Quản lý phát thanh, truyền hình ở địa phương cần phải có sự đồng bộ

Post date: 16/12/2014

Font size : A- A A+
(Website Sở TT&TT Quảng Bình) - Những năm qua, hệ thống phát thanh, truyền hình trong toàn quốc có sự phát triển nhanh cả về nội dung, chất lượng chương trình, hạ tầng kỹ thuật và phương thức truyền dẫn, phát sóng. 

Những năm qua, hệ thống phát thanh, truyền hình trong toàn quốc có sự phát triển nhanh cả về nội dung, chất lượng chương trình, hạ tầng kỹ thuật và phương thức truyền dẫn, phát sóng. Các loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình công nghệ hiện đại ngày càng phong phú, đa dạng: truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình qua internet và điện thoại di động. Sự phát triển, hội tụ của công nghệ truyền hình, công nghệ viễn thông từng bước khẳng định vai trò, vị trí quan trọng,  tiềm năng của lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Song, bên cạnh mặt tích cực, thì sự phát triển nhanh, mạnh của hệ thống phát thanh, truyền hình đang đặt ra những thách thức trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là đối với các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương.

Cùng với cả nước, hệ thống phát thanh, truyền hình tỉnh Quảng Bình ngày càng được mở rộng và phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 01 Đài phát thanh và truyền hình cấp tỉnh, 02 công ty dịch vụ truyền hình cáp, 07 đài truyền thanh-truyền hình huyện, thành phố, 280 trạm truyền thanh qui mô xã, phường, thị trấn và gần 50 trạm phát lại truyền hình công suất vừa và nhỏ đang hoạt động. Dịch vụ truyền hình qua giao thức Internet ( My T.V ) do VNPT Quảng Bình cung cấp cũng đã chính thức hoạt động.

Sau 2 năm tiếp nhận công tác quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình đã có nhiều cố gắng, phát huy được vai trò, nhiệm vụ tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn, trong đó có hoạt động phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Phòng Báo chí-Xuất bản đã từng bước tiếp cận, đổi mới về cách thức làm việc, dần dần đưa công tác quản lý Nhà nước về báo chí đi vào nề nếp, phát huy được năng lực, hiệu quả quản lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhờ tăng cường công tác quản lý, thời gian qua, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, các Đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, thành phố đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; bám sát thực tiễn đời sống xã hội, định hướng tư tưởng và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của cơ sở; tích cực tuyên truyền, phản ánh nhiều chiều, phong phú, đa dạng mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền trên địa bàn tỉnh. Các kênh truyền hình thực sự là phương tiện thông tin tuyên truyền nhanh, nhạy của Đảng và Nhà nước, phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đạt được những kết quả nhất định, song thực tế cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về phát thanh, truyền hình ở tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn:

Nhằm tạo cơ sở để các ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của công tác quản lý Nhà nước về phát thanh, truyền hình, vừa qua, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: “Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh truyền hình đến năm 2020”, ban hành kèm theo Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 19/TT-BTTTT ngày 28/5/2009 “Quy định về việc liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình”; Thông tư số 18/TT-BTTTT ngày 28/5/2009 “Hướng dẫn việc quản lý chất lượng tín hiệu đầu cuối truyền hình cáp tương tự; Quyết định số 241/QĐ-BTTTT ngày 24/02/2009 ban hành “Quy định về thi đua, khen thưởng chuyên đề trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình”; Thông tư số 15/2009/TT-BTTTT ngày 4/5/2009 “Quy định về việc tổ chức liên hoan phát thanh, truyền hình”; Thông tư số 08/2010/TT-BTTTT ngày 23/3/2010 “Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình”. Những văn bản trên đã được UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Thông tin và Truyền thông cụ thể hoá và triển khai thực hiện tốt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, phát thanh, truyền hình vẫn chưa theo kịp yêu cầu của công tác quản lý và thực tiễn hoạt động thông tin, báo chí ngày càng phát triển. Nhất là các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách quản lý về hạ tầng, dịch vụ, kỹ thuật chưa đồng bộ với chính sách quản lý về nội dung thông tin;

Phát thanh, truyền hình là loại hình báo chí mang tính đặc thù, với sự gắn kết giữa nội dung, kỹ thuật và hạ tầng. Sự thống nhất chức năng quản lý Nhà nước về phát thanh, truyền hình cả về nội dung và kỹ thuật đòi hỏi tính đồng bộ cao thì ở địa phương vẫn chưa đáp ứng được. Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp theo dõi lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình ở tỉnh còn thiếu về số lượng, ít kinh nghiệm, năng lực công tác quản lý Nhà nước chưa cao. Hiện tại, Phòng Báo chí-Xuất bản của Sở chỉ có 01 chuyên viên trực tiếp theo dõi lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử. Chưa có cán bộ, chuyên viên có nghiệp vụ phù hợp để phụ trách, theo dõi về kỹ thuật phát thanh, truyền hình và truyền dẫn, phát sóng. Mặt khác, các phương tiện nghe, nhìn, quản lý về phát thanh, truyền hình chưa được trang bị, nên việc cập nhật những nội dung thông tin nhanh, nhạy trên sóng phát thanh, truyền hình thực hiện chưa đầy đủ, nhất là việc kiểm soát về nội dung, chất lượng và bản quyền của các chương trình truyền hình trả tiền;

Công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ về phát thanh, truyền hình được Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình thực hiện nghiêm túc, nhưng do chưa có các trang thiết bị đo kiểm về phát thanh, truyền hình và truyền dẫn, phát sóng, nên hiệu quả chưa cao;

Về lưu chiểu: báo nói, báo hình không quy định lưu chiểu tại cơ quan quản lý Nhà nước, đây cũng là một khó khăn đối với công tác theo dõi, quản lý về nội dung và chất lượng của các chương trình phát thanh, truyền hình. Trong khi hiện tại, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Bình đang sử dụng công nghệ analog, với số lượng băng từ dùng hàng ngày rất lớn, làm hạn chế việc quản lý, lưu trữ các chương trình truyền hình tại đơn vị, đồng thời làm suy giảm nhanh chóng chất lượng của băng từ và các thiết bị thu phát;

Mối quan hệ giữa các đơn vị phát thanh, truyền hình và cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí chưa chặt chẽ. Các đơn vị  chưa chủ động thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời, đầy đủ cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phát thanh, truyền hình ở địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Quán triệt, triển khai đầy đủ các Luật, văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực báo chí, phát thanh và truyền hình; tiếp tục ổn định, củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; tập trung triển khai “Đề án phát triển thông tin- truyền thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2010-2020”; “Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020” theo Quyết định của Thủ Tướng Chính phủ; tăng cường quản lý nội dung, kỹ thuật của Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, các đơn vị truyền hình trả tiền; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh…

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về báo chí, phát thanh, truyền hình ở địa phương trong bối cảch hiện nay, thì ngoài sự nỗ lực cố gắng của Sở Thông tin và Truyền thông, đòi hỏi phải có sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý Nhà nước cả về hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách và năng lực quản lý từ Trung ương đến địa phương./.

 

Thúy Nhung

More