắp ô”?

Ngày 20.8 tới đây, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức chính thức có hiệu lực. Liệu những quy định của nghị định có thực sự loại bỏ được cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” hay không?

Thực tế cho thấy, bên cạnh những cán bộ, công chức, viên chức hết mình với công việc thì vẫn có những người hưởng lương nhưng làm việc chỉ cầm chừng. Công chức, viên chức làm việc kiểu “đánh trống ghi tên”, “hết ngày đầy công” không phải là trường hợp cá biệt. Điều đáng nói, dù biết là làm việc nửa vời, làm việc kiểu “chân ngoài dài hơn chân trong” nhưng để loại bỏ các trường hợp này ra khỏi bộ máy không phải là việc dễ dàng. Nguyên do là chúng ta thiếu công cụ đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Điều này làm cho công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bị rơi vào tình trạng “dĩ hòa vi quý”, “hòa cả làng”.

Tại diễn đàn Quốc hội, Kỳ họp thứ Tám, dẫn báo cáo của Bộ Nội vụ về tỷ lệ chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu chất vấn với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ như báo cáo của Bộ liệu có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không? Nếu đúng, theo đại biểu đây là điều “rất đáng mừng”. Còn nếu không đúng thì nguyên nhân có phải là do có sự nể nang dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá, phân loại công chức hay không?

Qua báo cáo từ 40 tỉnh, thành phố gửi về cho thấy, tỷ lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ của công chức khoảng 27,7%; hoàn thành tốt khoảng 67,3%; hoàn thành nhiệm vụ năng lực còn hạn chế 6,3% và không hoàn thành 0,63%. Tuy nhiên, trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thẳng thắn thừa nhận: Đánh giá và phân loại như thế này là chưa chính xác. Nguyên nhân, các địa phương chưa xây dựng được tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá còn chung chung…

Rõ ràng, khi chưa có tiêu chí cụ thể thì việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chung chung là điều khó tránh khỏi. Đó là chưa kể, trong cơ quan đơn vị, đều là chỗ quen biết, anh em, việc đánh giá duy tình, nể nang cũng là điều dễ hiểu. Nhất là khi chưa có một chế tài cho người đứng đầu nếu để xảy ra việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chung chung, cảm tính, thiếu khách quan.

Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chung chung cảm tính gây ra nhiều hệ lụy: Không khuyến khích được cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, tạo sức ỳ cho chính họ. Bởi lẽ, làm cũng được, chẳng làm cũng chẳng sao. Chính sự mù mờ trong quy định, cùng với sự cả nể trong nhận xét đánh giá của tập thể, của người đứng đầu đã dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức luôn “hoàn thành nhiệm vụ” nhưng thực ra hiệu quả công việc vẫn không “trôi”.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã kịp thời ban hành nghị định quy định cụ thể về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức viên chức. Theo đó, việc đánh giá, xếp loại chất lượng sẽ được căn cứ vào các tiêu chí về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc. Ngoài ra, căn cứ vào ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nghị định cũng quy định cụ thể các tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ theo 4 mức độ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong từng mức độ cũng áp dụng các tiêu chí khác nhau đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ được phân rõ công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý. Tương ứng với đó là các tiêu chí kèm theo rất cụ thể. Trong đó, công chức không giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo nhưng có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền; có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá thì bị xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ…

Việc nghị định cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá là công cụ pháp lý quan trọng đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác. Tránh tình trạng người đứng đầu đánh giá hình thức, nể nang, né tránh, hay trù dập, thiên vị cán bộ, công chức, viên chức. Và đương nhiên, căn cứ vào các tiêu chí này, người không làm được việc sẽ bị loại ra khỏi bộ máy. (Đại biểu nhân dân 17/8, Hà An)Về đầu trang

Bao giờ hết kiêm nhiệm?

Tính đến ngày 1.1.2020, cả nước có 8.546 cán bộ, công chức làm công tác pháp chế. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.173 người; các địa phương hiện có 80 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, có tổng số 2.242 người; ở khối doanh nghiệp nhà nước có 1.801 người làm công tác pháp chế.

Qua kết quả rà soát của Bộ Tư pháp cho thấy hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, đội ngũ cán bộ pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều được đào tạo chính quy, bài bản (gần 99% cán bộ, công chức làm nhiệm vụ xây dựng pháp luật có trình độ từ đại học trở lên). Tuy nhiên, đội ngũ người làm công tác pháp chế kiêm nhiệm tại các cơ quan, địa phương còn nhiều; thậm chí có nơi không thành lập được bộ phận pháp chế.

Trong bối cảnh cắt giảm biên chế, tận dụng lực lượng lao động hiện có, hàng năm Bộ Tư pháp đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức liên quan tới công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thi hành pháp luật cho cán bộ, công chức pháp chế bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp đã giao Trường Đại học Luật Hà Nội xây dựng riêng Chương trình Hệ văn bằng hai đại học chính quy cho đối tượng người làm công tác pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật. Vậy nhưng, vì rất nhiều lý do khác nhau, nên có rất ít người đăng ký dự tuyển. Do đó, phần nào đã ảnh hưởng đến việc chuẩn hóa chất lượng của đội ngũ người làm công tác pháp chế ở bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Thực tế đối với một người làm công tác kiêm nhiệm thì việc bố trí tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ là không đơn giản. Hơn nữa, có một thực tế mà chính Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng phải thẳng thắn thừa nhận là "có không ít lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến công tác pháp chế, mặc dù đây là đội ngũ làm công tác gác cổng cho hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.".

Theo dự báo, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tư pháp cũng chỉ mới dừng lại ở việc đưa ra các khuyến nghị, đề xuất các bộ, ngành, địa phương - thực chất là "mong muốn" các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn đến nguồn nhân lực cho công tác pháp chế; còn về tổng thể để giải quyết vấn đề này lại bị nghẽn bởi "số lượng biên chế không được tăng". Nghịch lý là vậy, chính vì thế câu chuyện nâng cao chất lượng văn bản hay bao giờ đội ngũ pháp chế hết kiêm nhiệm cũng còn dài.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tư pháp nên đổi mới hình thức tổ chức các lớp nâng cao, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật công tác xây dựng pháp luật bằng hình thức tập trung tại chỗ; hoặc trực tuyến. Có như vậy mới đáp ứng được mục tiêu nâng cao trình độ cho đội ngũ pháp chế lại không ảnh hưởng đến công việc mà họ đang kiêm nhiệm. Được biết, hiện Bộ đã xây dựng hoàn thiện chương trình đào tạo khung các lớp đào tạo văn bằng hai chuyên ngành luật cho đội ngũ người làm công tác pháp chế theo Quyết định số 290/QĐ-BTP ngày 6.2.2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 73/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện triển khai Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội. (Đại biểu nhân dân 17/8, Đình Khoa)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Ngăn chặn quan chức sai phạm bỏ trốn ra nước ngoài bằng cách nào?

Trong khi cả nước đang quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng thì trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng bộ Công Thương bỏ trốn và bị truy nã một lần nữa khiến dư luận băn khoăn về biện pháp ngăn chặn những cựu quan chức sai phạm.

Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn đang được thực hiện với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh việc cải tổ, hoàn thiện khung khổ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Nhà nước đã và đang thực thi nhiều biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng, tiêu biểu là việc đưa ra xét xử một số lượng lớn chưa từng có các vụ tham nhũng quy mô lớn.

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 10 bị can phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và vi phạm quy định về quản lý đất đai liên quan đến "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng quận 1, TP.HCM). Ngoài các bị can nguyên là lãnh đạo bộ Công Thương như Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng; Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng vụ Công nghiệp nhẹ và một số lãnh đạo UBND và sở, ngành TP.HCM, kết luận điều tra đã nêu vai trò của bị can Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng bộ Công Thương.

Tuy nhiên, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an cho biết, đến nay, bị can Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Hồ Thị Kim Thoa, khi nào bắt được bị can sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa một lần nữa khiến dư luận băn khoăn về biện pháp ngăn chặn những cựu quan chức sai phạm. Hiện tại, không ai biết bà Hồ Thị Kim Thoa đang lẩn trốn ở đâu và rất nhiều khả năng bị can này đã trốn ra nước ngoài. Trước đó, cũng có một số cựu quan chức sai phạm bỏ trốn ra nước ngoài mà cơ quan chức năng phải tốn rất nhiều công sức mới truy bắt được như Trịnh Xuân Thanh - Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang hoặc Dương Chí Dũng - Cựu Tổng giám đốc Vinaline... Vấn đề này tuy không mới nhưng vẫn luôn làm đau đầu các nhà làm luật cũng như các cơ quan tư pháp trong việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Nhìn từ vụ bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, dư luận đặt câu hỏi “Vì sao không ngăn chặn người sai phạm sớm hơn?”. Giải đáp thắc mắc này, luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: Quyền tự do đi lại, quyền ra nước ngoài là quyền hiến định của công dân được quy định trong Hiến pháp và chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết. Do đó, việc không cho xuất, nhập cảnh chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể, quy định tại Nghị định 136/2007.

Tại thời điểm xuất cảnh mà người này chưa phải là bị can, bị cáo... thì không thể cấm họ xuất cảnh. Tuy nhiên, một số quan chức có hành vi tham ô, tham nhũng đã nhìn trước được số phận của mình nên đã có những tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng cho tương lai, do vậy, chỉ cần có động thái nhỏ từ phía cơ quan chức năng, những người này ngay lập tức bỏ trốn đến vùng đất mới, trốn tránh sự truy lùng của cơ quan chức năng nước sở tại. Từ đó, luật sư Tiệp đề xuất, cần có quy định nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật về mặt chính quyền, bị kỷ luật về mặt Đảng thì không được xuất cảnh.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định đây là vấn đề nhức nhối diễn ra nhiều năm nay. Mặc dù đã có khung pháp lý quy định về nội dung này, song vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý. Trong khi quan chức tham nhũng luôn chuẩn bị trước phương án phòng thân, tẩu tán tài sản. Chỉ cần một động thái nhỏ từ cơ quan chức năng, nhiều bị can đã “cao chạy xa bay”.

Để hạn chế tình trạng này, đòi hỏi cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra khi xác minh, điều tra tội phạm cần phải tiến hành điều tra nhanh, gọn, hiệu quả; khi thấy có dấu hiệu tội phạm và có dấu hiệu bỏ trốn, cần thiết phải ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn như cấm đi khỏi nơi cư trú, hoặc cấm xuất cảnh.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Ngô Trung Kiên – Văn phòng Luật sư Gia Long (đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang) cũng đồng tình rằng đây là lỗ hổng trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Trong giai đoạn tiền tố tụng, khi đang trong quá trình xác minh tố giác, chưa có hình thức xử lý hình sự nào thì không được quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn như cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh...

Từ thực trạng này, luật sư Kiên kiến nghị: Nên sửa đổi một số quy định của pháp luật, cụ thể, trong giai đoạn tiền tố tụng, khi có tin báo, tin tố giác tội phạm, quá trình xác minh nguồn tin báo, đặc biệt là đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nếu thấy người bị tố cáo có dấu hiệu hoặc có điều kiện bỏ trốn, cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu. (Đời sống & Pháp luật 17/8, Tư Viễn)Về đầu trang

TP.HCM giảm 2.300 cán bộ không chuyên trách: Trách nhiệm tăng, công việc nhiều hơn

Với quy mô dân số lớn nhất cả nước, việc tinh giản bộ máy cán bộ không chuyên trách cấp phường, xã là vấn đề phức tạp ở TP.HCM. Sau khi HĐND TP này thông qua quyết định tại kỳ họp thứ 20 khóa IX, câu chuyện lại tiếp tục được người dân bàn luận trước khi đi vào đời sống.

Như trong buổi tiếp xúc với tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị 1 vào tối 4/8, cử tri Hoàng Thị Lợi của phường Bến Nghé (quận 1) đã có nhiều chia sẻ. Bằng kinh nghiệm thực tế hơn 10 năm công tác ở phường, bà Lợi cảm thấy lo lắng khi cắt giảm gần 2.300 cán bộ trong thời gian ngắn, mặc dù chủ trương của Trung ương là phải chấp hành.

Nữ cán bộ hưu trí này bộc bạch: “Tại TP.HCM, khối lượng công việc của cán bộ phường, đặc biệt với quận 1 là rất lớn. Lại càng nhiều áp lực hơn trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Sau khi cắt giảm, công việc sẽ dồn lên số cán bộ còn lại, dễ dẫn đến căng thẳng”. Thứ hai, với những người bị giảm biên chế, phương án thi công chức được đưa ra, “cũng là giải pháp nhưng chưa khả thi lắm”. Nếu đã tốt nghiệp đại học, có chứng chỉ ngoại ngữ và kiến thức nhất định thì sẽ không có gì khó khăn. Còn với một số cán bộ trên 40 tuổi, rất thạo việc nhưng khó đáp ứng tiêu chuẩn thi công chức, lãnh đạo cần quan tâm giải quyết đời sống cho họ.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM đang được áp dụng. Nên chăng Thành phố cũng cần thực hiện mô hình chính quyền đô thị như Hà Nội. Bởi lẽ, tính chất công việc của cán bộ cấp phường tại thành phố chắc chắn có sự khác biệt rất lớn so với cấp xã tại các tỉnh khác. “Mong lãnh đạo TP.HCM có kiến nghị với Trung ương để tìm ra giải pháp dựa vào tình hình thực tế. Không thể cào bằng giữa 1 phường ở đô thị lớn với 1 xã ở nông thôn về chính sách, chế độ. Tôi có em rể làm Chủ tịch hội Nông dân một xã tại tỉnh Hải Dương. Công việc của cậu ấy rất nhàn, phần lớn thời gian là đi nhậu. Còn cán bộ ở đây (phường Bến Nghé, quận 1 – PV) phải làm tối ngày sáng đêm không hết công việc”, bà Lợi băn khoăn.

Đánh giá rộng hơn, bà Lợi cho rằng, hình thức bộ máy Nhà nước đang có bất cập, “giống như hình tháp ngược, ở trên phình ra rất to nhưng phường, xã vốn đã nhỏ mà còn giảm biên chế”. Cách tổ chức quản lý hành chính như thế cần thay đổi. Vì tất cả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, văn bản pháp luật muốn ra đến dân để thực hiện, đều phải thông qua phường, xã. Đó là nơi gần dân nhất, hoạt động thực tế nhất. “Ở trên, một phòng ban có đến 5 – 7 người cùng phụ trách một lĩnh vực. Chứ ở phường, xã, một cán bộ phải làm nhiều công việc. Mà tất cả báo cáo ở trên muốn có, đều phải lấy từ phường, xã. Nên nếu không có thay đổi trong chính sách chế độ, chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ phường, xã. Như trước đây tại phường Bến Nghé, có một cán bộ sinh năm 1989, tốt nghiệp đại học chính quy và làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Nhưng khi có một nơi khác mời làm việc với mức lương gấp đôi, cậu ấy cũng dứt áo ra đi”, bà Lợi phân tích.

Giải đáp thắc mắc của cử tri, Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng khẳng định, việc sắp xếp cán bộ đang được tiến hành thận trọng để đảm bảo chất lượng công việc.“Đến nay, cả 10 phường của quận 1 đều được xếp loại 1 nên mỗi phường có số cán bộ không chuyên trách là 14 người, chuẩn bị sắp xếp vào 13 chức danh. Qua đó, có 23 cán bộ bị dôi dư, việc bố trí đang thực hiện để hợp tình hợp lý và đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ”, ông Dũng trả lời. So với quận 1, nhiều địa phương khác của Thành phố còn vất vả hơn.

Như tại xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh) có gần 170.000 dân với số cán bộ không chuyên trách là 56 người. Nếu áp dụng tinh giản, số cán bộ trong diện này chỉ còn 14 người, dôi dư 42 người. Tương tự, đội ngũ cán bộ của quận Bình Tân cũng bị ảnh hưởng lớn khi giảm từ 65 xuống còn 37 người. Với gần 800.000 nhân khẩu, trong đó phường Bình Hưng Hòa A có đến hơn 126.000 dân, sự cắt giảm này sẽ trở thành áp lực không nhỏ cho bộ máy hành chính.

Đại diện sở Nội vụ TP.HCM cho biết, dự kiến trong tháng Tám sẽ có hướng dẫn các quận, huyện triển khai tinh giản cán bộ không chuyên trách cấp phường, xã. Dù rất chia sẻ với việc cắt giảm sẽ tạo áp lực lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, nhưng quy định vẫn phải được thực hiện. Dân số là một trong những tiêu chí phân loại phường chứ không dựa vào đó mà tăng số lượng cán bộ không chuyên trách.

Còn về công tác chế độ chính sách cho hàng nghìn cán bộ dôi dư, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh rằng, lãnh đạo Thành phố rất quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, tìm kiếm công việc mới là trăn trở lớn không của riêng ai. Vì vậy, bên cạnh chế độ trợ cấp thôi việc theo Bộ luật Lao động, chính quyền TP.HCM cũng xin ý kiến và được các bộ ngành Trung ương cho phép vận dụng chính sách tinh giản biên chế, hỗ trợ thêm chế độ trợ cấp một lần đối với trường hợp dôi dư.

Theo đó, những trường hợp dôi dư được hỗ trợ thêm mỗi năm công tác trợ cấp bằng 1,5 tháng tiền lương theo trình độ chuyên môn tại thời điểm thôi việc. Dự kiến, TP.HCM dành khoảng 120 tỷ đồng để chi trả khoản chế độ trợ cấp này.“Nhìn chung, những người hoạt động không chuyên trách ở các phường tại TP.HCM có cường độ làm việc và đảm nhiệm khối lượng công việc không khác biệt so với cán bộ, công chức phường. Nhiều cán bộ dôi dư có trình độ cao, thậm chí là thạc sĩ. Nếu các quận huyện tổ chức thi tuyển công chức phường, các cán bộ không chuyên trách có nhiều cơ hội trở thành công chức. Tất nhiên, còn phụ thuộc nhiều vào năng lực, trình độ,... của mỗi người”, đại diện sở Nội vụ TP.HCM nhận xét. (Đời sống & Pháp luật 17/8, Thành Nhân)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Quảng Ninh: Xây dựng đô thị thông minh trong cách mạng công nghệ 4.0

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, với nhiều đột phá về cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính, trong đó, triển khai hiệu quả mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và cấp huyện.

Tỉnh Quảng Ninh xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc ứng dụng đô thị thông minh đem lại hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý đô thị. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh tập trung nghiên cứu xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh theo hướng tăng trưởng bền vững, khai thác hiệu quả các sản phẩm của Đề án chính quyền điện tử và Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh.

Đề án mô hình thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2016, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng phát triển kho tích hợp dữ liệu dùng chung trong tất cả các lĩnh vực; hình thành công cụ quản lý tất cả trong một nền tảng, các tiện ích cho người dùng. Qua đó, thúc đẩy đổi mới, thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch... Đề án hoạch định ra các giai đoạn hình thành, phát triển, xây dựng các dự án thành phần.

Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh tập trung xây dựng 32 nhiệm vụ, dự án, hình thành hệ thống trung tâm điều hành, cơ sở hạ tầng, nguồn lực cho thành phố thông minh. Phấn đấu đến cuối năm 2020, xây dựng thành phố Hạ Long cơ bản trở thành thành phố thông minh; đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành thành phố thông minh, hiện đại trong các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN.

Tháng 4/2019, xuất phát từ đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC đề xuất và giới thiệu demo Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh. Ngày 28/8/2019, Trung tâm Điều hành thành phố thông minh (đặt tại trụ sở UBND tỉnh, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long) vận hành hoạt động thử nghiệm để lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, đơn vị sử dụng và nhân dân, tiếp tục phát triển hoàn thiện.

Trung tâm có quy mô tích hợp đồng bộ nhất hiện nay tại Việt Nam, tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có, toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Ninh.

Trung tâm sẽ cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để người điều hành ra những quyết định sáng suốt, kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp…

Tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường… bằng thao tác bấm nút đơn giản trên thiết bị di động. Tính ưu việt của Trung tâm có thể theo dõi tất cả các vấn đề thông qua hệ thống camera và cảm biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…

Khi có sự cố hay cảnh báo, có thể quan sát từng camera kết nối trên bản đồ số. Các thông tin sẽ được tập hợp, phân tích vào các hoạt động quản lý từ một đầu mối điều hành duy nhất. Qua đó, có thể dự báo các vấn đề xảy ra, phản ứng trước các tình huống.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh là mô hình thể hiện sự tiên tiến, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn yêu cầu trong đổi mới quản lý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh là sẽ quyết tâm cao nhất để hoàn thành Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh. Đây là việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế đổi mới, phát triển của tỉnh và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các đơn vị quán triệt chỉ đạo của tỉnh về việc xây dựng thành phố thông minh đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, đơn vị và người dân để chuyển đổi nhận thức, chủ động làm quen với công nghệ sử dụng mô hình thành phố thông minh. Trong quá trình sử dụng, phát hiện, phản hồi thông tin, ý kiến để hiệu đính, hoàn thiện hệ thống. Thường xuyên đôn đốc các Sở, ban, ngành, địa phương, nhân dân cung cấp, tổng hợp dữ liệu dùng chung để phục vụ vận hành hiệu quả Trung tâm. (Baoxaydung.com.vn 16/8, Hải Nguyên – Đăng Hùng)Về đầu trang

Hà Tĩnh đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở để nâng hạng chỉ số PCI

Với kỳ vọng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp cơ sở để đẩy mạnh chất lượng môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính, Hà Tĩnh đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng và dự kiến triển khai bộ chỉ số DDCI trong tháng 8 này.

Thời gian qua, với các giải pháp đồng bộ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Tĩnh liên tục được cải thiện và luôn nằm trong nhóm khá của cả nước; là 1 trong 5 tỉnh cải thiện chất lượng điều hành nền kinh tế thay đổi mạnh mẽ nhất cả nước tính từ năm 2006 đến nay.

Để tiếp tục nâng hạng chỉ số PCI, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nhiều nguồn lực phát triển, việc nghiên cứu, áp dụng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và cấp huyện (DDCI) được đánh giá là việc làm cần thiết hiện nay.

“Trong DDCI, đối tượng đánh giá là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đang hoạt động SKKD, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh. Đối tượng được đánh giá dự kiến là 26 sở, ban, ngành và 13 UBND các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh.

Đối tượng đánh giá sẽ thể hiện vai trò giám sát về thái độ, chất lượng hành chính công của các sở, ngành, địa phương. Do vậy, DDCI đóng vai trò là một công cụ theo dõi, giám sát việc thực thi ở các cấp có liên quan, từ đó nâng cao hiệu quả điều hành của lãnh đạo tỉnh” - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển cho biết.

Theo đánh giá, chỉ số PCI cho thấy các điểm mạnh, điểm yếu, những cái được, chưa được trong năng lực điều hành và môi trường kinh doanh cấp tỉnh, nhưng chưa cụ thể hóa đến các sở, ngành, địa phương.

Thực tế cho thấy, trong các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện dễ nảy sinh tình trạng “giao khoán” trách nhiệm của một vài đơn vị chủ trì mà thiếu động lực cải cách cho toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước. Vì vậy, rất cần thiết phải “chuyển hóa” trách nhiệm từ tỉnh (PCI) sang các sở, ngành, địa phương cấp huyện (DDCI).

DDCI Hà Tĩnh dự kiến sẽ được xây dựng tương tự PCI, khoa học và có tính chất đánh giá độc lập cấp tỉnh, do đó sẽ phản ánh những khác biệt về năng lực điều hành kinh tế của cấp sở, ban, ngành và cấp huyện.

Sau khi nghiên cứu các chỉ tiêu của Bộ chỉ số PCI, rà soát các mô hình đánh giá DDCI của các tỉnh, trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương, tỉnh đang nghiên cứu lựa chọn bộ chỉ số DDCI với 8 chỉ số thành phần cho khối sở, ban, ngành gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và hiệu lực; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; vai trò của người đứng đầu.

Đối với khối cấp huyện, ngoài 8 chỉ số trên, bổ sung thêm chỉ số tiếp cận đất đai. “Mỗi chỉ số thành phần đều được quy ra các điểm số có sự tương đồng để so sánh giữa các cấp sở, ngành và địa phương trong lĩnh vực liên quan. Bộ công cụ này đảm bảo phản ánh trung thực, khách quan, mang lại độ tin cậy cao và thúc đẩy sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ngành, địa phương” - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển cho biết. (Baohatinh.vn 16/8)Về đầu trang

Kho bạc Lai Châu đứng trong top đầu về triển khai dịch vụ công trực tuyến

Bằng sự nỗ lực và quyết tâm, Kho bạc Nhà nước Lai Châu đã triển khai rất tốt dịch vụ công trực tuyến đến các đơn vị sử dụng ngân sách. Hiện đơn vị đã lọt vào top đầu trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước về việc triển khai này.

Đến hết tháng 7 vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu đã có 831 đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) đăng ký thành công và thực hiện thanh toán qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt tỷ lệ 98,8% trên tổng số đơn vị SDNS trên địa bàn (841 đơn vị). Gần 31 nghìn hồ sơ, chứng từ (chiếm trên 80% tổng số hồ sơ, chứng từ thanh toán gửi đến kho bạc) giao dịch thành công trên hệ thống DVCTT. Kết quả này đã đưa KBNN Lai Châu đứng vào hàng các đơn vị dẫn đầu trong toàn hệ thống KBNN về việc triển khai tốt DVCTT đến các đơn vị SDNS.

Chị Khổng Minh Thư - Kế toán, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu phấn khởi chia sẻ: “Với người làm kế toán như tôi thấy rất tiện lợi khi thực hiện giao dịch trên DVCTT, không phải  mang hồ sơ sang kho bạc nữa nên tôi có thời gian để nâng cao nghiệp vụ hơn” - chị Thư cho biết.

Theo chị Thư, DVCTT đã giúp đơn vị của chị tiết kiệm được nhiều chi phí. “Trước đây đơn vị có hỗ trợ cho bộ phận kế toán chế độ xăng xe đi lại 300 nghìn đồng mỗi tháng, nhưng từ khi thực hiện DVCTT, tôi đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị không hỗ trợ khoản đó nữa. Kinh phí tiết kiệm không nhiều những cũng đỡ được cho đơn vị một khoản chi tiêu trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch bệnh này” - chị Thư nói.

Đặc biệt chị Thư cho biết, từ khi thực hiện giao dịch với kho bạc qua DVCTT, đơn vị của chị cũng tiết kiệm được kinh phí in ấn. Nếu như trước đây, với mỗi khoản chi, đơn vị của chị sẽ phải in rất nhiều giấy tờ, chứng từ để mang ra kho bạc, nhưng bây giờ chỉ cần in 1 bản lưu tại đơn vị và scan gửi sang kho bạc. Đồng thời, DVCTT đã giúp chị không phải tiếp xúc với nhiều người vì có thể ngồi tại nhà cũng đẩy được chứng từ lên DVCTT.

Chị Bùi Thị Khánh Phương - Phó Chánh văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cũng có đánh giá rất tốt về DVCTT. Đều chị Phương thích nhất ở DVCTT là giúp đơn vị SDNS theo dõi kịp thời, chính xác tình trạng hồ sơ gửi đến kho bạc đang được xử lý ở khâu nào nên tình trạng cán bộ kế toán lấy lý do sang kho bạc gửi hồ sơ, chứng từ sẽ không còn, giúp đơn vị quản lý nhân sự hiệu quả hơn…

Có thể thấy, DVCTT đang ngày càng phát huy tác dụng, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Theo đó, số lượng chứng từ giao dịch bằng phương thức mới này cũng tăng cao hơn. Cho đến thời điểm này, đã có gần 31 nghìn chứng từ giao dịch thành công trên DVCTT của KBNN Lai Châu.

Để phát huy những thành quả đạt được trong triển khai DVCTT thời gian qua, Giám đốc KBNN Lai Châu cho biết, đơn vị đang tích cực tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp nhằm thúc đẩy lộ trình tham gia DVCTT của các đơn vị SDNS trên địa bàn. “Phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% đơn vị SDNS tham gia DVCTT trước thời hạn 30/11/2020 theo văn bản chỉ đạo của tỉnh, đây cũng là bước tiến quan trọng hướng đến kho bạc điện tử vào cuối năm 2020” - ông Phong nhấn mạnh. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 15/8, Vân Hà)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Giảm chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước gắn với mức giảm biên chế

Năm 2021, thực hiện giảm chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách và giảm thêm tối thiểu 5% - 10% so với dự toán năm 2020 chi hỗ trợ từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu tăng theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công, tăng giá học phí theo quy định của pháp luật...

Đó là một trong những nội dung được hướng dẫn tại Thông tư số 71/2020/TT-BTC ngày 30/7/2020 của Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2021-2023.

Theo đó, xây dựng dự toán chi NSNN năm 2021 yêu cầu triệt để tiết kiệm, đúng tính chất nguồn kinh phí, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị quan trọng...; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, tiếp tục thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo...

Để bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 18, số 19, Thông tư cũng đã hướng dẫn các bộ ngành xác định tỷ lệ tinh giản biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách là phần còn lại để đảm bảo thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết hoặc theo mức tối thiểu quy định tại Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị (trừ trường hợp có quyết định giao biên chế hoặc Đề án tinh giản biên chế được cấp thẩm quyền phê duyệt).

Trên cơ sở đó tính giảm chi bộ máy, chi hoạt động. Dự toán chi hoạt động năm 2021 của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể xây dựng gắn với mục tiêu sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó, thực hiện kiêm nhiệm chức danh, sáp nhập các xã chưa đạt chuẩn... Thực hiện tinh giản biên chế năm 2021 theo quyết định giao biên chế của cấp thẩm quyền hoặc theo Đề án tinh giản biên chế được duyệt (nếu có), hoặc là phần còn phải giảm để đảm bảo thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế cả giai đoạn đến năm 2021 hoặc mức giảm biên chế tối thiểu hằng năm.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2021, mức tinh giảm biên chế hưởng lương từ NSNN các lĩnh vực sự nghiệp thực hiện theo quyết định giao biên chế của cấp thẩm quyền hoặc theo Đề án tinh giản biên chế được duyệt (nếu có). Đối với các trường hợp chưa có quyết định giao biên chế/Đề án tinh giản biên chế được phê duyệt cho năm 2021, thì tính trên cơ sở số biên chế còn phải giảm để đảm bảo thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế hưởng lương từ NSNN cả giai đoạn đến năm 2021 hoặc mục tiêu giảm biên chế hưởng lương từ NSNN tối thiểu hằng năm. (Tapchitaichinh.vn 17/8)Về đầu trang

7 tháng, ngành Thuế thu mới đạt 53% dự toán

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 7, luỹ kế số thu ngân sách nội địa chỉ đạt 53% dự toán và bằng 91% so với cùng kì. Đây là mức thu đạt thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua và sụt giảm lớn từ quý 2.

Theo Tổng cục Thuế, qua theo dõi số thu ngân sách các tháng và quý 2, sự phục hồi về thu ngân sách còn chậm. Do vậy, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng các Cục thuế tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 11/2020/CT-TTg ngày 4/3/2020. (Đại đoàn kết 17/8)Về đầu trang

Bình Định: Gần 98% đơn vị sử dụng ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến

Thông tin từ Kho bạc Nhà nước Bình Định cho biết, đến nay trên địa bàn có 1.299 đơn vị đã tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đạt 97,59% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng phải tham gia dịch vụ công trực tuyến.

Trong đó, có 6 đơn vị kho bạc có số đối tượng tham gia đạt tỷ lệ 100% là KBNN tỉnh và các KBNN trực thuộc tại các huyện: Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh và thị xã An Nhơn. KBNN Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu đến 31/12/2020, 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tham gia vào dịch vụ công trực tuyến.

Ông Nguyễn Phúc Hùng - Phó Giám đốc KBNN Bình Định cho biết, những chuyển đổi của hệ thống KBNN trong thời gian qua hướng tới mục tiêu phát triển KBNN hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn để phục vụ tốt cho khách hàng. Nhờ đó, đơn vị đã tổ chức tốt công tác giao dịch, giải quyết nhanh chóng không để chậm trễ, tồn đọng, ách tắc, chứng từ tại KBNN.

Ông Hùng cho biết, từ 1/7/2020, KBNN Bình Định triển khai mô hình giao dịch viên chuyên sâu. Theo đó, công tác kiểm soát, thanh toán đối với các khoản chi đầu tư phát triển do Phòng Kiểm soát chi thực hiện. Công tác kiểm soát, thanh toán đối với các khoản chi thường xuyên do Phòng Kế toán nhà nước thực hiện toàn bộ.

Ông Nguyễn Phúc Hùng cho biết, mô hình này cho phép nhân viên tiếp nhận và giải quyết thủ tục toàn bộ, không thực hiện luân chuyển, bàn giao chứng từ giữa các phòng như trước đây nữa. Người xử lý công việc tập trung có chuyên môn vừa sâu vừa rộng, giỏi nghiệp vụ, đảm bảo chính xác, rút ngắn thời gian xử lý, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng.

Nhờ sự hỗ trợ của các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến do ngành KBNN thiết lập, mô hình giao dịch mới khiến quy trình tiếp nhận hồ sơ trở nên gọn gàng, đơn giản; khách hàng chỉ làm việc với một nhân viên trong suốt thời gian giao dịch. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 17/8, Văn Tuấn) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật 2 Trung tướng và 6 Đại tá quân đội

Từ ngày 11 đến 13/8/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ 47 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét đề nghị thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và nhận thấy nhiều cá nhân đã vi phạm.

Cụ thể: Trung tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4; Trung tướng Trần Xuân Ninh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4; Đại tá Mai Văn Hào, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 và Đại tá Phan Văn Tiên, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần Quân đoàn 4 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

Đại tá Nguyễn Xuân Đông, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ; Đại tá Phạm Bảo, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch và Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Binh đoàn 15 đã có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai tại đơn vị.

Đại tá Nguyễn Văn Giang, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Hệ trưởng Hệ 5, Học viện Quân y đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng Ký túc xá của Nhà trường.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Trung tướng Trần Xuân Ninh, Đại tá Mai Văn Hào, Đại tá Phan Văn Tiên và Đại tá Nguyễn Văn Giang; khiển trách Đại tá Nguyễn Xuân Đông, Đại tá Phạm Bảo và Đại tá Nguyễn Tuấn Anh. (VOV.vn 17/8, PV)Về đầu trang

Cảnh cáo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Nguyễn Văn Quân

Từ ngày 11 đến 13/8/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ 47 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét đề nghị của Tỉnh ủy Gia Lai về thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai, UBKT Trung ương nhận thấy:

Trong thời gian giữ cương vị Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Văn Quân đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo giải quyết vụ án hình sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây khó khăn, kéo dài đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân ông Quân.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Quân.

Ông Nguyễn Văn Quân, 54 tuổi, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai trước đó đã bị đề nghị cách tất cả chức vụ trong Đảng vì vi phạm vì vi phạm trong tố tụng hình sự khi giữ chức Viện trưởng VKSND tỉnh.

Ông Quân quê Bình Định, từng là cán bộ ở VKS tỉnh Gia Lai; năm 2012 làm Viện phó, hai năm sau lên Viện trưởng. Cuối năm 2015, ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy. (VOV.vn 17/8, PV)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Quan tham Trung Quốc có hơn trăm người tình

Theo Tân Hoa xã, Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin), đã bị Tòa án thành phố Thiên Tân đưa ra xét xử về các tội tham ô, nhận hối lộ và trùng hôn.

Số tiền Lại Tiểu Dân nhận hối lộ lên tới gần 1,8 tỷ Nhân dân Tệ (NDT, tức 6.300 tỷ VND). Với số tiền nhận hối lộ khổng lồ, lập kỷ lục về các quan chức tham nhũng của Trung Quốc xưa nay, một số nhà phân tích cho rằng ông ta có thể phải đối mặt với án tử hình.

Theo bản cáo trạng đã được tòa án làm rõ, từ năm 2008 đến 2018, Lại Tiểu Dân đã trực tiếp hoặc thông qua người khác đòi hỏi, nhận trái phép tài sản do các đơn vị, cá nhân liên quan đưa hối lộ, tương đương hơn 1,788 tỷ NDT. Ngoài ra, ông ta còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để cùng người khác chiếm đoạt trái phép công quỹ tổng cộng 25,13 triệu NDT. Tại tòa, Lại Tiểu Dân đã cúi đầu nhận tội và bày tỏ không chống án, nhưng mức án chưa được công bố.

Ngày 14/8, trang web của Ủy ban Giám sát Nhà nước - Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết tính đến thời điểm hiện tại, gần 1,7 tỷ NDT tài sản liên quan đến vụ án Lại Tiểu Dân đã được thu hồi và số tiền còn lại đang dần được thu hồi trong các vụ án khác liên quan.

Hồi tháng 1/2020, bộ phim truyền hình “Quốc gia giám sát” chiếu trên CCTV đã tiết lộ tình tiết trong quá trình điều tra và xử lý vụ án Lại Tiểu Dân: ông ta đã mua riêng một ngôi nhà ở một khu phố ở Bắc Kinh chỉ để cất giấu số tiền vơ vét được. Trong nhà xếp nhiều tủ sắt, bên trong cất giữ hơn 200 triệu NDT tiền mặt. Để trốn tránh việc điều tra, Lại yêu cầu người đưa hối lộ giao tiền mặt, sau khi nhận tiền ông ta tự lái xe đến ngôi nhà này và cất vào tủ sắt. Lại và một số người thân cận đã dùng tiếng lóng về ngôi nhà này, gọi nó là “siêu thị”.

Trước đó, báo điện tử Tài Tân ngày 10/8/2019 đã tiết lộ thông tin “động trời”: các nhân viên điều tra khi khám xét ngôi nhà của Lại Tiểu Dân đã thu được số tiền mặt gồm Nhân dân tệ và ngoại tệ tổng trị giá 270 triệu tệ (945 tỷ VND). Số tiền mặt này nặng tới 3 tấn, khi xếp lại thì chiếm thể tích tới hơn 3 mét khối. Tuy nhiên theo Tài Tân, số tiền mặt này chỉ là “phần nổi của tảng băng” so với tổng số tiền mà Lại Tiểu Dân vơ vét được trong vụ án tham nhũng này.

Không phải tất cả số tài sản tham nhũng khổng lồ của Lại Tiểu Dân đều được giấu trong ngôi nhà nói trên. Các tài sản vơ vét được của Lại rất phong phú, đa dạng. Ngoài tiền mặt, còn bao gồm một số lượng lớn bất động sản, cổ phiếu, thư pháp và tranh cổ có giá trị, siêu xe cao cấp (bao gồm Bentley, Mercedes-Benz, xe Alpha, tất cả những chiếc xe hơi sang trọng giá triệu đô trong một gara ngầm đều là của Lại); ngoài ra còn có các sản phẩm bằng vàng, đồng hồ nổi tiếng, đồ trang sức bằng ngọc, thẻ mua hàng.v.v. nhiều ngôi nhà và chỗ đậu xe ở Bắc Kinh, Chu Hải, Hải Nam.

Lại Tiểu Dân còn phạm tội trùng hôn. Mạng Tài Tân trước đây đã viết rằng ông ta có “ba thứ hơn một trăm”: hơn một trăm căn nhà, quan hệ móc ngoặc với hơn một trăm người và hơn một trăm tình nhân. Trong số các người tình có mấy chục ả ở trong nội bộ tập đoàn Hoa Dung và có cả mấy sao nữ nổi tiếng làng giải trí. Lại Tiểu Dân có lối sống tha hóa. Ông ta tìm cách bỏ bà vợ nguyên là tổng giám đốc bộ phận quản lý bán hàng của Ngân hàng Quang Đại; có nhiều người tình và một cặp con trai sinh đôi với một cô người tình ở Hongkong.

Theo những người nắm rõ vấn đề, Hoa Dung tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn ở hải ngoại như Mỹ, Châu Âu, Hong Kong, Macao và Đài Loan, nhưng thực chất là thủ đoạn sắp xếp để các tình nhân của Lại Tiểu Dân những người có quan hệ thân thiết với ông ta đi ăn chơi và du ngoạn.

Lại Tiểu Dân sinh 1962, quê Giang Tây, đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa 12; có lai lịch không mấy phức tạp, suốt nửa đầu sự nghiệp đều công tác trong cơ quan giám sát quản lý. Năm 1983 về làm việc tại Ngân hàng Nhân dân trung ương, lần lượt giữ các chức vụ cấp phòng, vụ, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban giám sát quản lý ngân hàng; năm 2009 được điều chuyển sang làm Bí thư, Chủ tịch Công ty Hữu hạn cổ phần quản lý tài sản Hoa Dung (China Huarong Asset Management Co., Ltd.) – một công ty tài chính quốc doanh được Bộ Tài chính và Tập đoàn Bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc thành lập năm 1999.

Hoa Dung là một trong bốn công ty quản lý tài sản tài chính lớn nhất ở Trung Quốc đại lục. 9 năm Lại Tiểu Dân nắm giữ Hoa Dung đã khiến tập đoàn này phát triển đến chóng mặt. Năm 2017, Hoa Dung thu mua tài sản 352,3 tỷ tệ, tăng 27,65%, 3 năm thu mua tài sản 1.000 tỷ tệ. Năm 2017 Hoa Dung lãi ròng 26,6 tỷ tệ, tăng 15,1% so với 2016. Đến cuối 2017, tổng tài sản của tập đoàn có 1.870 tỷ tệ, tăng 32,5% so với 2016.

Trong số 74 vụ án tham những lớn trước Lại Tiểu Dân, quan chức chính phủ tham nhũng số tiền nhiều nhất là Trương Trung Sinh, cựu Phó thị trưởng thành phố Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây với số tiền là 1,134 tỷ NDT. Vào tháng 5/2019, Tòa án cấp cao tỉnh Sơn Tây đã giữ nguyên bản án tử hình của ông này trong phiên tòa phúc thẩm. Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Lý Yến Minh đã phân tích và so sánh số tiền tham nhũng của các quan tham và mức án phải nhận trong ba năm qua. Lại Tiểu Dân tham nhũng gần 1,8 tỷ NDT, nhiều nhất xưa nay, lớn hơn mức của Trương Trung Sinh. Trương Trung Sinh đã bị tử hình mà không được hoãn thi hành. Vì vậy, hình phạt giành cho Lại Tiểu Dân cần phải nặng hơn, có thể bị thi hành án tử hình ngay lập tức, ít nhất cũng phải nhận án tử hình không được hoãn thi hành, nếu không sẽ khó thuyết phục dư luận. (PhapluatPlus.vn 17/8, Thu Thủy)Về đầu trang

Cơ quan thuế Canada tạm dừng dịch vụ trực tuyến sau vụ tấn công mạng

Cơ quan thuế vụ Canada (CRA) đã quyết định tạm dừng dịch vụ trực truyến sau khi tin tặc thông qua hai vụ tấn công mạng đã sử dụng hàng nghìn tên tài khoản và mật khẩu đánh cắp được để tiếp cận các dịch vụ của chính phủ và gây tổn thất đối với thông tin cá nhân của người dân.

Quyết định tạm dừng dịch vụ trực tuyến được CRA đưa ra ở thời điểm nhiều doanh nghiệp và người dân đang sử dụng website của CRA để nộp đơn và tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính liên quan đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Một quan chức cao cấp cho biết Ottawa hy vọng sẽ khôi phục việc tiếp cận dịch vụ trực tuyến đối với các doanh nghiệp trong ngày 17/8.

Các tài khoản bị tấn công có liên quan đến dịch vụ GCKey được khoảng 30 cơ quan liên bang sử dụng, cho phép người dân tiếp cận các dịch vụ khác nhau như nộp đơn xin bảo hiểm việc làm, phúc lợi cựu chiến binh và xin nhập cư.

Chính phủ Canada khuyến cáo người dân nên sử dụng mật khẩu khác nhau đối với các tài khoản trực tuyến và cần giám sát các tài khoản này.

Trung tâm chống gian lận Canada cho biết hơn 13.000 người dân nước này là nạn nhân của tình trạng gian lận tổng thiệt hại lên tới 51 triệu đôla Canada (hơn 38 triệu USD) trong năm 2020.

Đáng chú ý, có 1.729 nạn nhân của các hành vi gian lận liên quan đến COVID-19, với thiệt hại lên tới 5,55 triệu đôla Canada. (TTXVN 17/8)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More