Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 06-4-2021

Post date: 06/04/2021

Font size : A- A A+

 Tải file tại đây

TIN QUỐC HỘI 1

1.                Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Chủ tịch nước với số phiếu tuyệt đối 1

2.                Ông Phạm Minh Chính được đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. 2

CHÍNH SÁCH MỚI 2

3.                DN được trừ khoản chi ủng hộ phòng, chống Covid-19 khi tính thuế thu nhập. 2

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY.. 3

4.                Quảng Bình: Facebook thôn... phòng chống Covid-19. 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP. 3

5.                Năm 2021, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7,1%.. 3

6.                Tầm nhìn xa hơn về phục hồi kinh tế. 4

7.                Hộ chiếu vaccine cứu ngành du lịch, nhưng làm phải có lộ trình. 5

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN.. 6

8.                Thu hút nhân tài: Có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, môi trường làm việc thuận lợi 6

QUẢN LÝ.. 8

9.                Nhà ở xã hội "biến tướng". 8

10.            Sống ở đâu rẻ nhất Việt Nam?. 9

11.            Vì sao lao động chưa đi học hoặc chỉ học sơ cấp ít thất nghiệp, còn trình độ đại học trở lên lại thất nghiệp nhiều?. 10

12.            Lâm Đồng: Không chấp nhận cán bộ tha hóa, biến chất 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 11

13.            Từ 1/7 tiến hành liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử cả nước. 11

14.            Đà Nẵng đẩy mạnh thực hiện chính quyền đô thị, phục vụ người dân hiệu quả. 12

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH.. 13

15.            Không báo cáo sẽ tạm dừng cấp kinh phí bổ sung cho địa phương. 13

16.            Thanh tra Bộ Tài chính: Kiến nghị xử lý tài chính gần 12.055 tỷ đồng. 14

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 15

17.            Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I viết kiểm điểm.. 15

THẾ GIỚI 15

18.            Bộ Giáo dục Trung Quốc khuyến nghị giờ ngủ của học sinh. 15

 TIN QUỐC HỘI

Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Chủ tịch nước với số phiếu tuyệt đối

Sáng 5.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Nước.

 Tại hội trường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIV, để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. Sau đó, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

 Kết quả, đại biểu tán thành việc bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Nước. Nghị quyết về việc bầu Chủ tịch Nước cũng được 468/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua. (Laodong.vn 05/4, Đặng Chung)Về đầu trang

Ông Phạm Minh Chính được đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ

Sáng 5.4, sau khi tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc trình danh sách đề cử nhân sự để Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Việc đề cử này được các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận.

 Theo đó, nhân sự được Chủ tịch Nước đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.

 Trong danh sách sơ bộ nhân sự được các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng được giới thiệu ứng cử ở khối Chính phủ.

 Theo chương trình kỳ họp, chiều 5/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.

 Chủ tịch Nước sẽ báo cáo, tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội nếu có.

 Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ sau khi thông qua danh sách nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch Nước trình.

 Sau khi Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ nhậm chức. (Laodong.vn 05/4, Phạm Đông) Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

DN được trừ khoản chi ủng hộ phòng, chống Covid-19 khi tính thuế thu nhập

Theo Nghị định số 44/2021/NÐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.

 Ðơn vị nhận ủng hộ, tài trợ bao gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

 Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 31-3-2021 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và năm 2021. (Nhandan.com.vn 05/4)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Quảng Bình: Facebook thôn... phòng chống Covid-19

Trang Facebook thôn luôn đăng các khuyến cáo không tụ tập đông người, không tổ chức cưới, hỏi; luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; hạn chế đi lại khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp...

 Vậy là trang Facebook của thôn chúng tôi (thôn Vịnh Thọ, xã Cảnh Hóa, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) lập ra cũng được 7 năm rồi. Hồi mà tôi còn học đại học năm nhất, trang đó chủ yếu thành viên là con, cháu đang sinh sống ở quê và trên mọi miền của Tổ quốc. Mỗi lần thôn tôi có sự kiện gì sẽ được đăng tải lên để mọi người cùng biết; rồi đến thông báo của thôn, của các ban ngành đoàn thể đều được cập nhật đầy đủ để mọi người ai cũng biết; hoặc đăng những hình ảnh về quê hương là cánh đồng, là khói lam ban chiều, lũy tre làng, là bờ đê, con sông quen thuộc... Các thành viên xa quê rất thích trang Facebook này, đặc biệt là những người nhiều năm chưa có dịp về thăm quê. Nhiều bà con đã điện cho tôi: “Cháu ơi! Facebook thôn của cháu lập ra đưa lên nhiều hình ảnh làm bác nhớ quê da diết”...

 Đến đầu năm 2020, dịch Covid-19 lây lan trên thế giới rồi tới Việt Nam, khi đó ai cũng rất hoang mang lo lắng vì số người chết do dịch ngày càng tăng. Tôi nhớ rất rõ khi tôi từ TP.HCM về quê Quảng Bình để ăn tết thì đang giai đoạn dịch bùng phát mạnh. Các thông tin thời sự đều được cập nhật thường xuyên và đầy đủ, đặc biệt là cách phòng tránh làm sao cho hiệu quả.

 Tôi đã chia sẻ cách phòng chống Covid-19 từ Bộ Y tế và hướng dẫn anh em ở quê đọc, cập nhật cho người thân và những người xung quanh thực hiện cho hiệu quả. Và tôi luôn phát thông báo hướng dẫn cho những bà con ở các vùng khác về đều bắt buộc khai báo y tế tại trạm y tế xã. Từ đó các anh, các chị ở xa về đi qua vùng dịch đều được cách ly 14 ngày.

 Biết được tầm nguy hiểm của Covid-19 mà bà con xóm tôi thực hiện rất nghiêm túc các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch. Các cô, chú trong thôn truyền tai động viên nhau quyết tâm đẩy lùi “con Covid”. Tất cả cùng chung sức vượt qua thử thách để cuộc sống bình yên trở lại với bà con chúng ta. (Thanhnien.vn 05/4, Hoàng Tư) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Năm 2021, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7,1%

Tuần qua, nhiều định chế tài chính lớn quốc tế đã đưa ra những nhận định tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt mức 6,5% năm 2021.

 Ngân hàng United Oversea Bank thì đưa ra dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt ở mức khá cao là 7,1%. Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng dự báo Việt Nam đạt tăng trưởng năm 2021 là 6,6%.

 Mới đây, lạc quan về khả năng hồi phục và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, Ngân hàng United Oversea Bank đã đưa ra dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt ở mức khá cao là 7,1%. Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng vừa dự báo tăng trưởng kinh tế (tổng sản phẩm nội địa - GDP) Việt Nam năm 2021 là 6,6%. Cùng với xu hướng hồi phục của kinh tế trong nước, trong tuần qua nhiều định chế tài chính lớn tiếp tục đưa ra những nhận định tích cực đối với kinh tế Việt Nam.

 Trong đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã công bố về việc xếp hạng cho khả năng thanh toán nợ dài hạn và nợ "được ưu tiên trả trước" không có tài sản bảo đảm được phát hành bởi Chính phủ Việt Nam lên Ba3, thay đổi triển vọng từ "tiêu cực" thành "tích cực", đồng thời nhấn mạnh rằng việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 đã giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế trong nước cũng như thương mại xuyên quốc gia, hỗ trợ thu thuế.

 Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021 nhờ nền tảng vững vàng và những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ, đồng thời khuyến nghị rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện. Những diễn biến này một lần nữa khẳng định các chính sách điều hành và sự phục hồi kinh tế trong nước đang thực sự đi đúng hướng.

 Trang MoneyWeek của Anh đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất Châu Á thời gian tới. Lần đầu tiên sau 27 năm, một Tổ chức xếp hạng uy tín của Mỹ công bố Việt Nam vào nhóm có nền kinh tế tự do trung bình với nhiều tiêu chí được cải thiện theo hướng tích cực. Theo bảng xếp hạng do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) của Mỹ, năm 2021 là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 2,9 điểm - chủ yếu do “sức khỏe” tài chính được cải thiện - và thăng 15 bậc so với năm ngoái.

 Nhận xét về kinh tế Việt Nam năm 2021, HSBC nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu vững vàng trong đại dịch COVID-19. GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng được 2,9% và thuộc số ít các nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm đầu tiên đại dịch COVID xuất hiện. (Laodong.vn 05/4)Về đầu trang

Tầm nhìn xa hơn về phục hồi kinh tế

Tăng trưởng GDP quý I-2021 ước đạt 4,48%, tuy chưa phải mức tăng trưởng cao như kỳ vọng nhưng quan trọng là các chỉ số vĩ mô cơ bản đều cho thấy kinh tế đang phục hồi phù hợp với xu hướng dự báo theo kịch bản điều hành của Chính phủ, góp phần giữ vững và nâng cao niềm tin của người dân.

 Cả ba khu vực của nền kinh tế đều có sự tăng trưởng tốt. Nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng 3,16%. Công nghiệp và xây dựng khởi sắc, đạt mức tăng 6,3%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực chính của nền kinh tế đã tiệm cận mức tăng hai con số như thời điểm trước đại dịch.

 Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất cũng “gượng dậy” với mức tăng trưởng 3,34%. Lạm phát bình quân trở về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Thu hút đầu tư nước ngoài lần đầu tăng trưởng dương, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục xu hướng tăng cao. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, hỗ trợ đáng kể cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN)…

 Một chỉ số rất được quan tâm trong bức tranh kinh tế chung là tình hình thu ngân sách nhà nước. Số thu từ hoạt động sản xuất của cả ba khu vực DN đều tăng so cùng kỳ, trong đó, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng tới 22,4%. Thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt mức cao so dự toán và tăng so cùng kỳ. Tín hiệu đáng mừng là số thu từ khu vực DN đều đạt hơn 28% dự toán năm, trong đó ấn tượng nhất vẫn là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

 Dữ liệu tài chính này cho thấy, dù một số địa phương vẫn phải chịu ảnh hưởng của đợt tái bùng phát dịch, song nhìn chung, các hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản trở lại bình thường, đóng góp tích cực đến thu, chi ngân sách nhà nước. Ðồng thời cho thấy sự thích nghi, sức chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng.

 Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận đúng về những hạn chế của nền kinh tế đang dần bộc lộ. Ðó là một số ngành, lĩnh vực quan trọng tiếp tục gặp nhiều khó khăn chưa thể phục hồi. Từ năm 2016 đến nay, đây là lần đầu ghi nhận sự giảm sút về số DN thành lập mới trong quý I cùng với sự suy giảm về lượng vốn đăng ký đổ vào nền kinh tế trong khi số DN ngừng hoạt động, giải thể vẫn ở mức cao. Sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam trong quý I có đóng góp chủ yếu từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các DN FDI chiếm áp đảo trong hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước với các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

 Từ thực tế này, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, trong quá trình phục hồi của DN, phải lưu ý đến mức độ hồi phục và sức vóc mới của DN trong nước để không “lép vế” trước khu vực FDI. Các DN cũng cần chuẩn bị một nền tảng, thể lực tốt để sẵn sàng trỗi dậy mạnh mẽ, thay vì gượng dậy trong tình trạng vẫn tổn thương. (Nhandan.com.vn 05/4, Tô Hà)Về đầu trang

Hộ chiếu vaccine cứu ngành du lịch, nhưng làm phải có lộ trình

Hơn 1 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lĩnh vực du lịch quốc tế của Việt Nam phải đóng băng hoàn toàn, gây ra những thiệt hại rất lớn. Mặc dù đã có chiến lược đẩy mạnh du lịch nội địa để bù đắp nhưng thực tế ngành du lịch vẫn không thể vực dậy. Vì thế, khi việc tiêm vaccine được triển khai, ý tưởng về “Hộ chiếu vaccine” được kỳ vọng là lối mở cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để “hộ chiếu vaccine” đi vào vận hành thì còn nhiều bước cần chuẩn bị.

 Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông Lữ hành Saigontourist chia sẻ: “Saigontourist cũng như tất cả các công ty du lịch đều kỳ vọng làm sao để mở của lại du lịch quốc tế cả ở chiều đi và chiều đến. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan ban ngành liên quan cần nghiên cứu kỹ quy trình khi triển khai “hộ chiếu vaccine” này. Có lẽ phải triển khai theo từng bước và cũng có thể phải nghiên cứu triển khai thí điểm với một số nước được đánh giá cao về mức độ an toàn, kiểm soát dịch bệnh để vừa thử nghiệm, vừa đánh giá hiệu quả thực tế”

 Đồng quan điểm, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Viettravel cũng cho rằng, để triển khai “hộ chiếu vaccine” an toàn thì trước hết cần phải đảm bảo tiêm vaccine đầy đủ cho cư dân ở các điểm đến cũng như đội ngũ nhân sự ngành du lịch. Ngoài ra, cũng cần có sự tập huấn nâng cao công tác phòng chống dịch cho các đơn vị tham gia trong tour tuyến đón khách quốc tế, đặc biệt là cho đội ngũ nhân sự trực tiếp phục vụ tour.

 Bà Phương Hoàng dẫn chứng các quy trình mà nước bạn Thái Lan đang thực hiện và ngành du lịch Việt có thể học hỏi: “Tôi ví dụ như hiện nay ở Thái Lan, ngoài chuyện chờ chuẩn hóa “hộ chiếu vaccine” họ cũng đã chủ động hướng dẫn cho các cơ sở lưu trú cũng như các điểm tham quan du lịch để chuẩn hóa lại và sẵn sàng đón nhận các khách có “hộ chiếu vaccine”. Họ có quy trình rất gắt gao từ lúc đón nhận khách đến nhập cảnh vào Thái Lan rồi về vị trí mà khách lưu trú”.

 Về việc triển khai thí điểm “hộ chiếu vaccine” với một số nước, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng Phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TPHCM cho biết, hiện nay cũng có một số nước như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Nga... đang đặt vấn đề này với Việt Nam. Tuy nhiên, việc lựa chọn hình thức hợp tác triển khai và hợp tác ở mức độ nào thì vẫn cần nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng. Ngoài ra, ông Việt Anh cũng cho rằng, cần cân nhắc chọn loại hình du lịch dễ kiểm soát, có độ an toàn và ít rủi ro để triển khai ở bước đầu: "Thứ nhất là du lịch y tế họ đến để chăm sóc sức khỏe và có thể kết hợp với một số nghỉ dưỡng. Nghỉ dưỡng tại resort hoặc một số nơi có khí hậu tốt và là điểm đến an toàn, tránh di chuyển nhiều. Golf cũng vậy, họ đánh ở sân golf và đi về. Như vậy tôi nghĩ đây là 2 loại hình mà chúng ta nên triển khai trong bước đầu”. (Vov.vn 05/4, Minh Thắm)Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Thu hút nhân tài: Có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, môi trường làm việc thuận lợi

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, trong đó nhấn mạnh việc tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Trao đổi với Lao Động, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Đảng chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

 Vấn đề này được Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - rất tâm đắc. Vị đại biểu cho biết, bằng các giải pháp, nước ta luôn hướng đến mục tiêu tạo ra được nhiều nhân tài, các bậc hiền tài qua nhiều thời đại. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, do đó, để phát huy, trọng dụng và tạo điều kiện cho nhân tài là điều mà Đảng, Nhà nước và các cơ quan nên quan tâm.

 Theo ông Nghĩa, đã có nhiều chính sách được đưa ra để đào tạo phát triển, thu hút và trọng dụng nhân tài, nhất là nhân tài chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, nước ta chưa tận dụng, phát huy được thế mạnh của nhân tài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Bản thân ông đã từng chất vấn trước nghị trường Quốc hội về những người đỗ đạt cao, thành công trong các giải quốc tế, thủ khoa các trường đại học… trong các lĩnh vực hiện nay ra sao?. Việc trọng dụng họ như thế nào cũng chưa rõ ràng.

 “Tôi thấy có một số tỉnh như: Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh có nhắc tới việc đãi ngộ xứng đáng cho nhân tài như cấp biệt thự, tạo vị trí việc làm nhưng hiện vẫn chưa thành công. Do đó, điều này phải có chính sách thật sự rõ ràng” - ông Nghĩa chia sẻ. Dẫn giải tiếp cho câu nói trên, ông Nghĩa cho biết, nếu muốn thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ thì phải tạo điều kiện cho họ vào những vị trí việc làm, ngành nghề phù hợp mà không được áp đặt. Người tài, có trình độ chuyên môn cao rất muốn được cống hiến, còn hưởng thụ chỉ là một phần. Cá nhân họ muốn một môi trường làm việc thuận lợi, hiệu quả và phù hợp để chứng tỏ bản thân.

 Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Nghĩa đề xuất Chính phủ, Nhà nước cần tham vấn nguyện vọng của các nhân tài, lắng nghe tâm tư, chia sẻ của họ.

 Cần tạo điều kiện cho tất cả lĩnh vực mà nhân tài thích thú, đam mê và là thế mạnh của họ như: khoa học, quân sự, nghiên cứu về y học, dịch vụ, ngân sách tài chính. Do đó, vị đại biểu Quốc hội mong muốn Đảng và Nhà nước phải có những chính sách chiến lược cụ thể hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài. Không những nhân tài trong nước, cần có thêm chiến lược để thu hút nhân tài ở nước ngoài, Việt kiều về nước cống hiến. Mặc dù nước ta đã có chính sách về vấn đề này nhưng chưa nhiều, chưa đủ tốt.

 Cùng nói về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, đại biểu Lê Công Nhường, (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) cho biết, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì phải có sự đổi mới trong phương pháp dạy học, đổi mới sách giáo khoa. Thông qua đó việc dạy và học có bước chuyển biến tích cực, không nặng về lý thuyết mà phải thích ứng với cuộc sống.

 Cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong mọi lĩnh vực với hướng đến người đủ đức, đủ tài, đủ trình độ chuyên môn; đồng thời cần có sự chú trọng cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài.

 Ông Nhường cho rằng, để thu hút được nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thì cần có sự tuyển chọn kỹ lưỡng, thực sự người tài phải đáp ứng được cuộc cách mạng, nền công nghiệp 4.0. Cần có cơ chế trả lương hậu hĩnh, xứng đáng với công sức và trí tuệ của nhân tài bỏ ra. 

Ngoài ra, để thu hút được cả nhân tài trong nước, nước ngoài về Việt Nam làm việc thì nước ta cần tạo một môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp và năng động. Không những vậy, cần trao cho nguồn nhân lực chất lượng cao một số chức năng, nhiệm vụ để họ yên tâm cống hiến.

 “Trong việc trả lương, hỗ trợ nhà cửa hay việc đi lại phải có sự đồng bộ. Có thể quan tâm tới bệnh viện, trường học, môi trường sống cho những người thân của các nhân tài chất lượng cao. Đây phải là giải pháp tổng thể, cần có kế hoạch rõ ràng, cụ thể hơn của các ngành, các địa phương ban hành. So với các nguồn lực khác, nguồn nhân lực với yếu tố hàng đầu là trí tuệ, chất xám có ưu thế nổi bật là không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý” - ông Nhường đề xuất. 

Để thu hút được nguồn nhân tài chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ ở nước ngoài, ông Nhường cho rằng, cần nghiên cứu thành lập và sử dụng có hiệu quả nhất “Quỹ nhân tài” để khuyến khích nhân tài trong lĩnh vực công nghệ phát triển, cống hiến, sáng tạo, gắn bó, đồng hành cùng đất nước. 

Về lâu dài, cần có cơ chế, chính sách về nhà ở, các phương tiện, điều kiện làm việc tốt nhất cho nhân tài công tác, cống hiến cho sự phát triển của tổ chức, của quốc gia. Cần phải chứng minh cho họ thấy môi trường làm việc tốt, thực sự cống hiến cho Tổ quốc. Cần đảm bảo đời sống cho họ thoải mái như lúc họ làm việc ở nước ngoài. (Laodong.vn 05/4, Nhóm PV)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Nhà ở xã hội "biến tướng"

Với các dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư đều được miễn nộp tiền sử dụng đất nhằm giảm giá thành để người nghèo, người thu nhập thấp có cơ hội mua. Thế nhưng, nhiều dự án lại đang "biến tướng" ở Đắk Lắk… bởi những căn hộ này rơi vào tay cán bộ, trong đó không ít người đang sở hữu ô tô trị giá tỷ đồng.

 Ngày 4/4, Phó giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Toàn Thắng cho biết, cơ quan này đang trình Sở Tài chính phê duyệt phương án để tiếp tục bán đấu giá 6 căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội ở phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột. “Đợt đầu không bán được căn nào, do giá khởi điểm quá cao. Tới đây, chúng tôi sẽ điều chỉnh giá xuống, hi vọng sẽ bán hết”, ông Thắng nói.

 Hồ sơ thể hiện, cuối năm 2020 dự án phát triển nhà ở xã hội tại khu dân cư Km 4-5 ở phường Tân An khánh thành, tổng mức đầu tư hơn 105 tỷ đồng, với 2 khối nhà 6 tầng/180 căn hộ. Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức đang gặp khó khăn về nhà ở.

 Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, đơn vị đã bán và cho thuê 163 căn hộ, giá bán từ 340 triệu đến hơn 700 triệu đồng/căn.

 Theo đó, nhiều cán bộ đang công tác tại Sở Xây dựng, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tài Chính, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, Kiểm toán Nhà nước khu vực XII, Chi cục Thuế thành phố Buôn Ma Thuột… đang sở hữu những căn hộ này. Điều đáng nói, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cán bộ nằm trong diện được xem xét mua nhà ở xã hội được gắn tiêu chí “người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở”… lại đang sở hữu ô tô, có chiếc lên đến tiền tỷ.

 Để bù đắp một phần kinh phí xây dựng dự án, vừa qua UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định bán đấu giá 6 căn nhà ở xã hội, tổng trị giá hơn 16 tỷ đồng. Quyết định này căn cứ vào Luật đất đai, Luật bán đấu giá tài sản… nhưng không nêu rõ, chính quyền căn cứ vào điều khoản nào trong Luật quy định: nhà ở xã hội được phép bán đấu giá?

 Liên quan đến vụ việc trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, đang yêu cầu các đơn vị liên quan giải trình. “Ngày họp báo định kỳ tới đây, sau khi nghe các đơn vị báo cáo giải trình, UBND tỉnh Đắk Lắk mới có hướng xử lý”, ông Hà nói.

 Cũng liên quan tới nhà ở xã hội, đến nay, 26 căn nhà ở xã hội thuộc dự án do Cty đầu tư công nghệ Seagol (Cty Seagol) làm chủ đầu tư ở đường Y Ơn, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột đã hoàn thành xây dựng, nhưng chưa đi vào hoạt động. Nguyên nhân, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang vào cuộc xử lý do xây dựng trái phép. Đáng chú ý, chủ đầu tư đã rao bán các căn hộ với giá từ 2 tỷ đến hơn 3 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, theo bảng báo giá của Sở Tài chính Đắk Lắk cung cấp, nhà ở xã hội (có diện tích 70m2) chỉ được bán với giá khoảng 700 triệu đồng/căn,tùy vị trí. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đang thanh tra theo chuyên đề tại dự án này. (Tienphong.vn 05/4, Vũ Long)Về đầu trang

Sống ở đâu rẻ nhất Việt Nam?

Tổng cục Thống kê cho biết xét theo chỉ số giá sinh hoạt, trong 63 tỉnh thành của cả nước, Hà Nội là địa phương có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất, trong khi sống tại tỉnh Hậu Giang có chi phí sinh hoạt thấp nhất.

 Bảng xếp hạng chỉ số giá sinh hoạt theo không gian các tỉnh thành trực thuộc trung ương giai đoạn 2018 - 2020 ghi nhận trong 3 năm chỉ số sinh hoạt tại Hà Nội từ vị trí số 2 lên vị trí số 1 cả nước. Trong khi TP.HCM, nơi có sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước vào năm 2018, trở thành địa phương có chi phí sinh hoạt xếp thứ 2 sau Hà Nội trong 2 năm 2019 - 2020.

 Chỉ số giá sinh hoạt của người dân 63 tỉnh, thành phố được Tổng cục Thống kê đánh giá dựa trên khảo sát, so sánh giá 11 nhóm hàng thiết yếu. Đó là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giao thông; bưu chính viễn thông; giáo dục; văn hóa giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác.

 Nếu quy chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) của Hà Nội 100 điểm, nhóm 5 tỉnh thành có chỉ số giá sinh hoạt cao nhất cả nước là Hà Nội, TP.HCM (99,05%), Hải Phòng (97,38%), Đà Nẵng (97,11%), Lào Cai (96,25%). 

Dù TP.HCM có chỉ số SCOLI thấp hơn Hà Nội, nhưng trong năm 2020 một số nhóm hàng hóa tại TP.HCM có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội.

 So với Hà Nội, chi phí giáo dục tại TP.HCM bằng 105,43% do học phí các trường dân lập, học nghề cao hơn; giá các mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép tại TP.HCM bằng 101,26% ở Hà Nội; giá nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tại TP.HCM bằng 102,23% tại Hà Nội.

 Trong khi đó, dịch vụ hàng ăn uống, đồ uống, thuốc lá, thiết bị đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, giao thông, bưu chính viễn thông, văn hóa giải trí và du lịch, hàng hóa dịch vụ khác tại TP.HCM lại rẻ hơn Hà Nội.

 Nhóm 5 tỉnh thành có chi phí sinh hoạt rẻ nhất được ghi nhận là Hậu Giang. Theo đó, chi phí sinh hoạt người dân Hậu Giang chỉ bằng 89,68% so với chi phí sinh hoạt của người dân tại Hà Nội.

 Các tỉnh thành còn lại trong nhóm 5 địa phương có chi phí sinh hoạt rẻ nhất nước là Sóc Trăng (90,39%), Trà Vinh (90,75%), Hà Nam (90,86%), Đồng Tháp (90,87%).

 Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian do Tổng cục Thống kê vừa công bố cũng ghi nhận so với năm 2019, năm 2020 chi phí sinh hoạt tại 29 địa phương giảm đi, 28 địa phương tăng lên và 6 địa phương không có biến động.

 Các địa phương có chi phí sinh hoạt giảm trong năm 2020 là Hà Tĩnh, Quảng Trị, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lạng Sơn, Gia Lai, Tây Ninh, Khánh Hòa… Trong khi các địa phương Thanh Hóa, Cà Mau, Đồng Nai, Cần Thơ chi phí sinh hoạt tăng lên trong năm 2020. (Tuoitre.vn 04/4, Bảo Ngọc) Về đầu trang

Vì sao lao động chưa đi học hoặc chỉ học sơ cấp ít thất nghiệp, còn trình độ đại học trở lên lại thất nghiệp nhiều?

Theo Điều tra lao động việc làm năm 2019 Tổng cục Thống kê mới công bố gần đây, nhóm chiếm tỷ trọng thấp nhất trong số lao động thất nghiệp là “sơ cấp nghề, chưa đi học/qua đào tạo và trung cấp” với tỷ lệ tương ứng là 1,9%, 2,1% và 4,7%.

 Số liệu cho thấy tỷ trọng của nhóm “tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông” trong cơ cấu thất nghiệp là cao nhất tương ứng 24,3% và 22,5%, tiếp đến là nhóm có trình độ từ đại học trở lên 14,9% trong tổng số người thất nghiệp.

 Nhóm chiếm tỷ trọng thấp nhất trong số lao động thất nghiệp là “sơ cấp nghề, chưa đi học/qua đào tạo và trung cấp” với tỷ lệ tương ứng là 1,9%, 2,1% và 4,7%. Theo Tổng cục Thống kê, điều này cho thấy thị trường lao động vẫn đang rất cần công việc giản đơn hoặc trình độ thấp.

 Nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất có thể do lực lượng học sinh mới tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông còn có ý định tiếp tục đi học nên chưa sẵn sàng tham gia thị trường lao động, riêng nhóm người có trình độ từ đại học trở lên tỷ lệ thất nghiệp cũng tương đối cao có thể do họ cố gắng tìm một công việc phù hợp với trình độ đào tạo.

 Tỷ lệ thất nghiệp của nữ cao hơn của nam ở nhóm cao đẳng và từ đại học trở lên tương ứng là 62% và 56,2%.

 Ngoài ra, kết quả điều tra cũng cho thấy, có sự khác biệt về tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giữa nam và nữ theo từng nhóm tuổi. Năm 2019, tỷ lệ này cho thấy ở nhóm tuổi 15-19 nam cao hơn nữ (13,3% và 12,3%) sau đó tỷ lệ thất nghiệp được thu hẹp ở nhóm tuổi 20-24, sang đến nhóm tuổi 25-29 và 30-34 nữ lại có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nam, từ nhóm tuổi 35-39 trở lên nam luôn có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nữ (trừ nhóm tuổi 55-59).

 Năm 2019, cả nước có hơn 1,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên thất nghiệp. Trong đó, 47,3% lao động thất nghiệp cư trú ở khu vực thành thị (tương đương 529,9 nghìn người). Xét trên bình diện giới, lao động thất nghiệp nam chiếm số đông hơn nữ. Khu vực nông thôn có cùng xu hướng này với toàn quốc, trong khi khu vực thành thị lao động thất nghiệp nữ cao hơn nam. Đáng lưu ý, thanh niên (từ 15-24 tuổi) thất nghiệp hiện vẫn chiếm tới gần một nửa tổng số lao động thất nghiệp cả nước (42,1%).

 Cũng như nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, tình trạng thất nghiệp thường cao hơn hẳn ở khu vực thành thị, trong khi vấn đề thiếu việc làm lại là phổ biến ở khu vực nông thôn. Chính vì vậy, các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và các nhà dùng tin khác.

 Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của Việt Nam là 2,17%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao gần gấp 2 lần khu vực nông thôn (3,11% so với 1,69%). Mức độ thất nghiệp của nữ cao hơn của nam 0,17 điểm phần trăm (2,26% và 2,09%).

 Tỷ trọng lao động thiếu việc làm cao nhất thuộc về ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản (72,2%). Điều này là phù hợp với đặc điểm việc làm trong lĩnh này do ảnh hưởng của thời gian tạm nghỉ theo mùa vụ. Có 58,3% lao động thiếu việc làm có mong muốn làm thêm từ 10-39 giờ/tuần. Số lao động thiếu việc muốn làm nhiều hơn 39 giờ/tuần chiếm khoảng 11,5%. (Cafef.vn 05/4) Về đầu trang

Lâm Đồng: Không chấp nhận cán bộ tha hóa, biến chất

Hai Chủ tịch UBND phường 1 và 6 của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng dương tính với ma túy; Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm trong vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại phòng bệnh nội trú… Những vụ việc gây bức xúc dư luận này một lần nữa cảnh báo về tình trạng tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ hiện nay.

 Theo khảo sát được công bố trong Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019, người dân quan tâm nhiều tới vị trí đại diện cấp khu dân cư và chính quyền cơ sở hơn là các cơ quan cấp quốc gia. Điều này cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở là điều cần phải đặc biệt quan tâm, chú ý vì đây là những người gần dân, sát dân nhất. Vì lẽ đó, tình trạng một bộ phận cán bộ các cấp tha hóa, có lối sống không gương mẫu, thậm chí vi phạm pháp luật dù là số ít nhưng những “con sâu làm rầu nồi canh” này đã làm xấu đi hình ảnh người cán bộ gương mẫu.

 Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), để xảy ra những sự việc như vừa qua, nhất là đối với cán bộ chủ chốt ở cơ sở, một phần do hệ thống giám sát quyền lực vận hành có vấn đề. Nếu người đứng đầu các cấp làm hết trách nhiệm thông qua giám sát, kiểm tra sẽ không có những sự việc đáng tiếc như vừa qua. Do đó, bên cạnh việc tăng cường giám sát thì cần phải quy trách nhiệm, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Việc xử lý nghiêm những cán bộ như vậy sẽ tạo sức giáo dục và răn đe rất lớn. 

Nhưng, để xử lý được gốc của vấn đề, không để xảy ra tình trạng cán bộ tha hóa, biến chất thì công tác cán bộ phải được làm thật tốt. Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, việc lựa chọn công tác cán bộ ở tỉnh, thành đã được phân cấp và địa phương có trách nhiệm giới thiệu, bầu những người có đủ các tiêu chuẩn cần thiết để đưa vào bộ máy nhà nước. Như vậy, việc để cán bộ thoái hóa biến chất thì trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp là không thể phủ nhận. (Sggp.org.vn 05/4, Gia Khánh)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Từ 1/7 tiến hành liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử cả nước

Hiện nay đã có 98 triệu hồ sơ sức khỏe được lập với 42 mẫu bệnh án điều trị ngoại trú, áp dụng cho các tuyến xã, huyện.

 Theo PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời.

 Hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.

 Nếu thực hiện tốt, quản lý tốt các dữ liệu thì HSSKĐT giúp theo dõi sức khỏe, không chỉ nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn là hiệu quả về kinh tế. Bởi vì, khi người dân được phát hiện sớm bệnh tật (nếu có) thì chi phí sẽ giảm vì bệnh ở giai đoạn sớm sẽ hạn chế sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. (VTV.vn 05/4)Về đầu trang

Đà Nẵng đẩy mạnh thực hiện chính quyền đô thị, phục vụ người dân hiệu quả

Giai đoạn mới, Đà Nẵng đặt mục tiêu phân cấp, phân quyền, ủy quyền là để phát huy hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, hướng đến phục vụ tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. 

Để xử lý nhanh các hồ sơ cho doanh nghiệp, theo ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng, cần phải cắt giảm các thủ tục hành chính. Ông dẫn ví dụ về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với kinh phí rất nhỏ cũng phải trình lên UBND thành phố phê duyệt. Cụ thể, những hồ sơ này đi qua Sở Tài nguyên-Môi trường, lòng vòng một hồi lên tới văn phòng UBND thành phố. Có trường hợp sở Tài nguyên-Môi trường vừa phải ký các đơn xin lỗi doanh nghiệp do thủ tục chậm trễ.

 “Hiệu quả công việc không cao, trong khi doanh nghiệp tính bằng đơn vị giây thì bộ phận hành chính của chúng ta tính theo đơn vị ngày, rồi còn mở ngoặc là ngày làm việc và ngày không làm việc. Thủ tục trễ ở khâu nào chưa nói, nhưng Sở Tài nguyên- Môi trường tiếp nhận đầu vào mà đầu ra không đảm bảo thời gian thì phải ký đơn xin lỗi”, ông Chương cho hay.

 Bên cạnh đó, theo ông Chương, UBND thành phố nên mạnh dạn giao quyền cho giám đốc các sở. Bởi theo quy định pháp luật về công chức thì người tham mưu vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng.

 Đề cập việc phân cấp quản lý đô thị lĩnh vực xây dựng trong thời gian qua, ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, hiện các quận huyện được phân cấp thực hiện cấp giấy phép xây dựng các công trình cấp 3,4 và nhà ở riêng lẻ; quản lý cây xanh, đường ống cấp và thoát nước trên tuyến đường nhỏ hơn hoặc bằng 7,5m. Với nhiều nhiệm vụ quan trọng được giao, nguồn lực khi thực hiện nhiệm vụ sau khi phân cấp ở các địa phương bước đầu vẫn còn nhiều lúng túng.

 Đặc biệt, UBND thành phố phân cấp cho UBND quận quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật đầu tư công; tăng cường năng lực của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện để đáp ứng yêu cầu trong công tác thẩm định các dự án. Ông Hà cho biết thêm, khi các quận huyện thực hiện đồ án quy hoạch sẽ lấy ý kiến của sở. Trong công tác tham gia góp ý trả lời, sở vẫn thấy chưa đạt như mong muốn nên có trường hợp làm cho tiến độ thẩm định quy hoạch bị chậm đi.

 “Vừa rồi trong cuộc họp xử lý dự án đã có đề cập, sở sẽ nghiên cứu việc này để thời gian tham gia ý kiến quy hoạch cho quận huyện được rút ngắn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả thực hiện công tác quy hoạch”, ông Hà nói.

 Bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, việc phân cấp, phân quyền tăng nhiệm vụ công tác nhưng quận vẫn không được tăng cường tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ phân cấp, dẫn đến chính quyền địa phương khó có thể thực hiện được “quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm”. Trong điều kiện tinh giảm biên chế hiện nay nguồn nhân lực địa phương không đủ để đáp ứng giải quyết kịp thời, định mức chi hoạt động cho cán bộ công chức cấp quận thấp so với cán bộ công chức thành phố trong khi quyền lợi không thay đổi nhưng công việc lại tăng (cấp quận 36 triệu đồng/ 1 người/ 1 năm, thành phố 52 triệu đồng/ 1 người/ năm).

  “Thật sự phòng quản lý đô thị ở quận quá tải về công việc nhưng con người thì chỉ chừng đó thôi”, bà Lợi nhìn nhận. (Sggp.org.vn 04/4, Xuân Quỳnh)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Không báo cáo sẽ tạm dừng cấp kinh phí bổ sung cho địa phương

Theo Bộ Tài chính, trường hợp địa phương không thực hiện chế độ báo cáo hoặc báo cáo không đúng, đầy đủ theo quy định về thực hiện kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu, Bộ sẽ tạm dừng cấp kinh phí bổ sung cho địa phương đến khi có báo cáo đầy đủ.

 Về bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới ở địa phương, Bộ Tài chính hướng dẫn, mức rút số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư số 342/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

 Mức rút số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới (bao gồm cả bổ sung có mục tiêu ngoài dự toán giao đầu năm), thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư số 342/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

 Hạch toán các khoản bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới ở địa phương thực hiện như quy định đối với các khoản bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

 Việc rà soát, đối chiếu số liệu rút dự toán chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu của ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Thông tư số 342/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

 Định kỳ hàng quý, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính tình hình thực hiện kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện các chính sách theo quy định.

 Trường hợp địa phương không thực hiện chế độ báo cáo hoặc báo cáo không đúng và đầy đủ theo quy định, Bộ Tài chính sẽ tạm dừng cấp kinh phí bổ sung cho địa phương cho đến khi địa phương có báo cáo đầy đủ.

 Về chi trả nợ của ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 342/2016/TT-BTC và khoản 3 Điều 2 Thông tư số 81/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính./. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 05/4, Minh Anh)Về đầu trang

Thanh tra Bộ Tài chính: Kiến nghị xử lý tài chính gần 12.055 tỷ đồng

Trong quý I/2021, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thiện và lưu hành kết luận thanh tra, kiểm tra của các cuộc thanh tra thực hiện trong năm 2020 chuyển sang, chủ động tổ chức chuẩn bị triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021, đã được phê duyệt.

 Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành, phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính.

 

Trong quý I/2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 6.716 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tiến hành kiểm tra 79.868 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 1.770 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính 12.054,935 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 2.228 tỷ đồng, kiến nghị khác gần 9.827 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính trên 399 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp NSNN trên 814 tỷ đồng. 

Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị yêu cầu rà soát, đôn đốc thu hồi nợ thuế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu và các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án… Kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

 Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, ngay từ những tháng đầu quý I/2021, Thanh tra Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng kế hoạch khảo sát, thu thập thông tin, bố trí lực lượng để chuẩn bị triển khai kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt và phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, riêng Thanh tra Bộ Tài chính đã lưu hành 8 kết luận thanh tra chuyên ngành, kiến nghị xử lý về tài chính trên 4.896 tỷ đồng; lưu hành 2 kết luận thanh tra hành chính, kiến nghị thu nộp NSNN 15,6 tỷ đồng.

 Kết quả sau kiến nghị, các đơn vị được thanh tra đã tiến hành nộp NSNN trên 6,4 tỷ đồng (từ các cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính trên 4 tỷ đồng; từ các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên 2,4 tỷ đồng). (Thoibaotaichinhvietnam.vn 05/4, Vân Hà)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I viết kiểm điểm

Ngày 5/4, theo yêu cầu của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Nguyễn Trường Sơn, ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I phải gửi bản kiểm điểm về Bộ Y tế trước ngày 7/4 để báo cáo Ban cán sự Đảng xem xét, quyết định các hình thức kỷ luật.

 Trước đó, ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ra quyết định đình chỉ công tác chuyên môn của ông Vương Văn Tịnh để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra liên quan vụ việc bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý lập "phòng bay lắc", bán ma túy bên trong cơ sở y tế này. 

Một số cán bộ tại cơ sở y tế này cũng bị tạm đình chỉ công tác chuyên môn để hợp tác với cơ quan điều tra, gồm bác sĩ Đỗ Thị Lưu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm, điều dưỡng trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho đối tượng Nguyễn Xuân Quý.

 Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Tâm thần Trung ương I hợp tác chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý vụ việc theo quy định. Tập thể lãnh đạo bệnh viện tiếp tục kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan.

 Đồng thời, cơ sở y tế này cần ổn định tư tưởng cho đội ngũ cán bộ nhân viên yên tâm công tác, đảm bảo thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân.

 Trước đó, ngày 31/3, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP Hà Nội đã triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy do Nguyễn Xuân Quý - người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cầm đầu. Đối tượng này đã cải tạo phòng điều trị trong bệnh viện thành một phòng có cách âm, lắp loa, đèn trang trí để sử dụng và mua bán ma túy. (Vov.vn 05/4, M.K)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Bộ Giáo dục Trung Quốc khuyến nghị giờ ngủ của học sinh

Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khuyến nghị về số giờ ngủ tối thiểu đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Khuyến nghị được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

 Theo thông tư của Bộ Giáo dục Trung Quốc về cải thiện chất lượng giấc ngủ của học sinh, số giờ ngủ tối thiểu đối với trẻ em, học sinh bậc tiểu học tối thiểu là 10 tiếng/ngày, trong khi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông nên ngủ từ 8 - 9 tiếng mỗi ngày. Cụ thể, giờ ngủ tối đối với học sinh tiểu học được khuyến cáo không nên muộn hơn 21h20, trong khi đối với học sinh trung học cơ sở là 22h00 và đối với học sinh trung học phổ thông là 23h.

 Kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện mới đây tại 10 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc cho thấy, học sinh bậc tiểu học có thời lượng ngủ trung bình 9,5 giờ/ngày, trong khi học sinh trung học phổ thông ngủ trung bình 8,4 giờ/ngày. Theo chuyên gia của Bộ Giáo dục Trung Quốc, trong nhiều trường hợp, chương trình học đã trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến giấc ngủ của học sinh. Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ của các em còn chịu tác động của các trò chơi điện tử.

 Theo thông tư của Bộ Giáo dục Trung Quốc, các cơ quan quản lý giáo dục Trung Quốc cũng sẽ triển khai những công cụ kỹ thuật để đảm bảo không có dịch vụ trò chơi điện tử nào dành cho trẻ vị thành niên trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 8h sáng hôm sau. (VTV.vn 04/4)Về đầu trang./.

 

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

More