Vai trò truyền thông đối với sự phát triển bền vững kinh tế biển ở Quảng Bình

Post date: 04/08/2023

Font size : A- A A+

Trong sự phát triển của một quốc gia có biển nói chung, bên cạnh việc tạo không gian sinh tồn, hình thành văn hóa, thiết lập quan hệ giao thương, biển đảo còn giữ vai trò xác lập chủ quyền và an ninh quốc phòng trên biển. Là tỉnh ven biển miền Trung có đường bờ biển dài trên 116km, với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, Quảng Bình hội tụ đầy đủ các tiềm năng để phát triển kinh tế biển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Bình vươn lên trở thành tỉnh mạnh về biển.

Tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài 116,04 km, ngư trường rộng lớn, phong phú về loài và vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản khá lớn. Với hệ thống bãi tắm, điểm nghỉ dưỡng và giải trí kỳ thú như biển Nhật Lệ, Bảo Ninh, bãi tắm Đá Nhảy, di tích Bàu Tró, khu du lịch cao cấp Sunspa resort, quần thể di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng... thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, điều đó cho phép Quảng Bình phát triển nền kinh tế tổng hợp vùng ven biển. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để Quảng Bình vươn lên trở thành tỉnh mạnh về biển, sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của cả nước trong thế kỷ của “biển và đại dương”.

Sau gần 5 năm triển khai thực Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh, công tác thông tin tuyên truyền về phát triển bền vững kinh tế biển ở Quảng Bình luôn được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Lực lượng tham gia làm công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại ngày càng đa dạng, trong đó đã phát huy vai trò, hiệu quả của lực lượng báo chí và các sản phẩm mang tính chất báo chí. Tính đến tháng 5 năm 2023, Quảng Bình có 04 cơ quan báo chí trong tỉnh; 21 Bản tin của các Huyện ủy, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh; 41 Trang Thông tin điện tử tổng hợp; 8 Trung tâm Văn hóa, thể thao và Truyền thông cấp huyện; 145 Đài Truyền thanh cấp xã. Ngoài ra, có 80 phóng viên của 63 cơ quan báo chí Trung ương, báo ngành hoạt động trên địa bàn, trong đó có nhiều cơ quan báo chí có ấn phẩm truyền thông đối ngoại hoặc chuyên trang xuất bản bằng tiếng nước ngoài. Phương thức tuyên truyền, thông tin đối ngoại ngày càng đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại thông qua ngoại giao, các cơ quan báo chí được chú trọng. Những năm qua, tỉnh Quảng Bình luôn tạo điều kiện để các đoàn làm phim, phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình nước ngoài đến hoạt động tại Quảng Bình để thực hiện các phóng sự về công tác phát triển, bảo vệ rừng; giới thiệu, quảng bá du lịch Quảng Bình, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và hang Sơn Đoòng; giới thiệu về cảnh quan, tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của tỉnh Quảng Bình. Trong năm 2022, tỉnh Quảng Bình đã cho phép 07 đoàn phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình nước ngoài đến hoạt động. Các bài viết của phóng viên cơ quan báo chí nước ngoài đã được nhiều trang tin, báo chí thế giới dẫn lại. Qua đó, hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình ngày càng được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến.

Nội dung tuyên truyền ngày càng được đổi mới. Thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, tiềm năng hợp tác và phát triển, về con người, truyền thống lịch sử, văn hóa Quảng Bình, chính sách đối ngoại của tỉnh đối với bạn bè quốc tế và khu vực; tăng cường thông tin về kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch Quảng Bình. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền phát triển năng lượng điện gió, với bờ biển hơn 116km, đây là tiềm năng lớn để Quảng Bình phát triển điện gió ngoài khơi như một ngành công nghiệp mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại về phát triển bền vững kinh tế biển ở Quảng Bình vẫn còn những hạn chế, bất cập, đó là: Tần suất tuyên truyền chưa nhiều, có lúc thường xuyên; nội dung, cách thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú, thiếu các sản phẩm truyền thông hấp dẫn, chất lượng; các kênh truyền thông chưa đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng công chúng, việc tận dụng các phương tiện truyền thông mới còn hạn chế; công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết đối với công tác tuyên truyền chưa thương xuyên.

Với mục tiêu đến năm 2030, đưa kinh tế biển tỉnh Quảng Bình cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 15-20% GRDP; đẩy mạnh phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch biển là động lực tăng trưởng chính. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra, cần chú trọng lựa chọn nội dung và đổi mới phương pháp tuyên truyền, trong đó cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm để tuyên truyền, xác định đây là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong các nội dung tuyên truyền, trước hết phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2021 - 2025, gắn với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền 5 chủ trương lớn; 3 khâu đột phá được Hội nghị Trung ương 8 khóa XII xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; 6 nội dung và các giải pháp trong Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và của tỉnh về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Trong tuyên truyền cần xác định làm rõ những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức trong phát triển kinh tế biển, đảo; khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp trên biển thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và trong nước; chú trọng giới thiệu những thành tựu phát triển kinh tế biển của địa phương; vai trò của các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển kinh tế biển, đảo; về tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển Quảng Bình.

Thứ hai, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới hình thức tuyên truyền. Thông qua các hình thức như: tuyên truyền miệng; tài liệu, các xuất bản phẩm và cổ động trực quan; phát huy các phương tiện truyền thông chính thống và truyền thông xã hội trong tuyên truyền. Các cơ quan báo chí trong tỉnh cần duy trì các chuyên trang, chuyên mục như: Phát triển kinh tế biển, Quốc phòng toàn dân, Biên phòng toàn dân... trong đó chú trọng những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế biển, chủ quyền biển đảo, quảng bá du lịch biển, nhằm cung cấp, cập nhật thông tin, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển tỉnh Quảng Bình đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và bạn bè trong nước, quốc tế.

Thứ ba, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực làm công tác truyền thông có chất lượng cao, nền tảng công nghệ báo chí truyền thông mới phục vụ công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại đáp ứng yêu cầu mới. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi lực lượng làm công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại phải đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn. Do đó, cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại cho cán bộ chuyên trách và các lực lượng làm công tác truyền thông. Trước hết cần bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, diễn thuyết cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền các cấp.

Thứ tư, cần có chiến lược xây dựng, tuyên truyền quảng bá hình ảnh, thương hiệu của tỉnh Quảng Bình đối với bạn bè quốc tế. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan đơn vị cần ý thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu của địa phương. Bởi lẽ, thương hiệu địa phương không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho chính quyền, mà còn tạo ra những hiệu ứng tốt về hiệu quả đầu tư và thị trường từ bên ngoài, kích thích những nội lực bên trong. Cùng với công tác tuyên truyền, cần tăng cường công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc xuyên tạc về hình ảnh Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng trên internet và mạng xã hội.

Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như vấn đề an ninh quốc gia và của mỗi địa phương. Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh tính đúng đắn vai trò của biển đối với sự phát triển của mỗi quốc gia ven biển. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy “vươn ra biển là thịnh vượng”. Trải qua các thời kỳ lịch sử, biển đảo của tỉnh Quảng Bình luôn góp phần giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và quá trình xây dựng đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế biển đang trở thành động lực phát triển của tỉnh Quảng Bình. Với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, vùng biển của tỉnh Quảng Bình có vị trí chiến lược quan trọng đối với sự phát triển kinh tế biển tổng thể của quốc gia. Vùng biển của tỉnh Quảng Bình là một mắt xích quan trọng trong tuyến hàng hải thông thương nội địa chủ yếu trong toàn quốc, khu vực và quốc tế. Chính vì thế, việc quan tâm đến công tác tuyên truyền, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh Quảng Bình là tất yếu, xuất phát từ yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với biển đảo và vùng trời của Tổ quốc.

                                                                                                Hoàng Thanh Hiến

More