Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 01-11-2021

Post date: 01/11/2021

Font size : A- A A+

Tải file tại đây

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19. 1

  1. Yêu cầu Bộ Y tế ban hành thống nhất mẫu “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam trước 5/11  1
  2. Đại dịch Covid-19 bộc lộ những điểm yếu của ngành y tế. 3
  3. Hà Nội: “Ổ dịch” Quốc Oai thêm 17 ca dương tính SARS-CoV-2. 4
  4. Bắc Giang: Dịch bệnh phức tạp, xuất hiện F0 nơi đông người, DN lớn, nhà trọ. 5
  5. Bắc Ninh phát hiện 78 ca mắc Covid-19 trong 1 ngày, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. 6
  6. Sóc Trăng nâng cấp độ dịch do diễn biến phức tạp, F0 tăng. 7
  7. Dịch diễn biến phức tạp, Hậu Giang khẩn trương tái lập các chốt kiểm soát 7

TIN QUỐC HỘI 8

  1. Đợt 1 kỳ họp thứ 2, QH khóa XV hoàn thành toàn bộ nội dung, đảm bảo chất lượng. 8
  2. Cần phải quyết liệt trong tháo gỡ các nút thắt về kinh tế. 10
  3. Muốn cơ cấu lại nền kinh tế, cần vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ. 11
  4. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần nghiên cứu cho phù hợp với đặc trưng của Hà Nội 12
  5. "Nếu khai thác hết đất trồng lúa thì không còn không gian cho các thế hệ sau". 13

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ 15

  1. 5 điểm mới đáng chú ý trong quy định về những điều đảng viên không được làm.. 15
  2. Miễn nhiệm, thay thế cán bộ uy tín thấp, không chờ hết nhiệm kỳ. 17

CHỈ THỊ MỚI 19

  1. Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 25-29/10. 19

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 21

  1. Sẽ sớm giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 21
  2. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các địa phương hỗ trợ vận tải thông suốt 22
  3. Doanh nghiệp Cần Thơ áp dụng trở lại “3 tại chỗ”. 23

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN.. 23

  1. Bộ trưởng: Lời nói thật về cơn hào hứng và sự ảo tưởng. 23
  2. Phải biết “nhỏ lệ”. 24

QUẢN LÝ.. 26

  1. Hơn 14 ngàn vi phạm giao thông qua hình ảnh, nhưng đến nộp phạt chỉ 10%.. 26

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 26

  1. Gần 98% người dân hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính của công an. 26

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 27

  1. Bộ trưởng Bộ GTVT: Phải "sốt ruột" hơn nữa với giải ngân vốn đầu tư. 27

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 28

  1. Gia Lai tạm đình chỉ nhiều cán bộ lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19. 28
  2. An Giang: Bắt nguyên cán bộ công an “rửa tiền” liên quan đến trùm buôn lậu Mười Tường  29

 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Yêu cầu Bộ Y tế ban hành thống nhất mẫu “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam trước 5/11

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa yêu cầu các Bộ khẩn trương áp dụng "hộ chiếu vaccine" và các biện pháp đẩy nhanh việc công nhận “hộ chiếu vaccine”.

Việc đẩy nhanh việc công nhận “hộ chiếu vaccine” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao khẩn trương trao đổi với các đối tác để đẩy nhanh việc công nhận "hộ chiếu vaccine" (Giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19).

Bộ Y tế chủ trì ban hành thống nhất mẫu “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam ở dạng giấy và điện tử (có cơ chế xác thực điện tử) trước ngày 5/11/2021.

Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi và đến từ các nước/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, có biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/11/2021 về Kế hoạch nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế với các nước.

Các Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an, Y tế thực hiện việc xây dựng ứng dụng, cấp mã QR theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 13/9/2021.

Về đối tượng nhập cảnh, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đúng đối tượng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại các Thông báo kết luận họp thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 và các trường hợp tới Việt Nam để tìm hiểu thị trường, dự hội nghị, hội thảo, thăm thân và người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân và có Giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tiếp tục thực hiện theo thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/9/2015 của Chính phủ về việc miễn thị thực.

Về hướng dẫn và kiểm soát y tế đối với người nhập cảnh, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, ban hành hướng dẫn cách ly y tế thuận lợi, phù hợp đối với người nhập cảnh mang "hộ chiếu vaccine".

Về thẩm quyền, thủ tục xét duyệt nhập cảnh và tổ chức chuyến bay, Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong tình hình mới.

Các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Trung ương trên cơ sở thống nhất với cơ quan y tế địa phương về phương án phòng dịch chủ động quyết định việc mời, đón và chịu trách nhiệm quản lý người nước ngoài nhập cảnh làm việc với cơ quan mình và một số trường hợp nhân đạo, đặc biệt khác (khám chữa bệnh, thai sản…).

UBND cấp tỉnh chủ động quyết định việc mời, đón và chịu trách nhiệm quản lý người nước ngoài nhập cảnh làm việc với địa phương mình, đồng thời ủy quyền cho cơ quan đầu mối có thẩm quyền giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp nhập cảnh làm việc, học tập, nhân đạo trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng đối tượng và bố trí địa điểm cách ly y tế phù hợp, an toàn phòng chống dịch.

Các cơ quan chức năng và địa phương sau khi hướng dẫn cụ thể và tiếp nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị cho người nước ngoài nhập cảnh của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, yêu cầu thực hiện thẩm định và chịu trách nhiệm trả lời không quá 5 ngày làm việc theo quy định hiện hành (luật xuất nhập cảnh năm 2014). (VTV.vn 31/10)Về đầu trang

Đại dịch Covid-19 bộc lộ những điểm yếu của ngành y tế

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, dịch Covid-19 đã khiến y tế bộc lộ nhiều điểm yếu thời điểm đầu: năng lực xét nghiệm PCR, cách ly toàn bộ F0 gây quá tải nặng nề…

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều ngày 30/10, TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đợt dịch thứ 4 khởi phát từ cuối tháng 4/2021, với ca nhiễm đầu tiên ở quận Bình Tân. Đến ngày 18/5, TP phát hiện 2 ca nhiễm cộng đồng tại quận 7 và TP Thủ Đức. Đây là 2 trường hợp nhiễm chủng Delta.

Ngày 27/5, Bệnh viện Nhân dân Gia định phát hiện 3 trường hợp dương tính, truy vết dịch tễ phát hiện các chùm ca liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp). Từ đó, số ca càng ngày càng cao.

Với các ca nhiễm tại TP.HCM từ tháng 3-12/2020, giải trình tự gen cho thấy đều do các chủng cổ điển gây ra. Còn các ca nhiễm vào tháng 5/2021, được các nhà khoa học xác định do chủng Delta.

TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế nhận định, đợt dịch thứ 4 đã bộc lộ những điểm yếu của ngành y tế. Trong đó, có năng lực xét nghiệm PCR, vấn đề cách ly tập trung F0, y tế cơ sở và tiêm vắc xin….

TS Châu nhấn mạnh, có thời điểm thành phố lấy mẫu xét nghiệm PCR rất nhiều nhưng lại trả kết quả trễ. Khi đó, xét nghiệm không còn ý nghĩa, không kịp thời phát hiện F0 để bóc tách khỏi cộng đồng.

Trong khi thực tế, TP đã đầu tư và huy động nhân sự rất lớn để đáp ứng chiến lược xét nghiệm, từ các lực lượng y tế, quân đội. Tháng 7 có 1.533 đội lấy mẫu và tháng 9 có thêm 9.000 người. Đồng thời, TP cũng đã thành lập Trung tâm Điều phối xét nghiệm.

Việc cách ly tập trung tất cả F0 giai đoạn đầu đã dẫn đến quá tải và áp lực. TP dù mở đến 16 bệnh viện dã chiến nhưng vẫn không đủ. Khi quá tải F0, khả năng chăm sóc và điều trị cũng không đáp ứng được, bệnh nhân không chăm sóc đầy đủ và dẫn đến chuyển nặng.

Cao điểm, TP ghi nhận 340 ca tử vong chỉ riêng trong ngày 23/8. Đó là ngày số người mất vì Covid-19 lớn nhất trong đợt dịch thứ 4. Tuy nhiên đến nay, số ca tử vong đã giảm ngoạn mục và duy trì giảm ở mức 2 con số.

Tại thời điểm cao nhất, TP có 104.000 giường ở cả 3 tầng điều trị, trong đó có 4.600 giường ICU. Tham gia chống dịch cùng thời điểm này, là 8.128 bác sĩ, 15.914 điều dưỡng, 1.500  kỹ thuật viên.

Gần 6 tháng chống dịch, nhân viên ngành y tế đã trải qua thời khắc cam go khốc liệt nhất lịch sử.  “Có thể khẳng định TP đã vượt qua đỉnh dịch. Chúng tôi tính toán, đỉnh dịch kéo dài hơn 2 tháng, đó là thời gian rất nặng nề cho cả TP và ngành y tế”, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết trong hội nghị.

PGS Tăng Chí Thượng cũng cho rằng, công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo, giúp TP dần trở lại cuộc sống bình thường mới. (Vietnamnet.vn 30/10,  Linh Giao)Về đầu trang

Hà Nội: “Ổ dịch” Quốc Oai thêm 17 ca dương tính SARS-CoV-2

Tính đến trưa 30/10, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, huyện Quốc Oai ghi nhận thêm 17 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, gồm 14 ca ở Thị trấn Quốc Oai và 3 ca tại xã Ngọc Mỹ.

Theo UBND huyện Quốc Oai, tính từ ngày 24/10 đến nay, huyện Quốc Oai ghi nhận 74 ca mắc COVID-19, trong đó có 66 ca thường trú tại huyện, 8 ca thường trú tại địa phương khác.

Các ca mắc COVID-19 tại huyện Quốc Oai đã lan rộng ra các địa bàn là thị trấn Quốc Oai, các xã Liệp Tuyết, Sài Sơn, Đông Yên, Cấn Hữu, Phượng Cách, Ngọc Mỹ, Tuyết Nghĩa.

Hiện nay, lực lượng chức năng của huyện và các địa phương đã điều tra truy vết và đưa đi cách ly y tế tập trung 539 trường hợp F1, 40 trường hợp F1 là trẻ em và người bệnh nền được cách ly tại nhà theo quy định, ra quyết định cách ly tại nhà 3.250 trường hợp F2, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà gần 7.000 trường hợp F3.

Huyện Quốc Oai nhận định, hiện tình hình dịch COVID-19 tại địa phương đang diễn biến phức tạp. UBND huyện đề nghị người dân không chủ quan, cảnh giác cao độ và thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Người dân khi tiếp xúc với trường hợp mắc COVID-19 cần liên hệ ngay với trạm y tế xã, thị trấn nơi cư trú để được tư vấn, hướng dẫn biện pháp phòng dịch, không để lây lan xung quanh…

Trước đó, qua rà soát, đối chiếu với các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định 4800 của Bộ Y tế, UBND huyện xác định huyện Quốc Oai ở cấp 2 (màu vàng).

Với các thị trấn, xã thuộc huyện, Thị trấn Quốc Oai được xác định ở cấp 4 (nguy cơ rất cao - màu đỏ) và có 5 xã gồm Tuyết Nghĩa, Cấn Hữu, Phượng Cách, Sài Sơn, Thạch Thán xác định ở cấp 2. Các xã còn lại được xác định ở cấp 1 (màu xanh). (Tienphong.vn 31/10, Trường Phong) Về đầu trang

Bắc Giang: Dịch bệnh phức tạp, xuất hiện F0 nơi đông người, DN lớn, nhà trọ

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang, đến 17h00’ ngày 31/10/2021, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận 19 ca mắc mới COVID-19 (trường hợp F0). Tính đến nay, toàn tỉnh có 5.924 trường hợp F0.

Trong 19 trường hợp F0 ghi nhận trong ngày, có 18 trường hợp F0 là công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu (03 trường hợp là F1 đã được cách ly trước đó) và 01 trường hợp F0 ở huyện Yên Dũng có yếu tố dịch tễ là công nhân Công ty SL Vina thuộc khu Công nghiệp Quế Võ I - Bắc Ninh, hàng ngày đi về từ huyện Quế Võ - Bắc Ninh, đã tiêm 1 mũi vaccine Vero Cell.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong Khu công nghiệp (KCN), Bắc Giang kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh và khu cách ly phòng chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh Bắc Giang để ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh đã tiêm được 1.279.324 liều, đạt 83,5% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi. Trong số này có 983.508 người tiêm 1 mũi và  295.816  người tiêm 2 mũi.

Trước đó, chiều 30/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch (PCD) COVID-19 tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến 3 cấp tỉnh, huyện, xã về công tác PCD COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo Sở Y tế Bắc Giang, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang phức tạp vì từ ngày 26/10 đến nay đã xuất hiện ca F0 nơi đông người, trong KCN, khu nhà trọ tại 2 ổ dịch: Xã Thượng Lan, huyện Tân Yên và Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam - KCN Quang Châu, huyện Việt Yên.

Ổ dịch tại xã Thượng Lan phát hiện 21 ca nhiễm, nguồn lây được xác định là người từ thành phố Hà Nội về địa phương làm việc (Ngô Thị T, thường trú tại phường Lĩnh Nam, quận Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Ổ dịch liên quan đến nhiều cán bộ, học sinh, công nhân. Hiện ổ dịch đang dần được khống chế.

Ổ dịch tại Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam - KCN Quang Châu, huyện Việt Yên phát hiện 11 ca mắc tại Xưởng D của Công ty, hiện chưa xác định được nguồn lây. Các lực lượng chức năng đã khẩn trương truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, đã rà soát được 82 F1, 160 F2.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính COVID-19 trở về từ vùng dịch Bắc Ninh và Bình Dương.

Sở Y tế Bắc Giang nhận định dịch bệnh đang phức tạp do ca bệnh được ghi nhận ở nơi đông người, KCN, nhà trọ, yếu tố dịch tễ liên quan đến đi chung xe với công ty khác, đi nhiều nơi, có nguy cơ lây lan sang doanh nghiệp khác và địa phương nơi cư trú. Địa điểm xuất hiện ca bệnh là xưởng sản xuất có đông lao động, môi trường làm việc kém thông khí, thời gian tiếp xúc dài.

Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát sinh thêm nhiều ca F0 mới ngoài cộng đồng, trong doanh nghiệp khác, các trường hợp trong khu cách ly, người về từ vùng dịch.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đánh giá tình hình dịch đã thay đổi, từ ổ dịch ở khu dân cư nay xuất hiện thêm trong doanh nghiệp, lan vào khu nhà trọ. Đồng chí cho rằng ổ dịch ở Thượng Lan sẽ khống chế được trong tháng 10/2021.

Riêng ổ dịch tại Công ty TNHH Luxshase ICT xuất hiện trong KCN, là công ty lớn, đông công nhân rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang đã phát hiện sớm, ổ dịch đang ở chu kỳ lây nhiễm đầu tiên, chưa có lây nhiễm thứ phát sang những người ở cùng nhà, cùng phòng trọ.

Tỉnh Bắc Giang đã kịp thời chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ doanh nghiệp trong các KCN. Trong khi tỷ lệ người lao động trong KCN đã được tiêm vắc xin cao nên giảm thiểu tốc độ lây lan. Bước đầu ổ dịch này đã được khống chế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ý thức của nhiều cơ quan, đơn vị, người dân còn chủ quan, lơ là; thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch lỏng lẻo, chưa thực hiện triệt để các biện pháp đề ra; việc không tự giác khai báo y tế, quản lý các cơ sở bán thuốc cho đối tượng ho, sốt gây khó khăn cho việc truy vết khi dịch bệnh xảy ra. (Chinhphu.vn 31/10) Về đầu trang

Bắc Ninh phát hiện 78 ca mắc Covid-19 trong 1 ngày, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng

Tỉnh Bắc Ninh những ngày qua liên tục ghi nhận thêm các ca mắc Covid-19 mới, ngày 30-10 tỉnh này ghi nhận thêm 78 ca có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Tính đến 18 giờ ngày 30-10, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 2.066 ca mắc Covid-19.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết với tinh thần chung sống an toàn với dịch bệnh, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó lợi thế là tiêm vắc-xin đạt tỷ lệ cao. Vì thế, khi phát sinh những ca mắc mới, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã kịp thời kích hoạt các biện pháp chống dịch với phương châm cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng chia sẻ.

Trước nguy cơ dịch có xu hướng phức tạp hơn, bà Đào Hồng Lan yêu cầu các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp dập dịch nhanh nhất. UBND tỉnh sớm cập nhật, ban hành các văn bản hướng dẫn mới phù hợp với tình hình, đặc thù địa bàn để các địa phương, doanh nghiệp thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Tăng cường giám sát cách ly tại nhà; ưu tiên tiêm vắc-xin cho đối tượng chưa được tiêm và khu vực nguy cơ.

Đối với công tác chống dịch tại các doanh nghiệp, phải đánh giá cụ thể yếu tố dịch tễ, phân loại xét nghiệm theo vị trí việc làm và mức độ nguy cơ để vừa chống dịch hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Các sở, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cho doanh nghiệp về an ninh, an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ"…

Các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng dịch cho người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp và thuê trọ. (Nld.com.vn 31/10, B.H.Thanh)Về đầu trang

Sóc Trăng nâng cấp độ dịch do diễn biến phức tạp, F0 tăng

Tối 31-10, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Thông báo hỏa tốc chuyển cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sóc Trăng sẽ chuyển cấp độ dịch từ cấp độ 1 (nguy cơ thấp) sang cấp độ 2 (nguy cơ trung bình), thời gian áp dụng từ 12 giờ ngày 2-11 cho đến khi có thông báo mới.

Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã ra Quyết định phân loại cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hai huyện Cù Lao Dung và Thạnh Trị có dịch cấp độ 1 (nguy cơ thấp), huyện Trần Đề có dịch cấp độ 3 (nguy cơ cao), còn lại tám địa phương còn lại có dịch ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình).

Đối với đơn vị cấp xã, Sóc Trăng có 79 địa phương có dịch cấp độ 1, 20 địa phương cấp độ 2 và 10 địa phương cấp độ 3.

Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Sóc Trăng, cho biết thời gian qua, các ngành, các địa phương đã cố gắng thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 và đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên từ khi tỉnh triển khai quy định tạm thời các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, thì tình hình diễn biến khác phức tạp, số ca mắc tăng.

Thống kê trong ngày 31-10, Sóc Trăng ghi nhận 193 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc trong toàn tỉnh lên 5.577 ca. Đến nay, tỉnh này đã điều trị khỏi 3.956 ca, có 49 trường hợp tử vong, hiện đang cách ly điều trị 1.932 ca. (VTV.vn 31/10, Châu Anh) Về đầu trang

Dịch diễn biến phức tạp, Hậu Giang khẩn trương tái lập các chốt kiểm soát

Tối 30/10, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn chỉ đạo tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP. Trong đó có nội dung khẩn trương thiết lập lại các chốt để kiểm soát người và phương tiện trên địa bàn quản lý…

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh/thành trong cả nước đã từng bước tháo bỏ giãn cách xã hội chuyển sang thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; người dân đã và đang di chuyển từ các tỉnh/thành về/đến tỉnh Hậu Giang bằng các phương tiện cá nhân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trong tỉnh hiện đang ghi nhận nhiều ổ dịch mới, trong số đó có những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là người về từ ngoài tỉnh, đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, sau khi về địa phương chưa chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn đã lây bệnh cho người thân và những người xung quanh và lây lan trong cộng đồng.

Để tăng cường công tác giám sát và chủ động kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND huyện/thị xã/thành phố khẩn trương triển khai ngay việc rà soát tất cả các trường hợp về/đến từ các tỉnh/thành đang có số ca mắc cao để tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, người về từ ngoài tỉnh.

Tập trung quyết liệt kiểm soát, khống chế các ổ dịch mới phát sinh trong thời gian ngắn nhất, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây lan dịch bệnh.

Chủ tịch UBND huyện/thị xã/thành phố khẩn trương chỉ đạo trạm y tế tuyến xã thực hiện xét nghiệm mẫu gộp tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ đối với các trường hợp nguy cơ trên địa bàn, đặc biệt là người về từ ngoài tỉnh. Chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ phối hợp với trung tâm y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Khẩn trương thiết lập lại các chốt kiểm soát (CKS) để kiểm soát người và phương tiện trên địa bàn quản lý, hướng dẫn người dân ra/vào huyện (trừ các tuyến quốc lộ).

Các CKS vào nội tỉnh cho xe ô tô đi qua, hướng dẫn khai báo tại trạm y tế; xe máy thì dừng xe, hướng dẫn khai báo y tế, nhắc nhở người dân khi ra ngoài tỉnh nếu đến/đi qua vùng dịch về sẽ thực hiện khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe đối với từng nhóm đối tượng. Nhắc nhở người dân vào địa bàn khi về địa phương phải đến cơ sở y tế khai báo y tế ngay trước khi về nhà.. (Tienphong.vn 31/10, Cảnh Kỳ)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Đợt 1 kỳ họp thứ 2, QH khóa XV hoàn thành toàn bộ nội dung, đảm bảo chất lượng

Cuối phiên làm việc chiều 30/10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã thông báo tóm tắt một số nội dung kết thúc Đợt 1 họp trực tuyến của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, mặc dù họp trực tuyến nhưng kỳ họp đã hoàn thành đúng tiến độ toàn bộ nội dung chương trình, đảm bảo chất lượng. Các phiên họp tại tổ và thảo luận trực tuyến diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đối với các dự án luật trình Quốc hội.

Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào các vấn đề quan trọng của đất nước như kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới, việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế. Các đại biểu cũng tích cực tham gia nhiều ý kiến vào các báo cáo công tác của khối tư pháp, Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và thành phố Hải Phòng.

"Phiên họp trực tuyến của Quốc hội đã nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri trên cả nước. Xin cảm ơn sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung của các cơ quan có liên quan, sự đóng góp của các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như đội ngũ kỹ thuật đã phục vụ thành công đợt 1 họp trực tuyến" - Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Về Đợt 2 của kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đợt 2 sẽ tiếp tục vào ngày 8/11/2021 theo hình thức họp tập trung tại nhà Quốc hội để thảo luận nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công và công tác phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thống kê, biểu quyết thông qua nghị quyết chung của kỳ họp và nhiều nghị quyết quan trọng khác.

Để đảm bảo chất lượng kỳ họp, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tài liệu gửi các đại biểu Quốc hội; Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tập trung cao độ nghiên cứu tài liệu để hoàn thiện tất cả các báo cáo tiếp thu, giải trình các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội trong thời gian nghỉ giữa 2 đợt họp để chuẩn bị cho kỳ họp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đúng kế hoạch và đạt kết quả cao nhất.

Trao đổi với báo chí chiều 30/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đã chia sẻ về một số kết quả của Đợt 1 họp trực tuyến.

Ông Bùi Văn Cường nêu rõ: Đợt 1 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã kết thúc thành công hết sức tốt đẹp, bảo đảm chất lượng và tiến độ đúng theo yêu cầu đặt ra, thể hiện ở các khía cạnh như sau:

Một là, qua 11 ngày họp trực tuyến, kỷ cương lập pháp đã được tăng cường hơn. Các cơ quan chuẩn bị soạn thảo đã cơ bản bảo đảm được tiến độ, thời gian và chất lượng các dự thảo Luật cũng như các đề án để trình với Quốc hội; các cơ quan thẩm tra có thời gian hơn để thẩm tra rất kỹ lưỡng; Các báo cáo của cơ quan trình, báo cáo thẩm tra cũng rất ngắn gọn, súc tích, trên cơ sở đó đã dành thời gian để đại biểu Quốc hội thảo luận.

Hai là, công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch súc tích, ngắn gọn và linh hoạt. Có những nội dung có ý kiến khác nhau đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra làm thêm giờ, ngoài giờ làm việc chính thức để cùng trao đổi, lắng nghe, phân tích, xem xét thấu đáo, đi đến tận cùng của vấn đề... nhằm có được quyết định chính xác hơn.

Chương trình của Kỳ họp cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, sắp xếp khoa học, tận dụng tối đa thời gian để các đại biểu Quốc hội có thể đóng góp ý kiến vào các Dự án trình tại Kỳ họp. Các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, kể cả đại biểu Quốc hội mới trúng cử đều rất sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm. Các ý kiến phát biểu đa chiều, xem xét các góc độ của vấn đề trình tại Kỳ họp, kiến nghị, góp ý cụ thể để Cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, Cơ quan giải trình tiếp tục tiếp thu chỉnh lý, bảo đảm chất lượng các dự án Luật, Nghị quyết tốt hơn.

Đặc biệt, tại Kỳ họp này, công tác thư ký tổng hợp, đã được Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổ chức triển khai khoa học, cùng với các Phó Tổng Thư ký và các ủy viên Ban Thư ký, cán bộ, chuyên viên Cơ quan Văn phòng Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, với cường độ làm việc không quản ngày đêm. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, nếu như thời điểm buổi sáng đại biểu thảo luận thì buổi chiều phải có báo cáo tổng hợp ngay; và thảo luận buổi chiều thì sớm ngày hôm sau phải có báo cáo tổng hợp ý kiến. Trên cơ sở báo cáo tổng hợp ý kiến đó, cơ quan chủ trì soạn thảo thuận lợi hơn trong việc tiếp thu, giải trình bước đầu. Như vậy, khi đưa ra Hội trường, những ý kiến đã phát biểu tại tổ thì được tiếp thu, giải trình hợp lý, đại biểu không phát biểu lại nữa. Chính hoạt động này đã góp phần không nhỏ vào việc rút ngắn thời gian cũng như nâng cao chất lượng các dự án Luật để trình Quốc hội thông qua.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết thêm, quán triệt tinh thần "chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa" các nội dung của Kỳ họp theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các cơ quan của Quốc hội đồng hành với các cơ quan trình, soạn thảo đã triển khai công tác chuẩn bị các nội dung từ rất sớm và cho ý kiến. Với sự chuẩn bị như vậy, chất lượng được tốt hơn và đảm bảo hơn.

Cùng với đó, công tác đảm bảo về cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật an ninh, an toàn đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng; công tác phòng, chống dịch được thực hiện rất tốt, tuân thủ đúng các quy định của Bộ Y tế. Cho đến thời điểm này, công tác phục vụ cho Kỳ họp đã hoàn thành, an toàn; các khâu kỹ thuật về đường truyền, tín hiệu rất tốt, âm thanh tại các điểm cầu và tại Hội trường Diên Hồng đều đạt yêu cầu.

Ba là, công tác thông tin, tuyên truyền của Kỳ họp được triển khai kỹ lưỡng. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, chủ động, linh hoạt của các cơ quan thông tấn, báo chí, các phóng viên, là những người góp phần rất tích cực để các hoạt động của Quốc hội được chuyển tải nhanh nhất, chính xác nhất tới cử tri, Nhân dân, góp phần đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.

Về phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong Đợt 2 của Kỳ họp thứ 2, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn 4 nhóm vấn đề gồm: lĩnh vực y tế; lao động, thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; giáo dục và đào tạo. (VTV.vn 31/10) Về đầu trang

Cần phải quyết liệt trong tháo gỡ các nút thắt về kinh tế

Sau phiên thảo luận tại tổ ngày 29/10, sáng 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Đồng tình với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về các nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu cho rằng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế được xây dựng khá toàn diện, bao quát và đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm.

Góp ý thêm, một số đại biểu cho rằng, cần phải quyết liệt trong tháo gỡ các nút thắt về kinh tế, khơi thông nguồn lực tạo động lực phát triển.

Nội dung về tái cơ cấu nông nghiệp được nhiều đại biểu tham gia cho ý kiến bởi đây là trụ đỡ đặc biệt quan trọng của nền kinh tế.

Cho rằng tình kinh tế còn khó khăn do đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều đại biểu cho rằng, trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ cần có thêm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời có những kịch bản đối phó với kinh tế vĩ mô bất ổn.

Theo chương trình làm việc, chiều nay, quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). (VTV.vn 30/10)Về đầu trang

Muốn cơ cấu lại nền kinh tế, cần vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ

Tiếp thu, giải trình ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết về thực chất đây là một quá trình phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi ở tầm quốc gia, trong đó việc vâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ đó giúp nâng cao được năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Còn về bản chất, đây là một quá trình chúng ta phải thay đổi hệ thống thể chế của chúng ta, chính sách của chúng ta phù hợp với tình hình mới.

“Chúng ta không chỉ tập trung vào cơ cấu lại các ngành và các thành phần kinh tế hay các không gian kinh tế mà còn phải quan tâm đến những lĩnh vực quan trọng, có tiềm năng, lợi thế hoặc là dư địa mới, lớn và cơ hội mới để làm sao trở thành những ngành mũi nhọn mang tính lan tỏa, dẫn dắt, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế”, ông Dũng nói thêm về bản chất của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Dũng nêu thực tế hiện trong 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng chúng ta chưa đạt hiệu quả đúng như trong kế hoạch.

“Sản xuất đang còn mang tính gia công lắp ráp nhiều, nội địa hóa còn thấp, phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn lớn. Năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, tính chống chịu của chúng ta còn rất thấp, chưa kể những thách thức mới trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Ông Dũng khẳng định, việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh hơn, thực chất hơn là việc hết sức cần thiết hiện nay, nếu không, chúng ta không thể thực hiện được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Bên cạnh đó là nguy cơ không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, không ứng phó được với biến đổi khí hậu cũng như các thiên tai, dịch bệnh hiện nay…

Trước những yêu cầu cấp thiết trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng tất cả các bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, ý thức được. Phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để chúng ta quyết tâm thực hiện với một tư duy tầm nhìn mới.

“Phải vượt qua được các tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành để chống các cát cứ chia cắt. Phải tính đến lợi ích tổng thể của nền kinh tế, tính đến liên vùng, liên ngành, từ đấy chúng ta mới giải quyết được. Chứ nếu chúng ta đi theo từng phân khúc, chia cắt nó ra thì rất khó mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Về tờ trình Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trong đó đáng chú ý là các mô hình kinh tế mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp… (VTV.vn 30/10)Về đầu trang

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần nghiên cứu cho phù hợp với đặc trưng của Hà Nội

Chiều 30/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị lấy ý kiến của các Ủy viên Thường vụ Quốc hội vào nội dung dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đề ra tầm nhìn phát triển rất dài hạn, trong đó đề ra một nhiệm vụ trọng tâm là trình Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Thành ủy Hà Nội dù phải phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép nhưng không quên nhiệm vụ quan trọng này, thành lập Ban chỉ đạo, tổ biên tập xây dựng dự án luật từ rất sớm. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV.

Sau khi nêu những tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở đó Hà Nội nghiên cứu thiết kế điều luật trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phù hợp với đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội tổng kết thực hiện Luật Thủ đô song song với Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Kết luận số 22 ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 cũng như rà soát lại vấn đề quy hoạch, đồng thời đánh giá Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân hàng đặc thù đối với thành phố Hà Nội…

Quá trình tổng kết, thi hành Luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội rà soát thực tiễn để trả lời câu hỏi vì sao đạo luật quan trọng với nhiều quy định có tính mở đường, đột phá nhưng chưa phát huy được, chưa đáp ứng kỳ vọng ban đầu. Hà Nội tìm hiểu nguyên nhân, nhất là do quy định của pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện… , để từ đó khi thiết kế dự án luật khắc phục được những nội dung này.

Về nghiên cứu đề xuất các chính sách để bổ sung trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội cũng cần rà soát để xác định phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), làm sao có tầm nhìn bao quát hơn, rộng hơn so với luật hiện hành để tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô trong tiến trình phát triển đi lên của đất nước, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn trong giai đoạn mới theo phương châm "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước".

Do đó, ngoài những vấn đề cơ chế có tính chất đặc thù trên các lĩnh vực, Hà Nội cần nghiên cứu các thiết chế quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn và tính đặc thù, phương thức hoạt động, cơ chế vận hành, quản trị thành phố theo hướng xanh, thông minh, hiện đại và theo mô hình chính quyền đô thị.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phạm vi điều chỉnh phản ánh đúng vai trò, vị trí của Thủ đô. Cùng với đó xây dựng dự án luật có tầm nhìn dài hạn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hợp tác chặt chẽ với Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội; nêu rõ, đây là một trong những nhiệm vụ trọng điểm của công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV. (VTV.vn 31/10)Về đầu trang

"Nếu khai thác hết đất trồng lúa thì không còn không gian cho các thế hệ sau"

Chiều 30/10, tại phiên thảo luận trực tuyến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội hết sức quan tâm, bởi vì đất đai là một nguồn tài nguyên hết sức đặc biệt, không gian để phát triển: "Nếu chúng ta không quy hoạch sử dụng đất đai thì dẫn đến tình trạng các yêu cầu phát triển và đặc biệt là đáp ứng yêu cầu để phát triển kinh tế - xã hội của chiến lược 10 năm, chúng ta sẽ có độ trễ rất lớn và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của đất nước".

Theo trưởng ngành tài nguyên - môi trường, so với các quy hoạch như xây dựng đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch giao thông là những quy hoạch sẽ cụ thể hóa và sẽ hiện thực hóa thì quy hoạch đất đai chỉ mang tính chất nền tảng để định hướng không gian.

Trong đó, quy hoạch xác định 3 ranh giới: Ranh giới bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; ranh giới bảo tồn, bảo vệ nhưng mà có phát triển hạn chế và ranh giới phát triển toàn diện. Với 3 ranh giới này thì có 4 khu vực (khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định, hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; khu vực cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có điều kiện; khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất) để định hướng.

"Đất lúa, đất rừng phòng hộ, sông, suối, hồ, ao, di sản, danh lam thắng cảnh... là những nơi chúng ta cần phải bảo vệ. Đó là quy hoạch tĩnh và quy hoạch này còn phải giữ rất nhiều năm cho con cháu" - Bộ trưởng Hà nói.

Liên quan đến nhiều ý kiến về giữ hay phân lại diện tích đất trồng lúa giữ ổn định 3,5 triệu ha, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhấn mạnh, đây đảm bảo không chỉ vấn đề an ninh lương thực mà còn đảm bảo giữ hệ tài nguyên đất đai, giá trị đất đai đặc biệt, thổ nhưỡng đặc biệt, hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi không lấy lại được.

"Chúng ta vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu ha. Đất trồng lúa này chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ khác, chứ không phải chỉ riêng đất trồng lúa. Nếu chúng ta bây giờ mà khai thác hết, không còn không gian đất nào nữa để cho các thế hệ sau nếu như có nhu cầu phát triển" – ông Trần Hồng Hà cho biết.

Về ý kiến cho rằng quy hoạch sử dụng đất đai đang chậm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra, vấn đề quy hoạch đất nhiều năm nay luôn chậm bởi sự lệch pha giữa chiến lược phát triển kinh tế, thông thường là năm đầu của năm tiếp theo của kỳ quy hoạch.

Bộ trưởng nhấn mạnh, quy hoạch sử dụng đất là nền tảng, thiếu nó không thể thực hiện được các quy hoạch về sử dụng đất nên bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ cho phép kéo thời gian độ trễ nhưng không quá một năm, để làm sao có thể tiếp cận và cập nhật các chiến lược phát triển kinh tế xã hội sau khi điều chỉnh. Trên cơ sở đó sẽ không có tình trạng chậm nữa.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu đã đánh giá cao kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kì 2011-2020. Đa số đồng tình nhận định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhỏ nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh lương thực.

Các đại biểu cũng nêu bất cập, hạn chế cần khắc phục như chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện dẫn đến lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với mục tiêu, có chỉ tiêu đạt dưới 50% như đất khu công nghiệp, đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao, đất lịch sử, văn hóa, danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải. Lập điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương rất chậm.

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới, đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh và đảm bảo phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, việc phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; việc đề cao vai trò giám sát của nhân dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến vào các chỉ tiêu cụ thể như chỉ tiêu đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất khu công nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ có báo cáo tiếp thu, giải trình những ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Phối hợp với Ủy ban Kinh tế, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua trong đợt họp trực tiếp của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỷ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 trình Quốc hội xem xét thông qua. (VTV.vn 31/10)Về đầu trang

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

5 điểm mới đáng chú ý trong quy định về những điều đảng viên không được làm

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông nêu rõ, Quy định số 37-QĐ/TW vẫn giữ nguyên 19 điều như Quy định số 47-QĐ/TW năm 2011 nhưng có 5 điểm mới đáng chú ý.

Mới đây, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (Kết luận số 21-KL/TW) và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định này thay thế Quy định số 47-QĐ/TW (ngày 1/11/2011).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, sau Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 4 đã tổng kết Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và Trung ương đã nhất trí ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Phạm vi của Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII so với Hội nghị Trung ương 4, khóa XII rộng hơn, bao quát hơn, không chỉ đề cập đến Đảng mà đề cập đến cả hệ thống chính trị. Đây là điểm mới đầu tiên. Đồng thời nhận diện suy thoái rộng hơn, nhấn mạnh đến vấn đề tiêu cực trong Đảng, trước hết là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Và Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ có 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp), trong đó có bổ sung giải pháp thứ hai là về xây dựng đội ngũ cán bộ và nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tại Hội nghị này, Trung ương tổng kết, đánh giá và ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông đánh giá: "Đây là một hệ chỉnh thể, khi có Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII thì ban hành luôn Quy định số 37-QĐ/TW, là hệ thống các văn bản của Đảng nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện".

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông nêu rõ, Quy định số 37-QĐ/TW vẫn giữ nguyên 19 điều như Quy định số 47-QĐ/TW năm 2011 nhưng có 5 điểm mới đáng chú ý.

Điểm mới đầu tiên là việc chuyển một số nội dung của 2 điều trong Quy định 47-QĐ/TW vào nội dung của các điều khác và từ đó thêm 2 điều mới.

Điểm mới thứ hai là bổ sung thêm 2 điều mới, đó là Điều 3 và Điều 13.

Điều 3 quy định đảng viên không được: "Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, đây là sự bổ sung rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu để phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đường lối của Đảng. Đại hội XIII của Đảng vừa rồi tiếp tục nhấn mạnh điều này. Nên việc bổ sung là hoàn toàn chính xác trong bối cảnh hiện nay và có giá trị lâu dài.

Tại Điều 13, đảng viên không được: "Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác".

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông phân tích, thực hiện các nghị quyết đại hội gần đây và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, chúng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong những năm qua, đã xuất hiện những cá nhân có hành động tác động đến tổ chức, cá nhân không đúng để giảm các hình phạt. Với tinh thần của các đại hội gần đây, nhất là Đại hội XIII là kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, nên việc Đảng quy định đảng viên không được làm những việc này là điểm mới, rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Điểm mới thứ ba, trong Quy định số 37-QĐ/TW đã bổ sung vào một số điều so với Quy định 47-QĐ/TW, ví dụ như bổ sung vào Điều 9 là không được: "Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định".

"Lâu nay trong Đảng nhức nhối về những hiện tượng tiêu cực như thế. Có những người sử dụng văn bằng không đúng, chứng chỉ không đúng, chứng nhận giả, không hợp pháp; có cá nhân chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, do đó việc bổ sung vào Điều 9 nội dung này rất phù hợp với bối cảnh hiện nay và cũng để ngăn ngừa những hiện tượng này mặc dù chưa nhiều, để giữ vững được phẩm chất của người đảng viên cộng sản - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông nêu rõ.

Ông Nguyễn Viết Thông phân tích: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ theo 6 dám "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung", Bộ Chính trị khóa XIII mới ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là kết luận rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đi đôi với khuyến khích, đồng thời phải có bảo vệ. Kết luận số 14-KL/TW rất có giá trị, phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với nghị quyết mới của Trung ương, những quy định mới của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư. Và Quy định số 37-QĐ/TW đã bổ sung vào Điều 11 là cấm đảng viên "Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước." Việc bổ sung này là rất cần thiết.

Quy định số 37/QĐ/TW cũng bổ sung quy định một số hành vi mà đảng viên không được làm, như là không được đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý; không có hành vi chạy chức, chạy quyền... hay thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội.

Ông Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh, đây là những nội dung cấm, đã bám sát vào tinh thần nghị quyết các đại hội gần đây, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương, các quy định của Bộ Chính trị. Những bổ sung này có tác dụng rất lớn, nếu như chúng ta thực hiện nghiêm.

Thứ tư, trong Quy định số 37-QĐ/TW đã thay đổi thứ tự một số điều so với Quy định 47-QĐ/TW. Điều 1 quy định không được "Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép." Điều 2 "Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép." Và Điều 3 là quy định mới. Ở đây có sự thay đổi thứ tự cho phù hợp, không theo thứ tự như Quy định 47-QĐ/TW; đồng thời được sắp xếp lại từ việc cấm những điều ảnh hưởng đến sinh mệnh của toàn Đảng, đất nước trước, sau đó đi vào những điều cụ thể.

Điểm mới thứ năm là về hình thức văn bản và lối diễn đạt. Hình thức văn bản trong Quy định số 47-QĐ/TW, mục thứ nhất về những điều đảng viên không được làm không ghi rõ các điều. Nhưng Quy định số 37-QĐ/TW, Mục I: Những điều đảng viên không được làm, đã quy định rất rõ các điều từ Điều 1 đến Điều 19; đồng thời có sự biên tập lại một số điều cho chặt chẽ hơn. Như tại Điều 1 của Quy định số 47-QĐ/TW nói đảng viên không được nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng.... Còn trong Quy định số 37-QĐ/TW không chỉ cấm đảng viên không được nói và làm trái, mà đảng viên không được viết trái (nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép).

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông đánh giá, sau 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, bám sát tinh thần nghị quyết Đại hội XII, nhất là Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Bộ Chính trị và căn cứ vào dự báo những năm tới đây, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 37-QĐ/TW rất đúng lúc, trong bối cảnh hiện nay. (VTV.vn 31/10)Về đầu trang

Miễn nhiệm, thay thế cán bộ uy tín thấp, không chờ hết nhiệm kỳ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Kết luận hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương (T.Ư) Ðảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị. Theo đó, BCH T.Ư yêu cầu các cơ quan, đơn vị kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Theo Kết luận, trong 5 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng đã tạo nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và xã hội, có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn hạn chế, khuyết điểm, khi một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.

Với mục tiêu đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, BCH T.Ư đề ra nhiều giải pháp quan trọng, nhất là trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Theo BCH T.Ư, cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. BCH T.Ư thống nhất thực hiện thí điểm một số chủ trương như, người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình. Cùng với đó, giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đặc biệt, BCH T.Ư yêu cầu kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Đối với công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ, phải phù hợp với chức danh quy hoạch; bảo đảm cân đối, hài hoà giữa luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ, luân chuyển ngang và dọc, luân chuyển cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sang các lĩnh vực khác và ngược lại. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Cùng với đó, xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ cho Đảng; thu hút và khuyến khích cán bộ làm việc trong các cơ quan, lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu.

Về công tác kiểm tra, giám sát, BCH T.Ư yêu cầu tập trung vào tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu kiện, khiếu kiện kéo dài. Bên cạnh đó, quan tâm giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn.

BCH T.Ư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ngay tại cơ sở, chi bộ, không để kéo dài hoặc đùn đẩy lên cấp trên. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình, thực hiện trách nhiệm nêu gương và khắc phục khuyết điểm của tập thể, cá nhân.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, BCH T.Ư yêu cầu chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh và kiên quyết thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là những vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường phối hợp đồng bộ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trước hết là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. (Tienphong.vn 30/10, Văn Kiên)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 25-29/10

Hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; thực hiện tốt 3 trụ cột trong phòng, chống dịch; rà soát, xử lý ngay khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công; quy định mới về cá nhân vận động từ thiện;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 25-29/10/2021.

Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân: Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Nghị định hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Thực hiện tốt 3 trụ cột trong phòng, chống dịch: Theo Thông báo số 285/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; điều trị tích cực từ sớm, từ xa.

Khẩn trương tập huấn Nghị quyết 128 và Hướng dẫn 4800 cho các địa phương trên cả nước: Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 277/TB-VPCP ngày 24/10/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau và Phú Thọ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức tập huấn cho các địa phương trên cả nước về Nghị quyết 128 và Hướng dẫn 4800 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương từ đó nâng cao nhận thức, thống nhất thực hiện trên toàn quốc. Trong quá trình tổ chức thực hiện, vừa làm vừa kịp thời sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Đánh giá tác động toàn diện của dịch COVID-19, khuyến nghị giải pháp “chung sống an toàn”: Theo Thông báo số 282/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với các bộ, ngành, các nhà khoa học về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện của dịch COVID-19; đưa ra dự báo xu thế tương lai và khuyến nghị định hướng chiến lược, giải pháp “chung sống an toàn” trong các mặt đời sống kinh tế và xã hội.

Khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất trực thuộc UBND tỉnh: Tại Thông báo 281/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thành việc thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ động tổ chức các hoạt động gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Bộ Y tế phân bổ đủ vaccine để các tỉnh miền Nam tiêm sớm nhất có thể: Theo Thông báo 287/TB-VPCP ngày 28/10/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố miền Đông và miền Tây Nam Bộ về phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khẩn trương nhất có thể. Bộ Y tế phân bổ kịp thời, đủ số lượng vaccine tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên theo lịch tiêm của các địa phương.

Đẩy nhanh công nhận “hộ chiếu vaccine": Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh giao Bộ Ngoại giao khẩn trương trao đổi với các đối tác để đẩy nhanh việc công nhận “hộ chiếu vaccine” (Giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19). Bộ Y tế chủ trì ban hành thống nhất mẫu “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam ở dạng giấy và điện tử (có cơ chế xác thực điện tử) trước ngày 5/11/2021. Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi và đến từ các nước/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, có biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/11/2021 về Kế hoạch nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế với các nước.

Rà soát, xử lý ngay khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công: Theo Công điện 7776/CĐ-VPCP ngày 25/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại bộ, cơ quan, địa phương mình; thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí.

Quy định mới về cá nhân vận động từ thiện: Chính phủ ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trong đó quy định cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.

Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023: Chính phủ ban hành Nghị định 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành. Theo đó, giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31/12/2023.

Đưa việc thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1814/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm kiểm soát, khống chế thành công dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò trên cả nước; góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường và hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.

Cao điểm chống buôn lậu những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán: Tại Thông báo số 278/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) yêu cầu BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. (Chinhphu.vn 30/10)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Sẽ sớm giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Các Cục Thuế trên toàn quốc đang khẩn trương triển khai các công tác nghiệp vụ để chính sách miễn giảm thuế đến với các đối tượng được thụ hưởng sớm nhất.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92 về hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng theo tinh thần Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ trương này cần sớm đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có thêm dòng tiền tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính mới đây cũng đã có công văn đề nghị các Bộ và Ủy ban nhân dân thành phố cùng phối hợp hỗ trợ để sớm đưa Nghị quyết 406 sớm đi vào cuộc sống.

Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho hay: "Các cục Thuế tuyên truyền để người dân biết và áp dụng chính sách miễn giảm thuế. Tổng cục Thuế sẽ hướng dẫn cụ thể cho các Cục Thuế lập hóa đơn về giá trị gia tăng kịp thời để từ ngày 1/11/2021 người tiêu dùng, mua hàng thuộc đối tượng hưởng chính sách giảm được biết".

63 Cục Thuế trên toàn quốc đang khẩn trương triển khai các công tác nghiệp vụ để chính sách này đến đúng đối tượng được thụ hưởng sớm nhất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân tiếp tục hoạt động, góp phần khôi phục lại nền kinh tế đất nước sau dịch bệnh.

Để Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế gồm:

- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019;

- Miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021;

- Giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề;

- Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. (VTV.vn 31/10) Về đầu trang

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các địa phương hỗ trợ vận tải thông suốt

Tối 29/10, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ông Nguyễn Xuân Cường - đã ký văn bản gửi các tỉnh, thành, đặc biệt khu vực miền Trung - Tây Nguyên và phía Nam đề nghị tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải đường bộ.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các địa phương như Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông và các địa phương phía Nam... thực hiện đúng chỉ đạo kiểm soát dịch COVID-19 của Trung ương, hỗ trợ vận tải thông suốt mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ để hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô được tiếp tục lưu thông kịp thời, thuận lợi, thông suốt mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan (đặc biệt là Sở Giao thông Vận tải) thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ vận tải hàng hoá theo Nghị quyết 128/NQ - CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quyết định 4800/QĐ – BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Quyết định số 1812/QĐ - BGTVT ngày 16/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các địa phương rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương mình đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, của Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan để vừa tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị vận tải vừa bảo đảm tính thống nhất với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhằm đảm bảo cho hoạt động vận tải bằng xe ô tô được lưu thông kịp thời thông suốt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như nhu cầu sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên cả nước.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), đến thời điểm hiện tại, trên các tuyến quốc lộ và đường Hồ Chí Minh do Cục Quản lý đường bộ III theo dõi có tổng số khoảng 64 chốt kiểm soát; trong đó có 10 chốt đã dừng hoạt động, còn lại 54 chốt đang hoạt động.

Cụ thể, có một số địa phương đã tháo dỡ một số chốt trên địa bàn như: Đà Nẵng tháo dỡ 1 chốt, Bình Định tháo dỡ 2 chốt, Đắk Nông tháo dỡ 4 chốt, Đắk Lắk tháo dỡ 3 chốt.

Tương tự, Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng cập nhật đến thời điểm hiện tại trên các tuyến quốc lộ và đường Hồ Chí Minh do Cục Quản lý đường bộ IV theo dõi có tổng số 126 chốt kiểm soát; trong đó có 79 chốt đã dừng hoạt động, còn lại 47 chốt đang hoạt động. Đặc biệt có những địa phương đã tháo dỡ hoàn toàn các chốt như Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh. (VTV.vn 30/10)Về đầu trang

Doanh nghiệp Cần Thơ áp dụng trở lại “3 tại chỗ”

Sản xuất trong điều kiện dịch đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp ở Cần Thơ đã chủ động áp dụng trở lại mô hình "3 tại chỗ" để kịp giao những đơn hàng cuối năm.

Theo phương án sản xuất đã được phê duyệt, Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Sáng sẽ áp dụng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "2 tại chỗ vùng xanh", nghĩa là công nhân ăn, ở, làm việc tại chỗ hoặc làm việc, ăn trưa sau đó về nhà ở vùng xanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã quyết định chọn phương án "3 tại chỗ".

"Nói là vùng xanh nhưng có thể vẫn thay đổi, vẫn còn nguy cơ cao nên thực hiện phương án tại chỗ ở vùng xanh vẫn còn rủi ro dịch bệnh nên hiện tại công ty đang tạm ngưng giải pháp 2 tại chỗ vùng xanh", ông Giang Văn Thụy, Trưởng phòng Hành chính, Công ty CP Thủy sản Hải Sáng, TP Cần Thơ, chia sẻ.

Đến hết ngày 29/10, 975 doanh nghiệp ở Cần Thơ đã hoạt động trở lại với 48.300 lao động. Các mô hình sản xuất được áp dụng là "3 tại chỗ", "2 tại chỗ vùng xanh", "1 cung đường, 2 điểm đến". Những ngày qua, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở các nhà máy chế biến thủy sản. Để đảm bảo an toàn, hàng loạt công ty đã quyết định chuyển sang sản xuất "3 tại chỗ".

"Doanh nghiệp cũng đã nhận thức và thấy điều đó, họ thực hiện sản xuất theo hình thức 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường, 2 điểm đến. Động thái của doanh nghiệp rất tích cực. Doanh nghiệp đang có chuyển hướng để chia sẻ công tác phòng chống dịch với thành phố", Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ Hà Vũ Sơn cho hay.

Hiện chính quyền thành phố Cần Thơ cũng đang nỗ lực tiêm đủ 2 mũi vaccine cho công nhân. Có vaccine, công nhân sẽ an tâm cùng nhà máy thực hiện các giải pháp sản xuất an toàn hiệu quả. (VTV.vn 31/10)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Bộ trưởng: Lời nói thật về cơn hào hứng và sự ảo tưởng

Vì sao những quả xoài được bán với giá cao chót vót ở siêu thị nước ngoài vẫn khiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cảm thấy “buồn lắm”?

 

Có một câu hỏi được đặt ra trong buổi toạ đàm trên cổng thông tin điện tử Chính phủ: Người Việt ở Australia, ở Nhật khi đi siêu thị đã rất xúc động đăng tải lên Facebook những tấm ảnh chụp sản vật quê nhà như quả vải, thanh long được bán với giá rất cao. Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cần thay đổi chiến lược xuất khẩu theo hướng tăng chế biến sâu, nâng cao giá trị giá tăng?

Và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời, rằng: Vui thật, cảm xúc thật. Nhưng buồn lắm. Tại sao lại thế? Bởi chính ông, tư lệnh ngành, phát hiện ra là nông sản mình bán ra “ít lắm”. Bán ít, mật độ thì “lâu lâu mới có một thương vụ”. Chưa kể tới giới hạn chỉ “đa phần bán ở các cửa hàng người gốc Á như người Việt, người Thái Lan”.

“Tôi vừa qua có đi Châu Âu với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Nhiều đại sứ có nói nhiều khi thanh long của mình bán ở cửa hàng Thái Lan, nghĩa là chúng ta chưa đi đàng hoàng đường bệ mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro hoặc là bán trong cộng đồng người Việt”- lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Quả thanh long, “mặc áo Thái Lan” không chỉ là chưa đàng hoàng đường bệ, mà phải nói là còn rất mặc cảm, tự ti. Nó có ngon cách mấy thì hẳn nhiên vẫn định vị trong mắt người tiêu dùng đó là hàng Thái Lan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan buồn. Người Việt mình buồn. Nông dân thì đương nhiên là không thể vui. Bao mồ hôi nước mắt, bao công sức chăm bẵm để có được một thứ nông sản. Trong khi bán thì rất hẻo ở những thị trường lớn.

Ông Lê Minh Hoan, từ khi ở Đồng Tháp - chính là người truyền thông việc đưa container xoài đầu tiên qua thị trường Mỹ. Nhưng chính ông cũng nhận chân vấn đề là nhiều khi nó khiến chúng ta hào hứng quá mà quên đi những vấn đề, những rủi ro phía sau.

Và ông nói, rất thật: Không thể chỉ vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà nói là chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường. Một Đại sứ ở EU đã nói rằng, nông sản của mình mới chỉ là 1% trong tỉ trọng nhập khẩu nông sản của EU mà lại bán ở cửa hàng gốc Á.

“Phải mất nhiều năm nữa” là mốc thời gian là chính bộ trưởng tự đặt ra - cho sự “đàng hoàng” của nông sản Việt. Nghe qua thì có vẻ mơ hồ nhưng thật ra đó mới chính là thực tế, là tỉnh táo. Và chúng ta có niềm tin với một tư lệnh ngành nhìn thấy rất rõ vấn đề, không hề ảo tưởng. Một bộ trưởng với nỗi buồn chân chính đau đáu với việc tiêu thụ nông sản cho dân. (Laodong.vn 30/10, Đào Tuấn) Về đầu trang

Phải biết “nhỏ lệ”

Thật bất ngờ, bất ngờ đến mức khó tin: Vào thời điểm cuối tháng 10.2021, gần 2 năm ngày đại dịch COVID-19 bùng phát, ở một tỉnh khu vực Tây Nguyên vẫn tình trạng thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế để điều trị căn bệnh này. Đó là hiện trạng ở tỉnh Đắk Lắk, một tỉnh khá đông dân, và vào thời điểm này, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, trong khi tỷ lệ được tiêm vaccine còn thấp.

Nói thiếu, e chưa chuẩn. Phải nói là chưa được cung cấp, bổ sung đủ cơ số, chủng loại phương tiện như tinh thần “chủ động”, “tại chỗ”. Truyền thông dẫn lời bác sỹ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nguyên và lãnh đạo ngành y tế địa phương, cho hay, từ thuốc đặc trị, máy thở, máy lọc máu đều chưa được cung ứng, cung cấp. Nguyên nhân chính là chưa xong thủ tục đấu thầu hoặc mắc mớ trong quy định chào giá cạnh tranh. Nguồn nhân lực cho quy mô 90 giường bệnh cũng thiếu, chưa tính đến nguồn dự phòng nếu quy mô tăng lên 500 giường bệnh.

Thực trạng đó chắc hẳn không chỉ riêng Đắk Lắk.

Phòng chống dịch  COVID-19, lấy việc kiểm soát, phòng tránh, hạn chế lây lan làm trọng. Khâu điều trị có tính quyết định trong việc giảm số ca nặng, ca tử vong. Thiếu thuốc đặc trị, các thiết bị thiết yếu và nguồn nhân lực có chuyên môn, khác nào kẻ không biết bơi tay không đi cứu người đuối nước!

Vấn đề tiên liệu diễn biến dịch bệnh, chủ động kịch bản ứng phó đi liền với chủ động nguồn nhân lực, thiết bị, thuốc men đã được đặt ra từ giai đoạn đầu mùa dịch; sớm hơn nữa, từ những trận dịch nhiều năm trước.

Hồi đầu năm 2020, khi TP. Hồ Chí Minh mới xuất hiện những ca mắc COVID-19 đơn lẻ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khi ấy đã cảnh báo bằng việc dẫn thực tế điều trị 2 cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy huy động nhân lực cả một khoa, liên tục 3 ca/ngày. Ông đặt ra tình huống, nếu phải điều trị 100 người, 1.000 người… "Đem thành tích để chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải chữa bệnh cho cả ngàn người là không thể giống nhau được”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Lời cảnh báo của vị Bí thư Thành ủy Thành phố gần 2 năm trước có vẻ không mấy hiệu lực, nếu nhìn vào diễn biến công tác phòng chống dịch của thành phố giai đoạn vừa qua.

Các nhà khoa học cảnh báo, sau COVID-19, sẽ xuất hiện chủng virus nguy hiểm hơn, sức hủy diệt khủng khiếp hơn. Mới đây, vị Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới-WHO, ngài Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng lưu ý: “Một điều chắc chắn về mặt sinh học là, tại một thời điểm nào đó, một virus mới có thể xuất hiện và chúng ta đơn giản là không thể ngăn cản nó”.

Dĩ nhiên là không thể ngăn cản việc nó xuất hiện. Nhưng, có thể làm giảm hậu quả mà nó gây ra, bằng biện pháp căn cơ, khoa học; bằng chủ động phát hiện cơ chế dịch tễ học để phòng tránh và điều trị; bằng việc chủ động vaccine, thuốc men cùng đội ngũ y tế có chuyên môn, phương tiện thiết bị đủ ứng phó với kịch bản xấu nhất…

Sống chung với dịch COVID-19 là cách tiếp cận tích cực, không có chỗ cho sự sợ hãi, co cứng, nhưng cũng không chấp nhận sự chủ quan, lơ là, coi thường mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, dẫn đến chậm trễ trong công tác dự báo, dự phòng và ứng phó.

Phải biết “nhỏ lệ” để không lặp lại tình huống xấu nhất. (Laodong.vn 31/10, Uông Ngọc Dậu) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Hơn 14 ngàn vi phạm giao thông qua hình ảnh, nhưng đến nộp phạt chỉ 10%

Chỉ có khoảng hơn 10% trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh sau khi nhận biên bản xử phạt đến cơ quan chức năng để thực hiện quyết định xử phạt.

Thông tin này được Sở GTVT TP.HCM đưa ra trong báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 12/CP về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021.

Cụ thể, từ 15-6-2020 đến nay, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM) và Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP đã ghi hình và gửi biên bản xử phạt gần 14.349 trường hợp vi phạm qua hình ảnh. Tuy nhiên trong số này chỉ có khoảng 1.492 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt (chiếm tỉ lệ hơn 10,3%) với số tiền hơn 1,6 tỉ đồng đã được nộp vào kho bạc Nhà nước.

Thời gian qua TP.HCM đẩy mạnh công tác xử phạt vi phạm qua hệ thống camera giám sát giao thông như: phê duyệt danh mục thiết bị thu thập hình ảnh phục vụ công tác này, công bố 22 tuyến đường xử phạt qua hệ thống camera giám sát giao thông cố định.

Cạnh đó, TP đã ban hành kế hoạch về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn TP, đồng thời lắp đặt bổ sung 51 camera giám sát giao thông tại các vị trí có tình hình giao thông phức tạp.

Hiện Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đảm nhận việc giám sát, theo dõi tình hình giao thông thông qua 857 camera, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt tại 216 chốt thông qua việc thu thập dữ liệu liên tục từ 100 thiết bị VDS (cảm biến nhận diện phương tiện)... (Plo.vn 31/10, Kiên Cường)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Gần 98% người dân hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính của công an

Ngày 29-10, Bộ Công an tổ chức Hội nghị công bố kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong Công an nhân dân (CAND) năm 2021.

Hội nghị cũng triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 trong CAND theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội tới Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Bộ Công an, năm nay, bộ này khảo sát mức độ hài lòng đối với 29.350 người dân, tổ chức, thông qua phương pháp điều tra xã hội học. Kết quả cho thấy mức độ hài lòng chung về sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong CAND đạt 97,96%, đáp ứng được mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Như vậy, theo số liệu mà Bộ Công an công bố, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính trong CAND không ngừng tăng trong ba năm qua. Cụ thể, năm 2021 là 97,96%, năm 2020 là 96,45%, năm 2019 là 86,69%.

Cũng tại hội nghị lần này, Bộ Công an còn công bố kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 202, với chỉ số trung bình của công an các đơn vị, địa phương là 84,24%.

So với kết quả năm 2020, năm nay giảm hai đơn vị, địa phương được lãnh đạo Bộ công nhận xếp hạng xuất sắc, số lượng là 12; giảm năm đơn vị, địa phương được lãnh đạo Bộ công nhận xếp hạng Tốt, với số lượng là 76... (Plo.vn 30/10, Tuyến Phan)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Bộ trưởng Bộ GTVT: Phải "sốt ruột" hơn nữa với giải ngân vốn đầu tư

Tính đến hết tháng 10/2021, Bộ Giao thông Vận tải lũy kế giải ngân được hơn 29.100 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch của năm, cao hơn mức trung bình của cả nước.

Tuy nhiên số vốn cần giải ngân còn lại khoảng 14.259 tỷ đồng trong khi chỉ còn 2 tháng là hết năm được xem là áp lực không nhỏ với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị phải "sốt ruột" hơn nữa với vấn đề giải ngân.

Tại buổi họp giao ban công tác tháng 10, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 của Bộ Giao thông Vận tải vừa diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, dù Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc hàng ngày, hàng tuần, nhưng việc giải ngân vốn xây dựng cơ bản tháng 10 chưa đạt yêu cầu.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tháng 10/2021, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân 2.204 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng giải ngân được hơn 29.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước giải ngân được hơn 26.300 tỷ đồng, đạt 68,4%; vốn nước ngoài hơn 2.700 tỷ đồng, đạt 56,7%.

"Kết quả giải ngân chậm khoảng 656 tỷ đồng so với kế hoạch đã đăng ký. Một số đơn vị có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu đề ra", ông Huy cho hay.

Cụ thể như Ban Quản lý dự án 7 giải ngân đạt 61,6% kế hoạch, chậm 282 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án 2 giải ngân đạt 50% kế hoạch, chậm 235 tỷ đồng; Sở Giao thông Vận tải Kon Tum giải ngân đạt 57,5% kế hoạch, chậm 118 tỷ đồng; Sở Giao thông Vận tải Hà Nam, Bến Tre chỉ giải ngân khoảng trên 30% kế hoạch...

Ông Nguyễn Danh Huy cho rằng, từ nay tới cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 14.259 tỷ đồng; trong đó 2.096 tỷ đồng vốn nước ngoài, 12.164 tỷ đồng vốn trong nước. Vì vậy, các nhóm dự án được giao kế hoạch vốn lớn sẽ quyết định kết quả giải ngân chung của cả Bộ Giao thông Vận tải.

"Do vậy, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải sát sao, đề xuất các giải pháp xử lý khó khăn vướng mắc để thúc đẩy tiến độ trong những tháng cuối năm, đặc biệt, là với 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông cần giải ngân 4.484 tỷ đồng", ông Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, áp lực giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải trong các tháng cuối năm là không hề nhỏ. Tuy nhiên với ảnh hưởng bởi mùa mưa bão cuối năm và một số tồn tại giải phóng mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ rất cao không hoàn thành kế hoạch giải ngân nếu không có giải pháp quyết liệt.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chỉ rõ, tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, áp lực giải ngân tại các dự án thành phần này là rất lớn. Cụ thể dự án cao tốc Bắc- Nam các đoạn: Vĩnh Hảo - Phan Thiết còn phải giải ngân 975 tỷ đồng; Cam Lộ - La Sơn còn 874 tỷ đồng; Phan Thiết - Dầu Giây còn 555 tỷ đồng; Mai Sơn – Quốc lộ 45 còn 537 tỷ đồng; Cao Bồ - Mai Sơn còn 435 tỷ đồng....

Ngoài ra, các dự án quan trọng, cấp bách khác, số tiền cần giải ngân khoảng 3.131 tỷ đồng. Trong đó, dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ phải giải ngân 589 tỷ đồng; tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phải giải ngân 571 tỷ đồng; dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất giải ngân 333 tỷ đồng, sân bay Nội Bài là 151 tỷ đồng. Dự án gia cố các hầm yếu và cải tạo kiến trúc hạ tầng đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đoạn Vinh - Nha Trang phải giải ngân 323 tỷ đồng….

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, nhiệm kỳ này ngành giao thông vận tải được bố trí 304.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm phải giải ngân 60.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, ngành giao thông vận tải chỉ giải ngân 43.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của nhiệm kỳ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiệm vụ trong giai đoạn tới là rất nặng nề.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tỏ rõ sự nóng ruột trước tiến độ giải ngân: Riêng trong năm 2021, bình quân mỗi tháng phải giải ngân khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng tháng 10 vừa qua, trong khi dịch COVID-19 đã bớt phức tạp, việc đi lại thuận lợi nhưng tiến độ giải ngân chỉ được hơn 2.200 tỷ đồng.

"Tỷ lệ giải ngân chậm sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. Tại các cuộc họp hàng tuần, hàng tháng, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo rất tập trung. Chỉ còn 2 tháng nữa, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cần tập trung, tăng cường kiểm tra giám sát tiến độ, chất lượng. Tiến độ là quan trọng nhưng chất lượng là hàng đầu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo. (VTV.vn 31/10)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Gia Lai tạm đình chỉ nhiều cán bộ lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19

Thiếu tinh thần trách nhiệm, lơ là trong chỉ đạo, điều hành để dịch bùng phát trong cộng đồng, đã có nhiều lãnh đạo cấp cơ sở ở tỉnh Gia Lai bị đình chỉ công tác thời hạn 15 ngày.

Cụ thể, ngày 30/10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Thiện đã ký Quyết định số 1163/QĐ-UBND về việc tạm đình chỉ công tác thời hạn 15 ngày đối với ông Siu Thiên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Ia Piar do không bảo đảm an toàn trong triển khai công tác phòng, chống dịch.

Ông Siu Thiên bị đình chỉ công tác với lý do từ ngày 29 - 30/10 đã lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến tại làng Kmek (xã Ia Piar) có 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Trong đó, có một trường hợp là học sinh lớp 8 Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự (xã Ia Piar).

Ngày 30/10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kbang đã ký ban hành Quyết định số 1661/QĐ-UBND tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Văn Thủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Kbang cũng vì lý do để dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng.

Theo đó, chỉ trong 2 ngày 28, 29/10, huyện Kbang ghi nhận 12 ca dương tính với SARS-CoV-2, tất cả đều ở tổ 10, thị trấn Kbang. Trong đó có 6 ca là những người đi từ vùng dịch về, đã thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, thực hiện cách ly tại nhà từ 19 - 25/10, sau đó xét nghiệm bị dương tính; 6 ca còn lại là cư dân sống trong khu vực có các ca F0 nêu trên, được phát hiện qua xét nghiệm mở rộng.

Trước đó, cũng vì thiếu trách nhiệm trong điều hành, để dịch Covid-19 bùng phát, ngày 26/10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Pơ đã ký Quyết định số 3116/QĐ-UBND tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Lê Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân An để xem xét trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch.

Tại hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, cấp xã để triển khai khẩn cấp công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 vào ngày 30/10, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đề nghị các địa phương phải nâng cao trách nhiệm tối đa của người đứng đầu; xử lý kỷ luật nghiêm trách nhiệm người đứng đầu đã lơ là, thiếu sâu sát trong công tác quản lý.

Ban Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rút kinh nghiệm sâu sắc để không lặp lại sai sót như một số địa phương trên. Đối với các địa phương có nguy cơ cao, như: Chư Sê, Phú Thiện, Kbang cần củng cố lại Ban Chỉ đạo và nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, tìm ra sai sót và thật sự cầu thị, rút kinh nghiệm….

“Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh hết sức phức tạp, nhất là tại huyện Chư Sê và TP Pleiku, xuất hiện chùm lây nhiễm với nhiều trường hợp dương tính cộng đồng chưa tìm được nguồn lây; tại một số nơi, người dân có dấu hiệu chủ quan, lơ là. Đây là những yếu tố nguy cơ làm dịch lây lan và bùng phát nếu không nghiêm túc thực hiện, kiểm soát tốt tình hình”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai nhấn mạnh. (Nhandan.com.vn 31/10, Phan Hòa)Về đầu trang

An Giang: Bắt nguyên cán bộ công an “rửa tiền” liên quan đến trùm buôn lậu Mười Tường

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang cho biết vừa thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Văn Võ về tội “Rửa tiền” liên quan đến "trùm" buôn lậu Mười Tường.

Cụ thể, ngày 28/10/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Võ, sinh năm 1968, nơi cư trú: ấp Bình Phú, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang về tội "Rửa tiền", theo quy định tại khoản 3 Điều 324 Bộ luật Hình sự.

Bị can Nguyễn Văn Võ (nguyên là cán bộ Công an) đã có hành vi tham gia trực tiếp vào các giao dịch ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền trên 3 tỷ đồng của Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường), sinh năm 1969, nơi cư trú: ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang phạm tội mà có.

Cũng trong ngày 29/10/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thực hiện Lệnh khám xét một số nơi ở của bị can Nguyễn Văn Võ. Trong quá trình khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ được một số tài liệu, tang vật liên quan đến vụ án.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án theo quy định của pháp luật. (VTV.vn 30/10)Về đầu trang ./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More